Monday, July 2, 2018

Luật ‘animal’ khiến nhiều người dùng Việt Nam bỏ Facebook sang Minds

Luật ‘animal’ khiến nhiều người dùng Việt Nam bỏ Facebook sang Minds
Sau khi quốc hội bù nhìn của CSVN thông qua luật an ninh mạng bất chấp làn sóng chống đối mạnh mẽ đối với luật này (và luật đặc khu), nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam đang di tản sang một diễn đàn khác.
Và một tên gọi mới cho luật an ninh mạng đang trở nên ngày càng phổ biến, đó là: “luật animal”. “Animal” tiếng Anh nghĩa là “thú vật”, lại chính là một cách đọc trại đầy châm biếm của “an ninh mạng”. Theo blogger kiêm nhạc sĩ Tuấn Khanh, trong vài ngày qua, nhiều cư dân mạng ở Việt Nam đã đổ xô sang dùng mạng xã hội Minds thay cho Facebook. Blogger Tuấn Khanh nhận định rằng, kể từ sau cuộc gặp của bà Monika Bickert, giám đốc chính sách quản trị toàn cầu của Facebook, với bộ trưởng thông tin truyền thông CSVN Trương Minh Tuấn vào hồi tháng 4 năm 2017 tại Hà Nội, những trường hợp người dùng Việt Nam bị xóa bài, khóa trang và không hiển thị nội dung trên Facebook xảy ra ngày càng nhiều. Điều này đã khiến nhiều người dùng Facebook bất mãn, cho rằng mạng xã hội này đang chiều theo những yêu cầu của nhà cầm quyền cộng sản, hoặc Facebook đã bị các nhóm dư luận viên đông đảo lừa gạt qua phương tiện báo cáo “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”.
Hiện nay chưa có thống kê về số người bỏ Facebook sang Minds, nhưng blogger Tuấn Khanh dự đoán rằng sang tháng 1 năm 2019, tức vào thời điểm “luật animal” được thi hành, sẽ còn nhiều người nữa thực hiện cuộc di tản kỹ thuật số.
Huy Lam / SBTN

Nhà cầm quyền CSVN thu hồi, bán đất nhưng không lưu trữ dữ liệu về đất

Nhà cầm quyền CSVN thu hồi, bán đất nhưng không lưu trữ dữ liệu về đất
Mặc dù vẫn rêu rao đất đai thuộc sở hữu toàn dân và nhà nước chỉ đòng vai trò quản trị, nhà cầm quyền CSVN không thực sự quản trị đất.
Nhà cầm quyền cộng sản đã cưỡng chế thu hồi rất nhiều nhà và đất của người dân để bán lại cho các công ty có những mối quan hệ với nhóm lợi ích của giới lãnh đạo. Nhưng nhà cầm quyền cộng sản đã không hề lưu trữ dữ liệu về đất đai được thu hồi. Đây là khám phá của ông Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường CSVN.
Báo mạng VnExpress phiên bản tiếng Anh tiết lộ khám phá của ông Võ trong một bài viết hôm 21 tháng 6 vừa qua. Ông Võ cho biết ông đã bị sốc khi không tìm thấy dữ liệu nào về đất đai được nhà nước thu hồi cho những dự án đầu tư. Ông đã yêu cầu Cục Quản Lý Đất Đai thuộc Bộ Tài Nguyên cung cấp một số dữ liệu và tài liệu để nghiên cứu, đặc biệt là dữ liệu về diện tích đất được chính phủ thu hồi từ sau khi bộ luật đất đai 2013 có hiệu lực.
Một giới chức nói với ông Võ rằng cục chưa bao giờ lưu trữ dữ liệu đó. Theo ông cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên, các dữ liệu đó là căn bản và thiết yếu cho việc phân tích và phát triển chính sách. Nhưng không một cơ quan hữu trách nào có những dữ liệu này, và còn tệ hơn nữa, không ai có ý định thu thập loại dữ liệu này. Trước đó, ông Võ đã yêu cầu giới chức một số tỉnh cung cấp loại dữ liệu này, nhưng không ai có.
Huy Lam / SBTN

‘Phản động’ và phản quốc


Người dân Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối dự luật “Đặc Khu” và “An Ninh Mạng.” (Hình: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
Trần Tiến Dũng/Người Việt

Không hề cường điệu khi dư luận cho rằng, sau các cuộc biểu tình lớn khắp cả nước ngày 10 Tháng Sáu đã làm dòng chảy bất an, sợ hãi đảo chiều đe dọa chính cái chế độ đã gieo rắc sự sợ hãi lên cả dân tộc suốt hàng thập niên cầm quyền.
Thật vậy, dù dư luận khó đo đếm tình trạng sợ hãi của các cấp cán bộ Cộng Sản cầm quyền, nhưng quả thật từng cán bộ đang có sự chuẩn bị về tâm lý, vật chất cho riêng gia đình họ phòng khi biến cố chính trị tiếp theo sau ngày 10, 17 Tháng Sáu, 2018.
Một nhà báo lề phải cho biết. Bây giờ họp, dù bị cấm nhưng ai cũng chỉ muốn nói muốn bàn về chuyện biểu tình, rồi hỏi nhau có lo gạo, mì, nhu yếu phẩm chưa, một khi biểu tình bất bạo động chuyển qua bạo động đốt phá.
Tâm lý bất ổn sợ hãi của tầng lớp cán bộ trung cấp và tư sản đỏ ăn theo diễn biến theo chiều bỏ chạy. Hẳn nhiên ai cũng biết dù không có biểu tình thì chuyện cán bộ tham nhũng và các nhóm lợi ích đỏ đều đã lót ổ ở ngoại quốc để vừa có chân trong chân ngoài an toàn, nhưng sau ngày 10 Tháng Sáu, rất nhiều người trong nhóm này quyết định rút cả hai chân.
Một “doanh nhân đỏ,” có công ty ở khu công nghiệp Tân Thuận-Sài Gòn, đã gởi hai con tuổi học tiểu học qua Úc, ông ta đi đi về về làm ăn, nhưng lần này thì quyết định cùng gia đình bỏ chế độ mà đi. Ông này nói nửa đùa nửa thật, nhưng không giấu được sự sợ hãi: “Mình không dám phản động cũng không dám phản quốc, thôi thì đi cho yên thân.”
Liên tiếp những ngày gần đây, nhiều trang Facebook đưa danh sách, tạm hiểu là danh sách này được lập từ nguồn an ninh mạng cấp nhà nước của chế độ, dù thật hư cần thêm kiểm chứng. Nhưng cộng đồng mạng xã hội đọc danh sách này thấy đúng và rất mừng vui, vì cộng đồng mạng xã hội Việt Nam đã có các trang cá nhân mở ra một cộng đồng hiện hữu dưới chế độ độc tài, có giá trị ý thức và lương tri đẹp nhất của từ: “phản động.”
Hơn mấy chục năm trước (Việt Nam chưa có Internet), ở một bàn nhậu của các thi sĩ ngoài luồng Sài Gòn, cạnh bàn nhậu của họ là bàn nhậu của “đám văn nô” chế độ. Vậy là lời qua tiếng lại. “Đám văn nô” cho rằng các nghệ sĩ ngoài luồng là bọn phản động. Một thi sĩ ngoài luồng đã chỉ thẳng vào mặt đám văn nô nói như hét: Chính bọn mày mới là đám phản động làm hại dân tộc.
Nhưng lúc này (năm 2018), từ phản động tuyên ngôn cho các trang cá nhân trong cộng đồng mạng xã hội lại vượt khỏi sự tranh luận về quan điểm chính trị của cá nhân đơn thuần; mà cụm từ này đã trở thành một biểu tượng cộng đồng ý thức chính trị tiên phong.
Cụm từ tạm gọi là, phản động cấp nhà nước này, không hề có ý so sánh với nhà nước chuyên chế đang coi dân tộc như cộng đồng nô lệ sở hữu riêng, mà đơn giản hơn, chỉ muốn gọi cấp nhà nước như một điểm để định vị tạm thời, bởi vì một khi định tư thế ý thức đối lập lại hệ thống nhà nước chuyên chế nô dịch con người, thì địa vị của ý thức và hành động ấy là cao cả trước lịch sử và lương tri dân tộc.
Trong sự kiện biểu tình chấn động ngày 10 Tháng Sáu, 2018. Tại điểm biểu tình công viên Hoàng Văn Thụ, người theo dõi tại chỗ hay qua các clip đăng trên mạng xã hội, sẽ biết đến một câu khẩu hiệu gói trọn ý nghĩa tinh thần và giá trị hành động của người yêu nước đã xuống đường hoặc chưa có dịp xuống đường: “Thà phản động hơn phản quốc!”
Dù các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Google, Youtube… bị áp lực kiểm duyệt đã xóa các clip này, nên dư luận có thể không tìm thấy câu khẩu hiệu và những công dân hô vang tinh thần câu khẩu hiệu: Thà phản động hơn phản quốc. Nhưng theo phương thức truyền miệng cổ điển, câu khẩu hiệu trên vẫn truyền bá đến với đầy đủ uy lực giá trị đấu tranh vì chính nghĩa.
Tất nhiên, mọi công dân yêu nước không cần đến sự gợi ý, xúi giục nào vẫn nắm bắt hết được sức mạnh chân thật của câu khẩu hiệu.
Sự chọn lựa với quyết tâm sắt đá đứng về phía “cộng đồng công dân phản động,” từ chối thuộc về chế độ phản quốc để mãi mãi là người Việt yêu nước, không phải ngày một ngày hai mà có được khi từng công dân sống dưới sự tuyên truyền đầu độc hàng ngày hàng giờ qua mấy thập kỷ, rằng: yêu nước là yêu chế độ. Chỉ họ mới biết rằng, để đưa bản thân mình khỏi sự sợ hãi bị chụp mũ là phản động, để tự tẩy xóa, lột bỏ, vứt rác được nọc độc đó là một chọn lựa có tính cách mạng. (Trần Tiến Dũng)

