Sunday, July 14, 2019

Cơ chế nào tạo ra những đại biểu gây cười?

Theo RFA-Lê Trương-2019-07-14   
Hình minh hoạ. Một phiên họp quốc hội ở Việt Nam hôm 21/5/2018
Hình minh hoạ. Một phiên họp quốc hội ở Việt Nam hôm 21/5/2018-AFP
“Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng-năm 2014.
“Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi”-Cầm Ngọc Minh, chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
“Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”- Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp HCM.
“Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”-Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ.
Quan to còn đanh thép như thế thì chị LON với chị LU cũng có đã đáng gì mà phải cười.
Nếu rảnh liệt kê hết các phát ngôn gây cười của các quan chức Việt Nam, có lẽ phải được cuốn từ điển.
Nhưng thú vị nhất là cho dù có cả một lịch sử phát ngôn ngô nghê của các vị nhưng chúng ta cứ chờ mà xem, không biết chừng chỉ trong nay mai lại tiếp tục có những phát ngôn ngô nghê hơn nữa, “vươn lên tầm cao mới”.
Vì bản chất vấn đề không nằm ở cá nhân các vị kể trên. Nguyên nhân cốt lõi ở chỗ cơ chế nào đã gầy dựng họ trở thành những người được đại biểu cho nhân dân. Và không may thay, họ tưởng mình được nhân dân tin tưởng cử làm đại biểu thiệt, nên rất cố gắng phát ngôn giùm cho nhân dân, mặc dù nhân dân không có nhờ, cả trong những lĩnh vực mà hiểu biết của họ là số không.

Hội đồng nhân dân nhưng chẳng có ông dân nào

Đầu tiên phải xét cơ chế bầu cử của Hội đồng nhân dân.
Trong 105 vị (hiện tại là 104, do một vị bị bắt hồi đầu năm nay vì tội tham ô) đại biểu Hội đồng nhân dân Tp HCM (viết tắt là HĐND) khóa 2016-2021, có 96 vị là đảng viên và đang giữ các chức vụ lớn nhỏ trong hệ thống nhà nước. Bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch các quận huyện, bí thư, phó bí thư quận ủy, Thành đoàn, quận đoàn, giám đốc và phó giám đốc các sở ngành, trưởng phó các phòng ban thuộc các sở; chủ tịch, phó chủ tịch một vài hội đoàn, doanh nghiệp, viện nghiên cứu trực thuộc nhà nước, tổng biên tập báo, công an và sĩ quan cao cấp trong quân đội.
Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, người có phát biểu dùng lu chứa nước để tránh lụt lội trong thành phố
Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, người có phát biểu dùng lu chứa nước để tránh lụt lội trong thành phố Courtesy of Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
Với các chức vụ như trên, các vị này không thể là “dân”.
Còn lại 9 người trong lý lịch không thấy ghi là đảng ủy viên hay bí thư, phó bí thư chi bộ, bao gồm 1 nghệ sĩ cải lương, 1 hòa thượng, 1 ni sư, 1 linh mục, 1 giảng viên đại học, một trưởng ban Bạn đọc của một tờ báo, một tổng giám đốc công ty Bachy Soletanche chuyên về xây dựng, 100% vốn của Pháp; một giám đốc HTX chuyên trồng hoa lan và một bác sĩ.
Xét theo tiêu chí phổ quát, thì chỉ có 9 người này thực sự là dân đúng nghĩa.
Tức có đến 91,4 % đại biểu HĐND Tp HCM đang là quan chức và đảng viên.
Thế thì tổ chức HĐND của bà Phan Thị Hồng Xuân có đại diện thực sự cho dân không? Hỏi là đã trả lời.

“Cho đẹp đội hình”

Trong Luật tổ chức chính quyền địa phương, quyền lực của HĐND rất lớn. Họ quyết định mọi điều, từ kế hoạch phát triển mọi mặt của địa phương cho đến nguồn và phân bổ tài chính để thực hiện những kế hoạch đó. HĐND còn đồng thời là cơ quan giám sát UBND thực hiện các nghị quyết của họ.
Nhưng, với cơ cấu cụ thể của một khóa HĐND như kể trên, nói không oan cơ chế HĐND hiện tại chỉ là cơ chế giả hiệu, mị dân, tiêu tốn ngân sách.
Một mình ông quan chức đóng cả ba vai. Ở ghế chính quyền, ông là lãnh đạo, có nhiệm vụ thực hiện các nghị quyết của HĐND. Vừa bước vào phòng họp HĐND, ông biến thêm thành hai phân thân khác : vừa là người ra lệnh cho chính ông thựchiện các quyết sách của địa phương, lại cũng là người đi giám sát việc chính ông thực hiện các quyết định đó.
Tréo ngoe và quái gở!
Chưa kể, trong một chế độ toàn trị, lợi ích của chính quyền luôn luôn nảy sinh xung đột lợi ích với những người được chính quyền “quản lý”, nhưng chính các ông cầm quyền lại tự xưng là “đại biểu của nhân dân”, thì nghe có chết cười không?
Hình minh hoạ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ở Hà Nội hôm 21/10/2013. Ông từng phát biểu "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?"
Hình minh hoạ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ở Hà Nội hôm 21/10/2013. Ông từng phát biểu "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?" AFP
Một điểm quái gở khác. Theo luật, các đại biểu của nhân dân phải được “bầu cử” từ đủ cơ cấu thành phần trong xã hội. Phải có hòa thượng và có linh mục; có nam thì phải có nữ; có người lớn tuổi thì phải có người trẻ; có đảng viên thì phải có người ngoài đảng; phải có người dân tộc thiểu số; có doanh nhân thuộc doanh nghiệp tư nhân, có trí thức thì phải có công nhân; có quan chức thì phải có nghệ sĩ, nhà báo…
Đúng và đủ cơ cấu rồi, họ phải lọt qua các vòng hiệp thương của tổ dân phố, của cơ quan, của địa phương…, tức là họp mặt nhau lại, hỏi “Ai đồng ý bầu vị này ứng cử đại biểu HĐND hay đại biểu Quốc hội”. Nhiều người đồng ý giơ tay thì vị ấy thành ứng cử viên. Lọt qua được vòng bầu cử toàn quốc và được Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu đồng ý thì trở thành đại biểu nhân dân. Cấp đại biểu HĐND hay đại biểu Quốc hội đều tương tự như nhau.

