Thursday, March 15, 2018

‘Loạn đả’ trong chính phủ CSVN: Bộ trưởng dùng báo chí ‘cãi’ thanh tra

Bộ Trưởng Thông Tin-Truyền Thông CSVN Trương Minh Tuấn. (Hình: Báo Thanh Niên)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Vụ hãng điện thoại quốc doanh Mobifone hủy bỏ “toàn bộ” hợp đồng đầy tai tiếng trong đó Mobifone sẽ mua AVG với giá 8,889.8 tỷ đồng (khoảng $391 triệu) mà hai bên đã ký kết với nhau từ Tháng Giêng, 2016, sau đó có Thanh Tra Chính Phủ CSVN có bản kết luận.
Bất ngờ, hôm 15 Tháng Ba, Bộ Trưởng Thông Tin-Truyền Thông Trương Minh Tuấn quyết định tận dụng hệ thống báo chí “lề phải” trong tay để cãi lại.
Văn bản do ông Tuấn ký viết: “Ngày 12 Tháng Ba, 2018, Bộ Thông Tin đã chứng kiến cuộc họp giữa Mobifone và nhóm cổ đông chuyển nhượng AVG để thống nhất việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa hai bên. Theo thống kê của Bộ Thông Tin, chỉ tính riêng ngày 13 Tháng Ba đã có tới 85% trong tổng số hơn 5 triệu lượt người truy cập và có bình luận ủng hộ việc làm đó. Cùng ngày, Bộ Thông Tin đã gửi báo cáo đến Thanh Tra Chính Phủ để cập nhật nội dung về diễn biến mới này. Tuy nhiên, Thanh Tra Chính Phủ không đưa nội dung này vào kết luận mà ra ngay thông báo kết luận thanh tra.”
Thông cáo do ông Tuấn chỉ đạo các báo “lề phải” phải đồng loạt đăng tải trong ngày 15 Tháng Ba còn ghi rõ: “Đối chiếu quy định pháp luật liên quan và thực tế thực hiện cho thấy Bộ Thông Tin đã thực hiện phê duyệt dự án [Mobifone mua AVG] theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Mobifone, theo đúng quy định pháp luật.”
Văn bản này viết tiếp: “…Thông báo kết luận thanh tra đã đưa ra các nhận định không có căn cứ pháp lý, không đúng với nguyên tắc kế toán tài chính, không đúng với nguyên tắc thẩm định giá trị doanh nghiệp, không đúng với thẩm quyền để xác định dự án gây thiệt hại nghiêm trọng. Bộ Thông Tin kiến nghị loại bỏ các nội dung không đúng này. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị lấy ý kiến Bộ Tài Chính (cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và thẩm định giá trị doanh nghiệp) về các nhận định này.”
“Thông báo kết luận thanh tra đưa ra các kiến nghị biện pháp xử lý, trong khi các nội dung nhận định là không dúng quy định pháp luật, không đúng bản chất sự việc, có tính chất suy diễn theo hướng có lỗi và ‘hình sự hóa’ quan hệ kinh tế. Trong trường hợp có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra, Bộ Thông Tin sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu Thanh Tra Chính Phủ thu hồi và sửa lại kết luận thanh tra hoặc sẽ khiếu nại về kết luận thanh tra.”
