Friday, July 28, 2017

Formosa xây hồ lấn biển để đổ hơn 40 triệu mét khối xỉ thải

Formosa xây hồ lấn biển để đổ hơn 40 triệu mét khối xỉ thải
Trong khi dự luận trong nước đang xôn xao về các dự án đổ bùn xuống biển ở tỉnh Bình Thuận, thì tại tỉnh Hà Tĩnh, công ty Formosa vừa xây xong một hệ thống kè lấn biển, để đổ một lượng xỉ thải lên tới gần trăm triệu tấn.
Báo Tiền Phong hôm Thứ Sáu 28/07 cho hay, bãi xỉ lấn biển có diện tích hơn 280 héc ta, dung tích hơn 40 triệu mét khối, có thể chứa được gần 93 triệu tấn xỉ thải trong 70 năm, mỗi năm thu gom về khoảng 1.3 triệu tấn. Bải xỉ thải này nằm ở phía nam cảng Sơn Dương, thuộc dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh.
Tờ Tiền Phong cho biết, hiện Formosa đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống đê lấn biển dài nhiều cây số, tạo thành một lòng hồ rộng lớn hình chữ nhật tính từ bờ ra. Giới chức Formosa đã từ chối tiếp xúc với phóng viên của tờ báo này trong suốt một tuần qua, cho nên họ chỉ có thể đi đến địa phương mô tả những gì trông thấy được.
Ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường, thuộc bộ tài nguyên và môi trường CSVN, xác nhận Formosa đã hoàn thành hệ thống đê của bãi thải lấn biển, nhưng cần phải hoàn thành thêm vài hạng mục như trải bạt chống thấm tầng đáy và thân đê, mới được phép đưa vào sử dụng. Ông Thức xác định bãi thải này chỉ được phép chứa những chất thải không độc hại. Ông còn cam đoan rằng, gió bão, động đất, hay sóng thần làm vỡ bãi thải cũng không gây ô nhiễm môi trường.
Huy Lam / SBTN

Sẽ có biểu tình chống Trung Cộng nay mai tại Việt Nam?

Sẽ có biểu tình chống Trung Cộng nay mai tại Việt Nam?
Một bản thông báo được đăng trên trang mạng của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ vào sáng ngày 27/07/2017 khuyến cáo công dân Hoa Kỳ tại Việt Nam phải cẩn thận trong những ngày tới, vì có thể sẽ có biểu tình nhắm vào các công ty và nhà máy liên kết của Trung Cộng xảy ra tại Saigon và tỉnh Bình Dương. Thế nhưng bản thông báo này đã được gỡ xuống vào tối ngày 27/07/2017, và tòa tổng lãnh sự không cho biết lý do. Trong sự dè dặt chúng tôi vẫn loan bản tin này để bạn đọc cùng theo dõi.
Theo bản thông báo, Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn khuyên công dân Hoa Kỳ “nên tránh tất cả các hành động chống đối, biểu tình, tụ tâp đám đông. Tất cả công dân Hoa Kỳ cũng nên đề phòng việc biểu tình có thể diễn ra trong mục đích hòa bình nhưng cũng có thể trở thành cuộc xung đột và dẫn đến bạo động.”
Theo bản thông báo, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang giám sát các cuộc biểu tình này và tăng cường lực lượng công an bảo vệ khu vực.
Trong những ngày qua, thông tin về việc Hà Nội dừng chuyện thăm dò dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam do bị Bắc Kinh đe dọa tấn công căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa đang làm dư luận Việt Nam phẫn nộ.
Khu vực Việt Nam đang tiến hành thăm dò dầu khí, mà Việt Nam gọi là bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng Trung Cộng cho rằng vùng này thuộc chủ quyền của họ với đường đứt khúc chín đoạn mà họ tự tuyên bố, chiếm 90% diện tích biển Đông.
Tuy nhiên, một quán quyết của tòa trọng tài quốc tế về biển Đông hơn 1 năm trước đã phủ nhận tính pháp lý của đường chín đoạn mà Trung Cộng tự vạch ra trên biển Đông.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn vào giữa tháng Sáu vừa qua, khi Trung Cộng điều nhiều tàu xuống vùng biển này để gây sức ép, nhưng phía Việt Nam không chịu ra khỏi vùng biển này. Chuyện này đã làm một nhân vật quân sự cấp cao của Trung Cộng là tướng Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm Hà Nội lúc đó.
Đến thời điểm này, vẫn chưa có thông tin nào từ giới hoạt động nhân quyền hay các nhóm xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam về việc sẽ có những cuộc biểu chống Trung Cộng sắp tới.
Quý khán giả và độc giả có thể đọc toàn bộ bản thông báo của tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam mà tòa lãnh sự đã đăng nhưng sau đó bị gỡ xuống theo đường LINK sau đây.
Tường Thắng / SBTN

