Wednesday, December 6, 2017

‘Nhân dân’ khắp nơi, mà nhân quyền là số không

Theo VOA-04/12/2017 /Bùi Tín
Vào tháng 12 này, vấn đề nhân quyền ở Viêt Nam trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Vụ xử phúc thẩm cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có mẹ già con dại 10 năm tù giam, chỉ vì cái « tội » yêu nước tột đỉnh, thương dân tột cùng, căm thù nung nấu quân bành trướng là một cuộc tự thú của chế độ rằng chế độ này là chế độ phi pháp, bất nhân, không coi quyền con người mà họ cam kết với dân mình, với thế giới chỉ là sự lừa dối ô nhục.
Bản án anh Nguyễn Văn Hóa 22 tuổi ở Hà Tĩnh 7 năm tù chỉ vì anh đau lòng với nông dân và ngư dân trong thảm họa Frrmosa để nói lên sự thật, một phiên tòa không có luật sư, không có nhà báo, công chúng cũng là một trò cười ô nhục của một chế độ leo lẻo về cải cách nền tư pháp, xây dựng chế độ pháp quyền công minh, không để oan người ngay, không để lọt kẻ gian.
Không phải ngẫu nhiên mà đại diện Liên Âu ở Hà Nội, phụ trách nhân quyền của CHLB Đức, bộ ngoại giao Hoa Kỳ, tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International, Phóng viên không biên giới Reporters Sans Frontières, Hội nhà văn quốc tế Pen Club… lên tiếng phản đối các vụ xử án tàn bạo chà đạp pháp luật, chà đạp công pháp quốc tế này.
Thật đẹp mặt cho chế độ CHXHCN ngay khi cuộc thẩm định định kỳ về quyền con người ở Liên hợp Quốc diễn ra, phơi mặt bộ mặt rất khó coi của kẻ lừa dối, đạo đức giả, nói một đằng, làm một ngả, của một kẻ có hạnh kiểm nhân quyền và dân quyền tồi tệ loại nhất thế giới.
Qua tin tức trên báo chí công khai, không thấy nêu lên họ tên, tiểu sử và bộ mặt của Hội đồng xét xử các phiên tòa rừng rú trên đây, những lời luận án và tuyên án của họ để mọi người có thể thấy những con người tha hóa nhưng được giao cho cầm cân nảy mực đã xử sự ra sao, để báo chí, công luận sẽ chất vấn, phỏng vấn họ về công việc của họ, rằng họ vận dụng luật nào, theo lệnh ai, họ có lương tâm, đạo lý hay không mà đang tâm tuyên án tàn ác đến vậy, không sợ ác quả ác báo, làm việc thất đức ra sao? Họ cũng có gia đình, có chồng con hay vợ con, sao lại gây ác, tàn phá gia đình người khác đến vậy.
Tương phản với những con người ấy là cô « Mẹ Nấm » bình tĩnh, hiên ngang, tự tin quyết không nhận tội danh nào, ngẩng cao đầu trước cường quyền; là bà Mẹ cô xông vào phiên tòa để bênh vực bảo về con gái yêu của mình dù cho bị ngăn cản bằng vũ lực; là cô nhà báo Trịnh Kim Tiến xông xáo cùng bạn bè kéo đến phiên tòa để tường thuật tại chỗ bất chấp sự cản trở, đánh dập vũ phu của bọn bảo vệ hung hãn, tát tới tấp, thụi liên tiếp vào mặt vào ngực và lôi kéo lên xe đưa về đồn. Cô Kim Tiến một mực chất vấn bọn côn đồ nhà nước « anh là ai? » theo bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ bất khuất Việt Khang kiên cường với cách chống cường quyền bằng cách riêng của mình. Bên cạnh cô Trịnh Kim Tiến là vô số luật sư của nhân dân, chân chính của nhân dân như luật sư Võ An Đôn đến phiên tòa để làm chứng cho phiên tòa rừng rú này.
Có thể nhận định không ngoa rằng bạo quyền hung hãn đã phong anh hùng, phong thánh, tạc tượng cho cô Mẹ Nấm. Sau phiên tòa hình dáng, vẻ mặt cương nghị hiền hậu của cô in rất sâu trong lòng mọi người Việt yêu nước mình, thưong dân mình.
