Monday, December 28, 2015

Trung Quốc giận dữ khi dân Philippines ra thăm đảo tranh chấp

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) - Trung Quốc hôm Thứ Hai bày tỏ sự giận dữ trước việc một nhóm dân Philippines ra thăm một hòn đảo do quốc gia này kiểm soát trong vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc.

Đường “lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia trong vùng như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. (Hình: Getty Images)

Khoảng 50 người, đa số là sinh viên, đã đến đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa hôm Thứ Bảy, để phản đối điều mà họ gọi là sự xâm chiếm dần dần hải phận kinh tế của Philippines, theo lời ông Eugenio Bito-onon, người đứng đầu đảo này.

Trung Quốc coi hầu như toàn thể khu vực Biển Đông, nơi có nhiều tài nguyên như dầu hỏa và khí đốt, là của họ. Đây cũng là nơi có số lượng hàng hóa trị giá khoảng $5 ngàn tỷ được chở qua mỗi năm.

Phát ngôn viên Lu Kang của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho hay họ “rất không hài lòng” về sự kiện vừa qua, nói rằng họ có chủ quyền “không thể tranh cãi” nơi đây.

Philippines đã đưa vấn đề tranh chấp ra tòa án quốc tế tại The Hague, nhưng Bắc Kinh không công nhận thẩm quyền của tòa án này. (V.Giang)
 12-28-2015 3:28:08 PM 

Xuất cảng nỗi bất an - Hiện tượng mất ổn định đang được toàn cầu hóa

Theo Người Việt-12-28- 2015 1:19:17 PM
Nguyễn-Xuân Nghĩa

Mục “Kinh tế cũng là Chính trị” được mở ra trên cột báo này từ năm năm trước, với chủ đích dễ hiểu: Kinh tế và chính trị là hai mặt của một đồng tiền. Từ nguyên thủy, hơn 200 năm rồi - và trước Marx - người ta có một từ duy nhất về môn kinh tế học, là “kinh tế chính trị học.”

Trong một bài cuối năm, chúng ta minh diễn chuyện này để nhìn vào một chiều hướng sắp tới.

Giới kinh tế thường lý luận rằng tự do thương mại, việc buôn bán với tối thiểu hạn chế, là điều có lợi cho mọi người và mọi quốc gia vì bên nào cũng tận dụng “lợi thế tương đối” của ta để sản xuất và bán ra mặt hàng sở trường, nhờ đó mua vào nhiều mặt hàng khác mà ta không có, hoặc muốn có thì tốn kém hơn. Cho nên về dài thì ai cũng có lợi. Nhưng, như kinh tế gia thời danh của thế kỷ 20 là John Maynard Keynes đã nói, rằng “về dài thì ai cũng chết,” nên có thể chết trước khi thấy ra mối lợi! Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn...

Chuyện kia là trong quan hệ mua bán, xứ nào cũng muốn bán tối đa và mua tối thiểu để bảo vệ một số khu vực của mình khỏi bị cạnh tranh vì kém sức cạnh tranh. Mỹ, Tầu, Anh, Đức, hay Nhật đều có khuynh hướng bất minh đó, mà lại được giới chính trị gia cho là sáng suốt và được truyền thông u tối ngợi ca. Hãy nhìn vào cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ về Hiệp Ước TPP thì rõ.

Kinh tế không là kinh doanh. Mà là “kinh bang tế thế,” một khái niệm Nhật Bản xuất hiện từ thời Minh Trị Thiên Hoàng canh tân xứ sở vào cuối thế kỷ 19. Kinh tế có “bang” có “thế,” là chính trị quốc gia rồi toàn cầu, với sự tham gia của các chính khách, dù chưa chắc thành phần này đã hiểu rõ quy luật kinh doanh và kinh tế trong luồng giao dịch với cả thế giới.

Từ vài khái niệm trừu tượng ấy, xin đi vào thực tế của giao dịch giữa các nước: Ngoại thương hay xuất nhập cảng. Và xin chọn một thời điểm gần cho dễ nhớ.

Khi mở tấm lịch 2008, chúng ta chưa biết kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng Mười Hai năm 2007. Lý do dễ hiểu. Đà gia tăng sản lượng phải giảm trong hai quý liền thì mới gọi là “suy trầm,” recession, nên ta biết sớm lắm là sáu tháng sau. Trước đó thì chỉ có thể dự đoán. Năm đó, chúng ta cũng chưa để ý là cuối năm 2007, một số ngân hàng Anh Pháp bị rúng động vì các nghiệp vụ đầu tư trên thị trường Hoa Kỳ. Đến Tháng Ba 2008, khi tổ hợp đầu tư Bear Sterns sụp đổ, ta cũng chửa hay. Mãi tới Tháng Chín thì hốt hoảng vì vụ Lehman Brothers vỡ nợ.

Khủng hoảng tài chánh dẫn đến nạn tổng suy trầm 2008-2009. Toàn cầu bị suy trầm.

Tổng suy trầm làm các nền kinh tế Âu-Mỹ xưa nay vẫn tiêu thụ nhiều đều phải tiết kiệm, khiến các đại gia xuất cảng điêu đứng, là trường hợp Trung Quốc, nền kinh tế đã vượt Đức và sắp bắt kịp Nhật để ngoi lên hạng nhì thế giới. Đi sau Nhật vài chục năm, Trung Quốc vừa trám vào vị trí của một đại gia xuất cảng hàng rẻ nhờ lương thấp để có tốc độ tăng trưởng cao. Khi tiêu thụ của thiên hạ bị giảm vì tổng suy trầm, nền kinh tế hướng vào xuất cảng của các đấng con trời bị sụp. Họ cố bơm tiền để giữ đà tăng trưởng và kiềm hãm thất nghiệp. Cuối cùng thì chất lên một núi nợ sắp như đất truồi.

Năm 2016 sẽ thấy ra hậu quả kinh hoàng của những gì manh nha từ đầu năm 2008. Mà ta không biết! Vì ta không biết nên giới chính trị gia mới có dịp nói láo để bảo vệ các khu vực kém sức cạnh tranh.

Bây giờ, xin hãy lùi một chút để nhìn vào toàn cảnh.

Thế giới có loại quốc gia sống nhờ xuất cảng, đo lường ở tỉ lệ xuất cảng trong tổng sản lượng GDP. Đứng hàng tiên tiến là Đức và Nam Hàn, với tỉ lệ gần và hơn 50% GDP, nhưng tiên tiến vì xuất cảng mặt hàng có giá trị cao, như xe hơi hay hàng hóa loại siêu kỹ thuật. Đứng hàng chậm tiến là Trung Quốc hay Nga, với tỉ lệ gần 25 hay 30% GDP, mà chậm tiến vì bán hàng Tầu rẻ tiền, hoặc nạn nguyên nhiên vật liệu bị tuột giá là nỗi buồn Nga La Tư.

