Tuesday, August 27, 2019

Cướp đất của dân giao cho mẹ và chị, giám đốc sở ở Hà Nội bị tố

Người dân huyện Quốc Oai tức giận tố cáo việc cấp đất nông nghiệp trái luật cho người nhà ông Nguyễn Mạnh Quyền. (Hình: Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Quốc Oai thừa nhận việc cấp “sổ đỏ” giao đất cho mẹ và chị gái của ông giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Hà Nội “là trái luật.”
Ngày 27 Tháng Tám, 2019, xác nhận với báo chí Việt Nam, ông Đỗ Huy Chiến, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Quốc Oai (Hà Nội), cho biết huyện đã “chấm dứt hiệu lực của tờ quyết định trái pháp luật về việc giao hơn 18.5 hécta đất nông nghiệp ở các xã Phú Cát, Phú Mãn và Hòa Thạch cho bà Nguyễn Thị Loan, chị gái ông Nguyễn Mạnh Quyền, giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Hà Nội để thực hiện ‘Dự Án Trang Trại Nông Nghiệp Tổng Hợp."
Theo tin tờ Tuổi Trẻ, người dân ở các xã Phú Cát, Phú Mãn và Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) đã gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan hữu trách bày tỏ sự bất bình vì đất nông nghiệp đang sản xuất ổn định bị thu hồi giao hết cho người nhà của ông Quyền để làm trang trại.
Việc thu hồi và giao đất được thực hiện trong giai đoạn ông Quyền đang giữ chức bí thư kiêm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Quốc Oai.
Cụ thể, theo đơn tố cáo của người dân, hồi Tháng Sáu, 2016, bà Tạ Thị Huyên (73 tuổi, mẹ đẻ ông Quyền) có đơn xin giao gần 2.3 hécta đất để làm “Dự án trang trại nông nghiệp ở xã Phú Mãn.”
Đều đáng nói là phần lớn diện tích đất kể trên là đất công và 3,100 mét vuông là đất của các gia đình được nhà nước giao để trồng lúa hợp pháp. Do vậy, muốn chuyển đổi thành đất trang trại, bà Huyên phải làm các thủ tục xin chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng trọt và nộp tiền sử dụng đất.
Thế nhưng, mặc dù bà Huyên không có hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không nộp tiền thuế đất theo quy định cho khu đất kể trên nhưng Ủy Ban Nhân Dân huyện Quốc Oai vẫn ngang nhiên cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất (sổ đỏ) cho bà.
Theo đó hồi Tháng Năm, 2017, Ủy Ban Nhân Dân huyện Quốc Oai ký hợp đồng cho bà Huyên thuê đất. Cùng ngày hôm đó, ủy ban huyện cấp luôn “sổ đỏ” với thời hạn sử dụng 49 năm.
Nguyễn Mạnh Quyền, giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Hà Nội. (Hình: Kiến Thức)
Thực tế, dù nêu trong đơn “xin thuê đất, cam kết làm trang trại nông nghiệp” nhưng ngay sau khi được cấp “sổ đỏ,” bà Huyên đã chuyển nhượng lô đất gần 2.3 hécta kể trên cho một người khác, bỏ túi hàng tỷ đồng.
Chưa hết, Tháng Sáu, 2017, tức ngay trước thời điểm ông Quyền được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Hà Nội, Ủy Ban Nhân Dân huyện Quốc Oai đã ký hợp đồng cho bà Loan (ở cùng địa chỉ với mẹ đẻ ông Quyền) thuê khu đất rộng 18.5 hécta tại các xã Phù Cát, Phú Mãn, Hòa Thạch.
Mục đích thuê đất của bà Loan là “làm Dự Án Trang Trại Nông Nghiệp Tổng Hợp,” hình thức thuê đất trả tiền một lần, thời hạn thuê 49 năm.
Đến Tháng Ba, 2018, sau khi được cấp “sổ đỏ,” bà Loan tổ chức san ủi làm dự án nhưng bị người dân phản đối dữ dội.
