Friday, March 29, 2019

Dân còn khổ vì tro bụi đen ‘vô thừa nhận’ của Nhiệt Điện Vĩnh Tân

Nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 4 ở xã Vĩnh Tân. (Hình: Thanh Niên)
BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Bản tin hôm 28 Tháng Ba của báo Thanh Niên khiến người đọc cười ra nước mắt khi xác nhận có tình trạng tro bụi đen xuất hiện dày đặc trong nhiều ngày ở khu nhà dân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Lâu nay, người dân Bình Thuận đưa cáo buộc trên mạng xã hội rằng các nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân chính là thủ phạm gây ra nạn tro bụi mù mịt.
Tuy vậy, theo báo Thanh Niên, tại cuộc họp của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận về tiến độ các dự án và ngăn chặn tình trạng khói bụi mùa khô, ông Nguyễn Trung Trực, phó chủ tịch huyện Tuy Phong, nói “chưa biết tro bụi đen là của ông nào.”
Tờ báo còn dẫn lời hai giới chức của nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 4 và Sở Tài Nguyên-Môi Trường Bình Thuận: “Khi có tin báo về tro bụi, nhà máy có đến kiểm tra thì do bụi từ các công trình đang xây dựng xung quanh. Riêng ngày 23 Tháng Ba, tại xóm 7, xã Vĩnh Tân xuất hiện tro bụi màu đen. Sau kiểm tra phát hiện là titan rơi vãi từ một xe vận tải vận chuyển titan từ Lương Sơn-Bắc Bình đến cảng Vĩnh Tân. Tro than phát tán từ kho than của các nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân là có thật. Nhưng không ‘ông’ nào thừa nhận [là của họ], muốn chắc chắn phải lấy mẫu đi phân tích.”
Bãi xả của Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 2. (Hình: Thanh Niên)
Báo Thanh Niên cũng đăng chỉ thị “suông” của ông Lương Văn Hải, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận: “Các nhà máy cần lưu ý, đây là mùa khô, gió ở Tuy Phong mùa này rất mạnh. Các nhà máy phải đặc biệt quan tâm việc bảo vệ môi trường, tuyệt đối không được để tro bụi phát tán sang khu dân cư.”
Hoàn toàn không có biện pháp chế tài nào được nhắc đến nếu các nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân được kết luận là nơi gây ra tình trạng tro bụi đen.
Trong vụ này, điều đáng quan tâm là theo các báo nhà nước, sau rất nhiều cuộc họp và tuyên bố đảm bảo môi trường, đến nay vẫn chưa có “lối ra” cho lượng tro xỉ được thải ra đồng loạt từ các nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 2.
Nguyên nhân được hiểu là do nhà chức trách “chưa ban hành các quy chuẩn về tro xỉ làm vật liệu xây dựng.”
Hồi đầu Tháng Ba, mạng xã hội xôn xao tin chính quyền huyện Tuy Phong chỉ đạo các trường học trong khu vực không được phép nhận 1,200 khẩu trang Nano do một nhóm các nhà thiện nguyện gây quỹ để trẻ em bảo vệ sức khỏe khỏi bụi than.
Thời điểm đó, theo trang Facebook của nhà báo tự do Mai Quốc Ấn, những người dân địa phương “rất muốn nhận khẩu trang cho con em họ,” tuy nhiên đại diện huyện Tuy Phong “lấy lý do là nơi này không còn ô nhiễm nữa, nhận khẩu trang thì sợ bị thế lực thù địch lợi dụng.”
Trong một diễn biến khác, công luận bàn tán về mức phạt “nhẹ hều” – 50 triệu đồng ($2,138) mà nhà chức trách dành cho nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1 “do tự ý xây dựng khu nghỉ dưỡng, dịch vụ dành cho chuyên gia trên khu đất sát biển với diện tích khoảng 3 hécta, nằm gần nhà máy.”
Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1 là nhà máy khiến các báo nhà nước ở Việt Nam tốn nhiều giấy mực vì các vụ bê bối coi thường pháp luật Việt Nam. Hôm 9 Tháng Ba, báo Tuổi Trẻ cho hay nhà máy này “xả nước ra biển khi chưa được cấp phép, đó là chưa kể hàng loạt sai phạm về vấn đề môi trường trước và trong quá trình vận hành nhà máy.” (T.K.)

