Saturday, April 25, 2015

Ngày cấm xe thứ 2 ở TP.HCM: Nhiều người 'khóc ròng' vì quên thẻ

PHƯỚC TĨNH - Chủ Nhật, ngày 26/4/2015 - 08:31
(PLO)- Ghi nhận từ trung tâm TP.HCM, khoảng 4 giờ 15 phút sáng 26-4, tất cả các chốt đã lập xong hàng rào chắn. Một CSGT ở chốt Cách Mạng Tháng Tám giao với Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, đội có lệnh đóng rào chắn trước 4 giờ, tầm khoảng 3 giờ 45.

5 giờ 30 phút, dòng xe trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) rất thông thoáng. Ảnh Phước Tĩnh
Giao thông xung quanh các chốt cấm thông thoáng. Đến 4 giờ 45 các tuyến đường bên ngoài vành đai không gian tĩnh lặng, an ninh bảo đảm, chỉ lác đác vài chiếc xe máy, xe taxi,… thỉnh thoảng có vài chuyến xe buýt băng ngang qua đường.
Tính đến 7 giờ 00, giao thông trên các tuyến đường vẫn thông suốt. Lưu lượng xe cộ tại chốt Cách Mạng Tháng Tám giao với Nguyễn Thị Minh Khai không dày đặc như thường ngày. Nhân viên an ninh khá thoải mái, ít phải mất sức giải thích, chỉ đường cho người dân.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại chốt cấm đường Tôn Đức Thắng giao Nguyễn Hữu Cảnh, khoảng 4 giờ 45 phút, nhiều nhân viên của các khách sạn ở quận 1 bị chặn lại. Người đi xe máy từ trong vành đai được phép ra ngoài, chiều ngược lại cấm hoàn toàn người đi xe máy không có thẻ của BTC. Một vài người được phép cho vào nhưng bắt buộc phải đi bộ, xe máy gửi bên ngoài hàng rào chắn.
Các chiến sĩ an ninh đang giải quyết cho trường hợp các nhân viên của một Khách sạn ở quận 1. Ảnh Phước Tĩnh
Một chàng trai (xin được giấu tên) đi giao cơm cho bệnh viện Nhi đồng 2 trần tình: “Tui chạy xe máy giao cơm từ chợ Bà Chiểu, qua đoạn chốt Nguyễn Thị Minh Khai mới có 3 giờ 45 mà mấy ảnh không cho vô, nói là 4 giờ mới cấm mà mới 3 giờ 45 đã cấm rồi. Tui phải chạy lòng vòng, dựng xe máy bên ngoài rồi mượn chiếc xe đạp này chở thùng cơm tới đây (chốt Tôn Đức Thắng giao Nguyễn Hữu Cảnh) để gọi người ta thuê xe ôm chở vô".
Rờ tay trên thùng cơm còn nóng hổi, chàng trai nói giọng buồn buồn, “trông cho hết giờ cấm cho rồi, cấm gì cấm hoài không biết nữa”. Tôi hỏi anh hôm nay sẽ cấm đến mấy giờ, anh nói sẽ cấm từ 4 đến 12 giờ, ngày 30-4 cũng vậy.

Các chiến sĩ công an chốt Cách Mạng Tháng Tám giao với Nguyễn Thị Minh Khai làm nhiệm vụ dễ dàng hơn tối 24-4. Ảnh Phước Tĩnh
Cũng tại chốt này, bị chặn lại nhiều nhất là nhân viên các khách sạn, nhà hàng ở quận 1. Một nhân viên nam của một khách sạn bối rối gọi điện thoại cho công ty vì quên mang theo thẻ BTC. Anh này cho hay, khách sạn ở đường Nguyễn Huệ nên giờ không chạy đường nào vào được, có biết lệnh cấm nhưng lại quên mang theo thẻ. Các nhân viên an ninh đã hướng dẫn anh nhờ người công ty mang thẻ ra, hoặc gửi xe máy rồi đi bộ vào bên trong.
Một CSGT ở chốt Cách Mạng Tháng Tám giao với Nguyễn Thị Minh Khai vừa cho biết đến 7 giờ 15, giao thông ở chốt này vẫn bình thường, chưa có hiện tượng ùn tắc. Các nhân viên an ninh không phải giải thích với người dân chuyện cấm xe nhiều như tối 24-4.
PLO sẽ liên tục cập nhật những diến biến mới nhất về vụ cấm xe trong ngày hôm nay.
PHƯỚC TĨNH

Nhức nhối thất nghiệp

Theo NLĐO-25/04/2015 22:27

Dù kinh tế có ấm lên trong quý I/2015 và dự báo cả năm nay sẽ tăng trưởng lạc quan nhưng tình trạng thất nghiệp và giải quyết việc làm chưa đồng hành tương ứng, thậm chí sắp tới còn bi quan hơn nhiều

Tình trạng thiếu việc làm nói chung và cử nhân thất nghiệp nhiều nói riêng đã từng khiến dư luận “choáng”. Và hôm 24-4, một lần nữa, dư luận lại giật mình khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận thông báo tại phiên giải trình của Chính phủ với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Mặc dù trong giai đoạn 2010-2014, số lao động có trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng nhưng người thất nghiệp cũng tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm. Trong khi người có việc làm chỉ tăng 38% thì người thất nghiệp tăng gấp đôi (ở nhóm lao động này - NV)”.
Việc làm tăng không kịp số người cần việc
Đó quả là con số nhức nhối, phản ánh đúng thực tế hiện nay. Theo số liệu của PGS-TS Trần Đình Thiên và các cộng sự (Viện Kinh tế Việt Nam), trong năm 2014, nền kinh tế có những dấu hiệu tích cực hơn so với 2 năm 2012 và 2013 nên đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tăng 3,6% so với thực hiện năm 2013, trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 1,494 triệu lao động, đạt 98,8% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 2013. Tuy nhiên, đó chỉ là dấu hiệu tích cực về mặt số lượng, chất lượng việc làm mới vẫn thấp và thiếu bền vững.
Tư vấn tuyển dụng cho người thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Tư vấn tuyển dụng cho người thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Cụ thể hơn về tình trạng này, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Đến thời điểm 31-12-2014, dân số cả nước là 90,7 triệu người, trong đó có 54,4 triệu người thuộc lực lượng lao động. Cả nước đã có khoảng 1,2 triệu lao động thiếu việc làm (tỉ lệ 2,45%, trong đó khu vực thành thị là 1,18% và nông thôn là 3,01%) và gần 1 triệu lao động thất nghiệp chiếm 2,08%; trong số này khu vực thành thị là 3,43% và nông thôn là 1,47%.
Như vậy, số việc làm tạo ra dù tăng nhưng không theo kịp số người có nhu cầu tìm việc, vì vậy tỉ lệ thất nghiệp vẫn nóng bỏng.
Vì đâu nên nỗi?
TS Bùi Sỹ Lợi đúc kết một số nguyên nhân cơ bản khiến thất nghiệp ở Việt Nam trở thành vấn đề thách thức.
Một là, lực lượng lao động phân bố không đồng đều giữa các vùng địa lý kinh tế, chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Hồng (không bao gồm Hà Nội): 15,2%, đồng bằng sông Cửu Long: 19,1%, trong khi các vùng đất rộng có tỉ trọng lao động thấp như trung du và miền núi phía Bắc chỉ chiếm 13,7%, Tây Nguyên chiếm 6,3% lực lượng lao động. Vì vậy, chưa tạo điều kiện phát huy được lợi thế về đất đai, tạo việc làm cho người lao động và góp phần phân bố lại lực lượng lao động, đây chính là nguyên nhân tạo ra sự mất cân đối cục bộ về lao động và là tác nhân của thất nghiệp, thiếu việc làm.
Số người có việc làm năm 2014 dù tăng so với năm 2013 nhưng chưa thể giải quyết được nạn thất nghiệp
 (Nguồn: Tổng cục Thống kê; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Số người có việc làm năm 2014 dù tăng so với năm 2013 nhưng chưa thể giải quyết được nạn thất nghiệp(Nguồn: Tổng cục Thống kê; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
 Hai là, lực lượng lao động có chất lượng thấp. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Nguồn nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp... Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế, chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 19%. Khoảng cách khác biệt về tỉ lệ này giữa khu vực thành thị và nông thôn là khá cao (20,4% và 8,6%). Ngoài ra, thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Công tác chăm sóc sức khỏe và an toàn nghề nghiệp chưa tốt; bên cạnh đó, kỷ luật lao động còn kém so với nhiều quốc gia trong khu vực. Một bộ phận lớn người lao động hiện nay chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, tùy tiện về giờ giấc và hành vi. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.
Ba là, năng suất, hiệu quả lao động trong các ngành kinh tế thấp và có sự khác biệt đáng kể giữa khu vực nông nghiệp với khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ.
Bốn là, tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ vẫn thường xuyên xảy ra. Thị trường lao động nước ta chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, nơi có nhiều KCX-KCN, như: Long An, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Ngược lại một số tỉnh như Bạc Liêu, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Nghệ An lại có tình trạng dư cung, đang phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao.
Năm là, mặc dù đã tiến hành 2 đợt cải cách tiền lương (năm 1993 và 2004), bước đầu tách bạch tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh và khu vực hành chính sự nghiệp, tạo điều kiện đổi mới chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh theo định hướng thị trường nhưng mức tiền lương tối thiểu thấp chưa được tính đúng, tính đủ cho mức sống tối thiểu và chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cơ bản của người lao động, thấp hơn mức lương tối thiểu thực tế trên thị trường khoảng 20% và hiện nay mới đạt khoảng 45% mức tiền lương tối thiểu trung bình của khu vực ASEAN.
Sáu là, công tác quản lý nhà nước về lao động - việc làm còn nhiều hạn chế, các chính sách, pháp luật đang từng bước hoàn thiện, hệ thống thông tin thị trường lao động còn sơ khai thiếu đồng bộ. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hết sức tiến bộ nhưng chưa đạt được mục tiêu như mong muốn nhằm không chỉ hỗ trợ cuộc sống người lao động khi mất việc làm mà còn phải đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ để giúp quay lại thị trường lao động.
Chưa thể lạc quan
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, kết thúc năm 2014, tình hình lao động - việc làm và thất nghiệp của thị trường lao động đã có xu hướng cải thiện hơn, cụ thể: Cả năm có gần 68.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, trong khi đã có thêm 75.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,7% so với năm 2013, tăng 10,3% so với số giảm. Ngay từ quý I/2015, kinh tế đã có tín hiệu khởi sắc với tăng trưởng GDP đạt 6,03%, điều này sẽ tác động nhanh đến doanh nghiệp trong việc thu hút lao động, bởi Việt Nam đang ngày càng thu hút các doanh nghiệp mới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, điều này làm tăng tính cạnh tranh trong thu hút nhân tài, từ một thị trường lao động có nguồn cung giới hạn.
Không lạc quan như vậy, PGS-TS Trần Đình Thiên lo ngại: Trong năm 2014, số lượng lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp bị giải thể vẫn rất lớn. Số doanh nghiệp mới thành lập lớn hơn số doanh nghiệp giải thể nhưng số lượng việc làm mới tạo ra thấp hơn số việc làm mất đi. Các doanh nghiệp mới thành lập thường tạo ra chỗ làm mới bấp bênh hơn những doanh nghiệp cũ có thời gian dài hoạt động ổn định.
PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Khoa học Lao động và Xã hội), dẫn dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): Việt Nam sẽ có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm (1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN), do tác động của xây dựng cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, 60% trong số việc làm này là việc làm yếu thế!

