Thursday, December 27, 2018

Chuyện sau Thành Đô

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Nội dung hội nghị Thành Đô giữa đại diện cao cấp đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) và đảng Cộng Sản Trung Hoa (Trung Cộng) trong hai ngày 3 và 4-9-1990 được giữ bí mật tuyệt đối, nên tất cả những bài viết về kết quả hội nghị Thành Đô, kể cả nguồn tin Việt Nam sẽ thành khu tự trị của Trung Cộng năm 2020, đều là phỏng đoán. 

Theo Trần Quang Cơ, thứ trưởng Ngoại giao CS, thì biên bản tóm tắt của hội nghị Thành Đô gổm “7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước...”. Nếu đơn giản đúng như Trần Quang Cơ viết trong hồi ký, thì tại sao đảng CSVN giấu kỹ nội dung hội nghị Thành Đô? Giấu kỹ có nghĩa là có khuất tất. Cũng không biết khuất tất ở điểm nào, nhưng những chuyện có thật dưới đây xảy ra sau Thành Đô thì mọi người đều biết.

Thay đổi lãnh đạo và Hiến pháp 

Thay đội quan trọng đầu tiên là CSVN thay đổi lãnh đạo. Đỗ Mười qua dự hội nghị Thành Đô năm 1990, thì năm sau lên làm tổng bí thư đảng CSVN. Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh là người đã ra lệnh cho bộ đội CSVN để cho Trung Cộng tự do đánh chiếm Gạc Ma, lên làm chủ tịch nước năm 1992. Từ sau Đỗ Mười, mỗi lần bầu chọn tổng bí thư, đảng CSVN đều tham khảo ý kiến của lãnh đạo Trung Cộng. 

Mặt khác, đảng CSVN ra lệnh cho quốc hội thay đổi hiến pháp. Thông thường, người ta thay đổi hiến pháp khi đất nước có thay đổi. Lần này, CSVN thay đổi hiến pháp chỉ vì thay đổi chính sách ngoại giao. Hiến pháp cũ năm 1980 là hiến pháp chống Trung Cộng. Ví dụ trong “Lời nói đầu”, hiến pháp này có đoạn: “Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây-Nam và chống bọn bá quyền Trung quốc ở biên giới phía Bắc...” 

Bản hiến pháp soạn lại lần này hoàn toàn không có chữ nào chống Trung Cộng, được quốc hội thông qua ngày 15-4-1992 và ban hành ngay. Hiến pháp là bộ luật cao nhứt nước, mà CS còn đổi cho đẹp lòng Trung Cộng, thì có gì mà CS không làm được? 

Thay đổi Văn hóa Xã hội 

Từ đây, Trung Cộng là tất cả những gì cao cả thiêng liêng đối với CSVN, đến nỗi CSVN “kỵ húy” khi nói đến Trung Cộng, giống như thời quân chủ kỵ húy tên vua chúa. Ví dụ ngư dân Việt bị tàu Trung Cộng tấn công, thì báo chí CS gọi là “tàu lạ”, mà không được nói là tàu Trung Cộng. 

Cờ Trung Cộng có 5 sao. Khi Nguyễn Phú Trọng thăm viếng Bắc Kinh, ngày 11-10-2011 đài Truyền hình Hà Nội cho phát hình cờ Trung Cộng có 6 sao. Sau đó, Tập Cẩm Bình đến Hà Nội ngày 21-12-2011, học sinh Việt Nam đón chào cũng bằng cờ 6 sao. Dân chúng Hà Nội cho rằng ngôi sao thứ 6 tượng trưng cho chế độ CSVN, chư hầu mới của Trung Cộng. 

Sách giáo khoa học sinh lớp 1 nhan đề Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ, có hình cờ Trung Cộng ngoài bìa thay vì hình cờ CSVN. Gieo vào trí óc trẻ em hình ảnh cờ Trung Cộng chỉ sớm phát triển toàn diện não trạng nô lệ bắc phương nơi trẻ em mà thôi. 

Từ sau hiệp định về biên giới trên đất liền và về lãnh hải trong các năm 1999 và 2000, CS sửa đổi sách giáo khoa lịch sử, sách giáo khoa địa lý, sửa đổi bản đồ, dùng tên Tàu để chỉ các hải đảo ngoài Biển Đông. 

Năm 2014, CSVN thỏa thuận cho Trung Cộng thành lập Viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội, giảng dạy tiếng Tàu, nói là củng cố và phát triển quan hệ hai nước, thực chất là mở đường Hán hóa và đi vào quỹ đạo của Trung Cộng. Ở các nước khác, Trung Cộng cũng lập viện Khổng Tử, nhưng bị kiểm soát và canh chừng chặt chẽ. 

Nham hiểm nhất là vào cuối năm 2017, có kẻ tên là Bùi Hiền, tốt nghiệp tiến sĩ ở Liên Xô, đưa ra “Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ”, thay đổi cách đánh vần Quốc ngữ, làm cho cách viết tiếng Việt giống cách La tinh hóa chữ Tàu. Chủ trương biến dạng chữ Việt, phải chăng nhằm mục đích loại trừ tiếng Việt? (Ở đây xin nhắc lại câu nói của Phạm Quỳnh: “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Vì vậy muốn xóa nước ta, thì trước hết Trung Cộng phải xóa tiếng Việt.) 

Lo ngại một thời kỳ Hán thuộc mới trên quê hương, dân chúng tổ chưc những cuộc biểu tình chống Trung Cộng. CSVN liền bắt giam tất cả những ai biểu lộ thái độ chống Trung Cộng, dù bất bạo động. Nạn nhân đầu tiên là luật sư Lê Chí Quang, vì ông Quang viết bài chỉ trích CSVN nhượng bộ trong hai hiệp ước ký với Trung Cộng Ông bị bắt tháng 2-2002 và bị tuyên án 4 năm tù giam, 3 năm quản thúc. 

Như thế, chỉ vì cam tâm làm tay sai cho Trung Cộng, đảng CSVN tiêu diệt lòng yêu nước, tiêu diệt hào khí dân tộc của người Việt. Một dân tộc không còn lòng yêu nước, không còn hào khí, chắc chắn sẽ là một dân tộc bạc nhược, mất gốc và dần dần tự tiêu vong. 

Ngoài ra, Trung Cộng còn dùng đòn bẫy chính trị và kinh tế để khuynh đảo bộ máy cầm quyền CSVN, ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội. 

