Friday, February 7, 2014

Tàu chở hàng Việt Nam tông vào tượng đài Thánh Anna ở Thái Lan

VRNs ( 07.02.2014) – Sài Gòn- Vào lúc 19 giờ, ngày 06.02.2014, tàu chở hàng của Việt Nam mang tênHải Phòng 18 đã tông vào tượng đài thánh Anna bên cạnh dòng sông Tha Jin, nơi tọa lạc Giáo xứ thánh Anna, Tha Jin, tỉnh Samut Sakhon. Tượng Thánh Anna và Mẹ Maria cao 8 mét được đặt trên một căn “sala” bên cạnh dòng sông rất thoáng mát và đẹp mắt. Cha xứ ở giáo xứ thánh Anna là cha Withaya Ladloi, đại diện của Tổng Giáo Phận Bangkok về mục vụ cho người Việt Nam. Ngài cũng là linh mục người Thái gốc Việt.
Tuy nhiên, đến sáng ngày 07-02-2014 vẫn chưa liên lạc được với thuyền trưởng lái con tàu gây ra tai nạn này. Các nhà chức trách Thái Lan đang điều tra và làm rõ vụ việc.
1555354_812430678773403_889857795_n
1557607_400059400140910_1567593656_n
1897905_400059260140924_820269526_n1902819_400059226807594_663337952_nJosph. Bảo Nguyên

Việt Nam bị Liên Hịệp Quốc khuyến nghị 227 điểm về quyền con người!

VRNs (08.02.2014) – Washington DC, USA - Chiều Thứ Sáu ngày 07/02/2014, Nhóm Công tác (the Working Group) thuộc “cơ chế kiểm định kỳ phổ qúat” (UPR, The Universal Periodic Review), chu kỳ II của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc họp tại Geneve, Thụy Sỹ đã trao cho Việt Nam 227 Điểm khuyến nghị yêu cầu xem xét để để bảo vệ Quyền Con Người, trong đó có 5 lĩnh vực quan trọng cần được thực thi là :
1) Tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí trên Internet và bên ngòai, tự do hội họp .
2) Quyền tự to tín ngưỡng, tôn giáo đặc biệt của các sắc dân thiểu số.
3) Hủy bỏ án Tử hình hoặc xét lại hình phạt qúa nặng này đối với các tội phạm Kinh tế vá các tội không nghiệm trọng khác.
4) Hủy bỏ hoặc Tu chính các Điều 79, 88 and 258 mơ hồ và bị lạm dụng nhằm hạn chế tự do của Bộ Luật hình sự như yêu cầu của Gia Nã Đại, Pháp, Hòa Lan ((Netherlands)
(Đại diện Pháp viết: “Repeal or modify the Penal Code relating to national security particularly Articles 79, 88 and 258, in order to prevent those articles from being applied in an arbitrary manner to impede freedom of opinion and expression, including on the Internet (France). Gia Nã Đại: “Amend the provisions concerning offences against national security which could restrict freedom of expression, including on the internet, particularly articles 79, 88 and 258 of the Penal Code, to ensure its compliance with Viet Nam’s international obligations, including the ICCPR ( Chú thích :International Covenant on Civil and Political Rights, Công ước Quốc tế về quyền Công dân và Chính trị) “
5) Một số nước khác, trong đó có Phần Lan (Finland), Hòa Lan (Netherlands) và Tân Tây Lan (New Zealand) yều cầu sửa lại hai Nghị định 72 và 174 đã hạn chế và kiểm soát hoạt động của Truyền thông Xã hội và các Tổ chức Phi Chính phủ.
Đại biểu Úc Đại Lợi yêu cầu sớm có Luật để quy định quyền tự do hội họp và biểu tình ôn hòa phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền Công dân và Chính trị. (Enact laws to provide for and regulate freedom of assembly and peaceful demonstration in line with the ICCPR (Australia).
Riêng Hy Lạp đã thẳng thắn yêu cầu Việt Nam áp dụng những biện pháp chấm dứt truy tố những công dân thực thi quyền phản đối hòa bình. ( Adopt measures to end prosecution of peaceful protesters (Greece)
Cũng có những khuyến nghị như Việt Nam cần “đình chỉ tịch thu tài sản, đuổi dân thiểu số ra khỏi nơi cư trú của họ, phải bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em và các quyền khác của công dân, đồng thời tạo điều kiện bình đẳng và tôn trọng pháp luật cho mọi người.
Riêng Hoa Kỳ đã công khai yêu cầu Việt Nam sửa những Luật mơ hồ về “an ninh” để đàn áp dân và trả tự do “vô điều kiện” cho các tù nhân chính trị Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ, Luật sư Lê Quốc Quân, Nhà báo tự do Điếu Cầy và ông Trần Huỳnh Duy Thức.
(Revise vague national security laws that are used to suppress universal rights, and unconditionally release all political prisoners, such as Dr. Cu Huy Ha Vu, Le Quoc Quan, Dieu Cay and Tran Huynh Duy Thuc (United States of America)
Đặc biệt Nhật Bản đã đề nghị Việt Nam hãy thi hành những biện pháp để “bảo đảm quyền tự do tư tưởng và quyền tự do, độc lập của báo chí và Internet (Actively promote steps to guarantee freedom of expression, as well as the freedom and independence of the press, including on the internet (Japan)
Vào năm 2009, trong Chu kỳ I của “cơ chế kiểm định kỳ phổ qúat” (UPR, The Universal Periodic Review) năm 2009 chỉ có 123 yêu cầu của 60 nước tham dự. Việt Nam chỉ chấp nhận thì hành 96 đề nghị.
Ngược lại, tại phiên họp ngày 05/02/2014, có tới 106 Quốc gia tham gia phát biểu, chất vấn Phái đòan Việt Nam do Thứ trưởng Ngọai giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu.
Sau đó, Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận tới 227 yêu cầu của các nước thành viên gửi cho Việt Nam.
Theo Văn phòng Báo chí của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam phải phúc đáp những khuyến nghị này, chậm nhất vào Kỳ họp thứ 26 của Hội đồng trong Tháng 6/2014.
Chúng tôi sẽ có bài phân tích chi tiết về 227 Khuyến nghị vào tuần tới.-/-
Phạm Trần

Quốc tế không thừa hơi "Nói Láo"


Người Buôn Gió - Đọc phản ứng của Việt Nam về vụ điều trần nhân quyền tại Thụy Sĩ, qua những kênh thông tin ở Việt Nam thật đáng giật mình lo sợ. (1)

Một loạt các cường quốc bị Hà Nội cho rằng nói không khách quan, thiếu chính xác.

