Saturday, October 13, 2018

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: vì cơn mưa hay do 'kỷ niệm quốc khánh'?

Ánh Liên (VNTB) Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới thông xe đã xuất hiện ổ gà và ổ trâu. Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Nguyễn Tiến Thành khẳng định: Sự cố như báo phản ánh chỉ là cục bộ, tải trọng xe, dầu diesel chảy tràn và nhất là nước mưa đọng trên đường.

Quan điểm này nhận được sự hoan nghênh nhiệt thành của ông ít người, vì họ hiểu tác dụng của cơn mưa lẫn tải trọng xe là cơ sở khiến con đường xuống cấp tại Việt Nam. Hai thủ phạm này thường xuyên hiện hiện ở những con đường hàng ngàn tỷ đồng, vốn được trích ra từ ngân sách nhà nước. Sức mạnh của cơn mưa và tải trọng xe là có thể hỗ trợ đơn vị giám sát, đơn vị thi công thoát khỏi trách nhiệm ràng buộc có liên quan, bao gồm cả trách nhiệm hình sự. Và ông Nguyễn Tiến Thành, một người kỹ sư rất trẻ tuổi đã học rất nhanh điều đó. Nhưng điều ông Thành không ngờ rằng, sau phát biểu đó, các báo đồng loạt đăng tin: Có dấu hiệu bớt xén, thay đổi vật liệu khi thi công cao tốc 34.500 tỷ.

Cơn mưa và xe cũng như dầu diesel đã không giúp ông Thành được nhiều lắm.

Trách nhiệm là điều hiếm hoi, khi một công trình liên quan đến cơ sở hạ tầng bị phát lộ sai phạm, thì người đứng đầu thi công và giám sát phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nhưng chắc chắn, con số 34.500 tỷ đồng đầu béo bở này không chỉ đến từ một hoặc hai người, mà còn có hàng tá người, trong đó có không ít đội ngũ quan chức về mặt quản lý vận tải. Vấn đề là, pháp luật có làm nghiêm để khiến những người đứng mũi chịu sào khai ra đường dây đó hay không,…
Con đường cao tốc trị giá gần 35.000 tỷ đồng nay mang trên mình 'ổ gà, ổ trâu'. Ảnh: Facebook
Điều tồi tệ là sau khi sự cố ‘ổ gà, ổ trâu’ xảy ra, thì đơn vị có liên quan lập tức ‘vá đường’ bằng những công cụ hết sức thô sơ. Hình ảnh này cho thấy, cách ứng xử của những người liên quan đến tuyến đường quan trọng và là huyết mạch tương lai của quốc gia cực kỳ… thờ ơ. Từ những ‘ổ gà, ổ voi’, báo giới tiếp tục phát lộ chuyện Kiểm toán Nhà nước từng chỉ ra một loạt dự án của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có vi phạm về quy định vay vốn là một trong những nguyên nhân khiến cho trần giải ngân vốn ODA của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã 'thủng' khi vượt dự toán 36.950 tỷ đồng.

Điều tuyệt vời là ‘thủng vốn’ hay ‘thủng đường’ thì dân vẫn phải gánh chịu, bởi nguồn vốn ODA – vốn được tính theo từng đồng thuế của thế hệ này với thế hệ sau được ‘lãnh đạo’ sử dụng không hiệu quả. Con đường từng được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế, giảm ùn tắc giao thông nay lại trở thành con đường đầy thất vọng về uy tín, trách nhiệm và cả lương tâm của những người ‘làm đường’ tại Việt Nam.

Mở rộng hơn một tí, tham nhũng là quốc nạn, từng là một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất khiến cho Việt Nam đội trần nợ công.

Facebooker Thịnh Đoàn đã chia sẻ quan điểm trên một group về giao thông: Đề nghị Bộ GTVT làm ngay ‘mái che’ cho toàn tuyến cao tốc Đà Nẫng - Quảng Ngãi. Đây là ý tưởng khá khôi hài, nhưng nó cũng đồng thời cho thấy rằng, thực trạng ăn cắp nguồn vốn ODA qua tham nhũng đã là chuyện cười ra nước mắt, như cách mà người dân gọi con số một ngàn tỷ hay mười ngàn tỷ. Nó biểu hiện cho một thể chế thiếu minh bạch, và quyền giám sát của nhân dân hoàn toàn bị khống chế.

‘Mái che’ cũng là cách mà không ít người dân thất vọng trong khâu xử lý, là cách nói biếm họa tốt nhất để chỉ về tình trạng che dấu thủ phạm thật, về chuyện ‘hiến tế’ một người để xử lý sai phạm tham nhũng, và cả việc xử lý vấn nạn tham nhũng trong công trình công không sâu sát mà chủ yếu là ‘chê dấu khuyết điểm và che dấu thủ phạm thực’.
Tập đoàn Sơn Hải với những tuyến đường thi công chất lượng. 
Trong khi các đơn vị nhà nước đang loay hoay ‘mở đường và sửa đường’ thì một công ty tư nhân là Tập đoàn Sơn Hải (tập đoàn lớn của tỉnh Quảng Bình) gây ấn tượng với việc đảm bảo thi công gói thầu mở rộng quốc lộ 1A qua Quảng Bình với bảo hành 5 năm, đến nay, vẫn không thấy vết hằn lún, nứt nẻ, ổ gà,... Trong khi đó, dự án mở rộng quốc lộ 1A với kinh phí 7.800 tỷ đồng qua Bình Định (với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh) lại xuất hiện dày đặc ổ gà, ổ voi và ổ trâu. Và lý do quen thuộc lại đến từ…. mưa lớn! Chưa hết, đoạn đường mở rộng qua tỉnh này lại rơi vào kịch bản quen thuộc, khi mà Kiểm toán Nhà nước xác định khối lượng một số hạng mục công trình trong tổng mức đầu tư chưa phù hợp với thiết kế cơ sở của dự án làm tăng tổng mức đầu tư.

