Tuesday, October 20, 2015

Từ Nghĩa trang Quốc gia Arlington Hoa Kỳ nghĩ về chiến tranh VN

Hoà Ái, phóng viên RFA -2015-10-20  
Nghĩa trang Quốc gia Arlington Hoa Kỳ
Nghĩa trang Quốc gia Arlington Hoa Kỳ Nghĩa trang Quốc gia Arlington Hoa Kỳ  AFP
Nghĩa trang Quốc gia Arlington tại Washington DC hiện là nơi yên nghĩ của hơn 400 ngàn tử sĩ và người thân của họ. Những người lính này không chỉ ngã xuống vì lý tưởng tự do của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ mà còn đã hy sinh cho nền hòa bình, dân chủ của thế giới. Vào hôm 17/10/2015, một phái đoàn người Mỹ gốc Việt viếng thăm nghĩa trang này. Hòa Ái ghi nhận cảm xúc của những người có mặt trong lần “Tảo mộ Mùa thu” năm nay.
Hòa vào dòng người đông đúc đến thăm Nghĩa trang Quốc gia Arlington trong một ngày cuối tuần đầu mùa Thu năm 2015, nhiều gương mặt trong phái đoàn người Mỹ gốc Việt bùi ngùi xúc động. Họ chậm rãi từng bước chân xuyên qua các dãy mộ thẳng tắp với lòng tri ân sâu sắc những người lính đã bỏ mình nơi trận địa khắp thế giới vì cuộc sống thanh bình của nhiều người, trong đó có chính họ. Họ lặng lẽ viếng ngôi mộ tập thể có mộ bia với tên của các binh sĩ Hoa Kỳ và những người lính thuộc QLVNCH đã hy sinh trong một tai nạn trực thăng tại chiến trường miền Nam VN vừa tròn đúng 50 năm.
Hôm nay, các cộng đồng, các cô chú bác đến viếng thăm nghĩa trang này, tôi rất cảm ơn đã nhớ và đến thăm con tôi. Một chút nào hồi tưởng lại việc làm có ý nghĩa của một chiến sĩ VN mà chết đi để lại tiếng thơm cho cộng đồng mình. Và đối với những người lính thì đó là một danh dự, sự tự hào của người VN rất kiên cường, bất khuất
Thân mẫu của Hạ sĩ TQLC Bình Lê
Cựu Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Tuấn Nguyễn, đại diện Ban tổ chức cho Đài ACTD biết Hội Quân Nhân Mỹ gốc Việt và cộng đồng người Việt từ các tiểu bang duy trì viếng thăm “Tảo mộ Mùa thu” hằng năm ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington để tri ân và nhắc nhở những thế hệ người Mỹ gốc Việt tiếp nối về các anh hùng thuộc QLVNCH và Quân lực Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh VN cũng như những binh sĩ Mỹ gốc Việt đã ngã xuống ở chiến trường Afghanistan và Iraq.
Lần theo bước chân của phái đoàn người Mỹ gốc Việt, chúng tôi dừng lại ở phần mộ của các chiến sĩ gốc Việt đã tử nạn ở mặt trận các quốc gia Trung Đông. Thân mẫu của Hạ sĩ Thủy quân Lục chiến Bình Lê chia sẻ cảm xúc của bà trong lần viếng mộ đứa con trai duy nhất đã ra đi vĩnh viễn khi tuổi đời còn rất trẻ:
“Hôm nay, các cộng đồng, các cô chú bác đến viếng thăm nghĩa trang này, tôi rất cảm ơn đã nhớ và đến thăm con tôi. Một chút nào hồi tưởng lại việc làm có ý nghĩa của một chiến sĩ VN mà chết đi để lại tiếng thơm cho cộng đồng mình. Và đối với những người lính thì đó là một danh dự, sự tự hào của người VN rất kiên cường, bất khuất. Con tôi được chôn trong Nghĩa trang Quốc gia này, tôi cảm thấy nơi yên nghỉ của con mình rất bình yên và đẹp đẽ. Tôi cứ nghĩ con tôi ở trong 1 ngôi nhà mới. Thỉnh thoảng tôi đến thăm và hôn con tôi. Và thế là tôi sống”.
Trong lần viếng Nghĩa trang Quốc gia Arlington năm nay, một số người trong phái đoàn Người Mỹ gốc Việt còn dành thời gian đến viếng khu an nghĩ của các chiến sĩ Bắc-Nam Hoa Kỳ trong cuộc Chiến tranh giữa các Tiểu bang hay còn gọi là “Nội chiến Hoa Kỳ” từ năm 1861 đến năm 1865. Phía sau Nhà tưởng niệm Tướng Robert Lee chỉ huy Quân đội Phương Nam là ngôi mộ của các chiến sĩ vô danh, nơi chôn chung hài cốt của 2111 tử sĩ cả 2 miền Nam-Bắc. Tại lô 16 trong nghĩa trang này còn có gần 500 mộ phần của các tử sĩ miền Nam. Và tại đây, tượng đài Tưởng niệm những người lính miền Nam-Confederate Memorial được xây vào năm 1914. Trong ngày khánh thành có sự hiện của Đại tá Robert E. Lee, cháu nội của vị “bại Tướng” Lee, người đã thảo lá thư ngỏ ý kết thúc cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Các lá cờ của phe “thua trận” miền Nam vẫn tung bay tại nghĩa địa và các khu lưu niệm trong ngày Chiến sĩ Trận vong Hoa Kỳ hằng năm.
Cuộc nội chiến Hoa Kỳ nổi tiếng khắp thế giới là hậu quả của nó ít có nước nào theo được. Là vì sau cuộc nội chiến, người sống không bị trả thù và người chết cũng được đối xử bình đẳng. Tất cả các nghĩa trang của miền Nam được tu bổ, được kính trọng. Và đặc biệt tại Nghĩa trang quốc gia Arlington, những tử sĩ của miền Nam được chia sẻ phần đất với những tử sĩ của miền Bắc
Thiếu tá Đạt Nguyễn/QLVNCH
Có mặt trong Nghĩa trang Quốc gia Arlington, cựu Thiếu tá Đạt Nguyễn, thuộc QLVNCH bày tỏ cảm nhận của ông về sự xúc động khi nghĩ đến nơi an nghĩ vĩnh hằng của các tử sĩ Nam-Bắc trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ hồi giữa thế kỷ 19:
“Cuộc nội chiến Hoa Kỳ nổi tiếng khắp thế giới là hậu quả của nó ít có nước nào theo được. Là vì sau cuộc nội chiến, người sống không bị trả thù và người chết cũng được đối xử bình đẳng. Tất cả các nghĩa trang của miền Nam được tu bổ, được kính trọng. Và đặc biệt tại Nghĩa trang quốc gia Arlington, những tử sĩ của miền Nam được chia sẻ phần đất với những tử sĩ của miền Bắc. Đó là bước đầu và chính là chìa khóa của sự hòa hợp hòa giải dân tộc mà họ chỉ tốn một thời gian 18 năm để hàn gắn tất cả những đổ vỡ do cuộc nội chiến mang lại”.
Nghĩa trang Quốc gia Arlington mở cửa suốt 365 ngày trong năm để đón những dòng người đến viếng. Ngôi mộ các chiến sĩ vô danh cả 2 miền Nam-Bắc trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ có lẽ được viếng thăm nhiều nhất. Khách viếng nghĩa trang không tìm hiểu binh lính 2 miền Nam-Bắc đã thắng và thua như thế nào nhưng họ đề cao tinh thần nhân văn và tính nhân bản của người dân Mỹ luôn ghi ơn các tử sĩ đã đổ xương máu trong cuộc nội chiến vì 1 đất nước Hoa Kỳ hùng cường trên thế giới của ngày hôm nay.
Nhiều người Mỹ gốc Việt viếng thăm Nghĩa trang Quốc gia Arlington chạnh lòng nhớ về tượng “Thương Tiếc” dựng trước cổng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa bị kéo đổ sau ngày 30/4/1975. Nghĩa trang này là nơi yên nghĩ của hàng chục ngàn binh sĩ miền Nam. Và dù chiến tranh VN đã kết thúc 40 năm qua nhưng sự khác biệt giữa Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM với Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa còn quá xa. Họ ngậm ngùi tự hỏi phải chăng đến khi mộ phần của những người lính Nam-Bắc VN không còn sự khác biệt thì đó là thời điểm trang sử mới hòa hợp hòa giải dân tộc được mở ra cho những người còn sống?

