Friday, April 17, 2015

Bức ảnh khiến TBT Nguyễn Phú Trọng òa khóc nức nở


Ảnh: Facebook Anh Chí
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh bình luận: "Ông giáo sư tiến sĩ TBT Nguyễn Phú Trọng ơi, đảng viên và đoàn viên đíu đọc sách lý luận của các ông viết ra đây nè. Ông nên cho an ninh vào hàng sách bên trái xem đứa nào là đảng viên, đoàn viên mò vào đó mua sách mà không vào hàng sách của nhà xuất bản lý luận chính trị thì ông khai trừ chúng nó hết ông nhé. Bọn chúng toàn là lũ cơ hội, vào đảng của ông để kiếm chác không đấy."




Blogger Nguyễn Chí Tuyến (Anh Chí) xuất khẩu thành thơ:

"Một bên khách khứa dập dìu,
Một bên vắng vẻ đìu hiu lạ thường.
Một bên biển hiệu tỏ tường,
Một bên khuất lấp, khoa trương: chẳng cần."


Biểu tình Bình Thuận: Khi CA phải tháo chạy


Hoàng Trần (Danlambao) - Sau cuộc đối đầu kéo dài 2 ngày 2 đêm trước lực lượng CA đông đảo, người dân Tuy Phong - Bình Thuận đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc chiến chống lại tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa phương.

Lần đầu tiên, sức ép mạnh mẽ từ cuộc phản kháng đã buộc phó thủ tướng thân Tàu Hoàng Trung Hải phải xuống nước, nhượng bộ trước nhân dân.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 – vốn được xây dựng bằng công nghệ Trung Cộng bị ra lệnh phải chấm dứt thải bụi than, xỉ ra môi trường.

Khi bị dồn đến đường cùng, người dân Bình Thuận đã cho thấy sức mạnh chưa từng có về tinh thần đoàn kết trước bạo quyền.

Một thanh niên ôm đầu sau khi bị cảnh sát cơ đồng dùng gậy phang tới tấp
Biểu tình ôn hòa

Trong cuộc đấu tranh vừa qua, có rất nhiều chi tiết đã không hề được truyền thông nhà nước nhắc đến. Dưới đây là một số thông tin ghi lại từ người dân và do các trang mạng xã hội phổ biến.

Trước tiên, cần khẳng định ngay là cuộc biểu tình của người dân Tuy Phong, Bình Thuận rất ôn hòa và kỷ luật. 

Ngày 14/4/2015, người dân bất tuân dân sự bằng cách xuống đường chặn quốc lộ 1A, thậm chí nằm cả xuống gầm xe tải để ngăn không cho xe chở than xỉ đi qua khu vực dân sinh.

Cuộc biểu tình khiến đoạn quốc lộ huyết mạch này bị tê liệt hàng chục km, xe cộ bị ứ đọng khiến nhiều tài xế và hành khách mệt mỏi. 

Rất nhiều người dân cảm thấy có lỗi, nên đã mang thức ăn, bánh mì và nước uống đến phân phát cho những người bị kẹt lại và mong được thông cảm.

Đến tối cùng ngày, người dân đồng loạt rút lui, trả lại sự thông thoáng cho tuyến quốc lộ 1A. Nhìn chung, cuộc biểu tình trong ngày đầu tiên khá ôn hòa và chừng mực.

Mục đích chính của người dân chủ yếu là muốn đánh động sự quan tâm, chú ý của dư luận về môi trường sống độc hại tại địa phương.

Tức nước vỡ bờ

Ảnh: Facebook Hiep Thanh Le
Bất chấp những lời hứa hẹn của giới chức địa phương chỉ mới hôm trước, vào sáng ngày 15/4/2015, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tiếp tục thải bụi than, xỉ vào môi trường. 

Người dân quá phẫn uất liền kéo xuống quốc lộ 1A biểu tình sang ngày thứ 2 liên tiếp với số lượng đông đảo hơn, nhưng vẫn tỏ thái độ ôn hòa.

Đáp lại, nhà cầm quyền CS tiếp tục công khai đối đầu nhân dân khi huy động hàng ngàn CA, cảnh sát cơ động kéo đến đàn áp.

Trong đoạn video trên, có thể thấy rõ cảnh tượng cảnh sát cơ động dùng gậy phang tới tấp vào đầu một người dân, dù người này đã ngã xuống.

Khi bị dồn đến đường cùng, người dân buộc phải phản kháng. Hai bên giàn trận đối đầu nhau. Phía cảnh sát cơ động được trang vũ khí tận răng gồm khiên, dùi cui, lựu đạn nổ… Trong khi người dân chỉ dùng gạch đá và một vài bom xăng chống đỡ. 

Cuộc giao tranh bất phân thắng bại. Mỗi khi hai bên ‘hưu chiến’, bà con vẫn mang nước đến mời những người cảnh sát cơ động này uống và nói “Chúng tôi đấu tranh cho môi trường chớ không đấu với các chú”.

“Sau khi dân đã bao vây được CSCĐ thì mọi người đứng ra cản không cho số người quá khích chọi đá, gạch nữa. Lúc này họ chỉ chửi, giải thích... và mời nước”, facebook Hiep Thanh Le tường thuật.

Trong số này, có rất nhiều cảnh sát là người địa phương, chính bản thân và gia đình họ đang ngày đêm hứng chịu cảnh bụi than, xỉ mù mịt ô nhiễm đến mức đổ bệnh.

Khi CA tháo chạy
Tối ngày 15/4/2015, giao tranh tiếp tục bùng phát dữ dội khi CA bắt đi hàng chục người biểu tình. Video ghi lại vụ việc cho thấy bom xăng và lựu đạn nổ khiến cả đoạn đường như bị bùng cháy.

Một tờ báo nhà nước cáo buộc người dân đã xông vào cướp phá khách sạn Vĩnh Hảo và thiêu rụi cả 3 chiếc xe ô tô. Trên thực tế, đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt.

Khách sạn Vĩnh Hảo trước đó được nhiều quan chức Bình Thuận thuê để ăn ngủ và làm ‘tổng hành dinh’ khi vụ biểu tình diễn ra. Vì nằm gần khu vực giao tranh, nên khi bắt người, phía CA đã mang nhốt họ vào trong khách sạn.

Người dân lập tức kéo đến vây hãm đòi thả người, khách sạn Vĩnh Hảo vô tình trở thành nơi giao chiến giữa hai bên.

Trước áp lực dữ dội của nhân dân, cảnh sát cơ động sau đó đã buộc phải thả người và tháo chạy khỏi hiện trường, bỏ mặc các quan chức Bình Thuận ở lại.

Sự thật là người dân không hề động chạm đến các quan chức bị kẹt lại, khách sạn chỉ bị vỡ cửa kính và 3 chiếc xe bị móp trong lúc giao tranh. Hoàn toàn không có chuyện người dân cướp phá khách sạn tan tành, hay thiêu trụi xe như một số tờ báo đã loan tin láo lếu.

Cửa kính khách sạn bị vỡ, xe bị móp có thể là do bị ‘lạc đạn’ khi một số người dân ném đá. Tuy nhiên, khả năng cao hơn là do chính những cảnh sát cơ động này tự gây ra. Có thể vì họ tức giận vì mệt mỏi sau 2 ngày bị các quan chức CS bắt phải đưa đầu ‘chịu trận’. Hoặc cũng có thể là hiện trường giả để vu cáo người dân ‘bạo loạn’ không chừng.

Cảnh sát cơ động mệt mỏi, chán chường sau 2 ngày 2 đêm đối đầu với nhân dân Bình Thuận. Ảnh: Sơn Kòi

Đến 12 giờ đêm, sau khi đã tổng tiến công và 'tái chiếm' được quốc lộ 1A, người dân bắt đầu rút lui về nhà để nghỉ ngơi. Quốc lộ 1A trở nên thông thoáng.

Sáng ngày 16/4, người dân ngưng biểu tình sau khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ngưng thải khói than, xỉ độc hại ra môi trường. Có tin nói rằng phó thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải đã phải đích thân vào Bình Thuận để chỉ đạo khẩn cấp hòng xoa dịu nhân dân.

