Thursday, October 15, 2015

Tàu, Mỹ vờn nhau, Việt Nam làm gì?

Theo Người Việt-10-13-2015 7:38:32 PM
Ngô Nhân Dụng
Chính phủ Mỹ đã trình bày với các đồng minh trong vùng Á Ðông kế hoạch đưa tàu tuần thám hải quân vào sâu hơn 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Cộng xây đắp bất hợp pháp trên năm nhóm tảng đá ngầm ở vùng Trường Sa. Nhật Bản, Philippines là những nước đồng minh lâu đời, với Singapore là một đồng minh mới chắc chắn phải được báo tin. Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei có thể được báo tin vì tất cả đều có quyền lợi liên can đến các đảo nhân tạo trên. Chính phủ Mỹ cần hành động sớm, như Lê Phan trình bày trên báo Người Việt vào cuối tuần rồi, vì càng trì hoãn không đối phó ngay thì sau này vấn đề càng phức tạp và có thể nguy hiểm hơn.

Tại sao chính phủ Mỹ cần phản đối việc Trung Cộng xâm lấn vùng biển Ðông Nam Á? Vì quyền lợi của chính nước Mỹ. Thế giới không thể để yên cho Trung Cộng trấn ngự con đường biển này, như các tay lục lâm thảo khấu từng chiếm những con đường đèo, thâu “tiền mãi lộ!” Vì Biển Ðông là một vùng yết hầu, 40% thương mại quốc tế đi qua đó.

Nhưng việc Trung Cộng dựng lên các hòn đảo nhân tạo có gì nguy hiểm cho thương mại thế giới? Tại sao chính phủ Mỹ cần xác định ngay rằng họ không chấp nhận các bãi đá ngầm đó thuộc chủ quyền Trung Cộng? Vì Bắc Kinh đang theo chiến thuật được đằng chân lân đằng đầu, mỗi tháng mỗi năm lấn thêm một chút; phải ngăn chặn càng sớm càng tốt.

Vì thế, trước đây chính phủ Mỹ và Philippines đều đã cảnh cáo Trung Quốc có thể đang tạo bàn đạp cho việc thành lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ). Gần đây, Ðô Ðốc Samuel Locklear, chỉ huy Hải Quân Mỹ trong vùng Á Châu mới nói với các nhà báo rằng sau khi xây dựng các phi trường, các căn cứ trên các đảo nhân tạo, Trung Cộng sẽ tính chuyện lập những đài radar, rồi đến các giàn hỏa tiễn (tên lửa). Họ sẽ tuyên bố vùng Biển Ðông nước ta thuộc vùng quyền lợi kinh tế thiết yếu và độc quyền của Trung Quốc và dùng các vũ khí mới đem tới đó bảo vệ quyền của họ.

Cuộc đối đầu ở vùng biển Ðông Nam Á đang diễn ra như một cuộc cờ, mỗi bên đi một nước rồi chờ xem đối thủ đáp lại ra sao. Cuộc cờ trong vùng Biển Nhật Bản trong mấy năm qua cũng giống như vậy. Trong các cuộc chơi địa dư chính trị này, mọi người biết mục tiêu lâu dài của Trung Cộng là bành trướng ảnh hưởng. Tham vọng bành trướng đó có thể rộng hay hẹp, tùy theo cán cân lực lượng. Cho nên những nước khác cần phải cho Bắc Kinh biết đâu là giới hạn không được phép bước qua. Cần phải gửi những “thông điệp,” những “tín hiệu” rõ rệt, không thể nào hiểu lầm. Và cần hỗ trợ thông điệp của mình bằng hành động. Ở Ðiếu Ngư Ðài, Senkaku, Nhật Bản đã cho Trung Cộng biết họ sẵn sàng đương đầu, với sức mạnh quân sự của họ. Philippines cũng báo tin cho Trung Cộng biết họ biết sử dụng luật pháp quốc tế, họ có đồng minh là nước Mỹ, và quân dân nước họ đoàn kết nhất tâm bảo vệ lãnh thổ, dù phải hy sinh. Một quốc gia nhỏ, quân lực yếu, vẫn có thể tự vệ được. Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ bần cùng khố dây.

Chính phủ Mỹ cần báo tin cho Bắc Kinh biết họ đang đứng trước một lằn ranh, không nên bước qua. Bộ Ngoại Giao Mỹ đã công khai bày tỏ ý kiến rằng việc đắp các hòn đảo nhân tạo gần đây là sai luật biển quốc tế, không thể coi đó là vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc. Ông Obama nói rõ: “Cuối cùng, dù Trung Quốc có đem bao nhiêu cát đổ lên các bãi đá ngầm cũng không biến các vùng đó thành ra thuộc về họ. Chủ quyền không thể dựng lên theo lối đó!” Các lời tuyên bố này không ảnh hưởng gì tới hành vi của Bắc Kinh. Tổng Thống Obama đang bị thách thức.

Năm 2011, ông Obama loan báo chuyển trục sang Á Châu, Thái Bình Dương. Người ta có thể nghi ngờ quyết tâm chuyển trục có thật hay không; và chuyển mạnh tới đâu. Từ năm 2012 chính quyền Mỹ chưa cho chiến thuyền đi qua các vùng tranh chấp ở Trường Sa, chỉ yêu cầu các nước giải quyết trong hòa bình. Tháng Năm, sau vụ biến đá ngầm thành đảo, Mỹ mới bày tỏ thái độ bằng hành động. Chiến đấu cơ P8-A Poseidon đưa phóng viên đài CNN bay qua ba hòn đảo nhân tạo mới, nhưng vẫn chưa bay sâu vào trong vùng 12 hải lý. Chuyến bay đó không làm cho Trung Cộng thay đổi, họ tiếp tục xây các hòn đảo khác và củng cố các căn cứ, phi trường.

Ðã đến lúc chính phủ Mỹ phải đi nước cờ mới, gửi một tín hiệu rõ ràng, quả quyết hơn. Chắc ông Obama đã đặt vấn đề này với ông Tập Cận Bình, báo trước những hành động mới, khi họ gặp nhau ở Washington mới đây.

Tiếp theo lời cảnh báo đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ mới công bố kế hoạch đưa thêm các máy bay và chiến thuyền qua vùng 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo mới xây. Ðại sứ Trung Cộng ở Washington, Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) phản ứng ngay, nói một cách văn hoa rằng “nhiều vấn đề căng thẳng trên thế giới không thể giải quyết bằng cách phô trương vũ lực.” Cần nhắc nhở ông Thôi Thiên Khải rằng chính Bắc Kinh đã và đang phô trương vũ lực đe dọa các nước Ðông Nam Á, nhắm thẳng vào Việt Nam và Philippines.

Trong vài tuần nữa, thế giới sẽ chứng kiến hành động của Hải Quân Mỹ và coi phản ứng của Trung Cộng. Bắc Kinh sẽ phản đối ồn ào, có thể sẽ có những cuộc biểu tình chống Mỹ khắp nước. Nhưng, cũng giống như các biến cố chung quanh mấy tảng đá giữa biển gọi là Senkaku hay Ðiếu Ngư Ðài, sau mấy tháng, mọi chuyện lại êm đi, trở về tình trạng cũ. Tất nhiên, Hải Quân Mỹ ở Thái Bình Dương còn rất nhiều việc khác phải làm, sẽ không tiếp tục đưa tàu tuần thám đi diễu trong vùng Biển Ðông mãi được! Theo lối tuyên truyền mị hoặc, ngu dân, Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố “toàn thắng,” báo tin “tàu chiến Mỹ đã bỏ chạy!” Mục tiêu của chính phủ Mỹ là gửi một tín hiệu cho Bắc Kinh biết rằng họ có thể tiếp tục bắt nạt những quốc gia yếu hèn chung quanh, nhưng không được xóa bỏ luật pháp quốc tế. Nếu họ bước thêm một bước nữa, hành động của chính phủ Mỹ sẽ mạnh hơn.