Khi lá đơn không tiếng khóc

Cánh Cò, viết từ Việt Nam Theo RFA-2015-10-20
Ngôn ngữ Việt Nam có những cặp từ đi liền nhau bổ túc và tăng thêm ý nghĩa một cách lý thú. Theo các nhà nghiên cứu ngữ pháp thì có loại hai từ ghép với nhau nhằm đưa ra một ý nghĩa được gọi là “từ ghép đẳng lập hợp nghĩa” và một cách khái quát thì từ đứng phía sau thường bổ sung, nhấn mạnh và nhiều lúc thiếu nó thì từ đứng trước trở nên vô hồn, không còn sinh động và ngăn trở sự phát triển của ngôn ngữ.
Những chữ như sung túc, mạnh khỏe, ốm đau, hay oan ức, đau khổ, giận dữ chúng ta nghe hằng ngày và tưởng chúng không có gì đặc biệt. Thật ra chúng tập hợp ý thức của người xưa về nguyên nhân và hậu quả của các cặp từ này. Cơ thể có mạnh thì mới khỏe, ngược lại khi đau thì hẳn nhiên là khổ, giận làm con người ta dữ dằn cũng như oan ức diễn tả tình trạng tâm lý của con người không gì thật và ấn tượng hơn thế.
Oan sai là tiền đề của ức hiếp. Án oan là sự ức hiếp của một thứ pháp luật được kiểm soát bởi quyền lực chứ không phải căn cứ trên hiến định. Oan biểu hiện cho sự bất lực của nạn nhân dưới sức mạnh hay quyền lực của một hay nhiều con người hay cả hệ thống. Oan tạo ra ức và từ đó các hậu quả của ức luôn phản ứng và chống lại bằng nhiều hình thức từ tiêu cực đến tích cực.
Cộng đồng mạng trong hai tuần vừa qua đã tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để nêu lên sự oan ức của một vụ giết người nhằm dấy lên làn sóng chống lại thói quen gần như không thể sửa của hệ thống an ninh, nhà giam và tòa án. Đối với hệ thống này, một vài thây ma không làm cho guồng máy sợ hãi, có chăng một ít cử chỉ làm quà nhằm giảm bớt sức ép từ quần chúng chứ không hề tìm ra và chữa trị thói giết người của kẻ nắm giữ quyền lực thực thi luật pháp.
Bắt đầu tứ cái chết của em Đỗ Đăng Dư trong trại giam vì bị tra tấn, dùng nhục hình đến chết. Vụ án của em ngày một căng thẳng hơn khi công an cố tình che giấu nguyên nhân dẫn đến cái chết oan khuất của em, ngay cả biên bản pháp y cũng bị công an che đậy và đánh tráo.
Em Đỗ Đăng Dư bị bắt vì ăn cắp hai triệu. Em bị giam giữ hơn hai tháng mà không xét xử và bị cấm không được gặp mặt thân nhân khi còn sống. Sau khi em chết và công an bị người dân lên án, nguyền rủa thì tên của kẻ sát nhân, người được biết cũng là tù hình sự, được tiết lộ và đem ra làm vật tế thần. Người dân đặt câu hỏi: điều gì làm cho tên tội phạm này được che chở kỹ lưỡng đến thế, nếu không phải là hắn do công an chỉ định hay khuyến khích để ra tay hạ sát em Đỗ Đăng Dư?
Nỗi oan đè lên thân thể của em Đỗ Đăng Dư, một can phạm nhưng vẫn là một con người, một công dân dưới cái bóng ma mang tên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa đó dù có căm thù tội phạm đến đâu cũng không thể cho phép sai nha dưới trướng quyền tra tấn hay giao phó sự tra tấn cho đầu gấu trại giam nhằm triệt hạ những gì mà bọn quản lý trại giam không thích.
Tiếng kêu oan lần này có khác. Gia đình nạn nhân xem như hệ thống tòa án tại Việt Nam không hiện hữu vì vậy thay vì làm đơn gửi cho tòa đòi công lý, họ đã gửi đơn cho Liên hiệp quốc trình bày sự oan khuất của gia đình. Bà Đỗ Thị Mai mẹ của Dư đã viết đơn gửi Cao ủy Liên Hợp Quốc tố cáo sự việc con bà bị giết và đề nghị Cao Ủy vào cuộc đưa vụ án này ra trước quốc tế.
Đơn của gia đình nạn nhân được những người chung quanh cùng hội ý và giúp đỡ soạn thảo và người ta có thể thấy rằng tờ đơn khác thường này sẽ không theo đúng tiêu chuẩn của một loại giấy tờ có quy tắc, trình tự mà các thể chế quốc tế đưa ra. Tuy nhiên lá đơn chắc chắn sẽ được nhận và chú ý vì nó được viết bởi máu của một con người, thứ mà Liên hiệp quốc hết lòng bảo vệ và xiển dương.
Người ta không lạ lùng gì khi thấy công an đích thân tới gia đình nạn nhân để yêu cầu rút lại lá đơn và hứa sẽ bồi thường cho cái chết của em Dư. Người ta cũng không lạ gì nếu nghe theo lời công an thì chẳng những tiền bồi thường không có mà chính gia đình nạn nhân sẽ bị sách nhiễu và có thể tù tội không chừng. Công an từ lúc nào không ai rõ, được người dân đánh đồng với xã hội đen vì những “nghiệp vụ” mà họ xử dụng luôn mang hình ảnh của “con ruồi” Tân Hiệp Phát phía sau, tức là nếu nhẹ dạ tin vào lời hứa của họ thì khoảng cách từ nhà tới cánh cửa trại giam không xa cho lắm.
Vụ hai công an xã Vạn Thọ đánh chết em Tu Ngọc Thạch, một học sinh lớp 9 ngụ tại xã Vạn Thọ, Vạn Ninh năm ngoái và sau đó VKSND huyện Vạn Ninh đã khởi tố 2 người bà con của em này về tội quấy rối nơi công cộng là tấm gương cho mọi nạn nhân nếu còn tin tưởng vào miệng lưỡi của cán bộ tòa án.
Biện pháp gửi đơn cho Liên hiệp quốc tố cáo hành vi sai trái của chính quyền được xem như gậy ông đập lưng ông vì chính quyền không thể buộc nguyên đơn vào tội quấy rối nơi công cộng, và chừng nào Việt Nam chưa rút tên ra khỏi Liên hiệp quốc thì công dân Việt Nam vẫn còn có cái quyền tối thiểu là đương nhiên được tổ chức này bảo vệ theo đúng hiến chương mà nó ghi ra và Việt Nam ký tên.
Hành động này rõ ràng phù hợp với tình trạng hiện nay bởi lẽ, thứ nhất Việt Nam vừa ký công ước chống tra tấn, lá đơn tố cáo như một biên bản vi phạm được gắn lên khuôn mặt của hành pháp Việt Nam cho thế giới nhìn rõ hơn phía sau chiếc màn tòa án thì nền tư pháp bị khống chế bởi quyền lực độc tài toàn trị như thế nào.
Hai nữa, lá đơn bất thường chắc chắn không được mang ra như một yếu tố ban đầu dẫn tới khởi tố nhà nước Việt Nam vì Liên hiệp quốc không được giao cho thứ quyền lực này, nhưng thông qua nó, mỗi lần Liên hiệp quốc mở hồ sơ vi phạm tra tấn hay nhân quyền của các nước thì Việt Nam hân hạnh đi đầu vì hành vi giết người có bảo kê trong các nhà giam của mình hiện nay.
Lá đơn còn cho thấy nét hài hước của tòa án Việt Nam bởi người dân không còn xem sự hiện diện của chúng là cần thiết nữa. Hơn lúc nào hết, khi người dân công khai xem thường sức mạnh của cán cân công lý thì cũng là lúc chính quyền nên chuẩn bị dùng tòa án như một nhóm tượng để triển lãm hơn là thực thi pháp luật. Tòa án Việt Nam không hề thua sút các nước trong khu vực về độ hoành tráng, nghiêm trang lẫn cực kỳ khắc nghiệt với quần chúng, chúng chỉ thiếu sự trong sạch của quan tòa và lòng tự trọng lẫn can đảm của hội đồng xét xử.
Lá đơn tuy nhỏ bé nhưng sức mạnh của nó không hề nhỏ. Nó cho thấy sự chịu đựng của dân chúng đã cán mức giới hạn và lá đơn là phát súng bắn vào tường lũy tuyên truyền của chế độ. Lá đơn phá tan cái được gọi là đạo đức Hồ Chí Minh cho những ai còn vương vấn và lấn cấn với sự bịp bợm này. Lá đơn minh họa sống động di căn giết người vô tội của hệ thống hành pháp được tòa án che chở và hết lòng bào chữa cho những kẻ sát nhân mang thẻ đảng.
Lá đơn là tiếng nấc của oan ức nhưng không phải tiếng nấc nào cũng rơi vào quên lãng. Bắt đầu từ bây giờ khi người dân ý thức rằng Liên hiệp quốc là một định chế tuy không có quyền lực để chế tài đối với một đất nước nhưng tiếng nói của nó không hề bị xem nhẹ đối với hàng trăm quốc gia thành viên đã làm nên Liên hiệp quốc. Một lá đơn mang tên Đỗ Đăng Dư có thể chưa được chú ý nhưng nếu tiếp tục có hằng trăm lá đơn khác tố cáo hành vi đàn áp của chính quyền Việt Nam thì không chóng thì chầy đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tỉnh ngộ trong cái hào quang đầy máu của mình.
Cánh Cò, Việt Nam 19/10/2015
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