Câu chuyện đường cao tốc giờ đây phải trở thành bài học nhãn tiền trong kiểm soát vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, và sắp tới là các đoạn đường cao tốc các tỉnh thành còn lại theo cách nghĩ 'ăn không chừa thứ gì'.

Nhưng, trách nhiệm cơ quan quản lý là Bộ GTVT ở đâu? Bởi trong một buổi chiều nắng gắt ngày 2.8.2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phê phán của Ban quản lý đường cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi (VEC), trong đó ông nhân mạnh: Việc hoàn chỉnh để kỷ niệm 2.9 khánh thành liệu có kịp không? Thủ tướng sẽ dự khánh thành đấy, không hoàn chỉnh đâu có được.

'Nuôi' nhà hát giao hưởng bằng tiền thuế của dân chúng?

Trúc Giang – Xuân Sơn (VNTB) Chi phí để ‘nuôi’ một nhà hát giao hưởng rất lớn. Bạc ngàn tỷ để xây, và cũng chừng ấy tiền để có thể giúp nhà hát sáng đèn, giúp duy tu bảo dưỡng khối kiến trúc nghệ thuật hàn lâm đó.

Nhìn từ Paris

“Từ trước tới nay, dòng nhạc giao hưởng cổ điển nổi tiếng là kén chọn khán giả, khép kín trong tháp ngà. Đã đến lúc dòng nhạc này mở rộng cánh cửa để đón tiếp công chúng. Chính cũng vì thế mà nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris ngoài việc tiếp đón các dàn nhạc giao hưởng, còn đưa vào trong chương trình các buổi biểu diễn nhạc jazz, nhạc rap, nhạc phổ thông… qua nỗ lực bắt nhịp cầu nối giữa các thể loại âm nhạc khác nhau, ban giám đốc hy vọng thu hút thêm lớp khán giả trẻ tuổi, chứ không phải chỉ có giới sành điệu biết thưởng thức”.

Bài báo trên trang web của đài phát thanh thời sự của Pháp RFI cho biết như vậy [http://bit.ly/2RcauFN]. Theo đó, công trình xây dựng nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris từ 263 triệu dự tính ban đầu, đã lên tới 385 triệu euro khi hoàn thành. Dự án Philharmonie de Paris được cho là ra đời vào một thời điểm không thích hợp: lạm phát ngân sách đồng nghĩa với phí phạm công quỹ. Có nhiều ý kiến không chấp nhận vì không hiểu tại sao chính phủ lại chịu tài trợ một công trình quá tốn kém, trong khi ‘túi tiền’ của nhà nước lại rỗng tuếch.

Điều này là bài học nhãn tiền cảnh báo cho những vị đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM vừa giơ tay biểu quyết chấp thuận xây dựng Nhà hát Giao hưởng ở Thủ Thiêm, với vốn xây dựng trên 1.500 tỷ đồng.
Bên trong nhà hát hai chục nghìn tỷ Elbphilharmonie tại Hamburg, khán phòng chính 2100 chỗ. Nhà hát có thể định giá một cách cụ thể nhưng môi trường Văn hóa - Nghệ thuật thì có thể là vô giá. Ảnh: Lê Quang (Facebook)
Trước đây, từng có thời gian dự án Philharmonie de Paris cũng vấp sự phản đối mạnh mẽ. Các quan chức Paris đã ra sức bảo vệ dự án, khi cho rằng đó không chỉ là nơi hòa nhạc mà là một nỗ lực táo bạo và cần thiết để mang lại cảm xúc mới cho các khán thính giả nhạc cổ điển. Chính phủ của Tổng thống Pháp Francois Hollande dùng khẩu hiệu để bảo vệ các nguồn tài trợ nhà nước và phản bác chỉ trích khi đưa ra câu hỏi: “Ai có thể lập luận rằng trong thời điểm khủng hoảng, chúng ta không cần âm nhạc?”.

Kết quả ở hôm nay cho thấy những ý kiến phản đối dự án là chính xác. Theo một nhà báo chuyên mảng âm nhạc, thì Philharmonie de Paris lịch diễn trong cả tháng 10 này cũng chỉ có đúng 2 buổi nhạc cổ điển. Tháng 11 còn không có buổi nào, tháng 12 cũng chỉ có 1 buổi. Tổng cộng trong cả 3 tháng cuối năm có… 3 đêm diễn nhạc cổ điển. Giá vé cho một buổi nhạc cổ điển cũng chỉ bằng 1/4 những buổi diễn các loại hình khác, cũng tổ chức tại đây. Và đó là Paris.


Tiền đâu để nuôi nhà hát và giàn nhạc giao hưởng?


Thành lập theo Quyết định số 955/QĐ-UB của UBND TP.HCM, ký ngày 21-6-1993 với tên gọi ban đầu là “Nhà hát Giao hưởng và Thính phòng”. Ngày 09-9-2006, Nhà hát được đổi tên thành “Nhà Hát Giao Hưởng - Nhạc, Vũ Kịch TP.HCM” (HBSO).

HBSO có biên chế 51 nhạc công, thiếu 20 người như quy định mức tối thiểu 70 nhạc công dành cho dàn dựng những vở nhạc kịch, vũ kịch lớn như “Cây sáo thần”, “Kẹp hạt dẻ”, “Cô bé Lọ Lem”, “Cuộc sống Paris”, “Con dơi”...

Tổng số cán bộ, nhân viên của HBSO là 142 người, trong đó đoàn giao hưởng là: 51, đoàn nhạc kịch: 30, đoàn vũ kịch: 21, có 7 cộng tác viên, nhân sự khối văn phòng. Trụ sở của HBSO đặt tại Nhà hát Thành Phố, 7 Công Trường Lam Sơn, quận 1.