Hãy thử điểm các cường quốc này gồm ai: "Trong số các nước đưa ra những chất vấn gay gắt về nhân quyền Việt Nam có Mỹ, Canada, Australia, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật, Thụy Sĩ, Ireland, Ba Lan, Phần Lan. Có vài nước ca ngợi Việt Nam hoàn toàn như Trung Quốc và Cuba."

Nếu quả thật các nước nói trên không công tâm khi nói về nhân quyền Việt Nam, thiếu thiện chí khách quan thì thật đáng lo sợ. Những cường quốc đem lại kim ngạch xuất khẩu thặng dư cho Việt Nam đều thiếu thiện cảm với Việt Nam, những cường quốc mà số tiền viện trợ, cho Việt Nam vay đều đứng đầu thế giới, những cường quốc mà nhiều bậc lãnh đạo cao cấp Việt Nam từng học hỏi ở đất nước này lại lại thừa hơi đi nói láo Việt Nam. Như thế ảnh hưởng lắm chứ, các ông Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Đức Đam, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Minh Triết liệu tiếp thu gì ở những đất nước dối trá này.

Nếu sự thật thế này, đúng là gánh nặng tinh thần cho hàng ngàn du học sinh Việt Nam đang học tập ở những đất nước này. Hàng bao doanh nghiệp làm ăn với những đất nước này. Còn gì đau khổ, dằn vặt hơn khi phải học tập và làm ăn buôn bán với một lũ thù địch, thiếu thiện chí với người dân Việt Nam như thế (trong trường hợp này nhà nước sẽ biến thành nhân dân). Còn gì ê chề hơn phải đi xin viện trợ, vay tiền của bọn khốn nạn, vô lương tâm như thế nhỉ?

Hoa Kỳ thẳng thừng, ngang ngược đề xuất (2)

"Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sách nhiễu và bắt giữ những người thực hiện các quyền hạn và các quyền tự do phổ quát, như tự do ngôn luận và lập hội. Việt Nam cũng hạn chế tự do tôn giáo, và việc sách nhiễu các nhà thờ không đăng ký vẫn diễn ra. 

Chúng tôi quan ngại về sự hạn chế đối với việc thành lập nghiệp đoàn độc lập, về việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, và việc chính phủ sử dụng lao động bắt buộc. 

Chúng tôi cũng thất vọng về việc Việt Nam ngăn cản xã hội dân sự tham gia vào toàn bộ quá trình UPR. 

Chúng tôi đề xuất với Việt Nam: 

1. Sửa đổi luật an ninh quốc gia mơ hồ được sử dụng để đàn áp các quyền phổ quát, và thả vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị, như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức; 

2. Bảo vệ các quyền của người lao động được quốc tế công nhận và tăng cường thực thi luật cấm lao động cưỡng bức; và 

3. Nhanh chóng phê chuẩn và thực thi Công ước Chống Tra tấn. (Hết tuyên bố)'' 

Nếu đã biết tâm địa của các cường quốc này là thiếu thiện chí, không khách quan khi đánh giá nhân quyền Việt Nam, hẳn Việt Nam sẽ thẳng thừng bác bỏ những yêu sách can thiệp vào công việc nội bộ này.

Việt Nam sẽ không sửa đổi luật an ninh quốc gia mơ hồ. Không có thả người, không vận động 4 người trong danh sách trên chấp nhận ra khỏi nhà tù, lên máy bay để đến một nước nào đó trong số các nước thiếu thiện chí này. Hoặc vận động thân nhân gia đình họ thuyết phục họ rời đi như thế.

Việt Nam giữ nguyên luật lao động như trước kia.

Việt Nam không phê chuẩn và thực thi công ước chống tra tấn.

Bác bỏ 3 yêu sách trên, Việt Nam sẽ chứng minh rằng những gì Việt Nam làm là hoàn toàn đúng đắn. Những lời chỉ trích của các cường quốc kia là hoàn toàn xuyên tạc.

Chỉ e rằng sắp tới Việt Nam vận động để người tù nào trong số 4 người kia chịu chấp nhận ra khỏi nhà tù lên máy bay đi sang nước khác. Đồng thời Việt Nam sửa đổi luật lao động, phê chuẩn thực thi công ước chống tra tấn. Khi những điều này xảy ra, chứng tỏ quốc tế không thừa hơi đi nói láo cho Việt Nam như ông Lương Thanh Nghị phàn nàn.

Điều thứ hai và thứ ba tất phải đến.

Còn điều thứ nhất. Cái này dành riêng cho bạn đọc.

Có thể một trong số 4 người kia không chấp nhận cách ra khỏi nhà tù kiểu như vậy. Như thế Việt Nam sẽ có cớ nói với các nước rằng, chúng tôi đã tạo điều kiện nhưng những người này không muốn thế. Mặt khác họ nói với trong nước rằng - dù quốc tế đòi hỏi thế nào cũng phải chịu, không can thiệp được vào nội bộ pháp luật Việt Nam, những người này là những tên tội phạm, cường quốc nào cũng không bênh vực được.

Nếu một trong 4 người chấp nhận đi. Đó là một điều khổ tâm của họ. Tất cả những con người ấy đã chứng tỏ sự can đảm của mình bằng những mức án tù dài mà không một lời van xin hay nhận tội. Chúng ta những người quý mến họ, không nên buồn khi họ ra đi. Trái lại chúng ta nên vui họ đã tự do, và vui hơn nữa là những lời phê phán và đòi hỏi về nhân quyền của những quốc gia có lương tri là hiệu quả.

Như thế cũng để rõ rằng, quốc tế không thừa hơi nói láo về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. 


Việt Nam hãy thôi lừa bịp thế giới về thành tích nhân quyền

VOA- 07/02/2014  -Một tổ chức bảo vệ nhân quyền có uy tín trên thế giới đề nghị Việt Nam chớ nên tiếp tục lừa bịp và phớt lờ các quan tâm của quốc tế về lĩnh vực nhân quyền trong thời đại thông tin kỹ thuật số.

Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên Không biên giới

Phản hồi về buổi Kiểm điểm nhân quyền Định kỳ Phổ quát UPR hôm 5/2 của Hà Nội tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp nói thay xem những phê phán của thế giới là ‘thù địch’, chính phủ Việt Nam nên hữu nghị mời giới bảo vệ nhân quyền quốc tế sang tìm hiểu thực trạng nhân quyền và mời gọi sự giúp đỡ để cải thiện.

Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức RSF, ông Benjamin Ismail, đã dành cho VOA Việt ngữ cuộc trao đổi về việc này.