VN không thể kiềm hãm sự phát triển của truyền thông xã hội và xã hội dân sự

Việt Hà, phóng viên RFA-2015-10-19  
Các nhóm Xã hội dân sự Việt Nam gặp gỡ nghị sĩ Đức và Thụy Điển ngày 30/3/2015, ở Tòa đại sứ Đức tại Hà Nội
Các nhóm Xã hội dân sự Việt Nam gặp gỡ nghị sĩ Đức và Thụy Điển ngày 30/3/2015, ở Tòa đại sứ Đức tại Hà Nội  File photo
Trong một báo cáo gần đây về tình trạng kiểm soát truyền thông xã hội và xã hội dân sự tại Việt Nam do Quỹ Quốc gia Hỗ trợ dân chủ có trụ sở tại Hoa Kỳ xuất bản, giáo sư Zachary Abuza của trường đại học về chiến tranh của Hoa Kỳ, chuyên gia về  Việt nam, nhận định chính phủ Việt Nam đã thất bại trong nỗ lực kiềm chế sự phát triển của xã hội dân sự và truyền thông xã hội. Giáo sư Abuza cũng đề cập đến những xu hướng phát triển sắp tới của chính trị xã hộ tại Việt Nam với sự tham gia của truyền thông xã hội và xã hội dân sự. Việt Hà phỏng vấn giáo sư Zachary Abuza về vấn đề này. Trước hết, giáo sư Abuza nhận định về thực trạng của truyền thông xã hội và xã hội dân sự ở Việt nam như sau:
Gs. Zachary Abuza: Việt nam rất lo lắng về tự do truyền thông mạng và tự do của xã hội dân sự và họ làm tất cả những gì có thể để hạn chế sự phát triển. Với các tổ chức xã hội dân sự, nhà nước cũng duy trì sự kiểm soát thông qua Mặt trận tổ quốc. Cho nên tình hình chung là bị kiềm chế. PHần lớn các tổ chức theo dõi tự do báo chí, tự do internet hay tổ chức xã hội dân sự đều xếp Việt Nam ở mức rất thấp trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng theo tôi điều quan trọng là mọi thứ đang thay đổi ở Việt Nam.  Sự thay đổi này diễn ra bởi nhiều lý do…. Nhưng điều quan trọng nhất là công nghệ, bất chấp những nỗ lực nhằm quyền soát truyền thông mạng, chính phủ Việt Nam đã không thể làm được điều mình muốn. Sự thâm nhập internet ở Việt Nam cao thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Nó còn cao hơn cả những nước có sự dân chủ hơn trong xã hội dân sự, sự thâm nhập internet ở thành thị còn cao hơn ở nông thôn, và điều này sẽ không thay đổi. Việt Nam có sự tăng trưởng cao trong điện thoại di động thông minh và các ứng dụng. Chính phủ Việt Nam cố gắng kiểm duyệt mà không được. Có quá nhiều trang mạng, nhiều trang mạng là trang ảo ở các trang khác tại nước ngoài mà chính phủ không thể kiểm soát được.
Việt Hà: liên quan đến sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam, có những ý kiến cho rằng các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam phát triển chưa đủ mạnh và còn cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các tổ chức này với nhau. Ông có nhận định gì về điều này?
Việt nam rất lo lắng về tự do truyền thông mạng và tự do của xã hội dân sự và họ làm tất cả những gì có thể để hạn chế sự phát triển. Với các tổ chức xã hội dân sự, nhà nước cũng duy trì sự kiểm soát thông qua Mặt trận tổ quốc. Cho nên tình hình chung là bị kiềm chế
Gs. Zachary Abuza
Gs. Zachary Abuza: thực trạng cho thấy là chính phủ đã làm rất nhiều để hạn chế sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Kinh tế Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong suốt 15 thậm chí 10, hay 5 năm qua là điều đáng chú ý và chính phủ đã cố gắng để kiểm soát sự phát triển của xã hội dân sự không song song với sự phát triển của kinh tế. Tuy nhiên xã hội dân sự vẫn phát triển … chúng ta thấy những tổ chức xã hội dân sự độc lập như nhóm về môi trường trong một chiến dịch trên mạng gần đây mà mọi người thấy ở Hà Nội. Nhóm này phản đối việc chặt 6,700 cây xanh ở Hà Nội. Điều này là chưa từng thấy. Theo tôi một trong những lý do mà chính phủ cố gắng hết sức trong tháng 3 và 4 năm nay nhằm giảm nhiệt những phản đối của công nhân chưa từng có trước đó ở miền Nam là vì họ sợ rằng nếu họ không làm thì công nhân sẽ tự thành lập công đoàn độc lập. Cuối cùng vào tháng 5, một điều làm tôi rất chú ý là có một nhóm các tác giả nổi tiếng đã bỏ hội nhà văn và thành lập tổ chức riêng của họ, và họ phải chịu rất nhiều sức ép từ chính phủ, một số bị sách nhiễu nếu như không muốn nói là bị cầm giữ khi họ cố gắng lập hội riêng của mình. Vào lúc này chúng ta thấy là đang có một sức ép từ công chúng đòi hỏi phải có các tổ chức xã hội dân sự độc lập.
Việt Hà: với việc Việt Nam gia nhập TPP và hội nhập quốc tế, có ý kiến cho rằng sức ép quốc tế sẽ khiến Việt Nam phải cho phép thành lập các tổ chức xã hội dân sự độc lập như là công đoàn của công nhân, và cho phép tự do hơn với truyền thông xã hội. Ông nhìn nhận thế nào về tương lai này ở Việt Nam?
Giáo sư Zachary Abuza của trường đại học về chiến tranh của Hoa Kỳ
Giáo sư Zachary Abuza của trường đại học về chiến tranh của Hoa Kỳ