Cuộc biểu tình kéo dài 2 ngày 2 đêm của người dân Tuy Phong, Bình Thuận đạt được những thắng lợi chưa từng có. Đây cũng chính là một mồi lửa báo hiệu sự suy vong của chế độ độc tài vốn chỉ xem quyền lợi nhân dân như cỏ rác.

Đối với các quan chức cộng sản, sự tháo chạy của lực lượng CA chính là lời cảnh tỉnh rõ rệt nhất. Còn đối với lực lượng CA, quay trở về với nhân dân cũng chính là con đường duy nhất.

Hãy biết thức tỉnh, vì một khi biến chuyển xảy ra, Hoàng Trung Hải có thể chạy sang Tàu - 'tổ quốc' của hắn, còn lực lượng CA và các quan chức cộng sản biết chạy đi đâu?

Hoàng Trần
danlambaovn.blogspot.com


Vì sao dân Tuy Phong, Bình Thuận, nổi dậy?

Việt Hùng/Người Việt -04-17- 2015 3:36:15 PM
(Tường trình từ Bình Thuận)

BÌNH THUẬN (NV) - Những ngày qua, hàng ngàn người dân ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, đã liên tục biểu tình. 

Ðỉnh điểm là vào ngày 15 Tháng Tư, cuộc đụng độ giữa chính quyền và người dân trở thành cuộc bạo động, làm bị thương rất nhiều người dân cùng lực lượng cảnh sát cơ động.



Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)


Ngày 16 Tháng Tư, tức một ngày sau cuộc bạo động, chúng tôi đã có mặt ở hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân sự việc, và được nhiều người dân ở đây cho biết “thông tin báo chí của nhà nước cho rằng người dân chúng tôi quá khích là hoàn toàn không đúng sự thật,” theo anh Hoàng Tuấn Nam, ngụ khu A, thôn Vĩnh Phúc, cho biết.

Anh cho biết thêm, “Từ trước Tết đến nay, khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đưa hai tổ máy vào hoạt động và đã gây ra nhiều cơn 'bão xỉ' từ bãi than, xỉ và ống khói khổng lồ thải ra khiến người dân thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, gánh chịu toàn bộ. Nhà cửa, cây cối đều phủ đầy bão xỉ, thậm chí giếng nước cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm không thể dùng sinh hoạt được.”

“Sau nhiều lần đưa đơn khiếu kiện lên xã, rồi huyện, thậm chí lên tỉnh, nhưng mọi lá đơn đều chỉ nhận được câu trả lời là ‘sẽ chú ý xem xét nguyện vọng của bà con.’ Rồi sau đó đều đi vào quên lãng. Người dân chúng tôi đã chịu hết nổi với cái bầu không khí đầy khói bụi này rồi, mới lên tiếng,” chị Hoàng Thị Thắm, ngụ khu phố 2, thôn Vĩnh Phúc, trình bày.

Chị cho biết thêm, “Vùng đất này chính là yết hầu của Nam Trung Bộ, nơi 'núi thò chân ra biển.' Quốc Lộ 1A độc đạo đi qua với một bên là núi, một bên là biển. Gọi là yết hầu hay độc đạo bởi không còn con đường nào khác nối liền Nam Bắc ở vùng duyên hải này. Bởi vậy người dân muốn lên tiếng chỉ còn cách ra chặn đường xe trên quốc lộ nhằm gây sự chú ý của công luận, khi mà mọi sự khiếu kiện của chúng tôi đều bị chính quyền phớt lờ.”


Xe tải chở xỉ trên qua địa bàn xã Vĩnh Tân. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Vì chính quyền không chịu lắng nghe?

“Nếu nói người dân chúng tôi quá khích là hoàn toàn không đúng. Lẽ ra chính quyền phải xuống để lắng nghe ý kiến của chúng tôi, nhưng ngược lại họ đem quân đội, cảnh sát, dùi cui, áo giáp... xuống để trấn áp chúng tôi. Vì lẽ đó chúng tôi buộc phải chống trả bằng bom xăng, gạch đá,” anh Phan Trọng Thắng cho biết.

Anh còn nói thêm, “Nếu lãnh đạo chính quyền xuống khu vực chúng tôi đang ở được một ngày sẽ hiểu rõ vấn đề. Người dân chúng tôi không thể sống nổi với cái nhà máy này, họ chỉ biết tăng gia sản xuất để có lợi cho họ, chứ không hiểu cho nỗi khổ của chúng tôi.”

Theo quan sát của chúng tôi vào chiều ngày 16 Tháng Tư, sau một cơn mưa khá lớn, thì đường cũng bớt khói bụi, tuy nhiên mỗi lần xe tải chạy ngang qua khụ vực bãi xỉ của nhà máy, thì bụi lại bay mù mịt.

Chị Trần Thị Thanh cho biết, “Bất đắc dĩ chúng tôi mới chặn xe lưu thông trên quốc lộ, ngoài việc giảm bớt khói bụi, chúng tôi còn muốn cho công luận biết đến hoàn cảnh của chúng tôi hiện nay ra sao. Chúng tôi biết hành động chặn xe là vi phạm pháp luật, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác, bởi vì chính chính quyền đã vi phạm pháp luật trước chúng tôi.”

Người dân địa phương phục vụ thức ăn cho khách xe đò lỡ đường. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Chị cho biết thêm, “Tuy nhiên người dân chúng tôi cũng đã chuẩn bị nấu cháo, mì gói, hủ tiếu... và phát miễn phí cho những hành khách bị kẹt dọc đường. Chúng tôi hoàn toàn không quá khích như bao chí trong nước loan truyền.”

Chủ đầu tư Trung Quốc không tuân thủ luật bảo vệ môi trường

Theo quan sát của chúng tôi thì mỗi khi nhà máy hoạt động, ống khói (cao 210 m, đường kính 7 m) xả khói thẳng vào khu dân cư, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Vấn đề nghiêm trọng thứ hai chính là bãi xỉ than của nhà máy này rộng tới 64.7 ha. Mỗi ngày, hai tổ máy của nhà máy thải ra ngót 4,000 tấn xỉ than.

Tuy nhiên, quá trình vận chuyển không bảo đảm như xe chở xỉ không có bạt che đậy, đổ xỉ không đúng nơi quy định. Quá trình vận chuyển rơi vãi trên đường, không tưới nước vào bãi xỉ, không có bãi rửa xe riêng... dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng cả khu vực.

“Nói chung, chủ đầu tư nhà máy chưa có ý thức bảo vệ môi trường, chưa nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về môi trường. Họ không vận hành hệ thống xử lý nước thải, không có hồ sơ xác nhận đã có biện pháp bảo vệ môi trường, thực hiện không đúng việc xử lý chất thải nguy hại, đặc biệt là khói, bụi,” ông Ðỗ Văn Minh, trưởng thôn Vĩnh Phúc, cho biết.

Cũng theo ông Minh, do khí hậu ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, nơi có trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân được quy hoạch tới bốn nhà máy, rất nắng nóng và nhiều gió, mỗi khi ống khói hay các xe chở xỉ than hoạt động thì khói và bụi được gió biển đẩy thẳng vào khu dân cư, “bụi khói đến mức đứng cách xa nhau chục mét mà còn không nhìn thấy mặt nhau.”


Trụ sở của nhà máy điện bị đập. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

“Ðến sáng nay (tức ngày 16 Tháng Tư), phía chính quyền và chủ nhà máy đã cam kết sẽ làm sạch, gia cố đường dân sinh trong thời gian hoàn thiện đường vận hành chính thức, giám sát không cho phép các xe chở xỉ che chắn không kỹ lưỡng tham gia vận chuyển, hạn chế tối đa phát tán bụi ra môi trường,” anh Thoái Văn Lanh, nhà bên cạnh nhà máy nhiệt điện, kể lại.

Anh cho biết thêm, “Chúng tôi tạm thời ghi nhận thiện chí của phía nhà máy và chính quyền. Tuy nhiên, trong những ngày tới, nếu vẫn còn tình trạng khói bụi, người dân chúng tôi sẽ tiếp tục xuống đường biểu tình để đòi quyền lợi.”

