Tuesday, April 7, 2020

Nhiều lời kêu gọi Việt Nam thả tù lương tâm giữa đại dịch COVID-19

Các người đấu tranh nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam bị chế độ Hà Nội cầm tù. (Hình: Human Rights Watch)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Thân nhân các tù lương tâm và các tổ chức bảo vệ nhân quyền kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các nhà đấu tranh nhân quyền đang bị tù đày giữa cơn đại dịch COVID-19.
Trong lúc nhà cầm quyền CSVN ra lệnh “cách ly toàn xã hội” để chống dịch COVID-19, ra đường phải đeo khẩu trang, các dịch vụ buôn bán, hàng quán không cần thiết phải đóng cửa, nhiều tù nhân lương tâm gọi điện thoại về cho thân nhân biết họ đang bị bệnh.
“Anh nói vẫn bị giam cách biệt với mọi người, mấy hôm trước anh bị đau họng sốt rất cao, và bị tê bì nửa người, hôm nay anh đỡ hơn rồi. Anh nói tôi ghi lại số điện thoại của mấy người ở trong đó, vì họ không có tiền gọi về cho gia đình, nên lúc anh đi ra gọi điện họ nhờ anh nói tôi nhắn hộ tới người nhà của họ.”
Đó là những hàng chữ bà Lê Thị Thập, dưới bút hiệu Cô Mười Họ Lê, trên trang Facebook cá nhân, là vợ ông Lưu Văn Vịnh, cho biết tình trạng sức khỏe của chồng. Đang mùa dịch, nhà cầm quyền CSVN không cho thân nhân tù nhân đi thăm gặp mà chỉ cho gửi tiền qua bưu điện để mua đồ ăn do cai tù bán lại với giá cắt cổ.
“Từ lúc nghe chồng tôi kể anh bị sốt mấy ngày, rồi dẫn đến tê bì chân tay tôi lo lắng vô cùng. Sinh mạng chồng tôi ở nơi trại giam khắc nghiệt này như ngàn cân treo sợi tóc. Trong một xã hội mục nát này, số phận người nhà của chúng tôi không bằng một ngọn cỏ.” Bà Thập viết trên Facebook hôm Thứ Bảy, 4 Tháng Tư. “Tôi yêu cầu ông chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hãy làm một việc có ích trước khi nhắm mắt xuôi tay, để dù sao khi chết đi rồi cũng đỡ bị nhân dân chửi nguyền rủa ông đến muôn đời sau giống như ‘ai đó.’ Ông đừng để chúng tôi vì người thân, mà mẹ con tôi phải căng băng rôn đến phủ chủ tịch đòi người.”
Bà kêu gọi “mọi người cùng lên tiếng giúp chồng tôi cũng như các anh chị em tù nhân lương tâm trong cả nước để họ sớm được tự do trở về nhà.”
Ông Lưu Văn Vịnh hồi Tháng Mười, 2018 bị kết án 15 năm tù khi vu cho ông tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” mà ông phủ nhận hoàn toàn.
Ông Lưu Văn Vịnh can đảm đả kích CSVN khi ra tòa phúc thẩm hồi Tháng Ba 2019. (Hình FB Cô Mười Họ Lê)
Trước đó một ngày, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù lương tâm Trương Minh Đức, cũng viết trên trang Facebook cá nhân rằng: “Chúng tôi đang lo lắng cho chồng và các anh em tù nhân lương tâm trong các trại giam. Mấy tháng nay chúng tôi thiếu thông tin từ trong các trại giam vì đại dịch không thăm gặp mặt được người thân của mình nên rất lo lắng và bất an.”
Theo bà, họ vô tội vì chỉ đấu tranh ôn hòa, mong có dân chủ, nhân quyền cho đất nước mình, đồng thời lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo, môi trường “để lo tương lai cho người dân của mình cho con cháu của họ mà thôi…” chứ “không phải là những người khủng bố hoặc tội phạm, đe dọa gì đến an ninh của người dân, hay ảnh hưởng gì đến xã hội Việt Nam…”
“Chúng tôi kêu gọi nhà nước Việt Nam hãy trả tự do cho chồng tôi và tất cả tù nhân lương tâm vẫn còn bị giam cầm trong các trại giam,” bà Nguyễn Thị Kim Thanh kêu gọi.
Ông Trương Minh Đức và một số thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị vu cho tội “Hoạt động lật đổ” dù chỉ vận động dân chủ hóa Việt Nam một cách ôn hòa. Ông bị kết án 12 năm tù hồi năm 2017.
Hôm Thứ Bảy, tổ chức Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền (Defense The Defenders) ra bản tuyên bố kêu gọi Việt Nam thả tất cả tù nhân lương tâm giữa cơn đại dịch COVID-19 mà theo số thống kê đang bị giam cầm ít nhất 240 người với các bản án rất nặng. Phần lớn đều bị quy chụp các tội “âm mưu lật đổ” hay “tuyên truyền” chống chế độ CSVN.
Tổ chức Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các tù nhân lương tâm, cho họ về với gia đình sẽ giúp cho họ tránh bị nhiễm COVID-19 thay vì để họ chết trong tù với virus chết người này.
Cuối Tháng Ba vừa qua, tổ chức Bảo Vệ Ký Giả Quốc Tế (CPJ) ở New York kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người dùng ngòi bút vận động dân chủ, nhân quyền trên mạng xã hội hầu đảm bảo an toàn của họ trong đại dịch COVID-19.
Bản phúc trình nhân quyền hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, phần riêng về Việt Nam dài 24 trang, công bố hôm Thứ Tư, 11 Tháng Ba, liệt kê đủ kiểu đàn áp nhân quyền tại Việt Nam, không hề thay đổi suốt bao năm qua với các dẫn chứng cụ thể. (TN)

