Saturday, December 2, 2023

Gặp Vương Nghị, Võ Văn Thưởng nhắc chuyện ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước Việt Nam, được ghi nhận “tay bắt, mặt mừng” khi đón tiếp ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, tại Hà Nội.

Ông Vương được cho là có chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày để dọn đường cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, nhiều khả năng diễn ra trong tháng này.

Ông Vương Nghị (trái), ngoại trưởng Trung Quốc, trong cuộc gặp ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước Việt Nam, tại Hà Nội. (Hình: Lao Động)

Theo báo Người Lao Động hôm 2 Tháng Mười Hai, tại cuộc gặp ông Vương, ông Thưởng nhấn mạnh Việt-Trung “là láng giềng gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, cùng kiên trì đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản.”

Ông Thưởng nhắc lại chủ trương cho rằng quan hệ hữu nghị Việt-Trung “vừa là đồng chí, vừa là anh em” của hai ông Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông.

Khi tường thuật về các cuộc họp của ông Vương Nghị tại Hà Nội, các báo ở Việt Nam chỉ viết chung chung rằng: “Về vấn đề Biển Đông, hai bên thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, đặt mình vào vị trí của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công Ước của Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển năm 1982…”

Tại buổi tiếp ông Vương Nghị hôm 1 Tháng Mười Hai, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, bày tỏ sự trân trọng những giúp đỡ của Trung Quốc “đối với sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước của Việt Nam,” theo VNExpress.

Ông Trọng cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam “ưu tiên hàng đầu mối quan hệ Việt-Trung, ủng hộ một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa…”

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập cảng quan trọng cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn lớn thứ tư trên thế giới của Trung Quốc và lớn nhất trong khối ASEAN.

Thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc được ghi nhận tăng 5.5% lên $175.5 tỷ vào năm ngoái, trong đó các chuyến hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam chiếm 67%, theo dữ liệu của Bộ Công Thương Việt Nam. (N.H.K) [qd]

Miến Điện hỗn loạn, dân lao động Việt không biết bao giờ hồi hương

 SHAN, Miến Điện (NV) – Khoảng hai tuần sau cuộc tấn công rầm rộ chống lại chính quyền quân sự Miến Điện của liên minh ba dân quân thiểu số được trang bị võ khí mạnh mẽ, một đại úy quân đội, chiến đấu trong khu vực rừng rậm gần biên giới phía Đông Bắc giáp Trung Quốc, than thở rằng ông chưa bao giờ chứng kiến giao tranh mãnh liệt như vậy.

Chỉ huy của ông ở Sư Đoàn Bộ Binh Hạng Nhẹ Số 99 của Miến Điện thiệt mạng trong trận giao tranh ở tỉnh bang Shan một tuần trước đó và binh sĩ 35 tuổi này cho biết hãng tin AP biết, các tiền đồn của quân đội đang hỗn loạn và bị tấn công từ tứ phía.

Bị bất ngờ trước cuộc tấn công mang tên Chiến Dịch 1027, quân đội thất thủ hơn 180 tiền đồn và cứ điểm, gồm có bốn căn cứ lớn và bốn cổng biên giới chủ lực về kinh tế với Trung Quốc.

Lực Lượng Dân Quân Phòng Vệ Loikaw chuẩn bị ra tiền tuyến ở Loikaw, tỉnh bang Kayah, Miến Điện, chống lại quân đội xứ này (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Cả hai bên đều tuyên bố gây thiệt hại nặng nề cho nhau, mặc dù không có thống kê thương vong chính xác. Theo Liên Hiệp Quốc, gần 335,000 thường dân phải di tản trong cuộc giao tranh, nâng tổng số lên hơn 2 triệu người phải bỏ nhà cửa trên toàn Miến Điện.

Vụ lật đổ tư lệnh quân đội vào ngày 1 Tháng Hai năm 2021, Tướng Lãnh Cấp Cao Min Aung Hlaing làm cho hàng ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ tuần hành ở các thành phố Miến Điện.

Các nhà lãnh đạo quân sự đáp trả bằng các cuộc đàn áp tàn bạo và bắt giữ hơn 25,000 người và giết chết hơn 4,200 người tính tới Thứ Sáu, 30 Tháng Mười Một, theo dữ kiện từ Hiệp Hội Hỗ Trợ Tù Nhân Chính Trị và các nhà điều tra độc lập thuộc Liên Hiệp Quốc hồi đầu năm nay cáo buộc chế độ này phải chịu trách nhiệm về nhiều tội ác chiến tranh.

