Sunday, September 21, 2014

30 trang web của CSVN bị hacker đoạt quyền điều hành

SÀI GÒN 21-9 (NV) - Đó là thông tin do ông Trần Quang Chiến, giám đốc điều hành Security Daily, cung cấp cho tờ Tuổi Trẻ. Hacker “ngoại quốc” đã đoạt quyền điều hành những trang web này trong 20 ngày.  


Biểu đồ về các cuộc tấn công nhắm vào những website của Việt Nam từ đầu năm đến nay. (Hình: Security Daily)

Ông Chiến nhận định, thực trạng vừa kể đã ở mức độ phải báo động về việc “bảo mật thông tin của chính phủ”, nếu điều này tiếp diễn, sẽ có nhiều hậu quả khôn lường. Giám đốc điều hành Security Daily chỉ xác định, các cuộc tấn công là do hacker “ngoại quốc” thực hiện.

Tuy nhiên hồi thượng tuần tháng này, chính Security Daily đã từng chính thức phát cảnh báo về một đợt tấn công qua Internet do hacker Trung Quốc khởi xướng, nhắm vào các website của Việt Nam. Cuộc tấn công do hai nhóm hacker lớn của Trung Quốc là 1937cn và Sky-Eye thực hiện.

Vào thời điểm đó, Security Daily cho biết, tính từ 28 Tháng Tám đến 5 Tháng Chín, số website của Việt Nam bị hacker Trung Quốc đánh sập đã lên tới 700.

Mới đây, vào ngày 20 Tháng Chín, ông Chiến cho biết thêm, riêng nửa đầu Tháng Chín, có 1,039 website của Việt Nam bị tấn công. Giám đốc điều hành của Security Daily lo ngại, cường độ tấn công có dấu hiệu càng ngày càng mạnh và website nào cũng có thể trở thành mục tiêu của hacker. Từ khi quan hệ Việt – Trung trở thành căng thẳng, đây là lần thứ hai hacker Trung Quốc tổ chức tấn công các trang web của Việt Nam.

Hồi thượng tuần Tháng Năm, hacker Trung Quốc đã từng tấn công gần 1,000 website của cá nhân, của doanh nghiệp và các tổ chức ở Việt Nam. Một vài chuyên gia về an ninh trên Internet của Việt Nam nhận định, trước đó một chút, một số hacker của Việt Nam đã tấn công các trang web của Trung Quốc bằng hình thức từ chối dịch vụ DdoS và hacker Trung Quốc đáp trả.

Các chuyên gia về bảo mật từng cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc chiến trên mạng Internet giữa hacker Việt Nam và hacker Trung Quốc và các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sở hữu các trang web của Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nhất vì: “Hacker Trung Quốc rất đông, đã cài nhiều chương trình gián điệp vào các trang mạng tại Việt Nam từ nhiều năm trước. Thành ra nếu các trang mạng của Việt Nam bị tấn công thì thiệt hại sẽ rất nặng nề”.

Còn một yếu tố khác đã từng được cảnh báo hồi giữa năm ngoái. Đó là gần như toàn bộ thiết bị mà các công ty viễn thông Việt Nam đang sử dụng là sản phẩm do hai công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất.

Giữa năm ngoái, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam về an ninh thông tin cho biết, hiện có 6/7 công ty viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị và công nghệ do Huawei và ZTE cung cấp. Cũng theo báo cáo này, trên toàn Việt Nam, hiện có khoảng 30,000 trạm thu phát sóng (BTS) đang sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE.

Trước nữa, chỉ tính riêng năm 2009, đã có hơn 5 triệu thiết bị như: modem, router, USB do Huawei và ZTE sản xuất đã được bán trên thị trường Việt Nam. Hiệp Hội An Toàn Thông Tin Việt Nam xác nhận là chưa thống kê được số thiết bị do Huawei và ZTE sản xuất, đã được bán tại Việt Nam.

Vào Tháng Mười, 2012, Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Hoa Kỳ từng cảnh báo các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đề nghị ngưng làm ăn với Huawei và ZTE. Huawei và ZTE là hai công ty hàng đầu của Trung Quốc, chuyên cung cấp thiết bị, công nghệ trong lĩnh vực viễn thông. Ủy ban cho biết, thiết bị, công nghệ của Huawei và ZTE có thể gây ra mối de dọa an ninh đối với Hoa Kỳ.

Lo ngại trước các vụ tấn công qua Internet xuất phát từ Trung Quốc, ủy ban đề nghị không mua các thiết bị của Huawei và ZTE để lắp đặt cho hệ thống máy tính của các cơ quan chính phủ, nhằm ngăn ngừa rủi ro gián điệp.

Ủy ban này còn cảnh báo về nguy cơ các nhu liệu cũng như linh kiện do Huawei và ZTE sản xuất, có thể đã được cấy những tác nhân độc hại trước khi bán cho các khách hàng Hoa Kỳ. Ủy Ban Đầu Tư Nước Ngoài của chính phủ Hoa Kỳ (CFIUS) cũng đã được cảnh báo nên ngăn chặn các vụ sát nhập, thâu tóm mà Huawei và ZTE thực hiện ở Hoa Kỳ.

Sau Hoa Kỳ, Huawei và ZTE đã gây lo ngại tương tự khắp Châu Âu và Châu Úc. Hiệp Hội An Toàn Thông Tin Việt Nam cũng từng cảnh báo về tình trạng nhiều máy chủ của các cơ quan chính quyền Việt Nam bị tấn công, trong đó có 395 máy chủ âm thầm bị kết nối thường trực ra nước ngoài để đánh cắp thông tin mật. (G.Đ.)
09-21- 2014 10:31:18 AM

Nhiều xí nghiệp có thể sập vì bị nhà nước thiếu nợ

BẠC LIÊU 21-09 (NV) - Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình “xây dựng nông thôn mới” tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, kêu cứu vì bị chính quyền địa phương nợ cả tỉ đồng mà không thanh toán.

Sau khi xây dựng những con đường như trong ảnh, công ty Kiến Phát Hưng bị nhà cầm quyền huyện Phước Long nợ 10 tỉ đồng. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đại diện công ty Kiến Phát Hưng, có trụ sở ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cho biết, họ tham gia chương trình “xây dựng nông thôn mới” tại một số xã của huyện Phước Long từ năm 2011. Tính đến 2013, nhà cầm quyền huyện Phước Long thiếu họ 10 tỉ đồng và từ đó đến nay không trả đồng nào.

Ông Lê Văn Kiệt, chủ doanh nghiệp tư nhân Lê Văn Kiệt ở thành phố Bạc Liêu, cáo giác trên tờ Tuổi Trẻ, nhà cầm quyền huyện Phước Long đang nợ ông 2.5 tỉ đồng. Bà Phạm Thị Thanh Thảo, giám đốc công ty Phúc Thịnh ở Sài Gòn, tiết lộ, chính quyền huyện Phước Long đang thiếu nợ công ty của bà vài trăm triệu…

Đại diện những doanh nghiệp đang là chủ nợ của nhà cầm quyền huyện Phước Long cho biết, họ chỉ được huyện này thanh toán từ 50% đến 60% giá trị công trình rồi ì ra không trả nợ. Đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp lao đao.

Ông Lâm Thành Sáo, phó chủ tịch huyện Phước Long, thừa nhận, chính quyền huyện này đang nợ nhiều nhà thầu một khoản tiền lớn. Lý do là vì trong ba năm qua, “Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới” chì cấp cho huyện Phước Long gần 20 tỉ, trong khi muốn 7/7 xã đạt tiêu chí “nông thôn mới” thì “phải huy động nhiều nguồn vốn để thực hiện”.

Tháng trước, sau một một đợt kiểm tra về thu chi ngân sách của tỉnh Bạc Liêu, Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam loan báo, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã hết tiền từ năm 2013, trong khi có 1,350 tỉ đồng đến hạn phải trả và vì vậy, ngay cả chuyện trả lương cũng sẽ trở ngại.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tuy khó khăn về tài chính nhưng chính quyền tỉnh này vẫn phê duyệt để chi 1,370 tỉ đồng, đầu tư cho nhiều công trình không hề có trong kế hoạch.

Để đầu tư cho những công trình ngoài kế hoạch này, tỉnh Bạc Liêu đã rút tiền từ các khoản chi, lẽ ra chỉ được phép dùng cho giáo dục, y tế, kiên cố hóa kênh mương, cải cách tiền lương và trả các khoản nợ đang còn thiếu nhiều doanh nghiệp. Cuối cùng ngoài khoản nợ 1,350 tỉ đồng tới hạn phải trả, tại Bạc Liêu hiện có rất nhiều công trình đang dở dang, muốn hoàn tất phải chi 4,644 tỉ đồng nữa.

Đặc biệt đáng chú ý là trong tình thế như vậy, hồi Tháng Năm vừa qua, tỉnh Bạc Liêu vẫn chi 2,000 tỉ đồng để tổ chức Lễ Hội Đờn Ca Tài Tử lần thứ nhất, bất chấp tại Bạc Liêu, bệnh viện quá tải, bệnh nhân không có giường để nằm, cần 767 tỉ để mở rộng. Họ bất chấp còn 13 trong tổng số 50 xã thiếu đường giao thông nên khi đi lại, dân chúng vẫn phải dùng xuồng, cần 800 tỉ để mở đường. Họ bất chấp cả tỉnh còn 371 khu dân cư đến nay vẫn chưa có điện nên cần đầu tư 203 tỉ đồng.

Dù chính quyền tỉnh Bạc Liêu dùng công qũy như phá nhưng không có bất kỳ viên chức nào bị truy cứu trách nhiệm. Bạc Liêu không phải là trường hợp cá biệt mà chỉ là ví dụ minh họa cho một thực trạng đã phổ biến trên toàn Việt Nam trong nhiều năm qua.

Hồi cuối năm ngoái, tại một buổi thảo luận với Đoàn Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Lai Châu, ông Bùi Quang Vinh, người đang giữ vai trò bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư, cảnh báo: “Kinh tế Việt Nam sắp tới giai đoạn đào củ mài để ăn”. 