Các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành TƯ, các đại biểu quốc hội, thanh tra chính phủ, ủy viên Ban Kiểm tra trung ương, bà Chủ tịch quốc hội, ông bộ trưởng tư pháp - trên mỗi cương vị của mình - có theo dõi kỹ các cuộc xử án này hay không? thái độ họ ra sao? khi mồm họ cứ leo lẻo, nào là « chế độ của dân, do dân, vì dân », cái gì, ở đâu cũng « nhân dân », nào là Chính quyền nhân dân, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, hội thẩm nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân… nhưng thật ra không ở đâu nhân dân có quyền sống tự do, theo pháp luật cả.
Ở một nước, đâu đâu cũng thấy 2 chữ nhân dân nhưng lại tuyệt đối vắng lặng nhân quyền và dân quyền!
Có nơi nào trên trái đất này sự giả dối, hèn hạ, hung bạo phi pháp, phản nhân dân lại ngự trị ngang ngược, hỗn hào láo xược với nhân dân mình đến vậy?
Đây hãy là sự nhận định công bằng cần thiết để mọi người Việt hãy cùng loài người tiến bộ lên tiếng và hành động mạnh mẽ vì công lý và quyền con người khắp nơi trên trái đất này.

BOT Cai Lậy: lợi thế có đang thuộc về các tài xế?

Nguyễn Anh Tuấn Theo RFA-2017-12-05  
Công an được huy động tại trạm thu phí BOT Cai Lậy hôm 30/11/2017
Công an được huy động tại trạm thu phí BOT Cai Lậy hôm 30/11/2017-Courtesy of FB Ban Huu Duong Xa
Trước hết tôi rất khâm phục những gì các tài xế đã thể hiện trong những ngày qua. Từ lý lẽ đến hành xử, từ mục tiêu đến phương pháp, đều rất mẫu mực. Nhìn những gì xuất hiện trên truyền thông dễ có cảm giác là ngày chiến thắng của các bác tài đã gần kề khi BOT Cai Lậy đã phải liên tục xả trạm trước những chiến thuật biến hoá khôn lường. Tuy nhiên, tôi lại có một nhận định ngược lại, rằng lợi thế đang không thuộc về các tài xế.
Tôi cũng hi vọng mình nhận định sai nhưng cũng xin đưa ra những căn cứ dưới đây để mọi người cùng đánh giá.
Một là sự kiên quyết của cấp cao nhất chính phủ. Ba ngày trước Thủ tướng đã chỉ đạo không để tái diễn tình trạng ở Cai Lậy, và rồi hôm nay Bộ Công an cũng đã chính thức tuyên bố sẽ “tổ chức trinh sát điều tra, thu thập, củng cố chứng cứ các đối tượng cầm đầu, có hành vi kích động xúi giục tại đây.” Không quá khó hiểu cho động thái quyết liệt này khi mà báo chí đã chỉ ra Cai Lậy không phải là BOT duy nhất “đặt nhầm chỗ”, mà còn có 7 trạm khác trên khắp cả nước. Buông Cai Lậy, số phận các trạm khác sẽ đi về đâu? Đó là chưa nói đến trong nhãn quan của người nắm quyền, buông Cai Lậy sẽ giúp người dân bắt đầu tự tin về sức mạnh của họ, cũng như dần hiểu ra cách thức để tạo ra sức mạnh đó. Chiến thắng luôn truyền cảm hứng, mà một thứ cảm hứng về sức mạnh nhân dân thì lại không dễ kiểm soát một chút nào. Vậy thì, đứng trước “những biện pháp nghiệp vụ” của Bộ Công an, các tài xế, đặc biệt là những người chủ chốt, đã chuẩn bị những gì?