Trong vụ Senkaku, chính phủ hai nước Nhật và Tàu không muốn gây chiến tranh nên cuối cùng đều trở lại tình trạng bình thường, không nước nào tiến thêm một bước gây hấn mới. Cũng giống như vậy, những cuộc tranh chấp trong vùng Biển Ðông nước ta sẽ kéo dài. Giữa hai nước lớn nhất là Tàu với Mỹ, lâu lâu lại có một biến cố gây sôi nổi, rồi lại trở về cảnh bình thường. Bởi vì Trung Quốc không dám gây chiến, với Nhật Bản cũng như với Mỹ - ít nhất trong nửa thế kỷ nữa.

Nhưng điều đáng buồn là trên sân khấu tranh hùng đó, Việt Nam lại đứng ngoài chứng kiến mà không dám có một phản ứng, một thái độ hay hành động nào để ảnh hưởng tới chính số phận nước mình, trong khi chính nước mình là nạn nhân của cuộc bành trướng của Trung Cộng! Chính phủ Philippines đã chứng tỏ dân tộc họ không hèn nhát, khăng khăng đối đầu với Trung Cộng, trên các mặt trận pháp lý và ngoại giao. Malaysia và Indonesia trước đây gần như đứng ngoài tranh chấp, nhưng sau khi Trung Quốc trở thành hung hăng họ cũng thay đổi. Bộ Quốc Phòng Malaysia đang yêu cầu dự các cuộc tập trận chung với Mỹ trên biển, và xin Washington giúp phát triển lực lượng cảnh sát biển dựa trên kiểu Mỹ.

Malaysia và Việt Nam đều là thành viên của Hiệp định Hợp tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Philippines và Việt Nam đều là nạn nhân trực tiếp của quân Trung Cộng xâm lược. Ba nước này không thể đóng vai bàng quan trước cuộc tranh hùng giữa Trung Cộng và Mỹ. Nhân dịp chính quyền Obama chứng tỏ họ có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Cộng trong vụ làm các hòn đảo nhân tạo, ba nước Philippines, Malaysia và Việt Nam cần kêu gọi các nước Ðông Nam Á khác chính thức phản đối hành động của Bắc Kinh và bác bỏ các lời tuyên bố về chủ quyền của Trung Cộng trong vùng lưỡi bò. Chính quyền Obama đang đưa một tín hiệu cho Bắc Kinh thấy họ đang tiến gần đến một lằn ranh không thể bước qua. Các nước Việt Nam, Malaysia và Philippines cần phải xác định chung một lằn ranh làm giới hạn cho các hành vi tương lai của Cộng Sản Trung Quốc. Phải cảnh cáo rằng nếu Bắc Kinh xâm phạm lằn ranh đó, các nước nhỏ phải tự về bằng vũ khí.

Việt Nam không thể đóng vai khán giả, đứng ngoài vỗ tay khi Mỹ tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Cộng. Cần phải cho giới lãnh đạo Mỹ cũng như Trung Cộng biết rằng nếu có xung đột lớn trong vùng Biển Ðông nước ta thì kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn tất cả các nước Ðông Nam Á. Cần nhắc nhở Bắc Kinh biết trong lịch sử dân Việt Nam xưa nay vẫn có truyền thống thà chết chứ không chịu nhục.

Sài Gòn hết 'mù khô' đến sương mù độc hại

SÀI GÒN (NV) - Thành phố Sài Gòn lại tiếp tục bị bao bùm bởi màn sương mù độc hại dày đặc vào buổi sáng sớm và đầu giờ chiều, mặc thời tiết khá oi bức.


Sương mù bao trùm nhiều khu vực ở thành phố Sài Gòn. (Hình: Người Lao Ðộng)

Liên tiếp 2 ngày 13 và 14 tháng 10, 2015, sương mù dày đặc bao phủ khắp các quận, huyện tại Sài Gòn. Ðặc biệt, các tòa nhà cao tầng khu vực quận 1, quận 2, quận 7... bị che khuất. Theo mô tả của phóng viên Người Lao Ðộng, vào lúc sáng sớm hàng loạt sà lan, thuyền di chuyển trên kênh Tẻ phải bật đèn để tránh đâm va vào nhau.
Theo chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, hiện tượng nói trên được gọi là sương mù tổng hợp, thành phần gồm có khói bụi ô nhiễm lẫn hơi ẩm.
Bà Lan giải thích, vào đầu tháng 10, 2015 tại Indonesia xảy ra thảm họa cháy rừng, thời điểm đó gió mùa Tây Nam thổi đã kéo theo khói bụi lan sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam, Campuchia, Singapore...

Mặt khác, “Những ngày qua mưa chỉ diễn ra cục bộ nên không gội rửa sạch khói bụi, trong khi đó lượng khói bụi ô nhiễm quá nhiều, hiện vẫn còn tồn đọng tại thành phố Sài Gòn và một số tỉnh thành miền Ðông Nam Bộ. Thêm vào đó, mưa xảy ra nhiều, nhiệt độ trung bình về đêm chỉ có 22 độ C dẫn đến độ ẩm rất cao, khoảng 90%, nên đã dẫn đến sương mù tổng hợp,” bà Lan nói.(Tr.N)
10-14- 2015 1:53:44 PM 

Giáo xứ Xuân Kiều và những ngày dậy sóng

Công Nguyễn, cộng tác viên Dân Luận

Con đường chính vào giáo hộ Yên Lạc đã bị bịt năm 1987.
Chúng tôi đến với giáo họ Yên Lạc, giáo xứ Xuân Kiều trong một ngày mưa phùn lất phất của mùa thu, khí hậu đặc trưng của miền Bắc Trung Bộ. Trong những ngày qua, khu vực giáo xứ Xuân Kiều được coi là một điểm nóng về Tôn giáo, chính trị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

SỰ THẬT CỦA VẤN ĐỀ

Giáo họ Yên Lạc thuộc giáo xứ Xuân Kiều, được thành lập năm 1929 với số giáo dân ban đầu là 450 người. Do bối cảnh chính trị xã hội năm 1945 – 1960 nên số người giảm sút đáng kể. Đến năm 1982, cơn bão số 7 đã làm tốc mái và sụp đổ phần nóc của Nhà Thờ, chỉ còn lại 4 bức tường trơ trọi. Đến năm 1987, Hợp tác xã Kiều I do ông Trần Văn Mai làm chủ tịch đã cho xây bờ bao bịt ngang lối đi từ mặt tiền nhà thờ chạy thẳng ra đường liên xã.
Đến ngày 17/07/2015, giáo dân giáo họ Yên Lạc đã gửi đơn thư kiến nghị số ĐTKN-10/2015 lên UBND xã Nghi Kiều với nguyện vọng mở lại con đường cũ nêu trên. Đơn kiến nghị có sự chứng thực của Linh mục quản xứ Anton Lê Công Lượng, chữ ký ông Nguyễn Văn Lưu, chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ giáo họ Yên Lạc và 23 hộ gia đình trong giáo họ.
Tuy nhiên, chính quyền xã Nghi Kiều đã không chấp nhận việc mở lại con đường cũ xưa và một mực cho rằng, không có con đường cũ chạy thẳng từ đường liên xã vào mặt tiền nhà thờ như trong đơn kiến nghị.

TỨC NƯỚC ẮT PHẢI VỠ BỜ

Đến ngày 05/10/2015, nhân dịp bà con trong giáo xứ Xuân Kiều đến giúp giáo dân họ Yên Lạc đào móng xây nhà mặc áo, hoàn thiện mái nhà phòng, san lấp và vệ sinh khuôn viên nhà thờ để chuản bị mừng Lễ Mẹ Mân Côi, quan thầy của Ca Đoàn trong giáo họ, nên bà con giáo dân trong giáo họ đã chủ động mở con đường cũ thay cho chính quyền địa phương.
Bà con trong giáo xứ đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào hai bên cao 1,2 mét, dài 81,5 mét và đường rộng 8 mét chạy từ đường liên xã vào thẳng mặt tiền Nhà Thờ giáo họ.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, dân phòng đến ngăn cản bà con trong giáo xứ tiến hành công việc.

