Sunday, May 5, 2019

Hòa giải và hòa hợp dân tộc: CSVN không thể chỉ kêu gọi suông.




Không có chuyện tránh từ “giải phóng”

Hoạt động cuối cùng của đợt “kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” là màn bắn pháo hoa tại 3 điểm ở Sài Gòn vào lúc 9 giờ tối ngày 30/4/2019 với mô tả “mãn nhãn”, “thắp sáng bầu trời tp HCM”.
Cụm từ “kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam” tràn ngập trên các trang báo mạng. Nếu gõ câu “kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” vào google có thể tìm thấy ít nhất khoảng 160 tin bài. Chỉ có trang “Nhân dân” của đảng CSVN thêm chữ “hoàn toàn” – giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Dùng chữ “hoàn toàn”, hẳn họ quên mất rằng, ở thời điểm 30/4/1975, quần đảo Hoàng Sa thuộc miền Nam quản lý đã mất vào tay Trung quốc từ hơn 1 năm trước đó, mà những người lãnh đạo của Việt Nam dân chủ cộng hòa khi đó vẫn cứ tin là TQ “giải phóng và giữ hộ”
Còn nếu bỏ mấy chữ “giải phóng miền Nam” đi, gõ cụm từ “kỷ niệm 44 năm thống nhất đất nước” vào công cụ tìm kiếm thì chỉ thấy vài tin, nhưng là nói về màn bắn pháo hoa.
Như vậy, không có chuyện chính quyền Việt Nam tránh nói từ “giải phóng” trong dịp kỷ niệm 30/4 năm nay như một bài viết của RFA đã đặt dấu hỏi.
Đừng khét thêm vào nỗi đau tháng Tư
Việc tuyên truyền, khuếch trương chiến thắng của bên thắng cuộc chỉ khoét sâu thêm vào nỗi đau của bên thua cuộc.
Phân tích kỹ thì bên thua cuộc không chỉ là miền Nam mà bao gồm tất cả những người phải chịu tổn thất trong chiến tranh. Với khái niệm này, bên thua cuộc còn bao gồm hàng triệu người lính miền Bắc và dân thường đã ngã xuống trong nỗi đau đớn của gia đình họ. Bên thua cuộc còn bao gồm những người kỳ vọng vào một đất nước thống nhất cường thịnh nhưng lòng tin ấy đã đổ vỡ
Tóm lại, bên thua cuộc là nhân dân VN, còn bên thắng cuộc là những người phát động chiến tranh, giành thắng lợi và hưởng lợi từ chiến thắng ấy.
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…
(Đá ơi – Thơ Nguyễn Duy)
44 năm đã quá đủ thời gian để nhìn nhận lại cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Người ta ngày càng rõ hơn các vấn đề như bản chất của cuộc chiến tranh, tại sao phe cộng sản thắng? Đất nước thống nhất đem lại cho nhân dân những gì? Có ý kiến đặt ngược vấn đề “ai giải phóng ai?”. Đây là một góc nhìn mới và nghiêm túc.
Có lẽ trong hiện thực xã hội mục ruỗng và bế tắc hiện nay, trước tương lai mù mịt của đất nước, phe thắng cuộc không còn gì hơn là bấu víu vào quá khứ mà người ta gọi là ăn mày dĩ vãng. Oái oăm thay, quá khứ ấy càng vén lên, càng đánh thức nó dậy thì càng bất lợi cho họ. Họ phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Chỉ cần đặt ra mấy câu hỏi mà ai cũng trả lời được là sẽ rõ vấn đề:
– Bên nào đem quân vượt vĩ tuyến 17 vào miền Nam?
– Gọi là chống Mỹ xâm lược, tại sao khi quân đội Mỹ chưa tham chiến hoặc sau khi họ rút quân, chiến tranh vẫn tiếp diễn?
– Tại sao miền Nam cần phải giải phóng và giải phóng khỏi cái gì?
– Tỉ lệ tử sĩ trong chiến tranh (tạm lấy số liệu của wikipedia) giữa CSVN & đồng minh / VNCH / Mỹ & đồng minh là 13,2/4,7/1 nói lên điều gì? Có phải đấy là cách để làm nên chiến thắng của phe cộng sản?
v.v…
Việc khuếch trương chiến thắng, sỉ nhục bên bại trận là môt sai lầm mà bên thắng cuộc cố tình không nhận ra do bản chất kiêu ngạo của họ. Nó không có tác dụng gì trong việc nâng cao tầm vóc cho họ mà chỉ làm tổn thương cho phía bên kia, duy trì và khoét sâu sự hận thù. Trong khi luôn miệng kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc thì 44 năm qua, cứ vào dịp 30/4, họ lại tưng bừng kỷ niệm chiến thắng, xoáy vào nỗi đau tháng Tư của đồng bào phải chịu tổn thất trong chiến tranh.
