Hơn 1000 tỷ đồng ngân sách chi cho cán bộ xuất ngoại, đây là kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ đối với việc quản lý công tác đi nước ngoài của một số bộ, ngành giai đoạn 2012-2016.
Báo Dân trí dẫn kết quả kiểm tra việc quản lý công tác đi nước ngoài mới đây của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2012 – 2016, đã có tổng cộng 14.667 đoàn với gần 42.000 lượt cán bộ đi xuất ngoại. Tổng kinh phí cho các chuyến đi này vào khoảng 1.004 tỷ đồng.
Con số này khiến dư luận dấy lên lo ngại vì một số lý do. Thứ nhất, mục đích của một số chuyến xuất ngoại là “khảo sát học tập kinh nghiệm” kết hợp “tham quan, thăm viếng thân nhân, gia đình”. Thứ hai, tần suất đi công tác nước ngoài của một số cán bộ cao bất thường, cá biệt có vị đi tới 10 lần trong một năm. Thứ ba, chi phí cho những chuyến đi này rất lớn.
Ví dụ, hồi tháng 1/2016, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ký quyết định cử đoàn cán bộ đi nước ngoài để tìm hiểu thị trường và hội chợ tại Agentina, Cuba và Panama trong thời gian 12 ngày. Tổng chi phí cho 5 cán bộ là gần 1,4 tỷ đồng. Trong số 5 cán bộ này có cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa với khoản kinh phí gần 321 triệu đồng, theo nguồn tin từ Dân trí.
Vụ việc này đặt trong bối cảnh chi thường xuyên “đè nặng” ngân sách (chiếm 83% tổng chi ngân sách trong 2 tháng đầu năm 2018), chi đầu tư phát triển trở nên eo hẹp, ngân sách liên tục bội chi, nợ công cao.
Dĩ nhiên, nhiều chuyến công du là thực sự cần thiết, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế, văn hoá, ngoại giao của đất nước. Tuy nhiên, có không ít dấu hiệu lãng phí, sai phạm. Vì thiếu cơ chế giám sát, quản lý và xử phạt chặt chẽ nên khó có thể quy trách nhiệm cho ai hoặc thu hồi lại một phần số tiền lãng phí.
Cổ nhân có câu: “Thấy một hạt cơm, một thìa cháo cũng nên nghĩ rằng có được nó không hề đơn giản. Thấy từng sợi chỉ, từng manh áo cũng nên nghĩ rằng có được nó thật gian nan”. Trước đây, khi Phùng Khắc Khoan đi sứ Trung Hoa, ông thấy trên các sườn đồi, sườn núi trồng bạt ngàn cây ngô, với thứ hạt to gấp mấy lần hạt gạo, vị ngọt bùi.
Khi ông chuẩn bị về nước, Hoàng đế nhà Minh thết đãi ông một bữa yến sào. Nhưng Phùng Khắc Khoan khéo léo chối từ và xin được ăn ngô thay yến, lại còn xin ban ngô ăn dọc đường, mục đích là để mang giống ngô về nước cho dân Việt. Dọc đường, ông cẩn thận giữ gìn từng hạt ngô một, ăn một bữa, nhịn một bữa, cuối cùng đã đem được giống ngũ cốc quý giá ấy về cho nước ta.
Cựu Tổng thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch sau khi dùng cơm xong có thói quen ăn trái cây, ví dụ như đu đủ, chuối, dưa hấu… Khi ăn chuối, nếu lúc trưa chỉ ăn một đoạn nhỏ thì ông sẽ giữ lại để buổi tối tiếp tục ăn, nếu có người không biết đem đi bỏ thì sẽ bị ông mắng. Có một lần Tưởng Giới Thạch cùng hai đứa cháu là Hiếu Võ và Hiếu Dũng ăn cơm, khi người phục vụ đưa lên hai miếng dưa hấu, ông chỉ chọn một trong hai rồi dùng dao chia đôi cho hai đứa cháu ăn. Ông nói với chúng khi ăn đồ cần phải biết thỏa mãn, không được lãng phí, đủ ăn là được rồi.
Văn hoá truyền thống phương Đông vốn coi trọng đức tính tiết kiệm, liêm khiết, lấy “tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức” (Gia Cát Lượng). Bởi lẽ, tiền bạc vật chất mà mỗi người có được đều là do phúc đức tích luỹ từ trước, lãng phí một hạt gạo chính là giảm một phần phúc phận. Trong cuốn “Tả truyện” cũng viết: “Tiết kiệm là phẩm chất đạo đức cao trong những việc thiện, xa hoa lãng phí là đại ác trong những việc ác”.
Ở phương Tây, đức tính tiết kiệm cũng được tán dương. Ông, cựu Tổng thống Uruguay cùng vợ sống trong căn nhà tuềnh toàng ở một nông trang và dành phần lớn lương của mình làm từ thiện. Ông được mệnh danh là “Tổng thống nghèo nhất thế giới”, và mãn nhiệm trong sự tiếc nuối và kính trọng của người dân cả nước.
Các nước phương Tây cũng coi trọng sự minh bạch trong sử dụng ngân sách. Năm 2015, Thủ tướng Pháp lúc đó là ông Manuel Valls, nhân chuyến công tác đã tranh thủ dùng máy bay công đưa ông cùng 2 con trai sang Đức xem trận bóng đá chung kết Champions League. Dư luận đã lên án dữ dội và yêu cầu ông Valls phải trả lại tiền vé máy bay cho cả 3 cha con.
Như vậy, dù là xét dưới góc độ đạo đức và văn hoá truyền thống, hay dưới góc độ luật pháp hiện đại, thì hành vi lãng phí tiền ngân sách cũng là sai trái. “Ngân sách” thực ra là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân, báo chí đã từng đưa tin có nhà dân ở Thanh Hoá bị cưỡng chế tịch thu chiếc giường duy nhất vì không đủ tiền đóng góp.
Những cán bộ Nhà nước tiêu xài lãng phí tiền ngân sách cho dù “lọt lưới” hay “hạ cánh an toàn”, kỳ thực cũng không sao thoát khỏi lưới Trời lồng lộng. Việc làm này khiến họ tạo nghiệp, tổn đức, Phật gia giảng rằng họ sẽ phải chịu đựng đau khổ, bệnh tật, nghèo khó trong tương lai để bồi hoàn.
Ngẫm cho cùng, quy luật nhân quả là luôn luôn công bằng, có vay có trả. Liêm khiết, tiết kiệm ấy, bề mặt là tốt cho dân, cho nước, thực ra là tốt cho chính những cán bộ trong bộ máy công quyền. Liêm khiết, tiết kiệm không chỉ khiến họ giữ được đạo đức, tự tôn của một con người, m
à còn giúp họ tránh việc tạo nghiệp, tổn đức, phải chịu báo ứng về sau.
Ngân Hà