TRUYỀN THÔNG NHÀ NƯỚC NÓI GÌ VỀ SỰ VIỆC

Sự việc được báo Nhân Dân miêu tả rằng cha Antôn Lê Công Lượng “huy động khoảng 500 giáo dân kéo đến khu vực trường mầm non Nghi Kiều dùng búa, xà-beng công khai đập phá hai phía bờ tường của trường mầm non và làm con đường rộng 8 m, dài 81,5 m đi thẳng vào nhà thờ, xuyên qua đất của trường mầm non. Tổng diện tích của nhà trường bị giáo họ lấn chiếm làm đường khoảng 700 m2. Quá trình phá bờ tường để làm đường, các đối tượng đã chặt phá 31 cây xanh của nhà trường…”
Còn báo Công an Nghệ An, Đài truyền hình Nghệ An nhận định, “hành vi đập phá tường rào, chặt phá cây của trường mầm non xã Nghi Kiều của linh mục Lê Công Lượng và các giáo dân là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, có dấu hiệu cấu thành tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143, Bộ luật Hình sự năm 1999.”
Điều đáng buồn là trong bản tin của Đài truyền hình Nghệ An vào tối ngày 07/10/2015 đưa tin, ông Võ Tá Hiển ở xóm 6, nguyên Chủ Tịch xã Nghi Kiều làm chứng không đúng sự thực rằng "không có con đường cũ vào nhà thờ giáo họ Yên Lạc".

BÀ CON GIÁO DÂN VÀ LINH MỤC QUẢN XỨ NÓI GÌ

Linh mục quản xứ Anton Lê Công Lượng cho biết: “Việc ông Trần Văn Mai lúc bấy giờ làm chủ nhiệm HTX Kiều I cho bịt ngang con đường thẳng từ đường liên xã vào Nhà Thờ đã gây trở ngại đến cho nhân dân nói chung và cách riêng là giáo họ Yên Lạc suốt thời gian qua trong các sinh hoạt tôn giáo cũng như đời thường. Vì thế đến ngày 17/7/2015 thì giáo dân giáo họ Yên Lạc đã gửi đơn thư kiến nghị số ĐTKN-10/2015 lên UBND xã Nghi Kiều với nguyện vọng chính đáng mở lại con đường cũ nêu trên.
Đơn thư kiến nghị này được gửi từ ngày 17/07/2015 nhưng mãi đến ngày 30/9/2015 thì UBND xã Nghi Kiều mới có giấy mời ông Nguyễn Văn Lưu lên trụ sở UBND xã Nghi Kiều làm việc. Điều phi lý là giấy mời ghi rõ 7g30' ngày 30/09/2015 thì họ bắt đầu cuộc họp nhưng mãi đến 8h ngày hôm đó mới được trao cho ông Nguyễn Văn Lưu. Dù vậy thì ông vẫn tôn trọng chính quyền cố gắng sắp xếp công việc gia đình và giáo họ để đến UBND xã để dự cuộc họp theo giấy mời. Nhưng trong cuộc họp đó chính quyền xã Nghi Kiều vẫn không đưa ra được bằng chứng xác thực về vấn đề liên quan vì thế ông đã không ký biên bản của cuộc họp này.
Chính cái cách giải quyết chậm trễ không hợp pháp này của UBND xã dù đã khiến cho bà con giáo dân Xuân Kiều bức xúc, tức nước thì vỡ bờ. Vì thế ngày 5/10/2015 nhân dịp giáo dân Xuân Kiều được Cha Xứ mời gọi sang giúp giáo dân họ Yên Lạc để đào móng xây nhà mặc áo, hoàn thiện phần mái nhà phòng còn đang giang dở, sang lấp vệ sinh khuôn viên nhà thờ dọn mừng lễ Mẹ Mân Côi quan thầy của ca đoàn giáo họ này vào ngày 7/10/2015 vừa qua.
Nhân dân đã chủ động mở lại con đường cũ thay cho chính quyền địa phương. Sự việc chính đáng như thế thì đài báo Nghệ An đã cố ý bóp méo sự thật bằng những thông tin sai lệch nhằm vu khống Linh Mục quản xứ và hội đồng mục vụ giáo họ Yên Lạc, bà con giáo dân Xuân Kiều và đánh lừa dư luận quần chúng nữa. Đối với tôi thì đây là việc làm chính đáng, vì đường sá thì nó có từ lâu đời và đó là quyền lợi của người dân”.
Có hơn 50 cụ ông, cụ bà đã ký tên, điểm chỉ làm chứng trước năm 1987 đã có sự hiện hữu của con đường chạy thẳng từ mặt tiền Nhà Thờ ra đường liên xã. Nhưng đến năm 1987, ông Trần Văn Mai, chủ tịch Hợp Tác Xã lúc bấy giờ đã cho bịt con đường lại không rõ vì lý do gì.
Được biết, trường mần non Nghi Kiều I được xây cất vào năm 2002 có bờ rào song sắt xây kiên cố, bên còn lại giáp với một phần đất trống – trước đây là kho vật tư cũ của HTX- được rào bởi tường đá ong cũ, bỏ hoang và được trồng các loại cây như tràm, keo và cỏ mọc um tùm.
Phía đại diện chính quyền, ông Hoàng Đình Phương, chủ tịch xã Nghi Kiều cho biết, khi kiểm tra bản đồ số 299 thì không có con đường cũ nói trên và một mực thông báo phần đất trên thuộc về sự quản lý của Trường Mầm Non Nghi Kiều I. Nhưng đến thời điểm hiện giờ, chính quyền xã Nghi Kiều không đưa ra được bằng chứng chứng minh phần đất trên đã được quy hoạch cho Trường Mầm Non Kiều I.
Giáo phận Vinh luôn được coi là một điểm nóng về tình hình chính trị, tôn giáo. Không chỉ riêng giáo xứ Xuân Kiều mà nơi đây luôn tồn tại những bất công, luôn bị chính quyền chèn ép về tự do tôn giáo. Bà con giáo dân hạt Nhân Hòa không quên sự việc xảy ra ở giáo xứ Mỹ Yên vào cuối năm 2013, giáo xứ Thuận Nghĩa – huyện Quỳnh Lưu năm 2014, giáo xứ Tam Tòa năm 2010,…
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sự việc!
Công Nguyễn
danhsachnhanchung.jpg
Danh sách những người làm chứng về việc tồn tại con đường vào giáo họ Yên Lạc trước đây.
danhsachnhanchung01.jpg
ba_con_giao_dan_hop_suc_chinh_trang_lai_con_duong_chinh_cu_de_tien_loi_di_chinh_den_nha_tho.jpg
Bà con giáo dân hợp sức chỉnh trang lại con đường chính cũ để tiện lối đi chính đến nhà thờ.
13/10/2015
https://www.danluan.org/tin-tuc/20151011/cong-nguyen-giao-xu-xuan-kieu-va-nhung-ngay-day-song#sthash.aiGEPwYX.dpuf

Mưa, lại mưa!

VietTuSaiGon—10/15/2015 - 14:03
Mấy ngày nay, trời mưa từ Bắc chí Nam, tự dưng, tôi lại thấy buồn và nghĩ về mưa! Nghe có vẻ lảng nhách. Nhưng hy vọng không đến nỗi lảng vì tôi nghĩ về mưa và những người nằm dưới cơn mưa, những nấm mộ, những kiếp người và những linh hồn sướt mướt đâu đó nơi mặt đất này. Tôi lại nghĩ đến Đỗ Đăng Dư, một linh hồn nhỏ, chưa từng trải trong cuộc đời, linh hồn của em sẽ vui buồn ra sao trong những chiều mưa Hà Nội?

Tôi còn nhớ, bà tôi vẫn thường nói là con người nằm dưới mộ và con người nằm trong bào thai có điểm rất giống nhau và cũng có điểm rất khác nhau. Điểm giống nhau là được tự do, tung tăng bơi lội trong bào thai và được tự do, tung tăng linh hồn nơi thế giới nào đó mà mới nhìn thì chỉ là nấm mồ nhưng không phải vậy.