Đáng lưu ý, tính đến đêm 15 Tháng Ba, các báo Việt Nam trong đó có báo điện tử VNExpress đăng nguyên văn phản hồi như trích dẫn ở trên của ông Tuấn đều phải lập tức gỡ link bài.
Việc làm của ông Bộ Trưởng Tuấn làm dấy lên suy đoán rằng ông đang ở bước đường cùng, buộc “phải đấu hoặc chết” nên liên tiếp đi những nước cờ sai lầm.
Theo quy định của đảng CSVN, những tổ chức, cá nhân muốn khiếu nại thì “phải gửi đúng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại,” trong trường hợp này là Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Tra và Thanh Tra Chính Phủ, chứ không phải là cơ quan báo chí.
Cũng cần nhắc lại, vụ bất đồng giữa Bộ Thông Tin và Thanh Tra Chính Phủ diễn ra trong bối cảnh Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện vẫn đang công du ở Úc nên chưa thể rõ ông Phúc sẽ đứng về bên nào trong cuộc chiến chưa có hồi kết này. Tuy vậy, dường như người có quyết định “sinh mệnh chính trị” của ông Tuấn hiện nay là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chứ không phải ông Phúc.
Mobifone là tổng công ty quốc doanh kinh doanh dịch vụ điện thoại di động trực thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông. AVG là công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG) có ông Phạm Nhật Vũ, em ruột nhà “tư bản đỏ,” tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng, làm chủ hơn 50% cổ phần.
Vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG đã âm ỉ trên mạng xã hội từ năm 2015 vì những khuất tất và những đồn đoán về vai trò của Bộ Trưởng Tuấn và bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái “rượu” của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bị cho là “chủ mưu” trong vụ này.
Ông Tuấn, khi còn là thứ trưởng, đã ký quyết định phê duyệt để ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Mobifone, ký hợp đồng mua AVG. Bà Nguyễn Thanh Phượng, cựu chủ tịch ngân hàng Bản Việt, là người bị cáo buộc “đưa Lê Nam Trà lên ghế chủ tịch Mobifone và cùng Phạm Nhật Vũ (em trai của Phạm Nhật Vượng và là chủ tịch AVG) tính kế đưa AVG lên mức giá cao hơn chín lần giá trị thực.”
Tuy là một vụ mua bán không có gì gọi là “bí mật quốc gia” cần phải giấu đút, nhưng nội dung cuộc mua bán giữa Mobifone và AVG lại bị giữ kín. Hồi đó, đã có tin ì xèo về việc Mobifone bỏ ra một số tiền rất lớn (tương đương gần $400 triệu) để mua công ty AVG đang lỗ chỏng gọng, trị giá chỉ khoảng hơn $80 triệu, có thể thấp hơn.
Bởi vậy, nhà cầm quyền trung ương đã “yêu cầu qua thanh tra, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” vụ việc. (T.K.)

