Thursday, October 26, 2023

Việt Nam lại sắp hành dân, đổi ‘Thẻ Căn Cước Công Dân’ thành ‘Thẻ Căn Cước’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 25 Tháng Mười, Quốc Hội Việt Nam thảo luận và dự kiến biểu quyết Luật Căn Cước, đổi tên “Thẻ Căn Cước Công Dân” thành “Thẻ Căn Cước” để thông qua vào tháng tới.

Theo báo Tuổi Trẻ, việc “sửa sai” lần này là “trên mặt thẻ, dòng chữ ‘căn cước công dân’ sẽ được đổi tên thành ‘căn cước,’ quê quán thành nơi đăng ký khai sinh/nơi sinh, nơi thường trú đổi thành nơi cư trú.” Dấu vân tay và đặc điểm nhận dạng trên “Thẻ Căn Cước,” cũng bị bỏ đi để “bảo đảm tính riêng tư, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ và vướng mắc trong xác thực thông tin.”

“Thẻ Căn Cước Công Dân” gắn chip. (Hình: Phạm Dự/VNExpress)

Bộ Công An giải thích việc đổi tên để “phù hợp với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân trên thế giới.”

Bộ Công An lý giải chung chung hiện có khoảng 40,000 người Việt Nam không có giấy tờ gì để chứng minh họ là ai, nên gặp nhiều khó khăn. Do đó, “cần có hành lang pháp lý để họ được hưởng các quyền căn bản về lao động, học tập, khám chữa bệnh.”

Đây là mẫu “chứng minh nhân dân” thứ sáu mà người dân Việt Nam sắp bị ép phải đi làm trong vòng 10 năm qua.

Trước đó hồi Tháng Ba vừa qua, không lâu sau vụ bắt buộc người dân phải đổi “Thẻ Căn Cước Công Dân” gắn chip, Bộ Công An lại bắt người dân đổi sang loại “Thẻ Căn Cước Công Dân” gắn chip “sửa đổi” có “tính ưu việt” hơn.

Theo các báo ở Việt Nam, sau một thời gian ép buộc người dân đi đổi thẻ, đến nay đã có gần 80 triệu “Thẻ Căn Cước Công Dân” gắn chip được cấp.

Điều đáng nói là “Thẻ Căn Cước Công Dân” gắn chip “sửa đổi” không phải là giấy tờ duy nhất mà Bộ Công An từng đề nghị sửa mẫu trong thời gian ngắn.

Phản ảnh với báo VNExpress, độc giả “Yến Yến” cho biết: “Mình bốn năm phải đi làm thẻ ba lần. Lần thứ nhất mình làm lúc 37 tuổi đến 40 tuổi hết hạn. 40 tuổi mình đi làm lại thẻ xong hạn đến tuổi 60 (lần 2), nhưng chưa được một năm lại thấy thông báo bắt buộc làm ‘căn cước công dân’ có gắn chíp nên mình phải đi làm lại thẻ (lần 3). Giờ lại đề nghị đổi tên rồi đi làm lại nữa thì thật không biết nói gì hơn.”

Nhiều người dân bất bình phản ảnh với báo đài rằng “Trước khi làm suy nghĩ cho kỹ rồi làm một lần thôi,” “Mấy năm nay mất thời gian với cái thẻ này…”

Người dân ở Việt Nam liên tục bị “hành,” mất nhiều thời gian, việc làm cho việc đổi thẻ căn cước. (Hình: VNExpress)

Không chỉ có thẻ căn cước, trước đó, mẫu sổ thông hành (passport) đã được sửa đổi xoành xoạch trong thời gian ngắn, cụ thể là bỏ phần “nơi sinh,” nhưng rồi sau đó vài tháng lại bổ sung mục này như cũ vì bị các sứ quán từ chối cấp visa.

Gần đây nhất, Bộ Công An lại loan báo cấp sổ thông hành gắn chip và trấn an người dân rằng chip điện tử gắn trên loại sổ mới “chỉ đơn thuần lưu trữ thông tin, hoàn toàn không có việc định vị theo dõi người được cấp sổ thông hành.” (Tr.N) [qd]

Vợ chủ tịch huyện ở Cà Mau mua gần 600 mét vuông đất chỉ với $406

 CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Vợ ông chủ tịch huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, mua gần 600 mét vuông đất ngay tại thị trấn Trần Văn Thời với giá chỉ chục triệu đồng, khiến công luận nghi ngờ trốn thuế.

Báo Người Lao Động hôm 26 Tháng Mười dẫn lời ông Huỳnh Trung Giang, ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết đã có đơn gửi đến các cơ quan hữu trách yêu cầu làm rõ có hay không việc vợ ông Trần Tấn Công, chủ tịch huyện Trần Văn Thời, “cố ý hạ thấp giá trị đất khi chuyển nhượng để ‘né’ thuế.”

Khu đất bà Nguyễn Thúy Hằng mua đã làm nhà và cho xây tường bao quanh. (Hình: Vân Du/Người Lao Động)

Theo đó, hôm 4 Tháng Giêng, 2022, ông Trịnh Việt Khái, chủ tịch thị trấn Trần Văn Thời thuộc huyện, đã ký chứng thực cho hợp đồng chuyển nhượng “Quyền sử dụng đất” (sổ đỏ) giữa ông Trần Văn Hiệp và bà Nguyễn Thúy Hằng, vợ ông Trần Tấn Công.

Theo hợp đồng chuyển nhượng, ông Hiệp đồng ý bán cho bà Hằng thửa đất có diện tích trên 579 mét vuông, với giá chỉ 10 triệu đồng ($406).

“Tôi nghi ngờ có điều bất thường trong vụ này, bởi hàng trăm mét vuông đất mà bán có 10 triệu đồng. Trong khi giá đất theo quy định của nhà nước ở khu vực này đã vài trăm ngàn đồng/1 m2, đó là chưa tính tới giá ngoài thị trường,” ông Giang cho biết.