Gs. Zachary Abuza: tôi có một cảm giác lẫn lộn về TPP nhưng tôi phải nói là đối với Việt Nam và người  Việt Nam thì đó sẽ là một điều tốt. Quá trình mà chính phủ phải tìm cách nói chuyện với các lĩnh vưc khác nhau của xã hội, bao gồm cả công đoàn ở các tỉnh khác nhau để gây dựng sự ủng hộ là điều quan trọng. Đó là một trong những quá trình toàn bộ nhất mà tôi từng thấy ở Việt Nam trong một giai đoạn dài. Cho nên đó là điều tốt. Thực tế là nếu bạn đọc các tài liệu từ hội nghị trung ương 12 trước đại hội đảng vào năm tới, thì chính phủ đã cam kết sẽ thực hiện cải cách kinh tế hơn nữa và hội nhập với phương tây. Về thương mại với Trung Quốc, Trung Quốc không đại diện cho kinh tế Việt Nam trong tương lai. Thương mại với Trung Quốc rất mất cân bằng, nó dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô, nhập khẩu các sản phẩm chế tạo mà thường là được đem đổ sang Việt  Nam. Việt Nam có sự thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Tuy nhiên thương mại với phương Tây lại hướng tới tăng thêm giá trị, hiện đại hóa kinh tế và theo tôi, các nhà lãnh đạo hiểu được điều này và họ phải tiếp tục con đường đổi mới kinh tế và hòa nhập với phương tây. Điều này sẽ dần mang thay đổi đến Việt Nam.
Việt Hà: Trong báo cáo của mình ông cũng đề cập đến việc báo chí nhà nước gần đây dường như có được tự do hơn trong việc đưa một số tin có thể là cấm kỵ trước kia như tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông hay một số vụ tham nhũng nhất định. Ông cũng nói đến khả năng có báo chí độc lập ở Việt Nam. Ông nhận định thế nào về xu hướng sắp tới của truyền thông nhà nước?
Gs. Zachary Abuza: rõ ràng là sẽ có những gia tăng đàn áp trước đại hội đảng sắp tới. Đó là điều mà chúng ta thấy trước bất cứ đại hội đảng nào. Đó là điều mà chúng ta trông đợi. Nhưng tôi có thấy những thay đổi trong tình hình báo chí. Một mặt vào lúc này quốc hội đang thảo luận dự thảo luật báo chí và họ rất lo ngại về sự phát triển mạnh của báo chí với hơn 1000 tổ chức báo chí, trong khi chính phủ không thể kiểm soát hết được từng tổ chức, và họ lo là họ sẽ mất kiểm soát. Vì thế bản thảo đề cập đến việc giảm số lượng báo chí, giảm số lượng phóng viên, nhập các tổ chức lại với nhau, đảm bảo chỉ một số cơ quan thuộc đảng và nhà nước được quyền xuất bản. Mặt khác, chúng ta thấy sự bùng nổ của truyền thông, nghĩa là người dân đói thông tin truyền thông. Chúng ta cũng thấy sự biến chuyển trên mạng từ các blog sang các diễn đàn, trang mạng với nhiều người viết, được biên tập một cách chuyên nghiệp. Điều này rất quan trọng vì nhiều người Việt Nam bây giờ nhận được các thông tin trên mạng qua truyền thông xã hội. Công nghệ đóng vai trò quan trọng ở đây. Các bạn đã đưa tin về một đài truyền hình ở Hà Nội bị chính quyền sách nhiễu, 7 người bị bắt. Điều quan trọng là chỉ cần rất ít đầu tư để có được một đài truyền hình nhanh chóng. Họ có thể phát trên mạng, trên youtube, những điều này đang thay đổi mặt bằng của truyền thông. Tôi cũng thấy là ông cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, một tờ báo khá cấp tiến, đã lập một tờ báo riêng của mình. Tôi hiểu là chính phủ đã cố gắng kiểm soát nó nhưng theo tôi chính phủ đang tham gia một cuộc chiến mà họ khó thắng.
Việt Nam có sự thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Tuy nhiên thương mại với phương Tây lại hướng tới tăng thêm giá trị, hiện đại hóa kinh tế và theo tôi, các nhà lãnh đạo hiểu được điều này và họ phải tiếp tục con đường đổi mới kinh tế và hòa nhập với phương tây. Điều này sẽ dần mang thay đổi đến VN
Gs. Zachary Abuza
Việt Hà: ông đánh giá thế nào về sức ép của sự phát triển xã hội dân sự và truyền thông xã hội lên những cải cách về chính trị tại Việt Nam?
Gs. Zachary Abuza: theo tôi những cải cách đang diễn ra nhưng rất từ từ và điều này hoàn toàn không có gì sai cả. Tôi không phải là người ủng hộ hoàn toàn thay đổi mang tính cách mạng. Nhưng theo tôi điều quan trọng là chính phủ Việt Nam đã xác định thiết lập xã hội theo luật, họ đang cố gắng cải thiện khả năng xây dựng luật pháp của mình. Mỗi năm quốc hội trở nên chuyên nghiệp hơn, các buổi họp quốc hội cũng đã gây sức ép lên chính phủ về những cải cách trong một số lĩnh vực quan trọng. Chúng ta cũng thấy những lãnh đạo cao cấp kêu gọi cải cách ở một số lĩnh vực và điều này có ảnh hưởng nhất định. Ví dụ một năm trước, Chủ tịch Trương Tấn Sang kêu gọi chấm dứt việc ép cung và tra tấn của công an, từ đó đến nay đã có những người tình nghi được thả vì lời khai của họ có được do ép cung, công an, chánh án cũng phải chịu án tù. Việt Nam còn một quãng đường dài để đi phía trước nhưng đó là bước mở đầu quan trọng. Tháng trước Chủ tịch Quốc hội nói về việc xóa bỏ những điều luật về an ninh mù mờ như điều 88 luật hình sự và rằng chúng ta cần luật rõ ràng. Theo tôi đây là điều rất đáng ngạc nhiên. Tôi không cho là thay đổi sẽ diễn ra một sớm một chiều nhưng đang có thay đổi. Cũng có thay đổi trong lãnh đạo. Việt Nam chọn lãnh đạo như thế nào là điều sau cánh cửa của ban chấp hành trung ương, chúng ta không biết được. Nhưng bạn có thể thấy sự thay đổi trong cách thức của các nhà lãnh đạo. Họ hiểu truyền thông xã hội hơn, họ dễ tiếp cận hơn trước. Họ hiểu về sự minh bạch trước công chúng hơn trước. Tôi không nói là đảng cộng sản Việt Nam sẽ thay đổi ngay nhưng đang có thay đổi và điều này có ý nghĩa.