Có 166 người VIệt Nam bị lừa sang làm việc cho những công ty cờ bạc trực tuyến tại miền Bắc Miến Điện, được quân đội của chính quyền quân sự giải cứu vào ngày 20 Tháng Mười vừa qua, sau đó được cho sống tạm bợ trong một trường học bỏ hoang, Đài RFA Việt ngữ loan tin.

“Chúng tôi là người Việt Nam, ở đây 40 ngày rồi, không có cơm ăn, không điện, không nước. Giờ chúng tôi lạnh quá, hết tiền ăn, lương thực thì cạn kiệt,” nhóm công nhân Việt Nam cho hay.

Những người Việt Nam bị lừa đi lao động tại Miến Điện, đang chờ hồi hương trong một trường học bỏ hoang miền Bắc Miến Điện (Hình: Facebook/@Mẫn Linh/RFA)

“Xin Tòa Đại Sứ Việt Nam hãy đưa chúng tôi về Việt Nam càng sớm càng tốt. Cứu, cứu, cứu!” Họ kêu cứu trong lúc bị kẹt lại ở vùng chiến sự thuộc vùng biên cương giữa Miến Điện và Trung Quốc.

Đó là tiếng kêu than đồng thanh của nhóm dân lao động Việt Nam đang bị kẹt lại ở vùng chiến sự thuộc biên giới giữa Miến Điện và Trung Quốc.

Một người phụ nữ Kiên Giang muốn ẩn danh vì lý do an ninh cho biết, 166 người sống trong các phòng học, chỉ được cấp điện từ một tới hai tiếng trong buổi sáng, không có nước sinh hoạt, quân đội phát phần ăn ngày hai bữa, tiêu chuẩn một bữa chỉ được một chén cơm và canh rau cho mỗi người.

Những người Việt bị kẹt có sinh quán từ nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam đi qua Miến Điện làm ăn theo lời dụ dỗ, riêng Kiên Giang có khoảng 100 người, bà cho hay.

Sau khi các nạn nhân gọi điện thoại về nhà cầu cứu, bà cùng các thân nhân khác viết đơn đề nghị giải cứu công dân gửi tới Sở Ngoại Vụ và Công An tỉnh Kiên Giang vào ngày 16 Tháng Mười, và bốn ngày sau các thân nhân lặn lội ra Hà Nội đệ đơn cho Cơ Quan Lãnh Sự và Bộ Ngoại Giao, nhưng cho tới nay các cơ quan này vẫn im thin thít.

“Tôi hay có tin tức công dân của các quốc gia Thái Lan, Campuchia, và Philippines được về nước từ Trung Quốc, nhưng không hiểu sao con tôi và bạn bè nó vẫn bị kẹt tại Miến Điện,” một thân nhân cho hay. (TTHN)

Trần Lưu Quang thừa nhận cán bộ ‘ngồi chơi’ nhưng không thể sa thải

 HẢI PHÒNG, Việt Nam (NV) – Ông Trần Lưu Quang, phó thủ tướng Việt Nam, vừa thừa nhận tình trạng có những cán bộ, viên chức nhà nước “ở cơ quan cả ngày, không làm gì nhưng không thể cho nghỉ được vì vướng quy trình.”

Theo lời ông Quang, cán bộ phải có hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan mới sa thải được, nhưng đến khi bỏ phiếu “thi đua công tác,” thì kết quả toàn là “lao động xuất sắc.”

Ông Trần Lưu Quang, phó thủ tướng Việt Nam. (Hình: Ngọc Sơn/Pháp Luật TP.HCM)

Báo Pháp Luật TP.HCM hôm 2 Tháng Mười Hai cho biết, ông Quang nói ra điều này tại buổi “Tiếp xúc cử tri” diễn ra ở huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

Lâu nay, “Tiếp xúc cử tri” là sự kiện mang tính hình thức để các báo ở Việt Nam tuyên truyền rằng lãnh đạo lắng nghe ý kiến của cử tri.

Thường thì tại các buổi họp như thế này, một số “cử tri” được bố trí để ca ngợi quan chức và sự lãnh đạo của đảng, trong lúc quan chức cho biết ý kiến chỉ đạo về các vấn đề thời sự xã hội.

Ông Trần Lưu Quang được ghi nhận nói thêm: “‘Năng suất lao động của chúng ta không tăng, đây cũng là một vấn đề chính phủ đã nhận lỗi trước Quốc Hội. Ở ngoại quốc, năng suất lao động của người ta rất tốt, còn ở bên mình nhiều khi cứ lắc lư.”

