Wednesday, March 30, 2016

Trung Quốc " khuyên " Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng song phương

Trọng Nghĩa 
Theo RFI-29-03-2016 14:56 
media
Một tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông REUTERS/Nguyen Minh/Files

Quân đội Việt Nam và Trung Quốc nên tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhau. Đây là nội dung thông điệp do Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn gởi đến giới lãnh đạo Việt Nam nhân chuyến công du từ 27/03 đến 31/03/2016. "Lời khuyên" này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Việt Trung vẫn căng thẳng trên vấn đề Biển Đông, trong lúc hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ càng lúc càng được tăng cường.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo được bộ Quốc Phòng Trung Quốc công bố hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng quân đội hai nước nên « tăng cường các chuyến thăm cấp cao và trao đổi chiến lược, nâng cao tình hữu nghị, củng cố hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới và hợp tác thiết thực trên vấn đề tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nghiên cứu khoa học quân sự và công nghiệp quốc phòng ».
Theo ghi nhận của Reuters, bản thông cáo không đề cập trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông giữa hai bên, nhưng cho biết là tư lệnh Hạm Đội Nam Hải của Trung Quốc có mặt trong cuộc gặp giữa phái đoàn Trung Quốc và Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 27/03.
Nhân cuộc gặp, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã cho rằng hai nước cần phấn đấu để duy trì mối quan hệ hữu nghị từng được hai cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh xây dựng.
Theo giới phân tích, những lời lẽ đầy tình hữu nghị trên đây là nhằm xoa dịu Việt Nam vào lúc Hà Nội tiếp tục đả kích các hành động của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa Biển Đông, cụ thể là đưa chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm, vùng quần đảo Hoàng Sa, và đặt cả tên lửa phòng không và chống hạm trên đó, đồng thời liên tục sách nhiễu ngư dân Việt Nam.
Báo chí Việt Nam đã nêu bật nội dung Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, cho biết là quân đội hai bên đã đồng ý tự kiềm chế để tránh xung đột trên Biển Đông. Vấn đề là trên Biển Đông, cho đến nay, chủ yếu các hành vi sách nhiễu lại do lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc tiến hành.
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post khi đưa tin về chuyến công du Việt Nam của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã nêu bật nhận định của một chuyên gia Trung Quốc tại trường Đại Học Tế Nam, cho rằng chuyến thăm là một động thái chính trị quan trọng, vì cả hai bên cần duy trì liên lạc chặt chẽ giữa các quan chức cấp cao để giúp ổn định tình hình ở Biển Đông.
Còn theo một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn cho thấy là Trung Quốc muốn giữ quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, một quốc gia không phải là đồng minh của Mỹ như Philippines.

Trung Quốc kêu gọi siết chặt quan hệ quốc phòng với Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.
VOA-30-03-2016
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đề nghị quân đội Việt-Trung tăng cường trao đổi, liên lạc, và siết chặt hữu nghị.
Lời kêu gọi được đưa ra nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tới Hà Nội trong tuần này giữa bối cảnh căng thẳng tranh chấp Biển Đông leo thang vì các hành động bất chấp của Trung Quốc.
Bản tin Reuters ngày 30/3 cho hay trong cuộc gặp với Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, ông Thường thúc giục hai nước nên nỗ lực duy trì các mối quan hệ mật thiết mà cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đã gầy dựng từ trong quá khứ.
Thông cáo chiều tối thứ hai của Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời  ông Thường Vạn Toàn nói quân đội hai bên nên đẩy mạnh các cuộc trao đổi cấp cao và giao tiếp chiến lược, nghiên cứu học thuật và kỹ nghệ quốc phòng, cũng như hợp tác trong sứ mạng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.
VTC News ngày 30/3 dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Nguyễn Chí Vịnh, cho hay hai nước Việt-Trung nhất trí tìm kiếm các phương cách mới để tăng cường hợp tác thực chất, trong đó có việc Hà Nội chủ động mời tàu hải quân Trung Quốc thăm các cảng của Việt Nam bao gồm cảng Cam Ranh. Đây là cảng nước sâu có địa thế chiến lược gây chú ý quân sự qua nhiều thời kỳ và cũng là một điểm chú ý của Mỹ trong chính sách ‘Xoay trục về Châu Á’ giữa sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt tại điểm nóng Biển Đông.
Tháng rồi, căng thẳng Biển Đông giữa hai nước Việt-Trung lên cao sau khi Bắc Kinh triển khai phi đạn đất-đối-không tối tân ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền nhưng hiện đang bị Trung Quốc kiểm soát.
Hà Nội nói hành động của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và đã gửi công hàm tới đại sứ quán Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc để phản đối.
Theo Reuters, Free Malaysia Today

Đâu là dấu ấn của ông Sinh Hùng?

