Friday, October 7, 2016

Việt Nam cay cú với nhân sự mới của Hội Đồng Giám Mục

 
Billboard do giáo dân Giáo Xứ Phú Yên ở Quỳnh Lưu, Nghệ An dựng để phản đối việc bôi nhọ giám mục của họ. (Hình: Internet)

VIỆT NAM – Việt Nam Thời Báo, diễn đàn điện tử tiếm danh Hội Nhà Báo Độc Lập, quảng bá quan điểm của an ninh Việt Nam, cay cú với kết quả bầu chọn nhân sự của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Hôm 3 tháng 10, các giám mục Công Giáo từ nhiều nơi trên toàn Việt Nam đã về Sài Gòn tham dự kỳ họp thứ 13 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đây là kỳ họp theo định kỳ, tổ chức mỗi ba năm. Kỳ họp lần thứ 13 diễn ra từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 10.

Ngay sau khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam loan báo kết quả bầu chọn nhân sự lãnh đạo Công Giáo Việt Nam trong giai đoạn từ 2016 đến 2019, Việt Nam Thời Báo lập tức bày tỏ sự thất vọng vì những “chủ chăn cực đoan, thiếu thiện chí với chính quyền lên ngôi!”

Việt Nam Thời Báo tỏ ra hết sức cay cú khi Giám Mục Nguyễn Chí Linh, người trông coi Giáo Phận Thanh Hóa được các giám mục Công Giáo bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Giám Mục Nguyễn Năng, người trông coi Giáo Phận Phát Diệm được các giám mục Công Giáo bầu làm phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đặc biệt việc các giám mục Công Giáo vẫn bày tỏ sự tín nhiệm Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, người trông coi Giáo Phận Vinh, thông qua việc tiếp tục đề cử vị giám mục này phụ trách Ủy Ban Công Lý-Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, được cảnh báo là sẽ nguy hại cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam “sẽ có những thăng trầm mới dưới sự lãnh đạo, điều hành của một đội ngũ các giám mục thiếu thân thiện với chính quyền.”

Theo Việt Nam Thời Báo thì trước kỳ họp thứ 13 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “nhiều người dự đoán Giám Mục Nguyễn Thái Hợp sẽ thôi làm chủ tịch Ủy Ban Công Lý-Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam” vì trong thời gian vừa qua “thái độ, cách điều hành, quản lý Giáo Phận Vinh của ông làm xấu hình ảnh, uy tín của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.”

Giống như một số tờ báo chính thống, Việt Nam Thời Báo cáo buộc Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã biến Ủy Ban Công Lý-Hòa Bình thành “một công cụ đối lập với nhà nước” thành ra việc vị giám mục này tiếp tục điều hành Ủy Ban Công Lý-Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được Việt Nam Thời báo xem là “điều hết sức bất ngờ.”

Kết quả bầu chọn nhân sự điều hành Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được Việt Nam Thời Báo nhận định là “sự thắng thế của phe cực đoan có xu hướng đối đầu trong nội bộ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam!”
Việt Nam Thời Báo không cho biết có bao nhiêu người tham gia dự đoán để họ bảo là “nhiều.” Những người “bất ngờ” là ai, làm gì và ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính Trị Đảng CSVN, kiêm chủ tịch Ủy Ban Trung Ương của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam có nằm trong số này hay không?

Có lẽ nên nhắc lại rằng, hôm 3 tháng 10, ông Nguyễn Thiện Nhân đã vào Sài Gòn, đến tận nơi để chúc mừng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khi kỳ họp thứ 13 khai mạc.

Ông Nhân nhấn mạnh, “tuy có những lúc thăng trầm nhưng trước hết và trên hết, dòng chảy chủ lưu trong đồng bào Công Giáo chính là tình cảm và lòng yêu nước dành cho tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam.” Đồng thời bày tỏ hy vọng rằng “Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tiếp tục thúc đẩy truyền thống yêu nước và đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của người Công Giáo Việt Nam trong giai đoạn mới” vì “ở đâu có đồng bào Công Giáo, ở đó có sự đoàn kết, thương yêu, bình an và phát triển.”

Sự kiện một ủy viên của Bộ Chính Trị Đảng CSVN đích thân dẫn lãnh đạo Ban Tôn Giáo Chính Phủ và các viên chức lãnh đạo thành phố Sài Gòn đến chúc mừng kèm theo “những lời có cánh,” diễn ra sau khi giáo dân Giáo Phận Vinh liên tục biểu tình đòi chính quyền Việt Nam phải giải quyết tận gốc ô nhiễm vùng biển khu vực phía Bắc miền Trung, bằng cách đóng cửa nhà máy thép của tập đoàn Formosa ở Khu Công Nghiệp Vũng Áng. Các cuộc biểu tình này luôn có hàng ngàn người tham dự. Trong đó, có cuộc biểu tình mà số người tham dự được ước đoán phải tới 50,000.

Nếu xem sự kiện ông Nhân đến chúc mừng là “vinh dự,” hy vọng của ông Nhân là “lời vàng, ý ngọc” thì hẳn là sẽ rất thất vọng về kết quả bầu chọn nhân sự lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Kết quả đó cho thấy rõ ràng các giám mục Việt Nam xem những chuyện, những lời như thế là… tầm ruồng!

Theo thông lệ, sau các kỳ họp theo định kỳ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam luôn có “thư chung” gửi giáo dân Công Giáo Việt Nam. Những người đã trót thất vọng về kết quả bầu chọn nhân sự lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chắc đang rất hồi hộp chờ xem thư chung ấy. (G.Đ)

Gần 170.000 hộ dân Sài Gòn đang sử dụng nguồn nước chứa chất gây ung thư

Hệ thống lọc nước đặt trong nhà ở làng Chàng Sơn. (Ảnh minh họa)
Hệ thống lọc nước đặt trong nhà ở làng Chàng Sơn. (Ảnh minh họa)

