Friday, October 27, 2023

Rồi ai sẽ thắng ở Gaza?

Ngô Nhân Dụng26/10/2023

Những cột khói bốc lên từ phía Bắc Gaza sau không kích của Israel.

Những cột khói bốc lên từ phía Bắc Gaza sau không kích của Israel.

Đầu mối của các cuộc xung đột trong vùng bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa dân Israel và người Palestine, từ năm 1948 khi nước Israel thành lập và dân Á Rập chạy tị nạn chiến tranh.

Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ ủng hộ Israel đến cùng, sau vụ đột kích và tàn sát 1,400 thường dân do nhóm Hamas chủ mưu. Tổng thống Joe Biden nói cho nước Israel yên lòng, sau đó mới ngỏ lời khuyên Thủ tướng Benjamin Netanyahu: Không nên hành động trong lúc nóng giận. Ông nhắc lại kinh nghiệm của nước Mỹ sau vụ khủng bố làm chết 3 ngàn người ở New York.

Kinh nghiệm của nước Mỹ cho thấy đánh chiếm một nước đối nghịch có thể dễ dàng, nhưng phải tính trước sẽ làm gì sau đó. Hai tháng sau vụ 11 tháng 9 năm 2001, quân Mỹ đã chiếm được thủ đô Kabul của Afghanistan. Mười năm sau biệt kích Mỹ giết được lãnh tụ al-Qaeda, Osama bin Laden, ở Pakistan. Năm 2021 quân Mỹ phải rút khỏi Afghanistan sau khi hy sinh 2,400 binh sĩ; phe Taliban trở lại nắm chính quyền. Tại Iraq, quân Mỹ cũng đánh chiếm thủ đô Baghdad nhanh chóng, rồi bắt, giết Saddam Hussein. Rồi cũng phải tiếp tục giúp chính phủ Iraq tiêu trừ các nhóm nổi dậy. Hơn 4,500 quân Mỹ thiệt mạng, cùng với 300,000 người Iraq.

Ông Netanyahu có vẻ nghe theo lời ông Biden khuyên, đến hôm nay quân đội Israel chưa đánh vào giải Gaza để “tiêu diệt” tổ chức Hamas, như ông đã tuyên bố. Chính phủ Israel phải tính trước hai điều: Đánh thế nào? Và đánh chiếm được rồi, sẽ làm gì?

Israel đã cai trị giải Gaza từ năm 1967 đến năm 2005. Sau đó, quân Israel đánh vào giải Gaza 4 lần, lần cuối vào các năm 2009 và 2014; nhưng mỗi lần chỉ khoảng 18 ngày sau đã rút quân về. Bây giờ, cuộc đánh, chiếm cứ còn khó khăn gấp bội. Thứ nhất, là suốt 16 năm qua quân Hamas đã đào 500 km đường hầm chằng chịt dưới những khu gia cư chen chúc, trong một giải đất chỉ rộng khoảng 10 km và dài 40 km. Các vệ tinh nhân tạo và máy bay không người lái không thể nhìn thấy các đường hầm. Khi quân tấn công chui vào hầm thì các làn sóng dùng cho radio và hệ thống định vị GPS hết hiệu lực. Sau chiến dịch năm 2014, quân đội Israel đã huấn luyện các toán quân chuyên môn đánh trong đường hầm. Họ tìm cách khám phá các cửa đầu hầm, các địa điểm khi các máy điện thoại di động của quân Hamas bỗng dưng mất sóng. Cuộc chiến trong đường hầm có thể sẽ kéo dài nhiều tháng, có thể hàng năm.

Khó khăn thứ hai là số dân cư đông đúc, hơn 2 triệu người, khó phân biệt đâu là cứ điểm quân sự, chỗ nào chỉ có thường dân. Quân đội Israel đã yêu cầu dân Palestine ở phía Bắc giải Gaza hãy tản cư về phía Nam trước khi bị tấn công. Hơn một triệu người đã di tản, nhưng máy bay Israel cũng đánh bom cả những vùng phía Nam, giáp biên giới Ai Cập. Trong hai tuần lễ, hơn 6000 thường dân đã chết vì bom, cao hơn số thương vong trong những cuộc tấn công vào giải Gaza trước đây. Nếu Israel tiến quân và cuộc chiến kéo dài, số thường dân chết sẽ lên cao, cả thế giới sẽ xúc động, tạo áp lực ngoại giao yêu cầu Israel ngưng chiến. Ngay bây giờ, Hoàng hậu Rania, nước Jordan, đã kết án các nước Tây phương im lặng, làm ngơ trước con số hơn 6,000 dân Palestine tử vong, trong đó có hơn 2,000 trẻ em.

Ví thử quân Israel đánh chiếm, làm chủ được các thị trấn ở Gaza, thì sau đó sẽ làm gì? Họ có thể truy lùng, tiêu diệt hết các thủ lãnh quân Hamas, rồi quay về. Nhưng khi quân Israel rút đi, tàn quân Hamas sẽ tụ họp lại ngay, những thủ lãnh mới sẽ xuất hiện. Dù các người chỉ huy bị giết hay bị bắt hết, sẽ có những người khác nổi lên, chờ nghe lệnh của giới lãnh đạo chính trị Hamas vẫn sống lưu vong tại vương quốc Qatar.

Ngược lại, quân Israel có thể đóng lại ở Gaza lâu dài, như họ đã cai trị vùng này trong những năm 1967 – 2005. Tổng thống Joe Biden đã khuyến cáo Israel không nên tính chuyện chiếm đóng Gaza lâu dài sau cuộc tấn công “tiêu diệt” nhóm Hamas, như ông Netanyahu đe dọa. Chính phủ Israel sẽ chịu trách nhiệm về cuộc sống của 2.3 triệu dân, với gánh nặng chi phí trên một vùng đất không có tài nguyên nào để khai thác, chưa kể phải duy trì một lực lượng quân sự, cảnh sát giữ an ninh. Các cuộc nổi dậy chống đối không bao giờ ngưng, sẽ đưa tới những cuộc đàn áp. Cả thế giới chứng kiến sẽ lên tiếng chỉ trích Israel.

Giải pháp có vẻ “đẹp nhất” là Israel trao cả vùng Gaza lại cho chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas, đang cai trị vùng Tây Ngạn. Nhưng dân Palestine ở giải Gaza không còn chút lòng kính trọng nào đối với ông Abbas. Nếu Israel đưa Abbas về lại Gaza sau những cuộc oanh tạc và tấn công đẫm máu, dân chúng sẽ coi ông như một kẻ phản bội đóng vai “bù nhìn.” Sau khi đảng Hamas thắng cử ở Gaza năm 2006, quân Fatah của ông Abbas đã đánh nhau với họ và thua, rút hết về Tây Ngạn. Tới nay, ông Abbas chỉ trực tiếp cai trị với hơn một triệu trong số gần 2.7 triệu dân, trong một phần ba đất vùng Tây Ngạn. Số còn lại do Israel kiểm soát và dân Palestine luôn luôn xung đột với 700,000 người Israel tới lập trại định cư rải rác trong vùng này. Lực lượng cảnh sát của ông Abbas, 60,000 người, hoàn toàn bất lực trước các vụ đụng chạm liên miên đó.