Là bên thắng cuộc, họ không những không có lòng khoan dung, cao thượng mà vẫn còn đó sự căm thù chế độ Việt Nam cộng hòa mặc dù nó đã đi vào quá khứ. Xóa sổ một chính thể, hàng triệu đồng bào bỏ chạy khỏi đất nước, hàng trăm nghìn người bỏ xác nơi biển cả, sa vào tay hải tặc, đày đọa hàng trăm nghìn cán binh VNCH trong các trại cải tạo chưa đủ làm họ thỏa mãn sao? Không thể tưởng tượng được, chỉ từ cử chỉ cầm lá cờ Việt Nam bé xíu vẫy của tổng thống Mỹ khi sang thăm Hà Nội mà ông thủ tướng lập tức nghĩ ngay đến “bọn phản động lưu vong người Việt”, và tưởng tượng ra “bọn” này “rã rời chân tay”.
Năm 2005, kỷ niệm 60 năm quốc khánh, ông Võ Văn Kiệt phát biểu:
“Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu…”
Phát biểu của ông Kiệt được nhắc lại với tần suất rất cao mỗi khi nói về hòa giải và hòa hợp dân tộc. Cho đến nay, không có một lãnh đạo cấp cao nào nói ra được một ý tương tự. Tiếc rằng, vì quan điểm tiến bộ, cởi mở của ông mà sau đó ông bị đồng chí của mình nghi kỵ, cảnh giác. Đã có những ý kiến nghi ngờ rằng cái chết của ông có uẩn khúc.
Lối cư xử với bên bại trận ở VN, làm người ta nghĩ đến cách giải quyết trong quan hệ Mỹ – Nhật sau khi Nhật Bản đầu hàng, để có được một nước Nhật ngày nay. Xa hơn nữa là cách giải quyết trong nội bộ nước Mỹ khi Liên bang miền Bắc chiến thắng trong cuộc nội chiến cách đây 1,5 thế kỷ để có một siêu cường Hoa Kỳ ngày nay. Nó khác hẳn với tư duy hẹp hòi, thiển cận và những hành động trả thù hèn hạ sau cuộc nội chiến kéo dài 20 năm ở VN của bên thắng cuộc và dai dẳng đến tận bây giờ
Không thể chỉ kêu gọi suông
Tác giả và một quân nhân Việt Nam cộng hòa. Ảnh Ngô Chí Thiềng
Về vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, trái bóng luôn ở chân nhà nước cộng sản VN, đơn giản vì họ là bên thắng cuộc, ngoài ra họ là bên phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Họ có đủ quyền hành, lực lượng để chủ động trong việc ấy.
Để hòa giải và hòa hợp dân tộc, cần phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể chứ không chỉ kêu gọi suông. Người ta nhìn vào hành động để biết nhà cầm quyền có thực tâm hòa giải không.
Những hành động cụ thể cần phải làm, trước hết cần dùng một tên gọi chính xác cho cuộc chiến tranh 1955 – 1975. Nếu ngại những từ “nhạy cảm” như “thôn tính”, “cưỡng chiếm”, có thể gọi là cuộc nội chiến hay chiến tranh Nam Bắc, chứ không gọi là “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” hay chiến tranh “giải phóng miền Nam”.  Cần loại bỏ vĩnh viễn những cụm từ “giải phóng miền Nam”, “đế quốc Mỹ và tay sai”, “ngụy quân ngụy quyền” ra khỏi đời sống xã hội. Phải bỏ ngày 30/4 ra khỏi ngày nghỉ lễ.
Ngày 30/4 là một biến cố lịch sử. Chỉ nên tổ chức những buổi hội thảo tự do không định hướng, không kén chọn thành phần để làm rõ hơn mọi khía cạnh cuộc chiến tranh 1955 – 1975, giai đoạn đau thương và đen tối nhất của lịch sử dân tộc.
Cần chấm dứt việc gây khó dễ khi xét lý lịch đi học, đi làm đối với con cháu quân cán binh VNCH. Phải loại bỏ sự phân biệt đối xử đối với những người có liên quan đến chế độ cũ. Không được gây cản trở mọi hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ những người có liên quan đến chế độ cũ, ví dụ hoạt động tri ân thương phế binh VNCH được nhà thờ Kỳ Đồng tổ chức hàng năm. Các nghĩa trang quân đội VNCH cần được chăm sóc chu đáo như những nghĩa trang liệt sĩ khác.
Đừng làm cho nỗi đau của đồng bào miền Nam kéo dài thêm, cứa mãi, đau day dứt, dai dẳng như xẻo thịt bằng con dao cùn và lấy sự đau đớn ấy làm niềm vui, niềm tự hào, kiêu hãnh của mình.
Những người được coi là thắng cuộc liệu có biết họ đang thua cuộc. Có trong tay cả một đất nước để rồi không biết làm thế nào cho “đất nước đứng lên”. Họ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng toàn diện với những thách thức về lý luận, về phương pháp, về lòng tin, về sự thối nát của hệ thống chính trị và phải tìm cách thoát khỏi bế tắc. Việc thực tâm hòa giải bằng những việc làm cụ thể cũng là một cách khai thông bế tắc ấy
2/5/2019
NTT – Cựu chiến binh miền Bắc