Khi báo Người Lao Động đặt vấn đề bà Hằng đã nộp thuế khi chuyển nhượng khu đất trên chưa, và mức thuế nộp về ngân sách có chênh lệch không, thì một lãnh đạo Cục Thuế Tỉnh Cà Mau nói: “Vấn đề này đã giao cho kiểm tra nội bộ làm việc và sẽ trả lời báo chí sau. Mức giá nộp thuế có chênh lệch nhưng không bao nhiêu.”

Khu đất hàng trăm mét vuông được vợ chủ tịch huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, mua với giá chỉ $406. (Hình: An An/Dân Việt)

Biện minh với báo đài về việc này, ông Trần Tấn Công cho rằng “không thể trả lời báo chí vì ngành chức năng tỉnh đã thụ lý.”

Trong khi đó, nói với báo Dân Việt, Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Cà Mau cho biết “có một số vấn đề ủy ban tỉnh đã trả lời cho ông Giang.” Đồng thời, “đã chuyển việc tố cáo liên quan đến vấn đề kê khai tài sản của ông Công sang Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy để xác minh theo thẩm quyền.” (Tr.N) [qd]

Chồng mất ghế hiệu trưởng, vợ đổ thuốc sâu vào thức ăn của học sinh ở Sơn La

 SƠN LA, Việt Nam (NV) – Bị can Hà Thị Thi, 39 tuổi, ở tỉnh Sơn La, vừa bị khởi tố với cáo buộc đổ thuốc trừ sâu vào khay su su luộc trong bữa ăn của 400 học sinh bán trú tại tỉnh này.

Theo báo VNExpress hôm 26 Tháng Mười, bà Thi là nhân viên phụ trách nhà bếp và vợ hiệu trưởng trường trung học Chu Văn Thịnh ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Bị can Hà Thị Thi (phải) lúc bị bắt. (Hình: VNExpress)

Gần đây, sau khi chồng mất ghế hiệu trưởng, bà Thi không còn được ban giám hiệu giao phụ trách nhà bếp cho học sinh bán trú, cũng như mất quyền chọn đơn vị cung cấp thực phẩm như trước.

Theo điều tra của Công An Tỉnh Sơn La, bà Thi “bất mãn, nảy sinh ý định trả thù.”

Vào 9 giờ rưỡi sáng 22 Tháng Chín, bà Thi lẻn vào nhà bếp, trộn thuốc trừ sâu vào khay su su luộc. Bà này sau đó về nhà, bỏ vỏ lọ thuốc trừ sâu vào bếp củi đốt phi tang.

Một giờ sau, người quản lý nhà bếp phát giác khay su su có mùi thuốc trừ sâu nên báo công an.

May mắn là do có nghi vấn bị đầu độc, khay su su luộc đã không được đem ra cho 400 học sinh bán trú hôm đó ăn trưa.

Trường Chu Văn Thịnh có khoảng 1,200 học sinh, trong đó 400 em học bán trú, 200 học sinh nội trú.

Trong một vụ ồn ào khác liên quan đến học đường, báo VietNamNet hồi đầu Tháng Ba cho hay vợ chồng ông Lê Thành Đô, hiệu trưởng trường tiểu học Đại Nghĩa ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bị cáo buộc “tung cước” với một nữ giáo viên.

Theo bản tin, bà Nguyễn Thị Lan, giáo viên của trường này, kể rằng bà dùng điện thoại quay video clip chuyện ông Đô chỉ đứng lớp vào 17 phút cuối của tiết học.

Thấy mình bị đồng nghiệp ghi hình, ông Đô tiến đến định giật lấy điện thoại của bà Lan. Vợ ông Đô là bà Ngô Thị Hương cũng là giáo viên trong trường, phụ chồng giật điện thoại nhưng bất thành.

Sự việc xảy ra tại trường trung học Chu Văn Thịnh ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. (Hình: VNExpress)

Sau khi giữa ba người có lời qua tiếng lại, bà Lan bị ông Đô đấm vào mặt trong lúc bà Hương chửi bới nạn nhân.

Bà Lan sau đó phải xin nghỉ dạy để vào bệnh viện chữa trị, trong lúc theo bản báo cáo của nhà trường, bà Hương bị bà Lan “cắn vào tay.”

Không thấy các báo ở Việt Nam cập nhật diễn tiến vụ này. (N.H.K) [qd]

Coi chừng... tín nhiệm!

Trân Văn

Khai mạc Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 2 - Ảnh 1.Một phiên họp Quốc Hôi Việt Nam. Hình minh họa.

Tuần trước, công an Việt Nam đề nghị truy tố ba người từng là cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa. Đây là lần thứ ba những viên chức này bị đề nghị truy tố.

Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 44 cá nhân từng được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa này (khóa 15) bầu hoặc phê chuẩn. Đây là những cá nhân đang đảm nhận vai trò lãnh đạo: Nhà nước (Chủ tịch, Phó Chủ tịch), quốc hội (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của quốc hội), chính phủ (Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng), Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán. Theo “Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm” thì tất cả các cá nhân cần được các ĐBQH Cộng hòa XHCN Việt Nam xem xét – xác định về mức độ tín nhiệm của họ đều đạt yêu cầu (1).

Đây là lần thứ tư quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm đối với những cá nhân mà họ từng bầu hoặc phê chuẩn (ba lần trước diễn ra vào các năm 2018, 2014, 2013). So với ba lần trước, lần này, việc bỏ phiếu tín nhiệm được quảng bá là khác hơn, mới hơn. Dựa trên quy định mới nhất của Bộ Chính trị về việc tổ chức “lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” (Quy định số 96-QĐ/TW) được ban hành hồi đầu tháng hai năm nay (2), tháng sáu vừa qua, quốc hội khóa này ban hành nghị quyết “về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn” (Nghị quyết số 96/2023/QH15) [3].