Cuối cùng, Israel có thể quay trở lại giải pháp cũ khi họ từng cai trị giải Gaza: Hợp tác với Ai Cập (Egypt), tuyển chọn, bổ nhiệm những thủ lãnh dân sự địa phương, nắm quyền lo việc hành chánh, có quân đội Israel bảo đảm an ninh. Nhưng hiện nay chính phủ Egypt không thể cộng tác với Israel, cũng như các quốc gia Á Rập khác trong vùng, kể cả các nước như Maroc, UAE, gần đây bắt đầu giao hảo với Israel. Dân Á Rập đã biểu tình phản đối Israel khắp nơi vì các vụ đánh bom trên dân Palestine ở Gaza.

Trong lúc Israel chuẩn bị tấn công Gaza thì các lực lượng chống Israel ở các nơi khác cũng hoạt động. Tại biên giới Lebanon phía Bắc, đảng Hezbollah, có quân đội riêng, là một mối đe dọa thường xuyên từ gần 40 năm nay. Đạo quân Hezbollah xuất hiện sau cuộc tấn công của quân Israel vào xứ Lebanon năm 1982 để đuổi các lãnh tụ Mặt trận Palestine ra khỏi xứ này. Nhóm Hezbollah quy tụ những người theo giáo phái Shi A trong Hồi Giáo, đồng đạo với đa số dân chúng Iran. Nhóm này, cũng như Hamas, đều được Iran viện trợ tài chánh, vũ khí và huấn luyện quân sự.

Trong khi chuẩn bị cuộc tấn công vào giải Gaza, chính phủ Israel đã yêu cầu dân hai chục làng ở gần biên giới Lebanon, trong vòng vài chục cây số, phải di tản, Giải đất nằm giữa hai nước có thể trở thành một vùng oanh kích tự do, đề phòng quân Hezbollah tấn công để quân đội Israel phải chia ra chống đỡ tại hai chiến trường. Thủ lãnh nhóm Hamas đã gặp người đứng đầu đảng Hezbollah ở Lebanon, cùng với nhóm Thánh chiến Hồi Giáo Palestine, bàn việc phối hợp.

Chính phủ Biden gửi hai hàng không mẫu hạm tới phía Đông Địa Trung Hải là một lời cảnh cáo đối với lực lượng Hezbollah và Iran. Nhưng không ai đoán được chế độ thần quyền ở Tehran sẽ toan tính thế nào. Họ có thể xúi dục các đám quân do Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Quds (IRGC-QF) bảo trợ, tại các nước Iraq, Syria, Lebanon, Yemen, đồng loạt mở các cuộc tập kích, nhắm vào Israel và các căn cứ của 30,000 quân Mỹ trong vùng Trung Đông. Họ có thể lôi cuốn Israel, và Mỹ, vào một cuộc chiến tranh hao mòn lâu dài, trong khi nước Iran vẫn đứng ngoài, không tham gia trực tiếp.

Gần đây chính phủ Mỹ đã “trao đổi tù binh” với Iran, nhân đó, tháo khoán $6 tỷ mỹ kim của Iran đang bị phong tỏa. Nhưng ngay sau khi quân Hamas đột kích tàn sát người Israel, số tiền đó đang nằm ở ngân hàng tại Doha, thủ đô xứ Qatar, đã bị Washington và Doha phong tỏa lại, Iran không nhận được đồng nào. Nếu Iran thúc đẩy các đám quân phụ thuộc của họ đánh vào Israel và quân đội Mỹ ở Trung Đông, Israel có thể sẽ bắn hỏa tiễn thẳng vào Tehran; cuộc chiến có thể lan rộng, lôi kéo không lực Mỹ trên các mẫu hạm vào mặt trận.

Đầu mối của các cuộc xung đột trong vùng bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa dân Israel và người Palestine, từ năm 1948 khi nước Israel thành lập và dân Á Rập chạy tị nạn chiến tranh. Từ đó đến nay, phần lớn dân Palestine vẫn sống trong các “trại tị nạn.” Giải pháp “hai quốc gia” sống bên cạnh nhau được các nước nói tới nhiều lần, nhưng gần đây chính phủ Israel đã bỏ qua. Thủ tướng Netanyahu nghĩ ông có thể chia rẽ chính quyền Abbas và khối Hamas khiến dân Palestine bất lực, không cần đặt vấn đề “hai quốc gia” nữa. Vụ tàn sát ngày 7 tháng 10 đã đánh thức cả thế giới Á Rập và Hồi Giáo, khiến họ phải nhớ lại số phận lưu vong của dân Palestine trong 75 năm qua.

Hoàng hậu Jordan, Rania Al-Abdullah, đã nhắc đến các bà mẹ trong giải Gaza viết tên con trên bàn tay các đứa bé, để nếu chết vì bom nổ thì hy vọng vẫn có thể nhận diện, không bị chôn vào mồ tập thể. Bà nói, “Tôi chỉ muốn nhắc nhở cả thế giới rằng các bà mẹ Palestine cũng yêu con như tất cả các bà mẹ trên thế giới,” và kết luận: “… chỉ có một con đường, là thiết lập một nước Palestine tự do, có chủ quyền, sống hòa bình bên cạnh nước Israel.”

130 tỷ đồng cứu trợ nạn nhân cháy chung cư bị treo vì chính quyền ‘cần tính toán’

VOA Tiếng Việt-27/10/2023

Vụ cháy chung cư ở Hà Nội là vụ cháy thương tâm nhất ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua

Vụ cháy chung cư ở Hà Nội là vụ cháy thương tâm nhất ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua.

Số tiền quyên góp được hơn 130 tỉ đồng hỗ trợ cho các nạn nhân vụ cháy chung cư ở Hà Nội đến nay vẫn chưa được giải ngân do chính quyền ‘cần tính toán chu đáo’ mặc dù các nạn nhân đang trong tình cảnh khốn khó, theo tìm hiểu của VOA.

Vụ cháy chung cư tư nhân ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, xảy vào nửa đêm 12/9 đã gây hậu quả thảm khốc với 56 người chết và 37 người bị thương.

Vụ hỏa hoạn thương tâm này đã gây rúng động cho người dân cả nước với nhiều phong trào quyên góp được phát động để góp phần xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân và giúp họ ổn định lại cuộc sống.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Hà Nội, cơ quan đứng ra tiếp nhận tiền cứu trợ, đã nhận được tổng số tiền hơn 130 tỉ đồng ở thời điểm dừng tiếp nhận hôm 16/10, tờ Tuổi Trẻ cho biết. Tuy nhiên, một số tờ báo khác cho biết số tiền này chỉ có 110 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngoài khoản tiền 6 tỉ đồng đã được chi khẩn cấp để hỗ trợ các nạn nhân ổn định chỗ ở, cung cấp nhu yếu phẩm, trang thiết bị sinh hoạt, đến nay số tiền còn lại vẫn bị chính quyền Hà Nội treo lại, chưa phân phát cho các nạn nhân, báo chí trong nước đưa tin.

Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Sỹ Trường - phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội – giải thích rằng phương án giải ngân số tiền đã được chính quyền quận Thanh Xuân xây dựng xong nhưng ‘còn chờ ý kiến các ngành để có sự thống nhất’.

