Monday, July 4, 2016

Nhà máy giấy tỷ USD Trung Quốc: “Đầu độc vùng đầm lầy tự nhiên”?

 NGUYỄN THẢO  09:56 04/07/2016
 BizLIVE - Không nằm trong quy hoạch về ngành giấy, không có vùng nguyên liệu nhưng nhà máy giấy Lee & Man vẫn được cấp phép. Nếu chế biến, sản xuất giấy ở Hậu Giang sẽ có thể đầu độc sông Hậu và toàn bộ vùng đầm lầy có giá trị tự nhiên lớn.

Nhà máy giấy tỷ USD Trung Quốc: “Đầu độc vùng đầm lầy tự nhiên”?
Nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang. Ảnh TL
Tham vấn cộng đồng cấp xã
Dự án nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang có quy mô lớn nhất Việt Nam và là một trong năm nhà máy lớn nhất thế giới, là dự án sử dụng nhiều hoá chất độc hại hại. Nhưng, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy, năm 2008, nhà máy đã tham vấn cộng đồng xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Mặc dù vậy, theo thông tin trên VTV, người dân tại khu vực này khẳng định rằng họ chưa hề được nhà máy hỏi han, tham vấn. Đồng thời, lãnh đạo mới của thị trấn Mái Dầm (trước đây là xã Phú Hữu A) cũng không nắm được việc tham vấn trước đây. Từ khi xây dựng nhà máy này tại đây, các ngành chức năng của thị trấn Mái Dầm không được phép vào nhà máy giấy.
Trong đánh giá mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng nhận định rằng đây là dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị thanh, kiểm tra cần kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải.
Thứ hai, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam trong thực hiện quy định đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn Môi trường; việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm...
Thứ ba, kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường được kiểm soát đầy đủ các thông số về môi trường theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được sự giám sát của người dân.
Hút kiệt dinh dưỡng đất, bức tử dòng sông Hậu
Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group cho biết, đồng bằng sông Cửu Long không nên có các xí nghiệp công nghiệp, trong quá khứ nơi đây chưa bao giờ có xí nghiệp công nghiệp.
Lý giải về khẳng định nêu trên, theo ông, do sự chênh lệch mực nước của đồng bằng sông Cửu Long đối với thuỷ triều là luôn luôn bấp bênh hàng nghìn năm nay, trước đây chỉ phát triển công nghiệp ở Đông Nam Bộ mà không phát triển công nghiệp ở miền Tây Nam Bộ là có nguyên do.
“Đồng bằng sông Cửu Long có thể chuyển từ trồng lúa sang trồng xoài nhưng không thể chuyển sang làm giấy. Dinh dưỡng trong đồng bằng sẽ bị hút kiệt nếu chúng ta dùng để trồng nguyên liệu giấy và nếu chế biến giấy ở đây chúng ta sẽ đầu độc sông Hậu và toàn bộ vùng đầm lầy có giá trị tự nhiên lớn là đầm lầy ở đồng bằng sông Cửu Long”, ông Bạt nói.
Thậm chí, ông Bạt so sánh, tác hại, ảnh hưởng môi trường của dự án này sẽ không kém với nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh làm thuỷ sản tại 4 tỉnh ven biển miền Trung chết hàng loạt hồi tháng 4 vừa qua. Và khẳng định đây là dự án “đáng bỏ đi”.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Trần Bạt, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng từng gửi công văn tới Quốc hội và Chính phủ cho biết, nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8/2016, xả thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH)/năm xuống sông Hậu.
Vì dự án được đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một lượng xút lớn, cụ thể, để sản xuất 1 tấn giấy hoặc bột giấy cần 50 kg xút làm chất tẩy. Theo đó, với lượng lớn xút nêu trên đổ ra sông Hậu và biển sẽ huỷ hoại nguồn lợi thủy sản ở sông và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo lắng về dự án nhà máy giấy xả xút công suất khủng đang “bức tử” dòng sông Hậu. Đây quả thực là một vấn đề đáng lo ngại cho vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của cả nước - Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước”, đại diện VASEP chia sẻ.
Được biết, trước khi vào Hậu Giang, Công ty TNHH Giấy Lee & Man thuộc Tập đoàn Lee & Man Hong Kong - Trung Quốc đã muốn đặt nhà máy ở Cần Thơ nhưng bị các chuyên gia môi trường ở Trường Đại học Cần Thơ mà lãnh đạo tỉnh này mời tham gia tiếp xúc phản đối, vì lo ngại sẽ xảy ra những tác động xấu đến môi trường và đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt.

Nhà máy giấy 2.000 tỉ ‘trùm mền’, người dân ôm nợ

HOÀNG NAM - Thứ Ba, ngày 5/7/2016 - 01:05
(PL)- “Đến nay, dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam (ở huyện Thạnh Hóa, Long An) vẫn chưa có đơn vị tiếp nhận sau ba năm dừng hoạt động”.
Ông Đặng Văn Lớp, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, vừa cho biết như trên.
Nhà máy này do Công ty Tracodi, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6, Bộ GTVT xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2007. Nhà máy có công suất 100.000 tấn bột giấy/năm, được đầu tư tổng vốn hơn 2.000 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau gần hai năm vận hành, nhà máy này ngưng hoạt động do máy móc liên tục bị trục trặc.
Tổng Công ty Giấy Việt Nam tiếp nhận nhà máy. Đến năm 2012, nhà máy hoạt động trở lại nhưng máy móc tiếp tục hư hỏng nên đến năm 2013 thì dừng hẳn.
Nhà máy giấy có vốn đầu tư “khủng” trùm mền kéo theo cảnh nợ nần của người dân địa phương. Ảnh: HN
Sau đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An sớm thanh lý hoặc nhượng bán lại nhà máy nhằm tránh gây lãng phí.
Đáng lưu ý, ngoài việc “trùm mền” nhà máy có vốn đầu tư lớn nêu trên, người dân tại huyện Thạnh Hóa đã bỏ lúa trồng đay nguyên liệu phục vụ nhà máy. Diện tích đay trồng lên đến 10.000 ha nhưng nhà máy trục trặc nên chỉ mua được một ít khiến hầu hết người dân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
HOÀNG NAM