Nhà cầm quyền và báo chí CSVN im lặng trước việc Trung Cộng buộc ngừng khoan dầu

Nhà cầm quyền và báo chí CSVN im lặng trước việc Trung Cộng buộc ngừng khoan dầu
Ngay sau khi Trung Cộng lên tiếng một cách chính thức yêu cầu CSVN phải ngừng thăm dò dầu khí trên biển Đông, báo chí và các cơ quan truyền thông trong Việt Nam vẫn im lặng. Bộ Ngoại giao cũng “im lặng một cách khác thường”.
Tính đến ngày  26/7, Bộ Ngoại giao CSVN chưa lên tiếng về vụ việc này.
Thông tin về việc Việt Nam yêu cầu một công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol ngừng khoan thăm dò dầu khí ở lô 136-03 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng không xuất hiện trên truyền thông “lề phải”.
Bản tin trên đài VOA trích lời giáo sư Carl Thayer của Học viện quốc phòng Úc và học giả Bill Hayton của viện nghiên cứu Chatham House, cho biết Trung Cộng đã đưa ra yêu cầu này thông qua đại sứ CSVN ở Bắc Kinh. Học giả Hayton cho biết thêm, sau khi Bộ Chính Trị xem xét yêu cầu này đã quyết định ngừng khoan dầu.
Sự giằng co giữa Việt Nam và Trung Cộngvề vấn đề khoan dầu trên biển Đông- theo giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương- bắt đầu từ khi tướng Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm tới Hà Nội và chương trình giao lưu quốc phòng giữa 2 nước bị hủy bỏ.
Trước khi BBC đưa tin nhà cầm quyền CSVN quyết định ngừng thăm dò dầu khí, trên trang Twitter cá nhân của giáo sư Vuving và Jonathan London đều đưa tin về việc Trung Cộng đang triển khai dàn khoan HYSY-760 cùng 40 tàu hải giám tới khu vực gần bãi Tư Chính, quanh lô 163-03, là nơi Việt Nam lúc đó đang triển khai dự án khai thác dầu Cá Rồng Đỏ do PetroVietNam hợp tác.
Theo giáo sư Carl Thayer, Trung Cộng thực sự đe dọa dùng vũ lực để tấn công các thực thể của Việt Nam trên biển Đông để buộc Việt Nam ngưng thăm dò dầu khí. Đây là một sự leo thang chưa từng có và đáng báo động.
Tường Thắng / SBTN

Lên tới chức chủ tịch xã nhờ một dấu sắc

Lên tới chức chủ tịch xã nhờ một dấu sắc
Không có bằng tốt nghiệp trung học, một người đàn ông lấy tấm bằng của một người khác thêm dấu sắc vào để thành tên mình, rồi từ đó thăng quan tiến chức ở địa phương trong gần 20 năm.
Đó là câu chuyện của ông Mai Xuân Sáng, 57 tuổi, phó bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.
Báo Dân Việt hôm Thứ Ba 25/07 đưa tin, ông Sáng vừa bị chính quyền huyện cách hết chức vụ, vì sử dụng bằng tốt nghiệp giả, và khai hồ sơ công chức không trung thực.
Ông Sáng giải thích với báo chí rằng từ năm 1996 đến 1998, tức là vào năm ông 36 đến 38 tuổi, ông có đi học cấp 3  trường trung học phổ thông huyện Đắk R’lấp. Vì “lý do gia đình” cho nên ông không thi tốt nghiệp.
Vào năm 1998, tức là trong cùng năm ông học xong trung học, ông nhờ một người quen ở Sở Giáo Dục Và Đào Tạo tỉnh Đắk Lắk làm cho ông một tấm bằng cấp 3 mang tên Mai Xuân Sáng. Theo tờ Dân Việt, viên chức Sở Giáo Dục này tìm được bằng tốt nghiệp của một người mang tên Mai Xuân Sang, thêm dấu sắc vào thành tên Mai Xuân Sáng.
Từ đó ông Sáng bắt đầu con đường làm quan trong chế độ CSVN.
Năm 1999, ông làm thôn phó. Sau đó ông làm cán bộ đoàn và công an xã. Năm 2008, ông được bầu làm phó chủ tịch xã.
Từ năm 2010 đến nay, ông liên tục được bầu làm ủy viên ban chấp hành huyện ủy, phó bí thư xã kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân xã.
Huy Lam / SBTN