Trong bối cảnh kinh tế chính trị ấy, có hai vị nữ lưu đang hốc hác là Thủ Tướng Angela Merkel của Đức và Tổng Thống Phác Cận Huệ của Đại Hàn.

Kinh tế Đức lệ thuộc vào xuất cảng nên trước tiên lệ thuộc vào sự trọn vẹn của đồng Euro và khối Liên Âu. Vì vậy, bà Merkel chịu nhiều tổn thất chính trị từ vụ khủng hoảng của Hy Lạp và nạn di dân Trung Đông đang gây rạn nứt cho khối Liên Âu. Xưa nay, Đức xây dựng sức mạnh kinh tế nhờ tiết kiệm cao và xuất cảng nhiều. Sau Thế Chiến II còn tăng cường chiều hướng ấy và mong là tự do ngoại thương của Âu Châu sẽ đem lại thịnh vượng và hòa bình cho toàn khối. Ngày nay, những yếu tố ấy đang bị rạn nứt, tiêu hao và có thể chấm dứt.

Tuần qua, Tổng Thống Phác Cận Huệ vừa có một phiên họp khẩn cấp, với tâm lý khủng hoảng.

Kinh tế Nam Hàn lệ thuộc vào xuất cảng đến hơn 50%, phân nửa là xuất cảng vào Trung Quốc. Khi nền kinh tế của Tập Cận Bình bắt đầu ngáp ngáp thì ưu thế xuất cảng của Nam Hàn bỗng khắc khoải. Vì vậy, Nam Hàn đánh giá cục diện quân sự Đông Hải khác với các nước Đông Á. Không nên chống Tầu quá mạnh mà bể mất hũ kim chi rồi bị biến động xã hội và chính trị ở nhà!

Từ quan hệ Hàn-Hoa, ta còn thấy ra một chuyện nhức đầu cho năm 2016.

Trung Quốc bị khủng hoảng kinh tế vì thế giới nhập cảng ít hơn và chê hàng Tầu. Khi kinh tế xứ này sa sút thì các nước bán hàng cho Tầu đều bị thiệt hại, là nỗi niềm Phác Cận Huệ. Lãnh đạo Bắc Kinh cứ mong là kinh tế Âu-Mỹ sẽ phục hồi để sẽ lại nhập cảng hàng Trung Quốc. Lãnh đạo Nam Hàn, Úc hay các nước bán dầu tại Trung Đông cũng mong kinh tế Hoa lục phục hồi để sẽ lại mua hàng của họ. Những chuyện ấy không xảy ra.
Một ngoại lệ là trường hợp Nhật Bản.

Từng là một đại gia đầu tư rất mạnh và xuất cảng rất nhiều, nước Nhật đã được ngợi khen - như Trung Quốc sau này - là nền kinh tế sẽ vượt Mỹ mà mua đứt tài sản của nước Mỹ. Sau đó là bảy lần truy trầm trong 25 năm và hàng tuần thiên hạ cứ đọc cáo phó kinh tế của Nhật. Thật ra, Nhật Bản đã đổi thay, chỉ lệ thuộc vào xuất cảng có 16% GDP và đang ra sức nâng cao khả năng tiêu thụ nội địa. Trung Quốc cũng muốn như vậy mà chưa xong.
Nhật đang mở đầu một trào lưu mới, của cả thế giới, là có đà tăng trưởng thấp hơn, nhưng khác thế giới là vẫn có ổn định xã hội ở bên trong. Đi rất sớm, Nhật Bản sẽ tìm ra một mô hình phát triển mới để trở thành cường quốc đích thực và có ảnh hưởng tại Đông Á.

Trong cõi đa mang ấy, Hoa Kỳ mới là đại gia chiến lược vì chỉ xuất cảng chừng 13,5% GDP và nhập cảng có 12% của tổng số tiêu thụ. Là đại gia vì chẳng rơi vào cảnh ngộ “không xuất cảng thì chết,” và chiến lược vì dù chỉ nhập có 12% số tiêu thụ thì lại nuôi sống các nước. Nói nôm na cho dễ ghét thì thiên hạ cần Mỹ chứ Mỹ chẳng cần ai!

Hoa Kỳ không chỉ là siêu cường nhờ khả năng quân sự mà còn nhờ sức mạnh kinh tế là có thể gây điêu đứng cho xứ khác. Gây điêu đứng trong đàm phán về ngoại thương là một thí dụ.

Tổng kết lại, các quốc gia sở trường về xuất cảng đang xuất cảng sự bất an. Bất an nhất là tình hình đại lục Âu-Á, từ Âu Châu qua Liên bang Nga tới Trung Quốc. Từ kinh tế chính trị mà nhìn ra địa hạt khác thì mâu thuẫn giữa các nước xuất cảng và nhập cảng sẽ chi phối quan hệ quốc tế, và có thể giải thích nhiều mâu thuẫn và khủng hoảng.

Nhưng một số quốc gia mới nổi trong khu vực lại có hy vọng thay thế vai trò công xưởng của Trung Quốc để sản xuất mặt hàng dệt sợi hay điện thoại cao cấp và bán cho xứ khác. Họ cần đầu tư và kỹ thuật của Nam Hàn, Nhật Bản hay Hoa Kỳ nếu biết cải cách cơ chế để đạt hiệu suất cao hơn. Hơn 40 năm trước, chúng ta đã thấy một lần đổi thay như vậy, khi ấy chẳng mấy ai muốn đầu tư vào thị trường của Mao Trạch Đông. Ngày nay, ở giữa tình trạng mất ổn định toàn cầu, các nước đang phát triển cũng có hy vọng tương tự.

Việt Nam đã thấy ra chưa?

Du lịch Việt Nam học được gì từ Thái Lan?

