Sunday, April 26, 2015

Đảng cộng sản-thắng hay bại cũng từ một lý do

 04/26/2015 - 09:34 — Song Chi.
Sau 40 năm, khi cuộc chiến tranh Việt Nam đã có một khoảng cách đủ dài về thời gian để được soi chiếu lại dưới cái nhìn tỉnh táo, khách quan hơn từ nhiều phía và khi hiện tại của đất nước, dân tộc dưới sự cầm quyền độc nhất của đảng cộng sản càng làm rõ thêm cái quá khứ ấy, có lẽ phải còn mơ ngủ lắm mới nhầm lẫn về lý do dẫn đến “chiến thắng” của đảng cộng sản.
Trong những năm qua, nhiều nhà báo, nhà bình luận chính trị, sử học trong và ngoài nước đã phân tích về những nguyên nhân, lý do đó. Từ nguyên nhân khách quan, tình hình thế giới thay đổi cộng với sự phản đối cuộc chiến của người dân Mỹ và thế giới nói chung khiến Hoa Kỳ phải quyết định rút khỏi VN, cho đến nguyên nhân chủ quan, sự quyết tâm tiến chiếm miền Nam cho bằng được của đảng cộng sản, ngay từ đầu khi hai miền vừa mới bị chia cắt cho đến khi Mỹ đã rút khỏi VN, Hiệp định Paris đã ký kết; việc Mỹ bỏ rơi đồng minh khiến quân lực VNCH không có đủ tài chính, vũ khí…tiếp tục chiến đấu trong khi miền Bắc vẫn nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Liên Xô, Trung Cộng và phe XHCN…Và có cả những lý do thuộc về sự sai lầm trong chiến thuật của cố Tổng thống Thiệu khi cho rút quân quá sớm, sau khi Buôn Mê Thuộc bị mất vào tay cộng sản, tinh thần mệt mỏi chỉ muốn kết thúc chiến tranh của người dân hai miền lẫn một số binh lính miền Nam…
Nhưng nhìn chung có thể gói gọn trong một câu, sở dĩ cộng sản đã thắng bởi vì họ bất chấp tất cả, họ không và chưa bao giờ thực sự vì quyền lợi của đất nước, dân tộc. Họ tiến hành cuộc chiến với sự mù quáng về ý thức hệ, về lý tưởng, tự nguyện biến VN thành bãi chiến trường cho hai phe cộng sản-tự do “nắn gân” nhau trên xương máu của người Việt.
Nếu thực sự biết nghĩ đến đất nước, nhân dân, đến hậu quả và cái giá phải trả, họ đã tìm cách tránh cho đất nước một cuộc chiến khủng khiếp và chọn một con đường thống nhất khác, bởi vì trong mấy quốc gia bị chia cắt trong lịch sử thế giới cận đại như Việt Nam, Đức hay Hàn Quốc, có quốc gia nào quyết chọn con đường thống nhất bằng bạo lực, bằng chiến tranh như đảng cộng sản VN đâu. Cùng lắm đến khi Hoa Kỳ đã rút, đảng cộng sản phải dừng lại, không tiếp tục tiến hành chiến tranh bất chấp ý nguyện của người dân miền Nam.
Có bao giờ đảng cộng sản có một cuộc trưng cầu dân ý chính thức trên toàn quốc rằng người dân có thực sự muốn đi theo con đường do đảng cộng sản lãnh đạo hay không. Hay là ngay từ đầu, trên một triệu người từ miền Bắc ồ ạt di dư vào miền Nam mà rất ít có chiều ngược lại, cho tới những ngày cuối cùng của cuộc chiến, quân đội Bắc Việt đi đến đâu người dân miền Nam bỏ chạy từ trước đó. Và câu trả lời rõ ràng nhất là hàng triệu người bỏ nước liều mạng ra đi sau ngày thống nhất chưa bao lâu, chiến tranh khốc liệt nhưng không mấy ai bỏ đi mà khi đất nước hòa bình người dân lại phải chạy trốn chế độ cộng sản. Cuộc di dân đó cho đến nay vẫn chưa hể chấm dứt, chỉ có điều thành phần ra đi đa dạng hơn, và bằng nhiều con đường khác hơn…
Đảng cộng sản quyết tâm đánh chiếm miền Nam không vì chính nghĩa chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam như họ đã rêu rao mà chỉ vì muốn nắm trọn quyền hành duy nhất. Cái quyết tâm ấy đã thể hiện ngay từ những ngày tháng Tám 1945 sau khi nắm quyền bính trong tay, đảng cộng sản liền tìm cách triệt hạ cho bằng hết các đảng phải và những lãnh tụ, chính khách đối lập khác. Đến khi thống nhất đất nước, họ cũng ngay lập tức gạt luôn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam qua một bên, tống giam hàng triệu dân quân cán chính VNCH vào tù để ngăn chặn mọi nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lực, nếu có.
Với cái khát vọng sâu xa “bao nhiêu quyền lợi ắt qua tay mình”, không chia sẻ quyền lực cho ai, không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của nhân dân. Còn cái giá phải trả là hàng triệu nhân mạng đã ngã xuống, là đất nước tan hoang sau cuộc chiền…chả nhằm nhò gì với họ.
Bây giờ, sau 40 năm, đảng cộng sản đã chứng tỏ không ai đánh mà đại bại trong hòa bình. Thất bại từ việc tự động phản bội lại toàn bộ lý thuyết cho đến mô hình xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa; phản bội toàn bộ lý tưởng mà một thời họ ra rả tuyên truyền sẽ xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ nghìn lần hơn xã hội tư bản, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, không có khoảng cách người giàu người nghèo, y tế giáo dục miễn phí…
Tất cả những lý thuyết, lý tưởng ấy đã bị chính những người cộng sản vứt vào sọt rác ngay cả trước khi toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ đứng đầu là Liên Xô sụp đổ, trước khi kinh tế kiệt quệ, cả dân tộc đứng bên bờ vực chết đói và họ buộc phải “mở cửa”, “đổi mới”, thực chất là sửa sai lại những cái họ đã tàn phá, đã phủ nhận trước kia như kinh tế thị trường, tư bản, tư hữu…Họ đã vứt bỏ từ khi đặt chân vào các đô thị của miền Nam và hoàn toàn thay đổi cách sống, lối nghĩ.
Thất bại trong việc xóa bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải dân tộc, chinh phục nhân tâm từ mấy chục triệu người dân miền Nam cho tới cả nước. Thất bại từ lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Khi vừa mới thắng trận, cộng sản đã cho thu hồi, đốt, xé sạch sách báo của chế độ miền Nam mà họ cho là “rác rưởi, độc hại”…Nhưng rồi nhiều năm sau, một số lượng lớn sách báo miền Nam được in lại công khai, một số khác dù không phổ biến, không được thừa nhận nhưng lại được lưu giữ trong đầu những ai có quan tâm tìm đọc; phần lớn âm nhạc thơ ca miền Nam được yêu thích cho đến bây giờ trong khi mấy ai còn muốn đọc lại những tác phẩm thơ ca, văn học, âm nhạc sặc mùi tuyên truyền một thời ở miền Bắc, ngoại trừ học sinh phải học trong trường?
Thất bại khi tất cả những gì họ lên án trước kia bây giờ chính họ lại đang thực hiện. Điều mỉa mai nhất, bây giờ thì chế độ nào mới thực là tham nhũng, phá hoại đất nước, kìm kẹp người dân, mới thực là bán nước, để mất dần lãnh thổ lãnh hải?
Thất bại, sai lầm trong việc chọn bạn, chọn đồng minh, chính Trung Cộng, đồng minh anh em “môi hở răng lạnh” của Hà Nội lại kẻ thù nguy hiểm nhất, thâm độc nhất, còn kẻ thù một thời là Hoa Kỳ thì bây giờ Hà Nội vẫn phải mong chờ sự giúp đỡ một tay từ kinh tế cho đến giúp ngăn ngừa âm mưu bành trướng của Trung Nam Hải…
Thất bại trong việc đưa đất nước trở thành một quốc gia giàu có, độc lập, tự do, người dân được sống trong no ấm, xã hội cộng bằng, tôn trọng pháp luật…
Nói tóm lại, thất bại toàn diện. Những ai vẫn còn cố bênh vực những “thành tích” của đảng cộng sản, ví dụ cuộc sống hôm nay dù sao vẫn tốt đẹp hơn hồi xưa trong chiến tranh hay thời bao cấp, nói như thế là lại tự so sánh với chính mình mà không so sánh với các nước xung quanh, và thử ngẫm xem trong 40 năm các nước khác đã đi được bao xa.
Tất cả những thất bại ấy cũng có cùng một nguyên nhân, lý do như khi đảng cộng sản giành được chiến thắng. Đó là không thực sự vì dân vì nước, không đặt quyền lợi của đất nước dân tộc lên trên hết. Họ chỉ biết vì quyền lợi và sự tồn tại của đảng cộng sản, và của bản thân.
Nếu thực sự biết vì dân vì nước, sau chiến thắng, họ đã ứng xử với bên thua trận nhân văn hơn, bỏ qua quá khứ, cùng nhau bắt tay xây dựng đất nước. Như vậy họ đã không lãng phí hàng trăm ngàn, hàng triệu nhân sĩ trí thức có học có tài ở miền Nam vào các trại cải tạo lao động, tù đày dài ngày, cùng hàng chục triệu lao động khác bị đẩy lên khu kinh tế mới hoặc gạt qua một bên vì chủ nghĩa lý lịch, rồi sau đó bỏ nước ra đi. Thù hận chia rẽ tiếp tục kéo dài.
Nếu thực sự vì dân vì nước họ nên học tập và làm theo mô hình kinh tế khá hơn hẳn của miền Nam thay vì phá nát miền Nam theo mô hình kinh tế quốc doanh bao cấp của miền Bắc, không tiến hành cải tạo tư bản, cải tạo công thương nghiệp, đổi tiền vài lần khiến kinh tế miền Nam nhanh chóng bị phá sản, cả nước lâm vào đói nghèo….Nếu thực sự vì dân vì nước họ đã khôn ngoan bắt tay với cựu thù Mỹ từ sớm, mở cửa làm ăn hội nhập với thế giới sớm hơn. Họ phải tìm cách tránh cuộc chiến với với Khơ Me Đỏ, và mạnh mẽ, cương quyết hơn nhiều để giữ gìn từng tất đất, biển, đảo không lọt vào tay Trung Cộng.
Thậm chí nếu vì ít học, ngu dốt, có tầm nhìn hạn hẹp không nhìn ra vấn đề sớm thì lẽ ra khi Liên Xô và cả khối XHCN cũ sụp đổ, họ nên chọn con đường tự thay đổi theo chiều hướng dân chủ thay vì quay lại bám lấy Trung Cộng để giữ vững chế độ.
Không chỉ một lần mà rất nhiều lần, khi đứng trước những biến chuyển của thế giới và những lựa chọn có tính quyết định đối với tương lai vận mệnh đất nước, dân tộc, đảng cộng sản đã luôn luôn có những quyết định sai lầm chỉ nhằm bảo vệ sự tồn tại độc tôn của đảng cộng sản bằng mọi giá, chứ không phải vì dân vì nước.
Chính vì thế mà suốt 40 năm qua, VN đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để giàu mạnh hơn, để hội nhập vào thế giới tự do dân chủ và thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Thời gian càng trôi qua, sự chậm trễ ấy càng có tác hại nặng nề hơn, chỉ cần so sánh mức độ phụ thuộc ngày càng tăng của VN vào Trung Quốc hay sự bành trướng ngày càng rõ ràng, quyết liệt của Trung Quốc trên biển Đông thì rõ.
Ngay cả đến bây giở đảng cộng sản VN vẫn chưa chịu thừa nhận những thất bại, sai lầm, thậm chí tội ác của mình đối với đất nước, dân tộc. Cho đến bây giờ họ vẫn chưa từng một lần nhìn ra cục diện thế giới, nhìn vào mối quan hệ Việt-Trung và cái thế nguy của VN, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân bằng một con mắt khác, tấm lòng khác. Họ vẫn tiếp tục “còn đảng còn mình”.
Và sự thua cuộc lần này của dân tộc VN có khi sẽ là cái giá khủng khiếp của sự trở lại ngàn năm nô lệ phương Bắc, nếu người Việt không nhìn ra bản chất của đảng cộng sản, của nhà cầm quyền và tự giành lấy quyền quyết định vận mệnh đất nước.

songchi's blog

Viết cho ngày 30/4: nỗi đau nào lớn hơn?