Về chính trị, hiện nay ở trong nước, cán bộ các cấp CSVN hoàn toàn do Trung Cộng chi phối. Ai phục tùng Trung Cộng thì được thăng thưởng. Ví dụ điển hình là Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Ai không phục tùng, thì chắc chắn sẽ bị mất chức. Ví dụ rõ nét là bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. 

Nếu thời Tam quốc bên Trung Hoa, tư đồ Vương Doãn dùng mỹ nhân Điêu Thuyền để ly gián Đổng Trác với Lữ Bố, thì ngày nay CSTH dùng người đẹp Trương Mỹ Vân (Cheng Mei Wang) sập bẫy tổng bí thư Lê Khả Phiêu (nhiệm kỳ 1997-2001). Dưới thời viên tổng bí thư này,Việt Nam ký hai hiệp ước, mất ải Nam Quan và mất 10,000 km2 bề mặt Biển Đông. 

Về kinh tế, trong khi Việt Nam chuyển đổi từ kinh tế chỉ huy qua kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các công ty Trung Cộng vừa dùng thế lực chính trị, vừa hối lộ, mua chuộc cán bộ cao cấp, độc chiếm các hợp đồng kinh tế, đấu thầu những công trình kỹ nghệ quan trọng, tổ chức các tổ hợp sản xuất lớn, thuê đất rẻ, vị trí kinh doanh tốt, thuế biểu thấp. Nếu gây ô nhiễm môi trường mà bị phát hiện, thì chỉ bị phạt nhẹ, thấy ở Vũng Áng (Hà Tĩnh)... 

Còn rất nhiều mưu toan của CSVN âm thầm chuyển hướng văn hóa Việt sang văn hóa Tàu, mà bài viết ngắn này không thể ghi nhận hết được. Các sự kiện nổi cộm tiếp theo càng bạch hóa nội dung của thỏa thuận Thành Đô. 

Hiệp ước với Trung Cộng 

Vấn đề biên giới Việt Hoa cả hàng ngàn năm lịch sử cũng chưa giải quyết dứt khoát. Thế mà sau khi đầu phục Trung Cộng năm 1990, CSVN liền hội họp với Trung Cộng và nhanh chóng ký kết với Trung Cộng Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (ngày 30-12-1999), theo đó Việt Nam bị mất nhiều đất dọc theo biên giới, mất đoạn ải Nam Quan và một phần thác Bản Giốc. Ải Nam Quan là một đoạn đèo hẹp giúp người Việt phòng thủ chống những cuộc tấn công từ phương bắc, và ải Nam Nam là nơi ghi dấu những chiến tích oai hung của dân tộc. Thế mà CSVN đã nhượng đoạn đường đèo chiến lược lịch sử này cho Trung Cộng quá dễ dàng. 

Từ khi mất ải Nam Quan, hai chữ NAM QUAN biến mất trong tất cả các sách giáo khoa, sách sử địa, trong từ điển, và trên báo chí ấn hành sau năm 2000 ở Việt Nam. (Mời độc giả thử tự kiểm chứng các sách trong nước sau năm 2000.) 

Về vịnh Bắc Việt, so với cách phân chia năm 1887 với nhà Thanh (Trung Hoa) thời Pháp thuộc về vịnh Bắc Việt, thì Hiệp ước phân định lãnh hải, phân chia quyền lợi trên vịnh Bắc Việt (ngày 25-12-2000) làm Việt Nam mất trên 8% diện tích vịnh Bắc Việt, tương đương khoảng 10,000 Km2 mặt biển. 

Bô-Xít Tây Nguyên 

Kế đến là vấn đề bô-xít Tây nguyên. Tây nguyên là từ ngữ của CS sau năm 1975 để chỉ vùng cao nguyên Nam Trung phần. Cao nguyên này có nhiều tiềm năng về quặng bô-xít (bauxite), dùng để luyện nhôm, nhưng chuyên gia Liên Xô sau năm 1975 khuyến cáo là không nên khai thác vì sợ tác hại môi trường. Vì vậy, lúc đầu chương trình bô-xít Tây nguyên bị bãi bỏ. 

Sau Thành Đô, khi Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, CSVN trở lại kế hoạch thăm dò, chế biến bô xít Tây nguyên năm 2007, rồi thuê công ty Chalienco (Trung Cộng) xây dựng nhà máy khai thác với hàng chục ngàn chuyên viên và công nhân Trung Cộng, rất nguy hiểm cho an ninh đất nước. 

Theo báo Financial Times ngày 7-5-2009, thì đây là món quà Nguyễn Tấn Dũng triều cống Trung Cộng. Thật ra phẩm vật triều cống này không phải của riêng Dũng, mà là do quyết định của Bộ chính trị đảng CSVN, Nguyễn Tấn Dũng mới thực hiện. 

Các đặc khu kinh tế 

Hiện nay, vấn đề đang sôi nổi là chuyện ba đặc khu kinh tế. Xin nói ngay là Bộ chính trị đảng CSVN ra lệnh (ngày 22-3-2017) cho quốc hội soạn “Luật đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”, gọi tắt là luật đặc khu, có nghĩa là đảng CSVN quyết định thành lập các đặc khu, rồi ra lệnh quốc hội thi hành. 

Được biết quốc hội sẽ chung quyết dự luật đặc khu ngày Thứ ba 12-6-2018, thì ngày Chủ nhật 10-6-2018, trong nước nổ ra những cuộc biểu tình đông đảo ở các thành phố lớn. Ai cũng đã thấy những cuộc biểu tình này qua các You tube. 

Cũng cùng ngày đó, người Việt hải ngoại đồng tổ chức biểu tình tại tất cả các thủ đô và thành phố lớn các nước trên thế giới, phản đối dự luật bán đất cho Trung Cộng. 

Trước cao trào phản đối của đồng bào trong và ngoài nước, quốc hội CS phải hoãn biểu quyết luật đặc khu cho đến kỳ họp quốc hội lần thứ 6 vào tháng 10-2018. Tuy nhiên tháng 10 đã qua, chưa thấy quốc hội bàn chuyện đặc khu, nhưng phải coi chừng, vì bộ chính trị đảng CSVN có thể bất ngờ chen vào bắt buộc quốc hội bỏ phiếu khiến dân chúng không kịp trở tay. 

Sách báo đã viết nhiều về ba đặc khu trong dự luật. Ở đây, chỉ xin độc giả lưu ý rằng ba đặc khu trên đây là những vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Ai làm chủ các đặc khu, sẽ làm chủ bờ biển Việt Nam. Chắc chắn Trung Cộng muốn làm chủ các đặc khu, nhằm hỗ trợ cho chiến lược toàn cầu của Trung Cộng là “một vành đai, một con đường” (Nhất đới nhất lộ). 