Nỗi buồn năng suất lao động
Năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2005-2014, góp phần thu hẹp dần khoảng cách so với năng suất lao động của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.
Một số nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới năng suất lao động của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực, theo TS Bùi Sỹ Lợi (tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân, vừa tổ chức tuần này ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An): (1) Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực nhưng tỉ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao. (2) Chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng qua đào tạo chưa cao. (3) Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu với tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ thấp và trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo. (4) Trình độ tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp còn yếu cùng với hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp.
Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Điều này cho thấy thị trường lao động Việt Nam thiếu ổn định, việc làm chưa đầy đủ và bền vững, với năng suất lao động thấp.

CÁT TƯỜNG - ĐỨC NGỌC

Ớn lạnh công nhân làm thuê đối mặt với bãi xỉ độc hại

P. Nam - Thứ Bảy, ngày 25/4/2015 - 14:17
(PLO)-Ra bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II (Tuy Phong, Bình Thuận) những ngày này, mọi người không khỏi ái ngại khi thấy những người công nhân phải làm việc trong một môi trường vô cùng ô nhiễm, khói bụi giữa cái nắng chan chát, đổ lửa tháng 4.
Tuy nhiên, điều làm mọi người cảm thấy thực sự cảm thương chính là sự chênh lệch đến ‘khập khiễng” về điều kiện làm việc của những người công nhân nơi đây.
Trong khi công nhân tham gia khắc phục được trang bị đến “tận răng” từ khẩu trang chuyên dụng, kính bảo hộ, găng tay đến giày ủng, thì người dân làm thuê lại ăn mặc quá đơn giản trước những độc hại từ bãi xỉ này.

Mới ngày hôm qua đây thôi, chính những người dân này “xuống đường” chặn QL1A phản đối quyết liệt; hôm nay lại chính họ được nhà máy thuê vào làm cái mà họ phản đối để chiều đến nhận tiền công.


Công nhân được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ

Che bạt bãi sỉ khổng lồ để không cho bụi xỉ làm ô nhiễm môi trường.

Rồi mai đây những người dân này sẽ phải di dời ra xa bãi xỉ, xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn, với biết bao kỷ niệm của họ để nhường mảnh đất lại cho cái dự án đốt than thành điện kia.
Thương lắm người dân quê tôi, vì nghèo mà phải mưu sinh vất vả…
P. Nam

Có phải Việt Nam 'tự do báo chí hơn nhiều nước khác?'

HÀ NỘI (NV) .- “Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác”. Đó là lời “khẳng định” của ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông CSVN Nguyễn Bắc Son khi tiếp xúc “cử tri” ngày 24 tháng 4, 2015.

 
Báo bán dọc theo lề đường ở Việt Nam đều do các cơ quan, đảng đoàn, tỉnh thị của nhà cầm quyền làm ra để tuyên truyền. (Hình:  HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)

Ông Nguyễn Bắc Son, 62 tuổi, gốc dân huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội, Ủy viên trung ương đảng CSVN hiện đang là Bộ trưởng Bộ Thông Tin và truyền Thông (Bộ 4T), đồng thời cũng là “đại biểu nhân dân” như các đảng viên cao cấp khác của chế độ.

“Thực ra ta có nhân quyền và báo chí ở ta tự do hơn họ rất nhiều. Bằng chứng là các hội, các ngành đều có một tờ báo riêng, trên thế giới chỉ có khoảng 20 nước có luật về báo chí thì trong đó có cả Việt Nam. Thực tế thì Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác.” Tờ báo điện tử Infonet, cơ quan tuyên truyền của chính Bộ 4T, hôm Thứ Sáu thuật lời ông Nguyễn Bắc Son khi ông “tiếp xúc cử tri” ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Các cuộc “tiếp xúc cử tri” của các ông bà “đại biểu quốc hội” của chế độ đều là những cuộc tiếp xúc dàn cảnh để đưa tin tuyên truyền cho ra vẻ dân chủ. “Đại biểu nhân dân” hầu hết đều là các đảng viên cao cấp, nắm giữ các chức vụ quan trọng cả ở trong đảng và guồng máy nhà nước. Còn “cử tri” cũng đều được lựa chọn ra hỏi, mớm câu hỏi để được trả lời theo nhu cầu tuyên truyền.

Ông Son khoe như trên để phân bua về những chỉ trích của các chính phủ tự do, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đối với chính sách độc quyền thông tin để tuyên truyền một chiều, dối tra, lừa bị dư luận. Những ai nói khác đều bị bị khép vào tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, hoặc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để bỏ tù. Chính vì thế, một số tổ chức quốc tế bảo vệ quyền tự do thông tin đã xếp hạng rất thấp đối với Việt Nam.

Ông Son nêu ra con số hiện nay với “hơn 300 kênh phát thanh và 7 đài truyền hình, hơn 800 tờ báo, tạp chí. Rất nhiều hội, đoàn và hầu như địa phương nào cũng có báo riêng, phục vụ nhu cầu của độc giả đủ mọi lứa tuổi” để chứng minh cho cái “tự do báo chí” tại Việt Nam.

Cái ông không nói ra và cũng không được báo điện tử Infonet nói ra là toàn thể hệ thống báo đài đó đều nằm trong sự kiểm soát và chi phối chặt chẽ của đảng và nhà nước CSVN. Báo đài tư nhân bị cấm tuyệt đối. Tất cả các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đều có một “cơ quan chủ quản” tức do một cơ quan, bộ, ngành, tỉnh, thị hoặc các tổ chức ngoại vi của đảng CSVN chịu trách nhiệm.

Vì độc quyền thông tin nên nhà cầm quyền CSVN đã rất nhiều lần sửa đổi luật lệ về thông tin mỗi khi thấy luật cũ không đủ khả năng kiểm soát.

Từ khi internet phát triển tới Việt Nam, dân chúng trong nước có cơ hội tiếp cận với các nguồn thông tin khác nhau trên thế giới. Nhà cầm quyền đã phải thiết lập tường lửa để ngăn chặn quần chúng tiếp cận với các thứ tin tức trái chiều, bị coi là độc hại cho chế độ. Hiện nay, điện thoại thông minh đưa các tin tức mới nhất từ Internet đến người ta còn nhanh hơn nữa.

Nhà cầm quyền CSVN tuy nỗ lực dùng cả guồng máy thông tin tuyên truyền của chế độ nhưng cũng không bưng bít được các tin tức và hình ảnh mà họ muốn che đậy. Các trang mạng xã hội, nhất là facebook, youtube khá phổ biến với người dân tại Việt Nam.

Mới ngày 21/4/2015, Tổ chức Bảo vệ Ký giả quốc tế (Committee to Protect Journalists) có trụ sở chính ở New York đưa ra một bản tường trình nói Việt Nam là một trong 10 nước có chế độ kiểm duyệt thông tin khắt khe nhất thế giới.

Trong số những nước đó, đứng đầu danh sách kiểm soát thông tin tệ hại nhất thế giới là Eritrea, kế đến là Bắc Hàn, nơi chỉ có rất ít người truy cập được internet. Cùng trong nhóm là Ả Rập Saudi, Ethiopia, Azerbaijan, Việt Nam, Iran, Trung Quốc, Myanmar và Cuba. Các nước này hoặc là tôn giáo cuồng tín, hoặc là độc tài chuyên chế Cộng sản.

Bảng xếp hạng về tự do thông tin và về tự do truy cập internet hàng năm của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới” trụ sở tại Pháp cũng đều xếp Việt Nam vào chót bảng cùng với các nước vừa kể. Bản phúc trình nhân quyền thế giới thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn đều nêu tình trạng giới hạn tự do thông tin tại Việt Nam.

Đúng như lời ông Nguyễn Bắc Son tuyên truyền, Việt Nam có "tự do báo chí" hơn nhiều nước như Eritrea, Bắc Hàn, Ả rập Saudi, Ethiopia, Azerbaijan. (TN)
04-24- 2015 4:44:54 PM

Súng 'thần công' để đàn áp tự do báo chí

Theo Người Việt-04-25-2015 2:48:45 PM
Lê Phan
(Vết theo CPJ)

Đó, theo Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ), là điều mà Trung Quốc đã chứng minh trong cuộc tấn công vào hai địa chỉ hôm đầu tháng.

Trung Quốc, mà ủy ban bảo vốn có một hàng rào phòng vệ lâu đời chống lại tự do ngôn luận trên Internet. Dự án Khiên Vàng, được Bộ Công An tung ra hồi năm 1998, dựa trên một tập hợp của kỹ thuật và con người để kiểm soát những gì có thể được phát biểu cũng như được tiếp cận đằng sau bức đại tường lửa của họ.

Cho đến nay, để che chở trước những lời chỉ trích của đối phương, thường là nạn nhân của các cuộc tấn công, Trung Cộng đã sử dụng một tập hợp những viên chức và một toán thông thạo về computer (hay đúng hơn tin tặc) để chặn đứng các địa chỉ ở hải ngoại mà chính phủ coi là một đe dọa. Rồi thì họ chối bảo đâu phải họ làm. Cứ thử Google “China denies hacking (Trung Quốc bác bỏ tấn công tin tặc)” thì bạn có thể thấy một danh sách tràng giang đại hải những cáo buộc và bác bỏ.

Nhưng hôm 10 tháng 4 vừa qua, Citizen Lab, một tổ chức có trụ sở ở viện đại học Toronto, nói là một chiến thuật mới, và các chương trình để hỗ trợ cho nó, đã được sử dụng. Một cuộc tấn công sử dụng “Từ chối dịch vụ - Distributed denial of Service-DDoS” đã nhắm vào ít nhất hai địa chỉ bên ngoài Trung Quốc mà Citizen Lab nói là một khả năng tấn công khác, với khả năng và kiểu mẫu khác, mà Citizen Lab gọi là “Đại thần công-the Great Cannon.”

Bản phúc trình của Citizen Lab đã được báo chí chú ý. Các tờ báo như The New York Times ở Hoa Kỳ, Guardian ở Anh, và tạp chí Fortune đều có những tựa đề lớn nói Citizen Lab bảo là đã có một bước tiến nhảy vọt về kỹ thuật và chiến lược nâng khả năng của Trung Cộng trong việc gây thiệt hại bên ngoài biên giới của họ.

Lo ngại nên Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo đã yêu cầu chuyên gia kỹ thuật của họ, ông Tom Lowenthal, giải thích khẩu đại thần công của Trung Quốc là gì.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, “Ông có thể giải thích cho người không chuyên môn hiểu là liệu những hàng tít khuyến cáo là Trung Quốc đã 'vũ khí hóa Internet' và biến người sử dụng thành 'vũ khí cho chiến tranh ảo' có đúng sự thật không?”