Ðược biết nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được khởi công vào Tháng Tám, 2010, với chủ đầu tư Trung Quốc và là một trong ba nhà máy của trung tâm điện lực Vĩnh Tân, thuộc Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025 (tổng sơ đồ VI) đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt. Tổng mức đầu tư của dự án là 23,477 tỷ đồng.

Trước đó, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được nhiều lần tiếp vốn. Tháng Mười Hai, 2010, Bộ Tài Chính và Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc đã ký hiệp định vay $300 triệu để hỗ trợ dự án. Ðầu Tháng Giêng năm nay, cùng với nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân 2 cũng được vay vốn tín dụng nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Hải quân Trung Quốc 10 năm tới sẽ có mặt trên toàn thế giới

ĐÔNG BÌNH (NGUỒN TIN TỨC THAM KHẢO, TQ) 17/04/15 06:56   
(GDVN) - Quy mô đội tàu thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc đã lớn hơn tổng số của Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Tàu hộ vệ tên lửa Châu Sơn số hiệu 529 Type 054A Hải quân Trung Quốc
Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 12 tháng 4 dẫn trang mạng "Lợi ích quốc gia" Mỹ ngày 10 tháng 4 cho rằng, trong 6 năm qua đã có sự thay đổi quá lớn. 
Từ khi Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ đưa ra báo cáo liên quan đến Hải quân Trung Quốc vào năm 2009 đến nay, Trung Quốc đã tăng cường và mở rộng rất lớn "Trường Thành trên biển" của họ.
Theo bài báo, ngày 9 tháng 4, báo cáo mới của Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ đã ghi chép quá trình phát triển nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc, đồng thời đánh giá cẩn thận nhược điểm còn tồn tại của nó. 
Báo cáo có tên là "Hải quân Trung Quốc: những năng lực và nhiệm vụ mới trong thế kỷ 21".
Tờ "Nhật báo Phố Wall" Mỹ ngày 11 tháng 4 cho rằng, Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ đã công bố báo cáo về Hải quân Trung Quốc đầu tiên kể từ năm 2009 đến nay. 
Báo cáo này dự đoán: "10 năm tới, Trung Quốc sẽ từ một lực lượng hải quân duyên hải chuyển đổi thành hải quân có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trên toàn thế giới".
Báo cáo cho rằng, năm 2014, Trung Quốc "hầu như đang xây dựng cơ sở lớn hơn, có thể cuối cùng bảo đảm cho các hoạt động thực thi pháp luật và hải quân". 
Báo cáo còn xác nhận, tàu khu trục mới nhất của Trung Quốc đã lắp một loại tên lửa hành trình siêu âm có thể bắn thẳng đứng mới, gọi là Ưng Kích-18 (YJ-18), điều này sẽ tăng cường rất lớn năng lực răn đe của họ đối với tàu chiến Mỹ.
Tàu khu trục tên lửa Côn Minh số hiệu 172 Type 052D, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Dưới đây là 5 phương diện có thể cho thấy một số phát hiện chủ yếu khác của báo cáo:
1. Hiện nay, quy mô đội tàu thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc đã lớn hơn tổng số của Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines. Từ năm 2012 đến năm 2015, Cảnh sát biển Trung Quốc đã tăng thêm 50 tàu, tổng quy mô mở rộng 25%.
2. Năm 2013 và năm 2014, tàu chiến mới hạ thủy của Trung Quốc nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, năm 2015 - 2016 dự tính sẽ còn tiếp tục xu thế này.
3. Tầm bắn của tên lửa hành trình chống hạm và hạm đối không của Hải quân Trung Quốc đã tăng lên. Tàu khu trục mới nhất đã trang bị tên lửa hành trình chống hạm Ưng Kích-18.
4. Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc hiện nay có 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 4 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo và 57 tàu ngầm thông thường. Đến năm 2020, số lượng tàu ngầm có thể sẽ trên 70 chiếc.
5. Hải quân Trung Quốc rất nhanh sẽ trở thành lực lượng răn đe hạt nhân chủ yếu của nước này, có thể hoàn thành logic tàu ngầm trang bị tên lửa xuyên lục địa. 
"Nhìn vào 10 năm tới, biên chế tàu sân bay, tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu đổ bộ cỡ lớn tiềm năng sẽ làm thay đổi căn bản mô hình hành động của Quân đội Trung Quốc và hình tượng của họ trong con mắt của thế giới".
Biên đội tàu tiếp tế, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Trang mạng "Thời báo New York" Mỹ ngày 11 tháng 4 dẫn một báo cáo mới của Hải quân Mỹ chỉ ra, Trung Quốc đang nhanh chóng chế tạo tàu cảnh sát biển, 3 năm qua số lượng tàu này đã tăng 25%.
Đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tiến hành đánh giá công khai đối với Hải quân Trung Quốc, họ cho rằng, việc hiện đại hóa nhanh chóng 15 năm qua của Hải quân Trung Quốc đã có hiệu quả rõ rệt.
Báo cáo này cho rằng, Hải quân Trung Quốc "thông qua nhanh chóng mua sắm và cải thiện trình độ thuần thục, sẽ tăng mạnh năng lực tác chiến trước năm 2020".
Báo cáo Hải quân cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, nhưng vẫn duy trì tăng trưởng chi tiêu quân sự 2 con số, tháng 3 vừa qua Trung Quốc công bố ngân sách chi tiêu quân sự là 141,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước.
Để thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nước lớn trên biển của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 10 năm tới, Trung Quốc sẽ có một lực lượng hải quân có phạm vi hoạt động rộng hơn và mạnh hơn, sở hữu nhiều tàu sân bay (Trung Quốc hiện chỉ có 1 chiếc) và tàu ngầm tên lửa đạn đạo, có lẽ sẽ còn có một tàu đổ bộ cỡ lớn.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Quốc hội Mỹ thông đường cho TPP

Theo NLĐO-17/04/2015 22:09
Các lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội Mỹ hôm 16-4 đã đạt được thỏa thuận trao cho Tổng thống Barack Obama quyền đàm phán nhanh để hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.

Được đánh giá là một trong những cuộc đấu tranh mạnh mẽ nhất của ông chủ Nhà Trắng trong 19 tháng tại vị cuối cùng, dự luật “Quyền thúc đẩy thương mại” (TPA) - thường gọi là quyền đàm phán nhanh nói trên - cho phép ông Obama toàn quyền quyết định việc thương thảo TPP với 11 quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương. Các nghị sĩ Mỹ chỉ có quyền bỏ phiếu đồng thuận hay bác bỏ với TPP mà không thể đề xuất sửa đổi. TPA cũng quy định TPP phải được công bố 60 ngày trước khi tổng thống đặt bút ký và phải trình quốc hội 4 tháng trước khi bỏ phiếu thông qua. Nếu hiệp định không đáp ứng đòi hỏi của các nhà lập pháp về tiêu chuẩn lao động, môi trường và nhân quyền thì quốc hội có thể bỏ phiếu xóa bỏ cơ chế đàm phán nhanh của tổng thống và mở ra thỏa thuận về việc sửa đổi hiệp định.

Quang cảnh trước phiên điều trần tại Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ về TPP hôm 16-4
Ảnh: The New York Time
Quang cảnh trước phiên điều trần tại Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ về TPP hôm 16-4 Ảnh: The New York Time
 
Ủy ban Tài chính Thượng viện dự kiến bỏ phiếu về TPA vào tuần tới. Có điều dự luật này vấp phải phản ứng hiếm thấy trên chính trường Mỹ: Phần lớn nhà lập pháp Cộng hòa ủng hộ trao quyền đàm phán nhanh cho tổng thống trong lúc nhiều nghị sĩ Dân chủ “đội nhà” lại lên tiếng ngăn cản.
17/04/2015 22:09
Thu Hằng

Trung Quốc giãy nảy vì hoạt động giám sát của Nhật Bản

(NLĐO) – Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 17-4 phản đối các hoạt động giám sát của Nhật Bản và cho rằng chúng đe dọa sự an toàn của các tàu và máy bay chiến đấu của Bắc Kinh.