Nhưng cũng có một điểm khác nhau căn bản, nếu như lúc còn trong bụng, được sống trong cõi vô nhiễm, chưa hề tích hợp mọi vui buồn của cuộc đời và khi ra đời chính là khi đón nhận điều đó thì, người nằm dưới mộ đang rũ bỏ dần mọi thứ tai ương trong cuộc đời mà quá trình sống đã chịu đựng, đeo mang.

Và người chết càng trẻ thì những đeo mang càng nhẹ… ! Chuyện này bà tôi nói, e rằng chỉ đúng với một nơi nào đó và đúng với chuyện đứa trẻ trong bụng chứ không hề đúng với người nằm dưới nấm mộ. Bởi lẽ, với Đỗ Đăng Dư, liệu em có thanh thản và tự do trong nấm mồ của em? Và những đau khổ trần thế của em có nhẹ hơn so với những người lớn tuổi?

Tôi nghĩ là không. Bởi ngay cái chết đầy mờ ám, vô lý và người ta đã hành hạ thân thể, linh hồn em đến mức không còn là con người như đã có, từ việc đánh đập, liên tục hỏi cung mà không có người thân bên cạnh (mà lẽ ra với tuổi vị thành niên, em phải có cha mẹ bên cạnh khi cán bộ điều tra hỏi cung) và sự quát tháo, vu khống đến mức em không thể nhận tội, rồi bỏ đói, rồi đánh đập, rồi bất tỉnh, rồi để nằm đến chảy máu, chảy mủ, thân thể bị tiết ra dịch vàng mới đưa đến bệnh viện để “hồi sức” trong vài ngày, thậm chí có khi em đã chết lâm sàng nhưng người ta hợp thức hóa tội lỗi bằng cách đưa em vào phòng hồi sức cấp cứu… trong tình trạng không có người thân, không có cha mẹ bên cạnh…

Hãy tưởng tượng, nếu thực sự có linh hồn và linh hồn quấn bên thân xác sau 49 ngày mới biết là mình đã chết và tùy vào duyên nghiệp để tu tập hay đầu thai ngay tức thì… Thì liệu trong suốt thời gian sống đi chết lại ấy, linh hồn của Đỗ Đăng Dư thấy được những gì?

Có lẽ, hình ảnh mà em thấy và ám ảnh em nhiều nhất chính là những kẻ đã giết hại em, những gương mặt ấy lượn lờ, ẩn hiện, ám vây lấy linh hồn nhỏ bé, tội nghiệp của em. Và lúc đó, linh hồn em chỉ loay hoay tìm mẹ, mẹ của em đâu? Tại sao không đến với em trong lúc em rất lạnh, rất cô đơn? May chăng thì có một y tá hay bác sĩ nào đó thương xót, đắp thêm cho em tấp drap khi em lạnh. Nhưng hình ảnh ấy mờ nhòa, không thể kéo linh hồn em ra khỏi vũng lầy cô đơn, tuyệt vọng và đau khổ, thậm chí căm phẫn và thù hận. Đương nhiên, em sẽ thù hận và có quyền thù hận những kẻ đã làm cho em chia lìa với cha mẹ, người thân và tương lai còn dang dở!

Và, tiền là thứ gì? Hai triệu đồng là thứ gì mà em phải đánh đổi cả sự sống? Đương nhiên, Dư chưa bao giờ hiểu hay nghĩ rằng đó chỉ là cái cớ để người ta cướp đi mạng sống của em. Và em cũng không thể nhìn thấy do đâu người ta đã cướp đi mạng sống của em. Bởi lẽ, nếu có công lý, thì em đã không phải đánh đổi mạng sống bằng hai triệu đồng nhưng sau đó vẫn phải trả lại.

Và em cũng không bao giờ biết được rằng chỉ có ở những đất nước độc tài, tàn bạo, lấy nắm đấm thép công an để điều khiển xã hội như đất nước mà em đã sinh ra và chết đi một cách oan khiên. Em cũng không bao giờ hiểu được rằng đất nước đã giết chết em là đất nước không có dân chủ, không có nhân quyền nhưng lại rất thừa những kẻ tàn bạo, tham lam và máu lạnh.

Và, nói không may, những linh hồn chết oan như em sẽ thành quỉ trong tiến trình chuyển kiếp theo quan niệm của một số tôn giáo. Và nếu lỡ thành quỉ, chắc em sẽ là một con quỉ nhỏ lạnh lẽo và cô đơn, tiếng khóc của loài quỉ đêm như em sẽ rất yếu ớt, đau khổ và thảm thiết. Tiếng khóc của loài quỉ đêm không thể nào lấn át được tiếng cười của loài quỉ ngày, những con quỉ hình người đã cướp đi sinh mạng của em!

Dư ạ, đất nước này có quá nhiều oan hồn, và nếu thực sự có ma quỉ, thì tôi nghĩ rằng không có đất nước nào có nhiều ma quỉ hơn cái đất nước mà em đã từng sống bởi những oan hồn vẫn đang ngày đêm kêu gào thảm thiết đâu đó. Nhưng, có một điều là đất nước này nhiều quỉ bao nhiêu chăng nữa thì cũng không đáng sợ bằng những con quỉ đang đội lốt xác người, đang ngày đêm bức hại, giết tróc con người và đang đẩy con người đến cửa quỉ!

Dư ạ, giả sử như em thành quỉ vì linh hồn em chứa quá nhiều thù hận và oan khiên, thì mong em hãy tin rằng trong cuộc đời lúc sinh thời, mặc dù quỉ dữ đã vây lấy em, cắn xé em nhưng vẫn còn ba mẹ em đang ngày đêm mong ngóng, lo lắng đợi bước chân em về. Và mặc dù em phải ra đi cô đơn giữa bốn bề trùng vây mặt quỉ thì đâu đó giữa cuộc đời, trong đất nước này và trên mặt đất này, nhiều linh hồn, nhiều trái tim đã rướm máu đau buồn, đã không ngừng cầu nguyện cho em được bình an.

Nhưng lời cầu nguyện của bao người đã lọt thỏm giữa tiếng cười của quỉ dữ em ạ. Cầu mong linh hồn em được thanh thản, mau chóng siêu thoát và em hãy tin chắc một điều là gieo nhân nào thì gặt quả đó. Nhất định những kẻ đã hại em cũng như hại bao linh hồn khác sẽ trả giá cho điều này. Trời lại mưa và lạnh, xin cầu nguyện linh hồn em bớt lạnh, bớt cô đơn. Vì trong cuộc đời này vẫn còn những trái tim yêu thương!

VietTuSaiGon's blog

Cạn kiệt nguồn ngân sách: Chính phủ bán cổ phiếu ở các công ty cổ phần.