Thâm hụt ngân sách của Việt Nam tăng trong nửa đầu năm 2016

Chi nhánh ngân hàng HSBC tại Hà Nội. HSBC đưa ra con số thâm hụt bằng 6,6%, làm cho tỷ lệ nợ công trên GDP tăng lên mức 64,5% do nợ công cao và giá dầu giảm.
Chi nhánh ngân hàng HSBC tại Hà Nội. HSBC đưa ra con số thâm hụt bằng 6,6%, làm cho tỷ lệ nợ công trên GDP tăng lên mức 64,5% do nợ công cao và giá dầu giảm.
VOA-05-07-2016
Tổng cục Thống kê hôm 4/7 cho hay thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 là 82,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,7 tỷ đôla, do tăng chi thường xuyên và trả nợ.
Tổng thu ngân sách trong giai đoạn này đạt 425,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 42% mức dự kiến. Trong khi đó, chi ngân sách lên đến 508,5 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 40% mức dự kiến của cả năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói mức chi thường xuyên chiếm 65% mức chi ngân sách của cả nước, tăng cao so với mức 50% của năm ngoái.
Trong năm nay, chính phủ Việt Nam có kế hoạch vay 452 nghìn tỷ đồng thông qua trái phiếu chính phủ và viện trợ phát triển ODA, trong đó 254 nghìn tỷ đồng sẽ được dùng để bù đắp cho mức thâm hụt.
Theo kế hoạch, ước tính số tiền trả nợ trong năm nay sẽ tăng lên mức 273 nghìn tỷ đồng từ mức 148,3 nghìn tỷ trong năm 2015.
Bộ Tài chính dự báo mức thâm hụt sẽ là 4,95% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2016, trong khi đó các tổ chức kinh tế quốc tế dự báo các con số cao hơn. HSBC đưa ra con số thâm hụt bằng 6,6%, làm cho tỷ lệ nợ công trên GDP tăng lên mức 64,5% do nợ công cao và giá dầu giảm.
Các chuyên gia khuyến cáo chính phủ cần áp dụng các biện pháp cứng rắn để giảm chi tiêu và tăng thu.
Cũng trong ngày 4/7, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết mức tăng xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt trên 8% năm nay song vẫn không đạt mục tiêu đề ra là tăng 10%. Vị bộ trưởng này cho hay tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu dự kiến sẽ vẫn khó khăn trong nửa cuối năm 2016.
Theo Shanghai Daily, Business Recorder.

Doanh nghiệp sẽ bỏ sang các nước ASEAN nếu VN không giảm quan liêu

Công nhân đang làm việc tại một công xưởng ở Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế lo ngại bộ máy công chức cồng kềnh, kém hiệu quả sẽ dẫn dến nguy cơ nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chạy sang các nước lân cận để kinh doanh vì có môi trường thuận lợi hơn.
Công nhân đang làm việc tại một công xưởng ở Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế lo ngại bộ máy công chức cồng kềnh, kém hiệu quả sẽ dẫn dến nguy cơ nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chạy sang các nước lân cận để kinh doanh vì có môi trường thuận lợi hơn.
 Theo VOA-04.07.2016
 An Tôn
Theo báo chí Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói hôm 4/7 rằng trong nửa đầu năm 2016 bộ máy nhà nước đã cắt giảm hơn 10.000 người. Việc tinh giản biên chế diễn ra ở 18 bộ và 61 tỉnh thành trên cả nước.
Tính từ đầu năm 2015 đến nay, bộ máy hành chính đã tinh giản gần 15.000 người. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tân nói trong một cuộc họp của chính phủ cách đây ít ngày rằng tỷ lệ cắt giảm như vậy là “quá thấp” so với yêu cầu giảm 1,5% mỗi năm, tương đương 40.000 biên chế trên tổng số hơn 2,6 triệu công chức, viên chức đang có hiện nay. Khi còn là Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc từng nói có đến 30% làm việc không hiệu quả.
Một số cuộc khảo sát, điều tra trong những năm gần đây của cả các tổ chức trong nước lẫn nước ngoài, như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho thấy bộ máy công chức quá đông có liên quan mật thiết đến nạn nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp và lạm dụng chức quyền ở Việt Nam.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói bộ máy công chức cồng kềnh, làm việc kém hiệu quả sẽ dẫn dến nguy cơ nhiều doanh nghiệp trong nước chạy sang các nước lân cận để kinh doanh vì có môi trường thuận lợi hơn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có hiệu lực. Ông nói:
“Rất nhiều doanh nghiệp, tôi có thể nói là số ấy là đang tăng lên, đã có nói là nếu mà cái sự nhũng nhiễu và cái chi phí ở Việt Nam mà không giảm bớt, thì họ sẽ đi ra nước ngoài họ bỏ vốn họ đầu tư và họ sẽ sản xuất ở đó, rồi thì họ sẽ xuất khẩu về Việt Nam với cái thương hiệu của các nước ASEAN khác. Và nếu cái điều này mà cứ tiếp diễn thì tiền vốn của Việt Nam, trí tuệ của người Việt Nam, cái sự năng động của người Việt Nam lại đem lại lợi ích cho nước ngoài, nộp thuế cho nước ngoài chứ không nộp thuế cho ngân sách Việt Nam”.
Đây sẽ là một sức ép không thể xem thường đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, bộ máy hành chính thừa quá nhiều người còn đe dọa đến việc thực thi các hiệp định quốc tế trong đó có Hiệp định TPP. Tiến sỹ Doanh cảnh báo:
"Nếu mà cái sự nhũng nhiễu và cái chi phí ở Việt Nam mà không giảm bớt, thì họ sẽ đi ra nước ngoài họ bỏ vốn họ đầu tư và họ sẽ sản xuất ở đó, rồi thì họ sẽ xuất khẩu về Việt Nam với cái thương hiệu của các nước ASEAN khác. "-TS. Lê Đăng Doanh.
“Cái bộ máy này sẽ cần phải đổi mới một cách hết sức mạnh mẽ. Nếu không có, thì nó sẽ không thể nào đáp ứng được các cái yêu cầu của cái Hiệp định hợp tác Xuyên Thái Bình Dương”.
Để có thể cắt giảm nhiều hơn nữa con số công chức, viên chức trong bộ máy hành chính, vị cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đề xuất rằng hệ thống những người ăn lương từ ngân sách phải được cải tổ một cách cơ bản. Ông nêu ra những vấn đề cần giải quyết:
“Các cái tiêu chí đề ra là phải làm rõ anh ăn lương để anh làm cái việc gì, đem lại cái hiệu quả gì, và cái trách nhiệm giải trình của anh đối với đồng lương nó là như thế nào để làm cái căn cứ để có thể giảm bớt các cái biên chế, giảm bớt bộ máy cồng kềnh, và làm rõ thế thì anh ăn lương thì anh phải đem lại cái lợi ích gì cho người dân”.
Các thống kê và báo chí trong nước chỉ ra rằng tỷ lệ công chức của Việt Nam quá lớn so với dân số vì ngoài bộ máy chính phủ còn có nhiều người hưởng lương từ ngân sách song lại làm việc cho bộ máy của đảng Cộng sản cầm quyền và các đoàn thể. Bên cạnh đó là số cán bộ khá lớn tại các xã, phường được hưởng lương nhà nước song không rõ chức năng nhiệm vụ là gì.
Tiến sỹ Doanh cho rằng sau khi lên làm thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có những động thái đáng chú ý và được xem là tích cực như chỉ đạo cắt giảm giấy phép con trong kinh doanh, không hình sự hóa các giao dịch dân sự, tinh giản biên chế, yêu cầu bộ máy làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng, theo ông Doanh, là phải biến các chỉ đạo đó thành hiện thực cũng như phải hình thành các đề án có tính hệ thống và có tính căn bản.

