Sunday, April 16, 2017

Cập nhật tình hình ở Đồng Tâm, Mỹ Đức

Cụ Kình đối thoại với đại diện quân đội về vấn đề đất đai ở Mỹ Đức. Ảnh chụp từ clip.

Một người quen của mình là dân làng Mỹ Đức vừa báo ra một số thông tin như sau:
– Cụ ông trong clip 15′ thuật lại toàn cảnh tranh chấp đất đai ở Mỹ Đức là cụ Kình, đã hơn 80 tuổi – một trong những người dẫn dắt cuộc tranh đấu của bà con suốt thời gian dài. Clip có vẻ được quay cách đây một tháng khi Viettel cử đại diện đến làm việc với dân làng.
– Sáng 15/4 chính quyền đến mời cụ cùng vài người khác ra xem mốc giới, dân làng muốn đi theo hộ tống nhưng chính quyền bảo đông người không làm được việc. Vậy nên chỉ 10 người đi gồm cả cụ Kình; ra tới nơi tất cả bị bắt ngay. Dân làng phát hiện đuổi theo thì bị xịt hơi cay, có thêm 5 người nữa bị bắt giữ và một người bị đánh trọng thương.
– Người dân sau đó bắt được 2 xe của công an, giữ khoảng 30 cảnh sát cơ động trong nhà văn hóa. Ngay trong chiều công an có về đàn áp để giải cứu người nhưng bị dân làng chặn lại.
– Xăng không phải được tẩm vào người cảnh sát cơ động mà vào chăn bông và rơm chất quanh nhà văn hóa. Các ngả đường dẫn vào làng bị đặt chướng ngại vật để ngăn cản công an tiếp cận.
– Một số người am hiểu trong làng phân tích rằng đây là tình huống A2 trong kế hoạch chiến đấu bảo vệ an ninh chính trị của lực lượng vũ trang với bài vở chủ yếu tập trung vào việc kích động bạo lực để lấy cớ đàn áp rồi sau đó khởi tố vụ án. Trong tình huống này luôn có an ninh thường phục trà trộn tạo cớ, bởi vậy dân làng đã tăng cường canh gác các điểm chốt. Quả nhiên tối qua đã bắt thêm được một số đối tượng khả nghi, hiện đang giữ chung với số cảnh sát cơ động.
– Chính việc bắt giữ những người lãnh đạo cộng đồng ở Mỹ Đức như cụ Kình đã khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều khi dân làng khó tìm được đồng thuận trước mỗi quyết định của họ trong một hoàn cảnh mà bất kì nước cờ sai nào đều có thể dẫn đến một hậu quả thật thảm khốc.
– Hiện lo ngại lớn nhất vẫn liên quan đến vấn đề niềm tin: Thả người rồi, liệu có bị khởi tố và trừng phạt một cách khốc liệt sau đó hay không ngay cả khi chính quyền đã cam kết? Dân làng tìm cách hạn chế rủi ro bằng cách tránh công khai danh tính, hình ảnh; tuy nhiên khả năng sau khi mọi chuyện được vãn hồi nhiều người sẽ bị khởi tố bừa và kết án thật nặng để chính quyền địa phương có thể đổ lỗi và tránh những quở trách từ trung ương.

------------------------

Một đề xuất tháo ngòi nổ Mỹ Đức

16-4-2017
Không ai muốn bà con phải dùng tới ‘biện pháp cuối cùng’ (lời của bà con) nhưng đã có quá nhiều ví dụ cho thấy sau khi chấp nhận xuống nước vì tin theo lời hứa của chính quyền, người dân đã phải chịu hậu quả thảm khốc như thế nào. Ninh Hiệp, Văn Giang, Dương Nội, Đông Yên đều hãy còn nóng hổi.
Với người dân Mỹ Đức hiện nay, kết cục có thể còn nghiêm trọng hơn rất nhiều vì cái án Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất là tử hình) rất có thể sẽ giáng xuống đầu họ sau khi mọi chuyện được vãn hồi.
Đã có nhiều gợi ý rằng bà con nên đòi hỏi các văn bản cam kết từ phía chính quyền trước khi thả người, nhưng với những gì chúng ta biết về quá khứ cầm quyền của họ, giải pháp này vẫn còn rất nhiều rủi ro, vì ai chắc được chính quyền sẽ không phá vỡ cam kết sau đó.
Hẳn bà con cũng hiểu rõ điều này nên sẽ rất ngập ngừng trước quyết định thả người mang tính sinh tử này (thả cũng chết mà không thả cũng chết) và vì thế sẽ cố sống cố chết giữ lấy chiếc phao duy nhất của mình – chính là các cảnh sát cơ động bị bắt.
Vậy vấn đề cốt lõi ở đây là niềm tin: Dân không tin chính quyền sẽ thực hiện cam kết sau khi họ thả người.
Giải pháp là chính quyền cần chủ động hoặc bà con đòi hỏi chính quyền tổ chức họp báo có sự tham gia của các sứ quán và báo chí quốc tế. Buổi họp báo phải được truyền hình trực tiếp trong đó chính quyền nói rõ sẽ đáp ứng các cam kết của người dân, từ việc không khởi tố đến thả người và trả đất. Sự xuất hiện của yếu tố quốc tế làm trung gian sẽ khiến lòng tin của người dân vào việc thực thi cam kết của chính quyền cao hơn, và chính quyền cũng phải đánh đổi nhiều hơn nếu làm điều ngược lại.
Thân nhân các chiến sĩ bị bắt giữ muốn tránh điều tệ hại xảy ra với con em mình hẳn chỉ còn cách duy nhất là gây áp lực lên các cấp lãnh đạo Hà Nội chấp thuận các yêu sách hợp lý và chính đáng của bà con Mỹ Đức. Nghe có vẻ hơi khó nhưng không lẽ để bi kịch xảy ra với con em mình?