Trưởng công an xã mất chức vì đánh người dùng điện thoại ghi âm

Trưởng công an xã mất chức vì đánh người dùng điện thoại ghi âm
Một trưởng công an xã 30 tuổi ở tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa bị cách chức vì đánh một người dân đến phải nhập viện, chỉ vì người đàn ông đáng tuổi cha mình dùng điện thoại ghi âm buổi làm việc.
Báo Dân Việt đưa tin, huyện ủy Phong Điền hôm Thứ Ba 25/07 ra lệnh cách chức trưởng công an xã Trần Văn Tín, liên quan đến việc hành hung dã man ông Văn Đức Nguyên, 66 tuổi, hồi tháng 3. Quyết định cách chức được đưa ra hơn 4 tháng sau khi xảy ra vụ hành hung.
Vào chiều ngày 13 tháng 3, ông Nguyên mang theo giấy tờ liên quan đến chủ quyền đất của mình đến trụ sở công an xã Phong Xuân làm việc với ông Tín. Tại đây, khi ông Nguyên lấy điện thoại di động của mình ra ghi âm buổi làm việc, thì ông Tín chụp lấy điện thoại để ngăn cản.
Ông Nguyên cho biết lúc đó, ông giải thích với ông Tín rằng, vì không thấy công an xã treo bảng cấm chụp ảnh, ghi âm nên ông mới ghi âm buổi làm việc. Ông Nguyên vừa dứt lời thì bị ông Tín nắm tóc đập đầu xuống bàn tới tấp, khiến đầu ông sưng vù, chảy máu khắp mặt mũi, cổ và tai trái bầm tím.
Được biết ông Nguyên đã phải nằm điều trị hơn 10 ngày tại bệnh viện Trung Ương Huế vì chấn thương nặng ở vùng đầu.
Sau cuộc điều tra vài tháng, công an huyện Phong Điền quyết định không truy tố vụ này, mà tổ chức một buổi gọi là “hòa giải”, để cho ông Tín bồi thường cho ông Nguyên số tiền gần 54 triệu đồng.
Huy Lam / SBTN

Nghệ An: Bắt quả tang chánh án nhận tiền hối lộ

Trụ sở tòa án huyện Kỳ Sơn, nơi chánh án nhận tiền hối lộ. (Hình: Báo điện tử Dân Trí)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Ông chánh án tòa án huyện Kỳ Sơn bị bắt quả tang đang nhận tiền hối lộ của một bị cáo là con bạc trong vụ án mà ông chuẩn bị xét xử.
Sáng 27 Tháng Bảy, nói với báo Thanh Niên, ông Bùi Nguyên Tiến, trưởng Phòng Tham Mưu công an tỉnh Nghệ An, cho biết công an huyện Kỳ Sơn vừa bắt giữ ông Kha Văn Thành, chánh án tòa án huyện này, để điều tra về tội “nhận hối lộ.”
Trước đó, khoảng 11 giờ tối 25 Tháng Bảy, công an huyện Kỳ Sơn bắt quả tang ông Thành đang nhận hàng chục triệu đồng tại phòng làm việc của mình từ ông T., ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, bị truy tố về tội đánh bạc, được tại ngoại và đang chờ tòa án huyện này xét xử.
Do tái phạm tội đánh bạc, trước ngày chuẩn bị ra tòa, ông T. đã gặp ông Thành với mong muốn được giảm khung hình phạt và được ông Thành gợi ý “làm luật.” Thấy ông Thành vòi vĩnh quá nhiều tiền nên ông T. đã làm đơn tố cáo gửi công an Kỳ Sơn.
Theo báo điện tử Dân Trí, nhận được đơn tố cáo, công an huyện đã gài bẫy. Khi ông Thành đang nhận tiền của ông T. tại phòng làm việc thì cảnh sát hình sự huyện Kỳ Sơn ập vào bắt giữ.
Về số tiền ông Thành nhận của ông T., công an huyện chưa công bố vì đang trong quá trình điều tra. Hiện ông Thành đã được đưa xuống tại trại giam Nghi Kim, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Ông Hồ Sỹ Thắng, chánh văn phòng ủy ban huyện Kỳ Sơn, xác nhận sự việc với báo Dân Trí và cho biết: “Thông tin này chúng tôi cũng mới nắm được sơ sơ khi sự việc xảy ra như vậy có liên quan đến cán bộ tòa án nhân dân huyện. Còn cụ thể, chi tiết như thế nào thì tôi chưa nắm được, họ chưa báo cáo.” (Tr.N)