‘Trên nóng, dưới lạnh’ vẫn phổ biến tại Việt Nam

Một khu đô thị mới mọc lên tại Hà Nội. Lĩnh vực xây dựng hạ tầng tại Việt Nam rất sôi động và ẩn sau đó là các công ty lợi ích nhóm và “sân sau” của các giới chức của chế độ. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lệnh lạt đòi loại bỏ phân nửa các thủ tục cản trở môi trường kinh doanh đã không được các quan chức nhà cầm quyền Việt Nam “mặn mà” thi hành vì đụng chạm “lợi ích nhóm.”
Tờ Dân Trí hôm 2 Tháng Bảy, 2018, tường thuật phiên họp của ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc với cấp cầm đầu các bộ ngành và 63 tỉnh thị cả nước trong chủ đề “Tổng kết kinh tế 6 tháng đầu năm 2018.”
Tại cuộc họp, người ta thấy ông Phúc kêu ca phần lớn các bộ ngành và địa phương đều “ỳ”, không chịu “mặn mà” thi hành chỉ thị đã được đưa ra trước đây nhằm cải thiện môi trường kinh doanh vốn đầy luật lệ tròng tréo phức tạp từng bị giới kinh doanh đả kích từ năm này sang năm khác.
Trong cuộc họp, tờ Dân Trí nói ông Phúc kêu “các bộ, ban ngành lên danh mục sớm; nhưng hiện mới chỉ một vài nơi xây dựng và hoàn thiện, còn lại nhiều bộ vẫn giậm chân tại chỗ. Chính phủ yêu cầu cắt 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, song các bộ vẫn chưa mặn mà.”
Thấy ông kể ra thí dụ, “Đơn cử như chính sách kết nối 1 cửa quốc gia hiện mới chỉ có 47/284 thủ tục kết nối điện tử. Nhưng vừa kết nối điện tử vừa làm thủ công, vừa làm điện tử vừa làm bằng tay nên chi phí phát sinh cao hơn.”
Vì vậy, ông Phúc đòi “trước 15 Tháng Tám, các bộ, ngành phải hoàn thành đề xuất cắt giảm 50% thủ tục, điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được cắt bỏ để gửi về chính phủ, trên cơ sở đó chính phủ ban hành chính sách theo đúng kế hoạch.”
Cuối Tháng Hai, 2018, tức ngay sau nghỉ Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, hệ thống thông tin tuyên truyền của chế độ đồng loạt đưa tin, ông Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện tới các bộ và các tỉnh thị “yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào công việc, triển khai Nghị quyết số 01/2018/NQ-CP với tinh thần đẩy mạnh tăng trưởng, tạo việc làm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mục tiêu cắt giảm 50% đăng ký kinh doanh, 50% thủ tục hành chính ở các bộ, ngành.”
Bốn tháng sau, bây giờ, cái đống thủ tục cồng kềnh tròng tréo đó vẫn chưa thấy nhúc nhích bao nhiêu mà ông ta kêu “trên nóng dưới lạnh,” và “chia rẽ quyền lực và quyền lực nhóm còn lớn…”
Gần hai tuần trước, tờ Dân Trí thuật lời ông Phan Đức Hiếu, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (CIEM) nói tại Diễn Đàn Phát Triển Doanh Nghiệp Việt Nam được tổ chức ngày 19 Tháng Sáu, 2018, tại Hà Nội, rằng nếu chỉ cắt bỏ một vài điều kiện kinh doanh thì “không phải là cải cách kinh tế.”
Cũng trong cuộc họp vừa kể, đại diện Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Trong 10 doanh nghiệp hoạt động hiện nay, có đến 6 doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức (hối lộ) và Việt Nam vẫn chưa đạt chất lượng trong cải thiện môi trường kinh doanh khi chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn cao, đứng thứ 123 trên thế giới.”
Trước đó, cuối Tháng Ba, 2018, tại “Hội nghị lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản,” ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) kêu “ngành xây dựng vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp ‘sân sau.’ Đồng thời doanh nghiệp ngành này cũng đang phải trả chi phí không chính thức cao nhất so với các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.” Trong đó “74% doanh nghiệp xây dựng phải có quan hệ với cán bộ để có thông tin.”
Những lời kêu ca về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh,” hay “trên bảo dưới không nghe” hoặc những lời cáo buộc các quan chức các cấp gây khó khăn để ăn hối lộ không năm nào không thấy xảy ra. (TN)

Luật và lệnh

Fb. Ngô Trường An|
Thống đốc Jerry Brown của tiểu bang California vừa học tập và làm theo Việt Nam ký đạo luật : “The California Consumer Privacy Act cũng giống như luật “An ninh mạng” cho cư dân sống tại Califfornia dùng các mạng xã hội. Nội dung luật ANM của California bao gồm 3 điểm:
– Gives you ownership
– Gives you control
– Gives you security
Đại khái vầy:
– Người dùng mạng xã hội hoàn toàn làm chủ tài khoản, dữ liệu của mình. Được theo dõi và kiểm soát tất cả dữ liệu của mình.
– Các công ty như Facebook, Youtube….có nhiệm vụ bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Không được chia sẻ, không được tiết lộ, không được bán thông tin người dùng cho bất cứ cá nhân nào, tổ chức nào ngay cả chính phủ. Muốn bán hay chía sẻ phải được sự đồng ý của chủ tài khoản.
– Các nhà mạng phải đặt hệ thống an ninh, có nhiệm vụ thiết lập những rào chắn, không cho hacker tấn công tài khoản, ăn cắp dữ liệu, đọc trộm email của người dùng……
* fb Dung Nguyen (có sửa đổi)
Ủa, ủa!!! Sao không có điều nào, khoản nào bảo vệ chế độ tư bản giãy chết hết nhỉ? Lạ!