Lúc đó, ông Vinh tỏ ra hết sức bi quan về khả năng đầu tư cho phát triển của năm 2014. Tuy giới lãnh đạo đảng, quốc hội, chính phủ đã “nhất trí chi cho đầu tư phát triển là 163 ngàn tỷ” nhưng bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư nhận định, dẫu con số này quá thấp so với nhu cầu đầu tư để phát triển, song chính quyền sẽ không kiếm đủ tiền để chi. Trong 163 ngàn tỷ dự kiến sẽ chi, có 30 ngàn tỷ dự kiến sẽ thu từ đất nhưng thị trường bất động sản vẫn đóng băng, thành ra dự thu như thế là ảo tưởng.

Ông Vinh nhấn mạnh: “Đất nước này vỡ nợ là do xây dựng cơ bản tràn lan”. Lãnh đạo chính quyền các địa phương mạnh tay phê duyệt các dự án hạ tầng, khuyến dụ các doanh nghiệp bỏ vốn, mượn vốn để thực hiện những dự án đó, cuối cùng chính quyền trung ương không có khả năng hoàn trả. Hàng loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư, hàng loạt ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng phá sản, nhà chính quyền vừa không thu được thuế, vừa “giật gấu vá vai” để trả nợ.

Thực trạng đó là lý do khiến chi cho đầu tư phát triển giảm chưa từng thấy trong lịch sử, nhiều công trình dở dang, trong khi không đầu tư cho phát triển thì không thể phát triển và chế độ Hà Nội đang loanh quanh trong vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra. (G.Đ.)
09-21- 2014 10:20:52 AM 
Theo Người Việt 

Nhà nước Hồi giáo (IS) có dễ bị tiêu diệt?

Trước mức độ tàn bạo ngày càng gia tăng của nhóm phiến quân  Nhà nước Hồi giáo (IS) (tiền thân là ISIL-Nhà nước Hồi giáo I-rắc và vùng Levant), Mỹ đang nỗ lực gấp rút hiện thực hóa kế hoạch xây dựng một liên minh quốc tế để chống IS. 
Cho dù ngọn cờ chống khủng bố của Mỹ quy tụ khá đông đảo các nước đồng minh, song không có gì bảo đảm rằng, cuộc chiến này sẽ sớm mang lại kết quả bởi IS không phải “dễ chơi”.
Bin Pác (Bill Park), giảng viên cao cấp tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng thuộc trường King's College London, đã đưa ra nhận định như vậy trong một bài viết có nhan đề "Can the West defeat ISIL?" (Tạm dịch: Liệu rằng phương Tây có đánh bại được ISIL?) đăng trên tờ Telegraph. Xin giới thiệu nội dung chính bài viết này. 
Các tay súng IS tại thành phố Mô-xun của I-rắc hồi tháng 6-2014. Ảnh: AP
Một liên minh quốc tế nhằm xóa bỏ mối đe dọa từ IS đang được hình thành. Theo ước tính của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), IS có khoảng 30.000 tay súng, nhiều người trong số đó kinh nghiệm chiến đấu còn “non”. Đây dường như là một cuộc chiến bất cân xứng và IS chắc chắn đối mặt với thất bại nhãn tiền.
Giá như mọi chuyện đơn giản như vậy! Tuy nhiên, có 5 lý do khiến IS không dễ bị tiêu diệt.
Một là IS đã và đang lợi dụng triệt để sự bất mãn của người Hồi giáo dòng Xăn-ni tại I-rắc và Xy-ri. Phương Tây đã không đánh giá được việc IS lợi dụng sự bất bình kéo dài lâu nay trong cộng đồng người Hồi giáo Xăn-ni ở hai quốc gia này. Kết quả là Mô-xun, thành phố lớn thứ hai của I-rắc, đã rơi vào tay những người thuộc đảng Ba’ath bản địa. Câu chuyện ở Mô-xun cũng từng xảy ra trước đó ở tỉnh An-ba. Hồi đầu năm 2014, tỉnh này đã rơi vào tay liên minh gồm IS, các bộ tộc Hồi giáo Xăn-ni và các nhân vật theo đảng Ba’ath. Trong khi đó, đảng Ba'ath nhận được sự ủng hộ của các bộ tộc Xăn-ni, những người vốn bất mãn vì bị “cho ra rìa” trong chính sách của chính quyền do người Hồi giáo dòng Si-ai chi phối của Thủ tướng Ma-li-ki (Nouri al-Maliki).
Tại Xy-ri, trong cuộc chiến nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống An Át-xát  (Bashar al-assad), phương Tây đã dừng cung cấp  vũ khí  cho phe đối lập dòng Xăn-ni bởi lo ngại về các nhân tố thánh chiến. Điều này có vẻ là hợp lý nhưng nó lại tạo ra một khoảng trống mà những kẻ thánh chiến tàn bạo có thể lợi dụng và được dùng để “chứng minh” sự thiếu quan tâm của phương Tây. Từ đó, ngày càng có nhiều tay súng Al Qaeda và Quân đội Xy-ri Tự do (FSA) gia nhập các chiến dịch tàn bạo của IS. Trong khi đó, “các nhân tố” vùng Vịnh vẫn tiếp tục bơm nguồn lực cho các nhóm người Xăn-ni chống chính quyền Đa-mát.
Hai là IS có nguồn lực dồi dào. Lực lượng này trả lương cho các tay súng chiến đấu cho chúng rất hậu hĩnh. Hơn nữa, việc Thổ Nhĩ Kỳ thiếu kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới giáp với Xy-ri đã giúp IS dễ dàng tuyển mộ được các chiến binh, buôn lậu vũ khí, buôn lậu dầu. Trên thực tế, quan tâm chính của An-ca-ra hiện nay là mối đe dọa từ người Cuốc và sự sụp đổ của chính quyền Đa-mát chứ không phải là IS.
Ba là chiến lược chống IS của phương Tây tồn tại sự mâu thuẫn. Họ từ chối hợp tác với chính quyền của Tổng thống An Át-xát trong cuộc chiến chống IS tại Xy-ri trong khi I-ran cũng không nằm trong liên minh quốc tế. Về phía I-rắc, phương Tây đặt nhiều kỳ vọng về một chính phủ mới có khả năng đoàn kết dân tộc để tập trung đối phó với IS, tuy nhiên điều này không dễ đạt được bởi sự nghi kỵ và thù hận sắc tộc không dễ gì xóa bỏ trong một sớm một chiều.
Bốn là giải pháp quân sự của liên minh quốc tế có vấn đề. Các nước phương Tây không có ý định triển khai bộ binh tới I-rắc trong khi năng lực tác chiến của quân đội I-rắc còn nhiều điều đáng phải bàn. Vì vậy, các tay súng người Cuốc chính là niềm hy vọng của phương Tây trong trường hợp này. Tuy nhiên, việc cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các tay súng người Cuốc lại sẽ gây quan ngại cho các nước trong khu vực đang tìm mọi cách ngăn chặn cộng đồng thiểu số này tuyên bố độc lập. Về phía IS, lực lượng này lại không “tác chiến tĩnh” mà hoạt động linh hoạt và phân tán, có khả năng dễ dàng thay đổi địa bàn hoạt động từ I-rắc, tới Xy-ri, Gioóc-đa-ni và các thành phố của phương Tây.
Năm là nếu IS tan rã, hệ tư tưởng của nó vẫn tồn tại. IS không phải là một tổ chức có ranh giới phân biệt rõ ràng với các nhóm cực đoan khác. Cần phải hiểu rằng, IS là một bước mở rộng hệ tư tưởng cực đoan tồn tại ở Al Qaeda, vùng Vịnh, Ta-li-ban, đường phố châu Âu, và thậm chí cả tổ chức Anh em Hồi giáo…
Thậm chí, giờ đây người ta vẫn chưa rõ liệu rằng phương Tây chống IS hay là chống I-ran và chính quyền Đa-mát nhiều hơn. Vì vậy, chừng nào phương Tây vẫn còn thiếu sự nhất quán thì chừng đó IS vẫn có "đất dụng võ".
Chủ Nhật, ngày 21/9/2014 - 21:18
Theo LÂM  TOÀN/QĐND  (lược dịch)

Tranh nhau hôi tiền của người bán rau bị gió thổi bay

Khi chiếc xô nhỏ đựng tiền của người phụ nữ bán rau văng ra đường, tiền bị thổi bay khắp nơi thì nhiều người nhanh tay cúi xuống nhặt mà không trả lại cho khổ chủ.

Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Quế (41 tuổi, phường Trung Đô, TP. Vinh) - người bán rau, đậu hũ, cà muối... ở chợ Bến Thủy, TP Vinh.

Gạt nước mắt, chị Quế kể, khoảng 16h30 chiều 20/9, chị đang ngồi bán rau thì mây đen ùn ùn kéo đến. Thấy vậy, chị và mọi người vội vàng thu dọn hàng hóa để chuẩn bị về. Đúng lúc này, gió lớn đẩy chiếc xô nhựa đựng tiền ra đường.

Chiếc xô này đựng toàn bộ vốn lẫn lãi chị thu được trong cả ngày bán hàng, với đủ mệnh giá từ 1.000 - 2.000 đồng đến 50.000 - 200.000 đồng. Thấy tiền bay tung tóe, nhiều người đi đường vội cúi xuống nhặt rồi lẳng lặng bỏ đi.

“Toàn bộ tiền trong xô nhựa bay ra hết, tôi chỉ kịp nhặt lại được chút ít. Một số người tốt bụng đem lại trả nhưng chủ yếu là tiền mệnh giá thấp. Mớ rau mớ cỏ bán từ sáng đến tối cũng chỉ được dăm chục mà giờ tiền thu lại không còn mấy nữa”, chị Quế vừa khóc vừa nói.

Tranh nhau hôi tiền của người bán rau bị gió thổi bay - Ảnh 1
Sau khi bị hôi tiền, dù trời mưa nhưng chị Quế vẫn phải nán lại bán hàng để kiếm thêm.