Công nhân Việt tại Đài Loan biểu tình đòi chính phủ Việt Nam bỏ môi giới bóc lột lao động

RFA-2019-05-05   
Công nhân Việt Nam tại Đài Loan biểu tình trước văn phòng Văn hoá - Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc hôm 5/5/2019
Công nhân Việt Nam tại Đài Loan biểu tình trước văn phòng Văn hoá - Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc hôm 5/5/2019-Photo: RFA
Vào trưa ngày 5/5/2019, hàng chục lao động Việt tại Đài Loan đã tổ chức biểu tình trước văn phòng Văn Hoá - Kinh tế của Việt Nam ở Đài Bắc, phản đối môi giới lao động tư nhân ở Việt Nam vì coi đây là một hình thức bóc lột người lao động.
Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Trung với các dòng chữ kêu gọi “huỷ bỏ môi giới”, “chấm dứt bóc lột sức lao động”.
Chị Thanh Hải, một người lao động Việt tại Đài Loan, người có mặt tại cuộc biểu tình, cho Đài Á Châu Tự Do biết: “em qua đây hết hơn 6.000 đô la. Ở làng em mọi người đi cũng đông, em hỏi đi công ty nào thì họ chỉ em đi. Qua rồi là không có liên lạc được với môi giới ở nhà”.
Anh Bạch Thế Du, đại diện Công hội di công Việt Nam - một tổ chức chuyên giúp đỡ cho những công nhân và cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, đã đọc một tuyên bố ngắn. Tuyên bố viết “Chính phủ Việt Nam có phải là một chính phủ phục vụ vì dân, phục vụ cho nhân dân hay không? Nếu đúng như vậy thì tại sao những người lao động đến từ các nước như Indonesia, Thái Lan hay Philippines, họ chỉ phải trả mức phí từ 1.000 đến 3.000 đô la, mà người Việt chúng ta phải trả mức phí cao ngất ngưởng đến như vậy? Hay chính phủ Việt Nam là chính phủ chỉ biết quan tâm đến thuế phí, tham nhũng, o ép người dân, chỉ biết bắt tay với công ty môi giới bóc lột và hút máu của người lao động”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội, trong năm 2018, số lao động Việt ở Đài Loan là hơn 60.000 người. Đài Loan là thị trường thứ hai sau Nhật Bản về thu hút lao động Việt Nam.
Theo quy định của chính phủ Đài Loan, kể từ ngày 1/1/2017, lương cơ bản của người lao động ở Đài Loan là khoảng 21.000 Đài tệ, tương đương khoảng hơn 15 triệu đồng. Đây là mức lương cao gấp 3 thậm chí 4 lần mức lương của công nhân ở Việt Nam.
Thời gian qua có nhiều người Việt đã đến Đài Loan theo visa du lịch để lao động chui với hy vọng kiếm thu nhập khá. Một số đã bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ và trục xuất về lại Việt Nam.

Con trai Nguyễn Bá Thanh bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật

 RFA-2019-05-05 
Ông Nguyễn Bá Cảnh
  Ông Nguyễn Bá Cảnh-Courtesy of Báo Lao Động
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa có đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Bá Cảnh, phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành Uỷ Đà Nẵng, con trai của cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Kết luật của Uỷ ban đưa ra sau kỳ họp lần thứ 35 từ ngày 24 đến 26 tháng 4 cho biết ông Nguyễn Bá Cảnh đã vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Trước đó, vào ngày 12/4, Thành uỷ Đà Nẵng đã bỏ phiếu đồng ý đề nghị cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Bá Cảnh.
Theo quy trình, Thành ủy Đà Nẵng trình Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định kỷ luật ông Cảnh theo thẩm quyền.
Ông Cảnh bị xác định là vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, đồng thời vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Có kinh tế thị trường là có tất cả

