Thursday, July 28, 2016

TQ yêu cầu Việt Nam điều tra vụ viết bậy lên hộ chiếu

Nữ du khách TQ cho biết rằng hộ chiếu của bà đã bị ghi một từ chửi tục sau khi bị nhân viên hải quan giữ khoảng vài phút.
Nữ du khách TQ cho biết rằng hộ chiếu của bà đã bị ghi một từ chửi tục sau khi bị nhân viên hải quan giữ khoảng vài phút.
VOA-28.07.2016
Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam điều tra thông tin việc một nhân viên hải quan ở TP HCM viết một từ chửi bậy trong tiếng Anh lên hộ chiếu của một nữ công dân nước này.
Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP HCM hôm 27/7 ra thông cáo lên án mạnh mẽ hành động “đáng hổ thẹn và hèn nhát”, đồng thời yêu cầu Việt Nam truy tìm và trừng phạt nhân viên hải quan viết bậy vào hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông.
Báo chí của quốc gia đông dân nhất thế giới hôm 27/7 dẫn lời một nữ du khách nước này cho biết rằng hộ chiếu của bà đã bị ghi một từ chửi tục sau khi bị nhân viên hải quan giữ khoảng vài phút.
Trung Quốc phát hành hộ chiếu mới có in hình bản đồ “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường đứt khúc 9 đoạn” vào năm 2012.
Mới đây, sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, một số nhân viên xuất nhập cảnh của Việt Nam đã không chấp nhận hộ chiếu này.
Thay vào đó, họ “cấp thị thực rời để thể hiện quan điểm không công nhận bản đồ” bao trọn gần như toàn bộ vùng biển tranh chấp.
Theo AP, People's Daily

Báo Việt Nam ‘nhận diện nhóm lợi ích bán nước, hại dân’

Bài viết "Nhận diện nhóm lợi ích 'bán nước, hại dân'" trên Báo Giáo dục Việt Nam.
Bài viết "Nhận diện nhóm lợi ích 'bán nước, hại dân'" trên Báo Giáo dục Việt Nam.
VOA Tiếng Việt28.07.2016 
Một tờ báo ở trong nước mới đăng bài bình luận, trong đó nói về chuyện có “nhóm lợi ích bán nước, hại dân”, “tạo điều kiện cho bọn xâm lược đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ”.
Báo Giáo dục Việt Nam thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng hôm 26/7 còn viết thêm rằng việc “bán nước, hại dân” không chỉ thể hiện ở “hành động cấu kết, tiếp tay cho các thế lực ngoại bang nhằm mưu lợi cho bản thân, dòng tộc, phe nhóm, gây thiệt hại tới chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc”, mà còn là việc “đem tiền thuế của dân mua đồ phế thải từ nước ngoài”, “đổ hàng nghìn tỷ tiền mồ hôi, nước mắt của dân vào các công trình để rồi bỏ hoang”, “làm cho đất nước nghèo đi, khiến đứa bé vừa chào đời đã trở thành con nợ, khiến tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm tràn lan, tệ nạn xã hội hoành hành”.
Tờ báo sau đó đưa ra một trong các dẫn chứng liên quan tới Formosa cũng như khu công nghiệp Vũng Áng mà Giáo dục Việt Nam viết là “vương quốc cho người nước ngoài trong lòng Hà Tĩnh”.
Báo này viết rằng “một nhóm lợi ích được hình thành từ mọi thành phần xã hội, từ những công chức bình thường đến quan chức cao cấp… đang từng ngày, từng giờ làm người dân mất niềm tin, làm dân tộc còi cọc về thể lực, làm văn hóa xã hội suy đồi…”
Nhận xét về bài viết, blogger Đoan Trang nói với VOA Việt Ngữ rằng dù bài báo dùng từ “rất là mạnh”, nó “vẫn nằm trong khuôn khổ của lề phải của báo chí chính thống”.
Bà nói thêm:
“Từ đó [‘bán nước, hại dân’] không phải là nhằm vào những kẻ bán nước hại dân ở cấp cao. Nó dùng chiêu bài vạch mặt những kẻ ‘phản quốc, hại dân’ để chống những thành phần cấp thấp, tham nhũng lặt vặt, chứ không phải thay đổi cả thể chế. Năm nay, kể từ hồi xảy ra vụ Formosa, mình cảm thấy mâu thuẫn nội bộ của họ nhiều hơn. Các phe phái dồn dập đánh nhau nhiều hơn”.
Tờ báo đặt dấu hỏi: “Một đất nước 90 triệu dân với rừng vàng, biển bạc nhưng máy bay, xe tăng, tên lửa, tàu chiến… chưa sản xuất được, đều phải mua của nước ngoài với số lượng hạn chế, vậy thì khả năng phòng thủ trước họa xâm lăng hiện hữu từ biên giới đến hải đảo sẽ tăng hay giảm?”
Báo Giáo dục Việt Nam viết tiếp: “Thế giới ngày nay, cuộc chiến đang dần được “tự động hóa” với máy bay không người lái, tàu ngầm không người lái, với robot chiến đấu… chúng ta không thể chiến thắng ngoại xâm chỉ với tinh thần yêu nước và những vũ khí cổ điển sản xuất từ thế kỷ trước”.
Báo thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam viết tiếp: “Một nền quốc phòng trang bị kém liệu có đủ sức răn đe mộng bành trướng, bá quyền của những cái đầu nóng? Làm yếu khả năng bảo vệ tổ quốc chính là tạo điều kiện cho bọn xâm lược đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ. Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ” khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ bán nước, hại dân? Vậy, liệu đã đủ bằng chứng để kết luận rằng đã hình thành nhóm lợi ích… bán nước, hại dân?”
Chưa rõ tờ báo nhắc tới ai có “mộng bành trướng, bá quyền của những cái đầu nóng” trong đoạn trên. Giáo dục Việt Nam trước đó từng đăng tải nhiều bài bình luận về Trung Quốc với các tựa đề như “Kế sách thâm sâu của Tập Cận Bình”, “[Trung Quốc] tự kỷ về lịch sử để thực hiện giấc mộng bá chủ biển Đông”, hay “Giấc mơ Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ thành cơn ác mộng ở biển Đông”.
