Tuesday, February 13, 2018

Viên chức CSVN thừa nhận nhiều dân oan ‘không còn nhà để về ăn Tết’

Dân oan các tỉnh Đồng Nai, Bình Định, An Giang, Bình Dương, Bình Thuận... đi khiếu kiện tại Hà Nội hôm 29 Tháng Giêng. (Hình: Facebook Đoàn Giang Thanh)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Chúng tôi phối hợp với chính quyền các địa phương để vận động và đưa người dân về quê ăn Tết. Tuy nhiên vẫn có những người dân bám trụ lại Hà Nội để khiếu nại, tố cáo. Thực tế thì có những người dân khiếu nại tố cáo không còn nhà để mà về ăn Tết nữa.”
Đó là lời ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban Tiếp Công Dân Trung Ương, nói với báo Dân Trí sáng 9 Tháng Hai.
Báo này cũng viết rằng ông Điệp khẳng định “đã lập kế hoạch chu đáo để tiếp người dân tới khiếu nại, tố cáo trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất.”
Trước đó truyền thông Việt Nam ghi nhận việc Tổng Thanh Tra Chính Phủ Lê Minh Khái yêu cầu Ban Tiếp Công Dân Trung Ương “vận động người dân đang khiếu kiện đất đai ở thủ đô trở về quê ăn Tết.”
Chỉ tính trong Tháng Giêng, trụ sở tiếp dân tại Hà Nội và Sài Gòn được ghi nhận “tiếp hơn 1,000 lượt công dân đến khiếu nại 246 vụ, tố cáo 55 vụ.” Các vụ “khiếu kiện” ở đây có thể hiểu là liên quan đến cưỡng chế đất đai tại các địa phương.
Báo Dân Trí tường thuật: “Từ cuối năm 2017 đến nay, tình hình khiếu kiện của công dân vẫn diễn biến phức tạp tại trung tâm thành phố và tại trụ sở Tiếp Công Dân Trung Ương.”
Báo Một Thế Giới hôm 26 Tháng Giêng dẫn lời nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, rằng: “Hơn 80% đơn khiếu kiện của người dân gửi lên các cơ quan trung ương là khiếu kiện liên quan đến đất đai. Điều 62 của Luật Đất Đai đang vấy máu. Chúng ta đã nghe nhiều trường hợp người dân không chấp nhận rời khỏi ruộng vườn đã phản ứng bằng bạo lực với lực lượng cưỡng chế, máu của dân và máu của đồng bào làm nhiệm vụ cưỡng chế đều là máu của người vô tội. Nơi này nơi kia ở nông thôn đang bất ổn về chính trị, không phải do sự chi phối của các ‘thế lực thù địch,’ mà do đất của dân bị nhà nước thu hồi để giao cho các ‘đại gia,’ tuy có thể đúng luật nhưng trái đạo lý. Những đảng viên CSVN hãy nhớ rằng, liên minh công nông là nền tảng chính trị của đảng không chỉ ở nông thôn. Nền tảng chính trị đó mà bị phá vỡ thì đảng không còn đất sống.”
Luật Sư Nguyễn Hà Luân viết trên trang Facebook cá nhân hôm 9 Tháng Hai: “Một cái Tết sắp tới và những người đi khiếu nại, mà giờ đây được gọi chung bằng hai tiếng ‘dân oan’ lại tiếp tục mỏi mòn, lang thang trên những nẻo đường cát bụi, để trông chờ một phép màu từ ‘trung ương’ soi xét đến trường hợp của họ. Trong khi đó, các cơ quan quyền lực địa phương vẫn ung dung đá bóng trách nhiệm và nếu như cấp trên không chịu nổi mà hỏi đến thì thỉnh thoảng họ sẽ đưa lực lượng lên thủ đô đưa những người khiếu nại ở địa bàn mình về. Không nhà không cửa. Sau vài bữa vật vờ ở làng xã của mình, những người khiếu nại đó lại tìm cách ‘lên trung ương’ để kêu cứu. Vòng luẩn quẩn lại tiếp tục từ năm này sang năm khác. Đâu chỉ vượt biển để gọi là ‘lưu vong.’ Giờ đây ngay trên chính quê hương, đất nước mình, vẫn có bao người phải ‘lưu vong.’” (T.K.)