Nhưng kết quả thực sự của số phiếu bầu thì ngoài một số người trong Ủy ban bầu cử ra, không ai biết. Không đi bầu, không bỏ phiếu nhưng trong thùng phiếu vẫn có phiếu đầy đủ bầu cho những người không biết là ai, cũng là chuyện thường ngày ở huyện.
Thế cho nên mới có những đại biểu nữ, ngoài đảng, người dân tộc thiểu số mới trên 20 tuổi, xinh như bông hoa. Nhưng khi vào họp thì tiếng Kinh còn lơ lớ chưa hiểu hết, vốn sống, trải nghiệm đều chưa có, chuyên môn càng không. Hay những công nhân, nghệ sĩ, hoặc các giáo sư tiến sĩ có thể rất giỏi chuyên môn nhưng ú ớ về pháp luật. Nhưng làm sao một người chưa sõi tiếng Kinh, hay một công nhân trình độ bình thường đọc hiểu được các báo cáo kinh tế, văn hóa, các dự án luật dày hàng chục trang, dầy đặc các vấn đề hóc búa và các thuật ngữ chuyên môn khó hiểu? Làm thế nào để họ tham gia lập hiến, lập pháp, đối nội, đối ngoại, quyết định các chính sách quan trọng của đất nước?
Trường hợp bà Phan Thị Hồng Xuân đang bị dân mạng Việt Nam chế giễu ngập trời với đề xuất mỗi hộ gia đình nên sắm lu chứa nước mưa để giảm ngập cho thành phố phản ánh rất rõ sự vô lý này. Trình độ chuyên môn của bà Xuân không hề kém cỏi. Theo đúng những gì ghi trong lý lịch đại biểu HĐND, bà là Phó giáo sư, tiến sĩ Lịch sử chuyên ngành Dân tộc học, cử nhân Luật Hành chánh, cử nhân chuyên ngành Đông Nam Á học. Nếu cần ý kiến về đúng chuyên ngành Dân tộc học, có lẽ bà sẽ đóng góp được nhiều. Nhưng, do được cơ cấu là đại biểu, và chết cái bà cũng tưởng bà là đại biểu của nhân dân thật, nên mới xảy ra vạ miệng “thợ điện đi sửa ống nước” như rứa.
Cạnh đó còn phải kể đến ngót nghét 80%-90% đại biểu HĐND và Quốc hội là đảng viên và quan chức đương nhiệm. Nhưng đảng viên thì không được phát ngôn trái với nghị quyết đảng. Vậy thì trong những vấn đề xung đột giữa lợi ích của đảng và của dân, hay giữa của dân và của ngành nghề, nhóm lợi ích mà mình đang giữ trọng trách, đại biểu sẽ nói lên tiếng của ai?
Ở Việt Nam, đại biểu quốc hội hay đại biểu HĐND lại không phải là một vị trí chuyên môn như nghị sĩ ở các thể chế khác. Tuy lá phiếu của đại biểu có thể góp phần đẩy đất nước tiến nhanh hay kéo lùi, nhưng thực chất đó không phải là công việc chính. Cho nên, giơ tay biểu quyết ra vô số điều luật sai bét nhưng cho đến nay chưa thấy đại biểu nào bị kỷ luật vì hoạt động kém hiệu quả hay phát ngôn ngây ngô vô tác dụng khi xâydựng luật cả.
Nói cho cùng, bầu cử đại biểu chỉ để cho đẹp đội hình. Làm đại biểu chỉ là một thứ vinh quang kiêm nhiệm, cho oai. Oai nhưng lại có kỳ hạn. Hết năm năm, nếu trong cơ quan vẫn chưa lên được chức cao hơn, thì đại biểu cũng chỉ về đuổi gà. Không chừng còn phải khép nép trước sếp.
***
Ở một mô hình đúng đắn, hội đồng nhân dân phải là tập hợp của những người dân thực sự. Đó là những người không giữ một vị trí, quyền lợi nào trong bộ máy chính quyền hay các tổ chức phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng từ nó. Có như vậy họ mới hiểu thấu quyền lợi và nghĩa vụ của dân. Tiếng nói của họ mới là phản ánh tiếng nói thật từ người dân.

Đối trọng với nó, cơ chế “HĐND” hiện tại của Việt Nam cần phải thay đổi thành thể chế hội đồng đô thị (hoặc hội đồng tỉnh, huyện). Để thực sự làm được những điều ghi trong luật (ban hành các quyết sách áp dụng trong nội bộ địa phương), hội đồng này phải bao gồm các nhà quản trị xã hội (không phải quản lý) có đủ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp trong lĩnh vực phụ trách. Các biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa.. v.v trong địa phương do hội đồng này đề ra phải được hội đồng nhân dân (hội đồng nhân dân thực sự), như một cách trưng cầu ý kiến và thống nhất cách thực hiện trước khi được ban hành.

Còn mô hình Quốc hội, từ lâu các nhà nghiên cứu lập pháp và báo chí trong nước đã bàn rầm rộ, nhưng rồi lại rơi vào im lặng như các cao trào tư tưởng trước đó.
Nó không gì khác ngoài việc thay thế các “đại biểu của nhân dân” tự xưng bằng chế độ nghị viện như nhiều nước đã thực hiện từ rất lâu.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Tại sao quý vị lại cười?