Ông Benjamin Ismail: Tôi muốn nói rằng Hà Nội không thể tiếp tục lừa bịp Liên hiệp quốc và thế giới kiểu này nữa. Hơn ai hết họ hiểu rõ những gì họ đang làm và những chính sách đàn áp tàn bạo mà họ đang thực hiện. Sự thật đã được phơi bày rõ ràng, chẳng hạn như qua các bản án tù dài hạn họ dành cho những nhà bất đồng chính kiến và các blogger thể hiện quan điểm ôn hòa trái ý với họ, chẳng hạn như tình trạng càng ngày nhà cầm quyền càng dùng bạo lực để đối phó, sách nhiễu các blogger cổ súy dân chủ và tấn công cả thân nhân của họ nữa. Không thể che giấu sự thật được đâu.
 
VOA: Nhiều người đánh giá rằng kể từ đợt kiểm điểm nhân quyền định kỳ phổ quát UPR lần đầu năm 2009 tới nay không thấy cải thiện nào đáng kể từ Việt Nam trong các lĩnh vực nhân quyền bị chú ý nhất bao gồm tự do ngôn luận, tự do báo chí. Vậy hiệu quả thật sự của UPR là gì? Liệu có thể trông đợi gì từ đợt kiểm điểm lần này?
 
Ông Benjamin Ismail: Trước khi kiểm điểm, chúng ta cần phải xem xét tình hình. Cho nên kỳ UPR 2009 được coi như là dịp đầu tiên thế giới tập trung lại quan sát, bình luận, và khuyến nghị về nhân quyền Việt Nam. Và sau 4 năm, lần UPR thứ nhì này là cơ hội để chúng ta nhìn lại, điểm lại để đánh giá. Thời điểm này, với việc Việt Nam vừa trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, áp lực và trách nhiệm đang đè nặng lên cơ chế UPR, lên Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế để nhắc nhở Hà Nội các nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền.
Ví dụ Việt Nam vừa ký vào Công ước Chống tra tấn của Liên hiệp quốc, chúng ta có thể dùng cơ chế UPR để thúc giục Việt Nam rằng ký kết thôi chưa đủ, quan trọng là phải áp dụng vào thực tế. Ngoài ra, dựa trên cơ chế này, chúng ta có thể nêu bật sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của Hà Nội rằng một mặt ký kết, mặt khác vẫn tiếp diễn tình trạng tra tấn nhục hình, vẫn dùng Bộ Luật hình sự và cả côn đồ để hành hung, đàn áp blogger hay các nhà hoạt động trên mạng cổ súy cho dân chủ-nhân quyền. Chúng ta tiếp tục dùng diễn đàn UPR quốc tế này để nêu lên các quan ngại, để phơi bày ra thế giới những hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam, và tạo áp lực lên Hà Nội buộc họ phải thay đổi. Song song đó, chúng ta tiếp tục hỗ trợ các tiếng nói độc lập tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam về nhiều phương diện, kể cả pháp lý.
 
VOA: Ông có đề nghị nào giúp nâng cao hiệu quả của UPR hơn nữa không?
 
Ông Benjamin Ismail: Theo tôi, càng nhiều nội dung về UPR và những gì diễn ra tại buổi kiểm điểm ở Liên hiệp quốc được dịch ra tiếng Việt chuyển tải tới càng nhiều người dân Việt càng tốt để họ hiểu biết hơn về vai trò và tác dụng của UPR đối với đời sống của từng cá nhân. Nhiều người Việt Nam cho tới nay còn chưa hiểu rõ về nhân quyền, chưa quan tâm đến sự kiện UPR này, cũng như chưa biết đến các phong trào quốc tế nỗ lực cải thiện nhân quyền cho Việt Nam ra sao. Nhận thức của người dân Việt Nam trong lĩnh vực này phải được nâng cao hơn nữa. Để làm được điều đó, chúng ta cần phát huy xã hội dân sự tại Việt Nam mạnh hơn nữa để tranh đấu đòi các quyền căn bản chính đáng cho con người như quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin, tự do truy cập internet, hay tự do báo chí.
 
VOA:  Phát biểu trước kỳ kiểm điểm UPR lần này của Việt Nam, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông trong nước tuyên bố dù Việt nam có cố gắng đến đâu, đạt tiến bộ nhân quyền đến đâu, vẫn luôn luôn có những ‘thế lực thù địch’ chỉ trích vì nhiều mục đích khác nhau. Ông phản hồi thế nào về bình luận này?
 
Ông Benjamin Ismail:  Luận điệu này thừơng được các chính phủ độc tài như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên sử dụng. Thay vì tố cáo, quy chụp các nỗ lực quốc tế giúp cải thiện nhân quyền cho Việt Nam là ‘thù địch’, tốt hơn hết Hà Nội nên mời các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các nhà quan sát độc lập đến để học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế cũng như mời gọi sự giúp đỡ để tiến bộ hơn. Phóng viên Không biên giới chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác, đối thoại, và hỗ trợ về nhân quyền như chúng tôi đã làm ở Miến Điện kể từ khi quốc gia này mở cửa, dân chủ hóa. Chúng tôi không ‘thù địch’, chúng tôi chỉ muốn bảo vệ các quyền căn bản mà mọi người trên thế giới phải được thụ hưởng bình đẳng như nhau trong đó có quyền tự do bày tỏ quan điểm và tự do báo chí, vốn là những điều đã được toàn cầu công nhận qua Công ước Quốc tế về Nhân quyền. Một điều nữa tôi muốn chia sẻ là trong khi cơ chế của Liên hiệp quốc chưa có cách ngăn chặn hay giải pháp cho tình trạng nhà cầm quyền đàn áp hay dùng bạo lực đối với các blogger và thân nhân của họ như trường hợp của nhà bất đồng chính kiến Huỳnh Ngọc Tuấn, chúng tôi một lần nữa mạnh mẽ kêu gọi Hà Nội hãy chấm dứt các hành động phản nhân quyền này.  
 
VOA: Xin chân thành cảm ơn ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức Phóng viên Không biên giới, đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Cần "tỉnh táo" khi mua trái cây tại Big C Thăng Long


 07/02/14 09:45
(GDVN) - Ít ngày sau Tết, người dân đi mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long không khỏi khó chịu khi phát hiện một số loại quả kém chất lượng vẫn được bày bán.
Sau Tết, rau xanh, trái cây... là những mặt hàng được người dân rất ưa chuộng.Vì nhu cầu tăng cao nên tại nhiều siêu thị tại Hà Nội, mặt hàng này được chú trọng, chọn lựa kỹ lưỡng đảm bảo độ tươi ngon để phục vụ khách hàng.
Thế nhưng, vào ngày 5/2, tức ngày 6/1 Âm lịch, người dân đi mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi bực mình khi phát hiện một số loại quả nhìn rất kém chất lượng nhưng vẫn được bày bán.