Hà Nội phong tỏa hơn 11 ngàn người trong ‘ổ dịch’ COVID-19 mới

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau khi phát hiện thêm hai ca dương tính COVID-19 lần một ở thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, liên quan đến bệnh nhân thứ 243, giới hữu trách Hà Nội phải cho phong tỏa cả thôn với hàng chục ngàn người.
Theo báo VNExpress, chiều 7 Tháng Tư, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội, chủ trì cuộc họp khẩn Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch COVID-19 ủy quyền cho ông Đoàn Văn Trọng, chủ tịch huyện Mê Linh, ký quyết định phong tỏa thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, gồm 2,700 gia đình với trên 11,500 người, sau khi nhận định nơi này có thể trở thành “ổ dịch” COVID-19 mới do ca bệnh thứ 243 phát tán.
Ông Chung giao huyện Mê Linh tổ chức lực lượng liên ngành ở các chốt kiểm soát ra vào thôn Hạ Lôi, yêu cầu người dân trong thôn “ai ở nhà đó, không được đi lại” trong thời gian cách ly.
Theo ông Quách Sỹ Dũng, bí thư xã Mê Linh, bệnh nhân thứ 243 tên QQT, 47 tuổi, ở xóm Bàng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, ủ bệnh 23 ngày mới bị phát hiện nhiễm COVID-19 đã đi nhiều nơi, tiếp xúc gần với hơn 100 người (F1) và có hơn 200 trường hợp F2, vì vậy người dân “rất lo lắng.”
Ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Hà Nội, cho hay bệnh nhân thứ 243 là trường hợp dương tính thứ 45 liên quan đến “ổ dịch Bạch Mai.”
Huyện Mê Linh phong tỏa thôn Hạ Lôi với hơn 11,000 người dân. (Hình: Xuân Thành/Tuổi Trẻ)
Liên quan đến bệnh nhân này hiện đã có hai trường hợp ở gần nhà xét nghiệm dương tính COVID-19 lần một và đang gửi mẫu đi xét nghiệm khẳng định. Ngoài ra, một cháu bé 4 tuổi, thường được ông Q. chăm sóc, đang có dấu hiệu sốt, chính quyền đã lấy mẫu xét nghiệm chờ kết quả.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp, cho rằng huyện Mê Linh “đã hiểu chưa đúng yêu cầu trước đó của lãnh đạo thành phố,” khi ngay từ đầu đã không yêu cầu ông Q. cách ly tại nhà 14 ngày. Để đến bây giờ chỉ riêng ba bệnh nhân ở thôn Hạ Lôi đã khiến gần 300 bác sĩ, điều dưỡng thuộc diện F1, gần 400 bác sĩ, điều dưỡng thuộc diện F2.
“Bắt buộc tất cả các bệnh viện ở Hà Nội phải tổ chức sàng lọc người đến khám, kiểm tra, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với những người đến khám,” ông Chung chỉ đạo.
Liên quan đến việc cách ly dịch bệnh, theo báo VNExpress, trước đó, tại cuộc họp trực tuyến toàn quân sáng 7 Tháng Tư, Thượng Tướng Trần Đơn, thứ trưởng Quốc Phòng, nói trước việc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở các nước Thái Lan, Lào, Cambodia…, sắp tới có thể xảy ra tình trạng người dân ồ ạt về Việt Nam. Do vậy, quân đội sẽ tiếp tục mở rộng khu cách ly tập trung, tiếp nhận nhập cảnh qua biên giới Tây và Tây Nam.
Theo ông Hoàng Xuân Chiến, tư lệnh Bộ Đội Biên Phòng, hiện có khoảng 47,000 người Việt đang làm ăn ở Thái Lan; 50,000 Việt kiều ở Lào, và 165,000 người ở Cambodia.
“Nhiều người có thể về Việt Nam khi nước sở tại bùng phát dịch,” ông Chiến nói, và kiến nghị Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Về Phòng Chống Dịch COVID-19 kiên trì kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh, trường hợp nào cho về nước phải cách ly riêng ở cửa khẩu, sau đó đưa vào khu tập trung ngay.
Tin cho biết, tính đến 6 giờ chiều ngày 7 Tháng Tư, Bộ Y Tế CSVN thông báo có thêm bốn ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam lên 249 người, trong đó 156 người từ ngoại quốc về. (Tr.N)

Ba mươi sáu kế Tôn Tử và kẻ tiểu nhân


Tập Cận Bình và các đồng chí của ông ta đang làm cả thế giới điêu đứng. Đó là điều phải thừa nhận. Thừa nhận một cách cay đắng.
 