Khi người nông dân bỏ quê ra phố

TTVN 2018-03-15  
Nỗi nhớ quê đôi khi chỉ quản quanh bên cái gàu tưới
Nỗi nhớ quê đôi khi chỉ quản quanh bên cái gàu tưới  RFA
Người nông dân gắn với ruộng đồng, cỏ cây và thiên nhiên. Dường như đâu đó trong mênh mông cuộc đời và bề bộn kiếm sống, hoa gạo tháng ba đỏ một góc trời của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ hay hoa dành dành tháng năm len lén mùi hương nơi góc khuất bụi tre, gốc mít vẫn cứ là cảm thức quen thuộc. Và khi xa quê, điều làm người ta nhớ nhất đôi khi là những thứ vốn dĩ quá quen thuộc đến độ không cần quan tâm. Tình trạng người nông dân bỏ ruộng ra phố đang ngày càng phổ biến tại miền Bắc Việt Nam.

Gạt nước mắt mà đi

Bà Nguyễn Thị Xí, bỏ ruộng quê, ao chuôm ở Ân Thi, Hưng Yên, ra Hà Nội kiếm sống, chia sẻ: “Đi nhặt thế này hai ngày, ba ngày mới được ba chục ngàn, bốn chục ngàn, không có nhiều. Tôi đi từ Mồng Một đến giờ, thực ra là đi từ trong Tết đi từ hai mấy Tết đến mồng Một Tết cũng phải đi, khổ lắm!”
Bà Xí cho biết thêm, mặc dù sống giữa thành phố, mọi thứ đều đắt đỏ, chỗ ngủ cũng phải tốn tiền mà không bằng một góc nhỏ ở quê, nhưng bà phải ra phố kiếm sống. Bởi ở quê làm ruộng không nổi, mà kêu người ta làm thì tiền vốn nhiều hơn số lúa thu được, tự làm thì tuổi cao, sức yếu. Bà đành phải ra phố để lượm ve chai, đồng nát lây lất qua ngày. Bởi dù sao, người Hà Nội bây giờ cũng hết thời đói kém bao cấp, người ta có của ăn của để, và hơn hết là người Hà Nội sống tử tế, biết thương người nghèo. Nhờ vậy mà bà sống được.
Mặc dù ra phố gặp nhiều khó khăn, đôi khi tủi thân, và bà có cảm giác nhiều lúc mình nhớ nhà như một đứa trẻ, nhớ cây gạo hoa đỏ, nhớ ao chuôm, nhớ mặt trước trong xanh mùa sắp đông. Nhưng bà đành phải ở lại phố vì về quê đôi khi buồn hơn, cô đơn hơn.
Cái khái niệm sống được của bà Xí cũng rất đơn giản, chỉ cần mỗi ngày đi dạo từ phố này sang phố nọ, thấy cái hộp carton người ta vứt ra hay cái bàn, cái ghế sắt người ta bỏ đi, bà nhặt mang về phòng trọ, cất dành hai ba hôm nhiều một chút thì mang đến tiệm thu mua phế liệu để bán.
Khi nghe chúng tôi hỏi tại sao bà không để con cái chăm sóc hoặc ở quê kiếm sống bằng cách trồng luống rau, cây cải mà đắp đổi qua ngày, bà cười buồn nói rằng chuyện đó tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào. Bà trước đây cũng có đất, có nhà, đất thì nhà nước thu hồi, đền bù cho bà một phần diện tích, phần diện tích còn lại bà vẫn được canh tác.
Thế nhưng khi có tiền đền bù đất, mối bất hòa giữa mẹ vợ và con rể ngày càng tăng khi anh con rể mượn tiền của bà để làm ăn nhưng không thể trả được. Cuối cùng, nản quá, bà viết giấy cho luôn căn nhà cho đứa con gái và gạt nước mắt ra phố kiếm sống. Mặc dù ra phố gặp nhiều khó khăn, đôi khi tủi thân, và bà có cảm giác nhiều lúc mình nhớ nhà như một đứa trẻ, nhớ cây gạo hoa đỏ, nhớ ao chuôm, nhớ mặt trước trong xanh mùa sắp đông. Nhưng bà đành phải ở lại phố vì về quê đôi khi buồn hơn, cô đơn hơn.