Quan sát bản đồ Việt Nam trong vùng Đông Dương, chúng ta nhận thấy phía bắc Việt Nam, quân đội Trung Cộng rải dài dọc theo 6 tỉnh biên giới. Phía tây Việt Nam, Trung Cộng bảo trợ Lào và Cambodia. Phía đông và phía nam Việt Nam là vùng bờ biển, ba đặc khu trên phong tỏa và kiểm soát hoàn toàn đường ra biển của Việt Nam. 

Nhìn vào bản đồ này, ai cũng thấy rõ ràng rằng nếu Trung Cộng làm chủ các đặc khu trên đây, thì Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng vây cả bốn phía của Trung Cộng. 

Kết luận 

Cộng sản Việt Nam che giấu kết quả hội nghị Thành Đô, nhưng tất cả những chuyện có thật đã xảy ra sau hội nghị Thành Đô cho thấy Việt Nam đang đứng trước hiểm họa mất nước vào tay Trung Cộng. Hội nghị Thành Đô năm 1990 mở đầu kỷ nguyên “xâm lăng thầm lặng” (silent invasion), rất thâm độc, đưa Việt Nam vào quỹ đạo Trung Cộng. Rõ ràng hiểm họa mất nước vào tay Trung Cộng do đảng CSVN gây ra. 

Nhớ lại lịch sử, vào đầu thế kỷ 15, nước Việt chúng ta bị nhà Minh (Trung Hoa) đô hộ khoảng 20 năm. Sau cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh do Lê Lợi lãnh đạo thành công, Nguyễn Trải viết bản “Bình Ngô đại cáo”, đã mô tả nền cai trị của nhà Minh như sau: “Độc ác thay! Trúc rừng không ghi hết tội. Dơ bẩn thay! Nước bể không rửa sạch mùi!”

Cảnh tượng này ngày nay đang tái hiện khi nhìn qua các nước phía tây Trung Cộng. Trung Cộng tàn sát người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở Tân Cương, hoặc Trung Cộng đàn áp người Tây Tạng, bắt giam hàng triệu người vào trong những ngục tù tăm tối, khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma phải tố cáo và Liên Hiệp Quốc lên tiếng phản đối. 

Hiện tượng này bắt đầu manh nha ở Việt Nam. Trung Cộng lấn đất biên giới phía bắc, xâm chiếm các hải đảo ngoài biển Đông, lập các khu phố Tàu ở các thành phố Việt, di dân đến các vùng kinh tế mà Trung Cộng thuê bao dài hạn...

Viễn tượng đen tối đang chờ đợi người Việt Nam nếu một lần nữa Việt Nam lọt vào tay Trung Cộng. Xin chú ý rằng dù có người hiện là đảng viên CS, là cán bộ, bộ đội CS, công an nhân dân CS, con cháu của những người này cũng không thoát khỏi số phận hẩm hiu chung của dân tộc một khi Việt Nam lọt vào tay Trung Cộng, nghĩa là chết vào tay Trung Cộng. 

28.12.2018

Hang đá bác Hồ

Cu Tèo (Danlambao) - Thấy cảnh bà con bên Giáo lẫn bên Lương tấp nập đi viếng hang đá dựng nên khắp nơi để mừng kỷ niệm ngày Chúa Cứu thế giáng trần chiếu trên Du-Túp, Cu Tèo cực kỳ bức xúc, rồi cu tự hỏi cu, cớ sao người ta lại không biết làm hang đá bác Hồ để mừng ngày sinh cha già DT?

“Hang đá cho cha già DT”! Cu Tèo tự oánh giá, đây là một phát minh thời đại, một sáng kiến thiên tài; nếu phô ra cho thiên hạ biết, thì cu ta cầm chắc cái giải, không No-beo của quốc gia Na Uy thì cũng được No Béo do nhà nước CHXHCNCC cấp cho. 

Cu Tèo mắc bệnh dễ bị teo c...him, nên không dám đệ trình sáng kiến thiên tài, phát minh thời đại lên các nhà cách mạng lão thành lẫn ương ương, kể cả các nhà cách mạng choai choai, vì sợ lợi bất cập hại, lo biết đâu bị các đồng chí ấy kết tội cu phản động, cu đề xuất xỏ xiên xỏ lá, cu chửi xéo bác thì tan xác trong đồng côn an, không biết để cái Hĩm lại cho ai, nên cu ta chỉ biết trút bức xúc đầy tính cách mạng vào cái Hĩm. 

Quả thật Cu Tèo với Cái Hĩm như hình với bóng, là một “cặp đôi” hoàn hảo - mẹ kiếp văn hóa mới xhcn: đã “cặp” rồi còn “đôi”, trong khi “đội tuyển bóng đá” lại bị chặt đầu “chém treo ngành”, thành “tuyển bóng đá”!!!. Cái Hĩm hoàn toàn nhất trí đồng ý Con Cu, à lộn, Cu Tèo. Cu Ta gật gù hồ hởi phấn khởi khi nghe cái Hĩm bày tỏ quan điểm lập trường hang đá cho bác Hồ: 

Chúa Giê-Su có công xuống thế gian làm người trong hang đá Bê-lem, để chuộc tội cho nhân loại thì được nhân loại nhớ ơn, bằng cách làm hang đá mừng sinh nhật Chúa Hài Đồngsuốt 2000 năm qua.

Bác Hồ cũng có công chứ bộ. Đó là công ra đi tìm đường cứu đói, trước là cho bản thân, cho cha bị triều đình thất sủng đuổi việc, sau là cho đám khố rách áo ôm nay đang là tỷ tỷ phú, do “mọi quyền lời ắt về tay mình” sau khi cướp được chính quyền, nhờ một thời ngâm cứu cẩm nang Mác Lê trong hang Pắc Bó. Thế mà từ khi bác mất,1969 đến nay đã gần 50 năm, mỗi độ đến mùa đẻ ra cha cha già DT, chả có lấy một cái hang nào để cho dân nhìn vào cả nghĩa là làm sao! 

Được cái Hĩm bày tỏ quan điểm lập trường rất chi là đồng tình ủng hộ sáng kiến thiên tài của mình, Tèo liền đề xuất lên Hĩm cùng Cu dâng kiến nghị lên Bộ Chính Trị cho ra luật, đưa vào hiến pháp nước CHXHCNCC điều “Phải có hang đá mừng ngày đẻ cho cha già DT”. 