Theo RFA-Đồng Phụng Việt/2019-07-13  
Bà Phan Thị Hồng Xuân
 Bà Phan Thị Hồng Xuân
Quý vị đang thi nhau cười bà Phan Thị Hồng Xuân khi bà đề nghị mỗi gia đình ở TP.HCM sắm một… cái lu chứa nước để giải quyết vấn nạn ngập lụt đang càng ngày càng trầm trọng (1).
Báo chí đã mở đường cho bà Xuân nói lại rằng đó không phải là ý tưởng của bà. Đó là ý kiến của các chuyên gia thuộc JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật). Bà Xuân nhấn mạnh, bà tiếc là không… dẫn nguồn nên mới bị… cười.
Để phòng ngừa quí vị sẽ cười lớn, cười nhiều hơn, khi nói lại, bà Xuân đã chú thích kỹ, các chuyên gia JICA không khuyên dùng… lu, họ chỉ khuyên gia tăng xây dựng các “hồ chứa nước tại gia”.
Ý tưởng “hồ chứa nước tại gia” được bà Xuân kết hợp với “tri thức về nhân học” và “tri thức bản địa, theo phương diện dân gian” và chuyển hóa thành… lu (2). “Hồ chứa nước tại gia” có khả thi với đặc điểm của một đô thị như TP.HCM hay không cần được tranh luận thêm. Thể tích của “hồ chứa nước tại gia” khác dung tích của lu rất… xa, những hệ lụy đi kèm ý tưởng đặt lu khắp nơi cũng không phải là nhỏ và tại sao bà Xuân – một Phó Giáo sư, Tiến sĩ ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Viê5t Nam - lại xem JICA như một thứ chuẩn mực, cứ vin vào đó là đủ làm thiên hạ “tâm phục, khẩu phục”, nín cười, cũng rất đáng bàn nhưng không nên mất thời gian để bàn?
Vấn đề đáng bàn là tại sao quí vị lại cười?
Ý tưởng sắm – đặt lu được giới thiệu ở một buổi thảo luận riêng về vấn nạn ngập lụt tại TP.HCM của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa 9. “Lu” không có cửa xuất hiện nếu hàng trăm ngàn tỉ đồng đã chi cho chống ngập ở TP.HCM phát huy tác dụng.
Không chỉ có bà Xuân, chẳng cá nhân nào là đại diện cho nhân dân TP.HCM, đại diện quý vị, chất vấn đòi làm rõ xem những ai phải chịu trách nhiệm về việc cắt giảm nhiều thứ phúc lợi liên quan tới an sinh để có tiền chống ngập, dùng viện trợ để chống ngập, vay thiên hạ trả lãi cao để chống ngập, rồi đem công thổ đổi các công trình chống ngập,… nhưng ngập lụt ở thành phố này càng ngày càng trầm trọng, tới mức một Phó Giáo sư – Tiến sĩ phải tính tới việc dùng… lu!
Tại sao quý vị lại cười khi đại diện cho quý vị chỉ toàn những kẻ như vậy? Chỉ cười chắc chăn không thể chấm dứt tình trạng cứ mưa là ngập, không mưa cũng ngập nếu có triều cường, từ ông bà, cha mẹ đến cháu chắt cùng bì bõm lội nước!
Tại sao quý vị lại cười mà không chọn thái độ khác khi bà Xuân… lu là cá nhân được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM giới thiệu vào HĐND TP.HCM (3). Chẳng lẽ tầm vóc của một cá nhân đại diện cho trí thức TP.HCM chỉ thế thôi sao?
Lẽ nào quý vị có thể cười khi bà Xuân là Trưởng khoa Đô thị học của Đại học Khoa học xã hội – Nhân văn (ĐH KHXH NV) TP.HCM đấy (4)! Cứ tra cứu trên Internet sẽ thấy bà Xuân là Tiến sĩ Dân tộc học. Quan điểm của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thế nào về tổ chức giáo dục đào tạo mà lại sắp xếp cho một Tiến sĩ Dân tộc học làm giảng viên, thậm chí làm… Trưởng Khoa Đô thị học, đào tạo những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tham gia quy hoạch, điều hành một đô thị?
Ngoài việc là đại biểu HĐND TP.HCM, bà Xuân còn là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ, Ủy viên Hội đồng tư vấn đối ngoại kiều bào, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc TP.HCM,… nhưng điều đó không đáng bận tâm. Tình hữu nghị… Việt – Trung đủ để hình dung về vai trò, vị trí các hội hữu nghị trong Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam!
Tuy nhiên nếu quý vị còn có thể cười vì ngoài việc giảng dạy tại nhiều khoa (Nhân học, Dân tộc học, Đông Nam Á, Đô thị học,…) ở ĐH KHXH NV TP.HCM, bà Xuân còn tham gia giảng dạy tại Đại học Văn hóa TP.HCM, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Sài Gòn, Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Đại học An ninh nhân dân TP.HCM,… thì đúng là hết ý để bàn với quý vị. Bà Xuân không dạy dỗ con cháu quý vị thì những sinh viên bà đào tạo cũng chi phối hiện tại, tương lai của cả quí vị lẫn dân tộc, xứ sở này đấy! 
***
Bà Xuân không phải là trường hợp cá biệt. Đa số đại diện cho quý vị ở xứ này, từ phường xã, quận huyện, tỉnh thành, cho đến toàn quốc cũng hệt như rứa. Do vậy mà quý vị cười từ năm này sang năm khác, hết thập niên này đến thập niên khác.
Đại diện cho quý vị ở đủ mọi cấp rặt những thứ như thế nhưng quý vị chỉ thi nhau cười. Khi công bộc của quý vị cũng chẳng khá hơn mà chỉ gồm toàn những kẻ như kẻ sử dụng công quyền cấm quảng cáo “Mở ‘lon’ Việt Nam” mà quý vị cũng cười.
Thập niên đầu tiên của thế kỷ trước, cụ Nguyễn Văn Vĩnh than trên Đông Dương Tạp chí: An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang (5)...
Sau một thế kỷ, quý vị vẫn chỉ chứng tỏ quý vị biết cười và tự cảm thấy hài lòng vì… dám cười rồi lại cúc cung làm trâu ngựa, lại nghiến răng, nuốt nước mắt chịu đựng đủ thứ bất toàn, phi lý đã từng đổ xuống đầu ông bà, cha mẹ quý vị và vì quý vị chỉ cười nên sẽ tiếp tục đổ xuống đầu con cháu quý vị. Chẳng ai tội nghiệp quý vị. Đáng đời quý vị!
Chú thích
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Một cộng tác viên báo chí bất ngờ tự tử trong đồn Công an huyện

RFA-2019-07-13 
Anh Lê Thanh Hiền
 Anh Lê Thanh Hiền-Courtesy of Motthegioi
Anh Lê Thanh Hiền, cộng tác viên của một tờ báo không được nêu tên, bất ngờ được cơ quan công an thông báo là treo cổ tự tử trong đồn Công an huyện Vị Thủy , tỉnh Hậu Giang trưa ngày 10/7 sau 1 ngày bị tạm giam vì cáo buộc lừa đảo.
Tối ngày 12/7, mạng báo SGGP dẫn lời Đại tá Phan Thanh Minh, Trưởng Công an huyện Vị Thủy xác nhận vụ việc và cho hay khi phát hiện lực lượng công an đã đưa anh Hiền đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế của huyện Vị Thủy, nhưng không qua khỏi.
Ông Minh cũng cho hay vụ việc đã được Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh thụ lý, kết hợp với Viện kiểm sát tỉnh vào cuộc điều tra.
Trước đó, vào ngày 17/6/2019, Công an huyện Vị Thủy phát đi thông báo, truy tìm anh Lê Thanh Hiền vì có liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 4 tháng trước.
Trong thông báo ghi rõ, Hiền là Cộng tác viên của một tờ báo (sinh năm 1986, giới tính Nam, quê quán tại ấp Tân Đức A, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre). Hiền sống với vợ là chị Đ.T.M.N. tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
Sáng ngày 10/7, vợ của anh Hiền là chị Ngọc có đến đồn Công an để thăm chồng nhưng không được cho gặp mặt, đến chiều thì công an huyện mời lên làm việc.
“Tại đây công an huyện thông tin chồng tôi đã treo cổ tự tử chết lúc 14 giờ ngày 10.7”, chị nói.
Theo chị Ngọc, hiện xác của anh Hiền đã được đưa về an táng tại quê nhà huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
Anh Lê Thanh Hiền là nạn nhân thứ 4 từ đầu năm đến nay bị qua đời sau khi bị Công an Việt Nam tạm giam, tạm giữ.
Mới đây ngày 4/7, anh Trần Thanh Hiền, 18 tuổi, phải đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa thành phố Đà Nẵng trong tình trạng nguy kịch vì "biến chứng của tiểu đường". Từ đó đến nay thông tin về tình trạng của anh này không được các báo trong nước thông tin.
Vấn nạn chết trong đồn Công an Việt Nam bị các tổ chức quốc tế chỉ trích trong nhiều năm qua mà chính quyền thường giải thích là do tự tử hoặc chết vì bệnh lý, và chỉ một số ít vụ việc sử dụng nhục hình, tra tấn bị đưa ra xét xử.

CSVN thắng lợi hay thất bại với Facebook, Google, YouTube?