Lực lượng không quân Nhật Bản cho biết động thái trên nhằm đáp trả việc máy bay ném bom của Nga do thám bầu trời miền Bắc và máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm nhập vào không phận phía Nam của Tokyo.

Nhật Bản tăng cường hoạt động giám sát . Ảnh: Kyodo
Nhật Bản tăng cường hoạt động giám sát . Ảnh: Kyodo

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng các hoạt động của lực lượng không quân nước này hoàn toàn phù hợp với cả luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Bộ này cho biết trong một tuyên bố: “Trong những năm gần đây, tàu và máy bay Nhật Bản thường xuyên theo dõi và giám sát các tàu thuyền cũng như máy bay Trung Quốc ở khoảng cách gần trong suốt thời gian dài, đe dọa sự an toàn cho hoạt động hàng không hàng hải phía Bắc Kinh. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề an toàn trên biển và trên không giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc có bằng chứng về hoạt động theo dõi giám sát của tàu và máy bay Nhật Bản nên sẽ có những bước đi cần thiết để đối phó với vấn đề này”.

Trong khi đó, Nhật Bản cho rằng các cuộc xâm nhập của máy bay Trung Quốc diễn ra ở không phận vùng biển Hoa Đông, gần quần đảo tranh chấp giữa hai bên. Tàu bảo vệ bờ biển và máy bay chiến đấu của hai nước thường xuyên chạm trán xung quanh khu vực quần đảo tranh chấp dẫn đến lo ngại một vụ tai nạn có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết nước này đã xuất kích máy bay chiến đấu ở mức chưa từng có nhằm đối phó với máy bay nước ngoài - phần lớn là Nga và Trung Quốc- tiếp cận không phận Tokyo. Các máy bay Nhật Bản được điều động ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài khoảng 943 lần trong năm 2014, tăng 16% so với năm 2013. Đây là con số cao thứ 2 so với 944 lần trong thời kỳ chiến tranh lạnh vào năm 1984.
17/04/2015 15:18
Xuân Mai (Theo Reuters, BBC)

Hà Nội: Cột điện bốc cháy dữ dội tại "con đường cong mềm mại"

(NLĐO) - Chiều nay 17-4, chiếc cột điện tại "con đường cong mềm mại" Trường Trinh (Hà Nội) bất ngờ bốc cháy dữ dội khiến người dân bị một phen hoảng sợ.

Cột điện bỗng nhiên bốc cháy dữ dội giữa phố đông người
Cột điện bỗng nhiên bốc cháy dữ dội giữa phố đông người

Vụ cháy trên xảy ra vào khoảng 16 giờ 30 chiều 17-4, tại cây cột điện đối diện với số nhà 83 đường Trường Chinh (phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) từng được dư luận cả nước biết đến là "con đường cong mềm mại".

Theo một số nhân chứng, vào thời điểm trên, cột điện bỗng nhiên bốc cháy ngùn ngụt. Lửa bắt đầu bén từ cái hộp phía dưới, sau đó lan nhanh lên phía trên. Từ trên tầng 3 ngôi nhà đối diện, người dân đã dùng vòi và xô nước nhanh chóng hất, xả vào đám cháy. "Do vậy nó mới không lan vào nhà dân" - một người dân cho hay.

Một người dân tại đây cho biết: “Ngay sau khi cháy, tôi đã gọi xe chữa cháy, một lúc thì có 2 xe chữa cháy đến, nhưng lúc đó đám cháy đã cháy gần hết chỉ còn ở phía trên cao cột điện".

Ghi nhận tại hiện trường, những sợi điện ở cột đã bị thiêu rụi, hộp chứa nhiều công tơ điện bị cháy nham nhở. Đơn vị điện lực khu vực đang khẩn trương khắc phục sự cố. Sau khi xảy ra vụ cháy, nhiều người phải dừng lại nên tuyến đường bị ùn tắc cục bộ.

Đông đảo người dân đứng xem vụ cháy
Chiếc cột điện bất ngờ bốc cháy đúng giờ tan tầm buổi chiều khiến giao thông qua đây bị tắc nghẽn

Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người. Hiện vụ việc vẫn đang được làm rõ.

 17/04/2015 20:13
Nguyễn Hưởng. Ảnh: oto fun

Dòng Chúa Cứu thế Saigon tạm ngưng chương trình "trợ giúp thương phế binh”

Mặc Lâm - RFA
2015-04-17  
thank-you-note-to-arvn-invalids
Linh mục Giám Tỉnh DCCT ngỏ lời tri ân TPB/VNCH, 28 tháng 4, 2015 chungnhan.org

Trong 6 lần liên tiếp Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã tổ chức các cuộc quyên góp tài vật trong và ngoài nước để giúp đỡ anh em thương phế binh VNCH. Từ chiếc xe lăn cho tới những phần tiền tuy ít ỏi nhưng đầy tình người đã vực dậy niềm cô đơn và số phận không may của họ.

Thế nhưng trong lần thứ 7 này, DCCT gửi thư mời 152 anh em thương phế binh từ Đà Nẵng cho tới Cà Mau đến DCCT Sài Gòn vào sáng ngày Thứ Sáu, 17 tháng Tư để được khám tổng quát sức khỏe, xét nghiệm cận lâm sàng cho anh em do 4 cơ sở đa khoa thiện nguyện đứng ra phụ trách đã gặp trở ngại. Nguyên nhân được biết là tân linh mục Giám tỉnh Giu Se Nguyễn Ngọc Bích, mới được bổ nhiệm thay thế cho linh mục Giám tỉnh Phạm Trung Thành cho rằng nhà sách của DCCT là nơi bán sách không nên tổ chức tụ tập đông người gây trở ngại cho việc kinh doanh.

Linh mục Phạm Trung Thành nguyên linh mục Giám tỉnh của DCCT cho biết ý kiến của ông về vấn đề này:


Linh mục Phạm Trung Thành, nguyên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế

-Tôi được cha Thoại cho tôi cái thông tin chuyện chuẩn bị vào ngày Thứ Sáu tức hôm nay cho 152 thương phế binh, lần này là đợt thứ bảy rồi. Hôm thứ Ba cha Vũ Trọng Phiệt, tức là cha Hoàng Phúc là cha giám đốc nhà sách là nơi mà Ban tổ chức sử dụng phòng ốc để mà làm thì cha thông tin là hạ tất cả các poster xuống và nói rằng cha Giám tỉnh không cho phép làm. Cha Thoại cẩn thận đi gặp trực tiếp cha Giám tỉnh để hỏi ý kiến có phải là chính cha hay không.

Cha Thoại bảo là cha rất trung thực để nói về thông tin này, tức là không phải là cha Giám tỉnh không cho làm mà ngài bảo là chưa làm, cái cách ngài nói như thế. Cha Giám tỉnh có giải thích một vài điều và cha Thoại nói con chỉ cần biết có phải lệnh của cha hay không, và chỉ cần biết có cho làm hay không mà thôi.

Cha Thoại quyết định ra một bức thư cũng gây phản ứng rất mạnh trên cộng đồng mạng cũng như xã hội. Tôi thương quá đi tại vì nghe kể rằng có những anh đã lên xe đi từ An Giang lên và lúc nghe được tin báo hồi thì đang ngồi trên xe. Nghe cái tin đó tôi muốn khóc anh ạ.

Linh mục Giu Se Nguyễn Ngọc Bích nhận chức Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế căn cứ trên cuộc bầu cử của nhà dòng. Sau khi bầu cử thì kết quả được gửi về cho Trung ương Dòng tại Roma để xác định kết quả bầu cử và bổ nhiệm. Tân Linh mục giám tỉnh năm nay 65 tuổi đã du học tại Ottawa về Giáo luật. Linh mục Phạm Trung Thành cho biết việc ông thôi chức Giám tỉnh để nghỉ bệnh của ông như sau:

-Thú thật cái này thuộc về tổ chức. Sau khi tôi thôi nhiệm vụ tôi nghĩ rằng để tạo điều kiện cho anh em mới làm việc tôi nói với ngài ngài cứ theo lương tâm ngài cứ làm những gì ngài muốn làm không vì tôi. Tôi xin nghỉ một thời gian để chữa bệnh đó là nguyên tắc thứ nhất. Thứ hai là tôi không tham gia vào bất kỳ một cuộc bàn bạc nào về công việc cũng như những sinh hoạt của Tỉnh dòng. Hiện nay thì tôi đang ở nhà hưu và tôi đang chữa bệnh tiểu đường khá nặng.