Nạn buôn người và bắt cóc trẻ em ở tỉnh Nghệ An

 Nhóm phóng viên tường trình từ VN 2016-07-04  
620.jpg
 Phụ nữ miền núi là đối tượng có thể bị bắt cóc.  RFA photo
Những huyện miền núi tỉnh Nghệ An đang lên cơn sốt bởi nạn buôn người và bắt cóc trẻ em. Hầu hết những người bị lừa bán sang Trung Quốc đều là phụ nữ lao động và trẻ em độ tuổi mẫu giáo. Bởi cái nghèo, sự thiếu hiểu biết và luôn tin vào những hội, đoàn một cách không có cơ sở, bên cạnh đó, các trang mạng xã hội đến với người miền núi theo hướng kết bạn, trò chuyện, hẹn hò đã nhanh chóng biến thành mảnh đất tốt để kẻ lừa đảo buôn người hoạt động.
Nạn nhân lừa nạn nhân
Một nữ cựu cán bộ an ninh ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Miền núi biên giới, với ở Nghệ An thì ở những vùng sát Lào, nạn bắt cóc và buôn người nhiều. Dạo này ở quê cũng có người về bắt cóc trẻ, có đường dây bắt cóc trẻ rồi. Như hôm trước ở đây có hai trẻ bị bắt nhưng may giải thoát được, kẻ bắt có trốn được. Như những huyện Quỳ Châu, Tương Dương thuộc Nghệ An hoặc ngoài Bắc thì Lào Cai, Yên Bái… Không biết nó bắt cóc làm gì nhưng do nhà nước quản lý lỏng lẻo quá. Nó bắt tùm lum! Nó đợi trẻ đi học về một mình thì nó bắt, cha mẹ chưa kịp đón thì nó bắt à…”
Theo bà này, nạn buôn người đã diễn ra ở hầu hết các huyện miền núi tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận. Bởi những nhóm buôn người hoạt động có tính chất liên lục địa thông qua các trang mạng và mượn danh các đoàn thể của nhà nước. Và không riêng gì chuyện buôn người mà còn chuyện các nhóm lừa bịp chuyên lừa tiền dân nghèo.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ An, trong vòng một năm trở lại đây, họ đã khởi tố 15 vụ buôn bán người, 29 bị can, giải cứu 28 nạn nhân trở về nhà.
Miền núi biên giới, với ở Nghệ An thì ở những vùng sát Lào, nạn bắt cóc và buôn người nhiều. Dạo này ở quê cũng có người về bắt cóc trẻ, có đường dây bắt cóc trẻ rồi.
- Cựu cán bộ an ninh, Nghệ An
Mới đây nhất, ngày 2 tháng 10 năm 2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An bắt quả tang Lô Thị Hợi, trú ở bản Canh Khịt, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An và Vi Thị Pồn, trú ở bản Đình Tài, xã Xiềng My, huyện Tương Dương khi hai người này đang đón xe đưa 4 cô gái sang Trung Quốc để bán.
Hợi và Pồn vốn là hai nạn nhân từng bị lừa bán sang làm vợ cho đàn ông Trung Quốc. Sau đó, cả hai trở thành những kẻ buôn người chuyên nghiệp, về quê dụ dỗ các cô gái nhẹ dạ cả tin. Để đánh lừa các nạn nhân, Hợi và Pồn luôn ăn mặc sang trọng, sử dụng nhiều đồ đắt tiền. Khi tiếp cận “con mồi”, họ tỏ ra hào phóng mua quà tặng rồi khoe mình đang làm những công việc hái ra tiền ở Trung Quốc. Nếu thấy nạn nhân “cắn câu”, chúng sẽ dụ dỗ đưa sang đó kiếm việc làm với mức lương cao.
Ngoài nhóm của Hợi và Pồn ra còn một số nhóm buôn người chưa sa lưới pháp luật, họ vẫn đang hoạt động dưới nhiều lớp vỏ khác nhau khá tinh vi và cơ quan an ninh vẫn chưa đủ bằng chứng để bắt họ. Nhưng, cũng theo bà này, đâu đó có cả những bàn tay bề trên của bà nhúng vào nên mọi việc rất khó để phân định, rất khó nói. Kiểu làm việc mới nhất của các nhóm buôn người, bắt cóc trẻ em này là kết nối và mượn uy tín của cán bộ, biến cán bộ thành những con mồi chài.
Trong đó, không hiếm những cán bộ địa phương cùng đồng lõa trong việc kết nối “con mồi” với các nhóm buôn người. Cách kết nối của họ khá tinh vi. Nghĩa là mời đi uống cà phê, nước chè xanh hay ăn chè chẳng hạn, rồi làm như ngẫu nhiên gặp kẻ buôn người, kẻ buôn người được giới thiệu là bạn của cán bộ nhà nước và hai bên trò chuyện, sau đó kẻ buôn người xin số điện thoại của nạn nhân, riêng cán bộ thì rút hẳn, xem như mình vô can, chỉ ngẫu nhiên gặp nhau.
400.jpg
Một phụ nữ đang làm rẫy ở phía Tây Nghệ An. RFA photo
Về phía nạn nhân, khi nghĩ rằng đây là bạn của cán bộ nên chắc hẳn là người có uy tín và tin tưởng. Kẻ buôn người thả mồi dần dần và câu nạn nhân đến cửa tử.
Bà đưa ra nhận định về nạn bắt cóc trẻ em là hầu hết nạn nhân là trẻ em miền núi, nghèo khổ, kẻ bắt cóc lợi dụng lúc người lớn đi làm, đến dụ dỗ trẻ em bằng những cây kẹo hoặc vào thẳng nhà để bắt cóc. Nhiều trường hợp trẻ em bị dắt đi ngay trước mặt hàng xóm một cách vui vẻ, hàng xóm cứ nghĩ người thân dắt bé đi chơi, đến khi gia đình đi tìm thì mới vỡ lẽ.
Hiện nay, tình trạng bắt cóc trẻ em không những dừng ở các huyện miền núi mà đã lan mạnh xuống đồng bằng tỉnh Nghệ An và một số tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Lào Cai, Lạng Sơn. Nữ cựu cán bộ an ninh này cho biết thêm: “Tôi nói thật chứ bộ máy nhà nước nhiều khi những thứ đáng quan tâm thì không quan tâm, còn những thứ không đáng thì… Như vụ cá chết vừa rồi ở biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đấy! Do bộ máy nhà nước mình quản lý lỏng lẻo làm thiệt hại đến dân.”
Cái nghèo làm mất phương hướng
Một người cha tên Quyền ở Quì Châu, Nghệ An, chia sẻ: "Bữa nay thì tụi Trung Quốc nó bắt cóc trẻ em, nó đợi cha mẹ đi vắng, hoặc trên đường đi học về, chưa có cha mẹ đi đón, nó dắt đi luôn, mất tích. Còn phụ nữ thì nó lừa, nó bảo làm việc lương cao nhưng qua rồi nó bán đứng cho mấy ông mua về làm vợ, rồi mấy ông lại bán lại cho nhau. Thường thì mấy ông ở trong vùng sâu mua về…”
Theo ông, hiện nay người cháu họ của ông có khả năng đã bị bán sang Trung Quốc bởi suốt nửa tháng nay gia đình người anh trai của ông mặc dù tìm mọi cách liên lạc vẫn không được. Ông cho biết thêm, trước đây nửa tháng, có người đàn ông tên Miền đến nhà chơi, sau đó hẹn hò và dắt cô cháu gái của ông đi ra Hà Nội tìm việc. Ông đã có linh tính không tốt về việc này nhưng do người anh của ông quá nghèo, cần công việc cho cô con gái nên đã để cho con đi theo ông Miền tìm việc.
Bữa nay thì tụi Trung Quốc nó bắt cóc trẻ em, nó đợi cha mẹ đi vắng, hoặc trên đường đi học về, chưa có cha mẹ đi đón, nó dắt đi luôn, mất tích.
- Ông Quyền, Nghệ An
Khi đi người cháu có mang theo điện thoại nhưng sau đó hai ngày thì không thể liên lạc được nữa. Người cha vẫn khăng khăng rằng cô con gái của mình đã đổi số điện thoại vì cô dùng sim khuyến mãi nên thường mua sim mới. Câu chuyện cô cháu gái đi tìm việc làm, có thể chưa hẳn đã bị bắt cóc nhưng nó khiến ông nghĩ ngay đến chuyện này bởi vì trong thời gian qua nạn buôn người ở các khu vực miền núi Tây Bắc ngày càng gia tăng và tiến dần vào miền Nam.
Cũng theo ông Quyền, có nhiều trường hợp bị bán sang Trung Quốc bởi những ông chủ hờ chuyên đi gạ gẫm các cô gái ra Hà Nội tìm việc để rồi sau đó bán đứng. Và một khi đã bị bán đi thì tương lai chẳng biết sẽ ra sao. Nếu may mắn lắm thì sống sót, được một ai đó mua về làm vợ. Nhưng chuyện này rất hiếm.
Có thể nói rằng nạn buôn người qua biên giới, kẻ buôn người đã len lỏi vào các vùng quê ghèo để lừa các cô gái theo kiểu tuyển lao động hoặc gạ gẫm qua các trang mạng xã hội đang ngày càng hoành hành tại các huyện nghèo khổ phía Tây các tỉnh miền Trung. Nó đã thành một vấn nạn gây nhức nhối đối với đồng bào thiểu số và người nông dân nghèo khổ, thiếu thông tin. Và đây cũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam hiện tại.

