Sunday, July 21, 2019

Vịnh Hạ Long phải hứng chịu 7 tấn rác thải mỗi ngày

Rác thải lềnh bềnh trên vịnh Hạ Long. (Hình: Thanh Niên)
QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Lượng rác thải trên Vịnh Hạ Long đang ở mức báo động khi mỗi ngày cơ quan hữu trách phải thu gom khoảng bảy tấn rác để đưa vào bờ tiêu hủy.
Tờ Thanh Niên dẫn tin từ Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hạ Long ngày 19 Tháng Bảy, 2019, cho biết hiện lượng rác thu gom trên Vịnh Hạ Long “không giảm đi mà ngày càng nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày kỳ quan này phải ‘gánh’ khoảng bảy tấn rác, trong đó đa phần là rác thải nhựa trôi nổi do người dân và du khách vô tư ném xuống biển.”
Cũng theo Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hạ Long, mỗi năm các đơn vị hữu trách ở thành phố này thu gom khoảng 1,000 tấn rác trên vịnh. Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, lượng rác thu gom trên Vịnh Hạ Long là 573 tấn, trong đó 220 tấn rác ven bờ và 353 tấn ngoài biển.
Để thu gom và xử lý được số lượng rác kể trên, chính quyền thành phố Hạ Long đã phải chi gần 14 tỷ đồng ($601,326) nhưng chưa đủ để hợp đồng với hai doanh nghiệp là Công Ty Phúc Thành làm nhiệm vụ gom rác ven bờ, với sáu tàu cùng 30 nhân viên. Các vị trí xa bờ và những điểm dừng chân của tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long được giao cho Công Ty Cổ Phần Cây Xanh Công Viên Quảng Ninh với 30 tàu thuyền cùng 50 người thực hiện.
Trung bình mỗi ngày vịnh Hạ Long “nhận” được khoảng 7 tấn rác. (Hình: Thanh Niên)
Anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân Công Ty Cổ Phần Cây Xanh Công Viên Quảng Ninh, cho biết: “50 người chúng tôi dùng 30 thuyền nan chia nhau đi thu gom rác, mỗi ngày tám tiếng gom được ba tấn rác nhưng đến hôm sau thì rác lại đầy.”
Lý giải nguyên nhân Vịnh Hạ Long thời gian gần đây luôn ngập rác, anh Nguyễn Văn Hiền, công nhân Công Ty Cổ Phần Cây Xanh Công Viên Quảng Ninh, nói: “Cứ có gió mạnh là rác thải trôi từ Vịnh Lan Hạ (huyện Cát Bà, thành phố Hải Phòng) sang. Rác thải gom được có đủ loại, nhưng đa phần là vỏ chai lọ, túi ni lông, phao xốp.”
Hầu hết rác thải nhựa thu được là vỏ chai, lọ do du khách ném xuống biển. (Hình: Thanh Niên)
Trong khi đó, ông Phạm Đình Huỳnh, phó trưởng Ban Thường Trực Ban Quản Lý Vịnh Hạ Long, cho rằng để giảm lượng rác trên vịnh, vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát nguồn thải. Còn nếu cứ áp dụng biện pháp thu gom như hiện nay thì chẳng ăn thua gì.
“Theo tìm hiểu của chúng tôi, rác là phao xốp phần lớn từ Vịnh Lan Hạ và một phần từ Vịnh Bái Tử Long dạt về, bởi ở khu vực Vịnh Hạ Long, chính quyền đã cấm dùng vật liệu xốp làm phao cho các nhà bè mà thay thế bằng phao nhựa. Ngoài ra, một bộ phận du khách từ các tàu tham quan thuê theo giờ, thậm chí từ tàu nghỉ đêm vẫn xả rác xuống biển,” ông Huỳnh biện minh. (Tr.N)

Nguyễn Phú Trọng xuất hiện, lo sợ dân biểu tình, kêu gọi ‘đừng để bị kích động’