Theo BBC-4 giờ trước 

Ông Nguyễn Sinh HùngImage copyrightGetty
Image captionÔng Nguyễn Sinh Hùng rời chức vụ Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sớm hơn nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13
Một số nhà quan sát thời sự và chính trị Việt Nam chia sẻ với BBC những đánh giá, nhận định về dấu ấn cá nhân và những điểm ưu khuyết của ông Nguyễn Sinh Hùng trong ngày Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội.
Từ Sài Gòn, blogger Nguyễn An Dân cho rằng nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp của Việt Nam đã 'đóng tròn vai' tuy Quốc hội mà ông là người lãnh đạo chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và người dân, ông nói với BBC hôm 30/3/2016:
"Về ông Nguyễn Sinh Hùng thì cũng là một người đóng tròn vai trong vai trò Chủ tịch Quốc hội đối với yêu cầu mà Đảng (Cộng sản Việt Nam) giao cho ông, thế thôi. Nhưng mà đương nhiên về mặt quần chúng, thì rõ ràng trong thời gian vừa qua, trong nhiệm kỳ của ông Hùng, thì hoạt động của Quốc hội chưa đáp ứng được kỳ vọng của quần chúng.
"Về ưu điểm, nhiều người nói đã nhiều, nhưng về khuyết điểm thì chắc có nhiều chú ý... Trong thời gian vừa qua, ông Hùng có một động thái được đánh giá là không hay.
"Đó là ông Hùng đi thăm Trung Quốc khi mà cuộc bầu bán ở Đại hội 12 nó đang căng thẳng, cũng như là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lúc đó, vào thời điểm đó, rất căng thẳng về vấn đề Biển Đông.
"Thì ông Hùng có một động thái đi thăm Trung Quốc trong môt tình huống nhạy cảm như vậy làm cho dư luận người ta có nhiều ý kiến bàn cãi khác nhau."
Về mặt ưu điểm của vị Chủ tịch Quốc hội từ nhiệm sớm, blogger Nguyễn An Dân nói:
"Tuy nhiên dưới thời ông Hùng, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng được nhiều tiếng nói cởi mở hơn, ví dụ ông Đại biểu Lê Như Tiến, rồi vừa rồi Đại biểu Võ Thị Nhung... thì đó là một nét son. Dưới thời ông Nguyễn Sinh Hùng, có nhiều tiếng nói thực chất hơn và những vấn đề thực chất hơn.
"Nhưng còn một thiếu sót là ông Hùng vẫn chưa kêu gọi Quốc hội ra một Nghị quyết hay là một quyết định quan trọng và một thông điệp ngoại giao của Việt Nam về vấn đề Biển Đông," blogger, nhà phân tích thời sự Việt Nam nói với BBC.

'Khó tìm dấu ấn'

PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao
Image captionPGS. TS. Hoàng Ngọc Giao cho rằng chất lượng và nội dung làm việc thực chất của Quốc hội khóa 13 có nhiều điểm chưa đáp ứng yêu cầu.
Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu chính sách và pháp luật Việt Nam, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao đưa ra bình luận cho rằng khó tìm thấy dấu ấn tích cực ở Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, khi mà về mặt thực chất Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ khóa 13 còn có nhiều điểm 'chưa hài lòng', tuy Quốc hội cũng đã xây dựng được một số luật.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển của Việt Nam (thuộc Vusta) nói:
"Có lẽ dấu ấn lớn nhất theo nghĩa gọi là tích cực thì tôi sợ là khó tìm. Nhìn lại khóa vừa rồi của Quốc hội, thì có thể nói là, nói một cách tích cực Quốc hội cũng đã xây dựng được một số luật. Đó là công việc lập pháp của Quốc hội, tuy nhiên đó là thuộc trách nhiệm Quốc hội.
"Tuy nhiên, nếu nhìn góc độ chất lượng Quốc hội, cũng như nội dung hoạt động của Quốc hội, với tư cách cử tri, tôi phải nói rất là chưa hài lòng. Thứ nhất, trong câu chuyện bảo vệ chủ quyền Biển đảo của Việt Nam, Quốc hội đã không ra được một Nghị quyết nào cả, mà trong đó, chắc chắn trách nhiệm thuộc về người đứng đầu Quốc hội là ông Chủ tịch Quốc hội.
"Quốc hội là người đại diện cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân, vậy mà nhân dân rất là mong đợi ra được một Nghị quyết liên quan đến Biển Đông, lên án hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhưng mà Quốc hội đã không làm được việc đó. Đấy là một sự thất vọng rất lớn đối với cử tri.
"Việc thứ hai tôi thấy rằng là Quốc hội với tư cách là cơ quan lập pháp, nhưng chất lượng làm luật tôi thấy rất là yếu kém. Có nhiều dự án luật được thông qua nhưng không khả thi, mà thậm chí là còn gây ra những thiệt thòi cho người lao động, thí dụ như dự án về Luật Bảo hiểm Xã hội, hoặc là nhiều luật được thông qua, nhưng mà sau đó lại phải sửa đổi.
"Đây là trách nhiệm thuộc về Quốc hội, mặc dù ở Việt Nam, làm luật do Chính phủ trình ra, nhưng Quốc hội là người thẩm tra, là người xem xét các dự án luật và biểu quyết thông qua. Nên chất lượng các đạo luật ở Việt Nam, người chịu trách nhiệm, cơ quan phải chịu trách nhiệm đầu tiên, đó là Quốc hội, thế và luật làm không tốt, thì Quốc hội phải chịu trách nhiệm", Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói với BBC.

