Monday, April 6, 2020

COVID-19 làm sâu sắc thêm cơ hội thoát Trung

Theo RFA-GS. Phạm Quý Thọ-2020-04-06 
Hình minh hoạ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) đi cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) trước cuộc gặp hai bên ở Bắc Kinh hôm 26/4/2019
Hình minh hoạ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) đi cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) trước cuộc gặp hai bên ở Bắc Kinh hôm 26/4/2019-AFP
Trung Quốc là nơi bùng phát dịch từ cuối năm 2019 và đến nay, về cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn lan rộng và chưa biết khi nào kết thúc khiến cho người dân lo sợ. Đã có hiện tượng chỉ trích chế độ toàn trị và bài Trung với lý do phát tán thành đại dịch toàn cầu trong khi chính quyền Trung Quốc khuếch tương chiến thắng.
Chế độ chính trị có liên quan đến phương thức và kết quả phòng chống dịch COVID-19 đang là một trong những chủ đề tranh luận gay gắt trong bối cảnh kết quả có vẻ ‘u ám’ hơn cho các chính phủ dân chủ và chế độ chuyên chế được cho là có hiệu suất cao.
Việt Nam có chế độ tương đồng Trung Quốc với đảng cộng sản toàn trị. Chính quyền cũng đang ‘căng mình’ chống dịch bằng nhiều chính sách cấp bách, trong đó tránh không lặp lại những sai lầm từ cách làm của chính quyền Trung Quốc là một lựa chọn. Những tác động nặng nề đến kinh tế từ Trung Quốc và sự lựa chọn cách phòng chống COVID-19 của Việt Nam làm sâu sắc thêm cơ hội thoát Trung.
Hai hệ thống chính trị
Thế giới đang ‘hoảng loạn’, Mỹ và châu Âu hiện vẫn đang là tâm điểm của đại dịch với số người lây nhiễm và số ca tử vong tăng cao từng ngày. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới đến ngày 6/4/2020 tổng số ca nhiễm COVID-19 là 1,273,794 người, 69,419 ca tử vong và 260,193 người được bình phục, trong đó Mỹ ba chỉ số tương ứng là 333,958; 9,626 và 17,407 và Trung Quốc còn 81,708; 3,331 và 77,078…
Trung Quốc biểu tượng cho chế độ toàn trị và phương Tây là chế độ dân chủ luôn tranh luận trong nhiều vấn đề toàn cầu, trong đó có kinh tế và dân chủ, và nay là đại dịch COVID-19.
Hình minh hoạ.  Một gia đình người dân ở Vũ Hán, Trung Quốc đeo khẩu trang chống dịch hôm 5/4/2020. Vũ Hán là nơi phát sinh dịch bệnh COVID-19
Hình minh hoạ. Một gia đình người dân ở Vũ Hán, Trung Quốc đeo khẩu trang chống dịch hôm 5/4/2020. Vũ Hán là nơi phát sinh dịch bệnh COVID-19 AFP
Trong khi chính phủ các nước phương Tây ‘lúng túng’ với ràng buộc thể chế, chẳng hạn ở Mỹ với Tu chính án số 10 Hiến pháp về quyền của tiểu bang và liên bang, và ý thức hệ về quyền tự do cá nhân, để đưa ra các chính sách, thì ngày 04/04/2020, chính quyền Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của COVID-19, phát tín hiệu rằng tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát sau hơn hai tháng chiến đấu với virus corona kể từ ngày bùng phát tại thành phố Vũ Hán. Ngoài ra, nhà nước Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm ‘viết lại lịch sử’ xuất phát của virus corona chủng mới.
Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực biến ‘thảm hoạ quốc gia’ thành một chiến thắng toàn cầu trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây chỉ trích chính quyền Trung Quốc che giấu sự thật về loại virus chủng mới trong nhiều tuần khiến cho lây lan thành đại dịch toàn cầu. Ngoài ra, việc phong toả Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc với khoảng 60 triệu dân với các biện pháp bị coi là ‘nghiệt ngã’, ‘tàn nhẫn’ và vi phạm các quyền con người.
‘Thời chiến’ chống đại dịch
Chính phủ Việt Nam có cách tiếp cận nghiêm túc trong phòng chống đại dịch COVID-19. Từ cuối tháng 1/2020, khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên đến nay chính quyền đã nâng dần cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh đến việc chuyển trạng thái xã hội sang ‘thời chiến’.
Ban đầu ‘Cách ly tập trung’ những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm đồng thời với phong toả có ‘chọn lọc’ các ổ dịch trên địa bàn hành chính xã là hai biện pháp được áp dụng. Đến cuối tháng 3 phòng chống dịch COVID-19 được chuyển sang ‘thời chiến’, ‘chống dịch’ như chống giặc’, ‘ở nhà là yêu nước’ khi hai ổ dịch, bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội và Quán Buddha ở thành phố Hồ Chí Minh, được xác định có nguy cơ cao lây nhiễm cộng đồng. Ngày 31/3 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó tập trung vào ‘cách ly xã hội’.
Hình minh hoạ. Áp phích kêu gọi chống dịch COVID-19 trên đường phố Hà Nội hôm 6/4/2020
Hình minh hoạ. Áp phích kêu gọi chống dịch COVID-19 trên đường phố Hà Nội hôm 6/4/2020 AFP
Nhiều thế hệ người dân Việt Nam trải qua các cuộc chiến tranh, bởi vậy việc chuyển trạng thái từ ‘thời bình’ sang ‘thời chiến’, mặc dù chỉ là kêu gọi của các nhà lãnh đạo, làm trỗi dậy bản năng sinh tồn gắt kết sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách. Khi đó cả hệ thống chính trị ‘vào cuộc’, hành động quyết đoán của các lãnh đạo được khuyến khích, các nguồn lực xã hôi và của người dân về vật chất và tinh thần được huy động cho các hoạt động chống đại dịch. Trạng thái ‘thời chiến’ có thể mở rộng khả năng cho các chính sách công hướng tới người dân, hộ trợ cho người lao động nghèo, đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng sâu từ đại dịch, tăng cơ hội ‘thể hiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội, nhưng đồng thời cũng thu hẹp cửa cho trục lợi bất chính.