Ông Trường trước đó vào ngày 27/9 từng nói với báo chí rằng quận Thanh Xuân còn phải đánh giá mức độ thiệt hại của từng hoàn cảnh, từng hộ gia đình mới xây dựng được phương án hỗ trợ ‘đúng mục đích, có ý nghĩa lâu dài’.

Nói với Tuổi Trẻ, bà Trần Phương Linh, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Khương Đình dẫn ra nghị định của Chính phủ để biện hộ rằng sau khi dừng tiếp nhận, họ có ‘20 ngày để lên phương án hỗ trợ cho các nạn nhân’.

Do đó, phải đến ngày 6/11, tức là gần hai tháng sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn thì chính quyền mới công bố phương án chi tiền như thế nào, theo lời bà Nguyễn Lan Hương - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội được Tuổi Trẻ dẫn lại.

Bà Hương nói chừng nào có phương án phân bổ tiền cứu trợ thì chính quyền sẽ giải ngân ‘ngay và công khai’.

Bên cạnh xin ý kiến các ngành, phương án phân bổ tiền cứu trợ cần phải chờ lãnh đạo thành phố Hà Nội phê duyệt nữa, bà Linh cho biết.

Tờ Công an Nhân dân cho biết các nạn nhân vụ hỏa hoạn ‘đang ngóng chờ số tiền cứu trợ này’ vì cuộc sống của họ hiện rất khó khăn sau khi ngọn lửa đã thiêu cháy hết tài sản của họ và họ cũng mất đi chỗ ở.

Ở Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là cơ quan đứng ra tiếp nhận và điều phối các hoạt động cứu trợ khi xảy ra thiên tai hay thảm họa.

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa của tỉnh Đồng Tháp được tờ Lao Động dẫn lời chỉ trích chính quyền Hà Nội chậm trễ trong việc cứu trợ người dân đang khốn khó.

“Nếu đưa cho tư nhân thì làm là xong rồi. Do vậy, phải xem lại cách nghĩ, cách làm của mình, sao cho hết tinh thần trách nhiệm với dân. Còn nếu vướng những văn bản lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp phải sửa ngay, chứ không thể có tiền mà để đó,” ông Hòa được Lao Động dẫn lời nói.

Thị trường bất động sản chới với, liệu Việt Nam có thành Trung Quốc thứ hai?

VOA Tiếng Việt-27/10/2023Nhiều khu căn hộ cao cấp ở Việt Nam xây xong bỏ không vì không có người mua (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)

Nhiều khu căn hộ cao cấp ở Việt Nam xây xong bỏ không vì không có người mua (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)Bất động sản Việt Nam đã trải qua một năm lao đao khi chứng kiến các công ty xây dựng trễ hạn trả tiền lời ngân hàng, trong bối cảnh tín dụng thắt chặt do các biện pháp không đúng lúc của chính phủ, mặc dù rủi ro tác động dây chuyền đã được hạn chế.

Cổ phiếu bất động sản là nhóm có thành tích tệ nhất trong tháng trước trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, với mức giảm gần 16%, Dragon Capital, công ty quản lý quỹ hàng đầu ở Việt Nam, cho biết.

Sự sụt giảm này là diễn biến mới nhất sau hai năm cổ phiếu của các tập đoàn xây dựng gặp hỗn loạn và đến năm ngoái thì lan sang trái phiếu doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc thực hiện các dự án và để lại những tòa nhà ma vốn là khu căn hộ cao cấp.

Công ty xây dựng nào đang chới với?

No Va Land là công ty niêm yết lớn nhất đang gặp nạn khi mà cổ phiếu của họ đã giảm hơn 80% trong một năm, sau khi họ không thể trả lãi trái phiếu trong và ngoài nước khi đáo hạn, khiến họ gặp bế tắc với một số chủ nợ quốc tế.

Cổ phiếu của hãng xây dựng bất động sản lớn nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán, Vinhomes, công ty con của tập đoàn Vingroup lớn nhất nước, hôm 27/10 đã giảm 6,2% xuống mức thấp nhất kể từ tháng Ba, sau khi họ phát hành trái phiếu chuyển đổi mới để tìm nguồn tiền trang trải các nghĩa vụ.

Các công ty chưa niêm yết khác vỡ nợ gần đây gồm có Tập đoàn Hưng Thịnh, tập đoàn xây dựng lớn ở phía Nam và Vạn Thịnh Phát mà vị chủ tịch của họ đã bị bắt hồi năm ngoái trong chiến dịch chống tham nhũng, theo VISRating, vốn do Moody's sở hữu một phần.

Các tòa nhà trống trơn với nội thất dang dở ở ‘khu phố Địa Trung Hải’ của chủ đầu tư Sun Group trên đảo Phú Quốc, trong khi khung sườn của những tòa nhà cao tầng chưa hoàn thiện nằm bên cạnh những tòa tháp bóng loáng ở Hà Nội do một tập đoàn khác là Sunshine đang xây dựng.

Và áp lực đang gia tăng khi mà lượng trái phiếu bất động sản trị giá khoảng 6 tỷ đô la Mỹ sẽ đáo hạn trong năm nay và năm tới, gần gấp ba lần so với năm 2022.

Rủi ro lan sang các ngành khác là bao nhiêu?

Hồi tháng Chín, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã cảnh báo về rủi ro khủng hoảng bất động sản lan sang khu vực ngân hàng từ những bất thường trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, mặc dù số trái phiếu gặp khó khăn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng tín dụng ngân hàng.

Ông Jean Xavier của S&P Global cho biết ‘không có nguy cơ lớn về tác động dây chuyền’ nhưng cảnh báo các lĩnh vực tiêu dùng chính sẽ bị chậm lại và các ngành liên quan chặt chẽ với bất động sản, như các sản phẩm xây dựng, sẽ bị tác động tiêu cực.

Những ngân hàng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?

S&P Global cho biết mức độ dính líu của hệ thống ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 25% tổng tín dụng, chủ yếu thông qua các khoản tín dụng thế chấp, tuy nhiên không được coi là rủi ro nhờ vào thị trường việc làm mạnh mẽ.

Trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 3% tổng tín dụng của các ngân hàng, S&P Global cho biết, ước tính từ 1/3 đến một nửa trong số trái phiếu này có liên quan đến bất động sản.

Các ngân hàng dính nhiều nhất vào bất động sản là Southeast Asia Bank, Maritime Bank, Asia Commercial Bank, Vietnam Prosperity Bank và Sacombank, dữ liệu năm 2022 được VISRating dẫn ra cho thấy.

Trong số này, chỉ có VP Bank nằm trong số các ngân hàng cho vay lớn nhất.

Hỗn loạn bắt đầu thế nào?

Các nhà phân tích cho rằng những khó khăn lớn nhất có nguyên do là chiến dịch chống tham nhũng kéo dài mà Đảng Cộng sản đã đẩy mạnh vào cuối năm ngoái.

Họ coi vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hồi tháng 10 năm ngoái về tội gian dối phát hành trái phiếu là bước ngoặt dẫn đến niềm tin vào thị trường giảm sút.