Căn cứ thứ hai liên quan tới câu hỏi quan trọng bậc nhất trong những cuộc so găng kiểu này: “Thời gian đang đứng về bên nào?” Đồng ý rằng những hình ảnh trên truyền thông qua những ngày qua đã làm nức lòng dư luận cả nước. Nhưng có vẻ truyền thông và sự chú ý của dư luận là tất cả những gì các bác tài có trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, chỉ mới là 3 ngày, sẽ ra sao nếu cuộc giằng co “xả rồi thu - thu rồi xả” này kéo dài 1 tháng, 3 tháng rồi 6 tháng. Truyền thông và dư luận liệu có còn giữ nguyên mức độ chú ý? Cần lưu ý rằng BOT Cai Lậy có đến 13 năm để thu phí, sẽ ra sao nếu họ chấp nhận 6 tháng không màng lợi nhuận chơi lầy với các bác tài? Bên nào thiệt hại nhiều hơn và bên nào sẽ bỏ cuộc trước? Hãy nhìn những gì xảy ra ở Hong Kong trong phong trào Dù Vàng, hàng chục ngàn sinh viên ngay cả khi đã chiếm được các khu phố thương mại nhiều tháng trời nhưng một khi không đạt được mục tiêu thì đã bị phản ứng, bắt đầu là từ cộng đồng doanh nhân, sau đó là các thành phần khác trong xã hội. Thời gian càng kéo dài mà không đạt được mục đích dời trạm thì liệu sự ủng hộ của công chúng có còn được giữ nguyên như lúc này? Hay thay vào đó là cảm giác mệt mỏi? Những người lái xe không trong nhóm tranh đấu đã chấp nhận phiền toái thời gian vừa qua vì công cuộc chung, nhưng nếu thời gian giằng co quá lâu liệu họ có còn kiên nhẫn? Sẽ ra sao nếu có thêm phản ứng gay gắt từ những xe có công việc gấp phải đi, như cấp cứu, đám tang…?
Trong trường hợp này, phe tài xế cần làm gì?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Khai trừ đảng viên đòi thể chế xã hội dân sự

RFA 2017-12-06  
Hình chụp các ủy viên Trung ương Đảng tại lễ bế mạc đại hội đảng thứ 12 ngày 28/1/2016 ở Hà Nội
Hình chụp các ủy viên Trung ương Đảng tại lễ bế mạc đại hội đảng thứ 12 ngày 28/1/2016 ở Hà Nội - AFP
Đảng viên Cộng sản Việt Nam nào đòi thực hiện thể chế ‘tam quyền phân lập’, ‘xã hội dân sự’, ‘đa nguyên- đa đảng’ sẽ chịu hình thức kỷ luật khai trừ.
Đây là một nội dung trong Quy định được người đại diện Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trần Quốc Vượng, thành viên thường trực Ban Bí Thư/ Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đảng, ký ban hành và truyền thông trong nước loan đi vào ngày 6 tháng 12.
Theo Quy định số 102 ngày 15 tháng 11 năm 2017 thì ngoài những vi phạm vừa nêu, những đảng viên cộng sản Việt Nam sẽ bị khai trừ nếu cố ý nói, viết có nội dung bị đảng cho là ‘xuyên tạc lịch sử, sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả của Đảng và dân tộc; phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.’
Quy định số 102 cũng nêu rõ sẽ khai trừ những đảng viên cộng sản Việt Nam nào ‘phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng đối với lực lượng vũ trang, đòi phi chính trị hóa quân đội và công an; phủ nhận vai trò của đảng đối với báo chí, văn học- nghệ thuật; sáng tác, quảng bá những tác phẩm căn hóa, nghệ thuật mà bị đảng cho là lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của đảng và các lãnh đạo đảng, nhà nước’.
Quy định số 102 của đảng còn nêu rõ biện pháp kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với một số hoạt động bị cho là vi phạm như ‘bị người khác xúi giục, lôi kéo, mua chuộc mà có hành vi nói, viết, lưu trữ, phát tán, xuất bản, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật với nội dung mà đảng cho là trái với đường lối, quan điểm của đảng….’

Phe tài xế cần làm gì nếu lợi thế đang không thuộc về họ?

Nguyễn Anh Tuấn 
Theo RFA-2017-12-05  
Một lái xe phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy bị bắt giữ hôm 30/11/2017
 Một lái xe phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy bị bắt giữ hôm 30/11/2017  Courtesy FB Ban Huu Duong Xa
Nếu quả thật lợi thế đang không thuộc về phe tài xế vì thời gian không đứng về phía họ, thì câu hỏi là họ có thể làm gì để đảo ngược tình hình?
Điều đầu tiên cần làm là thay đổi cách nhìn về chính đối thủ của họ: BOT Cai Lậy.
Nếu ví trạm BOT này như một cỗ máy thu tiền thì sẽ có ít nhất hai cách khiến nó ngưng hoạt động: Một là nhắm thẳng trực tiếp vào cỗ máy để quấy nhiễu, tức tấn công trực diện; hai là tìm hiểu xem cỗ máy này đang được vận hành dựa trên những nguồn hỗ trợ nào để cắt đứt những nguồn này tức là tấn công gián tiếp. Toàn bộ những hoạt động của phe tài xế đến giờ phút này tập trung vào cách thứ nhất, không có hoặc có rất ít hành động thuộc cách thứ hai.