Con đường dân chủ hóa cho một đất nước

Nguồn gốc gây thay đổi để dân chủ hóa đất nước nó quyết định đất nước đó là dân chủ giả hiệu hay chính hiệu. Nhìn Nga và cộng hoà Séc khá giống nhau về cách tổ chức bộ máy nhà nước, nhưng thực chất hoàn toàn khác nhau về bản chất. Cộng hoà Séc là đất nước dân chủ thực sự, còn Nga là độc tài cá nhân. Có 2 nguồn gốc dân chủ hóa đất nước, thứ nhất là từ dân, thứ nhì từ sự chuyển biến của giới cầm quyền độc tài.
Nguồn thay đổi từ nhân dân là nền tảng vững bền để đất nước tiến lên dân chủ hoàn toàn. Cộng Hoà Séc đã được dân chủ hóa bởi phương pháp đấu tranh bất bạo động, hay còn gọi là Cuộc Cách Mạng Nhung. Đó là cuộc biểu tình rộng khắp của giới sinh viên và nhiều thành phần khác. Ngày 28/11/1989 ĐCS Tiệp Khắc đã từ bỏ quyền lực và Tiệp Khắc được dân chủ hóa. Trong khối Đông Âu, hiện nay có Ba Lan và Cộng Hoà Séc (thuộc liên bang Tiệp Khắc) là tiệm cận với dân chủ Tây Âu. Cộng Hoà Séc rất thịnh vượng so với Liên Bang Nga.
Nguồn dân chủ hóa tự sự tự chuyển biến của giới độc tài CS, đó là nước Nga ngày nay. Chính Mikhail Gorbachev đã tự thay đổi. Rồi sau đó người cựu CS khác lên nắm quyền nước Nga là Boris Yelsin đã dùng sức mạnh của mình gây ảnh hưởng lên bản Hiến Pháp nước Nga. Hành Pháp có quyền lực quá lớn, từ đó nước Nga chuyển từ độc tài toàn trị sang độc tài cá nhân. Nước Nga vẫn tự do hơn thời Xô Viết nhưng so với dân chủ Phương Tây, nước Nga còn thua quá xa.
Hàn Quốc khơi nguồn chính sách phát triển kinh tế dựa trên độc tài hà khắc Park Chung Hye. Để làm trong sạch bộ máy nhà nước, Park Chung Hye dùng quyền lực tuyệt đối của mình để trừng trị tham nhũng. Kết hợp với chính sách kinh tế hợp lý thời đó là nuôi dưỡng các Chaebol lớn mạnh, Hàn Quốc đã cất cánh. Hàn là quốc gia hiếm hoi cất cánh nhờ sự anh minh của người đứng đầu nhà nước, và cũng là nước hiếm hoi kìm hãm tham nhũng bằng sự hà khắc. Cách này không bền vững, nó sẽ bị phá sản vào thời kì hậu Park Chung Hye. Khi nhân tố lãnh đạo đất nước không còn anh minh, sự sáng suốt không còn và tài quản trị không được như tổng thống Park.
Nhưng may thay, đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, triều đại Park Chung Hye kết thúc, Hàn Quốc rơi vào thời kì giao thoa giữa độc tài quân sự và phong trào dân chủ. Phong trào dân chủ nổ ra mạnh mẽ ở giới sinh viên. Và phải đợi đến 1987 thì Hiến Pháp và Luật Bầu Cử mới của Hàn Quốc được sửa. Lần đầu tiên, quy chế phiếu bầu đại cử tri kiểu Mỹ được áp dụng và khống chế nhiệm kỳ tổng thống 5 năm và chỉ được làm tổng thống 1 nhiệm kì để loại trừ sự tham quyền cố vị. Và kể từ đó nhánh hành pháp bị tước dần quyền lực, những nhân vật độc tài trước kia lần lượt bị tư pháp độc lập truy tố. Nền dân chủ Hàn Quốc đã chuyển đổi từ từ sang dân chủ. Thành quả kinh tế dựa trên sự anh minh của một nhà độc tài đã được giữ lại và phát triển bền vững nhờ vào dân chủ. Hàn Quốc rất may mắn, nếu không chuyển đổi sang dân chủ được, thì tất cả thành quả thời Park Chung Hye có thể sẽ tan tành mây khói.
Qua 3 ví dụ , Cộng Hoà Séc dân chủ hóa 1 lần sang từ độc tài CS sang dân chủ. Họ đã có dân chủ hoàn toàn vì dân chủ hóa từ nhân dân. Nước Nga chuyển từ độc tài CS sang dân chủ 1 phần (nói đúng hơn là độc tài cá nhân), nước Nga chỉ mới đi nửa đường, độc tài cá nhân vẫn dân chủ hơn CS nhưng so với Cộng Hoà Séc là còn một bước nữa. Dân chủ hóa từ thượng tầng chính trị chỉ dừng lại ở đó. Nước Nga cần 1 lần dân chủ hóa nữa, cần dân chủ hóa từ nhân dân mới có dân chủ hoàn toàn. Nước Nga cần 1 lần dân chủ hóa tựa Hàn Quốc thập niên 80.
Yeltsin & Putin
Như vậy con đường dân chủ hóa triệt để cho 1 đất nước là con đường từ bên dưới, từ chất lượng dân trí. Nếu dân chủ hóa từ thượng tầng, nó chỉ đảm bảo dân chủ nửa vời mà thôi. Chính vì lẽ đó mà tôi luôn xem con đường cụ Phan đề ra là vững bền hơn hết. Chỉ tiếc, con đường của cụ đưa ra lúc đa phần dân mù chữ nên đã thất bại trước con đường của CS. Âu cũng là số phận của dân tộc. Quá khứ dân tộc này đã một lần lầm lạc để cho CS chiếm quyền lực. Giờ đây sau trăm năm thời cụ Phan, dân tộc này đừng lầm lạc nữa. Lầm lạc là vĩnh viễn hết cơ hội sửa sai./.

Nhà hoạt động Đài Loan và Việt Nam hợp tác để đòi công lý cho các nạn nhân Formosa.