 04/25/2015 - 11:02 — nguyenvubinh
   
    Hàng năm, cứ đến ngày 30/4 là nhà cầm quyền Việt Nam lại tổ chức kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng các lễ mít tinh, diễu hành, diễu binh, duyệt binh. Đối với đồng bào người Việt hải ngoại, và rất nhiều đồng bào miền Nam ở trong nước, đây là ngày quốc hận, là nỗi đau chưa hề nguôi ngoai. Người ta đã nói nhiều tới nỗi đau của người dân miền Nam sau biến cố 30/4/1975 này, và đó là những sự thật hiển nhiên. Một quốc gia (Việt Nam Cộng Hòa), với chính nghĩa sáng ngời, tinh thần nhân bản đã bị cưỡng chiếm một cách đau đớn, tức tưởi. Từ sự kiện này, hàng triệu quân, dân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa đã phải vào các trại cải tạo, lao tù. Hàng chục vạn người đã phải bỏ nước ra đi, vượt biên vì không thể sống nổi trên quê hương. Hàng chục ngàn người đã nằm trong bụng cá và dưới đáy biển sâu…đó là số phận, là nỗi đau của bên thua cuộc.

     Tuy nhiên, ngoại trừ sự thất bại của cuộc chiến tranh (có nguyên nhân quan trọng từ việc đồng minh Mỹ bỏ rơi) mà người dân miền Nam ít nhiều có trách nhiệm, thì những nỗi đau khác, sự thống khổ, bi ai của người dân miền Nam là kết quả của những chính sách thâm độc, hiểm ác và tàn bạo của chế độ cộng sản Việt Nam. Đó là nỗi đau của nạn nhân, nỗi đau có sự thương xót và đồng cảm của đồng loại.

     Nhưng ngày 30/4 cũng chính là bước ngoặt và đưa tới một nỗi đau tột cùng cho bên thắng cuộc, cho những người được mệnh danh giải phóng người khác. Rất ít người nhận ra nỗi đau âm ỉ, dồn nén và không nói lên được của hầu hết những người thắng trận năm xưa, của những thế hệ dấn thân cho đất nước, cho dân tộc luôn nghĩ mình có chính nghĩa và lý tưởng nhưng cuối cùng lại không phải như vậy.

     Nỗi đau của bên thắng cuộc là nỗi đau từ từ, âm ỉ. Nó lớn lên cùng với nhận thức của chính những người trong cuộc, từ sự so sánh giữa lý tưởng và hiện thực, giữa lời nói và việc làm. Sau 30/4/75, đất nước sạch bóng quân thù, cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội….một sự vỡ mộng, bẽ bàng khủng khiếp từ từ xâm lấn tâm hồn bên thắng cuộc. Với độ lùi 40 năm sau ngày 30/4 đó, tất cả đã hiển hiện, bức tranh toàn cảnh của Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng cộng sản: Sự toàn vẹn lãnh thổ không còn, đất đai, hải đảo, lãnh hải bị mất và xâm phạm nghiêm trọng; nợ gấp đôi GDP và không có khả năng thanh toán; đạo đức, nền tảng xã hội bị băng hoại và phá hủy hoàn toàn; sự dồn nén cùng cực của tất cả mọi tầng lớp nhân dân…đây phải chăng là kết quả của niềm vui chiến thắng?

     Chưa hết, nỗi đau còn nhân lên gấp bội khi sự rộng mở của hệ thống Internet toàn cầu đưa tới những sự thật kinh khủng: Hồ Chí Minh bán Phan Bội Châu cho Pháp để lấy 10 vạn quan tiền; kế hoạch sửa sai có trước khi Cải cách ruộng đất diễn ra (sách Từ Thực dân tới Cộng sản – tác giả Hoàng Văn Chí)…tất cả những sự thật khủng khiếp đó được hé lộ đã khẳng định một điều. Hóa ra, có một sự thật có hệ thống từ khi đảng cộng sản xuất hiện đã chi phối và không chế hoàn toàn dòng chảy của lịch sử Việt Nam. Sự thật này khởi nguồn từ việc cướp chính quyền, tiêu diệt toàn bộ các đảng phái không phải cộng sản; tạo ra cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất; cải tạo công thương nghiệp miền Bắc; Nhân văn Giai phẩm; cưỡng chiếm miền Nam; đày đọa hàng triệu quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa; cải tạo công thương nghiệp miền Nam; hai lần đổi tiền để cướp của người dân; cướp đất đai của người dân tạo ra hàng triệu dân oan trên cả nước (thời kỳ đổi mới); đàn áp mọi tôn giáo, sắc tộc….một sự liệt kê chưa đầy đủ này đã làm câm họng tất cả những kẻ nói rằng chủ trương đường lối là đúng, thực hiện sai; bản chất là đúng, là tốt nhưng quá trình thực hiện có sai lầm; thế hệ trước là đúng, là tốt, sau này mới tha hóa, xấu xa…

     Những sự thật này đã đẩy bên thắng cuộc tới tận cùng của nỗi đau: cả cuộc đời, cả sự nghiệp của họ là vứt đi, thậm chí có tội với dân tộc, với đất nước. Còn nỗi đau nào lớn hơn khi ngay từ những năm 14-15 tuổi làm liên lạc viên cho Việt Minh, cả cuộc đời cống hiến, lên tới chức vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng…khi đã về hưu, khi sự thật được phơi bày mới biết rằng mình đã bị lừa, những điều mình làm không hề đem lại điều tốt đẹp cho nhân dân, đất nước mà còn góp phần gây ra thảm họa cho dân tộc, cho nhân dân, cho đất nước.

     Vậy thì, nỗi đau nào lớn hơn?

Hà nội, ngày 25/4/2015

N.V.B

nguyenvubinh's blog

Cho những người vừa nằm xuống chiều qua

04/26/2015 - 18:36 — tuankhanh
IMG_1471

(Ảnh từ trái quá: Nhạc sĩ Hoài Linh & Minh Kỳ)

 Tháng 4/1975 là cột mốc thay đổi rất nhiều thứ của người miền Nam Việt Nam. Đối với giới âm nhạc, đó cũng là một giai đoạn đầy biến động nhưng ít được ghi lại,. Những biến động đó bao gồm ly tán, tuyệt vọng, cái chết và sự nhục nhằn của kiếp người từ một chế độ này, bước sang một chế độ khác.

Rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ của miền Nam đã tìm đường di tản, vượt biên... với hy vọng rằng rồi mình sẽ lại được sống với nghiệp dĩ của mình ở đâu đó. Thật buồn, không phải ai ra đi cũng đã toại nguyện. Nhưng với nhiều người ở lại, cuộc đời đầy những bất ngờ sau đó, có thể còn buồn bã hơn nhiều.

Một trong những nhạc sĩ ở lại trong nước sau 1975 là nhạc sĩ Hoài Linh. Ông là tác giả của vô số những bài bolero có lời lẽ đẹp và sâu sắc như Sầu tím thiệp hồng, Căn nhà màu tím, Xin tròn tuổi loạn... Vốn là trung uý ở Nha cảnh sát quốc gia, nhạc sĩ Hoài Linh cũng mang nhiều nỗi lo về chuyện chế độ mới sẽ thanh trừng mình. Ngay trong những ngày di tản, ông đã dự định cùng gia đình đưa nhau xuống tàu, thế nhưng quá tiếc nuối căn nhà kỷ niệm ở đường Trương Minh Giảng, nơi ông dành dụm qua nhiều năm mới có được, nên rồi ở lại.

Ngày thường, nhạc sĩ Hoài Linh sống rất khiêm tốn và nhã nhặn với mọi người, ít phô trương. Chính vì vậy mà trong hẻm nhà, nên ai cũng thương mến. Khi những nhóm công an khu vực đầu tiên vào Sài Gòn đi điều tra nhân thân của ông Hoài Linh, hàng xóm luôn nói đỡ cho ông, không ai khai chuyện ông là trung uý cảnh sát. Chính vì vậy mà ông Hoài Linh tránh được chuyện đi tù (hay nói theo kiểu Nhà nước Việt Nam là đi học tập cải tạo).

Vốn là một nhạc sĩ thành danh, được trọng vọng, cũng như đang sung sức làm việc, bất ngờ bị đảo lộn mọi thứ, nhạc sĩ Hoài Linh mang một tâm trạng bất đắc chí cho đến tận lúc qua đời. Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh dành trọn tâm huyết của mình cho việc viết thánh nhạc, phục vụ cho nhà thờ. Gia đình cho biết ông cũng từ bỏ y định vượt biên khi thấy số người tuyệt mạng trên biển quá nhiều.

Một lần đón các em nhỏ đến nhà tập hát thánh ca cho nhà thờ, nhạc sĩ Hoài Linh bị công an khu vực đến yêu cầu chấm dứt "tụ tập đông người", ông buồn bực vô cùng nhưng cũng phải đành làm theo. Đầu năm 1995, ông trở bệnh nặng. Thật là ngẫu nhiên nhưng cũng đầy ý nghĩa, ngày 30-4-1995, nhạc sĩ Hoài Linh lìa đời, để lại một sự thương tiếc cho nhiều người miền Nam. Dĩ nhiên, báo chí của chế độ mới không hề đưa một dòng tin nào.

Do không đi học tập, nên nhạc sĩ Hoài Linh bị nhiều người cho rằng có thể ông là Việt Cộng nằm vùng, thế nhưng khi còn sống, nhạc sĩ Hoài Linh không bao giờ buồn đính chính. Một trường hợp khác tương tự là nhạc sĩ Anh Việt Thu. Dù nhạc sĩ Anh Việt Thu mất năm 1973, nhưng ông vẫn bị mang tiếng là Việt Cộng nằm vùng do có một người em đi tập kết theo cộng sản ở miền Bắc, cũng như có bạn là nhà thơ Thiên Hà, là Việt Cộng. Nhưng giờ thì điều đó có thể lý giải được: sau năm 1975, rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng đã không được phép lưu hành.

Không ai có thể hình dung được đời mình và người Cộng sản từ miền Bắc đã gây ảnh hưởng như thế nào. Chẳng hạn như nhạc sĩ Lê Văn Thiện không bao giờ hình dung được người vợ không hôn thú của mình (bà Ngọc) là thành phần khủng bố ở nội đô. Bà Ngọc đem mìn hẹn giờ đến cài ở nhà hàng Liberty, đường Tự Do, để giết một vài lính Mỹ. Thế rồi bị trục trặc, chính bà cũng bị mìn giết chết tại chỗ, còn chỉ huy của bà là ông Sáu Hỏi (sau 1975 về làm quan chức ngành văn hoá ở quận 5) thì cao chạy xa bay.