Linh mục Đinh Hữu Thoại người phụ trách chương trình khám sức khỏe cho anh em thương phế binh lần này cho biết thêm chi tiết:

-Quyết định rất là bất ngờ của ngài như vậy để lại rất nhiều thiệt hại cho thương phế binh về mặt tâm lý, về mặt tinh thần. Có những người khi chúng tôi gọi xin lỗi hồi báo cho họ thì họ đang ở trên xe rồi rất nhiều phiền phức, ngay cả các phòng khám đa khoa chúng tôi cũng phải xin lỗi. Quyết định vội vàng như vậy để lại rất nhiều bất tiện tôi phải đi xin lỗi các nơi, nhất là anh em thương phế binh họ tổn thương tinh thần rất lớn. Cái lý do có thể nói vội vàng, cận quá trong khi họ đã chuần bị để lên đường hết rồi.

Anh Huỳnh Công Thuận, một tình nguyện viên cốt cán trong tất cả các chương trình trợ giúp thương phế binh do DCCT tổ chức cho biết:

-Không phải là cấm hẳn anh, cha Giám tỉnh không cho làm trong khuôn viên của nhà thờ thôi còn chương trình ủng hộ thì vẫn tiếp tục. Chúng tôi đi tới từng nhà, hôm qua tới nay có đi tới anh em giúp đỡ những anh em bị bệnh rồi hỗ trợ anh em có nhà cửa bị hư cần giúp như phát xe lăn thì chúng tôi cũng cho bình thường nhưng không được làm đại trà như lúc trước nữa thì nó cũng có trở ngại khó khăn nhưng mà tôi nghĩ rằng vẫn được chứ không đến nỗi mất hết. Hôm qua từ khi được tin cha Giám tỉnh trả lời là không cho mượn cái phòng để làm thì chúng tôi đã thay phiên nhau gọi báo cho 152 anh em thương phế binh ở các tỉnh thì có những anh em ở xa như Cà Mau người ta đã lên xe đi dọc đường rồi.

Tân linh mục Giám Tỉnh Nguyễn Ngọc Bích cho chúng tôi biết nguyên nhân mà ông cho là hợp lý khi tôn trọng sự đồng thuận của người khác, cụ thể là linh mục phụ trách nhà sách của DCCT:

-Thứ nhất là tôi không cấm chuyện giúp đỡ anh em thương phế binh đâu nhưng mà có những cơ sở của nhà dòng thì cần có sự đồng thuận của những người trách nhiệm thì mới nên làm. Tôi không cấm việc giúp cho anh em thương phế binh cái đó tôi không ngăn cản gì hết, ai làm thì cứ làm không sao hết. Nhưng mà việc tổ chức thì nơi nào đó cần phải có sự đồng ý của người có trách nhiệm. Việc giúp anh em thương phế binh tôi hoàn toàn ủng hộ. Các cha cần giúp thì cứ giúp không sao hết, không có cản trở gì hết.


Một trong năm buổi khám bệnh cho TPB/VNCH năm 2014 tại DDCT

Sau vụ tạm ngưng giúp dỡ anh em thương phế binh, kế đến vào ngày 16 tháng 4 một vấn đề nữa khiến dư luận quan tâm đến DCCT tỏ ra nghi ngại đó là việc thay đổi hoàn toàn nhân sự của Ban Truyền thông DCCT do linh mục Lê Ngọc Thanh phụ trách từ nhiều năm qua, trong đó có việc đóng trang Facebook của nhà dòng. Giải thích việc này linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết:

-Thực ra thay đổi Ban Truyền thông thì nó cũng nhỏ thôi cho nên các vị lãnh đạo làm chứ không phải là tất cả. Thực tế là theo cơ cấu của nhà dòng là Ban Thường vụ của nhà dòng chỉ có ba người quyết định.

Cái trang Facebook đó là trang của DCCT Việt Nam, theo tôi được biết cái ban Truyền thông mới đã có cho nên cha Thanh không còn làm Ban Truyền thông nữa nên Facebook mang tên Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi trao lại cho cái ban mới thì ban mới họ không sử dụng Facebook nên tôi đóng lại, đóng lại để mở một Facebook khác.

Ban Truyền thông của DCCT Sài Gòn được xem là nơi truyền giảng đức tin một cách sống động và không ngại loan tải những vụ vi phạm nhân quyền, dân oan hay bắt bớ trái phép của chính quyền khắp nơi. Hơn nữa, linh mục Lê Ngọc Thanh cũng là người vừa bị cấm xuất cảnh mới đây khiến câu hỏi về việc thay đổi này càng thêm đậm nét. Về việc này tân linh mục Giám tỉnh Nguyễn Ngọc Bích cho biết:

-Không, tại vì tới lúc họ bàn giao nó trùng thôi chứ không phải dính dáng gì đến thương phế binh cả. Tôi rất ủng hộ anh em nhưng ủng hộ theo cách nếu biết ai cần giúp đõ thì cứ giúp đỡ thôi nhưng khi dùng những gì là của chung thì phải có sự đồng thuận, tại vì chỗ nhà sách thì người ta xin là chỗ này chỉ để làm công việc kinh doanh nhà sách chứ đừng tổ chức gì khác, vậy thôi. Chuyện truyền thông chả dính dáng gì đến chuyện thương phế binh cả vì họ bàn giao với nhau lúc tôi không ở nhà, tôi đang ở Hà Nội.

Bên cạnh việc giúp thương phế binh, DCCT Sài Gòn còn rộng cửa đón nhận rất nhiều người cơ nhỡ, những người tù lương tâm không nơi nương tựa được nhà dòng tổ chức cho tạm trú chờ người hảo tâm giúp chỗ ở làm lại cuộc đời. Dân oan mất đất, mất nhà trên các tỉnh thành cả nước cũng thoải mái xem nơi đây là nhà của mình mỗi khi về thành phố. Dưới mắt chính quyền không thể nói là không khó chịu về các hoạt động này nhưng sự kiên định của các linh mục lãnh đạo và giáo xứ đã khiến những ý định đàn áp hay cấm cản bất thành.

Lo lắng không được tiếp tục giúp đỡ anh em thương phế binh như trước nữa, anh Huỳnh Công Thuận cho biết:


Các thương phế binh VNCH trong "Ngày tri ân TPB"; tại Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn

-Riêng anh em chúng tôi những người thiện nguyện viên có viết một thư ngỏ nhưng chưa công bố để gửi cha Giám tỉnh yêu cầu cha tiếp tục cho phép ủng hộ thương phế binh, giúp đỡ những người dân oan, những người cơ nhỡ, những người khó khăn bị xã hội ruồng bỏ đúng như chương trình cũng như truyền thống của DCCT. Chúng tôi định gửi cho cha nhưng nếu cha Bích không trả lời, không giải quyết thì chúng tôi sẽ gửi đi Tòa thánh Roma.

Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã và đang mang các hoạt động bác ái vào đời một cách thực tiễn đúng theo gương từ vị Giáo hoàng của người nghèo, cũng xuất thân từ dòng tu nổi tiếng dấn thân này. Vì vậy các linh mục trong nhà dòng khẳng định công tác bác ái này sẽ không thể dở dang dù phải tiến hành bằng các hình thức nào đi nữa.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/saigon-redemptorist-suspends-the-wounded-soldier-support-programs-04172015103446.html/vml041715.mp3

Nỗi đau của người trồng hành tím

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2015-04-17  
hanh-622.jpg
Núi hành trước sân nhà nông dân ở Vĩnh Châu chờ người mua.RFA PHOTO

Kể từ tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến nay, bà con trồng hành ở thị xã Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng rơi vào khó khăn cùng cực bởi nguồn thu nhập chính từ hành tím ở đây hoàn toàn bị mất, giá hành rớt thê thảm không thể nào bù lỗ được và nguồn hàng ứ đọng, trong khi đó, bệnh về mắt ngày càng hoành hành ở đây bởi hơi cay của hành mới thu hoạch và hành thối gây ra. Có thể nói rằng nguồn sống của bà con nông dân thị xã Vĩnh Châu hoàn toàn bị cắt đứt, vô vọng và kiệt quệ.