Trái cây kém chất lượng tại Big C Thăng Long.

Điển hình là loại bưởi Năm Roi. Quan sát, tại điểm trưng bày bưởi Năm Roi có khá nhiều quả bị dập vỏ, ủng. Theo phản ánh của khách hàng, khi xem kỹ, có quả bưởi thậm chí đã bị thối tới 1/3 nhưng vẫn được bày bán. Một số quả bưởi Năm Roi khác, mặc dù chưa bị hỏng nhưng cũng đã chuyển sang màu vàng úa.
Ngoài bưởi Năm roi, tại quầy bán táo (được cho là có xuất xứ từ Mỹ) của siêu thị Big C Thăng Long, khách hàng cũng dễ dàng phát hiện nhiều quả bị hỏng, bầm dập.
Bên cạnh đó, chỉ cần để ý quan sát, khách hàng còn phát hiện Thanh long đã được bổ, cắt lát đóng trong khay bày bán tại siêu thị này cũng có vấn đề. Trong khi các khay Thanh long khác trông khá tươi ngon thì có một khay chứa vật lạ màu vàng ở phía trong khiến người mua không khỏi e ngại.
Có mặt tại siêu thị Big C Thăng Long vào thời điểm từ 19h00-19h45’ ngày 5/1, mặc dù đã gần tới lúc siêu thị này đóng cửa nhưng nhiều khách hàng cho biết các loại quả kém chất lượng trên vẫn được bày bán.
Phản ánh hiện tượng hoa quả bày bán kém chất lượng này với siêu thị BigC, phóng viên được vị đại diện siêu thị cho biết: Có thể qua Tết, nhân viên quầy trái cây hơi lơ là trong khâu kiểm soát sản phẩm. Siêu thị sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh lại.
Trước đó, vào tháng 3/2013, người tiêu dùng phát hiện tại siêu thị Big C The Garden bày bán khay nho xanh có dán cờ Trung Quốc nhưng tem nhãn lại ghi "nho xanh Việt Nam". Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, Big C đã bị xử phạt 35 triệu đồng cho sai sót này.
Dưới đây là một số hình ảnh, trái cây kém chất lượng được bày  bán tại siêu thị Big C Thăng Long do khách hàng phản ánh:
Hình ảnh phản cảm tại quầy bán bưởi da xanh.
Phần lớn bưởi Năm roi đều ngả màu vàng, không còn tươi xanh.
Khách hàng dễ dàng phát hiện táo hỏng để lẫn cùng các quả táo khác.

Khay Thanh long này chứa "vật lạ" màu vàng phía trong khiến người mua không khỏi e ngại. 

Báo Nhân Dân đòi cấm nhưng lại 'share' Facebook




HÀ NỘI (NV) 
Báo Nhân Dân, tiếng nói của đảng Cộng sản Việt Nam vừa cho đăng bài bình luận nói về sự tác hại của Facebook, với tựa đề “Sự bùng nổ của Facebook và một số vấn đề đặt ra.”
Sự kiện này xuất hiện chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, kể từ khi mạng xã hội Facebook cho hay, đã chọn được đại lý quảng cáo chính thức đầu tiên của mình tại Việt Nam.



Bài báo của báo Nhân Dân đòi cấm Facebook nhưng ngay phía dưới lại có nút 'share' facebook. (Hình: Facebook Hao-Nhien Q.Vu)

Tuy nhiên điều trớ trêu, là ngay phía dưới bài báo này trên Nhân Dân Online lại có nút 'share' với biểu tượng của Facebook để độc giả bấm vào.
Tác giả bài viết, ông Nguyễn Hải Ðăng đặt ra nhiều vấn đề, rằng “Facebook có thật sự cần thiết tại Việt Nam hay không.” Bài viết cũng đề cập đến việc cấm sử dụng Facebook như một số quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Cũng theo ông Nguyễn Hải Ðăng, Facebook giúp người sử dụng trao đổi, chia sẻ thông tin dưới nhiều hình thức: công khai hoặc bán công khai hay hoàn toàn bí mật. Bởi những điều này, ông Nguyễn Hải Ðăng nói rằng, Facebook “không phải là một mạng xã hội đúng nghĩa, vì không khuyến khích đối thoại và làm nảy sinh tình huống mà người sử dụng sẽ gặp, sẽ đọc những thứ không cần thiết.”
Ông Nguyễn Hải Ðăng còn đề cập đến những “quyền lợi phù du” mà Facebook mang lại, cộng với khả năng “gây nghiện” không tốt. Ông này viết rằng, “Facebook gián tiếp lôi kéo người sử dụng làm việc riêng trong giờ hành chính, gây ra tình trạng vi phạm luật lao động và đồng thời là mảnh đất mầu mỡ cho các tin đồn, xúc phạm bôi xấu xuất hiện...”
Ông Nguyễn Hải Ðăng cũng nhấn mạnh rằng, “đáng chú ý nhất là các trang Facebook được các thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí lập ra để vu cáo, vu khống, bình luận xuyên tạc tình hình Việt Nam.”
Dư luận nghi ngờ rằng, một bài bình luận kiểu phê phán kịch liệt sự phát triển của mạng xã hội Facebook trên báo đảng, có thể được coi là “bước dọn đường cho một chính sách can thiệp trắng trợn” của nhà nước Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Hiện nay, vẫn cò nhiều vùng mà người dân Việt Nam không vào được Facebook như tại thành phố Ðà Lạt, và một số tỉnh miền Tây.
Dư luận khác, cũng cho rằng nếu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chặn đường hoạt động của Facebook tại Việt Nam thì đây sẽ là thảm họa đối với hàng ngàn nhà kinh doanh. Họ có trang web và đang sử dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook mỗi ngày. (PL)

Lại 'hôi của' man rợ, công an bất lực đứng nhìn

 

(VTC News) – Sau cú lật nhào của chiếc xe container xuống vực, người lái xe tội nghiệp và lực lượng công an bất lực nhìn chính đồng loại của mình cướp của không tiếc tay.