Tuy vậy, ông Quang không cho biết ông có giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng cán bộ “ngồi chơi xơi nước,” lãng phí tiền thuế dân, cũng như việc loại bỏ việc bình bầu “thi đua công tác” trong các cơ quan nhà nước.

“Tiếp xúc cử tri” là sự kiện mang tính hình thức để các báo ở Việt Nam tuyên truyền rằng lãnh đạo lắng nghe ý kiến của cử tri. (Hình: Ngọc Sơn/Pháp Luật TP.HCM)

Thậm chí, ông Quang còn nói thêm rằng chính phủ “cố gắng hết sức để thực hiện từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7% mỗi năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp.”

Theo giới quan sát, tên tuổi Trần Lưu Quang khá nhạt nhòa và ông này cũng không để lại dấu ấn, phát ngôn gì đáng kể khi còn làm phó bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, bí thư Hải Phòng, trước khi được đảng cho ghế phó thủ tướng từ đầu năm nay. (N.H.K)

Facebooker ‘Diệt Giặc Nội Xâm’ bị bắt vì ‘vu khống’ một chánh án vừa bị kiểm điểm

ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Một ngày sau vụ bắt ông Trần Minh Lợi, tức Facebooker “Diệt Giặc Nội Xâm,” ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, các báo tiết lộ nguyên nhân là vì ông này “vu khống chánh án huyện Cư Kuin.”

Ông Lợi, 55 tuổi, được nhiều người ở Việt Nam biết đến với những bài đăng trên trang cá nhân tố cáo tiêu cực, quan chức nhận hối lộ, tham nhũng và nhận hỗ trợ pháp lý cho những người yếu thế.

Ông Trần Minh Lợi lúc bị bắt. (Hình: Ngọc Oanh/VNExpress)

Báo VNExpress hôm 2 Tháng Mười Hai cho biết từ năm 2021, ông Lợi làm tư vấn pháp luật, nhận ủy quyền đại diện theo pháp luật cho một số cá nhân, tổ chức khởi kiện các vụ dân sự, hành chính tại tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh khác để hưởng thù lao. Trong đó có một số vụ án dân sự tại Tòa Án Huyện Cư Kuin. Do không đồng tình với một số phán quyết của thẩm phán, chánh án nên ông Lợi đăng bảy bài viết, bốn video clip tố cáo họ lên trang cá nhân.

Công An Tỉnh Đắk Lắk cáo buộc rằng những bài viết của ông Lợi “chia sẻ thông tin sai sự thật, vu khống, bịa đặt xuyên tạc, không có căn cứ, chưa được kiểm chứng, định hướng dư luận theo hướng chủ quan… nhằm thu hút khách hàng đến tư vấn hoặc thuê làm đại diện pháp luật để hưởng lợi cho cá nhân.”

Hành vi của ông Lợi bị cho là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chánh án cũng như Tòa Án Huyện Cư Kuin.”

Báo Dân Trí hồi đầu tháng trước cho biết ông Lê Lợi, chánh án Tòa Án Huyện Cư Kuin, bị buộc làm kiểm điểm do “làm khống” 13 tài liệu trong hai vụ án dân sự.

Cụ thể, khi thực hiện sao chụp hồ sơ vụ án, người được ủy quyền của hai đương sự phát hiện trong hồ sơ có 13 tài liệu không có nội dung, thời gian lập văn bản, tài liệu, nhưng lại có chữ ký của đương sự và thẩm phán.

Ông Lê Lợi sau đó bị tố cáo và Tòa Án Tỉnh Đắk Lắk xác nhận nội dung tố cáo là đúng.

Do chỉ bị kiểm điểm, đến nay ông Lê Lợi vẫn tại vị ghế chánh án.

Ông Lê Lợi, chánh án Tòa Án Huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, phát biểu tại một cuộc họp. (Hình: Đắk Lắk)

Trong khi đó, đây là lần thứ nhì ông Trần Minh Lợi bị bắt giam.

Theo tờ Người Lao Động, trong một sự việc xảy ra hồi đầu năm 2016, Công An Huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, bắt quả tang một nhóm sáu người đánh bài ăn tiền.

Ông Lợi bị cho là đã bàn bạc với người nhà các nghi can để “lót tay” 60 triệu đồng ($2,468) cho một cán bộ công an để những người này được tại ngoại. Sau đó, ông Lợi bị bắt, khởi tố với cáo buộc “đưa hối lộ.”