Với cách thứ nhất, một khi cỗ máy vẫn được cung ứng đầy đủ các nguồn lực để vận hành, nó sẽ tiếp tục đối phó giằng co với các tài xế. Thời gian, do đó, đứng về phía cỗ máy. Càng lâu tài xế càng mệt mỏi, chưa kể cùng lúc đó họ còn bị tấn công bởi các lực lượng khác.
Với cách thứ hai, bởi lẽ mất sạch các nguồn hỗ trợ cho việc vận hành, cỗ máy không còn cách nào khác ngoài phải chấm dứt hoạt động. Càng để lâu càng thiệt hại, vậy nên thời gian đứng về phía phe tài xế.
Thế nhưng thực hiện cách thứ hai như thế nào? - Đầu tiên phải bằng việc phân tích các nguồn lực hỗ trợ cho BOT Cai Lậy.
Thứ nhất là nguồn lực tài chính. Ngân hàng BIDV cấp 85% vốn cho dự án BOT Cai Lậy. Điều này có nghĩa là họ chia sẻ lợi nhuận với nhà đầu tư trên lưng những người lái xe. Bởi vậy họ không thể vô can, họ phải chịu trách nhiệm theo cách này hoặc cách khác. Không ai có sức mạnh hơn những người gửi tiền ở BIDV trong việc yêu cầu ngân hàng này ngưng hỗ trợ BOT Cai Lậy (bằng không sẽ rút tiền hàng loạt). Khách hàng của BIDV còn có trách nhiệm đạo đức phải làm điều này nếu không muốn bị coi là vô tình tiếp tay cho BIDV. Những người lãnh đạo của BIDV như Trần Anh Tuấn (Quyền Chủ tịch) và Phan Đức Tú (Tổng Giám đốc) đều là những người địa vị cao, quan hệ rộng ở Hà Nội nên chắc chắn sẽ không muốn xuất hiện trong mắt bạn bè, người thân, đối tác như những kẻ đang sống giàu sang trên những đồng tiền mồ hôi nước mắt của những người lái xe kham khổ miền Tây. Một chiến dịch truyền thông sẽ buộc họ phải lựa chọn giữa việc ngưng hỗ trợ BOT Cai Lậy hoặc là chuốc lấy hậu quả cho thanh danh bản thân mình.
Ông chủ thực sự của BOT Cai Lậy, tương tự, là đối tượng thứ hai không thể bỏ qua. Người đàn ông tên Lê Tiến Thắng, Chủ tịch công ty Bắc Ái trụ sở tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc có vẻ vẫn đang ung dung ngồi thu tiền từ khoảng cách 2000 cây số tính từ BOT Cai Lậy. Phải có một chiến dịch truyền thông để ông ta không còn vẻ ung dung đó nữa. Người thân, bạn bè, đối tác của ông ta cần nhận ra sự giàu có của ông ta chẳng có gì tốt đẹp và đáng tự hào vì nó đến từ những đồng tiền còm cõi của những người lái xe - lẽ ra được dùng để đỡ đần thêm cuộc sống cho vợ con, thêm thịt cá cho bữa ăn, thêm sách vở để đến trường.
Nguồn lực thứ ba là các dịch vụ hậu cần. Các công ty xe cẩu, công ty bảo vệ, công ty cung ứng nhân viên thu phí ở Tiền Giang và các tỉnh lân cận đều cần nhận được thông điệp chính thức từ phe tài xế giải thích vì sao không nên cung cấp dịch vụ cho BOT Cai Lậy. Chỉ cần một thư ngỏ có lý có tình và một kế hoạch truyền thông khéo léo sẽ khiến chẳng có công ty bảo vệ hay xe cẩu nào “tham bát bỏ mâm” bám lấy BOT Cai Lậy để rồi bị không chỉ hàng ngàn tài xế mà cả một cộng đồng quốc gia quay lưng tẩy chay. Tương tự vậy, nếu phe tài xế tìm ra được những mạnh thường quân đồng ý tiếp nhận các nhân viên bán vé sau khi họ nghỉ việc ở Cai Lậy, cũng như kêu gọi những người khác không ứng tuyển vào các vị trí này để tiếp tay BOT Cai Lậy thì sẽ là một thách thức không nhỏ cho trạm này.