Nguồn xuất khẩu bị đứt

Một nông dân tên Tính, có thâm niên trồng hành trên mười lăm năm ở Vĩnh Châu, chia sẻ: “Hiện tại gia đình tôi còn chín tấn, có nhà còn vài tấn, chục tấn cũng có. Thương lái không ghé đến, thị trường Ấn Độ, Mã Lai bị mất rồi. Nghe đâu người ta chế hành giờ mất chất lượng. Mình chẳng biết sao. Kiểu này chắc là đổ bỏ thôi, đào hố mà đổ chứ còn gì…!”.

"Hiện tại gia đình tôi còn chín tấn, có nhà còn vài tấn, chục tấn cũng có. Thương lái không ghé đến, thị trường Ấn Độ, Mã Lai bị mất rồi. Nghe đâu người ta chế hành giờ mất chất lượng. Mình chẳng biết sao. Kiểu này chắc là đổ bỏ thôi. "-Ông Tính

Theo ông Tính, nghề trồng hành tím ở Vĩnh Châu vốn đã có từ lâu đời, và trước đây người dân trồng hành tự tiêu thụ bằng cách mang ra các chợ vùng ven hoặc các chợ tỉnh khác để bán. Nhưng thời đó qui mô trồng không lớn như sau này. Đến khi củ hành tím được xuất khẩu sang Ấn Độ, nghề trồng hành tím mang lại nguồn lợi nhuận khá cao cho bà con nông dân.

Nhà cửa, xe cộ, con cái học hành đều dựa vào củ hành tím. Và mọi mơ ước tương lai cũng trông vào củ hành tím. Qui mô trồng hành của các gia đình ở Vĩnh Châu cũng mở rộng, nghề trồng hành trở thành chuyên nghiệp, người ta thi nhau đầu tư trồng hành và biến củ hành thành mũi nhọn kinh tế ở Vĩnh Châu. Một khi qui mô trồng hành mở rộng đến hết khả năng có thể thì mối nguy của nghề nghiệp cũng manh nha nếu như sự đầu tư bị chệch hướng.

Tình trạng củ hành bị ế ẩm, không xuất khẩu được nữa ở Vĩnh Châu là một bài học xương máu cho cả người nông dân và thương lái Vĩnh Châu. Bởi lượng xuất khẩu ồ ạt, số lượng có thể tính lên hàng trăm, hàng nghìn tấn mỗi năm, người nông dân và thương lái bắt đầu có dấu hiệu cẩu thả. Người nông dân thì dùng hóa chất để kích thích củ hành nhanh phát triển, thương lái thì bảo quản qua loa và chuyên tâm cho nông dân vay vốn, quay vòng đồng vốn để kiếm lãi hơn là đầu tư, tạo ra kế hoạch lâu dài nhằm đảm bảo thương hiệu hành tím Vĩnh Châu.


Hành tím chất thành đống ở Vĩnh Châu vì không có nơi tiêu thụ. RFA PHOTO.

Chính vì cách làm cẩu thả ngày càng tăng nên chất lượng củ hành tím ở Vĩnh Châu nhanh chóng bị xuống dốc, không những mất đi mùi hương đặc trưng của củ hành tím trồng đất chay, bón phân hữu cơ. Và đây cũng là lúc mà củ hành khó bảo quản nhất bởi lượng phân hóa học chứa trong đó quá cao. Chỉ cần sơ xuất là củ hành có thể bị úng thối ngay.

Một khi củ hành chứa quá nhiều hàm lượng chất hóa học thì mối nguy bệnh tật của người nông dân cũng tăng cao. Kể từ khi người nông dân dùng chất hóa học trong việc trồng hành, căn bệnh về mắt do hơi cay và mủ hành gây ra ngày càng cao, nhiều nông dân bị mù vĩnh viễn bởi hơi cay và mùi hành thối xộc vào mắt. Cái giá phải trả của việc trồng hành theo kĩ nghệ ăn xổi ở thì quá cao.

Tương lai mù mịt

Ông Lĩnh, một nông dân trồng hành khác ở Vĩnh Châu, chia sẻ thêm: “Kỳ này nó rớt giá lắm, hồi đó ký được mười mấy ngàn đồng, giờ thì có mấy ngàn ký. Củ hành bây giờ không tiêu thụ được, chỉ bán loanh quanh đây thôi!”.

Theo ông, chỉ cần liên tục hai vụ trồng hành mà không tiêu thụ được, bà con nông dân có thể phá sản. Mà hiện tại, đã qua ba vụ thu hoạch nhưng củ hành tím ở Vĩnh Châu vẫn không tiêu thụ được, khách hàng Ấn Độ chuyển sang những vùng trồng hành khác để mua. Củ hành ở Vĩnh Châu rớt giá thê thảm, từ vài chục ngàn đồng mỗi ký lô trước đây, giá hành rớt xuống còn ba ngàn đồng trên một ký trong dịp giáp Tết và hiện nay, giá chỉ còn một ngàn năm trăm đồng mỗi ký, như vậy, giá thành rớt xuống chưa còn 5% giá trước đây.

"Kỳ này nó rớt giá lắm, hồi đó ký được mười mấy ngàn đồng, giờ thì có mấy ngàn ký. Củ hành bây giờ không tiêu thụ được, chỉ bán loanh quanh đây thôi! "-Ông Lĩnh

Trong khi đó, mỗi ký lô hành tím, người nông dân thu lãi được trên 50% so với vốn đầu tư sau khi khấu trừ mọi khoản từ phân bón, tưới tiêu, ngày công lao động, máy cày… Nếu củ hành tím rớt xuống còn 70% giá so với giá xuất khẩu thì người nông dân hy vọng sẽ gỡ được vốn và chỉ mất ngày công lao động. Nhưng ở đây, giá củ hành rớt xuống còn ba ngàn đồng trong dịp cận Tết, nhiều gia đình chấp nhận không có tiền tiêu Tết, giữ hành lại chờ giá cao. Và đa số củ hành dự trữ này bị hư hỏng sau một trận mưa.

Nhiều gia đình vẫn còn hy vọng vào vụ thu hoạch sau Tết nên tiếp tục đầu tư mạnh, vay vốn ngân hàng để mở rộng qui mô sản xuất, thuê lại những ruộng hành bị bỏ hoang của các gia đình khác để trồng, số tiền vay ngân hàng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng đến vụ thu hoạch mà củ hành vẫn tiếp tục rớt giá xuống còn một ngàn năm trăm đồng trên mỗi ký lô.

Đây là mối nguy lớn nhất đối với người nông dân vì nợ nần tiếp tục chồng chất nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con, nguồn thu nhập chính để đầu tư cho con ăn học, để chi tiêu sinh hoạt gia đình bị cắt đứt hoàn toàn. Cả một khối nợ đang chờ phía trước, có thể nói là tương lai quá mù mịt.

Hơn nữa, trong lúc này, căn bệnh về mắt lại bội phát ở khu vực trồng hành bởi hậu quả của việc tiếp xúc dai dẳng, thiếu bảo hộ lao động trong lúc sản xuất. Một khi củ hành rớt giá, không còn chỗ để bán, thương hiệu củ hành tím Vĩnh Châu bị chết trên thương trường và bệnh nghề nghiệp của người nông dân bội phát, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tương lai người nông dân?!

Người nông dân Vĩnh Châu vẫn đang thao thức chờ đợi một sách lược hợp lý để cứu củ hành thoát khỏi tình trạng ế ẩm, hư hỏng và mất thị trường như hiện tại. Không biết sự thao thức chờ đợi, nỗi mong mỏi này có thể thành hiện thực được hay không?

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/the-painful-of-shallot-growers-04172015141529.html/ttvn04172015.mp3

Hiện tình di dân tại Việt Nam

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2015-04-17   
034_2372229.jpg
Dân nhập cư bán hoa mùa Tết ở Hà Nội. AFP photo

Hiện tình di dân và các vấn đề mục vụ liên quan di dân là một nội dung quan trọng được các giám mục Việt Nam bàn thảo tại Hội nghị Thường niên kỳ 1 năm 2015 vừa kết thúc hôm ngày 16 tháng 4 vừa qua.