Trước câu hỏi liệu tờ Giáo dục Việt Nam có được “bật đèn xanh” trước khi đăng những bài viết dùng các lời lẽ mạnh mẽ, mang tinh thần dân tộc, nhà hoạt động xã hội Đoan Trang, người từng có thời gian làm việc trong một số cơ quan báo chí nhà nước, nói thêm:
“Báo Giáo dục mình không biết cơ quan chủ quản của nó là những ai, và ai đứng sau nó, nhưng mà tờ này lâu nay vẫn giữ một thái độ chống Trung Quốc và chống luôn cả phong trào dân chủ. Tờ này ngôn từ rất là mạnh, khá lạ ở Việt Nam. Việc họ viết bài này đăng trên báo như vậy cũng không có gì là lạ, nhưng có thể cùng bài viết này, có thể không đăng được ở các báo khác. Chỉ tờ này mới đăng được thôi”.
Ở phần cuối của bài viết, tờ Giáo dục Việt Nam lên tiếng kêu gọi “tiêu diệt những kẻ bán nước, hại dân đó”.
Trong phần đường dẫn liên quan tới bài nhận định này, tờ báo đưa lại bài viết có tựa đề, “Nhóm lợi ích đang chuẩn bị để quyết tâm đối phó với Tổng bí thư [Nguyễn Phú Trọng]?” cùng bài, “Vì đồng tiền cho bản thân, họ đã quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Thủ tướng Phúc ‘dọn bãi chiến trường’ của ông Nguyễn Tấn Dũng?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức sau khi được Quốc hội bỏ phiếu tán thành, Hà Nội, 26/7/2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức sau khi được Quốc hội bỏ phiếu tán thành, Hà Nội, 26/7/2016.
VOA Tiếng Việt
26.07.2016 
Ông Nguyễn Xuân Phúc hôm 26/7 tuyên bố “không để tái diễn” vụ Formosa, trong khi có ý kiến nói ông đang phải “xử lý di sản” của người tiền nhiệm để lại.
Sau khi được Quốc hội khóa 14 tái bầu với đa số phiếu tán thành và chỉ có 4 người phản đối, ông Phúc đã lại tuyên thệ nhậm chức thêm một lần nữa, và có bài phát biểu, trong đó ông nói rằng Việt Nam “đang đứng trước nhiều vận hội phát triển, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức”.
Thủ tướng Phúc nói thêm rằng “để phát triển nhanh và bền vững, để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chấn hưng giáo dục và khoa học công nghệ, đặc biệt là bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển, quyết không vì phát triển mà hủy hoại môi trường”.
Ông nói tiếp:
“Sự kiện Formosa là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận, và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ”.
Tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Việt Nam được đưa ra gần một tháng sau khi Formosa “nhận trách nhiệm” và đồng ý đền bù vì gây ra thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung.
Về phát biểu của ông Phúc, ông Nguyễn Đình Hà, một ứng viên quốc hội độc lập, nói với VOA Việt Ngữ:
“Tuyên bố của ông Phúc cũng đáng ghi nhận, nhưng mà người Việt Nam nghe những câu phát biểu, những câu khẩu hiệu hay lời hứa đã quá nhiều rồi, và bây giờ người ta muốn nhìn thấy những hành động thực tế. Ví dụ như là, những người gây ra vụ Formosa này phải bị xử lý về mặt pháp luật đối với những gì họ đã làm sai, trái pháp luật cũng như những sự tắc trắc, vô trách nhiệm của họ. Trong vụ việc này còn rất nhiều người liên đới nữa cần phải bị truy cứu trách nhiệm”.
Mấy ngày qua, báo chí Việt Nam đăng tải nhiều bài viết về việc ký cấp phép hoạt động 70 năm cho Formosa của ông Võ Kim Cự, cựu bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Trả lời báo chí trong nước hôm 26/7, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên xem xét trách nhiệm của ông Cự trong các quyết định trước đây liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh.
Theo đánh giá của nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà, đương kim thủ tướng Việt Nam đang phải “dọn bãi chiến trường” của người tiền nhiệm.
Đầu năm 2008, văn phòng của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được cho là đã “đồng ý về chủ trương và nguyên tắc” đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.
Trang web của Văn phòng chính phủ Việt Nam hồi tháng Chín năm 2015 dẫn lời ông Dũng phát biểu tại lễ khánh thành một dự án của Formosa ở Hà Tĩnh rằng “Thành công của Tập đoàn Formosa không chỉ là thành công, là lợi ích của Formosa mà còn là thành công, là lợi ích của Hà Tĩnh và của Việt Nam”.
Ông Dũng, khi ấy, “cũng lưu ý Formosa cần hết sức quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng; đảm bảo an toàn lao động; đảm bảo chấp hành tốt pháp luật của Việt Nam cũng như những cam kết khi đầu tư; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường…”
VOA Việt ngữ không thể liên lạc được với ông Dũng cũng như Văn phòng chính phủ Việt Nam để phỏng vấn.
Về các vấn đề nên được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Việt Nam, ông Hà nói tiếp:
“Quốc hội phải có những tuyên bố và những hành động, việc làm cụ thể trong các vấn đề quan trọng của đất nước như môi trường liên quan tới Formosa, liên quan tới tài nguyên rừng, các dự án công nghiệp đang gây bẩn cho đất nước. Tiếp đến nữa là các vấn đề liên quan tới biển Đông thì quốc hội cần phải tuyên bố, những cái phát ngôn cụ thể, rõ ràng, mạnh mẽ mà người dân từ trước tới nay vẫn đang kỳ vọng mà quốc hội chưa làm”.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc tới quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam còn kêu gọi các bên “tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình”.