Khánh An-VOA 07.10.2016 

Một kết quả giám sát mới vừa được công bố trên báo chí Việt Nam hôm 6/10 cho biết hiện có gần 170.000 hộ dân sinh sống tại Sài Gòn đang sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm, chứa chất Amoni có thể gây ung thư.
Theo số liệu được Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM ghi nhận trong 8 tháng đầu năm, mặc dù đa số người dân thành phố hiện đang sử dụng nguồn nước máy, nhưng vẫn có tới 168.635 hộ sử dụng nguồn nước tự khai thác như nước giếng, nước mưa.
Những mẫu nước giếng được cơ quan y tế thành phố kiểm tra ở các điểm tại quận 12, quận Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn có hàm lượng Amoni vượt mức giới hạn cho phép (9.14%). Chất Amoni khi gặp không khí sẽ chuyển hóa thành Nitrat và Nitrit. Hai chất này khi vào cơ thể sẽ tạo ra tình trạng thiếu oxy trong máu, kết hợp với các axit amin trong cơ thể tạo thành chất nitrosamine gây bệnh ung thư.
Hàm lượng sắt tổng số trong mẫu nước ở một số điểm tại quận 12, Hóc Môn cũng không đạt chỉ tiêu vi sinh. Độ pH trong hầu hết các mẫu nước đều thấp, gây ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa, dễ làm hư hỏng vật dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, tăng nguy cơ bệnh ngoài da…
Ngoài ra, kết quả giám sát còn cho biết nguồn nước ngầm ở nhiều khu vực trong thành phố bị nhiễm vi sinh E. Coli và Coliform từ nước thải ngấm vào. Sử dụng nguồn nước này sẽ dễ bị các bệnh về đường ruột, có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết, suy thận…
Chị An, một bà mẹ trẻ đang sống tại Sài Gòn, tỏ ra không mấy ngạc nhiên về những kết quả vừa được công bố. “Sợ” và “không biết làm sao” là cảm giác hiện nay của chị và nhiều người dân khác trước thực trạng ô nhiễm tràn lan.
Chị cho biết: “Quá sợ luôn! Vì bây giờ cái gì cũng độc hại, cái gì cũng gây ung thư, gây đủ thứ bệnh hết. Thực phẩm cũng nhiễm, cũng bị thuốc này kia, rồi rau thịt tất cả luôn, rồi nước, cá biển giờ cũng không dám ăn, rồi không khí nữa, nói chung cái gì cũng ô nhiễm hết rồi. Mình sống ở đây thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao bây giờ”.
Dù ô nhiễm xảy ra khắp nơi, nhưng người dân đa số vẫn chấp nhận “sống chung với lũ”. Ngoài chuyện kém ý thức, chị An cho rằng cuộc sống vất vả mưu sinh khiến nhiều người không có điều kiện để tìm hiểu hay biết đến những vấn đề môi trường đang xảy ra.
Chị nói: “Một số người, giống như khu An ở, người dân lao động nhiều lắm, người ta đi làm từ sáng tới tối, người ta đâu có lên mạng, đâu có đọc báo gì nhiều đâu nên người ta không biết những chuyện đó. Người ta cũng không biết cái ảnh hưởng của môi trường lên con người nghiêm trọng như thế nào nữa. Dân trí mình quá thấp đi!”
Theo báo Người Lao Động, nguyên nhân nhiều hộ dân vẫn không chịu dùng nguồn nước máy, được gọi là nước sạch, là vì giá nước máy cao và người dân chưa tin nước sạch thật sự sạch. Một số người cho biết nước máy nhiều lúc bị cặn đỏ, đục, váng và có mùi hôi nên nhiều hộ gia đình tuy có gắn đồng hồ nước nhưng lại không sử dụng.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn được Người Lao Động trích lời cho biết nguyên nhân nước đục ở các trạm cấp nước thuộc Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn là do nguồn nước ngầm đầu vào ở một số trạm cấp nước bị ô nhiễm mà không thể xử lý được. Giới chức này cho biết các trạm này đã được yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước và xử lý trước khi đưa vào mạng lưới cấp nước. Tin cho hay đến năm 2025, các trạm này sẽ đóng cửa theo quy hoạch cấp nước.

Bộ Công an chính thức gọi Việt Tân là ‘khủng bố’

Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt Tân, tại cuộc biểu tình phản đối Tập đoàn Formosa Plastics ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10/8/2016.
Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt Tân, tại cuộc biểu tình phản đối Tập đoàn Formosa Plastics ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10/8/2016.

 Theo VOA-07.10.2016

Bộ Công an Việt Nam vừa ra thông báo về tổ chức Việt Tân, gọi đây là một tổ chức “đã và đang tiến hành hoạt động khủng bố”.
Sau khi tóm tắt sơ lược về lịch sử của Việt Tân, thông báo của Bộ Công an nói Việt Tân đã tổ chức tuyển mộ, huấn luyện cho thành viên cách thức sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại, bắt cóc, thủ tiêu con tin..., tiến hành các chiến dịch Đông tiến, đưa các toán vũ trang xâm nhập vào Việt Nam để lập mật cứ, tiến hành hoạt động bạo loạn, khủng bố nhưng đã bị Việt Nam ngăn chặn, vô hiệu hóa.
Thông báo cũng cáo buộc Việt Tân đã thành lập “Đội sát thủ K9” chuyên tiến hành khủng bố, thủ tiêu các nhà báo gốc Việt tại Mỹ.
Ngoài ra, thông báo của Bộ Công an còn cảnh báo “người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của Việt Tân, tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do Việt Tân tổ chức, hoạt động theo sự chỉ đạo của Việt Tân…” sẽ bị cho là “đồng phạm tội khủng bố” và sẽ bị xử lý theo luật pháp Việt Nam.
Việt Tân là một đảng chính trị không được phép hoạt động tại Việt Nam và Hà Nội lâu nay vẫn cáo buộc tổ chức này đứng đằng sau các vụ biểu tình, kích động gây rối tại Việt Nam. Gần đây, vụ Formosa gây ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt ở khu vực miền Trung cũng bị cơ quan công an Việt Nam cho là Việt Tân đã lợi dụng sự việc này để kích động người dân biểu tình chống phá.
Việt Tân có tên chính thức là Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng, được thành lập vào năm 1982 và người giữ chức vụ Chủ tịch đảng lúc đó là ông Hoàng Cơ Minh, nguyên chuẩn tướng, Phó Đô đốc hải quân của Việt Nam Cộng Hòa.
Chủ trương của Việt Tân là “chấm dứt độc tài” và “canh tân đất nước” bằng phương pháp “đối đầu bất bạo động” ngay tại Việt Nam.
Việt Tân là một đảng chính trị không được phép hoạt động tại Việt Nam và Hà Nội lâu nay vẫn cáo buộc tổ chức này đứng đằng sau các vụ biểu tình, kích động gây rối tại Việt Nam. Gần đây, vụ Formosa gây ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt ở khu vực miền Trung cũng bị cơ quan công an Việt Nam cho là Việt Tân đã lợi dụng sự việc này để kích động người dân biểu tình chống phá.
Việt Tân có tên chính thức là Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng, được thành lập vào năm 1982 và người giữ chức vụ Chủ tịch đảng lúc đó là ông Hoàng Cơ Minh, nguyên chuẩn tướng, Phó Đô đốc hải quân của Việt Nam Cộng Hòa.
Chủ trương của Việt Tân là “chấm dứt độc tài” và “canh tân đất nước” bằng phương pháp “đối đầu bất bạo động” ngay tại Việt Nam.

Formosa thách thức sự kiên nhẫn của người Việt?