Vụ bắt giữ diễn ra sau khi chính quyền ban hành các quy tắc khắt khe hơn về tính minh bạch và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hồi tháng Chín năm ngoái, vốn xảy ra vào lúc kinh tế tăng trưởng chậm lại, do đó giới chức buộc phải ngưng thực hiện các quy định này vài tháng sau đó, khi thị trường đóng băng.

Phát hành trái phiếu đã đình trệ và các khoản vay ngân hàng giảm, khiến chính phủ liên tục thúc giục các nhà băng tăng cường cho vay.

Liệu có phải là Trung Quốc mới?

Mặc dù các biện pháp không đúng lúc của chính phủ, gánh nợ cao của các tập đoàn và cung vượt cầu là nguyên nhân gây ra những khó khăn của lĩnh vực bất động sản ở cả Việt Nam và Trung Quốc, điều kiện ở Việt Nam có phần khác.

Triển vọng dài hạn ở Việt Nam là tích cực hơn, Xavier Jean thuộc S &P cho biết, khi dân số trẻ hơn và tầng lớp trung lưu tăng trưởng giữ cho nhu cầu bất động sản ở mức cao.

Việt Nam có tình trạng dư thừa nguồn cung bất động sản và đầu cơ ít nghiêm trọng hơn Trung Quốc, ông nói thêm, trong khi đóng góp của bất động sản vào quy mô GDP cũng ít hơn Trung Quốc.

Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc Hội có tác dụng đến đâu?

Trường Sơn-2023.10.27

 Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc Hội có tác dụng đến đâu?

Quốc hội họp ở Hà Nội hôm 23/10/2023
 AFP

Quốc hội Việt Nam vừa tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các quan chức Nhà nước và Chính phủ. Đây mới chỉ là lần thứ tư hoạt động này được diễn ra, trong lịch sử hoạt động của cơ quan vốn được tuyên truyền là nắm quyền lực cao nhất trong bộ máy Nhà nước.

Trong đợt này, có tổng cộng 44 chức danh xuất hiện trong lá phiếu tín nhiệm. Đó là những quan chức đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, các bộ và ban ngành. Và nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội là đánh giá mức tín nhiệm đối với mỗi người, với ba mức gồm: tín nhiệm cao, tín nhiệm, và tín nhiệm thấp.

Trên lý thuyết thì đây là những chức danh do Quốc hội bầu, vì vậy, cơ quan này cũng có thẩm quyền đưa ra phán quyết về mức độ tín nhiệm đối với các vị trí trên.

Lần bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên được Quốc hội Việt Nam thực hiện vào năm 2013, trong mười năm qua, mới chỉ có thêm ba cuộc bỏ phiếu được thực hiện. Điều đó cho thấy đây không phải là hình thái sinh hoạt chính trị được kỳ vọng sẽ diễn ra thường xuyên.

Trên thực tế, để được trao thẩm quyết nhận xét năng lực lãnh đạo của bộ máy Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã trải qua nhiều năm cải cách. Từ một cơ quan được coi là ‘bình phong’, trở thành một cơ quan có nhiều quyền hành hơn trong vấn đề lập pháp và giám sát.

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia nghiên cứu về nền chính trị Việt Nam, cho biết thêm về vấn đề này:

“Nếu chúng ta nhìn vào vai trò của việc lấy phiếu tín nhiệm, thì cũng phải nhìn vào sự tiến triển trong vai trò của Quốc hội Việt Nam trong hệ thống chính trị. Từ năm 1986 trở về trước thì vai trò của Quốc hội không lớn, nhưng kể từ những năm 90 trở về đây, thì Quốc hội đã trở thành một nhánh quyền lực rất mạnh, cùng với bên Chính phủ và bên Đảng.”

Đây là hệ quả của trào lưu cải cách chính trị được đưa ra vào năm 1986 dưới cái tên Đổi Mới. Quốc hội Việt Nam không những được trả lại một vài chức năng lập pháp, mà còn được mở cửa cho công chúng theo dõi, thông qua việc phát trực tiếp các phiên họp trên truyền hình, cũng như việc bắt đầu các hoạt động chất vấn đối với các quan chức chính phủ.

Đỉnh cao của việc Quốc hội thực hiện chức năng của một cơ quan giám sát, theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, là ở sự kiện đại biểu Dương Trung Quốc công khai kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức hồi năm 2012.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là lá phiếu của Quốc hội có quyền lực để bãi nhiệm các chức danh không nhận đủ sự tín nhiệm, thay vào đó, thì theo quy định, những người nhận quá nửa số phiếu là phiếu tín nhiệm thấp, thì được động viên xin từ chức, thay vì lập tức bị cách chức.

Quy định trên, theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, thể hiện sự thận trọng của Đảng Cộng sản, nhằm tránh dẫn đến đấu đá nội bộ:

“Cách này một phần nào đấy để giảm thiểu các rủi ro, thứ nhất là gây mâu thuẫn trong nội bộ, hai là nguy cơ những phe nhóm trong nội bộ lợi dụng chuyện lấy phiếu tín nhiệm này để tạo ra bè phái. Đây là nguy cơ mà Đảng Cộng sản rất lo ngại.”

Có lẽ cũng chính vì lo ngại việc trao cho Quốc hội quá nhiều quyền lực sẽ dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát, và tranh chấp nội bộ, nên Đảng Cộng sản mới tạo ra các quy định nhằm hạn chế năng lực giám sát cũng như lập pháp của Quốc hội.

Kể cả trong vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, vốn được coi là hoạt động giám sát ở mức độ cao nhất đối với nhánh hành pháp, thì các hạn chế vẫn tồn tại, đương cử như việc lấy phiếu tín nhiệm phải được diễn ra một cách định kỳ, thay vì bất cứ khi nào có đủ đại biểu tán thành như cách mà quốc hội các nước dân chủ hoạt động, hoặc bản thân việc đánh giá tín nhiệm cũng cho thấy mức độ thận trọng cao.

Thay vì chỉ dùng hai mức là tín nhiệm và bất tín nhiệm như các nước khác, ở Việt Nam chia thành ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, và tín nhiệm thấp. Tức là dù sao thì vẫn được tín nhiệm, chỉ khác ở mức độ.

Bình luận về điều này, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện tư vấn, phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự giải thể), cho biết quan điểm của ông:

“Cái kiểu lấy phiếu tín nhiệm của Việt Nam nó lạ lắm, chỉ có Việt Nam mới làm như vậy chứ không ở đâu người ta làm thế cả.”

Tuy “lạ lùng” là vậy, thế nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Quang A thì việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng có tác dụng nhất định, ông nói thêm:

Chắc chắn là nó còn tốt hơn là không có bỏ phiếu tín nhiệm gì cả, như là ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thì không có chuyện bỏ phiếu tín nhiệm. Cái việc bỏ phiếu tín nhiệm kỳ lạ như ở Việt Nam nó có tác dụng nhất định nào đấy.

Thứ nhất là để cho người dân và bên ngoài thấy là chúng tôi cũng tiến bộ, cũng làm chuyện này. Và nó cũng tạo ra áp lực đối với những người bị nhiều phiếu tín nhiệm thấp, hoặc nhiều phiếu tín nhiệm vừa, được ít phiếu tín nhiệm cao, thì nó cũng gây áp lực cho họ. Về cái khía cạnh đấy thì tôi nghĩ là nó tăng cường sự cạnh tranh, mà thế thì là tốt.”