Dư luận với việc chôn chất thải Formosa ở Hà tĩnh

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-07-28  
000_9U22F.jpg
Người dân trong khu vực khu công ty Vũng Áng, Hà Tĩnh chụp hôm 3/12/2015.  AFP photo
Việc một số tổ chức và cá nhân ở Hà Tĩnh tiếp tay để chôn giấu chất thải của Formosa tại nhiều địa điểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như sức khỏe của cộng đồng.
Dân phát hiện
Tính đến ngày 23/7/2016, các cơ quan chức trách đã phát hiện 8 điểm chôn lấp và xử lý chất thải của Formosa Hà Tĩnh, tại nhiều khu vực thuộc thị xã KỳAnh và một số huyện thuộc tỉnh Hà tĩnh. Theo báo cáo của Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, khi kiểm tra chứng từ xuất kho cho thấy số lượng chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã đưa ra khỏi nhà máy lên đến 267 tấn, chứ không phải là 100 tấn như thông tin trước đây.
Trong một tâm trạng lo lắng, ông Liên, một người dân ở huyện Kỳ Anh Hà Tĩnh cho biết, tình trạng chôn lấp chất thải của nhà máy Formosa đã diễn ra từ nhiều năm qua, người dân ai, ai cũng biết song các cơ quan chức năng thì đã làm ngơ. Ông nói với chúng tôi:
Nói chung bây giờ mới phát hiện được, điều dân họ nói từ lâu rồi nhưng bây giờ mới lòi ra. Nhưng họ chôn bao nhiêu thì mình không biết được vì họ chôn trộm.
- Ông Liên, huyện Kỳ Anh 
“Nói chung bây giờ mới phát hiện được, điều dân họ nói từ lâu rồi nhưng bây giờ mới lòi ra. Nhưng họ chôn bao nhiêu thì mình không biết được vì họ chôn trộm. Đến khi họ giải quyết hâu quả thì người dân cũng chỉ biết họ đã móc lên rồi và để thí nghiệm, song kết quả ra sao thì chỉ ở trên biết chứ người dân cũng không biết được mà có biết cũng chẳng làm gì được. Người dân bây giờ khốn khổ vì mọi thứ nhiễm độc, cũng chẳng ai biết cái chất độc ấy ra thế nào, nhưng chất độc là chắc chắn có.”
Ông Sáng một người dân ở Vũng Áng cho rằng, đây là một chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh nhằm tiếp tay cho Formosa, mà bất chấp hậu quả đối với người dân khu vực này. Ông khẳng định:
“Đó là âm mưu và ý đồ của chính quyền Hà Tĩnh muốn che giấu cho Formosa, bởi vì chính quyền Hà Tĩnh cũng muốn có cái gì để làm quà tặng cho Formosa. Khi Formosa đến đây cắm đất để có ý định làm ăn lâu dài, thì người dân cũng cảnh giác với tất cả các việc làm của Formosa. Hiện nay nhân dân ở Kỳ Anh thì cực kỳ bức xúc, vì họ không hiểu rằng vì lý do gì mà người dân ở đây phải chịu đựng điều mà giống như chiến tranh diệt chủng như vậy.”
Ông Liên bày tỏ sự nghi ngờ:
“Tôi cũng không hiểu ông Giám đốc Môi trường nghĩ thế nào mà lại cho chôn như vậy, nhưng căn cứ vào các câu trả lời của ông ấy thì ông ấy bảo mua bùn ấy về trồng chuối hay gì đấy. Tôi nghĩ ông ấy biết (có chất độc) chứ đã là Giám đốc Môi trường thì làm sao không biết được? Tôi nghĩ chắc dân ở gần vùng đó sẽ biết ông ấy nhận tiền bao nhiêu, như thế nào ... có điều tra mới biết được.”
Theo báo Đại Đoàn kết ngày 14/7/2016, Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh là đơn vị không có chức năng xử lý chất thải công nghiệp, nhưng đã ký kết với Formosa Hà Tĩnh hợp đồng vận chuyển, xử lý bùn thải sinh hoạt và công nghiệp. Theo hợp đồng, Công ty Formosa phải giám sát địa điểm xử lý bùn thải và Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh phải chuyển giao số bùn thải của Formosa cho các đơn vị có chức năng xử lý. Song trên thực tế thì các bên đã không thực hiện cam kết và đã tự chôn lấp chất thải không đúng nơi quy định.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Đánh giá về hành vi nói trên, TS. Tô Văn Trường, một Chuyên gia độc lập về Tài nguyên nước & Môi trường nhận định:
“Khi mà đưa chất thải đi chôn lấp mà không đúng chức năng nhiệm vụ, như Công ty Môi trường Đô thị thì chỉ có chức năng xử lý, nước thải, chất thải sinh hoạt. Còn xử lý các chất thải độc hại thì phải được phép của cơ quan chức năng, vì thế đây là việc làm không đúng quy chế mà báo chí trong nước đã nói nhiều rồi.”
Ông Sáng cho biết, nguy hiểm nhất là các địa điểm tập kết hay chôn giấu chất xả thải của Formosa, có những nơi ở các địa điểm ở đầu nguồn sông Trí, là nơi cung cấp nước sinh hoạt hay sát với bãi biển Thiên Cầm. Theo ông, điều khó hiểu là khi phát hiện ra vụ việc này thì cơ quan thủy lợi đã cho xả nước từ các đập. Ông nói:
“Bãi đấy là bãi đất của chính quyền Thị xã Kỳ Anh cấp cho Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh, cái vùng đấy là rất gần với khu vực hồ nước cấp nước sạch cho dân sử dụng. Bây giờ người ta vẫn tiếp tục xả nước, nhưng xả kiểu lai rai, nhưng môi trường hiện vẫn ô nhiễm bình thường.”
Ông Sáng cho biết thêm, việc biển đã bị ô nhiễm nay trên đất liền cũng như vậy, điều đó đã làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của dân chúng địa phương và đẩy người dân vào tình thế tuyệt vọng chờ ngày chết. Ông bày tỏ:
Bộ Tài Nguyên Môi Trường và Sở Tài Nguyên Môi Trường Hà Tĩnh là hai nơi phải chịu trách nhiệm, đó là các anh quản lý nhà nước ở cấp Bộ và cấp Sở.
- TS. Tô Văn Trường 
“Cái này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cực kỳ nghiêm trọng, bây giờ ở đây nước uống bị ô nhiễm, cá ăn bị ô nhiễm, người dân thì thất nghiệp không có việc làm. Người dân bây giờ chỉ ngồi chờ chết thôi. Về sức khỏe thì mọi người đi khám thì có tới 80-85 % bị nhiễm độc tố. Những người đi khám đều có giấy xác nhận của Bệnh viện, nhưng Bệnh viện thì họ dặn rằng đừng để cho cán bộ chính quyền biết. Vì họ sợ rằng cán bộ chính quyền sẽ đe dọa cơ sở y tế.”
Nói về trách nhiệm của ngành Y tế trong việc xử lý các tác động của môi trường đối với người dân địa phương vùng ô nhiễm. Một vị bác sĩ tại Sài Gòn yêu cầu giấu danh tính khẳng định:
“Trước tình hình này lẽ ra Bộ Y tế phải triển khai cho khám tất cả những người có nguy cơ phơi nhiễm hay nhiễm độc thì phải khám 100%. Sau đó phải khám phân loại để xem có bị hay không bị và bị tới mức độ nào để có phác đồ xử trí. Theo quy định ở vùng dịch bệnh có nguy cơ phơi nhiễm chất độc thì anh phải có động tác khám sàng lọc. Nhất là nguyên nhân lại là do nhà nước và doanh nghiệp gây ra.”
Chúng tôi đã liên lạc tới ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu về vụ việc này, nhưng không nhận được sự trả lời.
Khi được hỏi, cơ quan quản lý nhà nước nào phải có trách nhiệm trong vấn đề để xảy ra việc chôn dấu chất thải của Formosa tại khu vực Hà Tĩnh?
TS. Tô Văn Trường khẳng định:
“Bộ Tài Nguyên Môi Trường và Sở Tài Nguyên Môi Trường Hà Tĩnh là hai nơi phải chịu trách nhiệm, đó là các anh quản lý nhà nước ở cấp Bộ và cấp Sở. Bây giờ Bộ TNMT đã đưa đoàn kiểm tra vào để lấy mẫu phân tích đánh giá mức độ độc hại như thế nào, phải từ đó để tìm ra nguyên nhân để có thể xử lý được.”
Theo TTXVN, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, cơ quan chức năng sẽ xác định rõ trách nhiệm của người phát sinh ra chất thải đó, rồi sẽ kiểm tra làm rõ năng lực, cơ sở pháp lý của người nhận chất thải.
Theo ông “Trường hợp đưa chất thải nguy hại ra môi trường chôn lấp thì theo quy định của pháp luật hình sự đã có quy định xử lý, quan điểm là sai phạm tới đâu, lỗi vi phạm tới đâu thì phải xử lý tới đó, xử lý thật nghiêm để răn đe.”