Trà Mi-VOA 07.10.2016
Hàng chục ngàn người hôm 2/10 đã kéo tới trước đại bản doanh của công ty Formosa ở Hà Tĩnh yêu cầu đóng cửa thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nguy hại tại miền Trung, một sự biểu thị phẫn nộ dâng trào trong lòng dân Việt trước cách xử lý của nhà cầm quyền Việt Nam trong thảm họa sinh thái báo động này.
Biểu tình tại Việt Nam cho tới nay vẫn bị đặt ngoài vòng pháp luật và cuộc tuần hành quy tụ trên dưới 18 ngàn người bùng nổ trước sự lúng túng đối phó của nhà cầm quyền được xem là một thành công của sức mạnh quần chúng, một bước tiến mới cho xã hội dân sự trong một đất nước còn nhiều hạn chế về nhân quyền, tư pháp, quản trị, và về các quyền tự do căn bản như tự do thông tin và tự do thể hiện quan điểm.
Tạp chí Thanh Niên VOA ghi nhận cảm nghĩ, thông điệp, và nguyện vọng của một số người trẻ tham gia hành động ‘bức phá xiềng xích sợ hãi’ lần này của các cư dân trong vùng trung tâm thảm họa, gồm Trần Xuân Đoàn, cư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Nguyễn Kiến Quốc và Kiên Cường tại giáo xứ Đông Yên bên cạnh Formosa, Hà Tĩnh; Hoàng Sơn, công nhân xây dựng ở Nghệ An.
Kiến Quốc: Hơn 18 ngàn người tham gia, cả lương dân lẫn giáo dân. Nhiều người như thế là vì từ lâu Formosa đã gây nên thảm họa môi trường cho người dân sinh sống quanh đây nhưng công ty không có hành vi nào cụ thể đối với nhân dân Việt Nam, còn chính quyền thì quanh co, không đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Dân không thể chịu được nữa, nên đã đứng lên gióng lên tiếng nói của mình.
Hoàng Sơn: Mong muốn là chính quyền đáp ứng nguyện vọng nhân dân, đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.
Kiên Cường: Quan trọng nhất là phải đóng cửa Formosa vĩnh viễn.
Trà Mi: Đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam liệu có phải là giải pháp tối ưu trong tình hình hiện nay?
Kiên Cường: Chính phủ phải chịu trách nhiệm việc này vì đã không lường trước, không tính toán được hậu quả Formosa sẽ mang lại. Chính sự điều hành không tốt làm ảnh hưởng đến người dân. Họ phải chịu trách nhiệm. Formosa ở lại Việt Nam, lợi ích không biết thế nào nhưng người dân phải chịu hậu quả hết sức nặng nề. Người ta lo sợ, bất an vì thảm họa này. Ai đến đây mới hiểu được nỗi lòng và khốn khổ của họ.
Trà Mi: Người bên ngoài cần thấy những gì từ hiện trạng trung tâm thảm họa hiện nay?
Kiến Quốc: Chính quyền phải đưa thông tin xác thực về vụ Formosa, đặc biệt về vấn đề môi trường.
Trà Mi: Những gì đăng tải trên báo chí trong nước về thảm họa này chưa xác thực ra sao?
Kiến Quốc: Chính quyền luôn chối bỏ, quanh co về trách nhiệm của họ và của Formosa. Họ không hề nhắc tới từ ‘thảm họa’ mà chỉ nói là ‘sự cố’ trong khi thực sự đây là một thảm họa môi trường rất tệ hại. Giờ có đi đánh cá cũng không còn cá để bắt, có bắt được cũng không ai dám dùng, dám mua.
Trà Mi: Bà con xoay sở mưu sinh thế nào?
Kiến Quốc: Một số người hợp nhau lại đánh bắt ở các tỉnh lân cận như Nghệ An hay Thanh Hóa, nhưng giá cả so với trước đây không bằng 1/3 và sản lượng cũng không có nhiều nữa. Một số tìm cách vào Nam kiếm việc khác để có thu nhập.
Trà Mi: Có tin nói nhà nước cũng có hỗ trợ ngư dân tại trung tâm thảm họa, sự hỗ trợ đó tới nay ra sao?
Xuân Đoàn: Nhà nước chỉ cấp mỗi nhân khẩu mấy yến gạo. Dân trong thị xã Kỳ Anh chúng tôi không còn làm được nghề gì, nghề chính là làm biển và làm muối mà giờ có làm cũng không ai mua. Từ ngày xảy ra thảm họa tới giờ rất khổ.
Trà Mi: Về tỷ lệ bồi thường nhà nước vừa ban hành, phản hồi của ngư dân ra sao?
Kiên Cường: Để đền bù thỏa đáng và đáp ứng được nhu cầu của người dân cần phải thống kê minh bạch thiệt hại của dân, của từng đối tượng. Khi người ta đến thương thảo để đền bù, người ta lại yêu cầu nhận đền bù rồi thì xung quanh khu vực Formosa không được đánh bắt trong vòng 12 hải lý. Phải đi xa hơn thì các ghe thuyền nhỏ làm sao còn cơ hội làm ăn nữa? Formosa đã bị các nước khác xua đuổi. Khi tới Việt Nam, họ quanh co với chính phủ và không muốn đối thoại với nhân dân. Lẽ ra họ phải đối thoại minh bạch, trực tiếp với nhân dân trước khi nói tới chuyện đền bù thiệt hại như thế nào.
Trà Mi: Biểu thị sự phản đối bằng cách xuống đường biểu tình, tại Việt Nam, liệu có là một giải pháp mang đến hiệu quả tốt đẹp như mong đợi?
Hoàng Sơn: Dân tập trung lại với mong muốn chính quyền đứng về phía dân.
Trà Mi: Sau cuộc biểu tình tới nay, phản ứng từ chính phủ có đáp ứng nguyện vọng đó hoặc có hứa hẹn gì không?
Hoàng Sơn: Chưa thấy ai trong chính quyền đứng ra trao đổi với dân.
Kiên Cường: Người dân phải kết hợp nhiều cách thức khác nhau. Một mặt cần phải có một cuộc chiến về pháp lý. Một mặt cần có hành động cụ thể như cuộc biểu tình 2/10 vừa rồi để cho chính quyền thấy dân cần gì, đồng lòng đến mức độ nào.
Trà Mi: Trước cuộc biểu tình này, một đoàn hơn 500 người đã nộp đơn kiện tập thể chống lại Formosa tại tòa án Kỳ Anh. Hơn 600 người cùng đệ đơn kiến nghị Quốc hội lắng nghe dân, giải quyết cho dân. Tất cả những hành động đang được thực hiện cùng lúc đó nói lên điểm khác biệt gì trong nhận thức và vai trò xã hội của công dân?
Kiến Quốc: Cho thấy đã đến lúc người ta cũng dám chấp nhận đấu tranh đòi quyền con người, quyền công dân. Chúng tôi chỉ muốn đấu tranh ôn hòa để nhà nước và lãnh đạo công ty thấy rằng ở đây chúng tôi không muốn đến phá hoại mà chỉ cảnh cáo, muốn được lên tiếng, muốn được quan tâm.
Trà Mi: Mục đích cuối cùng của các hành động này là để được lắng nghe. Trong trường hợp được lắng nghe hoặc không được lắng nghe, dự kiến sẽ có những phản ứng tiếp theo thế nào?
Kiên Cường: Họ sẽ tiếp tục lên tiếng. Không đáp ứng cho họ thì một lúc nào đó cũng có thể xảy ra những chuyện như từng thấy ở Bình Dương năm 2014. Không ai có thể lường trước.
Trà Mi: Tham gia các cuộc biểu tình rồi gặp rắc rối với chính quyền, các bạn nghĩ sao?
Xuân Đoàn: Tất nhiên có lường trước vấn đề này, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc bản thân mình giúp ích cho người dân được chừng nào hay chừng đó, giúp họ can đảm dám đứng lên, dám nói chính kiến của mình. Một khi giải quyết được vấn đề của họ cũng là giải quyết được vấn đề cho chính mình.
Kiên Cường: Formosa là một công ty có nhiều mờ ám. Nơi đây không chỉ đơn thuần là một khu kinh tế. Có khả năng còn là một chiến lược quân sự. Họ chỉ mới hoạt động trong giai đoạn 1. Còn giai đoạn 2, 3 còn biết bao nguy hiểm nữa, huống hồ thời gian họ ở đây tới 70 năm. Người dân biết chắc là không thể sống được. Mình muốn sống, mình phải đấu tranh. Bằng mọi giá phải đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam. Với cá nhân tôi, một tôi sống, hai Formosa sống. Tôi phải đấu tranh vì đó là quyền của tôi và là tương lai của tôi nữa.
Hoàng Sơn: Em muốn mọi người phải lên tiếng. Đừng sợ đàn áp, hãy đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của đồng bào, của chính mình, của tương lai con cháu mình.
Trà Mi: Các bạn muốn nói gì với Formosa và với chính phủ Đài Loan?
Xuân Đoàn: Tôi muốn nói với họ ‘Hãy trả lại môi trường sạch cho đất nước Việt Nam.’ Tôi cũng muốn bạn bè các nước trên 5 châu góp tiếng nói để nhà máy Formosa ngừng hoạt động ngay khỏi đất nước Việt Nam.
Kiên Cường: Mong các đài truyền thông, bạn bè quốc tế, và các bạn trẻ trong-ngoài nước hướng về quê hương, dân tộc và có tiếng nói chung để xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh, đặc biệt phải hướng tới môi trường vì ảnh hưởng môi trường không chỉ tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, mà ảnh hưởng toàn dân tộc, toàn quốc gia, và thậm chí cả trên thế giới. Mong tất cả mọi người hướng về, ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng tôi vì đây là cuộc đấu tranh lâu dài và khó khăn, một cuộc đấu tranh bất bạo động. Vì vậy, xin mọi người giúp đỡ chúng tôi.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho đài VOA trong câu chuyện hôm nay.