 Theo BBC-28 tháng 12 2015 

Image copyrightReuters
Image captionMột du khách chụp ảnh lưu niệm trước Hoàng Cung tại Bangkok
Ngành du lịch Thái Lan đón gần 30 triệu lượt du khách quốc tế năm 2015, trong lúc con số tại Việt Nam vỏn vẹn 8 triệu.
Hôm 25/12, website Coconuts Bangkok tường thuật Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul thông báo tính đến ngày 31/12, nước này đón 29,6 triệu lượt du khách nước ngoài.
Con số này tăng đáng kể từ mốc 24,8 triệu du khách quốc tế năm 2014, bất chấp chuyện du lịch Thái bị ảnh hưởng bởi vụ đánh bom đền Erawan tại Bangkok tháng 8/2015.
Du lịch vẫn là một trong vài ngành kinh tế trọng điểm của chính phủ quân sự Thái, đem lại doanh thu chiếm 14,5% GDP.
"Mục tiêu của chúng tôi là tập trung vào chất lượng và làm thế nào để làm để khách du lịch ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều tiền hơn", Kobkarn cho biết.
Hướng sắp tới của ngành du lịch Thái là nhắm vào du khách nữ, những du khách hạng sang và du lịch kết hợp thể thao.
Bộ trưởng Kobkarn đặt mục tiêu thu hút 32 triệu du khách trong năm 2016.
Image copyrightOther
Image captionCôn Đảo là một trong những điểm du lịch có bãi biển đẹp nhưng vắng khách quanh năm vì thiếu dịch vụ lưu trú, vận chuyển và giái trí cho du khách

'Tầm kinh doanh cao hơn'

Hôm 28/12, ông Nick Nhơn, giám đốc công ty OSC First Holidays (một trong những doanh nghiệp tổ chức tour cho du khách Việt đi Thái hàng tuần), bình luận: “Tôi không ngạc nhiên về sự chênh lệch giữa lượng khách quốc tế mà Thái và Việt Nam đón năm nay. Bởi Thái làm du lịch với cái tầm lớn hơn Việt Nam”.
Ông giải thích: “Sản phẩm của du lịch Thái rất phong phú. Họ gần như không để trống thời gian biểu của du khách, với đủ loại dịch vụ giải trí, ẩm thực như show người chuyển giới hát, trình diễn muay Thái, chợ đêm…
"Bên cạnh đó, người Thái tính rất kỹ để giá thành tour phù hợp với số đông khách quốc tế, giá một bữa ăn cho du khách chỉ 4-5 đô la, trong lúc khách đến Việt Nam phải chi gấp đôi số đó”.
Ông cũng nói thêm rằng Tổng cục du lịch Thái có chiến lược quảng bá dài hơi và đặt văn phòng tại mỗi thị trường nhằm trợ giúp, tặng quà cho du khách và cả doanh nghiệp đưa khách đến nước họ. Trong lúc mỗi năm du lịch Việt Nam chi cả triệu đô la cho việc quảng bá trên kênh CNN “nhưng hiệu quả thế nào thì chưa tính được”.
Trước đó, để thu hút du khách quốc tế, từ ngày 1/7/2015 đến 30/6/2016, Việt Nam chính thức miễn visa đơn phương cho du khách các nước Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha. Công dân các nước này khi nhập cảnh vào Việt Nam không phải xin thị thực với thời hạn tạm trú 15 ngày. Đây được cho là “những thị trường truyền thống có lượng khách lớn và chi tiêu du lịch cao”.
Tuy nhiên, nhiều người trong ngành du lịch cho rằng động thái đó “cần thiết nhưng chưa đủ”, vì sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn rất nghèo nàn và chưa có một chiến lược quảng bá du lịch dài hơi.
Bà Thanh, một khách du lịch Việt Nam mới tới Bangkok thăm lần thứ hai mô tả "cái gì ở đây cũng rẻ và đẹp hơn" ở Việt Nam.
"Tôi có thể lấy ngay tôi ăn một bát chè ở đây trong trung tâm thương mại hạng sang ở Bangkok thì giá cả cũng rẻ và ngon hơn tại Hà Nội".
Tại Việt Nam, hôm 26/12, Tổng cục Thống kê công bố ngành du lịch đón 7,94 triệu lượt khách nước ngoài năm 2015.
Như vậy sau sáu năm liên tục tăng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2015 đã chững lại và giảm so với năm 2014.

Sinh viên Philippines ra đảo phản đối TQ

Theo BBC-28 tháng 12 2015 

Image captionĐảo Pagasa ở Trường Sa do Philippines quản lý
Khoảng 50 người Philippines, hầu hết là sinh viên, ra đảo Pagasa tại Trường Sa vào hôm thứ Bảy và nói họ định ở lại đây ba ngày.
Những người này nói rằng họ muốn thu hút dư luận tới thực trạng Trung Quốc lấn chiếm tại một khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.
Nhóm do một cựu tư lệnh hải quân dẫn đầu mô tả chuyến đi này là hành trình “yêu nước” và là một hành động có tính biểu tượng thách thức Trung Quốc.
Chính phủ Philippines nói họ hiểu ý định của nhóm này nhưng phản đối chuyến đi vì lý do an toàn và an ninh.
Nhóm này đã dùng thuyền đi qua hải trình 500 km tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông trước khi tới đảo nhỏ này.
Image copyrightOther
Image captionĐá Vành Khăn trên Trường Sa đã được Trung Quốc cơi nới
Căng thẳng gia tăng vào năm ngoái với việc Trung Quốc cơi nới đảo nhân tạo và tuần tiễu tại khu vực này.
Hoa Kỳ và Australia đã và đang thực hiện các chiến dịch tự do di chuyển trên biển và trên không để thách thức tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền biển đảo tại Biển Đông.
Một phóng viên của BBC gần đây dùng máy bay dân sự ra gần các đảo Trung Quốc xây trên các rặng san hô để thực hiện phóng sự điều tra đã bị Hải Quân Trung Quốc liên tiếp xua đuổi.

Bất chấp bị đàn áp, Lao Động Việt quyết không bỏ cuộc


CTV Danlambao - Đầu tháng 10/2015 vừa qua, nhà cầm quyền CSVN cùng với 11 quốc gia khác đã ký kết vào Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, trong đó có điều khoản tôn trọng và bảo vệ quyền lợi người lao động, chấp nhận để công nhân tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập.

Tuy nhiên, ngay sau khi đặt bút ký vào những cam kết nêu trên, chế độ cộng sản đã lập tức quay sang đàn áp bạo lực đối với những nhà hoạt động công đoàn độc lập tại Việt Nam.

Ngày 22/11/2015, hai thành viên Lao Động Việt là cô Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức đã bị CA bắt bớ, đánh đập dã man khi cả hai đang dung luật sư tư vấn pháp lý cho các công nhân tại Đồng Nai để đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng.

Gần đây nhất, hôm 25/12/2015, lực lượng CA tiếp tục ra tay bắt bớ, đánh đập dã man đối với anh Hoàng Đức Bình khi anh này đang lưu trữ 4000 tờ rơi của Lao Động Việt, trong đó có nội dung trích dẫn lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thành lập công đoàn độc lập.

Ít nhất 8 nhà hoạt động khác cũng đã bị hành hung thô bạo khi đến trụ sở CA phường Hoà Thành, quận Tân Phú, Sài Gòn để đấu tranh đòi trả tự do cho anh Hoàng Đức Bình.

Những hành vi nêu trên một lần nữa lộ rõ bộ mặt tráo trở của CSVN, đặc biệt là trong vấn đề thực hiện những cam kết với quốc tế.

Đàn áp khủng khiếp

Bất chấp những hành vi đàn áp bạo lực của côn an cộng sản, người đại diện của Lao Động Việt là cô Đỗ Thị Minh Hạnh vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để thành lập công đoàn độc lập thực sự, qua đó có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người công nhân cả nước.