Formosa có thể phạm luật hình sự Việt Nam

 Gia Minh, PGĐ ban Việt Ngữ 2016-07-04  
075_smit-notitle160501_npvRE.jpg
Người dân biểu tình tại Hà Nội hôm 1/5/2016 phản đối tập đoàn Đài Loan Formosa  AFP photo
Luật pháp Việt Nam qui định cụ thể việc xử phạt những tác nhân gây hại cho môi trường như Formosa Hà Tĩnh vừa qua. Gia Minh phỏng vấn luật sư Lê Quốc Quân về qui trình pháp lý liên quan vấn đề này. Trước hết luật sư Lê Quốc Quân cho biết:
Đây là một thảm họa thực sự, nó không chỉ có tác động ngay một lúc mà có hệ lụy rất lâu dài. Ở đây gọi ‘sự cố’ là cách mà bên thủ phạm gây ra nói (như thế), nhưng luật thì không có sự tách biệt hay gọi là sự châm chước gì về ‘sự cố’ hay ‘không sự cố’ cả mà có khái niệm gọi là ‘sự biến pháp lý’. Ở đây rõ ràng có một sự biến pháp lý: sự cố này đã gây ra một thảm họa mà thảm họa này cực kỳ lớn, tác động lâu dài. Theo luật định, chắc chắn người gây ra phải chịu trách nhiệm rồi.
Gia Minh: Tại Việt Nam lâu nay đã có xử lý những vụ việc mà theo như luật sư là gây ra những ‘sự biến pháp lý’?
Từ trước đến nay người ta tiến hành xử lý nhiều vụ việc rồi chứ, nhưng ở qui mô nhỏ. Còn ở qui mô lớn như thế này thì chắc chắn phải tiến hành xử lý hình sự.
- Luật sư Lê Quốc Quân
Luật sư Lê Quốc Quân: Pháp luật môi trường và pháp luật hình sự đều có qui định rất rõ rồi. Từ trước đến nay người ta tiến hành xử lý nhiều vụ việc rồi chứ, nhưng ở qui mô nhỏ. Còn ở qui mô lớn như thế này thì chắc chắn phải tiến hành xử lý hình sự.
Trong trường hợp Việt Nam có những tranh luận pháp lý, có đơn kiện, có những vấn đề về mặt thủ tục pháp lý rồi, chứ không phải sự việc này. Sự việc này trước hết theo luật và thứ hai theo lẽ công bằng bình thường thì chắc chắn phải dài hơn, phức tạp hơn và đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý hơn để đưa đối tượng gây ra thảm họa này đối mặt với công lý.
Gia Minh: Phía đứng ra để đưa đối tượng (gây thảm họa) ra trước công lý là phía nào?
Luật sư Lê Quốc Quân: Rõ ràng trước hết là những người dân chịu ảnh hưởng tác động trực tiếp. Theo luật thì vụ việc này có khái niệm ‘class action’ là vụ kiện tập thể. Tuy nhiên theo luật Việt Nam chưa qui định các đơn tập thể. Cho nên để tăng thêm sức mạnh thì từng cá nhân phải có đơn và rồi toàn bộ cũng có đơn; (như thế) tác động sẽ lớn hơn.
Gia Minh: Vừa rồi một số luật sư tại Hà Nội mà đứng đầu là luật sư Trần Vũ Hải có một đơn khiếu nại do những người dân chịu tác động ký tên, vậy một đơn khiếu nại như thế có tác động yêu cầu phía chính phủ giải quyết ra sao?
Luật sư Lê Quốc Quân: Về mặt khiếu nại, người ta chỉ khiếu nại những sai phạm thôi. Việc giải quyết khiếu nại đó là do Nhà nước. Nhưng nếu có đơn gọi là đơn tố cáo, hoặc đơn yêu cầu phải xử lý hình sự về lý do gây ra thảm họa này thì chắc chắn sẽ mạnh hơn. Nhà nước phải trả lời đơn khiếu nại, và khi có những sự biến pháp lý, và khi có hậu quả xảy ra, rồi khi có thừa nhận (về) nguyên nhân gây ra thì người/chủ thể gây ra hành động tác hại môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và luật pháp qui định phải khởi tố hình sự về những chuyện như thế.
Luật cũng có qui định về chuyện bao che/ không khởi tố những vụ án hình sự, tức tội phạm đã xảy ra. Ở đây rõ ràng có hành vi tội phạm môi trường xảy ra.
Khởi kiện ra sao?
Gia Minh: Trong trường hợp này thì các luật sư cũng như các tổ chức xã hội dân sự có thể giúp người dân tiến hành khởi kiện vụ việc ra sao?
075_smit-notitle160501_npjWs.jpg-400.jpg
Người dân biểu tình ở Hà Nội ngày 01 tháng 5 năm 2016 chống tập đoàn Đài Loan Formosa. AFP photo
Luật sư Lê Quốc Quân: Trong trường hợp này rõ ràng đầu tiên người dân chịu thiệt hại trực tiếp làm đơn. Nếu không làm đơn thì người dân có thể ủy quyền cho các nhóm luật sư. Các nhóm luật sư sẽ thay mặt hỗ trợ toàn bộ qui trình pháp lý ví dụ như quá trình chuẩn bị đơn, nơi nộp và thay mặt đi thu thập các chứng cứ, tài liệu có liên quan và chứng minh sự thiệt hại. Sau đó nộp đến các cơ quan nhà nước, đặc biệt tòa án Việt Nam để yêu cầu bồi thường.
