Monday, October 22, 2018

Ném giày vào ‘đại biểu Quốc Hội’ bị phạt 750,000 đồng

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, người phụ nữ ném giày về phía “đại biểu Quốc Hội” kiêm chủ tịch HDND thành phố Sài Gòn Nguyễn Thị Quyết Tâm ngày 20 Tháng Mười, 2018. (Hình: Facebook)
SÀI GÒN (NV) – Người phụ nữ can đảm ném chiếc giày cao gót về phía bà “đại biểu Quốc Hội” Nguyễn Thị Quyết Tâm bị phạt hành chính 750,000 đồng trong khi quần chúng nhân dân khắp nơi ca ngợi.
Theo tin tờ Thanh Niên hôm Thứ Hai, 22 Tháng Mười, 2018, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, 28 tuổi, bị “phạt hành chính” số tiền 750,000 đồng (khoảng $32 đô la theo hối suất hiện nay) vì “hành vi ném giày” buổi sáng ngày 20 Tháng Mười, 2018, trong buổi “đại biểu Quốc Hội tiếp xúc cử tri quận 2” của thành phố Sài Gòn.
Tờ Thanh Niên thuật lời ông Trung Tá Lê Văn Tuấn, trưởng công an phường Bình Trưng Tây (Quận 2, Sài Gòn), cho biết: “Vào ngày 20 Tháng Mười, công an phường này lập biên bản xử phạt hành chính bà Nguyễn Thị Thùy Dương 750,000 đồng do ‘lỗi ném vật lạ vào người khác’ theo Nghị Định 167.” Tuy vậy, ông Tuấn cũng xác nhận, “bà Dương có ném nhưng không trúng ai.” Về điều này, “bà Dương cho hay mình bị lập biên bản và phạt với số tiền trên. Khi công an ra biên bản, bà chấp hành đóng phạt ngay sau đó.”
Khi tường thuật buổi tiếp xúc cử tri địa phương liên quan đến những khiếu kiện của dân chúng về các khuất tất của nhà cầm quyền giải tỏa đền bù trái quy định tại Thủ Thiêm để xây dựng khu đô thị mới, toàn bộ hệ thống báo đài chính thống hoàn toàn lờ tịt chuyện bà Chủ Tịch UBNDTP Nguyễn Thị Quyết Tâm bị “cử tri” Nguyễn Thị Thùy Dương ném giày nhưng không trúng vào người.
Video clip phổ biến trên mạng xã hội thấy bà Nguyễn Thị Thùy Dương bị công an thường phục khống chế đưa ra khỏi hội trường và sau đó bà cho hay đã bị một đám đông công an “đánh hội đồng.” Ngoài bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, một nạn nhân của vụ giải tỏa phường Bình Khánh, Thủ Thiêm, đến dự buổi tiếp xúc cũng bị lôi ra ngoài và bị công an đánh.
Cuộc “tiếp xúc cử tri” quận 2 ngày 20 Tháng Mười, 2018, là lần thứ hai có sự hiện diện của ông Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân để ông nghe các lời kêu ca, phản ứng của các nạn nhân vụ giải tỏa nhà cửa dân chúng, đặc biệt là phường Bình Khánh, một trong những phường nằm ngoài “quy hoạch” chính thức nhưng bị nhà cầm quyền thành phố ngang nhiên cướp nhà cướp đất để trao cho đám tư bản đỏ xây cất đô thị mới bán kiếm lời.
Đương nhiên những ông bà có chức có quyền của thành phố phải được hưởng những khoản “lại quả” khổng lồ trong khi quần chúng nhân dân thì trở thành những kẻ vô gia cư, đội đơn đi kêu oan ra tới tận trung ương Hà Nội suốt mấy chục năm trời đến tận bây giờ để được nghe những lời “xin lỗi” và hứa suông.
Khi vụ ném giày xảy ra, chiếc giày cao gót của bà Nguyễn Thị Thùy Dương đã bị “lập biên bản” và thu giữ để làm bằng chứng cho vụ phạt hành chính.
Trên trang Facebook cá nhân và cả trả lời phỏng vấn của đài BBC, bà cho hay: “Anh em trai của ông bà cố và bà ngoại của tôi từng nuôi giấu người của cách mạng.” Dù có công với chế độ như vậy nhưng họ cũng vẫn bị những kẻ đương quyền trở mặt, cướp nhà cướp đất giống như những người khác.
Giống như tất cả các cuộc “tiếp xúc cử tri” khác của các ông bà “đại biểu Quốc Hội,” cuộc tiếp xúc hôm 22 Tháng Mười ở quận 2, Sài Gòn, cũng là do đảng bộ và chính quyền địa phương dàn dựng, lựa chọn 25 “cử tri” nạn nhân trong số 150 người xin phát biểu ý kiến, nhưng chẳng may lại có “sự cố” ném giày làm mất mặt đảng và nhà cầm quyền thành phố.
Trong khi các khiếu kiện của dân kéo dài từ năm này sang năm khác không giải quyết thì nhà cầm quyền thành phố lại quyết định thông qua kế hoạch xây dựng nhà hát “giao hưởng” với vốn đầu tư lên tới 1,500 tỉ đồng, lại càng khiến cho dư luận thêm phẫn nộ.
Nhiều người phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri nói trên đã không ngần ngại đả kích thái độ vô cảm của những ông bà “đại biểu nhân dân.”
Trên một số trang facebook cá nhân, có người bình luận: “Chị Tâm mình hôm nay ăn giày ăn cả tất. Chị đang hăng hái phát biểu thì bị một quần chúng bức xúc tương cho cái guốc, từ cự ly mươi mét. Không biết quần chúng nào mà láo thế, mà láo nhất là ném lại trượt. Thế mới chán chứ. Thôi cũng thông cảm, phụ nữ tay yếu mà ném lần đầu, không ném xa được, lần sau cố gắng phát huy là được rồi,” Facebooker Phạm Đoan Trang dẫn lại. (TN)