Hàng năm ngân sách cấp cho HBSO kinh phí 12 tỷ đồng, trong đó hơn 6 tỷ đồng là trả lương. Nay nếu có một nhà hát giao hưởng, chắc chắn số tiền mà ngân sách phải chi thường xuyên để ‘nuôi dưỡng’ sẽ lớn gấp nhiều lần con số 12 tỷ đồng hàng năm. Bởi với thực trạng ‘da beo’ hiện tại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, đó là chưa kể số diện tích quy hoạch trái pháp luật do chính quyền TP.HCM gây ra vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết, thì việc xây dựng và khai thác một nhà hát giao hưởng là cầm chắc thất bại.

Lý thuyết về kiến trúc mà sinh viên được học ở trường Đại học Kiến Trúc và cả Đại học Xây dựng, là thông thường việc xây dựng nhà hát được tiến hành sau cùng, khi mọi thứ về cơ sở hạ tầng nơi đó đã ổn định. Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lincoln Center ở New York chỉ được xây khi đô thị này đã ổn về mặt hạ tầng, bệnh viện, trường học đầy đủ. Tương tự là nhà hát mới Opera Bastille được xây dựng khi Paris đã ổn định về nhu cầu hạ tầng xã hội, chứ trước đây họ tận dụng những gì đang có, bao gồm Nhà hát Opera Garnier cũ.

Phải chăng tư duy nhiệm kỳ là nguyên nhân của chuyện Thành ủy TP.HCM ủng hộ việc khởi công vào cuối năm nay dự án Nhà hát Giao hưởng 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm?

Biển Đông: Mỹ cần Việt Nam hay Việt Nam cần Mỹ?

'Không có công ty nước ngoài nào muốn đầu tư vào các dự án ngoài khơi Việt Nam' - báo chí quốc tế bình luận

Thường Sơn(VNTB) - Chuyến thăm Việt Nam bất ngờ vào trung tuần tháng Mười năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ giúp trả lời một câu hỏi hóc búa và thú vị: Mỹ cần Việt Nam hay Việt Nam cần Mỹ?

Đã từ lâu, giới quân đội và ngoại giao Việt Nam, và tất nhiên cả dàn chóp bu qua các đời trong Bộ Chính trị Việt Nam, đều luôn khẳng định là ‘Mỹ cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Mỹ’, kể cả vào thời Nguyễn Phú Trọng đã ‘mót’ Hiệp định TPP đến mức phải chấp nhận với Obama về việc sẽ cho phép định chế công đoàn độc lập lần đầu tiên tồn tại ở Việt Nam, và ngay vào lúc này khi chính thể độc đảng ở Việt Nam, không còn cách nào khác, phải dựa vào sức mạnh của hải quân Mỹ để ‘can đảm lao ra biển lớn’ nhằm khai thác dầu khí trước hàm răng nhọn hoắt của con cá mập Trung Quốc.

Từ giữa năm 2017 đến nay đã xảy ra những biến cố đủ lớn khiến Nguyễn Phú Trọng, Bộ Quốc phòng và Bộ Chính trị Việt Nam không còn quá mê đắm trong động tác đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tháng Bảy năm 2017, hải quân Trung Quốc đã gây sức ép ở quần đảo Trường Sa và Bãi Tư Chính khiến Việt Nam phải muối mặt yêu cầu Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam - câm lặng rút khỏi dự án Cá Rồng Đỏ ở khu vực mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Sau vụ bỏ chạy không dám ngoái cổ ấy của liên doanh dầu khí Việt Nam - Tây Ban Nha, đã có tin quốc tế xác nhận ý đồ của hải quân Trung Quốc là có kịch bản tấn công quân sự, đặc biệt khi ‘bạn vàng’ này đã đưa cả một giàn phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016.

Vào năm 2017, khoảng gần 2 tháng sau khi nổ ra vụ Bãi Tư Chính lần đầu tiên, một viên tướng Trung Quốc là Phạm Trường Long - Phó chủ tịch Quân ủy trung ương - đã đến Hà Nội. Khi đó, tin tức từ giới truyền thông quốc tế tiết lộ là Phạm Trường Long đã đòi Việt Nam hủy bỏ hoạt động dò tìm dầu khí tại các lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam - Quảng Ngãi) và lô 136-3 (đông nam Vũng Tàu 200 hải lý). Những lô dầu khí này hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại bị vạch chủ quyền hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc vắt chéo qua. Nhưng sau khi bị giới chóp bu Việt Nam phản đối, tướng Phạm Trường Long đã bỏ về thẳng mà không ở lại dự “giao lưu quân đội Việt - Trung”.

9 tháng sau “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, nỗi nhục lần thứ hai đã xảy ra ở cùng địa điểm. Vào tháng Tư năm2018, một lần nữa Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Lần thứ hai phép thử lấy tiền trong túi quần của mình đã không thành công. Chính thể Việt Nam đã rơi vào cảnh nạn bĩ cực đến mức dù quá muốn khai thác dầu khí ngay trong vùng chủ quyền của mình cũng phải bó tay. Cũng vẫn do sức ép không hiểu đến mức độ nào của Trung Quốc.





Trong suốt thời gian trên, giới chóp bu Việt Nam còn bị hành hạ không ngớt bởi cái bóng của Vương Nghị - ngoại trưởng Trung Quốc với gương mặt lạnh như tiền - và lời đề nghị như thể chiếu chỉ của họ Vương về ‘Trung Quốc và Việt Nam cùng hợp tác khai thác dầu khí trên biển’, liên quan đến số phận treo niêu của các mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, Cá Voi Xanh và Lan Đỏ, chưa kể những mỏ khác.

Bản chất của những va chạm giữa hai chế độ “anh em” rốt cuộc chỉ là dầu khí và quyền được khai thác dầu khí. Chắc chắn là khi đưa ra yêu sách trên, các chuyên gia phân tích tâm lý chính trị ở Bắc Kinh đã nắm rất rõ tinh thần “văn dốt võ nhát” và “chưa đánh đã chạy” của một số quan chức cao cấp ở thượng tầng chính trị Việt Nam.

