Saturday, April 6, 2019

Vỉa hè lát đá ‘bền 70 năm’ bị bong tróc chỉ sau 2 năm

Nhiều đoạn vỉa hè lát gạch "siêu bền vững" đã bong tróc, vỡ vụn làm người dân đi lại khó khăn. (Hình: Lao Động)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhiều tuyến đường phố ở Hà Nội được lát đá quảng cáo “bền 70 năm” trị giá hàng triệu đô đã bị sụt lún, bong tróc, vỡ vụn hàng loạt chỉ sau gần 2 năm sử dụng, khiến người dân ngao ngán.
Gần 2 năm trước, nhiều tuyến đường phố tại các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân và Hoàng Mai… (thành phố Hà Nội) được lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên. Khi đó, đơn vị cung cấp vật liệu quảng cáo rằng, gạch kết cấu bền vững, bảo đảm sử dụng được trong 50-70 năm.
Thế nhưng theo báo Lao Động ngày 6 Tháng Tư, 2019, hiện tại đoạn giao Trần Duy Hưng, Trung Kính (quận Cầu Giấy), người dân đi lại khó khăn trên phần vỉa hè do xuất hiện tình trạng xuống cấp, cả hàng dài vỉa hè nhan nhản vết nứt, vỡ gạch, bề mặt lồi lõm, lởm chởm.
Tại đường Trần Duy Hưng, nhiều đoạn vỉa hè bong tróc. (Hình: Lao Động)
Tương tự, vỉa hè lát đá tự nhiên tại đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cũng cùng tình trạng thê thảm. Một số viên gạch lát bằng đá tự nhiên đã bong tróc được người dân để gọn vào gốc cây.
Một người dân sống trên đường Nguyễn Trãi, nói: “Gạch lát bằng đá tự nhiên bong vỡ một phần do chất lượng gạch, một phần do xe máy đi lên vỉa hè tràn lan. Nhiều gốc cây lớn có rễ mọc ngang cũng góp phần khiến đá lát trên vỉa hè bị cong vênh.”
Chị Trần Thanh Thuý, sinh viên Học Viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam, cho biết: “Khi lát lại bằng đá tự nhiên, vỉa hè mới trông sạch đẹp, thuận lợi hơn cho việc đi lại, nhưng thời gian gần đây một số đoạn đã vỡ nát, đi bộ vào buổi tối dễ bị vấp ngã.”
Theo báo Giao Thông, từ năm 2010 đến nay, vỉa hè Hà Nội có ít nhất 3 lần “đại tu.” Lần đầu là năm 2010 hầu hết nền gạch đỏ trên vỉa hè tại các quận trung tâm được thay thế bằng gạch block tự chèn với các loại gạch Terrazzo, lục giác…
Nhiều nơi gạch bị bong tróc, nước đọng vũng. (Hình: Lao Động)
Tiếp đến năm 2013-2014, vỉa hè nhiều khu phố lại được giao cho các quận chuyển sang lát gạch giả đá, bó vỉa hè là đá xanh tự nhiên.
Đến đầu năm 2017, chỉ sau hơn hai năm sử dụng, loại gạch giả đá trên vỉa hè nhiều tuyến phố bị nứt, vỡ vụn.
Thời điểm này, thành phố Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch giao cho các quận làm chủ đầu tư lát đá tự nhiên trên vỉa hè nhiều tuyến phố và đá tự nhiên này sau khoảng một năm cũng bị nứt, vỡ.
Kinh phí chính thức không được chính quyền Hà Nội công bố cụ thể. Tuy nhiên, theo Ban Quản Lý Dự Án một số quận cho biết, chi phí vật liệu có giá trung bình khoảng 300,000 đồng ($13) 1 mét vuông. (Tr.N)

Tranh chấp đất rừng, trưởng thôn ở Hà Tĩnh bị bắn trọng thương

Ông Nguyễn Viết Lý bị ông Nguyên bắn 2 phát đạn vào đùi. (Hình: Infonet)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Đang trên đường đi về nhà, ông trưởng thôn Vĩnh Phúc, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, bất ngờ bị một nhóm người đi xe tải chặn đường, nổ súng bắn nhiều phát vào người.
Sáng ngày 6 Tháng Tư, 2019, xác nhận với báo Người Lao Động, ông tá Phan Xuân Công, trưởng Công An huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), cho biết đã bắt giữ ông Thái Bá Nguyên (35 tuổi, ở thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê), người đã dùng súng bắn bị thương ông Nguyễn Viết Lý, trưởng thôn Vĩnh Phúc (xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê) để điều tra.
Tin cho biết, khoảng 5 giờ 30 chiều 5 Tháng Tư, ông Lý đang đi trên đường trong cánh rừng thuộc thôn Trại Tuần (xã Hương Vĩnh) để về nhà thì bị 5 người đàn ông lái xe hơi bán tải chặn đường. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì ông Lý bất ngờ bị ông Nguyên dùng súng bắn vào đùi phải.
Sau khi bắn, ông Nguyên lái xe bỏ trốn nhưng bị bắt giữ sau đó. Tại hiện trường, công an thu giữ 2 vỏ đạn nhưng chưa xác định được là loại đạn gì.
Bước đầu cơ quan hữu trách xác định ông Lý bị trúng 2 phát đạn vào đùi phải và được người nhà chuyển ra thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) điều trị do đạn găm sâu vào đùi.
Theo người dân địa phương, vụ này có thể do tranh chấp đất rừng và trước đó gia đình ông Lý nhiều lần bị ông Nguyên đe dọa. (Tr.N)

Nhà nước CSVN ‘nợ ngập mặt,’ dân phải nuôi như ‘nuôi con nghiện’