---------------------------

ĐỒNG TÂM, RÀO LÀNG KHÁNG CHIẾN

(Ghi chép của bạn Nguyễn Đức Giang về Đồng Tâm ngày 16.4)
Vừa từ Đồng Tâm trở về. Lối vào xã Đồng Tâm được dân đổ một đống đất đá nhằm ngăn vật cản. Một nhóm người đứng đó canh gác. Một anh thanh niên tối qua có lẽ canh gác đêm, hoặc cả đêm mất ngủ nên đôi mắt đỏ ngầu.
Tôi bị giữ lại và tra hỏi vì sao đi vào đây. Ban đầu tôi nói dối là đi phượt ngang qua đây.
Anh thanh niên tay cầm 2 cây gậy, một cây luồn vào bánh xe máy của tôi, tay kia chỉ vào mặt tôi yêu cầu mở cốp xe. Không có gì ở trong đó ngoài bộ quần áo đi mưa.

Những người xung quanh nhìn thôi và quan sát rất kỹ. Tôi tiếp tục được yêu cầu cho họ xem CMND.

Ngay lúc này tôi nói mình từ Dương Nội – Hà Đông vào đây để xem xét tình hình đồng thời ủng hộ tinh thần bà con Đồng Tâm. Khi biết tôi từ Hà Đông vào họ có vẻ càng cảnh giác hơn vì nghe có tiếng ai đó nói cẩn thận bọn CA Hà Đông.
Tôi có mang theo một máy ảnh và cũng bị kiểm tra tuy nhiên bên trong không có ảnh gì về Đồng Tâm. Suýt chút nữa thì máy bị đập nếu có bất kỳ 1 tấm nào.
Một anh thanh niên khác trông bình thường nói với anh kia là nếu không có gì thì thả cho tôi đi.
Bất chợt xuất hiện một bác đứng tuổi có vẻ là người hiểu biết, có học thức tiến ra gặp tôi.
Bác bảo nhân dân chúng tôi không chống phá ai, chúng tôi chỉ chống tham ô, tham nhũng và cướp đất của dân thôi. Mời anh đi cho (ý nói tôi).
Tôi tiếp tục trình bày: “Cháu từ Dương Nội – Hà Đông vào, quê cháu cũng bị bọn chúng đàn áp và cướp đất. Đêm qua nghe tin từ Đồng Tâm, sáng nay cháu vào đây để ủng hộ tinh thần các bác và bà con”.
Bác già cám ơn và giải thích: “Cám ơn cháu nhưng thời điểm hiện tại bà con Đồng Tâm phải luôn cảnh giác với bất cứ ai. Một bác 65 tuổi đảng đã bị bắt đi rồi. Mời cháu đi cho.”
Có lẽ bà con sợ các nhà báo bưng bô, bọn truyền hình tin vịt đưa tin vu khống bà con. Tôi nói lời sau cùng trước khi quay trở ra: “Cháu ủng hộ và dõi theo bà con Đồng Tâm.”.
Đi ra được một quãng thi nghe tiếng kẻng kêu đồng thời tiếng loa phát thanh thông báo: “Bà con phải hết sức cảnh giác với thế lực phản động” . Đúng là bà con Đồng Tâm đang RÀO LÀNG KHÁNG CHIẾN thật rồi. Tôi không thể chụp được một bức ảnh nào về ý trí của bà con cả, chỉ có bức ảnh chụp lối vào Đồng Tâm khi tôi quay ra.
Mọi người lưu ý bất cứ ai muốn đến Đồng Tâm ủng hộ, hỗ trợ hãy liên lạc với những người bên trong để tránh tình huống xấu xảy ra.