Vũ Quốc Ngữ (VNTB)

Năm 2016, chất thải độc hại từ nhà máy thép Formosa, thuộc sở hữu của chủ sở hữu Đài Loan, gây ra một thảm họa lớn ở ven biển miềnTrung của Việt Nam. Hai năm sau, với việc nhiều người hoạt động bị cầm tù và sinh kế của người dân bị phá hủy, cuộc đấu tranh giành công lý vẫn còn xa và đã thể hiện sự hợp tác đáng kể giữa người Đài Loan và Việt Nam.

Mức độ thiệt hại cho môi trường vẫn không được xác định đầy đủ. Chính phủ Việt Nam đã không công bố báo cáo chính thức về nghiên cứu hoặc thông tin về môi trường.
Chính phủ công bố rằng họ đã đền bù cho hầu như tất cả những người bị ảnh hưởng; tuy nhiên, nhiều người nói rằng họ không nhận được bất cứ hỗ trợ gì hoặc chỉ nhận được một phần hỗ trợ.
Mặc dù cá bắt đầu quay trở lại, chúng ít hơn so với thời điểm trước thảm họa. Ngư dân đã bị thất nghiệp, và mọi người lo lắng vì không rõ cá mà họ đánh bắt được có an toàn hay không.
Người dân trong vùng ảnh hưởng của thảm hoạ Formosa phản đối, nhưng chính quyền đã đàn áp. Dựa trên nghiên cứu được tiến hành bởi nhiều người hoạt động, học giả và người Việt tại Đài Loan, 17 người Việt Nam đã bị bắt hoặc bị truy nã vì liên quan đến phản đối Formosa ở các cấp độ khác nhau:
Nguyễn Văn Hóa, bị kết án bảy năm tù vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” do anh đã sử dụng máy quay trên không trung để truyền trực tiếp một cuộc biểu tình mà các ngư dân thực hiện gần nhà máy thép Formosa;
Hoàng Đức Bình, bị kết án 14 năm tù vì “lạm dụng quyền tự do dân chủ” và “chống người thi hành công vụ” chỉ vì những bài viết của anh về thảm hoạ Formosa;
Nguyễn Nam Phong, bị kết án hai năm tù với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” sau khi từ chối mở cửa xe của mình để mật vụ và cảnh sát bắt Hoàng Đức Bình.
Trần Hoàng Phúc, bị kết án sáu năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước” chỉ vì anh đã giúp đỡ nhiều nạn nhân của thảm họa;
Bạch Hồng Quyền, hiện đang lẩn trốn, phải đối mặt với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” do đã tổ chức một cuộc diễu hành vào năm 2017 để kỷ niệm một năm sau thảm họa;
Thái Văn Dung, một nhà hoạt động Công giáo tham gia vào nhiều cuộc biểu tình, bị cảnh sát cho là vi phạm lệnh quản chế. Trước đó, năm 2013, anh bị kết án tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Ngoài tư vấn pháp lý, nhiều linh mục và nhà thờ Công giáo đã giúp các cộng đồng ngư dân được nhận bồi thường. Họ nhận đe dọa từ “Hội cờ đỏ,” một hội nhóm chân rết của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Nhiệm vụ của nhóm này, theo linh mục Đặng Hữu Nam trên Đài Á Tự do, là “ngăn cản người Công giáo phản đối nhà máy thép của Formosa và loại bỏ những kẻ thù người Công giáo.”
Nhà nước độc đảng coi việc việc phản đối nhà máy, yêu cầu chính phủ xử lý vụ ô nhiễm và kiểm soát môi trường là những hoạt động chống chính phủ.
Tuy nhiên, việc đàn áp sự này không làm cho các vấn đề môi trường của đất nước biến mất.
Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, Đảng Cộng sản cầm quyền đã nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh này xảy ra với chi phí của môi trường.
Trong năm 2016, 50 vụ bê bối chất thải độc hại lớn đã được báo cáo. Trong số những vụ bê bối này, việc thải chất thải độc hại vào sông và biển là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và 60% các vụ vi phạm thực hiện bởi công ty vốn nước ngoài.
Với bờ biển trải dài 3.000 km, Việt Nam là nơi có một trong những ngành công nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới. Khoảng 3% xuất khẩu của quốc gia nàylà tôm cua, và ước tính gần 10% tổng dân số Việt Nam có thu nhập trực tiếp hoặc gián tiếp từ ngành thuỷ sản. Phần lớn các cộng đồng ngư dân là người nghèo, vì vậy hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đóng góp trung bình 75% thu nhập của gia đình họ. Ngoài ra, một nửa số protein mà người Việt Nam tiêu thụ là từ các sản phẩm biển này.
Công ty đã gây ra một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất ở Việt Nam là Tập đoàn thép Formosa Hà Tĩnh, hiện là đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Ban đầu, nó được tạo thành từ Tập đoàn Nhựa Formosa của Đài Loan (Formosa Plastic Group) trong năm 2008, và sau đó vào năm 2015, nó đã thu hút thêm đầu tư từ Tập đoàn thép Trung Quốc (China Steel Corporation) có trụ sở tại Đài Loan và JFE Steel từ Nhật Bản.
Liên doanh này ngừng hoạt động sau vụ xả thải, nhưng vào giữa năm 2017 tiếp tục hoạt động, và có kế hoạch tăng công suất sản xuất với lò cao thứ hai vào năm 2018.
Việc gây ra vụ huỷ diệt cá trong năm 2016 không phải là vấn đề an toàn duy nhất của họ. Vào tháng 5 năm 2017, một vụ nổ bụi xảy ra trong quá trình thử nghiệm nhà máy. Và trong tháng 12 cùng năm đó, nhà máy đã bị phạt 25.000 USD vì chôn lấp chất thải rắn độc hại.
“Nếu chúng ta trải qua nỗi đau này, chúng ta không nên gây ra nó ở Việt Nam”
Thảm họa môi trường và hậu quả của nó là một tình trạng đáng xấu hổ đối với Chính phủ Đài Loan, vì nhà máy thép thuộc về một công ty Đài Loan,và Chính sách mới của Chính phủ Đài Loan nhằm cải thiện hợp tác với các quốc gia của ASEAN mà Việt Nam là thành viên.
Đài Loan đề nghị gửi các chuyên gia môi trường đến Việt Nam sau thảm họa, nhưng phía Việt Nam từ chối. Bên cạnh đó, do chính quyền Đài Loan đã không hành động, vì vậy người Việt Nam tại Đài Loan và các nhà hoạt động Đài Loan đã thử nhiều cách tiếp cận khác nhau để thực hiện công lý bằng các phương tiện theo ý của họ.
Họ đã yêu cầu nhóm Formosa Plastics Group công bố thông tin kiểm soát môi trường của họ và chịu trách nhiệm xã hội, nhưng cho đến bây giờ Formosa vẫn lờ đi. Họ cũng nêu vấn đề với China Steel Corporation, nhưng đại diện của tập đoàn này tuyên bố không biết gì về vụ việc.
Kể từ khi tòa án Việt Nam không chấp nhận khiếu nại chống lại Tổng công ty thép Formosa Hà Tĩnh, người Việt Nam hy vọng rằng người Đài Loan có thể giúp họ kiện công ty này ở Đài Loan. Tuy nhiên, điều này là không thể bởi vì nhà máy thép Formosa có trụ sở tại Việt Nam.
LM Nguyễn Văn Hùng
Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng, một linh mục Công giáo Việt Nam ở Đài Loan, cùng với nhiều linh mục khác từ các vùng bị ảnh hưởng ở Việt Nam và một số đại diện của các tổ chức phi chính phủ Đài Loan thu hút sự chú ý của quốc tế đến các vấn đề về môi trường và nhân quyền gây ra bởi Tập đoàn Nhựa Formosa và Chính phủ Việt Nam. Ông cũng viếng thăm nhiều tổ chức ở Hoa Kỳ, những tổ chức sẵn sàng cung cấp hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân.
Linh mục Hùng cũng làm việc với nhiều tổ chức Việt Nam, viện nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan, như Hiệp hội các nhà lý luận môi trường (EJA), Hiệp hội nhân quyền và giao ước Đài Loan ở Đài Loan, gây áp lực lên Tập đoàn Formosa Plastics và Chính phủ Đài Loan để giải quyết thảm họa.
Vào tháng 12 năm 2016, các tổ chức phi chính phủ Đài Loan đã yêu cầu Quốc hội của Đài Loan tổ chức một buổi điều trần công khai về vụ việc và xem xét Luật Đổi mới Công nghiệp, liên quan đến việc khuyến khích đầu tư nước ngoài. Mặc dù họ đã sửa đổi luật, vào tháng 11 năm 2017, họ không có bài viết nào về kiểm toán hoặc đánh giá. Điều này có nghĩa là chính phủ Đài Loan không thể phạt một công ty về tội ác về môi trường và nhân quyền mà công ty này thực hiện ở nước ngoài.
Các nhà hoạt động Đài Loan và Việt Nam làm việc cùng nhau để đòi công lý cho các nạn nhân của thảm họa môitrường biển ở Việt Nam
Trước khi thảm họa môi trường được công bố, Tập đoàn Nhựa Formosa nhận được 3,5 tỷ đô la từ khoản vay từ hơn 30 ngân hàng ở Đài Loan và nước ngoài. Sau đó, các tổ chức phi chính phủ Đài Loan đã yêu cầu hai ngân hàng dưới sự kiểm soát của chính phủ Đài Loan, Ngân hàng Đài Loan và Ngân hàng Đất Đài Loan, xem xét áp dụng Nguyên tắc Xích đạo – một bộ quy tắc cho các tổ chức tài chính đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, trong việc tài trợ cho dự án – nhưng họ đã từ chối. Mặt khác, hai ngân hàng khác Cathay United và ngân hàng thương mại E.SUN trong số 30 ngân hàng đã ký các Nguyên tắc Xích đạo.
Người Đài Loan trải qua nhiều thảm họa môi trường. Yuyin Chang từ EJA đã nói về quá khứ đã ảnh hưởng đến sự ủng hộ của anh ấy như thế nào trong một cuộc biểu tình vào năm 2016:
“Công ty Hoa Kỳ RCA đã xây dựng nhiều nhà máy ở Đài Loan, từ 1970 đến 1991, và gây ra khá nhiều ô nhiễm trong đất và nước ngầm của Đài Loan, và khiến nhiều người bị bệnh. Đây là trường hợp vẫn còn trong kiện tụng. Đó là nỗi đau của người Đài Loan. Nếu bạn trải qua cơn đau này, thì chúng ta không nên gây ra nó ở Việt Nam.”
Nguồn: Maritime Herald