Bộ Trưởng Giáo Dục CSVN được phong giáo sư ‘mờ ám’

Bộ Trưởng Giáo Dục-Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ. (Hình: báo điện tử VietNamNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 11 Tháng Hai, Giáo Sư toán học Nguyễn Tiến Dũng, từ Đại Học Toulouse, Pháp, đăng đàn trên trang Facebook cá nhân tố cáo việc Bộ Trưởng Giáo Dục-Đào Tạo CSVN, ông Phùng Xuân Nhạ được phong giáo sư năm 2016 “có quá nhiều chuyện mờ ám, làm ảnh hưởng xấu đến toàn bộ nền giáo dục, khoa học Việt Nam.”
Truyền thông Việt Nam ghi nhận hồi năm 2016, ông Nhạ được “Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước” phong hàm giáo sư ngành Kinh Tế.
Giáo Sư Nguyễn Tiến Dũng đề nghị chính phủ và giới khoa học Việt Nam “cần làm sáng tỏ chuyện này, nhất là khi Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu rà soát lại các ứng viên trong đợt phong giáo sư năm 2017.”
Ông Dũng nêu một loạt câu hỏi chưa được làm rõ trong vụ này: “Ông Nhạ lúc đó đang là phó giáo sư, ứng cử viên giáo sư mà lại được một “công văn mật” chỉ định làm chủ tịch hội đồng phong giáo sư thì điều này có gây sức ép phản khoa học đối với hội đồng? Ông Nhạ có phải là người tự ký quyết định phong mình thành giáo sư? Nếu đúng vậy thì có nơi nào từng làm như thế không?”
Theo Giáo Sư Dũng, ông Nhạ “có tổng cộng hai bài báo có trong danh sách Scopus” (cơ sở dữ liệu bài báo khoa học) đăng trên tờ Asian Social Science mà ông cáo buộc là “tạp chí nhận $300, $400 là đăng bài” của một công ty tự xưng là “Canadian Center of Science and Education.”
Ông Dũng cũng bình luận rằng hai bài báo khoa học của ông Nhạ “viết trên sai chính tả và ngữ pháp từ đầu đến đuôi, và được đăng rất nhanh sau khi gửi bài.” Do vậy ông Dũng đã soạn thư ngỏ “Đề nghị kiểm tra tư cách giáo sư của ông Phùng Xuân Nhạ.”
Cũng trong hôm 11 Tháng Hai, nhà báo Dương Minh Phong của tờ Sài Gòn Giải Phóng viết trên trang Facebook cá nhân: “Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nên ra quyết định hủy bỏ chức chủ tịch Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước do ông Nhạ làm chủ tịch, giải tán luôn hội đồng, cùng với đó là hủy bỏ kết quả xét chọn giáo sư, phó giáo sư vừa qua, hủy bỏ cả quyết định ông Nhạ ký cho chính ông thành giáo sư. Trên tinh thần mừng xuân mới, ông Phùng Xuân Nhạ nên hân hoan nhận án kỷ luật vì tội lạm quyền, và tất nhiên, Thanh Tra Nhà Nước phải vào cuộc. Chức danh giáo sư, phó giáo sư là chức danh nhà nước, nó cao quý, nó là tinh hoa của đất nước, ai, kẻ nào hoặc là lạm quyền, lợi dụng ký bừa, kẻ nào gian mạnh chạy vạy, kiếm chác, kẻ nào luồn lót để giành giật… cần bị nghiêm trị.”
Đáng lưu ý, hôm 9 Tháng Hai, một công văn do ông Nhạ ký gửi Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư tại các ngành, liên ngành viết: “Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo quy định, phải báo cáo Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước và cương quyết không công nhận.”
Trong đợt phong giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cho hơn 1,200 người mới đây, công luận đặt dấu hỏi với trường hợp của Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người được báo “lề phải” ghi nhận “đạt chuẩn giáo sư năm 2017” nhưng người ta không thể biết được bà này có công trình nghiên cứu khoa học nào. (T.K.)