Theo lời chị Quế, để có được số tiền đó, chị phải dậy từ 2h sáng ra chợ đầu mối mua rau, củ quả về bán lại ở chợ Bến Thủy. Còn chồng chị trông giữ xe thuê. Thu nhập của hai vợ chồng chị cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học.

bán hàng cạnh đó, bà Cao Thị Minh (59 tuổi) cũng không khỏi bức xúc: “Quế bán hàng hơn chục năm nay với tôi, thu nhập chẳng được là bao. Vậy mà có những người lại nhẫn tâm nhặt tiền nhưng lại không đem trả lại”.

Chứng kiến sự việc, một số người đã chia sẻ thông tin này trên mạng xã hội. Nickname Người Không Biên Giới bức xúc: "Thấy mọi người đi đường tranh nhau nhặt tiền, lúc đầu cứ tưởng họ sẽ đem trả lại cho người phụ nữ đó. Nhưng khi nhặt được tiền trên tay thay vì đem trả họ lại cầm số tiền đó chạy trốn. Đáng buồn thật. Người phụ nữ đó chỉ biết ngồi khóc mà không làm được gì. Không biết họ suy nghĩ như thế nào khi cầm những đồng tiền đó ra tiêu?”.
10:08 AM, 21-09-2014
THEO ZING

TP HCM: Bọt “lạ” tấn công khu dân cư

(ĐSPL) - Sau khi chùm ảnh “TP.HCM: Dân hoang mang vì bọt “lạ” từ miệng cống” do báo Đời sống và Pháp luật đăng tải ngày 18/9, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc.

Trong đó, nhiều bạn đọc đã gửi video clip về việc bọt “lạ” ấy “đổ bộ” từ bên trong khu vực của Xí nghiệp Hương Việt ra ngoài.

TP HCM: Bọt “lạ” tấn công khu dân cư - Ảnh 1
Bọt xuất hiện từ giếng bơm của người dân trong khu vực.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm tới khu dân cư ở bên cạnh miệng cống trào lên những bọt “lạ” ấy.

Tuy công ty CP Hóa chất và Vi sinh – Xí nghiệp Hương Việt nằm ở P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM, nhưng khu dân cư bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thuộc P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9.

Trao đổi với PV, bà Võ Thị Hạnh (tổ 5, KP2, P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9) cho biết, bà đã sống ở đây hơn 30 năm và hiện tượng trên đã xảy ra trước khi bà đến. Mỗi khi gió mạnh thì bọt từ trong khu vực của công ty CP Hóa chất và Vi sinh – Xí nghiệp Hương Việt bay ra bám vào đầy nhà. Trời mưa lớn thì bọt “lạ” ấy trào lên từ miệng cống.

“Cách duy nhất để đối phó là đóng cửa nhà lại chờ đến khi bọt tan hết trong không khí”, bà Hạnh nói.

TP HCM: Bọt “lạ” tấn công khu dân cư - Ảnh 2
Toàn cảnh trạm xử lý nước thải trong Xí nghiệp Hương Việt.

Ngụ cùng khu phố với bà Hạnh, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng cho biết, gia đình ông có 5 người thì có tới 4 người mắc bệnh viêm xoang. Tuy nhiên, do chưa có bằng chứng nên ông không có cơ sở để khẳng định bệnh đó có phải do mùi hôi thối từ hóa chất trong khu vực của Xí nghiệp Hương Việt gây nên hay không.  

Vì không thể chịu được cảnh sống chung với bọt “lạ” nên người dân đã hàn một tấm thép để bịt kín miệng cống lại. Tuy nhiên, sau một thời gian thì tấm thép ấy đã bị gỉ sét và bọt lại tiếp tục trào lên.
TP HCM: Bọt “lạ” tấn công khu dân cư - Ảnh 3
Một phần miệng cống người dân hàn tấm kim loại đã bị han gỉ.

Cả khu vực dân cư nói trên, chỉ duy nhất tiệm rửa xe của ông Sơn là dám sử dụng nước giếng. Khi lấy nước từ giếng lên (ông Sơn khoan sâu 50m – PV) thì bọt cũng theo đó mà lên cùng với nước. 

Theo quan sát, hầu như tất cả các mái nhà trong khu vực, lợp bằng tấm lợp kim loại đã và đang bị gỉ sét khi sử dụng chưa được 10 năm trong khi tuổi thọ của nó là từ 20 đến 40 năm.

Người dân đã làm đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng rất nhiều lần nhưng vấn đề nói trên vẫn không được giải quyết thấu đáo.
TP HCM: Bọt “lạ” tấn công khu dân cư - Ảnh 4
Người dân cho biết ống khói trong ảnh gây mùi hôi kinh khủng cho dân cư trong khu vực.

PV báo Đời sống và Pháp luật đã cố gắng liên hệ với phía Xí nghiệp Hương Việt và chính quyền sở tại để làm việc nhưng không nhận được phản hồi.

05:59 AM, 22-09-2014
TÂN MINH - TẤN KA

Hàng ngàn người Nga phản đối Moscow can dự vào Ukraine

MOSCOW, Nga (AFP) - Hàng ngàn người Nga hôm Chủ Nhật biểu tình tuần hành qua thủ đô Moscow để phản đối sự can dự của điện Kremlin vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong cuộc biểu tình chống chiến tranh lớn nhất kể từ khi giao tranh bùng nổ hồi Tháng Tư.


Biểu tình ở Moscow phản đối Nga can dự vào Ukraine. (Hình: AP Photo/Denis Tyrin)

Một đoàn người đông đảo, gồm cả các nhân vật tranh đấu đối lập nổi tiếng, đã đi trong trung tâm thủ đô để lên án vai trò của Moscow trong cuộc chiến đã làm thiệt mạng gần 3,000 người và khiến người Nga phải đối đầu với người Ukraine.

Nhiều người biểu tình mang theo cờ xanh vàng của Ukraine và biểu ngữ với hàng chữ như “Không chiến tranh” và “Putin, ngưng nói dối,” hô khẩu hiệu “chúng ta đứng cùng Ukraine.”

“Tôi tin rằng Putin xúi giục cuộc chiến này,” theo lời một người biểu tình ngồi xe lăn, ông Vladimir Kashitsyn, 44 tuổi. “Tôi muốn Putin ngưng can dự vào nội bộ Ukraine.”

“Ðây là sự điên khùng và là tội ác nhắm vào Ukraine, dân chúng vùng Donbass và dân Nga,” theo lời một người biểu tình khác, Igor Yasin, 34 tuổi.

Cuộc biểu tình, mệnh danh “Tuần Hành Hòa Bình,” diễn ra trong lúc các cơ quan truyền thông nhà nước Nga hoàn toàn không đề cập gì đến sự hiện diện của quân Nga ở Ukraine, dù rằng có nhiều lính Nga thiệt mạng và thi hài được gửi về nhà.

Một người trong ban tổ chức, ông Sergei Davidis, cho hay có hàng chục ngàn người tham dự biểu tình. Cảnh sát Nga nói rằng có 5,000 người hiện diện.

Tại St. Petersburg, cũng có khoảng 1,000 người đến tham dự một cuộc biểu tình phản đối tham dự chiến tranh ở Ukraine.

Ông Yury Ryzhov, 83 tuổi, cựu đại sứ Nga ở Pháp, kêu gọi dân chúng Nga hãy phản đối “cuộc chiến không tuyên bố” của điện Kremlin.

Nhà thơ Igor Irtenyev nói rằng dân Nga “không nên quên ai là kẻ khởi sự cuộc chiến, ai sát nhập vùng Crimea” và liệu rằng có thể ngồi yên khi các người lính Nga trở về “trong hòm gỗ thông.” (V.Giang)
09-21- 2014 2:20:10 PM
Theo Người Việt

Trung Quốc loan báo bắt lại 88 người đào tẩu ra ngoại quốc

BẮC KINH, Trung Quốc (AP) - Bộ Công An Trung Quốc hôm Chủ Nhật cho hay có 88 người đào tẩu bị truy lùng về tội tham nhũng và các tội kinh tế khác đã bị dẫn độ hay tự ý trở về trình diện từ Mỹ cùng các quốc gia khác trong lúc đang có chiến dịch bài trừ tham nhũng gắt gao ở Trung Quốc.

Ông Chu Vĩnh Khang, một nhân vật cao cấp của Trung Quốc, từng bị điều tra vì có “các vi phạm kỷ luật trầm trọng.” (Hình minh họa: Liu Jin/AFP/GettyImages)

Một người trong số này đã sống tại Canada từ 14 năm qua và bị cáo buộc là thâm lạm khoảng 60 triệu yuan (chừng $10 triệu), theo nguồn tin trên.

Một người khác bị bắt ở Thái Lan, trong khi 35 trong số 88 nghi can “được thuyết phục” để tự ý trở về từ Mỹ, Bỉ và các quốc gia khác.

Chính quyền của ông Tập Cận Bình hiện đang trong chiến dịch bài trừ tham nhũng mới nhất, trong một loạt các chiến dịch tương tự từ hai thập niên qua.

Các nhà lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Trung Quốc từng nhiều lần cảnh cáo rằng sự bất mãn của dân chúng trước tình trạng tham nhũng tràn lan sẽ khiến họ không còn chấp nhận chế độ độc đảng như hiện nay.

Lời loan báo hôm Chủ Nhật không cho biết tên của các nghi can hay chi tiết về sự phạm pháp của họ.

Hiện ngày càng có nhiều trường hợp trong đó các giới chức chính quyền Trung Quốc chuyển tiền và đưa vợ con ra ngoại quốc, chỉ còn mình họ ở lại trong nước.

Hồi Tháng Bảy, giới hữu trách mở chiến dịch mệnh danh “Săn Chồn 2014” để truy lùng các giới chức tham nhũng trốn ra ngoại quốc.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc lúc đó cho hay chính quyền muốn “chặn lối thoát sau cùng của thành phần tham nhũng.”