Thế giới nói chung cũng như Hoa Kỳ và Châu Âu nói riêng quá lơ là nhiều năm qua. Sự lơ là có thể đến từ nền văn minh như vốn có từ lịch sử cuộc nội chiến Bắc - Nam của Hoa Kỳ vào thế kỷ XIX, hoặc giả vô cùng thảm khốc từ Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến, cũng có khi phương Tây quá thấm thía nỗi lạnh lùng từ Chiến Tranh Lạnh trong thế kỷ XX. Cũng có thể sự lơ là đến từ sự khinh địch mà hậu quả ngày nay bày rõ ra với dịch virus Trung Cộng.
 
Phàm làm người - con người nhân ái và văn minh, không một ai mong muốn cảnh "trời long đất lở" để từ đó thống trị cả thế giới. Nhưng kẻ tiểu nhân thì không!
 
Khổng Tử nói: “Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ. Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ”.
 
Tức là: Người quân tử tâm lưu đạo đức, kẻ tiểu nhân trong tâm chỉ có đất cát; quân tử muốn dùng hình phạt để giáo huấn bản thân và nhắc nhở người khác, tiểu nhân luôn ghi nhớ ân tình mình ban cho người khác và cầu xin người khác bỏ qua sai lầm của mình.
 
Ba mươi sáu kế của Tôn Tử
 
Khổng Tử sinh vào năm 551 trước Công Nguyên và mất vào năm, 479  trước Công Nguyên, thọ 72 tuổi.
 
Tôn Tử sinh vào năm 545 trước Công Nguyên và mất vào năm 470  trước Công Nguyên , thọ 75 tuổi.
 
Cả hai bậc Tiền Nhân của người Trung Hoa coi như sinh cùng thời, cách nhau chỉ 6 tuổi.
 
Trong khi Khổng Tử được xem là nhà hiền triết thì Tôn Tử được xem là nhà quân sự nổi tiếng của Trung Hoa cổ đại với Tam Thập Lục Kế.
 
Thử cùng ôn lại ba mươi sáu kế Tôn Tử
 
01. Dương đông kích tây.
02. Điệu hổ ly sơn.
03. Nhất tiễn hạ song điêu.
04. Minh tri cố muội.
05. Du long chuyển phượng.
06. Mỹ nhân kế.
07. Sấn hỏa đả kiếp.
08. Vô trung sinh hữu.
09. Tiên phát chế nhân.
10. Đả thảo kinh xà.
11. Tá đao sát nhân.
12. Di thể giá họa.
13. Khích tướng kế.
14. Man thiên quá hải.
15. Ám độ trần sương.
16. Phản khách vi chủ.
17. Kim thiền thoát xác.
18. Không thành kế.
19. Cầm tặc cầm vương.
20. Ban trư ngật hổ.
21. Quá kiều trừ bản.
22. Liên hoàn kế.
23. Dĩ dật đãi lao.
24. Chỉ tang mạ hòe.
25. Lạc tỉnh hạ thạch.
26. Hư trương thanh thế.
27. Phủ để trừ tân.
28. Sát kê hách hầu.
29. Phản gián kế.
30. Lý đại đào cương.
31. Thuận thủ khiên dương.
32. Dục cầm cố tung.
33. Khổ nhục kế.
34. Phao bác dẫn ngọc.
35. Tá thi hoàn hồn.
36. Tẩu kế.
 
Ngoài những kế sách phổ biến của Tôn Tử mà bạn đọc thường thấy trích dẫn và phân tích quen thuộc như: mỹ nhân kế, dương đông kích tây, khích tướng kế v.v... bài viết xin đi vào những kế sách còn hơi "là lạ" đôi với các bạn trẻ không có nhiều thời gian nghiên cứu, ngõ hầu cung cấp thêm một góc nhìn nhỏ bé giúp các bạn hiểu rõ thêm tâm địa của người Cộng Sản Trung Quốc.
 
Kế "Lạc tỉnh hạ thạch" nghĩa là ném đá vào đầu kẻ đã rơi xuống giếng.
 
Hình ảnh này đủ để thấy bản chất vừa tàn nhẫn tột độ vừa bẩn thỉu tận cùng của Cộng Sản Trung Quốc khi gởi hàng trăm ngàn khẩu trang chống dịch virus Tàu trong cách gọi là "viện trợ" cho người dân Pakistan [1] mà những khẩu trang đó làm từ đồ lót đã qua sử dụng!
 
Kế "Lý đại đào cương" nghĩa là đưa cây lý đã chết thay cho cây đào.
 
Kế này có nghĩa, kẻ mang trọng trách lớn lao gây ra sai quấy nhưng không dám nhận trách nhiệm, lại bắt kẻ dưới trướng và vô danh tiểu tốt hứng tội thay.
 
Nếu so sánh cách mà Tập Cận Bình cùng lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc cấp cao, cùng cúi đầu mặc niệm với hoa trắng cài áo [2] sẽ thấy "rùng mình" với cái gọi là "liệt sĩ" mà người Cộng Sản Trung Quốc "ban tặng" cho hàng ngàn người dân vội tội chết trong tức tưởi và đau đớn vì dịch virus Vũ Hán.
 
Kế "Vô trung sinh hữu" nghĩa là "không có mà làm thành có".
 