Những dự án như đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông liên tục đội vốn ngàn tỉ đồng khiến nợ công tăng cao. (Hình: VnEconomy.vn)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong ba tháng đầu năm 2019, chính phủ CSVN đã trả nợ 99,128 tỷ đồng ($4.27 tỷ), như vậy, bình quân mỗi ngày chính phủ trả nợ 1,101 tỷ đồng ($47.5 triệu), theo báo Tuổi Trẻ hôm 5 Tháng Tư.
Con số này được hiểu là tổng cộng các khoản nợ trong nước và nước ngoài, nhưng không có con số tương ứng vào các năm trước để so sánh.
Đáng lưu ý, các nguyên nhân dẫn đến việc chính phủ CSVN đang phải trả nợ $47.5 triệu mỗi ngày và lấy nguồn tiền đâu để trả nợ thì không được tờ báo của Thành Đoàn ở Sài Gòn đề cập.
Tờ Tuổi Trẻ cũng cho biết thêm: “Để cơ cấu lại nợ công về kỳ hạn nợ và lãi suất huy động, trong quý I, 2019, Bộ Tài Chính (CSVN) đã phát hành 69,500 tỷ đồng (gần $3 tỷ) trái phiếu chính phủ với kỳ hạn bình quân là 12.3 năm, lãi suất bình quân là 4.91% năm.”
Trong khi đó, nhiều blogger bày tỏ sự bất mãn trên mạng xã hội về việc chính phủ CSVN đang “nợ ngập mặt.”
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội bức xúc viết trên trang cá nhân: “Phải nói cho rõ là chính phủ thu thuế của dân rồi đem trả nợ chứ. Dân nuôi chúng nó khác gì nuôi con nghiện trong nhà đâu.”
Việc chính phủ CSVN công khai tình trạng phải trả nợ $47.5 triệu mỗi ngày diễn ra trong bối cảnh người dân thấy chỉ trong chưa đầy một tháng, giá điện và xăng cùng tăng, khiến nhiều mặt hàng thiết yếu khác phải tăng giá theo.
Điều này càng khiến công luận tin rằng chính phủ CSVN đang cạn kiệt ngân sách nên rất cần có thêm nguồn thu để trả nợ, và cách đơn giản nhất là đồng loạt tăng giá điện, xăng dầu, “đánh” vào túi tiền của người dân, thay vì nỗ lực kiểm soát chi tiêu và đầu tư công.
Về tình hình nợ công của Việt Nam, dường như các báo nhà nước đang tung hỏa mù với những thông tin đối nghịch nhau, khiến người đọc hoang mang về con số thật sự.
Báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 25 Tháng Ba dẫn lời Giáo Sư Trần Thọ Đạt, hiệu trưởng Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, thành viên Tổ Tư Vấn Kinh Tế của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam đang không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Thực trạng này dẫn đến việc chính phủ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn.”
Thế nhưng trong một hành động nhằm trấn an dư luận, báo Dân Trí hôm 29 Tháng Ba lại cho biết nợ công, nợ nước ngoài của Việt Nam “đang trên đà giảm.”
Tờ báo viết thêm: “Hội Đồng Tư Vấn Chính Sách Tài Chính, Tiền Tệ Quốc Gia đánh giá rằng công tác khắc phục, xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh, giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2016.”
Tuy vậy, cả hai bài báo nêu trên đều không cập nhật mức nợ công mới nhất của Việt Nam là bao nhiêu. (T.K.)

Sài Gòn: 61 học sinh nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.

Một học sinh được mẹ đưa tới bệnh viện cấp cứu vào sáng 6 Tháng Tư, 2019. (Hình: Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau bữa ăn trưa với món bò lagu và bánh mì, 61 học sinh trường Tiểu Học Nguyễn Thị Định, quận 12 phải nhập viện do bị ngộ độc thực phẩm.
Ngày 6 Tháng Tư, 2019, xác nhận với báo Người Lao Động, Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn (quận 12, thành phố Sài Gòn), cho biết bệnh viện đang tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho 61 học sinh trường Tiểu Học Nguyễn Thị Định (quận 12) nghi do ngộ độc thức ăn.
Bác Sĩ Cao Hùng Phú, giám đốc điều hành Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn, cho biết các em học sinh nhập viện được bệnh viện nhanh chóng cấp cứu, kiểm tra nhiệt độ, huyết áp, thực hiện xét nghiệm máu, cho uống thuốc chống nôn, tiêu chảy và truyền nước biển.
“Đây là lần thứ hai bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm như thế này. Tuy nhiên, lần này các bệnh nhân đều là trẻ em học chung một trường. Hiện sức khỏe các bệnh nhi đã ổn định và đang được theo dõi tại khoa nhi của bệnh viện,” Bác Sĩ Phú nói.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bé Nguyễn Tấn Thành Đạt, học sinh lớp 1/5. (Hình: Tuổi Trẻ)
Kể với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Thanh Hương, phụ huynh em Nguyễn Lê Linh Đan, lớp 4/2, cho biết trưa 5 Tháng Tư, con bà và nhiều học sinh khác được nhà trường cho ăn lagu bò với bánh mì.
“Sau khi ngủ trưa dậy, con tôi cảm thấy đau bụng và nôn ói nên cô giáo gọi điện thoại cho tôi đến rước và chở đi bệnh viện. Tại đây, con tôi tiếp tục ói và đi cầu phân lỏng nên bác sĩ cho thuốc và làm các xét nghiệm,” bà Hương nói.
Trong khí đó, bà Dương Tố Trân, mẹ em Gia Hân, lớp 4/2, cho biết con bà cũng nhập viện vào chiều ngày 5 Tháng Tư. Do ban đầu bé chỉ đau bụng nhẹ nên bác sĩ cho uống thuốc và cho về nhà. “Tuy nhiên từ tối đến sáng nay con tôi đau bụng càng nhiều nên buộc phải đưa nhập viện trở lại để điều trị,” bà Trân nói.
Bà Hương cho biết thêm, nhà trường có đến hỏi thăm và hứa sẽ lo toàn bộ tiền viện phí. “Đây là sự việc không ai mong muốn. Tôi mong nhà trường và các cơ quan chức năng nhanh chóng tìm nguyên nhân. Phụ huynh lo ngại nhất là chất lượng bữa ăn khi gửi con ở trường. Mong sao không còn sự việc tương tự xảy ra,” bà Hương bày tỏ.
Nói với báo Pháp Luật, ông Nguyễn Văn Dũng, hiệu trưởng trường Tiểu Học Nguyễn Thị Định, thừa nhận có hơn 20 học sinh của trường được cha mẹ đưa tới Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn chăm sóc vào tối 5 Tháng Tư. Nhưng đến sáng nay 6 Tháng Tư, khá nhiều học sinh được cha mẹ liên tục đưa tới bệnh viện này chăm sóc. Ban Giám Hiệu trường cũng đã có mặt tại đây.
“Nhà trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn với một công ty ở trong quận 12, với mỗi suất ăn có giá 30,000 đồng ($1.3). Công ty này có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Sau khi xảy ra sự việc, công ty này đồng ý thanh toán toàn bộ chi phí điều trị cho tất cả học sinh. Cơ quan y tế địa phương cũng đã lấy mẫu thức ăn lưu để xét nghiệm. Khi có kết quả sẽ đưa ra kết luận chính thức,” ông Dũng cho biết thêm. (Tr.N)