Nói chung mọi sự việc liên quan đến pháp lý, luật sư và các nhóm xã hội có thể làm rất nhiều để giúp đỡ người dân. Thậm chí có thể thay mặt họ làm tất cả những qui trình này.
Gia Minh: Trong trường hợp này nên bắt đầu từ khởi điểm nào?
Luật sư Lê Quốc Quân: Bắt đầu là ngư dân của bốn tỉnh ven biển miền trung; nhưng theo tôi không chỉ ngư dân bốn tỉnh ven biển miền trung, mà bất cứ người công dân Việt Nam nào khi thấy một thảm họa về môi trường như vậy- gây ra biển chết, gây ra tác động rất lớn không chỉ hiện tại mà tương lai, đều có thể làm đơn lên cơ quan chịu trách nhiệm về môi trường tại Việt Nam (ở đây là Sở Tài nguyên & Môi trường). Thứ hai gửi đến tòa dân sự- Tòa án Nhân dân tỉnh, các yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Thế nhưng Việt Nam đòi hỏi ‘cá nhân hóa’ trách nhiệm hình sự; và để ‘cá nhân hóa’ trách nhiệm hình sự thì mỗi người phải làm một đơn; nhưng tôi rất muốn khuyến nghị tất cả những người dân nếu có thể được gom lại thành một đơn nữa để có thể tạo ra sự kiện lần đầu ở Việt Nam gọi là vụ kiện tập thể.
Như phương Tây có chế định ‘class action’ tức là hành động tập thể chung của mọi người thì tiếng vang cả về mặt pháp lý và cả mặt xã hội sẽ lớn hơn.
Trong trường hợp này rõ ràng đầu tiên người dân chịu thiệt hại trực tiếp làm đơn. Nếu không làm đơn thì người dân có thể ủy quyền cho các nhóm luật sư.
- Luật sư Lê Quốc Quân
Gia Minh: Ngoài đơn vị gây ra thảm họa môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống rất nhiều người tại khu vực 4 tỉnh miền trung, những cá nhân thuộc các cơ quan chức năng ký giấy phép để đơn vị sản xuất- kinh doanh xả thải gây hại, qui định của luật pháp Việt Nam đối với những người đó thế nào?
Luật sư Lê Quốc Quân: Đầu tư nước ngoài có những qui định rất rõ về trình tự pháp lý: những ai ký giấy hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm bỏ qua những bước mà lẽ ra theo qui định phải có dẫn đến sự kiện pháp lý thì phải chịu trách nhiệm, bị khởi tố về tội thiếu tinh thần trách nhiệm.
Còn nếu như các trình tự, các thủ tục đã làm đúng mà cuối cùng chính người vận hành, thực  hành làm sai những qui trình theo luật định, mà trong trường hợp này là Formosa thì phải chịu trách nhiệm.
Ở đây tôi nghĩ cần phải có sự điều tra chi tiết, và theo tôi có hai yếu tố: thứ nhất có thể những người phê duyệt dự án đã lơ là bỏ qua qui định luật buộc; thứ hai mà phía bên Nhà nước hay dùng từ ‘sự cố’ vì do người vận hành, người áp dụng thực tế mà thủ phạm trực tiếp là Formosa không tuân thủ những điều phải tuân thủ mà trong giấy phép có.
Rõ ràng khi có những chuyện như thế thì tất cả các cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Gia Minh: Cám ơn Luật sư Lê Quốc Quân.

Chính quyền hành động càng lúc càng sai

Mai Tú Ân (VNTB) Việc để đến 3 tháng mới tìm ra nguyên nhân, và để đến 3 tuần mới công bố bản báo cáo đã hoàn thành trước đó đã khiến cho người dân nghi ngờ về tính minh bạch của chính quyền trong việc chậm chễ này. Nhưng việc xuất hiện cùng với “tội phạm” Formosa tại cuộc họp báo ngày 30/6/2016 lại khiến cho người dân nghi ngờ hơn về sự làm việc vô lối, thiếu khôn ngoan của chính quyền trong sự vội vã này. 


Các sự kiện sau đó, coi việc thỏa thuận với Formosa như đền bù 500 triệu đô la, lời xin lỗi của Formosa là cái chốt cuối cùng để cho qua cái vụ cá chết này, cũng như chính quyền mau chóng lên kế hoạch tiêu thụ số tiền đền bù của Formosa cho nhanh chóng thì tất thảy đều là những bài giải sai và kém cỏi của những anh trò dốt lại cầm đèn chạy trước otô.

Việc tàn sát môi trường Việt Nam, dù không cố ý thì cũng như cũng giống một vụ giết người, ngộ sát vậy. Chính quyền vào cuộc lờ phờ và lâu lắc, và 3 tháng sau thì mới công bố nguyên nhân tai họa cá chết này. Trước sự chờ đợi của muôn dân, chính quyền lại xuất hiện tay trong tay với kẻ thủ ác Formosa, với lời khẳng định khẳng định kẻ sát nhân chính là...Formosa. Và cũng tại cuộc họp báo trên, Formosa cũng đã mau chóng có lời xin lỗi với cái giá 500 triệu đô la tiền đền bồi. Hai bên hỉ hả khi cho rằng việc đã xong.