Trưởng thôn ‘cài’ người thân vào hồ sơ gia đình nghèo để trục lợi

Người dân thôn Bắc Sơn, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh tức giận tố cáo trưởng thôn với báo chí. (Hình: Thanh Niên)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Một trưởng thôn ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh đã tự ý “cài” 11 người ngoài vào hồ sơ 8 gia đình nghèo để giúp họ hưởng lợi tiền điện, bảo hiểm.
Báo VNExpress ngày 28 Tháng Ba, 2019, cho biết Ủy Ban xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh) đang họp bàn phương án kỷ luật ông Dương Đại Nghĩa, trưởng thôn Bắc Sơn, xã Kỳ Phong vì “đã để xảy ra sai phạm trong việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo.”
Người dân đã gửi đơn thư tố giác lên chính quyền địa phương đề nghị lập đoàn về phúc tra lại danh sách các gia đình được hưởng quy chế nghèo và cận nghèo năm 2019 vì danh sách do ông Nghĩa lập ra và xã phê duyệt “có nhiều khuất tất, không đúng đối tượng được hưởng.”
Cụ thể, đầu năm 2019, ông Nghĩa tự ý đưa hai gia đình khá giả trong thôn vào danh sách hộ cận nghèo và có mức sống trung bình không qua bình xét và tự ý “cài” thêm 11 người ngoài vào 8 gia đình nghèo để hưởng lợi chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện.
Ngoài ra, trong năm 2017, ông Nghĩa đã thu trái phép 28 triệu đồng ($1,206) khi lấy quỹ đất của thôn cho một người dân thuê lại. Làm việc với nhà chức trách, vị trưởng thôn thừa nhận các sai phạm.
Nói với báo Thanh Niên, ông Võ Tiến Thạch, chủ tịch xã Kỳ Phong, cho biết năm 2019, toàn xã có 261 gia đình nghèo và 272 gia đình cận nghèo. Riêng thôn Bắc Sơn có 29 gia đình nghèo và 30 gia đình cận nghèo.
Theo ông Thạch, sau khi danh sách gia đình nghèo, cận nghèo được các thôn lập ra và gửi lên thì một tiểu ban của ủy ban xã sẽ tiến hành phúc tra lại. Tuy nhiên, năm 2019, tiểu ban này “chỉ kiểm tra được 3/10 thôn trong xã” nên mới để xảy ra sai sót ở thôn Bắc Sơn. Ủy Ban Nhân Dân xã “sẽ rút kinh nghiệm.”
“Chúng tôi sẽ báo cáo lại với lãnh đạo về những sai phạm, khuyết điểm của ông Nghĩa để đưa ra hình thức kỷ luật ông này. Tới đây, xã sẽ cho rà soát, điều tra lại tất cả các gia đình nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Nếu gia đình nào không đúng đối tượng thì sẽ bị cắt ra,” ông Nghĩa xoa dịu dư luận. (Tr.N)

‘Sư đảng viên’ Ba Vàng từng gom tiền xây chùa Quảng Nam rồi ‘biến’