Xuất hiện ‘gạo cao su’ tại Đà Nẵng?

Hình ảnh trên clip: sau khi rang thì gạo cháy đen, đặc quánh. (Hình: Tuổi Trẻ cắt từ clip)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Ngày 6 Tháng Tư, 2019, xác nhận với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Phước Trí, trưởng Chi Cục Quản Lý Thị Trường thành phố Đà Nẵng, cho biết đang điều tra về tin “gạo cao su” xuất hiện gây xôn xao dư luận tại thành phố này.
Trước đó, ngày 1 Tháng Tư, kênh YouTube đăng tải một video dài 2 phút 35 giây tựa đề “Gạo giả hiệu Cỏ May ở Đà Nẵng.” Trong video, người đàn ông nhận ở tổ 43, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, (Đà Nẵng) đang rang trên chảo một vật được người này cho là gạo.
Người này cho biết, trong lúc ăn cơm phát hiện dai nên hai vợ chồng mang đi rang để kiểm tra. Trong video, vật được người này cho là gạo chấy lên có màu đen, chảy nhựa và dính lại với nhau nên cho rằng đây là “gạo cao su.”
Người này cũng trưng ra vỏ bao gạo có nhãn hiệu Cỏ May, loại 10 kg và cho hay gia đình đã mua sử dụng loại gạo này từ nhiều năm qua.
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Trí cho biết ngày 5 Tháng Tư, đại diện Chi Cục Quản Lý Thị Trường đã đến nhà người đàn ông này để tìm hiểu hư thực.
“Chúng tôi đã làm việc với ông ấy, hiện các chứng cứ chưa rõ ràng. Tất nhiên, doanh nghiệp bị ảnh hưởng thương hiệu là hiển nhiên, tự dưng nói gạo của họ là ‘gạo cao su’ thì ảnh hưởng chứ. Nhưng ai là người chịu trách nhiệm thì phải do cơ quan chức năng kết luận,” ông Trí nói.
Theo lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân phường Chính Gián, khi các lực lượng xuống nhà làm việc với người này thì không còn tang chứng, vật chứng, bao gạo như trong video cũng không còn.
Trong khi đó, ngày 4 Tháng Tư, báo VTC News tìm gặp một số chủ đại lý bán gạo hiệu Cỏ May ở quận Thanh Khê để tìm hiểu thêm thông tin. Hầu hết các chủ đại lý cho rằng, việc gia đình đăng tải clip nói mua phải “gạo cao su” là khó xảy ra.
“Có thể đó là gạo giả, nhưng nếu là cao su thì khó tin vì để làm gạo bằng cao su kinh phí còn tốn kém hơn nhiều gạo thật nên chẳng ai dại gì làm,” một chủ đại lý nói.
Cũng theo chủ đại lý này, có thể đó là trò câu “views” của ai đó và mong cơ quan trách nhiệm sớm làm rõ.
Trước thông tin trên, từ Đồng Tháp, ông Phạm Minh Thiện, giám đốc Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Cỏ May, bày tỏ quan ngại về sự hoang mang của người tiêu thụ. Ông Thiện khẳng định: “Gạo Cỏ May được bảo đảm phẩm chất và không có những vấn đề như video đã nêu.”
“Về mặt doanh nghiệp thì chắc chắn phải có ảnh hưởng. Những thông tin thiếu trách nhiệm sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng rất lớn, không riêng gì gạo, không riêng gì Cỏ May. Những thông tin như vậy làm người tiêu dùng rất hoang mang và rất tiêu cực. Tôi mong muốn làm rõ thông tin này,” ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, doanh nghiệp Cỏ May thành lập năm 1981, khởi đầu bằng việc sản xuất xà bông Cỏ May. Đến nay đã trải qua hai thế hệ, thương hiệu gạo Cỏ May được bán trong toàn Việt Nam và xuất cảng một phần sang thị trường Singapore. (Tr.N)