Một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính, mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, và mỏ Lan Đỏ là một số ít tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt.

Chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, lại đang lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh, mà còn phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ, chấm dứt toàn bộ hy vọng tự tạo được ngoại tệ để có thể trả nợ nước ngoài lên đến 10 - 12 tỷ USD mỗi năm.

Từ đầu năm 2016, tàu chiến Mỹ đã tiến vào Biển Đông để bảo vệ an ninh hàng hải trước sự phá rối và đe dọa của hải quân Trung Quốc, bất chấp Việt Nam có muốn hay không. Từ đó đến nay, Việt Nam đã chỉ có thể phát ngôn ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ như một thái độ đồng thuận không hẳn là bất đắc dĩ.

Nhưng nếu không có lực lượng hải quân Mỹ áp sát Biển Đông, dù Bộ Chính trị Việt Nam có ‘uống thuốc liều’ xua quân lao ra biển dể khai thác dầu khí, sẽ chẳng có cơ may nào được cho phép bơi ‘bạn vàng’ Trung Quốc.
  
Bây giờ thì Mỹ cần Việt Nam hay Việt Nam cần Mỹ?

Nhà hát hoành tráng hay bảo tàng dân oan?

Tâm Don (VNTB) Nếu nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch Thủ Thiêm được xây dựng, có phải nó sẽ được xây bằng những viên gạch vụn vỡ của chùa Liên Trì, và những đống đổ nát tang thương khác ở Thủ Thiêm? Những buổi hòa nhạc và biểu diễn ở nhà hát Thủ Thiêm liệu có phải được hòa âm phối khí bởi những âm thanh nghẹn ngào không tưởng của người dân oan mất đất Thủ Thiêm hơn 20 năm ròng rã kêu oan?


Ngày 8-10, HĐND TP HCM khóa IX đã tổ chức kỳ họp thứ 10 - bất thường thông qua dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch (nhà hát) sử dụng vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư 1.508 tỉ đồng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM), sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2020. Tại kỳ họp bất thường này, hầu hết các quan chức và đại biểu Hội đồng nhân dân TP HCM đều ủng hộ phương án xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch Thủ Thiêm.


Ngay lập tức, cộng đồng mạng xã hội đã lên tiếng phản đối dự án tốn kém và nhiều uẩn khúc này.

Cô giáo Trần Thị Bích Hà viết trên tài khoản cá nhân: “Là cử tri, tôi nói với bà Chủ tịch HĐND TP. HCM như này, nếu tiền thuế của dân đóng góp đang dư ra 1.500 tỷ thì bà cùng các lãnh đạo nên làm mấy việc cấp bách:

1. Xây thêm bệnh viện, nhất là các bệnh viện vệ tinh và đầu tư thêm cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các bv tuyến quận huyện cho dân nhờ. Dân chết ngộp trong các bv rồi.

2. Làm thêm đường mới, mở rộng đường cũ, giải quyết nạn kẹt xe và ngập úng cho dân nhờ. Không khiếp gì bằng ra đường bây giờ. Mà chẳng lẽ chúng tôi rồi con cháu chúng tôi phải ngồi trong nhà để học, để làm? Bà suốt ngày ngồi trong xe máy lạnh bà có hiểu đc nỗi khổ của 90% dân thành phố chạy xe máy giữa khói bụi và ngập lụt không?

3. Xây thêm trường học, giảm sĩ số, đầu tư cơ sở vật chất cho trường. Bà biết không, tôi đang dạy giữa Quận 1 đây mà có những trường thế kỷ 21 rồi, 4.0 rồi mà cũng chỉ bảng đen phấn trắng không khác gì lớp học của chúng tôi 40 năm trước, chỉ hơn có mấy cái quạt. Vậy thì GV làm sao dùng phương pháp dạy học hiện đại đc.

Nhà hát bây giờ với dân chúng tôi là xa xỉ, là kệch cỡm. Nó cũng giống như các tượng đài kém chất lượng, một loại trá hình văn hóa, trêu ngươi dân chúng.

Mong bà còn lương tri, còn biết nghe những lời gan ruột của dân lành.”

Luật gia Trần Anh Chiến ở Vũng Tàu châm chọc: “Tin vui vui! Nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tại kỳ họp bất thường (không bình thường) hôm nay, HĐND tp. Hồ Chí Minh đã quyết định chi hơn một ngàn năm trăm tỷ đồng để xây Nhà hát Nhạc giao hưởng. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ thu hút đông đảo mọi người đến ngắm nghía, chụp ảnh tự sướng rồi cho cả thế giới biết tay(!).”

Khi TS Lương Hoài Nam cổ vũ và ủng hộ chủ trương xây nhà hát Thủ Thiêm của chính quyền Sài Gòn, doanh nhân Nguyễn Tấn Thành phản bác: “Ngoài những đứa giơ tay "bỏ phiếu" xây Nhà hát ở Thủ Thiêm chúng ta cần sưu tầm tên tuổi, chúng ta cần thẳng thắn đập vào lập luận những thằng khốn nạn như thằng này:

- Xây thêm bệnh viện 1500 tỷ thì vẫn thiếu. Vậy thì cần xây trước để bớt thiếu bớt khổ đau cho dân.

- Đô thị văn minh thì phải có những công trình văn hóa đẳng cấp. Vậy thì bệnh viện trường học đô thị văn minh cần hơn chứ.

Chúng nói những câu khốn nạn ngu dốt như vậy mà vẫn tự hào là trí thức là giáo sư là tiến sỹ ... là bởi vì chúng ta im lặng không chửi vào mặt chúng ngu như thế nào.

Khi nhiều người chửi, nhiều người chia sẻ chúng sẽ úp mặt bớt láo, bớt khuyến khích bọn ăn phá kia làm đất nước đỡ tan nát các bạn à”.