Vai trò của chính quyền, cá nhân người lãnh đạo thực sự quan trọng trong tình huống khẩn cấp. Trong chống COVID-19 các ‘tư lệnh’ mặt trận, như các lãnh đạo Chính phủ được người dân ghi nhận, nhưng ‘sự chậm trễ’ xuất hiện của các lãnh đạo đảng, nhà nước khiến người dân ‘băn khoăn’ về tầm mức của ‘cuộc chiến’.
Nói chung ‘thời chiến’ hay những tình huống khẩn cấp quốc gia có thể biểu thị ưu thế của chế độ toàn trị, nhưng thời bình’ mới phản ánh được bản chất của nó.
Cơ hội thoát Trung
Việt Nam là quốc gia có ý thức hệ cộng sản, nhưng có chính sách tích cực đa phương hoá trong quan hệ quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Về đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã ‘trung lập’ trong nhìn nhận về thái độ ứng xử của các quốc gia khác biệt chế độ chính trị. Trong phát ngôn, truyền thông chính thức hay các bài chính luận hầu như không xuất hiện bình luận hay nhận định về việc chọn an toàn hay quyền riêng tư của người dân.
Chính quyền đã ban hành và thực hiện các chính sách phòng chống dịch khá ‘mềm mỏng’, đôi khi có bình luận là ‘nửa vời’, nhưng có lẽ là phù hợp. Theo quan sát cá nhân, cách phong toả ‘cực đoan’ cả một thành phố hay một tỉnh với nhiều triệu dân, kiểu Vũ Hán, Hồ Bắc Trung Quốc, đã không là một lựa chọn. Mặt khác, các nhà lãnh đạo cũng ‘linh hoạt’ trong hành động, mà không cảm thấy áp lực phải ‘che giấu’ nguy cơ của dịch bệnh, cho dù để tránh làm tổn thương nền kinh tế hoặc để bảo vệ lợi ích cá nhân của họ.
Những nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế và xã hội đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang cảnh báo về hậu quả nặng nề và lâu dài. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và suy giảm thị trường ngày càng rõ hơn đối với kinh tế Việt Nam. Liệu có cơ hội như thế nào trong tình hình khó khăn này.
Từ những nỗ lực phòng chống đại dịch việc rút ra bài học về chính sách có ý nghĩa quan trọng cho sự độc lập và bền vững phát triển đất nước. ‘Vòng kim cô’ ý thức hệ và cơ sở thực tế trải nghiệm của Trung Quốc, do không thừa nhận công khai, đã tạo ra tính chất ‘nước đôi’ vừa ‘muốn’ lại vừa ‘sợ’ thị trường trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, khiến việc vận dụng một số chính sách trở nên ‘dò đá qua sông’, bỏ lỡ cơ hội hoặc thậm chí bị phản đối từ dân chúng. Ví dụ điển hình, dự luật đặc khu hành chính kinh tế, là sự thất bại chính sách khi đã không thể được thông qua bởi làn sóng biểu tình của người dân trước lo ngại bị xâm phạm chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, thuyết âm mưu về chính sách như việc tiếp nối cho ‘sáng kiến: Một vành đai, một con đường’ cũng được lan truyền đang được coi là ‘bẫy nợ’ đối với các nước đang phát triển!
Bài này được viết trong bối cảnh ‘thời chiến’ chống đại dịch COVID-19, khi cả nước có tổng số ca nhiễm là 241 người, chưa có tử vong và 91 người đã bình phục… Mặc dù dân chúng tiếp tục được cảnh báo về sự hiện diện nguy cơ và thúc đẩy thực hiện các biện pháp cấp bách, nhưng lần này niềm tin chính sách đã tăng lên và hy vọng đại dịch sớm được kiểm soát
Thoát Trung là một quá trình nhận thức, thoát ‘vòng kim cô’ ý thức hệ giáo điều, quan hệ bình đẳng, tránh hậu quả nặng nề do lệ thuộc kinh tế… và nên cần được làm sâu sắc thêm trong mỗi chính sách phát triển bền vững đất nước.
Ngày 06 tháng 4 năm 2020
Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Tàu cá ‘đâm’ tàu hải cảnh: Nguỵ biện cộng sản!

 Diễm Thi, RFA-2020-04-06
Bức ảnh này được chụp vào ngày 2 tháng 6 năm 2014 cho thấy chiếc thuyền đánh cá Việt Nam DNa-90152 bị một tàu Trung Quốc đánh chìm.
 Bức ảnh này được chụp vào ngày 2 tháng 6 năm 2014 cho thấy chiếc thuyền đánh cá Việt Nam DNa-90152 bị một tàu Trung Quốc đánh chìm.AFP
Bắc Kinh đáp trả lại yêu cầu của Hà Nội về vụ Tàu Hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi là do tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu Hải cảnh Trung Quốc. Luận điệu này của Bắc Kinh bị nhiều người phản bác và cho rằng không khác mấy với luận điệu của cơ quan chức năng Hà Nội khi cho rằng một người dân bị gãy xương mũi do “va” vào gậy điều khiển của cảnh sát giao thông.
Hôm 2 tháng 4 năm 2020, tàu cá số hiệu QNg-90767-TS do ông Trần Hồng Thọ sở hữu bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 tông chìm ở khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Đây là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, "Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg-90617-TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm".
Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Đến chiều ngày 3 tháng 4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh phát biểu rằng:
“Vào sáng sớm ngày 2 tháng 4, tàu Hải cảnh Trung Quốc trong khi tuần tra định kỳ đã phát hiện một chiếc tàu đánh cá Việt Nam xâm nhập đánh bắt cá ở quần đảo Tây Sa của Trung Quốc, đã lập tức gọi loa xua đuổi. Chiếc tàu đánh cá này không chịu rời đi và đột nhiên chuyển hướng về phía tàu Hải cảnh Trung Quốc. Mặc dù tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm…”
Cùng ngày, người phát ngôn của Cục Hải cảnh Trung Quốc đăng trên trang mạng Trung Quốc Hải cảnh với nội dung tương tự:
“Sáng sớm ngày 2 tháng 4, tàu cá Việt Nam QNg-90617-TS đã xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa của Trung Quốc để đánh bắt cá. Tàu Hải cảnh 4301 của Trung Quốc đã cảnh báo để xua đuổi. Tàu đánh cá Việt Nam không rời đi và đã có những hành động nguy hiểm nhiều lần rồi bị chìm sau khi đâm vào tàu Hải cảnh 4301.”