Ông Nguyễn Phú Trọng, hình được Thông Tấn Xã Việt Nam nói rằng chụp hôm 20 Tháng Bảy. (Hình: Facebook Thông Tấn Xã Việt Nam)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động, kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.” Đó là phát ngôn mới nhất của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng được báo VietNamNet trích dẫn hôm 20 Tháng Bảy.
Lời kêu gọi của ông Trọng được đưa ra trong bối cảnh hôm 19 Tháng Bảy, các báo nhà nước đồng loạt dẫn lời bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN: “Yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển hoàn toàn của Việt Nam.” Tuy đã nhắc tên “Trung Quốc” thay cho hai từ “nước ngoài” trước đó, nhưng bà Hằng vẫn không đả động gì đến “Bãi Tư Chính” ngoài mô tả chung chung là “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.”
Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng CSVN đã hoàn toàn “câm lặng” rồi sau đó mới dè đặt đưa ra phát ngôn “lấp liếm” hơn mười ngày sau vụ đối đầu giữa tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Cộng và tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam ở Bãi Tư Chính. Điều này được giới quan sát suy đoán là do CSVN lo sợ người dân xuống đường biểu tình chống Trung Cộng.
Đến nay, dù thời gian qua, các báo nhà nước ở Việt Nam được phép đưa tin diễn biến các cuộc biểu tình dài ngày của người dân Hồng Kông chống nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc, nhưng vẫn tuyệt đối “cấm kỵ” nhắc đến biểu tình trong nước.
Với phát ngôn mới nhất, ông Trọng cho thấy ông này vẫn kiên định lập trường quen thuộc của giới lãnh đạo CSVN rằng biểu tình của người dân nếu có xảy ra “là do các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính.”
Trong một diễn biến khác, việc Bộ Ngoại Giao CSVN chậm lên tiếng về vụ xung đột tại Bãi Tư Chính khiến cộng đồng mạng nhận diện được bộ mặt thật của một số nhà báo kỳ cựu lâu nay được cho là “có tầm ảnh hưởng đến công luận.” Một trong số đó là nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, người hiện đang bị nhiều chỉ trích vì nêu quan điểm trên trang cá nhân: “Chúng (tàu của Trung Cộng) phải bị lực lượng chấp pháp trên biển của ta giám sát. Giám sát kiểu gì là chuyện quân sự, báo chí cần gì phải biết!”
Đến sáng 20 Tháng Bảy, ông Vân thêm một lần nữa dán nhãn những người chỉ trích ông là “các nhà dân chủ giả hiệu” và xóa các comment phản biện ý kiến của ông với lý do “không muốn tranh luận.” (T.K.)

Phát hiện đường dây in, lưu hành tiền giả Việt Nam ở Đắk Nông

Tiền giả được quảng cáo bán trên mạng xã hội. (Hình: Người Lao Động)
ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Theo báo Người Lao Động, sáng 20 Tháng Bảy, 2019, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Đắk Nông đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam sáu người để điều tra về tội “làm, tàng trữ và lưu hành tiền giả.”
Tin cho biết, ngày 20 Tháng Mười Hai, 2018, Công An huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) nhận được tin báo từ người dân có một thanh niên dùng hai tờ tiền giả mệnh giá 500,000 đồng ($21.4) để mua hàng qua mạng Internet.
Công an bắt khẩn cấp Ngô Nguyễn Trung Hiếu (20 tuổi, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long) và chuyển cho Công An tỉnh Đắk Nông để điều tra.
Tại công an, Hiếu khai được Phạm Hữu Chí (20 tuổi, huyện Cư Jút) nhờ cất giùm ba tờ tiền giả mệnh giá 500,000 đồng. Sau đó, Hiếu dùng số tiền giả trên mua hàng thì bị phát hiện.
Mở rộng điều tra, công an xác định Phạm Hữu Chí thường xuyên mua tiền giả của ông Nguyễn Đức Huy (31 tuổi ngụ quận 10, Sài Gòn) để mang đi mua ma túy và tiêu xài.
Ngày 13 Tháng Mười Hai, 2018, Chí rủ Mạch Xuân Thái (29 tuổi) và Nguyễn Ngọc Quang Đăng (24 tuổi, cùng ngụ quận Tân Bình, Sài Gòn) mua 14 triệu đồng tiền giả của ông Huy rồi mang về Đắk Nông tiêu thụ. Tuy nhiên, sau khi cả hai  đang dùng tiền giả mua hàng thì bị người dân phát hiện báo công an.
Ngày 24 Tháng Tư, 2019, khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Huy, công an thu giữ được các dụng cụ để sản xuất tiền giả, cùng 71 tờ tiền giả mệnh giá 500,000 đồng.
Tại cơ quan điều tra, ông Huy khai trong khoảng thời gian từ Tháng Mười, 2018 đến Tháng Năm, 2019 đã làm được hơn 1.5 tỷ đồng ($64,427) tiền giả toàn mệnh giá 500,000 đồng. Số tiền giả này ông Huy đã bán cho nhiều người, trong đó có Nguyễn Thị Ngọc (25 tuổi, huyện Gò Dầu, Tây Ninh), Nguyễn Trọng Nhân với tỉ lệ một triệu đồng ($42.9) tiền thật mua được 3-4 triệu đồng ($128 – $171) tiền giả.
Đến nay Cơ quan Cảnh Sát Điều Tra, Công An tỉnh Đắk Nông đã khởi tố, bắt tạm giam sáu người. Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng. (Tr.N)