Phạm Chí Dũng /14-07-2019
Cuộc đấu tố hằn học và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cung cấp một bằng chứng trực tiếp về thất bại của chính quyền này. (Hình: AP Photo/Thibault Camus, File)
Khác khá nhiều với giọng điệu hùng hổ như ăn tươi nuốt sống các doanh nghiệp mạng xã hội nước ngoài vào năm 2018, cuộc họp của Bộ Thông Tin và Truyền Thông vào giữa năm 2019 chỉ đưa ra biện pháp chế tài “Bất cứ nền tảng xuyên biên giới nào vào Việt Nam hoạt động mà không tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ không sẽ không được đất nước này chào đón.”
Cuộc họp trên được Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì, nhằm “chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới.” Nội dung chính của cuộc họp này nhằm “kêu gọi các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo, các nền tảng công nghệ Việt Nam, các cơ quan báo chí và người sử dụng mạng xã hội chung tay cùng Bộ Thông Tin và Truyền Thông “quét rác” trên môi trường mạng, bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, xây dựng môi trường Internet lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.”
Tuy nhiên, cuộc họp trên đã không bàn gì về việc thu thuế của Google, YouTube, Facebook – điều mà vào năm 2017 và 2018 đã trở thành một chủ đề ưu tiên của bộ này lẫn Bộ Tài Chính.
Chùm nho và con cáo
Từ giữa năm 2016, Bộ Thông Tin và Truyền Thông và Bộ Công An đã nhiều lần họp bàn về biện pháp quản lý và chế tài các nhà mạng nước ngoài. Cũng đã có những cuộc họp liên bộ Tài Chính – Công An – Thông Tin Truyền Thông để phối hợp đồng bộ vừa siết mạng vừa thu tiền theo phương châm “không cho chúng nó thoát.”
Tuy nhiên sau một đợt “bắn tiếng” với Google, Facebook… nhưng chỉ nhận được kết quả quá ư khiêm tốn, các bộ này đã rút ra được bài học xương máu là làm gì thì làm cũng phải “tạo điều kiện” để các nhà mạng nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Vào cuối năm 2017, ngay sau khi Bộ Công An tung ra dự thảo Luật An Ninh Mạng với Điều 34 đòi tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, đến lượt Bộ Tài Chính tung ra dự thảo mới về luật quản lý thuế với đòi hỏi nhà cung cấp nước phải khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Khi đó, Bộ Tài Chính đã tìm cách “ăn theo” Luật An Ninh Mạng bằng cách gia tăng áp thuế và hy vọng có thể thu bẫm thuế trong một khu vực kinh doanh mà từ trước tới giờ ngành thuế của Việt Nam không với tay được. Số thuế dự tính thu được có thể lên từ 3,000 đến 5,000 tỷ đồng ($129.4 triệu đến $215.7 triệu).
Theo cách nhìn riêng của Bộ Tài Chính, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua hai phương thức: qua các đại lý tại Việt Nam và mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, các doanh nghiệp trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu nhưng ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Khi thanh – kiểm tra thuế, cơ quan chức năng khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.
Nếu thành công trong việc đánh thuế các nhà mạng nước ngoài, ngân sách Việt Nam sẽ thu được một số tiền lớn để giúp chế độ tồn tại qua ngày.
Những năm gần đây đã chứng kiến một cơn túng quẫn hiếm có của ngân sách trung ương. Trong khi tỉ lệ bội chi vẫn duy trì ở mức cao đến hơn 70% mà không hề giảm, tình hình thu ngân sách lại có nhiều dấu hiệu “đụng trần” mà không thể thu thêm được nữa, kể cả ở Sài Gòn – nơi được Bộ Chính Trị xem là “bò sữa.” Nguy cơ đó sẽ khiến ngân sách không biết tìm đâu ra hàng trăm ngàn tỷ đồng (trừ việc ồ ạt in thêm tiền) cho một đội ngũ công chức gần ba triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xem là “không làm gì cả những vân đều đều lãnh lương.”
Trong khi đó, các nguồn “ngoại viện” đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ “kênh Nhật” còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ Tháng Bảy, 2017.
Tiếp theo các “phát minh” thu thuế bán hàng trên mạng, thu thuế “bảo vệ môi trường” và kể cả muốn thu thuế bằng bán… sim số đẹp, cơn bĩ cực ngân sách đang đánh thẳng vào hầu bao của giai tầng trung lưu và một phần “hạ lưu” qua thuế xăng dầu, thuế sử dụng đất, thuế VAT (giá trị gia tăng), và có trời mới biết còn bao nhiêu loại thuế khác – tình cảnh mà ngày càng nhiều người dân và cả quan chức phải thốt lên “sưu cao thuế nặng thế này thì còn hơn cả thời thực dân!”
Chỉ có điều, quản lý thu thuế trong nước là dễ hơn nhiều so với thu thuế của các hãng nước ngoài, vì các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trong nước đã được cơ quan thuế áp mã số thuế nên dễ theo dõi và truy thu. Trong khi đó, các nhà mạng nước ngoài đa phần lại không có đại diện hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam nên dù Bộ Tài Chính quá muốn thu thuế thì cũng chẳng biết phải gặp ai và gặp ở đâu.
Cho đến nay, vẫn không có bất kỳ thông tin nào cho thấy Bộ Tài Chính có thể thu được thuế từ Google, YouTube, Facebook.
Thậm chí ngay cả việc đặt văn phòng hay trụ sở làm việc tại Việt Nam cũng không được các doanh nghiệp mạng trên tha thiết. Trong bối cảnh đó, thu được thuế là một điều không tưởng. Bây giờ thì ai cũng hiểu là cùng lắm các doanh nghiệp này sẽ không được chính quyền Việt  Nam “chào đón.”
Nhưng không chỉ thất bại về thu thuế, chính quyền Việt Nam còn không thể ‘thắng lợi’ trong mục tiêu quản lý an ninh chính trị đối với Google, YouTube, Facebook.
Sau đấu tố là thất bại
Vào đầu năm 2019, việc lần đầu tiên trong lịch sử du nhập vào Việt Nam, hãng Facebook bị chính thể độc đảng ở quốc gia này lên án và tổ chức đấu tố một cách quyết liệt và đầy cay cú đã cho thấy sự bất lực của hệ thống chính trị quốc gia này.
Khi đó, nhiều tờ báo nhà nước, trong khi im thin thít về vụ chính quyền TP.HCM dùng “luật rừng” cưỡng chế và phá sạch 200 ngôi nhà ở khu Vườn Rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, thì đồng loạt nhảy xổ vào Facebook và gào thét về những “sai phạm” của hãng này tại Việt Nam như không đóng các tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm, có bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước; cho phép các tài khoản hoạt động quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; trốn thuế; không hợp tác với cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về các tài khoản mà Việt Nam cho là “lừa đảo, vi phạm pháp luật”…
Chắc chắn là những tờ báo trên đã được bật đèn xanh bởi hành động thông đồng của Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Ủy Viên Bộ Chính Trị Võ Văn Thưởng và Bộ Thông Tin và Truyền Thông của tân Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Nhưng cái cách phản ứng dữ dằn và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cho thấy trong những tháng qua doanh nghiệp mạng xã hội này đã không làm cho những kẻ muốn bóp nghẹt tự do ngôn luận và tự do Internet hài lòng.
Không loại trừ khả năng Facebook đã bị chính quyền Việt Nam đe dọa theo đúng cái cách của Trung Quốc độc trị đối với Google gần một chục năm về trước, để cuối cùng dàn lãnh đạo Facebook phải phản ứng lại.
“Chúng tôi có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó, đối chiếu các điều khoản và điều kiện cung cấp dịch vụ của chúng tôi với luật pháp địa phương” – Facebook viết trong một tuyên bố để phản ứng những cáo buộc của chính quyền Việt Nam về việc doanh nghiệp này vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức; cho phép quảng cáo bất hợp pháp; và trốn thuế.
Cuộc đấu tố hằn học và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cung cấp một bằng chứng trực tiếp về thất bại của chính quyền này trong việc cố gắng áp đặt Facebook phải tuân theo luật chơi độc trị và bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng xã hội.
Chẳng có gì bảo đảm là một khi bị siết cả về quyền tự do ngôn luận lẫn túi tiền, các hãng Google, Facebook… sẽ còn muốn hoạt động tại thị trường Việt Nam hay là không.
Việc Google phải quyết định rút khỏi Trung Quốc vào năm 2010 do bị siết chặt chính trị là một bài học xứng đáng cho giới chóp bu chính trị và cơ quan thuế của Việt Nam. (Phạm Chí Dũng)