Gia Minh phỏng vấn giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn Giáo phận Vinh, nơi có nhiều tín hữu phải ra đi khắp nơi để tìm kiếm công ăn việc làm.

Hoạt động mục vụ di dân

Trước hết giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp cho biết:

GM Nguyễn Thái Hợp: Đây là vấn đề rất là bức xúc. Nó có hai vấn đề: di dân trong nước và di dân đi ra nước ngoài. Sở dĩ có những chuyện như vậy mà nguyên gốc sâu xa hơn thì chúng tôi nói về hoạt động mục vụ di dân. Coi đó như là một bổn phận. Và cũng kêu gọi cộng đồng những nơi mà người di dân đến thì làm sao phải đón nhận, tạo cơ hội để người di dân có thể hòa nhập. Chính vì vậy, chúng ta phải đổi thái độ: không coi như người di dân; Nhìn người di dân với cặp mắt ác cảm mà với cặp mắt huynh đệ.

"Đây là vấn đề rất là bức xúc. Nó có hai vấn đề: di dân trong nước và di dân đi ra nước ngoài. Sở dĩ có những chuyện như vậy mà nguyên gốc sâu xa hơn thì chúng tôi nói về hoạt động mục vụ di dân. "-GM Nguyễn Thái Hợp

Về phương diện nào đó thì tất cả những chính sách phát triển của đất nước đều có sự đóng góp của người di dân. Họ đóng góp rất nhiều và đa số họ được lãnh nhận lại với mức lương và điều kiện sống khắc nghiệt hơn. Tất cả những thành phố đã phát triển, nếu không có sự hiện diện và đóng góp của người di dân thì chúng ta thấy rằng vấn đề phát triển sẽ không được duy trì. Một vài thành viên trong hội đồng có nói một ví dụ. Chẳng hạn như thành phố HCM trong dịp tết thì thấy vắng vẻ hẳn, ngay cả những sinh hoạt vì không còn người di dân bởi vì họ đã đi về những nơi khác. Bây giờ, mục vụ của Giáo hội Công giáo rất để ý đến người di dân. Coi đó như là bổn phận. Trong Cựu ước thì  người Do thái là một dân tộc di dân và có người cũng nói Đức Gie-su cũng là người di dân. Vì vậy, thái độ đối người di dân được nhìn với cái nhìn khác.

Gia Minh: Vâng, ngoài những kêu gọi đối với cộng đồng và các cơ quan chức năng thì như Giám mục vừa mới nói là Giáo hội cũng phải có nhiệm vụ. Vậy cụ thể những nhiệm vụ được đề ra trong công tác di dân này trong thời gian hiện nay cũng như sắp đến như thế nào, thưa Đức Giám mục?

GM Nguyễn Thái Hợp: Thật sự ra nói rất nhiều mà thấy rằng chưa thực hiện được bao nhiêu. Trước hết là phải làm gì cho người di dân - người di dân trong nước và di dân đi ra nước ngoài. Chúng tôi đã có dịp đi ra một số nước có nhiều người di dân Việt Nam, chẳng hạn như Đài Loan, Mã Lai và một số nước nữa, thì thấy đó là thảm cảnh của người di dân. Chính vì vậy kêu gọi cộng đồng Việt Nam nên ý thức về tình trạng đó. Rất nhiều người di dân, những người đang ở Đài Loan và Nam Hàn, nhiều khi họ đi ra mà không được thông tin đầy đủ. Hầu như họ đi theo thông tin của những người trong cùng thôn xóm. Hơn nữa, một số người di dân bị rao bán như là những món hàng qua những hình ảnh dán để người nào có thể  kết hôn với những người đó. Rất nhiều người di dân rơi vào tình trạng bị bóc lột. Hôm nay, có lẽ nhờ cái mục vụ đã làm cho một số nơi đỡ hơn.

Một Cụ Bà bán bánh tráng tại Sài Gòn, ảnh minh họa.

Tuy nhiên, tình trạng của người di dân Việt Nam rất là thê thảm. Đặc biệt, những cô gái ra đi từ đồng bằng sông Cửu Long sang những nơi khác để làm vợ và nhiều khi phải phục vụ tất cả những người đàn ông trong gia đình. Có rất nhiều trường hợp đi đến tử vong. Có nhiều trường hợp bị đối xử tàn tệ và trở thành phế nhân. Vấn đề cuối cùng đặt ra “Tại sao có di dân như vậy?”. Vấn đề không phải chỉ nằm trên bình diện nhỏ và tương giao của mục vụ mà vấn đề đặt ra trên một diện lớn hơn. Cơ chế, hệ thống kinh tế của chúng ta, vấn đề phát triển của chúng ta như thế nào mới đẩy những người Việt Nam ra bên ngoài như vậy để tìm việc trong điều kiện thê thảm như vậy. Tại sao cho những người môi giới hoạt động hoành hành, công khai một cách trắng trợn như vậy. Chính những người đó đẩy người di dân vào những thảm trạng. Chúng ta biết rằng người di dân bị bóc lột rất nhiều bởi những tổ chức môi giới như vậy.

Vì vậy, nếu họ làm việc theo hợp đồng trong 2,3 năm thì họ không đủ tiền để trả tiền cho người môi giới. Do vậy, đa số di dân Việt Nam ra ngoại quốc phải chấp nhận vào hoàn cảnh là bên ngoài luật pháp; Phải trốn đi để ở tiếp một thời gian thì lúc đó mới có đủ tiền để mà trả và có cái gì để mà đem về cho gia đình. Thảm trạng nằm ở đó. Làm sao có những cơ quan ý thức những chuyện đó để cho người di dân đi ra nước ngoài được chính thức, được cơ quan bảo trợ chứ không rơi vào tay những tổ chức môi giới bóc lột người di dân như vậy. Đó là những vấn đề được đặt ra.

"Kêu gọi cộng đồng những nơi mà người di dân đến thì làm sao phải đón nhận, tạo cơ hội để người di dân có thể hòa nhập. Chính vì vậy, chúng ta phải đổi thái độ: không coi như người di dân; Nhìn người di dân với cặp mắt ác cảm mà với cặp mắt huynh đệ. "-GM Nguyễn Thái Hợp

Gia Minh: Đặt vấn đề cũng có nghĩa là cũng có những đề xuất cho cách giải quyết vấn đề phải không, thưa Đức Giám mục?

GM Nguyễn Thái Hợp: Đây là lần đầu tiên được đặt vấn đề một cách công khai và hy vọng trong tương lai sẽ nghiên cứu dần dần. Ban di dân sẽ làm việc với các ban khác để tìm một số câu trả lời cho vấn đề đó. Như anh nói, đặt vấn đề là đã nhận ra vấn đề nhưng mà giải quyết vấn đề như thế nào thì không phải chỉ nằm trong khả năng, phạm vi của tiểu ban di dân hay các ủy ban khác của hội đồng Giám mục mà trên phạm vi rộng lớn hơn của đất nước, của các cơ quan, các tổ chức; Nhất là các tổ chức bảo vệ và tranh đấu quyền lợi cho người lao động.

Gia Minh: Thưa Đức Giám mục, tại hội nghị, đại diện thường trú của Đức Giáo hoàng cũng có đề cập đến vấn đề truyền giáo ở các thành phố lớn. Hiện nay, việc này đương nhiên cũng cần phải mở rộng nhưng ở những vùng sâu, vùng xa thì vẫn có sự cách biệt về vấn đề này. Theo Đức Giám mục thì điều này đã được hội đồng đưa ra như thế nào?