Ông Nguyễn Chí Thạnh, thuyền trưởng một tàu cá ở đảo Lý Sơn lên tiếng với RFA tối ngày 6 tháng 4:
“Tàu mình bé xíu sao mà sao tông nó được. Nó tông mình thôi. Nó nói vậy tui lạy nó luôn. Tông nó chỉ có chết vì tàu nó là tàu sắt.
Thấy nó thì chỉ có chạy thôi.
Khi bị vậy thì thường tụi tui cũng có gọi cứu hộ Việt Nam nhưng nếu mình đi xa bờ thì nó đâu có hỗ trợ kịp. Tàu Trung Quốc rượt là mình quay đầu chạy chứ không nó tông bể đáy, nó bắn chết. Làm sao tàu gỗ mà tông tàu sắt hả cô?”
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhận định rằng, qua sự việc này người ta càng thấy rõ cái xấu xa, cái bản chất không trung thực, âm mưu bành trướng trện Biển Đông của Trung Quốc cũng như bản chất tráo trở của nước này qua phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh. Ông phân tích:
“Đó là chuyện rất vô lý. Tàu cây làm sao dám đâm vào tàu sắt. Hình ảnh chụp cũng rất rõ.  Chúng tôi có hình ảnh mũi và thân tàu bị đâm gãy. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói không chính xác, mnag tính tráo trở. Ngư dân cũng đã báo cáo rất rõ kèm hình ảnh cụ thể. Điều này thể hiện rất rõ bản chất của Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên có chuyện phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng đổ lỗi cho tàu cá Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh nước họ”.
Ông Thắng cho biết Hội Nghề Cá đã lên tiếng bằng văn bản qua các cơ quan ngoại giao, các cơ quan báo chí thông tin đại chúng. Ông cho rằng phía Trung Quốc cũng đã nhận được họ không phản hồi.
Đậy không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc đâm chìm hay xua đuổi tàu cá Việt Nam trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt nam gửi công hàm phản đối và phát ngôn nhân bộ này lên tiếng quan ngại.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một người hiểu rõ cách hành xử của Trung Quốc từ xưa đến nay thì cho rằng đây là ngụy biện:
“Thật ra thì từ trước đến nay Trung Quốc tìm nhiều cách đổ thừa lắm. Đây là lần đầu tiên đổ thừa bằng cách khác thôi. Tất cả những lần trước họ cũng có lý do hết, vấn đề là lý do gì thôi. Trung Quốc luôn tìm ra lý do và những lý do đó là ngụy biện. Không phải bây giờ họ mới đổ thừa đâu. Sự ngụy biện thì nó giống nhau. Muôn mặt.”
Giải thích bằng cách ngụy biện rằng tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm, khiến người ta liên tưởng tới cách giải thích của công an Việt Nam trong những lần gây thương tích cho dân.
Tháng 10 năm 2018, anh Lê Hữu Thạnh ở tỉnh Tiền Giang tường trình với công an tỉnh này rằng anh bị cảnh sát giao thông chặn lại, dùng dùi cui đánh liên tục vào đầu, mặt và cổ anh. Khi thấy anh bị chảy máu nhiều thì cảnh sát giao thông lập tức bỏ đi. Trong khi phía cảnh sát giao thông giải trình rằng, một người điều khiển xe máy đã "va" vào gậy điều khiển giao thông khi cảnh sát đang làm nhiệm vụ khiến người này gãy xương mũi và xương hàm phải nhập viện điều trị.
Tháng 7 năm 2019, mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh một thanh niên quay phim bằng điện thoại lúc đang bị lập biên bản thì một cảnh sát giao thông tiến tới tát anh này chảy máu môi.
Phía cảnh sát giao thông sau đó cho rằng, người vi phạm thừa nhận bản thân mình vi phạm luật giao thông và cảnh sát giao thông chỉ “gạt tay trúng điện thoại” chứ không phải đánh vào mặt nên không có chuyện chảy máu môi.

‘Cách ly xã hội’: Khi đoàn tàu có nhiều… đầu tàu

Theo VOA-06/04/2020
Trân Văn

Bốn ngày sau khi phát hành Chỉ thị 16 (ra lệnh áp dụng ngay lập tức một số biện pháp để ngăn ngừa COVID-19 lây lan mạnh hơn), Văn phòng Chính phủ Việt Nam phải soạn - gửi một công văn theo kiểu hỏa tốc cho tất cả các bộ, ngành, chính quyền các địa phương để giúp các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương hiểu đúng và hành xử nhất quán về “cách ly xã hội” (1)…
***
“Cách ly xã hội” theo Chỉ thị 16 đã tạo ra nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” và Nguyễn Thông đã dẫn một số tình huống để góp ý với chính phủ: Chẳng ai ngờ “cách ly xã hội” lại được thực thi theo kiểu “ông chằng, bà chuộc”. Có nơi cho phép đi lại khi cần, có nơi cấm hẳn – “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, kiểm soát gắt gao còn quá thời “ngăn sông, cấm chợ” hoặc thời phải thực hiện “chiến tranh du kích”.
Trước tình trạng mỗi nơi thực thi “cách ly xã hội” một… kiểu, TP.HCM, Hải Phòng cấm xe từ các nơi vào. Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) dựng chiến lũy, đào chiến hào, chăng dây thép gai, chỉ còn thiéu bắn hạ những người vượt ranh… Nguyễn Thông nhận xét, đó là hệ quả do cách hiểu bị vênh, trình độ của cán bộ các địa phương có hạn và cả do lệnh của chính phủ lửng lơ, ỡm ờ, kiểu như muốn hiểu sao thì hiểu.
Giống như nhiều người, Nguyễn Thông ủng hộ chính phủ dập tắt dịch nhưng Facebooker này lưu ý: Dịch là “cơ hội trời cho” để chính phủ và các thành viên chính phủ chứng tỏ khả năng của mình. Ai hay, ai dở, ai tốt, ai xấu, ai tích cực, ai lười biếng… đều phát lộ. Những người như ông Phúc, ông Đam đang được dân chúng gửi gắm hi vọng. Tuy nhiên, “thần thiêng nhờ bộ hạ” – bộ hạ là những kẻ thân tín dưới trướng chứ không phải… hạ bộ - song đám tham mưu về chủ trương, đường lối, đám soạn thảo văn bản của các vị “thần” quá dở, làm các vị “thần” mất thiêng. Nguyễn Thông thú thật: Tôi nghĩ mãi chả hiểu “cách ly xã hội” là thứ cách ly gì, cách ly như thế nào cho phải phép?