Sức già mượn phố mà thở

Cùng cảnh ngộ với bà Xí, có rất nhiều người già cũng lây lất trên thành phố để đắp đổi qua ngày. Ông Trần Duy Tất, một lão nông ở Hòa Bình, kiếm sống tại Hà Nội, chia sẻ:“Coi như bỏ đất đấy, vườn trại để không thôi, không làm gì cả. Giờ chỉ đi coi như có tiền đi chợ hằng ngày. Nói chung là nhà nước, người ta thầu, mình bán đất còn có một ít nhưng cũng để đó không làm đến.”
Ông Tất nói rằng hiện tại, nếu có đủ tuổi nhận tiền hỗ trợ người già của nhà nước để sống ở quê thì cũng chẳng thấm béo vào đâu, chỉ đủ trả tiền điện hằng tháng là may mắn lắm rồi. Ông đành phải ra phố, vì ở quê khó sống hơn thành phố.
Khi nghe chúng tôi hỏi rằng ở thành phố dễ sống ra sao đối với người già, thì ông cũng lắc đầu chua chát giống bà Xí, ông nói rằng thực ra, kiếm chén cơm giữa chốn đông người cũng có lúc rơi nước mắt và mỗi khi chiều về, bữa nào may mắn thì dư tiền, kiếm chén rượu ngồi nhâm nhi mà đỡ nhớ quê, nếu không có tiền thì tâm hồn trống trải không thể tả.
Thời kinh tế thị trường, kinh tế phát triển, dường như tình tự quê hương cũng giảm đi rất nhiều, người ta ít quan tâm đến tình cảm của mình và của người mà chỉ quan tâm đến việc mình làm được mỗi năm bao nhiêu, có hơn người hay thua người.
Bởi với một người già như ông, chiều chiều chạy sang nhà hàng xóm để trò chuyện với một người hàng xóm ngang tuổi, rồi mang vài cái trứng gà sang đúc chả nhâm nhi tí rượu gạo là một thú vui không thể tả. Nhưng nghiệt nỗi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.
Cái mà ông Tất gọi là mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, khi ông giải thích, hóa ra là nỗi mặc cảm rất mới của người thôn quê. Thời kinh tế thị trường, kinh tế phát triển, dường như tình tự quê hương cũng giảm đi rất nhiều, người ta ít quan tâm đến tình cảm của mình và của người mà chỉ quan tâm đến việc mình làm được mỗi năm bao nhiêu, có hơn người hay thua người.
Các con của ông Tất không được học hành tới nơi tới chốn nên đứa đi làm phụ hồ, đứa đi làm thuê tít tận miền Nam, không biết làm gì. Đứa đi thì biền biệt, đứa ở nhà mặc cảm cái nghèo, không cho ông giao du với các hàng xóm khá giả hơn. Mà chung quanh ông ai cũng khá giả, vậy là ông tự thu mình vào cái vỏ ốc cô đơn, sống giữa xóm làng mà ông có cảm giác như sống trên một hoang đảo. Cuối cùng, tìm ra phố lây lất qua ngày, để quên đi nghèo khổ là một lựa chọn cuối của ông.
Và cũng theo ông Tất, ra thành phố dù khó khăn, lây lất nhưng không đến nỗi vất vả như ở quê, vì cầm cái cuốc mà lật từng thớ đất, sấp ngửa với nắng mưa là chuyện của thời trai trẻ, giờ già rồi, sức không còn theo người, nên ra phố lượm ve chai, đồng nát hoặc mua một mớ rau ra đường bán cũng là cách qua ngày đoạn tháng và có quyền hi vọng nếu mỗi tuần hi sinh một chút tiền để mua tờ vé số cầu may, biết đâu lại được đổi đời!