Doanh nhân Nguyễn Tấn Thành cho rằng, quyết định xây nhà hát 1500 tỷ đồng đã:”- Nhẫn tâm với nhân dân Sài Gòn khi đang thiếu lớp học, bệnh viện. - Khốn nạn với nhân dân Thủ Thiêm khi đang công nhận họ bị cướp đất sai mà không trả lại nguyên vẹn và bồi thường cho họ. - Phá nát quy hoạch Thủ Thiêm vì không có thiết kế sẵn nhà hát khiến nó trơ trọi cũng như khiến các khu đô thị đó chật chội.”

Doanh nhân Nguyễn Tấn Thành còn cho rằng, hiện các nhà hát ở Sài Gòn đang ế ẩm, ảm đạm vắng người xem, còn nhà hát Hoà Bình xây cả ngàn tỷ đã xuống cấp trầm trọng nên việc xây mới nhà hát Thủ Thiêm là không cần thiết.

Một Facebooker có nick name Hien Bushell viết: “Trong khi máu và nước mắt của người dân Thủ Thiêm chưa kịp lau khô, trong khi những tiếng oán than của người dân Thủ Thiêm còn rền vang một góc Sài Gòn, trong khi những sai phạm của quan chức Cộng Sản Việt Nam về việc lạm quyền, ăn chia xương máu của dân Thủ Thiêm vẫn chưa được công khai danh tính thì giờ đây, họ lại nhân danh dân dùng tiền thuế để xây dựng nhà hát giá trị lên tới 1.500 tỉ đồng. Còn có điều gì vô liêm sỉ hơn thế nữa hay không?

Ai đã bầu bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đại diện cho nhân dân? Mình chắc một điều những người từng bỏ phiếu không phải là nhân dân theo đúng cái nghĩa của từ này. Mình còn nhớ chính bà Tâm từng nói: Con cháu lãnh đạo làm lãnh đạo là phúc cho dân tộc. Nhưng khi hàng loạt quan chức con ông cháu cha phải ra hầu toà vì sai phạm thì bà này lại im hơi lặng tiếng.

Đợt vừa rồi tiếp xúc cử tri về vụ Thủ Thiêm, bà Tâm chỉ dừng lại ở mức ghi nhận vấn đề, thực chất là né tránh trách nhiệm của một người đại biểu. Cho tới nay khi người ta tuyên bố không thèm công khai danh tính những người sai phạm bà Tâm cũng chẳng có ý kiến gì. Đùng một cái bà này đăng đàn tuyên bố xây dựng nhà hát ngàn tỉ là nguyện vọng của nhân dân.”

Nhà báo Lê Bảo Nhi, người có thời gian dài làm việc trong hệ thống báo chí nhà nước viết: “Hai mươi năm, người dân Thủ Thiêm mất đất, mất nhà, đói khát, đau đớn kêu cứu thưa kiện khắp mọi nơi. Vậy mà, không ai được giải quyết được, bồi thường thỏa đáng. Có người lang thang ăn xin ăn mày, ngủ vật vạ lề đường xó chợ, có người bị nhốt vào nhà thương tâm thần không có ngày ra, có người đã tự vẫn, chết trong uất hận chất chồng.

Với quyết tâm cướp cho bằng được, nuốt cho bằng trọn mảnh đất thấm đẫm máu và nước mắt của người dân Thủ Thiêm, nhà cầm quyền thành phố Hồ Chí Minh họp bàn thống nhất xây một nhà hát " nhạc giao hưởng" hoành tráng trên mảnh đất cướp được ấy.

Một công đôi việc, lũ sâu dân mọt nước này muốn chia chác, tư túi thêm 1500 tỷ đồng tiền thuế của dân khi xây nhà hát này.

Điều chúng nó nghe thấy không phải là nhạc giao hưởng mà là tiếng xủng xoẻng của những đồng tiền mà chúng cướp được. Chúng sẳn sàng nhảy múa trên máu người và trên xác người vì những đồng tiền bất nhân đó.”


Một tiến sĩ chuyên ngành văn hóa học hiện giảng dạy và sinh sống ở Sài Gòn, đề nghị được dấu tên, nói với VNTB: “Những đoàn nghệ thuật lớn trên thế giới, những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới sẽ không đến nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch Thủ Thiêm để biểu diễn nếu họ biết rằng, nhà hát này được hình thành trên mảnh đất có nhiều nước mắt, mồ hôi, máu và mất mát- kể cả mất mát về sinh mạng của những dân oan mất đất. Nghệ thuật gắn liền với nhân bản và nhân văn, họ không thể hiện nghệ thuật ở nơi chứa chất tội ác và thấm đẫm đau thương”. Ông nói với giọng chua chát: “Nếu nhà hát hoành tráng này được động thổ, chính quyền Sài Gòn nên mời hòa thượng Thích Không Tánh- nhà sư trụ trì chùa Liên Trì( ngôi chùa bị giải tỏa ở Thủ Thiêm vào năm 2016) đến chủ trì nghi thức động thổ. Trong buổi công diễn đầu tiên của nhà hát này, chính quyền Sài Gòn nên mời hòa thượng Thích Không Tánh và hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm mất đất đến dự”. Ông nói thêm: “Tôi tin rằng, khi Việt Nam có dân chủ, trên vùng đất Thủ Thiêm sẽ mọc lên một bảo tàng dân oan Việt Nam- dấu ấn đau thương của một Việt Nam bất hạnh, bất công và nghèo đói”.

Cú đánh úp của Bộ trưởng Tô Lâm?

Thảo Vy (VNTB) 
Trên mạng xã hội đang dẫn một văn bản được cho là dự thảo ngày 03/10/2018 về nghị định Luật An ninh mạng [tải về tại đây http://bit.ly/2pOl4go]. Bản dự thảo này không thấy đăng trên trang web của Bộ Công an; thay vào đó là một nội dung dự thảo nghị định tương tự, đã kết thúc thời gian lấy ý kiến từ 05/06/2017.