Nhiều giới chức trong số này bị cáo buộc là thâm lạm công quỹ, lợi dụng quyền hạn trong nền kinh tế do nhà nước chỉ huy để đòi hối lộ hay các quyền lợi khác từ các công ty tư nhân.

Hồi Tháng Bảy, Ðảng Cộng Sản Trung Quốc loan báo mở cuộc điều tra một cựu ủy viên Ban Thường Trực Bộ Chính Trị, ông Chu Vĩnh Khang, vì đã có “các vi phạm kỷ luật trầm trọng,” một từ ngữ thường dùng để chỉ tham nhũng. (V.Giang)
09-21- 2014 2:00:39 PM
Theo Người Việt

'Nhà hạnh phúc'

Ðọc “Ðèn cù” của Trần Ðĩnh tôi mới hiểu ra lịch sử của cái gọi là “Nhà hạnh phúc,” một gian nhà tranh nhỏ được cất ra dành cho những người trong cơ quan Cộng Sản để tiếp vợ hay chồng đến thăm viếng ngủ qua đêm, một sáng kiến của ông Trường Chinh. 

Lúc bấy giờ ở “an toàn khu” Việt Bắc, ông Dương Ðức Hiền, tổng thư ký đảng Dân Chủ (1), đi thăm vợ ở Hội Phụ Nữ của đảng, cả hai phải đem nhau ra bìa rừng. Một ông lão trong bản ngang qua, trông thấy, than vãn là thương chúng nó phải “đè nhau ở lưng đồi thế kia,” mà ông tổng thư ký đảng lại còn ngóc đầu lên “chào cụ” cho đủ bài bản dân vận, “đi thưa về trình.”

Câu chuyện không ai ngờ là mãi 35 năm sau, “Nhà hạnh phúc” lại được cất lên trong trại “cải tạo,” lần này không biết sáng kiến của ai, để cho tù cải tạo ngủ với vợ ra thăm. Những người trong nhà tù trên bảy năm, may ra mới thấy mặt mũi cái “motel dã chiến” này, thời gian đã có những phái đoàn báo chí ngoại quốc đến thăm trại tù, còn từ năm 1980 trở về trước, đang còn hận thù sâu sắc, Bộ Nội Vụ (sau này đổi tên là Bộ Công An) chẳng có thời giờ nghĩ đến chuyện này, những chuyến thăm viếng cho phép vợ chồng gặp gỡ chớp nhoáng, có sự giám sát của cán bộ và chưa có chuyện cho vợ thăm tù được ở lại ngủ qua đêm với chồng.

Câu chuyện xây dựng “Nhà hạnh phúc” ngay trong trại tù để cho tù “cải tạo” ngủ với vợ, xem ra như là một chuyện nhắm mục đích tuyên truyền với bá tánh rằng đảng ta hết sức nhân đạo khoan hồng. Mãi đến năm 1981 khi chúng tôi được chuyển trại về Nam, một vài trại tù thuộc khu Z30D và Z30C (Hàm Tân) mới bắt đầu lục đục bắt tù kéo tranh, nứa, gỗ... về cưa đục, khẩn trương xây dựng “Nhà hạnh phúc” cho vợ ra thăm tù được ngủ lại đêm với chồng.

Nhưng không phải tù nhân nào có vợ ra thăm cũng đều được trại chiếu cố khoan hồng nhân đạo, nếu như vậy phải xây hàng nghìn căn nhà, hay một trại có những dãy giường để người ta có thể làm tình tập thể.
Tù “cải tạo” học tập tốt, lao động tốt, được bầu bán là cải tạo tiên tiến may ra mới được chiếu cố cho thêm một phiếu quà, tức là được phép ăn thêm quà nhà, còn như được ngủ với vợ qua đêm phải là loại tù “xuất sắc” được phê chuẩn từ ban chỉ huy trại, phải là loại “văn hóa, thi đua” mẫn cán, hay ăn ở được lòng cai tù.

May ra 1,000 anh tù “cải tạo” mới có một anh được hưởng cái “hạnh phúc” đêm thăm nuôi ngủ “ngoài chuồng” với vợ, tức là không phải vào ngủ trong những căn nhà tù có điểm danh và được canh gác cẩn mật bởi vệ binh.

“Nhà hạnh phúc” là ngôi nhà một gian, làm bằng toàn tre nứa, may ra chỉ đủ kê một cái giường nhỏ, phần còn lại dư chỗ cho một cái bàn, một cái ghế. Không nghe nói gian nhà có bếp hay có chỗ để một cái lu nước với một cái gáo hay không, phần này tôi nghĩ là tù “hạnh phúc” có thể “khắc phục” được. Ngôi nhà nhỏ được xây cất gần bộ chỉ huy trại nhưng nằm ngoài phạm vi trại tù có lính canh. Nhà lợp mái, vách trát bùn xong rồi, nhưng tù cũng chưa nghe thông báo gì về tiêu chuẩn ai được ngủ, ai không, để tù có thi đua, ráng sức, may ra ngàn năm một thuở, vượt qua số phận của anh em để ngủ với vợ nhà một đêm.

Sau đó, thỉnh thoảng một vài tuần, lại nghe một anh đội trưởng hay thi đua có vợ ra thăm, được phép cắp chăn chiếu lên ngủ ở nhà hạnh phúc. Sáng hôm sau, anh tù được đặc ân ấy ở nhà một ngày bồi dưỡng lại sức lực, bẽn lẽn nhìn anh em, còn bà vợ có mở cửa ra về lúc gặp đoàn tù xếp hàng đi làm, ăn nói xỏ xiên, thì che nón cúi gầm mặt, đi thẳng. Mặt khác, đối với những người có chồng đi “cải tạo” cùng hoàn cảnh, sẽ nhìn người đàn bà vừa ra khỏi ngôi nhà kia với những ánh mắt như thế nào. Cũng như những người tù chung trại nhìn chồng bà, tôi không nghĩ là họ có lòng ganh tỵ hay thèm khát địa vị của những người đã ngủ qua đêm trong ngôi “Nhà hạnh phúc” ấy.

Tuy vậy, không phải không có những người chạy chọt, lo lót để được đặc ân ngủ qua đêm với vợ trong trại tù bằng nhiều cách, như đem hết quà cáp gia đình gửi, lên nhà bếp cán bộ trại, hay lót tay quản giáo. Ranh giới giữa “học tập tốt, lao động tốt, an tâm tin tưởng vào đường lối khoan hồng của cách mạng” và những người “nín thở qua sông” khá mong manh, khó ai mà cân đo được.

Riêng người đàn bà vợ tù, “chẳng may” thụ thai sau cái đêm trùng phùng ấy, biết ăn nói, giải thích ra sao với gia đình, lối xóm nên bộ chỉ huy trại tù đã chu đáo cấp cho một cái giấy chứng nhận ngày tháng, bà này có được ngủ với chồng qua sự khoan hồng, nhân đạo của đảng và chính phủ, có đóng con dấu đỏ và chắc chắn là có mấy chữ độc lập tự do, hạnh phúc kèm theo. Ðó là nói về lý, nhưng về tình, làm sao khỏi miệng tiếng ở đời, khi người đàn bà có chồng đi “cải tạo” chưa thấy về mà bụng thì mỗi ngày mỗi lớn. Một đêm hạnh phúc, nhưng có những đến “chín tháng mười ngày” xót xa.

Phần ông chồng, được “đặc ân” ngủ với vợ, dù chỉ một đêm, trong khi bạn bè, chiến hữu mình nằm san sát nhau trên sạp tre cách đó không xa, hẳn cái “hạnh phúc” này cũng không trọn vẹn. Vả lại, được hưởng đặc ân này, người tù phải có “công trạng” ra sao, hay phải lo lót, quà cáp tới mức nào để đưa vào danh sách được ngủ trong ngôi nhà mang tên “hạnh phúc.”

Và đứa con, được thụ thai trong cái nhà tù xa xôi giữa núi rừng ấy, trong đêm, giữa tiếng kẻng đổi phiên của cai tù, lớn lên sẽ nghĩ sao về sự ra đời của mình?

Một cựu sĩ quan VNCH, vốn là con trai độc nhất của gia đình, khi anh lớn lên, người mẹ thường trông chờ con lấy vợ để sinh cho bà một đứa cháu nối dõi, nhưng chiến tranh đã đưa anh đi xa, không có cơ hội lập gia đình. Ðầu năm định mệnh 1975, nghe lời mẹ, anh lấy vợ. Lấy vợ chưa được bao lâu thì quân đội tan hàng, anh khăn gói đi tù. Cuộc đời tù “cải tạo” dưới chế độ Cộng Sản không hy vọng và không biết được thuở nào ra, nhất là đối với một sĩ quan tác chiến có “nợ máu” như anh.
Qua bảy năm ở trong tù, thương nhớ vợ thì ít, mà xót xa nghĩ đến mẹ già đau yếu, mỏi mắt chờ con thì nhiều. Khi biết được có “chế độ” ngủ qua đêm tại “Nhà hạnh phúc,” anh đã tìm cách liên lạc với gia đình, để có phương tiện đút lót hầu có chút cơ may mang về cho mẹ một đứa cháu, thì dù phải chết trong tù, anh cũng yên tâm. Ðến ngày hẹn gặp vợ, anh cũng mong đợi từng ngày và hy vọng làm tròn bổn phận của một đứa con chưa tròn đạo hiếu, và bỏ qua tất cả những lời dị nghị, xì xầm của bạn bè trong nhà tù.

Lâu ngày vợ chồng gặp nhau, sau một vài giờ mừng rỡ, tưởng chừng như câu chuyện không bao giờ dứt. Khi tiếng kẻng của trại nhắc nhở giờ ngủ, anh cũng háo hức nghĩ đến chuyện ái ân. Họ hôn nhau những nụ hôn vụng về, và anh lần lượt gỡ bỏ bộ y phục mà anh còn nhớ rõ bảy năm về trước, được người vợ mang theo. Trên vạt giường tre, anh đau xót khi thấy thân thể vợ qua nhiều năm nghèo đói, tuyệt vọng, thương nhớ. Hai cánh tay chị khẳng khiu, xương vai nhô cao. Hai bầu vú đầy đặn năm xưa không còn nữa, hai núm vú như muốn lặn sâu vào lồng ngực. Cái bụng thiếu ăn sát xuống giường và hai đầu xương hông gầy guộc nhô cao. Anh yên lặng ôm vợ vào lòng và mặc cho hai hàng nước mắt tuôn chảy, chị cũng khóc theo, cả hai đều thương xót cho số phận của nhau.