Thử hình dung cỗ máy BOT Cai Lậy, một khi không còn nhận được hỗ trợ tài chính từ ngân hàng, không tìm đâu ra một công ty bảo vệ/công ty xe cẩu nào chịu ký hợp đồng, cũng không ai ứng tuyển vào các vị trí bán vé thu phí, thì không lẽ ông chủ Lê Tiến Thắng phải đứng ra giữa đường Cai Lậy vừa bán vé, vừa gác an ninh? Hoặc, một khi bị các ngân hàng xa lánh, ông Thắng sẽ phải tiếp tục công việc làm ăn của mình thế nào trong tương lai?
Điểm sơ qua có thể thấy khối lượng công việc không hề ít, song tôi tin là với những gì đã thể hiện, phe tài xế thừa năng lực để làm tất cả những việc trên. Dĩ nhiên sự ủng hộ của công chúng là tối quan trọng, và rất may mắn, đây là thứ mà phe tài xế đang có thừa.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Lũ ồ ạt, 29,000 nhà dân Bình Định, Phú Yên chìm trong nước

Nhiều khu vực ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên bị ngập lụt nặng. (Hình: Thanh Niên)
BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Mưa lũ tại Bình Định, Phú Yên đang tiếp tục nhấn chìm gần 29,000 nhà dân trong nước, nhiều tuyến đường, hồ chứa, đê điều bị ngập lụt, sạt lở, nguy cơ bị phá vỡ. Đây là trận lũ thứ năm trong vòng một tháng qua khiến đời sống người dân khốn đốn.
Chiều 4 Tháng Mười Hai, nói với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Châu, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định, cho biết nước lũ các sông ở Bình Định đang rút nhưng với tốc độ chậm. Mưa lũ đã làm cho bốn nhà sập, hư hỏng và 26,897 nhà bị ngập nước.
Báo này cho hay, hiện vẫn còn hàng ngàn nhà dân bị ngập hoặc bị cô lập. Tình trạng ngập nước và danh sách các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi bị ảnh hưởng liên tục tăng lên. Nhiều công trình chỉ được gia cố tạm, nay tiếp tục hư hỏng, sạt lở trầm trọng hơn.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Bình Định báo động đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất hay ngập lụt ở các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước, Tây Vân Canh, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn.
Toàn tỉnh Bình Định có 165 hồ chứa tích nước, nhưng đa số đều nhỏ, nên khi mưa lũ kéo về luôn vượt tải khiến các hồ không có khả năng điều tiết nước, xả tràn tự do.
Do vậy, tại các đường ĐT640, ĐT636 huyện Tuy Phước bị ngập nước từ 0.4 đến 1.2 mét, một số đoạn không qua lại được. Tại huyện Phù Cát, cầu Bà Tán sập trụ cầu giữa, gãy hai nhịp cầu 16 mét. Cầu Tường Sơn sập mố cầu, gãy một nhịp cầu 10 mét; 335 mét đê sông Đại Hào, đê sông La Tinh… bị sạt lở. Đặc biệt, bờ sông ở hạ lưu hồ Hội Sơn đoạn sạt lở năm 2016 đang có nguy cơ vỡ tiếp.
Tại thị xã An Nhơn, nhiều con đường bị ngập nước làm chia cắt cục bộ hơn 3,000 nhà dân; nước tràn qua quốc lộ 1A…
Tương tự, theo phúc trình của Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Phú Yên, mưa lũ làm 1 người chết, 1,931 nhà tại 23 thôn ở 9/11 xã, thị trấn ở huyện Đồng Xuân bị ngập.
Ông Lâm Văn Minh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, cho biết do các hồ chứa và thủy điện xả lũ, kèm với mưa lớn kéo dài nên nước sông Kỳ Lộ lên nhanh. Đến chiều ngày 4 Tháng Mười Hai, độ ngập sâu nhất ở xã khoảng 1 mét.
Trong khi đó, nói với báo Lao Động, ông Bùi Văn Thành, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Tuy An, cho biết hiện các xã An Thạch, An Nghiệp, An Cư, An Ninh, An Định bị chia cắt hoàn toàn. Nước lũ cầm chừng, mưa là dâng lên. Nhiều nhà dân ngập đến hơn nửa nhà.