Cu Tèo đang gật gù chờ sự đồng thuận của bạn gái, thì Cái Hĩm bất thần sửng cồ lên, nói: Một hang Pắc Bó kia chưa đủ chứa lời thiên hạ chửi sao, mà nay còn đòi làm hang đá cho dân cả nước ném đá cha già DT thi có. 

Nghe đến đó, Cu Tèo tâm phục khẩu phục cái Hĩm. Rồi Cu tự oánh giá lại “sáng kiến thiên tài” hóa ra là sáng kiến thiên tai. 

27.12.2018

Họp ít, nói nhiều để che mắt dân

Phạm Trần (Danlambao) - Hội nghị Trung ương 9 khóa XII của đảng CSVN đã kết thúc chỉ sau 2 ngày làm việc (25-26/12/2018), ngắn nhất trong lịch sử đảng, nhưng lại nói nhiều để giấu dân những việc làm trong bóng tối.

Có 4 việc chính đã xảy ra tại kỳ họp được “khua chuông gõ mõ” nhiều nhất trong năm 2018, đó là:

Thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, trong tổng số 24 người, kể cả 3 người đứng đầu gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Có 3 người được miễn lấy phiếu kỳ này gồm Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, vì đã nghỉ bệnh lâu dài và hai ông Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới được bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9/5/2018 nên chưa đủ thời gian công tác theo quy định.

Nhưng sau khi lấy phiếu xong ngày 25/12 (2018), Ban Chấp hành Trung ương lại họp kín vào ngày hôm sau (26/12 (2018) để nghe báo cáo kết quả. 

Giống như lần lấy phiếu thứ nhất tại kỳ họp Trung ương 10 khóa đảng XI hồi tháng 1/2015, kết luận của Trung ương theo 3 mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” đã bị niêm phong không cho dân biết.

Chỉ thấy ông Trọng nói trong Diễn văn bế mạc hôm 26/12 (2018) rằng: “Qua kết quả được công bố trong Ban Chấp hành Trung ương đã một lần nữa cho thấy tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng, thái độ khách quan, công tâm”. Ông nói: “Kết quả đó còn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao trong Trung ương.”

Nghe ông Trọng nói thế thì cũng biết vậy thôi vì việc lấy phiếu lại do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Chính trị do ông Trọng đứng đầu thì ai dám đòi kiểm tra thật hư ra sao.

Thành phần đảng XIII 

Thứ hai là Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến về việc giới thiệu 205 nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu tiên cho nhiệm kỳ đảng khóa XIII (2021-2026). Đây là con số ít hơn số gần 250 người đã được chính ông Nguyễn Phú Trọng loan báo hôm khai mạc, 25/12/2018.

Thông báo cuối cùng của Hội nghị 9 đưa ra ngày 26/12/2018 đã không giải thích tại sao có sự sai biệt này. Nhưng họ là thành phần nào trong xã hội? 

Ông Trọng nói chắc như bắp rang: “Các đồng chí được giới thiệu vào quy hoạch đều được các địa phương, cơ quan, đơn vị đánh giá tốt về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực công tác, uy tín và triển vọng phát triển.”

Nhưng đến khi chọn giới thiệu thì Trung ương, theo lời ông Trọng: “Đã ghi phiếu và bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.”

Vì vậy, nhân dân và kể cả các đảng viên cũng không biết tên tuổi những người này. Theo tiến trình chọn lựa thì Bộ Chính trị sẽ quyết định chốt danh sách cuối cùng, dựa theo đề nghị của Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược do ông Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.

Theo lời Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thì lớp người mới thuộc 3 độ tuổi: dưới 55, dưới 50 và dưới 45.

Ông Chính nói chi tiết hơn: “Trong đó với độ tuổi dưới 55, người được xem xét đưa vào quy hoạch là bí thư, phó bí thư các tỉnh, thành, thứ trưởng và tương đương... Những cán bộ này phải là nhân sự được quy hoạch vào các chức vụ người đứng đầu nhiệm kỳ 2021-2026, là ủy viên cấp ủy hoặc tổ chức đảng ở cấp mình đang công tác.

Nhân sự dưới 50 tuổi thì chức vụ hiện hành có thể thấp hơn so với nhóm trên, cụ thể như Bí thư huyện ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương, thường trực HĐND, thường trực UBND... Đây phải là nhân sự đã được quy hoạch vào chức vụ người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.”

Cuối cùng, theo ông Chính: “Nhóm dưới 45 tuổi thì không yêu cầu phải giữ chức vụ hiện hành như hai nhóm trên, nhưng cũng phải nằm trong diện được giới thiệu, quy hoạch vào các chức danh do Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý (Phó bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng và tương đương). Đây là diện cán bộ tạo nguồn cho các khóa tiếp theo, có thể tham gia làm nhân sự dự khuyết Trung ương.” (VnExpress, 7/12/2018). 

Tự khoe hơn tiền nhiệm

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị 9, ông Nguyễn Phú Trọng đã không giấu giếm khoe rằng việc gọi là “xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” chỉ được bắt đầu từ khóa đảng XI (2011-2016) từ khi ông làm Tổng Bí thư. Ông nói: “Qua tổng kết, rút kinh nghiệm cách làm của khoá XI, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII này khẳng định phải tiếp tục làm và làm một cách căn cơ, bài bản, chặt chẽ hơn.”

Nhưng ông cũng thanh minh rằng: “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ XIII của Đảng.” 

Sở dĩ ông Trọng phải rào trước đón sau như vậy vì ngoài số người mới còn có các Ủy viên Trung ương khóa XII được tái cử nên chưa biết số người của Ban Chấp hành Trung ương XIII tương lai là bao nhiêu. Khóa đảng XII có 178 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.

Kỳ này, nhằm tạo uy tín cho sự lựa chọn của mình, ông Trọng đã nhắc lại tiêu chuẩn đã nói nhiều lần: “Tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực.”

Theo lộ trình của ông Trọng thì khóa đảng XIII sẽ diễn tiến từng bước: “Tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt.”

Lý do ông Trọng cẩn thận vì Điều lệ đảng không cho phép ông làm Tổng Bí thư qúa 2 nhiệm kỳ. Đến hết nhiệm kỳ XII, đầu năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ 77 tuổi là quá già yếu để có thể tiếp tục đứng đầu đảng hay đứng đầu nước. Do đó, ông sợ nếu làm hỏng công tác nhân sự cho khóa đảng tương lai thì ông sẽ bị lên án nói nhiều mà làm không được, và bị bôi đen trong lịch sử đảng. 