(Cập nhật…)

(Ba Sàm)

Phiên tòa giả định xét xử 2.000 người dân Lộc Hà, Hà Tĩnh

Trần Thành-17-04-2017
(VNTB) - Giả dụ phiên tòa hình sự xét xử vụ án nói trên được diễn ra tại Tòa án nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thì với số lượng bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng… lên đến con số 2.000 người, thì lắm vấn đề đặt ra, kể cả áp lực của đám đông người dân dự phiên tòa, sẽ đủ để tạo nên một cuộc biểu tình còn khốc liệt đến khó lường.
   Giáo dân làm chủ trụ sở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. (Hình: Internet)

Ngày 12-4, báo chí đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vụ gây rối trật tự công cộng và bắt giữ người trái pháp luật tại huyện Lộc Hà. Theo đó, ngày 3-4, có khoảng 2.000 người dân xã Thạch Kim và Thạch Bằng đã kéo nhau, tụ tập ở UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) để gây áp lực với chính quyền xung quanh việc đền bù sự cố môi trường biển.
Theo cơ quan điều tra, thì có người quá khích đã có hành vi kích động, xô đẩy hàng rào bảo vệ, trèo lên trú sở UBND huyện Lộc Hà treo băng rôn, khẩu hiệu. Có người còn lăng mạ, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Sự việc nghiêm trọng hơn khi một chiến sĩ công an tỉnh đang làm nhiệm vụ bị một số đối tượng quá khích bắt giữ, đánh trọng thương phải nhập viện. Đến 16g cùng ngày người dân mới chịu giải tán.
Giả dụ phiên tòa hình sự xét xử vụ án nói trên được diễn ra tại Tòa án nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thì với số lượng bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng… lên đến con số 2.000 người, thì lắm vấn đề đặt ra, kể cả áp lực của đám đông người dân dự phiên tòa, sẽ đủ để tạo nên một cuộc biểu tình còn khốc liệt đến khó lường.
Trong vai trò luật sư bào chữa, thử hình dung về một cuộc hỏi đáp tại phiên tòa hình sự giả định ấy – lưu ý, ở đây có thể đến cả ngàn bị cáo:
+ Luật sư hỏi (H): Vì sao ông, bà lại đi biểu tình?
- Người dân đáp (Đ): Vì gia đình tôi bị thiệt hại do Formosa gây ra, nhưng họ không đền bù cho gia đình tôi.
+ H: Ông, bà có nhầm lẫn gì không? Nhà nước đang đền bù cho ông bà, cho những người dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do Formosa gây ra kia mà.
- Đ: Formosa gây ra cho gia đình chúng tôi. Vậy thì tại sao họ lại mặc cả chuyện đền bù này với ông nhà nước? Và ông nhà nước chưa tìm hiểu cặn kẽ gia đình của tôi bị thiệt hại ra sao, đã vội nhận khoản tiền gọi là đền bù của Formosa. Nhà nước đền theo cách tính của ông nhà nước. Gia đình tôi yêu cầu Formosa phải đền đúng theo những gì mà họ đã gây ra cho gia đình chúng tôi.
+ H: Thế nhưng biểu tình như vầy mà không xin phép là vi phạm pháp luật.
- Đ: Chúng tôi không đi biểu tình. Chúng tôi đi khiếu nại ông nhà nước vì sao lại đền bù không thỏa đáng về những thiệt hại mà Formosa đã gây ra cho từng gia đình chúng tôi.
+ H: Thế nhưng đi như vầy là tập trung đông người…
- Đ: Luật buộc chúng tôi phải đi như vậy, vì có cho khiếu nại, khiếu kiện tập thể đâu?. Chúng tôi đi nộp đơn kiện Formosa ra tòa yêu cầu đền bù, mấy ông chính quyền cản trở. Khi cản trở thì tụi tôi phải dồn cục lại một chỗ. Không cho đi nộp đơn, mà còn hăm he đủ điều thì thử hỏi người dân làm sao không nổi giận?
Vì chính quyền ngăn cản người dân thực hiện quyền tố tụng dân sự, đưa đến bức xúc phản đối. Việc gây rối loạn trật tự ở đây phải là cơ quan công quyền, bởi cơ quan công quyền đã làm nhiễu loạn pháp chế XHCN, đưa đến hệ lụy rối loạn trật tự. Nếu cáo buộc, thì người dân chúng tôi bất quá chỉ là đồng phạm cho hành vi gây rối mà thôi.
+ H: Như vậy ông, bà cho rằng nếu tập trung đông người mà không nhằm gây rối thì không phạm tội?
- Đ: Chứ còn gì nữa. Luật pháp buộc chúng tôi không được làm đơn khiếu nại tập thể, không được khởi kiện tập thể. Luật pháp đâu có yêu cầu là đi nộp đơn phải đi một mình.
+ H: Một vấn đề khác. Vì sao ông, bà lại đánh một chiến sĩ công an?
- Đ: Câu hỏi này dị quá. Cái ông bị đánh nằm dài dưới đất ở hôm ấy có sắc phục đâu mà chúng tôi biết hắn là công an hay côn đồ?.
+ H: Thế lúc điều tra vụ án, mấy cán bộ xét hỏi có truy ông, bà về động cơ… gây án?
- Đ: Động cơ gây án chính là mấy ông nhà nước chứ ai. Tụi tôi bị bọn Formosa gây hại, nhưng ông nhà nước lại đứng ra làm trung gian bồi thường dùm, và bồi thường không trúng với những gì mà tụi tôi đã bị thiệt hại, và vẫn đang thiệt hại.
+ H: Nếu có lời nói cuối trước khi Hội đồng xét xử nghị án, ông, bà muốn nói gì?