Nguyenvandai — 10/15/2015 - 09:37 
Gần đây, thông tin báo chí cho biết, Bộ tài chính đã phải vay nhiều tỷ đô la từ Ngân hàng Nhà nước và Vietcombank. Rồi việc các đại biểu Quốc hội lo lắng, băn khoăn trong các cuộc thảo luận về ngân sách. Nợ công ngày càng tăng; Số tiền phải trả lãi vay cho chính phủ các nước, các thể chế tài chính quốc tế ngày càng tăng, chiếm tới gần 30% chi tiêu quốc qia. Mất cân bằng thu chi ngân sách, tức là nguồn thu từ thuế và các nguồn thu khác không đủ chi thường xuyên cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Các dấu hiệu trên cho thấy ngân sách của chính quyền đang gặp nguy. Không tìm đâu ra nguồn thu để chi tiêu, không dám tiếp tục vay nợ nước ngoài vì sợ nợ công tăng cao sẽ vi phạm luật ngân sách và những cam kết với các thể chế tài chính quốc tế.
Giải pháp cuối cùng để chính phủ có tiền chi tiêu là bán phần vốn góp tại các doanh nghiệp cổ phần. Thời gian trước chính phủ đã giao bán khá nhiều các doanh nghiệp nhà nước, nhưng phần lớn các doanh nghiệp này đều đang trong giai đoạn khó khăn, nên việc giao bán thất bại vì cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đều không mặn mà.
Nay chính phủ chọn thoái vốn, tức bán cổ phần ở các công ty cổ phần đang làm ăn có lãi. Mặc dù cổ tức mà chính phủ nhận được hàng năm từ các công ty này là rất lớn. Cụ thể đầu tháng 7 vừa qua, Vinamilk đã chi tạm ứng cổ tức 2015 khoảng 4.000 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 40% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, người sở hữu 5 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới. Chỉ riêng tiền mặt, chính phủ đã thu về 2.164 tỷ đồng trong đợt này. Năm 2013, số tiền cổ tức thậm chí còn lớn hơn khi đạt 2.597 tỷ đồng.
Mặc dù số tiền cổ tức nhận được lớn như vậy, nhưng chắc vẫn không đủ cho nhu cầu chi tiêu và trả nợ của chính phủ. Nên buộc chính phủ phải bán hết cổ phiếu đang nắm giữ ở Vinamilk là 41,1% để thu về số tiền  khoảng 2,5 tỷ đô la.
Việc chính phủ chọn những công ty đang làm ăn có lãi, cổ phiếu hot để bán nhằm không gây ra xáo trộn trên thị trường chứng khoán. Đồng thời cũng thu về một nguồn tiền lớn. Sau khi bán cổ phiếu ở Công ty Vinamilk, chính phủ Việt Nam có kế hoạch bán cổ phiếu ở một loạt các công ty khác.
Không biết việc bán các tài sản của quốc gia có đủ tiền chi tiêu và trả nợ của chính phủ trong những tháng năm tới hay không? Nhưng gánh nợ trên 90 triệu người dân sẽ càng ngày nặng thêm.

Hà nội, ngày 15 tháng 10 năm 2015 Luật sư Nguyễn Văn Đài

Hải quân Mỹ: Hoạt động ở Biển Đông không phải là 'khiêu khích'

Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân của Mỹ, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Ngũ Giác Đài.
Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân của Mỹ, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Ngũ Giác Đài.
VOA-15.10.2015
Một giới chức hàng đầu hải quân Hoa Kỳ tuyên bố việc Washington tính gửi tàu chiến tới quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông không phải là một 'động thái khiêu khích'.
Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân của Mỹ, hôm nay nhấn mạnh hoạt động vì quyền tự do hàng hải này tuân thủ luật quốc tế.
Phát biểu với báo giới tại Tokyo ngỳ 15/10, Đô đốc Richardson nói:
“Việc này không thể được diễn giải là khiêu khích hay bất cứ  gì khác. Tàu chỉ lưu thông trên các vùng biển quốc tế mà thôi. Cho nên theo quan điểm chúng tôi, chúng tôi xem đây là một phần trong các hoạt động thông thường của mình trong vai trò hải quân toàn cầu.”
Các tin tức gần đây cho biết quân đội Mỹ trong vài tuần tới có thể đưa tàu vào trong khu vực 22 km xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc gọi là sự mở rộng chủ quyền chính đáng của họ.
Bắc Kinh thời gian gần đây ráo riết bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và trong một số trường hợp có đặt các cơ sở quân sự trên đó trong nỗ lực củng cố tuyên bố chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã kêu gọi Bắc Kinh ngưng các hoạt động xây dựng và trong tuần này ông Ash Carton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ cho máy bay và tàu hoạt động tại bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, lưu ý rằng Biển Đông không phải là một ngoại lệ trong chính sách này.
Đáp lại, Bắc Kinh cảnh cáo các nước chớ có thái độ khiêu khích vì Trung Quốc sẽ không khoan nhượng  bất kỳ hành động nào xâm phạm chủ quyền hải phận-không phận của họ.

‘Trùm’ dư luận viên Việt Nam giáp mặt các nhà bất đồng

'Trùm' dư luận viên Trần Nhật Quang (thứ tư từ trái sang) chụp ảnh với các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến hôm 11/10.
'Trùm' dư luận viên Trần Nhật Quang (thứ tư từ trái sang) chụp ảnh với các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến hôm 11/10.
Sau những tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội, người được coi là ‘trùm’ dư luận viên của Việt Nam, ông Trần Nhật Quang, trực tiếp đối mặt với các nhà hoạt động xã hội cũng như các nhà bất đồng chính kiến ở bên ngoài một nhà tang lễ ở Hà Nội hôm 11/10.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh em Đỗ Đăng Dư (17 tuổi) mới tử vong với nguyên nhân mà tới nay vẫn còn gây tranh cãi giữa các bên.

Các bức ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy ông Quang ngồi giữa nhiều nhà bất đồng chính kiến, gồm luật sư Nguyễn Văn Đài hay blogger Huỳnh Ngọc Chênh, và trong một bức ảnh khác, ông này nhìn ngang vào mặt nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng.

Trong các đoạn clip đăng tải trên mạng, khi được luật sư Nguyễn Văn Đài hỏi quan điểm về vụ em Dư, trong đó có trách nhiệm của trại giam, ông Quang bắt đầu bằng việc nói tới vấn đề con số người tử vong vì giao thông ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi mọi người “tự bảo vệ mình” khi ra đường để không để xảy ra tai nạn giao thông.

Ông này sau đó nói tiếp về vụ em Dư: “Thực ra tôi cũng chưa biết nguyên nhân là ở đâu nhưng mà tôi chỉ biết là ở trong trại giam của Bộ Công an, đúng không? Thế thì, nếu như tôi đã có phát biểu về ủy ban an toàn giao thông Việt Nam như thế nào, rồi bản thân chúng ta như thế nào thì tôi cũng phát biểu là các trại giam của Bộ Công an cũng phải hết sức tuân thủ những cái kỷ luật an toàn để đảm bảo rằng không có tai nạn rủi ro nào ở trong trại tạm giam của Bộ Công an”.
"Các trại giam của Bộ Công an cũng phải hết sức tuân thủ những cái kỷ luật an toàn để đảm bảo rằng không có tai nạn rủi ro nào ở trong trại tạm giam của Bộ Công an."-Ông Trần Nhật Quang nói.
Sau đó cuộc tranh luận giữa ông Quang và một số người, mà theo luật sư Đài nói là dân oan, đã diễn ra khá gay gắt về vấn đề quyền con người ở Việt Nam.

Khi ông Quang tuyên bố “các anh các chị không bao giờ lôi kéo được nhân dân Việt Nam và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”, một người phụ nữ không rõ danh tính nói: “Những người dân Việt Nam chúng tôi đã bị che mắt, bịt tai 70 năm nay rồi, nhưng chính nghĩa, sự thật bao giờ cũng thắng”.

Có nhiều ý kiến bình luận trên mạng về sự xuất hiện của ‘trùm’ dư luận viên giữa các nhà hoạt động.

Về việc này, bà Thảo Teresa, một người có mặt trong bức ảnh với ông Quang, viết: “Thực ra những ai có mặt tại đó mới hiểu lý do tại sao có tấm ảnh này, đâu có gì quá nặng nề khi một con người chủ động ra bắt tay và chào hỏi từng người và xin chụp, còn đương nhiên tôi coi khinh những việc ông ta làm, phản đối những trò phá đám của đám DLV của ông ta, nhưng tôi vẫn coi ông ta là một con người, khi ông ta ra chào đích danh tôi, một người đã bị chính ông ta xuyên tạc một cách vô cùng bỉ ổi trên mấy clip”.