GM Nguyễn Thái Hợp: Vấn đề đó đòi hỏi đã đến lúc người Công giáo Việt Nam phải ý thức được điều Thánh Phao-Lo nói  “Khốn cho tôi nếu tôi không loan  báo tin mừng” Loan báo tin mừng vừa là trách vụ, vừa là căn tính, vừa là niềm vui. Đặc biệt là Đức Thánh Cha Phan-Xi-Co nói rất nhiều mời gọi phải lên đường, phải dấn thân, phải ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình, phải ra khỏi hình thức giữ đạo mà bây giờ phải sống đạo và loan báo tin mừng. Loan báo tin mừng như thế nào thì Giáo hội đề cập phải luôn có sáng kiến mới, có nhiệt thành mới, phương pháp mới, ngôn ngữ mới. Sáng kiến, nhiệt thành, ngôn ngữ cách thế đó thì tùy thuộc vào những hoàn cảnh khác nhau. Không thể loan báo tin mừng ở một nước hoàn toàn tự do như là một nước mà vấn đề tự vẫn chưa được nhìn nhận, chưa được phát triển, cũng như anh nói, ở thành phố khác hơn ở nông thôn hay ở nông thôn bình thường khác hôn ở miền núi. Chính vì vậy đòi hỏi người loan báo tin mừng hôm nay phải ý thức được sứ vụ của mình và ý thức về cái cách thế, cái phương tiện, cái ngôn ngữ mà mình phải sử dụng trong những hoàn cảnh một cách khác nhau

Gia Minh: Xin chân thành cảm ơn Đức Giám mục đã có những chia sẻ về một số nội dung chính của hội nghị thường niên của hội đồng Giám mục Việt Nam vừa mới kết thúc ngày 16 tháng 4.

Trường Đại học Đại Nam “ăn gian” đất của dân

DUY PHONG 17/04/15 08:42  
(GDVN) - Người dân tố Trường ĐH Đại Nam đã thu hồi "thừa" tới 15.000m2 đất của họ, còn cơ quan chức năng khẳng định “có thừa” nhưng diện tích nhỏ hơn nhiều…
Đất “đẻ” ra từng ngày?
Trong đơn gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, hàng chục hộ dân tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông (TP.Hà Nội) cho biết: Năm 1999, 28 hộ dân tổ 5 được chính quyền giao hợp pháp 15.000m² đất nông nghiệp, trong đó: đất tại khu vực Ma Cả (trong) rộng 9.000m², phần còn lại thuộc về đất Ma Cả (ngoài).
Từ đó đến nay, toàn bộ diện tích đất này được các hộ dân sử dụng ổn định, phục vụ trồng lúa, trồng màu, hằng năm đều nộp đầy đủ các nghĩa vụ thuế sử dụng đất theo đúng quy định.
Đơn thư của các hộ dân gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Ngày 12/7/2006, tại UBND xã Phú Lãm diễn ra Hội nghị xác định vị trí diện tích xây dựng Trường đại học Đại Nam. Hội nghị thống nhất: “…Phạm vi giới hạn bề mặt tiếp giáp với đường 21B từ điểm tiếp giáp với tường nhà 4 tầng (nhà ông Bùi Văn Trường). 
Phạm vi phía trong là toàn bộ diện tích thuộc xứ Đồng trên (tổng diện tích đất khoảng trên 8ha)…Tổng diện tích đất của xã Phú Lãm phục vụ quy hoạch Trường đại học Đại Nam khoảng 6 ha”.
Trường ĐH Đại Nam tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, TP.Hà Nội. Ảnh: Duy Phong
Tuy nhiên, đến ngày 22/5/2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định số 864/QĐ/UBND phê duyệt quy hoạch lập dự án xây dựng Trường đại học Đại Nam trên nền đất rộng lên đến 10,6ha. Trong đó, phần đất xã Phú Lãm là 7,88ha và xã Phú Lương 2,7ha.
Ngày 11/3/2008, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 523/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổng thế bồi thường hỗ trợ GPMB. 
Đến ngày 31/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây tiếp tục ban hành Quyết định số 3170/QĐ-UBND thu hồi 9.6891,7m² đất ở hai xã Phú Lãm và Phú Lương giao cho Trường ĐH Đại Nam thực hiện dự án xây dựng Trường đại học Đại Nam. 
Trong đó, đất của xã Phú Lãm là 6,97 ha.
Nhiều hộ dân tại phường Phú Lãm nhiều năm nay có đơn thư kêu cứu gửi cơ quan chức năng. Ảnh: Duy Phong
Tuy nhiên, khi Trường ĐH Đại Nam thực hiện dự án, người dân phát hiện diện tích thu hồi không dừng lại ở con số 10,6ha mà lên đến 12ha. 
Để khẳng định thông tin là đúng, người dân còn mời một đơn vị độc lập về địa phương đo đạc dự án và cũng cho con số thừa 15.000m2 đất.
Trong giai đoạn này, người dân có nhiều đơn khiếu nại nhưng đến ngày 25/8/2009, UBND phường Phú Lãm và quận Hà Đông vẫn tiến hành lệnh cưỡng chế để thu hồi toàn diện tích đất còn lại.
Trước nhiều đơn từ của người dân và ý kiến chất vấn của Đại biểu Hội đồng nhân dân, ngày 12/12/2014, UBND TP.Hà Nội có Công văn số 9780/UBND-TNMT gửi Chánh Thanh tra Thành phố với nội dung:
Đây là vụ việc đã được các cơ quan chức năng Thành phố giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, các hộ dân còn khiếu nại, kiến nghị, Đại biểu HĐND Thành phố có ý kiến chất vấn.
Do vậy, UBND Thành phố giao Chánh Thanh tra Thành phố rà soát nội dung, chủ trì, đối thoại với các hộ dân phường Phú Lãm để làm rõ nội dung khiếu nại, kiến nghị, thắc mắc phát sinh, trên cơ sở đó phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Hà Đông thực hiện các biện pháp để giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật…”.
Tuy nhiên, người dân khẳng định, đoàn thanh tra của TP. Hà Nội xuống kiểm tra nhưng lại không đo đạc diện tích thực tế và cũng không mời người dân chứng kiến sự việc. Từ lý do "cưỡi ngựa xem hoa" của Đoàn Thanh tra, người dân cho rằng, kết luận Thanh tra là chưa khách quan.
Có thừa nhưng… ít?
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND phường Phú Lãm (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) cho biết: “Năm ngoái, Thanh tra Thành phố đã triệu tập một hội nghị với sự có mặt của bà Dần - đại diện cho các hộ dân khiếu nại cùng các đơn vị liên quan: Sở Tài nguyên và Môi trường, văn phòng HĐND thành phố, UBND quận Hà Đông,… để trao đổi về vấn đề này.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND phường Phú Lãm cho biết: Hiện, còn khoảng 28 hộ khiếu nại và còn 17 hộ chưa nhận tiền đền bù. Ảnh: Duy Phong
Trong buổi làm việc hôm đó, Thanh tra Thành phố đã trả lời bà Dần, khẳng định là công tác thu hồi đất tại Phú Lãm để xây dựng Trường Đại học Đại Nam đã được thực hiện theo đúng quy định.
Thanh tra Thành phố họ không có chuyên môn đo đạc, nên đã trưng cầu số liệu từ đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. 
Đơn vị này đã tiến hành phục chế các điểm mốc và phát hiện là có một điểm mốc bị sai khi xây tường bao (điểm mốc M5’, lệch khỏi chỉ giới thu hồi đất diện tích 23,5m2). Sau đó, Thanh tra thành phố đã yêu cầu Trường Đại học Đại Nam co hẹp lại dự án…”.
Ông Cường cũng cho biết:“Hiện nay, còn khoảng 28 hộ dân khiếu nại và còn 17 hộ chưa nhận tiền đền bù”.
Một trong nhiều kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội. Ảnh: Duy Phong
Theo Kết luận Thanh tra số 1454/KL-TTTP(P1) ngày 12/7/2011 của Thanh tra Thành phố thì: Việc UBND phường Phú Lãm không còn lưu giữ biên bản là việc làm thiếu thận trọng, cần rút kinh nghiệm; 
Việc Trường Đại học Đại Nam xây dựng tường bao lệch với mốc giới M5’ là việc làm thiếu thận trọng, cần xây lại tường theo đúng quy hoạch.
Đề nghị UBND TP.Hà Nội sớm chỉ đạo kiểm tra, làm rõ những kiến nghị, khiếu nại của người dân.