Ông Lực không đơn độc

Theo VOA-Trân Văn/22/10/2018 
Địa điểm xảy ra hiện tượng thấm dột từ nền đường cao tốc xuyên qua cầu chui. Ảnh: Quảng Đà. (Hình: Trích xuất từ Zing)
Địa điểm xảy ra hiện tượng thấm dột từ nền đường cao tốc xuyên qua cầu chui. Ảnh: Quảng Đà. (Hình: Trích xuất từ Zing)
Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi lại sinh chuyện. Lần này là một cây cầu và một hầm chui ở đoạn chạy ngang tỉnh Quảng Ngãi bị ngấm.
Tổng Công ty Đầu tư - Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa chính thức xác định, lỗi mới nhất cũng thuộc về nhà thầu. Cầu thấm và đọng nước dưới chân cầu là vì hệ thống thoát nước không đạt yêu cầu về kỹ thuật. Hầm chui bị ngấm cũng với lý do tương tự.
VEC nói thêm rằng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát đốc thúc nhà thầu (Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô, Trung Quốc) sửa chữa ngay nhưng mười ngày qua, dù Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát đã gửi văn bản nhắc nhở hai lần, nhà thầu vẫn chưa làm gì cả (1).
Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô của Trung Quốc không xa lạ với công chúng và báo giới Việt Nam.
Doanh nghiệp Trung Quốc này đảm nhận việc thực hiện gói thầu A3 (đoạn cao tốc dài 10,6 cây số chạy qua Bình Sơn, Quảng Ngãi) trong Dự án Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (dài 140 cây số). Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô trở thành nổi tiếng là nhờ sự dũng cảm và bền chí của ông Phạm Tấn Lực.
Ông Lực - dân Bình Sơn, Quảng Ngãi – vốn là phụ hồ. Khi Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô trở thành nhà thầu thực hiện gói thầu A3, ông Lực xin vào làm bảo vệ cho công trình của nhà thầu này. Tuy công trình có Ban Quản lý Dự án, có Tư vấn giám sát nhưng cả hai cơ quan với rất nhiều chuyên gia ấy không phát giác Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô sử dụng đất không đạt chuẩn (đất sét lẫn đá vôi, bùn) để đắp nền cao tốc.
Chỉ là bảo vệ ông Lực cũng biết loại đất ấy không thể dùng làm nền đường – kể cả đường đất trong xã. Tư vấn giám sát im lặng, Ban Quản lý Dự án làm ngơ, ông Lực ra Đà Nẵng, tố cáo với chủ đầu tư (VEC). Thậm chí, ông Lực nhờ người dịch thư sang tiếng Anh, tiếng Hoa gửi cho nhà thầu. Không có bất kỳ hồi đáp nào. Thật ra nói vậy chưa chính xác lắm. Loại hồi đáp duy nhất, dồn dập được chuyển tới ông Lực là: Liệu hồn, không ngưng sẽ bị giết!
Không may cho các bên liên quan là ông Lực thuộc loại… chịu chơi. Thay vì rụt cổ, ông Lực chuyển thông tin, bằng chứng cho cả những cơ quan hữu trách cấp cao lẫn báo giới và trở thành kênh chuyển thông tin, bằng chứng của nhiều người Việt khác đang làm mướn cho Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô về đủ loại sai phạm của nhà thầu Trung Quốc này đi các nơi. Trước chuyện lùm xùm ngoài dự kiến, VEC buộc phải làm gì đó và cuối cùng, Giám đốc thi công của Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô bị buộc thôi việc. Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô bị buộc phải bóc 300.000 khối đất không đạt chuẩn ra khỏi gói thầu A3. Đáng nói là VEC… nghiêm minh tới vậy mà ông Lực vẫn chưa chịu thôi vì bãi chứa đất không đạt chuẩn của gói thầu A3 chẳng có khối đất nào cả! (2)
Bây giờ, gói thầu A3 đã được nghiệm thu. Không trước thì sau, Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô cũng sẽ sửa cây cầu và hầm chui thuộc gói thầu này bị ngấm nước, chân cầu bị đọng nước. Đó là nghĩa vụ bảo hành nhưng nghĩa vụ này chỉ có hai năm. Sau đó đoạn cao tốc từng thuộc gói thầu A3 sẽ được chuyển sang VEC.
***
Khi hệ thống công quyền không đủ nguồn lực tài chính để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, họ thường tổ chức đấu thầu, lựa chọn những nhà đầu tư tốt nhất về kinh nghiệm, năng lực (cả quản trị, thi công lẫn vốn liếng) để những nhà đầu tư này thực hiện các công trình giao thông. Sau đó nhà đầu tư được tổ chức thu phí để thu hồi cả vốn lẫn lãi trong một khoảng thời gian hợp lý rồi giao lại công trình cho hệ thống công quyền và công trình ấy trở thành một thứ phúc lợi công cộng. Thiên hạ gọi kiểu phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức này là BOT.
Việt Nam đã và đang phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT nhưng với một… phiên bản khác và có thể xem VEC là điển hình của phiên bản độc đáo này.
VEC là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông – Vận tải. Vốn để VEC đầu tư vào các công trình giao thông rồi thu phí không phải là vốn tự có. Một phần vốn của VEC là do ngân sách cung cấp, phần khác do chính phủ nhận viện trợ (WB) rồi giao cho VEC, đi vay với lãi suất ưu đãi rồi cho VEC vay lại (ODA), hoặc bảo lãnh để VEC vay trực tiếp (ADB, phát hành trái phiếu trong và ngoài Việt Nam), nếu VEC không thể trả thì chính phủ phải trả thay.
Nhìn một cách tổng quát, chính phủ giao “đầu heo” cho VEC nấu “cháo”. Có điều “đầu heo” đó không phải của chính phủ mà của dân. Dân vừa phải trả tiền cho “đầu heo”, vừa phải trả thêm tiền “cháo”. Thay vì phải dùng thuế phát triển hạ tầng giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thì chính phủ lập ra VEC, giao tiền, hỗ trợ VEC gom tiền từ nhiều nguồn, phát triển hạ tầng giao thông để… thu phí. Các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT không những không hỗ trợ mà còn trở thành gánh nặng cho cả kinh tế lẫn xã hội (3).
VEC hiện là chủ những cao tốc đình đám nhất Việt Nam: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp hoàn tất... và cũng là những cao tốc được bàn luận rôm rả nhất Việt Nam. Chẳng hạn cao tốc Nội Bài – Lào Cai bị nứt ngay sau khi khánh thánh, rồi bị lún. Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thì đã không đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật mà vốn đầu tư còn tăng 2,5 lần (từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng)… Mới đây, tới lượt cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (vốn đầu tư tăng từ 28.000 tỉ lên 34.500 tỉ): Một tháng sau khi khánh thành, một phần mặt cao tốc đoạn chạy qua Quảng Nam bị vỡ, VEC giải thích là do… mưa nhiều. Bộ Giao thông – Vận tải đỡ thêm khi bảo rằng, đó là chuyện nhỏ vì diện tích bị vỡ… mặt chỉ chừng 70 mét vuông.
Tuy nhiên họa vô đơn chí, sự kiện cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị vỡ mặt chưa lắng xuống thì báo giới bu vào phanh phui, VEC đã làm ngơ để nhà thầu POSCO Engineering & Construction tham dự vào dự án này như một trung gian. Thắng thầu xong, POSCO Engineering & Construction bán lại “100% hạng mục cho cả chục nhà thầu phụ mà VEC không thèm nói gì cả (4).
Những lá đơn tố cáo của dân chúng các địa phương nơi cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chạy qua, những lá đơn tố cáo của các đối tác cung ứng vật liệu về kiểu làm ăn gian dối của nhà thầu phụ, về các dấu hiệu bao che, thông đồng của Tư vấn giám sát, của Ban Quản lý Dự án, của VEC trước giờ, nay được bày ra, hâm lại làm người ta thắc mắc: Bộ Giao thông – Vận tải và đủ thứ ngành, ở đủ thứ cấp của hệ thống Việt Nam bị gì mà không nghe, không thấy, không lên tiếng và chẳng làm gì cả?
Mặt cao tốc vỡ, cầu và hầm chui bị ngấm nước, POSCO Engineering & Construction bán thầu… và có thêm bao nhiêu scandal nữa liên quan tới cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thì VEC cũng sẽ sớm được cho phép thu phí trở lại trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Báo giới Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2016, nợ nần của VEC đã lên tới 1,5 tỉ Mỹ kim! VEC không trả được nợ thì chính phủ gánh, sức nặng của gánh ấy sẽ chuyển qua cho nhân dân chia sẻ. Làm sao có thể không chia sẻ, chẳng lẽ để quốc gia vỡ nợ rồi chết… chùm?
***
Ông Lực, người làm mướn cho Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô, nhà thầu gói A3 của cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, từng giải thích với báo giới rằng, sở dĩ ông lặn lội khắp nơi, thu thập thông tin, chứng cứ, chuyển cho chỗ này, thúc giục chỗ kia hành động, suốt bốn năm ròng rã vì xét cho cùng, chi phí làm cao tốc là tiền của nhân dân, giữ cho cao tốc có chất lượng là giữ cho con cháu. Đó cũng là lý do ông Lực không đơn độc, nhiều người làm mướn cho Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô bí mật xếp hàng sau lưng ông, hỗ trợ ông.
Tuần rồi, khi được hỏi về những việc ông Lực đã làm, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bảo với phóng viên tờ Dân Trí rằng, một số phản ánh, kiến nghị của ông Lực đã được xem xét, kiểm tra và có phản hồi. Còn đúng hay không thì phải phân định. Về mặt hiện tượng có thể là… đúng nhưng chỉ đưa ra hiện tượng mà không đưa ra được… giải pháp thì thông tin không được… toàn diện. Nói cách khác, ngoài việc phải quan sát, theo dõi, phản ánh đúng hiện tượng, dân chúng như ông Lực còn có trách nhiệm đề ra giải pháp khả thi. Có như thế may ra giới hữu trách mới để mắt tới, thiếu một trong hai là chưa toàn diện.
Nghe ông Thành phân biện, một số người buột miệng rủa: Chẳng lẽ trách nhiệm của giới hữu trách chỉ khoanh gọn trong phạm vi… ăn và… hưởng. Rủa có thể không sai nhưng rõ ràng ông Thành nói đúng! Thực tế là như thế. Cứ nhìn quanh sẽ thấy vô số ví dụ minh họa.
Chú thích