Mười bảy năm tù, khi anh trở lại nhà thì mẹ anh qua đời, chưa có được một lần gặp mặt con trai và đứa cháu mà bà hằng mong đợi. Khi trở về thì anh chị đã quá già, tương lai vô định, họ không nghĩ đến chuyện có một đứa con.

Những ngôi “Nhà hạnh phúc” lập ra cho các bộ đội “cụ Hồ,” cho những cơ quan xa thành phố ngày trước của Cộng Sản, may ra còn có thể hiểu, nhưng những ngôi “Nhà hạnh phúc” được bày trò ra trong các “trại cải tạo” sau năm 1980, như một đặc ân cho người thất thế, mang nỗi đau đớn của phận người, trông nhếch nhác, bẩn thỉu và mỉa mai vô cùng.

(1) Ðảng làm“kiểng” do ông Trường Chinh lập ra và cơm gạo thì do ông Nguyễn Lương Bằng, phụ trách tài chánh, cấp.
09-21-2014 1:31:04 PM

Tạp ghi Huy Phương
Theo Người Việt

Đồng Tháp:Bảo vệ môi trường, trách nhiệm không của riêng ai

Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đã được tỉnh quan tâm thực hiện và bước đầu đạt được kết quả nhất định, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác này vẫn còn hạn chế, một bộ phận dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn xem nhẹ và chưa quan tâm, tập trung vào các nhóm hành vi như: vi phạm các thủ tục hành chính, chế độ báo cáo và thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, cam kết BVMT đã được xác nhận; vi phạm quản lý chất thải,...

 Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng

Năm 2013, cơ quan chức năng phát hiện và xử lý 203 trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT với số tiền trên 1,3 tỷ đồng. Trong đó, nhiều trường hợp đã được nhắc nhở, thậm chí xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của nhiều người dân sống ở khu vực lân cận. Điển hình như Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Ngọc Dung, chuyên sản xuất bột cá, mỡ cá ở ấp Tân Bình, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động (năm 2010), Công ty đã 3 lần bị xử phạt hành chính vì xả nước thải, khí thải, bụi vượt chuẩn quy định.

Gần đây (đầu năm 2014), nhiều người dân ở ấp Long Thành A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung phản ánh cơ sở xay xát, ép củi trấu Thế Hiển, do trong quá trình sản xuất, cơ sở này không có biện pháp che chắn hợp lý gây bụi và tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của nhiều hộ dân lân cận, mặc dù trước đó cơ sở đã bị xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng do chưa thực hiện chương trình giám sát môi trường theo nội dung cam kết BVMT.

Ngoài các hành vi nêu trên, vi phạm pháp luật về BVMT còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội bao gồm việc xử lý chưa tốt mùi, nước thải ở các bãi rác, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh, tình trạng đổ rác thải bừa bãi tại các khu dân cư, đặc biệt là dân cư hai bên bờ sông ở vùng nông thôn, vùng sâu, hay việc sử dụng các phương tiện, máy móc trong sản xuất, phương tiện giao thông không bảo đảm tiêu chuẩn về BVMT.

Thực tế trên cho thấy, việc áp dụng các hình thức xử lý vi phạm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với một số vi phạm chế tài còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Các quy định về trách nhiệm xác định, giám định, đền bù thiệt hại còn chưa rõ ràng và không khả thi. Vì vậy, nhiều cơ sở, doanh nghiệp thay vì đầu tư trang thiết bị xử lý chất thải lại chấp nhận các hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Môi trường suy thoái, ô nhiễm sẽ gây ra hậu quả to lớn cho con người và sự sống trên trái đất. BVMT là bảo vệ sự sống cho chính mình, do đó, BVMT không là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của mỗi người, của cộng đồng, của toàn xã hội. Cần xem việc thi hành pháp luật về BVMT là việc làm sống còn, thường xuyên, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo Bích Liễu (Báo Đồng Tháp)

Hà Nội “cưỡng ép” trong cấp phép xây dựng, dân chỉ biết kêu trời!

Theo quy định của pháp luật thì Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01: 2008/BXD chỉ dùng để thiết kế quy hoạch trong quy hoạch xây dựng, vậy nhưng Sở Xây dựng Hà Nội lại đem quy chuẩn này áp đặt, cấp phép xây dựng cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn thành phố. Việc làm trái pháp luật này đã gây thiệt hại không nhỏ về lợi ích kinh tế cũng như quyền lợi của người dân, Thanh tra Bộ Xây dựng đã nhiều lần yêu cầu sửa đổi, tuy nhiên, thực tế vẫn “không thể” cải thiện.

Hà Nội “cưỡng ép” trong cấp phép xây dựng, dân chỉ biết kêu trời!
Việc cấp phép xây dựng đang có nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội

Cấp phép xây dựng sai, dân chịu thiệt
Trong những năm gần đây, số lượng đơn thư người dân gửi tới thanh tra Bộ Xây dựng phản ánh về việc diện tích đất bị cắt xén hàng chục m2 sau khi được cấp phép xây dựng ngày một nhiều. Trong đó, nội dung chủ yếu đề cập đến việc: Họ là những người dân đang sống trong căn nhà cũ, có một vài người mua lại với diện tích 70m2, 80m2, đến 100m2…Tuy nhiên, do nhà quá cũ và một mặt muốn góp phần chỉnh trang đô thị nên họ đã xin đập đi để xây mới theo thiết kế của riêng mình. Vậy nhưng, khi khởi công xây dựng công trình thì họ mới phát hiện là chỉ được phép xây dựng 70 đến 80% diện tích đất sẵn có. Vậy số diện tích còn lại đã đi đâu? Trong khi, để có 1m2 đất trong đô thị cũ họ đã phải mất một khoản tiền lớn từ hàng chục đến vài chục triệu đồng.
Nhiều người dân đã đến gặp chính quyền địa phương, các Sở Quy hoạch, Sở Xây dựng để xin giải đáp về vấn đề này, đồng thời xin xây hết số đất mà họ đã có nhưng đều được trả lời: pháp luật quy định như vậy.
Lần theo những thông tin trên, phóng viên đã tìm đến các cơ quan cấp Sở Xây dựng và một số chính quyền địa phương thì được các đơn vị này cho biết, họ cấp phép xây dựng theo Quyết định 59/2013/QĐ-UBND, ngày 19/12/2013 về quy định chi tiết một số nội dung về giấy phép xây dựng trên địa bàn thánh phố Hà Nội. Sau khi nghiên cứu tại điểm b, khoản 1, Điều 9 Quyết định 59/2013/QĐ-UBND đối với nhà ở riêng lẻ cá nhân, hộ gia đình có quy định: “Cơ quan cấp giấy phép xây dựng căn cứ vào các quy chuẩn có liên quan và quy định tại các khoản 1,2 điều 15 Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị; đối chiếu với nội dung giấy phép xây dựng đã cấp cho nhà ở có quy mô tương tự trong khu vực để xem xét, giải quyết việc cấp giấy phép xây dựng theo quy định, phù hợp với cảnh quan khu vực”.
Vậy thì quy định trên căn cứ vào pháp luật nào? Theo quy định hiện hành, việc cấp phép xây dựng được quy định tại Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 về Cấp phép xây dựng. Tại Điều 6, đối với công trình xây dựng và nhà ở riêng lẻ trong đô thị: “a, phù hợp với: Quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; b, đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết, thì phải phù hợp với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; c, công trình xây dựng dân dụng cấp đặc biệt, cấp I trong đô thị phải có thiết kế tầng hầm theo yêu cầu của đồ án quy hoạch đô thị và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Như vậy, trong quy định này không có một quy định nào cho phép căn cứ vào tiêu chuẩn để cấp giấy phép xây dựng. Vậy thì, đây là một sự nhầm lẫn hay sự cố tình vi phạm pháp luật trong văn bản pháp luật để làm tổn hại kinh tế của nhân dân?
Theo quy định tại điểm 2.8.6 về mật độ xây dựng thuần (net – tô) tối đa cho phép của QCXDVN 01: 2008/BXD có đưa ra những thông số cụ thể như diện tích lô đất 75m2/căn nhà thì mật độ xây dựng tối đa là 90%, 100m2 là 80%, 200m2 là 70%... Quy chuẩn này là để làm cơ sở cho việc thiết kế các đồ án quy hoạch xây dựng chứ không phải để cấp phép xây dựng. Tóm lại, quy chuẩn là để thực hiện việc thiết kế quy hoạch xây dựng còn quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị cùng quy chế quản lý kiến trúc là cơ sở duy nhất để cấp phép xây dựng.
Vậy các cơ quan, cá nhân làm công tác cấp phép xây dựng có chuyên môn về công tác quy hoạch xây dựng hay không? Nếu có, tại sao lại tham mưu cho UBND TP. Hà Nội ban hành một văn bản không những gây bức bách, thiệt hại cho người dân mà còn tạo bộ mặt đô thị nham nhở, không theo ý muốn.
Nhà quản lý sai nhưng không chịu sửa?
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết:
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nhiều năm trước đây kể cả trước khi Nghị định 64 ra đời, Thanh tra Bộ đã phát hiện TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sử dụng quy chuẩn xây dựng để cấp phép xây dựng. Điều này đã làm thiệt hại cho người dân và gây nhiều khiếu kiện, Thanh tra Bộ đã nhiều lần nhắc nhở nhưng thực tế vẫn chưa được cải thiện.
Việc sử dụng quy chuẩn để cấp phép xây dựng không những làm tổn hại cho người dân về mặt kinh tế mà còn tạo nên một bộ mặt đô thị “khập khiễng”, thiếu đồng nhất. Đặc biệt là các tuyến đường mà dân cư đã ổn định. Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 về Cấp phép xây dựng nhằm chấn chỉnh lại công tác cấp phép xây dựng, trong đó quy định điều kiện để cấp giấy phép xây dựng là phải có quy hoạch chi tiết 1/500, có bản vẽ thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, trên thực tế không hiểu do ý thức chấp hành pháp luật hay lý do gì mà TP Hà Nội vẫn ban hành văn bản cho phép việc cấp phép theo quy chuẩn xây dựng. Đây là một việc làm không phù hợp với pháp luật và không quy định cho các cấp chính quyền cũng như các ngành trong việc lập lại trật tự xây dựng đô thị theo quy hoạch. Có lẽ, đã đến lúc các ngành chức năng phải sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm.
VietBao.vn (Theo Báo Xây dựng)

PICS:Cầu Thanh Trì: Sửa lún lại tiếp tục lún!