"Bị nhồi sọ"

Còn luật sư Nguyễn Văn Đài cho VOA Việt Ngữ biết về cuộc “giáp mặt” với ông Quang: "Những người khác thì họ va chạm với anh Trần Nhật Quang này nhiều lần rồi, nhưng về phía cá nhân tôi thì đây là lần đầu tiên tôi gặp nhóm này. Tôi cũng muốn xem cái khả năng của họ đến đâu, rồi là xem có cơ hội nào đấy để mà có thể nói chuyện một cách hài hòa với họ được không".
"Gần như là họ đã bị nhồi sọ và cái nhận thức của họ rất là ấu trĩ. Họ tìm mọi cách để bênh vực cho chính quyền và Đảng cộng sản về những việc làm và những yếu kém."-Luật sư Nguyễn Văn Đài nói.
Nhà bất đồng chính kiến nói tiếp: "Nhưng mà qua một ít phút tranh luận với họ thì tôi nhận thấy rằng là những nhóm này hoàn toàn không có cơ hội nào để có thể cảm hóa, hay có thể thuyết phục được họ đứng về những người hoạt động nhân quyền và hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam. Gần như là họ đã bị nhồi sọ và cái nhận thức của họ rất là ấu trĩ. Họ tìm mọi cách để bênh vực cho chính quyền và Đảng cộng sản về những việc làm và những yếu kém. Sau một ít phút nói chuyện tôi cảm thấy rằng không thể nào tiếp chuyện với họ được nên tôi rút lui".

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Trần Nhật Quang, và trước đây, ‘trùm’ dư luận viên này từng không đáp lại đề nghị phỏng vấn.

Vụ việc trên xảy ra vài tháng sau khi những người được coi là dư luận viên nhảy múa trong tiếng nhạc chói tai trước tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, trong khi nhiều người khác tìm cách tới thắp hương, tưởng nhớ những chiến sỹ ngã xuống trong trận Gạc Ma.

Video về vụ việc hồi giữa tháng Ba năm nay cho thấy, lẫn trong đám đông có khoảng một chục thanh niên mặc áo phông màu đỏ, phía trước có in hình búa liềm, sao vàng và đằng sau áo có in chữ “Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc”, kèm theo các chữ cái viết hoa DLV mà nhiều người cho là chữ viết tắt của "dư luận viên".

Sau khi bị dư luận phản đối về hành động này, ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc công an Hà Nội, tuyên bố rằng rằng họ “không thuộc quản lý của công an thành phố và Ban tuyên giáo”.

Ông Chung cho biết thêm đã chỉ đạo nhân viên “xác minh” vụ việc, nhưng cho tới nay, kết quả của cuộc điều tra này vẫn chưa được công bố.