Về mặt tổng thể, theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và các cải cách khác đối với các sinh hoạt của Quốc hội, là nhằm củng cố tính chính danh của đảng cầm quyền:

“Đảng Cộng sản cũng muốn kênh Quốc hội, đặc biệt thông qua các hoạt động chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm, để tăng tính chính danh của hệ thống, để đảm bảo được ít nhất về mặt diễn ngôn là Quốc hội thực sự đại diện cho quyền lợi của người dân.”

Ở chiều ngược lại, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng người dân Việt Nam không thực sự quan tâm đến kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Bởi theo vị cựu ứng viên đại biểu quốc hội này, thì người dân hiểu rõ rằng Quốc hội thực chất không có tiếng nói trong việc sắp xếp nhân sự cấp cao ở trong bộ máy nhà nước, mà tất cả nằm trong sự kiểm soát của Đảng Cộng sản.

“Có rất nhiều người được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm rất cao nhưng cuối cùng thì hoặc mắt chức, hoặc bị tù, mà cái đấy thì người dân thấy rất rõ trong năm, sáu năm vừa rồi.

Thực sự là các Đại biểu Quốc hội không phải do người dân bầu mà là do Đảng cử ra, rồi dân cũng làm ra vẻ bầu. Rồi tất cả những cán bộ cấp cao mà thường bị lấy phiếu tín nhiệm, cũng là những cán bộ đã được đảng Cộng sản Việt Nam chọn lọc một cách rất kỹ lưỡng. Giống hệt như là hàng chục tướng công an, hàng chục tướng quân đội, và bao nhiêu bộ trưởng, bao nhiêu uỷ viên trung ương Đảng, và có cả một ông uỷ viên Bộ Chính trị nữa đã phải vào tù.

Như vậy thấy rằng sự cách biệt giữa cái chuyện Đảng cử và cái chuyện dân bầu, thực sự nó xa vời đến mức nào.”

Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra hôm 25 tháng 10 năm 2023, không một vị cán bộ nào nhận được số phiếu tín nhiệm thấp lên đến 50%, do vậy, không ai phải tự xin từ chức. 

Vụ ‘4 tiếp viên hàng không’ dẫn đến việc phá hơn 100 đường dây, hội kín mua bán ma túy

 Vụ ‘4 tiếp viên hàng không’ dẫn đến việc phá hơn 100 đường dây, hội kín mua bán ma túy

Tang vật vụ các tiếp viên hàng không mang ma tuý từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất
 Hải Quan

Chuyên án ma túy liên quan đến bốn tiếp viên hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nhận chuyển ma túy từ Pháp về trong nước có 105 đường dây và 255 người mua bán trái phép ma túy.

Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), đại tá Mai Hoàng thông báo như vừa nêu vào chiều 27/10 tại hội nghị do Thành ủy TP HCM tổ chức với mục đích sơ kết ba năm thực hiện chương trình hành động số 38 về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng/chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn thành phố này.

Ông Mai Hoàng nêu rõ những người trong các đường dây lập ra hơn 30 hội nhóm trên các ứng dụng mạng xã hội. Người bán và người mua không biết mặt nhau, thanh toán qua tài khoản ngân hàng không chính chủ; ma túy mua được giao qua ứng dụng giao hàng.

Vào ngày 16/3, cơ quan chức năng phát hiện nhóm nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang hơn 11 kg ma túy các loại trong vali trên chuyến bay từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo thông tin được Hải quan và Công an cung cấp cho báo chí, trong bốn vali của các tiếp viên, ngoài các vật dụng cá nhân, có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng.

Trong các tuýp kem đánh răng bị kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 157 tuýp chứa tổng cộng hơn 11 kg ma tuý các loại là ketamine và MDMA.

Trong cuộc họp báo hôm 17/3, Hải quan TPHCM cho biết nhóm tiếp viên, sau khi bị phát hiện mang chất cấm về nước, khai rằng khi ở Pháp họ được một người nhờ xách tay số hàng về nước với tiền trả công là 10 triệu đồng. Do quá bận việc, họ chỉ kiểm tra vài tuýp kem, không thấy có gì bất thường.

Theo cơ quan công an, vì các tiếp viên không biết bên trong các tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển có chứa ma túy nên chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Vào ngày 22/3, Cơ quan CSĐT thuộc Công an TP HCM ra quyết định trả tự do cho bốn tiếp viên. Vào ngày 27/3, thêm một tiếp viên Vietnam Airlines bị cho có dính líu trong vụ này. Người này được cho biết cung cấp số điện thoại đầu mối gửi hàng tại Pháp cho bốn nữ đồng nghiệp khác để nhận số hàng chưa ma túy và chia nhau mang về Việt Nam.

Cả năm bị tạm giữ ngay khi khi Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện vụ việc; tuy nhiên sau đó cả năm đều được cho tại ngoại do gia đình bảo lãnh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-100-drug-trafficking-cases-busted-thanks-to-the-case-of-four-flight-attendants-10272023082212.html

Bắt tạm giam một nguyên phó phòng Công ty Cao su Đắk Lắk vì gây thất thoát tài sản Nhà nước

 Bắt tạm giam một nguyên phó phòng Công ty Cao su Đắk Lắk vì gây thất thoát tài sản Nhà nước

Trụ sở Công ty Cao su Đắk Lắk
 Tiền Phong

Một nguyên phó phòng thuộc công ty nhà nước là Công ty Cao su Đắk Lắk vừa bị khởi tố và bắt giam để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quyết định khởi tố và Lệnh bắt tạm giam được Viện KSND tỉnh này phê chuẩn và chiều ngày 26/10.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Văn Đức Lư (nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đắk Lắk) để điều tra cùng tội danh trên.

Theo truyền thông Nhà nước, ông Võ tiến Hùng, nguyên Phó phòng Kỹ thuật kế hoạch đầu tư, Cty Cao su Đắk Lắk đã có những sai phạm trong việc tư vấn mua giống cây trồng hồi năm 2007 - 2008 từ Malaysia với số lượng 1,5 triệu cây, tổng giá trị 1,89 triệu USD.

Công ty Cao su Đắk Lắk và đại diện Công ty TNHH Cao su Huỳnh Phước ký hợp đồng kinh tế về việc mua bán giống cây trồng vào năm 2008.

Tuy nhiên, giống cây được chuyển bằng đường hàng không nên khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Trong hai năm 2008 và 2009, Công ty Cao su Đắk Lắk thực nhận số lượng 328.406 cây; còn số cây bị hư hỏng, thiệt hại là 118.672.

Công ty TNHH Cao su Huỳnh Phước yêu cầu Công ty Cao su Đắk Lắk chia sẻ thiệt hại liên quan 118.672 cây hư hỏng, mỗi bên chịu 50% thiệt hại, nhưng Công ty Cao su Đắk Lắk chỉ đồng ý chịu một nửa kinh phí, chia sẻ rủi ro số cây đã bị hư hỏng, tương đương gần 1,4 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, việc Công ty Cao su Đắk Lắk thanh toán 50% cây giống bị thiệt hại cho Công ty TNHH Cao su Huỳnh Phước là sai quy định của nhà nước, gây thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-senior-manager-of-dak-lak-rubber-corporation-arrested-10272023075839.html

Trung Quốc rộ phong trào giết chó mèo hoang, phải chăng chính phủ cố tình thao túng?