Ngay sau thông tin các ông bà nghị của TP.HCM giơ tay biểu quyết việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng 1.700 ghế ở khu đô thị ‘dân oan’ Thủ Thiêm, là thông tin Bộ Công an đã hoàn tất các nội dung của nghị định cho Luật An ninh mạng. Công luận cho rằng đây là cú đánh úp, vì lâu nay không ai biết các nội dung dự thảo này được lấy ý kiến từ lúc nào?
Ảnh minh họa.
Tin rằng sẽ sốc hơn, khi văn bản dự thảo nghị định đăng trên trang điện tử của Bộ Công an, có ngày kết thúc lấy ý kiến đóng góp là 05/06/2017 [nguồn: http://bit.ly/2pKBcPS].

Sốc, vì theo Thông cáo số 17 kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV phải đến ngày 12/6/2018, Quốc hội mới thông qua dự thảo Luật An ninh mạng. Trong hồ sơ công khai về dự luật này trên tranghttp://duthaoonline.quochoi.vn của Thư viện Quốc hội, trực thuộc Văn phòng Quốc hội, hoàn toàn không có tài liệu nào liên quan về dự thảo văn bản hướng dẫn dưới luật như đăng tải trên web của Bộ Công an [chi tiết tại http://bit.ly/2EdzQY2].

Thời điểm của dự thảo nghị định đăng trên website Bộ Công an thì Luật An ninh mạng vẫn là dự thảo. Liệu có gì giống và khác nhau giữa hai văn bản dường như cùng liên quan đến chuyện thi hành Luật An ninh mạng?

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình như thế nào?

Trong Tờ trình gửi Chính phủ và Bộ Tư pháp, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết (trích phần đánh số V. của Tờ trình): “Các bộ, ngành tham gia ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, các ý kiến tham gia trực tiếp vào dự thảo Nghị định đã được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu. Có một số ý kiến tham gia, cơ quan chủ trì soạn thảo xin được giải trình như sau:

- Bộ Quốc phòng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xác định lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định, chỉ quy định các vấn đề về “bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng”, và đổi tên Nghị định thành “Nghị định quy định về bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng” để phù hợp với nội dung của dự thảo Nghị định.

Về vấn đề này, Bộ Công an cho rằng bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia có phạm vi rộng hơn bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng. Bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia bao gồm bảo vệ quốc gia trên không gian mạng, tác chiến không gian mạng và bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Ba lĩnh vực này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, có sự tác động ảnh hưởng lẫn nhau trong phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn, xử lý. Dự thảo Nghị định cần quy định một cách tổng thể về bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia chứ không chỉ bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng. Do vậy, đề nghị giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định.

- Bộ Thông tin và truyền thông và một số bộ, cơ quan ngang bộ khác đề nghị cân nhắc về sự trùng dẫm giữa phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định với các quy định của Luật an toàn thông tin mạng và các văn bản quy định chi tiết Luật này; sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa Bộ Công an với Bộ Thông tin và truyền thông.

Về vấn đề này, Bộ Công an cho rằng Luật an toàn thông tin mạng và các văn bản quy định chi tiết Luật này điều chỉnh về vấn đề bảo đảm an toàn thông tin mạng; còn dự thảo Nghị định này quy định về bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia, do vậy không có sự chồng chéo về phạm vi điều chỉnh”.

Tùy tiện chụp mũ thế lực thù địch

Dự thảo nghị định đăng trên trang web của Bộ Công an, Chương III “Phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia”, gồm các điều từ 14 đến 16, cụ thể như sau:

“Điều 14. Biện pháp phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia: 1. Các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp thu thập chứng cứ và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với pháp nhân, cá nhân có hành vi xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia. 2. Các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nghiệp vụ.

Điều 15. Đối tượng áp dụng các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia: 1. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia. 2. Các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia. 3. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Điều 16. Nội dung, căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia: 1. Nội dung, căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. 2. Nội dung, căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”.

Cụm từ “Các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia” cho thấy độ rộng của việc chụp mũ thế lực thù địch mà Bộ Công an giữ quyền sinh sát.

Bộ Công an được quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng tại Việt Nam?

Dường như ở văn bản được cho là dự thảo ngày 03/10/2018 về nghị định Luật An ninh mạng, là bản chi tiết hóa các nội dung ở Chương III “Phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia” của bản dự thảo đăng trên website Bộ Công an.

Theo đó, thì tại các điều từ 54 đến 58, các nhà cung cấp dịch vụ (ISP, Internet Service Provider) như Google, Facebook, Viber, Skype, Yahoo,… bắt buộc phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người tiêu dùng đã khởi tạo quyền sử dụng cá nhân từ địa chỉ IP tại Việt Nam (*).

Dự thảo nghị định trao quyền cho Bộ Công an việc vào máy chủ lưu trữ đặt tại Việt Nam để tìm hiểu về cá nhân, tổ chức nào đó về tất cả “dữ liệu phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ, bao gồm: nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch”; “Cung cấp dữ liệu thông tin gốc do người sử dụng tạo ra hoặc tài liệu, thông tin mà các doanh nghiệp thu thập được nhưng chưa mã hóa, hoặc đã được giải mã để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật” (Trích điều 57.3.c).

Cục An ninh mạng được quyền yêu cầu doanh nghiệp ISP phải cung cấp thông tin về thiết bị sử dụng của người dùng, bao gồm “thông tin về thiết bị, thuộc tính, hoạt động, số nhận dạng, tín hiệu, dữ liệu từ cài đặt thiết bị, mạng và kết nối, dữ liệu cookie”.

Tất cả điều đó có nghĩa dù không chiếm giữ được quyền tài khoản của người dùng, song nhân danh Luật An ninh mạng, dự thảo nghị định cho phép Cục An ninh mạng buộc các ISP phải cung cấp toàn bộ dữ liệu của người dùng. Và như vậy mọi thông tin đều bị đặt lên bàn soi từng chi tiết. Những trao đổi riêng tư qua các hộp thư dễ dàng bị đọc công khai mà không vi phạm các quy định bảo mật giữa ISP với người sử dụng.