Vì sao Slovakia trừng phạt Việt Nam nặng hơn cả Đức?

Theo VOA-Phạm Chí Dũng/22/10/2018
Trịnh Xuân Thanh tại tòa Hà Nội.
 Trịnh Xuân Thanh tại tòa Hà Nội
Rõ ràng là vòng quay của bánh xe lịch sử đã cố ý chơi khăm chính thể độc đảng ở Việt Nam và những kẻ bắt cóc: chẵn một năm sau thời điểm Chính phủ Đức tuyên bố tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam bởi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một quốc gia khác nằm trong khối Liên minh châu Âu là Slovakia còn trừng phạt mạnh tay hơn cả thế: tạm ngừng quan hệ với Việt Nam!
Đóng băng quan hệ!
“Quan hệ song phương Việt Nam-Slovakia sẽ bị đóng băng cho đến khi Slovakia nhận được lời giải thích khả tín từ Hà Nội về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia Boris Gandel nói với hãng thông tấn nhà nước TASR hôm 19/10, trong một phản ứng trước lời kêu gọi của đảng Tự do và Đoàn kết đối lập (SaS) đòi phải trục xuất đại sứ Việt Nam (VOA).
Điều trớ trêu là nếu có thời Đức còn bị giới quan chức Việt Nam xem là ‘tư bản phương Tây’ và ‘theo đuôi Mỹ’, thì Slovakia lại luôn được Hà Nội khen tặng danh hiệu ‘đối tác thân thiện’ hoặc ‘đối tác tin cậy’ của Việt Nam, trong đó hàm ý nguồn gốc xuất thân của Slovakia từ ‘khối các nước xã hội chủ nghĩa anh em’, tức Tiệp Khắc ở Đông Âu, trước khi Liên Xô chính thức tan rã vào năm 1990.
Nhưng bước sang thế kỷ 21 và vào lúc này đây, ngay cả quá khứ được xem là khắng khít về ý thức hệ cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Bạn sẽ nghĩ sao nếu bạn bị một kẻ nào đó lợi dụng bạn để lén lút giấu một nạn nhân bị bắt cóc ngay trong nhà bạn?
Chính phủ và cả thể diện quốc gia Slovakia đã trở thành nạn nhân thứ hai - bị lợi dụng như thế. Chính sự thật khó tưởng tượng đó - nhưng từ đầu tháng Tám năm 2018 đến nay đã được các cơ quan cảnh sát và công tố của Slovakia phối hợp với Đức tìm ra nhiều bằng chứng về vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’ qua sân bay Bratislava của Slovakia vào tháng Bảy năm 2017 - đã khiến Quốc hội Slovakia thực sự công phẫn và lên án, gây áp lực đủ mạnh đối với chính phủ của Thủ tướng Peter Pellegrini để phải có những biện pháp ngoại giao đủ nghiêm khắc đối với những kẻ bắt cóc, cho dù vào tháng Năm năm 2018 ông Peter Pellegrini còn lắc đầu với báo chí quốc tế trước câu hỏi Slolvakia có dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng sau hai tháng điều tra của cảnh sát và công tố Skovakia, đến đầu tháng Mười năm 2018 Thủ tướng Peter Pellegrini đã lần đầu tiên tuyên bố “Việt Nam sẽ nhận lãnh các hậu quả về ngoại giao do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra”(báo Pravda.sk ngày 2/10/2018).
Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng. Nếu thật sự Slovakia đã bị lợi dụng và phái đoàn Việt Nam đã lạm dụng một chuyến thăm để đưa một công dân của mình từ Slovakia ra khỏi khu vực Schengen – ra ngoài khối Liên minh châu Âu, thì sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng mà Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia đã thông báo. Và chúng tôi sẽ phản ứng rất mạnh đối với Việt Nam, bởi vì không thể tưởng tượng được rằng một quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) có thể thực hiện các hoạt động như vậy tại một nước thành viên của EU, một nước thành viên của khối NATO [khối quân sự Bắc Đại Tây Dương]” - Thủ tướng Pellegrini tuyên bố.
Nhưng với hàng triệu người đang hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp là nạn nhân của một chế độ Việt Nam dung dưỡng cho nạn tham nhũng kinh hoàng từ trên xuống dưới và đàn áp hầu hết tiếng nói và hành động phản ứng về tình trạng bất công ấy, và đặc biệt là với hàng trăm người hoạt động nhân quyền mà mỗi người đã phải chịu cảnh bị công an mặc thường phục bắt cóc ít ra vài ba lần, chẳng có gì là khó tưởng tượng.
Giới hạn của sự kiên nhẫn
“Bộ trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi…” - tờ Frankfurter Allgemeine Zeitungn của Đức mô tả như thế trong một bài báo tường thuật vào ngày 3/8/2018. Đó là một phát giác mới: chính cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák đã giúp Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Trong khi đó, vụ Tòa án Thượng thẩm Berlin ở Đức đưa ra xử vụ án Nguyễn Hải Long tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã làm dày hẳn hồ sơ chứng cứ của vụ này: để được hưởng mức án giảm nhẹ chỉ còn 3 năm 10 tháng tù giam, Nguyễn Hải Long đã khai sạch toàn bộ các ‘đạo diễn’ và ‘diễn viên’ Việt Nam đã tổ chức và thực hiện vụ bắt cóc Thanh tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017.