Tâm trạng trầm uất và chỉ cầu mong sống để làm việc, lo cho gia đình là khuynh hướng chung của rất nhiều nhạc sĩ miền Nam đã sống trong chế độ VNCH. Nhạc sĩ Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang... tìm cách quy ẩn. Còn những nhạc sĩ như Lê Hựu Hà, Y Vân... thì được tuyển dụng làm cho các đoàn ca nhạc mới. Có miễn cưỡng nhưng chỉ còn đó là sinh lộ cuối cùng nên các ông đành nương theo mà sống. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Y Vân cũng rất buồn bã sau ngày 30-4, nhất là khi một người bạn thân đi vượt biển mất tích. Ông tâm sự với vợ con rằng giờ chỉ còn biết làm để gia đình không lâm vào cảnh đói khổ mà thôi. Và có lẽ cũng do làm việc lao lực ngày đêm, năm 1992 nhạc sĩ Y Vân qua đời. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng không khác gì. Những năm ông đi trình diễn trên sân khấu, rất nhiều khán giả gửi giấy lên yêu cầu các bài hát thời ban nhạc Phượng Hoàng của ông. Thế nhưng Lê Hựu Hà đành từ chối khéo, sau đó quay vào trong với ánh mắt buồn thăm thẳm: nhiều bài hát của ông cho đến năm 2003, tức năm ông qua đời, vẫn chưa được những người Cộng sản cho phép lưu hành trở lại.


Nhiều nhạc sĩ không thích nghi được đời sống của chế độ mới nên cũng qua đời trong nghèo khổ như nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, Trúc Phương, Thanh Bình, Châu Kỳ... Nhiều năm bị bạc đãi ở các phòng văn hoá kiểm duyệt theo chính sách thanh lọc văn hoá của chế độ cũ, hầu hết những nhạc sĩ của miền Nam Việt Nam còn bị báo chí Nhà nước ghẻ lạnh vì tuân theo các chính sách tuyên truyền của ban tuyên giáo. Trong khi đó, khác với giới biểu diễn của chế độ mới thì được tạo điều kiện để ca tụng, quảng bá lắm lúc trơ trẽn.


Khá nhiều nhạc sĩ trước 30-4 là sĩ quan phòng tâm lý chiến, là quân nhân VNCH, nên chuyện đi tù cải tạo là điều dễ hiểu. Những ngày tháng trong trại tù cải tạo Hà Tây, nhạc sĩ Vũ Thành An cũng vì đói, vì sợ đòn nên đã khuất phục, trở thành tai mắt của cán bộ quản giáo và bị anh em trong trại căm ghét. Mãi sau do quá ăn năn, ông đã xin được rửa tội đi tu theo đạo Công giáo ngay trong trại tù. Đó là lý do mà nhiều năm sau khi xuất cảnh sang Mỹ, nhạc sĩ Vũ Thành An mới quay lại với âm nhạc, dùng Đời Đá Vàng như một lời tâm tình đầy đau đớn cho cuộc sống mà ông đã trãi qua.


Nói về kết thúc trong trại tù, không thể không kể đến nhạc sĩ Minh Kỳ. Vốn là đại uý cảnh sát, nhạc sĩ Minh Kỳ cũng bị dồn vào trại cải tạo ở Biên Hoà. Bốn tháng sau ngày 30-4, khi đang ngồi ăn trong trại, cả nhóm sĩ quan của ông bị ai đó ném lựu đạn vào giữa, khiến thương vong mười mấy người. Nhạc sĩ Minh Kỳ hấp hối, đẫm máu, chỉ có lời với anh em trong trại là nhắn giùm với gia đình rằng ông đã chết, rồi sau đó xuôi tay. Không rõ mộ của ông sau này có cải táng hay không, vì khi chôn cất sơ sài, cán bộ quản giáo chỉ để bảng ghi tên người chết là Vĩnh Mỹ, tức tên thật của ông, chứ không hề biết đó là một nhạc sĩ tài hoa hàng đầu của nước Việt.


30-4-1975 là một cột mốc của nhiều điều, mà có lẽ nhiều thập niên nữa người Việt mới biết tường tận sự thật. Và có lẽ cũng nhiều năm nữa, những trang sử nhạc còn phải ghi chú thêm những điều chưa kể hết, mà vốn nỗi buồn gần nửa thế kỷ vẫn phủ tối cả quê hương.

tuankhanh's blog

‘Bản lĩnh chính quyền’ để đối thoại với bất đồng chính kiến?

Theo Người Việt-04-26- 2015 3:11:35 PM 
Phạm Chí Dũng

Lần đầu tiên trong lịch sử hưng - vong của mình, Đảng Cộng Sản Việt Nam buộc phải “mở lối cho trí thức phản biện” - như cách rút tít của một tờ báo nhà nước - bằng một văn bản chính thức được ban hành bởi bên hành pháp: chính phủ.

Văn bản trên - biểu hiện bằng hình thức quyết định với danh nghĩa thủ tướng chính phủ - mang nội dung “thí điểm tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội.”

Nhưng những câu từ đáng giá nhất của văn bản trên có lẽ là: “Không quy chụp về mặt tư tưởng, quan điểm khi tham gia diễn đàn.”

“Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”

Vào cuối năm 2014, trong một cử chỉ đáng hoài nghi, Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã công khai trên Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) và Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) chủ trương “đối thoại với “bất đồng chính kiến.”

Đây là lần đầu tiên cụm từ “bất đồng chính kiến,” vốn có xuất phát điểm từ thế giới phương Tây, được các cơ quan đảng Việt Nam thừa nhận một cách công khai, tuy vẫn phải chịu thân phận trong ngoặc kép.

“Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi.” Tâm lý học xã hội đang dần chuyển hóa vào tâm lý học chính trị. Sau 3 năm tính từ phong trào Kiến Nghị 72 đòi thay đổi điều 4 hiến pháp về vai trò độc đảng, áp lực dồn lên đôi vai nung núc của giới lãnh đạo Hà Nội không chỉ đến từ những trí thức vẫn bị giới dư luận viên hạng “ruồi” mô tả là “phản động,” mà đang hình thành và tăng trưởng đột biến ngay trong đội ngũ cán bộ cách mạng lão thành và cả với một số quan chức cấp trung-cao.

Vô số nhũng nhiễu và quốc nạn móc túi ngân sách lẫn bức cướp dân chúng gây ra bởi một trong những đội quân công chức đông nhất thế giới - 2,8 triệu người - đã khiến cho bất kỳ công trình kinh tế-xã hội nào có vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở lên đều đáng bị liệt vào dạng nghi vấn trầm trọng.

Cộng dồn với quốc nạn trên, thành tích của nhiều chính quyền địa phương về thảm cảnh và thảm họa đất đai, môi trường dành cho dân chúng của họ là hết sức đáng ngưỡng mộ. Hoàn toàn không nên kinh ngạc khi chứng kiến ngày càng nhiều và dần trở thành một con sóng phản kháng xã hội đã và đang bùng lên ở nhiều địa phương, trải dài từ Hưng Yên, Hà Nội và Quảng Ngãi, Bình Thuận ở miền Trung và Bình Dương, Đồng Nai ở Nam Bộ.

Sau bốn chục năm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,” những người đại thắng đã đẩy quốc gia vào cảnh đại bại về sức khỏe kinh tế và niềm tin chế độ.

Không chỉ lớp trí thức học cao biết rộng mới có nhu cầu phản biện và đối thoại, hàng triệu dân oan đất đai, vài trăm ngàn công nhân chịu thiệt hại cùng hàng trăm ngàn nạn nhân môi trường đều muốn đối mặt với lớp quan lại luôn hò hét, “Học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại.”

Mở đầu năm 2015 là ba cuộc xuống đường quy mô lớn: Cuộc cách mạng cây xanh ở Hà Nội, biểu tình của công nhân Bình Dương phản đối Luật Bảo Hiểm Xã Hội rủi ro và chống ô nhiễm môi trường ở Bình Thuận - tất cả đều tràn ngập dân chúng và bài bản đến mức mà khác hẳn năm 2014 và những năm trước, chính quyền không thể quy chụp hoặc bắt bớ.

Trong khung cảnh vằn vện tia kích nổ như thế, một số trí thức thuộc kênh “phản biện trung thành” và một số quan chức có tư tưởng “cải cách” (chủ yếu bên khối chính phủ) đã cố gắng đề đạt cơ chế phản biện sao cho “đảng phải thay đổi để còn tồn tại.”

Năm 2011, chính người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng đã lần đầu tiên phải đề cập trực tiếp về nguy cơ “sự tồn vong của đảng.” Lẽ dĩ nhiên, nếu không khí phản biện được đảng cho chớm nở, cho dù có man mác sắc tố đa nguyên, hiệu ứng xoa dịu quần chúng và kéo theo tuổi thọ vật vờ của đảng mới chính là điều mà những người chưa chịu cắt đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” bám víu.

Ý chí bám víu đến phút cuối cùng còn có một ý nghĩa song trùng không kém quan yếu: phản biện xã hội còn mang trên mình cái vỏ của “tự do ngôn luận” - điều mà những chủ nợ chính của ngân sách Việt Nam là Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu luôn nhắc nhở. Mở ra diễn đàn cho trí thức phản biện, dù chỉ là phản biện trong ngoặc kép, dù sao vẫn có chút gì đó bóng bẩy hơn về hình ảnh nhân quyền, nhất là khi nhà nước Việt Nam còn đang là một thành viên chưa bị phủ quyết do “thành tích vi phạm” tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Chuyên nghiệp moi tiền ngân sách?

Có quá nhiều lý do để nghi ngờ rằng cơ chế “thí điểm phản biện” của nhà nước hầu như chưa có gì đáng gọi là thực tâm.

Trong 3 điều kiện để tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp theo quyết định của thủ tướng chính phủ, điều kiện đầu tiên trở nên khó khăn và ít thực tâm nhất: “Cơ quan, tổ chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thí điểm tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp.”

Vậy những cơ quan, tổ chức nào sẽ được “cấp phép” để thí điểm?

Phần “tổ chức thực hiện” của quyết định trên là câu trả lời đanh gọn: “Giao liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam tổ chức thí điểm diễn đàn khoa học chuyên nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình trong thời gian 5 năm.”

Không có bất kỳ chỗ trống nào dành cho những trí thức phản biện độc lập và các tầng lớp dân chúng bạc mệnh!

Toàn bộ cơ chế vẫn mang tính “kín,” nằm trong sự chỉ đạo của các cơ quan đảng và chính quyền theo lối cầm tay chỉ việc. Một lần nữa, nhóm trí thức “phản biện trung thành” lại có thêm lý cớ hoàn hảo để xin tiền ngân sách nhằm lập diễn đàn và hơn nữa là “nghiên cứu đề tài khoa học.”

Hiểu một cách thuần phác, “diễn đàn khoa học chuyên nghiệp” sẽ là sự thao tác quy trình “khoan ngân sách” một cách chuyên nghiệp, để cuối cùng mọi ý kiến phản biện dù hay ho đến đâu cũng bị nhét vào ngăn kéo.

Không hiểu có phải vì lường trước tình cảnh đầu voi đuôi chuột của hình thức diễn đàn trên hay không, quyết định của chính phủ dù mang danh nghĩa thủ tướng nhưng lại do Phó thủ Tướng Vũ Đức Đam ký.

Còn Nguyễn Tấn Dũng, người từng “ấp úng” với Quốc Hội về “trả lại quyền phúc quyết cho dân,” đã lặng tăm trước chủ đề diễn đàn đối thoại, trong khi chỉ cần khôn ngoan và có bản lĩnh hơn một chút, ông ta có thể lấy điểm từ không ít trí thức và người dân nhẹ dạ.