Nhưng việc lại không xong được bởi cách làm khó hiểu của chính quyền Việt Nam. Việc điều tra tội phạm thì phải cung cấp hồ sơ điều tra khi đã xong, còn phải chờ bên tội phạm phản ứng, chối tội rồi vì ta đã có sẵn bản điều tra với các con số kỹ thuật, các tài liệu chứng minh đưa ra khiến tội phạm hết đường chối cãi, phải qui hàng, tâm phục khẩu phục. Chớ không ai im he một thời gian dài khiến công chúng bất mãn rồi bỗng xuất hiện với kẻ thủ đã bị bắt, đã thú nhận và đã chấp nhận bồi thường, khiến công chúng lại càng bất mãn hơn.

Chính quyền thì hành động mau mau, chấp nhận đền bồi và tha thứ, và không quan tâm đến người bị chết, tức biển và người miền Trung ra làm sao cả. Việcnày giống như ta đã bán thảm họa này để lấy tiền rồi vậy. Chưa kể việc “kẻ sát nhân” mau chóng nhận tội và đền tiền cũng khiến cho thiên hạ giật mình. Bỏ mẹ. Hay nó giết nhiều người, sát nhân hàng loạt nên giờ nó chỉ nhận một tội thôi để trốn các tội khác. Hay nó là hình nhân thế mạng cho ai đó, lớn hơn đứng đằng sau nó. Hoặc nó biết nó phạm tôi mà ra tòa án quốc tế phải đền hàng tỷ, hàng chục tỷ đô la nên nó mới khôn ngoan, đền nhanh cho các anh thộn Việt Nam 500 triệu thôi. 

Tóm lại thiên hạ có quyền nghi ngờ như vậy cũng bởi sự nhanh nhẩu đoảng quá của cả hai khi đẩy sư việc lên đỉnh một cách kiên cưỡng và thiếu thuyết phục như vậy. Ở đời có câu nói :”Dục tốc bất đạt” Cái gì chạy nhanh quá thì không thành.

Ấy thế nhưng chính quyền lại không học được chữ này khi mới ngày sau buổi họp báo, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra thông báo kế hoạch tiêu số tiền mà Formosa hứa đền bù. Việc chưa đâu vào đâu thì chính quyền vội khỏa lấp bằng cách xơi vội số tiền trên giấy đó, kiểu như đếm cua trong lỗ vậy. 

Việc này có nhiều cái sai. Thứ nhất là vỗ vào mặt đồng bào miền Trung rằng tiền đền bù sẽ không được chia cho nạn nhân, (không chia cho nạn nhân thì chia cho ai) mà chỉ giúp họ hỗ trợ lãi suất ngân hàng khi họ vay tiền đóng tàu đánh bắt xa bờ mà thôi. Thật là thất vọng quá cho người dân nghèo miền Trung, những người nghèo khổ trông chờ con cá về để họ đi làm vẩy cá, hay buôn bán lặt vặt con cá củ rau, chứ có mấy người đủ sức, đủ trình độ và đầu óc để đóng táu đánh cá xa bờ đâu. 


Cái sai nữa là nóng vội xài tiền chùa quá đã khiến cho nghi can phản công lại. Vừa rồi đài TV của Đài Loan đã viết rằng, theo lời Formosa thì chính quyền Việt Nam chơi trò bắt cóc con tin, không cho ông trưởng và phó Formosa xuất cảnh để đòi tiền và thế là Formosa phải chịu chi 500 triệu đô la. Chả biết việc này như thế nào, nhưng dù đúng hay sai thì người chịu mang tiếng là chính quyền Việt Nam bởi kiểu làm việc không giống ai, lúc nóng lúc lạnh, lúc thì chậm quá, lúc thì nhanh quá của mình.

04-07-2016

Bài toán ngu xuẩn của đảng CSVN: 500 triệu USD bồi thường bỏ qua 50 năm hồi sinh biển chết miền Trung?

Đốc Nguyễn (Danlambao) - Thông thường, những ai viết báo nói sự thật trái với ý tuyên giáo đều cho là phản động cho dù những thông tin trong các bài viết dựa vào các báo trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Trí, Vietnamnet. Hôm nay, không ai có thể gán danh xưng phản động cho bài viết này vì hoàn toàn dựa vào thông tin chính thức của báo Nhân Dân tiếng nói chính thức của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Trở lại sự kiện xảy ra trong cuộc họp báo của nhà nước csvn ngày 30/6/2016. Trong cuộc họp báo này nhà nước xác nhận Formosa là thủ phạm gây ra vụ cá chết Miền Trung và chấp nhận lời hứa bồi thường 500 triệu USD sau đó phổ biến một video quay sẵn ban lãnh đạo Formasa cúi đầu xin lỗi như một hình thức nhận tội.

Qua sự việc này có nhiều câu hỏi đặt ra cần được sáng tỏ như sau:

1)- Việc xin lỗi của tập đoàn Formosa có thành tâm hay không khi thực hiện video ở phòng kín rồi giao cho nhà nước phổ biến mà không công khai xin lỗi trực tiếp trong cuộc họp báo, trước quốc hội đại diện cho người dân? Trong khi ngay buổi sáng ngày 30/6 Chủ tịch HĐQT công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành phổ biến văn bản có nội dung: 

Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam.

2)- Bản chất sự kiện: Formosa là thủ phạm gây ra vụ cá chết miền Trung là một vi phạm hành chánh hay vi phạm luật pháp Việt Nam và công pháp quốc tế?

a/- Nếu đây là một vi phạm hành chánh, nhà nước Việt Nam chưa trưng ra biên bản vi phạm của công ty Formosa để tuyên phạt Formosa 500 triêu USD. Và nếu đây là tiền phạt vì vi phạm hành chánh thì số tiền này phải sung công quỹ tại sao lại tuyên bố đây là tiền bồi thường cho sự thiệt hại của người dân?

b/- Nếu đây là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam thì thẩm quyền xét xử phải là tòa án và vụ việc phải được khởi tố theo trình tự của luật tố tụng hình sự kể cả dân sự. Vụ việc chưa được khởi tố nhà nước Việt Nam với tư cách gì đứng ra nhận lời hứa bồi thường 500 triệu USD của Formosa? Người dân trong bốn tỉnh miền Trung là đối tượng bị thiệt hại trực tiếp chưa hề được hỏi ý kiến. 

Trên cơ sở luật pháp nào mà nhà nước là cơ quan hành pháp cấp phép hoạt động cho Formosa, lại tước đoạt quyền tài phán của tòa án không khởi tố vụ kiện Formosa, ngoài ra còn tước đoạt quyền khiếu kiện người dân để đứng ra nhận lời hứa bồi thường của Formosa?

3)- Trên cơ sở nào để nhà nước chấp thuận lời hứa của Formosa bồi thường 500 triệu USD trong khi chưa có biên bản kết luận điều tra thiệt hại của người dân bốn tỉnh miền Trung trong hiện tại và lâu dài khi biển chết. Chưa có đánh giá thiệt hại của các ngành nghề liên quan như du lịch, kinh tế, y tế, xã hội, kể cả uy tín của Việt Nam trên thương trường quốc tế?