Phú Yên cũng có 44 hồ chứa hầu hết các hồ chứa nhỏ, xả tràn tự do. Hiện nay, các hồ chứa này đã tích đầy nước theo thiết kế, đang chảy tự do. Hiện hai nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh đang xả lũ xuống hạ du tỉnh này với tổng lưu lượng 4,454 khối/giây. Trong đó, riêng nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 4,100 khối/giây và sẽ tiếp tục tăng. (Tr.N)

Giữ hay dẹp trạm BOT Cai Lậy: ‘Rối như canh hẹ’

Người dân vui mừng vẫy tay chào tài xế lưu thông trên đường khi nghe tin nhà cầm quyền trung ương “xả trạm” hôm 4 Tháng Mười Hai. (Hình: Người Lao Động)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN đưa ra các “phương án xử lý” trạm thu phí BOT Cai Lậy hiện đang là vấn đề nóng ở Việt Nam.
Trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm Thứ Ba, 5 Tháng Mười Hai, Thứ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bộ của ông đã báo cáo với thủ tướng CSVN về dự án BOT đặt trên quốc lộ 1A thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, và các “phương án xử lý.”
Theo những gì được ông Đông nói vói một số báo, có ba “phương án” trong số nhiều “phương án” được ông nêu ra, nhiều phần sẽ dược lựa chọn để giải quyết dứt điểm vấn đề theo yêu cầu của ông thủ tướng “chính phủ kiến tạo.”
“Phương án 1, giữ nguyên vị trí trạm thu phí và tăng cường tuyên truyền vận động người dân, kèm cải thiện các dịch vụ để giải đáp những thắc mắc của người dân. Phương án 2, di dời trạm thu phí về tuyến tránh thị xã Cai Lậy. Để thực hiện phương án này thì phải tính toán lại và thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Phương án này rất khó khả thi bởi sẽ dẫn tới phá vỡ phương án tài chính và có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng. Phương án 3, đặt hai trạm thu phí, trong đó một trạm nằm trên quốc lộ 1 để để thu phí hoàn vốn phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư để cải tạo, nâng cấp tuyến đường và đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư BOT,” báo Dân Trí tường thuật.
Dịp này, ông Đông cũng nói thêm rằng những phương án trên không phải là “những phương án cuối cùng” mà Bộ Giao Thông Vận Tải và các bộ, ngành, địa phương “sẽ nghiên cứu thêm các phương án khác để báo cáo thủ tướng chính phủ nhằm xử lý vấn đề tại trạm BOT Cai Lậy.”
Như vậy, chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải cân nhắc chọn một giải pháp mà ông nói phải “đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư.”
Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí từ đầu Tháng Tám để hoàn vốn cho “Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26.4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11.1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12.1 km với tổng mức đầu tư 1,398 tỷ đồng.”
Hai vấn đề làm dân chúng giận dữ là phí quá cao và vị trí đặt trạm thu phí lại cố ý “nhầm chỗ.” Vừa mới bắt đầu thu phí là bị người qua trạm trả tiền bằng những đồng tiền lẻ mệnh giá thấp nhất như 200 đồng kéo dài thời gian thu phí của một người. Những lời phàn nàn, chống đối cho mỗi trường hợp thu phí dẫn đến kẹt dường nghiêm trọng buộc phải “xả trạm.”
Ba tháng sau, tức đầu Tháng Mười Hai, thu phí lại thì sự chống đối mạnh mẽ hơn, ngày 4 Tháng Mười Hai, ông thủ tướng phải yêu cầu “xả trạm” một hai tháng chờ tìm cách giải quyết.
Qua lời ông Nguyễn Ngọc Đông, người ta thấy khá khó hiểu khi ông cho biết phương án 2, tức di dời trạm thu phí về đúng vị trí của nó trên “tuyến tránh” là “rất khó khả thi” vì theo ông “sẽ dẫn tới phá vỡ phương án tài chính và có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng.”
Không thấy ông cho biết “phá vỡ phương án tài chính của ai” và “ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng” của ai nhưng nhiều phần ông nói nhà đầu tư tư nhân.
Trên báo VTC News ngày 4 Tháng Mười Hai và báo VietTimes ngày 5 Tháng Mười Hai, người ta được biết “nhà đầu tư” là “Công ty BOT Đầu Tư Quốc Lộ 1 Tiền Giang” là một liên danh của hai công ty gồm “Công ty Cổ Phần Tư Vấn Đầu Tư Xây Dựng Bắc Ái” (65%) ở Vĩnh Phúc và công ty Cổ Phần Đầu Tư Thương Mại và Xây Dựng Giao Thông 1 (TRICO) (35%).”