Nguyễn Thông thắc mắc: Tại sao không ra lệnh “giãn cách xã hội” - tạo ra khoảng cách giữa người với người, cộng đồng này với cộng đồng khác, hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc để hạn chế lây lan – cho dễ tỏ tường. Nếu dễ hiểu thì sẽ không có những chuyện như VietNamNet tường thuật, một người ở Hà Đông (Hà Nội) đưa vợ về nhà cha mẹ ở Hải An (Hải Phòng) bị chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 chặn đường, yêu cầu quay lại vì Hải Phòng đang thực hiện chủ trương không cho xe ô tô từ vùng dịch vào (2)...
Do “cách ly xã hội” được thực hiện thiếu nhất quán, Đào Tuấn lưu ý, cho dù hiệu lực của lệnh “cách ly xã hội” vẫn còn kéo dài đến 15 tháng 4 nhưng bạn vẫn có thể đi từ Hà Nội tới các nơi khác. Tuấn nhấn mạnh, Chỉ thị 16 không cấm công dân đi lại. Bằng chứng là buổi chiều, Hà Nội thông báo lập 26 chốt “không cho người trong thành phố ra ngoài và người ngoài vào trong, trừ các xe chở hàng tiêu dùng thiết yếu, xe chở bệnh nhân” thì đến tối đã phải hủy lệnh này (3).
Đào Tuấn nói thêm: Hãy thông cảm cho Hà Nội. Ngay cả cấp sở như Sở Giao thông – Vận tải còn chẳng hiểu “đầu cua tai nheo” về “cách ly xã hội” thì chúng mình cũng thế thôi. Tuy nhiên cũng Tuấn, lập tức an ủi: Điều đó không phải do mình ngu vì chắc gì ông dấu đè chữ ký đã hiểu đó là gì! Đào Tuấn cảnh báo: Đó là lý do dù không bị cấm đi lại nhưng đi rồi có đến được không, đến rồi có về lại được không thì… không biết vì mỗi nơi áp dụng “cách ly xã hội” một kiểu, theo phong cách “mình thích thì mình làm thôi”.
Trước những thắc mắc, đang “cách ly xã hội” ra đường có bị bắt, bị phạt không? Dựa vào Chỉ thị 16, Tuấn cho rằng: Không! Tuy Chỉ thị 16 đưa ra một yêu cầu làm nhiều người rụng rời vì “cách ly xã hội” nhưng thật ra, theo giải thích của Thủ tường thì chỉ “thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành”. Đã là vận động, thuyết phục thì không có tính cưỡng chế. “Cách ly xã hội” tạo điều kiện cho mọi người ở nhà xem phim, hát karaoke nhưng cần lưu ý vừa vừa thôi, nhất là đừng làm thơ. Hàng xóm đang rất stress.
***
Cũng từ thực trạng áp dụng “cách ly xã hội” theo đủ kiểu và gây rối loạn cả sinh hoạt xã hội lẫn nhân tâm vốn đang hết sức lo âu, căng thẳng, Tâm Chánh lưu ý: Không nên xem thường não trạng chính trị rào đường “cách ly xã hội”. Đó có thể là một dịch khác gieo rắc virus “coi thường pháp quyền”. Dịch khiến việc nước chỉ còn là nhiệm vụ chính trị của kẻ cầm quyền. Người dân đánh mất ý thức công dân để cuộc sống của mình chỉ còn là cuộc sống thần dân, chỉ còn mỗi trách nhiệm tuân thủ chỉ đạo (4).
Theo Tâm Chánh: Chống dịch như chống giặc nhưng chống dịch hay chống giặc vẫn phải được tiến hành trong khuôn khổ luật pháp. Không thể để chính quyền một xã, một huyện, thậm chí là cấp tỉnh tự tiện áp dụng tình trạng khẩn cấp, xé bỏ hiến pháp, hạn chế quyền cơ bản, đương nhiên của dân chúng. Ngay cả với Thủ tướng, chỉ bằng một chỉ thị khiến xã hội không còn đi lại, trao đổi dịch vụ... cũng là điều cả xã hội phải cân nhắc.
Tâm Chánh cho rằng: Muốn huy động không gian tự nhiên của nhân dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị bảo đảm sinh tồn của dân tộc, việc huy động đó phải được xác lập bằng qui trình hợp hiến, hợp pháp và phải đặt trong cơ chế giám sát hữu hiệu của nhân dân. Áp dụng “cách ly xã hội” có thể là biện pháp cấp thiết, nhất định phải tiến hành song tiến hành cần chặt chẽ, chu đáo trên cơ sở tôn trọng quyền của nhân dân. Khi Thủ tướng quyết định áp dụng một biện pháp như vậy, Quốc hội, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội,… phải được huy động để thực thi vai trò giám sát, bảo đảm ngay trong hoàn cảnh cấp bách cũng không có hành vi nào xâm phạm quyền của nhân dân.
***
Tuy chiều 3 tháng 4, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, công khai trách nhiều địa phương hiểu không đúng về “cách ly xã hội” nhưng Nguyễn Thông vẫn than Trời! Nguyễn Thông nhận định: Đừng trách những địa phương này nọ hiểu sai lệnh của chính phủ. Trước khi trách người, hãy tự trách mình. Nội dung của lệnh lằng nhằng, thiếu rõ ràng, mỗi nơi một kiểu thì lỗi trước hết thuộc về chính phủ, thuộc về đám soạn thảo văn bản, chứ không phải đám thực thi lệnh.
Nguyễn Thông tin rằng, lúc này, chính phủ e dè, cân nhắc cẩn thận khi ban bố bất ký quyết định nào bởi nó liên quan tới cả trăm triệu người. Có thể chính phủ ngại dùng “phong tỏa” vì nghe ghê gớm quá, nghiêm trọng quá nhưng xin nhớ, vẫn có thể ban hành lệnh phong tỏa hạn chế. Phong tỏa không có nghĩa ngăn cách hoàn toàn với bên ngoài. Chưa đến mức phong tỏa cả nước nhưng có thể phong tỏa từng khu vực, từng vùng nhất là những tâm dịch như từng làm với xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) và cấp dưới sẽ dễ thực thi hơn. Cứ ỡm ờ “cách ly xã hội” thì chả biết thế nào mà lần!