Người đi thăm tù tuyệt thực kể chuyện bị ‘côn đồ’ hành hung

Vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Chênh-Nguyễn Thúy Hạnh bị đánh bầm mặt khi đồng hành cùng các bà vợ đi thăm chồng tù đang tuyệt thực ở trại tù số 6, Nghệ An. (Hình: Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong khi tù chính trị đang tuyệt thực ở Nghệ An, Thanh Hóa, chưa biết ra sao nhưng vợ và bằng hữu của họ kể lại đã bị công an giả dạng “côn đồ” chận đường đánh đập dã man thế nào.
Ngày 12 Tháng Bảy, 2019, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ ông Trương Minh Đức, và một số bạn gồm bà Lê Thị Thập (Facebook Cô Mười Họ Lê, vợ tù chính trị Lưu Văn Vịnh), bà Nguyễn Thị Châu (Facebook Dương An, vợ tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh) dắt theo con trai, ông Vũ Hùng, một cựu tù chính trị, bà Dương Thị Tân, một nhà hoạt động dân chủ nhân quyền ở Sài Gòn, tới nhà tù số 6 tại huyện miền núi Thanh Chương tỉnh Nghệ An để thăm gặp các tù đang tuyệt thực ở đây.
Một nhóm anh chị em thân hữu và gồm cả các cựu tù chính trị từ Hà Nội cũng đến đồng hành, gồm vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Chênh-Nguyễn Thúy Hạnh, vợ chồng cựu tù chính trị ông Trịnh Bá Khiêm-Cấn Thị Thêu, ông Trương Văn Dũng…
Theo lời kể lại của bà Thanh, bà được để cho tới cổng trại để xin gặp mặt chồng đang tuyệt thực đã 31 ngày hiện không biết ra sao, nhưng bị từ chối và đuổi ra. Trong khi đó, nhóm đi từ Hà Nội chưa tới gần cổng trại tù số 6 đã bị chận đường và hành hung.
Bà Dương Thị Tân vì sốt ruột không biết tình hình nhóm thân hữu Hà Nội ra sao nên quyết định một mình đi bộ quay ngược trở lại để xem thế nào, và đã bị vây đánh dã man trên đường đi.
Bà Tân kể trên Facebook: “Đi đến đoạn thấy có mấy cái xe đậu dọc đường, tôi mừng thầm tưởng gặp được anh chị em Hà Nội. Chưa đi đến gần cái xe thì bất ngờ một lũ phía trước tiến tới, lũ phía sau rồ ga tiến lên, lũ đứng rải rác ngoài rìa đường lao sang. Tôi nắm chặt cục đá theo bản năng. Một thằng áp sát phía trước.
-Hỏi: Đi đâu?
-Tôi trả lời: Tôi đi kiếm xe về.
-Cầm đá làm gì?
-Tôi mới bị con chó đằng kia cắn, tôi cầm để phòng xem có con chó nào cắn nữa không.
Lập tức tay tôi bị một tên bẻ quặt, tên trước mặt táng một đấm vào hàm, thằng bên hông dứt một cùi trỏ vào ngực. Tôi lăn quay xuống đường cố gào lớn (vì nghĩ trong cái xe 50 chỗ kia có người của mình). Nhưng tôi đau điếng chịu thêm những cú đá vào bụng, tai ù đi vì bị đập (hay đạp) vào đầu. Sau đó chúng xốc tôi lên xe, chạy ra hướng ĐMHCM (đường mòn Hồ Chí Minh). Ra đến ngã ba ĐMHCM, một lần nữa chúng xúm lại như bầy chó dại. Những đứa đáng tuổi con, thậm chí tuổi cháu tôi, mà xông vào, đứa bươi móc cái ba lô nhỏ xíu tôi đeo trên người, đứa thọc tay vào người tôi sờ nắn… Vẫn chưa yên tâm, khi thằng chỉ huy ra lệnh chúng lại đứa lột áo, đứa lột giày, rồi chúng ra lệnh cho tôi lột đôi vớ. Tôi nói thẳng, nếu muốn thì cứ tự lột như đã lột áo, còn tôi không tự làm đâu. Chúng như những con linh cẩu săn mồi. Vừa bươi moi, cào xé, vừa gầm gừ chửi bới.”
Nhóm người đi thăm tù tuyệt thực tại trại tù số 6, Nghệ An, bị công an giả dạng “côn đồ” đánh, được ghi lại trên video clip. (Hình chụp lại video clip trên Facebook Trịnh Bá Tư)
Bà Lê Thị Thập kể lại trên trang Facebook cá nhân “Chỉ mấy phút sau bốn anh chị em cùng một đứa bé 4 tuổi, bị bao vây giữa một bầy linh cẩu bị đói lâu ngày, mười mấy con xông vào anh Hùng đấm đá anh nằm dưới đất, số còn lại chúng hùa nhau xông đến mẹ con cô Châu rằng xé đấm đá, chúng nói với nhau bằng tiếng người là đập chết con này nó đang livestream, tôi nhìn mẹ con bạn bị đau mà bất lực, chỉ biết ôm chặt chị Thanh, tôi hét lên rằng chị vừa bị mổ không được đánh, mọi tránh né nhưng tôi vẫn bị những cú đạp đấm vào người, vào đầu.”
Trên Facebook, bà Nguyễn Thúy Hạnh viết: “Bỗng tên áo xanh lúc nãy tát tôi xông thẳng vào anh Chênh. Tôi không thể quên cảnh tượng đó, chúng, một bầy sói đói lăn xả vào cắn xé một con người, tới tấp đấm, đá, đạp, ngay cả khi anh Chênh đã ngã xuống đường, miệng chúng văng ra những câu vô cùng tục tĩu. Theo bản năng, tôi lao vào lôi, kéo chúng ra khỏi anh Chênh, che chắn trước anh ấy. Chúng đánh sang tôi, lôi tôi ra và ném tôi xuống một cái mương, tiếp tục đánh. Tình huống lúc đó khiến tôi không biết gì xung quanh, sau mới nghe kể chị Nguyên Bình và Hoàng Hà lên tiếng phản đối đánh người liền bị chúng đánh, chị Phương Lưu phản đối đánh tôi cũng bị chúng đánh luôn. Anh Trương Dũng bị đánh đau, anh Trịnh Bá Khiêm, chị Thêu, chị Minh anh Lợi cũng bị đánh…”
Theo bà Thúy Hạnh kể lại “Anh Trịnh Bá Khiêm, một cựu tù trại 6 trong đoàn chúng tôi đã nhận ra trong số côn đồ hành hung chúng tôi có cả tên tù hình sự án 20 năm, có cả bọn quản giáo. Bọn công an đã trút bỏ cảnh phục để hiện nguyên hình thành những tên côn đồ, lưu manh đúng với bản chất mặt người dạ thú của chúng.”
Theo các nạn nhân kể trên kể lại, phần lớn bọn họ đã bị cướp điện thoại và đập nát, ngoài chuyện bị hành hung. Những người từ Sài Gòn tới đều bị áp giải ra phi trường Vinh đẩy lên máy bay.
Trong các buổi chất vấn tại Ủy Hội Nhân Quyền LHQ, chế độ Hà Nội luôn luôn chối trước các lời tố cáo đàn áp nhân quyền bất chấp đã ký cam kết tuân thủ theo Công ước Quốc tế về quyền Dân Sự và Chính Trị.
Trước khi đến Thanh Chương thăm chồng, bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã đến Hà Nội tiếp xúc với các tòa đại sứ tây phương, vận động can thiệp cho chồng bà và các tù chính trị khác đang tuyệt thực. Họ đều nói đã biết và cũng đã đòi hỏi chế độ Hà Nội phải thi hành các điều mà các tù đang tuyêt thực khiếu nại. Tuy nhiên, họ chỉ được hứa suông là “sẽ cứu xét.” (TN)