Nhìn một cách tổng quát thì Nghị quyết số 96/2023/QH15 là bản sao của Quy định số 96-QĐ/TW! Còn Quy định số 96-QĐ/TW thì chẳng khác gì mấy so với Quy định số 262-QĐ/TW cũng do Bộ Chính trị ban hành vào tháng 10/2014 và cũng về việc lấy phiếu tín nhiệm. Tương tự, lý do dẫn đến sự ra đời của của Nghị quyết số 96/2023/QH15 của quốc hội khóa này cũng chẳng khác gì lý do khai sinh Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa 13 hồi tháng 11/2014 – vừa để minh họa, vừa phụ họa cho quy định của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm! Tất cả đều xác định việc bỏ phiếu tín nhiệm phải dựa trên “phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật” và “kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao” của đương sự.

Có nên tín nhiệm việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và kết quả không?

***

Tuần trước, công an Việt Nam đề nghị truy tố ba người từng là cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa. Đây là lần thứ ba những viên chức này bị đề nghị truy tố. Hai lần trước họ đã bị đưa ra xét xử, bị phạt tù vì hàng loạt bán công thự, công thổ trái phép và việc truy cứu trách nhiệm hình sự của họ chưa ngừng ở đây, bởi trong thời gian đảm trách vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa họ bán rất nhiều công thự, công thổ trên địa bàn tỉnh này (4). Tuy nhiên hành vi phạm pháp của họ không phải là chuyện để bàn ở đây vào lúc này. Điểm cần chú ý là những ông như Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên đều đã từng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm khi còn tại chức và tất cả đều vô sự, thậm chí năm 2014, ông Vinh không có phiếu “tín nhiệm thấp” nào (5)!

Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm làm gì khi điều đó chỉ giúp những người như các ông cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phát huy cơ hội làm giàu nhờ... phiếu tín nhiệm? Có đáng tín nhiệm những người bỏ phiếu tín nhiệm và các lá phiếu tín nhiệm khi những người có tư cách bỏ phiếu tín nhiệm vẫn xác định sự tín nhiệm đối với những “công bộc” mà giá trị tài sản phải tính bằng những trăm tỉ và những trăm ngàn Mỹ kim? Theo các qui định của Bộ Chính trị và nghị quyết của quốc hội, những cá nhân thuộc diện cần phải được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo về thành quả công vụ, giải trình về tài sản, tại sao những người bỏ phiếu tín nhiệm các cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lại xem sự càn rỡ và sự giàu có của những ông này (6) là bình thường?

Ba cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ là số lẻ trong vô số trường hợp được phiếu tín nhiệm tạo điều kiện để phá mạnh hơn, đục khoét nhiều hơn. Cũng tháng này, dư luận rúng động khi ông Lê Đức Thọ - Ủy viên BCH TƯ đảng khóa này kiêm Bí thư Bến Tre bị “tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng” vì “Vi phạm nghiêm trọng quy định của đảng, pháp luật của nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập’ giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Vi phạm mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của đảng, mất uy tín cá nhân” (7).

Tuy BCH TƯ đảng chỉ đề cập chung chung như thế nhưng theo một số nguồn được xem là thạo tin thì tài sản của ông Thọ là rất lớn. Những nguồn này bảo rằng, trong đảng, giàu có tới mức đó vốn được xem là bình thường nên hoạn lộ của ông Thọ mới hanh thông như đã biết. Ông Thọ gặp nạn chỉ vì đang vận động để được quy hoạch vào vị trí cao hơn trong BCH TƯ đảng khóa tới (8). Dẫu không thể khẳng định những nguồn vừa đề cập chính xác đến mức nào nhưng rõ ràng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không thiếu những cá nhân xem vài trăm ngàn Mỹ kim như giấy lộn mà ví dụ gần nhất là ông Chu Ngọc Anh (9). Ở đợt bỏ phiếu tín nhiệm hồi cuối năm 2018, ông Anh chỉ có 7% phiếu tín nhiệm thấp (10) nên ông mới có điều kiện gây họa lớn hơn!

Chú thích

(1) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghi-quyet-xac-nhan-ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem-doi-voi-nguoi-giu-chuc-vu-do-quoc-hoi-bau-hoac-phe-chuan-119231025165316631.htm

(2) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-96-qdtw-ngay-222023-cua-bo-chinh-tri-ve-viec-lay-phieu-tin-nhiem-doi-voi-chuc-danh-chuc-vu-lanh-dao-quan-9217

(3) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-96-2023-qh15-ve-lay-phieu-tin-nhiem-bo-phieu-tin-nhiem-119230702092731911.htm

(4) https://dantri.com.vn/phap-luat/hai-cuu-chu-tich-khanh-hoa-bi-de-nghi-truy-to-trong-vu-an-thu-3-20231018095822884.htm

(5) https://thanhnien.vn/chu-tich-tinh-khanh-hoa-co-phieu-tin-nhiem-thap-cao-nhat-185435223.htm

(6) https://cand.com.vn/Ban-tin-113/ke-bien-phong-toa-hang-loat-tai-san-lien-quan-den-cuu-chu-tich-ubnd-tinh-khanh-hoa-i710928/

(7) https://vnexpress.net/bo-chinh-tri-de-nghi-ky-luat-bi-thu-ben-tre-le-duc-tho-4644114.html

(8) https://baotiengdan.com/2023/08/19/chuyen-bi-thu-tinh-uy-ben-tre-co-ngan-ty-o-nha-bank/

(9) https://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/cuu-bo-truong-chu-ngoc-anh-bo-quen-tui-qua-dung-46-ty-dong_151489.html

(10) https://nld.com.vn/thoi-su/cong-bo-ket-qua-tin-nhiem-cua-48-nguoi-duoc-quoc-hoi-bau-va-phe-chuan-20181025110349491.htm


Ma trận ‘tín nhiệm’

Trân VănQuốc hội đã từng “thống nhất phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế” của ông Nguyễn Thanh Long; “thống nhất bãi nhiệm tư cách ĐBQH” của các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh...