Ðinh Thế Huynh sang Nhật chữa bệnh, ‘an dưỡng’ ở Phú Quốc

hế Huynh. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Ông Ðinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí Thư của đảng CSVN, nhân vật được cho là đứng hàng thứ 5 trong danh sách các lãnh đạo chóp bu, đã phải sang Nhật chữa bệnh và hiện đang “an dưỡng’ ở Phú Quốc, theo tiết lộ của Facebooker Truong Huy San, tức nhà báo Huy Ðức.
Vì lý do này, ông Ðinh Thế Huynh vắng bóng trên các diễn đàn chính trị ở Việt Nam kể từ sau Hội Nghị Trung Ương 5, được tổ chức vào Tháng Năm, 2017.
Thông tin về “Sức khỏe của ông Ðinh Thế Huynh” của Facebooker Truong Huy San tung ra vào sáng 26 Tháng Bảy, lập tức có hơn 1,700 người “like” và “share.”
Facebooker Truong Huy San, hay nhà báo Huy Đức, tác giả bộ sách ‘Bên Thắng Cuộc’ và là người am hiểu tình hình chính trị tại Việt Nam.
Theo Facebooker Truong Huy San, kể từ hồi Tháng Năm, ông Huynh “chưa một lần xuất hiện trước công chúng cũng như trước các hoạt động của đảng. Ông cũng không tiếp xúc cử tri hay tham gia kỳ họp thứ ba của Quốc Hội.”
Vẫn theo Facebooker này, “Vì ông Ðinh Thế Huynh là người đứng thứ năm trong số những người có ảnh hưởng nhất đến các quyết sách quốc gia nên công chúng có quyền biết tình hình sức khỏe và năng lực ra các quyết định của ông. Ban Bí Thư nên có một thông báo về sự vắng mặt của ông Huynh. Sức khỏe của lãnh đạo không phải là bí mật quốc gia. Cần tạo ra tiền lệ công khai trước dân, trước đảng.”
Ông Ðinh Thế Huynh, 64 tuổi, ủy viên Bộ Chính Trị, thường trực Ban Bí Thư đảng CSVN, người được cho là có nhiều khả năng thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò tổng bí thư đảng CSVN, nên sự vắng mặt gần hai tháng nay của ông rất đáng được chú ý.
Hồi cuối Tháng Mười, 2016, ông Huynh có chuyến thăm đầu tiên Hoa Kỳ, bởi vì ông là lãnh đạo cao thứ nhì trong đảng CSVN sau Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, nên ông “có đủ tư cách” nói chuyện với Washington.
Trước đó, thủ tục ngoại giao của Mỹ không bao giờ tiếp lãnh đạo đảng trong một hệ thống chính trị “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý.” Sự kiện mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Washington, DC, cách đây ba năm đã phá bỏ thủ tục này.
Lâu nay, sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính Trị lẫn ủy viên Trung Ương Ðảng CSVN đều được cho là “bí mật.”