Quốc hội đã có báo cáo sai phạm của Formosa

 RFA 2016-07-28  
000_9U237.jpg
 Công nhân Việt Nam làm việc tại cảng nhà máy thép Formosa, tỉnh Hà Tĩnh hôm 4/12/2015.  AFP photo
Hôm qua chính phủ Việt Nam chính thức gửi đến quốc hội bản báo cáo công bố chi tiết những vi phạm của Formosa và thiệt hại do ô nhiễm môi trường mà Formosa gây ra ở các tỉnh miền trung Việt Nam thời gian qua.
Theo báo cáo này, công ty Formosa đã thừa nhận 53 sai phạm hành chính như tự ý thay đổi trái phép công nghệ luyện cốc, không xây lắp hồ lọc của trạm xử lý nước thải sinh hóa theo cam kết.
Liên quan đến những thiệt hại về kinh tế và xã hội, báo cáo cho biết ô nhiễm môi trường biển do nước thải của Formosa xả ra biển đã khiến khoảng 100 tấn hải sản chết dạt vào bờ. Báo cáo nhìn nhận sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Về lâu dài, các rạn san hô, sinh vật phù du cũng chết nên có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn biển, gây suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của người dân. Theo dự kiến một báo cáo chi tiết về thiệt hại môi trường sẽ được công bố vào đầu tháng 8 tới.
Báo cáo xác định ô nhiễm đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng hơn 17,600 tàu cá với 41,000 người.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại nặng nề với 9 triệu tôm giống bị chết, hàng ngàn lồng nuôi cá bị thiệt hại.
Hoạt động du lịch của các doanh nghiệp ở 4 tỉnh miền trung và nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội và Sài Gòn cũng bị ảnh hưởng vì lượng khách du lịch đến 4 tỉnh miền trung giảm. Báo cáo nhìn nhận sự việc đã làm giảm lòng tin của các tầng lớp nhân dân, gây nghi vấn về quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư, giảm lòng tin về khả năng của các cơ quan chức năng trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường. Người dân mất lòng tin vào sự an toàn của biển và các sản phẩm liên quan như nước mắm, rong tảo… Báo cáo cho rằng sự việc còn tiềm ẩn nguy cơ an ninh khi nhân dân lo lắng về sinh kế, thất nghiệp, nợ nận, phá sản do không bán được hải sản.

Công an thu giữ hàng trăm tờ rơi biến Ðà Nẵng thành ‘China Beach’

Tờ rơi có nội dung “hô biến” biển Ðà Nẵng thành China Beach. (Hình: báo điện tử VietNamNet)
Tờ rơi có nội dung “hô biến” biển Ðà Nẵng thành China Beach. (Hình: báo điện tử VietNamNet)
ÐÀ NẴNG (NV) – Một công ty chuyên tổ chức tour bằng xe Jeep ở quận Ngũ Hành Sơn, đã phát tán poster quảng cáo có nội dung xuyên tạc Ðà Nẵng là “China Beach.”
Truyền thông Việt Nam loan tin, ngày 28 tháng 7, công an Ðà Nẵng đã kiểm tra công ty Tam’s Pub and Surf Shop, ở đường An Thượng 5, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, do trước đó trên mạng xã hội “lan truyền chóng mặt” nội dung tờ poster có 2 thứ tiếng Việt và Trung Quốc của công ty trên quảng cáo vị trí Biển Ðông của Việt Nam là “China Beach.” Công an đã thu giữ hàng trăm tờ poster hướng dẫn sai lệch này.
Trả lời các giới chức, ông Nguyễn Ngọc Bảo, con trai bà Lê Thị Tâm (52 tuổi), giám đốc công ty Tam’s Pub and Surf Shop, chuyên cho thuê xe jeep, tấm lướt ván và ăn uống phục vụ khách du lịch cho biết, 4 năm trước có nhờ 1 người ở Canada in giúp. Do không để ý nên công ty không biết việc Biển Ðông đã bị ghi xuyên tạc thành China Beach. Ông Bảo cũng cho biết, hàng ngàn tấm poster có nội dung sai lệch đã phát tán từ 4 năm trước.
Theo báo báo điện tử VietNamNet, thời gian qua, hoạt động du lịch và kinh doanh liên quan đến người Trung Quốc ở Ðà Nẵng đang được dư luận quan tâm.
Mới đây nhất, trong buổi làm việc với đoàn công tác của chính phủ lấy ý kiến sửa đổi bổ sung Luật Ðầu Tư, ông Trần Văn Sơn, giám đốc Sở Ðầu Tư Ðà Nẵng cho rằng, đang có kẽ hở để người Trung Quốc lợi dụng. Cụ thể, họ tìm cách “lách luật” để đồng sở hữu đất đai tại Ðà Nẵng.
Ðặc biệt, có hiện tượng người Trung Quốc sang làm ăn nhỏ lẻ nhưng xin cấp thời hạn đến 50 năm, chủ yếu là để dễ ra vào theo giấy chứng nhận đầu tư mà không cần đến thị thực, nhập cảnh. (Tr.N)

Bão làm đổ cây, hợp tác xã đòi phạt tiền dân

Bão làm ngã cây đè trúng đường dây điện khắp nơi. (Hình: báo điện tử VNMedia)
Bão làm ngã cây đè trúng đường dây điện khắp nơi. (Hình: báo điện tử VNMedia)
VĨNH PHÚC (NV) – Cây bạch đàn bị bão quật đổ vào đường dây điện của hợp tác xã Ðiện An Lập ở huyện Phúc Yên, thay vì phải tự giải quyết thì ông chủ nhiệm lại bắt người dân trả công và dọa cắt điện cả làng.
Tố cáo đến báo điện tử VNMedia, gia đình bà Vũ Thị Tú, thôn Miếu Gỗ, xã Ngọc Thanh, huyện Phúc Yên, tức giận cho biết, sáng ngày 28 tháng 7, sau trận mưa bão, cây bạch đàn trước cửa nhà bị đổ vào đường dây điện của thôn, gây mất điện.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Bình, chủ nhiệm hợp tác xã Ðiện An Lập đã đến gặp gia đình và đề nghị “giải quyết nội bộ” vụ việc. Theo đó, gia đình phải bồi thường 1.5 triệu đồng “tiền phí khắc phục đường dây.” Nếu không đồng ý nộp tiền, hợp tác xã sẽ phạt theo luật là 10 triệu đồng. Thậm chí, nếu kiện cáo, thì sẽ cho cắt điện toàn bộ thôn.
Lo sợ cả thôn bị cắt điện, bà Tú đã vay mượn tiền trực tiếp đưa cho ông Bình, song ông này không ghi bất cứ hóa đơn chứng từ nào.
“Cây bạch đàn nhà tôi trồng nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện từ trước khi lắp đặt đường dây này. Ðây là việc không ai mong muốn, vì vậy các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giúp người dân. Ðằng này, họ lại vòi vĩnh, yêu cầu người dân phải nộp tiền,” bà Tú phúc trình trong đơn tố cáo.
Thế nhưng nói với phóng viên VNMedia, ông Bình phủ nhận hoàn toàn việc nhận tiền của gia đình bà Tú. Ðể xác định sự việc, phóng viên liên hệ tiếp với lãnh đạo Sở Công Thương Vĩnh Phúc và lãnh đạo huyện Phúc Yên, nhưng chưa nhận được phản hồi. (Tr.N)