Nhưng cũng như người Đức, chính phủ và Bộ Ngoại giao Slovakia đã khá kiên nhẫn để chờ câu trả lời từ Bộ Chính trị và chính phủ Việt Nam về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’ cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Song từ tháng Năm đến cuối tháng Bảy năm 2018, đại sứ Việt Nam tại Slovakia là Dương Trọng Minh đã chỉ một mực “Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt tại Slovakia” - lối thanh minh được quy chiếu bởi phát ngôn của Bộ Công an Việt Nam về ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’.
Đến lúc đó, Slovakia bắt đầu mất dần kiên nhẫn.
Sau khi báo chí Đức và Slovakia tung loạt bài điều tra về thực chất Trịnh Xuân Thanh đã bị ‘vận chuyển’ qua sân bay Bratislava, đến tháng chín năm 2018 Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak đã tuyên bố không bổ nhiệm đại diện ngoại giao của Slovakia tại Hà Nội - hành động phản ứng cứng rắn đầu tiên và làm tiền đề cho hậu quả ‘tạm ngừng quan hệ với Việt Nam’ sẽ xảy ra chỉ một tháng sau đó.
Còn sau khi Ngoại trưởng Miroslav Lajcak một lần nữa hối thúc Việt Nam phải trả lời vụ Trịnh Xuân Thanh trong cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại New York vào cuối tháng Chín năm 2018, cho đến nay “Bộ Ngoại giao Slovakia hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Việt Nam sau cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao hai nước ở New York gần đây” - theo lời phát ngôn viên Gandel của Slovakia.
“Slovakia là một quốc gia nghiêm túc và sẽ có hành động ngoại giao nghiêm khắc đối với Việt Nam ngay khi những nghi ngờ nghiêm trọng mà Việt Nam đang đối mặt được xác nhận đầy đủ và chính thức”, TASR dẫn lời ông Gandel nói.
Đã có một điểm tương đồng đặc biệt trong cơn địa chấn mang tên Trịnh Xuân Thanh: cả hai cơ quan cảnh sát Đức và Slovakia đều tạm kết thúc giai đoạn đầu tiên về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong vòng khoảng 2 tháng, tuy khác nhau về thời gian. Với người Đức là từ tháng Tám đến tháng Mười năm 2017, còn với Slovakia là từ tháng Tám đến tháng Mười năm 2018.
Sau 2 tháng điều tra, Viện Công tố Slovakia đã ra quyết định bắt đầu tiến hành truy tố hình sự (khởi tố) về vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Hai cảnh sát (hộ tống phái đoàn công an cấp cao do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu) đã khai với cơ quan điều tra Slovakia rằng họ đã nhìn thấy một người đàn ông Việt Nam, có lẽ là Trịnh Xuân Thanh, bị kéo lết lên chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Quyết định bắt đầu tiến hành truy tố hình sự (khởi tố) về vụ án ‘dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen’ của Viện Công tố Slovakia cho thấy vụ Trịnh Xuân Thanh đã không thể chìm xuồng ở Slovakia theo cách mà giới chóp bu Việt Nam hết sức mong muốn.
Một số thông tin cho biết trước đó đã có những ‘vận động’ từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam và cả những hứa hẹn ‘sẽ tạo môi trường thuận lợi về đầu tư và thương mại ở Việt Nam cho Slovakia’, nhưng đã không được chính phủ của Thủ tướng Peter Pellegrini hồi đáp.
Quyết định khởi tố vụ án Trịnh Xuân Thanh của Viện Công tố Slovakia cũng cho thấy quan điểm của những lãnh đạo cấp cao nước này là lạnh lẽo và cứng rắn hơn nhiều so với những gì thể hiện trước đó với giới chóp bu Việt Nam, và chiều hướng của ngành tư pháp Slovakia là rất có thể sẽ dẫn tới một phiên tòa lớn để xét xử những quan chức Slovakia dính líu đến vụ ‘tiếp tay cho bắt cóc’, theo cách mà Tòa án Thượng thẩm Berlin vào tháng Tư năm 2018 đã mở phiên tòa xử Nguyễn Hải Long.
Những giả thiết về kịch bản chế tài ngoại giao của Slovakia đối với Việt Nam - như ‘hạ cấp ngoại giao’, triệu hồi đại sứ của Slovakia về nước (hiện tại chỉ là Đại biện lâm thời), và tuyên bố trục xuất Đại sứ của Việt Nam tại Slovakia về nước - té ra là không xa sự thật. Nhưng với tuyên bố ‘tạm ngừng quan hệ với Việt Nam’, Slovakia còn trừng phạt nặng nề hơn cả thế.
Sự kiên nhẫn đã chạm vào giới hạn cuối cùng của nó.
Sự thể cay đắng và quá bỉ mặt đối với giới chóp bu Việt Nam là động tác trừng phạt của Slovakia lại xảy ra đúng vào thời gian Việt Nam đang rất kỳ vọng rằng EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- châu Âu) sẽ được Hội đồng châu Âu chấp thuận cho Ủy ban châu Âu chính thức ký kết vào cuối năm 2018.
Nhưng với tốc độ lan truyền chóng mặt của cơn địa chấn mang tên Trịnh Xuân Thanh từ Đức sang Slovakia và lan ra cả Pháp, Ba Lan, Nga…, chẳng có gì chắc chắn là Nghị viện châu Âu - mà các nghị viện Đức, Pháp, Slovakia, Ba Lan đều là những thành viên - sẽ dễ dàng phê chuẩn EVFTA cho dù hiệp định này có được ký chăng nữa.