Nguyễn Thông nhắc chuyện hồi xưa khi còn đi học, được học về Hamlet của Shakespeare. Thầy giáo bảo rằng, Hamlet là một anh chàng buồn cười, trước khi quyết định bất kỳ chuyện gì cũng đều lẩm bẩm “To be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại). Thói quen ấy hay ở chỗ rất thận trọng trước khi hành động nhưng lại dở vì cứ loay hoay tính toán thiệt hơn, không chỉ bỏ qua cơ hội thành công mà còn rất khó thực hiện.
Thông nhớ tới Hamlet vì chính phủ xứ này nhang nhác có chất của anh chàng Hamlet.
Tâm Chánh thì đề nghị: Cải chính việc sử dụng khái niệm “cách ly xã hội” và tuyệt đối không sử dụng lối diễn đạt nôm na đại khái cho một biện pháp chính trị có yêu cầu cưỡng chế cấp thiết và ở mức độ rất cao như thế, bởi bất kỳ kiểu diễn đạt nào cũng ẩn chứa hiểm họa phá vỡ trật tự luật pháp, phá vỡ tính thống nhất liền lạc của thị trường, tạo điều kiện để âm binh vốn còn núp phía sau, lẫn bên trong bộ máy cai trị hiện hữu kiếm chác, tác oai, tác quái.
Theo Chánh, trong phòng, chống COVID-19, chính phủ Việt Nam đã sớm tránh được vết xe đổ - thiếu minh bạch - như Trung Quốc… Việc điều hành phòng, chống dịch ở thủ đô một cách nhất quán, chống nói dối,… Đó là cơ sở để xã hội đặt niềm tin vào khả năng kiểm soát tình hình của chính phủ. Tuy nhiên sự cố lây nhiễm ở một bệnh viện tầm vóc quốc gia, thậm chí có dấu hiệu viên chức quản lý bệnh viện có ý che giấu dịch bệnh là một thực tế khác cho thấy, chớ quá ngây thơ, cả tin vào ý chí minh bạch, công khai.
Tâm Chánh tin rằng, người làm quan chỉ thành thực khi sau ót nóng rãy nhiệt lượng giám sát của xã hội. Minh bạch, công khai chỉ có thể là nền tảng đạo đức công vụ khi quyền lực chính trị có cơ chế kiểm soát hữu hiệuTừ việc triển khai kê khai thu nhập, đến chuyện ông quan chuyên lý luận nhiễm dịch, hay chuyện ngay cả các thầy thuốc cũng toan che giấu dịch bệnh ở đơn vị đầu ngành của mình,… có thể xác tín, xã hội chúng ta còn ở mức khởi đầu, rất thấp so với chuẩn mực minh bạch.
***
Dù muốn hay không thì rõ ràng, những diễn biến liên quan tới thực thi Chỉ thị 16, cũng như thực trạng thực thi yêu cầu “cách ly xã hội”, vẫn cho thấy một thực tế, Việt Nam giống như một đoàn tàu đang có rất nhiều… đầu tàu, đúng như Thủ tướng Việt Nam từng khuyến khích nhiều ngành, nhiều địa phương. Bởi mỗi đầu tàu có thể, thậm chí có quyền tự lựa chọn hướng chuyển động, thành ra khi hữu sự như cần thực thi “cách ly xã hội”, cả đoàn tàu trật bánh ở nhiều đoạn… đường ray!
Chú thích

‘Người Việt Nam giờ thấy Việt kiều về là họ sợ’

Theo VOA-07/04/2020 
Người dân Việt Nam đang thực hiện lệnh 'cách ly xã hội' để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan
Người dân Việt Nam đang thực hiện lệnh 'cách ly xã hội' để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan
Một Việt kiều từ Mỹ về Việt Nam ăn Tết rồi bị kẹt ở lại Việt Nam luôn đến nay do tình hình dịch bệnh hoành hành ở Mỹ nói với VOA rằng bà thấy ở Việt Nam ‘bây giờ ổn hơn bên Mỹ’.
Dịch Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra hiện đang hoành hành dữ dội ở Mỹ với 350.000 ca nhiễm và hơn 10.000 người chết tính đến ngày 6/4. Trong khi đó, Việt Nam báo cáo có 245 ca nhiễm, 95 ca đã hồ phục và chưa có ca tử vong.
Kể từ cuối tháng 3, Việt Nam đã cấm tất cả các khách nước ngoài nhập cảnh, kể cả Việt kiều có giấy miễn thị thực. Những ai đã về Việt Nam trước đó đều phải bị cách ly tập trung đủ 14 ngày.
‘Đợi bên Mỹ đỡ’
Trao đổi với VOA, bà Dung Huỳnh, 69 tuổi, một Việt kiều hiện đang sinh sống ở thành phố Portland, tiểu bang Oregon, nói ở Việt Nam bây giờ bà ‘thấy an toàn hơn’ bên Mỹ.
Bà Dung cho biết bà về Việt Nam ăn Tết hồi cuối tháng 12 năm ngoái và ở lại từ đó đến nay. Hiện giờ bà đang ở quê nhà là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, vốn cách Thành phố Hồ Chí Minh chỉ trên dưới 50 km.
Theo lời bà thì sau khi ăn Tết xong, bà có đi du lịch ra miền Bắc. Sau đó bà có chuyến đi hành hương đến Ấn Độ để chiêm bái các Phật tích. Theo kế hoạch thì sau khi về lại Việt Nam vào ngày 23/2 thì bà sẽ đáp chuyến bay về lại Mỹ.
“Tôi đi Ấn Độ xong rồi về Việt Nam, nhưng còn một ít giấy tờ làm chưa xong tôi phải ở lại để chờ ký tên. Khi đó tôi thấy bên Mỹ (dịch bệnh) lung tung quá nên tôi ở lại, không về,” bà Dung nói với VOA từ Đức Hòa, Long An.
“Ở đây tôi thấy ổn lắm. Khu này không có ai bị bệnh hết,” bà nói thêm và cho biết bà ‘đợi cho tình hình bên Mỹ đỡ rồi mới về’.
Về tình hình hiện nay ở Việt Nam sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh ‘cách ly toàn xã hội’ trên phạm vi cả nước kể từ ngày 1/4 bà Dung nói ‘vẫn bình thường.’
“Ở đây tôi thấy người ta vẫn đi chợ. Họ đeo khẩu trang đi chợ. Dân ở đây hiền hòa lắm. Ở đây tôi thấy bình an hơn nước Mỹ,” bà nói.