Hậu họa kinh tế từ vụ Formosa xả độc

Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Sau 84 ngày toan tính ém nhẹm không xong, nhà cầm quyền CSVN đành phải để tập đoàn làm ăn bất lương Formosa nhận lỗi là thủ phạm chính gây ra thảm họa cá chết Miền Trung (30-06), bồi thường ở mức rẻ mạt so với thiệt hại lớn lao ước tính hàng chục tỷ Mỹ Kim, mà hậu họa cho dân tộc Việt tới nửa thế kỷ. Nửa tháng sau ngày nhận lỗi (18-07), Formosa, qua báo chí Đài Loan, đã phản công, nói là “cá chết không phải tại chất thải của Formosa, đồng thời cáo giác Hà Nội hành xử như kiểu “bắt con tin” để đòi tiền chuộc” [1]. Hà Nội chưa có phản ứng gì. Từ đầu, thái độ, cung cách của nhà cầm quyền CSVN trong vụ Formosa làm cho dân chúng càng tin rằng, các lãnh tụ tại Ba Đình “ngậm hột thị”.

500 triệu Mỹ Kim Formosa hứa đền (nếu có) không thể giải quyết gì cho 1 triệu người mất kế mưu sinh vĩnh viễn. Và đến gần 5 triệu người thuộc 4 tỉnh Miền Trung chịu hậu quả từ thảm họa Cá chết. Đó là chưa kể đến hệ lụy về kinh tế, môi sinh phải đến 50 năm sau mới khắc phục được, như chính báo Nhân dân của cộng đảng xác nhận. Biển chỉ trở lại bình thường, nếu như vùng biển này không còn bị các chất độc hại tiếp tục xả vào nguồn nước [2].

Cả nước thật bất ngờ, ngạc nhiên khi đại tập đoàn Formosa được đảng CSVN bao che tận tình, trong khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân thì bị đảng chèn ép đến phá sản hàng loạt trong nhiều năm nay. Formosa gây đại thảm họa môi sinh, làm chết và thương tật nhiều người, cả triệu nhân công lâm cảnh mất kế sinh nhai, chết dần mòn... thì được đảng và nhà nước cộng sản vỗ về, bao che; trong lúc dân Việt Nam bị trấn áp, đánh đập đến thương tích, bắt bớ, đày ải, cướp hết cửa nhà như thứ kẻ thù.

Khi Formosa nhận lỗi, xin tha thứ; thì đồng thời cũng là lúc đảng kêu gọi nhân dân hãy độ lượng. Nhưng lời kêu gọi của đảng hàm chứa mệnh lệnh “bắt dân im lặng”. Dân lên tiếng ôn hòa, thì đảng “xuống tay” đàn áp dã man, nổ súng, gây đổ máu trong cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Formosa và đòi Bộ Trưởng Tài Nguyên Môi Trường, Trần Hồng Hà phải từ chức, của 3000 ngàn nạn nhân Formosa tại Quảng Bình, ngày 07-07.

Hôm 12 tháng 7, tờ Tuổi Trẻ và Người Đưa Tin, báo của đảng, đều đăng phóng sự, mô tả tiến trình, nhờ dân chúng, báo chí mới biết nơi chôn chất độc hại. Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh bắt buộc phải vào cuộc và khám phá ra 100 tấn chất thải của Formosa được chôn lấp dưới lòng đất gần đầu nguồn sông Trí, thuộc trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám Đốc Công ty Môi trường đô thị, thị xã Kỳ Anh. Tức giận vì báo chí phanh phui sự việc, Thứ Trương Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Võ tuấn Nhân “bực bội” đòi “lấy thẻ của mấy thằng nhà báo đó lại”. Còn Bộ Thông Tin Tuyên Truyền dự tính tuyên dương các phóng viên có công khám phá việc chôn lấp 100 tấn chất thải của Formosa.

Ngày 15-07, dân thị xã Kỳ Anh khám phá hai đường ống khác do Formosa xả nước thải: một ở phường Thắng Lợi, một khác tại Kỳ Anh. Do áp lực của dân chúng, Formosa phải đóng hai đường ống này. Ngày 18-07, cũng báo đảng còn khám phá thêm đến 10 địa điểm khác Formosa chôn chất thải độc hại dưới đất. Formosa chẳng những gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Việt Nam, mà còn là một cơn khủng hoảng to lớn về mặt kinh tế, xã hội, chính trị, ảnh hưởng sâu xa đến sự sống còn, độc lập của đất nước Việt Nam. Đảng CSVN, cho đến nay, chưa xác nhận cơ quan hay cá nhân phải chịu trách nhiệm và bị truy tố trong vụ Formosa.

Mặc dầu phạm nhiều sai lỗi, thái độ của Formosa rất hỗn xược, kẻ cả được thấy rõ trong văn thư, công khai phổ biến: “Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam”.

Lời xác định này cho thấy, Formosa đã nắm được sức mạnh “chống lưng”, nên họ lờ đi không kể gì đến an toàn và lợi ích của người dân Việt Nam. Đây là kết quả của cuộc “dàn xếp, mặc cả” giữa nhà cầm quyền CSVN và Formosa trong thảm họa cá chết Miền trung.

Nửa tháng sau ngày thảm họa cá chết khởi đầu, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng đến thăm tại chỗ (22-04) lên tiếng khen Formosa “phát triển đúng hướng”, thì 3 ngày sau, (25-04), tập đoàn Formosa qua Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại đưa ra thái độ thách thức dân tộc Việt Nam: "Muốn bắt cá tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được".

84 ngày (kể từ 06-04) giới cầm quyền CSVN gia tăng khác thường cường độ hành xử dối trá, lừa dân chúng bằng các cuộc biểu diễn tắm biển, ăn cá; bưng bít thông tin về nhiều người chết, ngộ độc, không cho công bố nguyên nhân; hàng trăm người bị đàn áp, bắt bớ, đánh đập mang thương tích; Gia tăng kiểm soát, bắt bớ, tố khổ cả các phóng viên truyền hình, báo chí thuộc cộng đảng, dám nói lên sự thật...

Một đại thảm họa hàng ngàn tấn hải sản bị chết (kể cả các loại san hô, rong biển chết ngầm xếp lớp dưới đáy biển); khoảng 5 triệu người bị ảnh hưởng nặng đến đời sống; cả triệu người trực tiếp mất kế sinh nhai gia truyền. Hiện còn 166 gia đình với hơn 800 nhân khẩu, chưa chịu giao mảnh đất còn lại của gia đình cho nhà cầm quyền, vẫn ở lại gần khu Formosa thì lâm cảnh sống giở, chết mòn; trong đó, có 200 em nhỏ 2 năm qua không có trường học.

