Clip thiếu tá công an đang nói chuyện với người vi phạm đột nghiên bị ngã (có báo đã giật tít là "cú ngã không tin nổi"), đang lan truyền rất nhanh trên cư dân mạng.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói là chúng ta cần hết sức bình tĩnh. Dù vụ việc, theo cơ quan công an là đã được hòa giải ổn thỏa, vui vẻ cả, nhưng vẫn có thể rút ra vô số bài học kinh nghiệm quý giá cho bản thân.
1. Kinh nghiệm thứ nhất: Tuyệt đối không tác động vào huyết áp của nhân viên công vụ
Khi clip này lan truyền, thì có một bài viết rất "tâm tư" trên mạng – tất nhiên cũng được lan truyền rộng rãi – nói rằng, đừng đổ lỗi cho thiếu tá, lúc ấy có thể ông này bị đột quỵ nên mới có thể ngã một cách khó tin như vậy.
Thực tế cuộc sống cho thấy, chuyện xảy ra đột quỵ ngay lúc mà "nhà chức trách" đang ở trong tình huống tranh cãi gay cấn nhất với dân, là chuyện cực hiếm ngàn năm có một.
Nhưng như vậy, nghĩa là về lý thuyết, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, dù chỉ với tỉ lệ 1 phần tỉ.
Cấp trên của thiếu tá cũng đã nói rằng thời điểm ngã thì anh em gặp vấn đề sức khỏe, vì công việc thì vất vả, sự việc lại xảy ra lúc 2 giờ sáng.
Nên, để tránh những những hệ lụy không đáng có, khi đối mặt với nhân viên công vụ, người dân cần hít thở sâu, giảm nhịp tim, mím chặt môi không nói, kiểm soát chữ nhẫn.
Tuyệt đối không nổi nóng, không to tiếng, không đẩy tình huống thành căng thẳng, tránh cho người đối diện tăng huyết áp cấp kỳ dẫn đến đột quỵ.
2. Kinh nghiệm thứ 2: Sai lầm khi đứng quá gần nhân viên công vụ
Bản giải trình của thiếu tá đã khẳng định rõ ông bị trượt chân nên ngã bất ngờ.
Điều này, về lý thuyết cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Trong đời ai chả có những cú ngã bất ngờ, thậm chí phi lý, không hiểu nổi.
Thế nên, công chúng cũng cần tỉnh táo khi phán xét. Tuy nhiên, xem clip thì thấy người vi phạm rất thiếu kinh nghiệm ứng xử.
Anh ấy đã hồn nhiên đứng quá gần thiếu tá, nên khi thiếu tá ngã, gần như người vi phạm bị kéo ngã theo.
Chúng ta đừng vội vàng phê phán khi thấy thiếu tá kêu rất nhanh "ối ối" lúc ngã xuống đường. Cũng đừng vội phê phán khi tiếng "bắt bắt" của cộng sự thiếu tá vang lên rất nhanh và cuối cùng, họ xông vào gô cổ người vi phạm còn nhanh hơn nữa.
Tại sao lại không nên vội vàng phê phán? Vì trong tình huống rất nhanh ấy, trong cái khoảng cách đứng rất gần giữa thiếu tá và người vi phạm ấy, rất dễ "hiểu lầm" là người vi phạm manh động.
Những phản ứng rất nhanh của cộng sự thiếu tá, cũng có thể hiểu là phản xạ nghiệp vụ của họ khi đối mặt tội phạm.
Ơn giời, nếu không có clip được quay lại một cách đầy đủ, thì với khoảng cách quá gần ấy, người vi phạm rất dễ bị hiểu lầm là có hành vi chống người thi hành công vụ.
Giờ này, dù đã được hòa giải, nhưng chắc hẳn người vi phạm vẫn đang tự trách mình, dù đã trưởng thành, vẫn thiếu "kỹ năng sống".
> Mời xem những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY
Kinh nghiệm thứ 3: Luôn mang theo "bảo bối" hoặc cầu viện "cứu tinh"
Bảo bối ở đây, rất đơn giản chỉ là chiếc điện thoại có camera.
Nhiều người đã được minh oan vì bí mật hoặc công khai quay được quá trình làm việc của mình với nhân viên công lực.
Tuy nhiên, trong những trường hợp phức tạp như vụ trượt chân khó tin của thiếu tá, thì việc tự cầm điện thoại quay clip sẽ khó chứng minh được mình vô tội vì góc quay quá gần sẽ không toàn cảnh.
Như vậy, việc xác tình huống ban đầu cực kỳ quan trọng. Khi thấy phức tạp, cần cầu viện "cứu tinh". Cứu tinh đơn giản là người xung quanh. Họ sẽ giúp bạn quay lại quá trình làm việc với nhân viên công lực.
Với một "truyền thống" hiếu kỳ, thích quay clip và chụp ảnh tai nạn, nhiều người dân sẽ hồ hởi tham gia công cuộc minh oan cho bạn.
Những hình ảnh sống động này, cũng sẽ giúp cơ quan điều tra rất nhiều trong việc hành xử và xác định bản chất của vụ việc.
Kinh nghiệm thứ 4: "Không vi phạm" phải là nguyên tắc tối cao
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Bạn có vi phạm thì nhân viên công vụ mới phải vào cuộc xử lý. Và quá trình xử lý có thể phát sinh rất nhiều vấn đề mà chúng ta ai cũng biết, tôi mà cố liệt kê ra thì có thể sẽ mắc tội coi thường hiểu biết của công chúng.
Tốt nhất là đừng vi phạm điều gì mà pháp luật cấm.
Các nhà kinh doanh thường nêu cao triết lý "Điều 1: Khách hàng luôn luôn đúng. Điều 2: Nếu khách hàng sai, hãy xem lại điều 1".
Một số cư dân mạng khuyên rằng, trong nhiều trường hợp, người vi phạm nên vận dụng triết lý trên, để mọi việc được "xuôi chèo mát mái". Phải coi nhân viên công vụ là "khách hàng" là "thượng đế".
Tôi cho rằng phương châm đó cực kỳ sai lầm. Nếu là tôi, tôi sẽ làm cho"Thượng đế cũng phải cười" bằng sự nguyên tắc "không vi phạm" của mình.
Theo Trí Thức Trẻ