Dân biểu của quý vị là ai và đã hứa những gì?

Theo VOA-Nguyễn Hùng/02/07/2018 
"Tôi rời Việt Nam năm 28 tuổi và phải thú thực tôi chưa từng biết người đại diện của mình trong Quốc hội là ai." Hình minh họa: Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, Nguyễn Thị Kim Ngân.
 "Tôi rời Việt Nam năm 28 tuổi và phải thú thực tôi chưa từng biết người đại diện của mình trong Quốc hội là ai." Hình minh họa: Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, Nguyễn Thị Kim Ngân.
Dân biểu Anh và hiện cũng là bộ trưởng ngoại giao, Boris Johnson, vừa phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì một lời hứa mà ông đưa ra trước cử tri ở vùng tây London nhưng lại đang có vẻ ngãng ra.
Tuần trước Hạ viện Anh thông qua dự án mở rộng sân bay Heathrow, điều ông Johnson hứa trước cử tri từ vài năm trước rằng ông sẽ phản đối quyết liệt. Thậm chí ông còn được dẫn lời nói: “Tôi sẽ nằm trước các xe ủi và chặn việc xây đường băng thứ ba.”
Nhưng khi cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Hạ viện, ông Boris Johnson lại đi công tác nước ngoài và không thể tham gia bỏ phiếu.
Trong khi đó một thứ trưởng ngoại thương của Anh lại làm điều ngược lại. Ông đã từ chức để có thể bỏ phiếu phản đối mở rộng Heathrow và giữ đúng lời hứa trước cử tri. Ông còn từ một chuyến công du nước ngoài trở về đúng ngày bỏ phiếu để thực thi quyền của mình.
Hai hành động trái ngược này làm người ta đặt câu hỏi liệu có thể tin được bao nhiêu trong số các dân biểu mà ở Việt Nam gọi là Đại biểu Quốc hội. Nếu quý vị sống ở Việt Nam, liệu quý vị có biết dân biểu của mình là ai? Họ đã hứa hẹn những gì và có giữ lời không? Liệu quý vị có thể mong họ giúp gì cho quý vị không?
Tôi rời Việt Nam năm 28 tuổi và phải thú thực tôi chưa từng biết người đại diện của mình trong Quốc hội là ai. Tôi thậm chí cũng không nhớ đã từng bỏ phiếu cho họ hay chưa.
Khi tới Anh, tôi từng có vài lần cần liên hệ với dân biểu địa phương và luôn được phản hồi và giúp đỡ. Tôi thường gửi điện thư cho họ để thông báo tôi đang gặp vấn đề gì. Họ luôn phản hồi lại bằng thư gửi qua đường bưu điện và nói họ có thể giúp được không và nếu được sẽ giúp như thế nào. Họ thường sẵn sàng gửi thư cho quan chức chính phủ hay các cá nhân có liên quan để thay mặt tôi hỏi về điều tôi muốn họ giúp.
Các dân biểu Anh luôn phải sẵn sàng giúp cử tri của mình cho dù họ có bầu cho dân biểu đó hay không. Tôi thường bỏ phiếu cho Đảng Lao động trong khi khu tôi ở đa số cử tri ủng hộ Đảng Bảo thủ đương quyền. Điều này cũng đồng nghĩa với chuyện dân biểu nơi tôi ở thường được bầu lên không phải bởi những người như tôi, vốn thiên về các đảng khác. Cũng phải nói thêm ở Anh, lập một đảng chính trị cũng dễ dàng như lập một công ty và thậm chí có thể đăng ký thành lập qua mạng internet.
Trở lại câu chuyện người đại diện cho cử tri, mới đây tôi chứng kiến một buổi phát trực tiếp trên Facebook của một nhà hoạt động. Bà đã gọi cho một loạt các Đại biểu Quốc hội để hỏi về việc họ bỏ phiếu thuận hay phiếu chống đối với Luật An ninh Mạng. Có đại biểu từ chối trả lời, có người nói các cử tri hãy tin vào các đại biểu.
Câu hỏi đặt ra là có thực sự các đại biểu bỏ phiếu theo đòi hỏi của cử tri? Ngay cả ở Anh, Đảng Bảo thủ cũng yêu cầu các dân biểu trong đảng này bỏ phiếu ủng hộ dự án mở rộng Heathrow. Đây có lẽ là điều khiến dân biểu Boris Johnson kiếm cớ ra nước ngoài để khỏi trái lệnh đảng và như thế có thể phải từ chức giống thứ trưởng ngoại thương, người coi cử tri cao hơn cả đảng của mình. Trái lại, Đảng Lao động cho các dân biểu của đảng này được phép bỏ phiếu theo ý riêng của họ. Điều oái oăm là nhiều đảng viên Đảng Lao động đã bỏ phiếu ủng hộ dự án theo như lời kêu gọi của đảng đối lập. Đây cũng là lý do quan trọng khiến dự án được thông qua.
Mặc dù Hạ viện Anh đã chấp thuận dự án xây đường băng thứ ba cho sân bay Heathrow, những người phản đối vẫn có thể kiện ra toà vì khả năng gây ô nhiễm môi trường của dự án. Chuyện toà án ở Anh đưa ra phán quyết bất lợi cho chính phủ không có gì là bất thường nên có thể dự án sẽ chưa thể bắt đầu theo dự kiến vào năm 2021. Ngoài khả năng hành động độc lập của cả dân biểu lẫn các qua toà, điều khác biệt nữa là những người dân phải di chuyển chỗ ở sẽ được đền bù theo giá thị trường vì họ là người sở hữu nhà chứ không phải chỉ có quyền sử dụng đất.