Cơ hội TPP cho Việt Nam ngày càng mong manh

Ông Mithc McConnell (giữa) phát biểu trước báo giới, ngày 2/9/2016.
Ông Mithc McConnell (giữa) phát biểu trước báo giới, ngày 2/9/2016.
Theo VOA-07.10.2016 

Trong khi quốc hội Việt Nam hoãn thông qua TPP cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thì một lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng Hoà tuyên bố hiệp định thương mại này sẽ bị đóng băng cho đến khi tổng thống mới làm nó sống lại.
Tổng thống Barack Obama đang làm hết sức mình để quốc hội phê chuẩn hiệp định thương mại đối tác với 11 nước thành viên ở châu Á Thái Bình Dương, một nỗ lực mà Mỹ đã theo đuổi hơn 5 năm qua, nhưng cả 2 ứng cử viên đang tranh chức tổng thống đều đã lên tiếng không ủng hộ TPP.
Nhà lãnh đạo Khối Đa Số trong thượng viện Mỹ, Mitch McConnell, hôm 29/9 đã khẳng định thêm về hồi chuông báo tử cho TPP tại Mỹ.
Ông McConnell nói tại một cuộc họp báo ở Washington rằng “nếu chúng ta có một cuộc thảo luận khác về hiệp định thương mại thì đó sẽ phải được dẫn dắt bởi một tổng thống tiếp theo dù đó là ai đi nữa.” Tờ Bưu Điện Washington dẫn lời ông McConnell rằng tổng thống sẽ là người đóng vai trò rất lớn trong việc thương thuyết các hiệp định thương mại.
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS – Yusof Ishak Institute của Singapore, hiệp định gói gọn 40% lượng GDP toàn cầu này đang phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ.
“Cơ hội lớn nhất bây giờ nếu TPP được thông qua đấy là phụ thuộc vào ông Obama trong thời kỳ lame-duck session sắp tới. Tại vì chúng ta biết rằng 2 ứng cử viên tổng thống đều tỏ ý phản đối. Ông Trump thì thẳng thừng phản đối, còn bà Hillary thì nói rằng có thể phải đàm phán lại 1 số điều khoản v.v. Thì cơ bản các nước thành viên đều không có hứng thú với việc đàm phán lại và nếu mà nói đàm phán lại thì coi như nó cũng đã chết.”
Tổng thống Obama, sau khi trở về từ chuyến công du châu Á cuối cùng với trọng tâm là quảng bá cho TPP, đã nỗ lực rất lớn để tìm cách thuyết phục quốc hội tổ chức biểu quyết hiệp định thương mại này tại một kỳ họp sau cuộc bầu cử đầu tháng 11 và trước khi tổng thống mới chính thức lên nắm quyền.
Ông McConnell trước đó đã phủ quyết một cuộc đầu phiếu cho TPP tại quốc hội trong thời gian “vịt què” – tức cuối nhiệm kỳ của ông Obama khi người kế nhiệm đã được chọn. Và hôm 29/9, dân biểu đảng Cộng Hoà của tiểu bang Kentucky đã tái khẳng định điều này với báo giới.
Ông Obama gọi TPP là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất và là trọng tâm trong chiến lược xoay trục về khu vực đang phát triển nhanh nhất thế giới. Chính phủ của Tổng thống Obama đang dùng chiến lược hướng về châu Á để khống chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và chính sách bành trướng của quốc gia cộng sản này trên biển Đông.
Nhưng vừa qua, quốc hội Việt Nam đã quyết định hoãn thông qua TPP tại phiên họp thường niên trong tháng này tại Hà Nội như dự kiến. Một trong những nguyên nhân của sự trì hoãn này, theo chủ tịch quốc hội Nguyễn Kim Ngân tuyên bố vào tháng Chín, là chờ kết quả bầu cử tổng thống ở Mỹ. Đây là lần thứ 2 Việt Nam hoãn phê chuẩn hiệp định thương mại đa phương được coi là lớn nhất thế kỷ 21.
Theo nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế Lê Hồng Hiệp, nguyên nhân chính đằng sau đó là sự không chắc chắn về tương lai của TPP mà Việt Nam lại không muốn đi tiên phong và có thể làm phật lòng Trung Quốc.
“Ai cũng không muốn gọi là ‘cầm đèn chạy trước ô tô’ – Việt Nam thì cũng vậy. Trong bối cảnh chưa có nước nào chính thức phê chuẩn TPP mà Việt Nam làm đầu tiên thì nó sẽ tạo ra một hiệu ứng mà Việt Nam có lẽ cũng hơi ngại đấy là có thể làm Trung Quốc khó chịu vì Trung Quốc lâu nay vẫn coi nó (TPP) là một công cụ của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.”
Ông Hiệp nhận định với VOA Việt Ngữ rằng nếu TPP thất bại, lợi ích của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
“Có nhiều báo cáo đã xác định Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất thì bây giờ nó mất thì có thể nói ngược lại đấy là Việt Nam sẽ là nước bị tổn thất nhiều nhất. Ngoài việc mở rộng thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng có thể ảnh hưởng tới một số chương trình cải cách trong nước.”
Theo ước tính, TPP có thể giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 11% và lượng xuất khẩu thêm 28% trong vòng 1 thập kỷ tới.
Với 12 thành viên tham gia TPP, hiệp định này gói trọn trong đó 1/3 lượng thương mại toàn cầu. Nhưng nhiều người dân Mỹ đang lo ngại TPP, và các hiệp định thương mại tự do nói chung, sẽ làm mất đi cơ hội việc làm của người lao động trong nước.
Nhưng đối với Mỹ, TPP chính là 1 cuộc chơi chính trị. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã ra sức thúc đẩy cho TPP khi ông nói trong một bài phát biểu hôm 28/9 rằng nếu không phê chuẩn được TPP sẽ có những “hậu quả nghiêm trọng” cho chính sách đối ngoại của Mỹ.
Cũng theo tờ Bưu Điện Washington, ngoại trưởng Kerry nói “chúng ta không thể rút ra khỏi TPP mà vẫn được xem là một người chơi chính trong khu vực Thái Bình Dương và một thế lực không thể bàn cãi về hoà bình và thịnh vượng trên toàn cầu.”