Theo RFA- Nguyễn Ngọc Già-3-5-2019  
Quán bán hàng rong ở gần khu du lịch Đồng Mô
 Quán bán hàng rong ở gần khu du lịch Đồng Mô-RFA
Nhiều năm trước, ông Nguyễn Tấn Dũng với tư cách Thủ tướng, đã đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền "kinh tế thị trường", nhưng bất thành.
Mới đây, ngày 8 và 9 tháng 4/2019, ông Nguyễn Văn Bình với tư cách Trưởng ban kinh tế Trung ương - Ủy viên Bộ Chính trị, trong chuyến thăm Hoa Kỳ [1], tiếp tục "công việc dở dang" của ông Nguyễn Tấn Dũng để lại, khi gặp Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương Mại Hoa Kỳ Karen Dunn Kelly.
Ngắn gọn về kinh tế thị trường
Trước hết phải xác định, thế giới chỉ công nhân hai khái niệm "kinh tế thị trường" và "kinh tế phi thị trường".
"Kinh tế thị trường" là gì? Thật dễ hiểu, bởi nó dựa trên quy luật cung - cầu, cùng với việc nhà sản xuất phải biết sản xuất cái gì và sản xuất cho ai. Một khi không xác định rõ điều giản dị này, nhà sản xuất buộc phải bị đào thải.
Giáo sư Robert M. Dunn Jr. Giáo sư Kinh tế Đại học George Washington, Washington D.C đã chỉ rõ: "Kinh tế thị trường không phải là một ý thức hệ mà là một hệ thống các tập tục và thiết chế đã được kiểm nghiệm qua thời gian để làm sao mọi cá nhân và xã hội có thể sống và thịnh vượng về phương diện kinh tế".
Cũng theo vị giáo sư khả kính nói trên, kinh tế thị trường phải mang đặc tính: Phi tập trung, linh hoạt, thực tế và có thể thay đổi được, đồng thời nó không có một trung tâm điểm.
"Kinh tế phi thị trường" lại là nền kinh tế tập trung với bộ máy quản lý kinh tế nặng nề, cùng các chính sách kinh tế vĩ mô cho đến vi mô hầu như không thể thay đổi được. Nếu phải gọi là "thay đổi", nó chỉ làm bộc lộ rõ sự phản khoa học, vì thế luôn thất bại và làm xã hội ngày càng rơi vào khủng hoảng, đặc biệt khủng hoảng về niềm tin. Trong khi đó, niềm tin là một trong các "đòn bẫy" quan trọng của "kinh tế thị trường"!
Lý do làm cho "kinh tế phi thị trường" trở nên "đổ đốn" như vậy, bởi vì nó có một trung tâm điểm rất lớn - Bộ Chính trị - nơi có thể nói rằng, quy tụ toàn bộ những bộ não thủ cựu, xơ cứng, phản khoa học và chống lại các quy luật kinh tế - xã hội.
Tính khoa học của "kinh tế thị trường" đã làm cho nó tồn tại bất chấp thời gian và không gian.
Cho đến nay, giải Nobel Kinh Tế - một giải thưởng danh giá của thế giới - chưa bao giờ trao cho bất kỳ một người cộng sản nào. Điều đó chứng minh, "kinh tế phi thị trường" không thuộc về khoa học. Những gì không thuộc về khoa học luôn mang đến ngu dốt, đói nghèo và chết chóc.
"Kinh tế phi thị trường" vì phản khoa học, nên nó đồng thời chống lại loài người. Chính vì lẽ đó, một quốc gia có nền "kinh tế phi thị trường" cũng là một quốc gia vi phạm nhân quyền rất nặng nề.
Nói cách khác, những quốc gia vi phạm nhân quyền không bao giờ thật tâm muốn có một nền "kinh tế thị trường". Bởi kinh tế thị trường còn mang thuộc tính tự do.
Trong các dạng tự do, "tự do tư tưởng" là quan trọng nhất. Bởi nhờ nó mà con người luôn hứng khởi trong việc tạo ra những phát minh, làm ra những sản phẩm mới (không phải thứ đi ăn cắp như Trung Quốc đang bị cả thế giới chê cười). Kể cả lãnh vực văn hóa - nghệ thuật, vốn luôn đòi hỏi những sản phẩm mới hơn, lạ hơn và độc đáo hơn.
Ngoài ra, "tự do tư tưởng" cũng giúp con người tìm ra cung cách quản lý mới, cũng như các ứng dụng khoa học hiện đại nhằm phục vụ loài người ngày càng tốt đẹp hơn.
"Tự do tư tưởng" cũng giúp cho loài người tính đến những viễn cảnh xa hơn, nơi các vì sao trong vũ trụ còn đầy bí ẩn.
Có kinh tế thị trường là có tất cả
Trong Hiến pháp của nước CHXHCNVN, tại điều 51 nói rằng "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (!). Trong khi đó, tại điều 52 lại cho hay "Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường". Thật nghịch lý!
"Quy luật thị trường" chỉ có ý nghĩa và có giá trị đối với "kinh tế thị trường". Vì lẽ đó,  không một nhà kinh tế nào (dù đoạt giải Nobel Kinh Tế) có thể "giải nổi" bài toán "Dùng quy luật thị trường để giải quyết các vấn đề của kinh tế phi thị trường", vốn do những bộ não "tuyệt luân" của các Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN đưa ra (!).
Tính phản khoa học đã bộc lộ rõ và nó gây ra sự nhạo báng, không chỉ đối với trong nước mà lan rộng ra thế giới từ văn bản "cao thứ nhì" sau văn bản "cao thứ nhất" mang tên "Cương lĩnh ĐCSVN", vốn do ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước xác quyết một cách phản khoa học dù ông ta được biết là "giáo sư-tiến sĩ" chuyên ngành "Xây dựng đảng" (!).
Những ngày này, đông đảo người dân phẫn nộ dường như muốn "nổ tung lồng ngực" - không phải vì vui mừng cho ngày "giải phóng Sài Gòn" như ông Phạm Quang Nghị tuyên bố - mà là cho giá điện, giá xăng, giá dầu đang tăng đột biến, với phát ngôn vừa hàm hồ vừa tỏ ra thách thức và đe dọa người dân của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ông ta nói [2]: "Nếu không tăng giá điện, EVN phá sản" (!).
Một quốc gia muốn phát triển hay bị suy thoái, trước hết từ lãnh vực năng lượng.
Việt Nam đang đương đầu với điều đó.
Người CSVN các cấp, họ không hiểu nổi, hậu quả giá năng lượng tăng vô lối, nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam không có nền "kinh tế thị trường", mặc dù hầu hết họ đều có đủ học hàm "giáo sư" và đầy học vị "tiến sĩ" (!) Đó là điều vô cùng mỉa mai cho Bộ Chính trị nói riêng và thể chế độc đảng toàn trị nói chung.
Liệu rằng, việc công nhận Việt Nam có "kinh tế thị trường" như người CSVN xin Hoa Kỳ, sẽ giúp họ giải quyết được những gì, khi mà "Cương lĩnh ĐCSVN là số 1" và "Hiến Pháp (phản khoa học) là số 2" (?)
Rất tiếc! Người CSVN - mãi đến nay - vẫn không nhận ra, tự thân họ đang chới với giữa "không trung" của "cái nền" "kinh tế thị trường định hướng XHCN", mà vốn dĩ ông Nguyễn Phú Trọng từng ta thán [3]: "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa", mặc dù, không rõ sức khỏe của ông ta hiện nay ra sao nữa (?!).
Hay là người CSVN các cấp họ nghĩ rằng:
Giá xăng, giá điện, giá dầu
Ba giá tăng đều, chẳng đáng lo đâu (?!)
Hãy để "kinh tế thị trường" dạy cho người CSVN một bài học, đến nỗi không còn gì có thể cứu vãn thể chế độc đảng toàn trị! Không lâu đâu!
__________________________