Về lương thực, thực phẩm, bà cho biết ở chợ địa phương bán ‘không thiếu gì hết’ và ngày nào ‘dân cũng gánh rau, gánh cải ra chợ bán’.
“Mấy chục năm ở Mỹ có bao giờ tôi về Việt Nam mà về quê ở lâu như vậy đâu. Mỗi lần về là tôi ở Sài Gòn thôi (bà Dung có nhà ở Sài Gòn). Đợt này về quê rồi ở lâu quá trời,” bà cho biết và nói rằng ‘làm như Trời Phật khiến’.
‘Bình tĩnh’
Khi được hỏi về tình hình dịch bệnh trong nước, bà Dung, người hiện làm nghề bào chế và bán thuốc Nam trong một siêu thị ở Portland, nói bà ‘có nghe ở Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội nhiều người nhiễm, ở Sài Gòn cũng nghe nói có nhiều người nhiễm’.
Tuy nhiên, bà nói bà ‘bình tĩnh’ chứ ‘không sợ gì hết’.
“Ở tuổi này rồi tôi còn gì để sợ nữa. Sống bao nhiêu cũng là đủ rồi,” bà giải thích.
“Mọi sự bây giờ để cho Phật Trời lo thôi,” bà nói và cho biết bà ăn chay kể từ đi Ấn Độ về và ‘ngày nào cũng niệm Chú Đại Bi để cầu bình an cho bá tánh’.
“Tôi gọi điện thoại cho mấy đứa con mỗi ngày,” bà Dung nói. “Mấy đứa con của tôi tụi nó lo và dặn tôi đừng có đi ra đường.”
Mặc dù dịch bệnh đang hoành hành ở Mỹ, nhưng bà Dung nói bà ‘không lo cho các con’ vì cả ba con của bà đều đã lớn hết nên ‘tự biết cách phòng thân’.
“Giờ mà có về Mỹ bên cạnh con cái thì cũng đâu có lo cho tụi nó được gì. Nếu bây giờ ở Mỹ thì chắc tôi cũng ở trong nhà thôi.”
Khi được hỏi về công việc kinh doanh bên Mỹ của bà bị bỏ dở lâu, bà nói: “Ở Mỹ cũng bắt đóng cửa hết cũng không có làm ăn gì được.”
Trong thời gian ở Việt Nam lánh dịch, bà Dung nói bà còn vướng mắc chuyện khai thuế ở Mỹ mà bà chưa làm. Theo lời bà thì bà phải làm sao về Mỹ ‘trước tháng 7’.
“Tính mạng mới đáng lo hơn. Bao nhiêu người mua cổ phiếu còn bị lỗ hết. Bây giờ còn tính đến tiền mà làm gì,” bà phân trần.
Bà Dung hiện có thị thực về Việt Nam với thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, nếu bà ở Việt Nam quá 6 tháng thì bà phải ra chính quyền đóng thêm tiền để xin gia hạn thời hạn lưu trú, bà cho biết.
“Nếu qua tháng 7 mà bên Mỹ còn dịch nhiều quá thì về làm gì?” bà nói.
Trong bối cảnh người dân Việt Nam đang dè chừng Việt kiều cũng như người nước ngoài đến từ Mỹ và các nước châu Âu trong thời điểm này, bà Dung cho biết bà không gặp tình trạng như vậy.
“Tôi về từ hôm Tết, từ lúc dịch chưa có bùng nên họ không sợ. Người ta thấy tôi cũng đi chợ, đi ra đi vô mà có bệnh gì đâu. Bây giờ ai về thì họ sợ,” bà giải thích.
Bà cho biết dù còn kẹt ở Việt Nam nhưng vẫn theo dõi tình hình dịch bệnh bên Mỹ thường xuyên và cảm thấy rất đau lòng.
“Tôi không hiểu sao người Mỹ họ thờ ơ quá. Chắc họ nghĩ họ thông minh, bom nguyên tử hay thuốc men gì họ cũng chế được nên dịch bệnh này họ không thấy đáng sợ chứ đâu có ngờ họ bị như vậy.”

Chuyên gia ngân hàng nghi ‘bị ép nhảy lầu tự sát’ ở Sài Gòn

Phía trên hiện trường là các căn hộ có cửa sổ, ban công hướng ra giếng trời. (Hình: Nguyễn Tân/Pháp Luật TP.HCM)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một tiến sĩ, giảng viên về kinh tế và pháp lý chuyên sâu về lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam nghi bị một nhóm người “bức tử ép nhảy lầu tự sát” ở khu chúng cư New Sài Gòn, huyện Nhà Bè.
Theo báo Thanh Niên ngày 6 Tháng Tư, Công An Sài Gòn đang điều tra nguyên nhân tử vong của Tiến Sĩ Bùi Quang Tín (44 tuổi, ngụ phường 12, quận Bình Thạnh), luật sư kiêm giảng viên trường Đại Học Ngân Hàng Sài Gòn; chủ tịch kiêm giám đốc điều hành trường Doanh Nhân Bizlight.
Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết khoảng 5 giờ 30 phút chiều 5 Tháng Tư, bảo vệ khu chúng cư New Sài Gòn, phường Phước Kiển, huyện Nhà Bè (Sài Gòn) nghe thấy tiếng động mạnh rơi từ lầu cao xuống ở khu vực giếng trời sảnh D2 nên chạy tới kiểm tra. Khi tới nơi, mọi người thấy ông Tín nằm bất tỉnh ở sàn bê tông và đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã chết.
Ông Phạm Minh Huấn, trưởng Ban Quản Lý Khu New Sài Gòn, xác nhận: “Bảo vệ là người đầu tiên phát hiện vụ việc và báo ngay cho ban quản lý.”
Tuy nhiên, ông Huấn không cho biết chính xác về địa điểm mà ông Tín rơi xuống thuộc tầng nào, song khẳng định lan can chúng cư nơi ông Tín bị rơi xuống cao khoảng 1.2mét. “Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc như vậy tại chúng cư này. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra,” ông Huấn nói.
Chúng cư New Sài Gòn và khu vực nơi Tiến Sĩ Bùi Quang Tín được phát hiện tử vong. (Hình: Báo KH & ĐS)
Tại hiện trường nơi ông Tín rơi xuống là khu vực giếng trời rộng khoảng 3×5 mét, của sảnh D2, có một phần kính và nền bê tông. Đây là tầng trệt của block D2, phía dưới là tầng hầm gửi xe. Phía trên cao là các căn hộ của cư dân có cửa sổ hướng ra phía giếng trời.