Việc Thứ ba được loan báo là Trung ương đã “Nghe Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018”, nhưng nội dung cũng không được công bố cho dân biết. 

Chỉ thấy ông Trọng tự khoe: “Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo đoàn kết, vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.”

Nhưng “chủ quyền quốc gia” có bao gồm Biển Đông đang bị Trung Cộng đe dọa ngày đêm không? 

Lý do thắc mắc vì đã từ lâu, trong nhiều trường hợp, đặc biệt trong hai Diễn văn khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 9 lần nay, không thấy ông Trọng nói đến vấn đề Biển Đông. Chẳng nhẽ Biển Đông đã hòa bình, hay lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã tự quên Hoàng Sa và Trường Sa là của Tổ tiên người Việt để lại? 

Việc Thứ bốn xảy ra tại Hội nghị 9 là Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cách chức ông Tất Thành Cang, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Cang bị tố cáo lạm quyền và gây hậu qủa nghiệm trọng trong nhiều dự án và chương trình kinh tế, kể cả vụ Thủ Thiêm.

Như vậy, ngoài vụ Tất Thành Cang, mọi vấn đề quan trọng khác tại Hội nghị Trung ương 9 đều diễn ra trong bóng tối, mặc dù mọi người đã phải nghe ông Trọng nói đến mỏi tai. 

27.12.2018

Cách chức Ông Tất Thành Cang: "Đốt lò" hay tranh giành "miếng bánh" miền Nam?

CTV Danlambao - Chiều 26 tháng 12, đảng cộng sản Việt Nam ra thông báo kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Phó Bí thư thường trực, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ Thành Hồ nhiệm kỳ 2015-2020 vì những “khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng."

Hội nghị Trung ương 9 của ĐCSVN diễn ra trong hai ngày 25 và 26 tháng 12 vừa qua. Trong bài phát biểu kết thúc hội nghị này, tổng tịch Nguyễn Phú Trọng nói rằng việc kỷ luật ông Cang là “bài học sâu sắc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm”. 

Trước đó, hồi trung tuần tháng 11, ông Cang bị Ủy ban kiểm tra TW ĐCSVN cáo buộc "vi phạm rất nghiêm trọng" trong nhiều vụ việc khi đương nhiệm lẫn khi còn ở vai trò Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM. Trong số đó có việc xây dựng bốn tuyến đường ở Thủ Thiêm với tổng chiều dài 12 km nhưng tổng đầu tư lên đến hơn 12.000 tỷ đồng, sang nhượng hơn 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) với giá trị thấp hơn nhiều lần so với gí trị thực tế... 

Trong khi dư luận đồn đoán về việc ông cang có thể bị khởi tố, bắt giam thì truyền thông nhà nước đưa tin ông Cang “xin nghỉ phép” từ ngày 17/12 tới ngày 3/1/2019. 

“Lò” Nguyễn Phú Trọng đang cháy rừng rực ở Thành Hồ nhằm đốt những khúc củi “đồng chí” phía nam, nơi cát cứ lâu năm của những “bố già” Lê Thanh Hải, Nguyễn Tấn Dũng. “Đốt cháy” những thế lực hắc ám cũ để dọn đường cho băng đảng đàn em hắc ám mới thay thế tiếp tục “ráng mỡ” nhân dân. 

Với quyết tâm “đốt lò” chống tham nhũng tổng tịch đã gửi thông điệp đến các đồng bọn phía Nam khá cứng rắn. Tuy nhiên, đây chỉ là trận chiến tranh giành lợi thế trong đảng giữa cộng sản Bắc và cộng sản Nam, người dân cuối cùng vẫn phải gánh chịu thiệt thòi!

27.12.2018

Các nhóm ‘tín dụng đen’ giết 84 người trong năm 2018

Một ông ở thôn Cặp Tiên, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh bị nhóm giang hồ “tín dụng đen” sát hại vì mượn tiền không trả đúng hạn. (Hình: Dân Trí)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đây là con số mà ông phó cục trưởng Cục Cảnh Sát Hình Sự, Bộ Công An loan báo về tội ác của các nhóm “tín dụng đen” đang hoành hành khắp nơi tại Việt Nam.
Báo Lao Động dẫn tin từ ông Phạm Văn Tám, phó cục trưởng Cục Cảnh Sát Hình Sự, Bộ Công An, cho biết tính riêng năm 2018, có 84 vụ giết người, 855 vụ cố ý thương tích, 105 vụ cướp tài sản, 35 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1,309 vụ lừa đảo tài sản liên quan đến các nhóm “tín dụng đen,” một hình thức cho vay và đi vay, với lãi suất quá cao so với lãi suất quy định của luật pháp, gắn liền với đó là tội phạm, vi phạm pháp luật.
Theo ông Tám, các nhóm “tín dụng đen” núp bóng cơ sở kinh doanh như cầm đồ, đòi nợ thuê, các công ty tài chính trá hình, tổ chức tín dụng hoạt động khuyến mại, hoa hồng, uỷ thác trái phiếu với lãi suất cao. Chúng cho vay tiền với thủ tục nhanh gọn và việc đòi nợ là các hình thức bất hợp pháp như giết người, bắt người, gây rối, đổ chất thải, chất bẩn. Những con nợ vướng vào “tín dụng đen” chỉ còn cách bỏ nhà đi trốn.
Ngoài ra, còn có hình thức chơi hụi họ, phường, kinh doanh đa cấp, sử dụng ứng dụng di động, cho vay trực tuyến, cho vay P2P (Peer to Peer – P2P Lending)…
Không có tiền trả, hoặc trả không đúng hẹn, người vay sẽ bị các nhóm “tín dụng đen” khủng bố nhà cửa, tính mạng. (Hình: Dân Trí)
Một hình thức nữa là vay nặng lãi, tập trung hầu hết tại các sòng bạc, đối tượng chuyên chơi bóng đá, số đề, đánh bài…thua nợ cần tiền gấp, và tiền cho vay thường lớn, với mức lãi suất cao có thể lên đến 50% một tháng.
“Không phải bây giờ mới nổi lên mà đã có từ lâu rồi. Giờ đây ‘tín dụng đen’ như cướp ngày, càn quét vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, các khu công nghiệp, chế xuất… mọi ngõ ngách đều có thể bắt gặp quảng cáo tờ rơi về ‘tín dụng đen’. Các đối tượng sử dụng sim rác để giao dịch, phát dán tờ rơi quảng cáo mạng điện thoại, Internet…,” ông Tám nói.
Nói về nguyên nhân hoạt động “tín dụng đen” ngày càng bành trướng, ông Tám cho rằng do nhu cầu vay vốn trong dân và các doanh nghiệp để phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, khi các sản phẩm tài chính ngân hàng bị “chặn cửa.” Trong khi các nhóm hoạt động “tín dụng đen” đáp ứng việc giải ngân tiền nhanh trong 15-20 phút với thủ tục đơn giản, kín đáo không cần xác định mục đích người vay tiền.
Thứ hai, nguồn tiền không sử dụng đến trong dân còn lớn, nhiều người do hám lợi cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc cho vay trung gian dưới hình thức lãi nặng gây rủi ro cho người đi vay và người cho vay.
Thứ ba, bộ phận nhỏ thanh thiếu niên xuống cấp về đạo đức, lười lao động sớm bỏ học do không vay nguồn vốn hợp pháp phải đi vay tín dụng đen.
Cuối cùng, quy định pháp luật về xử lý tội phạm, chưa có chế tài, hình phạt nhẹ chưa đủ sức răn đe, luật hiện hành quy định mức phạt cao nhất chỉ 3 năm tù. Còn lại chỉ xử phạt hành chính, phạt tiền cảnh cáo. Mức phạt đối với công ty tài chính cao nhất là 1 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận thu được của “tín dụng đen” cao gấp nhiều lần. (Tr.N)