Ông Lowenthal công nhận những khả năng mới được tiết lộ của Trung Quốc có vẻ khá sâu đậm. Khẩu đại thần công này là một khí cụ hợp lực với đại tường lửa. Tuy đại tường lửa xem xét mọi liên hệ vượt qua biên giới của Trung Quốc như nó không đủ nhanh để sửa đổi nó. Và nó không trực tiếp chặn liên hệ. Khi tường lửa thấy một liên hệ nó muốn kiểm duyệt, nó gửi ra một thông điệp giả nói “cuộc đối thoại này kết thúc.” Thông điệp này mà các chuyên gia gọi tắt là TCP RST, đánh lừa computers cả hai bên ngưng cuộc đối thoại. Nó là một hình thức kiểm duyệt rất hữu hiệu nhưng đột ngột. Một người sử dụng biết khi nào họ bị cắt. thần công phức tạp hơn và tế nhị hơn về phương diện kỹ thuật. Nó có khả năng không những chỉ nghe lén và đưa thêm thông điệp mới vào mà còn có thể viết lại thông điệp. Ông nói, “Nếu bạn gửi cho tôi một điều, đi qua thần công, tôi có thể nhận điều khác hẳn, không biết đó không phải là thông điệp thực bạn gửi tôi. Nó có vẻ tốt bằng hệ thống QUANTUM của Cơ Quan An Ninh NSA của Hoa Kỳ vốn theo dõi thông điệp trên toàn thế giới, đã bị tiết lộ bởi ông Edward Snowden. Hệ thống cả hai bên sử dụng thuộc loại “Man in the Middle-MiM.” Nhưng khác lối kiểm duyệt nặng tay của tường lửa, sự thay đổi do thần công tạo nên khó tìm thấy hơn, ngay cả cho những nhà nghiên cứu biết kỹ thuật. tường lửa có thể kiểm duyệt được toàn thể Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng chú ý là thần công chỉ làm được việc của nó khi một thông điệp đi ra hay đi vào Trung Quốc.

Những cuộc tấn từ chối dịch vụ DDoS được nhắc đến đó chứng minh một cách thần công có thể được sử dụng. Theo nghiên cứu của Citizen Lab, thần công đã sử dụng khả năng viết lại cho chỉ có dưới 2% liên hệ dựa trên hệ thống quảng cáo của Baidu (một địa chỉ mua bán rất phổ biến) từ bên ngoài Trung Quốc. Khi hệ thống của Baidu gửi các thông điệp quảng cáo liên hệ bằng JavaScript (code thảo chương căn bản sử dụng rộng rãi trên Internet) đến computer của người đọc, thần công có thể đọc được những thông điệp đó và thay thế cái JavaScript đó với một thông điệp xấu. Cái JavaScript xấu đó ép computer của độc giả liên tục nối mạng với mục tiêu thực sự của thần công: hai địa chỉ GitHub và GreatFire.org. GitHub là một địa chỉ chia sẻ code được sử dụng rộng rãi bởi những người viết chương trình và GreatFire.org là một địa chỉ có mục đích giúp người ta vượt tường lửa ở những nơi mà chính quyền tạo tường lửa. GitHub cũng là tổ chức bảo trợ cho GreatFire.org. Những computer của các độc giả Baidu trở thành những khí cụ để tung ra cuộc tấn công từ chối tiếp cận.

Câu hỏi thứ nhì là nếu phải một người tay trong như Edward Snowden mới tiết lộ hệ thống của NSA, vậy tại sao Trung Quốc lại công khai sử dụng khả năng này. Theo Citizen Lab, Trung Quốc dùng nó để tấn công GreatFire và GitHub. Cả hai vốn là một sự bực mình cho các cơ chế kiểm soát Internet của Trung Quốc, nhưng phải chăng họ quá nhỏ để chính phủ đưa vũ khí khủng ra tấn công?

Ông Lowenthal bảo ông không biết câu trả lời mặc dầu đó là một câu hỏi rất quan trọng. Ông chỉ bảo có thể những cuộc tấn công này là thử nghiệm. Có thể để chứng minh cho đối thủ Hoa Kỳ biết là NSA không độc tôn trong khả năng của họ. Có thể nó là một đe dọa ngầm cho những ai làm chế độ tức giận. Điều chắc chắn là việc tiết lộ thần công khó có thể là tình cờ. Bởi nếu sử dụng nó để tấn công thì mục tiêu sẽ để ý và sẽ điều tra.

Câu hỏi thứ ba là liệu sẽ có những cuộc tấn công nghiêm trọng hơn hay không chứ những gì báo chí nói có vẻ chỉ là một cuộc tấn công DDoS đại trà, một điều chả có gì lạ.

Ông Lowenthal bảo cuộc tấn công từ chối tiếp cận chỉ là một thí dụ khả năng của thần công. Một số những khả năng khác của khí cụ này có thể khó thấy hơn. thần công có vẻ có khả năng sửa tất cả các liên hệ vượt biên giới Trung Quốc. Kết hợp với một hệ thống theo dõi rộng rãi như TURMOIL của NSA chẳng hạn, thì nó là một dụng cụ gửi các chương trình xấu malware khổng lồ. Căn bản, thần công là một bộ máy trung gian MiM khổng lồ. Nó có thể được sử dụng để tấn công computer của bất cứ ai bên ngoài Trung quốc đọc một website bên trong Trung Quốc hay ngược lại. Nguy hiểm hơn là những cuộc tấn công này có thể đã xảy ra nhưng trừ phi nạn nhân chú ý kiểm soát, thật khó mà kết luận là cuộc tấn công đến từ bên trong biên giới Trung Quốc. thần công có thể là một thử nghiệm của thế hệ kiểm duyệt và loan tin hỏa mù mới, thay thế cho tường lửa. tường lửa nay chỉ chấm dứt liên hệ, vào được hay không vào được. thần công có thể làm cho kiểm duyệt tinh tế hơn. Một bài báo chỉ trích chính quyền Trung Quốc chẳng hạn có thể được thay thế bằng bài ca ngợi. Thay vì chặn không cho vào những bài cấm, mọi liên hệ có thể bị cắt bỏ hết, dấu bằng cớ là nó hiện hữu.

Câu hỏi thứ tư là nghe ra đây có vẻ là một cuộc chạy đua vũ trang hơn là một cuộc đua hack. Liệu các quốc gia khác có khả năng tương đương hay không?

Ông Lowenthal nói nhóm “Five Eyes” (Năm con mắt), một thỏa thuận chia sẻ tình báo giữa Hoa kỳ, Anh Quốc, Canada, Tân Tây Lan và Úc, bắt đầu từ Đệ Nhị Thế Chiến, chắc chắn có khả năng tương tự. Hệ thống QUANTUM/TURMOIL do ông Snowdon tiết lộ có thể làm được những gì chúng ta thấy thần công làm. Điều hơn là QUANTUM/TURMOIL không bị giới hạn bởi biên giới. Nó được phân phối trên toàn cầu và có thể tấn công một loạt những liên hệ rộng lớn hơn. Ngoài ra rất khó biết về khả năng của các quốc gia khác. Chúng ta biết về QUANTUM/TURMOIL chỉ vì ông Snowdon tiết lộ. Chúng ta biết đến thần công chỉ vì Trung Quốc có vẻ muốn khoe nó. Trung Quốc và Nhóm Five Eyes có một lợi khí chiến lược lớn vì họ tiếp cận được một số lượng di chuyển Internet rộng lớn. Nếu một quốc gia nhỏ hơn muốn có khả năng kỹ thuật tương tự, khó mà họ có thể chẳng hạn như tổ chức một cuộc tấn công từ chối dịch vụ ở cùng tầm cỡ như vậy. Số liên hệ xuyên biên giới của họ sẽ nhỏ hơn. Trung Quốc tuy vậy là kẻ lãnh đạo trong việc can thiệp vào Internet nội bộ. Các quốc gia khác đang theo chân nhưng có lẽ chưa phát triển bằng họ.

Câu hỏi tới là nếu không điều hành một website thì liệu có phải lo ngại bị tấn công hay bị biến thành căn cứ cho một cuộc tấn công hay không?

Ông Lowenthal trả lời là trong cả hai trường hợp đều có thể bị. Nếu tìm vào một website có địa chỉ ở Trung Quốc, thần công sẽ có cơ hội viết lại liên hệ của bạn và buộc bạn tham gia cuộc tấn công, như là cuộc tấn công vào GitHub hay GreatFire.org. Hay thần công có thể cho những chương trình malware xấu vào và chiếm đoạt computer của bạn. Điều nguy hiểm hơn nữa là bạn có thể không biết mình vào một địa chỉ ở Trung Quốc. Tên địa chỉ không cho biết chủ của nó ở đâu. Ngay cả nếu bạn biết chủ của nó ở đâu, nó không cho bạn biết về những tài nguyên thứ ba đã bị đặt nằm vùng trong đó, chẳng hạn như những quảng cáo của Baidu. Bạn có thể chỉ vào những địa chỉ có một phần dính đến bên trong Trung Quốc thôi là đủ rồi.

Câu hỏi nữa là ông có nói các địa chỉ sử dụng HTTPS có thể bảo vệ chống cuộc tấn công. Vậy nếu mọi người có thêm chữ S và địa chỉ HTTP của mình có đủ để bảo vệ chưa?

Ông Lowenthal trả lời: HTTPS bảo vệ website và người đọc địa chỉ đó. Liên hệ của bạn đã được ghi bằng mật mã, thành ra bạn sẽ không bị những JavaScript độc địa hay các loại malware khác xâm nhập. Nhưng nếu bạn thăm một địa chỉ trên HTTP, thì những liên lạc đó bị lâm nguy. Và khi thăm họ thì bạn cũng bị lâm nguy. Nhóm tranh đấu cho quyền digital Electronic Frontier Foundation đang tổ chức chiến dịch để biến mọi địa chỉ thành HTTPS. Nhưng đó chỉ là trên Internet. Còn có email, instant message, truyền tải video, bất cứ liên hệ nào không được bảo vệ bằng mật mã là một con đường để tấn công.

Vậy câu hỏi cuối cùng là HTTPS cần để bảo vệ cho mình nhưng không hoàn toàn? Và câu trả lời là không có cái gì bảo vệ mọi người đối với mọi sự, an toàn chỉ là có mức độ. HTTPS bảo vệ ai dùng nó. Nhưng cho đến khi mọi liên hệ được như HTTPS thì mọi người đều bị nguy trước những khí cụ như thần công.

Nữ thẩm tra viên lãnh án tù vì ăn hối lộ

ĐÀ NẴNG (NV) - Đang nhận tiền hối lộ trong quán cà phê thì một nữ thẩm tra viên của Chi Cục Thi Hành Án quận Thanh Khê bị bắt quả tang.

Bà Hương nhận 3 năm tù vì tội làm môi giới hối lộ. (Hình: Tiền Phong)

Tờ Tiền Phong đưa tin, tại phiên xử sơ thẩm ngày 24 tháng 4, tòa án thành phố Đà Nẵng đã tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thanh Hương (42 tuổi), trú quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, 3 năm tù về tội “môi giới hối lộ.”

Theo cáo trạng, bà Hương là thẩm tra viên Chi Cục Thi Hành Án dân sự quận Thanh Khê. Tháng 1, 2014, bà Hương được cơ quan phân công tiếp nhận đơn yêu cầu ra quyết định thi hành án trong vụ ly hôn của bà Ngô Thị Ngọc Diệp. Bà Diệp yêu cầu thi hành án để đòi lại số tiền hơn 400 triệu đồng sau bản án ly hôn.