Biển Đông an ổn, không giúp họ "chọc trời khuấy nước" được. Người Cộng Sản Trung Quốc cần làm cho mọi việc rối tung lên để dễ bề gây xáo trộn mà thao túng.
 
Thiên hạ không hỗn loạn, trật tự biển Đông nói riêng và trật tự thế giới nói chung không rối tung, làm sao giúp họ "trỗi dậy" như yêu tinh đã tu luyện thành công với mãnh lực vô song cùng tư tưởng ngạo mạn?!
 
Kế "Minh tri cố muội" nghĩa là biết rõ mà làm như không biết.
 
Chiến lược "Vành Đai Con Đường" là một khuôn khổ cho tổ chức phát triển kinh tế đa quốc gia của Trung Quốc mà họ nói là chi lên đến hàng trăm tỷ đô la Mỹ để phát triển kinh tế và thắt chặt quan hệ hữu nghị với quốc tế.
 
Nghe có vẻ hay ho nhưng thực tế nấp sau đó là ý đồ thống trị cả thế giới cho mộng bá đồ vương bằng những đồng tiền bất minh và bất lương.
 
Người Cộng Sản Trung Quốc thừa biết nhưng giả như không biết là vậy.
 
Kế "Sấn hỏa đả kiếp" nghĩa là men theo lửa mà hành động.
 
Có hai loại lửa: lửa do tự tay mình phóng hỏa và lửa do người khác hoặc do thời thế tạo ra. Dù là loại lửa nào cũng chung một khái niệm "lợi dụng".
 
Dịch virus Tàu Cộng dù là do họ tạo ra hay từ tự nhiên cũng cho thấy rõ kế sách này, thông qua việc Tập Cận Bình lợi dụng lúc toàn thế giới đang lao tâm khổ tứ, đối phó dịch với hàng triệu người nhiễm bệnh, lại tiếp tục leo thang quân sự tại Biển Đông.
 
"Tẩu kế" nghĩa là bỏ chạy.
 
Một số độc giả hiểu lầm, "tẩu kế" là chạy dài. Thực tế, "tẩu kế" của Tôn Tử chỉ là bỏ chạy thoát thân. Tháo lui tạm thời để bàn mưu tính kế mà quay lại thực hiện ý đồ ban đầu. Vậy mới có câu "Quân tử trả thù mười năm chưa muộn" trong các pho truyện kiếm hiệp Kim Dung.
 
Ngoài ra người đời cũng biết khẩu dụ của hoàng đế Đặng Tiểu Bình lúc lâm chung: "Thao quang dưỡng hối" tức là giữ kín tài năng đừng để người ta biết. Từ đó, ẩn thân và chờ thời để "mưu sự đại nghiệp" (!)
 
Kết
 
Cho đến nay, Tập Cận Bình và lãnh đạo cao cấp của Cộng Sản Trung Quốc vẫn chỉ loay hoay và loanh quanh trong 36 kế Tôn Tử, vốn vụn vặt, hèn hạ và lỗi thời.
 
"Đông Á bệnh phu" - một khái niệm hạ nhục tận cùng, có lẽ làm cho họ nuôi dưỡng hận thù triền miên trong uất ức khôn nguôi. Khi tự nuôi dưỡng sự hận thù trong tâm, chính họ đang phá hủy tất cả những bản chất tốt đẹp của người Trung Hoa xưa. Nói cách khác, người Cộng Sản Trung Quốc cai trị chưa đầy trăm năm mà họ làm cả thế giới nhìn về người dân Trung Hoa, lẽ ra bằng ánh mắt thương yêu và đồng cảm, nhưng tiếc thay, ngày càng chỉ thấy ánh nhìn xa lánh, ghê sợ chen lẫn hắt hủi. Đó là bất hạnh của người Trung Hoa dù không phải do họ gây ra. Bởi văn hóa - giáo dục vốn tốt đẹp của người Trung Hoa, chưa đầy trăm năm qua đã bị Cộng Sản Trung Quốc tàn phá không chút đắn đo.
 
Tâm tà ý độc của người Cộng Sản Trung Quốc giờ đây cả thế giới đã tỏ tường.
 
Trớ trêu thay! Ba mươi sáu kế Tôn Tử dường như vẫn còn đắc dụng đối với những ai hám tiền và đánh giá thấp kẻ tiểu nhân. Ngạn ngữ cổ Trung Hoa có câu: "Không sợ đắc tội với người quân tử, chỉ sợ đắc tội với kẻ kiểu nhân" là vậy (!)
 
Tuy nhiên, cũng chính Khổng Tử nói: "Tiểu nhân nan dưỡng" để dạy cho con cháu người Trung Hoa đời đời rằng: Đối với kẻ tiểu nhân, khi tha được thì tha, bằng không, phải diệt để trừ hậu họa muôn đời.
 
Tổng thống Donald Trump đã nói [3]: "Giết tướng Soleimani để ngăn âm mưu tấn công nhân viên ngoại giao, không nhằm phát động chiến tranh. Chúng tôi không hành động để bắt đầu một cuộc chiến".
 
Thảm họa nhân loại mang tên VIRUS TÀU đang mang lại chết chóc và đau thương phủ trùm toàn cầu nhưng trước sau gì nó cũng bị tiêu diệt, như thế giới cần phải tiêu diệt những kẻ tiểu nhân.
 