Ngang Phan Rí Cửa

07/01/2018 - 03:53 — truongduynhat
Ngang qua Phan Rí Cửa, sau những ngày bạo loạn.
Dãy nhà cháy đen của Trạm cảnh sát PCCC đã được sơn lại. Những chiếc xe bị đốt trong biến cố 10-11/6 cũng bị cẩu đi cất đâu đó rồi, không thấy nữa. Quốc lộ, đoạn qua Phan Rí cũng phong quang, không còn barie, thép gai, gạch đá và những gương mặt gầm gừ.
Chẳng thấy Việt Tân, Việt Cộng, hay... Việt gian nào. Nhưng đã có 8 ngừoi dân bị khởi tố và bắt giữ. Số lượng bị giữ trước đó lên hơn 100 ngừoi, nhưng đã được thả.
Bình yên trở lại. 
Không gặp “kẻ nghiện ngập” nào. Cũng không thấy đâu là thành phần “bất hảo, kích động”.
Ai, đứa nào, kẻ nào dám bảo dân Phan Rí Cửa là “bất hảo, nghiện ngập”?
Quanh tôi hôm nay, lướt qua trước tôi, là những gương mặt đen nhẻm của dân quê một vùng nắng cháy, lam lũ khắc khổ nhưng chân chất, hiền lành.
Có thể, Hà Nội, Hồ Chí Minh, hay đâu đó trên đất nước này vẫn bầy nhầy bọn chích hút nghiện ngập hay lũ bất hảo ăn tàn phá hoại X nào đó. Nhưng Phan Rí Cửa thì không. Cái thị trấn quê bé nhỏ khiêm nhường đầy yên tĩnh này không dung nạp những thứ loài đó. Dứt khoát không!
Đêm qua, mưa một trận lớn. Khí trời hôm nay có vẻ dịu hơn.
Nhưng, những ấm ức, thậm chí sự tức tưởi, căm thù tự lòng dân, sẽ vẫn âm ỉ nóng.
An dân, đừng chọc giận dân. Chỉ có chính quyền ngu mới chọn cách đàn áp dân, chửi mắng dân, chọc tức dân.

Lá thư ngỏ bị gỡ bỏ và Luật An Ninh Mạng

Hòa Ái, RFA-2018-07-02  
Áp phích Phản đối Luật An Ninh Mạng
 Áp phích Phản đối Luật An Ninh Mạng-Amnesty International
Nữ sinh viên tốt nghiệp ngành luật-Trương Thị Hà viết tâm thư gửi đến Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, trường đại học mà nữ sinh viên này đang theo học văn bằng thứ hai, để bày tỏ nỗi thất vọng vì đại diện nhà trường đã không bảo vệ bạn trong vụ việc bạn cùng khoảng 300 người khác bị bắt giữ và đánh đập ở Công viên Tào Đàn, Sài Gòn trong ngày 17/06 vừa qua.
Lá “thư ngỏ” vừa nêu được đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân Trương Thị Hà vào ngày 29/06 đặc biệt gây chú ý trong cộng đồng mạng và đã bị Facebook gỡ bỏ sau vài mươi phút đăng tải. Hòa Ái ghi nhận những ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Sự tin cậy vô vọng

Sinh viên Trương Thị Hà, đang học tại khoa ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn thành phố Hồ Chi Minh, trong “thư ngỏ” gửi đến thầy Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng của trường mong muốn được thầy trả lời cho những thắc mắc vì sao thầy im lặng, không lên tiếng bảo vệ lúc bạn Hà bị công an đánh và bị thóa mạ với những lời lẽ dung tục cũng như đã nói rằng “Thầy không biết về luật” khi bạn Hà nhờ thầy giúp liên lạc với luật sư và vì sao thầy ký vào biên bản do công an soạn sẵn.
Bạn trẻ Trương Thị Hà chia sẻ trong bức tâm thư gửi đến thầy Hiệu phó Phạm Tấn Hạ rằng cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi khi thầy quay lưng đi, và hy vọng được thầy hồi âm để nghe tiếng nói thật lòng của thầy rằng thầy đã không thể giúp được vì sự có mặt của công an.
Điều đó có nghĩa là họ chỉ làm vai trò của một người thầy, chứ không phải vai trò của một người công dân. Nhưng, theo tôi trước khi làm người thầy, thì người thầy đó phải làm công dân đã.
-GS. Phạm Minh Hoàng
Lá “thư ngỏ” được sinh viên Trương Thị Hà đăng tải trên mạng xã hội Facebook, nhận được 3000 lượt share trong vài mươi phút và đã bị gỡ sau đó. Tuy nhiên cộng đồng cư dân mạng tiếp tục lan tỏa lá thư ngỏ này với nhiều ý kiến khác nhau.
Đài RFA ghi nhận đa số ý kiến của dư luận mạng xã hội chỉ trích hành động của Phó Hiệu trưởng Phạm Tấn Hạ, mà họ cho là vô trách nhiệm, hành vi thiếu văn minh, văn hóa và cư xử ích kỷ vì sợ bị liên lụy và mất chức quyền. Rất nhiều người lên tiếng rằng người bạn trẻ sinh viên Trương Thị Hà đã đặt niềm tin sai chỗ.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và bị án tù vì những hoạt động cổ súy cho tự do dân chủ tại Việt Nam, đã bị trục xuất về Pháp hồi tháng 6 năm 2017, đăng tải lá thư gửi đến sinh viên Trương Thị Hà, rằng ông đồng cảm với chia sẻ của người bạn trẻ này. Trong thư ông viết “Tôi nghĩ xác suất gặp một người công an cư xử đúng mực coi ra còn nhiều hơn một người thầy dám bảo bọc (chưa nói là bảo vệ) cho sinh viên của mình” và vì thế, sự trông mong của bạn Hà vào thầy Phạm Tấn Hạ trong bối cảnh đó là không đúng chỗ. Từ Paris, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói với RFA vào hôm mùng 2 tháng 7:
“Tôi nghĩ đặt niềm vào các thầy cô thì niềm tin đó đặt sai chỗ. Tại sao tôi bi quan như thế? Tại vì, tôi thấy phần lớn những người thầy, tạm gọi là họ chỉ nghĩ thuần về giáo dục. Họ đến trường, đến lớp, chia sẻ và dạy dỗ các em về vấn đề giáo dục thôi. Và họ coi như thế là xong rồi. Điều đó có nghĩa là họ chỉ làm vai trò của một người thầy, chứ không phải vai trò của một người công dân. Nhưng, theo tôi trước khi làm người thầy, thì người thầy đó phải làm công dân đã.”