Chủ thuyết mị dân lại một lần nữa vướng nơi ngõ cụt. Nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật trần truồng của xã hội, không dám đối diện với phong trào dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, chiến dịch “diễn đàn khoa học chuyên nghiệp” của đảng cầm quyền sẽ chết yểu như chưa từng được sinh thành.

Giải phóng đấy, phỏng?

Theo Người Việt-04-26- 2015 2:43:16 PM
Tạp ghi Huy Phương

“Hoan hô giải phóng, hoan hô phỏng..!
Ruột héo gan bầm có biết không?”
(PĐ.)

30 tháng 4, ngày mà Võ Văn Kiệt, một người của “bên thắng cuộc”đã cho rằng đó là: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn!” Hôm nay, nhìn lại đất nước, chắc là số triệu người buồn nhiều hơn số triệu người vui.


Trang báo New York Times ngày 30 tháng 4, 1975.

Đó là ngày mà, người dân miền Nam có nhiều tên gọi: “Ngày Quốc Hận - Ngày Mất Nước - Ngày Đứt Phim - Ngày Tan Hàng - Ngày Miền Nam Sụp Đổ - Ngày Sài Gòn Thất Thủ - Tháng Tư Đen...” “Ngày Đại Hồng Thủy,” “Ngày Đại Họa” và tiếp theo là “Tị nạn và hội nhập,” “Hành Trình Đến Tự Do...” để ngậm ngùi tưởng nhớ.

Bắc Việt gọi ngày này là “Ngày Giải Phóng Miền Nam,” ngày “Thống Nhất Đất Nước” “Đại Thắng Mùa Xuân,” tổ chức ăn mừng, diễn binh, đốt pháo hoa... nhưng không bao giờ tự hỏi, chúng đã đưa đất nước này đi về đâu? Trong những cái tên, tên “Giải Phóng” phải được coi là trơ trẽn nhất, mà một số nhỏ người Việt tị nạn Cộng Sản không ở lại với “giải phóng” chạy sang đây, mà đầu còn đặc, trí chưa thông vẫn còn dùng một cách vô ý thức những câu “trước giải phóng,” “sau giải phóng!” Những người “lính cụ Hồ” luôn luôn mang theo hai chữ “giải phóng” bên mình, họ tự nhận là “giải phóng quân,” “quân đội giải phóng.”

Giải phóng được coi như là làm cho thoát khỏi sự áp bức, giam hãm, như chuyện nước Pháp và Paris bị Đức Quốc Xã chiếm đóng trong 4 năm và thế giới vẫn dùng danh từ “giải phóng Paris,” để nói đến việc De Gaulle tiến vào Paris trong những ngày cuối tháng 8, 1944. Giải phóng như chuyện Tết Mậu Thân ở Huế, quân đội VNCH chiếm lại Huế sau 23 ngày, dân chạy về phía “lính mình,” nơi có ngọn cờ vàng, mừng rỡ ứa nước mắt. Bắc Việt không thể cắt nghĩa hai tiếng “giải phóng” khi lính Việt Cộng vào đến đâu, dân chúng ùn ùn bỏ nhà chạy “giặc” ở đó. Tiếng “giặc” mà người miền Nam dùng ở đây chính là để chỉ những người mang danh “bộ đội giải phóng.”

Sau khi Hiệp Định Geneve 1954 giao miền Bắc cho Cộng Sản, đã có gần một triệu người dân Bắc di cư vào Nam, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (CSBV) đã khiếu nại cho rằng việc di cư là do cưỡng bách. Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đã mở cuộc điều tra, trong số 25,000 người ủy hội tiếp xúc, không có ai nhận là họ bị “cưỡng bách di cư” hay muốn trở về Bắc cả. Sau đó, theo những ghi chép của học giả Đoàn Thêm (*):

- 4 tháng 10, 1956: 3 người liều chết bơi qua sông Bến Hải vào Nam tìm tự do.

- 19 tháng 11, 1956: 19 người dân Nghệ An dùng ghe vượt biển vào Nam.

- 8 tháng 4, 1957: 41 người dùng thuyền vượt tuyến vào Nam.

- 28 tháng 10, 1957: 2 sinh viên vượt tuyến vào Nam.

- 11 tháng 2, 1958: 14 người xuyên qua Lào đến được miền Nam.

Tiêu biểu là câu chuyện một người đã tập kết ra Bắc là nhà văn Vũ Anh Khanh, nhưng ba năm sau, ông thấy rõ bộ mặt của Cộng Sản, muốn trở lại miền Nam, ông bơi qua sông Bến Hải và bị bắn chết giữa dòng. Chúng ta chưa nói đến những người mất xác trên con sông chia cắt hai miền hay chết trước khi qua sông đến được bờ Nam. Chưa thấy có ai khùng điên bơi qua sông Bến Hải qua bờ Bắc để được hưởng độc lập - tự do - hạnh phúc!

Từ tháng 3, 1975, khi nghe tin Bắc Việt sắp giải phóng Huế rồi Đà Nẵng hàng chục nghìn người dân miền Nam đã liều chết lên tàu, ghe, thuyền, và những chiếc “sà lan” không thức ăn, nước uống, chấp nhận cái chết để tránh xa “quân đội giải phóng!” Nhưng tiếc thay, vì quân “giải phóng” lại đuổi kịp, nên không phải ai khi đến được Cam Ranh, Phú Quốc hay Sài Gòn cũng đều có cơ hội được ra đi!

Từ ngày 28, 29 tháng 4 từ các hàng không mẫu hạm của Hạm Đội Số 7 ngoài khơi Thủy Quân Lục Chiến Mỹ dùng trực thăng di tản một số người Việt, trong đó có chiến dịch Babylift. Trong tình trạng này ai cũng muốn ra đi, nên cảnh hỗn loạn xảy ra trên những bến tàu, sân bay vì không có đủ phương tiện cho những người đang chen chúc để tìm một chỗ “đứng” để ra đi. Hơn 50,000 người đã di tản từ nhiều điểm ở Sài Gòn ra đi an toàn trước khi Việt Cộng vào thành phố. Lần này không nghe Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khiếu nại cho rằng việc di tản là do cưỡng bách.

Sau khi Việt Cộng lập chính quyền ở miền Nam, và những biện pháp trả thù, vơ vét xảy ra như chính sách tập trung quân-cán-chính vào trại tù, chính sách đánh tư sản, đổi tiền, lùa dân đi vùng “kinh tế mới,” bần cùng hóa nhân dân, kỳ thị, phân biệt “cách mạng” với “phản động” đã xô đẩy người dân miền Nam vượt biên, vượt biển tìm đến các đất nước tự do. Đây là cuộc “bỏ nước” vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam.

Theo số liệu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849, 228 người vượt biên bằng đường biển và đường bộ. Nhưng sự thật con số này là con số ước tính còn xa sự thật.

“Trước đó, không một ai có thể tiên đoán được phong trào vượt biên sẽ xảy ra đến mức lớn lao như thế. Phong trào vượt biên kéo dài từ 1975 đến 1996 ngang bằng với thời gian chiến tranh từ 1954 đến 1975. Tổng số người rời bỏ đất nước bằng tất cả các cách, cộng với những người tử nạn trên đường vượt biên, lên đến khoảng gần bằng tổng số dân chúng và quân nhân Việt Nam cả Nam lẫn Bắc tử trận trong cuộc chiến từ 1954 đến 1975 (khoảng 3 triệu người). (Theo Trần Gia Phụng)

 Giải thích việc dân chúng miền Nam chạy trốn Cộng Sản trong những ngày Sài Gòn thất thủ, phe chống miền Nam giải thích rằng đó là sự “hoảng loạn” nhưng sao mãi đến 38 năm sau, chỉ riêng năm 2013, đã có gần 800 người Việt vượt biển đến Úc, và trong số này phần lớn là xuất phát từ Nghệ An-Hà Tĩnh, đất “cách mạng,” quê hương của Nguyễn Tất Thành. Mới tuần trước đây hải quân Úc đã đưa trả gần 50 thuyền nhân Việt Nam về nước sau khi chặn bắt được nhóm này ngoài khơi vùng biển phía bắc Úc hồi đầu tháng 4.

Tại sao đất nước đã “được giải phóng” gần 40 năm mà vẫn còn người liều chết ra đi tìm một nơi có tự do và cơm áo.

Trong thời gian bức tường Berlin, được Đông Đức (Cộng Sản) dựng lên từ ngày 13 tháng 8 năm 1961 đến ngày 9 tháng 11 năm 1989, khoảng 5000 người đã tìm cách vượt qua bức tường này để sang Tây Berlin. Số người bị thiệt mạng khi vượt khoảng từ 86 đến 200 người.

Từ ngày Nam Bắc Triều Tiên bị chia cắt ở vĩ tuyến 38, đã có hơn 23,000 dân Bắc Hàn đã vượt biên giới đến được Nam Hàn. Những người kém may mắn nếu không bị bắn chết trên đường di tìm tự do thì cũng đang bị giam cầm trong số 200,000 tù nhân ở các trại tù “lao cải.”

Khi Cuba ngã theo Liên Xô, thoạt đầu, từ năm 1980, nước này đã mở cửa, để cho bất cứ ai cũng có thể ra đi với giấy thông hành, gần 125,000 người Cuba đã chạy sang Mỹ. Sau khi Fidel Castro cấm cửa, đã có hàng nghìn người Cuba bằng mọi cách, vượt biển sang Hoa Kỳ, mà con dường ngắn nhất là tới Florida. Chỉ mới năm ngoái, 2014, tuần duyên Hoa Kỳ đã chặn bắt được hơn 2,000 di dân Cuba liều chết mạo hiểm tìm đường vượt biển chạy khỏi chế độ Cộng Sản.

Chế độ Cộng Sản chưa bao giờ là thiên đàng, đem tự do và hạnh phúc lại cho con người, “sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi!” Nhà văn Nguyễn Khải trong bài viết “Đi tìm cái tôi đã mất” đã miêu tả rất đúng dân tình miền Bắc sau khi “bộ đội giải phóng” vào Hà Nội tháng 10, 1954:

“Một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do thì cái đầu cũng được trưng thu luôn, từ nay họ chỉ được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, một đường lối...”

“Một nửa nước” năm 1954 được đổi lại là “cả nước” năm 1975!

Vậy thì, nói chuyện, ngày 30  tháng 4, 1975 là ngày miền Bắc Cộng Sản “giải phóng miền Nam” là một chuyện hoang tưởng, trơ trẽn. Ai cần ai “giải phóng?”

Tôi xin mượn lời dân gian, nôm na, mách qué để kết luận bài này:

- “Giải phóng gì ông, phỏng giái tôi!”

(*) ghi lại tài liệu của Viên Linh

Vụ kiện Biển Đông: Tòa yêu cầu điều trần về phản bác của Trung Quốc

Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển vừa ra thông cáo cho biết, vào tháng 7 tới, tòa sẽ tổ chức nghe điều trần để trả lời các phản bác được nêu trong văn kiện lập trường mà Bắc Kinh công bố hồi tháng 12/2014...

… liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Theo thông cáo được trích đăng trên trang thông tin Rappler.com, “Tòa án trọng tài sẽ tiến hành nghe điều trần vào tháng 7/2015 để trả lời những phản bác về pháp lý được nêu trong văn kiện lập trường của Trung Quốc. Tòa án cũng sẽ tiến hành xem xét các vấn đề khác liên quan đến thẩm quyền pháp lý và khả năng thụ lý đơn kiện của Philippines”.