“Hơn 300 gia đình chúng tôi đang trồng trọt ổn định nhiều năm trên đất của mình mà huyện thu lại để giao cho một người là chị gái ruột của lãnh đạo huyện như vậy là bất công,” một người dân ở xã Phù Cát tức giận nói.
Biện minh với báo Tuổi Trẻ, ông Chiến cho biết đến nay huyện đã thu hồi “sổ đỏ’ đã cấp và ra quyết định “chấm dứt hiệu lực” đối với tờ Quyết Định Giao Đất cho bà Loan khi đã xác định “việc giao đất là trái luật.”
“Hiện các phòng, ban chuyên môn của huyện đang tiến hành thanh lý các hợp đồng và giải quyết các nghĩa vụ tài chính còn tồn tại với bà Loan. Sau đó, toàn bộ khu đất trên huyện quản lý. Tương tự, với phần đất 2.3 hécta đất cấp ‘sổ đỏ’ 49 năm cho bà Huyên ‘không đúng quy định pháp luật’ huyện cũng đã thu hồi và đang quản lý,” ông Chiến nói.
Trả lời câu hỏi về việc “xử lý trách nhiệm” của các cán bộ, lãnh đạo liên quan đến việc giao đất trái luật cho người nhà ông Nguyễn Mạnh Quyền, ông Chiến lấp lửng: “Hiện huyện tập trung quản lý nghiêm quỹ đất này, còn việc xử lý trách nhiệm thuộc thẩm quyền của thành phố.” (Tr.N)

Công an bắt thêm 5 sếp cầm đầu Mobifone

Trụ sở tổng công ty MobiFone trực thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông. (Hình: Trí Thức Trẻ)
HÀ NỘI (NV) – Thêm 5 ông bà cầm đầu tổng công ty Mobifone bị khởi tố với cáo buộc “vi phạm quy định của nhà nước, về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.”
Nhiều báo tại Việt Nam hôm Thứ Hai, 26 Tháng Tám, 2019, đưa tin Tổng Giám Đốc MobiFone Nguyễn Đăng Nguyên cùng 3 phó tổng giám đốc: Nguyễn Bảo Long, Hồ Tuấn và Nguyễn Mạnh Hùng vừa bị khởi tố. Đồng thời, cũng bị khởi tố với tội danh nêu trên là bà Phan Thị Hoa Mai, thành viên Hội đồng thành viên của MobiFone. Họ không bị tống giam mà được cho tại ngoại.
Khi vụ mua bán diễn ra hồi năm 2015 thì ông Nguyễn Đăng Nguyên là phó tổng giám đốc. Mobifone là một tổng công ty quốc doanh trực thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN, hoạt động chính yếu là “tổ chức thiết kế xây dựng, phát triển mạng lưới và triển khai cung cấp dịch vụ mới về thông tin di động có công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hiện đại và kinh doanh dịch vụ thông tin di động.”
Các báo tường thuật kèm theo hình ảnh một số công an và kiểm sát viên lục soát trụ sở tổng công ty Mobifone chiều tối hôm Thứ Hai nhưng không thấy bắt ai. Cả 5 người kể trên đều dính vào vụ mua Công Ty Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG) mà Phạm Nhật Vũ, em trai tỉ phú đỏ Phạm Nhật Vượng nắm phần lớn cổ phần, với giá được thổi phồng gấp chục lần, để rút ruột nhà nước hàng trăm triệu đô la.
Vụ án Mobifone mua AVG được báo chí trong nước khai thác khá tận tình suốt nhiều tháng trời cho thiên hạ thấy đám quan chức cầm đầu Bộ Thông Tin và Truyền Thông, từ Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son, Thứ Trưởng Trương Minh Tuấn (sau leo lên làm bộ trưởng) trở xuống, đã toa rập với tỉ phú Phạm Nhật Vượng, phù phép biến công ty AVG thua lỗ ngập đầu, trị giá tài sản chỉ còn vài trăm triệu đồng, trở thành một công ty trị giá trên chục ngàn tỉ đồng.