Quốc hội đã từng “thống nhất phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế” của ông Nguyễn Thanh Long; “thống nhất bãi nhiệm tư cách ĐBQH” của các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh...

Bởi Quốc hội chỉ được bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm những cá nhân đã được đảng CSVN lựa chọn – giới thiệu hoặc quyết định loại bỏ, không dùng nữa nên mới có chuyện sau khi bầu và phê chuẩn xong, Quốc hội lại tiếp tục tổ chức hàng loạt “kỳ họp bất thường”...

Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với 44 cá nhân đang đảm trách những vai trò quan trọng mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa này (khóa 15) từng bỏ phiếu bầu chọn. Theo đó, không ai rơi vào trường hợp “có thể xin từ chức” vì bị hơn 50% ĐBQH xác định mức độ tín nhiệm là... “thấp” (1).

Việc bỏ phiếu tín nhiệm như vừa kể là một phần trong hoạt động của Kỳ họp thứ sáu (23/10/2023 - 10/11/2023). Nếu chịu khó đối chiếu với các nhận định của chính những ĐBQH khóa này tại Kỳ họp thứ 5 (22/5/2023 - 10/6/2023 và 19/6/2023 - 24/6/2023) thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã lập được... “kỳ tích”.

Vì sao cách nay bốn tháng, các ĐBQH còn đồng loạt cảnh báo về tình trạng “né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm” đã trở thành “bệnh” và “đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ” dẫn tới “ách tắc, cản trở sự phát triển của đất nước” (2) mà nay, chính họ lại xác nhận, không có bất kỳ ai trong số những người vừa được họ xem xét để bày tỏ mức độ “tín nhiệm” phải chịu trách nhiệm về tình trạng khiến cả họ lẫn dân chúng trăn trở? Nếu mục tiêu của bỏ phiếu tín nhiệm không nhằm biểu thị nhận định khách quan, chính xác về tư cách - năng lực - hiệu quả công việc của những cá nhân được giao giữ - thực thi trọng trách, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của những lĩnh vực đang do các cá nhân ấy chịu trách nhiệm trên bình diện vĩ mô thì tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì? Bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì khi song song với các tuyên bố, qui định về tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm còn... đính kèm “giải pháp dự phòng” - nếu bị hơn 50% ĐBQH xác định mức độ tín nhiệm là “thấp” thì... “có thể xin từ chức”?

Khi “từ chức” phụ thuộc vào nhận thức và ý chí của những cá nhân bị hơn 50% ĐBQH xác định rằng họ không tín nhiệm (tín nhiệm thấp) thì bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì? Vì sao đến cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ mới được bày tỏ nhận định về hiệu quả công việc của các đương sự do họ bầu chọn thông qua bỏ phiếu tín nhiệm nhưng khi có hơn 50% ĐBQH cho rằng không thể tín nhiệm thì hoặc phải chờ đượng sự tự nguyện tự xử, hoặc phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định có trình Quốc hội xem xét bỏ phiếu tín nhiệm lại hay không? Vì sao bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định “nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước” mà không thể bãi nhiệm một cá nhân bị 2/3 ĐBQH xác định không tín nhiệm (tín nhiệm thấp) và phải chờ “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm” (3)?

Ai cũng biết, Bộ Chính trị và BCH TƯ đảng CSVN lựa chọn – giới thiệu Chủ tịch Nhà nước, Phó Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước cho Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nếu Quốc hội có thực quyền thì tại sao phải chờ “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm một cá nhân mà các ĐBQH thấy không đáng tin cậyVề lý thuyết, các ĐBQH đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân nhưng Quốc hội chỉ được bầu hoặc phê chuẩn những cá nhân đã được đảng lựa chọn và giới thiệu và bãi nhiệm cũng phải chờ đảng muốn “trình” mới được gật thì việc bày tỏ mức độ “tín nhiệm” của ĐBQH có đáng tín nhiệm không?

***

Đây là lần thứ tư Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cá nhân thuộc diện phải được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (ba đợt trước diễn ra vào các năm 2013, 2014, 2018). Bởi Quốc hội chỉ được bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm những cá nhân đã được đảng CSVN lựa chọn – giới thiệu hoặc quyết định loại bỏ, không dùng nữa nên mới có chuyện sau khi bầu và phê chuẩn xong, Quốc hội lại tiếp tục tổ chức hàng loạt “kỳ họp bất thường” để “thống nhất miễn nhiệm” hai Phó Thủ tướng là các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam rồi “thống nhất miễn nhiệm” Chủ tịch Nhà nước là ông Nguyễn Xuân Phúc. Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam còn “thống nhất phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế” của ông Nguyễn Thanh Long. “thống nhất bãi nhiệm tư cách ĐBQH” của các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh,... Trong lịch sử nhân loại, khó mà tìm thấy cơ quan nào đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân lại đồng thuận cao, thống nhất gần như tuyệt đối trong việc gật và lắc như Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, bất kể chuyện cùng gật và cùng lắc ấy có tạo được sự đồng thuận cao và thống nhất với dân chúng hay không!