Đánh anh Trương Văn Dũng đến chết ngất, Công an còn gây thù chuốc oán đến bao giờ?

Nguyễn Tường Thụy
 Theo RFA-2018-03-15  
Nhà hoạt động Trương Văn Dũng sau khi bị đánh trong đồn công an hôm 14/3/2018
Nhà hoạt động Trương Văn Dũng sau khi bị đánh trong đồn công an hôm 14/3/2018  Courtesy FB Thao Teresa
Mãi 10 giờ đêm ngày 14/3/2018, khi nhận được thông tin từ chị Hợp, vợ anh Trương Dũng, chúng tôi đưa tin ngay lên facebook, mọi người mới biết anh Dũng bị đánh đến ngất. Ban đầu chị Hợp nghĩ anh bị côn đồ đỏ đánh ngoài đường vì anh Dũng ngất không hỏi được gì. Đến khi anh Dũng nói thều thào được 1 câu ngắn, mọi người mới biết là anh bị đánh ở chính cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an số 3 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội.
Sau khi đánh anh ngất, chúng không đưa anh đi cấp cứu mà nhẫn tâm thuê taxi chở anh đến đầu ngõ nhà anh rồi vứt xuống, sau khi đã lột sạch gần 4 triệu đồng của anh. Điện thoại anh chủ động đập vỡ để không lọt vào tay bọn chúng. Cho tới 10 giờ đêm mới có người hàng xóm nhận ra anh, đưa về nhà giúp. Như vậy từ lúc anh bị đánh cho đến khi được đưa về là 4 tiếng, trong đó, chưa rõ thời gian anh nằm ở đầu ngõ là bao nhiêu.
Anh Huỳnh Ngọc Chênh kể lại: Lúc hơn 6 giờ chiều anh chạy đến cơ quan an ninh điều tra của Bộ công an số 3 Nguyễn Gia Thiều để hỏi về Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt vào đấy sau khi thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma thì đã thấy anh Dũng ngồi chờ sẵn trước cổng để ngóng tin chị Hạnh. Anh Chênh vào trước còn anh Dũng bị những kẻ mặc thường phục bắt vào sau. Khi bị bắt vào phòng hỏi cung, anh Chênh đang to tiếng với một tay an ninh rất mất dạy thì nghe tiếng la hét ở phòng bên. Có lẽ Trương Dũng bị đánh vào lúc đó.
Sau đó, nhân lúc không có ai trong phòng, anh Chênh mở cửa phòng la to về phía phòng hỏi cung bên cạnh, nhưng không có tiếng trả lời.
Một lát sau lại nghe tiếng la hét, anh lại xông ra gọi Trương Dũng, nhưng cũng không nghe tiếng la hét nữa và ngay lập tức anh bị kéo vào phòng khóa chặt.
Lời kể của anh Huỳnh Ngọc Chênh cho thấy ban đầu còn nghe tiếng la hét rất to, nhưng sau anh gọi thì thấy im lặng, chứng tỏ lúc ấy anh Trương Dũng đã bị đánh ngất.
Sau khi nhận được thông tin, anh em hoạt động XHDS đã đến ngay để đưa anh đi bệnh viện cấp cứu. Anh bị nhiều vết thâm tím vùng mặt, ngực và bụng, răng cửa bị gẫy…
Không kể những lần bị đánh ngoài đường, anh Trương Dũng từng bị đánh trong đồn công an rất nhiều lần và lần nào cũng đau. Tôi nhớ được những lần sau:
- Ngày 2/6/2013 anh đi biểu tình rồi bị bắt vào trại Lộc Hà. Tại đây anh bị đánh máu me đầm đìa ở đầu. Chúng đem vứt ngay trước cổng đồn, chúng tôi phải đưa anh đi bệnh viện.
- Ngày 2/4/2013 anh đi phiên tòa sơ thẩm Đoàn Văn Vươn, bị bắt vào đồn công an quận Hải An, Tp Hải Phòng. Khi đã đánh anh thỏa thuê, chúng mang lên xe chở đến Quán Toan rồi vứt ở đấy sau khi đã tước điện thoại của anh.
- Ngày 25/10/2013 anh đến đồn công an Thụy Khuê đòi đồ của dân oan bị tịch thu. Anh bị công an ở đây đánh gãy 3 xương sườn và bị cùm chân.
- Ngày 21/1/2015 anh cùng 11 người khác đến thăm ông Trần Anh Kim. Tất cả bị bắt vào đồn công an phường Trần Hưng Đạo Tp Thái Bình tỉnh Thái Bình và bị đánh hết sức tàn nhẫn, trong đó anh Dũng và JB Nguyễn Hữu Vinh bị đánh rất đau.
- Gần đây nhất là vụ Trương Dũng, Trịnh Đình Hòa, Mai Phương Thảo bị đánh tàn bạo khi bị bắt về đồn công an phường Minh Khai, Tp Phủ Lý tỉnh Hà Nam trong phiên tòa phúc thẩm Trần Thị Nga ngày 22/12/2017.
Như vậy, ít nhất, lần này là lần thứ 6 anh Dũng bị đánh trong đồn công an. Tôi nhớ được vì đa số những lần anh bị đánh có mặt tôi cùng tham gia sự kiện. Những lần anh bị đánh ngoài đường không kể.
Việc đánh người hoạt động đến ngất, cướp tiền và đồ ngay tại cơ quan Bộ công an là một hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt, lần này chúng đánh anh Trương Dũng sau khi anh thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, như thể để báo công với nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Mức độ tàn bạo, ngang ngược, trắng trợn, vô nhân tính của ngành công an đã leo lên một nấc thang mới. Công an Việt Nam còn gây thù chuốc oán với nhân dân đến bao giờ. Công luận trong và ngoài nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế cần mạnh mẽ lên án hành động này.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Trung tướng công an CSVN Phan Văn Vĩnh bị ‘xác minh trách nhiệm’ vụ đường dây đánh bạc