Sau nhiều cuộc điều tra kéo dài, hồi năm ngoái, Lê Nam Trà, cựu chủ tịch MobiFone và Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản Lý Doanh Nghiệp, Bộ Thông Tin và Truyền Thông (TT-TT), Cao Duy Hải, nguyên tổng giám đốc MobiFone, bà Phạm Thị Phương Anh, phó tổng giám đốc MobiFone, bị bắt giam, khởi tố về tội “Vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.”
Đến Tháng Hai, 2019, hai cựu bộ trưởng Bộ TT-TT là ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị tống giam, khởi tố về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.” Sau đó, hai ông Son và Tuấn bị khởi tố thêm tội danh “Nhận hối lộ” cũng với Lê Nam Trà và Cao Duy Hải.
Phạm Nhật Vũ, nguyên chủ tịch HĐQT Công Ty Cổ Phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG), bị bắt giam và khởi tố về tội “Đưa hối lộ.” Như vậy, trước sau đã có 10 quan chức cầm đầu Bộ TT-TT và Mobifone bị khởi tố trong vụ án Mobifone mua AVG.
Hiện người ta vẫn không được biết trong vụ mua bán này, hai ông cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn được “cưa” bao nhiêu phần trăm, các chức sắc dưới quyền được “cưa” bao nhiêu trong cái “phi vụ” khổng lồ này. Nhưng nó phải cả trăm triệu đô la chứ không ít.
Vì sự việc đổ bể, nhóm Phạm Nhật Vũ đã phải nhả toàn bộ số tiền hơn 8 ngàn tỉ đồng cho nhà nước. Nhưng các ông ở Bộ TT-TT có nhả ra các số tiền đã nuốt hay không, đây là những điều dư luận tò mò muốn biết. (TN)

Tòa Ðại Sứ CSVN chiêu dụ Việt kiều gặp Nguyễn Phú Trọng

Cộng đồng người Việt ở Hoa Thịnh Đốn biểu tình trước Tòa Bạch Ốc khi Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ năm 2015. (Hình: Reuters/Jonathan Ernst)
WASHINGTON D.C., Hoa Kỳ (NV) – Tòa Đại Sứ CSVN ở Hoa Thịnh Đốn đang tìm cách chiêu dụ những Việt kiều “có tăm tiếng” trong cộng đồng để gặp Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khi ông Trọng tới nước Mỹ.
Một người Mỹ gốc Việt ở Hoa Thịnh Đốn cho báo Người Việt biết vấn đề trên. Người này nói thêm chiêu thức của CSVN như một cách gián tiếp xác nhận ông Nguyễn Phú Trọng dự trù đến Mỹ vào khoảng Tháng Mười tới đây theo thông tin ông Carl Thayer, giáo sư Đại Học Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, nói với nhà báo David Hutt trên tờ Asia Times tuần trước.
Các lãnh tụ CSVN khi đến Hoa Thịnh Đốn thường chỉ có một nhóm nhân viên tòa đại sứ với vài “Việt kiều yêu nước” đón tiếp. Khi đến Tòa Bạch Ốc gặp tổng thống Mỹ, họ luôn luôn phải đi cổng sau vì tại cổng trước, cộng đồng người Việt biểu tình chống đối với một rừng biểu ngữ lên án chế độ Hà Nội đàn áp nhân quyền, bóp nghẹt dân chủ, tham nhũng thối nát.
Người Việt ở Hoa Thịnh Đốn biểu tình trước Tòa Bạch Ốc khi ông Trọng đến Mỹ 2015. (Hình: REUTERS/Jonathan Ernst)
Ngoài Hoa Thịnh Đốn, nguồn tin trên tiết lộ ông Trọng nhiều phần cũng đến San Francisco, California, nơi có tòa tổng lãnh sự CSVN để tiếp xúc với “Việt kiều yêu nước,” tức những người thân Cộng, buôn bán làm ăn với chế độ Hà Nội.