Đương nhiên khi ấy thì chuyện chụp mũ thế lực thù địch càng thêm dễ dàng, kể cả việc ngụy tạo chứng cứ số của nhà chức trách. Đáng ngại hơn là những giao dịch thuộc bí mật làm ăn của doanh nghiệp, doanh nhân dễ dàng bị thao túng, khi ai đó tung số tiền lớn ra để mua các dữ liệu này.

Chú thích:


(*) Về cơ bản, địa chỉ IP, viết tắt của Internet Protocol - giao thức Internet, là địa chỉ đơn nhất mà mọi thiết bị điện tử đang sử dụng. Thông qua nó, thiết bị này có thể kết nối với thiết bị khác và chia sẻ dữ liệu. Trong một số trường hợp đặc biệt, người khác sẽ xem được các hoạt động gắn liền với địa chỉ IP cụ thể. Sau đó, họ chắp nối các thông tin về người đang truy cập Internet từ địa chỉ đó.

Giáo dục Việt trong mắt nước ngoài: rất tốt… trên “giấy”

Thanh Lam/13/10/2018

Nhà báo John Reed của tờ Financial Times đã có bài chia sẻ thẳng thắn về nền giáo dục Việt Nam với tiêu đề “Education in Vietnam: very good on paper”. Để thực hiện bài viết, ông đã đến tham quan và có những cuộc tiếp xác với học sinh, sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu giáo dục trên địa bàn Hà Nội.


Theo đó, nhà báo này cho rằng: Kết quả thi tốt là tiêu chí đầu tiên đánh giá bạn có giỏi không trong nền giáo dục ở đây. Tuy nhiên, nó sẽ không giúp học sinh chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.
Mỗi năm ở Việt Nam đều tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học kèm theo sự mong đợi cao của các bậc cha mẹ, sự cạnh tranh từ các học sinh khắp nơi. Để chuẩn bị cho kỳ thi đó, mỗi tuần đều có những bài kiểm tra với mức độ khó tăng dần trong các trường học
Cô bé Nguyễn Thị Phương Thảo nói với John Reed: “Có rất nhiều bạn học rất giỏi và tài năng, nó khiến em cảm thấy áp lực.” Thảo muốn trở thành nhà báo, nhưng môn học yêu thích lại là toán học, nguyên nhân là vì cha mẹ cô “bắt buộc” học từ khi còn bé.
Còn Nguyễn Tùng Chi, sinh viên năm thứ hai Đại học, dự định sẽ làm việc trong lĩnh vực marketing, chia sẻ: “Mục tiêu ban đầu của em cũng là vào một trường Đại học top đầu. Hầu hết các bạn cùng lớp đều bị ám ảnh với điểm tốt.”
Tuy nhiên, trong các bảng xếp hạng về giáo dục, Việt Nam lại ở vị trí vượt trội so với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, điều đó cũng tương tự đối với bảng xếp hạng toàn cầu. Điểm xếp hạng cao giúp cho Việt Nam đứng thứ 48 trong chỉ số vốn nhân lực của Ngân hàng Thế giới - thứ hạng cao nhất đối với bất kỳ quốc gia có thu nhập trung bình thấp nào. Thành tích giáo dục này thậm chí nổi bật hơn cả mức tăng trưởng kinh tế.
Giáo dục chiếm tới 6% GDP ở Việt Nam, đó là mức cao theo tiêu chuẩn toàn cầu ngay cả khi so với hầu hết các nước láng giềng. Ngoài việc đầu tư của chính phủ vào các trường học, các nhà nghiên cứu đánh giá điểm mạnh của trẻ em Việt Nam nằm ở tính văn hóa và lịch sử.

Thế hệ dưới 20 tuổi hiện tại của Việt Nam là nhóm nhân khẩu học đặc biệt. Đó chính là những thí sinh sẽ cạnh tranh quyết liệt cho vị trí trong các trường đại học top đầu, xa hơn là vị trí công việc trong nền kinh tế đang trải qua quá trình biến đổi sâu sắc dưới sự tác động của công nghệ và toàn cầu hóa.
Hoàng Kim Ngọc, 24 tuổi, giáo viên tiếng Anh tại trường Nguyễn Huệ, cho biết: “Thế hệ cha mẹ của những em học sinh đã phải làm việc chăm chỉ, cật lực để vươn lên thoát khỏi nghèo nàn và họ nhận ra cách nhanh nhất để làm điều đó là tri thức. Nhu cầu của lực lượng lao động hiện tại rất cao. Thế giới đang tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nơi chúng ta không chỉ phải cạnh tranh với máy móc công nghệ, mà còn cần phải kiểm soát chúng.”
Trong khi đó, Phạm Hiệp - nhà nghiên cứu về giáo dục đại học - cho rằng thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế của Việt Nam một phần là do chương trình giảng dạy được thiết kế tốt về mảng toán học và khoa học. Việc dạy kèm thêm toán học và các môn học khác ngoài trường học cũng rất phổ biến.
Nhà nghiên cứu cho rằng, còn một yếu tố khác khi nhắc tới những vấn đề tồn tại của Việt Nam đó là sự cạnh tranh khốc liệt tại các trường đại học khi Việt Nam đang trải qua giai đọan bùng nổ dân số. “Nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu.” Các trường đại học tư ở Việt Nam đến nay mới chỉ đào tạo khoảng 15% tổng số sinh viên thấp hơn so với các nước láng giềng trong khu vực như Philippines, Malaysia và Trung Quốc.
Hệ thống giáo dục của Việt Nam đã làm khá tốt trong việc giúp cho trẻ em có những kết quả cao trong các bài kiểm tra, đặc biệt là trong toán học và khoa học. Nhưng nếu đặt vấn đề về việc giáo dục tư duy và lý luận cho học sinh thì chưa chắc đã đúng. Điểm số của bài kiểm tra có thực sự đáng tin cậy?

Bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới mà Việt Nam tham gia dựa trên các bài kiểm tra Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế (Pisa), do OECD điều hành dành cho học sinh 15 tuổi. Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng kết quả bị ảnh hưởng bởi trong quá trình diễn ra ở Việt Nam, trẻ em đã được làm mẫu sẵn khiến cho bảng tổng kết trông đẹp hơn. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ em Việt Nam đã bỏ học ở tuổi 15.
Những học sinh bỏ học có khuynh hướng nghèo hơn và kết quả học tập dưới mức trung bình, còn những học sinh khá hơn và ham học hơn giúp cho kết quả tổng thể tăng lên đáng kể.
John Jerrim, giảng viên tại Viện Giáo dục Đại học London, thẳng thắn chia sẻ: “Bài kiểm tra Pisa cho Việt Nam bị lệch, dường như nó chỉ bao gồm những đứa trẻ có thành tích cao. Đây là nguyên nhân quan trọng giải thích tại sao Việt Nam đã làm tốt.” Ông Jerrim cũng nói thêm rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với một “nghịch lý” trong tương lai, vì việc cải thiện giáo dục có nghĩa là ngày càng có nhiều trẻ em ở lại trường. Điểm số Pisa sẽ có khả năng giảm hơn là tăng.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra đánh giá khách quan rằng ngay cả khi đưa các thống kê bất thường vào bảng xếp hạng, “Việt Nam có thể làm khá tốt so với các nước khác có cùng mức độ phát triển”. Chính phủ Việt Nam đã theo đuổi cải cách giáo dục trong hơn một thập kỷ, tập trung vào việc giảm khối lượng môn học của sinh viên, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào giáo dục đại học, và cải thiện giáo dục đào tạo nghề. Kết quả cho đến nay chưa được như mong đợi. Những đứa trẻ được học cách làm sao để vào được các trường danh tiếng, nhận được một công việc dựa trên số điểm hơn là kỹ năng riêng. Ngay cả các chuyên gia nước ngoài cũng đã có thể nhận ra điều đó, chứ không cần làm việc lâu năm trong ngành giáo dục như nhiều vị quan chức ở ta.
Theo Financial Times

Hàng trăm người dân Đà Nẵng bao vây nhà máy thép Dana

HOÀI NAM/ 12/10/2018 

 Tình trạng người dân bao vây nhà máy Dana - Ý, Đà Nẵng diễn ra trong một thời gian dài, nhưng đến sáng 12/10, số người tụ tập đông hơn.

Sáng 12/10, hàng trăm người dân kéo đến tập trung trước cửa Nhà máy thép Dana- Ý (nằm trong cụm Công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) ngăn cản nhà máy này hoạt động. Hơn 300 công nhân đến làm việc tại nhà máy không thể vào bên trong.
Anh Nguyễn Trọng Khánh, nhân viên phụ trách kỹ thuật của Nhà máy thép Dana- Ý cho biết, như thường lệ 7h sáng, anh đến làm việc tại nhà máy thì bị một nhóm người chặn lại không cho vào cổng. Tình trạng người dân bao vây nhà máy diễn ra trong một thời gian dài, nhưng hôm nay số người tụ tập đông hơn. Anh Khánh bức xúc trước việc xử lý không dứt điểm của chính quyền địa phương. Theo anh thì cần phải đưa ra hướng giải quyết dứt khoát, hoặc là đóng cửa nhà máy, hoặc cho nhà máy hoạt động.
“Tôi đứng đợi để xem lãnh đạo Công ty, lãnh đạo thành phố giải quyết như thế nào, nếu không được thì mình phải đi về. Lãnh đạo thành phố cần quan tâm giải quyết hài hoà quyền lợi của người dân cũng như quyền lợi của người lao động. Bọn em bây giờ nghỉ để chờ việc ở nhà mệt mỏi lắm. Nếu để tình trạng này kéo dài mãi thì doanh nghiệp cũng phá sản thôi mà người dân cũng điêu đứng”, anh Khánh nói.
hang tram nguoi dan da nang bao vay nha may thep hinh 2
Nhiều người bỏ công ăn việc làm tập trung trước cửa Nhà máy thép Danna - Ý
Về phía người dân thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng thì lại có 2 luồng ý kiến. Có người cho rằng nên đóng cửa 2 Nhà máy thép Dana- Ý và Dana- Úc để khỏi ảnh hưởng đến môi trường, đe dọa đến sức khỏe những hộ dân sống cạnh nhà máy. Nhưng cũng có người đề nghị di dời dân đi nơi khác để thoát ra khỏi khu đất bị ô nhiễm.
Một người dân ở đây bức xúc nói: “Đến bây giờ, một là nhà máy đi, hai nữa là dân chúng tôi đi”.
Trước đó, Thanh tra thành phố Đà Nẵng cũng đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý về môi trường tại Công ty cổ phần Thép Dana -Ý và Công ty Cổ phần Thép Dana-Úc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Kết luận Thanh tra chỉ ra một số sai phạm của 2 Nhà máy thép, đề nghị có hướng khắc phục.
hang tram nguoi dan da nang bao vay nha may thep hinh 3
Người dân bao vây không cho 2 nhà máy thép hoạt động
Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép Danna - Ý cho biết, doanh nghiệp đã có đơn gửi Công an huyện Hòa Vang yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động, bảo vệ trật tự an ninh địa phương.
“Doanh nghiệp sai thì doanh nghiệp chịu mà dân sai thì dân chịu chứ. Đâu có phải sống không có pháp luật được. Doanh nghiệp sai thì doanh nghiệp khắc phục. Người dân sai thì chính quyền đoàn thể, mặt trận phải giải thích cho họ để họ hiểu chứ không thể hành động như vậy được. Hiện nay doanh nghiệp dừng sản xuất mà sao lại chặn, không có một lý do nào hết’, ông Văn Tân bày tỏ.
Theo VOV News