Nguyễn Ngọc Già

An ninh ngăn chặn người đến đón và thăm Anh Ba Sàm vừa mãn hạn tù 5 năm

RFA-2019-05-05  
HÌnh minh hoạ. Blogger Anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thuý (phải) tại toà phúc thẩm ở Hà Nội hôm 22/9/2016
 HÌnh minh hoạ. Blogger Anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thuý (phải) tại toà phúc thẩm ở Hà Nội hôm 22/9/2016-AFP
An ninh đã được huy động đến nhà của Anh Ba Sàm - tức Nguyễn Hữu Vinh, ở Hà Nội sau khi ông mãn hạn tù 5 năm trở về nhà.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang blog Anh Ba Sàm chuyên về điểm tin tình hình trong nước, thế giới và các bài viết về dân chủ, nhân quyền vừa mãn án 5 năm tù giam và ra khỏi trại giam vào chiều ngày 5/5/2019.
Trên trang facebook Phan Trí Đỉnh, một người hiếm hoi được có mặt ở nhà Anh Ba Sàm vào chiều ngày 5/5, blogger Anh Ba Sàm đã lên tiếng cảm ơn mọi người đã quan tâm và cho biết anh vẫn khoẻ, đồng thời cũng cho biết nhà của blogger bị an ninh ngăn chặn rất kỹ.
Chiều ngày 5/5, luật sư Trần Vũ Hải viết trên trang facebook cá nhân, cho biết ông cũng bị an ninh chặn khi mang hoa đến tặng Anh Ba Sàm.
Trước khi Anh Ba Sàm được mãn hạn tù, vợ anh là chị Lê Thị Minh Hà cho Đài Á Châu Tự Do biết an ninh đã nói với chị là sẽ không để các bạn bè của Anh Ba Sàm đến đón anh theo kiểu “Trống giong cờ mở” và doạ nếu gia đình vẫn làm như vậy thì họ sẽ thả Anh Ba Sàm ở giữa đường, nơi vắng vẻ.
Từ ngày hôm trước khi Anh Ba Sàm được tự do, một số nhà hoạt động viết trên Facebook cá nhân, cho biết họ được an ninh đến tận nhà "khuyên" và ngăn không cho đi đón blogger Anh Ba Sàm
Sau khi mãn hạn trở về, Anh Ba Sàm đã trả lời Luật Khoa Tạp Chí và cho biết trước khi ra tù, an ninh đã đến phòng giam của anh và đòi thu giữ khoảng 1.000 trang tài liệu mà blogger đã viết, bất chấp sự phản đối của blogger.
Ông Vinh và đồng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt khẩn cấp vào ngày 05/5/2014 và phải đến 2 năm sau ngày 23/3/2016 mới đem ra xét xử sơ thẩm.
Ông Nguyễn Hữu Vinh bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên mức án 5 năm tù giam với cáo buộc tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 BLHS năm 1999.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng bị tuyên 3 năm tù giam với cùng tội danh.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, cơ quan An ninh điều tra xác định, từ khi được lập đến khi ông Vinh, bà Thúy bị bắt, blog "Dân quyền" do 2 người quản trị đã đăng 2.014 bài, 38.567 phản hồi và có 3.243.330 lượt người truy cập.
Blog "Chép sử Việt" đã đăng 383 bài, 3.401 phản hồi và có 480.353 lượt người truy cập.
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã có quyết định trưng cầu giám định nội dung các bài viết.
Kết luận giám định do Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an trưng cầu cho thấy, có 24 bài viết được cho là "có nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, cơ quan, tổ chức".
Ngoài ra, các bài viết này cũng được nói là "đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước".
Nhiều vi phạm tố tụng trong vụ án của blogger Anh Ba Sàm được chỉ ra như: sau khi 2 người bị bắt 9 ngày sau VKSND mới phê chuẩn quyết định bắt người hay 2 công ty FPT và VDC bí mật theo dõi và lấy trộm dữ liệu thông qua đường truyền Internet của ông Vinh, bà Thuý một cách trái pháp luật; dữ liệu này sau đó được làm căn cứ để khởi tố vụ án...