Sau khi nhận được tin báo, giới hữu trách đã đến khám nghiệm hiện trường kéo dài đến khoảng 8 giờ tối cùng ngày mới kết thúc. Đồng thời, xem lại hình ảnh từ nhiều camera an ninh ở khu vực và đưa thi thể ông Tín sau đó được đưa về nhà xác để tiếp tục điều tra.
“Chúng cư này có lan can cao tới ngực, việc ông Tín rơi lầu rất khó xảy ra. Chúng tôi đang chờ cơ quan công an điều tra làm sáng tỏ sự việc,” một đồng nghiệp nạn nhân nói với báo Người Lao Động.
Theo báo VietNamNet, trong bản tường trình gửi cơ quan điều tra, bà Nguyễn Thanh Bích (45 tuổi, vợ của ông Bùi Quang Tín) không tin chồng mình tự tử. Bà Bích cho biết ông Tín có tinh thần rất tốt, vui vẻ, nhất là khoảng hai tuần nay ông ở nhà, trường Đại Học Ngân Hàng Sài Gòn ngừng hoạt động do COVID-19.
Bà Bích khai báo khá chi tiết về những thông tin liên quan, trình bày những nghi ngờ và cho rằng cái chết của chồng mình không loại trừ là do án mạng.
Bà Bích cho biết khoảng 11giờ trưa hôm 5 Tháng Tư, ông Tín rời khỏi nhà và nói qua nhà một người tên Dũng để bàn công việc với thầy Trung, lãnh đạo của một trường đại học. Tầm 6 giờ chiều cùng ngày, thì bà Bích nhận được điện thoại của công an báo tin chồng bà gặp nạn.
Khi làm việc với công an, bà Bích trình bày đầu năm 2019, ông Tín được bổ nhiệm phụ trách phòng truyền thông của một trường đại học và từ đó trong quá trình làm việc đã phải chịu rất nhiều sức ép từ nhiều phía mà theo lời của chồng bà là “do lợi ích nhóm.”
Giai đoạn trước Tết Canh Tý, ông Tín có nói với vợ là xin từ chức. Bà Bích còn cung cấp thông tin, trước đó ông Tín đã ba lần xin từ chức nhưng lãnh đạo không đồng ý.
Bản tường trình của bà Nguyễn Thanh Bích gửi cơ quan điều tra. (Hình: Vietpress)
Đặc biệt, nội dung tường trình của bà Bích có nhấn mạnh, chồng bà có kể cho bà nghe về việc hay nhận những tin nhắn đe doạ. Trong đó có lời đe doạ rằng “nếu không từ chức sẽ ép cho rơi lầu…”
Sau đó ông Tín cũng đã từ chức, tiếp tục làm công việc giảng viên và phụ trách trường đào tạo bên ngoài.
Cũng theo tường trình của bà Bích, trước khi đi qua nhà ông Dũng, ông Tín nói với vợ là “không muốn đi.”
Trên trang cá nhân, Facebooker Hoàng Linh, viết: “Thêm một một cái chết từ tầng cao, đột ngột và khó hiểu của một người nổi tiếng Tiến Sĩ Bùi Quang Tín.”
Tin cho biết, ông Tín là giảng viên của trường Đại Học Ngân Hàng Sài Gòn, am hiểu sâu rộng về lĩnh vực kinh tế. Ngoài công tác giảng dạy, ông Tín còn tham gia viết báo, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng chính sách, phát triển kinh tế, nhất là trong mảng tài chính, ngân hàng.

Trước khi mất một ngày, ông Tín còn tiếp xúc, trao đổi với một số nhà báo về chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19. (Tr.N)

Mỹ đả kích Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam

Ba tàu Hải Cảnh Trung Quốc tham gia đâm chìm, uy hiếp và tấn công các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam sáng sớm 2 Tháng Tư, 2020. (Hình: Thanh Niên do ngư dân cung cấp)
WASHINGTON, Hoa Kỳ (NV) – Bộ Ngoại Giao Mỹ đả kích Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam hôm 2 Tháng Tư là nằm trong chuỗi dài những hành động ngang ngược tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của họ trên Biển Đông.
“Chúng tôi vô cùng quan ngại trước tin Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam trong khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ Morgan Ortagus hôm Thứ Hai, 6 Tháng Tư, viết trong bản tuyên bố phổ biến trên trang mạng chính thức của bộ này.
“Biến cố này là vụ sau cùng của một chuỗi dài những hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của họ và không có lợi cho các nước láng diềng Đông Nam Á ở khu vực Biển Đông.”
Trong bản tuyên bố vừa kể, bà Ortagus nêu ra một chuỗi những sự kiện Bắc Kinh hành động trên Biển Đông trong khi Việt Nam cũng như cả thế giới dồn tất cả sự chú trọng vào việc đối phó với đại dịch COVID-19.
“Từ khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới, Bắc Kinh đã loan báo lập các “trạm nghiên cứu” mới trên các căn cứ quân sự xây tại các đảo nhân tạo Đá Chữ Thập và Đá Su-bi, đáp máy bay quân sự xuống đảo nhân tạo Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng liên tục cho lực lượng bán quân sự hoạt động quanh quần đảo Trường Sa,” bản tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Mỹ viết.
Bà Ortagus cũng nhắc lại cho biết cái vạch 9 đoạn mà Bắc Kinh vẽ ra để tuyên bố chủ quyền hơn 80% đến 90% Biển Đông đã bị tòa trọng tài quốc tế tại The Hague, Hòa Lan, bác bỏ trong phiên xử hồi Tháng Bảy, 2016, khi Trung Quốc bị Philippines kiện.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc duy trì sự chú trọng vào việc hậu thuẫn các nỗ lực quốc tế đối phó với đại dịch trên toàn cầu, và ngừng ngay việc lợi dụng sự phân tâm hoặc yếu thế của các nước khác để bành trướng tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của họ trên Biển Đông,” Bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố.
Bộ Ngoại Giao Mỹ ra tuyên bố về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam hôm 2 Tháng Tư, 2020. (Hình: NV cắt từ Internet)
Một ngày sau khi vụ đâm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi xảy ra, Bộ Ngoại Giao CSVN nói đã gửi thông điệp phản đối Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp tại vùng biển Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền. Đồng thời kêu gọi Bắc Kinh bồi thường cho ngư dân Việt và trừng phạt những kẻ đã gây ra tai họa.