Việt Nam có thực tâm ‘cải cách thể chế’?

TS. Phạm Chí Dũng Gửi cho BBC từ Sài Gòn- 8 giờ trước 
Image copyrightGetty
Image captionNăm ngoái, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng sử dụng cụm từ 'nắm chắc ngọn cờ dân chủ' trong một thông điệp đầu năm.
Sau thông điệp ‘nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ đầu 2014 vẫn chưa đi đến đâu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lần thứ hai đã xuất hiện khẩu hiệu ‘cải cách’ trên cửa miệng giới quan chức chóp bu Việt Nam, mà có thể coi là một thông điệp lần hai.
Ngay sau khi Hiệp định TPP kết thúc đàm phán vào ngày 5/10/2015, một số trong giới chuyên gia ‘phản biện trung thành’ ở Việt Nam một lần nữa nhắc lại cụm từ ‘cải cách thể chế’.
Bà Phạm Chi Lan - một trong những thành viên thân cận trong ban nghiên cứu chính phủ, phát biểu ‘cải cách thể chế là ưu tiên số một’. Tuy nhiên cũng như tất cả những lần trước khi đề cập về khái niệm này, bà Lan không giải thích ‘cải cách thể chế’ là gì.
Nhiều năm trước, ‘thể chế’ là từ bị xem lại nhạy cảm chính trị trong xã hội Việt Nam. Với nguồn gốc từ triết luận phương Tây, từ ngữ này không được đồng nhất với từ ‘chế độ’, và càng chẳng có gì tương xứng với ‘chế độ xã hội chủ nghĩa’ mà giới cầm quyền Việt Nam nhất tuân quan niệm.
Tuy nhiên xu hướng hội nhập ‘Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước’, sự tung hoành gần hai chục năm của Internet ở quốc gia này và gần nhất là nghị trình TPP đã khiến những tư tưởng bảo thủ bản ngã trở nên dễ bảo hơn.
Không chỉ các chuyên gia được cho là gần gũi với chính phủ như bà Phạm Chi Lan, ông Lê Đăng Doanh, ông Trần Du Lịch…, mà cả những quan chức có phẩm trật khá cao như Trương Đình Tuyển - nguyên bộ trưởng thương mại, Bùi Quang Vinh - đương kim Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư, Trần Đình Thiên - Viện trưởng viện kinh tế…, cũng lấp ló từ ‘thể chế’’ trong một năm qua.
‘Cải cách thể chế’ lại là một yêu cầu bắt buộc của TPP. Không ai có thể bước chân qua ngưỡng cửa hiệp định này mà không phải tự thay đổi mình.
Sự thật quá đỗi hiển nhiên là nếu không có quá trình đàm phán TPP và nhu cầu bức thiết của nhà nước Việt Nam tham gia vào hiệp định này, có lẽ còn rất lâu nữa vấn đề cải cách thể chế mới được nêu ra.
Image copyrightGetty
Image captionNgười nông dân Việt Nam vẫn không có quyền sở hữu ruộng đất
Nhưng rốt cuộc ‘cải cách thể chế’ là cải cách kinh tế hay chính trị, hay cả hai? Và quan trọng nhất là chính thể có muốn cải cách hay không?

Mù mờ ý thức hệ?

Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một giải thích nào từ các cấp có trách nhiệm. Tính mù mờ về ý thức hệ lại dẫn đến mơ hồ về quan niệm và khái niệm.
Tại Hội nghị trung ương 12 của đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu tháng 10/2015, một khái niệm mới được trưng ra: ‘Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’.
Điều đáng nói là trong khi cuộc tranh cãi trong đảng về việc như thế nào là ‘nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’ vẫn chưa có đáp số, thì nay lại sinh ra một ẩn số hoàn toàn mới.
Khái niệm hoàn toàn mới, nhưng ‘tư duy’ không hề và chưa hề có ý định rời bỏ cái cũ. Một phần lớn trong số 108 tập đoàn, tổng công ty kinh tế quốc doanh làm ăn kém hiệu quả cùng nợ đầm đìa vẫn được giữ nguyên thế ‘chủ đạo’, trong khi giới doanh nghiệp tư nhân tạo ra chất bổ dưỡng gấp rưỡi doanh nghiệp nhà nước thì vẫn bị coi là ‘khúc ruột thừa’ và vẫn phải nai lưng đóng thuế.
Trong khi đó với TPP, cải cách thể chế không chỉ là những vấn đề cải cách cơ chế sở hữu trí tuệ, nhãn mác, nguồn nguyên liệu nhập khẩu…, mà bao gồm cả khung luật pháp liên quan đến quyền con người như tự do lập hội, Công đoàn độc lập, tự do Internet, tự do báo chí, tự do tôn giáo…
Thế nhưng sự dịch chuyển não trạng và hành động của giới lãnh đạo Việt Nam trước những yêu cầu của TPP là vô cùng chậm. Nếu thông điệp năm 2014 của Thủ tướng Dũng đề cập đến mục tiêu xóa độc quyền, thì cho đến nay những tập đoàn siêu độc quyền của nhà nước như Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam… vẫn ung dung thống trị bằng các thủ đoạn tăng giá đè đầu đè cổ người dân.
Vào cuối năm 2014, trước sức ép của TPP được truyền đạt bởi đoàn đàm phán Việt Nam, Quốc hội nước này mới chịu chuyển động đôi chút bằng hứa hẹn ‘sẽ ban hành Luật về hội và Luật biểu tình’.
Song sang năm 2016, chỉ có mỗi Luật trưng cầu dân ý là được bàn thảo rôm rả hơn cả, tuy có vẻ còn lâu mới đi đến thống nhất giữa các nhóm quyền lực bên đảng và chính phủ.
Image copyrightReuters
Image captionViệt Nam đã đàm phán xong về TPP, nhưng liệu công đoàn độc lập có được công nhận hay không vẫn là dấu hỏi, theo tác giả.
Còn hai bộ luật về hội và tín ngưỡng tôn giáo đều chỉ được làm cho có, với vô số rào cản ‘xin - cho’ mà ngay lập tức có thể khiến người dân liên tưởng về thời kinh tế chỉ huy cách đây chẵn bốn chục năm.

Rào cản ghê gớm nhất

Thế nhưng rào cản ghê gớm nhất lại thuộc về quan niệm độc tài chính trị và nỗi lo sợ bị lật đổ.
Mặc dù đã phải chấp nhận định chế Công đoàn độc lập để đổi lấy một suất trong TPP, nhưng quá nhiều ám ảnh được nhắc đi nhắc lại về Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước luôn khiến chính quyền Việt Nam còn lâu mới thành tâm để cho phép công nhân được tự đứng ra lập công đoàn cơ sở bảo vệ quyền lợi cho mình.
‘Luật về hội’ - theo cách đặt tên của Quốc hội Việt Nam - cũng bởi thế đã chẳng được gọi là ‘Luật lập hội’ theo đúng tinh thần hiến định của nó từ một phần tư thế kỷ qua, và có thể bị trì hoãn càng lâu càng tốt cùng với những sửa đổi lẽ ra phải được làm ngay đối với Luật công đoàn.
Thân phận công nhân đã vậy, còn số phận hàng chục triệu nông dân ở Việt Nam cũng chẳng thể khá hơn.
Không có quyền tự định đoạt ngay cả mảnh đất đang sống, người nông dân đành phải cắn răng chấp nhận bản hiến pháp năm 2013 vẫn giữ nguyên quyền sở hữu đất đai thuộc về nhà nước.
Chính nội dung phản ngược trào lưu lịch sử này đã trở thành tác nhân lớn nhất, cùng với nạn tham nhũng và cường hào ác bá, gây ra vô số công cuộc quan chức và giới đại gia cướp đất hoặc gần như thế đối với tầng lớp dân đen sa chân vào cảnh khốn cùng.
Trong lúc giới quan chức và chuyên gia ‘phản biện trung thành’ hầu như nín lặng trước thực tiễn sống sượng ấy, những tiếng nói bạo phổi hơn nhiều đã vang lên từ giới đấu tranh dân chủ và những nhà hoạt động xã hội dân sự:
Không thể có cải cách kinh tế nếu không cải cách chính trị; không thể có dân chủ nếu cứ khư khư ôm chặt thế độc trị của đảng.

Bắt đầu nhúc nhích

Image copyrightGetty
Image captionQuốc hội Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức về việc điều chỉnh, bổ sung pháp luật khi Việt Nam gia nhập TPP.
Nói mãi rồi cũng phải chuyển. Nhưng chỉ mới chuyển đôi chút.
Vài hứa hẹn lại được khêu gợi từ phía Quốc hội.
Chính phủ chưa nhúc nhích gì nhưng lại thông qua vài chuyên gia để bắn tín hiệu tới thiên hạ là sẽ ‘cải cách’.
Gần đây, vài diễn đàn và hội thảo của giới doanh nghiệp (chưa phải giới trí thức) đã bắt đầu đề cập đến ‘cải cách thể chế’.
Tuy nhiên tương tự nỗi sợ hằn sâu quá nhiều năm trong chế độ, không phải ai cũng dám đào sâu đến gốc rằng muốn cải cách thể chế kinh tế thì cần phải bắt đầu bằng cải cách thể chế chính trị.
Thế nhưng bên ngoài hành lang cuộc họp, đã có quan chức còn dám thổ lộ rằng nếu không sớm cải cách thể chế chính trị, cơ hội để nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ TPP sẽ hầu như không đáng kể.
Và rồi tương lai nào sẽ bảo đảm an toàn cho số phận tài sản và cả sinh mạng của những quan chức hoặc đã chán ngấy chế độ chính trị này, hoặc đang phát sốt lên vì cái áo độc tài quá chật, nếu đảng không tự đổi khác?
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo độc lập và nhà vận động cho xã hội dân sự đang sinh sống ở Sài Gòn.

'Công bố phone, email, tiếp theo là gì?'