Trung tướng công an CSVN Phan Văn Vĩnh bị ‘xác minh trách nhiệm’ vụ đường dây đánh bạc
Công an tỉnh Phú Thọ đã làm việc với trung tướng CSVN Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, để xác minh trách nhiệm của ông này trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng.
Báo mạng VnExpress hôm Thứ Năm 15/03 dẫn một nguồn tin có thẩm quyền ở Phú Thọ cho biết, nhân viên điều tra đã tới nhà riêng của tướng Vĩnh, 63 tuổi, ở tỉnh Nam Định, để điều tra về trách nhiệm của ông này hồi còn đứng đầu Tổng Cục Cảnh Sát. Báo chí nhà nước cho rằng việc xác minh đối với cựu tướng công an này là một “quy trình hết sức bình thường”. Tuy nhiên trên Facebook, có dư luận cho rằng tướng Vĩnh bị thẩm vấn vì một số giới chức bị bắt trong vụ này có thể đã khai ra mọi mối liên hệ.
Trong những diễn biến có liên quan tới vụ án đang gây rúng động ở Việt Nam, công an tỉnh Phú Thọ hôm Thứ Năm thông báo quyết định truy nã 9 người đang bỏ trốn. Báo Tiền Phong vào cùng ngày dẫn nguồn tin riêng cho biết, ông Nguyễn Văn Dương, một trong hai người được coi là “chủ mưu” trong đường dây cờ bạc qua mạng, đã chuyển cho thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cục trưởng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao CSVN, hơn 17 tỷ đồng (740,000 Mỹ kim).
Luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội cho rằng ông Nguyễn Văn Hóa cần bị truy tố về tội nhận hối lộ nếu ông được chia tiền. Trước đây có nguồn tin trên mạng xã hội nói rằng tướng Hóa được chia 20% từ doanh thu của đường dây đánh bạc qua mạng trị giá hàng chục triệu Mỹ kim.
Huy Lam / SBTN

Tàu ‘ma’ Trung Quốc trôi dạt trên biển Bạc Liêu

Chiếc tàu đang neo đậu tại cửa biển Gành Hào, Bạc Liêu. (Hình: Báo VNExpress)
BẠC LIÊU, Việt Nam (NV) – Thêm một chiếc tàu “ma” vỏ sắt, không người, trên thân tàu có chữ Trung Quốc, trôi dạt trên vùng biển Bạc Liêu được người dân phát hiện báo lực lượng biên phòng đưa vào bờ.
Truyền thông Việt Nam loan tin, đồn Biên Phòng Gành Hào, huyện Đông Hải nhận tin báo của người dân, có tàu sắt không người mang số hiệu của Trung Quốc bị chìm một phần, trôi dạt cách cửa biển Gành Hào khoảng 28 hải lý.
Bốn tàu dân sự, cùng hàng chục lính biên phòng đến vùng biển tàu bị nạn để trục vớt. Do sóng to, gió lớn, khi tiếp cận, vị trí tàu đã dịch chuyển theo hướng Tây Nam, cách cửa biển Gành Hào khoảng 40 hải lý.
Theo báo VNExpress, chiều 13 Tháng Ba, sau khi bơm nước ở các khoang, lính biên phòng đã lai dắt tàu vào cửa biển Gành Hào. Đấy là con tàu sắt đã cũ dài 34 mét, rộng 6.5 mét, tên hiệu viết bằng chữ Trung Quốc (tạm dịch “Đại Cát Đại Lợi”) kèm theo số hiệu 64954. Trên tàu không có trang thiết bị. Song, có một số nhu yếu phẩm dự trữ và tài liệu.
Các giới chức biên phòng Bạc Liêu, cho biết vì thẩm quyền giải quyết vụ việc này thuộc ủy ban tỉnh Bạc Liêu, nên sẽ báo cáo để tỉnh thành lập “hội đồng xử lý tài sản trôi nổi, không rõ nguồn gốc.”
Hồi Tháng Hai vừa qua, đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An, nhận được tin báo của ông Dương Văn Bò, ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, thuyền trưởng  tàu cá TTH-1101TS, đánh bắt cá ở vùng biển Thuận An về việc phát hiện một “tàu lạ” đang trôi dạt trên biển.
Đây là một chiếc tàu vỏ sắt có ký hiệu 02, dài khoảng 20 mét, có chữ Trung Quốc phía trên buồng lái và không có cờ hiệu của quốc gia nào. Khi được phát hiện, trên tàu hoàn toàn không có người.
Đến chiều 27 Tháng Hai, con tàu “ma” Trung Quốc này đã  được lực lượng Cảnh Sát Biển Vùng 2 kéo về cảng Chân Mây, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc và bàn giao cho Bộ Chỉ Huy lính biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế để điều tra. (Tr.N)