- Đ: Tôi nghe ông bộ trưởng Trần Hồng Hà nói sở dĩ Formosa gây ô nhiễm vì sử dụng công nghệ dập cốc ướt. Đã biết như vậy, thì sao lại vẫn cho Formosa tiếp tục công nghệ này đến năm 2019? Nếu nói xử lý hồ nước chứa thải gì đó là biển miền Trung hết bị Formosa đầu độc, vậy thế giới người ta tốn tiền của làm chi để chọn công nghệ dập cốc khô? Nếu ông quan tòa không trả lời được, thì tôi tin sau khi tôi đi tù, chắc chắn con cháu của tôi lại phải tiếp tục đi thưa kiện Formosa, và tụi nhỏ chắc cũng sẽ lại hầu tòa như tụi tôi hôm nay.

‘Chấm dứt mua lại ngân hàng giá 0 đồng’: Có truy lại trách nhiệm Nguyễn Văn Bình?

Minh Quân-17-04-2017
(VNTB) - Từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền cho tới nay, ông Nguyễn Văn Bình vẫn chưa bị truy cứu bất cứ trách nhiệm nào về rất nhiều hậu quả lớn gây ra từ thời ông Bình còn là thống đốc Ngân hàng nhà nước. Không những thế, ông Nguyễn Văn Bình còn lọt vào Bộ Chính trị đảng và trở thành Trưởng ban Kinh tế trung ương.

Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình (trái) cùng Thủ tướng Phúc và Ban Tổ chức trung ương.

Ngân hàng nhà nước, vào thời thống đốc mới là ông Lê Minh Hưng - con trai cựu bộ trưởng công an Lê Minh Hương - sau khi chỉ đạo “cấm đảo nợ” trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, lại vừa có thêm một động thái mới về xử lý tín dụng: Chấm dứt mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng.

Thông tin trên được Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa ra, theo kết luận được thống nhất tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 11/4, với nội dung thảo luận về dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Theo đó, các ngân hàng yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng, sau đó có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.

Có thể cho rằng chỉ đạo trên là một cách “tất toán” đối với di sản của “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” cùng chiến dịch Ngân hàng nhà nước thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình vung tiền mua lại giá 0 đồng dành cho 3 ngân hàng thương mại đương nhiên phá sản là Xây Dựng, Đại Dương và Dầu Khí Toàn cầu.

Cho tới nay, tiền ở đâu để Thống đốc Bình mua lại 3 ngân hàng trên vẫn là một nghi ngờ rất lớn. Nhiều dư luận cho rằng ông Nguyễn Văn Bình đã tham mưu cho thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng để dùng tiền ngân sách - tức tiền đóng thuế của dân - nhằm “hô hấp nhân tạo” cho những ngân hàng thực ra đã chết.

Những quan hệ đen tối

Trong thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được coi như tiến bước vào chu kỳ phá sản từ năm 2014. Ngân hàng Xây Dựng có số lỗ lũy kế trước khi bị mua lại với giá 0 đồng là hơn 18.000 tỷ đồng. Vào tháng Bảy năm 2014, ba quan chức cao cấp của ngân hàng này đã bị khởi tố và bị bắt giam. Ở Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP), số lỗ lũy kế cũng lên đến hơn 12.000 tỷ đồng. Chưa kể Ngân hàng Đại Dương của “tư sản đỏ” Hà Văn Thắm đã bị bắt…

Đến năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng - một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng.

Chính vào thời gian đó, bất chấp lối tuyên truyền một chiều về chiến dịch mua lại ngân hàng thương mại với giá 0 đồng của Ngân hàng nhà nước và được giới tuyên giáo trung ương nhiệt tình hỗ trợ, một tờ báo trong nước vẫn nhận định: “Rất khó nhận diện ngân hàng 0 đồng bởi nhiều ngân hàng không công bố số liệu và cũng chưa hẳn công bố chính xác.” Xét về mặt quy mô, hiện nay vẫn còn khoảng 11 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ nhỏ hơn 5.000 tỷ đồng. Bề ngoài có thể “hào nhoáng,” nhưng ẩn sâu trong đó là câu chuyện sở hữu chéo dẫn đến vốn ảo, cho vay “sân sau” với nền tảng nợ xấu lớn. Với bài học của ngân hàng mang vỏ bọc đẹp đẽ Ocean Bank, sẽ không ngạc nhiên khi một ngày đẹp trời nào đó có thêm một ngân hàng được đặt trong tình huống mua lại với giá 0 đồng tương tự”.

Năm 2015, việc Ngân hàng nhà nước quyết định mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng đã khiến nảy sinh mối nghi ngờ rất lớn về những quan hệ đen tối nào đó giữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình với các ngân hàng được không cho phá sản, để sau này nhiều người lại muốn “hồi tố” về động cơ thật sự của ông Nguyễn Văn Bình.

Nhưng từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền cho tới nay, ông Nguyễn Văn Bình vẫn chưa bị truy cứu bất cứ trách nhiệm nào về rất nhiều hậu quả lớn gây ra từ thời ông Bình còn là thống đốc Ngân hàng nhà nước. Không những thế, ông Nguyễn Văn Bình còn lọt vào Bộ Chính trị đảng và trở thành Trưởng ban Kinh tế trung ương.