Động thổ xây dựng khu du lịch năm 2016, có mặt “sư đảng viên” Thích Trúc Thái Minh, đứng giữa, đeo kính trắng. (Hình: Tuổi Trẻ)
QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Trụ trì chùa Ba Vàng đã từng mượn đất cho động thổ xây dựng dự án Khu Du Lịch Tâm Linh Thiền Trúc Lâm – Quảng Nam, hay còn gọi là chùa Ba Vàng Quảng Nam, ở huyện Phú Ninh hồi năm 2016, gom tiền các Mạnh Thường Quân quyên góp rồi… “biệt tăm.”
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 28 Tháng Ba, 2019, cho biết hồi ngày 26 Tháng Năm, 2016, tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Ba Vàng Quảng Nam tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng dự án Khu Du Lịch Tâm Linh Thiền Trúc Lâm – Quảng Nam (chùa Ba Vàng Quảng Nam) rất “hoành tráng.”
Dự án sẽ được khai triển trên diện tích 200 hécta nằm trong đất rừng phòng hộ với tổng kinh phí đầu tư 1,000 tỷ đồng (hơn $43.1 triệu), dự kiến hoàn thành sau 12 tháng thi công.
Tại lễ khởi công, chủ đầu tư cho hay việc xây dựng chùa Ba Vàng Quảng Nam nhằm “thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đạo đức con người đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tâm linh của người dân,” làm nhiều người dân ở đây phấn khởi vì sắp có một dự án du lịch tâm linh lớn.
Đồ án khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm Quảng Nam. (Hình: Tuổi Trẻ)
Cũng tại buổi động thổ khởi công này, nhiều nhà hảo tâm, tập thể, cá nhân đã ủng hộ hàng tỷ đồng và nhiều hiện vật có giá trị để góp phần xây dựng chùa.
Trong đó, có những nhà hảo tâm đưa tận tay hàng trăm triệu đồng tiền mặt cho đại diện nhà đầu tư, một số trao bảng tượng trưng với số tiền rất lớn, có người tặng 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, người trực tiếp đứng ra nhận số tiền và hiện vật trên chính là “sư đảng viên” Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng Quảng Ninh, ngôi chùa mà những ngày qua đang gây xôn xao dư luận bởi việc gọi vong, nhập hồn thông qua hình thức công đức.
Thế nhưng, sau lễ khởi công thì chủ đầu tư thông báo, báo cáo tỉnh Quảng Nam dừng thực hiện dự án do “gặp một số khó khăn, vướng mắc.”
Theo báo Tuổi Trẻ, cho đến hiện tại, khoảnh đất mà chủ đầu tư đã làm lễ động thổ nằm bên cạnh hồ Phú Ninh vẫn để trống, người dân thả bò trên phần đất ấy và trồng keo con.
Ông Nguyễn Xuân Phước, giám đốc Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Phú Ninh, cho biết phần đất mà chủ đầu tư làm lễ động thổ và toàn bộ diện tích dự kiến xây chùa vẫn là đất rừng phòng hộ, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng phòng hộ sang đất xây dựng chùa chiền.
“Sư đảng viên” Thích Trúc Thái Minh nhận văn bản tiền ủng hộ xây chùa. (Hình: Tuổi Trẻ)
“Họ xin mượn địa điểm là khoảnh đất trống ở rừng phòng hộ để làm lễ khởi công thôi chứ chẳng có văn bản gì hết, mình cũng thấy không ảnh hưởng gì nên để họ làm. Và từ khi làm lễ khởi công xong họ cũng chẳng làm gì hết, chưa tác động đến rừng phòng hộ khu vực này,” ông Phước nói.
Trước việc dự án xây chùa trên dừng thực hiện, rất nhiều người dân và chính quyền địa phương bất ngờ. Do vậy từ năm 2017, Ban Thường Vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Chỉ Đạo Công Tác Tôn Giáo đã có ý kiến đề nghị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam phúc trình cho biết rõ nguyên nhân dự án dừng triển khai.
Đến Tháng Tám, 2017, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam có phúc trình giải đáp cho biết, trong quá trình khai triển dự án, chủ đầu tư gặp một số khó khăn, vướng mắc, như thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường, giải tỏa mặt bằng, công tác bảo vệ môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khai triển dự án, nguồn vốn thực hiện. Trong đó, khó khăn lớn nhất là “không bảo đảm năng lực tài chính” nên chủ đầu tư báo cáo Ủy Ban Nhân Dân tỉnh không tiếp tục khai triển, dừng thực hiện dự án…
Điều đáng chú ý là sau khi chủ đầu tư dừng dự án này, dư luận cho rằng chủ đầu tư đã “vẽ” ra dự án để động thổ, khởi công rồi nhận tiền ủng hộ xây chùa của các nhà hảo tâm, bây giờ số tiền ấy đi đâu? Và đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. (Tr.N)