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/cong-bo-ket-qua-tin-nhiem-44-chuc-danh-lanh-dao-cap-cao-4668892.html

(2) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=76476

(3) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-96-2023-qh15-ve-lay-phieu-tin-nhiem-bo-phieu-tin-nhiem-119230702092731911.htm

Ở Việt Nam, ‘cám ơn’ không dễ... hiểu

Trân VănCác cơ quan tư pháp tại Việt Nam không xem ông Nguyễn Văn Vịnh, ông Chu Ngọc Anh hoặc nhiều người tương tự nhận “quà cám ơn” là “nhận hối lộ”.

Các cơ quan tư pháp tại Việt Nam không xem ông Nguyễn Văn Vịnh, ông Chu Ngọc Anh hoặc nhiều người tương tự nhận “quà cám ơn” là “nhận hối lộ”.

Ông Vịnh là người hỗ trợ Công ty Lilama thực hiện kế hoạch khai thác apatite suốt từ 2009 đến 2015, lúc ông còn là Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai đến khi ông trở thành Chủ tịch tỉnh rồi Bí thư tỉnh này.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Lào Cai, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN khóa 12 vừa bị truy tố vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Nói cách khác, các cơ quan tư pháp (công an, kiểm sát) nhất trí chuyện ông Vịnh nhận năm tỉ đồng của Công ty Lilama hồi Tết âm lịch năm 2015 là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Vịnh bị công an khởi tố rồi kiểm sát truy tố vì Bộ Công Thương đã xác định ở thôn 2, xã Đồng Tuyên, thành phố Lào Cai có một mỏ apatite (khoáng vật dùng vào việc sản xuất các hoạt chất trong y khoa hay sản xuất phân bón), theo quy định của pháp luật thì muốn khai thác apatite tại đó phải xin phép Bộ Tài nguyên Môi trường. Tuy nhiên nhiều viên chức hữu trách của tỉnh Lào Cai không tuân thủ quy định này, cấp khu đất có mỏ apatit cho Công ty Lilama để doanh nghiệp này thực hiện một dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn.

Với giấy phép đầu tư vừa kể, Công ty Lilama đã khai thác apatite rồi bán cho một doanh nghiệp khác. Lượng apatite bị khai thác trái phép tại thôn 2, xã Đồng Tuyên, thành phố Lào Cai trị giá hơn 600 tỉ đồng.

Ông Vịnh là người hỗ trợ Công ty Lilama thực hiện kế hoạch khai thác apatite suốt từ 2009 đến 2015, lúc ông còn là Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai đến khi ông trở thành Chủ tịch tỉnh rồi Bí thư tỉnh này.

Cứ như Kết luận điều tra và Cáo trạng thì ông Vịnh hoàn toàn “chí công, vô tư” suốt từ 2009 đến Tết âm lịch năm 2015 – từ lúc thông qua chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư nhà hàng - khách sạn, đến cấp giấy phép tận thu apatite, cấp giấy phép tiêu thụ apatite. Ông Vịnh chỉ phạm tội khi nhận món quà cám ơn trị giá năm tỉ đồng của Công ty Lilama nhân dịp Tết Nguyên đán (1). Thiên hạ có tin hay không không quan trọng. Quan trọng là cả công an lẫn kiểm sát cùng bảo như thế và chắc tòa án cũng sẽ nhất trí.

***

Cũng nhận quà cám ơn nhưng ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội, cựu Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13) lại bị truy tố tội khác - tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trước khi trở thành Chủ tịch Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh là Bộ trưởng Khoa học Công nghệ (KHCN). Ở cương vị này, ông Anh đã cho phép Học viện Quân y liên kết với Công ty Việt Á sử dụng công quỹ “nghiên cứu” về bộ xét nghiệm COVID-19. Về nguyên tắc, kết quả nghiên cứu thuộc quyền sở hữu của nhà nước nhưng Công ty Việt Á lại sử dụng thành quả để kinh doanh. Tuy “nghiên cứu” và “thành quả” có nhiều vấn đề cần bàn cặn kẽ hơn nhưng xin đề cập vào dịp khác, kẻ viết bài này chỉ muốn nhấn mạnh, ông Anh không tùy tiện như thế thì sẽ không có bộ xét nghiệm COVID-19 do “Việt Á nghiên cứu, sản xuất”, bộ xét nghiệm COVID-19 này không thể đạt mức tiêu thụ như đã biết và tất nhiên, không có đại án Việt Á!

Ông Phan Quốc Việt – nhân vật được xác định là chính phạm trong đại án Việt Á khai đã gửi quà để “cám ơn” ông Anh (2). Ông Anh thừa nhận điều này và các cơ quan tư pháp xem việc nhận 200.000 Mỹ kim (xấp xỉ năm tỉ đồng) ấy không phải là nhận hối lộ.

***

Luật Hình sự Việt Nam xác định, “nhận hối lộ” là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích vật chất hoặc phi vật chất nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ” và nhận từ ba tỉ đồng trở lên là có thể bị phạt tù chung thân hặc tử hình (3) song các cơ quan tư pháp tại Việt Nam không xem ông Vịnh, ông Anh hoặc nhiều người nhận “quà cám ơn” như họ là “nhận hối lộ”.

Dẫu bản chất và hậu quả của việc ông Vịnh, ông Anh nhận “quà cám ơn” chẳng khác gì nhau song ông Vịnh bị truy tố vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với hình phạt từ 5 năm tù (thấp nhất) đến 15 năm tù (cao nhất) [4]. Còn ông Anh bị truy tố tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với hình phạt từ... cải tạo không giam giữ đến ba năm (thấp nhất) hoặc phạt tù đến 12 năm tù (cao nhất) [5].

Bất kỳ ai cũng có thể xác định hậu quả của việc ông Vịnh nhận “quà cám ơn” có nghiêm trọng hơn hậu quả của việc ông Anh nhận “quà cám ơn” hay không (?), thế thì tại sao ông Vịnh lại bị khởi tố và truy tố với tội danh nặng hơn? Chẳng lẽ ông Vịnh là Ủy viên BCH TƯ đảng đã nghỉ hưu còn ông Anh là Ủy viên BCH TƯ đương nhiệm, do vậy ông còn nhiều “chiến hữu” đang tại nhiệm? Đây là những câu hỏi chỉ các cơ quan tư pháp đang bảo vệ “pháp chế XHCN” mới có thể trả lời!