Trách nhiệm người thầy

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một người công dân thì cần có tấm lòng yêu nước và có tinh thần bảo vệ đất nước; còn đối với vai trò của người thầy thì ông cho rằng còn phải có trách nhiệm truyền đạt và ủng hộ học trò của mình tinh thần yêu nước đó, bởi vì thanh niên là rường cột của quốc gia. Do đó, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói rằng ông không chấp nhận cách thức cư xử của thầy Phạm Tấn Hạ, ký vào biên bản của công an, có nghĩa là đồng ý với các kết luận của họ; thay vì thầy Hạ nên nói với công an rằng biểu tình là quyền được hiến định và sẽ dạy dỗ, bảo ban sinh viên của trường làm những điều Hiến pháp và pháp luật cho phép.
Trương Thị Hà
Trương Thị Hà Courtesy of Citizen
Tuy nhiên, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhấn mạnh trong thời gian giảng dạy 10 năm tại trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chính Minh, ông có thể khẳng khái để nói rằng hầu hết giảng viên của trường không ai dám lên tiếng phản biện những vấn đề liên quan xã hội-chính trị vì lo ngại về cái sổ hưu cũng như con đường quan lộ của họ.

Thực tế gây tranh cãi

Đồng quan điểm với Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một số ý kiến trên mạng xã hội cũng bày tỏ sự cảm thông với thầy Phạm Tấn Hạ. Một bạn trẻ lên tiếng:
“Thực tế là em thông cảm, tại vì họ còn gia đình. Một người có gia đình, có con cái, công ăn việc làm…thì họ coi như là chấp nhận chịu hèn để bảo vệ gia đình họ. Nếu người thầy đặt trường hợp bênh vực cho bạn Hà, thì em nghĩ chắc chắn người thầy này sẽ bị mất việc. Em nghĩ trong lòng họ cũng đau đớn lắm, vì chén cơm mà họ im lặng.”
Facebooker Lê Tuấn Huy viết trên trang Facebook của mình rằng về mặt cá nhân liên quan đến trách vụ, theo ông biết thầy Phạm Tấn Hạ vẫn sẵn lòng giúp đỡ sinh viên một cách vô vụ lợi, khi có vấn đề. Facebooker Lê Tuấn Huy đặt giả định nếu thầy Phạm Tấn Hạ không im lặng mà phản ứng lại trong vụ việc sinh viên Trương Thị Hà bị bắt ở Công viên Tao Đàn, hôm 17/6 thì ông tin rằng chẳng giúp được gì, mà có thể có nhiều khả năng chính bạn Hà sẽ nhận lãnh nhiều hơn, qua lập luận công an sẽ “giận cá chém thớt”.
Trong khi nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, có người chỉ trích, có người biện minh thì cư dân mạng có cùng thắc mắc vì sao lá “thư ngỏ” của Facebooker Trương Thị Hà bị gỡ bỏ sau một thời gian ngắn đăng tải? Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng Luật An ninh mạng vừa được Quốc Hội thông qua ngày 12/6 và lập tức có hiệu lực ngay tức khắc, không cần đợi đến đầu năm 2019 như đã thông báo, nhằm dập tắt những tiếng nói bày tỏ quan điểm cá nhân mà bất lợi cho Nhà nước.
Thực tế cho thấy không giống như lời khẳng định của Cục trưởng Cục An ninh mạng, ông Hoàng Phước Thuận nói rằng Luật An ninh mạng không hạn chế các quyền tự do dân chủ của người dân và mọi hoạt động của người dân được nhà nước bảo hộ.

Facebook đã xóa Trường Sa và Hoàng Sa khỏi bản đồ Trung Quốc

RFA-2018-07-02   Facebook vừa gỡ bỏ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra khỏi bản đồ xác định thị trường quảng cáo của Trung Quốc, sau khi Bá»™ Thông tin và Truyền thông Ä‘Æ°a ra phản đối chính thức.

Facebook vừa gỡ bỏ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra khỏi bản đồ xác định thị trường quảng cáo của Trung Quốc, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra phản đối chính thức.Screen capture
Facebook vừa gỡ bỏ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra khỏi bản đồ xác định thị trường quảng cáo của Trung Quốc, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đưa ra phản đối chính thức.
Trang thông tin VietnamNet loan tin này hôm 2 tháng 7 năm 2018.
Trong mấy ngày qua người dùng mạng xã hội Việt Nam phản ứng gay gắt trước việc Facebook không hiển thị hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong mục bản đồ Việt Nam khi chạy tính năng quảng cáo của Facebook. Tuy nhiên, khi tìm đến phần bản đồ của Trung Quốc, thì công cụ bản đồ của Facebook lại xuất hiện tên 2 quần đảo này.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông khi trả lời VietnamNet cho biết, Facebook trả lời đây là vấn đề kỹ thuật chứ không phải mang động cơ chính trị, sai sót này do việc lựa chọn tấm bản đồ của một đơn vị thứ 3 cung cấp, chứ không phải của Facebook.
Ông Tự Do cũng cho biết, việc Facebook sử dụng bản đồ sai lệch về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghị định của chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Đây không phải là lần đầu tiên các hãng lớn trên thế giới sử dụng bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hồi năm 2016, công ty Google cũng có nhầm lẫn tương tự. Google sau đó cũng đã phải thay lại bản đồ.
Hiện có khoảng 53 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam, xếp thứ 7 về số người sử dụng trên thế giới.

Nghèo mà xài sang, không phải cá biệt Thanh Hóa

RFA-2018-07-02   
Hình ảnh người dân tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh minh họa)
Hình ảnh người dân tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh minh họa)-AFP
Thanh Hóa là một trong những tỉnh nghèo tại Việt Nam. Nhiều người dân tại các vùng thuộc tỉnh này như Mường Lát, Quan Hóa, Ngọc Lặc phải sống dưới mức nghèo khổ...
Tuy nhiên, vừa qua cơ quan chức năng tỉnh này có đề xuất chi hơn 100 tỷ đồng Việt Nam để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.
Công luận phản ứng gay gắt về kế hoạch đó.