Chủ trốn về nước, hàng ngàn công nhân ở Đồng Nai mất Tết

Công nhân công ty Texwell Vina tụ tập trước cổng công ty vào sáng 9 Tháng Hai. (Hình: Thanh Niên)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Hàng ngàn công nhân may mặc của một công ty có chủ là người Nam Hàn ở huyện Trảng Bom đứng ngồi không yên lo mất tết do lãnh đạo công ty đã bỏ trốn về nước không trả lương.
Ngày 10 Tháng Hai, Liên Đoàn Lao Động tỉnh Đồng Nai, xác nhận với báo Thanh Niên đang phối hợp với nhà chức trách giải quyết trường hợp công ty Texwell Vina, khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, chưa trả tiền lương Tháng Giêng, 2018, cho 1,928 công nhân, với tổng số tiền gần 13.7 tỷ đồng (hơn $603,460).
Công ty Texwell Vina là doanh nghiệp có vốn 100% Nam Hàn, chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang xuất cảng đi Châu Âu, Châu Mỹ…
Trước đó, tối 8 Tháng Hai, công an tỉnh Đồng Nai nhận được tin báo ông Chang Jeen-kim, tổng giám đốc, cùng 11 quản lý người Nam Hàn của công ty Texwell Vina đã trốn về nước vào tối cùng ngày. Sáng 9 Tháng Hai, rất nhiều công nhân đã tụ tập trước cổng công ty để đòi lương.
Tin cho hay, ngoài nợ tiền lương, công ty này còn nợ tiền bảo hiểm xã hội từ Tháng Tám, 2017, đến Tháng Giêng, 2018, hơn 17.5 tỷ đồng (hơn $770,843).
Chị Nguyễn Thị Sin, một trong hàng ngàn công nhân, cho biết chị chỉ còn 200,000 đồng (gần $9) cho cái Tết đang ập đến. Hiện mỗi ngày nữ công nhân này chỉ ăn một gói mì chia làm hai bữa để cầm hơi.
“Số tiền này tôi để mua đồ ăn, sống cầm cự đến Tết chờ lương. Song, nghĩ đến việc khó lấy được tiền nên tôi không dám mua cơm mà mua bó rau nhỏ, một gói mì tôm để ăn qua ngày. Bữa trưa tôi ăn nửa gói, còn nửa gói dành cho buổi chiều,” chị khóc nói với báo Tiền Phong.
“Cả gia đình tôi từ tiền sinh hoạt đến tiền tết đều trông chờ vào lương mà giờ 25, 26 Tết rồi vẫn không có tiền thì sống sao,” chị Hà, một công nhân người Hà Tĩnh, buồn bã nói.
Trong khi đó, chị Dung, một công nhân người Nghệ An, chia sẻ, chị và gia đình đều trông chờ vào đồng lương Tháng Giêng để lo phí phòng trọ, vé xe về quê ăn Tết. “Mong tiền về mà giờ xảy ra cớ sự này nên không biết làm sao, Tết cận kề rồi,” chị nói.
Chiều 10 Tháng Hai, ông Bùi Văn Cường, chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, cho biết theo đề nghị của Liên Đoàn Lao Động tỉnh Đồng Nai, ủy ban tỉnh này đã đồng ý tạm ứng từ ngân sách để hỗ trợ 50% lương (khoảng gần 7 tỷ đồng, hơn $308,337) cho hơn 1,900 công nhân về quê ăn Tết. (Tr.N)