Nước cờ sai lầm của bộ công an ở Hà Tĩnh

10/07/2016 - 07:23 

Ngay sau cuộc biểu tình khiến Formosa thất thủ hôm Chủ nhật vừa rồi, Bộ Công an đã có những động thái ứng phó đầu tiên.
Một mặt, họ tung các lực lượng cảnh sát cơ động tinh nhuệ nhất và những toán an ninh dày dặn kinh nghiệm trấn áp biểu tình nhất đến Vũng Áng, quyết không để tái diễn tình trạng bị động như hôm rồi.
Người dân địa phương cho biết tuyến Quốc lộ 1A đoạn ngang trước cổng KCN Formosa dày đặc các xe biển xanh ngược xuôi quần đảo, các chốt an ninh được tăng cường. Mọi thứ dường như được chuẩn bị cho 'một trận đánh lớn' - thuật ngữ được các tướng công an ưa dùng, bất luận kẻ địch trong những trận đánh lớn ấy của họ đôi khi chỉ là dân lành không tấc sắt trong tay.
Mặt trận thứ hai được mở là truyền thông, bắt đầu bằng những bài viết quy chụp, bôi nhọ bà con ngư dân theo Công giáo, xuyên tạc, bóp méo vai trò của các linh mục trong cuộc tranh đấu bảo vệ không gian sinh tồn cho người dân miền Trung, và lên cao trào bằng bản tin đặc biệt hôm nay của VTV1 dẫn "Thông báo chính thức của Bộ Công an về tổ chức khủng bố Việt Tân".
Hướng tấn công này của Bộ Công an sẽ không nằm ngoài 3 bước sau:
1, Tuyên bố rộng rãi Việt Tân là khủng bố;
2, Quy cho các cuộc biểu tình tại miền Trung và ở Hà Nội, Sài Gòn (nếu có) là của Việt Tân;
3, Bắt vài người theo kiểu 'giết gà dọa khỉ' để bà con miền Trung sợ mà không biểu tình như hôm trước nữa.
Bước 3 sẽ được Bộ Công an cân nhắc kỹ vì có thể xôi hỏng bỏng không, dẫn tới những điều không thể kiểm soát được. Nhưng Bước 1, Bước 2 thì chắc chắn sẽ làm mạnh.
Không ai giỏi bằng Bộ Công an để nói với họ về kỹ thuật trấn áp. Song thực tế có thể hơi khác các sơ đồ tác chiến của họ.
Kỳ Anh không giống như Bờ Hồ hay Công viên 30-4 nơi người dân mấy năm qua xuống đường chủ yếu vì chủ quyền biển đảo, dân chủ tự do, (có cả vì việc cá chết nữa, nhưng với tâm thế của người ngoài vùng thảm họa) và thường bị dập tắt sau một thời gian ngắn.
Chuyện chủ quyền biển đảo tuy thiêng liêng đấy nhưng vẫn còn xa xôi, chuyện dân chủ tự do tuy quý báu đấy nhưng hãy còn trừu tượng. Trong khi đó, chuyện cá chết ở miền Trung đối với người miền Trung lại khác hẳn: Nó hủy diệt trực tiếp kế sinh nhai của cả triệu người địa phương trong hiện tại và tương lai.
Đây là chuyện hoàn toàn không thể giải quyết được bằng bạo lực. Càng đổ thêm quân và đẩy mạnh trấn áp, càng cho thấy chính quyền đang lúng túng không biết vấn đề thực sự nằm ở đâu.
Sẽ ra sao nếu người dân địa phương, khi bị bức tới đường cùng, coi các lực lượng trị an đang đứng về phía kẻ thù của họ là Formosa?
Một cuộc chiến nghĩa đen thực sự rất có thể sẽ xảy ra mà kết cục chưa biết sẽ thế nào giữa một bên là lực lượng vũ trang từ nơi khác đến với một bên hàng chục nghìn dân thông thuộc địa hình chỉ có mỗi mục tiêu là tống khứ Formosa và bất kỳ ai bảo vệ nó ra khỏi quê hương.
Được nuôi bằng cơm của dân, thì đừng đùa với miếng cơm manh áo của nhân dân.
Chỉ đơn giản vậy thôi.

Làm Chó Cũng Khó

10/06/2016 - 21:58 

Nguyễn Đình Thi qua đời cũng đã khá lâu. Những câu thơ của ông trước lúc lìa trần, tuy thế, vẫn cứ còn vương vất “chút” mùi vị “đắng cay” trong lòng người đọc:
Anh chắt cuộc đời anh chắt mãi
Chút ngọt bùi chút đắng cay
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình...