CSVN cho ‘trùm dư luận viên’ phá lễ ‘Tưởng Niệm Gạc Ma’

“Trùm dư luận viên” Trần Nhật Quang đang hùng hồn bảo vệ chế độ. (Hình cắt từ clip trên Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tương tự như mọi năm, hôm 14 Tháng Ba, 2018, nhà cầm quyền thành phố Hà Nội lại cho dư luận viên quấy rối các hoạt động tưởng niệm 30 năm thảm sát Gạc Ma.
Hàng trăm Facebooker đã chia sẻ lại clip do blogger Nguyễn Thúy Hạnh ghi lại cảnh tượng tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ vào buổi sáng cùng ngày.
Trong clip, người ta thấy “trùm dư luận viên” Trần Nhật Quang, người được cho là điều hành nhóm dư luận viên Việt Vision (nay đã giải tán) đang hùng hồn bảo vệ chế độ và miệt thị những người dân đến đây thắp hương tưởng niệm 64 bộ đội Việt Nam bị Trung Quốc bắn chết vào 14 Tháng Ba, 1988, tại đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, khi Trung Quốc cướp hòn đảo này.
“Những người đến đây lợi dụng thắp hương liệt sĩ đều là xúc phạm nhà vua, chiến sĩ,” ông Quang la lớn tiếng và vung tay trong clip với thái độ hung hãn.
Đều đặn hàng năm vào dịp 14 Tháng Ba, người ta thấy ông Quang, người thường được biết đến với biệt danh Quang “Lùn,” và các dư luận viên khác dưới mác “quần chúng tự phát” lại đến “túc trực” ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, ngăn người dân đến tưởng niệm. Đỉnh điểm là hôm 14 Tháng Ba, 2015, các thanh niên mặc đồng phục áo thun đỏ ghi tên nhóm Việt Vision múa hát và tranh cãi, xô đẩy với người tham gia tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma.
Tuy vậy, khác với mọi năm, Ban Tuyên Giáo CSVN năm nay cho các báo “lề phải” đăng loạt bài nhắc nhớ sự kiện và không né tránh việc mô tả Trung Quốc “là quân xâm lược,” “gây ra cuộc thảm sát.”
Dường như Hà Nội chỉ muốn “độc quyền tưởng niệm” sự kiện này với những “người tưởng niệm được chỉ định” nhằm kiểm soát mọi việc theo ý họ và tránh sự tham gia của giới đấu tranh nhân quyền, bất đồng chính kiến.
Hôm 14 Tháng Ba, trang Thông Tin Chính Phủ tường thuật: “Hôm 14 Tháng Ba, tại Khu Tưởng Niệm Chiến Sĩ Gạc Ma ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, Tỉnh Ủy, Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân tổ chức dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ Hải Quân Nhân Dân Việt Nam đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa cách đây tròn 30 năm.”
“…Khu vực tượng đài chính mang tên ‘Những người nằm lại phía chân trời’ được xây dựng và khánh thành năm 2017. Hình tượng các chiến sĩ Hải Quân Nhân Dân Việt Nam chiến đấu sát cánh bên nhau được đặt trên đồi cát cao, đã thắp sáng ngọn lửa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.”
Một bản tin khác cũng trên trang này cho hay, một buổi lễ tưởng niệm 30 năm Gạc Ma cũng diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham dự của “hơn 200 đại biểu nguyên là cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia xây dựng, bảo vệ Trường Sa cùng thân nhân gia đình các liệt sĩ. Lễ tưởng niệm diễn ra trong không khí trang trọng, ấm cúng.”
Ông Nguyễn Xuân Diện, tức blogger Chú Tễu ở Hà Nội, viết trên trang cá nhân: “Các anh chị em Hà Nội tới chân tượng đài Lý Thái Tổ ở Hồ Gươm để dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ Gạc Ma. Chính quyền Hà Nội đã điều động hàng trăm nhân viên an ninh tới để uy hiếp tinh thần của anh chị em.” Ông Diện cũng đưa cáo buộc về việc một số nhà hoạt động trong đó có bà “Nguyễn Thúy Hạnh bị câu lưu và đưa đi đâu chưa rõ.” (T.K.)