Kè biển hơn $3.4 triệu ở Quy Nhơn mới xây đã đổ sập, chỉ ‘rút kinh nghiệm’

Kè biển Tam Quan huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, xây cả triệu đô gãy đổ khi vừa mới xây xong. (Hình: Tuổi Trẻ)
BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Do tư vấn thiết kế, thẩm định, thi công đến giám sát, quản lý dự án… đều sai phạm nên kè biển Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, xây hơn $3.4 triệu nhanh chóng hư hỏng sau vài tháng sử dụng, nhưng chỉ “rút kinh nghiệm,” khiến người dân bất bình.
Chiều 5 Tháng Tư, 2019, báo Tuổi Trẻ cho biết Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định vừa tổ chức cuộc họp với Ủy Ban Nhân Dân huyện Hoài Nhơn để xem xét, chỉ đạo việc xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong vụ sập đổ đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan thuộc huyện.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Châu, phó chủ tịch tỉnh Bình Định, đã yêu cầu “tổ chức kiểm điểm nhưng chỉ rút kinh nghiệm,” bởi vì công trình kè Tam Quan xây hết 80 tỷ đồng ($3.4 triệu) bị sập là có nguyên nhân khách quan do “diễn biến bất thường của thời tiết.”
Xác nhận với báo Tuổi Trẻ, một lãnh đạo huyện Hoài Nhơn cho hay “huyện sẽ tổ chức kiểm điểm lại trách nhiệm chủ quan để xảy ra sự cố sập kè biển Tam Quan đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân và một số nội dung khác theo chỉ đạo của phó chủ tịch tỉnh.”
Sau khi kết luận“xử lý kỷ luật” từ cuộc họp được báo chí đưa tin, người dân Bình Định và dư luận bất bình cho rằng, vụ việc nghiêm trọng như vậy mà chỉ rút kinh nghiệm là chưa tương xứng với mức độ sai phạm và thiệt hại công trình.
Như báo chí Việt Nam đã phản ánh, kè biển Tam Quan dài hơn 2.4 cây số được xây dựng hoàn thành Tháng Chín, 2016, thì cuối năm đó, một phần kè dài 250 mét mới đưa vào sử dụng bị sóng đánh sập.
Một đoạn kè biển Tam Quan bị sóng đánh bay mất. (Hình: Tuổi Trẻ)
Để khắc phục, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định phải bổ sung gần 10 tỷ đồng ($431,389) để sửa chữa. Tiếp đó, trận bão mùa Đông năm 2017 đã giật sập nhiều đoạn khác của công trình này.
Sau khi tổ chức kiểm tra, chính ông Trần Châu là người đã ký văn bản kết luận, kè biển Tam Quan nhanh chóng hư hỏng là do có nhiều nguyên nhân chủ quan.
Cụ thể, đơn vị tư vấn thiết kế là Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Đầu Tư Xây Dựng SPQD (thành phố Quy Nhơn) thiếu kinh nghiệm trong thiết kế các công trình kè đối với bãi ngang, bờ biển biến động mạnh nên chọn kế hoạch tuyến chưa hợp lý, kết cấu thân kè, chân kè chưa đảm bảo chịu lực trực tiếp từ sóng biển; các thông số sóng thiết kế, biện pháp gia cố chân và mái kè tại các vị trí xung yếu chưa được chú trọng, chỉ dẫn biện pháp kỹ thuật thi công không phù hợp… dẫn đến hư hỏng công trình.
Đơn vị thẩm tra là Trung Tâm Tư Vấn Và Chuyển Giao Công Nghệ Thủy Lợi (thuộc Tổng Cục Thủy Lợi) “thiếu trách nhiệm trong thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình.”
Đặc biệt, nhà thầu thi công là Công Ty Tân Lập (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) tự thay đổi biện pháp thi công cho dễ thi công nhưng không bàn bạc với đơn vị thiết kế bằng văn bản để điều chỉnh biện pháp thi công và tổ chức giám sát chất lượng thi công kịp thời.
Trong khi đó, đơn vị giám sát là Công Ty Tư Vấn Đầu Tư và Phát Triển Bình Định đã “không tiến hành giám sát, lập biên bản báo cáo chủ đầu tư và các bên liên quan khi đơn vị thi công thay đổi biện pháp thi công, chưa thực hiện hết trách nhiệm.”
Ban Quản Lý Dự Án Đầu Tư và Xây Dựng huyện Hoài Nhơn được giao nhiệm vụ quản lý dự án “đã không phát hiện được những sai sót trong thiết kế, các thay đổi biện pháp thi công để báo cáo kịp thời cho chủ đầu tư.”
Do đó, Sở Kế Hoạch và Đầu Tư, Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Bình Định phải chịu trách nhiệm về thẩm định dự án đầu tư và thiết kế cơ sở của công trình. (Tr.N)