Hà Nội, Moscow, Riyadh xạo bà cố

Theo VOA-Nguyễn Hùng/22/10/2018 
Nhà báo Jamal l Khashoggi.
Nhà báo Jamal l Khashoggi.
Miệng quan trôn trẻ - từ lâu người ta đã nói thế. Từ nói dối có nghề tới điêu toa vụng về, khắp mọi nơi đều có những chính trị gia xạo bà cố cả. Chẳng phải vô cớ mà trong các thăm dò dư luận ở nhiều nước trên thế giới, chính trị gia luôn thuộc dạng có độ khả tín thấp. Ba chuyện liên quan tới Việt Nam, Nga và Saudi Arabia dưới đây cho thấy rõ điều này.
Cuối tháng Bảy năm 2017, mạng xã hội rộ tin cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh, khi đó 51 tuổi và đang sống với vợ và con ở Đức, đã bị “dẫn độ” về Việt Nam. Phía Slovakia mới đây đưa tin rất có thể ông Thanh khi đó về bằng hộ chiếu với tên người khác trên cùng chuyến chuyên cơ chở Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong tháng đó qua Nga trước khi về Việt Nam.
Vậy mà hôm 30/7/2017 ông Tô Lâm được trang Zing dẫn lời nói: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì [về Trịnh Xuân Thanh].” Ngay ngày hôm sau Bộ Công an ra thông báo nói ông Thanh đã “đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.” Vậy là ông Tô Lâm, người được tổng bí thư lệnh “bắt bằng mọi giá” Trịnh Xuân Thanh, còn chẳng biết ông bay cùng với người sẽ sớm ra trình diện tại chính bộ của ông. Đúng là … xạo bà cố.
Ông Thanh đúng là thánh chứ chẳng phải người thường, tàng hình thế nào mà bộ trưởng công an còn không nhận ra. Lại còn làm giả được cả hộ chiếu để đi từ Berlin ở Đức qua Brno của Séc, tới thủ đô Bratislava của Slovakia, qua Moscow của Nga rồi băng qua hải quan cửa khẩu về đến tận trụ sở Bộ Công an đầu thú. Bảo sao người ta nói gấu vào tay công an Việt Nam một lúc sẽ tự nhận là thỏ. Bộ đầy quyền lực ở Việt Nam mà phương châm chẳng khác gì của các báo lá cải – ‘đừng để sự thật xen vào câu chuyện’.
Tháng Ba năm nay cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, và cô con gái 33 tuổi bị nhiễm chất độc Novichok tại vùng quê thanh bình và thơ mộng Salisbury của Anh, vốn nằm cách di tích lịch sử Stonehenge trên 10 km. Ông Skripal sống lưu vong ở Anh trong khi con gái ông bay từ Nga sang thăm ông. Hai cha con ông Skripal phải nằm viện nhiều ngày nhưng qua khỏi.
Tuy nhiên cảnh sát Anh nói lọ nước hoa đựng chất độc mà kẻ thủ ác bỏ lại xung quanh hiện trường đã khiến một người địa phương, bà Dawn Sturgess, cầm phải và bà đã chết vì trúng độc hồi tháng Bảy. Chính quyền Anh nói vụ đầu độc này do lực lượng an ninh Nga gây ra và phải được phê chuẩn ở cấp cao. Ông Skripal từng là đại tá tình báo trong quân đội Nga và đã bị toà án Nga kết án tù 13 năm hồi năm 2006 vì cáo buộc làm gián điệp cho Anh. Hồi năm 2010, ông Skripal được cho sang Anh trong vụ trao đổi điệp viên giữa Nga và Hoa Kỳ.
Cảnh sát Anh có băng video ghi lại cảnh hai nghi phạm người Nga Alexander Petrov và Ruslan Boshirov tới sân bay Gatwick hôm 2/3/2018, chỉ một ngày trước khi con gái ông Skripal bay sang thăm cha. Ngày 3/3 họ có chuyến đi tiền trạm tới Salisbury và ngày hôm sau quay lại bôi thuốc độc vào cửa nhà ông Skripal rồi bay trở lại Nga ngay trong ngày 4/3.
Một cuộc điều tra của trang nhà báo công dân Bellingcat của Anh nói người có tên là Ruslan Boshirov thực ra là Đại tá quân đội Anatoliy Chepiga, người từng được Tổng thống Vladimir Putin phong ‘Anh hùng Liên bang Nga’ hồi năm 2014. Sau khi vụ đầu độc diễn ra, ông Putin nói Đại tá Chepiga chỉ là dân thường. Còn Alexander Petrov chính là Alexander Mishkin, vốn là bác sỹ trong lực lượng tình báo Nga. Cả hai người này đều lên TV ở Nga và nói họ đi du lịch sang Anh và tới Salisbury vì ở đó có nhà thờ cổ kính với tháp cao 123 mét và chiếc đồng hồ cổ bậc nhất thế giới mà vẫn chạy tốt. Những giải thích của họ khiến nhiều người Nga cũng thấy nực cười và khó tin vào sự vụng về của màn bào chữa. Lại là… xạo bà cố.
Tới màn xạo bà cố ghê rợn nhất của Thái thử Mohammed bin Salman từ thủ đô Riyadh thuộc Saudi Arabia về nhà báo bị mất tích Jamal Khashoggi. Ông Khashoggi người thực ra đã bị giết và xác bị chặt ra thành nhiều khúc tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10/2018 bởi một đội an ninh do ông bin Salman, người thường được gọi với tên tắt là MBS, cử sang.
Ông Khashoggi, cây viết cho tờ Washington Post và là người chỉ trích dữ dội MBS, vào lãnh sự quán để lấy giấy tờ chuẩn bị cho đám cưới với hôn thê người Thổ Nhĩ Kỳ Hatice Cengiz, người hiện đang được cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ. Hôm 3/10, MBS nói với hãng tin Bloomberg rằng ông Khashoggi đã rời lãnh sự quán và sẵn sàng để Thổ Nhĩ Kỳ vào kiểm tra. Các quan chức Saudi Arabia trong những ngày sau đó tiếp tục khẳng định ông Khashoggi đã rời lãnh sự quán trong ngày 2/10.
Tới ngày 7/10, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói ông Khashoggi đã bị giết trong lãnh sự quán và chính quyền ở Riyadh nói cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ là “vô căn cứ”. Gần hai tuần sau, hôm 15/10, một kênh truyền hình của Saudi Arabia vẫn nói “đội hành sát” 15 người mà truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nói tới thực ra chỉ là “khách du lịch”.
Nhưng sang ngày 19/10, Saudi Arabia buộc phải thừa nhận nhà báo Khashoggi đã chết bên trong lãnh sự quán nhưng lại nói ông chết trong cuộc “ẩu đả” với lực lượng an ninh được cử sang để bắt ông về. Saudi Arabia còn nói các nhân viên của lực lượng an ninh, trong đó có cả những người gần cận MBS, đã hành động vượt thẩm quyền và họ đã bị bắt giam. Xạo… thấy bà cố.
Ba vụ xạo bà cố trên đây liên quan tới những vụ việc khác nhau nhưng điểm chung là sự thật đã bị lực lượng an ninh và các quan chức sát hại không thương tiếc. Nó cũng cho thấy chính những người cần nêu gương về thượng tôn pháp luật lại quay về với luật rừng để đạt được mục tiêu của họ. Việc giải quyết hậu quả của cả ba vụ vẫn còn chưa chấm dứt và người ta sẽ chẳng dễ tin những gì ba bên đưa ra vì một lần bất tín thì vạn sự còn lại làm sao mà tin được.