Lại 'hôi của' man rợ, công an bất lực đứng nhìn
 Thùng container chở hàng bị người dân quây kín

Sáng 7/2/2014, ông Bùi Văn Duyên – Giám đốc Công ty Cổ phần Bích Thị có địa chỉ tại số 178, đường Nguyễn Văn Linh, phường Lam Sơn, tỉnh Hưng Yên đã thông tin tới VTC News về việc công ty ông bị người dân "hôi của" một cách man rợ.
Theo ông Duyên, vào ngày 21/1/2014, xe đầu kéo container mang BKS 89C -01653 của Công ty Cổ phần Bích Thị do tài xế Lê Văn Công (sinh năm 1982) điều khiển từ Thà Khẹt (Lào) qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), trong container chở khoảng 18 tấn nhãn tươi đóng thùng được nhập từ Thái Lan, trị giá khoảng 1,3 tỷ đồng.
Khoảng 11h30 phút cùng ngày, xe đi đến địa phận xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình thì bị tai nạn. Chiếc xe bị lật nhào xuống vực sâu khoảng 20m. Lái xe may mắn thoát nạn trong gang tấc nhưng container bị vỡ tung khiến hàng trăm thùng nhãn bung ra ngoài.
Lại 'hôi của' man rợ, công an bất lực đứng nhìn
Một công an viên mặc đồng phục khoanh tay đứng nhìn người dân 'hôi của'.

Sau khi tai nạn xảy ra, lái xe Công đã gọi điện thông báo về cho phòng điều hành của công ty. Lúc này, trực tiếp anh Đào Văn Công – phụ trách phòng điều hành Công ty Cổ phần Bích Thị đã gọi điện tới bộ phận trực ban của công an huyện Minh Hóa thông báo sự việc, nhờ sự trợ giúp từ phía cơ quan chức năng tới hỗ trợ bảo vệ hàng hóa.
“Người trực ban tại công an huyện tên là Tuấn Anh đã ghi nhận thông tin của tôi và nói sẽ báo cáo lại chỉ huy để cử cán bộ xuống hiện trường. Chúng tôi rất an tâm và cũng điều động một vài nhân viên của công ty tại địa bàn đến hiện trường để hỗ trợ.” – anh Công nói.
Trong khi đó, tại hiện trường người lái xe tên Công còn đang ê ẩm khắp cơ thể sau tai nạn đã nhận ra có nhiều điều bất thường…Nhiều người dân từ đâu ùa đến, lao xuống vực, nơi chiếc xe “bạc mệnh” đang nằm.
Lại 'hôi của' man rợ, công an bất lực đứng nhìn
 Dùng cả thuyền để chuyên chở hàng hóa 'hôi của' được.

“Ban đầu họ đứng nhìn, rồi lấy một vài thùng nhãn bị dập nát. Chúng tôi đã ngăn cản và xin người dân không được lấy hàng hóa của doanh nghiệp. Một lát sau, lực lượng CSGT cùng cảnh sát hình sự, công an xã có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc, nhưng diễn biến sự việc thì lại không như ý…” – lái xe Công than thở qua đường dây nóng 01255.911.911 của VTC News.
Theo lái xe Công, người dân kéo tới mỗi lúc một đông, lên tới hơn trăm người, kèm theo hàng chục người từ 3 xe khách đi ngang qua dừng lại, xúm tới xe nhãn.
“Họ không hỏi han mà bắt đầu lấn tới chỗ chiếc xe bị lật. Mỗi người bê một thùng rời khỏi hiện trường trong sự sảng khoái. Còn nhóm công an khoảng 7 người cũng đành bó tay. Dù có nói người dân không được lấy hàng nhưng không ai nghe cả. Họ bê từng thùng hàng rời đi ngay trước mặt công an. Chúng tôi thì van xin trong vô vọng…Nhiều người thậm chí còn đưa cả thuyền đến để cướp hàng. Cả một xe hàng của chúng tôi đã không cánh mà bay…” – tài xế Công thuật lại.
Bức xúc trước hành vi của người dân, ông Duyến cho biết: “Đây là hành vi cướp của trắng trợn, đi ngược lại với văn hóa của người Việt. Không hiểu sao, lực lượng chức năng có mặt tại đó cũng không thể ngăn cản được người dân. Chúng tôi mong muốn có một câu trả lời có trách nhiệm từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình và sớm đưa những kẻ cướp ngày này ra ánh sáng.”
VTC News sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả về vụ việc. 

'Cái bang' đội lốt nhà sư

Sau nhiều ngày điều tra, trà trộn, PV Thanh Niên tiếp cận được một nhóm người chuyên đóng vai các tăng, ni để lừa phỉnh ở nhiều tỉnh miền Tây.

Biến hóa chuyên nghiệp

Buổi trưa đón xe ôm chạy như bay về bến xe Cần Thơ

Một “nhà sư” tên Sỹ tại xóm đầu trọc - Ảnh: T.T
Chuyến xe Châu Đốc (An Giang) xuống TP.Cần Thơ từ tờ mờ sáng, chở theo những vị khách quen thuộc. Nhóm người nam nữ này đều cạo nhẵn đầu, khoác áo tăng, ni chỉnh tề khiến chẳng ai nghi ngờ về lai lịch của họ. Tuy nhiên, nhiều ngày bám theo các chuyến xe này, PV Thanh Niên lại phát hiện ra một sự thật khác.
Quán nước của chị T. gần Bến xe Hùng Vương (Cần Thơ) là nơi nhóm người này thường tụ họp đợi trời sáng. Một phụ nữ trong áo ni cô bực tức: “Đã giao kèo rồi, vậy mà không bao lâu lại đụng mấy ông là sao?”. Một cuộc cãi vã nhỏ diễn ra đến khi người phụ nữ này lẩm bẩm bỏ đi. Một người đàn ông trong áo nhà sư than: “Vợ tao dính bầu phải ở nhà, sắp tới nó hết làm ăn rồi”. Một “sư” khác giọng lựa nhựa: “Tối qua tao nhậu bây giờ chân còn run, không biết đi được bao lâu”. Một người khác chửi thề: “Năm xui tháng hạn, chút thay đồ ra nhậu luôn”... Thậm chí, có “sư” còn quay qua chọc ghẹo “ni cô”. Rôm rả đến khi ngoài đường đã đông xe cộ, nhóm này lần lượt biến đi trên những chiếc xe ôm đợi sẵn. Chẳng bao lâu, chúng tôi đã thấy họ xuất hiện khắp các tuyến phố đông đúc ở Cần Thơ. Dáng bộ hiền từ, bước chân chậm rãi, miệng lẩm bẩm như đang đọc kinh… không khác một nhà sư thực thụ đi khất thực.
Bám theo các sư giả từ các tỉnh ngược về Châu Đốc, chúng tôi đã nhiều lần bị mất dấu một cách bất ngờ. Địa chỉ mà nhóm người giả sư này đến không phải là chùa chiền hay cơ sở thờ tự nào. Thậm chí, không ít lần họ lẩn vào một quán nước, một tiệm tạp hóa, thậm chí trong một nhà vệ sinh công cộng… rồi biến mất. Một tài xế biết mặt nhóm sư giả này tiết lộ: “Tui chở họ mấy năm nay, biết quá mà. Để tránh bị để ý, dĩ nhiên là họ phải ghé dọc đường hóa trang lại rồi mới đi xe khác về nhà”.
Một trong những địa chỉ quen thuộc mà họ hay ghé vào để hóa trang là tiệm tạp hóa của một người chạy xe ôm tên S., nhà gần cổng chào TP.Châu Đốc. Sau khi thay áo nhà sư, các sư sãi giả này được S. và các xe ôm khác chở về “bản doanh” là một con hẻm nhiều ngõ ngách ăn thông qua từ khu vực bến xe cũ qua đài khí tượng, thuộc TP.Châu Đốc. Đây chính là “cứ điểm” của nhóm tăng, ni giả dạng này.
 