Đỗ Thị Minh Hạnh cũng là người bị bắt và đánh đập thô bạo khi đến trụ sở CA để đòi trả tự do cho anh Hoàng Đức Bình hôm 25/12/2015.


Sáng ngày 26/12/2015, ngay sau khi ra khỏi đồn CA, Đỗ Thị Minh Hạnh đã dành cho Danlambao một cuộc phỏng vấn. Cô cho biết:

“Ngày hôm qua, Hoàng Bình đã bị CA bắt đưa vào trụ sở công an phường Hòa Thành, Tân Phú vì lý do anh Hoàng Bình giữ giùm cho Minh Hạnh 4000 tờ rơi của LĐV để gửi đến những người công nhân.

Tờ rơi này là lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng Việt Nam phải có công đoàn độc lập. Và cũng vì lẽ đó mà anh Hoàng Bình đã bị bắt.

Các anh em đã tụ họp về trụ sở công an phường Hòa Thành để đòi người. Tại đây, công an đã sử dụng những lực lượng phụ nữ như là những con cọp muốn nuốt chửng con mồi, và những tay giang hồ với gương mặt hằm hằm đầy sát khí như muốn ăn tươi nuốt sống những anh em đi đòi người.

Tôi đã chứng kiến việc em Phát bị đánh rất là dã man, bị lôi vào trong mặc dù em chỉ mới có 15 tuổi. Minh Hạnh còn chứng kiến được anh Bang vô cớ bị kéo vào phía trong. Minh Hạnh thì bị đánh vào mặt, bị cào cấu, bị bịt miệng và bị lôi kéo bởi gần 10 người phụ nữ. 

Đặc biệt hơn, có những em đi ngoài đường lỡ cầm máy ảnh chụp hình thì bị lôi, giật máy ảnh, điện thoại và bị đánh, bị ngắt bị nhéo tới mức độ vết thương bị chảy máu. Một em đã bị gãy tay, tay của em bị gãy trước rồi, đang trong quá trình hồi phục nhưng lại bị họ cố tình bóp cái tay đó mặc dù em đã van xin rằng đừng có bóp, mà em càng van xin thì họ càng bóp nhiều hơn. 

Khung cảnh ngày hôm qua không còn cái gì mà có thể diễn tả được, nó rất là khủng khiếp”.

Đạp đổ những cam kết với quốc tế

Từ trước tới giờ ở Việt Nam, chính quyền đâu muốn có một cái công đoàn độc lập, nhưng họ vẫn ký kết hiệp định TPP và trong đó những cái cam kết của họ là có công đoàn độc lập tại Việt Nam. Tuy nhiên, như vừa qua thì Minh Hạnh đi đến Đồng Nai thì cũng bị tấn công, và vừa qua người của LĐV cầm những tài liệu về lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng thì lại bị bắt, những người đi đòi người thì bị đàn áp khốc liệt như vậy thì đây quả là một điều đáng buồn cho VN khi mà họ đi ngược lại những ký kết mà họ đã ký kết trong hiệp định TPP.

Cái đi ngược này nó còn lộ liễu và khủng khiếp hơn cả những cái ký kết mà họ đã ký kết trước đây như WTO chẳng hạn.

Từ lúc mở đầu cho đến khi ký kết và hậu ký kết nói chung là có nhiều giai đoạn hồi hộp. Người ta vẫn theo dõi từ ban đầu cho tới ký kết xong, có nhiều người mơ ước khi mà TPP được ký kết thì VN có một nền dân chủ nhân quyền hơn khi mà họ thoát Trung. 

Thế nhưng, thực tế nó không phải như vậy, khi mà ký kết xong thì mọi thứ dường như đảo ngược hết. Tưởng chừng như đấu tranh cho nghiệp đoàn được bảo vệ hơn, nhưng mà hiện nay thì bị đàn áp rất là khốc liệt, hầu như là trên mọi phương diện, đối với tất cả những người đấu tranh cho nhân quyền không chỉ riêng gì nghiệp đoàn, chẳng hạn như LS Đài hay một số người khác như chị Lê Thị Thu Hà chẳng hạn. 

Điều này cho thấy được rằng, họ đang muốn phá TPP và muốn phá thật mạnh TPP, muốn đạp đổ tất cả những ký kết mà họ đã ký kết trước đó. 

Lo lắng

Minh Hạnh đang thực sự rất e ngại và lo lắng cho vấn đề nghiệp đoàn tại Việt Nam. Tình hình hiện nay cho thấy nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam khó mà thực hiện được. 

Qua sự việc những người đấu tranh cho tự do nhân quyền của VN vừa qua bị bắt là một đòn giáng rất mạnh, như là “món quà” rất đặc biệt mà họ muốn dành cho Mỹ, và những nước cùng ký kết trong hiệp định TPP. 

Sự đàn áp này theo Minh Hạnh thì họ đang thách thức, khẳng định với phía Phương Tây là họ đang “rất mạnh”. Không biết được rằng họ có mạnh thật sự hay không, Minh Hạnh không có một cái gì có thể chứng minh cho cụ thể. 

Họ sẵn sàng đạp đổ tất cả những gì mà họ đã ký kết: “Hãy chờ đấy, chúng tôi sẽ không để cho những cái ký kết trong TPP có thể thực hiện được”. 

Bằng cách nào? Bằng cách đàn áp, bắt bớ, sãn sàng bỏ tù những người đấu tranh cho nhân quyền đặc biệt là những người đấu tranh cho nghiệp đoàn độc lập.

Quyết tâm thành lập công đoàn độc lập

Qua nhiều sự việc, Minh Hạnh cũng đã nói chuyện với các anh em rằng: Lý tưởng và tình yêu với công việc của mình sẽ luôn tồn tại mãi. 

Có thể đoán trước rằng chúng ta có thể bị vào tù, như hiện nay anh Hoàng Bình cũng vậy. Rất là lo lắng cho anh, nhưng Minh Hạnh nghĩ rằng anh sẽ mỉm cười, vì anh đã thực hiện những điều tốt đẹp cho con đường của mình. Với các anh em cộng sự còn lại cũng vậy. 

Minh Hạnh đã từng ở tù, chẳng may bị ở tù thêm lần nữa thì cái đó cũng không thể gọi là cái gì đáng tiếc. Có thể các anh chị em sẽ buồn, nhưng hãy lấy đó làm tinh thần mà tiếp tục bước tiếp không nên bỏ cuộc mà hãy vững tin vào tương lai. 