Vào ngày 12 Tháng Tám, 2015, báo điện tử VietNamNet dẫn lời ông Huỳnh Ngọc Sơn, phó chủ tịch Quốc Hội, phàn nàn hội chứng “mật” rằng: “Sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh sao phải mật? Sao không cung cấp sớm cho báo chí, để báo chí phải canh chụp từ xa, rồi độc quyền ảnh…” Theo ông, trong khi đó, người dân muốn hỏi về thông tin đang tràn lan trên mạng có thật không nhưng căn cứ vào “mật” thì cơ quan chức năng có quyền từ chối.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN, trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Ðảng CSVN được gia đình đưa sang Hoa Kỳ để điều trị bị nhiễm độc phóng xạ. Cho tới khi dư luận xã hội có quá nhiều tin đồn thổi về bệnh tình của ông thì ngày 29 Tháng Mười Hai, 2014, Thành Ủy Ðà Nẵng mới xác nhận với báo chí rằng ông Nguyễn Bá Thanh vẫn sống và đang được chữa bệnh tại Mỹ.
Cũng thời điểm đó, ông Phạm Gia Khải, thành viên Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương, khẳng định tin đồn “ông Thanh bị đầu độc” là điều xuyên tạc. Tuy nhiên, đến ngày 9 Tháng Giêng, 2015, phi cơ chở ông Thanh từ Mỹ về Việt Nam và được truyền thông nhà nước đưa tin là sức khỏe của ông vẫn bình thường, vẫn ăn được cháo. Cuối cùng, ngày 13 Tháng Hai, 2015, ông qua đời, ngay trước Tết Nguyên Ðán.
Tương tự là tình hình sức khỏe của ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Trong suốt một thời gian dài, ông đều vắng mặt trong các sự kiện chính trị quan trọng ở trong nước. Ông không tham dự Ðại Hội Thi Ðua Quyết Thắng Toàn Quân lần thứ IX năm 2015 khai mạc sáng 1 Tháng Bảy, 2015, tại Hà Nội. Ông cũng vắng mặt trong cuộc họp Chính Phủ thường kỳ Tháng Sáu hôm 29 Tháng Sáu, 2015. Và vì lý do sức khỏe ông Phùng Quang Thanh cũng không tham gia được chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.
Một thời gian dài các mạng xã hội dồn dập tin đồn về ông. Cuối cùng, ngày 1 Tháng Bảy, 2015, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương cho hay ông Phùng Quang Thanh “đã đi Pháp trị bệnh cách đây một tuần,” và cho biết ông Thanh “đã được phẫu thuật, có thể là một khối u phổi.”
Với việc loan tin về “sức khỏe bí mật” của ông Ðinh Thế Huynh trên Facebook của nhà báo Huy Ðức, Facebooker Nguyễn Vinh Trung nhắc lại sức khỏe ông Phùng Quang Thanh: “Có ai biết tin gì của ông Phùng Quang Thanh không nhỉ, cho em biết với, vì tò mò lâu rồi không thấy ông ấy đâu cả.”
Còn với nhiều, chuyện sức khỏe của ông Ðinh Thế Huynh là: “Có ông Huynh hay không vẫn thế dân nào quan tâm ba cái chuyện linh tinh đó với lại ông ấy có phải là người tài giỏi gì cho cam,” Facebooker Quan Vũ viết.
Facebooker Tri Trung Nguyen bình luận: “Nước mình rất khác biệt. Có những tay đang rất khỏe, đột nhiên xin đi nước ngoài chữa bệnh rồi lặn luôn. Có những tay không thấy mặt từ rất lâu nhưng cứ thông báo là rất khỏe.”
Facebooker Trần Như Vân thì: “Ðảng lãnh đạo, người này chết hoặc bệnh nặng không làm việc được, đảng cử người khác thay, dân đâu có quyền gì mà quan tâm.” (Q.D.)