Tiêu diệt tiểu nhân để chấm dứt khổ đau cho nhân loại - đó là hằng số!
___________________________
 
Nguyễn Ngọc Già
 
 
 
 

Nhân dịch bệnh, Trung Quốc lộng hành

Theo RFA-Nguyễn Hải Quân-2020-04-07 
Image may contain: ocean, sky, water and outdoor
Hình minh hoạ. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 12/2016-Reuters
Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự và triển khai các khí tài quân sự cỡ lớn tới Biển Đông, đồng thời tuyên bố đạt những bước tiến mới trong lĩnh vực khai thác các nguồn năng lượng đang có tranh chấp ở vùng biển giàu nhiên liệu hóa thạch này.
Trong khi một số người coi việc tuyên truyền của Trung Quốc cho các hoạt động trên là một hình thức để cổ vũ người dân trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, thì nhiều người khác lại nhìn nhận các cuộc diễn tập hải quân ngày càng hung hăng của nước này là mưu toan nhằm lợi dụng tình hình suy yếu của Mỹ để giành thêm lợi thế tại khu vực được coi là một trong những điểm nóng trên thế giới.
Mặt khác, sự bùng phát của dịch COVID-19 cũng khiến các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông đối mặt với nhiều khó khăn chiến lược.
Philippines và Malaysia, hai nước có những tranh chấp về lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, gần đây đã phải ra lệnh phong tỏa thủ đô hành chính và thương mại của mình trong vài tuần, và giao cho quân đội trách nhiệm thực thi lệnh phong tỏa.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và một số quan chức an ninh hàng đầu bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đang phải tự cách ly, trong khi Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) Felimon Santos Jr gần đây đã xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Hình minh hoạ. Hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng hôm 5/3/2020
Hình minh hoạ. Hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng hôm 5/3/2020 Reuters
Mỹ, quốc gia bảo đảm trật tự dựa trên luật pháp trong khu vực, hiện đang vật lộn với tình hình đại dịch tồi tệ nhất trên thế giới, khiến Nhà Trắng phải thực hiện các biện pháp đặc biệt, bao gồm gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử.
Lầu Năm góc cũng được huy động để chống lại dịch bệnh theo Đạo luật sản xuất quốc phòng, cho phép quân đội Mỹ cung cấp các dịch vụ y tế quan trọng, sản xuất và chuyển các thiết bị y tế cấp thiết cho các cơ quan và cơ sở dân sự. Trong tình hình đó, Trung Quốc đang cố lợi dụng tình hình dịch bệnh trên nhiều mặt trận.
Một mặt, Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch viết lại câu chuyện về đại dịch, bao gồm tuyên truyền ý kiến của các quan chức hàng đầu Trung Quốc cho rằng quân đội Mỹ đã đem virus tới Trung Quốc.
Mặt khác, Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy chia rẽ ngoại giao giữa Mỹ và các đồng minh xuyên Đại Tây Dương truyền thống, trong đó có một nước gần đây đã cam kết gửi các tàu hải quân tham gia các hoạt động tự do hàng hải do Mỹ lãnh đạo ở Biển Đông.
Trung Quốc đã thổi phồng ảnh hưởng của lệnh cấm du lịch mang tính chiếu lệ của Mỹ đối với các quốc gia châu Âu có dịch COVID-19, trong khi thể hiện” động thái được gọi là “ngoại giao khẩu trang” bằng hành động cung cấp thiết bị y tế cần thiết cho các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất như Italy và Tây Ban Nha.
Trong khi tự xưng là nhà lãnh đạo toàn cầu vào thời điểm khủng hoảng, Bắc Kinh đang thúc đẩy việc mở rộng các ảnh hưởng chiến lược và kinh tế ở Biển Đông.
Theo Bộ Tài nguyên Trung Quốc, nước này gần đây đã khai thác thành công khí tự nhiên từ băng cháy tại khu vực phía bắc Biển Đông, trở thành quốc gia đầu tiên ở Biển Đông khai thác băng cháy dưới đáy đại dương bằng phương pháp kỹ thuật khoan giếng ngang. Quá trình sản xuất diễn ra trong khoảng thời gian từ 17/2 đến 18/3, khi dịch COVD-19 bắt đầu lây lan mạnh tại các quốc gia trên khắp thế giới.
Những tiến bộ của Trung Quốc trong công nghệ phát triển năng lượng sẽ chỉ củng cố nỗ lực của nước này nhằm thống trị, nếu không nói là độc quyền, các mỏ dầu khí khổng lồ chưa được khai thác trong phạm vi được gọi là “đường 9 đoạn” chiếm gần 85% diện tích Biển Đông và chồng lấn với vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna phía bắc Indonesia.
Cũng nhằm mục đích đó, Trung Quốc gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại các khu vực tranh chấp, trong đó có các cuộc tập trận chống tàu ngầm được tổ chức ngay sau khi Lầu Năm góc triển khai tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell thực hiện hoạt động tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng ở Mỹ.
Gia tăng cường độ hung hăng trên biển Đông
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đã phô trương sức mạnh của các lực lượng hải quân trong khu vực thông qua các cuộc tập trận quân sự với sự tham gia của tàu sân bay đầu tiên của nước này, tàu Liêu Ninh, tiếp theo sau các cuộc tập trận ở phía Bắc Biển Đông.
Hình minh hoạ. Hải quân Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông hôm 12/4/2018
Hình minh hoạ. Hải quân Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông hôm 12/4/2018 Reuters
Những động thái của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang phá. vỡ cái gọi là sự trỗi dậy hòa bình của nước này. Với việc Philippines hủy bỏ Hiệp định Thăm viếng quân sự (VFA) với Mỹ, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thấy đã đến lúc phải xác định những không gian chiến lược của Bắc Kinh thông qua việc sử dụng sức mạnh quân sự. Vào tháng 10/2019, sau một loạt sự cố ở Bãi Tư Chính vốn thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Trung Quốc đã dịch chuyển trọng tâm sang Cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks), một nhóm cấu trúc và đảo nhỏ ở gần khu vực trung tâm của Biển Đông hơn, để Bắc Kinh có thể kiểm soát các tuyến đường biển ở Biển Đông.