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/cuu-bi-thu-tinh-uy-lao-cai-bi-truy-to-vi-nhan-5-ty-dong-cam-on-4666141.html

(2) https://danviet.vn/vu-an-viet-a-cuu-bo-truong-chu-ngoc-anh-noi-to-cam-on-khi-nhan-200000-usd-cua-phan-quoc-viet-20230818164315945.htm

(3) https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/839C641-hd-nhan-hoi-lo-bao-nhieu-tien-thi-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su.html

(5) https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/toi-vi-pham-quy-dinh-ve-su-dung-tai-san-nha-nuoc-gay-that-thoat-lang-phi-co-bao-nhieu-khung-hinh-ph-374543-57149.html

(6) https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/toi-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-khi-thi-hanh-cong-vu-bi-xu-phat-the-nao-7670

Thể chế, viên chức và cơ hội để lương thiện

Trân Văn

Ngay cả trong việc tăng lương, bảo đảm cho cán bộ, công chức đủ sống, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cũng chật vật xoay chuyển trong vòng luẩn quẩn. Hình minh họa.

Ngay cả trong việc tăng lương, bảo đảm cho cán bộ, công chức đủ sống, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cũng chật vật xoay chuyển trong vòng luẩn quẩn. Hình minh họa

"...Chúng ta tạo ra tầng lớp công chức khi đi làm không bao giờ cho rằng lương là thu nhập mà thu nhập là từ những khoản khác. Chúng ta hay nói về “tham nhũng vặt” nhưng tôi không đồng ý với khái niệm này vì không có loại tham nhũng nào là “vặt” cả..."

Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam lại thảo luận về việc thực hiện kế hoạch điều chỉnh lương của cán bộ, công chức. Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi đầu tuần này, khi thảo luận về kinh tế - xã hội năm nay và kế hoạch phát triển của năm tới, một trong các Phó Chủ tịch Quốc hội đã nhắc lại điều mà nhiều người, nhiều giới đã từng lập đi, lập lại trong nhiều năm: Cải cách chính sách tiền lương phải gắn với nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức (1).

Theo dự kiến, việc thực thi chính sách mới về trả lương cho cán bộ, công chức (trả lương theo chức vụ và mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức) sẽ bắt đầu từ 1/7/2024. Ông Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Quốc hội – yêu cầu chính phủ “rà soát, sắp sếp đội ngũ cán bộ công chức, xử lý những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh; đưa người vi phạm, năng lực yếu ra khỏi bộ máy.... Đây là lần cải cách tiền lương thứ năm. Bốn lần trước diễn ra vào 1960, 1985, 1993 và 2003 nhưng từ xưa đến nay, lương trả cho cán bộ, công chức chưa bao giờ đúng nghĩa là lương. Lương trả cho cán bộ, công chức luôn như... hương, như... hoa!

Hôm qua, tại cuộc tọa đàm liên quan đến “xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới” do trường Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với tờ Pháp Luật TP.HCM tổ chức, ông Trần Văn Độ - cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao, cựu Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương – bảo rằng: Muốn liêm chính không đơn giản! Thẩm phán lương tám triệu, mà nghề giúp việc lương hơn tám triệu thì liêm chính không nổi. Người làm nghề công chức phải đủ sống với nghề, đủ sống với lương. Ở Việt Nam, ngoài lương còn thu nhập, mà thu nhập là chính và mỗi người có một kiểu thu nhập, nên từ đó dẫn tới tham nhũng. Góp thêm vào thực trạng mà các thành viên tham dự tọa đàm cùng thừa nhận là “hoạt động công vụ nhũng nhiễu dân nhiều quá”, ông Độ lưu ý: Trong xã hội hiện nay không phải ai cũng chính trực được đâu, bởi không liêm khiết được (2)!

Trước đó, trong một tọa đàm khác, ông Ngô Thế Vinh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dược phẩm Vinh Gia – cũng nhận xét tương tự về lương cán bộ, công chức, đại ý: Chúng ta tạo ra tầng lớp công chức khi đi làm không bao giờ cho rằng lương là thu nhập mà thu nhập là từ những khoản khác. Chúng ta hay nói về “tham nhũng vặt” nhưng tôi không đồng ý với khái niệm này vì không có loại tham nhũng nào là “vặt” cả. “Vặt” chỉ là với một người còn nếu mỗi ngày lấy 200.000 của một người nhưng thu mức đó với 100 người thì sẽ là bao nhiêu? Đó không phải là “vặt” nhưng lại được xem là rất bình thường vì nó là thu nhập chính của công chức, cho nên mới có những viên chức cao cấp biện minh “không nhận thức được đấy là tham nhũng” bởi họ đã nhận như thế suốt mấy chục năm không những không việc gì mà còn lên cao dần...

Ông Vinh nhấn mạnh: Ở đất nước này ai cũng biết điều ấy kể cả những vị quan tòa đang ngồi xét xử. Song nói đi thì phải nói lại, tại sao người ta làm như vậy. Chuyện trở thành rất bình thường vì xã hội chúng ta, cơ chế này, chính thể này tạo ra điều đó. Muốn sửa không đơn thuần là tống giam vì làm như thế có lẽ sẽ có đến 90% công chức vướng lưới. Cho nên không phải là nhắm vào từng con người mà phải thay đổi. Bất kỳ ai đi làm trước hết cũng vì cuộc sống của chính mình. Trong hòa bình, những người đứng đầu đất nước phải làm thế nào để con người có thể phát huy năng lực, có thu nhập cao, có cuộc sống tốt nhưng không phạm tội. Muốn thay đổi thì phải tăng lương, giảm biên chế. Một công chức đi làm phải nuôi được vợ con thì mới không nghĩ đến việc khác. Ngược lại thì như đã thấy. Đây là lỗi hệ thống, chúng ta phải thay đổi (3)...