Trước đó, trong văn kiện công bố ngày 7/12/2014, Trung Quốc đã tuyên bố Tòa Trọng tài quốc tế không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong vụ kiện giữa Philippines và nước này. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh, việc công bố văn kiện lập trường không có nghĩa là Trung Quốc chấp nhận hoặc tham gia vào vụ kiện.

Trong khi đó, tòa án trọng tài khẳng định vẫn có quyền xem xét văn kiện lập trường của Trung Quốc và coi đây là lập luận của Bắc Kinh đối với vụ kiện này. Tòa cũng cho biết là vẫn tiếp tục chờ đến ngày 16/6 tới để lấy ý kiến của Trung Quốc về các tài liệu kiện tụng mà phía Philippines đã cung cấp cho tòa án.

Về phần mình, Philippines đã lên tiếng bác bỏ các lập luận của Trung Quốc đồng thời nhấn mạnh vào các giá trị phán quyết của tòa án. Manila chủ yếu muốn tòa phán quyết rằng các đòi hỏi về chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở, chiểu theo luật pháp quốc tế.

Ngày 16/3 vừa qua, Manila đã nộp lên tòa 3.000 trang tài liệu làm bằng chứng trong vụ kiện Trung Quốc tại tòa án trọng tài. Đây là phần bổ sung cho tài liệu 4.000 trang mà Philippines đã gửi đến tòa từ 30/3/2014.

Thông cáo của tòa nêu rõ: “Sau khi nhận được bất kỳ lập luận nào mà phía Trung Quốc đưa ra trước ngày 16/06/2015, đồng thời tôn trọng việc Philippines đã nộp thêm tài liệu, tòa án trọng tài cũng có thể đưa ra một số câu hỏi đối với các bên liên quan để bổ sung cho việc tiến hành nghe điều trần vào tháng 7/2015”.

Trước đó, luật sư Paul Reichler, bảo vệ quyền lợi cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, đã nói rằng ông hy vọng cuộc điều trần trực tiếp bằng miệng sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ 7 đến 18/7 và tòa sẽ ra phán quyết trong năm 2016.

Vụ kiện tụng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh quân sự để củng cố yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Chương trình gần đây nhất của Bắc Kinh là tiến hành một loạt các dự án xây dựng, cải tạo, biến các bãi đá ngầm, rạn san hô thành đảo ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (đều thuộc chủ quyền Việt Nam – PV).

Philippines đã nhiều lần lên tiếng phản đối và tố cáo việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp, làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, trước khi tòa án ra phán quyết.
04-25-2015
Theo Linh Phương (tổng hợp)
PetroTimes

Manila: Trung Quốc 'mặc nhiên kiểm soát' toàn Biển Đông

KUALA LUMPUR, Malaysia (AFP) - Bắc Kinh nay sắp “mặc nhiên kiểm soát” toàn vùng Biển Đông, theo cảnh cáo của Philippines hôm Chủ Nhật, tuy nhiên lời kêu gọi của Manila về một phản ứng mạnh mẽ của khối ASEAN tại cuộc họp thượng đỉnh vùng đã bị bác bỏ.


Các ngoại trưởng ASEAN tại cuộc họp lần thứ 26 ở Kuala Lumpur, 26 Tháng Tư. (Hình: AP Photo/Joshua Paul)

Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều có các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh cho hay họ làm chủ hầu như toàn diện vùng biển này và ngày càng có nhiều biện pháp hung hăng để xác định chủ quyền khiến tạo lo ngại trong vùng Đông Nam Á cũng như thế giới.

“Trung Quốc hiện đang chuẩn bị để củng cố việc mặc nhiên kiểm soát Biển Đông,” theo ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario, cho hay tại Kuala Lumpur một ngày trước khi cuộc họp thượng đỉnh thường niên của của khối ASEAN khởi sự.

Ông nêu lên việc Trung Quốc đang bồi đắp một hòn đảo tranh chấp để hình thành một căn cứ vững chắc có cả phi trường ở ngoài biển xa xôi nhằm kiểm soát khu vực họ coi là có chủ quyền.

Ngoại Trưởng del Rosario cho hay đã đến lúc ASEAN phải mạnh dạn nói với Trung Quốc rằng điều họ làm là sai trái và phải ngưng ngay các hoạt động trái phép ở Biển Đông.

Tuy nhiên, quốc gia chủ nhà Malaysia sau đó bác bỏ đề nghị này vì sợ làm Trung Quốc giận dữ.

“Chúng ta phải tránh các hành động có thể đưa đến tác dụng ngược và tạo thêm sự tranh chấp, cho giữa chúng ta hay với Trung Quốc,” theo lời Ngoại Trưởng Malaysia Anifah Aman.

“Tôi không nghĩ ASEAN muốn đưa ra tối hậu thư, ASEAN từ lâu nay vẫn không có được sự đồng ý về các biện pháp mạnh mẽ về vấn đề này giữa các quốc gia thành viên liên quan tới tranh chấp biển đảo.”

Các phân tích gia quốc phòng cho hay việc Trung Quốc bồi đắp để mở rộng một số đảo gần bờ biển Philippines như thấy qua các ảnh chụp bằng vệ tinh mới đây tạo lo ngại là Bắc Kinh tạo thêm sự kiểm soát khu vực giàu có tài nguyên thiên nhiên và cũng là một hải lộ trọng yếu của thế giới.

Một bản dự thảo thông cáo chung được đưa ra hiện nay kêu gọi có “sự tự chế” nhưng tránh không chỉ trích hoặc ngay cả đề cập đến Trung Quốc, theo một nguồn tin ngoại giao. (V.Giang)
04-26-2015 1:52:32 PM

Trung Quốc xây 3 phi trường lớn ở Trường Sa

MANILA 26-4 (NV) - Trung Quốc không phải xây một mà tới ba phi trường kích thước đủ cho phi cơ quân sự cỡ lớn lên xuống tại các đảo nhân tạo đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa.

Không ảnh chụp ngày 17/4/2015 bãi đá Xu Bi đang được xây dựng một phi trường, so sánh với tấm hình chụp ngày 6/2/2015 hoàn toàn khác hẳn. (Hình: DigitalGlobe)

Theo các tấm không ảnh được tạp chí thời sự chính trị The Diplomat ngày 25/4/2015 phân tích, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn từ năm ngoái đến nay, Trung Quốc ráo riết tiến hành các kế hoạch xây dựng các căn cứ, doanh trại, cảng biển và cả phi trường tại 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam năm 1988 hiện đã trở thành các đảo nhân tạo.

Đối chiếu những không ảnh mới nhất của tổ chức Digital Globe chụp từ đầu Tháng Hai đến giữa Tháng Tư 2015, người ta thấy chúng đang biến đổi vô cùng nhanh chóng. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh ráo riết thực hiện mưu đồ khống chế nuốt trọn Biển Đông qua các căn cứ hải quân và không quân tầm cỡ lớn đặt tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Phần phía bắc của đảo nhân tạo Vành Khăn đang tiếp tục được bồi đắp thêm. Hình chụp ngày 13/4/2015. (Hình: DigitalGlobe)

Trước các sự phản đối suông của Việt Nam, Phi Luật Tân và các nước khác liên quan tới vấn đề Biển Đông, chế độ Bắc Kinh có dấu hiệu tiến hành thật nhanh việc xây dựng ở các bãi đá ngầm nay là các đảo nhân tạo, đặt các nước khác ở tình trạng đã rồi.

Một số nhà phân tích thời sự quốc tế từng dự báo Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông khi các căn cứ quân sự tại Trường Sa đã hoàn tất.

Phân tích các tấm không ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 17/4/2015 cho thấy chỉ trong khoảng 10 tuần lễ, Trung Quốc đã biến bãi đá Xu Bi (một rạn san hô thuộc cụm đảo Thị Tứ của quần đảo Trường Sa) mà Trung Quốc gọi là Zhubi Jiao (Chử Bích Tiêu) thành một đảo nhân tạo.


Đảo nhân tạo Vành Khăn qua so sánh không ảnh chụp ở các thời điểm 17/2/2015 và 13/4/2015. (Hình: DigitalGlobe)

Dựa trên diện tích và hình thể và chiều dài của đảo nhân tạo này đang tiến hành, người ta có thể phỏng định dấu hiệu Trung Quốc xây dựng một phi đạo dài đến 3,300 mét. Nó tương ứng với chiều dài của phi đạo mà Trung Quốc đang xây dựng tại đảo nhân tạo Đá Thập của quần đảo Trường Sa.

Giới chuyên viên quân sự cho rằng một phi đạo dài tới 3,300 mét có thể đủ để cho các phi cơ quân sự chiến đấu cũng như tiếp liệu của không quân và hải quân Trung Quốc lên xuống.

Không ảnh chụp ngày 6/2/2015 chỉ thấy các hoạt động nạo hút cát đá lòng biển bồi đắp ở đá Xu Bi. Nhưng đến ngày 17/4/2015 chụp lại thì thấy diện tích mặt đất của đảo nhân tạo đã lên thành 2.27 km2. Nó chỉ nhỏ hơn đảo nhân tạo Đá Thập phần nào, được xác định khoảng 2.65 km2.

Theo tạp chí The Diplomat, sự khác biệt hoạt động giữa hai đảo nhân tạo vừa nói là đảo nhân tạo Đá Thập có cảng biển khá lớn và phi đạo đang được xây dựng. Chưa thấy cảng biển quân sự nào hiện diện ở đá Xu Bi, nhưng các hoạt động của đoàn tàu nạo hút cá đá ở khu vực phía nam của đảo này gần hoàn tất việc tạo lập một vòng quây kín từ các bãi đá ngầm thiên nhiên. Điều này cho hiểu khu này hình thành dần một cảng biển được bảo vệ bởi rạn đá ngầm thiên nhiên mà hoạt động hút cát đá bồi lấp ở cực nam sẽ tạo ra cầu cảng.

Các không ảnh hoạt động của Trung Quốc tại bãi đá ngầm Vành Khăn (Mischief reef, Trung Quốc gọi là Meiji Jiao hay Mỹ Tế Tiêu) từng được tạp chí an ninh quốc phòng Jane's Defense đưa tin mấy tuần trước, nay đang là đảo nhân tạo diện tích khoảng 2.42 Km2 dựa trên sự do đạc không ảnh chụp ngày 13/4/2015.


Đảo nhân tạo Đá Thập thay đổi nhanh chóng khi so sánh hai tấm hình chụp ngày 14/2/2015 và ngày 17/4/2015. (Hình: DigitalGlobe)

Vài tháng trước đó chỉ là bãi đá ngầm nay hoàn toàn là đảo nhân tạo với sự hoạt động ngày đêm của đoàn tàu hút cát đá. Không ảnh mới nhất cho thấy sự hiện diện của 28 chiếc xe tải, trộn xi măng hoạt động tại đây bên cạnh hàng chục chiếc xe tải chuyên ngành xây dựng khác cũng có mặt.

Với những gì nhìn thấy, giới chuyên viên cũng cho rằng một phi đạo dài hơn 3,000 mét cũng có thể được xây dựng tại Vành Khăn trong những ngày sắp tới. Các đảo nhân tạo Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập là ba trong số 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa được Bắc Kinh làm thành đảo nhân tạo mà không ai tin rằng chúng không phải là các căn cứ quân sự.

Cướp của người làm của mình, Bắc Kinh khi bị đả kích đều ngang ngược tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” và muốn làm gì thì làm.