Ngày 20 tháng 1, 2014, Chi Cục Thi Hành Án Dân Sự quận Thanh Khê ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu và phân công bà Hà Thị Thanh Nga thụ lý tổ chức thi hành án. Trong quá trình tiếp nhận đơn, bà Diệp đã nhờ bà Hương giúp cho việc thi hành án được nhanh và hứa sẽ đưa tiền. Bà Hương đã mang việc này nói lại với bà Nga.

Đến chiều 24 tháng 2, 2015, bà Hương gọi điện bảo bà Diệp chuẩn bị 30 triệu đồng để đưa lại cho bà Nga, nhằm lo lót việc thi hành án và hẹn gặp tại một quán cà phê trên đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê.

Tại đây, bà Diệp nói chỉ chuẩn bị được 29 triệu đồng và bà Hương đồng ý nhận. Khi bà Hương nhận tiền và cất vào túi xách thì bị công an của Viện Kiểm Sát Tối Cao bắt quả tang.

Tại cơ quan điều tra, bà Hương khai việc liên hệ và nhận tiền hối lộ từ bà Diệp là do bà Nga sai bảo. Bà Diệp cũng khai với cơ quan điều tra đã 2 lần đưa hối lộ cho bà Nga, mỗi lần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, do chưa có chứng cứ nên cơ quan điều tra đã tách hành vi nhận hối lộ của Nga ra để tiếp tục điều tra. (Tr.N)
04-24-2015 4:43:31 PM

Kêu cứu không ăn thua, nổi loạn mới giải quyết

PHAN THIẾT (NV) - Viên chủ tịch tỉnh Bình Thuận vừa công bố dự định di dân khỏi khu vực bị ô nhiễm vì hoạt động của Nhà máy điện Vĩnh Tân 2, tọa lạc tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.

Theo báo chí Việt Nam, kết quả khảo sát thực trạng ô nhiễm tại khu vực lân cận Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho thấy, khi thiết kế nhà máy điện này, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã không tính tới hướng gió nên bãi chứa xỉ than của nhà máy điện Vĩnh Tân 2 trở thành nguồn gây ô nhiễm không thể khắc phục.


Dân chúng địa phương được nhà máy điện Vĩnh Tân 2 mướn để phủ bạt chắn bụi tại bãi chứa xỉ. (Hình: Tuổi Trẻ)

Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 bắt đầu hoạt động hồi đầu năm ngoái và kể từ đó, hoạt động của nó đã làm các khu vực lân cận bị ô nhiễm trầm trọng vì khói, bụi. Dân chúng nhiều lần kêu cứu nhưng hệ thống chính quyền từ tỉnh đến trung ương chỉ đáp ứng theo kiểu chiếu lệ (kiểm tra - nhắc nhở - xử phạt) và tình trạng ô nhiễm càng ngày càng nghiêm trọng.

Cũng vì vậy, hồi trung tuần tháng này, dân chúng huyện Tuy Phong đổ ra đường biểu tình đòi đóng cửa nhà máy điện Vĩnh Tân 2 khiến quốc lộ 1, đoạn chạy ngang huyện Tuy Phong bị nghẽn suốt hai ngày.

Dẫu một viên phó thủ tướng của Việt Nam đã ra lệnh giải quyết ngay tình trạng gây ô nhiễm của Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 nhưng dân chúng vẫn không chịu giải tán. Khi chế độ Hà Nội điều động cảnh sát giải tán biểu tình, dân chúng đã dùng gạch đá, bom xăng tấn công khiến lực lượng này phải tạm rút khỏi hiện trường. Ðến tối ngày 15 tháng 4, 2015, dân chúng mới tự giải tán sau khi chính quyền cam kết “giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm.”

Tuy cuộc biểu tình gây ra thiệt hại hàng chục tỉ đồng vì giao thông xuyên Việt gián đoạn và khiến 17 cảnh sát cơ động bị thương, gần như toàn bộ số khiên cầm tay của lực lượng này bị vỡ do đá của dân chúng ném vào song mới đây, viên chủ tịch tỉnh Bình Thuận thừa nhận, phản ứng của dân là xác đáng vì ô nhiễm vượt quá mức chịu đựng của họ trong một thời gian dài.

Lúc này, trong khi chờ giải pháp cuối cùng, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 mướn dân chúng địa phương đến phủ bạt che xỉ than với mức thù lao là 200,000 đồng/người/ngày. Tập đoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) thì công bố một thư ngỏ “chân thành cáo lỗi với chính quyền, nhân dân khu vực bị ảnh hưởng và nghiêm túc rút kinh nghiệm.”

EVN cũng đã điều động nhiều phương tiện như xe tưới nước, xe xúc, xe ủi,... thực hiện nhiều giải pháp khác như mở đường riêng vận chuyển xỉ than, lắp đặt thêm các thiết bị xử lý nhằm hạn chế ô nhiễm.

Tại Việt Nam, ô nhiễm vốn là vấn nạn nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều thập niên. Sở dĩ ô nhiễm trở thành vấn nạn nghiêm trọng vì chính quyền các cấp tại Việt Nam không có những hành động thích đáng, bất kể ô nhiễm không chỉ gây xáo trộn sinh hoạt mà còn nguy hại cho tính mạng và hủy diệt sinh kế của dân chúng.

Trước đây, những nạn nhân của tình trạng ô nhiễm chỉ kêu cứu đến hệ thống chính quyền các cấp và những lời kêu cứu này không được đáp ứng. Gần đây, tình hình đã khác. Thay vì cam chịu, dân chúng Việt Nam bắt đầu phản kháng. Tính chất và mức độ của các cuộc phản kháng đòi một môi trường sống an lành càng lúc càng mãnh liệt nên chính quyền Việt Nam buộc phải nhượng bộ.

Sau vụ biểu tình đòi đóng cửa nhà máy điện Vĩnh Tân 2 của dân chúng huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, trong hai ngày 14 và 15 tháng 4, hôm 20 tháng 4, 2015, quốc lộ 1 lại bị nghẽn thêm một lần nữa ở đoạn chạy ngang phường Cam Phúc Bắc, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Hôm đó, hàng ngàn người mang cá, tôm chết đổ ra mặt đường, phản đối việc thực hiện hai dự án: Dự án thứ nhất nạo vét để tạo luồng lạch cho tàu ra vào khu vực thuộc quyền quản lý của hải quân, dự án thứ hai nạo vét luồng lạch để cải tạo môi trường và hệ sinh thái của đầm Thủy Triều. Cả hai dự án vừa kể đã làm tôm, cá mà nông dân nuôi tại các ao, hồ trong vùng chết hàng loạt.

Trước đó, dân chúng đã nhiều lần đề nghị chính quyền xem lại việc thực hiện hai dự án vừa kể nhưng không được đáp ứng. Mãi đến khi xảy ra biểu tình chặn quốc lộ 1, nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa mới yêu cầu các nhà thầu thực hiện dự án phải tạm ngưng hoạt động ngay lập tức và hứa sẽ xem xét, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại do những dự án này gây ra. (G.Ð)

04-24-2015 7:23:53 PM

Bị ăn quỵt tiền bôi trơn, 'đau nhưng không dám kêu'

HÀ NỘI (NV) .- “Bị ăn quỵt tiền bôi trơn: Đau lắm nhưng không dám kêu.”  ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, VCCI, bình luận, văn hóa “bôi trơn” và tỷ lệ "ăn quỵt" năm qua “đã giảm bớt”.

 
Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN Nguyễn Hồng Trường bị tố ăn quỵt tiền bôi trơn của doanh nghiệp. (Hình: GDVN)

Hôm Thứ Sáu 24 tháng 4, 2015, báo điện tử Vietnamnet mở đầu bản tin tường thuật “Lễ công bố kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” mà ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) , phát biểu về tình trạng nhũng nhiễu của quan chức CSVN.

Ông Đậu Anh Tuấn có thái độ lạc quan khi cho rằng nạn nhũng nhiễu vòi vĩnh ăn hối lộ của doanh nghiệp đã giảm, khác với nhận xét của một ông quan thanh tra cao cấp nói “tham nhũng ở Việt Nam ba năm qua ổn định”, nghĩa là không tăng không giảm, vẫn nghiêm trọng.

Theo chi tiết thấy nêu trong bản tin Vietnamnet nhân dịp “Lễ công bố kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” thì tình trạng nhũng nhiễu không biết có  “giảm bớt” như lời ông Tuấn nói không. Chỉ thấy tờ báo mô tả là “Nếu không trả hoa hồng, 89% doanh nghiệp FDI cho biết là sẽ có chuyện bất lợi xảy ra”.

Nêu ra các con số thống kê không biết ông dựa vào đâu, mức độ khả tín đến đâu, ông Đậu Anh Tuấn được thuật lại cho hay “năm 2010, chỉ có hơn 47% doanh nghiệp FDI cho biết công việc đã được giải quyết đúng sau khi họ trả các khoản chi phí không chính thức, nhưng năm 2014, tỷ lệ này là hơn 58%.”

Theo ông này “Điều đó cũng có nghĩa rằng, một số lớn các doanh nghiệp FDI trước đây đã bị "mất trắng" (đưa hối lộ) với công chức Việt Nam (53%) một khoản tiền lớn mà không được việc gì, và giờ thì con số này giảm xuống (42%).”

Nạn doanh nghiệp bị quan chức của chế độ “quỵt tiền bôi trơn” có vẻ ngày càng khá phổ biến. Giữa nhiều kẻ cùng bôi trơn, đám quan chức có thể cầm hết rồi không trả lại tiền hối lộ cho ai dù người ta không được việc.

Ngày 9/11 năm ngoái, tờ Sài Gòn Times đưa ra một số trường hợp doanh nghiệp hối lộ để được thắng thầu, nhưng các số tiền “đi cửa sau” đã mất mà vẫn thua thầu đau đớn, hợp đồng không có.

Những vụ việc như thế “công khai hay không, chỉ là những câu chuyện kéo dài hàng ngày trên báo chí về nỗi khổ của các doanh nghiệp trong quá trình làm ăn. Việc doanh nghiệp bị hành bởi các cán bộ nhà nước biến chất có muôn hình vạn trạng”, Sài Gòn Times viết.

Một trong ba tin nhắn qua điện thoại di động đòi ông thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lại tiền bôi trơn mà không được việc. Ông nói trả lại tiền nhưng người tố cáo nói ông lờ đi nên mới bị tung tin lên mạng (Hình: GDVN)

Mới đầu năm nay, một vụ “ăn quỵt tiền bôi trơn” của ông thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải là ông Nguyễn Hồng Trường bị một bà nhà thầu xây dựng nhắn tin qua điện thoại di động đòi lại tiền bôi trơn vì mối thầu bị đưa cho người khác. Với những chứng cứ phổ biến trên Internet, ông Nguyễn Hồng Trường vẫn phủ nhận và ông bộ trưởng Giao thông Vận Tải bênh ông, nói chuyện đó không có. Và vụ việc được nhận cho chìm xuồng.

Nạn nhũng nhiễu vòi vĩnh hối lộ bị giới doanh nhân trong ngoài nước kêu ca trong tất cả các cuộc họp với nhà cầm quyền trung ương và các cơ quan cấp viện quốc tế hàng năm nhưng mọi chuyện không có gì thay đổi. Nay thì người ta thấy nói nhiều hơn về chuyện quan chức của chế độ “ăn quỵt tiền bôi trơn”.