Liên Thành


Trung Quốc rộ phong trào giết chó mèo hoang, phải chăng chính phủ lại cố tình thao túng? (ảnh: Internet).

Mới đây, ở Trung Quốc, một con chó Rottweiler đã cắn một đứa trẻ hai tuổi và làm nó bị thương nặng. Sự việc xảy ra ở Thành Đô (Chengdu), Tứ Xuyên (Sichuan), nơi đang rộ lên làn sóng giết chó thả rông lan khắp trên toàn quốc, và dần mở rộng đối tượng sang các vật nuôi khác. Một số người cho rằng, cơn sốt hiện nay đã phát triển thành một chiến dịch do chính phủ Trung Quốc cố tình thao túng.

Gần như chỉ sau một đêm, Trung Quốc đã bắt tay vào cuộc diệt chủng chó điên cuồng, sự việc đã bị dư luận phản đối mạnh mẽ. 

Một số người chỉ trích rằng nắm đấm sắt đánh chó mèo thả rông là đòn “ít phản kháng nhất và tốn ít chi phí nhất, nhưng lại có thể tạm thời xoa dịu một số người và giả vờ là đang nỗ lực giải quyết vấn đề, nhưng thực tế thì ngược lại”, và nó cũng gây ra xung đột ngày càng sâu sắc giữa các nhóm người khác nhau.

Mọi người nhanh chóng nhận thấy rằng diễn viên Dương Địch (Yang Di) và một số người nổi tiếng khác lên tiếng bảo vệ chó hoang đã bị cấm sử dụng Weibo. Điều này có thể chỉ ra rằng làn sóng săn lùng này không phải là một phong trào quần chúng đơn giản mà được kiểm soát bởi chính phủ, đó là lý do tại sao mạng xã hội ngăn chặn tiếng nói phản đối.

Một bài phân tích được lan truyền trên mạng đã chỉ ra rằng, việc diệt trừ chó trên toàn quốc lần này chỉ là một chiến dịch, tương tự như việc diệt trừ 4 loài gây hại trước đây, là tìm việc gì đó cho những người thất nghiệp làm, dù nói là để phòng chống dịch bệnh hay an sinh xã hội thì tất cả đều chỉ là sự giả tạo.

Thời Mao Trạch Đông (Mao Zedong), ông không hiểu kinh tế, nhưng Mao hiểu chính trị, ông biết cách tái định cư cho những người dân Trung Quốc có tỷ lệ thất nghiệp cực cao, tức là tức là thông qua nhiều phong trào, chỉ cần người dân Trung Quốc bận rộn thì chính trị sẽ ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp ngày nay cũng cao như thời kỳ Mao; ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) không hiểu kinh tế cũng như thời Mao; người dân cũng vậy, như dân thường năm 1949, người ta chỉ tay vào đâu thì họ đánh đó; Tiểu phấn hồng hôm nay cũng giống như Hồng vệ binh ngày ấy; ngôn ngữ căm ghét đế quốc Mỹ thời đó cũng giống như bây giờ; việc diệt trừ tứ trùng thời đó cũng giống như việc diệt trừ chó mèo ngày nay.

Việc tiêu diệt 4 loài gây hại dưới thời Mao đã phá hủy sự cân bằng sinh thái, số lượng chim sẻ giảm mạnh nhưng số lượng sâu bệnh lại tăng lên đáng kể, dẫn đến mất mùa nghiêm trọng và nạn đói nghiêm trọng.

Một số người đã kết luận rằng, ĐCSTQ chỉ tiếp tục tạo ra những xung đột nội bộ và thế là xong, họ vẫn giữ được quyền lực. 

Phân tích sâu hơn trên mạng xã hội chỉ ra rằng, phong trào này mới chỉ là bước khởi đầu và bước tiếp theo sẽ chấn động hơn.

Bài phân tích viết: Lần này thực chất là một “cuộc diễn tập cho các phong trào trong tương lai”, trước tiên nó sẽ khơi dậy cảm xúc cuồng nhiệt của công chúng và hợp lý hóa việc giết chó. Có thể một ngày nào đó, trong cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng, một người mặc kimono sẽ bị nghi là gián điệp và bị đánh chết trên đường phố, “PVP ngoại tuyến thực sự sẽ bắt đầu”.

PVP là một thuật ngữ trên Internet dùng để chỉ loại game online trong đó có xung đột tương tác nhiều người chơi trong một trò chơi giữa hai hoặc nhiều người tham gia trực tiếp. Ở đây nó có vẻ có nghĩa là “huy động quần chúng để chống lại quần chúng”.

Một số cư dân mạng trả lời: “Chỉ sau một năm bạn đã quên rằng, bạn không thể ra đường mà không làm xét nghiệm axit nucleic à?” 

“Việc vứt bỏ gạo và rau đã được thực hiện trong ba năm. Bây giờ tôi gần như đã quên tất cả về nó”.Cuốn sách “Giải thể văn hóa đảng” từng phân tích rằng: “Sau một thời gian dài thấm nhuần văn hóa đảng, người ta sẽ đánh vào bất cứ nơi nào mà đảng chỉ ra trong cuộc sống của họ… Một khi đảng đã “xác định” được một nhóm người, thậm chí ám chỉ đến nhóm đó, toàn xã hội sẽ tích cực tham gia đàn áp, hoặc phân biệt đối xử, xa lánh nhóm người bị đảng chỉ định là “bất đồng chính kiến”. Lời nói và hành vi của người dân càng trở thành cơ sở để ĐCSTQ tuyên truyền rằng họ có “sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân”.


Tàu cá Trung Quốc ngang nhiên đến gần Phú Quý, CSVN câm nín

 
Tàu cá Việt Nam bị tàu Hải Cảnh Trung Quốc đâm chìm được kéo về bến

Tin về tàu Trung Quốc ngang nhiên hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác nhận chỉ hai ngày trước khi Võ Văn Thưởng đến Bắc Kinh dự cuộc họp ca ngợi kế hoạch kết nối “Vành Đai – Con Đường” bành trướng thế lực kinh tế và chính trị trên thế giới của Trung Quốc.

Nhiều tàu đánh cá Trung Quốc ngang nhiên hoạt động gần đảo Phú Quý của Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn nín lặng.

Ông Ray Powell, người đứng đầu dự án Project Myoushu theo dõi tình hình thời sự Biển Đông tại đại học Stanford, California, viết trên mạng X (trước đây là Twitter) rằng, “Ngày 18 Tháng Mười, một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động ở phía Đông của đảo Phú Quý, giữa khoảng 50 đến 100 hải lý,” tức là hoàn toàn nằm trong phạm vi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Powell chỉ đưa tin vắn tắt như trên, không xác định bao nhiêu tàu Trung Quốc xâm phạm và cũng không nói gì về sự có mặt hay không của lực lượng Cảnh Sát Biển hoặc Kiểm Ngư của Việt Nam.