Đầu tư vào dự án BOT Cai Lậy gần 1,400 tỷ đồng, liên danh vừa kể chỉ bỏ ra có 15%, phần còn lại 85% vay của ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam – chi nhánh Vĩnh Phúc (BIDV Vĩnh Phúc).
Ông chủ tịch Hội Đồng Quản Trị mới lộ diện của Bắc Ái là Nguyễn Tiến An mới 25 tuổi, nhà ở Vĩnh Phúc, con cháu ai đó, bị nghi ngờ chỉ là người làm bình phong cho ai đó của một thứ “liên minh ma quỷ.”
Theo tiết lộ trên VietTimes, ngoài BOT Cai Lậy, công ty Bắc Ái còn là chủ đầu tư của nhiều dự án đối tác công-tư (PPP) khác. Chẳng lẽ công ty này chuyển vị trí thu phí BOT Cai Lậy thì “vỡ phương án tài chính” và “có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng?” Đây là một điều khó hiểu người ta tin dư luận muốn biết.
Trên một bản tin của tờ Thanh Niên hôm 5 Tháng Mười Hai, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước trong văn bản trả lời chất vấn vừa gửi đại biểu, cho biết, “nhiều chủ đầu tư dự án BOT năng lực tài chính còn hạn chế, vốn chủ yếu vay ngân hàng.”
Thống Đốc Lê Minh Hưng nêu ra sự thật của các dự án BOT mà nhà đầu tư là các công ty tư nhân Việt Nam có “năng lực tài chính còn hạn chế, ít khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động, như tổng mức đầu tư tăng, giảm phí…” Không những vậy “nhà đầu tư cũng không đảm bảo vốn chủ sở hữu khi tham gia vào dự án.”
Ông Lê Minh Hưng nhìn nhận, “Tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng mức đầu tư dự án BOT chỉ cần 10-15% và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn đi vay từ các tổ chức tín dụng.”
Tại sao lại Bộ Giao Thông Vận Tải chọn những nhà đầu tư “năng lực tài chính còn hạn chế” để thực hiện các dự án công ích hàng ngàn tỉ đồng là một dấu hỏi rất lớn. Nếu có cuộc điều tra thấu đáo, vì công ích thật sự, sẽ có câu trả lời người dân muốn biết.
Chiều 4 Tháng Mười Hai, nói với phóng viên, đại biểu Bùi Đặng Dũng, phó chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội CSVN, cho rằng “việc đặt trạm thu phí OBT Cai Lậy như hiện nay chắc chắn có nhiều bên liên quan chứ không tự nhiên mà đặt được vào vị trí đó.” Ông ám chỉ đến các “liên danh ma quỷ” giữa đám quan chức nhà nước từ trung ương tới địa phương và đám tư bản đỏ dựa vào các kẻ quyền thế để kiếm chác.
Ông Bùi Đặng Dũng cho rằng việc đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy sai như hiện nay cần phải xin lỗi dân và đặt lại. Sau đó, các bên liên quan cần phải kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan, theo báo Dân Trí.
Báo Thanh Niên hôm Thứ Ba, 5 Tháng Mười Hai, mở cuộc thăm dò dư luận thấy 95% các người tham dự muốn dời trạm thu phí Cai Lậy vào đường tránh. Kết quả của báo này cũng giống như kết quả thăm dò của báo VNExpress trước đó. (TN)

Cán bộ quỹ đất ở Hải Phòng bán đất quốc phòng

Khu đất quốc phòng bị biến thành đất nền bán cho người dân xây nhà. (Hình: Thanh Niên)
HẢI PHÒNG, Việt Nam (NV) – Một cán bộ Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất thành phố Hải Phòng bị bắt vì tự ý san lấp khu đất của quốc phòng rồi phân lô bán nền cho dân xây nhà.
Ngày 5 Tháng Mười Hai, lãnh đạo Sở Tài Nguyên-Môi Trường thành phố Hải Phòng xác nhận ông Nguyễn Phú Doanh (41 tuổi, ngụ quận Kiến An, thành phố Hải Phòng), cán bộ Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất thành phố Hải Phòng, đã bị bắt để điều tra về tội bán đất quốc phòng ở phường Thành Tô, quận Hải An.