Ngày 20/4/2015, nhiều báo ở Việt Nam dựa vào một bản “Báo cáo về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chánh công cấp tỉnh” ở Việt Nam cho biết cuộc nghiên cứu của LHQ phối hợp một tổ chức ngoại vi của đảng CSVN thấy rằng “50% người được phỏng vấn nói phải lót tay để vào công chức”.

Khi đã phải “lót tay” để trở thành công chức, những người này đều nghĩ tới chuyện thu lại cả vốn lẫn lời. Nhũng nhiễu “bôi trơn” là cái vòng xoáy không bao giờ ngừng nghỉ tại Việt Nam nếu guồng máy công quyền không minh bạch, luật lệ không minh bạch. (TN)
04-24- 2015 6:24:31 PM

Chuyện ông Sản

Hồ Thành (Danlambao) - Bà Việt để lại gia tài là một dải đất hình chữ S cùng cái ao gắn liền với đất cho hai người con. Con cả bà là ông Sản sống ở phần đất phía Bắc, ông Hòa là con út bà sống ở phần đất phía Nam. Ông Hòa hiền lành chất phát, làm ăn tích cốp được 16 tấn vàng cất trữ trong nhà. Trong khi đó ông Sản thì ngược lại, không làm gì cả, lêu lổng theo bọn du côn học võ đánh người.

Ỷ mình giỏi võ ông Sản nhiều lần gây hấn đánh ông Hòa. Năm Mậu Thân đang lúc giao thừa ông Hòa sửa sang mâm cỗ cúng ông bà thì bị ông Sản lẻn sang nhà đánh túi bụi, lần ấy ông Hòa kịp thời chống trả nên ông Sản bị thương nặng hơn. Tưởng rằng sau trận đánh đó thì bình yên, nhưng không, ông Sản về nhà đem bán đi tài sản quí giá của bà Việt để lại là nửa cái ao phía bắc cho thằng Khựa, đổi lấy lưỡi gươm bén nhọn của nó đem về để đánh ông Hòa.

Vào giữa trưa một ngày cuối cùng của tháng tư đen cách đây 40 năm, ông Sản hung hăng cầm gươm sắc nhọn mua của thằng Khựa chạy vào nhà ông Hòa đâm chém ông Hòa chết ngay tại chỗ. Ông Sản cướp đi 16 tấn vàng của ông Hòa rồi đem về bán cho thằng Ngố là đồng bọn du côn với ông. Toàn bộ tài sản của ông Hòa cũng về tay ông Sản. Con cháu ông Hòa đứa thì bị ông Sản bắt, giết, đứa thì sợ hãi nhảy vội xuống ao chết đuối, có đứa sống sót được sang bên kia bờ được ông Mão cưu mang.

Rồi từ đó, cứ mỗi lần đến ngày án mạng là có triệu người vui, triệu người buồn. Triệu người con cháu ông Sản hưởng thành quả ăn cướp nên vui, triệu người con cháu ông Hòa với nỗi nhớ ông Hòa, nỗi mất quê nhà nên buồn.

Thoáng cái đã 40 năm, tài sản cướp ngày nào giờ ăn đã hết, trong khi đó bị cha già là ông Sản ức hiếp, cấm cách làm ăn, đám con cháu ông Sản đói rách bơ vơ. Nghĩ lại chúng nó thấy thương nhớ ông Hòa. Một ngày chủ nhật bên bờ hồ nhà ông Sản chúng nó mặc kiểu áo ông Hòa năm xưa thì bị ông Sản bắt nhốt đánh đập tả tơi.

Ngày giỗ ông Hòa năm nay triệu triệu người buồn chỉ có một người vui. Người buồn là cháu chắt bà Việt sống mọi nơi, người vui chỉ có mình ông Sản. 

Ông Sản là kẻ ác và hèn: ác với em trai và con cháu nhưng hèn với đồng bọn lưu manh. Ông Sản để cho thằng Khựa sang lấn cái ao nhà là tài sản bà Việt năm xưa để lại, ông Sản đã không dám chống lại thằng Khựa mà còn ra tay đánh những con cháu nào dám lên tiếng la làng thằng Khựa sang ăn cướp cái ao.

Chuyện bức xúc đến nỗi cháu ông Hòa đang sống nhờ nhà ông Mão bên kia ao, cái đứa mà ngày ông Hòa bị giết nó liều mình nhảy xuống ao bơi sang nương nhờ nhà ông Mão khi còn bé tí, đã mượn hai cái thuyền cùng súng hiện đại của ông Mão bơi về thăm ông Sản, ý là mượn súng giúp ông Sản đòi lại ao bà Việt cho con cháu bà nhưng ông Sản vẫn làm thinh.

Biện hộ cho hành vi giết người, ông Sản suốt ngày ra rả cái miệng đổ thừa cho ông Hòa cướp đất của ông nên ông đành giết chết ông Hòa để cướp lại. Nhưng ông Hòa là con bà Việt sống trên phần đất phía nam do bà Việt để lại là hoàn toàn hợp pháp chứ nào đâu có cướp đất của ai.

Năm nay ông Sản già lắm rồi, ai cũng mong ông Sản chết nhưng ông chưa chết. Ông Sản có chết đi thì con cháu ông mới làm ra ăn nên được. Chuyện án mạng ngày nào do ông gây ra có quên đi thì con cháu bà Việt mới cùng nhau sum họp một nhà chống bọn lưu manh đang cướp cái ao.

Nhưng ông Sản nào có chịu chết đâu, thói côn đồ ngày nào vẫn còn đó, ngày giỗ ông Hòa năm nay đang lúc triệu triệu người buồn vì nhớ ông Hòa thì ông Sản mang gươm nhọn hoắt sang nhà ông Hòa năm xưa múa múa mấy đường gươm.

Gươm ấy chỉ có giết được anh em con cháu trong nhà chứ nào dám đụng đến bọn lâu la đang lấn đất tổ tiên nhà bà Việt.

Con cháu bà Việt và cả xóm làng nữa lắc đầu ngao ngán!

26.04.2015

Chuyển biến cây xanh Hà Nội

cay-xanh-622.jpg
Quán nước lưu động dưới bóng cây Hà Nội.RFA

Với người Hà Nội, từng con phố, từng bờ hồ, từng lối nhỏ, nơi nào cũng gắn bóng với hàng cây và dấu ấn thời gian của thành phố ngàn năm tuổi này. Mùa hè đến, cũng là lúc người dân rủ nhau ra bờ hồ hóng gió, những bà hàng me hàng sấu tìm đến những bóng cây ven đường để ngồi nghỉ xả hơi, bày biện chỗ bán giải khát cho khách qua đường. Thói quen này đã thành một nếp văn hóa riêng rất Hà Nội. Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, mọi thói quen và nếp văn  hóa bị thay đổi một cách hết sức chóng mặt.

Mức phí khủng và hậu quả

Một bạn trẻ Hà Nội tên Thành, bức xúc: “Về mặt chủ quan của mình, mình là một người yêu cây xanh, yêu tiến bộ, thì mình rất khó chịu, giận, bực bội việc chặt cây, thái độ trong việc chặt cây, sự o ép, giờ là o ép những người tiến bộ…”

"Về mặt chủ quan của mình, mình là một người yêu cây xanh, yêu tiến bộ, thì mình rất khó chịu, giận, bực bội việc chặt cây, thái độ trong việc chặt cây, sự o ép, giờ là o ép những người tiến bộ. "-Anh Thành

Theo Thành, Hà Nội, nếu thiếu những hàng cổ thụ, thiếu bóng cây me, cây sấu, cây xà cừ sẽ chẳng còn là Hà Nội nữa mà nó sẽ thành một thành một thành phố trẻ với những hàng cây mới mọc, chẳng biết khi mọc cao chúng sẽ ra sao. Bên cạnh những hàng cây mới này là những khối bê tông, cốt thép mọc lên cùng với lòng người cũng dần chai sạn, lì lợm và lạnh lùng.

Bạn trẻ này nói thêm rằng theo như bạn tìm hiểu, ở các nước văn minh, khi trồng một cây xanh, xây một căn nhà hay làm một con đường, người ta phải tính toán rất kĩ lưỡng, trong một số trường hợp phải hỏi ý kiến người dân, mong họ góp ý nhiệt tình để tìm ra giải pháp tốt nhất. Ngay cả việc làm một con đường, có thể người ta sẽ đập bỏ rất nhiều căn nhà, biệt thự để con đường đó được thẳng thớm. Nhưng khi gặp một cổ thụ, người ta phải suy nghĩ, tính toán rất kĩ và thường chọn giải pháp là cho con đường đi vòng để tránh cổ thụ.

Nếu đứng trên góc độ này để tham chiếu phương cách qui hoạch thành phố ở Hà Nội nói riêng và nhiều thành phố trên cả nước nói chung, có vẻ như mọi dự án, qui hoạch tại Việt Nam vẫn còn trong tình trạng coi trọng kĩ thuật mà khinh tự nhiên, hầu hết các dự án bê tông cốt thép đều ủi văng những hàng cây. Mà trong khi đó, để có một hàng cổ thụ, người ta tốn đến cả trăm năm, ngàn năm, trong khi đó, để xây một biệt thự hay một tòa cao ốc, không thể vượt quá ba năm thi công và hoàn thiện.

Trong khi đó, tại Hà Nội, người ta từng nắn con đường cong ngoằn ngoèo để tránh khu nhà của các sĩ quan quân đội và nói rằng đây là “đường cong mềm mại”. Với cây xanh thì khác, người ta không ngần ngại phá tan tành mọi thứ, miễn sao đạt được mục đích và để đạt được mục đích của nhà nước, nhân dân phải gồng lưng trả giá.

Cạo vỏ cây xà cừ để cây chết dần chết mòn và chặt bỏ... RFA PHOTO.

Hiện tại, những cây xanh bị sâu đục, kém phát triển trong thành phố vẫn chưa được khai thác, vẫn nằm trong dự án chờ, trong khi đó những cây phát triển xanh tốt, sống ổn định mấy chục năm nay thì người ta lại thả sức chặt phá bởi làm như vậy sẽ có lợi cho một bộ phận có quyền lực.

Theo Thành, nếu nhà cầm quyền tử tế, người ta sẽ lên dự án thay cây sau khi thông qua ý kiến của người dân và tổ chức đấu giá, bán cây cho tư nhân, làm như vậy được lợi hai mặt, vừa có tiền bổ sung ngân sách nhà nước lại vừa khỏi tốn kém khoản tiền đốn hạ gần bốn chục triệu đồng trên mỗi cây, khỏi phải ảnh hưởng đến ngân sách, đến tiền thuế của dân.

Nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã không những khai thác cây vô tội vạ, mượn cớ xây đường tàu điện để phá cây mà còn tùng xẻo ngân sách nhà nước để tính vào chi phí triệt hạ cây xanh. Chỉ riêng chi phí đánh dấu cây, mỗi cây được bệt một nhát cọ sơn trắng mà người ta tính lên đến 700 ngàn đồng, tương đương với ba ngày rưỡi công lao động của người dân. Tổng chi phí chặt phá mỗi cây lên đến gần bốn chục triệu đồng, cộng với tiền mua cây và trồng trở lại có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mỗi gốc cây bị bứng đi và trồng lại tốn ước chừng một trăm triệu đồng, lấy số tiền này nhân với số gốc cây gồm 6700 gốc sẽ ra con số 670 tỉ đồng. Một con số quá khủng khiếp mà không mang lại kết quả tốt đẹp nào, gỗ vẫn bị lấy đi một cách bất minh. Hậu quả là bóng mát và vẻ đẹp Hà Nội bị biến mất, lòng người trơ trọi.