Phát biểu cảm tính

Việt NamImage copyrightHoang Dinh Nam AFP GETTY
Image captionBốn chính khách được cho sẽ là 'tứ trụ' mới tại Việt Nam
Mới đây, trên truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng, trong lúc đương nhiệm cả hai chức Chủ tịch Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia, được trích thuật nói rằng ông đã suy nghĩ và chuẩn bị về người kế nhiệm cho mình, trong lúc kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ở Việt Nam còn chưa diễn ra trước cuối tháng Năm.
Bình luận về điều này, nhà nghiên cứu chính sách luật Hoàng Ngọc Giao nói tiếp:
"Theo tôi Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhiều lúc phát biểu những câu nói ở nghị trường mà được báo chí công bố công khai, nhiều câu phát biểu của Chủ tịch, cá nhân tôi, tôi nhận thấy rằng nó chứa thể hiện ông là một nhà chính khách, phát biểu theo kiểu cảm tính, và nhiều lúc những phát biểu của Chủ tịch trong dư luận người ta cảm thấy là không ổn cả về mặt thực tiễn cũng như lý luận...
"Thứ hai, khi phát biểu chuẩn bị người kế nhiệm, thì theo tôi cũng là một phát biểu tương tự như những phát biểu trong thời gian vừa qua, là nó cảm tính quá. Nó không đúng với lại một thực tế là Quốc hội là do dân bầu ra, chứ tại sao một người lại đi chuẩn bị người kế nhiệm là thế nào?
"Đây không phải gọi là cơ quan hành chính để mà thay thế người kế nhiệm, đây là cơ quan dân cử, cho nên Chủ tịch Quốc hội cũng như một Đại biểu Quốc hội thông thường, là có quyền bình đẳng như nhau, và người dân người ta lựa chọn ai vào Quốc hội, cũng như Quốc hội bầu ra ai, hay là (bầu) Chủ tịch Quốc hội đó, là quyền của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội, chứ không thể nào theo hướng là ông ấy chuẩn bị người kế nhiệm.
"Theo tôi câu nói này không phải là của một chính trị gia, lại càng không thể là một Nghị sỹ Quốc hội, mà phát biểu như vậy nói thật là không phản ánh đúng với thực tế, nó không phản ánh đúng với lý thuyết của Quốc hội.
"Cũng có lẽ vì trên thực tế với cách bầu cử của Việt Nam hiện nay, thì ông Sinh Hùng nói câu đó là bộc lộ cái thực tế hiện nay, và cũng có thể ông thể hiện là ông rất thật thà. Thế nhưng nếu đúng dưới góc độ bản chất của Quốc hội, cũng như các Đại biểu Quốc hội, thì phát biểu câu đó, theo tôi, là một phát biểu không đúng với tư cách của một chính khách, nghị sỹ Quốc hội.
"Phát biểu như vậy nó dễ gây phản cảm trong nhân dân vì cảm thấy là cần gì phải bầu nữa?" PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm.

Nhiệm kỳ sôi động

PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Image captionPGS. TS. Phạm Quý Thọ cho rằng nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 sôi nổi và có đổi mới hơn so với Quốc hội khóa trước đó.
Từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà phân tích chính sách công, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, bình luận về dấu ấn của Quốc hội Khóa 13 và việc thay đổi Chủ tịch Quốc hội khóa này, ông nói:
"Đây là một nhiệm kỳ khá là sôi động và có nhiều biến động của nhiệm kỳ khóa 13 này. Trước hết phải nói Quốc hội lần này càng gần về cuối thì càng hết sức sôi nổi, đặc biệt trong mấy ngày vừa qua đánh giá, kiểm điểm nhiệm kỳ của Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội cũng như là của Thủ tướng Chính phủ rất là sôi nổi.
"Thậm chí là nói thẳng và nói rất mạnh mẽ. Buổi sáng hôm nay (30/3), Quốc hội cũng bàn tới việc thay đổi nhân sự, trước hết là Chủ tịch Quốc hội khóa 13 này thôi và thôi cả chức danh Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia, sau đó sẽ làm tiếp về nhân sự trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13.
"Quốc hội khóa 13 này, thời gian đầu có vẻ như là không được sôi nổi lắm, tuy nhiên bắt đầu người ta thấy cũng có những ý kiến khác nhau, thậm chí có vẻ như là tranh luận rất sôi nổi, và càng gần về đến cuối thì càng sôi nổi.
"Như thế cũng thể hiện rằng trước kia người ta đều cho rằng Quốc hội là 'nghị gật' thôi, nhưng gần đây người ta cho rằng gần cuối nhiệm kỳ này, đặc biệt khóa họp sau Đại hội Đảng 12 này, những phát biểu của Đại biểu Quốc hội có vẻ thẳng thắn hơn, tranh luận sôi nổi.
"Thậm chí nói thẳng nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm như là về tham nhũng, rồi đặc biệt là công tác cán bộ, mà nếu như công tác cán bộ như thế này, rồi kiểu chạy quyền, chạy chức, cũng như các hiện tượng khác mà nó còn diễn ra như thế này, thì người ta thấy nguy cơ cho đất nước này.
"Cho nên việc thay đổi Chủ tịch Quốc hội khóa này trước hết là đã có dự kiến của Đảng rồi, cho nên sẽ có một người mới thay Chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Sinh Hùng trong nay mai thôi, người ta cũng hy vọng có thể là sự kế tiếp này sẽ thể hiện rõ hơn vai trò của Quốc hội trong khóa tới, cái đó là những kỳ vọng.
"Hơn nữa, khi thay đổi này để chuẩn bị cho Quốc hội khóa sau, khóa 14, thì hiện nay đương có một phong trào những ứng cử viên độc lập ra ứng cử ở Quốc hội khóa này, cũng đang là một hiện tượng có vẻ mạnh mẽ hơn so với nhiệm kỳ trước, khóa trước của Quốc hội," PGS. TS Phạm Quý Thọ nói với BBC từ Học Viện Chính sách và Phát triển của Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam.
Theo dự kiến, cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ở Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối tháng 5/2016 tới đây.