Hồi đầu tháng này, máy bay quân sự Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập chống tàu ngầm ở những vùng biển bị tranh chấp này. Hành động của Bắc Kinh là nhằm đáp trả việc chiến hạm USS Mc Campbell của Mỹ đi qua khu vực bị tranh chấp. Thêm vào đó, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chung vào giữa tháng 3/2020 mặc dù họ biết rất rõ các cuộc tập trận có nguy cơ gây khó chịu cho những quốc gia có yêu sách khác. Trung Quốc cũng đã kích hoạt lực lượng dân quân biển của họ, vốn có số lượng đông hơn số lượng tàu đánh cá của tất cả các nước có yêu sách khác ở Biển Đông cộng lại. Lực lượng dân quân biển bao gồm các ngư dân” này lâu nay đều được các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc hộ tống nhằm phô trương sức mạnh.
Vào đầu tháng 3/2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng với một khu trục hạm hiện đại của Mỹ đã thực hiện chuyến thăm tới Đà Nẵng để kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt –Mỹ. Trung Quốc coi chuyến thăm Đà Nẵng của tàu USS Theodore Roosevelt là biểu hiện chứng tỏ sự gần gũi ngày càng tăng giữa Mỹ và Việt Nam bởi vì đây là chuyến thăm thứ hai của một nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ tới Việt Nam. Đầu tuần trước (ngày 24/3), tàu khu trục mang theo tên lửa điều khiển USS Barry (DDG 52) của Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông đã bắn một quả tên lửa nhằm phô diễn khả năng tấn công của nó.
Một ngày trước đó (23/3), chiếc máy bay trinh sát Lockheed EP-3E của Hải quân Mỹ đã thực hiện các phi vụ trinh sát ở khu vực giữa Đài Loan và Philippines (Eo biển Bashi). Điều này là để đáp trả lại hành động xâm phạm không phận Đài Loan của các máy bay quân sự Trung Quốc hồi đầu tháng Hai. Các động thái đáp trả cũng như các cuộc tập trận bắn đạn thật của Mỹ đã khiến Trung Quốc khó chịu đến mức Bắc Kinh đã cho chiếu tia laser vào các máy bay do thám của Mỹ đồng thời thực hiện nhiều phi vụ trên không ở Biển Đông bằng các máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8.
Mới đây, ngày 2/4 tàu Hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa.
Những hành động với cường độ ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc đã buộc Nhật Bản và Việt Nam phát triển hơn nữa các quan hệ quốc phòng và chiến lược song phương.
Nhằm đe doạ Việt Nam
Các hành động hung hăng của Trung Quốc dường như một phần là nhằm đe doạ Việt Nam khi quốc gia này càng ngày càng phát triển quan hệ với phía Mỹ. Thái độ của Hà Nội trước các sự kiện Trung Quốc gây hấn trên biển Đông đang có những thay đổi đáng ngạc nhiên. Nếu như hồi năm ngoái trong sự kiện căng thẳng tại khu vực Bãi Tư chính, các cơ quan truyền thông của Đảng im tiếng, thì trong sự kiện Trung Quốc đâm tàu cá ngày 2/4, báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài viết lên tiếng chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ.
Do tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Đông Nam Á, khả năng tổ chức một phiên họp khẩn cấp của ASEAN đang bị loại trừ. Có lẽ một vài cuộc đối thoại thông qua hình thức trực tuyến sẽ được tổ chức nhằm giải quyết tình hình dưới sự chủ trì của Việt Nam. Tuy nhiên, việc này có thể không thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Dường như các động thái của Trung Quốc cũng là nhằm đe dọa Việt Nam để Hà Nội không đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ chống lại Trung Quốc, cũng như nhằm phù hợp với những mệnh lệnh” của Bắc Kinh tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN mà rốt cuộc nhiều khả năng có thể bị trì hoãn.
Với tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, thật là khó khăn cho Việt Nam khi không thể phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, cùng với các chiến dịch ngoại giao nhằm thúc đẩy vị thế của Việt Nam để gây sức ép lên Bắc Kinh.
Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một số kiểu hành động quân sự nào đó thông qua việc huy động lực lượng dân quân biển, lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân cũng như các máy bay chiến đấu. Chiến thuật dùng sức mạnh cưỡng ép nhằm vào những bên yếu hơn hơn sẽ giúp Trung Quốc thực hiện các cuộc đàm phán song phương, khiến những nước như Việt Nam phải tham gia đàm phán. Tuy nhiên, Việt Nam cần làm rõ lập trường của mình rằng tất cả các cuộc đàm phán phải được thực hiện ở cấp độ đa phương. Các chiến thuật mà Trung Quốc đang sử dụng là nhằm tuyên bố những vùng biển xung quanh Biển Đông là “ao nhà” của họ, cũng như nhằm hoàn thành giấc mơ “đường 9 đoạn”. Trung Quốc đã và đang tăng cường đầu tư kinh tế cho Lào và Campuchia thông qua các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), đồng thời cũng xây dựng các cảng biển và những cơ sở hạ tầng như đường băng và căn cứ quân sự để quân đội của họ sử dụng vào thời điểm khủng hoảng. Trung Quốc cũng đã triển khai khoảng 12 tàu ngầm không người lái ở Ấn Độ Dương để giám sát hoạt động của các tàu và tàu ngầm của Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Dường như Trung Quốc muốn Việt Nam thay đổi ý định trước các biện pháp cưỡng ép của họ và không đưa ra một tuyên bố lên án hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhưng các chiến lược gia và học giả tin rằng ASEAN có thể đoàn kết với nhau trước khi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra cũng như có thể đưa ra một tuyên bố với những ngôn từ mạnh mẽ chống lại các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tất nhiên, với vai trò là Chủ tịch của ASEAN, Việt Nam sẽ đảm bảo chắc chắn rằng thông cáo của ASEAN sẽ coi các hoạt động của Trung Quốc là mối một đe dọa lớn. Hy vọng tuyên bố của Chủ tịch ASEAN năm nay sẽ tương tự như tuyên bố của năm 2019, hoặc thậm chí có thể sử dụng những từ ngữ mạnh hơn để tỏ rõ thái độ trước Trung Quốc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Hệ lụy của Chỉ thị ‘Cách ly toàn xã hội’!