(Baodatviet) - Dù đã sửa chữa, cải tạo nhiều lần nhưng bề mặt cầu Thanh Trì tiếp tục xuất hiện những vết lún “luống khoai” rất nguy hiểm
Cầu Thanh Trì (Hà Nội) được đưa vào sử dụng năm 2007 và một vài năm gần đây, cầu đã có dấu hiệu xuống cấp.

Trên cầu hiện đang xuất hiện tình trạng lún, tạo thành những rãnh hằn sâu, gờ nhô cao kéo dài suốt toàn bộ phần cầu chính (không tính đường dẫn, dài khoảng 12km) đến gần đoạn giao với QL5.

Hiện tượng lún chỉ xuất hiện ở phía làn dành cho ô tô, ở cả 2 chiều. Những đoạn lún có chỗ hằn sâu xuống, tạo thành nhiều rãnh cách nhau khoảng gần 3m, gờ nhô cao khoảng 5cm, có nhiều chỗ nhô cao tới 10cm chạy song song với vạch kẻ phân làn.

Người dân quanh khu vực 2 đầu cầu cho biết, mỗi ngày lượng xe tải, container và xe con đi lại thường xuyên với số lượng lớn. Xe container, xe tải cỡ lớn lưu thông đông nhất vào khoảng 21h cho đến 5h sáng hôm sau.
Vết lún trên mặt cầu Thanh Trì
Vết lún trên mặt cầu Thanh Trì
Anh Đỗ Quốc Nam (ở huyện Gia Lâm) cho biết: “Mỗi ngày tôi đều phải lái xe từ nhà vào trung tâm Hà Nội, trên cả tuyến đường đi thì tôi chỉ lo ngại nhất là đoạn cầu Thanh Trì. Vì hiện nay, trên mặt cầu xuất hiện nhiều rãnh hằn sâu và những mảng nhựa nhô cao trên mặt đường rất nguy hiểm cho các phương tiện qua lại. Chỉ cần sơ ý là có thể mất lái và gây tai nạn".
Cách giải quyết duy nhất để bảo vệ bề mặt những cây cầu này là cứ gặp lún ở đâu thì sửa đấy, vá víu chằng chịt. Tuy nhiên bù lún chỗ này thì lại lún chỗ khác, thậm chí vừa đổ thêm nhựa để chống lún, một thời gian sau đã bong ra.
Được biết, những hiện tượng lún, nứt này bắt đầu xuất hiện nhiều và nghiêm trọng từ năm 2010.
Thêm một số hình ảnh về những vết lún trên mặt cầu
Thêm một số hình ảnh về những vết lún trên mặt cầu
Hằn theo vết bánh xe
Hằn theo vết bánh xe
Có những đoạn lún lên tới gần 10cm
Có những đoạn lún lên tới gần 10cm
Hiện tượng chỉ xảy ra ở làn của ô tô
Hiện tượng chỉ xảy ra ở làn của ô tô

Đỗ Phong (Tổng hợp VNN, ĐVO)

Nhà báo có được phép "theo dõi" công an?

(PetroTimes) - Bộ Công an vừa kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông “xử lý Phóng viên Báo Thanh niên cài bẫy, tạo tình huống đưa hối lộ cho Cảnh sát giao thông để ghi âm, ghi hình”. Vụ việc này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều.
Một số người cho rằng, cơ quan công an làm như thế là “thủ tiêu đấu tranh”, “không muốn có sự giám sát của báo chí”. Tuy nhiên, cũng nhiều người cho rằng yêu cầu của công an là xác đáng vì hành động “cài bẫy” là thúc đẩy người khác phạm tội, là vi phạm pháp luật.
Để bạn đọc có cái nhìn đa chiều, chúng tôi xin viện dẫn thêm 1 trường hợp phóng viên “theo dõi” cơ quan công an.
Hình ảnh cảnh sát giao thông hút thuốc, đeo kính trong khi làm việc gây phản cảm.
Phóng viên một tờ báo ở TP HCM đã lẻn vào phòng họp của Trạm CSGT Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai. Để có tư liệu, phóng viên đã đặt máy ghi âm rồi ghi lại cuộc cuộc họp giao ban của cơ quan này.
Vụ việc này sau đó bị bại lộ.
Mặc dù kết quả xử lý việc này thì vẫn chưa nhiều người được biết nhưng đến nay, đây vẫn là câu chuyện gây tranh cãi về mối quan hệ giữa cơ quan công an và cơ quan báo chí.
Giới hạn nào cho việc tác nghiệp của báo chí?
Mối quan hệ giám sát của báo chí với công an được thực hiện đến mức độ nào?
Hai câu hỏi này luôn là đề tài bàn cãi và vẫn chưa có hồi kết. Trao đổi với phóng viên PetroTimes, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP HCM trình bày quan điểm:
Luật sư Nguyễn Văn Hậu.
Trong các cuộc họp của cơ quan Công an có những cuộc họp thuộc phạm vi bí mật, họp ban chuyên án hoặc các vấn đề liên quan đến nan ninh, trật tự an toàn xã hội… Những cuộc họp này nếu muốn ghi âm thì phải xin phép và có sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan công an. Các cuộc họp khác thì được ghi âm trong quyền hạn của Luật báo chí.
Phóng viên có thể coi băng ghi âm là nguồn tư liệu phục vụ cho thông tin, phản ánh, định hướng dư luận. Trong các cuộc họp báo, những buổi gặp gỡ báo chí thì không cần phải xin phép.
Trở lại với vụ việc phóng viên của một tờ báo tại TP HCM lẻn vào phòng họp giao ban của Trạm CSGT Dầu Giây để đặt máy ghi âm. Về nguyên tắc, đây là cuộc họp nội bộ của ngành liên quan đến an ninh, nên nếu muốn ghi âm thì phải xin phép và nhận được sự đồng ý của cơ quan này. Việc phóng viên lén đặt máy ghi âm trong trường hợp này là sai.
Khi phóng viên có trong tay đoạn ghi âm buổi họp trên, nếu phát hiện tiêu cực thì phải báo cáo ngay về Tổng Biên tập của tờ báo và cung cấp đoạn ghi âm cho cơ quan tố tụng để xác minh làm rõ. Sau thời hạn cho phép, hoặc có kết luật điều tra, phóng viên có quyền đưa thông tin về vụ việc lên mặt báo.
11:32 | 19/09/2014 
Nhóm phóng viên PetroTimes

Thưa các đại gia và các doanh nhân!