Lại thêm nhân viên Eximbank chiếm đoạt hơn $2.2 triệu của khách hàng

Nhân viên ngân hàng Eximbank liên tục bị khách hàng tố cáo chiếm đoạt tiền. (Hình: Báo Thanh Niên)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Trong tuần này, ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ phải phản hồi cách giải quyết với đại diện 6 khách hàng số tiền gửi tiết kiệm hơn 50 tỷ đồng tại đây bị nhân viên chi nhánh Đô Lương chiếm đoạt.
Báo Thanh Niên dẫn kết luận của cơ quan điều tra công an tỉnh Nghệ An cho hay, từ ngày 1 Tháng Ba, 2011 đến ngày 7 Tháng Tư, 2016, bà Nguyễn Thị Lam, nhân viên ngân quỹ Phòng Giao Dịch Eximbank Đô Lương, “được giao nhiệm vụ thu, chi tiền mặt; quản lý kiểm tra hồ sơ thế chấp vay vốn của khách hàng; huy động vốn và cho vay theo chỉ tiêu.”
Để đạt được chỉ tiêu, bà Lam tự nâng lãi suất cho khách hàng cao hơn quy định của ngân hàng từ 2 đến 6%. Nhờ vậy mà bà Lam đã mời gọi được nhiều khách hàng gửi vào số tiền lớn.
Trong thời gian từ năm 2012 đến Tháng Tám, 2016, bà Lam đã lừa dối để khách hàng ký vào các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, cũng như một số chứng từ bà Lam giả mạo chữ ký khách hàng, lừa dối nhân viên ngân hàng để rút khỏi hệ thống hơn 50 tỷ đồng (hơn $2.2 triệu) trong số tiết kiệm của 6 khách hàng gửi tại Eximbank.
Chưa hết, bà Lam còn nhận 570 triệu đồng của một khách hàng để mở sổ tiết kiệm nhưng lại chiếm đoạt. Số tiền này, bà Lam khai dùng để chi trả phần lãi suất tự kê cho những khách hàng của mình huy động, dùng mua đất, đầu tư, cho người khác vay lãi suất cao, làm nhà…
“Căn cứ kết luận điều tra, nhân viên kiểm soát viên, giao dịch viên, thủ quỹ phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và nhân viên phòng giao dịch khách hàng Eximbank chi nhánh Vinh đã có lỗi cố ý làm trái những quy định rút và gửi tiền của Ngân Hàng Nhà Nước và Eximbank nên bà Lam đã rút tiền tiết kiệm trong hệ thống Eximbank của 6 khách hàng mà không có sổ.” Do đó cơ quan cảnh sát điều tra, công an tỉnh Nghệ An đề nghị Eximbank giải quyết yêu cầu của 6 khách hàng (trả tiền gốc và lãi), buộc bà Lam bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho Eximbank.
Vụ án được khởi tố vào năm 2016, đến 2017 cơ quan cảnh sát điều tra có kết luận nhưng đến nay, phía Eximbank vẫn chưa trả lại số tiền trên cho 6 khách hàng. Do vậy đầu tuần này, luật sư đại diện của 6 khách hàng đã làm việc với ban lãnh đạo Eximbank và yêu cầu phía ngân hàng trả lại tiền cho khách hàng có liên quan đến vụ án.
Đại diện 6 khách hàng mất tiền cho hay: “Ban lãnh đạo Eximbank sẽ họp trong tuần này và có công văn phản hồi đến khách hàng. Chúng tôi đang chờ hướng giải quyết từ phía ngân hàng. Dự kiến phiên tòa xét xử vụ án mất tiền tại Phòng Giao Dịch Eximbank Đô Lương sẽ được xét xử vào Tháng Tư tại Nghệ An.”
Như vậy hiện nay Eximbank đang phải giải quyết cùng lúc hai vụ mất tiền từ sổ tiết kiệm của khách hàng. Trong vụ mất 245 tỷ đồng của “nữ đại gia” Chu Thị Bình ở Eximbank chi nhánh Sài Gòn, ngân hàng này quyết chờ phán quyết của tòa án rồi mới có trả lại tiền cho khách hay không. (Tr.N)