Theo báo Nhân Dân điện tử ngày 3/7/2016 có bài viết: Mất bao lâu thì biển miền trung sẽ phục hồi? TS Vũ Đức Lợi là một trong các nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học và Công nghệ Việt nam nhận định chính thức rằng:

Phải mất ít nhất 50 năm sau, hệ sinh thái biển ở bốn tỉnh này mới phục hồi lại như hiện trạng ban đầu”(*)

Sự đánh giá này dựa trên cơ sở vật chất hiện hữu và hiện tại Formasa chưa đi vào hoạt động.

Nếu trong thời gian tới Formosa được đi vào hoạt động chính thức và xả thải hằng ngày với công suất cao thì mức độ thiệt hại lại gia tăng thêm theo cường độ xả thải và theo thời gian kéo dài 70 năm thì Việt Nam phải mất bao nhiêu thế kỷ để hệ sinh thái biển mới phục hồi lại như hiện trạng ban đầu?

Nhà nước Việt Nam nhận lời hứa đền bồi 500 triệu đô la của Formosa để cho qua vụ kiện và tiếp tục để cho Formosa hoạt động. Thế nhưng theo luật pháp Việt Nam và Quốc tế những người bị thiệt hại trực tiếp hay gián tiếp về vụ cá chết trong hiện tại và trong suốt thời gian dài 70 năm vẫn có quyền khởi tố Formasa ra tòa án Việt Nam hay quốc tế. 

Sự việc này sẽ xảy ra và chắc chắn sẽ xảy ra (với áp lực của quốc nội và quốc ngoại) thì hóa ra nhà nước Việt Nam chính là kẻ lừa đảo Formosa với số tiền 500 triệu đô la với cam kết cho chìm xuồng vụ cá chết mà không hoàn thành.

Tóm lại qua trình bày trên cho thấy nhà nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đảng Cộng sản Việt Nam đã bất chấp sự phân quyền của hiến pháp, đứng trên luật pháp, ngang nhiên tước bỏ quyền lợi của dân tộc Việt Nam trong hiện tại và tương lai để chấp thuận cho Formosa được hoạt động trong bất cứ tình huống nào chỉ với cái giá 500 triệu đô la.

Đây là kết luận chính thức của đảng CSVN sau khi Nguyễn Phú Trong thăm quan Formosa trong thời điểm cá chết, sau ba tháng im hơi lặng tiếng.

Rồi đây dân chúng sẽ phải nổi lên phản ứng trước sự thiệt hại của cá chết với sự ngang nhiên xả độc của Formosa.

Phải chăng đảng csvn đang đem chính sinh mệnh chính trị của mình thách thức với toàn dân tộc Việt Nam với giá 500 triệu đô la? 

Một bài toán đầy ngu xuẩn.

4.7.2016


Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thành Thánh và Bồ Tát sống: Khoan hồng độ lượng với tập đoàn sát nhân thép Formosa!

Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam (Danlambao) - Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt nhóm đảng viên cộng sản lãnh đạo cao cấp, có phải đột biến trở thành Thánh (Thiên Chúa Giáo), Bố Tát (Phật Giáo) sau đại thảm họa ô nhiễm hóa chất do tập đoàn gang thép Formosa gây ra? 

Nếu không thì động cơ của đảng cộng sản là gì khi họ lên tiếng “khoan hồng độ lượng” - “đánh kẻ chạy đi không đánh người trở lại”, với hành động sát nhân có tính toán trước của tập đoàn gang thép Formosa cố tình xả hằng ngàn tấn hóa chất hủy diệt môi trường biển và đầu độc hằng chục triệu người dân Việt trong thời gian kéo dai hằng thế kỷ?

Từ đầu tháng Tư năm 2016 đến nay, toàn bộ vùng biển 4 tỉnh Bắc miền Trung bị nhiễm độc, hằng trăm tấn hóa chất vô cùng độc hại gây ra đại nạn thảm họa lớn nhất trong lịch sử Việt Nam trải dài hằng trăm cây số dọc bờ biển miền Trung từ Vũng Áng Hà Tĩnh đến tân Huế Thừa Thiên, và có thể lan xa đến Vũng Tàu về phía Nam và Hải Phòng về phía Bắc. Ngư dân trong vùng tuy với trình độ học vấn chỉ hết cấp một hay cao lắm là cấp hai, nhưng đều biết rất rõ mười mươi ai là những kẻ tạo điều kiện và gây đại thảm họa ô nhiễm hóa chất khắp bờ biền và biển miền Trung Việt Nam. Cá biển và hầu như tất các chủng loại hải sản bị tận diệt sình thối. Hằng ngàn tấn cá và sinh vật biển các loại thảo mộc biển cần thiết cho môi trường sống dưới đáy biển bị tận diệt liên tục trôi dạt vô khắp bờ biển trải dài hơn 200Km.

Tuy thời gian đã hơn 3 tháng, nhưng toàn bộ các cấp đầu não của đảng cộng sản Việt Nam từ nhân vật cao nhất là Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng rồi các nhân vật quyền lực thuộc tứ trụ triều đình cai trị đất nước Việt Nam gồm Chủ Tịch nước- Đại tướng công an khét tiếng quả đấm thép Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc Hội Phạm Thi Kim Ngân, Thủ Tướng nhà nước Nguyễn Xuân Phúc không thấy nhân vật nào lên tiếng. Không những chỉ 4 nhân vật tứ trụ triều đình đầy quyền lực kiên quyết ngậm miệng trước một đại thảm họa gây chết chóc tang thương cho cả chục triệu dân lành đang dở sống dở chết suốt dọc bờ biển dào gần 300km, mấy trăm ông bà gọi là dân biểu Quốc Hội của đảng cử cũng đơ lưỡi.

Người dân vì an toàn cho chính mình trong lúc này và cho tương lai của con cháu mình, của dân tộc mình, vì sự tôn vong của đất nước trước đại thảm họa ô nhiễm hóa chất vô cùng độc hại, liên tục xuống đường đòi hỏi đảng cộng sản và nhà nước của đảng cộng sản phải nhanh chóng công khai điều tra đại thảm họa, đặc biệt là tập đoàn gang thép Formosa tại Vũng Áng Hà Tĩnh. 

Nhưng toàn bộ đảng viên cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam cố tình trì hoãn, một mặt phớt lờ tình trạng bi đát của hàng trăm ngàn ngư dân và dân chúng đang sống dọc theo bờ biển miền Trung đang bị nhiễm độc bị ngô độc các loai hóa chất bí mật mà nhà máy thép Formosa Vũng Áng xả ra biển, mặt khác chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lại đích thân đến ủy lạo và khen thưởng lãnh đạo khu nhà máy thép Formosa ngay thời điểm toàn vùng bờ biển xung quanh Vũng Áng tràn ngập xác cá. 