Xử lý sai phạm đất đai ở các thành phố lớn

RFA-2018-10-22 
Người dân lên thành phố Hà Nội khiếu kiện về đất đai ngày 29 tháng 8 năm 2012.
Người dân lên thành phố Hà Nội khiếu kiện về đất đai ngày 29 tháng 8 năm 2012.AFP
Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội đề nghị Chính phủ chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, nhất là tại các thành phố lớn.
Đề nghị được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đưa ra sáng 22/10. Theo đó, chính phủ cần chỉ đạo rà soát lại toàn bộ hệ thống quy hoạch và xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.
Bên cạnh đó cần kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tránh lợi ích nhóm nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.
Cùng ngày 22/10, bà Nguyễn Thị Nguyệt, trưởng phòng Thanh tra TP Hà Nội công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng tại huyện Sóc Sơn, đồng thời làm rõ quá trình thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ đã được công bố từ năm 2006. Thời gian thanh tra là 45 ngày.
Báo Lao Động trích dẫn phát biểu của ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn rằng sẽ thanh tra toàn bộ quá trình sử dụng đất rừng tại huyện Sóc Sơn trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2018.
Trước đây UBND TP Hà Nội cũng đã nhiều lần gửi văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra đến UBND huyện Sóc Sơn nhưng nơi đây giải quyết rất chậm nên tiếp tục để xảy ra các vi phạm.
Vụ việc vi phạm xây dựng nhà, biệt thự trên đất rừng phòng hộ tại Sóc Sơn được nhắn đến nhiều sau vụ nữ ca sỹ Mỹ Linh lên tiếng đồng thuận kế hoạch xây dựng nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm, nơi cơ quan chức năng bị kết luận có sai phạm khi tiến hành cưỡng chế lấy nhà đất của dân.
Vi phạm trong thu hồi, cưỡng chế đất đai, cấp đất công cho doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến nhiều người dân phải khiếu kiện suốt mấy chục năm qua. Họ kiện lên đến các cấp ở trung ương tại Hà Nội; thế nhưng nhiều vụ được người trong cuộc cho biết không hề được giải quyết mà các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Tinh hoa

“…Tinh thần công dân không cho phép bạn thờ ơ với những công việc chung của cộng đồng. Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!...”
chosoi_songchung_voi_dancuu
Isaiah 11:6-10 : The wolf will live with the lamb
Dạo này trên facebook rùm beng bởi nhiều bài viết và bình luận về “tinh hoa/quý tộc”, xuất phát từ việc ông chồng ca sĩ Mỹ Linh vì bênh vực vợ mà cho rằng “không có nhà hát giao hưởng thì Việt Nam liệu có tồn tại tầng lớp tinh hoa/quý tộc hay không?”. Kẻ bênh, người chê “náo loạn” new feeds của mình. Ở đây phải rạch ròi 2 vấn đề:

1. Xây nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm.

2. Có xây nhà hát giao hưởng thì mới phát triển tầng lớp tinh hoa, từ đó kéo xã hội đi lên.
Vấn đề 1: ý kiến cá nhân, khẳng định luôn: SAI BÉT NHÈ.
Tại sao?
Lý do 1: Đất đó là của dân, chính quyền sửa quy hoạch trái luật, tịch thu đất trái luật (dù là luật cộng sản). Chính quyền cũng biết sai nên tìm cách hợp thức hóa bằng cách xây nhà hát giao hưởng trên đất đó để khỏi phải đền bù. Rõ ràng là SAI ngay từ đầu trong việc tịch thu đất, rồi từ đó kéo theo 1 việc ÁC hơn là khiến gia đình người ta tan nhà nát cửa hơn hai chục năm nay. Không thể sửa sai một việc bằng một việc khác, dù có nhân danh bất kỳ lý do tốt đẹp nào đi chăng nữa. Có ai ủng hộ quan điểm của 1 kẻ giết người cướp của khi hắn nói phải đi cướp tiền về nuôi mẹ già, con thơ hay không? Đó là NGỤY BIỆN trơ trẽn nhất. Một hành động tốt phải có động cơ tốt, được thực hiện bởi 1 phương tiện tốt đẹp mới được gọi là Tốt. Hành động “xây nhà hát giao hưởng” nhân danh thành phố hiện đại phải có nhà hát giao hưởng, để phát triển tầng lớp tinh hoa/quý tộc v.v…có động cơ là lấp liếm cái SAI trong việc thu hồi đất, được yểm trợ bằng phương tiện “cướp đất của người dân”. Điều này hoàn toàn sai trái dù xét dưới bất kỳ hệ quy chiếu nào. Mọi ý kiến ủng hộ quan điểm xây nhà hát giao hưởng đều là những ngụy biện trơ trẽn và vụng về. Nhà hát giao hưởng được xây lên từ nỗi uất hận, khóc than, tài sản bị chiếm đoạt liệu có xứng đáng tấu lên những giai điệu trác tuyệt của nhân loại? Nhà hát đó có xứng đáng là nơi tôn vinh những bản nhạc tuyệt vời đó khi nó là hiện thân của một sai trái đầy tội ác? Một cách dân dã hơn, có người tử tế nào muốn vui chơi ở căn biệt thự/quán café tuyệt đẹp có nền được xây từ một nghĩa địa với nhiều oan hồn?
Không thiếu công ty Âu Mỹ trừng phạt hay chỉ trích đối tác vì công nhân làm việc dưới những điều kiện tồi tệ. Ví dụ Foxconn bị chỉ trích gây gắt vì bóc lột nhân công bằng cách bắt buộc làm thêm giờ, tăng ca và ko có ngày nghỉ. các siêu thị Úc tẩy chay công ty Thái Lan do công ty này sử dụng trẻ em làm công nhân. Hay Hoàng Anh Gia Lai bị tỷ phú Soros đưa vào black list cách đây không lâu. Điều này cho thấy thế giới không ai ủng hộ khi anh dùng phương tiện xấu để đạt mục đích, dù nhân danh bất cứ điều gì.
Nhiều thằng đần sẽ cố cãi: nhà mới, đẹp, hiện đại, dịch vụ tốt thì cứ vô. Quan tâm mịa gì nó từ đâu đến và như thế nào. Không phải việc của mình. Nói thẳng 1 câu: thứ rác rưởi như ngươi thì vứt đi. Thấy đồng bào đau khổ mà vẫn vui chơi thì chỉ là đồ bất lương!
Lý do 2: Xây nhà hát giao hưởng phục vụ nhu cầu của người dân thành phố?
Tui ở Saigon hơn 18 năm, chưa từng vô nhà hát thành phố nghe nhạc lần nào. Tui cũng rất thích âm nhạc. Có khả năng phân biệt nhạc Yanni (không dám nói đến thính phòng) và nhạc Đờm – Sơn Tường… khác nhau ra sao. Những người như tui rất nhiều, nếu không nói chiếm đến 98% dân số thành phố. Vậy nên cái lập luận “phục vụ nhu cầu của người dân thành phố”, xét kỹ lại phạm lỗi ngụy biện: phục vụ cho người dân nào ? Bao nhiêu % người dân được phục vụ?
Một nguyên tắc cơ bản khác để nhìn nhận vấn đề này. Theo thuyết Utilitarism (tạm dịch: Thuyết Công lợi) của Triết gia người Anh Jeremy Bentham, đại loại như sau: Một hành động được cho là có đạo đức khi nó tạo ra hạnh phúc/lợi ích lớn nhất cho nhiều người nhất. Nhấn mạnh: hạnh phúc/lợi ích lớn nhất VÀ cho nhiều người nhất.