Rủ nhau làm người tử tế... theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Hạ Trắng (Danlambao) - ...Nguyễn Tấn Dũng và tất cả những tên chóp bu cộng sản chưa bao giờ muốn trở thành người tử tế. Và cũng không bao giờ có thể trở thành người tử tế. Chính bọn chúng là những tên tội đồ dân tộc, đưa đất nước đến nguy cơ bị diệt vong. Nhất định những tên cộng sản không thể tử tế theo nghĩa “con người” được...

*

Tại phiên họp Chính phủ ngày 26-3-2016, ông Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng đã nhắn nhủ chính mình và các đồng chí nghỉ chính sách với mình hãy ráng “sống tử tế”, và “làm người tử tế”. Ông Dũng cũng nhấn mạnh điều quan trọng là phải trở thành “một công dân tốt, đảng viên tốt”.

Lời tâm tình của đồng chí Ếch trong phiên chợ chiều vừa dứt, báo chỉ “lề đảng” nhảy sấn sổ vào khen ngợi và ca tụng về nhân cách đạo đức lẫn trí tuệ cao vời của ông thủ tướng (cướp). Còn dân chúng thì ớ người, giật mình thảng thốt ngộ ra rằng: ồ thì ra từ trước tới nay, thủ tướng và toàn bộ cái cơ quan hành pháp mà mình vẫn oằn lưng nuôi nó, hóa ra là một bọn không tử tế. Bây giờ “nó” mới thừa nhận, bây giờ nó mới học làm người tử tế khi đã không còn chân trong các cuộc kinh doanh quyền lực. 

Nhưng ông thủ X chỉ tử tế miệng thôi. Ông vẫn cứ kiên định trở thành Người đảng viên cộng sản tốt. Mà đã là đảng viên tốt thì không thể làm người tử tế được. Người tử tế không thể là người cộng sản.

Tử tế nghĩa là lấy tấm lòng để đối đãi tấm lòng. 

Chân thành và rộng lượng, ấy là sự tử tế. 

Biết đồng cảm, chia sẻ, ấy là sự tử tế. 

Biết quý trọng tha nhân, sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, ấy là con người tử tế. 

Hiểu một cách ngắn gọn, điều tử tế là điều tốt đẹp, người tử tế là người đàng hoàng, có nhân cách. 

Người cộng sản là sản phẩm lỗi của nhân loại. Họ không có những đức tính bình thường của con người. 

Những kết luận trên hoàn toàn khách quan, công bằng và thực tế, không mang tính khiên cưỡng. Chỉ cần vào Google gõ “tội ác cộng sản”, sẽ cho ra những kết quả khiến bất cứ ai cũng có thể choáng váng.

Theo Wikipedia thì “Những vụ giết người có chủ đích mà không phải do chiến tranh dưới chế độ cộng sản đã được ghi nhận lại. Nhiều thuật ngữ đã được sử dụng để mô tả những vụ giết người trên, cụ thể bao gồm:

- Diệt chủng (Genocide)
- Thanh trừng chính trị (Politicide)
- Giết người thảm sát (Democide)
- Tội ác chống lại nhân loại (Crime against humanity)
- Thanh trừng giai cấp (Classicide)
- Khủng bố (Terror)
- Giết người hàng loạt (Mass killings)
- Communist Holocaust hay Red Holocaust - nôm na có nghĩa là "Thảm họa Cộng sản", lấy cảm hứng từ Holocaust - vụ tàn sát người Do Thái trên lãnh thổ Phát xít Đức”.

Điểm qua tội ác cộng sản Việt Nam, họ đã làm gì với dân tộc này?

Về nhân mạng:

- Cải cách ruộng đất từ 1953 đến 1956 tại miền Bắc đấu tố và giết hại khoảng 172 ngàn người, trong đó số người bị oan sai là 123.266 người, chiếm tỷ lệ 71,66%.

- Thảm sát hàng ngàn người dân Huế vào tết Mậu thân 1968.

- Năm 1975, xâm chiến hoàn toàn miền Nam, trả thù những cựu quân nhân, viên chức Việt Nam Cộng Hòa bằng cách giết hại, bắt lưu đày trong các nhà tù. Tạo ra thảm cảnh “thuyền nhân Việt Nam” với hàng ngàn con người phải bỏ mạng trên đường chạy họa cộng sản.

Đàn áp đối kháng, bóc lột người dân:

- Bách hại hàng trăm người chỉ vì những người này muốn cải cách và tiến bộ cho đất nước qua vụ án “xét lại chống đảng” và “nhân văn giai phẩm”.

- Đàn áp, giam cầm, đánh đập, trấn áp bất cứ người dân nào dám cất lên tiếng nói đòi nhân quyền, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ.

- Cướp đất, cướp nhà, cướp tài sản của hàng trăm ngàn người, đẩy họ vào cảnh tay trắng, tù đày và khổ cực.