Cố gắng chiêu dụ những Việt kiều thuộc giới trí thức, có nhiều tăm tiếng, tài sản, đến gặp ông Nguyễn Phú Trọng để tuyên truyền, luôn luôn là việc tòa Đại Sứ CSVN không bao giờ quên. Nhưng dụ được những ai, bao nhiêu người lại là vấn đề.
Những cuộc gặp từng diễn ra giữa người gốc Việt và ông Nguyễn Phú Trọng trước đây cho thấy các ý kiến kêu gọi thay đổi, trả lại các quyền tự do căn bản cho người dân, trả tự do cho những người vận động dân chủ hóa đất nước, đều bị bỏ lơ.
Khi đến Hà Nội cuối Tháng Hai vừa qua để họp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Yong Un, Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã mời ông Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ.
Cả chuyến đi Mỹ lần trước của ông Trọng cũng như các đời chủ tịch nước, thủ tướng CSVN trước, phần lớn đều đến thăm Mỹ giữa khoảng Tháng Sáu, Tháng Bảy. Nhưng năm nay, ông Trọng bị đột quỵ khi đi thăm “làm việc” tại Rạch Giá vào đúng ngày sinh nhật thứ 75 của ông ta 14 Tháng Tư. Bệnh tình ông Trọng đã bị toàn bộ hệ thống chính trị và truyền thông nhà nước giấu kín nên công luận chỉ biết ông Trọng vắng mặt nhiều lần trong các buổi hội họp cần có mặt.
Một số hình ảnh và video clip được công bố trên truyền thông nhà nước cho người ta thấy ông Trọng bước đi chậm chạp dưới sự canh chừng cẩn thận của các cận vệ.
TT Obama đón tiếp Nguyễn Phú Trọng ở Phòng Bầu Dục, ngày 7 Tháng Bảy, 2015. (Hình: Reuters/Jonathan Ernst)
Có lẽ vì thế nên chuyến đi Mỹ của ông Trọng không diễn ra vào khoảng Tháng Bảy như thông lệ. Cho đến giờ này, vẫn không ai biết sức khỏe của tổng bí thư phục hồi được bao nhiêu phần và có gì nguy hiểm không khi phải ở trên máy bay của một hành trình rất dài.
“Đây là chuyến thăm rất quan trọng, là trọng tâm của quan hệ Việt-Mỹ trong năm 2019,” lời ông Đại Sứ Hà Kim Ngọc trong cuộc phỏng vấn của VNExpress ngày 12 Tháng Ba, 2019.
“Ưu tiên hàng đầu của tôi là tổ chức tốt các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ, hướng tới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2020,” theo lời Đại Sứ Hà Kim Ngọc.
Một người Việt ở Hoa Thịnh Đốn biểu tình trước Tòa Bạch Ốc. (Hình: REUTERS/Jonathan Ernst)
Chuyến đi Hoa Kỳ sắp diễn ra của ông Nguyễn Phú Trọng vào thời gian Việt Nam cần sự hiện diện quân sự của lực lượng Mỹ trên Biển Đông hơn lúc nào hết để đối phó với Trung Quốc ngày càng lộ rõ hơn tham vọng bá quyền bành trướng khi biến các đảo và các đảo nhân tạo thành những cơ sở quân sự quy mô mà Hà Nội bó tay.
Hiện lực lượng trên biển của Việt Nam đang phải đối diện với lực lượng trên biển của Trung Quốc, đông hơn và mạnh hơn gấp bội, tại khu vực bãi Tư Chính và các bãi đá ngầm phụ cận, nơi Việt Nam đang khai thác và khoan tìm dầu khí ở các lô 136-1 và 136-3. Hà Nội đã buộc phải dừng các vụ khoan tìm ở khu vực hồi năm 2017 và 2018 trước sự đe dọa của Bắc Kinh, nhưng năm nay, thấy Hà Nội có vẻ cả quyết hơn.