Người ‘tận khổ’ ở Sài Gòn mong Tết đến để… lượm ve chai

“Căn nhà” trên sông của ông Tư Minh. (Hình: SGGP)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trong khi mọi người náo nức đón Tết, thì vẫn có nhiều người nghèo long đong không nhà, sống lây lất ở lề đường, bến sông.
Ngày cận Tết, trong tiết trời se lạnh, ở ngã ba Bến Vân Đồn – Nguyễn Khoái, quận 4, Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Viết (tự Sáu Đẹt, 55 tuổi) co ro bên chiếc xe đẩy trên vỉa hè. Bên cạnh là tấm giấy carton dài hơn 1 mét, vừa để lót ngồi, vừa là chiếc chiếu cho bà nằm hằng đêm, theo báo SGGP.
Cầm hai bịch cơm mà ai đó vừa cho, bà Viết nói: “Vợ chồng tôi sống ở lề đường mấy chục năm nay rồi, từ khi bốn đứa con của tôi còn nhỏ xíu, bây giờ tôi đã có ba cháu nội, ba cháu ngoại. Trước đây, tôi ở gầm cầu Dừa, quận 4, nhưng bị dân phòng đuổi hoài, nên dọn về đây. Mấy bữa nay, chưa thấy ai nói gì, nhưng trước sau gì cũng lại phải đi.”
Những ngày này, nhà nhà đang sắm sửa thực phẩm Tết, riêng bà Viết thì chẳng có gì. Cái xe đẩy của bà cũng có nồi, có lò, nhưng lạnh tanh, nguội ngắt. Hằng ngày bà cùng hai đứa cháu ngoại 6 và 11 tuổi lượm ve chai ở mấy công trình kiếm sống.
Bà cho biết thêm, những ngày Tết, nhiều người thương tình cho gạo, thịt, bánh, mứt… “Vậy là quý rồi. Tôi mong đến Tết, chẳng phải để ăn Tết, mà để đi lượm ve chai, ngày Tết bao giờ cũng có nhiều ve chai hơn,” bà trầm buồn nói.
Còn ở bến sông dưới chân cầu Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, ngày cận Tết chỉ còn ba chiếc ghe nhỏ mục nát neo đậu, trong khi gần chục chiếc ghe láng giềng của xóm vạn chài này đã nhổ sào đi bến khác do bị chính quyền “ra quân ổn định trị an dịp Tết.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh (tự Tư Minh, 59 tuổi), vẫn ngồi trên ghe lui cui sửa lưới cá. Ông không có vợ con, sống một mình với hai con chó.
“Gia đình tôi về đây khoảng năm 1979, gần 40 năm rồi. Hồi ấy bến sông rất hoang sơ, không một bóng người, cỏ mọc um tùm. Cả gia đình tôi làm nghề bắt cá trên sông. Cá bắt được thì đem lên chợ trên cầu Bình Lợi bán. Sau, anh em tụi tôi tứ tán, ba má tôi chia cho mỗi người con một ít tiền. Tôi mua chiếc ghe nhỏ và về neo ở bến sông này sống đến nay,” ông kể.
Khi được hỏi đã chuẩn bị gì cho Tết, ông Minh nói: “Có Tết nhất gì đâu, hằng ngày tôi vẫn phải đi giăng lưới để có ít tiền mua thức ăn. Chỉ mong Tết vắng vẻ, ít người chài lưới khi giăng lưới sẽ được nhiều cá hơn.” (Tr.N)

Bữa cơm nhói lòng của học sinh tiểu học vùng núi Điện Biên

Bữa trưa của học sinh nghèo xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông chỉ có cơm trắng với mì gói nấu nước lã. (Hình: Thanh Niên)
ĐIỆN BIÊN, Việt Nam (NV) – “Xót thương, nhói lòng, rưng rưng…” là các từ mà nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội khi xem clip quay lại cảnh học sinh một lớp học ở xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, ăn trưa bằng cơm trắng với canh mì gói.
Theo báo Thanh Niên, clip do Facebooker Dang Thanh Tra đăng tải, cho thấy khoảng 20 trẻ nhỏ đang ăn trong lớp, giữa lớp có một bếp củi đang cháy để sưởi ấm.
Cơm được đựng trong xô nhựa hoặc bọc nylon, đặt bên cạnh những xô hoặc thau canh mì gói nấu nước lã. Các em dùng muỗng múc cơm và mì chứ không hề có chén bát gì cả. Vậy mà các em ăn xì xụp ngon lành.
Clip được cho quay vào ngày 6 Tháng Giêng, tại điểm trường Keo Lôm, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
“Thương các con vô cùng. Nhìn mà chạnh lòng!” một người bình luận. “Mình tưởng cuộc sống mình bất hạnh rồi cho tới khi coi xong clip này. Tết nhất đến nơi mà… thật nhói lòng quá!” một người cảm thán. Nhiều Facebooker đã kêu gọi chung tay giúp đỡ cho các em.
Đây chỉ là một trong những trường hợp trẻ em nghèo ở các tỉnh vùng núi khắp Việt Nam thiếu ăn, mặc không đủ ấm, phải lội bộ hàng cây số qua sông suối, hay cầu treo sắp sập đến trường trong tiết trời rét buốt… vẫn diễn ra thường xuyên, khiến nhiều người chạnh lòng nhưng bất lực do không thể giúp được nhiều, bởi đây là vấn đề xã hội chỉ có chính quyền mới giải quyết ổn định. (Tr.N)