Dự án nhà máy thép ở Hà Tĩnh hơn $86 triệu, đưa ra đấu giá chỉ $4 triệu

Hiện trạng một góc nhà máy thép Vạn Lợi. (Hình: Tuổi Trẻ)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Công trình dự án nhà máy thép Vạn Lợi đang xây dang dở “ngốn” hết  2,000 tỷ đồng (hơn $86.2 triệu) rồi bỏ hoang hơn tám năm qua trên khu đất ngã ba Vũng Áng, cuối cùng được đem ra đấu giá với mức hơn 108 tỷ đồng (hơn $4.6 triệu).
Sáng 5 Tháng Tư, 2019, xác nhận với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Nam, chi cục trưởng Chi Cục Thi Hành Án Dân Sự thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), cho biết sau khi tiếp nhận hồ sơ về vụ tranh chấp nhà máy thép Vạn Lợi, chi cục đã hợp đồng với Công Ty Cổ Phần Giám Định và Thẩm Định Phương Đồng (Hà Nội) để thẩm định tài sản và tổ chức bán đấu thầu tài sản nhà máy thép Vạn Lợi với giá khởi điểm hơn 108 tỷ đồng.
“Do nhà máy thép Vạn Lợi quá lớn, sau một thời gian dài mới kiểm đếm được tài sản. Sau khi thẩm định, giá trị còn lại của nhà máy là hơn 108 tỷ đồng, Chi Cục Thi Hành Án Kỳ Anh đã lựa chọn Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Đấu Giá Hồng Lĩnh tổ chức bán đấu giá nhà máy thép này,” ông Nam nói.
Nhiều thiết bị, khấu kiện bên trong dự án hư hỏng, rỉ sét. (Hình: Tuổi Trẻ)
Cũng theo ông Nam, hồ sơ đấu giá được rao bán từ ngày 2 Tháng Tư và dự kiến đến ngày 26 cùng tháng sẽ tổ chức đấu giá. Tuy nhiên “Tính đến chiều 5 Tháng Tư, đơn vị đấu giá vẫn chưa bán được bộ hồ sơ nào,” ông Nam cho biết thêm.
Tin cho biết, dự án nhà máy thép Vạn Lợi được khởi công hồi năm 2008, với công suất 500,000 tấn thép/năm. Ngoài chủ đầu tư là Công Ty Cổ Phần Gang Thép Hà Tĩnh, dự án còn có hai cổ đông chính là Tập Đoàn Thép Vạn Lợi (chiếm 58.4%) và Công ty Cổ Phần Đầu Tư Khoáng Sản Hợp Thành (34%) làm chủ đầu tư.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1,700 tỷ đồng (hơn $73.3 triệu), sau đó được điều chỉnh lên gần 2,000 tỷ đồng (hơn $86.2 triệu)
Ông Đặng Văn Thành, phó Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Hà Tĩnh, cho biết khu đất xây nhà máy thép Vạn Lợi thuộc quản lý của Trung Tâm Xúc Tiến Đầu Tư. “Sau khi các bên liên quan hoàn tất thủ tục thanh lý, trả lại mặt bằng sạch, nếu đối tác nào có nguyện vọng vào đây thì cơ quan chức năng sẽ xem xét,” ông Thành nói. (Tr.N)

CSVN vô trách nhiệm, 8 người dân gánh nỗi oan suốt 40 năm

Sau 40 năm bị khởi tố oan, đến khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án những người liên quan sắp "lìa cõi trần." (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
TÂY NINH, Việt Nam (NV) – Quyết định đình chỉ điều tra được cơ quan hữu trách của tỉnh Tây Ninh ký từ năm 1983 nhưng mãi đến nay, những người bị oan mới chính thức nhận được, dù mấy mươi năm qua họ liên tục đi đòi.
Ngày 4 Tháng Tư, 2019, ông Thân Văn Danh, trưởng Phòng 8, Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Tây Ninh, đã trao quyết định đình chỉ điều tra cho những người bị giam oan trong vụ cướp nhà máy xay lúa ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Theo báo Người Lao Động, bảy người gồm các ông, bà Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Nguyễn Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”), ông Nguyễn Thành Nghị (đã mất), bà Nguyễn Thị Thương, bà Nguyễn Thị Lan.
Riêng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) đã nhận quyết định đình chỉ điều tra năm 1983.
Đáng nói, những người bị giam oan được trao bản sao y bản chính quyết định đình chỉ điều tra do ông Trịnh Quốc Anh, phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Tây Ninh, ký ngày 11 Tháng Năm, 1983, tức cách đây hơn… 36 năm.
Theo ông Danh, sau khi báo chí loan tin, các cơ quan hữu trách vào cuộc thì Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Tây Ninh mới tìm ra và trao quyết định cho bảy nạn nhân.
Cụ bà Nguyễn Thị Thương, 94 tuổi, từ Bình Dương đến Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Tây Ninh nhận quyết định đình chỉ điều tra được ký từ 36 năm trước. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Nói qua điện thoại với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) cho biết, cả gia đình rất vui mừng khi đã được minh oan. “Từ nay gia đình tôi không phải là người phạm tội. Sắp tới gia đình sẽ nhờ luật sư làm đơn yêu cầu bồi thường theo quy định.”
Luật Sư Trịnh Vĩnh Phúc, Đoàn Luật Sư Sài Gòn, một trong những người bảo vệ quyền lợi cho người bị oan cho biết, vụ án oan sai gây hậu quả hết sức nặng nề và bi thảm: các nạn nhân bị bắt tạm giam, bị tra tấn, nhục hình, dẫn đến đau bệnh, suy giảm nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần, để lại nhiều di chứng. Không chỉ tám người lương thiện bị oan, gánh chịu hậu quả đau đớn, mà gia đình, người thân họ cũng bị ảnh hưởng về danh dự, nhân phẩm trong suốt gần bốn chục năm qua.
Sắp tới đây, theo Luật Trách Nhiệm Bồi Thường, các nạn nhân và người đại diện sẽ được các luật sư thiện nguyện giúp đỡ làm các thủ tục yêu cầu khôi phục danh dự (xin lỗi và cải chính) và bồi thường thiệt hại, kể cả giúp đỡ họ trong quá trình thương lượng hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ tại tòa án các cấp để đòi bồi thường theo đúng luật.
Liên quan đến vụ án này, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) đã kiện, yêu cầu bồi thường hơn 10.4 tỷ đồng ($448,275). Qua hai cấp xét xử là Tòa Án Nhân Dân huyện Gò Dầu, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Tây Ninh chỉ chấp nhận bồi thường 615 triệu đồng ($26,508). Ông Dũng đang khiếu nại bản án trên.
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn hồ sơ vụ án cho biết, khoảng 11 giờ đêm 26 Tháng Bảy, 1979, một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, xảy ra một vụ cướp.
Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt ngay một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt bốn người đàn ông nữa bị bắt.
Cán bộ điều tra đã dùng nhục hình khiến những người đàn ông này phải nhận tội cướp tài sản đem về cho vợ con cất giấu. Ba người phụ nữ bị bắt tiếp theo sau đó cũng bị dùng nhục hình nên buộc phải nhận đã cất giấu tài sản cướp được.
Tám cuộc đời đang bình yên bỗng nhiên khốn khổ vì những cáo buộc vu vơ và những tháng ngày oan khiên tù tội, gia đình tan tác. Nhiều lần công an dẫn đi lấy tang vật nhưng không có mà chỉ có năm chỉ vàng. Công an buộc người nhà họ đem nộp để bảo lãnh người thân về.
Quyết định đình chỉ điều tra ghi: Xét đủ bằng chứng chứng minh các bị can không phạm tội cướp tài sản riêng của công dân. “Như vậy, việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn điều tra nhục hình bắt họ nhận, chớ họ không phạm tội này,” quyết định đình chỉ nêu rõ. (Tr.N)