Theo BBC-3 giờ trước 

Ông Nguyễn Xuân AnhImage copyrightBao Da Nang
Image captionTân Bí thư Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh nhận được nghìn tin nhắn và hàng trăm cú điện thoại sau khi công bố điện thoại, email cá nhân.
Cố Bí thư thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh cũng từng công bố số điện thoại và địa chỉ thư điện tử, theo bình luận của một nhà báo độc lập, blogger từ thành phố này khi có tin tân Bí thư Đà Nẵng 39 tuổi đã nhận được nhiều tin nhắn, điện thoại từ người dân sau khi công khai các liên lạc cá nhân.
Đây là một việc làm thể hiện sự 'tích cực', tuy nhiên người dân chờ đợi vị tân lãnh đạo nên có những động thái 'chiến lược' hơn, vẫn theo quan sát, bình luận này.
Hôm 20/10/2015, nhiều báo Việt Nam đưa tin ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư trẻ nhất của Đà Nẵng đã nhận được nghìn tin nhắn và hàng trăm cú điện thoại của người dân thành phố 'phản ánh, kiến nghị và chia sẻ' với ông về nhiều vấn đề mà họ quan tâm và đề nghị lãnh đạo thành phố cảng biển giải quyết.
"Chưa đến một ngày công khai số điện thoại và email cá nhân, ông Nguyễn Xuân Anh đã nhận gần 300 phản ánh của người dân và du khách", báo điện tử Vietnamnet cho hay.
"Sáng nay, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết, sau gần một ngày công khai số điện thoại và email, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy đã nhận được khoảng 150 cuộc điện thoại, gần 1.000 tin nhắn SMS và hơn 100 email.
"Nội dung của những tin nhắn và cuộc gọi chủ yếu đóng góp ý kiến về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, trật tự đô thị, môi trường, giao thông của thành phố.
"Bên cạnh đó, người dân cũng phản ánh những vấn đề còn tồn tại liên quan đến an ninh, trật tự trên địa bàn," Vietnamnet cho biết.
Còn trang tin điện tử của kênh truyền hình VTC News cho biết thêm về việc xử lý thông tin của vị tân lãnh đạo Đà Nẵng.
"Sáng 20/10, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết, sau gần một ngày công khai số điện thoại và email, ông Nguyễn Xuân Anh, Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã nhận được khoảng 150 cuộc điện thoại, gần 1.000 tin nhắn SMS và hơn 100 email gửi đến số điện thoại cá nhân 090.367.5512 và hộp thư anhnx@danang.gov.vn.
"Trong tổng số những cuộc điện thoại, tin nhắn và email này có khoảng gần 300 phản ánh của người dân và du khách về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn, quản lý đô thị, môi trường, giao thông của thành phố trong thời gian qua.
"Trước số lượng và nội dung phản ánh trên, các chuyên viên của Văn phòng Thành ủy đang tiến hành phân loại và chuyển cho ông Nguyễn Xuân Anh để xem xét giải quyết.
"Những vấn đề quan trọng, có thể giải quyết ngay sẽ được xử lý, những vấn đề chưa thể xử lý được, sẽ chuyển đến lãnh đạo các sở, ban ngành giải quyết theo thẩm quyền.
"Riêng những cá nhân cố tình lợi dụng việc công khai số điện thoại và email cá nhân để quấy rầy hoặc tố cáo không đúng sự thật sẽ bị cơ quan công an xử lý theo luật định," trang VTC.vn cho biết chi tiết.

Dám công khai tài sản?

Đánh giá động thái mới của vị tân Bí thư Đà Nẵng, hôm thứ Ba, nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất từ thành phố này nói với BBC:
"Nói chung thì cũng được, thế nhưng việc này có phải một mình ông Xuân Anh làm đâu, ở Đà Nẵng thì trước đây ông Bá Thanh cũng công bố thế rồi, rồi tới ông Trần Thọ (nguyên Bí thư thành ủy) cũng công bố thế rồi, ông (Huỳnh Đức) Thơ, Chủ tịch cũng công bố thế rồi, chứ đâu phải một mình ông Xuân Anh đâu?
"Tôi thấy ai người ta cũng công bố thế rồi chứ, tôi nói thật... ngày xưa ông Bá Thanh cũng công bố như thế, ban đầu cũng công bố số điện thoại, cũng công bố hộp thư, nhưng sau này nói thật... tôi hỏi lại ông Bá Thanh, tôi hỏi 'cái hộp thư của anh thế nào', thì sau đó ông bảo 'tôi có sử dụng đâu'.
"Vì mọi trao đổi này, mọi trao đổi qua các vị, nếu trao đổi qua email, hộp thư, thì những gì nó thật riêng tư, tôi nói ví dụ thật riêng tư, (còn) công việc qua hộp thư của thư ký hết, chứ ông Bí thư, ông Chủ tịch nào, thời gian đâu để ngồi ngày mà duyệt bao nhiêu cái email trong hộp thư ấy đâu?"
Và nhà báo độc lập từ Đà Nẵng nêu quan điểm mà theo ông tân lãnh đạo thành phố cần phải làm để được thực chất hơn là động thái ở trên.
Image copyrightdanangplus.net
Image captionÔng Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Đà Nẵng cũng từng công bố điện thoại, địa chỉ email cá nhân khi mới nhậm chức vụ này, theo nhà bình luận.
Ông Trương Duy Nhất nói: "Cương lĩnh tranh cử của anh, bây giờ tôi vừa lên nhậm chức Bí thư Thành ủy của đô thị này, cái lộ trình trong mấy năm tôi ưu tiên làm gì thứ nhất, ưu tiên làm gì thứ nhì, làm gì thứ ba.
"Rồi bây giờ để đảm báo nói rằng 'tôi trong sáng', người ta mới nói là bây giờ theo cái kê khai, anh dám công khai là tài sản nhà anh có cái gì không? Để trong vòng một năm sau, một nhiệm kỳ sau, anh nhìn lại xem thử nó biến chuyển tài sản như thế nào?
"Anh có dám công khai cho người dân biết tổng tài sản như thế nào không? Đâu có dám công khai đâu? Tôi chưa thấy ai làm điều này cả. Công khai tài sản bây giờ hình như nó vẫn trong vòng nội bộ, để quản lý trong nội bộ Đảng Cộng sản thôi, chứ không có công khai.
"Tôi đang mong cái đó chứ tôi không chịu chuyện công khai một cái điện thoại với cái hộp thư cả," nhà báo, blogger Trương Duy Nhất nói với BBC.
Ông Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi, vừa được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020.