Ông chỉ nêu ra sự kiện các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyến kinh tế 200 hải lý của Việt Nam mà không thấy có phản ứng gì của Bộ Ngoại Giao CSVN.

Đảo Phú Quý là một huyện đảo, gồm 12 đảo lớn nhỏ, thuộc tỉnh Bình Thuận có 28,000 dân hầu hết sống về nghề biển, cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (104 km) về hướng Đông Nam.

Mới ngày 21 Tháng Chín, tướng Bùi Quốc Oai, chính ủy Cảnh Sát Biển, đến đảo Phú Quý “tuyên truyền chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cho ngư dân huyện đảo Phú Quý.”

Trong khi đó, không thấy tướng Cảnh Sát Biển vừa kể có một lời nhắc nhở nào liên quan tới việc đề phòng tàu đánh cá nước ngoài khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của nước mình. Nơi đây Việt Nam đặt một đài radar theo dõi các hoạt động trên không và trên biển ở khu vực, được khoe là “mắt thần” canh giữ biển trời quê hương.

Hiện nhà cầm quyền CSVN đang cố gắng ngăn chặn ngư dân đánh cá bất hợp pháp ở vùng biển các nước khác để gỡ “thẻ vàng” bị Liên Âu đe dọa cấm xuất cảng thủy sản. Mấy năm trước, báo chí trong nước thỉnh thoảng đưa tin chận bắt một vài chiếc tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.

Như hồi Tháng Tám 2020, một tàu đánh cá Trung Quốc vào đánh cá sâu trong vùng biển Việt Nam chỉ cách đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị có 11 hải lý hướng Đông Bắc. Tàu này chỉ bị cảnh cáo rồi đuổi đi trong khi rất nhiều tàu đánh cá của Việt Nam đã bị tàu Hải Cảnh Trung Quốc đâm chìm khi hoạt động trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

Tin về tàu Trung Quốc ngang nhiên hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác nhận chỉ hai ngày trước khi Võ Văn Thưởng đến Bắc Kinh dự cuộc họp ca ngợi kế hoạch kết nối “Vành Đai – Con Đường” bành trướng thế lực kinh tế và chính trị trên thế giới của Trung Quốc.

Guồng máy tuyên truyền của CSVN thuật lời ông Thưởng “đề nghị hai bên nỗ lực tạo không khí thuận lợi cho tổng thể quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp, tăng cường tuyên truyền hữu nghị, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác thực chất…” đi kèm những lời kêu gọi “tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau…” dù trên thực tế hoàn toàn ngược lại.

(Theo Người Việt)

Sư ‘quốc doanh’ tự tử sau khi bị á hậu tố ăn tiền từ thiện

Nhà sư Thích Nguyên Quang (thứ nhì, phải qua)

Nhà sư Thích Nguyên Quang được ghi nhận chết do tự tử sau khi bị á hậu Kiều Loan tố ăn chặn nửa tỷ đồng từ thiện do cô này đóng góp để xây nhà cho người nghèo và mua xe lăn cho người cao tuổi.

Tin cho hay nhà sư Thích Nguyên Quang ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, vừa chết do tự tử hôm 25/10.

Trước đó, nhà sư này bị á hậu Kiều Loan đăng bài tố cáo có hành vi lừa đảo và chiếm đoạt hơn 500 triệu tiền từ thiện do cô này đóng góp theo lời kêu gọi của nhà sư.

Theo cô Loan, trong một lần tham gia bếp ăn thiện nguyện, cô quen biết nhà sư Thích Nguyên Quang.

Nhà sư này tự giới thiệu mình là trụ trì của hai ngôi chùa, một ở quận Bình Thạnh và một chùa khác ở Lâm Đồng.

Sau đó, nhà sư giới thiệu với cô Loan về những hoạt động thiện nguyện mà mình đang thực hiện, trong đó có việc xây dựng nhà tình thương cho rất nhiều hoàn cảnh thương tâm.

Nghe lời nhà sư, cô Loan sau đó đóng góp tiền cho ông này “xây tám căn nhà tình thương tại Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Gia Lai, Sóc Trăng, Kiên Giang, Kon Tum, ngoài ra góp tiền sửa nhà cho các sư cô, các gia đình khó khăn, mua 13 chiếc xe lăn cho người cao tuổi ở Bình Thuận…

Chỉ đến khi gặp người quản lý dự án xây nhà từ thiện, cô Loan mới biết mình bị lừa khi chỉ một phần tiền do cô đóng góp được dùng để mua gạo cho chùa và xây hai căn nhà ở Tiền Giang và Bến Tre.

Số tiền còn lại là 550 triệu đồng bị nhà sư chiếm dụng.

Sau khi công luận bàn tán về sự việc, báo Giác Ngộ cho biết, nhà sư Thích Nguyên Quang “không phải là tu sĩ Phật giáo”, mà chỉ tham gia khóa xuất gia gieo duyên được tổ chức ngắn hạn và tự phát.

Tuy vậy,  báo Công Lý hồi tháng 9 năm ngoái từng đăng bài “Nhà sư trẻ Thích Nguyên Quang với tấm lòng thiện nguyện” và cho biết ông này “thường xuyên tổ chức các buổi nấu ăn hướng thiện giúp ích cho đời, vận động các nhà hảo tâm chung tay giúp sức…”

Cùng thời điểm, báo Tuổi Trẻ Thủ Đô đăng bài ca ngợi “Thích Nguyên Quang: Nhà sư vận động làm hơn 6 cây cầu”.

Một trang tin khác, Yan.vn ca tụng “Thích Nguyên Quang: Sư thầy tâm huyết với công tác từ thiện”.


Bản tin cho hay, nhà sư này “sinh ra tại một vùng quê với tuổi thơ của thầy đầy ắp kỷ niệm về những trận mất mùa, đói kém” nên quyết tâm làm từ thiện để giúp người nghèo.

Các bản tin nêu trên được hiểu là do nhà sư Thích Nguyên Quang chi tiền để các báo đăng bài ca ngợi mình, nhằm để thuyết phục những người khác tin rằng mình làm từ thiện thật lòng.

‘Ai cãi lại được công an?’

 

Công luận tin rằng anh em Quốc Cơ được công an du di là vì có thẻ đảng

Xử lý phải công bằng, đúng người đúng “tội” thì dân mới phục, chứ “nhất bên trọng, nhất bên khinh” quá lộ liễu, muốn bênh ai thì bênh, trị ai thì trị, vậy thì đừng kêu gào người ta phải “sống và làm việc theo pháp luật” nữa.

Anh em Cơ Nghiệp đóng quảng cáo, nói cho cùng cũng như mấy anh chị văn nghệ sĩ, ưu tú nhân dân này nọ quảng cáo thuốc hoặc thực phẩm chức năng, thổi loa kèn thuốc lậu, bán cái danh của mình để kiếm tiền. Anh em nhà xiếc này còn đáng trọng hơn mấy nghệ sĩ kia bởi thể hiện tài năng thực sự chứ không mồm mép giả dối, nói vống lên như Xuân tóc đỏ:

“Dù già cả dù ấu nhi/Sương hàn nắng gió bất kỳ ở đâu/Sinh ra cảm sốt nhức đầu/Da khô mình váng âu sầu ủ ê/Đêm ngày nói sảng nói mê/Chân tay mỏi mệt khó bề yên vui/Vậy xin mách bảo đôi lời/Nhức đầu giải cảm liệu đời dùng ngay”.