Ông Trọng dự trù đến Hoa Thịnh Đốn vào lúc Hà Nội cần Mỹ hậu thuẫn nhiều hơn nữa để đối phó với Bắc Kinh trên Biển Đông. Đồng thời lời đe dọa của Tổng Thống Trump áp đặt thuế quan trừng phạt, ép Hà Nội phải mua thêm hàng hóa, sản phẩm Mỹ để giảm bớt thâm thủng mậu dịch cho Mỹ, là những đề tài thảo luận người ta tin không thể thiếu.
Hôm Thứ Bảy 24 Tháng Tám, 2019, nhà phân tích Richard Heydarian viết trên South China Morning Post ở Hongkong rằng tương lai mối quan hệ “đối tác toàn diện” giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn tùy thuộc vào hai yếu tố.
Thứ nhất, CSVN có muốn bỏ chính sách quốc phòng “3 không” hay không. (Không tham gia các liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia). Thứ hai, liệu chính phủ Mỹ có vượt qua được những chống đối trong nôi bộ, đặc biệt là những nhóm vận động nhân quyền và các cựu chiến binh VNCH, để hợp tác chặt chẽ hơn với chế độ độc tài đảng trị ở Hà Nội hay không.
Thêm nữa, theo tác giả Heydarian, dự phóng mối quan hệ đối địch giữa Hoa Thịnh Đốn với Bắc Kinh sẽ định hình mối quan hệ Hà Nội-Hoa Thịnh Đốn trong tương lai. (TN)

CSVN sẽ xét cả ‘quốc phòng, an ninh’ khi cấp phép đầu tư

Một nhà máy của Trung Quốc ở tỉnh Bình Dương, Việt Nam, bị người biểu tình đốt cháy hôm 14 Tháng Năm, 2014. Đây là thời điểm Bắc Kinh đặt giàn khoan ở vùng biển của Việt Nam. (Hình: VNExpress/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Bộ Chính Trị yêu cầu nghiên cứu bổ sung quy định ‘điều kiện về quốc phòng, an ninh’ trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án FDI.”
Tờ Người Lao Động hôm Thứ Sáu cho biết như trên, và nói ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, vừa ký ban hành “Nghị quyết của Bộ Chính Trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.”
Nghị quyết được đưa ra khi dư luận trong nước thời gian gần đây nêu những quan ngại của một số chuyên viên khi thấy tin một số công ty Trung Quốc hăm hở nhảy vào thầu xây dựng cao tốc Bắc Nam của Việt Nam. Vào lúc này, lực lượng trên biển của Việt Nam cũng đang đối phó với lực lượng Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính.
Theo tờ Người Lao Động cho biết, nguyên nhân thúc đẩy Bộ Chính Trị CSVN đòi nhà cầm quyền trung ương “nghiên cứu bổ sung quy định điều kiện về quốc phòng, an ninh” khi cho phép tư bản nước ngoài kiếm ăn tại Việt Nam, thấy rằng “hiện tượng chuyển giá, đầu tư ‘chui,’ đầu tư ‘núp bóng’ ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng,” hoặc là qua “dự án đầu tư mới,” hoặc là qua hình thức “góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.”
Bời vậy, Bộ Chính Trị CSVN đòi nhà cầm quyền trung ương “xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.”
Lần đầu tiên, người ta thấy CSVN công khai nói đến một chủ trương như thế, vốn là một đề tài nhạy cảm. Hơn một năm trước, ngày 10 Tháng Sáu, 2018, hàng chục ngàn người đã biểu tình tại Sài Gòn, Hà Nội, Bình Dương, Tây Ninh, Biên Hòa, Ninh Thuận… chống Luật Đặc Khu Kinh Tế biến ba khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thành những “lãnh địa” của Trung Quốc.