Bán Nước:

- Dâng nhượng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung cộng bằng công hàm do Phạm Văn Đồng ký năm 1958.

- Ký kết Mật Ước Thành Đô mở đường để từng bước biến Việt Nam thành một tỉnh lỵ của Tàu cộng.

Và vô số tội ác khác...

Ngoài những tội ác giết người, đảng CSVN đã tạo nên những thành tích đáng sợ mang tính hủy diệt dân tộc: Tham nhũng, hủy hoại môi trường, bệnh tật, nghèo nàn lạc hậu, bất ổn...

Và tội ác lớn nhất là làm mất đi tính nhân bản của con người Việt Nam.

Với những gạch đầu dòng điển hình như thế, không riêng gì Nguyễn Tấn Dũng và tất cả những tên chóp bu cộng sản chưa bao giờ muốn trở thành người tử tế. Và cũng không bao giờ có thể trở thành người tử tế. Hơn nữa, chính bọn chúng là những tên tội đồ dân tộc, đưa đất nước đến nguy cơ bị diệt vong.

Cho nên, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc hay bất cứ tên chóp bu cộng sản nào cũng chỉ có thể trở thành người tử tế theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Nhất định những tên cộng sản không thể tử tế theo nghĩa “con người” được.

30.03.2016

Cảng Cam Ranh và “lòng tin chính trị”

Mẹ Nấm (Danlambao) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 31/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, bên cạnh việc công khai tuyên bố những ai phản đối mối quan hệ “16 vàng 4 tốt” là “thế lực thù địch”, lãnh đạo hai đảng Cộng sản độc tài Việt Nam – Trung Quốc còn có nhiều hoạt động củng cố “lòng tin chính trị”.

Ngoài việc tổ chức tuần tra chung giữa lực lượng biên phòng hai nước tại đoạn biên giới giữa mốc 1222 và 1223 thuộc địa bàn đồn Biên phòng Chi Ma (Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, Việt Nam), lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cũng có lời chủ động mời tàu Trung Quốc thăm cảng Cam Ranh. 

Cuộc giao lưu hữu nghị quốc phòng Việt-Trung, theo lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhằm “chú trọng xây dựng mối quan hệ quốc phòng thực chất để phát triển những mối quan hệ khác, đem lại hòa bình ổn định, lòng tin chính trị và lợi ích cho nhân dân hai nước.” (*)

Trong khuôn khổ bài trả lời phỏng vấn trên báo Vietnamnet ngày 29/3/2016, người ta chỉ thấy ông Vịnh nhắc đến họp tác biên giới trên bộ, và vịnh Bắc Bộ. 

Không một dòng nhắc đến biển đảo và những gì đã diễn ra với ngư dân Việt Nam.

Lòng tin chính trị là gì?

Làm sao phải “xây dựng lòng tin thực chất giữa hai quân đội”?

Và những sự kiện biên giới 1979, Gạc Ma 1988, Phú Lâm (Hoàng Sa), Vành Khăn (Trường Sa)... không đủ để khẳng định điều gì về lãnh thổ, về chủ quyền dân tộc sao?

Cảng Cam Ranh trước đây luôn được xem là một vị trí quan trọng bởi đây là một trong những cảng nước sâu lý tưởng nhất thế giới thích hợp cho mọi loại tàu chiến - kể cả tàu sân bay. 

Hết nóc nhà chiến lược Tây Nguyên bây giờ đến ban công trọng yếu Cam Ranh được chính lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam mở toang cửa đón bạn vàng vào nhà. 

Việt Nam đã và đang tiếp tục trở thành sân nhà và ao cá của Tàu cộng trên mọi yết hầu của tổ quốc.

Ngược lại, các quốc gia láng giềng thì lại có thái độ hoàn toàn khác hẳn. Trong ván cờ chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông, các nước trong khu vực đã có nhiều động thái khác nhau để bảo vệ lãnh thổ, tự vệ quốc phòng. 

Philippines đã đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Indonesia có thái độ cứng rắn khi triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để yêu cầu giải trình về việc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Indonesia bởi tàu cá và tàu hải giám.

Nhật Bản khánh thành trạm radar trên đảo Yonaguni để thắt chặt vòng vây mở rộng ra biển về hướng đông của Trung Quốc.

Còn Việt Nam làm gì?

Người dân Việt Nam hàng ngày còn phải đón đọc tin an ninh quốc phòng trên biển, qua công bố của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc..

Người dân Việt Nam còn không có quyền đứng trước đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành vi bắn giết, cướp bóc đồng bào mình.

Người dân Việt Nam phải bảo vệ tổ quốc bằng những con thuyền nhỏ bé trước phong ba hải tặc phương Bắc trong chủ trương “bám biển để giữ chủ quyền”.

Ngay cả mặc áo có hàng chữ HS-TS-VN cũng đối diện với nguy cơ vào tù vì lợi dụng quyền tự do dân chủ (thật sự là lòng yêu nước) để chống đối chế độ (không biết chế độ nào - ở Ba Đình hay ở Bắc Kinh).

Và lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam thì tay bắt mặt mừng hữu hảo xây dựng quan hệ, củng cố lòng tin chính trị.

Kể từ sau Hội nghị Thành Đô 1990 đến nay, cùng với các động thái chính trường sau đại hội đảng XII, một lần nữa, mối quan hệ lợi ích giữa hai đảng lãnh đạo độc tài đang được các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cụ thể hóa bằng các hoạt động ngoại giao. 