(PetroTimes) - Có những đại gia, do giàu có nhờ làm ăn kiểu “bá đạo”, và nhờ may mắn thì lại nhảy vào làm chính trị, thuê mướn báo chí đánh bóng tên tuổi cho mình, và vung tiền ra mua giải thưởng…?
Nước ta bây giờ có hằng hà sa số các “đại gia” và “doanh nhân”.
Trong số này, có những người là đại gia theo đúng nghĩa đẹp của từ này. Bởi họ đã làm giàu bằng chính tài năng, công sức, mồ hôi nước mắt của mình. Họ đóng góp lớn cho xã hội và trên hết, là họ có khát vọng làm giàu vì trách nhiệm với đất nước và với người lao động.
Trong số doanh nhân, cũng có nhiều người xứng đáng với nghĩa đẹp của từ này. Không ít doanh nhân đã và đang có những đóng góp cực kỳ to lớn vào nền kinh tế nước nhà. Và cũng rất nhiều người có tấm lòng Bồ Tát, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.
Đảng, Chính phủ luôn trân trọng, và khuyến khích các doanh nhân và là đại gia như thế.
Nhưng cũng có không hiếm người mà chỉ do cưỡi xe xịn, xách cặp sang, có thư ký “chân dài như kiếm Nhật” đi theo, kèm cái cạc-vi-dit… là được coi là “đại gia”… Không ai có thể biết được các đại gia kiểu này, đang nợ nần chồng chất thế nào? Không ai có thể biết đám “đại gia đểu” này đang nợ bảo hiểm, quỵt lương, trốn thuế bao nhiêu? Thậm chí không thể biết được họ đang làm cái quái gì.
Thưa các đại gia và các doanh nhân?
Lâu đài Tổng Hải Sơn của một đại gia ở Phủ Lý, Hà Nam.
Rồi các doanh nhân nữa.
Nước ta bây giờ hình như đang quá lạm dụng từ “doanh nhân” - Ai mà làm kinh doanh, sản xuất, có tý chức sắc, là được gọi là “doanh nhân”.
Doanh nhân là gì? Là ai? Và ai đáng được gọi là doanh nhân?
Thật ra, từ “doanh nhân” mới xuất hiện từ sau những năm thập kỷ 90 của thế kỷ trước – nghĩa là từ sau khi Đảng ta bắt đầu công cuộc đổi mới xây dựng kinh tế đất nước và công nhận nền kinh tế tư nhân. Trước đó, từ “doanh nhân” vốn có rất lâu, đã bị xóa bỏ bởi chúng ta không công nhận nền kinh tế thị trường.
Doanh nhân, nghĩa là người làm chủ, người điều hành hoặc là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên ban điều hành… một đơn vị kinh tế, mà đó phải là kinh tế tư nhân.
Còn người được Nhà nước thuê quản lý một doanh nghiệp Nhà nước thì không nên gọi “doanh nhân”. Vì người đó có phải bỏ vốn liếng của mình ra đâu? Họ được thừa hưởng tiền bạc, cơ sở vật chất, và cơ chế do Nhà nước giao cho…
Gần đây, chúng ta cứ lộn sòng khái niệm này. Và thế là các giải thưởng cho doanh nhân cứ trao bạt mạng, đánh đồng tư nhân và Nhà nước? Đã đến lúc cần phải tách bạch hai loại “doanh nhân” này.
Nên chăng, danh hiệu tôn vinh các doanh nhân thì chỉ nên trao cho thành phần kinh tế tư nhân. Còn tôn vinh những nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp Nhà nước thì là “Giám đốc giỏi”; “Giám đốc trong lòng dân”… Đại khái là thế.
Nhưng thôi, chuyện cái tên gọi, không nên bàn quá kỹ và “chẻ sợi tóc làm tư”, mà quan trọng ta nên suy ngẫm về thực chất của đội ngũ “doanh nhân Việt”.
Sòng phẳng mà nói, thì trong đội ngũ những người được gọi là “đại gia” và “doanh nhân” của nước ta, có rất, rất nhiều người mà họ làm giàu được là từ mánh mung, làm ăn chộp giật, từ các kiểu làm ăn bá đạo, và vô vàn các mưu mô, chước quỷ khác. Và khi có đồng tiền, thì không ít kẻ lại lao vào làm chính trị… Một loạt các vụ án mới được phanh phui trong vài năm trở lại đây cho thấy rất rõ điều này. Thậm chí, có doanh nghiệp khá tiếng tăm, nhưng thực chất lại là một tổ chức mafia. Vụ án Minh “sâm” ở Bắc Ninh mới bị triệt phá gần đây là minh chứng cho điều này.
Đã thế, không ít đại gia, doanh nhân đua nhau sắm xe thật oách, xây dựng nhà cửa thật hoành tráng; rồi lại còn đua nhau dựng tượng Phật cho rõ to và cái quái gì cũng muốn “ngang tầm thế giới”.
Chúng ta cứ khoe khoang có lắm “doanh nhân giỏi”, rồi nào là “trí tuệ Việt Nam” thế nọ, thế kia; nào là người Việt “cần cù, chịu khó, tiết kiệm”… Nhưng cả một nền công nghiệp nước nhà đến con vít, sợi dây cáp máy tính… cũng không làm nổi. Rồi đến cái tăm, sợi chỉ, đôi đũa… cũng phải đi nhập khẩu?
Vậy đã bao giờ các “doanh nhân”, các “đại gia” xấu hổ cho việc này chưa?
Vậy thì doanh nhân Việt, đại gia Việt làm cái quái gì? Trong khi đó, cứ hoắng lên lo chuyện đâu đâu.
Xâu chuỗi lại tất cả những gì mà các doanh nhân và đại gia Việt đã làm được, ta có thể khái quát được đặc tính chung của họ, cơ bản là như thế này: Không có tầm nhìn xa, không dám đi vào những lĩnh vực cơ bản như sản xuất, chế tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, không dám mạo hiểm trong sản xuất; quen “đếm cua trong lỗ”, quen “bóc ngắn, cắn dài”; không biết tiết kiệm, hay khoe khoang, háo danh và đặc biệt là sĩ diện hão.
Người viết bài này từng được chứng kiến rất nhiều đại gia khi có chút tiền là hợm hĩnh, và “mục hạ vô nhân” - dưới con mắt mình là không có ai.
Rồi lại có những đại gia, do giàu có nhờ làm ăn kiểu “bá đạo”, và nhờ may mắn thì lại nhảy vào làm chính trị, thuê mướn báo chí đánh bóng tên tuổi cho mình, và vung tiền ra mua giải thưởng…?
Người ta nói rất nhiều về thói huênh hoang, tiêu tiền bạt mạng, ăn chơi xa xỉ của không ít đại gia. Những tưởng mấy năm suy thoái kinh tế vừa qua đã khiến cho nhiều đại gia sáng mắt ra, nhưng xem ra, không phải… Năm 2014, nền kinh tế bắt đầu phục hồi, vậy mà xe nhập khẩu đã tăng 35%, doanh số bán xe ô tô trong nước cũng tăng “ngoạn mục”.
Vậy điều này thể hiện cái gì? Đó chính là người Việt chúng ta quen làm ăn kiểu láu cá vặt, hay nói cách khác là mang đầu óc, tư duy tiểu nông vào làm công nghiệp.
Mặt khác, cũng phải thấy là chính sách nhằm động viên, khuyến khích các doanh nhân đầu tư vào sản xuất, đi từ nhỏ đến lớn, đi từ thấp đến cao… và có tính cơ bản, nghĩa là muốn phát huy nội lực, muốn cạnh tranh với bên ngoài, thì nội lực phải là từ những… cái kim sợi chỉ?
Gần đây, chúng ta mở rộng đầu tư nước ngoài, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp ngoài nước vào làm ăn ở Việt Nam. Và các doanh nghiệp ngoại thỏa sức “tung hoành”, và cạnh tranh tàn bạo với doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi nội lực của chúng ta yếu mà lại bắt phải “ra gió” với doanh nghiệp nước ngoài, thì rõ ràng sẽ là tự mình “cầm dao tay phải chặt tay trái”. Đó là cách “giết” doanh nghiệp Việt một cách nhanh nhất - đặc biệt là khi bắt doanh nghiệp Nhà nước phải cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài.
Nếu các doanh nhân, các đại gia không cúi xuống để nhìn kỹ xem dưới chân mình là gì và có khát vọng vươn lên; nếu Nhà nước không có những chính sách phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam thì chúng ta sẽ bị tụt hậu rất nhanh.
Chúng ta đang tụt hậu so với Lào, Campuchia và Myanmar rồi đấy!
06:45 | 21/09/2014
Như Thổ

Tốt nghiệp đại học: Mới là thoát nạn mù chữ!?