Không chỉ nhân vật cao cấp nhất của đảng cộng sản VN đang nắm vận mạng của cả nước bao che cho tập đoàn thép Formosa, mà cả đoàn tướng lãnh quân bộ đội cộng sản cũng đến thăm quan nhà máy trong khi ngư dân đang bị nhiễm độc và hằng trăm cây số bờ biển bị tràn ngập cá tôm và các loại hải sản bị nhiễm độc hóa chất chết trôi dạt vào. 


Suốt thời gian gần ba tháng, các cấp lãnh đạo và ban tuyên giáo đảng cộng sản đã tìm mọi cách đánh trống lảng đại nạn ô nhiễm môi trường biển dài hằng trăm cây số. Họ thẳng thừng cho hay Formosa xả thải đúng qui trình, nước xả thài từ khu công nghiệp Formosa đạt tiêu chuẩn về môi trường, không gây ô nhiễm. Lãnh đạo của đảng cộng sản tuyên bố hiện tượng cá chết đại trà khắp 4 tỉnh miền Trung do chấn động đáy biển, do nạn tảo đỏ, do nước biển trở nên nóng bất thường vì hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Đảng cộng sản và lãnh đạo ban tuyên giáo dùng đàn em và tay sai tại những vùng xa khu vực bị ô nhiễm đi tắm biển, ăn hải sản để tuyên truyền bao che cho tập đoàn Formosa là biển không bị ô nhiễm hóa chất độc hại, ăn cá biển và các loại hải sản rất an toàn. Họ còn nhẫn tâm đẩy hằng chục ngàn đoàn viên thanh niên non dại, các em học sinh tại địa phương ra thu nhặt xác cá, rác trôi dạt vô bờ chỉ với đôi tay trần. Đây là hành động sát nhân có tính toán trước của ban lãnh đảo đảng cộng sản Việt Nam

Dân chúng khắp nước không còn tin những lời tuyên truyền gian dối của đảng cộng sản. 

Hằng ngàn người dân khắp nơi đã liên tục xuống đường đòi đảng cộng sản phải minh bạch, nhanh chóng điều tra công bố loại hóa chất đang giết hại môi trường và đưa những kẻ gây ra thảm họa ô nhiễm biển miền Trung ra trước pháp luật. Tập đoàn thép Formosa là kẻ bị dân chúng chỉ đích danh đã thải hằng ngàn tấn hóa chất độc hại ra biển gây ra đại thảm họa này với sự bao che đồng lõa của những đảng viên đảng cộng sản từ trung ương Hà Nội đến tỉnh Hà Tĩnh. 

Nhưng thay vì đồng hành và cảm thông cùng toàn dân trước đại thảm họa đe dọa sự tồn vong của đất nước và dân tộc, đảng cộng sản lại một lần nữa dùng bạo lực công an côn đồ đàn áp tàn bạo người dân. 

Đảng cộng sản dùng tất cả quyền lực trong tay khuất phục toàn dân nhằm nhấn chìm đại thảm họa diệt biển, quyết tâm dùng sức mạnh “quả đấm thép” công an dưới sự lãnh đạo của đại tướng công an Trần Đại Quang khống chế toàn dân.


Động cơ của đảng cộng sản Việt Nam là gì khi toàn bộ quan chức cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng trở xuống, cố tâm nhấn chìm một đại thảm họa ô nhiểm hóa chất vô cùng độc hại?

Ngày 30/06/2016, sau khi tập đoàn Formosa lên tiếng chính thức nhận tội, đã lộ rõ động cơ của đảng cộng sản, tại sao lãnh đạo đảng cộng sản đã im hơi lặng tiếng: TIỀN, TIỀN, TIỀN!!!. Lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam trong ba tháng qua đã kiên trì ngậm miệng ăn tiền, và họ ăn được 500 Triệu Đola Mỹ từ Formosa.

Chưa có tiền nên đảng cộng sản VN im lặng, tuy họ biết rõ từ lâu Formosa đã xả ra biển hằng trăm tấn hóa chất cực độc, để đi đêm với bọn sát nhân diệt chủng Tàu Formosa. Sinh mạng của hàng triệu người dân Việt và một vùng biển chết biến thành sa mạc dưới lòng biển bị đảng cộng sản dùng làm vật thương lượng với bọn sát nhân Formosa. Bọn Tuyên Giáo của đảng cộng sản Việt Nam là tòng phạm trong vụ đại án xả hóa chất giết dân hàng loạt và hủy diệt môi trường biển miền Trung khi chúng dùng hệ thống báo chí truyền hình bao che đại nạn ô nhiểm hóa chất.

Chỉ với 500 Triệu Đôla Mỹ, đảng cộng sản Việt Nam từ một đảng “giết không ngừng nghỉ” chính đồng bào của họ trong suốt chiều dài thời gian họ cướp được nước Việt Nam, đột biến thành một đảng gồm toàn Thánh và Bồ Tát sống: Đảng cộng sản Thần Thánh Khoan Hồng Độ Lượng, chỉ đánh “kẻ chạy đi không đánh người trở lại”.

Miền Bắc, năm 1954, với Cải cách ruộng đất, đuổi dân sống trong thành phố đi ra các khu kinh tế mới - quyết tiêu diệt người ở lại. Không khoan hồng độ lượng!

Miền Nam, năm 1975, bỏ tù và hành hạ hơn triệu dân quân cán chính miền Nam ở lại, tịch thu tài sản của dân đuổi ra vùng kinh tế mới rừng thiên nước độc để chết dần chế mòn- quyết tiêu diệt người dân cùng tổ tiên ở lại. Không khoan hồng độ lượng!

Cả nước trong thời gian miền Trung bị Formosa hủy diệt từ tháng Tư đến nay: dân chúng bị đàn áp đánh đập công khai vì tố cáo Formosa là thủ phạm gây ra đại thảm họa. Không khoan hồng độ lượng.

Nhờ động cơ xả thải hằng ngàn tấn hóa chất của Tập đoàn Formosa giết biển giết dân, để lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam sống sót và đột biến thành Thánh và Bồ Tát cộng sản đầy lòng độ lượng khoan hồng.

Toàn dân Việt Nam "đội ơn" Formosa! 

Ngày 04/07/2016


________________________________________

Tham khảo:

- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: 'Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại'


- Đảng, chính phủ hy vọng nhân dân khoan hồng, độ lượng với Formosa


- Formosa thừa nhận làm cá chết ở miền Trung: Các Bộ trưởng lên tiếng


- VIỆT NAM - CÁI CHẾT CỦA CÁ vietsub (đài PTS thực hiện) - thảm họa biển miền Trung


- Quảng Bình: Rong biển chết dạt vào bờ dày đặc: ngày 02/07/2016