Người dân quyết dẹp trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long

Thay vì chắn ngang để thu phí, hiện các thanh barie bị gác lên trụ bê tông để xe tự do qua lại. (Hình: Tiền Phong)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đã 10 ngày người dân “cắm chốt” tại trạm BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài yêu cầu xả trạm, đồng thời tuyên bố chống cho tới khi nào giới hữu trách dời trạm mới thôi.
Nói với báo Tiền Phong ngày 27 Tháng Mười Hai, 2018, ông Nguyễn Huy Việt, đại diện nhóm tài xế trực “xả trạm” BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài trong 10 ngày qua cho rằng, về tâm lý không ai muốn bỏ nhà, bỏ việc ra đường ngồi. Còn về việc đi lại qua trạm BOT Bắc Thăng Long trong thời gian tới, các lái xe thống nhất nguyên tắc: “Không đi đường BOT thì không thể mất tiền oan.”
“Vì muốn đòi lại sự công bằng nên chúng tôi buộc phải tập trung và chấp nhận dầm mưa dãi nắng cắm chốt xả trạm tại đây nhiều ngày qua,” anh Việt nói.
Cũng theo anh Việt, nguyện vọng lớn nhất của người dân là trạm BOT Bắc Thăng Long phải được trả về đúng dự án, nếu nhà đầu tư và cơ quan hữu trách không thực hiện được việc này thì họ còn duy trì phản đối lâu dài.
Đánh giá về trạm BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài, ông Bùi Danh Liên, phó chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Hà Nội cho rằng, việc lập trạm thu phí BOT trên trục Bắc Thăng Long-Nội Bài là việc quá vô lý.
Người dân thay phiên nhau gác trạm 24/24, quyết chống đối tới cùng. (Hình: Tiền Phong)
Ông Liên phân tích: Thứ nhất, đường được xây dựng, bảo trì bằng ngân sách nhà nước nhưng lại để nhà đầu tư dựng trạm BOT. Thứ hai, nhà đầu tư BOT làm đường tại Vĩnh Phúc nhưng lại bắt người tham gia giao thông ở Hà Nội đóng phí.
Đại Diện Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô Việt Nam cũng cho biết, hình thức thu của trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài bất hợp lý không khác gì trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa), trạm BOT cầu Bến Thủy (Nghệ An) và gần đây nhất là trạm BOT Tân Đệ (Thái Bình). Do làm đường một nơi và thu phí một nẻo nên sau khi lái xe và người dân kiên trì phản đối, đến nay các trạm này đã phải di dời hoặc dỡ bỏ.
Đề cập đến hướng giải quyết tình trạng trạm BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài đang bị tài xế và người dân lân cận vây, buộc “xả trạm” 10 ngày nay, nói với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Công, thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải cho biết, bộ đã có văn bản yêu cầu Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam “có giải pháp xử lý.”
Thế nhưng, chiều 26 Tháng Mười Hai, ông Nguyễn Văn Huyện, tổng cục trưởng Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam cho biết, sau khi các biện pháp can thiệp của lực lượng an ninh nhằm khôi phục lại hoạt động của trạm chưa hiệu quả, tổng cục vừa yêu cầu Công Ty Cổ Phần BOT Vietracimex8 tổ chức đối thoại với người dân.
Đề cập tương lai của Trạm BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài trong thời gian tới, ông Huyện khẳng định “việc thu phí vẫn phải duy trì cho đến khi có chỉ đạo mới từ Bộ Giao Thông Vận Tải.” (Tr.N)

Bộ Trưởng Giáo Dục CSVN Phùng Xuân Nhạ ‘chắc ghế’ đến năm 2023?