(PetroTimes) - Chưa bao giờ việc dạy và học lại được dư luận quan tâm tới mức “sôi sục” như hiện nay. Hầu như không có ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng lại vắng những bài báo viết về các loại kỳ thi, thi riêng, thi chung rồi đổi mới sách giáo khoa, cách dạy, cách học.
Năng lượng Mới số 358
Phải công nhận thần kinh của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận rất vững, chứ nếu không, cứ theo dư luận kiểu “phải trái, trái phải” thế này thì chắc phát điên lên mất.
Nhưng có một điều ai cũng thấy là ở đất nước này là nhà nào cũng muốn con mình phải đỗ đại học, nhưng nhà nào cũng lại muốn thi thế nào cho dễ, hay nói nôm na là làm thế nào để học ít nhưng vẫn có bằng cấp.
Động cơ học tập ở ta nhiều khi lại chỉ là để khoe với thiên hạ rằng, nhà tôi có đứa đang học ở đại học nọ, học viện kia. Rồi sinh viên cũng cố gắng ngoài bằng chính thì kiếm thêm vài bằng phụ cũng cốt để khoe “có học hành đầy đủ”.
Nạn háo danh, sính bằng cấp đang trở thành một căn bệnh mà xem ra ngày càng khó chữa. Và cái giả chắc chắn không thể là thật, bởi nước ta có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ vào hàng đông nhất ở Đông Nam Á, nhưng thật buồn khi số lượng các công trình nghiên cứu của đội ngũ này một năm chỉ bằng một trường đại học ở Thái Lan.
Mới là thoát nạn mù chữ!?
Người ta không những đua nhau kiếm bằng ở trong nước, mà còn lao ra nước ngoài để mua bằng cấp. Mà thực chất những thứ bằng này chẳng hề có chút giá trị nào.
Và cũng chẳng ở đâu như Việt Nam, lượng sinh viên đại học thất nghiệp quá lớn; trong khi đó lao động thì thiếu kỹ năng làm việc, tay nghề kém, lười, thích ăn nhậu… Nói tóm lại là lao động Việt Nam đủ các thói hư tật xấu.
Ngẫm mà cay đắng khi mà năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 của Singapore, bằng 1/5 của Malaysia. Và ngay tại Việt Nam, một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã phải thay đổi quan điểm về nhân công giá rẻ, vì có những loại công việc họ chỉ cần 1 người làm, thì đến Việt Nam, họ lại phải thuê đến 2, 3 người.
Tất cả những chuyện này xuất phát từ một quan điểm rất không ổn trong việc đào tạo, sử dụng cán bộ, người tài ở đất nước ta.
Từ lâu, người ta đã có câu “Phi đại học, bất thành nhân” - không có bằng đại học thì không thể nên người được. Rồi cái việc tuyển dụng cán bộ, người làm việc thì cũng “sính” bằng nọ, cấp kia, đặc biệt là ở các cơ quan công quyền và các doanh nghiệp Nhà nước. Phải nói thẳng là cơ chế tuyển dụng công chức và đề bạt cán bộ hiện nay của chúng ta không khuyến khích và không chọn được người tài, mà chỉ nhăm nhăm vào chọn người có bằng cấp.
Mà để có bằng cấp thì người ta phải nghĩ đủ mưu, đủ kế. Nếu như ở các nước, ngay từ nhỏ, học sinh đã được dạy rằng, đi học để lĩnh hội kiến thức, thỏa sức sáng tạo và thể hiện chí khí làm người, thì ở nước chúng ta, trẻ con từ nhỏ đã được gia đình “nhồi nhét”, riết róng là đi học để sau này kiếm miếng cơm manh áo, thăng quan tiến chức “vinh thân phì gia”.
Chính từ suy nghĩ và quan niệm về bằng cấp như thế này nên sống chết gì, các gia đình cũng phải cố cho con mình có được tấm bằng đại học.
Mặc dù, nhiều gia đình, học sinh biết rõ rằng, có cái tấm bằng ấy trong tay vẫn chưa chắc được tuyển dụng vì thực sự đã sinh ra quá nhiều các khoa, các ngành mà xã hội không hoặc chưa có nhu cầu sử dụng. Rồi nữa, số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ ra trường, chỉ có một mớ kiến thức khuôn mẫu, sáo rỗng mà không có kỹ năng làm việc thì ai dám nhận về, trừ các cơ quan Nhà nước.
Gần đây, dư luận có vẻ hào hứng với các nhà nông làm sáng chế. Đã có một ông nông dân chính cống vì có nhiều sáng kiến, chế ra được nhiều máy nông cụ phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam nên được một đơn vị mời về làm Phó tổng giám đốc phụ trách khâu chế tạo máy. Mặc dù ông này chẳng có bằng cấp gì, nhưng từ khi ông về thì bộ phận chế tạo máy của tổng công ty này như được hồi sinh và họ đã tạo được những bước đột phá trong việc sản xuất máy nông nghiệp. Vậy điều gì xảy ra ở đây? Rõ ràng, nhà chế tạo “chân đất” này không bị phụ thuộc vào mớ kiến thức “hữu danh, vô thực” ở nhà trường và ông chế tạo máy với tình yêu và lòng đam mê, tự học, tự mày mò và sáng ý của bản thân.
Cho nên, muốn nền giáo dục của chúng ta đi vào thực chất thì trước hết cần phải thay đổi cách tuyển dụng, chọn lựa cán bộ, công chức. Nghĩa là nên coi cái bằng tốt nghiệp đại học là giấy chứng nhận “Mày đã thoát nạn mù chữ”. Còn cái kiến thức ở trường đại học áp dụng vào công việc như thế nào đó là việc khác.
Chừng nào chúng ta thay đổi được cách tuyển dụng nặng về bằng cấp như hiện nay và “cởi trói” được cho ngành giáo dục và như vậy, việc dạy và học sẽ đi vào chiều sâu. Học sinh sẽ không phải lo đối phó với nạn thi cử mà hầu hết, chưa đi thi đã biết có đỗ hay không; rồi cũng sẽ làm giảm bớt nạn học thêm, dạy thêm, bởi trong mỗi tư tưởng học sinh sẽ biết rằng, xã hội đang cần người giỏi, người thạo nghề, người có kỹ năng làm việc, chứ không phải cần người có cái bằng tốt nghiệp đại học.
Không ít doanh nghiệp đã cay đắng thừa nhận, hầu hết số kỹ sư, thạc sĩ nhận về đều phải đi đào tạo lại, phải dạy nghề cho họ, dạy kỹ năng lao động, kỹ năng làm việc; thậm chí, có những ngành nghề phải dạy họ từ cách bắt một con ốc vít, bu-lông.
Ở rất nhiều các cơ quan, đơn vị tuyển nhân viên lễ tân, thậm chí người phục vụ cũng đòi phải có bằng đại học, trình độ ngoại ngữ. Người viết bài này cũng đã từng “mắt chữ I, mồm chữ O” khi nghe học sinh người Hà Nhì ở vùng ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào học tiếng Anh. Chẳng hiểu người ta bắt lũ trẻ nói tiếng Kinh còn chưa sõi học tiếng Anh làm gì. Rồi bây giờ, ở dưới xuôi, những môn dạy làm người, dạy ý thức tự hào dân tộc như Lịch sử thì bị coi rẻ. Thế thì thử hỏi, nền giáo dục của chúng ta đang dạy cái gì đây?
Dạy làm người cũng không đến nơi đến chốn, bởi vì những môn giúp xây dựng nhân cách lại bị coi rẻ.
Dạy kiến thức thì chớt chát, gọi là học cho có, cho biết, còn cái kiến thức đấy có tích sự gì với nghề nghiệp sau này thì không cần biết.
Thế cho nên mới có cảnh: Thầy lên bục giảng nói như cái máy, còn ở dưới, trò có nghe hay không, có ghi, có chép hay không thì “mặc xác chúng bay”.
Chừng nào chúng ta dám bổ nhiệm một người không có bằng tốt nghiệp đại học, thậm chí chẳng cần trung cấp lên làm lãnh đạo thì lúc đó mới có thể thay đổi được quan niệm về học - hành bảo thủ hiện nay.
Nhưng lại khổ một nỗi, muốn để người tài được trọng dụng một cách tối đa thì rõ ràng, chúng ta phải nhanh chóng cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, vì chỉ có thể thay đổi mô hình kinh tế thì mới có thể vượt qua được các rào cản về tuyển dụng cán bộ, công chức.
Cần có những quy định loại công việc nào thì cần phải có bằng cấp và loại công việc nào thì cần người biết làm việc.
Loại cán bộ nào quản lý lĩnh vực gì thì cần được đào tạo bài bản, có bằng cấp (dĩ nhiên, đây phải là loại học thật, thi thật và được cấp bằng thật). Và loại cán bộ nào không cần bằng cấp, miễn là “thoát nạn mù chữ” nhưng họ có tài.

07:00 | 19/09/2014
N.T

Tại sao người Việt (CS) chỉ thích... to?

(PetroTimes) - Có một điều rất lạ là người Việt mình thì tầm thước nhỏ bé nhưng mà lại rất khoái những thứ to tát, hoành tráng vĩ đại, trong khi những cái bé nhỏ thiết thân với cuộc sống hàng ngày thì không mấy quan tâm.
Vừa qua, tại buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam do Tập đoàn Samsung tổ chức tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp thừa nhận chưa thể đáp ứng điều kiện để cung cấp linh kiện cho Samsung cho dù đó chỉ là con ốc vít.
Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì trong 93 nhà cung cấp cho Samsung, Việt Nam chỉ có 7 doanh nghiệp, chủ yếu cung ứng được các sản phẩm bao bì, còn cái ốc hay con vít vẫn chưa làm được. Chỉ điều đó thôi đã nói lên trình độ công nghệ và vị trí của ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đứng ở đâu so với thế giới.
Tại sao người Việt chỉ thích... to?
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Vietnam (SEV) Yên Phong, Bắc Ninh.
Chúng ta đều biết tại Việt Nam, Tập đoàn Samsung đã đưa vào sản xuất hai nhà máy thiết bị điện tử với quy mô tầm cỡ thế giới, một ở Bắc Ninh, một ở Thái Nguyên và tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương, với giá trị xuất khẩu hàng chục tỉ đô la mỗi năm và đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm tỉ đồng.
Chỉ riêng trong năm 2013, Samsung Việt Nam đã phải bỏ ra tới 19,8 tỉ USD để mua các thiết bị linh kiện, nếu như các doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần đáp ứng được khoảng 10% số đó thì đã là một con số không hề nhỏ mà mang lại công ăn việc làm cho hàng nghìn công nhân và lợi nhuận cho doanh nghiệp không phải là nhỏ.
Cũng theo Samsung Việt Nam thì chỉ riêng dây sạc pin cho điện thoại di động mỗi năm cần 400 triệu sản phẩm và mỗi sản phẩm trị giá 0,5 USD thì nếu doanh nghiệp Việt Nam cung ứng được thì mỗi năm cũng thu về 200 triệu USD, một con số không phải là nhỏ, nhưng họ vẫn phải nhập khẩu từ các doanh nghiệp nước ngoài vì các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được.
Nhìn sang lĩnh vực công nghiệp ô tô cũng vậy, mục tiêu nội địa hoá 40% coi như phá sản không thực hiện được vì các doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực trình độ để cung cấp những phụ tùng thiết yếu, thậm chí cả những con ốc, cái vít, nhà sản xuất vẫn phải nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc Thái Lan chứ trong nước cũng không làm nổi.
Nhưng khi nói về nguyên nhân thì có rất nhiều lý do để biện bạch, nào là cơ chế nào là vốn liếng, nào là không được đầu tư đúng mức v.v... và vô vàn lý do khác nhưng trái lại ở Việt Nam thì lại có rất nhiều kỷ lục được xác lập, chả cần thế giới công nhận mà cứ tự phong cho nhau để rồi tự sướng.
Tại sao người Việt chỉ thích... to?
Cặp bánh chưng bánh dày kỷ lục.
Hẳn chúng ta chưa quên những Kỷ lục được Guiness Việt Nam công nhận như là bánh chưng, bánh dày to nhất thế giới, ly cà phê, bình rượu to nhất thế giới rồi thì tượng đồng, chuông đồng, tượng Phật to nhất, cao nhất, nặng nhất Đông Nam Á, ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á và rất nhiều Kỷ lục khác nữa khó mà thống kê xuể.
Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn có một điều rất lạ là người Việt mình thì tầm thước nhỏ bé nhưng mà lại rất khoái những thứ to tát, hoành tráng vĩ đại, trong khi những cái bé nhỏ thiết thân với cuộc sống hàng ngày thì không mấy quan tâm. Phải chăng đó là căn bệnh “tự sướng”. Ừ thì ta không giỏi về cái này thì cũng phải cố tạo ra những cái gọi là kỷ lục để dọa thiên hạ chăng.
Tại sao người Việt chỉ thích... to?
Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đạt Kỷ lục châu Á năm 2014.
Một bức tượng Phật bằng đồng nặng 180 tấn được “tự sướng” là lớn nhất Đông Nam Á, nếu không may có nước nào chơi xỏ, họ đúc một bức tượng nặng 180 tấn dư 1kg thôi thế là mình lại mất kỷ lục, không lẽ lại đi bức tượng khác để giành lại kỷ lục à? Cho nên đã là kỷ lục thì không những nó phải có tính độc đáo riêng có mà phải có hàm lượng chất xám, trí tuệ trong đó mới đáng quý chứ cứ lấy tiêu chí to, dài, nặng mà tự sướng thì cũng không khác gì AQ cả.
Đảng, Nhà nước ta luôn xác định rằng phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mục tiêu ấy e rằng sẽ còn xa vời khi mà ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn chưa làm nổi con ốc, cái vít hoặc cái dây sạc pin điện thoại di động và chúng ta cũng chỉ là những người làm thuê ngay trên đất nước mình mà thôi.
10:26 | 13/09/2014
Xuân Tuyến