Thôi,xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Vâng, nghĩa tử là nghĩa tận. Ai mà không có những lỗi lầm và (đôi lần) dối lừa khoác lác: “Chúng ta là những nhà văn, nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng!”
Đảng vốn rất đa nghi và rất hẹp hòi nên chưa bao giờ đánh giá nhà văn/nhà thơ (nói riêng) và cả giới trí thức (nói chung) cao qúi thế đâu. Họ chỉ được xem như đám gia nô, hay tử tế (và khi cao hứng) lắm thì là đám con cháu trong nhài. Khối kẻ cũng chỉ mong được thế:
Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà thơ, nhà biên kịch, nguyên là lãnh đạo quản lý ngành điện ảnh VN, Giám đốc HondaFilm, tác giả tứ thơ Trái Mùa “Cây đổ lâu rồi, gió vẫn reo”, tác giả kịch bản phim truyện Canh Bạc…, trong 1 cuộc phỏng vấn của phóng viên Evan Williams đài truyền hình ABC bên Úc (lúc đó Hồng Ngát còn đương chức Cục phó Cục Điện ảnh VN), đã nêu bật một quan niệm chính quy về tương quan dân-đảng là: “Con cái không chê cha mẹ khó” (cho nên không được hỗn hào phản biện?!).
Ảnh: Dân Luận
Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ, tác giả Lời Ru Chia Đôi và Biển Khát, Phó Giám đốc sở VH-TT Hà Nội, vẫn thường xuyên lặp lại trong các hội nghị về văn hóa câu châm ngôn hải đăng của Bộ VH-TT (tiền thân của TT-TT): “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo!
Ảnh: Dân Luận
Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của VN tại Liên hiệp Châu Âu (EU), Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ba Đình, Ủy viên TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, đã từng tuyên bố trong buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2004, khi bị chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN, rằng:  “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.” (Đinh Tấn Lực. “Mối Tương Quan Mất Dậy” – Dân Luận 24/10/2009).
Bẩy năm sau, độc giả báo Tuổi Trẻ (số ra ngày 3 tháng 10 năm 2016)  lại có dịp xem qua về “mối tương quan mất dậy” trong việc việc xin (cho) đại học được tự chủ:
Mới đây, trong hội nghị về tự chủ ĐH, GS.TSKH Hoàng Xuân Sính - chủ tịch hội đồng quản trị của trường ĐH tư đầu tiên ở VN- đã dùng hình ảnh về quản trị gia đình thông qua câu chuyện mẹ - con để nói vế vấn đề này.
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính nói ví von: con gái đến tuổi trưởng thành, người mẹ muốn dạy con biết quán xuyến việc nhà nên giao phần chi tiêu cơm nước cho con.
Mẹ cho con quyết định mọi thứ, chỉ có yêu cầu duy nhất: dinh dưỡng đảm bảo cho cả già lẫn trẻ. Cũng việc ấy, nhưng người mẹ khác đòi hỏi khắt khe, can thiệp vào việc của con, chắc chắn con trẻ sẽ khó khăn.
Mẹ muốn con quán xuyến thì phải chia sẻ kinh nghiệm, hạn chế áp đặt...
Dù đã có 14 trường ĐH được thí điểm hoạt động theo hướng tự chủ nhưng tự chủ ĐH vẫn còn xa vời vợi ở phía trước.
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính - Ảnh: Việt Dũng
Ở một xứ sở mà nhà nước bao biện mọi chuyện, và lãnh đạo khắp nơi – kể cả chùa chiền, giáo đuờng, thánh thất, và cả những viện mồ côi hay viện phong cùi mà những viện đại học lại “xin được tự chủ” thì đây rõ ràng là một sự cầu xin có hơi ... quá đáng, nếu chưa muốn nói quá quắt!
Giới truyền thông, xem ra, có vẻ thực tiễn hơn nhiều. Không ai dám ước mơ đến những chuyện “còn xa vời vợi” như thế. Dù thỉnh thoảng vẫn bị đôi xử vô cùng thô bạo nhưng phần lớn những người làm báo quốc doanh vẫn bằng lòng và cam chịu với hoàn cảnh, cùng thân phận của mình –  theo như cách nói ví von (“Nghề Phóng Viên Là Phải Như Con Chó Ấy”) của nhà báo Như Phong:
Sau hơn 35 năm làm báo, tôi càng ngẫm, càng thấy sao mà chí lý thế.
Trở lại chuyện ví nhà báo với con chó, thì trước hết phải nói đến những phẩm chất cao quý của con chó.
Trong các loài vật, có lẽ không có loài nào gắn bó với con người hơn con chó.
Chó trung thành với chủ, gần như tuyệt đối.
Chó tôn thờ chủ, yêu chủ bằng một tình cảm trong sáng, vô tư không bao giờ có tính hai mặt.
Chó biết vui cùng chủ và cũng biết buồn cùng chủ.
Đã có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động rơi nước mắt về những chú chó nhịn đói ngồi chết bên mộ chủ; những chú chó lăn xả vào hiểm nguy để cứu chủ; những chú chó sẵn sàng tấn công lại kẻ địch để bảo vệ chủ. Và những chú chó sẵn sàng chờ đợi chủ về ngày này qua tháng khác ở một sân ga, hay một bến tàu. Rồi chó giúp đỡ những người tàn tật trong cuộc sống thường ngày, kể cả chuyện đi chợ cho chủ, đưa chủ đi chơi…
Bất luận vào những hoàn cảnh nào, khi bị chủ mắng, thậm chí bị đánh đòn nó chỉ đau khổ cúp đuôi chui vào một xó, nhưng rồi chỉ ít phút sau nó lại ngoe nguẩy đuôi để đón chủ về.
Thế mới có câu “khuyển mã chi tình” và câu “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”.
Điều không may là “chủ” của Nguyễn Như Phong không những đã  “nghèo” mà còn “khó” nữa. Báo Người Việt, số ra ngày 3 tháng 10 năm 2016, vừa (ái ngại) loan tin:
Không chỉ giới truyền thông chính thống mà ngay cả công chúng cũng sửng sốt khi ông Nguyễn Như Phong, cựu đại tá công an, tổng biên tập PetroTimes, bị cách chức và tờ báo điện tử này bị đình bản trong ba tháng.
PetroTimes là báo điện tử của tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Còn ông Phong từng là đại tá công an, phó tổng biên tập tờ Công An Nhân Dân được PVN mời về làm tổng biên tập khi PVN có giấy phép xuất bản báo điện tử.
Tuy thuộc PVN, một tập đoàn nhà nước, song dưới sự điều hành của một cựu đại tá công an, PetroTimes đã tự lãnh nhận vai trò “xung kích trên mặt trận truyền thông,” cùng các tờ Nhân Dân (của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng CSVN), Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân “tả xung hữu đột” để bảo vệ chính quyền CSVN.
PetroTimes là tờ báo duy nhất tự hạch toán (tự thu chi, không ngửa tay nhận ngân sách để duy trì hoạt động như Nhân Dân Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân) nhưng luôn luôn tiên phong trong việc chỉ trích, bôi nhọ các cá nhân, các hoạt động đòi tự do, dân chủ và cũng vì vậy mà mức độ chỉ trích PetroTimes trên mạng xã hội còn lớn hơn những cơ quan truyền thông “ăn cơm chúa, múa tối ngày.”
Mức độ “trâng tráo, nhâng nháo” của PetroTimes được xem là lên tới đỉnh khi tháng 6 vừa qua, nhân “Ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam,” PetroTimes giới thiệu bài “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy” của ông Nguyễn Như Phong. Trong bài viết này, ông Phong khuyến cáo các đồng nghiệp bắt chước chó (trung thành, tôn thờ, yêu, vui buồn cùng chủ, bảo vệ chủ) vì “chó khôn nhờ chủ, nhà báo giỏi cũng nhờ chủ!”
Dẫu liên tục “đăng ký lập trường” theo kiểu như thế nhưng ngày 3 tháng 10 vừa qua, ông Phong vẫn bị cách chức, thu hồi thẻ nhà báo (một kiểu giấy phép hành nghề). PetroTimes thì bị tạm đình bản trong ba tháng.
Trong thông báo chính thức về sự kiện gây ngỡ ngàng ấy, Bộ Thông tin – Truyền thông của chính quyền Việt Nam cho biết lý do là vì PetroTimes có “sai phạm trong hoạt động báo chí” và cơ quan chủ quản đề nghị như vậy.
Vi nhân nan. Làm người quả khó, đã đành; làm chó (ở nước ta) xem ra cũng không dễ dàng chi!

Nông thôn mới: bán đất làm cổng làng thật to

Nam Nguyên, RFA 2016-10-07  
Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng nông thôn với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị.
 Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng nông thôn với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị. AFP
Nhiều nghi vấn đối với tương lai và hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lo ngại về khoản nợ đọng 15 ngàn tỷ đồng mà các địa phương không có khả năng trả nợ.
Việt Nam đã khởi sự kế hoạch đầy tham vọng là thay đổi diện mạo khu vực  Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn gọi tắt là tam nông từ đầu năm 2011.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới dự kiến kéo dài 10 năm tới 2020 với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Trong giai đoạn 2010-2015, cả nước đã huy động hơn 851.000 tỷ đồng đầu tư cho chuơng trình, kể cả phần ngân sách Nhà nước cấp hơn 98.000 tỷ đồng.
Ngày 5/10/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu nông nghiệp”. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo động nợ đọng xây dựng nông thôn mới khó dứt điểm trong năm 2017.
Nguyên nhân là vì tổng số nợ đọng của các địa phương được báo cáo lên tới hơn 15.000 tỷ đồng, nhiều khả năng có thể là hơn 17.000 tỷ. Hơn nữa số nợ này lại tập trung vào một số tỉnh thành và có nơi ngân sách trống rỗng.