Nguyễn Phú Trọng ‘đẩy’ Kim Ngân đi Châu Âu trong… vô vọng

 Phạm Chí Dũng/
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc gặp Nhóm Nghị Sĩ Hữu Nghị Pháp-Việt. (Hình: TTXVN)
Tròn hai năm sau chuyến công du Châu Âu của chủ tịch Quốc Hội Việt Nam – bà Nguyễn Thị Kim Ngân – vào Tháng Tư, 2017, quan chức này lại có một chuyến “thăm Pháp và Bỉ” mà chẳng có dấu hiệu nào cho thấy chuyến đi này đạt được mục tiêu thực chất nào.
Toàn bộ những chuyến xuất ngoại trên đều được trang trải bằng tiền đóng thuế của người dân Việt Nam.
Vì sao Việt Nam phải dùng đến ‘kênh Quốc Hội’?
Trong chuyến đi Pháp và Bỉ lần này, Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp với hai nhân vật quan trọng là Chủ Tịch Hạ Viện Pháp Richard Ferrand và Thủ Tướng Pháp Edouard Philippe, Chủ Tịch Hạ Viện Bỉ Siegfried Bracke.
Bỉ chỉ là một nước nhỏ ở Châu Âu nhưng lại là nơi đặt trụ sở của Liên Minh Châu Âu (EU).
“Đề nghị Pháp, trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam – EU (EVFTA). Đây là vấn đề quan trọng, phục vụ lợi ích của cả Việt Nam và EU, trong đó có Pháp…” và một đề nghị tương tự với Bỉ – bà Ngân nhắc đi nhắc lại cái ý tứ không có gì mới hơn mà chính thể Việt Nam đã đưa vào kịch bản phát ngôn và đã từng được bà nói ở Thụy Điển, Hungaria và Czech Séc vào Tháng Tư, 2017.
Hai năm trước, Nguyễn Thị Kim Ngân “thăm và làm việc” 3 nước Châu Âu trên trong bối cảnh Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính Trị của ông ta đã phải chờ dài cổ, dù EVFTA đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015 nhưng sau đó còn phải trải qua giai đoạn rà soát pháp lý. Giai đoạn này kéo dài mãi đến đầu năm 2018 mới hoàn thành – mất đến hơn 2 năm nếu so sánh với khoảng thời gian chỉ từ 6 tháng đến một năm hoàn tất rà soát pháp lý cho các hiệp định thương mại cùng loại giữa EU với một số quốc gia khác.
Lẽ ra, trách nhiệm vận động các nước thành viên thông qua EVFTA là của Nghị Viện Châu Âu. Nhưng hẳn do tình thế đã biến diễn bất lợi đến mức giới chóp bu Việt Nam không thể ngồi rung đùi chờ đợi Châu Âu thông qua EVFTA như cách người Mỹ đã mang Hiệp Định Song Phương Việt-Mỹ (BTA) đến tận miệng cho Việt Nam 16 năm trước, hay Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) đặc cách xét cho Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này vào năm 2007.
Vào lúc đó, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt sau khi Hiệp Định TPP hầu như tan vỡ và đến Tháng Bảy, năm 2017 còn nổ ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” khiến cả khối Liên Minh châu Âu được “mở mắt” về khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” thực chất là một thể thống như thế nào.
Một cách nào đó, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đã làm thay công việc vận động của Nghị Viện Châu Âu. Cũng có thể hiểu một cách nào đó, Nguyễn Phú Trọng phải làm mọi cách để tìm ra một hiệp định thương mại thay thế cho TPP chết yểu, cũng là cách để ông Trọng có được thành tích mang lợi ích kinh tế về nuôi đảng và do đó sẽ kéo dài tuổi thọ tổng bí thư của ông. Rất có thể đó là lý do chính yếu mà ông Trọng “đẩy” bà Ngân đi Châu Âu vận động EVFTA với tư cách “kênh Quốc Hội” vào các năm 2017 và 2019, bất chấp chính thể Việt Nam vẫn hoàn toàn không quan tâm và càng không hề tôn trọng nhân quyền theo yêu cầu của EU.
Trong toàn bộ hơn 10 hiệp định thương mại song phương (FTA) mà Việt Nam đang tiến hành với các nước trên thế giới, trong khi Việt Nam phải nhập siêu đến khoảng $50 tỷ hàng năm từ Trung Quốc ($30 tỷ đường chính ngạch và $20 tỷ  đường tiểu ngạch), nhập siêu đến hơn $25 tỷ trong FTA với Hàn Quốc, chỉ còn lại hai thị trường mà Việt Nam xuất siêu lớn là Hoa Kỳ (hơn $35 tỷ/năm) và EU (khoảng $30 tỷ/năm).
Nhưng muốn EVFTA được thông qua, lại phải có sự thống nhất của Quốc Hội thuộc 28 nước thành viên. Sự đồng thuận giữa các nước EU lại tương đối cao về vấn đề nhân quyền. Chỉ cần 4 nước không thông qua thì EVFTA sẽ bị khựng lại. Đó là nguồn cơn khiến Nguyễn Phú Trọng phải tính toán cho Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa đi Châu Âu vận động qua “kênh nghị viện” vào năm 2019 này.