Tỉnh nghèo chơi sang

Ngày 27 tháng 6 thông tin từ Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã xác nhận việc có công văn gửi Sở Tài chính dự toán tổng số kinh phí 104,722 tỷ đồng cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Trong đó, 82 tỷ đồng là từ ngân sách quốc gia và số còn lại được huy động từ xã hội.
Ông Phạm Duy Phương, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, nói với truyền thông trong nước rằng "Đây là tổng hợp các ý kiến từ nhiều đơn vị, địa phương, sau đó sở mới làm tờ trình gửi Sở Tài chính để họ xem xét, thẩm định và ra báo cáo gửi chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh ký. Đây mới là báo cáo tổng hợp thôi, chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện"
Còn ông Nguyễn Đình Xứng, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trả lời báo Lao Động rằng đó mới chỉ là dự chi do Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch lập ra, còn việc xét duyệt hay không còn phải tính toán nhiều yếu tố, ông Xứng nhấn mạnh “Sự việc có chi đâu mà ồn ào. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch mới chỉ tập hợp các kiến nghị của các đơn vị thôi chứ có ai quyết định gì đâu”
Mặc dù mới chỉ là dự trù kinh phí nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc chi hơn 104 tỷ đồng để làm lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa là lãng phí, trong khi mà địa phương hàng năm vẫn phải xin hỗ trợ ngân sách từ Trung ương và vẫn xin gạo cứu đói cho người dân nghèo. Nhiều trường, phòng học của học sinh vùng cao còn trong tình trạng “tranh- tre- nứa- lá”…
Việc bỏ ra số tiền lớn như vậy mà tổ chức các lễ lớn không mang lại tác dụng gì cho người dân cả thì đó là một điều rất là lãng phí.
- LS. Trần Thu Nam
Nhà báo Phạm Dương viết trên Báo Người Lao Động số ra ngày 27 tháng 6 năm 2018 nhấn mạnh “100 tỉ đồng là số tiền đủ mua 10.000 tấn gạo! Ngay con số lẻ của tổng số tiền đề xuất là 4 tỉ đồng cũng đủ mua 400 tấn gạo, tức là đủ để hỗ trợ cho chính người dân trong tỉnh mùa giáp hạt!”
Ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu quốc hội khóa 11 và 12, trưởng đoàn đại biểu Thanh Hóa cho biết tình hình tỉnh Thanh Hóa hiện nay còn rất nhiều khó khăn, nhiều hộ nghèo và thiếu lương thực vì vậy việc chi tiêu cho các vấn đề lễ hội phải tính toán cho chặt chẻ và phải ưu tiên những khó khăn cấp bách trước.
Ông cho biết thêm Những vấn đề lễ kỷ niệm, danh xưng thì nó cũng là kỷ niệm để tưởng nhớ những giai đoạn lịch sử nhất định, để thông báo người dân biết được thời điểm hình thành của tỉnh Thanh Hóa, qua đây phát động người dân phát huy truyền thống nó cũng cần thiết nhưng cũng không quá mức để mà chi lớn cho vấn đề này. Cho nên tôi rằng cần một khoản lớn để chi cho các vấn đề bức xúc khác thì tôi thấy nó sẽ rất phù hợp thỏa đáng chứ khong có vấn đề gì.”
Đồng quan điểm với nhà báo Phạm Dương, luật sư Trần Thu Nam tại Hà Nội cho rằng, so với lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì con số hơn 100 tỷ cho lễ xứng danh chỉ là ‘muỗi’, nhưng trong hoàn cảnh này thì nó thật sự không phù hợp.
Hình ảnh cứu trợ lương thực trong đợt lũ tại tỉnh Thanh Hóa, hôm 12 tháng 10 năm 2017.
Hình ảnh cứu trợ lương thực trong đợt lũ tại tỉnh Thanh Hóa, hôm 12 tháng 10 năm 2017. AFP
Luật sư Trần Thu Nam phát biểu: “Thanh Hóa phải nói là nhiều xã, nhiều huyện có nhiều người nghèo bậc nhất và cần cứu trợ, cứu đói của nhà nước hàng năm. Thứ nhất không nên làm những điều phí phạm ngân sách của nhân dân. Thứ hai là trong lúc một số tỉnh khác đang bão lũ như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu nên việc bỏ ra số tiền lớn như vậy mà tổ chức các lễ lớn không mang lại tác dụng gì cho người dân cả thì đó là một điều rất là lãng phí.


Nghìn tỷ hay cứu đói

Hồi đầu năm 2017, Thanh Hóa cũng từng khiến dư luận bức xúc với dự định xây dựng một công viên ngay giữa trung tâm Thành phố Thanh Hóa với tổng kinh phí đầu tư lên tới hơn 2.500 tỉ đồng.
Thống kê của Bộ Tài chính vào năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã thu ngân sách khoảng 13.000 tỷ đồng nhưng chi lên tới hơn 23.000 tỷ đồng. Luật sư Trần Thu Nam cho rằng, Thanh Hóa chỉ cần bỏ ra 1/3 số tiền của 104 tỉ để giúp đỡ người dân nghèo thì cái danh xưng Thanh Hóa không cần làm lễ thì người dân cũng tự xướng tên trên khắp đất nước này.
Tôi ủng hộ quan điểm là cần hết sức là tiết kiệm, nên dành đầu tư cho những hộ nghèo, các vấn đề trường học, giao thông đi lại của người dân nên dành nguồn đó đầu tư khắc phục những khó khăn đó.
- Ông Lê Văn Cuông
Vị luật sư này còn cho biết, vấn đề xứng danh nó không nhất thiết phải được tổ chức rầm rộ và đình đám như thế, vì theo luật sư lễ kỷ niệm có nhiều khoản chi nhưng trong đó chi phí hơn 2 tỷ đồng mua quà cáp đó là điều lãng phí và đi ngược lại với chủ trương của nhà nước là đang tiết kiệm ngân sách.
Đồng ý với quan điểm đó ông Lê Văn Cuông cho biết Tôi ủng hộ quan điểm là cần hết sức là tiết kiệm, nên dành đầu tư cho những hộ nghèo, khó khăn và các vấn đề trường học, giao thông đi lại của người dân nên dành nguồn đó đầu tư khắc phục những khó khăn đó thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ và dư luận cũng thấy được vấn đề đó thỏa đáng chứ còn lấy số tiền lớn chi tiêu lãng phí không tiết kiệm nhất là trong các cái lễ hội chi tiêu những việc không cần thiết, quà cáp lễ tân tốn kém thì nó sẽ phản cảm nhân dân sẽ không đồng tình.”
Anh Thắng Lê, một người con Thanh Hóa nhưng phải đi làm ăn xa quê, Nội trao đổi với chúng tôi qua email rằng vấn đề của Thanh Hóa cũng là vấn đề về sử dụng ngân sách bất hợp lý trên khắp đất nước Việt Nam.
Anh chia sẻ “Không khó để lý giải vì sao các tuyến đường sắt trên cao, metro lại ì ạch và chậm tiến độ suốt từ nhiệm kỳ trước qua nhiệm kỳ này như vậy - nó chậm để “đội vốn” hàng nghìn tỷ chứ không chỉ chậm thông thường. Nó không chỉ mất tiền ngân sách đơn thuần, nó làm cho nhân dân ách tách khốn khổ, kinh tế yếu kém và Quốc gia tụt hậu.”
Thực tế cho thấy lâu nay tại Việt Nam xảy ra hiện tượng tất cả các địa phương đều có những dự án mà khoản kinh phí chi ra rất lớn. Một tỉnh nghèo như Sơn La cũng đề nghị thực hiện dự án Cụm Công trình Tượng Đài ông Hồ Chí Minh cả nghìn tỷ đồng.
Gần đây nhất, vào tháng 5 vừa qua, Thanh Tra Chính Phủ Hà Nội nêu ra kết quả kiểm tra 10 trên 62 dự án chỉ riêng tại tỉnh Ninh Bình, số kinh phí khai khống cho mỗi dự án là từ vài trăm tỷ đến cả ngàn tỷ đồng.