Nợ đọng oằn vai nông dân

Trả lời câu hỏi nợ đọng khó đòi trong chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa gì, Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:
“Giới lãnh đạo có nói là so với phí tổn , với đầu tư ở nông thôn thì nợ đọng quá bé. Nhưng mà ta phải xem thực tế nông thôn, vấn đề là một đồng của họ rất lớn.
Với số liệu ấy không phải là nhỏ, nếu mà làm không giải quyết không xử lý được thì ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân, ảnh hưởng đến kinh tế của nông thôn.”
Câu chuyện về nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình nông thôn mới được nói tới, giữa tình trạng ngân sách Nhà nước  eo hẹp và luôn bội chi, nợ công vượt qua lằn ranh báo động và nợ xấu chỉ được giải quyết theo hình thức chuyển sổ sách kế toán giữa các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và Công ty quản lý tài sản quốc gia VAMC hay nói cách khác là Ngân hàng Nhà nước.
Phó Giáo sư  Ngô Trí Long tiếp lời:
“Trong các loại nợ gồm nợ công, nợ xấu, nợ đọng thì đây là một trong những loại nợ đọng. Khi nợ đọng do ngân sách thâm thủng như vậy, bội chi như vậy, nợ công lớn như vậy thì chắc chắn tác động đến nợ xây dựng cơ bản của nông thôn.
Ở đây là nợ đọng đã được nêu rất nhiều trong các cuộc họp, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng giải quyết.”
Có tất cả 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn mới khởi sự ở cấp xã , khi một huyện có toàn bộ xã đạt chuẩn nông thôn mới thì huyện đó được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cách đánh giá tương tự cho cấp tỉnh và thị xã.
Những tiêu chí nông thôn mới được giải thích là nhằm quy hoạch lại nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng để có thể tổ chức sản xuất lớn.
Theo các tài liệu tuyên truyền phổ biến trên mạng chính thức của Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng , đặc trưng của nông thôn mới  giai đoạn 2010 -2020 bao gồm: Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao. Nông thôn phát triển theo quy hoạch, cơ cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ. Dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, an ninh tốt, quản lý dân chủ và chất lượng chính trị được nâng cao.

Phong trào mới, tư duy cũ

Ông Đỗ Việt Khoa, một nhà giáo có trải nghiệm nhiều về đời sống ở nông thôn, nhận định về điều gọi là mặt trái của danh hiệu mỹ miều “nông thôn mới”. Ông nói:
“Chủ yếu là xin xỏ ngân sách Nhà nước nếu được, nếu không thì bắt nhân dân đóng góp, rồi xây dựng vài thứ hình thức bên ngoài như cổng làng, đường làng thế thôi, chứ thực tế thì nó chả mới ở chỗ nào cả.”
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông kể lại những điều mắt thấy tai nghe:
“Ngay tại địa phương tôi sinh sống, để xây dựng đường làng ngõ xóm và cái cổng làng thôi, thì chính quyền thường tạo điều kiện cho cấp xã cấp thôn được bán một số mảnh đất có vị trí đẹp nào đó cho một số cá nhân nào đó có tiền, rồi dùng tiền đó làm đường xá, cổng chào, cổng làng.
Thí dụ ở chỗ tôi  thôn Nỏ Bản, xã Vân Tảo huyện Thường Tín, Hà Nội, các cụ bảo nhau bán một mảnh đất công cộng quan trọng phục vụ bà con ở trung tâm làng, đó là một sân đá bóng cũ, là cái chợ nhỏ của làng nơi mọi người ra đó mua bán rau dưa đậu thịt.
Đùng một cái họ bán cho một anh có tiền lấy một vài tỷ đồng xây một cái công làng rất hoành tráng… đó là một tầm nhìn hết sức hạn chế.”
Ông Đỗ Việt Khoa nói rằng, nếu họ bán đất đẹp để làm hồ bơi cho các cháu hay nhà văn hóa thì chẳng nói, nhưng họ lại muốn xây cái cổng làng to và đẹp. Theo lời ông Khoa, đó là sự tiếp tay cho hành động chuyển đất công cộng vào tay tư nhân.
Tại Hội nghị chuyên đề ngày 30/9/2016 tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh thành phải làm rõ những tồn tại bất cập trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh tới việc, xây dựng nông thôn mới nhưng nhiều nơi chẳng quan tâm tới việc tổ chức sản xuất của nông dân. Nhiều nơi huy động quá sức dân, hoặc chạy theo thành tích và để lại nợ đọng xây dựng cơ bản.
Chương  trình xây dựng nông thôn mới sau 5 năm thực hiện được báo cáo là đã có 2.045 trong tổng số hơn 9.000 xã toàn quốc đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 23%. Ngoài ra có 24 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vì có tất cả các xã trên địa bàn đạt chuẩn.
Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam kỳ vọng chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy vậy tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ với các ý tưởng trên bàn giấy của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.
Mặc dù đã có rất nhiều khuyến nghị của các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới và giới học giả chuyên gia Việt Nam.

Người dân lo lắng khi ba nhà máy nguyên tử Trung Cộng đặt sát Việt Nam đi vào hoạt động

Ba nhà máy điện nguyên tử của Trung Cộng nằm sát biên giới với Việt Nam vừa mới đưa vào hoạt động khiến cho người dân trong nước lo lắng. Trước tình hình đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sắp đến đây sẽ cử phái đoàn sang Trung Cộng để ký thỏa thuận về an toàn bức xạ với nước này.
Ba nhà máy điện nguyên tử này đều được đặt ở phía Nam Trung Cộng, gồm: Nhà máy điện nguyên tử Phòng Thành của tỉnh Quảng Tây; Nhà máy điện nguyên tử Trường Giang thuộc tỉnh Quảng Đông và nhà máy điện nguyên tử Xương Giang nằm trên đảo Hải Nam.
Cho tới lúc này đã có đến 7 tổ máy điện nguyên tử hoạt động gần biên giới với Việt Nam, chỉ cách thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh 50km. Các chuyên gia cho biết, một khi đã xảy ra trực trặc kỹ thuật nhà máy điện nguyên tử thì khoảng cách 50km sẽ không là gì hết. Vì những đám mây phóng xạ có thể phát tán đi xa đến hàng ngàn kilomet, việc này đã từng xảy ra tại sự cố nguyên tử Chernobyl (Ukraine) vào năm 1986. Hay mới nhất là thảm họa sóng thần khiến nhà máy điện nguyên tử ở Fukushima vào năm 2011, hai trạm đo đạc của Việt Nam là Viện Nghiên Cứu Nguyên Tử Đà Lạt và Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nguyên Tử đã đo được phóng xạ trong không khí ở Việt Nam.
Các chuyên gia nguyên tử trong nước cho biết, cần phải nhanh chóng xây dựng mạng lưới đo đạc, nhằm báo động kịp thời mức độ phóng xạ gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Nhiều nhà máy điện nguyên tử đang hiện diện, và sắp hoàn thành đặt tại Thái Lan, Campuchia và Trung Cộng.Trước mắt cần phải đầu tư vào các thiết bị đo đạc ở những địa phương có tỷ lệ bị ảnh hưởng cao trong trường hợp nhà máy điện nguyên tử Trung Cộng gặp trục trặc. Các tỉnh thành cần phải được ưu tiên trước hết là Quảng Ninh (tại Móng Cái và Bãi Cháy), Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Hà Nội.
Tuy nhiên, dù có đo đạc, sẽ chẳng có hàng rào hay mạng lưới nào ngăn được phóng xạ lan tỏa ra môi trường, rồi hòa vào không khí từ những nhà máy điện nguyên tử Trung Cộng. Những đám không khí phóng xạ này bắt đầu từ vùng biên giới, sau đó sẽ lan sâu vào nội địa. Người dân Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều mối nguy hại từ "người bạn vàng" của đảng CSVN.
Ngọc Quân/SBTN