Ông Phùng Xuân Nhạ được cho là bộ trưởng sống sót sau nhiều vụ bê bối liên tiếp trong ngành giáo dục năm 2018, điển hình là vụ em K., học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bình Hữu (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bị cô giáo NTV đánh bầm tím ở phần hông. (Hình: Internet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 27 Tháng Mười Hai, tin cho hay Bộ Trưởng Giáo Dục CSVN Phùng Xuân Nhạ tiếp tục được Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm giữ chức chủ tịch Hội Đồng Giáo Sư Nhà Nước nhiệm kỳ 2018-2023.
Hội Đồng này được ghi nhận có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Ở Việt Nam, việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư liên quan đến hệ số lương và chức danh lãnh đạo tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Ngoài ra, người được phong hàm cũng được nhận thêm hàng loạt đặc quyền khác.
Ông Nhạ đã ngồi ở ghế chủ tịch tổ chức nêu trên từ năm 2016 đến nay và bị nhiều đàm tiếu xoay quanh việc ông ta bị cáo buộc đạo văn khi đăng bài ở các tạp chí khoa học quốc tế.
Nay với việc được Thủ Tướng Phúc “tín nhiệm” cho giữ chức chủ tịch Hội Đồng Giáo Sư Nhà Nước đến năm 2023, ông Nhạ được giới quan sát cho là có thể an tâm tại vị thêm bốn năm nữa.
Ông Nhạ được cho là bộ trưởng sống sót sau nhiều vụ bê bối liên tiếp trong ngành giáo dục năm 2018, từ vụ gian lận điểm thi tú tài tại các địa phương đến vụ một hiệu trưởng bị phát giác lạm dụng tình dục hàng chục nam sinh ở tỉnh Phú Thọ trong nhiều năm liền.
Hồi Tháng Mười, 2018, ông Nhạ cũng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khi là quan chức nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” nhất, với 137 phiếu. “Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành giáo dục cố gắng hơn, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo,” ông Nhạ nói với báo VNExpress thời điểm đó.
Đến nay, có rất nhiều thư kêu gọi ông Nhạ từ chức sau mỗi vụ bê bối nhưng ông này vẫn “bình chân như vại”.
Hồi Tháng Hai, 2018, Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội từng đăng cáo buộc ông Nhạ tổ chức tiệc mừng nhậm chức chủ tịch Hội Đồng Giáo Sư Nhà Nước trước khi thủ tướng ra quyết định phê chuẩn, đồng thời ông này còn tự ký công nhận mình đạt chuẩn giáo sư chuyên ngành kinh tế.
Thời gian qua, ông Nhạ cũng liên tục hứng chịu nhiều chỉ trích là người đứng sau hiện tượng số lượng phó giáo sư và giáo sư tăng vọt từ thời điểm ông ngồi vào ghế chủ tịch Hội Đồng Giáo Sư Nhà Nước: Năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được ghi nhận là 1,226, tăng gần gấp đôi so với năm 2016.
Trong một bài đăng trên báo VNExpress hồi năm 2015, Giáo Sư Ngô Bảo Châu viết: “Chúng ta nên trả lại từ giáo sư về đúng nghĩa của nó, tức là một vị trí làm việc. Nhà nước cũng nên trao quyền bổ nhiệm này cho các cơ sở giáo dục bởi phù hợp với chủ trương chung là giao quyền tự chủ cho các trường đại học… Tôi thấy một số người được Hội Đồng Giáo Sư Nhà Nước phong hàm nhưng lại không xứng đáng vì chức danh giáo sư gắn liền với việc nghiên cứu khoa học.”
Nhìn vào thực trạng be bét của ngành giáo dục Việt Nam hiện tại, có thể thấy, phát ngôn của Giáo Sư Châu cũng như của các học giả khác về việc phong hàm giáo sư ở Việt Nam và tư cách của ông Nhạ, đã không được giới chức lãnh đạo CSVN đoái hoài. (T.K.)

Nêu gương: Trò mị dân bẩn thỉu

Nguyễn Việt Nam |

ái trò nêu gương này của đảng cộng sản thì Nam đã vạch mặt ở một số bài viết trước đây rồi. Và giờ nó lại xuất hiện ở hội nghị trung ương 9 lần này buộc Nam phải viết rõ hơn.
Nêu gương là gì? Nêu gương hay còn hiểu là làm gương để người khác nhìn vào, học theo và làm theo.
Người cộng sản là gương tốt hay xấu?
Chúng ta phải hiểu rằng người cộng sản chỉ làm việc tốt trong phạm vi cho phép của đảng cộng sản. Và họ chỉ được phép làm việc tốt khi và chỉ khi việc đó có lợi cho đảng cộng sản. Vậy nên tất cả chỉ là tạo ra cái màn nhung để che đậy cái bản chất cốt lõi xấu xa kia mà thôi. Hay chúng ta cũng có thể gọi nêu gương là một hành động mị dân bẩn thỉu.Nếu xét về phương diện cá nhân thì có người tốt người xấu. Trong đảng cộng sản thì vẫn có người tốt chứ không phải không có. Nhưng trong những người tốt ấy vẫn có cái xấu. Đơn giản là vì họ theo đảng cộng sản, họ phải tuân mệnh, làm theo chủ trương, đường lối của đảng cộng sản. Mà chủ trương, đường lối của đảng cộng sản là bằng mọi cách duy trì chế độ để bóc lột nhân dân, làm giàu cho lãnh đạo và hệ thống chân rết. Trên ăn to, dưới ăn nhỏ. Vậy nên ta có thể đánh giá là người cộng sản là xấu bởi vì dù họ có tốt nhưng đi theo, làm theo, phục tùng đảng cộng sản thì vẫn là xấu.
Như chúng ta đã biết hiện nay nhân dân đang phải gánh trên vai rất nhiều nợ nần, bất công, áp bức. Nợ công, cướp đất, oan ức hình sự, mất tự do ngôn luận, tiêu cực trong các ngành, các cơ quan hành chính, dịch vụ nhà nước, ô nhiễm môi trường, sưu cao thuế nặng, giá cả leo thang, bị cướp đường cướp chợ, bị đàn áp nhiều thứ….Rồi đến an nguy giống nòi, dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, tương lai con cháu… Tất cả những điều trên đều do đảng cộng sản và cái chế độ này mà ra. Mà người cộng sản chính là những người thực thi những việc xấu xa đó. Họ là nguyên nhân gốc rễ của một Việt Nam như ngày nay. Vậy thì dù họ có làm việc tốt đi nữa cũng chỉ là để che đậy cái mục đích, hành động giả dối, xấu xa.
Nêu gương chỉ thành công khi hành động đó xuất phát từ cái tâm và phục vụ cho mục đích của nhân dân. Còn đâu nêu gương mà dùng vào mục đích che đậy, mị dân thì nó sẽ không thể bền được bởi vì nó không có sự chân thành ở trong đó. Mà không chân thành thì không thể thành công về lâu về dài được. Mà ở môi trường trong đảng cộng sản thì chân thành, thật thà là tự giết chính mình. Thành ra điều này nó ăn sâu vào tiềm thức, trở thành văn hóa và lâu dần nó trở thành một phần của bản chất người cộng sản.
Chúng ta không nhất thiết là phải học theo những tấm gương giả dối ấy. Cái gì hay thì học cũng được nhưng phải biết cách chọn lọc, minh định và tránh đừng để sa đà vào bài định hướng xã hội của người cộng sản. Phải luôn giữ trong đầu một khái niệm rằng: Người cộng sản nêu gương là làm theo chủ trương của đảng cộng sản để mị dân. Phải luôn luôn tâm niệm là như vậy vì nó là sự thật. Có một câu nói Nam ngẫm và xin tặng mọi người.
” Nếu chúng ta trao niềm tin cho người cộng sản là tự hại chính mình. Nếu cả dân tộc trao niềm tin cho đảng cộng sản là tự hủy hoại dân tộc mình”. Người cộng sản ở đây là người “chưa diễn biến và chuyển hóa” nhé. Còn đội cộng sản đã tự diễn biến, chuyển hóa thì có thể xem xét được./.