Nhưng cho dù Việt Nam có được EU ưu ái cho ký trước một thành phần của EVFTA là Hiệp Định Thương Mại Song Phương (FTA), thì đó vẫn chỉ là một hiệp định mang tính chất khung về pháp lý chứ chưa bao gồm những thỏa thuận mang tính “ăn ngay” về thương mại mà Việt Nam trông đợi để “ăn sẵn.” Những thỏa thuận này nằm trong Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư (IPA) – được xem là thành phần cốt yếu nằm trong EVFTA. Song muốn IPA được thông qua lại cần sự đồng thuận của toàn bộ 28 nghị viện các nước ở Châu Âu.
Không cải thiện nhân quyền, không có EVFTA!
Vào năm 2017, điều quá đáng thất vọng đối với đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là sau các cuộc làm việc với Quốc Hội 3 nước Thụy Điển, Hungaria và Czech, đã không có bất cứ một khoản viện trợ không hoàn lại nào được phía chủ nhà thông báo dành cho Việt Nam. Ngay cả Thụy Điển – vốn được Việt Nam hy vọng nhất về “tình cảm rất đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” – cũng không còn tỏ ra hào phóng như thường biếu một số tiền viện trợ không hoàn lại vào những lần giới lãnh đạo Việt Nam thăm Thụy Điển những năm trước. Thậm chí, lãnh đạo Quốc Hội Thụy Điển cũng không hứa hẹn bất kỳ điều gì liên quan đến viện trợ không hoàn lại trong thời gian tới cho Việt Nam.
Trong khi không nhận được khoản viện trợ nào, đoàn “quốc tế vận” của bà Kim Ngân cũng không có được văn bản cam kết nào của 3 Quốc Hội Thụy Điển, Hunggaria và Czech về “sẽ thúc đẩy để Liên Minh Châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-EU.” Tất cả chỉ là nói miệng theo lối xã giao mà chẳng có gì chắc chắn!
Nhưng lại chắc chắn rằng nguyên do chủ yếu khiến chuyến “quốc tế vận” vào năm 2017 của Chủ ịch Ngân “chỉ có tiếng, không có miếng” là cho tới lúc đó vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới chóp bu Việt Nam chịu cải thiện nhân quyền theo yêu cầu chi tiết của cộng đồng quốc tế.
Hai năm sau đó, EVFTA còn phải chịu một số phận thê thảm hơn: không những không hứa hẹn bất kỳ điều gì về tương lai hiệp định này, Hội Đồng Châu Âu đã thông báo hoãn vô thời hạn việc ký kết và phê chuẩn EVFTA, với nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền trầm trọng của Hà Nội mà vẫn chưa có dấu hiệu “phục thiện” nào.
Đó cũng là nguồn cơn mà trong các cuộc gặp với Chủ Tịch Hạ Viện Pháp Richard Ferrand, Thủ Tướng Pháp Edouard Philippe và Chủ Tịch Hạ Viện Bỉ Siegfried Bracke, bà Ngân đã không nhận được bất kỳ cam kết dưới hình thức văn bản nào của phía Pháp về EVFTA.
Đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam, EVFTA quan trọng đến mức mà vào Tháng Ba, năm 2018, người đứng đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng đã phải tự thân đến Pháp, để vận động Nghị Viện Pháp cho EVFTA được Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu “linh hoạt sớm thông qua.”
Nhưng ngay sau cuộc gặp Macron-Trọng, không phải báo đảng Việt Nam, mà những hãng thông tấn của Pháp như AFP đã loan tin là trong cuộc gặp này, Tổng Thống Pháp Macron đã đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.
Đề cập và lời kêu gọi của Tổng Thống Macron là logic với đánh giá cho rằng chính phủ Pháp đã chủ động yêu cầu phía Việt Nam phải đưa nội dung “nhấn mạnh nhân quyền” vào tuyên bố chung Việt-Pháp 2018 và đôn nội dung này lên vị trí thứ 2 trong bản tuyên bố này, vượt hơn nhiều so với vị trí thứ 6 của chủ đề nhân quyền được thể hiện trong bản tuyên bố Việt-Pháp vào Tháng Chín, năm 2013, trong chuyến công du Pháp của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ Tướng Jean-Marc Ayrault.
Còn vào lần này, việc một lần nữa Trọng “đẩy” Ngân đi Pháp vận động cho EVFTA đã gián tiếp tiết lộ một ý đồ ẩn giấu của chính thể Việt Nam: sau khi EVFTA bị Hội Đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn, nếu giới chóp bu Việt Nam muốn làm một điều gì đó để cải thiện nhân quyền thì có lẽ họ đã chẳng cần tổ chức thêm một chuyến đi Pháp cho Nguyễn Thị Kim Ngân.
Mà tình hình hiện thời vẫn thuần đen đúa khi chưa hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính thể Việt Nam muốn thỏa mãn bất kỳ điều kiện nào trong bản nghị quyết nhân quyền của Nghị Viện Châu Âu – được ban hành vào giữa Tháng Mười Một, năm 2018.
Hà Nội vẫn đạp trên nhân quyền mà chỉ tái diễn lối mòn “quốc tế vận” với não trạng của một kẻ láu cá, khôn vặt, buôn nước bọt và không thể tin được.
EVFTA cũng bởi thế vẫn hoàn toàn bế tắc và vô vọng.