Bản thân tôi không trách Cơ Nghiệp chuyện chồng đầu trên xe, và cả cô Ngọc Trinh nữa. Tuổi trẻ ai chả có lúc ngông cuồng, hiếu thắng, hung hăng, coi trời bằng vung. Điều gì sai, cứ căn theo luật pháp, tùy mức độ nặng nhẹ mà phạt. Luật pháp luôn công bằng nên những người thực thi pháp luật càng phải công bằng. Đừng làm cho nó méo mó, vớ vẩn. Pháp luật bị nhờn trước hết do người vận dụng, thực thi, chứ không phải do đối tượng của nó.


Về vụ Cơ Nghiệp, công an kết luận anh em nhà này hành động không có dấu hiệu tội phạm, chỉ là vụ việc hành chính. Mọi lý lẽ bênh đương sự rất rõ. Nào là chỉ đóng quảng cáo, đã xin phép, có người trợ giúp, có dụng cụ bảo hiểm, dây an toàn, đường sá bị chặn, khu vực không có lưu thông… Nghe vậy thì tạm hiểu vậy. Ai mà cãi lại được công an. Kể cũng lạ, mà không lạ.

Tuy nhiên, nhà chức việc đã cố tình lờ những vi phạm rất cụ thể: chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, làm động tác nguy hiểm nơi công cộng, nếu được cấp phép thì ai cấp, cơ quan nào cấp, trước khi diễn ra sự việc có báo cho cơ quan công quyền không…

Và đây mới là sai phạm nghiêm trọng nhất: Hình ảnh biểu diễn trên thực tế có phương tiện bảo hiểm nhưng khi công bố trong chương trình quảng cáo, trên hệ thống truyền thông, trên mạng xã hội thì bị xử lý cắt bỏ hết (dây nhợ lằng nhằng, người trợ giúp), chỉ còn đương sự tài giỏi đang chồng đầu chạy xe.

Cứ cho là dùng thủ pháp để đạt mục đích đi, nhưng đây là thủ pháp gây hại cho xã hội. Đó là sự giả dối, lừa gạt, lừa đảo cộng đồng, người xem, khách hàng. Công khai lừa đảo, mà không bị nhắc nhở, xử lý, trừng phạt.

Xã hội này chấp nhận sự giả dối từ bao giờ vậy? Bất cứ ai, nhất là người trẻ, coi clip quảng cáo ấy, họ đâu biết lúc “diễn viên” đóng như thế nào, chỉ biết Cơ Nghiệp chạy xe máy đầu trần, không đội mũ bảo hiểm theo quy định, làm động tác nguy hiểm đến tính mạng. Ai dám đảm bảo tụi trẻ không bắt chước, “học tập và làm theo tấm gương” Cơ Nghiệp.


Cơ Nghiệp và Ngọc Trinh đều có lỗi, đều chỉ ở mức vi phạm hành chính, lỗi của đứa con gái nhẹ hơn hai anh xiếc. Còn những tổ chức, đơn vị liên quan đến đương sự đều vi phạm pháp luật. Ngọc Trinh thì chẳng những chịu xử phạt hành chính mà còn bị khởi tố, bắt giam, anh em Cơ Nghiệp lại chỉ bị kết luận nhẹ hều.

Xử lý phải công bằng, đúng người đúng “tội” thì dân mới phục, chứ “nhất bên trọng, nhất bên khinh” quá lộ liễu, muốn bênh ai thì bênh, trị ai thì trị, vậy thì đừng kêu gào người ta phải “sống và làm việc theo pháp luật” nữa.

Nguyễn Thông

https://www.datviet.com/ai-cai-lai-duoc-cong-an/

Lá thư cuối của một tử tù & nền tư pháp XHCN

 

Thư trăn trối của tử tù Lê Văn Mạnh

Đọc lá thư sau cùng của tử tù Lê Văn Mạnh mới thấy sự tàn nhẫn tột cùng của một nền tư pháp vốn luôn tự hào bảo vệ nhân dân, siêu việt và nhân đạo.

Trong một vụ án, khi mà còn nhiều uẩn khúc thì không thể nào thì hành án, nhất là một bản án tử hình!

“In dubio pro reo” là một câu ngạn ngữ Latinh có nghĩa là “ một điểm nghi ngờ cần được giải thích vì lợi ích của bị cáo – Le doute doit profiter à l’accusé. Nguyên tắc pháp lý này ngụ ý rằng, trong trường hợp không chắc chắn, phán quyết phải được đưa ra có lợi cho người bị truy tố.


Tiếc thay, nguyên tắc pháp lý này không hề được áp dụng trong trường hợp của tử tù Lê Văn Mạnh.

Chắc chắn ca của Lê Văn Mạnh không phải là trường hợp thi hành án đầu tiên dẫu bị cáo liên tục kêu gào vô tội. Mạnh cũng sẽ không phải là tử tù sau cùng của cái gọi là nền tư pháp XHCN Việt Nam.

Bất chấp việc gia đình kêu oan gần 20 năm cũng như các cuộc vận động kêu gọi ngừng thi hành án của cộng đồng, của các tổ chức dân sự và của giới luật học, Việt Nam vẫn kiên quyết thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh.

Đó là một sự phỉ báng vào nền tư pháp của Việt Nam và chứng minh cho dư luận thấy rằng các thủ tục tố tụng vẫn chứa đựng rất nhiều bất công. Chính quyền Việt Nam sẵn sàng chà đạp những biện pháp căn bản nhất của quá trình tố tục. Bị cáo không hề được bảo vệ dẫu vụ án còn nhiều dấu hỏi và phi lý!

Đọc lá thư sau cùng của tử tù Lê Văn Mạnh mới thấy sự tàn nhẫn tột cùng của một nền tư pháp vốn luôn tự hào bảo vệ nhân dân, siêu việt và nhân đạo.


Đến giờ phút chót, Lê Văn Mạnh vẫn không ngừng kêu oan. Tiếng kêu gào thét của anh và hoa đình rơi vào quên lãng vì mọi việc đã an bài, nhiệm vụ đã hoàn thành đối với những kẻ đang nắm quyền sinh sát trong tay.

Lên án những sai lầm của nhà nước là điều cấp bách để tránh những “tội ác có hệ thống” của nền tư pháp Việt Nam.

Chọn thái độ chính trị đối lập với nhà cầm quyền là lương tâm và trách nhiệm của mọi công dân. Chỉ có một xã hội đa nguyên, đa đảng thì tiếng nói của người dân mới thực sự được tôn trọng và luật pháp mới thực sự đứng về kẻ cần được bảo vệ.

Bằng không, sau Lê Văn Mạnh sẽ là Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải và bao nạn nhân khác… trong sự bất lực của chúng ta!

Lâm Bình Duy Nhiên

https://www.datviet.com/la-thu-cuoi-cua-mot-tu-tu-nen-tu-phap-xhcn/