Khi tham dự cuộc họp ASEAN ở thủ đô Mã Lai đang diễn ra, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario báo động với các người đồng cấp của hiệp hội khu vực rằng Trung Quốc “đang củng cố sự kiểm soát thực tế tại Biển Đông.” (TN)
04-26- 2015 3:44:14 PM

'Tưởng niệm quốc hận 40 năm không phải để kêu gọi sự hận thù'

04-25-2015 8:43:34 PM
 Ngọc Lan/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV) - “Chúng ta tổ chức Lễ Quốc Hận không phải để kêu gọi sự hận thù mà chỉ để nhắc nhở mọi người về căn cước tị nạn Cộng Sản của chúng ta,” ông Ngô Thiện Đức, trưởng ban tổ chức, phát biểu trong lời khai mạc Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận năm thứ 40, tổ chức tại sân vận động trường trung học Bolsa Grande, Garden Grove, vào chiều Thứ Bảy, 25 Tháng Tư.

Và có lẽ phần đông người đến tham dự đã mang trong lòng tinh thần nhân bản đó.


Lễ Tưởng Niệm 40 Năm Quốc Hận tại Little Saigon (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Đúng 3 giờ chiều, mưa đổ hạt, dù nhỏ, sau một buổi sáng đầy âm u mây xám. Trên sân vận động, những chiếc dù cá nhân đủ màu đủ cỡ được bung lên, che trên mái đầu của phần đông người lớn tuổi. Họ đến sớm hơn nhiều so với thời gian ban tổ chức ghi trên thông báo, với lý do: sợ không có chỗ và những buổi như thế này làm sao đi trễ được. Và mặc gió thổi lạnh buốt, mặc cho mưa rơi làm ướt áo, chương trình văn nghệ chính thức bắt đầu. Đúng giờ. Dù số người có mặt hãy còn thưa thớt.

Bà Trinh Nguyễn, đang sống ở Westminster, vừa cố gắng giữ cho chiếc dù lớn không bị gió quật qua quật lại, nói với nhật báo Người Việt mà như đang nói với chính mình, “Đến dự lễ 40 năm để nhớ ngày mình ra đi. 40 năm rồi sao vẫn không thể quên được những gì đã diễn ra trong những ngày cuối Tháng Tư đó. 40 năm rồi tôi cũng chưa một lần trở về Việt Nam, còn Cộng Sản là tôi không về.”



Đến sớm, đội mưa,bất chấp gió dự Lễ Tưởng Niệm 40 Năm Quốc Hận (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Bà Trinh cùng hai con đến dự lễ tưởng niệm từ lúc chưa đến 2 giờ trưa, khi sân vận động hãy còn thưa thớt người. Cũng theo bà, đây là lần thứ hai bà đi dự lễ này, lần đầu là cách đây 10 năm ở Camp Pendleton. Bà Trinh rời khỏi Sài Gòn vào ngày cuối cùng của Tháng Tư, 1975, khi được 20 tuổi.

Cũng là một trong số những người đến sớm là bà Liên Hương Nguyễn, cư dân Westminster, sang Mỹ từ năm 1989. Bằng giọng nói đôi khi mất tiếng vì trời lạnh bất ngờ, bà cho biết, “Mọi năm ít đi dự nhưng lần này phải đi vì năm nay đánh dấu 40 năm, đi để biết rằng 40 năm rồi vẫn chưa quên, năm nào đến ngày này cũng đều buồn như thế, hôm nay trời lại còn buồn khi mưa như thế.”

“Hôm nay đáng lẽ tôi ở nhà vì tôi đang bệnh, sụt mất 8 pound, sự thật là tôi rất mệt nhưng thay vì nằm nhà thì tôi nghĩ mình cần phải đến đây vì tôi nghĩ hôm nay không đi thì rất ân hận. Buổi lễ 40 năm như vầy phải đi, phải hiện diện ở đây, nếu không khi những hình ảnh này được quay phim chiếu đi khắp nơi mà thấy người tị nạn Cộng Sản tập trung về đây để nhớ ngày này chỉ có chừng ấy người thôi thì người ta sẽ nghĩ gì, thế nên không thể chỉ ngồi nhà coi TV được,” bà Trinh nói tiếp trong khi trên sân khấu, nhóm Du Ca Nam California đang làm không khí sân vận động trở nên rộn ràng hơn.
Càng lúc, số người bước vào sân lễ càng nhiều. Không chỉ có người lớn tuổi, mà còn có những người rất trẻ đi theo ông bà, cha mẹ. Có cả những cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam cũng đến tham dự trong những bộ sắc phục nhà binh.

Khắp trên sân lễ, ngoài phóng viên báo đài của cộng đồng Việt Nam, người ta còn nhận thấy có rất nhiều đài truyền hình địa phương của Mỹ có mặt để ghi nhận lại những gì đang diễn ra trong buổi lễ.
Chương trình lễ tưởng niệm kéo dài từ lúc 3 giờ chiều đến 9 giờ tối và kết thúc bằng lễ thắp nến.
Ngay sau phần chào cờ, mọi người có mặt được nghe một số người chia sẻ những tâm tình, nỗi niềm của người đã đi qua thời khắc 30 Tháng Tư 1975 như thế nào và nghĩ gì sau 40 năm ngày tang thương đó.

Một số dân cử các cấp, cùng đại diện các đoàn thể hội đoàn đã có mặt tham dự buổi lễ này.
Ông Michael Hà, ở Anaheim, từng trải qua thời gian sống ở Camp Pendleton vào những ngày đầu đặt chân đến Mỹ năm 1975 khi mới 16 tuổi cho biết ông luôn đến dự những buổi lễ như thế này khi có cơ hội.
“Đến đây để nhớ lại 40 năm trước, ngày tôi còn ở Việt Nam, 16 tuổi, và 40 năm sau, tôi ở đây. Đến để nhớ lúc đó người nhà đem mình ra Tân Sơn Nhất, nhìn máy bay lên xuống, cũng chẳng biết nghĩ gì. 40 năm rồi tôi chưa một lần trở về, cũng chưa thấy có lý do gì để trở về,” ông nói.


Một cựu quân nhân VNCH chào cờ VNCH trong buổi lễ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trong bộ quân phục đặc trưng của người lính Không Quân, ông Nam Phạm khiến phóng viên Người Việt chú ý bởi vì dù đứng gần cuối sân vận động, ông vẫn thể hiện tác phong chào cờ một cách trang trọng, thiêng liêng.

Ông cho biết, “Mấy năm trước có khi dự khi không những lễ tưởng niệm này, không thấy sốt sắng lắm. Riêng năm nay 40 năm rồi, tôi nghĩ mình cần phải có một nghĩa cử gì đó cho quốc gia.”

Bất chấp nhiều người chào cờ một cách “máy móc, vô hồn,” ông Nam nói, “Tôi chào cờ đúng theo tinh thần của một người dân Việt. Khi chào cờ thì mình cần có thái độ kính trọng lá cờ của mình, chứ không ai bắt buộc mình, mình làm là do lòng mình muốn làm thôi.”

Bên cạnh những người sống quanh vùng Litlle Saigon, còn có nhiều người từ các tiểu bang khác đến tham dự như anh em ông Trần Hữu Lượng ở Washington và em trai Trần Hữu Thành ở Oregon, cùng gia đình người nhà từ Canada sang “hẹn gặp nhau nhân dịp Tháng Tư này” để “cảm thấy mình may mắn quá nhiều so với đông đảo mọi người khi có cơ hội rời khỏi Việt Nam vào ngày cuối Tháng Tư, 1975.”
Bất chấp mưa, bất chấp gió, bất chấp cả âm thanh đôi khi khiến sân vận động, nhất là những người đứng từ phía sau, không nghe được bất cứ điều gì rõ ràng từ sân khấu, và bất chấp tất cả để nhận ra rằng, 40 năm sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, sự hoài niệm về một thời khắc khốc liệt vẫn còn là nỗi u hoài trong lòng người nơi đây.

Cần Thơ: Mở rộng quốc lộ, tai nạn giao thông tăng gấp 6 lần

CẦN THƠ (NV) - Thay vì mở rộng đường người dân đi lại sẽ được thông suốt, an toàn. Thế nhưng thực trạng đang diễn ra ở quốc lộ 91, đoạn qua quận Ô Môn và Thốt Nốt thì ngược lại.


Mặt đường bong tróc, gồ ghề, đọng nước trên mặt đường trên QL91, đoạn qua phường Thới Long, quận Ô Môn. (Hình: Người Lao Động)

Theo Người Lao Ðộng, mặt đường bong tróc, lổm chổm ổ gà, bụi mù mịt, nguy hiểm luôn rình rập người đi đường, cùng với sự gia tăng đột biến về tai nạn giao thông.

Theo phúc trình của Ban An Toàn Giao Thông Cần Thơ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, tại quận Thốt Nốt, tai nạn giao thông (TNGT) tăng đột biến. Cụ thể, TNGT xảy ra 9 vụ, làm 10 người chết và 7 người bị thương. Đặc biệt có 6 vụ xảy ra trên QL91, nơi đang được nâng cấp và mở rộng, có các gói thầu đang thi công làm 6 người chết, tăng 600% so với cùng kỳ năm ngoái, và làm 5 người bị thương (tăng 500%), chiếm 2/3 số vụ TNGT trên toàn thành phố Cần Thơ.

Nhiều người dân sống ven QL91, cho biết, nhiều đoạn đường đang làm vốn đã nhỏ hẹp, khi làm thì diện tích mặt đường càng bị thu hẹp 2 bên, không còn phân cách. Ngoài ra, trong thời gian này, lượng khách hành hương từ các nơi đổ về thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, ngang qua quận Thốt Nốt tăng mạnh, nên càng dễ xảy ra tai nạn...

Ông Lê Quang Phượng, phó Ban Chuyên Trách Ban An Toàn Giao Thông thành phố Cần Thơ, cho biết công trình nâng cấp QL91 đang gây quan ngại bực tức trong dân. Vì vậy buộc phải hoàn thành sớm nên được thi công liên tục, nếu không hoàn thành trong năm 2015 thì nguồn vốn đầu tư có nguy cơ bị cắt. (Tr.N)
04-24-2015 5:20:49 PM

Cha làm bí thư huyện điều con về giành ghế bí thư xã

BẾN TRE (NV) - Thông tin lãnh đạo huyện Mỏ Cày Bắc “động viên” chủ tịch xã Phước Mỹ Trung làm đơn thôi việc, về làm ban quản lý chợ, nhường ghế cho con trai bí thư huyện đang gây xôn xao dư luận.


Xã Phước Mỹ Trung, nơi con trai bí thư huyện Mỏ Cày Bắc được điều về giành ghế phó bí thư xã. (Hình: Pháp Luật Sài Gòn)

Theo Pháp luật Sài Gòn, vào tháng 11, 2014, lãnh đạo huyện Mỏ Cày Bắc có quyết định điều động ông Nguyễn Ngọc Thuận, con trai của ông Nguyễn Vũ Thanh, bí thư huyện ủy Mỏ Cày Bắc, đang làm phó phòng kinh tế huyện về làm phó bí thư xã Phước Mỹ Trung, trong khi xã này vẫn còn hai người đương nhiệm là ông Phạm Hồng Tiến, phó bí thư, kiêm chủ tịch xã và ông Bùi Tấn Hùng, phó bí thư thường trực xã.

Với vai trò phó bí thư mới, nhưng từ lúc nhận chức đến nay đã 6 tháng, ông Thuận không hề được phân công việc gì tại xã. Cứ sáng cắp cặp đến phòng làm việc, chiều lại cắp cặp về, theo kiểu ngồi chơi... chờ lên chức. Điều này khiến nhiều cán bộ và người dân xã Phước Mỹ Trung thắc mắc, khó hiểu.