Hàng ngàn người biểu tình tập trung bên ngoài một nhà máy Trung Quốc ở tỉnh Bình Dương, Việt Nam, hôm 14 Tháng Năm, 2014. Tại đây, những người biểu tình chống Trung Quốc đốt cháy hơn một chục nhà máy Trung Quốc. (Hình: VNExpress/AFP/Getty Images)
Hơn 100 người tham gia biểu tình đã bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù, nhưng trước áp lực của quần chúng, dự luật phải đình hoãn và không biết có thể sẽ lôi ra biểu quyết lại trong những khóa họp quốc hội kế tiếp hay không. Tuy nhiên, gần đây có tin tỉnh Kiên Giang xin thôi không làm “đặc khu kinh tế” tại Phú Quốc nữa mà chỉ muốn nâng hòn đảo có kỹ nghệ nước mắm và du lịch thành “thành phố.”
Trước đây, người ta từng thấy có tin người Trung Quốc núp bóng người Việt Nam mua các bè nuôi cá tại vịnh Cam Ranh, nơi có quân cảng với căn cứ tàu ngầm lớp Kilo, hoặc họ được cấp phép xây dựng khách sạn ở các địa điểm nhìn xuống cả vịnh Đà Nẵng. Mấy năm trước nữa là tin người Trung Quốc đầu tư “trồng rừng” trên rất nhiều tỉnh. Các loại dự án đầu tư vừa kể ảnh hưởng nhiều đến an ninh quốc phòng, bị dư luận chống đối kích liệt.
Đó là không kể những vụ người Trung Quốc “mua chui” những nhà cao tầng gần cơ sở quân sự của Việt Nam thấy báo chí trong nước không ít lần đề cập, ồn ào được vài ngày rồi cũng chìm xuồng.
Bản tin nói trên của tờ Người Lao Động kể rằng “Theo Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, năm 2009, vốn FDI từ Trung Quốc chỉ chiếm 1.1% tổng số vốn FDI vào Việt Nam với $180.4 triệu và tăng lên $2 tỉ vào 2012. Chỉ 5 năm sau đó, năm 2017, vốn từ Trung Quốc tăng gấp 5 lần, lên $10 tỉ. Tính riêng 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với $1.78 tỉ, chiếm 21.6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Xếp thứ 2 là Hàn Quốc với gần $1.5 tỉ; tiếp đến là Nhật Bản $1.1 tỉ; Hồng Kông $991,6 triệu; Singapore $942.9 triệu…”
Báo chí quốc tế cho hay rất nhiều công ty Trung Quốc chạy sang Việt Nam mở cơ sở sản xuất để tránh thuế quan trừng phạt khi xuất cảng sản phẩm sang Mỹ. Đó là một trong những lý do chính người ta thấy Trung Quốc là nhà đầu tư “lớn nhất” tại Việt Nam của những tháng đầu năm nay.
Bây giờ, Hà Nội còn phải lo cả chuyện “đồng chí anh em” phương Bắc có ngày trở mặt. (TN)

CSVN ì ạch cắt giảm ‘biên chế’

Báo VietNamNet cho biết “bình quân cứ 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước.” (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Biên chế công chức” ăn lương ngân sách nhà nước của “các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2020” là 253,517 người.
Trang mạng chinhphu.vn của nhà cầm quyền CSVN đưa tin như trên về việc Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc “vừa ký quyết định phê duyệt biên chế công chức” trong chủ trương “tinh giản biên chế” ì ạch suốt hai chục năm qua. Mấy năm trước, người ta thấy báo chí trong nước càng hô hò “tinh giản” thì guồng máy của chế độ càng phình ra to hơn.
Liệt kê chi tiết, trong thông tin chinhphu.vn cho biết “Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, tổ chức do chính phủ, thủ tướng chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 108,368 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 142,767 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1,068 biên chế. Tổng biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 628 biên chế.”
Con số nêu trên không kể quân đội, công an vì các thành phần này là “bí mật nhà nước.” Con số các thành phần gộp lại lãnh lương từ ngân sách nhà nước trung ương CSVN chính xác là bao nhiêu, không ai biết. Trước đây, người ta thấy báo chí nhà nước đề cập tới, là khoảng 2.8 triệu người.