Cho dù khó khăn đến thế nào thì chúng ta cũng phải cố gắng đấu tranh để Việt Nam có công đoàn độc lập thực sự và đúng nghĩa để bảo vệ cho quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Gánh nặng bảo hiểm 2 lần?thoi

HỮU VIỆT-09:11 28/12/2015
Từ năm 2016, người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trong nước. Nhiều lao động và doanh nghiệp lo lắng tình trạng bảo hiểm “chồng” bảo hiểm, thêm gánh nặng lên vai NLĐ.

Gánh nặng bảo hiểm 2 lần?
Người lao động làm thủ tục trước giờ xuất cảnh.
Khó tránh đóng bảo hiểm 2 lần
Anh Nguyễn Văn Tân (27 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa) sang làm việc cho một doanh nghiệp ô tô tại Nhật Bản được gần 1 năm. Anh Tân kể, để được sang Nhật anh phải vay ngân hàng nộp cho đơn vị môi giới hơn 300 triệu đồng. Sau thời gian làm việc, anh tính tiếp tục đưa vợ sang. “Ở nhà làm đủ thứ việc, nhưng không ổn định, cuộc sống gia đình chật vật. Nên vợ chồng xác định bỏ 3-4 năm đi Nhật làm ăn, khi có vốn rồi về”, anh Tân nói.
Dù là người chịu tác động trực tiếp bởi chính sách BHXH mới từ năm 2016, nhưng khi được hỏi anh Tân ngạc nhiên vì chưa được ai thông báo gì về quy định này. “Bên này công ty cũng có bảo hiểm cho công nhân rồi, giờ lại phải đóng nữa sao? Nợ ngân hàng còn chưa trả xong mà thêm bao nhiêu chi phí. Mình đi 3-4 năm rồi về, cũng không có nhu cầu tham gia bảo hiểm gì”, anh Tân nói.
Theo Nghị định 115/2015 hướng dẫn Luật BHXH 2014, NLĐ đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH từ 1/1/2016. Cụ thể, gồm: Đi làm việc theo hợp đồng với công ty dịch vụ xuất khẩu lao động; đi làm với doanh nghiệp trúng thầu ở nước ngoài; đi thực tập nâng cao tay nghề; đi theo hợp đồng cá nhân. Trừ NLĐ đi làm việc theo công ty trúng thầu quốc tế phải tham gia tất cả hình thức bảo hiểm, 3 nhóm lao động còn lại chỉ đóng BHXH cho chế độ hưu trí và tử tuất. Mức đóng được xác định bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở hiện hành (22% của 2,3 triệu đồng). Khi NLĐ về nước có quyền hưởng BHXH 1 lần, hoặc đóng tiếp.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic) - chuyên đưa lao động đi Đài Loan, Malaysia cho biết: NLĐ đi làm ở nước ngoài phải đóng bảo hiểm trong nước sẽ thành đóng BHXH 2 lần, vì công ty sử dụng đã đóng bảo hiểm cho lao động ở nước sở tại. Vì vậy, chúng ta nên tránh chồng chéo, trừ khi NLĐ tự nguyện tham gia.
“Tại một số thị trường, lương của NLĐ cũng không cao. Trong khi đó, bảo hiểm ở nước họ có chế độ chi trả rất tốt, trong khi BHXH Việt Nam rất khó làm được. Vậy tại sao lại bắt NLĐ đóng bảo hiểm 2 lần ở 2 nước”, bà Mai nói. Bà dẫn chứng, như tại Đài Loan, NLĐ Việt Nam được đóng BHXH của họ, khi có người thân (vợ con, bố mẹ) chết sẽ được hỗ trợ hơn 50 triệu đồng. “Việc thu BHXH của NLĐ đi xuất khẩu không khó, nhưng thực hiện để người lao động được gì, đó là vấn đề phải suy nghĩ”, bà Mai nói.
Bà Mai cho rằng, mỗi lao động đi làm ở nước ngoài chỉ khoảng 3 năm, về có làm thủ tục để hưởng bảo hiểm 1 lần hoặc đóng tiếp cũng rất phức tạp. Theo bà Mai, mức đóng BHXH của Việt Nam không hề thấp, giờ bắt NLĐ đóng tới 2 lần bảo hiểm sẽ rất khổ cho họ.
Bảo hiểm có “tận” thu?
Gánh nặng bảo hiểm 2 lần? - ảnh 1
Lao động Việt Nam chuẩn bị xuất ngoại. Ảnh: Ngọc Châu
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc thu BHXH với lao động đi làm ở nước ngoài không phải mới, chỉ mở rộng đối tượng tham gia. Theo đó, trước đây những lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tham gia BHXH trong nước nhưng chưa nhận BHXH 1 lần, sẽ phải tiếp tục tham gia. Luật BHXH 2014 mở rộng thêm đối tượng đi làm ở nước ngoài nhưng trước đây chưa tham gia BHXH trong nước từ năm 2016.
“Để tránh cho lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần, chúng ta đang xúc tiến ký hiệp định tương hỗ về BHXH với một số nước, như Đức, Hàn Quốc. Trước mắt, chưa có hiệp định nào được ký nên NLĐ vẫn đóng bảo hiểm”, bà Nga nói.
Trả lời thắc mắc của P.V, có ý kiến cho rằng bảo hiểm đang “tận thu” khi tăng mức đóng, mở rộng đối tượng tham gia… nhằm chống mất cân đối thu - chi BHXH, bà Nga cho rằng: “Nói bảo hiểm tận thu cũng không đúng. Trong BHXH, lương hưu là trụ cột của chính sách an sinh xã hội, nhà nước không bao giờ để mất cân đối. Nhưng nhà nước phải có dự báo và chính sách hợp lý để tránh tình trạng sau này phải lấy nguồn khác để bù”.
Theo bà Nga, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH đã được đặt ra, với mục tiêu tới năm 2020 có khoảng 29% dân số, chiếm 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Với việc điều chỉnh mức thu, theo bà Nga, điều này đáng lẽ được thực hiện khi Bộ luật Lao động 2013 có hiệu lực. Tuy nhiên, khi xây dựng Luật BHXH 2014, Quốc hội đã cân nhắc khả năng của doanh nghiệp nên đề ra lộ trình thực hiện từng bước vào năm 2016 và 2018. “Mục đích những thay đổi này để nâng cao cuộc sống của người hưởng chế độ BHXH khi về hưu”, bà Nga nói.
Chuyên gia Trần Văn Tư (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, quy định đóng BHXH với NLĐ đi xuất khẩu để sau này họ về nước có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm. Qua đó đảm bảo thời gian đóng bảo hiểm liên tục, sau này về hưu sẽ hưởng quyền lợi tốt hơn. “Đó mới là quy định, còn triển khai thực tế vẫn cả khoảng cách”, ông Tư nói.
Để tránh trường hợp bảo hiểm “chồng” bảo hiểm, theo ông Tư, BHXH với NLĐ xuất khẩu nên xem là khoản tự nguyện. “Cho NLĐ lựa chọn tham gia hoặc không, nếu đóng bảo hiểm trong nước để cho sau này về hưu, còn hiện tại có ốm đau, bệnh tật đã có BHXH nước sở tại lo”, ông Tư nói. Theo ông, Việt Nam cần sớm ký hiệp ước liên thông bảo hiểm với các nước, để NLĐ chỉ cần đóng bảo hiểm ở 1 quốc gia, không phải đóng 2 lần.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đóng BHXH tại nơi đang cư trú (qua người ủy quyền), hoặc thông qua doanh nghiệp lao động đưa đi. “Luật không ép buộc anh phải nộp thế nào, thời điểm đóng ra sao. Người lao động có thể đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc đóng hằng năm khi có điều kiện. Chính sách này mang tính tự nguyện là chính”, ông Diệp nói.
Theo Báo Tiền Phong