30.03.2016


_____________________________________

Chú thích:

"Chiếc mũ 258" đủ size cho mọi người!

LS Manh Dang - Tin rằng thực hiện quyền tự do ngôn luận, một quyền hiến định, thì Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị đưa ra tòa án xét xử theo điều 258 Bộ luật hình sự, đã nối tiếp theo chuỗi dài danh sách những công dân Việt phải chịu hình phạt theo tội danh này.

Quyền tự do ngôn luận là một phần của quyền tự do dân chủ được Hiến Pháp tu chính năm 2013 tái xác nhận tại điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Theo đó, quyền tự do ngôn luận là biểu hiện sự tự do tư tưởng, tự do phát biểu quan điểm đã là một trong những chuẩn mực chung cho nhân loại kể từ năm 1948, thời điểm thông qua bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Việt Nam đã là thành viên ký kết có nghĩa vụ tuân thủ.

Song song đó, điều 258 Bộ luật hình sự lại quy định như sau: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”.

Vậy, đâu là ranh giới giữa một bên là sự hành xử quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp và bên kia là tội hình sự lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước theo điều 258 Bộ luật hình sự?

Chắc chúng ta sẽ bất ngờ với câu trả lời ngay và luôn: Cơ quan an ninh nói ranh giới ấy ở đâu, thì nó ở đó!

Bằng chứng thực tế rằng sau khi bị truy tố, thì tất cả những bị cáo sau đó đều bị tòa án tuyên có tội! Chỉ ngoại trừ số ít những vụ bắt giữ về tội danh này mà không mang ra xét xử. 

Đồng thời, câu trả lời ngay và luôn đó cũng đã phản ảnh một sự thật đáng buồn mà giới luật sư ít muốn thừa nhận, đó là: Chưa có thân chủ nào bị truy tố với tội danh theo điều 258 mà được luật sư bào chữa thành công cả! Nói khác, chưa từng có luật sư nào thành công trong việc thuyết phục tòa án rằng hành xử của thân chủ mình vẫn nằm trong ranh giới an toàn, đó là thực hiện quyền tự do ngôn luận mà thôi!

Sự thật phũ phàng! Có buồn, nhưng không hề xấu hổ, không phải vì giới luật sư kém cỏi, mà vì ngành tư pháp xứ sở này vận hành theo cung cách như vậy!
Tội danh theo điều 258 là một tội danh mới và riêng có dành cho công dân Việt kể từ năm 1991, điều luật được khai sinh khi tu chính Bộ luật hình sự 1985.

Cùng với yêu cầu của công chúng đòi hỏi mở rộng tự do dân chủ ngày càng cao, thì trớ trêu thay, quy định về hình phạt của tội danh theo điều 258 cũng được nâng cao tương ứng, nguyên thủy từ năm 1991 khi điều luật mới được khai sinh, thì hình phạt cao nhất chỉ mới là “phạt tù đến ba năm” thì đến năm 1999, hình phạt cao nhất đã đạt quá gấp hai lần “phạt tù đến bảy năm”. Cho dù điều luật được tu chính trong bối cảnh đang có nhiều lời kêu gọi từ trong và ngoài nước yêu cầu hủy bỏ tội danh này!

Về phương diện học lý, điều luật 258 trong thực tế là điều luật không phù hợp với khoa học luật hình sự vì thừa yếu tố định tính mà thiếu hẳn yếu tố định lượng rõ ràng và cụ thể ! Yếu tố định lượng rõ ràng và cụ thể là cơ sở để điều luật được hiểu chính xác, chặt chẽ, đơn nghĩa, tránh khả năng hiểu đa nghĩa (hiểu sao cũng được, sẽ dẫn đến sự áp dụng tùy tiện điều luật).

Thiếu yếu tố định lượng rõ ràng, cụ thể được thể hiện qua các từ ngữ được dùng để hình thành điều luật như “Lợi dụng”, “Xâm phạm lợi ích” ! Đây là những từ ngữ chỉ sự “định tính” mơ hồ, không hàm chứa yếu tố “định lượng”. 

- Từ ngữ “Lợi dụng” : Thế nào là “hành xử quyền” hợp pháp và ở mức độ nào sẽ trở thành “lợi dụng quyền” vi phạm theo điều 258? 

- Từ ngữ “Xâm phạm lợi ích”: Lợi ích Nhà nước là gì? Phải chăng công dân phê bình hành vi bất xứng của chính quyền là xâm phạm lợi ích Nhà nước? Kể cả hành vi bất xứng đã là thực tế hiển nhiên?