Dân tiếp tục phản đối, cây vẫn bị xâm hại

Một bạn trẻ khác tên Hưng, sống ở phố Yết Kiêu, Hà Nội, chia sẻ thêm: “Hiện nay có hiện tượng một số cây bị chặt vỏ cây, tập trung vào một số cây xà cừ. Trước đây bản chất là tham nhũng rồi nhưng giờ thêm chuyện đẽo cây nữa nên người dân cho là không thể nhịn được nữa. Họ xuống đường để nói lên tiếng nói của mình… Lãnh đạo Hà Nội rất cay, bị hai gọng kiềm, một bên dân chủ biểu tình, một bên do những phe phái đánh nhau. Hiện tại những người đứng đầu của những nhóm xuống đường đang bị để ý!”

"Hiện nay có hiện tượng một số cây bị chặt vỏ cây, tập trung vào một số cây xà cừ. Trước đây bản chất là tham nhũng rồi nhưng giờ thêm chuyện đẽo cây nữa nên người dân cho là không thể nhịn được nữa. Họ xuống đường để nói lên tiếng nói của mình. "-Anh Hưng

Theo Hưng, chuyện người dân Hà Nội phản đối chặt cây xanh bằng cách biểu tình ôn hòa, kêu gọi qua các trang mạng xã hội hay dán nơ xanh, dán áp phích lên những thân cây nhằm kêu gọi nhà cầm quyền ngưng chặt hạ cây xanh… có vẻ như không mang lại tác dụng nào đối với bộ máy cầm quyền Hà Nội vốn dĩ đã bị bệnh cố chấp và chuyên quyền đến cực đoan.

Trong số những bạn trẻ biểu tình phản đối chặt cây xanh, thi thoảng xuất hiện những bà hàng nước me nước sấu, họ phản đối nhà cầm quyền chặt mất bóng mát. Nơi mà giữa trung tâm thành phố, với họ, ngồi dưới bóng cây bán vài ly nước me, nước sấu hay bát chè xanh cho khách qua đường cũng đủ làm ấm lại không khí thôn quê miền Bắc trong lồng ngực xa nhà, trong trái tim hoài cổ của họ.

Thay vì lắng nghe nguyện vọng của dân, giải trình một cách đầy đủ về lý do cũng như mục đích chặt cây xanh, ông Phan Đăng Long – Phó trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội tuyên bố việc chặt cây thì không cần phải hỏi đến dân. Việc này cho thấy ông không hiểu gì về chức năng của nhà nước.

Hưng nói thêm, bộ máy nhà nước đã hưởng tiền lương từ thuế của nhân dân và trích tiền từ ngân sách nhà nước để trồng cây, cây phải thuộc về nhân dân, là tài sản quốc dân chứ không phải của nhà nước. Nhà nước chỉ đóng vai trò làm thuê cho nhân dân, chính vì vậy, bất kì tác động nào đến tài sản quốc dân đều phải có sự đồng thuận từ phía nhân dân.

Kiểu nói già mồm của Phan Đăng Long chỉ cho thấy ông ta là người có tầm mức văn hóa quá thấp, chưa đủ trình độ và khả năng để hiểu được công việc mình đang làm cũng như chưa thấy được chức năng của bộ máy mình đang phục vụ mà chỉ hàm hồ dựa trên sức mạnh đảng trị.

Chính vì câu nói của một quan chức tuyên giáo cũng như thái độ im lặng, đồng thuận của các quan lại cấp cao trong bộ máy cầm quyền Hà Nội mà kẻ rắp tâm chặt hạ cây đã không ngần ngại đi từ thủ đoạn này sang thủ đoạn khác nhằm triệt hạ cây xanh. Không chặt được hàng loạt, họ đã lén lút cạo vỏ  rất nhiều cây xà cừ để chúng chết dần chết mòn, sau đó nói rằng cây bị hỏng và lại chặt.

Hưng nói rằng về phía nhà cầm quyền thành phố thì mọi việc trắng đen, tốt xấu đã rõ. Nhưng Hà Nội đâu chỉ là một thành phố đơn thuần, mà là trung tâm thủ đô của một quốc gia, toàn bộ đầu não quyền lực quốc gia đang nằm ở đây. Tại sao đến lúc này cây vẫn cứ bị phá hoại mà các cơ quan đầu não vẫn chưa lên tiếng? Có vấn đề mờ ám gì chăng?!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Theo RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/the-trees-in-hanoi-04252015094710.html/TTVN042515.mp3

Thư ngỏ kêu gọi ký tên phản đối TQ gây hấn trên biển Đông

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2015-04-25  
Công trình xây dựng của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma, ảnh chụp từ vệ tinh ngày 15/11/2014.
Công trình xây dựng của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma, ảnh chụp từ vệ tinh ngày 15/11/2014. Ảnh do trung tâm CSIS cung cấp

Hoạt động bành trướng của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông gây quan ngại cho không chỉ đối với những quốc gia trong khu vực mà còn nhiều nước khác trên thế giới.

Ngoài sự lên tiếng, phản đối của cơ quan chức năng, một số người Việt trong và ngoài nước vào ngày 19 tháng tư vừa qua cho công khai một thư ngỏ kêu gọi mọi người cùng ký tên như là một đóng góp thêm vào cho công cuộc đấu tranh đòi hỏi chủ quyền và yêu cầu Trung Quốc ngưng những hành động lấn lướt của họ tại khu vực biển tranh chấp.

Cấu trúc thư

Nhóm có tên Southeast Asia Sea United Front, tạm dịch Mặt trận Đoàn kết Biển Đông Nam Á, chủ xướng lá thư kêu gọi những người quan tâm ký tên với mục đích tối hậu được cho biết là ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Cô Ann Đỗ, một trong những người tham gia soạn thảo bức thư, cho biết lại cấu trúc chính của lá thư:

"Trong lá thư có cấu trúc thứ nhất giới thiệu một phần lịch sử của Biển Đông, thứ hai là tình hình hiện tại, thứ ba là mức đe dọa quân sự, thứ tư là vấn đề môi trường ở Biển Đông bị phá hoại nghiêm trọng, và thứ năm có đưa ra một số đề nghị. Sau cùng là những tài liệu tham khảo và mọi người ký tên. "-Cô Ann Đỗ

“Trong lá thư có cấu trúc thứ nhất giới thiệu một phần lịch sử của Biển Đông, thứ hai là tình hình hiện tại, thứ ba là mức đe dọa quân sự, thứ tư là vấn đề môi trường ở Biển Đông bị phá hoại nghiêm trọng, và thứ năm có đưa ra một số đề nghị. Sau cùng là những tài liệu tham khảo và mọi người ký tên.

Trong phần đề nghị chúng tôi đưa ra ủng hộ đối với thư của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain và hai vị thượng nghị sĩ nữa là Hoa Kỳ nhanh có những biện pháp làm giảm hay ngưng các biện pháp trái phép của Trung Quốc.

Thứ hai là chúng tôi yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng những căn cứ quân sự đe dọa tự do hàng hải trên tuyến đường hàng hải ở Biển Đông Nam Á.

Chúng tôi cũng thúc giục chính quyền Hoa Kỳ nhanh chóng củng cố một mặt trận quốc tế hữu hiệu hợp cùng lực lượng Nhật, Philippines, Ấn Độ và Úc để ngăn chặn hành động lấn lướt ngày càng lộ liễu của Trung Quốc tại Biển Đông dễ dàng dẫn đến thế chiến thứ ba mà tổn thất sẽ là nỗi kinh hoàng cho nhân loại.

Điểm thứ ba là trong các văn bản liên quan cần thay thế từ ‘đảo tranh chấp’ bằng từ ‘đảo bị Trung Quốc xâm chiếm’ vì trên thực tế cũng như trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ có quyền sở hữu những hòn đảo này.”

Công tác phổ biến

Kèm theo bức thư được công bố là danh sách của hơn 70 người ký tên đầu tiên. Trong số này có 24 người Philippines và 47 người Việt Nam cả trong và ngoài nước tham gia.

Cũng theo cô Ann Đỗ thì thư kêu gọi mọi người tham gia ký tên để rồi gửi đến cho các chính trị gia tại địa phương của họ yêu cầu có sự lên tiếng thích hợp trước hành động được cho là gây hấn nguy hiểm của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông:

001_GR308262-305.jpg
Bản đồ hình lưỡi bò do TQ tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông.

“Việc phổ biến lá thư này trước hết chúng tôi vận động được một số cá nhân trong cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ gửi thư này lên các thượng nghị sĩ như nhóm của thượng nghị sĩ John McCain đang rất quan tâm về vấn đề Trung Quốc quân sự hóa vùng Biển Đông. Chúng tôi cố gắng vận động gửi thư này đến nhóm thượng nghị sĩ đó cũng như thượng và hạ viện Mỹ.

Ngoài ra có những cộng đồng người Việt mà họ có thể vận động qua các dân biểu, lãnh đạo cấp tiểu bang.

Gần đây có một diễn đàn ‘Boston Forum’, trong nhóm đó có một người quan tâm và yêu cầu chúng tôi gửi lá thư này cho Diễn đàn. Vừa qua vào ngày 20 tháng tư họ cũng có một hội  thảo và liên quan đến vấn đề quản lý, hòa bình và ổn định tại vùng Biển Đông Nam Á. Chúng tôi đã liên hệ, gửi thư đến cho họ và chờ đợi sự phản hồi từ phía họ.

Ngoài ra cũng có rất nhiều nhóm như nhóm Nghiên cứu Biển Đông, hay Quỹ Nguyễn Thái Học, họ có thời gian dài nghiên cứu và lên tiếng, ‘petition’ thì chúng tôi cũng chia xẻ những thông điệp của họ để mọi người tăng sự quan tâm nhiều hơn.

Nói chung ở đây có cùng một mục đích chung là làm sao cho Trung Quốc phải ngưng ngay lập tức việc xây dựng đó. Sau đó là đi đến đàm phán để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.”

Chống lại tuyên truyền của Trung Quốc

Có thể nói phía Trung Quốc ngoài hoạt động làm thay đổi hiện trạng tại khu vực tranh chấp, lâu nay công tác tuyên truyền của họ cũng mạnh mẽ không kém.

Cô Ann Đỗ đưa ra nhận định về thực tế này như sau:

“Trên mặt trận truyền thông họ sử dụng nguồn tài chính, nhân lực của họ có, kể cả về mặt kỹ thuật, công nghệ thông tin nữa để họ áp đảo mọi tiếng nói; nghĩa là đi ngược lại mọi tuyên bố của họ. Ví dụ thông qua báo chí, Internet, kể cả như đại sứ Việt Nam tại ASEAN phát biểu họ (Trung Quốc) vị phạm DOC, hay đang làm những việc trái phép; ngay lập tức hôm sau phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng đàn ‘chửi’ ngay lập tức.

Và đôi khi những báo chí trong nước của họ như Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu có những bài báo ‘chửi’ những tiếng nói đi ngược lại tuyên bố của họ, nói chung họ dùng những lời lẽ không thể tưởng tượng được, gây sốc cho người khác. Và bất cứ ai như Anh, Mỹ hay những bộ trưởng trong khu vực có lên tiếng đều bị phản bác.  Họ (Trung Quốc) luôn khẳng định những điều họ làm là đúng, nằm trong phạm vi chủ quyền của họ và không vi phạm điều gì hết.