Nhìn lại các cuộc đàn áp phong trào đấu tranh 2018

Paulus Lê Sơn – Web Việt Tân

ăm 2018 trôi qua gắn liền với biết bao biến cố bi thương của dân tộc Việt Nam. Phong trào đấu tranh dân chủ hóa cho Việt Nam tiếp tục bị đàn áp một cách khốc liệt, nhân quyền tiếp tục bị vi phạm trầm trọng với những cách thức tàn ác và tinh vi hơn từ phía nhà cầm quyền cộng sản.
Từ đầu năm 2018, diễn ra những vụ xử án nhắm vào các nhà hoạt động và đấu tranh mang tính thù hằn với những bản án nặng nề. Điển hình như vụ xét xử ông Lê Đình Lượng tại Nghệ An với mức án lên đến 20 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Lê Đình Lượng, người bị kết án, 20 năm tù giam và 5 năm quản chế tháng 8/2018.
Điểm qua một lượt các vụ án như: Hôm 31/1/2018 tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thuận 8 năm tù và 5 năm quản chế, Ông Nguyễn Văn Điển 6 năm 6 tháng tù cộng 4 năm quản chế, Sinh viên Trần Hoàng Phúc 6 năm tù và 4 năm quản chế; Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị tòa án Nghệ An kết án 14 năm tù giam và Nguyễn Nam Phong 2 năm tù giam vào ngày 14/2/2017.
Lần lượt là Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Văn Túc, Trần Thị Xuân, chỉ trong vòng 12 ngày đầu tháng 4 năm 2018, nhà cầm quyền cộng sản đã kết án 10 người hoạt động xã hội dân sự trong 4 vụ án khác nhau. Tổng cộng 10 người đã phải chịu 96 năm tù giam và 32 năm quản chế.Ngày 5/4/2018 tại tòa án Hà Nội xử Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng 5 nhà hoạt động khác là Lê Thu Hà, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Phạm Văn Trội với mức án tổng cộng lên đến 66 năm tù giam 17 năm quản chế.
Chỉ vì chống lại Dự luật Đặc khu mà có hàng trăm người dân yêu nước khắp các tỉnh thành đã bị bắt và bị kết án. Đặc biệt là đến từ Ninh Thuận và Đồng Nai, có trên 60 người bị kết án nhiều năm.
Một số vụ xét xử thời điểm những tháng cuối năm với cáo buộc liên quan đến cái gọi là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” đã kết án từ 5 đến 14 năm tù giam.
Qua đó cho chúng ta thấy bức tranh về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày càng trở nên tồi tệ, tàn khốc hơn.
Hôm 16 tháng 12, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) công khai đệ trình báo cáo về Việt Nam lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) đã nêu lên các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam bao gồm quyền tự do báo chí, tôn giáo, xã hội dân sự, hội đoàn độc lập, tra tấn trong tù… Lên án cộng sản sử dụng các điều luật mơ hồ để  bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo ôn hòa. Việt Nam hiện cầm tù ít nhất 136 người dưới các điều luật này vì họ bị cho là tạo ra mối đe dọa đối với Nhà nước Việt Nam.
Mặc dù bị các Chính phủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án và áp lực một cách mạnh mẽ nhưng Hà Nội bất chấp tất cả, vẫn cứ chà đạp lên nhân quyền một cách có hệ thống và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Phong trào đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam bị đàn áp khốc liệt. Tuy nhiên, mặt khác, chúng ta thấy rõ ràng, nhà cầm quyền cộng sản bắt giam và bỏ tù hàng trăm người hay hàng ngàn người dân với những mức án nặng nề nhưng không thể triệt tiêu được tính phản kháng đang dần trở nên trưởng thành và mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Thậm chí còn có những thành quả thấy được là đôi khi nhà cầm quyền cộng sản phải lép vế trước sức mạnh của toàn dân. Chẳng hạn như phải lùi bước trước sức phản kháng mãnh liệt của người dân đối với Dự luật Đặc khu, v.v…
Năm 2018 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong phong trào phản kháng và đấu tranh của người dân Việt Nam. Nghĩa là, đang có một sự phản kháng mang tính quần chúng mạnh mẽ, bền bỉ qua nhiều hình thức khác nhau như chống BOT đường bộ dai dẳng, phản đối dự luật Đặc khu, an ninh mạng, vụ Thủ Thiêm, vụ chống các nhà máy nhiệt điện, chống vụ lấy đất cho Trung Cộng làm điện mặt trời…
Tất cả các vụ phản kháng của người dân dường như có một sự quyết liệt, có tổ chức và rõ ràng mục đích. Họ cũng tự học tập lẫn nhau trong cách thức đấu tranh để đạt được hiệu quả, hay ngăn chặn việc làm xấu từ phía nhà cầm quyền. Người dân mạnh dạn hơn trong việc tố cáo những sai phạm, bất ổn của nhà cầm quyền âm ỉ bấy lâu nay bị phanh phui và bùng phát hết sức dữ dội.
Khi ta đứng trên đỉnh núi cao, nhìn lại cuộc hành trình đầy cheo leo, gai góc, mạo hiểm, thậm chí có cả máu đào tưới trên đường đi, khi đó ta mới thấy giá trị và trân trọng những sức lực, hi sinh đã bỏ ra. Công cuộc đấu tranh dân chủ hóa cho Việt Nam ngày nay cũng tương tự như hình ảnh đó.
Quả thật sự hi sinh, tinh thần dấn thân đầy quả cảm của những cá nhân cụ thể cùng phong trào đấu tranh dân chủ hóa cho Việt Nam dần dần như được lan tỏa, gợi mở cho tất cả các tầng lớp dân chúng nhận thấy và tham gia. Trước hết là họ thức tỉnh, sau đó thì phản kháng đòi lại quyền lợi cho chính họ. Cứ như vậy cho đến khi cả dân tộc sáp nhập vào con đường đấu tranh này là ngày tự do của Việt Nam đang đến gần bên.
Portland, OR 26/12/2018
Paulus Lê Sơn