Dư luận chung cho rằng, sở dĩ lãnh đạo huyện quyết liệt và ưu ái bố trí chức danh mới cho ông Thuận, vì lãnh đạo huyện đã có sắp xếp. Theo đó, sau đại hội đảng bộ xã Phước Mỹ Trung, ông Thuận sẽ lên nắm giữ chức vụ phó bí thư, kiêm chủ tịch xã. Tiếp sau đó, sẽ lên bí thư xã, và trong tương lai sẽ vào ban thường vụ huyện ủy.

Liên quan đến việc sắp xếp không được ông Thuận vào vị trí phó bí thư xã, ngày 23 tháng 4, phóng viên Pháp Luật Sài Gòn đã phỏng vấn ông Nguyễn Vũ Thanh, bí thư huyện ủy Mỏ Cày Bắc. Ông Thanh cho biết, “Không chỉ huyện Mỏ Cày Bắc mà các huyện khác ở Bến Tre đều có ba phó chánh văn phòng, cái này là đúng theo quy định. Chuyện này huyện làm không sai.” (Tr.N)

04-24- 2015 4:50:04 PM

'Các nước khác chưa chắc đã có nhiều đài truyền hình như Việt Nam'

cac nuoc khac khong co nhieu dai truyen hinh nhu Viet Nam

Ảnh minh họa

"Các nước khác chưa chắc có nhiều đài truyền hình như Việt Nam. Hiện nay chúng ta có hơn 300 kênh phát thanh, truyền hình để phục vụ cho người dân và chưa chắc tất cả chúng ta ngồi đây đã xem được hết các chương trình truyền hình đó", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son nhận định.

Hiếm có nước nào nhiều cơ quan báo chí như Việt Nam!
Một vấn đề mà nhiều người đang quan tâm hiện nay là đề án quy hoạch báo chí lần cuối, tuy nhiên cho đến nay, đề án này vẫn không được công khai, lấy ý kiến của đối tượng bị tác động theo đúng quy trình của pháp luật về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, quy hoạch báo chí là nhiệm vụ chức năng theo Điều 17 của Luật Báo chí. 
Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ ban hành các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch để triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về báo chí. Việc triển khai nhiệm vụ này là một nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ và đã được thực hiện cách đây 9 năm, từ 2006, trước khi có Bộ TT&TT, sau đó có một thời gian chúng ta dừng lại. 
"Cho đến gần đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định sẽ triển khai quy hoạch báo chí. Đây là một quy hoạch rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan, ảnh hưởng tới nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan báo chí trong cả nước", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết, đội ngũ báo chí của Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cả về số lượng và chất lượng. Thực tế cho thấy, ít có nước nào nhiều cơ quan báo chí như Việt Nam, hiện nay có 838 cơ quan báo chí, gồm các loại hình báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. 
"Thế giới nói rằng chúng ta không tự do báo chí nhưng chắc chắn chúng ta là một trong những nước rất tự do báo chí. Bởi vì chúng ta có tất cả các loại hình báo chí, dành cho tất cả các lứa tuổi, từ Trung ương tới địa phương, các bộ, ngành. 
Các nước khác chưa chắc có nhiều đài truyền hình như Việt Nam. Hiện nay chúng ta có hơn 300 kênh phát thanh, truyền hình để phục vụ cho người dân. Có thể nói đó là một nguồn lực rất lớn. Chưa chắc tất cả chúng ta ngồi đây đã xem được hết các chương trình truyền hình đó. Ngoài báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử, truyền thông xã hội cũng cung cấp thông tin rất lớn cho người dân", ông Son nói.
Quy hoạch báo chí không yêu cầu lấy ý kiến của tất cả các đối tượng
Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, vai trò của báo chí là rất lớn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí Việt Nam ra đời trước khi thành lập nước, ngày 21.6.1925, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của báo chí.
Trong quá trình phát triển, không tránh khỏi có những cái trùng lắp về tôn chỉ mục đích, song quá trình xây dựng đề án rất dài, và triển khai qua nhiều cấp, được sự chỉ đạo rất sát sao của Thủ tướng.
"Chính phủ giao cho Bộ TT&TT triển khai xây dựng dự thảo này. Tháng 7.2013, Bộ đã trình lên Chính phủ. Ngày 25.11.2013, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã họp và cho ý kiến về dự thảo, xác định đây là một văn bản theo quyết định, tức là văn bản cá biệt. Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan chủ quản, các tỉnh, thành phố, thậm chí gửi cả văn bản để lấy ý kiến về các phương án. 
Thủ tướng Chính phủ có thông báo số 437 ngày 5.12 kết luận cuộc họp cho ý kiến về đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến 2020. Tuy nhiên, đây là văn bản quy phạm pháp luật cá biệt nên Thủ tướng Chính phủ không chỉ đạo là lấy ý kiến tất cả các cơ quan báo chí. Trong kết luận của Bộ Chính trị cũng không có yêu cầu Chính phủ lấy ý kiến của tất cả các đối tượng", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến bằng kết luận số 437, căn cứ vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị. 
Bộ trưởng Son cũng cho biết, nhận thấy rằng quy hoạch báo chí toàn quốc là vấn đề lớn, rất nhạy cảm, cấp bách và có tác động, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, cơ quan, địa phương và đối tượng nên Bộ Chính trị yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ trình ra kỳ họp Trung ương 10. 
"Như chúng ta đã biết, trong Hội nghị Trung ương, đồng chí Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trình bày. Trong Trung ương đã có trên 100 ý kiến đóng góp về vấn đề này, cơ bản là nhất trí với các nội dung, mục tiêu, yêu cầu quan điểm và các định hướng trong quá trình quy hoạch báo chí", Bộ trưởng Son nói.
Được biết, hiện Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp thu ý kiến Trung ương, hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị xem xét quyết định và triển khai thực hiện. 
Tất cả các chi bộ đã được quán triệt kết quả, nội dung kỳ họp Trung ương 10, trong đó có nội dung thứ 9 về đề án quy hoạch phát triển báo chí Việt Nam đến năm 2025.
"Hiện nay Bộ TT&TT đã được Ban cán sự Đảng Chính phủ giao xem xét lại để hoàn chỉnh. Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ xem xét để ban hành. Chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ ban hành, và khi ban hành sẽ có kế hoạch quán triệt triển khai việc này. 
Như vậy, quá trình triển khai thực hiện thời gian qua rất kỹ lưỡng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đã được lấy ý kiến Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương. Quy hoạch này đang được Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét lần cuối trước khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.
Duyên Duyên

Phó bí thư xã chưa tốt nghiệp cấp 2 vẫn có bằng trung cấp thú y

(NLĐO) -Ông Trương Trong Giáp, Phó bí thư Đảng ủy xã Thiệu Trung ở Thanh Hóa, bị Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đề hủy bỏ bằng trung cấp thú y khi chưa có bằng cấp 2.

 Phó bí thư xã chưa tốt nghiệp cấp 2 vẫn có bằng trung cấp thú y
Công sở xã Thiệu Trung, nơi ông Trương Trọng Giáp đang công tác

Trong đơn phản ánh gửi tới cơ quan chức năng, công dân xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tố cáo ông Trương Trọng Giáp, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã này, đã không trung thực, khai man bằng cấp để được tuyển dụng và giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt của xã.

Cụ thể, ông Giáp dù chưa có bằng cấp 2 (THCS), nhưng vẫn theo học lớp trung cấp, ngành chăn nuôi thú y tại Trường Cao đẳng Nông Lâm Thanh Hóa (đóng ở xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Có được tấm bằng trung cấp thú y, ông Giáp sau đó được đi học lớp Trung cấp chính trị. Ngoài ra, để bổ sung thêm bằng cấp, ông Giáp đã lặn lội từ Thiệu Hóa lên tận huyện Mường Lát (cách gần 200 km), để theo học và lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 (hệ bổ túc).

Nhận được đơn kiến nghị của người dân, Ủy ban kiểm tra huyện Thiệu Hóa đã vào cuộc và có kết luận việc ông Giáp có đi học và được cấp bằng trung cấp là có thật. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD-ĐT để được tuyển sinh vào Trung học chuyên nghiệp, học sinh tối thiểu phải có bằng cấp 2 (THCS), nên việc ông Giáp theo học trong khi chưa có bằng cấp 2 vẫn được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp là không đúng.

Cũng theo kết luận của Ủy ban kiểm tra thì bằng trung cấp chuyên nghiệp ngành chăn nuôi thú y được cấp cho ông Giáp vào tháng 7-1997. Từ năm 2010 – 2012, ông Giáp vừa theo học lớp trung cấp hành chính tại huyện Thiệu Hóa, vừa tham gia học bổ túc tại huyện Mường Lát là có thật. Vì vậy trong quá trình đi học cả văn hóa, chuyên môn và tham gia công tác tại địa phương vẫn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ là không đúng, gây dư luận không tốt tại địa phương.

Sau khi nhận được văn bản của Huyện ủy huyện Thiệu Hóa về việc xem xét bằng cấp của ông Giáp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi Trường cao đẳng Nông Lâm Thanh Hóa, đề nghị thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp của ông Trương Trọng Giáp (SN 10-6-1974, ngụ xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa), do không hợp pháp.

Trao đổi với báo chí, ông Trương Trọng Giáp cho biết năm học lớp 9, do bị tai nạn nên ông không theo học tiếp. Sau đó, ông tới theo học tại lớp Trung cấp tại Trường Nông Lâm (nay là trường cao đẳng) và được nhận vào học. Còn lúc ông đi học cấp 3 tại huyện Mường Lát, vì quanh đó không có lớp cho học sinh vừa học vừa làm, khi đó ông đang là Bí thư đoàn xã thuộc diện quản lý của xã, ông đã xin ý kiến của lãnh đạo và họ đồng ý bằng miệng cho ông đi học.

“Hiệu trưởng, Trưởng phòng đào tạo Trường Cao đẳng Nông Lâm hiện đang còn sống cả đó, không hiểu sao Sở GD-ĐT lại không lấy ý kiến của họ, nếu hồ sơ xin học của tôi có vấn đề, sao họ vẫn nhận tôi vào học… Cái này là lỗi bất cập trong cơ chế tuyển sinh chứ cá nhân tôi không có ý gian lận, khai man bằng cấp” – ông Giáp nói.
26/04/2015 13:05
Tin-ảnh: Tuấn Minh

Vụ đứt cáp quang: Các nhà mạng phải xin lỗi người dân!