Những câu hỏi còn lại

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng thông điệp về chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng chỉ là vấn đề câu chữ: “Vậy, nói là chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng nhưng nếu thực hiện mua bắt buộc thì vẫn phải là mua 0 đồng. Còn nếu không mua với giá 0 đồng thì phải điều chỉnh lại là Ngân hàng nhà nước chỉ đứng ra tiếp quản hay nhận chuyển giao, chứ không mua bắt buộc. Ngay khi dùng ngôn từ này thì về thực chất, các cổ đông hiện hữu của tổ chức tín dụng cũng mất quyền cổ đông”.


Liệu có thể hiểu việc “chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng” là sự thể hiện “quyết tâm” của Chính phủ sẽ không dùng tiền ngân sách để đắp vá cho những ngân hàng phá sản? Nếu đúng thế, văn bản của Ngân hàng nhà nước cần phải nói rõ ra điều đó, chứ không thể úp mở câu chữ mà có thể bị một lực lượng tài phiệt nào đó lợi dụng và biến tiền đóng thuế của dân thành “bò lạc”. 

Chính phủ kiến tạo lạm phát chỉ đạo

Anh Văn - 17.4.17
(VNTB) Rõ ràng, sự chuyển bớt “chỉ đạo” này vẫn không cần thiết. Một chính phủ kiến tạo là một chính phủ ra quyết sách và buộc cấp dưới tuân theo, chứ không phải một chính phủ nhắc nhở và đốc thúc từng cm một như hiện nay.

Ai bận rộn nhất chính trường Việt Nam nếu không phải là ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc? Khi ông đi thăm địa phương liên tục, và sự xuất hiện dày đặc hàng chữ “Thủ tướng chỉ đạo” trên mặt báo.

Riêng trong tuần này, ông đã xuất hiện 2 chỉ đạo bao gồm: Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ bé lớp 5 bị hiếp dâm ở Cà Mau; Thủ tướng chỉ đạo kỷ luật, miễn nhiệm vụ bổ nhiệm 'thừa' 23 cán bộ ở Thái Nguyên.

Ông Phúc liên tục ra "chỉ đạo - yêu cầu" đối với cấp dưới. Ảnh: chụp màn hình Vneconomy

Như vậy có thể thấy, từ việc “điều tra” cho đến “kỷ luật” đều xuất hiện sự “chỉ đạo” của Ngài Thủ tướng. Và sự chỉ đạo này, đúng như quan điểm của PGS. TS Phạm Quý Thọ trên BBC Việt Ngữ, là “những 'chỉ đạo' của thủ tướng đã và đang gây ấn tượng và thu hút được sự chú ý của công luận và người dân.” Tuy nhiên, nếu cứ “chỉ đạo” liên tục này liệu có cần thiết hay không? Bởi qua đó, nó cho thấy rất nhiều vấn đề nằm trong bộ máy nhà nước hiện tại, đó là sự thiếu đồng bộ từ chủ trương – chính sách cấp trung ương và sự thực hành tại địa phương; là vấn đề trên bảo – dưới không nghe,…

Dù có tạo ra một sự “khác biệt” so với người tiền nhiệm là ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng chừng đó không đủ để tạo ra một sự thay đổi căn bản trong thể chế nhà nước để đi tới một Chính phủ vì dân hành động mà Ngài Thủ tướng hướng tới. Bởi, bản thân điều đó phải chứa đựng sự “giải trình và chịu trách nhiệm chính trị”, nhưng ở đây, Ngài Thủ tướng mới chỉ cho thấy sự “yêu cầu giải trình”, mà chưa cho thấy sự “tự giải trình và chịu trách nhiệm” ở cấp dưới. Điều này cực kỳ quan trọng, nó thể hiện sự nghiêm túc và một quyết tâm rộng hơn liên quan đến cải cách thể chế nhà nước, bởi một con én chưa bao giờ sẽ làm nên mùa xuân, nhất là mùa xuân đó gạt bỏ các yếu tố liên quan đến sự trì trệ, quan liêu và tham nhũng.

Ngài Thủ tướng có thể quyết tâm hơn, thông qua việc hiện thực hóa “Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” ban hành từ năm 2012. Theo đó, gắn trách nhiệm chức trách với cán bộ lãnh đạo, điều này bao hàm việc, bất kỳ “lãnh đạo” nào để xảy ra sai phạm đều sẽ đi đến kỷ luật và mất chức. Chính yếu tố đánh vào cái “ghế” của lãnh đạo sẽ tạo động lực cho khả năng làm việc cho cấp cơ sở. Và việc hiện thực hóa điều này chính là một “chỉ đạo lớn”, mang tính toàn diện hơn, sâu rộng hơn, khiến mỗi cán bộ cơ sở sẽ tự điều chỉnh, chỉ đạo mình trong công vụ phục dịch người dân.

