04/03/2014 12:28
(VTC News) - Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội bị chậm tiến độ nên đơn vị tư vấn nước ngoài đã "đòi" bồi hoàn gần 3 triệu Euro.
Ngày
3/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành thông báo về kết luận của Chủ
tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo tại buổi họp nghe báo cáo tiến độ
triển khai các dự án đường sắt đô thị của Ban Quản lý đường sắt đô thị
Hà Nội làm chủ đầu tư, đó là các tuyến số 2 và số 3.
Với tổng chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km
trên cao và 4 km đi ngầm, tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội đoạn
Nhổn - Ga Hà Nội đi qua huyện Từ Liêm và các quận Cầu Giấy, Ba Đình,
Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.180 triệu
Euro tương đương gần 33.000 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng
9/2010 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017.
Mô hình tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội
Thế nhưng, sau nhiều năm khởi công, dự án đường sắt đô thị đầu tiên của
Hà Nội (Nhổn - Ga Hà Nội) liên tục chậm tiến độ khiến thời gian dự kiến
hoàn thành kéo dài đến cuối năm 2017. Trong khi đó, cả chủ đầu tư và Tư
vấn Systra (Pháp) đều tính toán thời gian sẽ phải kéo dài đến tháng
11/2018.
Một trong số các vướng mắc hiện nay là
việc giải phóng mặt bằng và thi công chậm chạp tại các gói thầu chính.
Huyện Từ Liêm mới phê duyệt được 42/143 phương án đền bù tại đường dẫn
Depot thuộc gói thầu số 1.
Tương tự, 13% diện tích của gói thầu số 4
- hạ tầng kỹ thuật Depot chưa được giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, gói
thầu số 2 - xây dựng các ga trên cao đang đình trệ thi công do thiếu đơn
vị tư vấn giám sát bởi Systra đã hết hạn hợp đồng.
Bị đòi bồi thường 3 triệu Euro
Theo ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc Ban
quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư), hợp đồng
với Systra hết hạn từ ngày 10/11/2013, với giá trị hợp đồng hơn 22 triệu
Euro trong thời gian 68 tháng.
Nhiều dự án khác cũng đang chậm tiến độ do chậm giải phóng mặt bằng
Do dự án kéo dài nên tư vấn đã kiến nghị điều chỉnh giá trị hợp đồng và
bồi hoàn gần 3 triệu Euro, song các cơ quan chức năng đã thẩm tra, điều
chỉnh giá trị hợp đồng trọn gói tăng khoảng 1,3 triệu Euro. Chủ đầu tư
cũng phải thương thảo với Systra để tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên, hai bên chưa đồng thuận bởi
mức giá hợp đồng Systra đưa ra lên đến hơn 43 triệu Euro, tăng thêm 9
triệu Euro so với mức đã được thành phố phê duyệt.
Đối với tuyến đường sắt đô thị số 3,
đoạn Nhổn - ga Hà Nội này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế
Thảo giao UBND huyện Từ Liêm chủ động, phối hợp với Ban Quản lý đường
sắt đô thị Hà Nội tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc, hoàn thành
giải phóng mặt bằng (GPMB) khu đề pô và phần đi trên cao trước ngày
30/4.
Về tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị
số 3, người đứng đầu thành phố yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà
Nội khẩn trương làm việc, thống nhất với Công ty Systra (Pháp) để ký hợp
đồng gia hạn, tư vấn tiếp tục triển khai dịch vụ, không làm gián đoạn
tiến độ dự án, hoàn thành trước ngày 15/3/2014.
Dịp này, lãnh đạo UBND Hà Nội giao các
sở, ban, ngành thực hiện công việc theo đúng trách nhiệm, đúng thẩm
quyền, đúng thời hạn; trong thời gian tới nếu không có chuyển biến,
thành phố sẽ giao Sở Nội vụ tổ chức thanh tra công vụ để làm rõ trách
nhiệm các đơn vị.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Thảo đã
yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương thẩm định phê duyệt tổng
mặt bằng các ga ngầm của tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng
Long – Trần Hưng Đạo) theo đúng trình tự thủ tục quy định, thời gian
trước ngày 15/3/2014.
Theo phê duyệt, tuyến đường sắt đô thị
số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) dài 11,5 km; trong đó có 8,5 km đi
ngầm qua phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Tổng đầu tư của dự án khoảng
131 tỷ Yên Nhật, tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA
của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Tuyến có ga đầu là Nam Thăng Long (khu
đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt -
Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường -
Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với
phố Trần Hưng Đạo. Toàn tuyến có 10 nhà ga; trong đó có 3 ga trên cao
và 7 ga ngầm.
No comments:
Post a Comment