Hầu như tất cả những người sống bằng nghề giả dạng tăng ni ở đây đều là con nợ đầm đìa dù số tiền họ kiếm được từ lừa phỉnh không phải là ít. Đi một buổi, ít thì kiếm được năm ba trăm, nhiều thì cả triệu đồng... nhưng cũng hết. Bài bạc, nhậu nhẹt, đề đóm làm sao mà không thiếu nợ
Một người dân TP.Châu Đốc
Xóm... đầu trọc
Khu vực bến xe cũ (TP.Châu Đốc) từ lâu nổi tiếng là địa bàn của dân tứ xứ tụ về, trong đó nổi trội nhất là nhóm người đầu trọc giả sư. Vào khu vực này, mới được một đoạn chúng tôi chứng kiến ngay một cuộc đuổi đánh nhau của hai gã say rượu, cả hai đều có chung đặc điểm là… đầu cạo trọc. Tuy nhiên, “ấn tượng” đó lập tức bị khỏa lấp khi chúng tôi liên tục chạm mặt với hàng loạt người đầu trọc khác. Họ xuất hiện từ khắp các ngõ ngách trong xóm, từ quán nước, sòng bài, sòng nhậu…; trong số đó, rất nhiều người chúng tôi đã nhẵn mặt trên các đường phố ở miền Tây trong bộ áo tăng, ni khất thực.
Nhiều ngày thuê trọ ở đây, chúng tôi thấy buổi sáng khu vực này vắng tanh, ít thấy bóng người. Một chủ nhà trọ giải thích: “Xóm này trở nên vắng vẻ là do buổi sáng cánh cái bang “đi làm” hết. Họ chia làm nhiều nhóm, giờ giấc tùy theo địa bàn “hành tẩu”. Sớm nhất là nhóm đi từ 2 giờ sáng. Họ đón xe đến các tỉnh, chủ yếu Đồng Tháp, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ. Trễ hơn là nhóm “làm ăn” trong tỉnh, đi các huyện Châu Thành, Tri Tôn, TX.Tân Châu và TP.Long Xuyên… Tuy nhiều sư giả có mặt ở địa bàn này khá lâu, nhưng không phải dân địa phương ai cũng biết mặt. Hầu hết họ đã vắng mặt trong xóm trước khi trời sáng và trở về trong màu áo của người thường nên những người lân cận cũng chẳng biết hành tung của họ”.
Buổi trưa, “xóm đầu trọc” bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên khi một số cái bang trở về với những xấp tiền lẻ dày cộm trên tay. Đó cũng là lúc những người cho vay bạc góp bắt đầu rảo từng nhà, đón ở đầu hẻm hoặc tìm đến các sòng bạc để gom tiền… Những cuộc cãi cọ cũng bắt đầu diễn ra khi các chủ nợ bị khất hẹn. Một nữ cái bang tên Nam than thở: “Hôm nay xui, trừ tiền xe tui chỉ còn trăm ngàn ngoài”. Nói thế, nhưng dường như lập tức người phụ nữ này đã có mặt tại sòng bài. “Xóm đầu trọc” lại thành chật chội khi các đầu trọc giả sư túm tụm lại “chia sẻ kinh nghiệm” ở một khúc cua gần một tiệm tạp hóa. Một tốp khác tranh thủ lôi nhau ra… cạo đầu, sơn phết những chiếc bình bát, cãi cọ, đôi chối và gầy sòng nhậu… Lúc này, chẳng tìm đâu ra bóng dáng một nhà sư ở nơi có rất nhiều người hằng ngày vẫn khoác áo nhà sư. Ở đây, họ lộ nguyên hình là những người giang hồ tứ chiếng, những con bạc say máu… và nuôi sống họ dĩ nhiên là những đồng tiền “cúng dường” của “bá tánh” khắp nơi, những người có lẽ không hay lòng thành của mình bị mắc lừa bởi nhóm giả sư chuyên nghiệp.

Một “cái bang” trong bộ dạng của nhà sư khất thực trên đường phố Cần Thơ

Và ung dung đếm tiền “cúng dường” của bá tánh mắc lừa
“Thật ra tất cả họ đều từ nơi khác tới. Thấy ở đây không bị lộ nên họ tập trung. Có người ở đây cả chục năm vẫn sống với nghề đóng giả nhà sư”, một người lớn tuổi trong xóm cho biết. Còn một người khác lắc đầu: “Hầu như tất cả những người sống bằng nghề giả dạng tăng ni ở đây đều là con nợ đầm đìa dù số tiền họ kiếm được từ lừa phỉnh không phải là ít. Đi một buổi, ít thì kiếm được năm ba trăm, nhiều thì cả triệu đồng… nhưng cũng hết. Bài bạc, nhậu nhẹt, đề đóm làm sao mà không thiếu nợ”.
Thậm chí, số tiền kiếm được trong bộ áo nhà sư họ còn dùng để… mua dâm. Buổi tối, khi các “tăng, ni” tung tăng bên vợ, con, nhân tình thì tại căn nhà của một sư giả tên Bình “giảo” nổ ra xô xát giữa một sư giả và gái bán dâm. Mọi người bu quanh một người đàn ông tuổi trên 60 đang “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với một cô gái “buôn hương” tên H. vì nghi cô này đã lấy điện thoại “xiết nợ”. Không vừa, gái làng chơi tri hô lên “sư” này “ăn bánh không trả tiền”. Sự việc vỡ lở, sợ “đụng chạm” tới cơ quan chức năng, H. quảy gói chuồn êm vào con hẻm tối. Lúc này, một số đầu trọc mới ngỡ ngàng chẳng biết lai lịch của gã sư giả mới tới tên gì. Số ít người biết về gã cũng chỉ biết tên thường gọi là “ông Chín”. Vài hôm sau, chúng tôi lại gặp Chín trong áo nhà sư, hiền từ ôm bình bát bước đi trên đường phố Cần Thơ.
Các sư khất thực không nhận tiền
Theo Đại đức Thích Bình Tâm,  Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN (GHPGVN) TP.Cần Thơ, tất cả các tăng, ni đi khất thực phải được sự cho phép của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành. Ngoài ra, các tăng, ni khi khất thực phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, phải đi thành từng đoàn nhiều vị và phải có giờ giấc (không quá 11 giờ). “Các sư khất thực chỉ nhận thức ăn, không nhận tiền...”, Đại đức Bình Tâm nói và cho biết GHPGVN TP.Cần Thơ đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các chuyến tuần hành để phát hiện những người giả dạng nhà sư đi khất thực để có biện pháp giáo dục, xử lý.
Tiến Trình