Theo báo Thanh Niên, từ năm 2005, ông Doanh cùng một nhóm người đã chung tay san lấp một khu đầm thuộc diện tích đất quốc phòng tại phường Thành Tô. Trong đó, ông Doanh đứng ra lo liệu các thủ tục xin thuê khu đất này làm kho, xưởng. Những người trong nhóm còn lại chịu trách nhiệm san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Khi khu đất hình thành, nhóm ông Doanh đã tổ chức chia lô bán nền cho người dân xây nhà. Để việc mua bán trót lọt, nhóm của ông Doanh đã câu kết với một cán bộ phường Thành Tô nhờ giúp sức trong việc ký xác nhận trích đo các thửa đất.
Một lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân quận Hải An cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, quận đã kỷ luật cán bộ phường Thành Tô và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an giải quyết.
Báo Thanh Niên cho hay, hiện nay khu đất quốc phòng mà nhóm ông Doanh chia lô bán đã hình thành một khu dân cư đông đúc với nhiều nhà cửa kiên cố.(Tr.N)

Giám đốc Sở Giao Thông ở Sài Gòn: ‘Đường hỏng do không có xe chạy'

Ông Bùi Xuân Cường tại kỳ họp thứ 6 Hội Đồng Nhân Dân ở Sài Gòn sáng 5 Tháng Mười Hai. (Hình: Người Lao Động)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Lý do theo giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải ở Sài Gòn là đường không có xe chạy, nhựa không nổi lên dẫn đến hư hỏng.
Sáng 5 Tháng Mười Hai, tại kỳ họp thứ 6 Hội Đồng Nhân Dân ở Sài Gòn khóa IX, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm, trưởng ban Thời Sự báo Người Lao Động, phản ánh hàng loạt công trình giao thông của thành phố vừa cho xe chạy đã xuống cấp trầm trọng, bong tróc…
Bà Trâm dẫn chứng các đường như Trần Văn Giàu, đường dẫn vào cao tốc Sài Gòn-Trung Lương hư hỏng dù thời gian đưa vào sử dụng chưa lâu.
“Đường hỏng là do trình độ thi công của nhà thầu, giám sát lỏng lẻo hay bị ‘rút ruột’ công trình trong quá trình thi công?” báo Thanh Niên dẫn lời chất vấn của bà Trâm.
Theo báo Người Lao Động, trả lời đại biểu, ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải, thừa nhận phẩm chất công trình giao thông ở cửa ngõ thành phố kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển “đang có hiện tượng xuống cấp.”
Ông Cường cho biết những đường này mới nhưng được xây dựng trên nền đất yếu. Đường dẫn vào cao tốc Sài Gòn-Trung Lương là dự án do Bộ Giao Thông Vận Tải thực hiện. Do yêu cầu về tiến độ và quan điểm thiết kế nên dự án này chấp nhận thực hiện trên nền đất yếu, nếu sử dụng bị lún thì sẽ sửa chữa.
Nguyên nhân khác được ông Cường đưa ra là, ngay từ đầu những đường này không được thảm nhựa mà chỉ láng nhựa. Khi khai thác, lưu lượng xe tăng cao thì đường lún. Ngoài ra, các công trình thoát nước không đồng bộ gây ngập úng cũng dẫn đến hỏng đường.
Cá biệt, theo ông Cường, những đường không được sử dụng cũng đứng trước nguy cơ hư hỏng cao. Cụ thể như đường Trần Văn Giàu được thiết kế để kết nối với cầu nhưng do giải tỏa mặt bằng chậm nên đoạn đường này không cho xe chạy.
“Đường đã hoàn thành nhưng không có xe chạy, nhựa không nổi lên dẫn đến hư hỏng,” ông Cường nói và cho biết “hiện chưa phát hiện chuyện rút ruột công trình ở các dự án này.”
Theo báo Thanh Niên, liên quan đến tình trạng phẩm chất tuyến đường dẫn lên cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, đại diện Khu Quản Lý Giao Thông Đô Thị Số 4 thuộc Sở Giao Thông Vận Tải ở Sài Gòn cho biết sau một thời gian khai thác, đường dẫn này bị lún, nứt… và đã nhiều lần sửa chữa bằng nguồn vốn duy tu bảo dưỡng và các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, để sửa chữa toàn tuyến hiệu quả, nguồn vốn có thể lên 200 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng (hơn $8.8 triệu đến $13.2 triệu). (Tr.N)