Một cuốn sách về một cuốn sách

Một cảnh sát đứng canh ở phía trước tấm áp phích  biểu tượng cộng sản bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Một cảnh sát đứng canh ở phía trước tấm áp phích biểu tượng cộng sản bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Mười lăm năm trước, Chuyện Kể Năm Hai Ngàn(CKNHN) như tiếng kêu bi thống của chú voi hiền lành bị lũ thợ săn vô nhân tính truy bức, với thân thể đầy thương tích. Tiếng kêu bi thống của chú voi hiền lành ấy vươn lên giữa đọa đày, và vang vọng hầu như đến khắp cùng thế giới. Đầu năm 2015, Hậu Chuyện Kể Năm Hai Ngàn (HCKNHN) hay Thời Biến Đổi Gene của Bùi Ngọc Tấn (BNT) được xuất bản tại Mỹ. Vẫn chú voi hiền lành ấy, nhưng bây giờ là tiếng thét đầy căm phẫn. Chú voi thoát chết sau những lần bị truy bức đã gìn giữ cho mình một cặp ngà dài quý giá mặc dù vẫn tiếp tục bị lũ thợ săn vô nhân tính bủa vây, chà đạp, mưu toan tuyệt diệt luôn cả cặp ngà quý giá ấy.
CKNHN viết về năm năm tù mà không tội của Bùi Ngọc Tấn (BNT). Trong HCKNHN BNT kể sau khi ra tù, ông và gia đình đã sống lầm than như thế nào. Ông trở lại với cây bút bằng những bản tin viết về công nhân và tàu cá của xí nghiệp đánh cá Hạ Long (Hải Phòng) ra sao. Từ đó là cơ duyên tái nghiệp cùng văn chương. Khởi viết Mộng Du, cái tên thoạt kỳ thủy của CKNHN. Hành trình hoàn tất, sửa chữa và xuất bản CKNHN. Và CKNHN đã bị triệt hủy như thế nào.
Lời đề từ của HCKNHN như những vết dao cứa vào tim. Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời. Quên tuổi tôi cắm sâu lưỡi dao năm tháng. Thời gian băng hà sọ não tôi. Tôi tin đây là những câu trong một bài thơ của BNT. Vỏn vẹn ba câu thơ nhưng nói lên đầy đủ cái tàn khốc của nền cai trị khủng khiếp, vô nhân tính áp đặt lên con người. BNT đi tù năm 1968 trong vụ án xét lại. Ông ra tù năm 1973. Đến năm 1995 ông mới được cầm bút trở lại. Hai mươi hai năm câm nín. Hai mươi hai năm nuôi dưỡng chắt lọc. Hai mươi hai năm cùng vợ con và vô số “phó người” khác sống kiếp lầm than của những “con vật-người”. Trong CKNHN là những con người bị tù tội, bị tước đoạt nhân phẩm, sống kiếp con người - vật. Nghĩa vụ của những con người- vật là phục vụ chiến tranh và quyền lực, phục vụ một lũ thợ săn vô nhân tính. Bằng cái giọng thân mật và chân thành, BNT như một huynh trưởng hướng đạo nói câu chuyện lửa dặm đường với các sói. Nhưng đây là những câu chuyện làm nao lòng người, thậm chí có thể làm bạn mất ngủ. Có những câu chuyện tởm lợm đáng nôn mửa, nhưng cũng có những câu chuyện có thể làm cho bạn bật kêu lên: A, thì ra cuộc đời vẫn còn người tốt. Vẫn còn đẹp. Nghĩa là trong xã hội vẫn còn có những con người, những người thực sự là Người - người.
Tôi muốn nói với các con tôi, hãy sống cho ra một con người. Nhưng câu ấy chưa bao giờ được thốt ra. Tôi quá hiểu sống cho ra một con người khó khăn như thế nào, nguy hiểm như thế nào.” (HCKNHN-BNT)
Làm người là có quyền tự do. Là có quyền đòi cái quyền tự do của mình. Tuy nhiên, để sử dụng cái quyền tự do của con người, nhiều khi hết sức nguy hiểm.
BNT có cái nhìn bén nhạy về cuộc chiến. “Vào năm 1974, tôi không nhớ rõ, nhưng qua cái loa nón Ngã Sáu, một tin làm tôi bật cười. Các nhà báo ở Saigon biểu tình chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bằng cách bị gậy giả làm ăn mày đi diễu phố.(…) Tôi nghĩ thầm, miền Nam không thể thắng được vì tự do biểu tình, lại cả tự thiêu nữa mới khủng khiếp. Vì tự do báo chí, tự do công kích chính quyền, phe nọ đảng kia, không thực hiện được như miền Bắc đã làm: chỉ có một luồng thông tin duy nhất từ những chiếc loa công cộng đường phố. Quản lý chặt dạ dày, hộ khẩu, duy trì tình trạng thiếu đói cả ở nông thôn và thành phố, chia nhau từng mét chỉ, nửa cây kim, nửa cái bát sành… Cuối cùng miền Nam đã thua nhanh hơn dự đoán. Chiến thắng thuộc về những người lì đòn hơn, vận dụng thời cơ tốt hơn. (…) chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của các loa công cộng. Chế độ quản lý bao cấp. Sự đóng góp của các nhà tù, của chính sách tập trung cải tạo. Một sản phẩm của chế độ độc trị. Và dĩ nhiên chân lý thuộc về kẻ chiến thắng. Không biết suốt ba mươi năm chiến tranh bao nhiêu người Việt đã chết, cả bên này và bên kia, bao nhiêu triệu người cầm súng và không cầm súng, tôi mong có một cuộc thống kê số xương máu Việt ấy, công bố trước thanh thiên bạch nhật để biết cái giá của cuộc sống hôm nay. 
(HCKNHN-BNT)
Hết sức mỉa mai bởi một trong những nguyên nhân miền Nam thua trong cuộc chiến là vì chính quyền VNCH đã cho người dân được ít nhiều tự do, dân chủ, và miền Bắc đã thắng nhờ đường lối độc tài toàn trị. Chiến tranh là môi trường tiêu thụ xương máu con người, đặc biệt là xương máu của tuổi trẻ. Trong cuộc chiến, phe nào rộng rãi trong chi phí xương máu của phe mình hơn thì phe đó sẽ thắng.
BNT nhắc tới khẩu hiệu: Thóc không thiếu một cân. Quân không thiếu một người. Với chủ nghĩa cộng sản, trong thời chiến, người dân là những con số để đảng tố những canh xì phé xả láng bằng sinh mạng con người cho cuộc thắng bại. Hết chiến tranh, sinh mạng người dân còn rẻ rúng hơn cả thời chiến. Người dân bị cướp đất cướp nhà, bị giết trong đồn công an, bị tước đoạt nhân phẩm bất kỳ lúc nào… những điều đốn mạt như vậy cần phải được hiểu ra sao?
Tháng Tư năm 1975, chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến dài nhất thế kỷ trên thế giới chấm dứt. Tưởng chừng dân tộc Việt Nam sẽ bắt đầu được hưởng những ngày bình yên, nhưng không phải vậy. Một thảm họa khác chẳng thua gì chiến tranh đã phủ chụp lên đầu người Việt Nam.
Một cuộc thanh trừng rộng lớn đã được tiến hành. Một cuộc di tản chưa tưng có trong lịch sử nhân loại. Hàng triệu người miền Nam và cả miền Bắc đã bỏ nước vượt biển ra đi với xác suất sự sống chỉ chiếm số phần trăm ít ỏi. Chiến tranh kết thúc cùng với bao hậu quả mà thời gian khắc phục kéo dài cho đến hôm nay và còn kéo dài không biết đến bao giờ.”                                                                             (HCKNHN-BNT)
Cuộc chiến đã kết thúc, đất nước đã thống nhất. Tại sao hàng triệu người từ hai miền Nam, Bắc kéo nhau bỏ đi. Hết chiến tranh, không còn thời của những anh hùng liệt sĩ, những bà mẹ người chị kiên cường. Giá trị con dân Việt không còn đáng một xu. Người dân bên thua trận bỏ nước vượt biển, người dân bên phe thắng trận cũng bỏ nước vượt biển. Mặc dù ai cũng biết cuộc vượt thoát này được trả giá nhiều phần trăm bằng sinh mạng của mình. Người miền Nam ra đi vì thấy mình không còn chút dưỡng khí nào trên quê hương mình, còn người miền Bắc ra đi cũng chỉ là để tìm lấy chút dưỡng khí bởi xét cho cùng chính người miền Bắc phải chịu đựng cuộc sống thê thảm dưới chế độ cộng sản lâu dài và trước người miền Nam cả mấy chục năm. Cuộc sống mà BNT và bạn ông đã phải nói với nhau như thế này: “Khi tôi kêu lên, các ông ấy bần cùng hóa nhân dân ghê quá, Nguyên Bình nghiêm mặt bảo tôi: cuộc sống này gần với cuộc sống loài vật, đâu phải cuộc sống con người. Nguyên Bình nói đúng, cuộc sống này là một sự đày đọa. Hãy nghe một câu trong tham luận của một thuyền trưởng tàu đánh cá Hạ Long đọc tại đại hội công nhân viên chức: Tàu cá về, người xuống như dòi. Câu đó nói lên tất cả. Hơn thế, biết bao nhiêu người thèm được như chúng tôi, nhân viên một xí nghiệp thực phẩm. Ao ước được là dòi.” (HCKNHN - BNT)
Thế giới văn chương trong BNT, sức sáng tạo được nhào nhuyễn qua đau thương và đớn nhục trong ông, vì thế lại càng hồi sinh. Sức chịu đựng của vợ ông, sự cảm thông hồn nhiên vô điều kiện của các con ông lại còn là dưỡng chất và lực đẩy cho sức sáng tạo của BNT.
Sự kiện các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ, sự trở mình của không khí văn chương trong nước sau vụ “cởi trói” cũng đã tiếp cho BNT ít nhiều hi vọng.
“…Thế giới giả dối độc ác đã sụp đổ rồi, bầu trời bằng đá xám đã sụp một phần rất lớn rồi. Trời xanh đã hiện ra, không thể nào đảo ngược được nữa. (…) Tôi thấy có lẽ mình phải viết. Có lẽ thôi chứ chưa cầm bút viết, cho đến khi giọt nước Nguyễn Quang Thân làm tràn cốc nước. (…) Sau hai mươi hai năm không viết và gần như không đọc, viết cái gì đây. Cuộc sống tả tơi quăng quật đầy đọa, tai ương đè nặng như một trái núi trên lưng cho đến tận hôm nay, nhưng tôi chưa muốn giở ngay kho tàng ấy. Cần phải có một thời gian nhìn lại, suy nghĩ, đánh giá, sắp xếp lại.”