Câu chuyện của Ngài Thủ tướng về bản chất không khác gì câu chuyện của ông Phó chủ tịch Quận 1 Đoàn Ngọc Hải. Sự tuyên bố “về vườn” khi không làm tốt nhiệm vụ dọn dẹp vỉa hè khiến ông Phó năng xuống đường hơn, nhưng vì chỉ mình ông quyết tâm nên sau khi ông không ra đường nữa, thì chuyện lấn chiếm lại vỉa hè lại bắt đầu tái phát. Câu chuyện vỉa hè không thể giải quyết triệt để bởi sự xuống đường, mà phải gắn nó với cái ghế của các Chủ tịch phường. Tương tự, một Thủ tướng không thể suốt ngài “chỉ đạo”, bởi nó tính nhất thời và tạm gọi là “làm màu, vuốt ve dân”, một Chính phủ cần tính điều hành liên bộ, một cách thức điều hành thống nhất từ trên xuống, và mang tính vĩ mô – nhưng sự vĩ mô đó phải thể hiện lập trường cứng rắn để đảm bảo cơ sở phải tuân theo. Bởi nếu không cẩn trọng trong cách điều hành một Chính phủ, thì từ Chính phủ kiến tạo sẽ dễ dàng chuyển sang Thủ tướng chỉ đạo – đơn độc và không hiệu quả về mặt lâu dài, trong khi những vấn đề như tham nhũng, quan liêu cần một tiến trình lâu dài và duy ý chí hơn thế.

Và có lẽ nhận biết được sự “chỉ đạo” quá nhiều của mình mà gần đây, Ngài Thủ tướng đã giảm bớt tần suất, thay vào đó là ngài Phó thủ tướng lên tiếng “chỉ đạo”. Ví dụ trong tuần này, Ngài Phó thủ tướng đã chỉ đạo với các nội dung như sau: Phó thủ tướng chỉ đạo không tùy tiện cấm ca khúc xưa; Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ thiếu nữ bị cắt tai; Phó Thủ tướng chỉ đạo vụ BOT Bến Thủy; Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vụ tai nạn khiến 4 người tử vong ở Hà Giang.

Rõ ràng, sự chuyển bớt “chỉ đạo” này vẫn không cần thiết. Một chính phủ kiến tạo là một chính phủ ra quyết sách và buộc cấp dưới tuân theo, chứ không phải một chính phủ nhắc nhở và đốc thúc từng cm một như hiện nay.

Ông Lý Quang Diệu từng nhấn mạnh: “Một chính phủ được yêu mến và mang tính đại diện là một chính phủ mà sau mỗi giai đoạn 5 năm, các chính sách của chính phủ đó đều phát huy hiệu quả, và giành được sự ủng hộ của dân chúng”. Và Ngài Thủ tướng có thể được yêu mến bởi dân chúng nếu như tạo được sự “tuân thủ” luật pháp ở cấp dưới gắn liền với “cái ghế” thay vì chỉ đạo.

Cấm người dân bí mật ghi âm, ghi hình: Có vi hiến?

VOV.VN - Theo luật sư, việc cấm người dân bí mật ghi âm, ghi hình là vi hiến và mâu thuẫn với nhiều luật chuyên ngành.

Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị mà Bộ Công an đang soạn thảo, trong đó có quy định hạn chế đối tượng sử dụng phần mềm đang nhận được ý kiến trái chiều của dư luận. Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM.
cam nguoi dan bi mat ghi am ghi hinh co vi hien hinh 1

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM (Ảnh: NVCC)
PV: Tại dự thảo quy định điều kiện kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị mà Bộ Công an đang soạn thảo đã hạn chế đối tượng sử dụng. Dưới góc nhìn của một luật sư, ông nhìn nhận thế nào về quy định này?
Ông Nguyễn Văn Hậu: Trong việc lấy ý kiến vừa qua, dư luận không đồng tình bởi vì quy định này không đúng với tinh thần của Hiến pháp. Tức là khi hạn chế điều kiện kinh doanh thì phải hạn chế theo luật định, đặc biệt là hạn chế quyền công dân, quyền con người thì phải nâng lên thành luật. Những hạn chế này so với Luật doanh nghiệp thì chưa đến lúc phải ban hành những quy định như vậy.
PV: Theo ông nói, dự thảo Nghị định này vi hiến, mâu thuẫn với các quy định khác?
Ông Nguyễn Văn Hậu: Chúng tôi cho rằng, văn bản này vi hiến. Nếu ban hành theo hướng cấm sử dụng thì khó khả thi trong cuộc sống và không giải thích được những quy định pháp luật khác vì chồng chéo lẫn nhau như Luật báo chí, Luật luật sư… những Luật chuyên ngành đó cũng đã giao thẩm quyền thực hiện chứng cứ cũng như chức năng, nhiệm vụ của từng ngành nghề.
PV: Tên Nghị định là quy định điều kiện kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị nhưng đối tượng áp dụng lại có cả người không kinh doanh. Theo ông, có sự mâu thuẫn ngay trong Dự thảo hay không?
Ông Nguyễn Văn Hậu: Khi chúng ta ban hành một quy định pháp luật thì phải xem xét có vi hiến hay không, có chồng chéo với các Luật khác không. Bởi vì những luật khác cũng quy định vấn đề này khi họ thực hiện luật chuyên ngành. Do đó, nếu thông qua Nghị định này thì sẽ không đảm bảo quyền và nghĩa vụ của cá nhân, không đảm bảo việc xây dựng quyền con người và quyền công dân. Nếu cá nhân sử dụng các thiết bị này để có những hành vi trái pháp luật thì Luật Hình sự, Luật Dân sự… đã có điều chỉnh. Nếu quy định một cách cụ thể như vậy, tôi cho rằng kỹ thuật lập pháp có lỗ hổng, do đó cần có sự phản biện lại.