Trong phiên tòa diễn ra vào Tháng Bảy, 2018, Tòa Án tại Sài Gòn kết án ông Trần Minh Lợi bốn năm rưỡi tù vì tội danh nêu trên. (N.H.K) [qd]


Bình Định đem bùn đất nạo vét cảng Quy Nhơn ‘bức tử’ sông Hà Thanh

 BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Người dân ở phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, tức giận vì môi trường sinh sống đột nhiên bị bùn đất xâm chiếm.

Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Tân, 70 tuổi, ở khu vực 4, phường Nhơn Bình, cho biết bùn đất nạo vét từ cảng Quy Nhơn được giới hữu trách tỉnh Bình Định đem đến đổ tại đoạn sông Hà Thanh, khiến đoạn sông qua phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, biến thành đầm lầy khổng lồ làm tôm cá chết và bùn theo nước triều tràn vào nhà dân.

Dòng chảy sông Hà Thanh bị thu hẹp quá mức vì bùn đất tràn ngập cả một khu vực sông rộng lớn. (Hình: Lâm Thiên/Tuổi Trẻ)

“Trước đây nơi này là một đoạn sông rất thông thoáng, tôm cá nhiều vô kể. Từ ngày họ đổ bùn xuống thì cá, tôm mất sạch. Giờ bước ra đó chỉ toàn là bùn. Có nơi bùn ngập hơn 2 mét. Ai mà rớt xuống đó là chết như chơi, chứ đừng nói là đi bắt tôm bắt cá,” ông Tân bực dọc nói.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Á, 68 tuổi, ở khu vực 4, mất ăn mất ngủ vì hễ mưa lớn là nước kèm theo bùn đen tràn vào nhà cửa, ao hồ.

Theo bà Á, trước đây chính quyền địa phương cam kết với người dân sau khi kết thúc hoạt động nạo vét sẽ thực hiện các biện pháp phục hồi đa dạng khu vực dự án, thả con giống như tôm, hàu sữa, cua, cá. Thế nhưng kể từ hôm 31 Tháng Mười (hạn chót trong cam kết) đến nay, bùn đất vẫn ngổn ngang khắp nơi khiến người dân vô cùng bất an.

“Họ hứa hẹn rồi giờ chẳng thấy ai xuất hiện để cào hết bùn đất đi cho chúng tôi làm ăn, sinh sống. Bây giờ, chúng tôi đi nơi khác không được mà ở lại cũng không xong,” bà Á ngao ngán nói.

Trước đó, từ Tháng Hai, các sà lan vận chuyển bùn đất nạo vét từ dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn, đến đổ tại đoạn sông trên, sau đó bơm vào hai khu vực bãi đổ thuộc Khu Đô Thị Mới Chợ Góc do công ty Phú Gia Riverside tiếp nhận làm vật liệu san lấp mặt bằng.

Để làm chỗ chứa chất nạo vét, công ty Cổ Phần Cảng Quy Nhơn dùng những thanh sắt lớn đóng xuống lòng sông thành một bể chứa lớn có diện tích khoảng 2 hécta chắn ngang dòng chảy.

Thế nhưng nói với báo Tuổi Trẻ hôm 30 Tháng Mười Một, ông Phạm Anh Tuấn, chủ tịch tỉnh Bình Định, cho rằng việc làm như trên của công ty Cổ Phần Cảng Quy Nhơn “có đánh giá tác động môi trường bài bản, đàng hoàng” và “tỉnh cũng đã cân nhắc, xem xét kỹ và phê duyệt.”

Nước kèm theo bùn đất từ bên ngoài sông chảy vào bên trong ao nuôi thủy sản của bà Huỳnh Thị Á, khiến tôm cá chết sạch. (Hình: Lâm Thiên/Tuổi Trẻ)

“Tuy nhiên, trong lúc khai triển có nảy sinh một số vấn đề. Việc bùn đất từ thượng nguồn đổ về hạ lưu sông Hà Thanh vướng phải âu chứa bùn đất nạo vét của cảng Quy Nhơn đã khiến bùn đất tồn đọng. Đó là chuyện ngoài ý muốn vì điều kiện khách quan,” ông Tuấn biện minh.

Để xoa dịu sự bất bình của người dân, ông Tuấn cho biết “đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục để người dân an tâm sinh sống.” (Tr.N) [qd]

Lại vỡ hụi hơn $8 triệu ở Phan Thiết, hàng trăm người ‘chết đứng’

 BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Các hụi viên đã bỏ tiền triệu để chơi, song không biết mặt nhau, thậm chí không biết cả người hốt hụi do “bí mật cá nhân.”