Trở lại việc xây nhà hát giao hưởng. Ai được hưởng lợi? Tầng lớp tinh hoa, có tiền. Cho rộng rãi 10% dân số thành Hồ luôn, khoảng 1 triệu người.

Dễ dàng nhận thấy hạnh phúc/lợi ích của 1 triệu người “tinh hoa/quý tộc” không thấm gì với bất hạnh/thiệt hại của 9 triệu người còn lại. Đem tất cả lên bàn cân, cân đo đong đếm sẽ thấy việc xây nhà hát giao hưởng là hành động trái đạo đức theo triết lý của Bentham.

Vả lại, theo quan điểm triết học… Mác-Lê, một chính quyền “của Dân, do Dân và vì Dân” lại đem ngân sách phục vụ cho 1 nhóm nhỏ người, mà nhóm đó lại là thành phần tinh hoa/quý tộc, vốn phải bị tiêu diệt trong đấu tranh giai cấp, là điều không thể chấp nhận. Thế giới đại đồng nào có chỗ cho tụi quý tộc/tinh hoa chứ! Hahahaha..
Lý do 3: Tầng lớp tinh hoa/quý tộc có quyền có nhà hát giao hưởng
Lý lẽ này càng sai bét nhè. Quyền có nhà hát giao hưởng? OK, tự bỏ tiền ra mua khu đất rồi xây nhà hát lên. Cướp đất của dân đã là tước quyền tư hữu của họ, rồi lấy ngân sách, tức tiền thuế của mọi người dân đóng góp, để xây phục vụ cho nhóm thiểu số quý tộc/tinh hoa?

Phản biện: thiểu số tinh hoa đó đóng thuế nhiều nên họ có quyền đòi xây những thứ phục vụ cho ho? Xin lỗi nhé! Thiểu số đó đã được hưởng lợi một cách không công bằng do những lợi thế mà họ có được nên việc đóng thuế là để bù đắp lại cho những thành phần yếm thế trong xã hội. Ví dụ: Một người sinh ra đã may mắn có trí tuệ hơn hẳn số đông, do đó tiếp cận được nhiều cơ hội và thành công. Như vậy việc anh ta đóng thuế nhiều hơn, và chính quyền dùng tiền thuế đó phục vụ lại cho số đông yếm thế hơn anh ta là cách anh ta bù đắp. Anh đã có lợi thế/may mắn và thành công trong cuộc sống rồi, bây giờ lại đi hơn thua/ giành giật công trình lợi ích công cộng với số đông thì anh cũng chỉ loại rác rưởi mà thôi. Giới elite thực thụ, họ chả hèn mọn như anh đâu. Các tỷ phú thế giới có bao nhiêu tỷ dollar, họ còn cho hết nữa kìa. Ngài Nobel giàu sụ dành tài sản của mình để lập ra những giải thưởng cho những người có đóng góp cho nhân loại. Elite thực thụ đó. Người ta tôn vinh những con người đó, chứ có phải mấy tay trọc phú như anh đi “cò kè bớt 1 thêm 2” với người dân thấp cổ bé họng đâu.

Về quyền, cho dù anh có đóng góp nhiều cách mấy đi nữa, anh cũng không có quyền cướp tài sản của người khác để phục vụ cho tầng lớp của anh. Cướp là Cướp. Không gì có thể thay đổi được điều này. Còn nếu nói Quyền của kẻ cướp? Vậy thì nói thẳng mẹ ra đi, tao cướp. Ngưng tranh luận ngay và luôn. Ai cũng có kết luận rồi.
Vấn đề 2: TẦNG LỚP QUÝ TỘC/TINH HOA.
Nhìn chung qua những comment hay bài viết đều ít nhiều đề cao tầng lớp tinh hoa/quý tộc và đặt câu hỏi về sự tồn tại của tầng lớp này trong xã hội Việt Nam hiện nay. Từ đó mong ước (nếu) có tầng lớp này thì Việt Nam đã thay đổi đáng kể, có thể “hóa rồng”. Cái suy nghĩ mong chờ ai đó hoặc 1 nhóm người nào đó xuất hiện để giải quyết những vấn đề chung, làm cho đất nước cường thịnh, với tôi, là 1 trong những ý tưởng tệ hại nhất. Tập quán mong chờ/ dựa dẫm này có nguồn gốc lịch sử. Lúc xưa mong chờ minh quân dẹp tan triều đại của nhà này, rồi sau đó minh quân lên làm vua, con cháu trở nên tệ hại dần qua thời gian, dân chúng lại chửi bới, lại mong chờ 1 minh quận khác đứng lên lật đổ, thành lập triều đại khác. Cứ như vậy, dân chúng vẫn mong chờ minh quân/quý tộc thượng lưu/tinh hoa xuất hiện như đấng cứu thế qua hàng ngàn năm. Tập quán này cần phải thay đổi, không chỉ đơn giản bây giờ không còn là thời phong kiến để giữ mãi lối suy nghĩ cổ hủ bạc nhước ấy, mà còn là một tư tưởng mới của nền văn minh nhân loại. Tư tưởng mới này thật ra đã tồn tại 2500 trước ở 1 nơi gọi là… Hy Lạp. Văn minh Hy lạp cho chúng ta một cách nhìn khác về sự dựa dẫm/mong chờ này. Aristotle – triết gia xuất chúng của văn minh Hy Lạp nói riêng và văn minh phương Tây nói chung – đề cập đến trách nhiệm và tinh thần công dân. Công dân có địa vị nào không? Nó là gì? Tự do và bình đẳng chính trị có mối liên hệ nào với địa vị công dân? Dù nó đã ra đời cách đây 2500 năm ở Hy Lạp nhưng có lẽ ít người trong chúng ta hiểu rõ những vấn đề này. Là công dân của nước Việt Nam, chúng ta có tự hào là những công dân tự do và bình quyền hay không? Nếu chúng ta tự do và bình quyền, có tiếng nói trong việc tạo ra luật pháp và lựa chọn người cai trị theo luật do chúng ta đồng ý tạo ra, chúng ta có cần 1 tầng lớp cao hơn mình được gọi là tinh hoa/quý tộc không? Nếu là bình quyền thì….thằng nào cũng như nhau chớ, sao có vụ phân biệt giai cấp thế này? Ai là công dân cũng có tự do thì tinh hoa/quý tộc gì cũng không được xâm phạm quyền tự do của người khác. Và do đó, không có tầng lớp tinh hoa/quý tộc với những “kẻ mạt hạng chính trị” có hàm ý phân biệt đẳng cấp/giai tầng như hiện nay.
Tinh thần công dân không cho phép bạn thờ ơ với những công việc chung của cộng đồng. Thấy việc nghĩa không làm là đồ hèn. Thấy việc thiện mà làm ngơ là đồ ích kỉ. Còn sức khỏe, trí lực mà tìm chỗ ẩn cư thì cũng là phường vô đạo!