PV: Thời gian qua có nhiều vụ việc thực phẩm bẩn, các chuyên án về tham nhũng, tiêu cực được báo chí và người dân phanh phui, phản ánh tới công luận là nhờ sự hỗ trợ đắc lực của thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang chuyên dụng. Nay dự thảo quy định hạn chế đối tượng sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang sẽ gây hệ lụy nào tới việc huy động người dân cũng như xã hội cùng đấu tranh chống tham nhũng và các loại hình tội phạm khác, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hậu: Nếu quy định như vậy thì sẽ không đảm bảo được sự chung tay góp sức của cộng đồng vào quá trình đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội hiện nay, đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đó sẽ là một bước lùi trong hoạt động lập pháp.
PV: Tại cuộc họp vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu quan điểm xem xét kỹ dự thảo quy định này. Dẫn chứng vụ việc vừa xảy ra tại Mỹ khi hành khách bị kéo lê khỏi máy bay của hãng hàng không United Airlines (UA), ông Nguyễn Thiện Nhân cho thấy vai trò, ý nghĩa thiết thực của việc công dân được ghi âm, ghi hình. Nếu bị cấm thì mọi người sẽ không biết đến vụ việc và sẽ bị chìm xuồng. Mặt trận Tổ quốc sẽ có ý kiến trong phiên họp thường kỳ Chính phủ sắp tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hậu: Tôi đồng tình với ý kiến này vì đó là bằng chứng không thể chối cãi được trong sự việc của hãng hàng không United Airlines (UA). Nếu không có những thiết bị ghi âm, ghi hình này thì làm sao các cơ quan, báo chí có chứng cứ trong việc phòng, chống tham nhũng. Đó cũng là những chứng cứ để đấu tranh chống những tiêu cực xã hội. Do đó, dư luận không đồng tình với dự thảo Nghị định về điều này.
PV: Ở đây cho thấy rất cần sự vào cuộc của Bộ Tư pháp và các cơ quan đoàn thể khác, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hậu: Các tổ chức xã hội và Bộ Tư pháp có chức năng là cơ quan gác cổng cần thực hiện quyết liệt, không để lọt những văn bản đi ngược lại Hiến pháp. Đó cũng là bước hạn chế những quyền cơ bản của công dân trong việc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay, qua đó giúp người dân có cơ sở yêu cầu cơ quan công quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
PV: Trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội và công nghệ như hiện nay, theo ông, cơ quan chức năng cần có cách quản lý ra sao để phát huy vai trò của mạng xã hội, công nghệ và hạn chế, ngăn ngừa những hành vi lợi dụng nó với ý đồ xấu, thay vì tư duy cấm đoán?
Ông Nguyễn Văn Hậu: Tôi cho rằng, cần phải cải tiến cách quản lý. Chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, trên cơ sở pháp luật thì phải có cách quản lý khác, chứ không phải quản lý không được thì ban hành lệnh cấm. Việc cấm này làm cho trình độ của những người thực thi công vụ nếu theo cách cũ thì sẽ không phát triển được thực tế xã hội đang trên đường đổi mới, đặc biệt cải cách về hành chính, tư pháp, cải cách về đổi mới trong đội ngũ công quyền thì chưa thực sự đột phá.
PV: Xin cảm ơn ông./.


Thanh Trường - K.Anh/VOV

Về ngòi nổ Mỹ Đức, Hà Nội!

Người dân Mỹ Đức đối đầu với công an đêm qua. Ảnh chụp từ một video clip.