Liên quan đến bốn đường dây vỡ hụi ở thành phố Phan Thiết, nói với báo đài tại cuộc họp giao ban báo chí hằng tháng hôm 30 Tháng Mười Một, ông Trần Long Khánh, trưởng Công An Thành Phố Phan Thiết, cho biết từ Tháng Mười đến Tháng Mười Một, công an đã nhận được 369 đơn tố cáo của những người ở tỉnh Bình Thuận và các tỉnh, thành khác.

Công an tiến hành bắt giam chủ hụi Ngô Thị Loan Chi, ở phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Cụ thể, bốn đường dây hụi của các “mỹ nữ” Huỳnh Thị Thúy Vân, 27 tuổi; Trần Thị Thanh Ngàn, 25 tuổi; Ngô Thị Loan Chi, 32 tuổi; và Nguyễn Thị Hồng Sa, 22 tuổi, bị tố cáo đã chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng ($8.2 triệu) và đây chưa phải là con số cuối cùng.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, đến nay, Cơ Quan Điều Tra Công An Thành Phố Phan Thiết mới khởi tố, bắt tạm giam bị can Ngô Thị Loan Chi, ở phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Trong khi đó, nghi can Trần Thị Thanh Ngàn, ở phường Nguyễn Hội, Phan Thiết, đã đến trình diện cơ quan điều tra để “hợp tác làm rõ.”

“Qua xem xét, đánh giá các đường dây hụi này đều thực hiện qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Các hụi viên đều không biết nhau và chỉ có chủ hụi biết và thông báo cho từng thành viên qua tin nhắn rồi chuyển tiền vào tài khoản cho chủ hụi. Đặc biệt, chủ hụi còn không thông báo tên tuổi người hốt hụi vì lý do ‘bí mật cá nhân,’ cho đến khi chủ hụi thông báo vỡ hụi, mất khả năng chi trả, tạm lánh mặt rồi tắt điện thoại, khóa trang mạng xã hội,” ông Khánh cho biết.

Theo ông Khánh, hình thức chơi hụi đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận và cũng là hình thức góp vốn làm ăn từ lâu đời. Tuy nhiên, tại tỉnh Bình Thuận đã xảy ra rất nhiều lần vỡ hụi ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó có vụ vỡ hụi toàn tỉnh vào năm 1989 gây ra “hậu quả rất nặng nề.”

Gần đây nhất, hôm 2 Tháng Năm, báo Pháp Luật TP.HCM cho biết Công An Tỉnh Bình Thuận vẫn đang làm rõ và chưa khởi tố nghi can Lê Thị Lại, 57 tuổi, ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, người bị tố cáo lừa đảo gần 900 người, chiếm đoạt khoảng 200 tỷ đồng ($8.2 triệu).

Qua làm việc, bà Lại khai từ 2005 đến nay, đã tổ chức làm chủ khoảng 300 dây hụi để hưởng huê hồng. Thời gian đầu, bà Lại thanh toán đầy đủ cho người chơi nên được nhiều người tin tưởng tham gia.

Tuy nhiên trong lúc chơi, có nhiều người “nuôi” chờ hốt hụi chót đã bị bà Lại “tự xử” hốt hụi và chịu lỗ tiền. Ban đầu tiền lỗ ít nên bà Lại tự xoay xở bù lỗ được. Thế nhưng do số lượng người tham gia ngày càng đông, nên chủ hụi đã “mất khả năng thanh toán.”

Để “chữa cháy,” khi có người chơi hốt hụi, không có tiền giao, bà Lại lừa người hốt hụi bằng cách khuyên lấy số tiền vừa hốt tiếp tục tham gia “chồng hụi” để thu lợi nhiều hơn. Tin tưởng chủ hụi, nhiều người đã không lấy tiền mà chuyển hết số tiền trên tiếp tục “chồng hụi.” Hằng tháng, những người này tính toán với chủ hụi tiền lời để đóng tiền hụi…

Nhiều hụi viên mang cả quan tài, vàng mã đến nhà chủ hụi gây áp lực. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Đến Tháng Mười, 2020, do có nhiều dây hụi kết thúc, người chơi đồng loạt yêu cầu thanh toán và không đồng ý tiếp tục “chồng hụi,” nên bà Lại “mất khả năng thanh toán” và định bỏ trốn.

Ngoài tiền giựt hụi, bà Lại còn vay hơn 40 tỷ đồng ($1.7 triệu) của 114 người, với lãi suất từ 2% đến 3%/tháng đến nay chưa trả. (Tr.N) [qd]