RFA-2020-04-06 
Nhiều xe bị yêu cầu quay đầu khi đến Quảng Ninh.
Nhiều xe bị yêu cầu quay đầu khi đến Quảng Ninh.kienthuc.net.vn
Chỉ thị ra ngày 31 tháng 3, ngay hôm sau tại Quảng Ninh diễn ra biện pháp đổ đất, dùng chướng ngại vật chặn đường giữa các làng xã trong tỉnh.
Hải Phòng không cho phép người dân ra khỏi nhà sau 22h hay việc Quảng Nam lập chốt kiểm soát chặn người dân đi qua nếu họ không có hộ khẩu địa phương…
Những hành xử của địa phương như thế bị chính Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ gọi là ‘ngăn sông, cấm chợ’ và nêu câu hỏi ‘ai cho phép làm như thế?
Vào ngày 6 tháng 4, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng trong chỉ thị số 16, Văn phòng chính phủ đã quy định rõ việc thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo hướng bảo đảm khoảng cách xã hội giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm:
“Tôi nghĩ việc cách ly xã hội trong văn bản đó cũng nói rất rõ, tức là những người cán bộ cần phải biết và hiểu luật. Tôi thấy chỉ thị từ khi ban hành có một số nơi hiểu và thực hiện chưa thống nhất, nó dẫn đến việc quá tay ở một số địa phương và vừa rồi có chấn chỉnh những việc này.
Vấn đề là phải thực hiện nghiêm, chứ không phải là thực hiện sai và hiểu không đúng cụm từ ‘cách ly xã hội’. Trong lúc cả thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng thì đang huy động một nguồn lực để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh; tinh thần chống dịch được người dân rất ủng hộ.”
Tuy vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động tại Hà Nội, việc dùng từ ‘cách ly’ đã gây ra nhiều sự hiểu lầm trong các cấp và người dân Việt Nam:
“Người ta hiểu như thế có nghĩa dùng từ ‘cách ly’ thật sự tức là gì, là người ở đâu thì ở đấy, không có đi đâu. Đó chỉ là lời khuyên để mọi người cố gắng ở nhà, xa cách người khác, không tập trung đông người. Do dùng từ sai như vậy đã dẫn đến rất nhiều sự hiểu lầm và rất nhiều cơ quan nhà nước, chính quyền các địa phương khác nhau. Mỗi một người hiểu theo một ý—ông thì chặn đường; ông thì đổ đất ra chắn đường; cảnh sát thì truy tìm để phạt…v.v.”
Theo ông Nguyễn Quang A, nếu dùng từ đơn giản hơn để thay thế như ‘giãn cách xã hội’ hoặc ‘giãn cách về vật lý’ giữa người với người, việc hiểu lầm và những hành động ‘quá tay’ của các chính quyền địa phương có thể sẽ không xảy ra.