Trụ trì chùa Ba Vàng bị ‘lột’ hết chức trong giáo hội

Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, bị “Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam bãi nhiệm tất cả chức vụ trong giáo hội.” (Hình: VietNamNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau vụ “giải vong báo oán” thâu tiền bá tánh dậy sóng dư luận, Đại Đức Thích Trúc Thái Minh chỉ còn làm trụ trì chùa Ba Vàng, mất hết các chức trong “Giáo Hội Phật Giáo trung ương và địa phương.”
Một số báo tại Việt Nam hôm Chủ Nhật, 14 Tháng Bảy, 2019, loan tin cho biết, Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, 52 tuổi, chính thức bị “Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ngày 12 Tháng Bảy ra nghị quyết nhất trí bãi nhiệm tất cả chức vụ của Đại Đức Thích Trúc Thái Minh trong giáo hội. Đại Đức Thích Trúc Thái Minh chỉ còn đảm nhiệm làm trụ trì chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh.”
Các chức vụ ông bị bãi nhiệm gồm “ủy viên dự khuyết Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; phó Ban Thông Tin Truyền Thông của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; phó ban thường trực Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Lai Châu; ủy viên thường trực Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Quảng Ninh.”
“Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” là một tổ chức tôn giáo thường bị dư luận gọi là “Phật Giáo quốc doanh” vì những chức sắc đứng đầu từ trung ương đến địa phương đều là những “cán bộ tôn giáo” được nhà cầm quyền CSVN tin cậy, làm theo chỉ thị của chế độ.
Hồi Tháng Ba vừa qua, tờ Người Lao Động có một loạt ký sự phơi bày các hoạt động “gọi vong, cúng oan gia trái chủ” thực chất chỉ là mê tín, lường gạt những người nhẹ dạ cả tin để lấy những số tiền “cúng dường” rất lớn. Một số báo khác cũng nhảy vào viết tin, viết ký sự.
Việc “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ” không thấy liệt kê trong danh mục các hoạt động của chùa Ba Vàng gửi cho nhà cầm quyền cũng như tới cơ quan có nhiệm vụ theo dõi hoạt động tôn giáo là “Ban Tôn Giáo Chính Phủ,” theo tờ Lao Động. Thêm nữa, cơ quan này nói các hiện tượng “trục vong,” “gọi hồn” không có trong truyền thống Phật Giáo, nếu các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện việc trên là đang vi phạm Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo.”
Thời gian đó, báo chí trong nước cũng dẫn lời viên chức cấp cao của Giáo Hội Phật Giáo được nhà cầm quyền công nhận, lên tiếng phủ nhận những nghi thức “trục vong” và đền tội cho cái “ác nghiệp” trong tiền kiếp bằng những số tiền nhiều khi nạn nhân không đủ khả năng chi trả, là không có trong giáo lý Phật Giáo.
Trang mạng của chùa Ba Vàng hoạt động trở lại bình thường sau một thời gian tai tiếng lùm sùm “giải vong báo oán.” (Hình chụp lại màn hình)
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh tên thật là Vũ Minh Hiếu, quê ở xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế Quốc Dân (Hà Nội), ở lại trường làm giảng viên một thời gian rồi “chuyển công tác về Viện Nghiên Cứu Chế Tạo Máy của Bộ Công Thương, được bầu làm bí thư đoàn.”
Giữa năm 1998, ông đến Trúc Lâm Thiền Viện tại Đà Lạt làm lễ phát bồ đề tâm và đến tập sự xuất gia tại chùa Diên Phúc (Hà Tây cũ). Sau hai tháng thực tập, giữa năm 1999, ông vào Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt xin xuất gia, lấy pháp danh là Thích Trúc Thái Minh.
Năm 2001, sư Thái Minh quay ra Bắc, cùng góp sức xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử. Ông được ban lãnh đạo thiền viện cử làm tri khách tăng. Năm 2007, ông làm trụ trì chùa Ba Vàng cho đến nay.
Khi ông mới về làm trụ trì, chùa Ba Vàng chỉ là một chùa rất nhỏ. Nhưng ông có công “vận động” Phật tử “đóng góp” để xây dựng được một ngôi chùa vào năm 2014 mà khi khánh thành được mô tả là có chánh điện lớn nhất Đông Nam Á, lớn hơn hẳn những nước có truyền thống Phật giáo gần như quốc giáo như Thái Lan, Myanmar, Lào, Cambodia.
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh từng xác nhận trong một bài giảng pháp về “trục vong,” giải oán, những tội lỗi trong tiền kiếp có hậu quả trong đời sống hiện tại cần phải được “giải nghiệp.” Hoạt động “trục vong” có vể giống như hoạt động “gọi hồn,” “lên đồng” qua một người khác “nhập” để kể lể.
Báo Trí Thức Trẻ dẫn lời Đại Đức Thái Minh nói trong một buổi giảng pháp rằng “Chùa Ba Vàng là chùa lớn nên bị ganh ghét, đố kỵ.”
Một số báo cũng kể lại những quy định tu tập khác thường tại chùa Ba Vàng khiến nhiều tu sĩ phải bỏ đi. Ông Thái Minh cũng từng bị cấp trên của ông là Hòa Thượng Thích Thanh Quyết và nhà cầm quyền tỉnh “xử lý” sai phạm nhiều lần nhưng rồi “đâu lại vào đấy.” (TN)