***

Ngay cả trong việc tăng lương, bảo đảm cho cán bộ, công chức đủ sống, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cũng chật vật xoay chuyển trong vòng luẩn quẩn. Muốn tăng lương để nâng cao hiệu quả hoạt động thì phải tinh giản nhưng càng tinh giản thì bộ máy càng phình ra. Bộ máy quá cồng kềnh thì lương chỉ có thể như đã biết và đang thấy, chưa kể điều đó khiến các hệ thống chỉ có thể thu nạp những cá nhân xem việc gia nhập là cơ hội kiếm tiền bằng nhũng nhiễu.

Chẳng quốc gia nào có thể phát triển nếu phần lớn nội lực được trút vào việc nuôi bộ máy quản trị, điều hành. Lấy gì bảo đảm điều chỉnh lương của cán bộ, công chức sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động khi tuyển dụng, bổ nhiệm vẫn theo phương thức “hồng hơn chuyên” và chính phương thức này đã tạo ra bộ máy vừa cồng kềnh, vừa kém năng lực? Khi tinh giản được xem là điều kiện cần và đủ để thực thi tiêu chí cán bộ, công chức phải sống được bằng lương nhưng vẫn duy trì hai hệ thống – một do đảng thiết lập để chỉ đạo, giám sát và một vận hành hệ thống công quyền thì tiền đâu để tăng lương, tiền đâu để thực hiện các kế hoạch phát triển? Bởi cả hai hệ thống giống hệt nhau, trong khi cần tinh giản số cán bộ, công chức hưởng lương, nhận phụ cấp, giữa thập niên 2010, giới lãnh đạo đảng CSVN bắt đầu xiển dương “nhất thể hóa”...

Nhất thể hóa” là gom bộ phận lãnh đạo đảng và lãnh đạo bộ máy công quyền ở các cấp, các ngành, các địa phương thành một nhằm giảm sự cồng kềnh, chồng chéo khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Song chưa biết vì sao “nhất thể hóa” lại chết non sau khi thử nghiệm ở cấp xã, cấp huyện tại Quảng Ninh và cấp xóm, thôn, tổ dân phố ở Hà Nội. Có thể vì giảm số lượng nhân sự theo kiểu “nhất thể hóa” đụng chạm đến quyền lợi của nhiều băng nhóm. Cũng có thể vì “nhất thể hóa” làm diện mạo của “dân chủ XHCN” biến dạng, bởi làm như thế, đảng sẽ hiện nguyên hình là “độc tài” và không còn cơ hội biện minh trước chỉ trích “đảng trị”. Thôi thì chúc cán bộ, công chức may mắn khi phục vụ “sự nghiệp cách mạng” - sự nghiệp mà liêm chính hay không phụ thuộc hoàn toàn vào may rủi, vào việc có bị đưa vào diện cần trừng trị để… “làm gương” hay không.

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/pho-chu-tich-quoc-hoi-tang-luong-phai-di-kem-voi-trach-nhiem-can-bo-4665244.html

(2) https://dantri.com.vn/xa-hoi/trung-tuong-tran-van-do-hien-nay-khong-phai-ai-cung-chinh-truc-duoc-dau-20231019133813546.htm

(3) https://www.facebook.com/watch/?extid=CL-UNK-UNK-UNK-AN_GK0T-GK1C&mibextid=Nif5oz&v=303516455610206

Bộ Công an có cần thu thập nhóm máu, số điện thoại và địa chỉ e-mail của dân?

 Diễm Thi-2023.10.25

Bộ Công an có cần thu thập nhóm máu, số điện thoại và địa chỉ e-mail của dân?Công an đi ngang qua quán cà phê ở Hà Nội vào ngày 28/8/2022.

 AFP

Ngoài việc thu thập họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, nhóm máu, tình trạng hôn nhân... như hiện tại, Bộ Công an mới đây đề xuất thu thập thêm số điện thoại và địa chỉ e-mail của người dân với mục đích được nói là để tạo lập số định danh cá nhân, giúp phân biệt người này với người khác trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý dân cư.  

Bộ Công an lý giải trên trang web của mình: Đối với thông tin về nhóm máu để phục vụ công tác cấp cứu, xây dựng nguồn máu dự phòng trong khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch phát triển, dự phòng y tế…

Đối với thông tin về số điện thoại di động, địa chỉ thư điện tử để bảo đảm sự liên lạc giữa cơ quan nhà nước với người dân (giải quyết thủ tục hành chính, tuyên truyền chính sách, cung cấp tin tức phòng chống tội phạm, xử lý tình huống đột xuất, phức tạp về quốc phòng, an ninh…); để thực hiện xác thực khi tạo lập, sử dụng căn cước điện tử hoặc thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước…

Tôi cho rằng, đây cũng là một chủ trương mà Bộ Công an Việt Nam đang hợp tác với Bộ Công an Trung Quốc, nhất là trong chuyến đi từ ngày 12 đến 16 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Công an Tô Lâm đến Trung Quốc. - Nhà báo Lê Trung Khoa

Cũng theo Bộ này, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu duy nhất của nhà nước được Chính phủ đầu tư bài bản từ cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm.