Việt Nam khuyến khích dân đi xe đạp để giảm kẹt xe

VIỆT NAM (NV) - Thủ tướng CSVN, ông Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành một chỉ thị, yêu cầu các bộ và chính quyền năm thành phố lớn siết chặt kiểm soát, “điều tiết hợp lý” xe cộ và cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng. Năm thành phố này bao gồm Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Ðà Nẵng, và Cần Thơ.
Theo báo Dân Trí, chỉ thị nói trên nhằm bảo đảm an toàn giao thông đô thị và chống nạn kẹt xe xảy ra hầu như hàng ngày tại tất cả các thành phố lớn ở Việt Nam.


Không mấy phụ huynh muốn để con em mình đạp xe đến trường vì không an toàn. (Hình: báo Dân Trí)
Công văn này cũng yêu cầu các bộ và chính quyền các thành phố lớn áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt độ phát triển, với một lộ trình cụ thể, nhằm hạn chế việc sử dụng xe cơ giới của cá nhân. Các biện pháp hạn chế này, cũng theo văn bản trên, bao gồm việc thu lệ phí duy tu đường sá; thu tiền giữ xe với giá cao ở các trung tâm đô thị và giảm dần ở khu vực ngoại vi.
Chỉ thị trên của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các cấp trực thuộc cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại các trung tâm thành phố, và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, người ta chưa thấy chỉ thị này đề cập đến chi tiết thực hiện kế hoạch mong muốn của nhà cầm quyền. Hiện nay, việc khuyến khích người dân đi xe buýt, phương tiện giao thông công cộng lý tưởng, vẫn còn là điều “trong mơ.”
Từ lâu, nhiều giới chức cao cấp của chính quyền CSVN hô hào cán bộ dùng xe buýt để đi làm, coi như một hình thức giúp giảm lưu lượng giao thông dầy đặc ở các khu vực nội thị. Tuy nhiên, lời hô hào này cũng chỉ xuất hiện trên đầu môi chót lưỡi, vì không khả thi.
Rất nhiều cư dân các khu dân cư ngoại thành ở Hà Nội than phiền rằng, trạm dừng xe buýt quá xa nơi trú ngụ của họ; số lượng xe buýt qua-lại không nhiều... nên dù rất muốn, cũng không thể nào thay chiếc xe gắn máy của mình bằng xe buýt.
Riêng việc mở các trạm xe đạp miễn phí ở các trung tâm thành phố, và các cửa ngõ ra vào, hiện nay vẫn còn là vấn đề... chưa bàn tới. (PL)

Cải cách đòi hỏi bản lĩnh nhà lãnh đạo.

Người dân Hà Nội xếp hàng mua hàng giảm giá. Ảnh chụp hôm 23/12/2013. AFP photo
Tất cả phải cùng trên đường ray hay nói cách khác phải có sự đồng thuận và quyết tâm lớn thì mới có thể đổi mới thể chế ở Việt Nam. Tuy vậy, nhiều ý kiến trên báo chí còn đặt vấn đề bản lĩnh của nhà lãnh đạo là điều kiện để cải cách thành công.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nhận định là, về nguyên tắc cơ chế tập thể quyết định vẫn duy trì. Nhưng trong trường hợp đổi mới lần trước, ông Tổng Bí thư Trường Chinh đã có những quyết định mạnh mẽ về thay đổi tư duy kinh tế xuất phát từ sự thật, dẫn đến công cuộc đổi mới cùng việc thực hiện nó. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:
“Dần dần sau này vai trò của người đứng đầu bị mờ nhạt dần và sức thuyết phục cũng như sự quyết đoán ngày càng hạn chế hơn. Tôi nghĩ rằng, đó là điều rất đáng tiếc vì hơn bao giờ hết người ta cần có những quyết định mạnh mẽ và có hiệu quả để cải cách nền kinh tế và để thực hiện các quyền tự do dân chủ mà Hiến pháp của Việt Nam đã có ghi, để có thể biến những lời lẽ trong Hiến đó thành hiện thực và  thực tế trong cuộc sống.”

GSTS Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, cần có sự đồng thuận cao trong Đảng và Nhà nước nhưng Việt Nam vẫn cần có những dấu ấn của người lãnh đạo.

"Dấu ấn của người ra quyết định và người ra quyết định cũng là người kiểm tra việc thực hiện quyết định đó phải có bản lĩnh kiên quyết và điều đầu tiên phải nhất quán từ lúc ra quyết định cho đến việc thực hiện quyết định đó. Như vậy sẽ chắc chắn thành công, còn nếu ra quyết định không đúng thực tiễn cũng không thực hiện được thì nó cũng chỉ là một quyết định không có hiệu lực thực hành.”




Dần dần sau này vai trò của người đứng đầu bị mờ nhạt dần và sức thuyết phục cũng như sự quyết đoán ngày càng hạn chế hơn.

- TS Lê Đăng Doanh
Ngày 3/02/2014 trên báo điện tử Chính phủ Việt Nam, GSTS Hoàng Chí Bảo thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương có bài viết nhìn nhận những nguy cơ có thật, đang đe dọa sự tồn vong của chế độ và sinh mệnh đảng Cộng sản Việt Nam. Theo lời lý thuyết gia của Đảng thì: “Giặc nội xâm, giặc ở trong lòng dân. Tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, những cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, kể cả cấp cao về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống là những thí dụ điển hình, nghiêm trọng.”

Nhận định về điều liệu giới lãnh đạo Việt Nam có đạt được đồng thuận để cùng nhau đổi mới thể chế kinh tế chính trị hay không. GSTS Vũ Văn Hóa phát biểu:

“Lãnh đạo của chúng tôi là đảng Cộng sản đứng đầu là ông Tổng Bí thư, bên dưới của nó là các cấp chính quyền, trước hết là Thủ tướng Chính phủ rồi các Bộ Ban Ngành phải thực hiện theo Nghị quyết hay đường lối đã vạch ra. Còn nếu như không có sự đồng thuận thì rõ ràng không thể thực hiện được. Tôi nghĩ ở Việt Nam hiện nay vẫn theo chế độ một đảng lãnh đạo, thế thì đảng Cộng sản có vai trò rất quan trọng mà quan trọng bậc nhất là ông Tổng Bí thư và toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương, trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị thì đã có ông Thủ tướng ở đấy. Nếu có sự đồng thuận thì chắc chắn mọi việc đều có thể làm được. Tuy nhiên vẫn còn có những vướng mắc nhất định về các chủ trương hoặc biện pháp tiến hành thì tôi cho rằng trong một thời gian  ngắn sẽ có sự đồng thuận và cách giải quyết của Việt Nam sẽ thực hiện được.”