Báo Việt giữ “quyền im lặng” về vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, có thể khốc liệt gấp hàng chục lần vụ Đoàn Văn Vươn mấy năm trước!
Vì vậy mạng xã hội đã chiếm vai trò thông tin thay báo chí, dù có thể hỗn loạn và chưa chính xác!
Chủ tịch Hà nội vừa trao đổi qua điện thoại với tôi. Tôi nói rằng hôm qua, thông qua giới thiệu, một số bà con Mỹ Đức đã liên hệ với một số luật sư, trong đó có tôi. Nhưng do tôi trên máy bay khi đó, nên có thể họ không liên lạc được. Họ đã liên lạc với luật sư Hà Huy Sơn, và được luật sư Sơn khuyên để các chiến sĩ cơ động ra khỏi khu vực.
Hôm nay, được tin tình hình chưa giải quyết được, và khu vực này bị cắt liên lạc, do đó có thể họ chưa liên lạc với tôi. Với trách nhiệm một luật sư có kinh nghiệm với dân oan và một công dân, tôi (cùng một số luật sư và công dân khác) sẵn sàng giúp chính quyền cùng dân tháo ngòi nổ Mỹ Đức.
Ông Chung cho biết tình hình đang được tháo gỡ và rất mong mọi người cùng chung tay tránh phức tạp hơn. Ông nói có thể liên lạc lại với tôi, sau khi nắm rõ hơn tình hình và đề nghị nếu có người dân Mỹ Đức liên lạc với luật sư, có thể thông qua luật sư trình bày các đề nghị để cùng tháo gỡ!
Ông Nguyễn Văn Hoạt, chủ tịch huyện Mỹ Đức, từng làm phòng công chứng nhà nước số 1 tại Hà nội, là người quen biết tôi từ lâu, tôi đánh giá là một cán bộ hiểu biết. Hy vọng ông Hoạt sẽ tìm cách tốt nhất tháo gỡ cho dân, cho chính quyền và cho chính ông.
Vậy tôi xin thông tin cho báo chí, mạng xã hội và người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức biết!
PS: 15h30, ông Hoạt, chủ tịch Mỹ Đức thông báo cho tôi biết, ông Chung, chủ tịch Hà nội sắp đến huyện để trực tiếp chỉ đạo giải quyết!
____
16-5-2017
Vẫn hy vọng vào giải pháp đối thoại giữa Chính quyền Hà Nội và chính quyền cấp cao hơn với người dân Đồng Tâm Mỹ Đức vào những thời khắc cuối.
Nhưng có lẽ, tôi đã là một kẻ hy vọng hão huyền và lạc loài với thực tế của đất nước này rồi.
Có thể khi tôi viết những dòng chữ này thì khói ngạt lựu đạn đã bao trùng hiện trường, dùi cui đã giáng vào đầu vào vai, vào da thịt trong hận thù và không mảy may nghĩ suy tiếc thương
Có lẽ. Lửa đã cháy và máu đã đổ…..
Rồi ngày mai sẽ ra sao ?
Không lẽ đến lúc này vẫn chỉ là khởi tố và lập hồ sơ vụ án thôi sao mấy anh ?????
Bắt đi vài người, thậm chí vài chục người, cũng chỉ tạm yên ở chốn này, để rồi lại bùng lên chốn khác.
Mà thời gian để tạm yên đâu có dài đến con số năm như xưa nữa. Giờ đây các anh đang phải lo từng ngày, từng tuần, từng tháng như một con nợ tứ bề rồi.
Nợ công, nợ tư, nợ cấp trên, nợ cấp dưới, nợ công việc, nợ quan trường… vẫn chưa đủ khó nhọc hay sao ?
Giờ thêm nợ máu với dân nữa. Các anh có đủ sức mà tự lo không ?
Dừng lại đi. Vẫn còn kịp để chúng ta giữ lại điều gì đó, trước khi quá muộn. ..trước khi chúng ta chỉ còn cho nhau có mỗi hận thù.
____
16-4-2017
Chính quyền Hà nội cần nhận định rằng, 20 chiến sỹ cảnh sát cơ động đang ở lại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức là do chính một số người dân muốn bảo vệ tính mạng của họ, vì lo ngại những bức xúc của những công dân xã Đồng Tâm khác có thể thiếu kiềm chế và hiểu lầm, gây manh động. Chính các chiến sỹ đó đã nhận thức điều đó và đồng ý ở lại, hiện được chăm sóc mọi mặt, như những người con của xã này.
Nếu lãnh đạo Hà nội và huyện Mỹ Đức hiểu như vậy, cũng như những bức xúc có thật của người dân xã Đồng Tâm, và cam kết sẽ giải quyết đúng pháp luật, trên nguyên tắc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, trừng trị những kẻ lạm quyền, tôi tin chắc rằng sẽ có hướng tháo ngòi nổ Mỹ Đức!
____

Luật sư hỗ trợ nhân dân Đồng Tâm, Mỹ Đức

16-4-2017
Qua trao đổi, tôi và Luật sư Tu Minh Ha đồng ý hỗ trợ pháp lý cho người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức trong việc đối thoại với chính quyền để tháo gỡ ngòi nổ hiện nay.
Để thực hiện được việc này cần có những điều kiện sau: Thứ nhất, người dân phải có yêu cầu (trong tình trạng hiện nay không làm giấy thì có thể mời qua điện thoại); Thứ 2, Chính quyền địa phương và thành phố phải tạo điều kiện, bảo vệ Luật sư chúng tôi khi vào làm việc tại Đồng Tâm.
Chúng tôi cũng mong các Luật sư khác và Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HN hỗ trợ. Số điện thoại của tôi: 0943483636, số điện thoại của Luật sư Tu Minh Ha 0912382472.
Chúng tôi có thể vào Đồng Tâm đêm nay nếu có đủ hai điều kiện trên.

(Ba Sàm)