Một số người Việt trong và ngoài nước cho rằng, cách làm của Bộ Công an là từng bước kiểm soát người dân ngày càng chặt. Nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức nói với RFA:

“Tôi cho rằng, Bộ Công an Việt Nam đang thực hiện chủ trường của ĐCS VN là dần dần bóp nghẹt tiếng nói người dân trong nước. Họ tìm mọi cách quản lý càng nhiều thông tin có thể, để theo dõi và truy soát những người họ muốn khi cần thiết. Tôi cho rằng, đây cũng là một chủ trương mà Bộ Công an Việt Nam đang hợp tác với Bộ Công an Trung Quốc, nhất là trong chuyến đi từ ngày 12 đến 16 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Công an Tô Lâm đến Trung Quốc.

Tại đó đã có những ký kết và cam kết thực hiện nội dung, tôi có đọc, là hai bên tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trên lĩnh vực quản lý dân cư, quản lý xã hội trên nền tảng số. Có nghĩa là Việt nam sẽ dần dần thực hiện như Trung Quốc. Tôi e ngại đến một lúc nào đó, Việt Nam cũng sẽ chấm điểm công dân như Trung Quốc. Đó là điều rất tồi tệ.”

Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là hai dự án được triển khai từ tháng 6 năm 2021, do Bộ Công an chủ trì. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết xây dựng, triển khai hai dự án này hôm 22 tháng 6 năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân chính thức đi vào hoạt động là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.

91bb7c11-c93b-4087-b1dc-a3a68d0d9762.jpeg

Là một chuyên gia về công nghệ thông tin ở Úc luôn theo dõi tình hình trong nước, ông Hoàng Ngọc Diêu nêu quan điểm của ông với RFA về việc Bộ Công an muốn thu thập cả nhóm máu, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người dân với lý do phục vụ công tác quản lý dân cư:

“Đối với nhóm máu của mỗi cá nhân, chỉ có Bộ Y tế mới có quyền thu thập thông tin này với sự đồng ý của mỗi cá nhân, và thông tin này là thông tin mật và thuộc về y tế. Không có lý do gì mà Bộ Công an lại thâu thập nhóm máu của công dân. Còn số thuê bao điện thoại di động là sở hữu cá nhân và số này có thể thay đổi liên tục, tuỳ hoàn cảnh. Không có lý do gì mà Bộ Công an lại thu thập số điện thoại di động của công dân. Địa chỉ thư điện tử cũng như số điện thoại di động, là những thông tin cá nhân và không có lý do gì để bộ công an thu thập những thông tin như thế.

Ngay cả địa chỉ nhà, tên và tuổi là thông tin chỉ có cơ quan hành chánh dân sự được quyền nắm. Công an không có quyền thu thập những thông tin này. Nếu cần, họ có thể liên hệ với các cơ quan hành chánh để lấy thông tin, tùy trường hợp và phải hợp pháp.

Những cố gắng thu thập thông tin của công dân mà Bộ Công an Việt Nam đã và đang làm trong suốt thời gian mấy chục năm nay chỉ với một mục đích duy nhất: Kiểm soát công dân.”

Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân cũng đang được Bộ Công an soạn thảo với nhiều thay đổi so với Luật căn cước công dân năm 2014 đang có hiệu lực. Theo đó, để tương thích với tên gọi mới của dự thảo luật, Bộ Công an cũng đề xuất đổi thẻ ‘căn cước công dân’ thành thẻ ‘căn cước’; ‘quê quán’ đổi thành ‘nơi đăng ký khai sinh’; ‘nơi thường trú’ đổi thành ‘nơi cư trú’.

Cựu binh Nguyễn Khắc Toàn ở Hà Nội nêu quan điểm của ông sáng ngày 25 tháng 10 năm 2023:

“Trong 8 năm qua, Bộ Công an đã có 3 lần loanh quanh mãi với căn cước công dân, thẻ công dân, căn cước công dân 9 số, căn cước công dân 10 số… làm tốn kém ngân sách và làm phiến phức nhân dân.

Người dân trong nước nghi ngại vể chuyện căn cước công dân gắn chip đã đành, họ sợ phía công an, an ninh theo dõi nhất cử nhất động của người dân. Tức là xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người dân. Chính vì vậy mà bộ trưởng công an Tô Lâm đã phải lên diễn đàn Quốc hội để giải thích. Nhưng dân vẫn chưa yên tâm. Bây giờ còn thu thập nhóm máu, số điện thoại và địa chỉ e-mail là thừa. Bởi người dân khi mua sim điện thoại đã bọ các nhà mạng đòi hỏi danh tính, chụp ảnh rồi… Còn nhóm máu thì không thuộc lĩnh vực của Bộ Công an mà thuộc Bộ Y tế.

Hiện nay đất nước mở cửa nên quyền con người phải được tôn trọng. Nếu Bộ Công an cứ nay thu thập cái này, mai thu thập cái khác thì người dân sẽ mang tâm lý là công an đang tước đoạt dần quyền riêng tư, quyền tự do của người dân. Bộ Công an nên tìm hiểu cách làm của các nước dân chủ kết hợp với đặc thù văn hóa, tập quán, phong tục của Việt Nam.”

Hiện nay, người dân có nhiều loại giấy tờ chứng minh nhân thân như chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân mã vạch, căn cước công dân gắn chip…

Hiện nay đất nước mở cửa nên quyền con người phải được tôn trọng. Nếu Bộ Công an cứ nay thu thập cái này, mai thu thập cái khác thì người dân sẽ mang tâm lý là công an đang tước đoạt dần quyền riêng tư, quyền tự do của người dân. Bộ Công an nên tìm hiểu cách làm của các nước dân chủ kết hợp với đặc thù văn hóa, tập quán, phong tục của Việt Nam. - Cựu binh Nguyễn Khắc Toàn

Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ trong phiên họp về vấn đề này hồi tháng 8 vừa qua nhấn mạnh, phải xem xét kỹ các điều khoản áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp, vì nếu không đầy đủ, rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn ách tắc, bất cập, sai lệch trong quá trình thực hiện luật.