Thông điệp hoàn hảo, nhưng...

Người dân biểu tình chống Trung Quốc cầm chân dung người lính hải quân VNCH Ngụy Văn Thà, đã hy sinh trong trận hải chiến với TQ tại quần đảo Hoàng Sa 40 năm trước. Ảnh chụp hôm 19/1/2014 tại Hà Nội. AFP photo
Câu chuyện đổi mới thể chế kinh tế và chính trị được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vạch ra trong thông điệp đầu năm 2014 được hoan nghênh, nhưng có không ít ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của nó ở nhiều nội dung. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Hà Nội nhận định:

“Việc hô hào dân chủ, dương ngọn cờ dân tộc  ở Việt Nam trong quá trình đấu tranh mấy chục năm qua có nhiều người hô hào lắm. Nhưng rõ ràng là những hô hào đó có thật và có làm được không. Việc hô hào phải cần đổi mới chính trị tôi đặt vấn đề đó có phải là cơ quan điều hành hành chính hay không, hay là của ai khác. Ở Việt Nam thì những tiếng nói như thế nên dành cho ông Chủ tịch nước hoặc ông Tổng Bí thư. 

Có người cho rằng đây là cái mới và cũng hơi lạ. Trong bài diễn văn đó nói về dân chủ, nói về ba vấn đề lớn. Nhưng mà rõ ràng người ta đang theo dõi nhiều chuyện, lớn nhất là chuyện đấu tranh chống tham nhũng thì trong bài đó rất lu mờ không nhìn thấy. Ông Thủ tướng chủ trì cơ quan hành pháp làm gì trong cuộc đấu tranh ấy. Chuyện khởi xướng hô hào lên thì có nhiều cách, nhưng mà có người nói là như vậy có phải đó là  vị trí của ông ấy dương ngọn cờ này lên được hay không. Ở Việt Nam cơ chế, thể chế cũng đặt vấn đề đó.” 

Theo dõi tình hình Việt Nam các nhà quan sát ngạc nhiên vì thông điệp đổi mới đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quá hoàn hảo và không khác gì mấy với nội dung những kiến nghị của giới nhân sĩ trí thức, hay các tổ chức xã hội dân sự mới tự hình thành. Điều gây thắc mắc không kém đó là bản thông điệp đổi mới được đưa ra không lâu, sau khi Việt Nam ban hành Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi mà không đáp ứng nguyện vọng cải cách của người dân.

... đường còn dài 

GSTS Vũ Văn Hóa nhận định rằng con đường cải cách của Việt Nam sẽ cần rất nhiều thời gian. Ông nói:

“Không thể một lúc đảo lộn tất cả cơ sở hạ tầng hiện có, cho nên đã đắn đo, suy nghĩ và sau đó bàn định thì không phải một lúc mà làm được tất cả, phải dần dần từng bước. Ngay từng câu từng chữ trong Hiến pháp mới về đất đai cũng không thể sửa ngay được. Ví dụ người ta bàn mãi về việc thu hồi đất để làm gì, thế thì cũng không thể nói chỉ cho lợi ích về quân sự quốc phòng mà còn nói về kinh tế nữa. 

Nhưng thu hồi vì lý do kinh tế thì phải cụ thể, làm gì dân phải thông thì lúc ấy mới có thể thực hiện được. Từ chỗ luật còn chung chung thì bây giờ đã cụ thể hóa hơn và sự cụ thể hóa này phù hợp với sự tiến triển của trình độ nhận thức của dân cư, chứ không thể một lúc mà chúng tôi có thể thay đổi toàn bộ, thay đổi 180 độ được, nó phải từng bước. Chúng tôi cho rằng cũng đã có thay đổi, tuy nhiên nó còn chậm so với sự tiến bộ chung của một vài nước ở trong khu vực.” 

Ngày 4/2 trên báo Người Lao Động Online, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan văn Khải, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định rằng, những khó khăn bế tắc của nền kinh tế mấy năm qua vẫn tồn tại ảnh hưởng tới năm 2014. Tuy nhiên nếu nhà nước, mà ở đây trực tiếp là Chính phủ, tạo đột phá, tập trung vào cải cách thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế thì tình hình sẽ được tháo gỡ.




Chúng tôi cho rằng cũng đã có thay đổi, tuy nhiên nó còn chậm so với sự tiến bộ chung của một vài nước ở trong khu vực.

- GSTS Vũ Văn Hóa
Trả lời chúng tôi trong dịp Tết Giáp Ngọ, TS Lê Đăng Doanh nhận định rằng, kể từ Thông điệp của Thủ tướng đầu năm 2014 tới nay, các nỗ lực cải cách chủ yếu chỉ dừng lại ở các dự thảo và chương trình hành động của Chính phủ. Trong đó có một dự thảo kế hoạch về nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó giới nhân sĩ trí thức chuyên gia chờ đợi những đột phá tức thời. TS Lê Đăng Doanh nói:

Trong cuộc thảo luận về thực hiện thông điệp 2014 thì một số nhà trí thức mong muốn có những biện pháp ngay trước mắt mạnh mẽ hơn và cụ thể hơn. Thí dụ như xem xét trả tự do một số người bị giam giữ mà thực sự không có hành động gì chống đối ngoài việc phát biểu ý kiến một cách thẳng thắn. Bên cạnh đó bãi bỏ một số quyết định ban hành trước đây mà ngày nay thấy không thích hợp. Thí dụ như Quyết định 97 dẫn đến việc Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã phải tự giải thể...v..v.. Những ý kiến đó cho tới nay chưa thấy được thực hiện.”

Hiện trạng đất nước khiến dư luận ở Việt Nam trông chờ đổi mới, chờ đợi những nhà lãnh đạo có bản lĩnh để thực hiện đổi mới. TS Phạm Chí Dũng, một nhà nghiên cứu kinh tế chính trị vừa từ bỏ hàng ngũ đảng Cộng sản nói với chúng tôi: “ Thật là một bi kịch khủng khiếp về tư tưởng, khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn còn hy vọng chủ nghĩa xã hội sẽ còn tồn tại đến cuối thế kỷ này mặc dù chưa được hoàn thiện.”

Nam Nguyên, 
phóng viên RFA