"Trên mặt trận truyền thông họ sử dụng nguồn tài chính, nhân lực của họ có, kể cả về mặt kỹ thuật, công nghệ thông tin nữa để họ áp đảo mọi tiếng nói; nghĩa là đi ngược lại mọi tuyên bố của họ. "-Cô Ann Đỗ

Ngoài ra theo chúng tôi được biết thì những tài liệu lịch sử tại các trường đại học, họ đưa ra những chứng cứ ngụy tạo. Có nghĩa là họ chi tiền cho những nghiên cứu viên để viết ra những cuốn sách cho rằng chủ quyền, đường lưỡi bò là chủ quyền mang tính lịch sử của họ. Họ làm đủ mọi cách để chứng minh với thế giới rằng những điều họ đang làm là đúng. Họ không căn cứ vào luật quốc tế, luật biển mà họ đưa ra nói chủ quyền mang tính lịch sử. Lịch sử có nghĩa là từ đời Tần, đời Tống, đời Thanh và gần như họ phản bác toàn bộ tiếng nói của cộng đồng thế giới còn lại.”

Theo đánh giá của những người trong lĩnh vực nghiên cứu và tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam thì có thể nói tương quan lực lượng giữa hai phía Hà Nội và Bắc Kinh có khoảng cách lớn.

Tuy nhiên theo phó giáo sư- tiến sĩ Trần Nam Tiến, khoa Sử- Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh thì phía Việt Nam đang có cải thiện:

“Theo tôi thật ra có một sự thay đổi khá nhiều so với trước đây. Có sự mở rộng phạm vi trong việc nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và rộng hơn ở Biển Đông.

Theo tôi lực lượng là quan trọng trong việc nghiên cứu và công bố các công trình khoa học liên quan đến vấn đề này.

Rõ ràng hiện nay đội ngũ nghiên cứu (của Việt Nam) vẫn còn chưa nhiều, và sự liên kết chưa được thể hiện một cách chặt chẽ. Tuy nhiên theo tôi nghĩ trong thời gian tới lực lượng này sẽ tăng lên, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ là những người có điều kiện tiếp xúc với những tài liệu, đặc biệt là những tài liệu lưu trữ ở các kho tư liệu lớn ở Phương Tây như Hà Lan, Anh…”

Sự tham gia ký tên và yêu cầu các giới chức chính trị từ cấp địa phương đến trung ương ở các nơi có công dân của những nước đang bị Trung Quốc xâm lấn chủ quyền theo thư của Southeast Asia Sea United Front là một trong những công việc mà người nào cũng có thể tham gia để chống lại những sai phạm về chủ quyền của Trung Quốc lâu nay.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/call-for-denouncing-cn-aggression-in-scs-gm-04242015215558.html/vgm042515.mp3

Bản lên tiếng của các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại VN - nhân kỷ niệm 40 năm biến cố 30-04-1975

Kính thưa toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước. 
Kính thưa các chính phủ dân chủ và các cơ quan nhân quyền quốc tế. 

Cách đây đúng 40 năm, ngày 30-04-1975, kết thúc cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam Bắc với bao tang thương đổ vỡ, chôn vùi một chính thể dù còn bất toàn nhưng vẫn có tự do no ấm, và mở đầu cho việc áp đặt chế độ cộng sản lên toàn thể đất Việt. 

Nhìn lại những gì mà đảng và nhà cầm quyền Cộng sản đã làm trên đất nước VN từ sau ngày bi thảm và tang thương đó đến hiện tại, chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước, nhận định rằng đây là 40 năm áp đặt chế độ toàn trị và 40 năm tiêu diệt ý thức con người.

1- 40 năm áp đặt chế độ toàn trị. 

Khác hẳn mọi chế độ độc tài trong lịch sử nhân loại (phát xít, quân phiệt, tài phiệt, giáo phiệt…) vốn chỉ chú trọng tới một hai khía cạnh của quốc gia xã hội, chế độ CSVN - như mọi chế độ CS khác - đều mang tính toàn trị, nghĩa là muốn quản lý hết mọi phương diện của đời sống xã hội lẫn cá nhân, từ vật chất đến tinh thần.. 

a- Toàn trị chính trị: 

Đảng CSVN luôn muốn chỉ duy mình cai trị đất nước, không chấp nhận đảng đối lập. Nên sau khi chiến thắng, họ lập tức giam nhốt nhiều năm mọi quân, cán, chính của chế độ cũ và đảng viên các đảng phi Cộng sản; tiếp đến tiêu diệt gọn các nhóm phục quốc bắt đầu xuất hiện rồi còn tạo ra những tổ chức kháng chiến giả hòng gài bẫy người yêu nước. Để chính danh hóa và hợp pháp hóa quyền cai trị độc hữu của mình, Hiến pháp 1980, qua điều 4 (và các HP sau đó cũng vậy), khẳng định đảng CS là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội. Từ 1975 đến nay, các cá nhân hay tổ chức đòi đa nguyên đa đảng đều bị trấn áp tàn bạo. Tam quyền phân lập biến thành tam quyền phân công dưới sự chỉ đạo của đảng. Nhưng để tránh mang tiếng đàn áp chính trị, CS gọi các “tội chính trị” là tội hình sự, và dùng các điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự để trừng phạt “tội” này. 

Hậu quả: toàn dân (trừ đảng viên) mất hết mọi quyền chính trị và dân sự, không thể tự chọn người lãnh đạo đất nước, cũng không thể tham gia quốc sự qua việc ứng cử vào quốc hội hay các hội đồng nhân dân. Bầu khí chính trị ngột ngạt, tù nhân chính trị đông đảo (theo thống kê mới nhất, hiện còn 105 tù nhân lương tâm), mọi đảng chính trị bị cấm tiệt. Và sự toàn trị chính trị này cũng là nguyên nhân gây ra các hậu quả kế tiếp. 

b- Toàn trị kinh tế: 

Năm 1976, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 254 xoá bỏ giai cấp tư sản mại bản, tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh miền Nam, phá tan một nền kinh tế trù phú. Song song, đảng đuổi hàng vạn thị dân vùng chế độ cũ đi kinh tế mới để cướp đất cướp nhà. Hậu quả là đất nước đứng bên bờ vực thẳm phá sản, khiến năm 1986 đảng phải đề ra chính sách “Đổi mới”, cải cách kinh tế theo phương thức thị trường. Đời sống vật chất của dân phần nào nên dễ thở, nhưng đảng lại nhân cơ hội hóa thân thành tư bản đỏ. Nên HP 1992 (đ. 17-18) và Luật đất đai 1993 đưa ra khái niệm quái đản: “Mọi tài nguyên đất nước đều thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”. Quyền tư hữu đất đai bị bãi bỏ; người dân trở thành kẻ đi thuê của nhà nước, đang khi nhiều đảng viên sở hữu hàng trăm héc-ta ruộng vườn. CSVN đưa thêm khái niệm quái đản thứ 2: “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (mà cho tới nay chẳng ai có thể hình dung ra sao) với kinh tế nhà nước làm chủ đạo (HP 1992, đ. 15 và HP 2013, điều 51). Nhiều tổng công ty và đại tập đoàn được thành lập do đảng viên và thân thuộc nắm giữ nhưng rốt cuộc chỉ tham nhũng và thua lỗ, làm thiệt hại ngân sách quốc gia hàng vạn thậm chí hàng triệu tỷ đồng. 

Hậu quả: sau 4 thập niên hòa bình, lợi tức đầu người VN năm 2014 chỉ là 1.028 USD (so với Singapore cùng khởi điểm thoát ách thuộc địa: 36.897 USD). Năng lực cạnh tranh của VN hiện đứng chót ASEAN. Mấy trăm ngàn doanh nghiệp tư phá sản. Nhà nước đi vay để trả lãi nợ công 3 tháng 1 tỷ đô; bình quân đầu người từ già đến trẻ phải gánh 1.000 đô nợ... Dân oan lên tới hàng triệu người, dở sống dở chết. Công nhân cũng hàng triệu người bị bóc lột tận xương tủy! 

c- Toàn trị văn hóa: 

Ngay sau khi toàn thắng, CS tịch thu phá hủy mọi sách văn học, nghệ thuật, lịch sử của VNCH, bỏ tù vô số văn nhân nghệ sĩ. Nhiều nhà văn phản kháng từng phục vụ chế độ cũng bị đọa đày. Mọi ngành văn học nghệ thuật đều phải đề cao chủ nghĩa, chế độ và đảng CS. 

Toàn trị văn hóa đặc biệt thực thi trên lãnh vực giáo dục đại chúng và giáo dục học đường. CS cấm hẳn báo chí tư nhân, nắm hết báo chí các loại, dùng chúng không như phương tiện thông tin đơn thuần mà như công cụ tuyên truyền nhồi sọ công chúng, hướng dẫn lèo lái công luận, bắt nhân dân chỉ biết nói, nghĩ và làm theo mệnh lệnh của đảng. CS cũng tạo ra một đám “trí nô ký sinh” có học vị cao nhưng chỉ biết gian trá và ngụy biện để luôn bênh vực đảng. Tất cả chỉ nhằm cho nhân dân thấy đảng là thần công lý và nguồn sự thật. Giáo dục học đường bị chính trị hóa. Mọi hiệu trưởng đều là đảng viên, triết lý giáo dục là học thuyết Mác Lê và tư tưởng Hồ, không đào tạo giới trẻ thành công dân tự do và trách nhiệm cho đất nước nhưng thành thần dân tùng phục đảng và công cụ phục vụ đảng. Toàn trị văn hóa còn thực hiện qua việc đàn áp tôn giáo bằng bạo lực vũ khí và bạo lực hành chánh (sách nhiễu, cấm cản, bỏ tù, cướp bóc, phá hoại) nhằm ngăn chận các giáo hội đưa vào quần chúng giáo lý đầy tính giải thoát và văn hóa đậm chất nhân bản của mình, ngõ hầu thuyết duy vật vô thần độc tôn thống trị. 

Hậu quả: VN nay không có những tác phẩm văn chương, nghệ thuật giá trị; thành tựu khoa học (phát minh sáng kiến) hiếm hoi; trình độ học sinh, sinh viên, chuyên gia thấp kém. Cơ sở giáo dục thiếu thốn và bệ rạc; đạo đức học đường sa sút từ thầy đến trò, đầy bạo hành và gian dối; đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng: dửng dưng, bóc lột, giành giật, lừa đảo nhau; hối lộ tham nhũng, mua quan bán chức là chuyện bình thường; mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, lễ hội nhếch nhác xuất hiện khắp nơi; người ta tự ru ngủ với những kỷ lục lớn, thành tích ảo. 

d- Toàn trị xã hội: 

Quyết không để lọt thành phần nào, giai tầng nào trong xã hội, CS tạo ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để quy tụ trong đó mọi tổ chức chính trị, kinh tế, dân sự. Mặt trận này hiện có 44 đoàn thể thành viên. Tất cả dưới sự chỉ đạo của đảng, thành phần lãnh đạo là người của đảng, nhắm mục đích tối cao: bảo vệ sự cai trị độc đoán và lâu dài của đảng. Và để việc toàn trị xã hội được bảo đảm, CS biến các lực lượng trong đất nước thành công cụ: quốc hội, tòa án, chính quyền, công an, tôn giáo quốc doanh. Quốc hội biến ý đảng thành lòng dân, xây dựng luật để bắt dân theo ý đảng. Chính quyền dùng nền hành chánh buộc dân tuân hành chính sách đường lối của đảng. Tòa án cấu kết với công tố và điều tra để khiến công lý luôn đứng về phía đảng. Công an làm thanh gươm bảo vệ đảng, không để thằng dân nào động tới quyền lực đảng. Tôn giáo quốc doanh dạy tín đồ luôn vâng lời đảng. 