Bà ‘lu chống ngập’ đưa sáng kiến ‘trớt quớt’ vì được bổ nhiệm ‘tréo ngoe’

Bà Phan Thị Hồng Xuân, tác giả của ý tưởng “lu chống ngập). (Hình: Soha.vn)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 14 Tháng Bảy, cộng đồng mạng tiếp tục phanh phui chi tiết bất ngờ về “sự thăng tiến kỳ lạ” của bà Phan Thị Hồng Xuân, người đưa ra “sáng kiến” dùng lu chống ngập ở Sài Gòn.
Tuy bà Xuân, một đại biểu Hội Đồng Nhân Dân, đã mau chóng khóa trang Facebook cá nhân và cả trang web của Khoa Đô Thị Học, Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn thành phố ở Sài Gòn, nhưng một số blogger nhanh tay ghi nhận được quá trình được cất nhắc đầy nghi vấn của bà Xuân.
Sự thật là bằng cấp chuyên môn của bà chẳng dính dáng gì đến chuyên ngành đô thị học do bà theo ngành dân tộc học. Đáng lưu ý, từ cấp độ cử nhân lên thạc sĩ rồi tiến sĩ, bà Xuân chỉ làm luận án về “dân tộc học Malaysia”.
Nhà báo Hoàng Mạnh Hà, cựu thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM bình luận trên trang cá nhân: “Vấn đề đặt ra là tại sao bà Xuân học về dân tộc học mà lại được đưa về làm trưởng khoa Đô Thị Học? Khoa này còn khá non trẻ, trước đây trưởng khoa là nhà xã hội học lẫy lừng Nguyễn Minh Hòa, tiếp đó là tiến sĩ Trương Hoàng Trương. Được hiệu trưởng kéo về làm trưởng khoa, chẳng bao lâu bà Xuân lại đưa học trò do mình hướng dẫn làm đề tài thạc sĩ lên làm phó khoa. Chẳng lẽ trường đại học này hết người rồi hay sao? Không biết quy định của Bộ Giáo Dục-Đào Tạo có cho phép bổ nhiệm trái ngoe này không?”
“Bà Xuân có học hành nghiên cứu đô thị ngày nào đâu mà hiến kế chống ngập? Cho nên bà nói bậy là điều dễ hiểu. Chỉ thương cho đàn sinh viên đang được ‘đào tạo’ bằng những phó giáo sư, tiến sĩ kiểu này. Không biết tương lai của chúng đi về đâu!” theo Facebook Hoàng Mạnh Hà.
Bên cạnh vụ phát ngôn “cái lu”, bà Xuân còn khiến công luận giật mình với ý kiến được tờ Tiền Phong ghi nhận tại hội trường phiên họp hôm 12 Tháng Bảy: “Thành phố ở Sài Gòn đang là nơi ‘đất lành chim đậu’, thu hút rất nhiều luồng dân cư từ nơi khác đến học tập, sinh sống và làm việc. Việc thu hút người nhập cư đến Sài Gòn góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng gây rất nhiều áp lực về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tội phạm từ các tỉnh ẩn náu và thực hiện hành vi phạm tội… Như chương trình vận động toàn dân không xả rác. Cần khảo sát xem đối tượng, khu vực nào xả rác nhiều nhất. Đã đến lúc nghĩ đến việc ăn cây nào phải rào cây nấy. Thực tế, có một bộ phận người nhập cư không tuân thủ các quy định của thành phố. Có biện pháp nào mạnh mẽ hơn không? Thành phố có thể yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ vì ‘Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen’.”
Phát ngôn này cho thấy bà Xuân không có hiểu biết về một điều khoản trong Hiến Pháp CSVN vốn bảo vệ quyền tự do đi lại và cư trú của người dân. Điều nguy hiểm là bà Xuân đang ngồi ở ghế đại biểu Hội Đồng Nhân Dân, tổ chức làm luật ở địa phương, nhưng lại có phát ngôn không hiểu luật.
Và điều đáng lo ngại hơn, là “đại biểu của nhân dân” nhưng đến khi đối mặt với sự chỉ trích của công luận về vụ “cái lu”, bà Xuân sửng cồ nói: “Tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, nhắn tin. Trong đó có nhiều người hiểu vấn đề đã động viên, chia sẻ với tôi về giải pháp này. Tuy nhiên đa phần có những lời lẽ thóa mạ, xúc phạm, đe doạ khiến tôi rất sốc. Tôi hy vọng Luật An Ninh Mạng được triển khai để xử lý những đối tượng này, bảo vệ những người tâm huyết, có nguyện vọng muốn xây dựng thành phố, đất nước.” (T.K.)

Công luận thắc mắc vụ báo nhà nước ‘câm lặng’ vụ đối đầu với Trung Cộng tại Bãi Tư Chính