Tinh thần công dân tự do khiến một cá nhân quan tâm đến lợi ích của toàn cộng đồng chứ không phải quyền lợi riêng của anh ta và được hướng dẫn bởi những kiến thức lành mạnh và am hiểu vấn đề.
Chỉ cần mỗi công dân tự nhận thức được vai trò và địa vị của mình, đủ can đảm để đập bàn nói: “Enough”. Sự thay đổi sẽ đến ngay lập tức khi mỗi công dân làm điều đó Emoticon. Tầng lớp tinh hoa/quý tộc, nếu có, cũng chỉ là phương tiện để giúp xã hội phát triển. Nói cho cùng, nó chỉ là phượng tiện để đạt đến 1 cứu cánh/mục đích ấy mà thôi. Có phương tiện nào khác để cũng đạt mục đích/cứu cánh như trên? Câu trả lời là Có. Chỉ cần bạn thực hiện tinh thần công dân, giành lấy địa vị công dân, không cần như các nước phương Tây hiện nay đâu, chỉ cần như Hy Lạp cổ đại 2500 trước thôi. Chừng đó là đủ.
Đừng làm cừu, hãy làm Người. Đừng làm người hèn mọn, hãy làm Công dân Tự do.
You are what you choose to be. Your choice. (Bạn chính là con người bạn muốn chọn. Đó là lựa chọn của bạn)
Đinh Phát

Cử tri đòi ‘ứng viên’ chủ tịch nước công khai tài sản và chương trình hành động

Một số người dân biểu tình trên đường phố Hà Nội đòi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho những người bị kết án tù vì vận động dân chủ hóa đất nước. (Hình: Jenny Vaughan/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng chục cử tri, phần lớn là những nhân vật tiếng tăm, đồng ký tên trong thư ngỏ kêu gọi ông Nguyễn Phú Trọng “ứng viên chủ tịch nước” công bố chương trình hành động và công khai tài sản.
“Cũng như quý vị đại biểu Quốc Hội, chúng tôi – những công dân và cử tri ký tên dưới đây – ý thức được tầm quan trọng của chức danh chủ tịch nước và mong muốn ứng viên được chọn cho vị trí này phải trình bày và cam kết thực thi ‘chương trình hành động’ trước khi được bầu chọn làm chủ tịch nước, đồng thời ứng viên đó phải ‘nêu gương’ công khai, minh bạch và trong sạch từ chính bản thân mình.”
Bức thư ngỏ của 85 người gửi Quốc Hội CSVN đề ngày 18 Tháng Mười, 2018 viết như vừa kể và họ cũng được biết ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam tại hội nghị lần thứ 8 ngày 6 Tháng Mười, 2018 vừa qua đã “nhất trí” 100% đề cử ông Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng làm ứng viên độc diễn để “Quốc Hội” “nhất trí” bỏ phiếu cho ông ngồi luôn trên cái ghế chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chết bất ngờ ngày 21 Tháng Chín, 2018. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, phó chủ tịch nước chỉ được cho làm “quyền chủ tịch nước” tức làm tạm thời chờ quốc hội họp để chính thức cử người thay thế. Cái ghế chủ tịch nước, trong hệ thống quyền lực CSVN, có tính cách nghi lễ và thủ tục ký tên đóng dấu phong hàm tướng, ban hành luật lệ nhưng thường do một ủy viên bộ chính trị nắm giữ. Quyền hành chóp bu của cái chế độ độc tài đảng trị của Việt Nam nằm trong tay tổng bí thư đảng.
Theo các cử tri viết trong bức thư ngỏ theo Điều 35 Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội và Đại Biểu Hội Ðồng Nhân Dân 2015, bản kê khai của ứng viên Nguyễn Phú Trọng đã được nộp cho các cơ quan tổ chức bầu cử, nghĩa là đã có sẵn thì việc công khai cho dân biết qua các phương tiện thông tin đại chúng là chuyện thật dễ dàng “để báo chí, nhân dân giám sát.”
Đặc biệt, các cử tri viết “vấn đề ‘nêu gương’ của cán bộ lãnh đạo, trước hết là ủy viên BCT, ủy viên BBT, ủy viên BCHTW đã được HNTW 8 mới đây xác định là một chủ trương và đường lối lớn của đảng nhằm lấy lại lòng tin của nhân dân đối với đảng vốn đã bị xói mòn trầm trọng trong thời gian qua!”
Tuy các chức sắc của chế độ viết bản kê khai tài sản hàng năm để chống tham nhũng nhưng không hề thấy được phổ biến công khai trong khi nhà nước tuyên truyền “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.”
Bức thư ngỏ nhắc lại cho hay, cách đây năm tháng, ngày 6 Tháng Năm, 2018, có “70 công dân chúng tôi đã có thư gửi TBT Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ông phải công khai bản kê khai tài sản cá nhân như quy định của Ban Bí Thư Trung Ương ĐCSVN đối với các cán bộ lãnh đạo (như đòi hỏi của BBT trong Quyết Ðịnh số 99/QĐ-TƯ ngày 3 Tháng Mười, 2017). Nhưng rất tiếc, đến nay chúng tôi chưa nhận được hồi âm từ TBT Nguyễn Phú Trọng!”
Trong số 85 cử tri ký tên trong bức thư ngỏ đề ngày 18 Tháng Mười, 2018, người thấy có tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tống Văn Công, Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Đình Cống, Kha Lương Ngãi, Mạc Văn Trang, Nguyễn Xuân Diện, Đào Tiến Thi, Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Hồ Ngọc Nhuận, Hà Sỹ Phu, Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu…
Ngay sau khi hệ thống báo đài chính thống của chế độ loan tin ông tổng bí thư đảng CSVN được đề cử nắm luôn chức chủ tịch nước, cũng hệ thống tuyên truyền một chiều này đua nhau ca ngợi trung ương đảng là “sáng suốt,” là “hợp lòng dân, ý đảng,” là “bước tiến dài của nước ta”…
Nhiều blogger “lề trái” trên các trang Facebook cá nhân bèn dẫn lại một lời tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng hồi Tháng Năm năm ngoái, cũng trong một cuộc tiếp xúc với “cử tri,” ông kêu “Bí thư mà kiêm luôn chức chủ tịch thì to quá. Ai kiểm soát ông?”
Bây giờ, chính ông lại ngồi trên cả hai ghế nhưng ông lại phủ nhận không phải là “nhất thể hóa” giống chế độ độc tài đảng trị tại Trung Quốc mà ông bị đẩy vào đó chỉ vì “giải pháp tình hướng” vì ông chủ tịch nước Trần Đại Quang chết bất ngờ.
Một số người đặt câu hỏi, nếu là “giải pháp tình huống,” sao không để bà phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp tục làm “quyền chủ tịch nước” hoặc chính thức làm chủ tịch nước khi quốc hội của chế độ họp hai tuần nữa để bỏ phiếu. Hoặc một người nào khác được bầu lên để ông tránh cái tiếng “nhất thể hóa.”
Thêm nữa, báo chí chế độ ca ngợi việc ông nắm luôn ghế chủ tịch nước là “hợp lòng dân” thì dân có được hỏi ý kiến đâu, dân có bầu chủ tịch nước, chủ tịch đảng, bầu các đại biểu quốc hội đâu? Tất cả đều do bè đảng CSVN tự “cơ cấu” với nhau rồi dàn cảnh bầu bán chiếu lệ “đảng cử dân bầu.” (TN)