Dù Formosa đã nhìn nhận xả chất độc gây ra đại thảm họa môi trường biển, nhưng đảng và nhà nước CSVN có thể không bao giờ công khai nhìn nhận sai lỗi trong việc cấp giấy phép cho Formosa, dù cho họ từng biết tập đoàn này đã xả độc, gây nhiễm nguồn nước nhiều nơi trước Việt Nam. Cũng như giới cầm quyền không dám công bố mức thiệt hại kinh tế, dân sinh... hậu quả từ thảm họa này.

Vào ngày 04 tháng 07, Bộ Công Thương, dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm chỉ đạt 8% so với chỉ tiêu 10%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tăng liên tục từ tháng Hai năm nay được mô tả là “hiện tượng hiếm thấy suốt 20 năm”. Giá cả khu vực dịch vụ y tế (tăng 25%) và lương thực thực phẩm, giáo dục là những khu vực tác động mạnh nhất tới CPI trong 6 tháng qua. Việc tăng giá này khiến lạm phát tăng liên tục 5 tháng vừa qua. Giá vàng tại Việt Nam cũng rơi vào dao động bất thường.

Nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng tiêu cực đang xảy ra cho nền kinh tế vẫn nằm dưới đáy vực, không được các cơ quan chuyên trách nói đến. Tuy nhiên nếu hải sản, nguồn thực phẩm chính bị nhiễm độc và gạo sẽ dần trở thành khan hiếm thì sẽ kéo các mặt hàng nhu yếu phẩm khác tăng giá.

Báo Mới.com, của truyền thông lề đảng, ngày 03 tháng 07 năm 2016 nói rằng, tháng 04-2016, thẩm phán liên bang thành phố New Orleans - Mỹ, Chánh Án Carl Barbier, đã thông qua mức phạt lên đến 20 tỷ Mỹ Kim đối với Tập đoàn dầu khí Bristish Petroleum (BP) của Anh để giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, kinh tế và sức khỏe cho bên nguyên gồm hơn 100.000 cá nhân và doanh nghiệp có liên quan tới thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico, do Công ty dầu khí BP gây ra tháng 04 năm 2010. Trường hợp Formosa gây ra thảm họa cá chết cho 4 tỉnh Miền Trung, tháng 04-2016 có mức thiệt hại nhân mạng, tài sản tư nhân cũng như kinh tế cả nước cao gấp nhiều lần vụ BP gây ra ở New Orleans, Hoa Kỳ.

Cựu tù nhân lương tâm, luật sư Lê Công Định qua một dịp lên tiếng công khai:“những gì đã diễn ra trong 84 ngày kể từ khi xảy ra thảm họa cho thấy Chính phủ đã bỏ qua tất cả trình tự luật định cần thiết để tự mình điều tra và kết luận điều tra, qua đó tự mình xác định thiệt hại mà hoàn toàn không tạo điều kiện cho các nạn nhân thảm hoạ chính thức yêu cầu đòi bồi thường, rồi cũng tự mình làm việc riêng với Formosa để giải quyết sự việc và dễ dàng chấp nhận mức giá bồi thường 500 triệu Mỹ kim”.

“Để ấn định mức bồi thường thiệt hại, trên phương diện pháp lý, Tòa án luôn dựa vào kết quả thẩm định thiệt hại thực tế một cách độc lập. Các thiệt hại có thể bao gồm như sau: thiệt hại môi trường biển nói riêng, môi trường sinh thái nói chung và môi trường sinh hoạt cụ thể của ngư dân và các doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến biển tại những địa phương chịu ảnh hưởng của thảm hoạ, cùng những thiệt hại về sinh mạng và thương tật lâu dài của con người khi bơi lặn và ăn hải sản trong vùng biển có liên quan. Cho đến nay Chính phủ vẫn giữ thái độ im lặng, không công bố cách tính từng hạng mục thiệt hại và giá trị thiệt hại tương ứng bằng tiền, để hiểu vì sao Chính phủ chấp nhận con số 500 triệu Mỹ Kim”.

Trong tháng 7, có hai sự kiện lớn đều nói lên sự thật: Dân chúng và chính phủ Philippines tuy là nước nhỏ, quân sự yếu hơn Trung cộng. Họ chỉ dựa vào sức mạnh tinh thần dân tộc. Vũ khí của họ là pháp lý. Philippines đã “cắt đứt” đường lưỡi bò 9 đoạn do Trung Cộng tự ý vẽ ra tại Biển Đông, qua phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) hôm 12 tháng 7 [3].

Việc thứ hai, mặc dù cộng đảng làm rất nhiều trò bịp, bưng bít thông tin, trấn áp, bắt bớ bỏ tù dân lành trong suốt 84 ngày, nhưng do áp lực mạnh mẽ từ mọi phía, cộng đảng không thể bao che, đành phải để Formosa nhận lỗi. Đó là sự thật. Hiện nay tình thế rất thuận lợi cho nạn nhân thảm họa cá chết, đưa đơn kiện tập đoàn Formosa.

Theo Luật sư Lê Công Định: “Trong vụ kiện Formosa sắp tới, nếu mỗi nạn nhân nộp một đơn khởi kiện, sẽ có hàng ngàn vụ kiện đồng thời của hàng ngàn nạn nhân. Điều này luật pháp không ngăn cấm và hoàn toàn có thể tiến hành ngay. Hàng ngàn vụ kiện tiến hành đồng thời chắc chắn làm tê liệt hoạt động của Tòa án Nhân dân Hà Tĩnh. Trước đây nhà cầm quyền tưởng rằng cấm kiện tập thể thì sẽ dễ kiểm soát an ninh hơn. Song tôi tin rằng hàng ngàn vụ kiện sắp tới nhắm vào Formosa sẽ là vấn đề an ninh nghiêm trọng và tồi tệ nhất của nhà cầm quyền từ trước đến nay”.

Rất nhiều chuyện sự thật liên quan đến những che đậy lâu nay của cộng đảng, sẽ phơi bày khi vụ kiện khởi sự cho đến lúc hoàn thành.

“... sự thật sẽ giải thoát anh em.” (Ga. 8, 32)

29.07.2016


____________________________________________



[3] Đường lưỡi bò 9 đoạn hay Đường chữ U do Trung cộng tự vẽ ra, trùm lên non 85% diện tích Biển Đông đã chính thức bị Toà trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration / PCA) tại thành phố The Hague/La Haye, Hoà Lan chính thức bác bỏ hôm 12/07/2016.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân ngồi nhầm chỗ...

Mai Tú Ân (Danlambao) - Sau khi tuyên thệ nhậm chức chủ tịch Quốc Hội lần thứ 2 trong vòng 4 tháng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã bốc hỏa mà nhầm lẫn lớn trong vai trò của mình. Đang là đương kim chủ tịch kiêm ĐBQH khóa 14, bà đang đại diện cho người dân đã bầu bà lên để bà có tiếng nói thay mặt họ ở diễn đàn Quốc Hội, cơ quan đại diện cao nhất của người dân.