Ảnh: Internet

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc đứt cáp quang dù là bất khả kháng thì người cung cấp dịch vụ cũng phải có lời xin lỗi, phải có thông báo với người tiêu dùng. Đây chính là văn hóa cần thiết trong kinh doanh

Thời gian gần đây, cáp quang ngoài biển tiếp tục đứt đã ảnh hưởng rất lớn đến đường truyền internet từ quốc tế về Việt Nam cũng như từ Việt Nam ra quốc tế. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa bao giờ nhận được một lời xin lỗi của các doanh nghiệp viễn thông.
Nêu quan điểm về vấn đề này tại cuộc Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4.2015, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, các nhà mạng cần phải có lời xin lỗi chính thức đến người tiêu dùng, dù là đứt cáp quang hay nghẽn mạng đi chăng nữa.
"Trong quá trình triển khai, việc đứt cáp quang là bất khả kháng. Tuy nhiên việc cung cấp dịch vụ đứt đoạn thì người cung cấp dịch vụ cũng phải có lời xin lỗi, phải có thông báo với người tiêu dùng. 
Nếu là điều kiện bất khả kháng thì khách hàng sẽ chia sẻ với người cung cấp dịch vụ. Chúng tôi sẽ tiếp thu và có sự khuyến cáo đến các nhà mạng, không chỉ chuyện cáp quang biển, kể cả dịch vụ, ví dụ như nghẽn mạng, cũng phải có lời xin lỗi đến khách hàng. Đó là văn hóa cần thiết trong kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết, internet vào Việt Nam từ ngày 29.11.1997, đã đem lại rất nhiều tiện ích và trở thành dịch vụ thiết yếu, hằng ngày mà người dân không thể thiếu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy đã đặt ra thách thức rất lớn đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này, nhất là khi đường truyền gặp trục trặc. 
"Hiện nay chúng ta chưa có đủ điều kiện để xây dựng đường truyền độc lập, chúng ta đang liên doanh, liên kết AG với các nước. Chính vì vậy trong thời gian qua, có những tác nhân ảnh hưởng, tác động đến đường truyền này, ví dụ những nguyên nhân do con người như các hoạt động trên biển của tàu, bè, thậm chí lưới cào của ngư dân vướng phải; thậm chí có một số nước đề phòng đến hành động phá hoại. 
Tất cả những tình huống này khiến chúng ta phải nâng cao cảnh giác bảo vệ cáp quang nói riêng cũng như hạ tầng thông tin nói chung", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, phía Bộ đã yêu cầu các tập đoàn gia cố cáp quang ở vùng biển Việt nam cũng như vùng biển liên kết với nước ngoài, đồng thời phải xây dựng những tuyến cáp quang mới. 
Dung lượng sử dụng tuyến cáp quang biển càng ngày càng lớn, khi cáp quang bị đứtảnh hưởng rất lớn đến truy cập internet của người dân và doanh nghiệp, chính vì vậy sẽ phải xây dựng tuyến cáp quang thứ hai trên đường bộ sang Trung Quốc. 
Bộ trưởng Son thông tin, hiện nay tập đoàn VNPT đang triển khai 2 tuyến cáp quang mới sẵn sàng cung cấp thêm dung lượng cho nên những sự cố đáng tiếc như thế này sẽ hạn chế không xảy ra nữa và không để gián đoạn truy cập của người dân.
Duyên Duyên
 

Lớp 1 học cộng trừ tới 99 làm gì?

(PLO) - Chẳng biết Bộ GDDT muốn các cháu sau này thành gì nữa mà nhồi ghê quá. Chữ nghĩa thì chưa rành, cộng trừ trong phạm vi 10 ngón tay còn phải... giơ chân lên đếm mà giờ các cháu đã phải vắt óc ra tính các phép tính thế này rồi.
Cứ "luyện" xong phép tính cộng thì quên béng phép tính trừ và ngược lại. Rối tinh rối xèng.
Nhiều khi làm siêu nhanh những phép tính trên trời, đến 3+5 thì lại chẳng biết tính làm sao.

Theo "nghiên cứu" hằm bà lằng của tui thì triệu chứng đó đích thực là bị tẩu hỏa nhập ma rồi. Chưa biết bò đã bắt lo học... phi thân làm ninja mà.
Cơ mà con khổ sở thì mẹ còn thấy đau khổ hơn nữa, ép uổng con thì xót mà ko bắt con "luyện" thì sợ lẹt đẹt với chúng bạn. Thấy con tính tính toán điên khùng mà muốn... đưa cho nó cái máy tính quá.
Lớp 1 thôi mà, đâu cần thúc ép ghê thế, đến lớp 3 con mới biết cộng trừ trong phạm vi 99 cũng chưa muộn cơ mà.
Lứa tuổi này lẽ ra các con chỉ cần học tìm hiểu về thế giới xung quanh, luyện tập thể thao cho cao lớn bằng chúng bạn trong khu vực, biết cộng trừ nhuần nhuyễn trong phạm vi...10, thế là đủ. Cứ ôm lấy cái bàn học cắm đầu vào sách vở suốt ngày thì chắc cú ngoài việc có thêm một cặp kính dày cộp "chí thức", các con còn... lùn tè, yếu ớt nữa cơ.
Nghĩ thôi mà rầu, chắc là lại đổi nghề nữa thôi, xin vào Hội đồng biên soạn SGK chẳn hạn.
Bài viết từ Facebook Dang Lien

Cầm mã tấu xông vào nhà cướp tài sản

Khi các công nhân đang làm việc tại cơ sở cắt gia công thì bất ngờ xuất hiện 2 đối tượng cầm theo mã tấu xông vào nhà uy hiếp để cướp tài sản.
Cơ sở cắt gia công Thái Hồng nơi xảy ra vụ cướp táo tợn
Cơ sở cắt gia công Thái Hồng nơi xảy ra vụ cướp táo tợn
Ngày 25/4, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú, TPHCM cho biết đang truy xét vụ cướp táo tợn xảy ra tại cơ sở cắt gia công Thái Hồng (số 277, đường Kênh Tân Hóa, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú).
Trước đó vào lúc 2h30’ sáng 22/4, khi công nhân đang làm việc tại cơ sở cắt gia công thì xuất hiện hai thanh niên đi trên xe gắn máy (chưa rõ biển số) vác theo mã tấu ngang nhiên xông vào cơ sở yêu cầu tất cả nhân viên để điện thoại lên bàn.
Một số nhân viên không nghe theo thì bị chúng đánh đập. Sau đó chúng cướp đi hai điện thoại di động rồi lên xe tẩu thoát.
Nhận tin báo, công an quận Tân Phú đã đến hiện trường, lấy lời khai những người liên quan.
Hiện công an đang truy xét các đối tượng gây ra vụ cướp táo tợn nói trên.
Chủ Nhật, ngày 26/4/2015 - 16:34
Theo Dân Trí

Đường nông thôn mới vừa xong đã hỏng

(PL)- Chủ đầu tư chưa nghiệm thu công trình, chưa giao tiền cho nhà thầu, cương quyết yêu cầu nhà thầu phải nhanh chóng khắc phục.
Rất nhiều người dân bức xúc về việc hai con đường giao thông nông thôn mới với tổng chiều dài chưa đầy 2 km và vốn đầu tư gần 2 tỉ đồng, ở ấp Trung Hưng, xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng.
Mắt thường cũng thấy lỗi
Năm 2014, ấp Trung Hưng bê tông hóa một tuyến nông thôn dài khoảng 1,3 km, vốn đầu tư hơn 1 tỉ đồng, người dân đóng góp 20% (hơn 270 triệu đồng). Theo thiết kế, đường đổ bê tông độ dày 12 cm, chiều ngang 3 m, UBND xã Xuân Trường làm chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng Công ty TNHH - MTV Châu Lộc Khánh (trụ sở huyện Xuân Lộc).
Tuy nhiên, theo phản ánh, quá trình làm đường nhà thầu thực hiện không theo đúng bản thiết kế xây dựng ban đầu. Cụ thể, trong bản thiết kế nền đường sẽ được đổ đất sỏi đỏ nhưng nhà thầu lại sử dụng đất ruộng. Ban giám sát công trình phát hiện đã phản ánh lên chủ đầu tư. Cán bộ xã Xuân Trường xuống kiểm tra, ghi nhận và cho dừng thi công nhưng được vài ngày lại cho nhà thầu tiếp tục làm. Người dân hỏi cán bộ xã thì được cho biết trên huyện đồng ý cho đổ đất ruộng.
Nhiều đoạn đường nứt tại ấp Trung Hưng. Ảnh: VH
Ngoài ra, ban giám sát công trình không hề được biết tỉ lệ xi măng, cát trộn bê tông đổ đường. Nhà thầu trộn xe bồn lớn ở nơi khác mang về đổ. Sau đó nhiều người đã phát hiện ngay chất lượng không đảm bảo, nhiều cục xi măng đã chết và có màu đỏ như đất. Lúc này một số người đã báo lên lãnh đạo UBND xã để họ xuống kiểm tra. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ nhắc nhở nhà thầu.
“Làm không đúng theo thiết kế, bằng mắt thường cũng nhận thấy bê tông không đạt chất lượng nên con đường vừa làm xong, chưa đưa vào sử dụng thì đã xuất hiện những vết nứt dọc rất lớn trên toàn bộ tuyến đường. Tiền đầu tư xây dựng con đường này là của các hộ dân đóng góp, tiền ngân sách địa phương cũng là từ thuế từ người dân. Con đường vừa làm đã hư hỏng nghiêm trọng đến như vậy thử hỏi ai có thể chấp nhận được, người dân góp tiền mà phải đi đường chắp vá như vậy sao...” - ông Dương Quang Tư, đại diện cho các hộ dân, bức xúc.
Nhà thầu khắc phục mới trả tiền
Đại diện Công ty Châu Lộc Khánh đã nhận sai sót về việc đường hư hỏng và nhận lỗi với người dân ở ấp Trung Hưng. Sau khi làm xong được hai tháng, phía nhà thầu đã để cho xe chở đất quá tải đi vào dẫn đến đường bị nứt. Còn việc đổ đất không đúng theo thiết kế ban đầu là do không có đất sỏi đỏ và UBND xã UBND huyện Xuân Lộc cho phép lấy đất ruộng. “Hư hỏng đến đâu thì trách nhiệm chúng tôi sửa đến đó, chưa hết thời gian bảo hành. Ban quản lý dự án nghiệm thu được hay không là vấn đề khác, còn sửa chữa là trách nhiệm của chúng tôi” - đại diện nhà thầu khẳng định.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường Đặng Công Ngoan cho biết việc đổ đất nền đường không đúng theo thiết kế ban đầu là do ở khu vực xã Xuân Trường không có đất sỏi đỏ nên phải dùng đất sỏi đen. Còn về chất lượng bê tông, ông Ngoan giải thích: “Do nhà thầu mới sử dụng xe bồn lớn trộn bê tông nên thao tác kỹ thuật bị lỗ, chất lượng bê tông không đồng đều. Khi nhà thầu đổ xong bê tông thì người dân mới phản ánh lên chủ đầu tư. Ngoài ra, những vết nứt này là do xe quá tải đi vào đổ đất gia cố hai bên đường”.
UBND xã Xuân Trường cũng đã làm việc với chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Xuân Lộc cùng nhà thầu để có hướng khắc phục con đường hư hỏng ấp Trung Hưng. Bước đầu, việc đổ bê tông vào những vết nứt đã không đảm bảo chất lượng nên thời gian tới nhà thầu sẽ phủ một lớp bê tông xi măng dày 5 cm lên mặt đường. Nếu qua thời gian thử nghiệm việc khắc phục xử lý kỹ thuật vẫn không đảm bảo chất lượng thì sẽ khắc phục bằng phương án khác.
“Hiện chủ đầu tư vẫn chưa nghiệm thu công trình, chưa giao tiền cho nhà thầu trong công đoạn đổ bê tông. Vì vậy, chúng tôi cương quyết yêu cầu nhà thầu phải nhanh chóng khắc phục những đoạn đường hư hỏng. Phía nhà thầu cũng đồng ý với điều kiện chúng tôi đưa ra” - ông Ngoan nói thêm.
Đường khác cũng hư
Cùng chung tình trạng với con đường ở ấp Trung Hưng, con đường Kết Đoàn của ấp Trung Tín (cùng xã Xuân Trường) chiều dài đổ bê tông hơn nửa km, ngang rộng 2,5 m với vốn xây dựng 437 triệu đồng (do địa phương cùng người dân đóng góp), UBND xã Xuân Trường chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện cũng là Công ty Châu Lộc Khánh. Theo người dân nơi đây con đường này cũng sử dụng chưa được hai tháng đã hư hỏng, nứt nhiều chỗ. Hiện nhà thầu cũng đã khắc phục bằng cách đổ xi măng vào vết nứt.

VŨ HỘI