Xe quân sự bị lật, 30 lính bộ binh gặp nạn

Chiếc xe quân sự bị lật ngửa. (Hình: Zing)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chiếc xe quân sự thuộc một sư đoàn của quân đội đã bất ngờ bị lật tại huyện Quốc Oai, khiến hàng chục lính bộ binh bị thương, phải đưa đi cấp cứu.
Theo báo Người Lao Động, vào khoảng 2 giờ chiều 5 Tháng Năm, 2019, chiếc xe quân dụng của Trung Đoàn 102 thuộc Sư Đoàn 308, Quân Đoàn 1 (hiện đang đóng tại huyện Quốc Oai, Hà Nội) chở 30 lính bộ binh chạy trên quốc lộ 21A, hướng đi Xuân Mai thì gặp nạn.
Khi đến địa phận thôn Long Phú (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai), do tránh một xe hơi phía trước, tài xế xe quân sự bẻ lái khiến xe bị lật.
Nói với báo Zing, ông Phùng Đức Thắng, chỉ huy trưởng quân sự huyện Quốc Oai, cho biết tai nạn khiến nhiều lính bộ binh bị thương. Chiếc xe quân sự lật giữa quốc lộ, hư hỏng khiến đoạn đường bị tắc nghẽn.
“Sau khi được sơ cứu, các nạn nhân đã được đưa về đơn vị, không ai bị thương nặng,” ông Thắng cho hay.
Trung Đoàn 102 đóng quận tại xã Phú Mãn, cùng huyện và cách hiện trường tai nạn khoảng 5 km. (Tr.N)