Tuyến đường nối xã Bằng Cả (thành phố Hạ Long) - phường Vàng Danh (thành phố Uông Bí) ở Quảng Ninh được bịt kín. Ảnh Thanh niên.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết ý kiến của ông về việc sử dụng ngôn ngữ trong chỉ thị về việc ‘cách ly xã hội’ có phần không chuẩn xác; trong đó còn những từ ngữ như ‘cách ly thôn với thôn, xã với xã’ không có một ranh giới nào để có thể hiểu rằng giữa những khái niệm đó khác nhau như thế nào. Theo luật sư Mạnh, những từ ngữ được dùng rất tối nghĩa và cần có sự giải thích sâu để có thể truyền tải chính xác ý nghĩa của văn bản chỉ thị này:
“Ví dụ ‘cách ly xã hội’, như tôi biết là dịch từ thuật ngữ của tiếng nước ngoài, mà theo tiếng nước ngoài được hiểu rằng là cần phải giữ khoảng cách xã hội ví dụ theo y tế cần giữ khoảng cách giữa người với người là 2 mét, thì có thể đảm bảo được sự an toàn về y tế cho nhau. Nhưng khi chuyển ngữ qua tiếng Việt thì xài chữ ‘cách ly xã hội’, rõ ràng chữ ‘cách ly’ nó mang ý nghĩa nặng hơn, nghiêm trọng hơn. Mà trong chừng mực nào đó, chữ ‘cách ly’ dùng cho những người phải ở tù. Ở Việt Nam hay dùng từ ‘cách ly’ một người ra khỏi xã hội, có nghĩa là bắt buộc người đó phải ở tù.”
Ông Đặng Đình Mạnh cho biết, sau khi có chỉ thị 16, một chợ tại TP HCM ra một văn bản cấm họp chợ. Các sở tư pháp ở các tỉnh cũng ra văn bản yêu cầu các tổ chức mang tính hỗ trợ pháp lý, như công chứng hoặc văn phòng luật sư phải ngưng hoạt động. Sau đó khi có nhiều sự phản ánh, chính phủ Việt Nam mới ra thêm văn bản giải thích chỉ thị về ‘cách ly xã hội’ chỉ mang tích chất ‘khuyến cáo’:
“Chính điều đó cho thấy rằng là chính các cơ quan tổ chức của nhà nước, họ cũng hiểu lầm. Vì họ hiểu lầm nên chính người dân cũng hiểu lầm, vị vậy mà tôi thấy rằng là công tác ban hành văn bản của cấp thủ tướng là nó có vấn đề và phải cần xem xét lại.”
Cũng theo luật sư Đặng Đình Mạnh, dưới phương diện thẩm quyền, thủ tướng chính phủ có quyền ra chỉ thị, nhưng chỉ thị chỉ trong phạm vi văn bản điều hành, chỉ dùng trong hệ thống chính quyền; thủ tướng chỉ thị cho các bộ hoặc UBND các cấp, còn chỉ thị văn bản không có hiệu lực đối với người dân:
“Ngay trong ngày 31 tháng 3 khi ra văn bản đó, có lẽ chính phủ cũng nhận thấy sự bất thường của văn bản cho nên đã có sự giải thích, cho rằng văn bản chỉ thị này mang ý nghĩa khuyến cáo người dân và thuyết phục người dân đồng thuận và chấp hành chỉ thị theo.
Khuyến cáo này lẽ ra họ phải ra văn bản mang tên ‘khuyến cáo’ thôi cũng được, vì văn bản không có tính cách cử hành; nó khuyến cáo người dân, tức là nó không thuộc vào loại một văn bản pháp luật nào cả, mà nó là sự khuyến cáo khơi khơi giữa ông thủ tướng với người dân.”
Theo ý kiến ông Nguyễn Quang A, sự hiểm lầm khi dùng từ ngữ không chuẩn xác trong chỉ thị về ‘cách ly xã hội’ đã dẫn đến việc chính quyền địa phương thi hành một cách gắt gao, dễ tổn hại nhiều đến mặt kinh tế và gây ra khó khăn cho đời sống của người dân:
“Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, trong thời gian vừa ra có nhiều biện pháp, có lẽ thôi tôi nghĩ rằng là hơi quá đi. Lẽ ra những biện pháp chưa cần như vậy. Nếu mình làm quá gắt gao sẽ có tổn hại rất nhiều về mặt kinh tế, về mặt đời sống khó khăn cho người dân; cái đấy có thể tính ra bằng tiền, chưa nói đến chuyện về tổn thương tâm lý của người dân.”
Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng bên cạnh việc chống dịch, phải đảm bảo sự vận hành của xã hội, tạo đà cho kinh tế phát triển. Theo ông, chính quyền cần phải đặt mục tiêu kép khi thực hiện chỉ thị của chính phủ trong chiến dịch phòng chống bệnh truyền nhiễm—vừa chống dịch và vừa phải phát triển kinh tế, xã hội:
“Hai mục tiêu này luôn song hành cùng nhau và luôn hỗ trợ cho nhau, không thể lấy lý do phòng chống dịch để đóng băng toàn xã hội được. Những nhà máy, kinh doanh, dịch vụ thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động. Người dân vẫn phải ra ngoài mua lương thực, mua hàng hóa, cho nên vừa rồi phải chắn đường, bắt xe và làm những việc cực đoan, vì vậy cần phải chấn chỉnh lại những trường hợp này.”