Hiện nay, chưa từng có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền định nghĩa hay giải thích về nội hàm đầy đủ điều luật 258 này, đồng thời, do nội tại điều luật không có sự “định lượng” làm căn bản, cho nên, sự “định tính” của điều luật khó mà không dựa trên cơ sở đánh giá cảm tính của cơ quan điều tra!
Chưa kể, thiếu sự “định lượng” của điều luật, thì dựa trên cơ sở nào đánh giá mức độ vi phạm cũng như mức độ thiệt hại để quyết định mức hình phạt ? Trong khi sự giao động giữa mức hình phạt thấp nhất và mức cao nhất có sự chênh lệch rất lớn:
- Nhẹ nhất: Phạt cảnh cáo; 

- Nặng nhất : Phạt tù đến 7 năm;

Vô hình chung, điều 258 trở thành cái mũ hồ lô thần thông, có đủ size để cơ quan điều tra áp dụng trong mọi trường hợp mà họ cho là có sự “chống đối” chính quyền!
Mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn thi hành điều luật 258 này, thế nhưng, điều đó vẫn không cản trở các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng để xét xử công dân Việt mà họ cho rằng đã vi phạm điều luật. Thế nhưng, so chiếu đối với vấn đề biểu tình chẳng hạn, dù đã được quy định là quyền hiến định, nhưng việc trì hoãn ra luật thực hiện thì lại được xem là cơ sở pháp lý để cản trở công dân thực hiện quyền biểu tình!?

Rõ ràng, tiêu chuẩn kép trong việc áp dụng pháp luật theo ý chí của chính quyền là “đặc sản” riêng có ở xứ sở này, hậu quả thiệt thòi cuối cùng vẫn chỉ là công dân Việt gánh chịu!!! 

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin kéo theo sự ra đời các giải pháp thông tin, truyền thông đơn giản và phi truyền thống, mà trong đó, mỗi cá nhân đã có thể tự mình làm truyền thông hữu hiệu, phổ biến, loan truyền các quan điểm cá nhân của mình đến với cộng đồng một cách mạnh mẽ. Theo đó, thì ở xứ sở này, danh sách số lượng công dân Việt bị bắt giữ, bị xét xử vì “chiếc mũ 258” ngày càng được nối dài, họ từng là các nhà báo thuộc lề phải hay trái, các blogger, facebooker, thậm chí người khiếu kiện... đã phát biểu quan điểm của mình để góp ý, phản biện hay chỉ trích, phê phán hoặc đơn thuần là thông tin các chính sách của chính quyền, tạm kể như:
- Nguyễn Quang Lập, blogger;
- Lê Nguyễn Hương Trà, nhà báo, blogger;
- Trương Duy Nhất, nhà báo, blogger;
- Dao Pham Viet, Nhà văn, blogger; 
- Đinh Nhật Uy, facebooker;
- Hồng Lê Thọ, blogger;
- Nguyễn Văn Thông;
- Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người cao tuổi;
- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger;
- Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy;
...

Cá biệt, có cả trường hợp ông Đinh Tất Thắng, là người khiếu kiện ở Thanh Hóa đã hai lần bị tòa án xét xử cùng tội danh 258 vì đã bị cho rằng có hành vi gửi đơn, thư tố cáo vu khống, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân của nhiều lãnh đạo trong tỉnh Thanh Hóa và Trung ương...

Quan điểm quốc tế liên quan đến điều luật 258 Bộ luật hình sự Việt Nam thể hiện tiêu biểu qua đánh giá của Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc. Ông cho rằng điều luật 258 quá mơ hồ, dễ bị lạm dụng để bắt bớ những người có chính kiến trong xã hội và “cần phải được bãi bỏ hoặc sửa đổi”. Quan điểm này được ông nhấn mạnh trong báo cáo gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 30/1/2015. Là báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt đã có chuyến làm việc tại Việt Nam hồi tháng 7/2014 để trực tiếp điều tra về tình hình nhân quyền. 

Tham khảo thêm luật pháp ở các quốc gia dân chủ, có lẽ không cần phải trình bày nhiều lời, chỉ với việc công chúng ở đó cảm thấy hết sức bình thường khi thưởng thức bức biếm họa (dưới đây), trong đó, hoàng gia Anh và chính phủ Anh gồm Nữ Hoàng Elizabeth II cùng thủ tướng của họ đang cúi rạp mình để làm nấc thang cho Tập Cận Bình bước lên máy bay thì đã đủ rõ về nền dân chủ của họ.

Tranh biếm họa báo Times of London ngày 23-10-2015

Theo đó, với tình hình hiện nay, có lẽ những ai đã từng hành xử quyền hiến định tự do ngôn luận của mình để chia sẻ những quan điểm, góp ý, phản biện, chỉ trích, phê phán hay đơn thuần là thông tin các hành vi hoặc chính sách của chính quyền một cách công khai mà mình tin rằng bất xứng, đều có thể đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan an ninh Nhà nước, là những “khách hàng” mặc nhiên của “chiếc mũ 258”, việc cơ quan an ninh “cất vó” chỉ còn là vấn đề thời gian!
Mặt khác, việc càng nhiều công dân bị đội “chiếc mũ 258” trong chừng mực nào đó, lại là một tín hiệu lạc quan. Rõ ràng, việc tu chính điều luật để tăng nặng hình phạt không hề làm thuyên giảm việc công dân ý thức hành xử quyền tự do ngôn luận của mình, cho dù, họ hoàn toàn biết rõ hậu quả có thể xảy ra khi biểu lộ quan điểm của mình một cách công khai như một niềm tin vào sự thật, và chỉ có sự thật cùng với sự chấp nhận sự thật mới có thể cứu vãn được những giá trị đang phôi pha dần trên xứ sở này.

Hoặc họ tin vào phẩm chất của chính mình để công nhiên hành xử quyền tự do hiến định, hoặc họ tự mình khước từ quyền tự do chính đáng như là một sự lựa chọn. 