Khoảng hai chục năm trước, người ta đã thấy các định chế tài trợ quốc tế viện trợ cho Việt Nam “xóa đói giảm nghèo” đã thúc hối nhà cầm quyền cắt giảm số viên chức cán bộ dư thừa, giúp guồng máy đỡ cồng kềnh, tăng hiệu năng và đồng thời có thể lấy số tiền đó tăng lương cho những người còn lại, giảm thiểu tham nhũng.
Năm nào cũng thấy có những cuộc họp về “tinh giản biên chế” nhưng kết quả thường chỉ là cắt bỏ những người tới tuổi nghỉ hưu và càng họp thì “biên chế” lại càng tăng.
Một số báo trong nước đưa tin lại về biên chế năm 2020, như báo VietNamNet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông, nêu con số tổng biên chế của năm 2019 là 259,598 của năm 2019, để khoe rằng “năm 2020 tổng số biên chế trong cả nước giảm 6,081 người.”
Con số biên chế “được tinh giản” không kể quân đội, công an vì các thành phần này là “bí mật nhà nước.” (Hình minh họa: Ye Aung Thu/AFP/Getty Images)
Khi nhà cầm quyền CSVN đưa ra con số như thế, tờ Tuổi Trẻ ngày 20 Tháng Tư, 2019, thuật lời ông Trần Lưu Quang, phó bí thư thường trực Thành Ủy ở Sài Gòn, cho rằng “muốn tinh giản biên chế thì người đứng đầu đơn vị phải có dũng khí vượt qua áp lực rào cản liên quan đến con người – nghĩa là vượt qua được những gửi gắm, nhờ vả…” Đây là một trong những sự thật đã làm cái chương trình “tinh giản biên chế” suốt nhiều chục năm làm một đàng, nói một nẻo.
Ngày 27 Tháng Tám, 2018, báo VietNamNet viết rằng “Theo tính toán của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại Học Fulbright Việt Nam) dựa trên số liệu của Bộ Nội Vụ, bình quân cứ 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước.”
Nói khác, có khoảng 11 triệu người ăn lương từ ngân sách nhà nước chứ không phải chỉ trên 250,000 người, hoặc 2.8 triệu người. Từ con số hãi hùng chín người dân phải è cổ nuôi một đảng viên, cán bộ CSVN, VietNamNet dẫn lời ông Hoàng Chí Bảo, cựu ủy viên Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, chuyên gia cao cấp Học Viện Chính Trị Quốc Gia tại Sài Gòn, nói “Không một nền kinh tế nào nuôi nổi bộ máy như thế này.”
Trước đó, ngày 15 Tháng Giêng, 2018, tờ Tiền Phong cho hay “Trong quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, Kiểm Toán Nhà Nước phát hiện thừa 57,175 người so với biên chế được giao và đã có kiến nghị chấn chỉnh.”
Nghĩa là sau “chấn chỉnh” thì năm 2020, “tổng biên chế” chỉ giảm được có 6,081 ông hay bà, tức hơn 10% của cái “thừa” kia, không biết đến bao giờ được “chấn chỉnh” tiếp.
Khi ông Nguyễn Xuân Phúc còn là phó thủ tướng, tờ Lao Động ngày 26 Tháng Giêng, 2013, dẫn lời ông phát biểu trong “cuộc họp thứ nhất Ban Chỉ Đạo Đề Án Đẩy Mạnh Cải Cách Chế Độ Công Vụ, Công Chức” như sau: “Chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về.”
Tức là có đến 840,000 đảng viên, chức sắc nhà nước CSVN như con số 2.8 triệu do ông nêu ra, chỉ là thành phần ăn bám mà chẳng “cống hiến” gì cả.
Bây giờ, ông Phúc đang là thủ tướng và chính phủ của ông, như những con số được nêu ra và báo chí thuật lại, dân vẫn phải è cổ nuôi báo cô một guồng máy có khi thấy báo chí của chế độ nói “hành dân là chính.” (TN)