Thị trường lao động cuối năm: Cảnh giác trò “treo dê, bán chó“

MY LƯƠNG - MINH NGUYỆT-13:48 28/12/2015
Đánh vào tâm lý người lao động tìm việc làm thêm vào dịp cuối năm, nhiều chiêu trò được các công ty "ma", văn phòng "ma" tung ra hòng kiếm lời, mà nạn nhân chủ yếu là sinh viên, lao động nông thôn ra phố…

Thị trường lao động cuối năm: Cảnh giác trò “treo dê, bán chó“
Lao động tự do, phổ thông rất dễ dính chiêu lừa "đặt cọc" chờ việc. Ảnh người lao động gánh hàng thuê ở chợ Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy.
Đi xin việc bị dụ… học nghề
Từ tờ rơi mời chào “Tuyển nhân viên bán hàng tại siêu thị”, chúng tôi (PV Báo NTNN) đã liên hệ với “anh Giáp” theo số điện thoại 0941053… ghi trên tờ rơi. “Anh Giáp” hẹn chúng tôi đến địa chỉ 378 đường Láng (Hà Nội). Đến địa chỉ đã hẹn, gọi lại thì được “anh Giáp” hẹn qua địa chỉ 68 Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội) để bàn công việc.
Khi đến đây, một người đàn ông tên Kiên vồn vã mời chúng tôi ngồi và bảo: “Ở đây không có anh Giáp nào nhưng bên anh là chi nhánh của Tổng Công ty Thiên Minh Uy, cũng đang tuyển thuyết trình viên và công việc dưỡng sinh đông y để chăm sóc sức khỏe cho người trung tuổi”.
Thấy chúng tôi băn khoăn là không có trình độ, ông Kiên ân cần: “Công việc dưỡng sinh đông y không cần chuyên môn, chỉ cần học 1 tháng là kiếm được việc hơn chục triệu đồng một tháng, cộng với tiền “bo” của khách còn lớn hơn. Em chỉ cần nộp 1,2 triệu đồng học phí. Học xong quay về chỗ anh làm việc, bên anh sẽ chi trả toàn bộ học phí”. Với lý do không có tiền học phí, chúng tôi từ chối cơ hội có “tiền lương khủng”.
Tin vào lời mời chào “lương khủng”, anh Hoàng Văn Hùng (sinh năm 1992, quê Lộc Bình, Lộc Bình, Lạng Sơn) đã mất tiền phí. Trước đó, anh Hùng tìm thông tin trên mạng và thấy có tuyển dụng nhân viên bán xăng nên từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để đăng ký. “Mình phải lên văn phòng ở tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn (Từ Liêm, Hà Nội) nộp hồ sơ. Sau khi nộp 500.000 đồng, nhân viên tại văn phòng này tiếp tục yêu cầu Hùng phải đóng thêm số tiền 10 triệu đồng” – anh Hùng kể lại.
Thấy anh “ớ người”, nhân viên tại văn phòng giải thích, phải đóng 10 triệu đồng để đặt cọc, vì người bán xăng cầm nhiều tiền. Nếu anh làm đủ 6 tháng thì sẽ được nhận lại số tiền trên. Quá bức xúc, anh Hùng nói không đóng và đòi lại 500.000 đồng nhưng không được nên đành ngậm ngùi trở về Thái Nguyên.
Tăng lừa đảo cuối năm
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong các phiên giao dịch việc làm diễn ra từ tháng 10 trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều, tập trung vào các ngành dịch vụ, thương mại (chiếm đến 80%).
Ông Vũ Quang Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm cho hay: “Cận Tết, các công việc thời vụ, phục vụ cho dịp tết có xu hướng tăng mạnh như bán hàng hội chợ, phát quà khuyến mại, tiếp thị, chăm sóc khách hàng… công việc nhiều nhưng rất hiếm lao động”.
Cũng theo ông Thanh, về thị trường lao động cuối năm, tình trạng lừa đảo việc làm cũng hoạt động mạnh hơn. “Rất nhiều trung tâm giới thiệu việc làm thường xuyên đăng tuyển các thông tin tuyển dụng với những vị trí hấp dẫn, lương cao như bảo vệ, trông xe, bán hàng, thu ngân siêu thị… Tuy nhiên khi đến đăng ký, người lao động lại bị yêu cầu đóng phí rồi giới thiệu lòng vòng mà cuối cùng không có việc.
“Lao động ngoại tỉnh lên Hà Nội tìm việc vào dịp tết rất đông, thế nhưng hầu như đều qua người quen giới thiệu hoặc tự tạo việc làm. Không có kiến thức, hiểu biết nên nhiều lao động bị lừa, bị chủ quỵt tiền, thậm chí bị bóc lột, đánh đập. Chính vì vậy, trước khi lên thành phố tìm việc, lao động nên tìm hiểu kỹ thông tin, tìm đến những trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, của cơ quan quản lý nhà nước để được tư vấn giới thiệu việc làm” – ông Thanh khuyến cáo.
Đừng “nộp tiền” chờ việc
Cận tết là thời điểm sôi động của thị trường lao động, đặc biệt là thị trường lao động dịch vụ ngắn hạn. Tuy nhiên, đây là cơ hội để những kẻ lừa đảo trục lợi.
Để tránh bị lừa, người lao động cần cảnh giác với những chiêu bài “nộp tiền chờ việc” hay công việc nhàn, thu nhập cao. Người lao động cần đến các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, khi đi làm phải có ký kết hợp đồng với chủ sử dụng, dù chỉ là 1-2 tháng.
Về lâu dài, cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài, biện pháp nâng cao cả chất lượng lẫn quy mô của trung tâm giới thiệu việc làm công, nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho lao động di cư từ quê ra thành phố tìm việc làm vào dịp tết.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Cần có hỗ trợ lao động tự do
Dịp cuối năm được xem là cơ hội để “hái” tiền của lao động tự do. Thu nhập dịp cận tết của người lao động có thể từ 300.000-500.000 đồng/người/ngày. Công việc cho thu nhập cao, nên nhiều lao động rất ham việc. Không ít lao động vì không có thông tin nên đã bị lừa, khiến “tiền mất, tật mang.
Theo tôi thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách nhằm hỗ trợ lao động tự do tìm kiếm công việc an toàn.
Theo Dân Việt

12 kế toán trưởng rút ruột ngân hàng 1.200 tỷ

PV-21:30 28/12/2015
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2010 đến 2013, các đối tượng trên đã tiếp tay cho lãnh đạo công ty hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm rút tiền nhà nước một cách dễ dàng.