Hà Nội: Khai tử người thân cũng bị cán bộ phường vòi tiền

Bà Vũ Mai Khanh (phải) và bà Nguyễn Thị Thúy Hà giải thích về vụ việc. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mặc dù phủ nhận việc cán bộ đòi tiền “lót tay” gây khó khăn cho dân khi cấp giấy khai tử, nhưng lãnh đạo phường Văn Miếu lại đến nhà dân xin lỗi và “nhờ” gỡ thông tin đăng tải trên Facebook trước đó.
Xác nhận với truyền thông Việt Nam, ông Phạm Thanh Cao, phó giám đốc Sở Tư Pháp Hà Nội, phó đoàn thanh tra công vụ thành phố Hà Nội, cho biết đoàn thanh tra đã về phường Văn Miếu, quận Đống Đa, làm việc về vụ người dân tố cán bộ phường này hạch sách khi cấp giấy khai tử.
Trước đó, ngày 25 Tháng Bảy, mạng xã hội Facebook đăng tải đoạn thông tin tố cáo của bà Nguyễn Thanh Hoa, ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, về việc gia đình bị cán bộ phường sách nhiễu gây khó dễ khi xin cấp giấy khai tử cho người thân.
Trên Facebook, bà Hoa thuật lại, khoảng 9 giờ sáng 19 Tháng Bảy, bà đến phường Văn Miếu xin giấy khai tử cho cha ruột để kịp làm thủ tục mai táng tại nhà tang lễ lúc 1 giờ chiều 20 Tháng Bảy.
Tại đây, cán bộ Nguyễn Thanh Hiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn bà lúc 2 giờ chiều cùng ngày đến trụ sở phường để lấy với lý do “sếp đang đi họp” nên chưa thể cấp ngay. Đầu giờ chiều, bà quay lại để lấy giấy nhưng ông Hiếu vẫn nói “sếp chưa về để ký.” Bà Hoa ngồi chờ đến 3 giờ chiều nhưng vẫn chưa nhận được giấy, song phải về nhà để lo công việc gia đình.
Do nhận được giấy khai tử muộn, không làm được hợp đồng tang lễ, đám tang của gia đình bà Hoa phải lùi lại một ngày. Đáng chú ý, theo bà Hoa, quá trình làm việc tại phường, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, phó chủ tịch phường Văn Miếu, có thái độ hống hách và cho rằng “muốn được giải quyết nhanh các thủ tục hành chính thì phải ‘lót tay’ 200,000 đồng.”
Ngay sau khi đăng tải, đoạn thông tin đã được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt, bày tỏ sự phẫn nộ, bất bình.
Liên quan đến vụ việc, sáng 26 Tháng Bảy, bà Vũ Mai Khanh, chủ tịch phường Văn Miếu, phủ nhận thông tin phải “lót tay” để giải quyết nhanh thủ tục hành chính.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Khanh cho biết, riêng mảng khai tử, ủy ban phường luôn tạo điều kiện cho người dân. Theo quy định, phường phân công mảng tư pháp cho bà Hà phụ trách, nhưng không có nghĩa chỉ mình bà Hà được quyền ký giấy khai tử.
“Vào ngày hôm đó, chị Hà có đi họp cả hai buổi, nhưng ngay khi về, khoảng hơn 3 giờ chiều, chị đã ký toàn bộ giấy tờ. Thực tế, lúc hai công dân ra phòng một cửa thì mọi hồ sơ đã xong hết rồi,” bà Khanh nói.
“Cũng trong ngày hôm qua, lãnh đạo phường cùng chị Hà và cán bộ tên Hiếu đến gia đình chị Hoa để chia sẻ cùng tang gia. Qua vụ việc này, phường xin rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc tiếp dân để làm sao linh hoạt, thỏa đáng, hài lòng nhân dân,” bà Khanh cho hay.
Mặc dù không thừa nhận thuộc cấp sách nhiễu dân, song bà Khanh cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra đã “đề nghị cán bộ mời gia đình lên để gặp trực tiếp và ngay chiều hôm đó đã cùng hai cán bộ liên quan trực tiếp đến vụ việc xin lỗi gia đình về mặt tình cảm.”
Bà Nguyễn Thanh Hoa xác nhận, khoảng 9 giờ tối 25 Tháng Bảy, bà Vũ Mai Khanh, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, và cán bộ Nguyễn Lê Hiếu đã đến gia đình xin lỗi. “Lãnh đạo phường Văn Miếu đã xin lỗi gia đình tôi và mong muốn gia đình gỡ bỏ những thông tin tôi chia sẻ trên Facebook,” bà Hoa nói với báo điện tử Dân Trí.
Bà Hoa cũng khẳng định, quan điểm của gia đình là không gỡ các thông tin trên mạng xã hội vì đó là những thông tin đúng sự thật, bản thân bà sẽ chịu trách nhiệm với những thông tin mình chia sẻ trên Facebook. Đến nay, bài viết về vụ việc vẫn tồn tại trên Facebook cá nhân của bà Hoa, và tiếp tục nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Chiều cùng ngày, bà Khanh cho biết thêm, phường đã chuyển ông Nguyễn Thanh Hiếu, người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục làm giấy khai tử cho gia đình bà Hoa sang công tác tại văn phòng Hội Đồng Nhân Dân, không tiếp tục làm việc tại bộ phận tiếp dân.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Song Hào, chủ tịch quận Đống Đa, cho biết đã ký quyết định đình chỉ công tác ba ngày, từ 26 đến 29 Tháng Bảy, đối với bà Nguyễn Thị Thúy Hà.
“Việc đình chỉ bà Hà là để phục vụ yêu cầu kiểm tra, thanh tra mà đoàn thanh tra công vụ và các đơn vị chức năng đang tiến hành liên quan tới vụ việc tại phường. Sau khi có kết luận chính thức theo yêu cầu của chủ tịch thành phố, quận sẽ ra quyết định chính thức với bà Hà,” ông nói. (Tr.N)