Bắc Kinh ‘mập mờ đánh lận con đen’ sẽ dẫn đến xung đột trên Biển Đông

Nhóm tàu đánh cá “dân quân biển” của Trung Quốc có tàu hải giám hộ tống biểu dương sức mạnh tập thể trên biển. (Hình: globaltimes.cn)
HỒNG KÔNG, Trung Quốc (NV) – “Trò mập mờ đánh lận con đen” của Trung Quốc khi dùng các tàu bán quân sự và tàu đánh cá trong tranh chấp chủ quyền sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột trên Biển Đông. Chính sách đó không phải là không ai nhìn thấy nên sẽ làm mất ổn định tại các vùng biển đang tranh chấp chủ quyền giữa các nước ở khu vực.”
Báo Soth China Morning Post (SCMP) hôm Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, 2019 dẫn lời báo động của một chuyên viên về an ninh khu vực cho hay như vậy.
Thời gian gần đây, Bắc Kinh đã đưa tới 275 chiếc tàu đánh cá có sự hộ tống của các tàu hải giám đến vây quanh một bãi cát gần đảo Thị Tứ hiện do Philippines trấn giữ trong quần đảo Trường Sa. Manila đã phản đối gay gắt với Bắc Kinh về nguy cơ trở thành điểm nóng, gây mất ổn định, an ninh khu vực.
“Đội tàu đông nghịt với khả năng chịu đựng dài ngày tại một chỗ không phải là chuyện nhỏ nhờ khoảng cách không xa lắm với các đảo nhân tạo gần đó của Trung Quốc, chẳng hạn như đảo Su Bi. Nơi đây có thể cung cấp trú ẩn cho những tàu đó nếu thời tiết bão tố.”
Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam School of International Studies thuộc đại học Nanyang Technological University ở Singapore nhận xét.
“Các tàu đó có thể dừng tại các cơ sở (trên đảo Su Bi), tiếp nhận nhiên liệu, thực phẩm rồi quay trở lại vây đảo Thị Tứ, chứ không cần phải trở về bến cảng tại lục địa,” ông Koh nói trên SCMP.
Những năm gần đây, đặc biệt từ lúc Bắc Kinh ồ ạt và gấp rút xây dựng 7 đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhiều nhà phân tích thời sự đã báo động về sự hiện diện quá đông đảo của lực lượng bán quân sự và đội tàu “dân quân biển” của Trung Quốc, xuất hiện ngày mỗi nhiều hơn trước.
Cuối Tháng Ba, 2019, Sở An Toàn Hàng Hải của tỉnh Quang Đông loan báo sẽ bắt đầu đóng chiếc tàu cho hải giám lên tới 10,200 tấn, dự trù hạ thủy trước Tháng Chín, 2021. Chiếc tài này tương đương với một chiếc khu trục hạm cỡ lớn, được coi như tàu lớn nhất trong lực lượng bán quân sự của Bắc Kinh.
Cuối năm ngoái, Bắc Kinh loan báo 3 trung tâm quan sát hải dương đã bắt đầu hoạt động tại các đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, Su Bi và Vành Khăn. Ba đảo nhân tạo này được coi là 3 đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa, trên đó, có các phi đạo dài 3,000 mét cùng các giàn hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn chống tàu biển, các đài radar, hàng trăm cơ sở quân sự.
Đến Tháng Giêng năm nay, Trung Quốc loan báo đã xây dựng trung tâm cứu hộ hàng hải trên đảo nhân tạo Đá Chữ Thập nhằm hậu thuẫn cho các vài trò “cứu mạng người.” Trong khi Bắc Kinh khoe các cơ sở vừa kể sẽ giúp bảo vệ an toàn hàng hải, các nước khác nhìn thấy trong đó có sự mập mờ giữa nhu cầu dân sự và quân sự của Trung Quốc. Giới chuyên gia gọi đó là “chiến thuật vùng xám” nhằm đánh lừa các nước khác.
Hồi tuần trước, Tư lệnh Lực lượng Mỹ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cảnh cáo Bắc Kinh là sẽ đối phó với các tàu hải giám, tàu “dân quân biển” như tàu quân sự của Trung Quốc. Đô Đốc John Richardson được báo Anh Quốc Financial Times (FT) thuật lời như trên qua một cuộc phỏng vấn phổ biến trên mạng hôm Chủ Nhật, 28 Tháng Tư, 2019.
Trong cuộc phỏng vấn của báo Financial Times, Đô Đốc Richardson nói rằng ông “xác định rõ rệt rằng Hải Quân Hoa Kỳ sẽ không (thể) bị hiếp đáp và vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động thường lệ và hợp pháp trên thế giới.”
Năm ngoái, người ta thấy nhiều máy bay quân sự Trung Quốc đã giáp xuống đảo Đá Chữ Thập dù Bắc Kinh từng tuyên truyền nhiều lần là các đảo nhân tạo họ bồi đắp chỉ cho các nhu cầu dân sự. Những gì người ta nhìn thấy từ xa qua hình ảnh vệ tinh đã chứng minh ngược lại.
“Các tòa nhà (cao tầng) trên các đảo nhân tạo thường được mô tả là nhà tạm trú cho ngư dân và các mục tiêu dân sự khác, nhưng cũng có thể được lính sử dụng,” ông Koh nhận định.
Theo ông Koh, việc Bắc Kinh mập mờ gia tăng sử dụng các lực lượng hải giám và dân quân biển sẽ càng làm cho các nước ASEAN thêm âu lo, cũng như thêm khó khăn cho việc đàm phán một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) giảm thiểu nguy cơ xung đột võ trang. (TN)

Cựu Phó Thủ Tướng CSVN Vũ Văn Ninh bị ‘sờ gáy’