Hậu quả: toàn thể xã hội sống co ro dưới sự dòm ngó, theo dõi, kiểm soát của tai mắt đảng (MTTQ), chẳng còn ai dám bày tỏ ý kiến và tình cảm cách chân thật. Dân kiện người của đảng thì nắm chắc phần thua. Lấy cớ bảo vệ đảng, công an dân phòng đối xử với dân cách vô luật: sách nhiễu, hành hung, đàn áp. Ba năm nay, hơn 260 người chết đang khi bị tạm giam. Hành xử bạo lực của công an gieo giữa xã hội thói quen bạo lực. Người dân hiện chẳng được luật pháp che chở! 

2- 40 năm tiêu diệt ý thức con người 

Hồ Chí Minh từng nói: “Muốn xây dựng CNXH, trước hết cần có những con người XHCN”. Thực tế, câu đó có nghĩa: “Đảng muốn xây dựng thể chế độc tài toàn trị, phải có những con người bị tiêu diệt ý thức, lương tâm nhưng lại có vai trò trong xã hội trước đã”. Và đó là điều CSVN miệt mài thực hiện 40 năm qua. 

a- Tiêu diệt ý thức đại diện quốc dân nơi thành viên Quốc hội: 
Không do dân bầu nhưng do đảng cử, họ hầu như luôn "nhất trí cao" trước ý muốn của đảng. Từ công hàm Phạm Văn Đồng (1958), qua hai hiệp định lãnh thổ và lãnh hải (1999 và 2000), đến chuyện khai thác bauxite (2007), cuộc xây dựng Hiến pháp mới (2013)... Quốc hội chẳng hề đứng về phía nhân dân mà tìm hiểu, chất vấn, phản biện hoặc kiểm soát, theo dõi, nhất nhất để cho Bộ chính trị và Trung ương đảng mặc sức tung hoành, dù bất lợi cho dân và hiểm nguy cho nước. 

b- Tiêu diệt ý thức phục vụ công chúng nơi nhân viên công quyền: 
Được đảng bộ trung ương hay địa phương đặt để chứ không do dân trao quyền, họ luôn cư xử như trời con lãnh chúa, hống hách khinh người, lo tích trữ của hơn phục vụ dân. Bằng chứng: xây cơ ngơi đồ sộ, ăn chặn tiền kẻ nghèo, mặc kệ dân khiếu kiện, đánh phá cướp bóc các tôn giáo, cho Tàu cộng thuê những vùng đất chiến lược làm cảng thương mại, khu du lịch, phố thị thôn làng. 

c- Tiêu diệt ý thức tôn trọng và bảo vệ dân nơi lực lượng công an: 
Tự coi như lực lượng bảo vệ đảng, thề tuyệt đối trung thành với đảng, công an trở thành công cụ đàn áp dân oan và giáo oan đòi công lý nhân quyền, "lực lượng đối thọi" với các nhà dân chủ cất tiếng đòi tự do; kẻ hỗ trợ cho công tố và thẩm phán trong các phiên tòa chính trị; nỗi kinh hoàng cho ai bị bắt về đồn do «vi phạm» lớn nhỏ: bị đánh đập dã man, tra tấn đến chết rồi bị vu cáo là “tự tử”! 

d- Tiêu diệt ý thức bảo vệ Tổ quốc nơi hàng ngũ quân đội: 
“Trung với đảng” thay vì “Trung với nước hiếu với dân”, được tự do kinh tài, quân đội trở thành công cụ của đảng, chỉ lo làm giàu (hàng tướng lãnh đạo nắm vô số công ty lớn nhỏ), lơ là bổn phận bảo vệ Tổ quốc đồng bào, bỏ mặc ngư dân cho Tàu cộng sách nhiễu, cướp bóc, tàn sát, có khi còn tham gia đàn áp dân lành. Dẫu từng oai hùng chiến đấu năm 1979 hay anh dũng tử trận năm 1988, quân đội xét chung nay hoàn toàn bị khống chế bởi những tay sai Bắc triều trong Bộ chính trị hay Bộ quốc phòng. 

e- Tiêu diệt ý thức bảo vệ công lý nơi giới luật sư, công tố, quan tòa:
Công an điều tra có khi dùng lường gạt hoặc tra tấn để thẩm vấn, công tố (kiểm sát) với điều tra một lòng một dạ, luật sư nhiều lúc chỉ đứng ra xin khoan hồng, thẩm phán thường có những «bản án bỏ túi» do trên định sẵn. Điều tra, công tố và quan tòa ăn hối lộ là chuyện bình thường, nhiều án oan thậm chí án oan tử hình đã được tuyên nhanh nhưng chậm xét lại. Nói chung, bộ máy tòa án hoạt động vì tiền hoặc vì đảng. 

f- Tiêu diệt ý thức thương xót bệnh nhân nơi giới y sĩ: 
Bỏ mặc những ca cấp cứu chưa nộp tiền, khám bệnh một cách chớp nhoáng qua loa, đòi bệnh nhân hối lộ mới săn sóc tốt, cung cấp thuốc quá hạn hay dổm giả, dùng một kết quả xét nghiệm cho cả trăm bệnh nhân, ăn hoa hồng quá độ khiến giá y dược lên tận trời, ưu tiên săn sóc cho đảng viên cán bộ, coi rẻ những ai dùng thẻ bảo hiểm y tế. Nhiều trường hợp bị người nhà bệnh nhân hành hung do thói vô trách nhiệm. 

g- Tiêu diệt ý thức làm chứng cho sự thật và lẽ phải nơi giới tu hành: 
Lý luận mình không muốn dính vào chính trị, vô số chức sắc chỉ lo xây dựng điện thờ nguy nga, tổ chức lễ hội rầm rộ, ra ngoại quốc quyên thật nhiều tiền, mà hoàn toàn dửng dưng trước cảnh đồng bào bị đàn áp, xã hội bị băng hoại, tổ quốc bị lâm nguy… Đôi lúc họ chỉ lên tiếng về các nguyên tắc luân lý chung chung (an toàn hơn) chứ không can thiệp vào những trường hợp bất công cụ thể (dễ gặp nguy hiểm). 

h- Tiêu diệt ý thức lương sư hưng quốc nơi giới thầy giáo: 
Vô số giáo viên thiếu tư cách, thiếu khả năng (“đứng nhầm lớp”), vô số vụ việc thầy bạo hành trò, đổi tình lấy điểm, bắt nữ sinh làm điếm, bỏ mặc trò cho công an hành hạ; có khi cấm học trò mình biểu tình yêu nước chống Trung Quốc xâm lược. Rồi còn nạn dạy thêm để làm giàu và cho điểm giả để lấy thành tích. Từ đó, sinh ra hậu quả khủng khiếp là sự ngây thơ, chân thật, hiền lành nơi học sinh cũng bị tiêu tùng mất hẳn. 

Kết luận: 

Nhìn lại 40 năm qua, ai cũng thấy chưa thời nào trong lịch sử Đất nước, lại có một “chính quyền”, “chính đảng” hành xử như một lực lượng ngoại nhập đến thế, chỉ biết kiểm soát, khống chế mọi lãnh vực của đời sống xã hội và con người cách tinh vi và chặt chẽ, với gian dối và bạo hành, để củng cố quyền lực và thâu tóm quyền lợi. Quyền lực và quyền lợi cho mình, cho thân thuộc, cho phe cánh, đang lúc dân chúng trở thành kẻ bị bóc lột, đời sống nheo nhóc, mạng sống bị coi rẻ như súc vật. “Chính quyền” và “chính đảng” này -do điều hành thất bại mọi mặt và bị Tàu cộng khống chế mọi bề- đang rắp tâm bán nước, sáp nhập VN vào Trung Hoa như một tỉnh lẻ. Chưa thời nào trong lịch sử Đất nước, lại có một dân tộc, một xã hội bị lãnh đạo chính trị coi như con cái để dạy dỗ, con ở để bóc lột, con tin để đem trao đổi đến thế; bị lực lượng cầm quyền không những gây khốn đốn cho cuộc sống về mặt kinh tế, an ninh, môi trường, mà còn gây băng hoại cho nhân cách về mặt ý thức, ý chí và lương tâm. 

Nhưng không, hồn thiêng sông núi, tinh thần dân tộc, ý chí bất khuất của giống nòi đang dâng lên trong lòng hàng triệu con dân Việt khao khát tự do, sáng ngời ý thức trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc, nung nấu ý chí và quyết tâm hành động muôn người như một để bằng mọi cách - với sự trợ lực của Đồng bào hải ngoại - tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản đầu độc tâm trí, giải thể chế độ cộng sản tàn hại xã hội và hất cẳng chính đảng cộng sản đã dồn Dân tộc đến bước đường cùng, hầu xây dựng lại một đất nước tràn ngập chân lý, công bình, tình thương và tự do. 40 năm dưới ách độc tài toàn trị này đã quá đủ!!! 

Làm tại Việt Nam ngày 25-04-2015 

Các tổ chức xã hội dân sự đồng ký tên 

1- Giáo hội Liên hữu Lutheran VN-HK. Đại diện: Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa. 
2- Giáo hội PGHH Thuần túy. Đại diện: Cụ Lê Quang Liêm. 
3- Giáo hội PGHH Thành phố Cần Thơ. Đại diện: Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan. 
4- Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam. Đại diện: Ông Nguyễn Bắc Truyển. 
5- Hội Anh em Dân chủ. Đại diện: Mục sư Nguyễn Trung Tôn. 
6- Hội Bảo vệ Quyền Tự do tôn giáo. Đại diện: Cô Hà Thị Vân 
7- Hội Bầu bí Tương thân. Đại diện: Ông Nguyễn Lê Hùng. 
8- Hội Cựu Tù nhân Lương tâm. Đại diện: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Linh mục Phan Văn Lợi. 
9- Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam: Đại diện: Các bà Trần Thị Hài, Trần Thị Nga, Huỳnh Thục Vy 
10- Hội thánh Tin lành Chuồng Bò. Đại diện: Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng. 
11- Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài. Đại diện: Các Chánh trị sự Hứa Phi, Nguyễn Kim Lân, Nguyễn Bạch Phụng. 
12- Khối Tự do Dân chủ 8406. Đại diện: Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa 
13- Nhóm Bảo vệ Tôn giáo và Sắc tộc. Đại diện: Ông Huỳnh Trọng Hiếu. 
14- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Linh mục Nguyễn Hữu Giải 
15- Phòng Công lý Hòa bình DCCT Sài Gòn. Đại diện: Linh mục Đinh Hữu Thoại. 
16- Phong trào Liên đới Dân oan Tranh đấu. Đại diện: Bà Trần Ngọc Anh. 
17- Tăng đoàn Giáo hội PGVN Thống nhất. Đại diện: Hòa thượng Thích Không Tánh.