Đừng theo ‘gót chân Achilles’ của Trung Quốc

Thời gian gần đây, hiện tượng mù sương bắt đầu xuất hiện với tần suất dày hơn tại Sài Gòn. Báo chí và các cơ quan dự báo thời tiết mới đây tiếp tục cho biết hiện tượng sương mù độc hại bao phủ Sài Gòn, đe dọa sức khỏe con người. Đến tận trưa, các  cao ốc trong thành phố vẫn còn mù mịt màu khói trắng đục ngầu, trông nên thơ và lãng mạn nhưng thực tế chẳng phải “chuyện để đùa”.
Nhìn ta lại nhớ đến người!
Tôi nói “ta” ở đây chính là nước mình, còn “người” chính là nước bạn – ông hàng xóm Trung Quốc vốn khá đồng điệu với Việt Nam về mô hình và cơ chế phát triển thị trường. Những năm qua, Việt Nam, trong đó trọng tâm là Sài Gòn, đã và đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa để phát triển kinh tế, làm động lực cho tăng trưởng GDP và phát triển đời sống - xã hội nói chung. Tuy nhiên, hệ lụy của công nghiệp hóa - nếu không biết kiểm soát và làm đúng cách - thì sẽ rất nghiêm trọng.
Nhìn sang Trung Quốc, suốt hàng thập kỷ, mức trưởng kinh tế không khi nào dưới hai con số, khiến cả những gã khổng lồ về kinh tế như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, cũng phải thừa nhận Trung Quốc đích thực là một “con rồng châu Á”. Các chỉ số tăng trưởng của Trung Quốc luôn luôn là ước mơ của không ít quốc gia, nhưng không phải ai cũng cứ muốn là làm được. Tuy nhiên, môi trường chính là điều khiến chính quyền Bắc Kinh đang đau đầu nhất do hậu quả của việc phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc trong nhiều năm liền.
 Các con sông chết, những bầu không khí mù sương khô, độc hại, lượng khí độc trong không khí vượt chuẩn… là những cụm từ thường xuất hiện trên báo đài Trung Quốc. Việc chú trọng tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường khiến Bắc Kinh phải trả giá bằng các gói ngân sách triệu đô vẫn không thể cứu vãn và phục hồi môi trường sống trong sạch, bảo vệ sức khỏe của người dân. Không ít người dân Trung Quốc vốn sở hữu triệu đô phải tìm cách ra nước ngoài sinh sống vì môi trường trong nước ô nhiễm đến mức không thể chấp nhận. Những người theo chủ nghĩa lạc quan tin rằng sự phát triển khoa học kỹ thuật sẽ giúp chính phủ kiểm soát ô nhiễm; tuy nhiên, trong các sự kiện quốc tế lớn diễn ra tại Trung Quốc, mọi hệ thống nhà máy công nghiệp Bắc Kinh đều phải ngừng hoạt động đồng loạt để… giảm tối đa ô nhiễm. Điều này cho thấy sự bất lực của một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong việc bảo đảm môi trường sống trong lành – yêu cầu cơ bản nhất mà một chính phủ phải cam kết bảo đảm đối với dân chúng.
Việt Nam còn nhiều hạn chế
Tuy mức ô nhiễm trên thực tế ở Việt Nam chưa nặng nề như ở Trung Quốc, nhưng những “triệu chứng” gần đây cho thấy người dân có quyền lo lắng về tương lai của Sài Gòn. Trước hết, việc quy hoạch của Sài Gòn cũng như nhiều thành phố lớn của Việt Nam đang có vấn đề về quy hoạch, khi hệ thống cây xanh ở Việt Nam đang bị chặt hạ liên tục, còn việc trồng phục hồi thì dường như không kịp nhu cầu lọc khí cho cả thành phố, trong khi tại các quốc gia khác các  công trình xây dựng phải ra sức né tránh thiên nhiên. Trong tương lai trung hạn lẫn dài hạn, nếu vẫn quy hoạch theo kiểu “mở đường, công trình đến đâu thì chặt, cưa, hạ cây xanh đến đó” thì chẳng bao lâu Sài Gòn sẽ trở thành một khối bê tông cốt thép không hơn không kém. Việc thiếu cập nhật các mô hình phát triển đô thị xanh của các quốc gia khác là một thiếu sót của các nhà quản lý, mà thời gian tới buộc phải khắc phục nếu không muốn khí hậu thành phố càng trở nên tệ hại hơn.
Thứ hai, hệ thống luật pháp quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường tại Sài Gòn  vẫn chưa có hiệu quả. Không chỉ tại thành phố, không ít các doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình kinh doanh lại chịu mức phạt không tương xứng với lợi nhuận mà họ nhận được. Đó là lý do doanh nghiệp cứ bị phạt rồi sẵn sàng cầm tiền đi đóng phạt; rồi lại tiếp tục tái phạm nhiều lần. Nhìn thử sang châu Âu hay các nước phát triển lân cận, các vi phạm về môi trường bị phạt nặng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự không kém gì các tội danh kinh tế như trốn thuế, gian lận, kinh doanh mặt hàng cấm… Doanh nghiệp phá sản vì làm ăn không tuân thủ luật môi trường là điều không phải khó hiểu.
Thứ ba, các tiêu chuẩn về môi trường của các hệ thống máy móc, kỹ thuật, hay phương tiện giao thông gần như thiếu sự quan tâm kiểm soát. Vụ án ông khổng lồ xe hơi Volkswagen vi phạm lượng khí thải vượt chuẩn ở Mỹ và châu Âu khiến không ít người Việt đặt câu hỏi tại Việt Nam, có quản lý khí thải hay không? Hay Việt Nam là điểm đến của hàng tá công nghệ thiếu thân thiện với môi trường? Số xe máy và ô tô tăng chóng mặt, nhà nước đã tiến hành thu phí môi trường, ngay cả với số xăng xe. Tuy nhiên, hàng triệu xe máy, ô tô mỗi năm tạo ra lượng phát thải không phải là nhỏ; càng đáng nói khi khói xe vượt chuẩn ngày càng trở nên quá mức chịu đựng (chưa kể đến các tiêu chuẩn về tiếng ồn…). Thế nên nếu không có kế hoạch quản lý bgay từ bây giờ, trong tương lai hiện tượng hiệu ứng nhà kính hoặc mù sương khô sẽ tiếp diễn và tác động ngày càng mạnh tại Việt Nam.
Hiện nay, vấn đề môi trường bị ô nhiễm là một trong những “gót chân Achilles” của Trung Quốc trong quá trình phát triển kinh tế, định hướng công nghiệp hóa và xuất khẩu. Dù vấn đề môi trường ở Việt Nam chưa trở nên tồi tệ, nhưng nếu  chính sách không được điều chỉnh kịp thời thì trong dài hạn, Việt Nam cũng sẽ mắc phải “gót chân Achilles” mà Trung Quốc đang phải đối diện, và vẫn sẽ bất lực trong công tác xử lý.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.