12 kế toán trưởng rút ruột ngân hàng 1.200 tỷ
Xí nghiệp Ngọc Sinh để lại món nợ 300 tỷ đồng.
Ngày 28-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an phía Nam đã triển khai quyết định khởi tố bị cán đối với Nguyễn Kim Chi, kế toán trưởng (KTT) Công ty trách nhệm hữu hạn thương mại và xuất nhập khẩu Nam Thành; Nguyễn Hoàng Vũ, KTT Công ty TNHH chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Minh Châu; Nguyễn Hoàng Nam, KTT Công ty TNHH Nhật Đức và Nguyễn Hoàng Sơn, KTT Công ty TNHH Đại Dương về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Minh Hải (VDB Minh Hải).
Trước đó, 8 kế toán trưởng của một số công ty khác hiện cư ngụ tại Bạc Liêu cũng bị khởi tố về hành vi trên.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2010 đến 2013, các đối tượng trên đã tiếp tay cho lãnh đạo công ty hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng, nhằm rút tiền nhà nước một cách dễ dàng, KTT làm theo chỉ đạo của giám đốc lập hồ sơ khống gồm: chứng từ xuất khẩu, hóa đơn giao dịch các đối tác, kết quả kinh doanh... khống nhưng được VDB Minh Hải giải ngân hàng trăm tỷ đồng.
Trường hợp Công ty Nam Thành xây dựng nhà máy chế biến. Cán bộ ngân hàng không kiểm tra cho vay hàng chục tỷ đồng. Khi con nợ không thanh toán, cán bộ ngân hàng kiểm tra thì nhà máy dời nơi khác. Số nợ gốc 40 tỷ đồng và lãi 20 tỷ đồng không biết đến bao giờ thanh toán được.
Do được vay dễ dàng, nhiều doanh nghiệp tranh thủ lập hồ sơ khống chiếm dụng vốn. Khi thanh toán thì không có khả năng chi trả gồm: Công ty Nhật Đức nợ gốc và lãi không khả năng thanh toán 170 tỷ đồng; Công ty Việt Hải 170 tỷ đồng; Xí Nghiệp Ngọc Sinh nợ 300 tỷ đồng;... Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, các doanh nghiệp trên gây thất thoát hơn 1.200 tỷ đồng.
Như vậy, liên quan đến những tiêu cực xảy ra tại VDB Minh Hải, tính đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố 24 đối tượng gồm: 12 KTT; 6 giám đốc và phó giám đốc các công ty trên về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 6 cán bộ VDB Minh Hải tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng”.

Theo Báo CATPHCM

Việt Nam sắp đại biến, Chủ tịch Quốc hội cầu cứu Tập Cận Bình

VNTB -29.12.15
(Minh Nguyệt biên dịch) Trong hai ngày 23- 24/12/2015, Tập Cận Bình và Du Chính Thanh tại Bắc Kinh đã lần lượt tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng. Giới quan sát cho rằng, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 sắp diễn ra, cạnh tranh trên chính trường đang rất kịch liệt, người được mệnh danh “đả phá diện mạo độc tài biến tướng”* thuộc phe cải cách là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang chiếm lấy ưu thế. Việt Nam sắp có biến cố lớn, Nguyễn Sinh Hùng thăm Bắc Kinh lần này có thể là để cầu tiếp viện. Ông Trần Phá Không (một nhà bình luận chính trị gốc Hoa tại Mỹ) cho rằng, nếu chính trị Việt Nam chuyển biến thành công, Trung Cộng sẽ bội phần lúng túng và bị áp lực.

Tháng 1/2016, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 quyết định hướng đi của Việt Nam trong tương lai sẽ diễn ra. Trong Đại hội này, tứ trụ triều đình đang lãnh đạo Việt Nam, bao gồm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều đến tuổi về hưu, thế hệ lãnh đạo Việt Nam mới sẽ lên thay.

VNTB - Việt Nam sắp đại biến, Chủ tịch Quốc hội cầu cứu Tập Cận Bình
Có thông tin cho rằng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có thể sẽ không nghỉ hưu đợt này, mà sẽ tiếp nhận chức vụ Tổng bí thư Đảng Cộng sản. Trên chính trường Việt Nam, quyền lực cao nhất trên thực tế là tổng bí thư Đảng Cộng sản, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội cũng chịu sự lãnh đạo của Đảng.

Nhưng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất thân quân đội, đã từng đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo kinh tế, hành chính; quan chức thuộc cấp đầy khắp trong 3 lĩnh vực hành chính, kinh tế, quân đội, là nhân vật có thế mạnh chính trị nổi bật.

Ngoài ra, truyền thông Nhật Bản từng đưa tin, Nguyễn Tấn Dũng là đại diện cho một phe lớn của Việt Nam, đó là phe miền Nam chủ trương cải cách chính trị. Vì vậy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không có khả năng áp chế Nguyễn Tấn Dũng. Nguyễn Tấn Dũng đang ở vào thế cân bằng quyền lực với Nguyễn Phú Trọng, thậm chí ngầm chiếm giữ thế áp đảo.
Có nguồn tin cho rằng, Nguyễn Phú Trọng vô cùng bất mãn với chủ trương cải cách kích tiến * của Nguyễn Tấn Dũng, trong thời gian Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình đã có sự trao đổi về lĩnh vực này.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được coi là thân cận của Nguyễn Phú Trọng.

Có quan điểm cho rằng, trong thời khắc nhạy cảm này, một trong “tứ trụ triều đình” là Nguyễn Sinh Hùng thăm Trung Quốc, hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình và Du Chính Thanh, có thể là có mục đích “cầu chi viện”. Nguyễn Phú Trọng yếu thế, có thể là hy vọng Trung Cộng triển khai sức mạnh ngoại giao, giúp sức một tay cho phe bảo thủ.