Người từng mang về niềm vinh dự lớn lao cho xứ sở khi đoạt giải Fields danh tiếng thế giới, toán học gia Ngô Bảo Châu từng minh định sự lựa chọn của mình:“bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.


Blogger Nguyễn Ngọc Già bị kết án 4 năm tù giam

Ông Nguyễn Đình Ngọc - tức blogger Nguyễn Ngọc Già (áo trắng) trước toà án chế độ cộng sản. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
CTV Danlambao - Ông Nguyễn Đình Ngọc - một tác giả quen thuộc trên Danlambao với bút danh Nguyễn Ngọc Già - vừa bất ngờ bị chế độ CSVN mang ra xét xử vào chiều nay, 30/3/2016, với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự.

Sau hơn 1 năm 3 tháng hoàn toàn không có tung tích, đây là lần đầu tiên hình ảnh của blogger này được xuất hiện trước dư luận. 

Bức ảnh chụp qua màn hình trên báo Tuổi Trẻ cho thấy blogger Nguyễn Ngọc Già trông già hơn so với độ tuổi 50 của mình, tuy vậy, ánh mắt ông vẫn tỏ ra cương nghị trước toà án cộng sản.

Theo cáo trạng, vụ bắt giam đối với ông Nguyễn Đình Ngọc xuất phát từ công văn của công ty cổ phần bưu chính viễn thông Sài Gòn gửi cơ quan CA, trong đó tố cáo ông Ngọc đã “phát tán trên intetnet các bài viết nói xấu Đảng và Nhà nước”.

Ngày 27/12/2014, ông bị khám xét và bắt khẩn cấp tại nhà riêng tại quận 7, Sài Gòn.

Dưới bút danh Nguyễn Ngọc Già, ông đã gửi đi nhiều bài viết có sức công phá mạnh mẽ đối với chế độ độc tài cộng sản đang nắm quyền tại Việt Nam. 

Trong đó, 22 bài viết của ông được đăng trên các trang mạng như Dân Làm Báo, Đàn Chim Việt, RFA… bị chế độ CS cáo buộc là đã “vu khống xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam, nói xấu, xuyên tạc vu khống các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam”.

Nguồn tin gửi đến Danlambao cho hay, phiên toà được bắt đầu lúc 14 giờ và kết thúc lúc 16 giờ chiều cùng ngày, tức chỉ vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ. Bà Lưu Thị Bích Hằng - vợ ông Ngọc cùng con trai là Nguyễn Đình Mạnh Duy có mặt trong phiên toà, tuy nhiên, những thân nhân khác trong gia đình không được tham gia phiên xử.

Kết thúc phiên toà chớp nhoáng, chế độ CSVN - thông qua viên thẩm phán Vũ Phi Long - đã kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế đối với ông Nguyễn Đình Ngọc. 

Nguyễn Ngọc Già là ai?

Blogger Nguyễn Ngọc Già. Ảnh: Lao Động.
Tham gia đấu tranh bằng ngòi bút trong suốt nhiều năm trời, thân thế của blogger Nguyễn Ngọc Già vẫn là điều bí mật đối với bạn đọc trong và ngoài nước. Ông là một trong những blogger viết rất đều đặn, với những loạt bài phân tích thời sự chính trị đầy công phu với độ chính xác cao.

Nhiều bài góp ý của ông có giá trị rất cao đối với các hoạt động tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ tù nhân lương tâm.

Blogger Nguyễn Ngọc Già tên thật là Nguyễn Đình Ngọc, sinh ngày 13/2/1966 tại Quảng Nam, là con trai út trong gia đình có 10 người con.

Năm 1996, sau khi hoàn tất chương trình cao học kinh tế tại đại học tổng hợp TP.HCM, ông vào làm việc tại đài truyền hình TP.HCM và giữ chức phó trưởng phòng kế hoạch dự án.

Do bất đồng quan điểm với chế độ CS, năm 2008, ông từ bỏ công việc tại đài truyền hình TP.HCM sau 12 năm công tác.

Ông chuyển sang kinh doanh nhà đất tại Sài Gòn.

Năm 2009, ông bí mật sử dụng bút danh Nguyễn Ngọc Già để phổ biến những bài viết tố cáo tham nhũng - bất công xã hội, đấu tranh cho các tù nhân lương tâm, cổ võ tự do, dân chủ, nhân quyền…

Năm 2013, ông bắt đầu tham gia cộng tác thường xuyên với Dân Làm Báo. Các bài viết của ông đã thu hút sự quan tâm rất lớn, với hàng trăm lời bình luận của độc giả khắp nơi.

Do mức độ ảnh hưởng quá lớn, năm 2014, email liên lạc ẩn danh của blogger này đã nhiều lần bị tấn công, khiến ông liên tục phải thay đổi email.

Ngày 27/12/2014, ông bị CA tiến hành khám xét và bắt khẩn cấp tại nhà riêng, địa chỉ 2EP1-11 (G11-4) Skygarden 1, Khu phố 6, Phường Tân Phong, Quận 7, Sài Gòn.

Trong thời gian giam giữ, người con trai út của ông là Nguyễn Đình Vĩnh Khang đã qua đời do tai nạn khi mới 19 tuổi.

Ngày 30/3/2016, trong phiên sơ thẩm kéo dài 2 tiếng đồng hồ, chế độ cộng sản đã kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế đối với blogger này.


CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com