Ấy thế nhưng những phát ngôn của bà kể từ khi được bầu vào chức danh cao nhất của QH lại không phải là tiếng nói của một ĐBQH, đại diện cho người dân, mà là tiếng nói đầy quyền lực của một lãnh đạo chính quyền, một trong Tứ Trụ Triều Đình Việt Nam.

Trong khi ba vị Tứ Trụ kia nói ít về những ngày đầu nhập môn thì bà Kim Ngân lại nói quá nhiều và quá dở. Đặc biệt là bà đã nhầm lẫn ngây ngô về quyền hạn và nghĩa vụ của một ĐBQH với quyền hạn và nghĩa vụ của một công chức chính quyền khi nói về việc lùi thời hạn thông qua Luật Biểu Tình.

"Lùi lại Luật Biểu Tình để có thời gian xem xét, nghiên cứu. Lợi ích phải hài hòa. Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn. Vì thế, Quốc hội khóa 14 sẽ nghiêm túc xem xét về dự luật này sau khi Chính phủ đã rà soát và trình lên Quốc hội"

Ô, hô... Một dự luật tốt như Luật Biểu Tình thì cả thế giới người ta đã thực hiện cả gần trăm năm nay rồi. Và liệu cái Quốc Hội của bà sẽ xem xét thế nào đây? Liệu có cấm theo kiểu thấy có tai nạn xe hơi thì cấm giao thông luôn không. Với lại luật biểu tình ra, nếu có rắc rối gì thì có luật chế tài, có lực lượng CA xử theo luật. Bà đừng có lo cho bò trắng răng.

Nhưng điều đáng nói hơn cả là một bộ luật tốt cho người dân như Luật Biểu Tình thì đáng lý phải được các vị dân biểu (ĐBQH) đưa ra và thúc đẩy phát triển thành luật ở Quốc Hội. Và nếu có sự phản đối thì sự phản đối đó phải xuất phát từ phía chính phủ hoặc ngành CA, là những nơi phải lo lắng vì trách nhiệm chứ không phải từ phía quốc hội. Ngoài ra với vai trò của một ĐBQH, thì bà Ngân phải làm trọn vẹn vai trò đại diện cho người dân trong việc thúc đẩy luật mau đi vào cuộc sống, chứ sao lại nhảy qua vai trò của chính quyền khi tuyên bố: "lùi dự luật này vì còn phải điều tra nghiên cứu", rồi: "Ra Luật Biểu Tình mà rối loạn..."

Đó phải là phát ngôn của bên CA, hay chính quyền nêu khó khăn ra để lấy cớ lùi luật biểu tình, chớ có phải của bà đâu. Đáng lẽ trong vai trò trách nhiệm của mình, bà phải cùng với các đồng nghiệp ĐBQH lên tiếng phản đối bất cứ ai cố kéo dài việc đưa luật Biểu Tình ra trước Quốc Hội chứ.

Tóm lại có lẽ bà Ngân chưa quên những ngày tháng cách đó chưa xa, khi bà vẫn còn là một quan chức chính quyền. Nên giờ đây bà cũng vẫn xử luật chính quyền, mặc dù đã chuyển sang quốc hội làm chức chủ tịch rồi

Thấy trước về vụ thụt lùi "Thời hạn đưa ra QH luật Biểu Tình", thì giờ đây sau những lời tuyên bố vừa xanh rờn vừa nhầm chỗ ngồi của bà đương kim chủ tịch QH VN kiêm UV BCT Đảng CS VN Nguyễn Thị Kim Ngân thì người dân thường VN biết ngay là, Luật Biểu Tình đã chết rồi.

Thôi rồi, tay nắm tay lần cuối
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau...


Thím Ngân điệu ghê!

Tư nghèo (Danlambao) - Nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày các bộ đội ta đã bỏ mình cho sự nghiệp "ta đánh Mỹ là đánh cho Nga, cho Trung Quốc", thím Ngân đã cùng với con hoang của bác Hồ, cháu ngoan của bác Tập (*) cùng với một bầy-chết-đi-dân-mừng đến đài tưởng niệm đặt bông cắm hoa để bày tỏ lòng thương thương tiếc tiếc và nhớ nhớ nhung nhung.

Sở dĩ Tư nghèo chỉ viết các bộ đội ta đã bỏ mình cho sự nghiệp "ta đánh Mỹ là đánh cho Nga, cho Trung Quốc" mà không có nhắc tới những người lính đã hy sinh trong trận chiến biên giới Việt-Tàu là vì Tư tui biết chắc rằng còn khuya các đồng chí ta mới... thèm bày tỏ lòng tưởng nhớ đến những người đã chết vì chiến đấu lại kẻ thù phương Bắc, nhưng lại là những ân nhân của các đồng chí ta, đã giúp cho cả đám được yên bề gia thất với mười mấy cái ghế BCT đỉnh cao quyền lực sau đại hội 12.

Không tin thì bà con trong thôn cứ nhìn lại tấm hình này cho rõ để khỏi bị "sự cố" tin chết liền.

Mộ bia tụi nó còn phá thì đừng nói chuyện bày tỏ lòng tưởng nhớ!

Cho nên cứ mỗi độ hăm bảy tháng bảy chạy về, làm ơn nhớ giùm và đừng nhớ bậy là các đồng chí đảng ta chỉ làm cái mặt buồn như bị mất ghế phải về làm đồ tử tế, cúi đầu nhìn xuống xi măng là để tưởng niệm những người đã hy sinh trong sự nghiệp đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào, đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam thôi nghe.

Trời đất! Chết mẹ! Thấy bà! Lan man quên cha nó cái vụ Thím Ngân điệu ghê như đã giựt tít!


Thấy không, nhìn vào cả đám đầu đen, đầu bạc, đầu hói, đầu lưa thưa (chỉ có thiếu cái quy đầu 3X), tất cả đen thủi đen thui như băng đảng máu nhuộm bãi Thượng Hải, thì thím Ngân kiêu sa, lộng lẫy, hoành tráng, đổ nước nghiên thùng, chim(formo)sa cá ngỏm. Nhìn màu áo của thím là bảo đảm không thấy phố thấy nhà chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ, là bảo đảm không thể quên được những xác người máu me trên đại lộ kinh hoàng trong sự nghiệp đốt cả dãy Trường Sơn của bác Hồ từ bi đại bác.

Mới ngày nào, khi Obama sang thăm Việt Nam, cả nước sửng sờ nhìn phong cách cho lợn ăn cám bên ao cá bác Hồ:



Ngày nay cả nước lại thấy thêm một phong cách mới của thím: đi tưởng niệm người chết mà như đi ăn đám cưới người sống.

Nhưng mà thôi, thím Ngân nói - như vậy đủ rồi. Nói nữa thím lại lấy một rỗ cám lợn trút lên đầu và chửi "Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình" rồi thím ra lệnh cho các chú công an tiến hành "những việc cần làm ngay" là Tư nghèo thành liệt sĩ ngay.