Cựu Phó Thủ Tướng CSVN Vũ Văn Ninh. (Hình: BaoChinhphu.vn)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 5 Tháng Năm, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng CSVN phát đi thông cáo cho biết, Cựu Phó Thủ Tướng CSVN Vũ Văn Ninh (thời Nguyễn Tấn Dũng, nhiệm kỳ 2011-2016), bị đề nghị kỷ luật vì “có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao Thông-Vận Tải [CSVN].”
“Vi phạm của Ban Cán Sự Đảng Giao Thông-Vận Tải [CSVN] và các đồng chí nêu trên [ông Ninh và một số quan chức khác] đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành giao thông, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.”
Các báo nhà nước ở Việt Nam cùng ngày đăng lại nguyên văn thông cáo nêu trên mà không đưa bình luận hoặc có thêm chi tiết gì về “vi phạm” của ông Ninh.
Chuyện ông Ninh bị “sờ gáy” diễn ra trong bối cảnh người ta vẫn chưa rõ bệnh tình của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng thế nào sau ba tuần ông này vắng mặt liên tiếp tại các sự kiện quan trọng từ khi bị đột quỵ trong chuyến thăm tỉnh Kiên Giang.
Việc “cái lò” của ông Trọng “đốt” tới một cựu phó thủ tướng như ông Ninh cũng làm một số người hồ hởi, dấy lên suy đoán về khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng rồi đây cũng sẽ nằm trong danh sách cựu quan chức có sai phạm “gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.”
Trước khi ngồi vào ghế phó thủ tướng, ông Ninh từng làm thứ trưởng rồi sau đó là bộ trưởng Tài Chính [CSVN], chủ tịch Hội Đồng Quản Lý Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam; chủ tịch Hội Đồng Quản Trị (nay Là Hội Đồng Thành Viên) Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước, trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Giảm Nghèo Bền Vững, trưởng Ban Chỉ Đạo Đề Án Cơ Cấu Lại Các Tổ Chức Tín Dụng.
Ông Ninh được ghi nhận có bằng cao học Tài Chính Ngân Sách, Quản Trị Kinh Doanh và bằng Lý Luận Chính Trị Cao Cấp.
Một bài trên trang tin tài chính CafeF.vn hồi Tháng Mười Hai, 2015, dẫn lời ông Vũ Văn Ninh: “Bộ Giao Thông-Vận Tải [CSVN] đã rất tích cực trong việc cổ phần hóa, có vướng mắc là bàn bạc và tìm giải pháp để tháo gỡ ngay. Một vấn đề cần phải rút kinh nghiệm đó là cần phải xử lý kịp thời những vướng mắc. Từ thực tiễn cổ phần hóa, rút ra điều quan trọng, đó là quá trình cổ phần hóa của Bộ này đạt được kết quả này là quyết tâm chính trị của người đứng đầu, mà cụ thể là Bộ Trưởng Đinh La Thăng. Bộ trưởng đã tích cực họp với các đơn vị có liên quan để tìm phương án tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp cổ phần hóa.”
“Quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp thuộc Bộ Giao Thông-Vận Tải [CSVN] hiện đã hoàn thành cơ bản và có những chính sách, trong đó có những đề xuất, cơ chế của Bộ đã chuyển thành cơ chế chung, ví dụ như cơ chế bán vốn theo lô đã tháo gỡ kịp thời những vướng mắc của việc bán vốn nhà nước. Đối với những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ chi phối, bộ cũng đã cơ bản hoàn thành. Điều quan trọng là sau cổ phần hóa những doanh nghiệp này đã nâng cao năng lực hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt, đã thể hiện rõ qua các chỉ tiêu như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận đều tăng, trong khi nợ phải trả đã giảm mạnh,” ông Vũ Văn Ninh được trang tin dẫn lời thời điểm đó. (T.K.)

Công an xã ở Đồng Nai bị tố ép 2 cô gái quan hệ tình dục

Hai nữ nhân viên được giải cứu khỏi quán cà phê. (Hình: Báo Đồng Nai)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Một công an viên của xã Lộ 25, huyện Thống Nhất bị tố cáo nhiều lần dùng chức vụ để ép hai cô gái quan hệ tình dục với ông ta.
Ngày 4 Tháng Năm, 2019, báo Đồng Nai dẫn tin từ Công An huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), cho biết đã nhận được phúc trình của Công An xã Lộ 25 về trường hợp chị TTKH (21 tuổi, quê Đồng Tháp) tố ông V.Q.T, công an viên xã Lộ 25 ép quan hệ tình dục.
Hiện trưởng Công An xã này đã tạm đình chỉ công tác đối với ông T. đồng thời báo sự việc lên huyện để điều tra.
Theo trình bày của chị H., do cuộc sống khó khăn sau khi từ Đồng Tháp lên Sài Gòn làm việc, thông qua một công ty môi giới việc làm, chị H. được một ông chở đến xã Lộ 25 và bị đưa vào làm việc tại một quán cà phê ở xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất).
Chị T.T.K.H kể lại toàn bộ sự việc với báo chí. (Hình: Người Đưa Tin)
Chị H. cho biết, trong thời gian làm việc tại quán cà phê, hàng đêm chị bị chủ quán ép quan hệ tình dục với nhiều người. Do không được liên lạc ra bên ngoài nên chị H. không cầu cứu được và đã nhiều lần bị chủ quán đánh đập, bỏ đói và bắt nhốt.
Đặc biệt, trong số khách đến quán, có ông V.Q.T. đã nhiều lần bắt ép chị H. quan hệ tình dục và dọa nếu không làm theo ý ông ta thì sẽ “không cho tạm trú tại đây.”
Không thể chịu đựng được cuộc sống quá khắc nghiệt, chị H. đã tìm cách liên lạc với Câu Lạc Bộ Hiệp Sĩ Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và được các “hiệp sĩ” đến giải cứu. Khi vừa được giải cứu ra khỏi quán, trên người chị H. có nhiều vết thương nghi bị đánh.
Ngoài chị H., còn một nữ tiếp viên khác là chị T.T.Y.,(22 tuổi, quê Cà Mau) cũng được giải cứu khỏi quán và tố cáo ông T. đã nhiều lần ép quan hệ tình dục. (Tr.N)