Nguyễn Tấn Dũng chủ trương cải cách, được mệnh danh “đả phá diện mạo độc tài biến tướng”

BBC nói, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được cho rằng sẽ nắm giữ lấy chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng 1 năm sau. “Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu phái cải cách ở Việt Nam”. Truyền thông từng đưa tin, theo tiết lộ của một quan chức cao cấp Việt Nam giấu danh tính, Nguyễn Tấn Dũng gần đây trong một buổi tiệc có nói rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có đi theo những giá trị phổ quát của thế giới, mới có thể tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam, nếu không sẽ vĩnh viễn không thể thay đổi diện mạo độc tài biến tướng này, nếu như không có cách nào cải cách, sẽ lập tức giải tán”.

Cũng có nguồn tin rằng, Nguyễn Tấn Dũng thậm chí còn chủ trương đổi tên nước hiện tại là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” thành nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Dưới sự ủng hộ đó, đồng đô la sẽ trở thành ngoại tệ lưu thông chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh.

Truyền thông còn đưa tin, Việt Nam gia nhập Hiệp định Quan hệ đối tác Thái Bình Dương (TPP), chính do sự ra sức tác động và triển khai mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chuyên gia bình luận chính trị sống tại Mỹ Trần Phá Không cho rằng, nếu như Việt Nam có thể cải cách mà trở thành một quốc gia mới tôn trọng nhân quyền và pháp trị, thì mô hình chuyển đổi đó có hiệu ứng khó lường hết được. Lúc đó, Trung Cộng sẽ bội phần lúng túng và áp lực, lựa chọn của Trung Quốc chỉ có 2 con đường: một là cải cách thay đổi để hòa nhập vào hàng ngũ thế giới văn minh; hai là cố chấp theo đường cũ, đóng cửa với bên ngoài, cam phận làm bạn với Triều Tiên, trở thành quốc gia lạc hậu nhất.

Trần Phá Không: Việt Cộng đi trước Trung Cộng trên lĩnh vực cải cách chính trị

Trần Phá Không từng viết bài đăng trên đài Á Châu Tự Do cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là 2 trong số 4 nước còn lại trên toàn cầu do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng với Triều Tiên và Cu Ba. Trung Cộng và Việt Cộng, tuy có sự thù địch nhất định, nhưng ý thức hình thái giống nhau, cách thức hành động cũng tương tự. Đều do một Đảng chuyên chính; đều dùng chính sách trấn áp, bắt bớ, bức hại những người bất đồng chính kiến và nhân sĩ tôn giáo thuần túy; đều dùng chiêu bài cải cách kinh tế để giữ lấy chính quyền chuyên chế; đều là những nước tham nhũng hủ bại nghiêm trọng; đều thao túng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chẳng hạn, Trung Cộng thao túng cho thị uy chống Nhật, Việt Cộng thao túng cho thị uy bài Hoa, đến lúc cần thì lại ra tay đàn áp.

Còn sự khác biệt nhau, ngoài khác biệt về cải cách kinh tế, Việt Cộng đã đi trước Trung Cộng trên lĩnh vực cải cách chính trị. Bắt đầu từ năm 2006, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên công bố báo cáo chính trị cho toàn dân thảo luận, công khai chương trình hội nghị, Tổng Bí thư và lãnh đạo các cấp được chọn ra do tuyển cử công khai. Những cách làm này, Trung Cộng thường bảo “dân chủ trong Đảng” mà đến nay vẫn chưa làm được, vẫn duy trì tình trạng “đấu đá trong cung đình, hiệp thương mờ ám”. Tháng 11/2012, Việt Nam quy định bắt buộc cán bộ công khai tài sản, trong khi Trung Cộng chỉ mới bước vào giai đoạn thí điểm, còn ám thị rằng kiểu quy định này phải đợi tiếp thời gian 20 năm nữa.
Điểm khác nhau lớn nhất giữa Việt Cộng và Trung Cộng còn ở chỗ, Việt Cộng lãnh đạo tương đối lý tính và ôn hòa, không tạo ra những tội nghiệt tày trời như Trung Cộng trong các chính sách: Đại nhảy vọt, Nạn đói, Cách mạng văn hóa, Thảm sát Thiên An Môn, Bức hại Pháp Luân Công… Việt Cộng mang nợ máu với nhân dân trong nước ít hơn Trung Quốc.

Chính trị Việt Nam dân chủ hóa 30 năm trước đến giờ, đã khởi bước

Sau Đại hội lần thứ 9, công cuộc dân chủ hóa chính trị ở Việt Nam trên bình diện quốc gia đã thể hiện.

Lãnh đạo tối cao Việt Nam đã hình thành chế độ “tứ trụ triều đình”, tức Tổng bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Tổng bí thư Đảng không kiêm nhiệm Chủ tịch nước và Thống soái tối cao của quân đội. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, kiêm Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, đồng thời là Chủ tịch  Ủy ban An ninh và Quốc phòng, lãnh đạo toàn thể lực lượng vũ trang cả nước. Chủ tịch Quốc hội lãnh đạo lập pháp và tư pháp. Thủ tướng Chính phủ nắm giữ hành chính.

Như vậy, quyền lãnh đạo đảng, quyền lãnh đạo quân đội, quyền lập pháp và quyền hành chính phân lập và hình thành thế quân bình chế ngự nhau. Hơn nữa, chế độ phân quyền này đã được thực thể hóa ở một trình độ cao, Tổng bí thư Đảng đã không nắm giữ hết tất cả mọi quyền lực.

Năm 2013, Tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu được truyền hình đến công chúng Việt Nam, trong lúc nói đến việc không thể tiến hành kỷ luật một đồng chí X (thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) đã rơi nước mắt.

Quốc hội Việt Nam (tương đương“Nhân đại thường ủy hội” của Trung Quốc) cũng không phải là những con rối. Đại biểu Quốc hội Việt Nam tổng cộng là 498 người, do cử tri các tỉnh thành trực tiếp bầu cử nên. Vì Quốc hội tập trung các phần tử tinh anh được dân tuyển từ các nơi trong cả nước, nên không khí cải cách trong Quốc hội Việt Nam khá mạnh mẽ, là động lực chủ yếu thúc đẩy dân chủ hóa chính trị ở Việt Nam.

Ngoài ra, tình hình dân chủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã hình thành, thể hiện trong các mặt dưới đây: (1) Tổng bí thư do bầu cử mà ra; (2) Quyền quyết định việc trọng đại thuộc về Ban bí thư Trung Ương; (3) Thực hiện chế độ chất vấn của Ủy viên Trung ương; (4) Ủy viên Trung ương và các chức vụ lãnh đạo quan trọng do tuyển cử dân chủ, thông tin về người ứng cử được công khai.

Tác giả: Vu Phi
Nguồn: tw.aboluowang.com, tiếng Trung, Đài Loan, ngày 26/12/2015

Website: http://tw.aboluowang.com/2015/1226/666377.html

               越南大變在即 國會主席向習近平求救

 Nguyên văn: Việt Nam đại biến tại tức quốc hội chủ tịch hướng Tập Cận Bình cầu cứu