Báo Tuổi Trẻ đăng bài về Biển Đông vào đêm 13 Tháng Bảy nhưng không nhắc gì đến Bãi Tư Chính. (Hình chụp qua màn hình)
SÀI GÒN, Trung Quốc (NV) – Tính đến sáng 14 Tháng Bảy, người ta vẫn không tìm thấy bất kỳ bài nào về vụ tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam đối đầu tàu Hải Cảnh Trung Quốc tại Bãi Tư Chính (tên quốc tế là Vanguard Bank) ở Biển Đông.
Đêm 13 Tháng Bảy, tờ Tuổi Trẻ đăng bài “Biển Đông đang trở thành căn cứ quân sự ra sao?” nhưng nội dung không nhắc gì đến vụ việc đang diễn ra ở Bãi Tư Chính. Bài báo viết: “Tất cả những tên lửa, máy bay, hệ thống gây nhiễu rađa, quân đội đồn trú… [của Trung Quốc] ở Biển Đông đều là mối đe dọa trực tiếp với chính các nước ‘nhỏ hoặc yếu hơn’, vốn đang bị hiếp đáp bằng đủ cách, từ ra tối hậu thư buộc các công ty dầu khí kéo giàn khoan ‘đi chỗ khác chơi’ đến bao vây, húc cho chìm tàu và bỏ mặc ngư dân nước khác…”
Cùng ngày, tờ Thanh Niên đăng bài “Mỹ chỉ trích Trung Quốc không giữ lời hứa về Biển Đông”. Bài báo khá ngắn, không đề cập vụ Bãi Tư Chính, ghi: “Mỹ lên án Trung Quốc đã đi ngược lại lời hứa của Chủ Tịch [Trung Cộng] Tập Cận Bình năm 2015 là không quân sự hóa Biển Đông, và nhấn mạnh Washington cực lực phản đối ý đồ của Bắc Kinh nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp ở khu vực.”
Đáng lưu ý, trong lúc tờ Tuổi Trẻ giữ im lặng về vụ Bãi Tư Chính, nhà báo Bùi Thanh của tờ này viết trên trang cá nhân: “Bãi Tư Chính (thềm lục địa Việt Nam) bị tàu Trung Quốc xâm chiếm? Lực lượng hải quân trên nhà giàn DK1 bị uy hiếp và tấn công? Dồn dập fake news trên Facebook. Không có chuyện đó! Tin nhắn hàng giờ từ DK1 khơi xa vào điện thoại của tôi: ‘Anh em OK, DK1 vẫn OK anh ơi! Xin gửi lời chào đất liền!… Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng của Hồng Kông đã chộp lấy và với nghệ thuật ‘nghe hơi nồi chõ’ từ phòng máy lạnh của mình, đã có bài tường thuật diễn biến rất Hồng Kông. Tờ này đã copy nội dung và hình ảnh vệ tinh trên Twitter của Giáo Sư Ryan Martinson. Tuy nhiên do không đối chiếu hình ảnh vệ tinh đó với bản đồ Biển Đông, nên đã sai lạc nghiêm trọng về địa điểm: Bãi Tư Chính!…”
Điều kỳ lạ là ông Bùi Thanh lại nói điều này trên trang cá nhân chứ không viết được chính thức trên tờ báo mà ông nằm trong ban biên tập và có quyền chỉ đạo về nội dung.
Nhà báo tự do Trung Bảo đặt vấn đề trên trang cá nhân: “Điều gì khiến báo chí trong nước phải im lặng với những diễn biến trong lãnh hải của Việt Nam? Có những điều thuộc về chính trị thượng tầng mà không thể công bố cho rộng rãi nhân dân biết nhưng thông tin về những gì đang xảy ra trong phần lãnh hải của mình thì nhân dân được quyền biết từ chính nhà nước và quân đội của mình.”
“Đó không chỉ là quyền của công dân mà còn là sự chung vai sát cánh của người dân với chính quyền trong việc bảo vệ đất nước. Người dân không tham gia vào việc quản trị đất nước thì ít ra người dân được quyền biết đất nước mình đang được quản trị và bảo vệ thế nào! Chia tách người dân khỏi những thông tin về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng là chia tách họ với chính quyền khi quốc gia có những biến động về lãnh hải và lãnh thổ. Đất nước là do dân dựng nên, đất nước cũng do dân chung tay bảo vệ,” theo Facebook Bao Trung Nguyen.
Sự im lặng đáng ngờ của báo chí trong nước không khỏi khiến công luận nêu nghi vấn rằng nhiều khả năng, Bộ Ngoại Giao và Ban Tuyên Giáo CSVN đang chờ “chỉ thị” từ Trung Cộng về mức độ họ được phép lên tiếng về vụ đối đầu tàu tại Bãi Tư Chính. Và cho đến khi được phép, tất cả các tờ báo nhà nước đều phải “ngoan ngoãn” xem như vụ việc này chưa từng diễn ra. (T.K.)

Tác giả ‘lu chống ngập’ đòi ‘xử lý’ người chỉ trích sáng kiến của mình

Bà Phan Thị Hồng Xuân được dân mạng tặng danh hiệu "cái lu chống ngập." (Hình: Lao Động)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 13 Tháng Bảy, một ngày sau khi phát ngôn “đề xuất mỗi nhà ở Sài Gòn trang bị một lu nước để chống ngập,” bà Phan Thị Hồng Xuân, đại biểu Hội Đồng Nhân Dân được báo điện tử VTC News dẫn lời: “Từ đêm qua đến giờ, tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, nhắn tin. Trong đó có nhiều người hiểu vấn đề đã động viên, chia sẻ với tôi về giải pháp này. Tuy nhiên đa phần có những lời lẽ thóa mạ, xúc phạm, đe doạ khiến tôi rất sốc. Tôi hy vọng Luật An Ninh Mạng được triển khai để xử lý những đối tượng này, bảo vệ những người tâm huyết, có nguyện vọng muốn xây dựng thành phố, đất nước.”
Bà Xuân cũng phân trần: “Đây là giải pháp tôi rất tâm huyết, nghiên cứu kỹ lưỡng nên mới đề xuất. Tuy nhiên do thời gian họp tại hội trường quá ngắn nên tôi không thể diễn giải hết được ý kiến của mình khiến dư luận hiểu nhầm.”
Bà Xuân, được cho là phó giáo sư-tiến sĩ, chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam-Đông Nam Á, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân Tộc Học-Nhân Học thành phố ở Sài Gòn, đồng thời làm trưởng khoa Đô Thị Học của Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Sài Gòn.
Hiện bà Xuân đã khóa trang cá nhân sau khi cộng đồng mạng phản ứng mạnh với “sáng kiến cái lu” của bà.
Nhà báo Nguyễn Trường Uy của báo Tuổi Trẻ bình luận trên trang cá nhân: “Cần lưu ý là việc chống ngập là việc của chính quyền chứ không phải là việc của dân. Dân có những cái ‘lu’ lớn bao đời trước nhà là những ao hồ tự nhiên (góp phần chống ngập) thì đã bị cấp phép lấp phẳng xây nhà mất rồi! Bà Xuân là trưởng khoa tại trường đại học mà tính chống ngập bằng cái lu thì sinh viên ra trường đi chống ngập làm ngập thêm là đúng lắm!”
Không chỉ bà Xuân, việc giới chức muốn tận dụng Luật An Ninh Mạng “xử lý” những người chỉ trích mình được cho là đã nằm trong toan tính của nhà cầm quyền khi quyết định thông qua việc thực thi điều luật này từ ngày 1 Tháng Giêng, 2019.
Hồi cuối năm 2018, báo An Ninh Thủ Đô cho hay một trong các mục tiêu của Luật Ninh Mạng là “cấm nói xấu, bóc phốt lãnh đạo trên mạng xã hội,” dù các khái niệm “nói xấu, bóc phốt” được đề cập trong luật hết sức mơ hồ.
Đến nay, việc xử phạt người dân về “tội nói xấu lãnh đạo” cũng đã có tiền lệ. Hồi Tháng Năm, 2019, báo Tiền Phong cho hay: “Công An huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, ban hành quyết định xử phạt ‘vi phạm hành chính’ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện đối với bốn người ở xã Nguyên Bình vì  ‘bình luận, nói xấu, các lãnh đạo đảng, nhà nước [CSVN].” Mỗi người này bị xử phạt 7,500,000 đồng ($324).” (T.K.)