Bình Thuận: dân mất lòng tin vào chính quyền

Một đoàn công tác trung ương do chủ tịch mặt trận tổ quốc- ông Nguyễn Thiện Nhân- dẫn đầu, đã làm việc tại tỉnh Bình Thuận sáng ngày 7-10-2016, về điểm nóng môi trường là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.


Bãi xỉ càng ngày càng cao tại các khu dân cư gần Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (ảnh: V.Quốc)

Ông Võ Sỹ Tuấn- Viện Trưởng Viện Hải dương học- đã nói tại buổi làm việc rằng: “Nguyên nhân là do chưa có sự minh bạch, dân thiếu thông tin. Trong khi nhiều doanh nghiệp thì quá ‘gian’, dẫn đến dân mất lòng tin vào chính quyền”.
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân có 4 nhà máy nhiệt điện, và bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Đến nay, nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã đi vào hoạt động với cộng nghệ Trung Cộng. Các dự án còn lại đang xây dựng. Nhưng thời gian qua,  các dự án trên đã gây ô nhiễm môi trường. Nhất là từ khi nhà máy Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động, phát sinh bụi, xỉ than… ảnh hưởng toàn bộ đời sống người dân địa phương.
Mặt khác, những năm gần đây, nhất là từ năm 2015, hiện tượng xâm thực bờ biển gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân liên tục gây sạt lở bờ biển làm ảnh hưởng đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Về vấn đề này, theo ông Võ Sỹ Tuấn: “Vừa qua việc di dời san hô ở Vĩnh Hảo là do ảnh hưởng của dự án này. Cần phải thường xuyên giám sát, có đo đạc. Phải có đánh giá tác động môi trường chiến lược toàn vùng, kể cả ở Ninh Thuận, chứ không đơn thuần là báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đó”.
Theo Viện trưởng Viện Hải dương học, tình hình ô nhiễm môi trường thực tế nặng nề hơn nhiều so với những phúc trình. Vấn đề ô nhiễm môi trường đang gây phân hóa xã hội, thí dụ như gây xung đột giữa Formosa và ngư dân, thể hiện qua các thông điệp người dân chọn cá chứ không chọn thép.
Ghi nhận của phóng viên SBTN, bãi chứa tro xỉ rộng hơn 30 ha của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 nằm cách khu dân cư thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, chưa đầy 100 mét. Hàng ngày, xe ben chở xỉ than vào ra liên tục. Từ dưới dãy nhà dân trong khu xóm Chùa nhìn lên, bãi xỉ bây giờ trông giống như một ngọn núi khổng lồ.
Ông Nguyễn Hòa, người dân sống ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân cho biết, bãi xỉ nó càng ngày càng cao đầy. Sợ nhất là mùa gió sắp tới, bãi xỉ sẽ bay bụi, gây ô nhiễm. Hơn nữa, đây là vùng bị nhiễm mặn, nước giếng cũng bị nhiễm mặn.
Ông Phạm Văn Tuấn, người dân sống gần đó tỏ ra tức giận, khi mới chỉ 1 nhà máy mà bãi xỉ đã như một cái núi khổng lồ. Không biết rồi đây khi cả 4 nhà máy ở Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động thì núi tro xỉ sẽ khủng khiếp đến chừng nào. Đến lúc đó, bãi chứa xỉ cao hàng chục mét, chỉ cần một cơn lũ lớn là có thể xé toạc kè đá, xỉ trôi xuống đè lấp cả khu dân cư nơi ông đang sống. Hứng chịu thiệt hại đầu tiên chính là người dân địa phương...
Mới đây, Liên Hiệp Quốc đã khuyến cáo chính quyền CSVN không nên sử dụng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá, vốn gây ô nhiễm trầm trọng. Những công nghệ nhập của Trung Cộng hiện nay là lạc hậu, mà họ muốn đẩy sang Việt Nam.
Vũ Minh Ngọc / SBTN

CSVN lo lắng người dân bị áp bức phản ứng ngày càng mạnh

Ảnh: Hội nghị trực tuyến tại Hà Nội (ảnh: Q.Vinh)
Chiều ngày 7-10, đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, dưới sự chủ trì của thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc. Nhiều nội dung phúc trình cho thấy người dân hiện nay ngày càng phản ứng mạnh mẽ hơn, trước những oan khuất mà nhà cầm quyền đã gây ra cho họ.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận một phần của nguyên do khiến người dân phẫn uất: “Nhiều chủ tịch tỉnh, huyện, xã né tránh việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Có trường hợp còn thách đố dân ‘giỏi thì lên trung ương mà kiện’.
Phúc trình của Thanh tra Chính phủ cho biết từ năm 2012 – 2015, số lượng tập thể đi khiếu nại, tố cáo lên tới 18,316 đoàn. Đặc biệt là khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, có số tập thể đi khiếu nại, tố cáo tăng tới hơn 61% so với giai đoạn 2008-2011.
Có tập thể lên tới vài trăm người, với thái độ tức giận, gay gắt, nhiều lần tập trung tại Hà Nội, căng khẩu hiệu, biểu ngữ, nhiều ngày tập trung trước cổng trụ sở các cơ quan công quyền ở Hà Nội. Đã xảy ra nhiều vụ người dân bị xử ép, dồn vào đường cùng đã dẫn đến xô xát giữa nhân viên công lực và người dân đi khiếu kiện.
Phúc trình nói rằng tính đến ngày 15-8-2016, các cơ quan hành chính nhà nước đã xem xét, giải quyết 522/528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Phan Văn Sáu có ‘đổ thừa’ rằng: “Điều đáng lo ngại là tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay đang bị kẻ xấu lợi dụng kích động, xuyên tạc, bôi xấu, đe dọa và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đồng thời, tác động tiêu cực vào tâm lý, hành động của cán bộ, vào đời sống xã hội và niềm tin của một bộ phận không nhỏ nhân dân, cán bộ đối với chính quyền”.
Kẻ xấu đó là ai? Trên tất cả các tờ báo ‘lề đảng’ phát hành ngày 7-10 đều dẫn nguồn tin từ Bộ Công an CSVN nói rằng kẻ xấu đó chính là ‘đảng Việt Tân’! Một nhà dân chủ đã phát biểu rằng, cái gì mà chính quyền CSVN giải quyết không được, thì họ đổ cho Việt Tân! Trong khi người dân VIệt Nam thì phản đối, nói người dân đâu có ngu dốt để bị người khác xúi dục!
Vũ Minh Ngọc / SBTN