Nguyễn Xuân Phúc lại bị dân mạng chế nhạo vì phát ngôn ‘lạ’ về kinh tế

Ông Nguyễn Xuân Phúc bị dân mạng chế diễu là đi đến đâu cũng nói toàn ‘cụm từ sáo rỗng’. (Hình: Báo Công Thương)
LÀO CAI, Việt Nam (NV) – “Nếu quyết tâm cao thì trong vòng 15, 20 năm nữa, Lào Cai sẽ là một điểm sáng lớn trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Lào Cai được ví như con rùa vàng, một trong tứ linh của văn hóa Việt (long, ly, quy, phượng), lại ở địa đầu tổ quốc, hình tượng Kim Quy càng tôn nên vị thế vững chãi, uy nghi…” Phát ngôn của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc tại Hội Nghị Xúc Tiến Đầu Tư, Thương Mại, Du Lịch tỉnh Lào Cai diễn ra hôm 20 Tháng Bảy được báo Công Thương dẫn lại.
Không chỉ tại Lào Cai, ông Phúc, như mọi lần, khi đến các địa phương thì luôn hào hứng đặt mục tiêu phát triển “ấn tượng” cho địa phương đó. Sau khi bị dân mạng cười nhạo về “điệp khúc” của ông Phúc khi đi đến đâu cũng mạnh miệng nói nơi đó “phải là đầu tàu của…,” ông này đã không còn dùng cụm từ sáo rỗng đó nữa mà phải liên tiếp chế ra những mỹ từ khác.
Hồi Tháng Năm, 2019, trang tin BaoQuocTe.vn (Thế Giới và Việt Nam) dẫn phát ngôn mang tính đánh đố của ông Phúc khi đến thăm Hải Phòng: “Hải Phòng có muốn trở thành trung tâm phía Bắc không? Và muốn như vậy, phải làm gì? Câu trả lời là có và cần thiết!”
Ngay trước chuyến đi dự hội nghị ở Lào Cai, ông Phúc cũng gây hoang mang khi ban hành công văn yêu cầu các bộ, địa phương phải chủ động nghiên cứu chính sách… “kinh tế ban đêm” của Trung Cộng.
Thuật ngữ này được trang tin VietnamFinance giải thích: “Kinh tế ban đêm” là một trong những biện pháp mới nhất được Trung Quốc áp dụng. Cụ thể, 10 con đường có các hàng ăn ban đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi mở 24/7 tại Bắc Kinh là những nơi đầu tiên nhận được trợ cấp của chính phủ Trung Quốc để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ban đêm. Ngoài ra, các dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện cũng đã được tăng tuyến, tăng thời gian phục vụ trong đêm. Tại Bắc Kinh, từ Tháng Năm đến Tháng Mười hằng năm, các phương tiện giao thông công cộng sẽ kéo dài thời gian hoạt động khoảng 1 giờ rưỡi vào các ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy, đặc biệt là các tuyến đi qua những con đường kinh doanh sầm uất vào ban đêm. Ngoài Bắc Kinh, khoảng hai năm trở lại đây, một loạt thành phố lớn như Thượng Hải, Thiên Tân… cũng đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy nền kinh tế ban đêm thông qua các biện pháp trợ cấp tiền mặt cho các hộ kinh doanh.”
Như vậy, thay vì nói đơn giản là có chính sách trợ giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ giải trí, ẩm thực vào ban đêm để thu hút thêm du khách, người đứng đầu chính phủ CSVN đã khái quát thành cụm từ “kinh tế ban đêm” cho thêm phần kỳ bí.
Đến nay, ông Phúc luôn tự hào rằng bộ máy của ông là “chính phủ kiến tạo,” “chính phủ số,” “4.0,”… tuy vậy, các khái niệm này chỉ thể hiện ở phát ngôn thay cho hành động. Bằng chứng là một trong những người cấp dưới của ông, Bộ Trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN Nguyễn Mạnh Hùng mới đây đòi doanh nghiệp Việt Nam phải phấn đấu tạo nên sản phẩm mạng xã hội và công cụ tìm kiếm “đủ sức thay thế Facebook, Google” mà bất chấp năng lực thực tế của doanh nghiệp công nghệ trong nước. Tham vọng này làm dấy lên suy đoán rằng chính phủ, đảng CSVN đang muốn dọn đường cho mạng xã hội Weibo và công cụ Baidu của Trung Cộng vào Việt Nam để dễ bề kiểm soát hành vi và tư tưởng của người dân trên không gian mạng. (T.K.)