Tuy nhiên, hôm Thứ Bảy, 4 Tháng Tư, Cục Cảnh Sát Biển Trung Quốc lại ra một bản thông cáo vu vạ ngược lại là tàu đánh cá của Việt Nam đã đâm tàu Hải Cảnh Trung Quốc mang số 4301 rồi chìm. Đó là lời lẽ ngang ngược của kẻ mạnh vì một chiếc tàu đánh cá vỏ gỗ của ngư dân Việt Nam chỉ hơn chục tấn lại liều lĩnh đâm tàu vỏ sắt hàng ngàn tấn và võ trang đại bác của Trung Quốc chỉ để tự sát.
Hình ảnh do ngư dân chụp thấy phổ biến lại trên báo Thanh Niên 3 chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc tham gia đâm chìm và uy hiếp tàu cá Việt Nam gồm các tàu mang số 4301, 4001 và 3001.
Hôm Thứ Bảy, tờ Thanh Niên thuật lời ngư dân Võ Duy Khánh, 36 tuổi, một trong những nạn nhân trên chiếc tàu QNg 90617 TS bị đâm chìm cho biết khi ngư dân đang ngủ thì bị tàu Hải Cảnh Trung Quốc đâm, hoàn toàn khác với lời lẽ của Cục Hải Cảnh Trung Quốc.
Không những vậy, khi các tàu đánh cá khác của Việt Nam trong khu vực chạy đến ứng cứu thì bị các tàu Hải Cảnh Trung Quốc uy hiếp, tấn công, gây nhiều thiệt hại tài sản. (TN)

Có thêm dân xã Đồng Tâm bị công an bắt giam giữa dịch COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Có thêm một người dân của xã Đồng Tâm bị Công An CSVN bắt giam liên quan đến vụ tranh chấp đất đai tại địa phương mà nhà cầm quyền đàn áp đẫm máu ngày 9 Tháng Giêng, vừa qua.
“Bà Lê Thị Loan sinh năm 1966 một người đấu tranh mạnh mẽ giữ đất đã bị bắt, trước đây bà luôn sát cánh cùng với cụ Kình. Bà Loan hôm 9 Tháng Giêng, 2020, không có ở nhà, cũng không có mặt tại nhà cụ Kình nhưng loa truyền thanh xã Đồng Tâm liên tục phát đi nội dung yêu cầu bà Loan ra đầu thú, đến ngày 30 Tháng Ba, 2020 bà đã bị công an đến nhà bắt đưa đi mà không đọc lệnh bắt.”
Facebooker Trịnh Bá Phương, viết trên trang Facebook cá nhân hôm Thứ Hai, 6 Tháng Tư như vừa kể.
Facebooker Đặng Bích Phượng cho hay từ sau vụ đàn áp 9 Tháng Giêng, 2020, bà Loan đi khỏi nhà và mới đây “bà vừa về nhà được 1 ngày, công an đã đến bắt.”
Ngay trong vụ đàn áp sáng sớm 9 Tháng Giêng, 2020, Công An CSVN đã bắt 22 người, vu cho họ tội “Giết người và chống người thi hành công vụ” trong khi họ nằm ngủ ở nhà. Một người bị giết vì đấu tranh giữ đất là ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, bị bắn chết ngay trên giường ngủ với nhiều vết đạn.
Theo Facebooker Đặng Bích Phượng thống kê, đến nay đã có 28 người dân Đồng Tâm bị bắt và bị giết.
Đám Cảnh Sát Cơ Động của Công An CSVN được dân Đồng Tâm trả tự do ngày 22 Tháng Tư, 2017, sau một tuần lễ điều đình mà nhà cầm quyền cam kết giải quyết vụ tranh chấp đất đai “có lý, có tình.” (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Nhà cầm quyền CSVN xua một lực lượng võ trang được mô tả đông hàng ngàn người tấn công dân xã Đồng Tâm sáng sớm 9 Tháng Giêng, 2020, gây rúng động dư luận trong và ngoài nước. Dân xã Đồng Tâm cương quyết giữ 59 ha đất nông nghiệp mà họ canh tác suốt nhiều chục năm, chống lại lệnh “thu hồi đất quốc phòng” hồi năm 2015 mà họ cho là sai pháp luật.
Dân địa phương trưng ra các tài liệu, bản đồ, văn bản hành chính chứng minh khu đất mà họ canh tác, dân địa phương gọi là cánh đồng Sênh, nằm ngoài ranh giới “đất quốc phòng.” Lệnh cưỡng chế hồi năm 2017 dẫn đến việc dân làng bắt giữ khoảng 40 người vừa viên chức huyện Mỹ Đức, vừa Cảnh Sát Cơ Động.
Sau khi số cán bộ và Cảnh Sát Cơ Động được thả, ngày 26 Tháng Tư, 2017, ông Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang (khi đó còn sống) nói ở Sài Gòn là “…phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao có tình trạng đó. Từ đó có những biện pháp giải quyết có tình, có lý.” Còn ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 13 Tháng Năm, 2017, nói với dân ở Đồ Sơn là vụ cưỡng chế ở xã Đồng Tâm “chính quyền không sát dân, giải quyết sai quy định pháp luật.”
Nhưng đến ngày 9 Tháng Giêng, 2020 thì cả ngàn công an mở một trận tấn công quy mô vào xã Đồng Tâm, giết người, bắt người, làm ngược hoàn toàn những lời đám lãnh tụ của chế độ phát biểu với nhân dân.
Ngày 8 Tháng Hai, 2020, nhà xuất bản Tự Do của nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang công bố tài liệu bằng song ngữ Việt-Anh có tựa đề: “Cánh Đồng Sênh: Báo Cáo Về Vụ Tấn Công Vào Xã Đồng Tâm.” Bản báo cáo trình bày lại một cách khách quan vụ Đồng Tâm để dư luận trong ngoài nước nhìn thấy sự thật, phơi bày “tình trạng bạo hành và lộng quyền của lực lượng công an, cũng như khái niệm đầy mâu thuẫn – ‘quyền sở hữu toàn dân về đất đai’ tại Việt Nam.”
Bây giờ, nhà cầm quyền CSVN vẫn bắt thêm người dân Đồng Tâm vào lúc đang phải dồn sức đối phó với sự gia tăng lây lan của dịch bệnh. Trong số họ có những người như các con và cháu của ông Lê Đình Kình đang bị bắt giam, có thể đối diện với án tử hình. (TN)