Ghi chú:

(*) Con hoang của bác Hồ, cháu ngoan của bác Tập, là 2 đứa này:



28.07.2016

Lời kêu gọi đoàn kết biểu tình ngày Chủ Nhật 31/07/2016





SBTN - Để duy trì cuộc đấu tranh lâu dài và có hiệu quả, Mạng Lưới Blogger Việt Nam kêu gọi các tổ chức trong cũng như ngoài nước hãy gạt bỏ những khác biệt để ngồi lại cùng nhau đấu tranh qua hại giai đoạn: giai đoạn một là tổ chức các cuộc biểu tình rộng khắp, trải dài từ trong nước ra đến hải ngoại vào ngày Chủ Nhật, 31 tháng 7 năm 2016. Giai đoạn hai sẽ là các cuộc biểu tình tự phát ở khắp mọi nơi với các khẩu hiệu như “Cá Muốn Sống, Chúng Tôi Muốn Sống”. Mạng Lưới Blogger Việt Nam cũng kêu gọi các tổ chức trong, ngoài nước kết hợp làm việc với nhau để cùng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các NGO, tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới, đặc biệt là Chương trình về Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), cũng như tiếp tục gia tăng hoạt động truyền thông mạng cho chủ đề bảo vệ môi trường, vạch trần những sai trái của Formosa.

Mời quý vị ghé thăm trang nhà của SBTN tại địa chỉ: WWW.SBTN.TV

Để xem trọn các chương trình của SBTN, xin hãy liên lạc với DirectTV hoặc các hãng cable địa phương của quý vị.

Chính trong lúc này chúng ta cần bên nhau hơn bao giờ hết

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Formosa là phép thử lương tâm người Việt. Hầu như đa số mọi người cúi đầu cam phận trước thảm họa môi trường sinh tồn ghê gớm nhất và toàn diện nhất trong lịch sử nước nhà. Phép thử cho kết quả rằng chúng ta gần như chấp nhận phải sống với Formosa như đang phải sống với vô vàn những cơn lũ đang tàn phá đất nước này. Khác biệt chăng là Formosa có lẽ là cơn lũ lớn nhất chung cuộc kết liễu Việt Nam. Thay vì để mình bị chết đắm trong cơn lũ tuyệt vọng và vô cảm của cá nhân, hơn bao giờ hết chúng ta lúc này phải cần sát cánh bên nhau cho cuộc đấu tranh sinh tồn chung bởi lẽ đơn giản Formosa còn nước Việt mất. Nhân quyền, dân chủ, và tự do còn có nghĩa gì khi người hưởng những giá trị này là những thế hệ bị ung thư, tàn phế, và khuyết tật bẩm sinh ở trên đất nước mà những ông bà, cha mẹ, và anh chị thế hệ trước đã buông xuôi và ngoảnh mặt.

Dân chúng trong xã hội ngày nay ở Việt Nam chẳng khác gì những người mà nhà văn Lỗ Tấn ngày trước đã nhìn thấy trong xã hội Trung Quốc đương thời: “Dân mà còn ngu muội, hèn nhát thì dù thân thể có khỏe mạnh, cường tráng chăng nữa, cũng chỉ có thể làm thứ người mà người ta đưa ra chém đầu thị chúng và làm thứ người đứng xem cuộc thị chúng vô vị như thế kia mà thôi. Còn như đau ốm mà có phải chết đi ít nhiều thì chưa hẳn đã là bất hạnh.”

Còn gì buồn hơn và bi kịch bằng khi Formosa giết biển cả và gây ra bao thảm cảnh cho hàng triệu đồng bào mà đa số dân chúng nước ta chỉ biết khoanh tay đứng nhìn như đứng xem cuộc hành quyết thị chúng tuy họ có thể lờ mờ nhận thức rằng ngày nào đấy họ rốt cuộc cũng sẽ đứng vào vị trí của nạn nhân hôm nay dưới ánh đao của đao phủ. Món quà lớn nhất chúng ta dâng lên Formosa, xét cho cùng, chính là sự cam phận và vô cảm ấy của chính chúng ta. 

Nếu chúng ta tuyệt vọng thì hãy đấu tranh theo kiểu tuyệt vọng như hình ảnh vài nhóm người tổ chức các cuộc xuống đường kiểu du kích vừa qua. Ba bốn người lẻ loi bước trên phố xá nóng bức đông người qua lại để hô vang khẩu hiệu “Formosa cút xéo khỏi Việt Nam.” Dòng xe cộ chạy qua họ, dăm ánh mắt tò mò ngoái nhìn lại. Chỉ thế thôi, không một tiếng vang hưởng ứng. Ta nhìn cảnh này mà thấy ứa nước mắt, nhưng Formosa và bạo quyền nhìn cảnh này mà thấy hân hoan và tự tin cho sự vững chắc của tiền đồ của họ. 

Nhưng cuộc đấu tranh chung này không phải là cuộc đấu tranh của tuyệt vọng hay hy vọng mà là cuộc đấu tranh của bản năng sinh tồn của toàn thể dân chúng trước bước đường cùng chung. Vì thế sinh lộ duy nhất mở ra cho chúng ta chính là cuộc đấu tranh của đa số dân chúng đồng loạt phản kháng Formosa liên tục không ngừng nghỉ dưới nhiều hình thức đấu tranh cá nhân và tập thể khác nhau. 

Hãy hình dung bàn cân mà một bên là Formosa và một bên là hàng triệu người Việt Nam xuống đường liên tục để phản kháng hành động diệt chủng của họ. Nếu 90 triệu người tham gia vào cuộc đấu tranh thì sức nặng của Formosa cuối cùng chỉ là gam bất chấp những kẻ đồng mưu đứng sau lưng họ còn sức nặng của chúng ta là tấn. Trước cán cân như thế Formosa sẽ sớm bị hắt bay ra khỏi Việt Nam một sớm một chiều. 

Bước khởi đầu của cuộc đấu tranh chung là mọi người phải đồng hành với nhau. Những bàn chân cùng đi chung hướng sẽ tạo ra hy vọng và rồi mở ra con đường hồi sinh cho biển và con người Việt Nam như Lỗ Tấn từng nói: “Ta không thể nói hy vọng tồn tại hay không thể nói hy vọng không tồn tại. Hy vọng giống như những con đường trên mặt đất. Vì thật ra khởi đầu mặt đất không có đường, nhưng nhiều người đi lại thì thành con đường.”

Con đường sinh tồn và hy vọng của Việt Nam sẽ không chấm dứt ở đây với các thế hệ chúng ta và con cháu mà sẽ tiếp tục kéo dài mãi mãi khi những đôi chân đồng loạt bước ra từ trái tim riêng yêu nước xuống con đường đồng hành chung của cả dân tộc mà rất nhiều thế hệ tiền nhân đã trả giá đắt để đi qua trong suốt hơn bốn ngàn năm sinh tồn đầy bao thăng trầm. 

28.07.2016