Dự án bauxite Tây Nguyên ‘đạt hiệu quả’ chỉ là tuyên truyền?

Hồ chứa bùn đỏ tại nhà máy bauxite Tân Rai. (Hình: Người Lao Động)
ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Hôm 5 Tháng Tư, mạng xã hội dấy lên tranh cãi về phát ngôn của Bộ Trưởng Công Thương CSVN Trần Tuấn Anh trên báo Người Lao Động: “Trước đây có những nghi ngờ của xã hội về hiệu quả của dự án bauxite Tây Nguyên nhưng thực tế, cả hai nhà máy aluminium (nhôm) đã đạt hiệu quả. Do đó, Bộ Công Thương đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành báo cáo tổng kết, đánh giá thí điểm hai dự án để báo cáo chính phủ, quốc hội làm cơ sở tiếp tục nâng công suất hai dự án và mở rộng đầu tư khai thác bauxite, ngành công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên.”
Phát ngôn của Bộ Trưởng Tuấn Anh được đưa ra sau khi ông có chuyến thị sát và đánh giá về dự án khai thác bauxite, sản xuất aluminium tại Tây Nguyên.
Báo cáo của Tập Đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam (TKV) cho biết dự án tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng (Aluminium Tân Rai) có công suất thiết kế 650,000 tấn aluminium/năm với tổng mức đầu tư hơn 15,000 tỷ đồng ($646.5 triệu).
Báo Người Lao Động tường thuật: “Từ Tháng Mười, 2013, đến hết năm 2018, hai nhà máy đã sản xuất được hơn 3 triệu tấn aluminium. 97% sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc… Doanh thu ba năm đầu dự án bị lỗ theo kế hoạch. Từ năm 2017 đến nay, dự án có lãi; riêng năm 2018 lãi trên 1,700 tỷ đồng ($73.2 triệu).”
Tờ báo còn viết thêm rằng nhà máy sản xuất Aluminium Nhân Cơ (Đắk Nông) “theo kế hoạch sẽ lỗ trong 5 năm đầu đi vào hoạt động nhưng ngay năm đầu tiên đã có lãi.”
Những số liệu “lạc quan” trong bài báo nêu trên khiến công luận nghi ngờ về tính xác thực và cho rằng chúng chỉ có “giá trị tuyên truyền” và nhằm trấn an người dân, vì hồi Tháng Tư, 2018, báo Người Đô Thị tường thuật: “Dù hiện nay Bộ Công Thương và TKV khẳng định hai nhà máy bauxite Nhân Cơ và Tân Rai đang có lãi, tuy nhiên thực tế số liệu giữa Bộ, TKV và thanh tra của Bộ Tài Chính không khớp nhau. Hồi Tháng Ba, 2017, Bộ Tài Chính công bố Tân Rai sau ba năm vận hành lỗ 3,696 tỷ đồng ($159.3 triệu); đồng thời qua bốn lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án đã tăng vọt từ 7,800 tỷ đồng lên 15,400 tỷ đồng ($336.1 triệu-663.7 triệu).”
“Vậy chính xác lỗ hay lãi, tới đâu, mức độ nào; con số lỗ lãi mà TKV đưa ra được hạch toán ra sao, các chi phí khấu hao, vấn đề tiền lãi vay ngân hàng, huy động vốn tự có của TKV… tất cả đến nay đang rất mập mờ và cần sự làm rõ của chủ đầu tư. Gần đây, giá nhôm trên thế giới tăng lên, kéo giá alumina tăng nhưng để nói lạc quan về kinh tế công nghiệp sản xuất alumina và nhôm này thì hoàn toàn chưa, cần tính toán kỹ hơn nữa. Ngoài ra, cần tính đến chi phí ảnh hưởng về môi trường và xã hội trong bài toán hiệu quả kinh tế,” theo Người Đô Thị.
Tổ hợp bauxite Tân Rai. (Hình: Thanh Niên)
Hồi năm 2008, báo Tuổi Trẻ cho biết: “Tiến Sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Công Ty Năng Lượng Sông Hồng trực thuộc TKV, cho rằng dự án chế biến quặng bauxite, sản xuất aluminium và luyện nhôm là một sai lầm chiến lược chứa đựng những rủi ro không thể lường hết. Quy hoạch khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên là quá nhiều tham vọng. Bởi vì nhôm không phải là kim loại quý và chưa có quốc gia nào coi bauxite là khoáng sản chiến lược để dốc sức khai thác như Việt Nam. Kế hoạch của TKV mới chỉ chú trọng việc khai thác quặng rồi chế biến thành aluminium để xuất khẩu thì hiệu quả kinh tế không cao và chỉ có tác dụng phục vụ các đại gia luyện nhôm nước ngoài vốn không muốn tốn nhiều chi phí cho việc khai thác.”
Bauxite Tân Rai và Nhân Cơ là hai dự án trọng điểm do nhà thầu Trung Quốc điều hành, có quy mô lớn trong lĩnh vực khai thác và chế biến quặng bôxit, do TKV làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hai dự án trên 32,000 tỷ đồng (hơn $1.4 tỷ). (T.K.)