Để thực sự viết trở lại và đặt chân vào thế giới “mộng du”, bắt đầu CKNHN, BNT đã trải qua không ít những trăn trở. Ông tự thú đã lâu rồi không đọc, gần như hoàn toàn không đọc, vì cuộc sống qua những trải nghiệm của chính ông với nỗi cùng cực của những lớp người dưới đáy xã hội khác xa với những hào nhoáng, giả dối đầy rẫy trong những cuốn sách cùng thời với ông.
“Cho đến khi viết được hai chục trang đầu quyển tiểu thuyết Mộng Du, sau này đổi tên thành CKNHN, tôi rụt rè đưa cho Thân đọc. Hải Phòng khi đó tôi chỉ có mình Nguyễn Quang Thân. Nguyên Bình, người bạn thân nhất của tôi đã chuyển về Hà nội. Cái tâm huyết của Thân làm tôi tin anh. Khi đưa cho anh mới chỉ là những dòng lia, nhớ đến đâu lia đến đấy. Nhân vật còn chưa có tên chính thức. Đưa Thân chiều hôm trước, sáng hôm sau tôi đạp xe đến Hội Văn nghệ Hải Phòng tìm anh, hồi hộp vì không biết anh đánh giá nó ra sao. Đưa trả tôi xếp giấy viết tay, Thân nói với tôi một câu tôi không hề chờ đợi, không hề ngờ tới: Cái này là của chung nhân loại mày ạ. Tên sách Mộng Du được, vừa phải, không gay gắt lắm. Gợi!
Phấn khởi, rất phấn khởi nhưng khó tin. Chỉ tôi mới hiểu nó vẫn còn chàng màng so với những gì tôi đã trải. Nhưng thôi cứ viết, khởi đầu như vậy là tốt, cứ viết. Viết và sửa. Cố gắng viết ra những điều mình nghĩ. Cố gắng làm một cái gì đó của toàn nhân loại, cần thiết cho nhân loại. Đến lúc ấy tôi mới đặt tên chính thức cho nhân vật. (…)
… Dòng văn học tù đày dường như đã kết thúc, bằng những hồi ký trong nhà tù đế quốc với những nhân vật được thần thánh hóa, lung linh huyền ảo, những cứu tinh đã sang trang cho cuộc sống, cho đất nước, nhân dân, và tôi, chính tôi là người viết tiếp dòng văn học tù đày tưởng đã chấm hết ấy. (…)Tôi viết về những khổ đau oan khuất vẫn tiếp diễn, sinh sôi và phát triển, những điều là dấu hiệu, là mục tiêu để cách mạng giương cao ngọn cờ vận động lôi kéo nhân dân tiêu diệt và tưởng đã tiêu diệt hoàn toàn nhưng hóa ra vẫn còn nguyên như cũ và cho đến giờ đã hơn cũ rất xa, chỉ thay đổi diện mạo, thay đổi ngôn ngữ, thay đổi y phục mà thôi. Tôi sẽ phơi bày ra ánh sáng một thế giới còn nằm trong bóng tối. Tôi sẽ cày lên những luống đầu tiên của một vùng đất còn hoang sơ trên cánh đồng gieo gặt của cách mạng, của cánh đồng gieo hạt giống tự do bón bằng xương máu nhưng lại trổ toàn quả đắng, đàn áp, bất công, gian dối, oan khuất.”(HCKNHN-BNT)
Từ những luống cày đầu tiên, BNT đã trẩy hoang vùng văn chương tù ngục. Ông đã thắp lên được một vùng nến sáng rực trên cái sân khấu của bóng tối ấy. Khởi viết CKNHN là BNT đã bắt đầu vác cây thánh giá của đời mình trên đôi vai còm cõi. Ông biết rất rõ con đường phía trước là con đường khổ nạn của đời ông nhưng tôi tin ông cũng biết rất rõ rằng đó chính là con đường vinh quang, con đường thành đạo của đời ông. Tại sao BNT viết truyện tù thành công, tại sao truyện tù của ông gây được tiếng vang trong độc giả tiếng Việt trên toàn thế giới? Đã có không ít những truyện tù được kể, trong những cuốn sách có thể dày tới cả ngàn trang, nhưng hiếm có cuốn nào trong số này thật sự nổi bật. Đó là những hồi ký, truyện kể về “cái tôi” của ai đó ở tù. Nhưng BNT viết CKNHN như một cuốn tiểu thuyết, nghĩa là vượt qua chuyện cá nhân BNT ở tù:
“…Khi tôi viết đến đoạn hút thuốc lào đêm, quy trình hút thuốc lào, đến cái động tác di tàn thuốc bắn theo hình vòng cầu cách xa hai mét và tiếp đó là câu, ‘hắn đã đạt được trình độ “xạ thủ” ấy’, tôi đạp xe đến Hội văn nghệ gặp Nguyễn Quang Thân hớn hở, tao viết được rồi. Tôi viết được rồi, tôi tự tin vì đã hài hước được. Tôi đã tách khỏi lực hút của người trong cuộc và bình tĩnh khách quan kể lại chuyện oan ức của chính tôi như kể lại chuyện của ai đó. Có vui có buồn và bao giờ chả vậy, khi sự việc đã qua được nhắc lại với những nét buồn cuời.” (HCKNHN-BNT)
Kể lại được ngay cả những chi tiết buồn cười, những chi tiết ngớ ngẩn trong cuộc sống tù đày oan khuất của mình, có nghĩa là đã thành công. Có nghĩa là đứng từ bên ngoài nhìn vào toàn diện cái bối cảnh mà mình đang ở tù. Lúc đó không còn là “cái tôi” ở tù nữa mà là cảnh tù tội đày đọa bất công trong một đời sống lớn, đời sống của cả một đất nước.
Trong HCKNHN, BNT lại rất tài tình trong việc hồn nhiên mang hầu hết các tầng lớp con người Việt Nam cùng thời vào trong tiểu thuyết. Từ những nhân vật có danh vọng chức vị như Đỗ Mười, Nguyễn Phú Trọng, những văn nô xênh xang mũ áo như Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, những tên nằm vùng đã trở thành lính gác cửa như Vũ Hạnh và vô số những nhân vật liên quan hay không liên quan tới văn chương, như những tên công an cao cấp hay hạ cấp luôn chăm chăm bảo vệ chế độ, hay cậu bé bán rong sách “cấm” cũng được BNT thân mật đưa vào tiểu thuyết của ông. BNT hóm hỉnh nghĩ, mình là người viết ra “sách cấm”, chú bé là người bán “sách cấm”, hóa ra mình và cậu bé cùng hội cùng thuyền.
BNT gặp được Bùi Văn Ngợi, giám đốc NXB Thanh Niên, mà theo ông, đây là một con người tuyệt vời. Bên cạnh Bùi Văn Ngợi là Phạm Đức, Cao Giang, biên tập viên Lê Hùng… những con người khí khái. Bắt đầu viết văn trở lại hay đúng ra, bắt đầu viết Mộng Du, tức là CKNHN, BNT ý thức rất rõ ràng, ông đang hai tay không đương đầu với một con quái vật khổng lồ ghê gớm, quỷ quyệt xảo trá, đó là đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Âm thầm sáng tác, âm thầm tìm cách in ấn, xuất bản… gửi nó tới bạn đọc, câu chuyện chỉ có vậy mà ly kỳ, gay cấn, khiến người đọc bao phen hồi hộp, bởi vì người viết và người in ấn dù chỉ một cuốn sách cũng bị theo dõi, truy bức theo kiểu của những kẻ lập hội kín mưu toan làm “cách mạng” lật đổ chính quyền. Nhiều đoạn làm cho người đọc tức nghẹn vì phẫn uất. Chỉ là một nhà văn già yếu, bệnh tật, hậu quả của những năm tháng tù tội, “vũ khí” duy nhất  là những con chữ từ khối óc và con tim chân thực, BNT đã chiến đấu ngang ngửa với nguyên cả một guồng máy bạo quyền của chế độ cộng sản phi nhân.
Ở BNT, sự chân thực và trong sáng là nguồn lực lớn cho nhà văn. Từ lúc khởi sự sáng tác, nhiều lần sửa đổi thêm bớt để hoàn chỉnh cho tác phẩm, tìm cách xuất bản CKNHN, BNT luôn tha thiết và tận tụy trong cái hiền lành hòa ái của ông. BNT hiền lành hòa ái nhưng không bao giờ tỏ ra hoặc vờ tỏ ra khiêm tốn với bất kỳ người nào. Từ chữ nghĩa, từ tác phẩm của ông, BNT biết rất rõ giá trị của những gì mình đang viết.
BNT chỉ cần CKNHN được xuất bản, tới tay bạn đọc, ông không quan tâm tới quyền lợi vật chất từ tác phẩm.
CKNHN đã bị đình chỉ phát hành và bị ra lệnh hành quyết. Một vụ hành quyết chữ nghĩa. Một phương cách triệt hủy sách vở, tư tưởng tiền vô cổ lai hậu vô nhân giả và tôi tin nó không thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào còn lại trên thế giới này. Xin đọc:
“(…)Lê Hùng đã xuống Hải Phòng thăm tôi, xem cái buồng của tôi nhưng chỉ là mục đích phụ. Anh xuống tôi khoảng hai tháng sau khi sách in xong để báo cho tôi một tin mới. Vẻ mặt của anh vừa xúc động vừa nghiêm trang. Hôm qua CKNHN của anh đã bị nghiền, ngâm thành bột rồi. Tám trăm hai mươi sáu bộ. Anh im lặng và thở dài thuật lại toàn bộ quá trình tàn sát và hủy diệt ấy.(…) Người của Cục xuất bản, người của NXB, người của nhà in ghi biên bản số sách đưa nghiền rồi ký biên bản sau khi đã nghiền xong thành bột. Ký biên bản khi bột đã ngâm trong bể a xít. Từng công đoạn một, xong xuôi tất cả mới được về.”
                                                                                             (HCKNHN- BNT)
Bao nghìn năm trước, Tần Thủy Hoàng phần thư nhưng chỉ đơn giản bằng lửa. Bao nghìn năm sau, ở năm Hai Ngàn sau Công Nguyên, tại VN, chính quyền cs Việt nam không phần thư, không đốt sách bằng lửa. Họ văn minh hơn nhiều, công phu và đê tiện hơn nhiều. Điều này cũng minh chứng rằng đảng và nhà nước cộng sản VN luôn sợ hãi trước chữ nghĩa và tư tưởng của những người chân thực, trong sáng như nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
Sách BNT bị nghiền nát thành bột, sách đã bị nghiền thành bột thì còn ai đọc được nữa? Nhưng bột sách đó phải được ngâm vào bể a xít, rồi phải được những “đao phủ” bất đắc dĩ ký nhận đã hành quyết xong. Thật khôi hài và trơ trẽn. Tuy nhiên không ai hủy diệt được tư tưởng, không ai hủy diệt được chữ nghĩa. CKNHN của BNT đã được mọi người quan tâm trên khắp thế giới và bây giờ là HCKNHN, cuốn sách cuối đời ông. Những tội ác và sự hèn hạ của chính quyền cộng sản VN cũng sẽ được những người quan tâm khắp năm châu biết đến.,.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.