Wednesday, January 30, 2019

Truyền thông nhà nước mô tả công an dùng chân 'tác động' nhân chứng, gây tranh cãi

VOA Tiếng Việt/31/01/2019 
Trung tá Huỳnh Minh Lễ, Phó công an phường Phú Thạnh, dùng chân đạp người làm chứng đang nằm trên nền trụ sở công an phường. (Ảnh chụp màn hình Zing News)
 Trung tá Huỳnh Minh Lễ, Phó công an phường Phú Thạnh, dùng chân đạp người làm chứng đang nằm trên nền trụ sở công an phường. (Ảnh chụp màn hình Zing News)
Một cuộc tranh luận đã nổ ra trên mạng xã hội trong mấy ngày qua sau khi truyền thông nhà nước Việt Nam mô tả hành động một người mặc sắc phục công an đạp vào một người dân thường nằm trên sàn nhà trong một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên Facebook, là hành vi dùng chân ‘tác động’ vào người dân.
Truyền thông do Nhà nước quản lý hôm 30/1 đồng loạt đưa tin một phó trưởng công an phường ở tỉnh Phú Yên vừa bị tạm đình chỉ công tác do đã dùng chân đạp vào một nhân chứng trong vụ ẩu đả tại Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa. Trành cãi bùng ra sau khi tờ Tuổi Trẻ và một số báo, đài dùng từ “tác động” để tả hành vị bạo lực trên tiêu đề, mặc dù bài báo có đăng kèm video quay cảnh một công an đang đạp vào người dân.
Bắt đầu từ chiều tối 29/1, trên Facebook xuất hiện 2 đoạn video clip liên quan đến vụ việc này.
Tuổi Trẻ hôm 30/1 đăng tải một bài viết có tiêu đề “Tạm đình chỉ công an dùng chân ‘tác động’ vào người làm chứng” đi kèm với 1 clip ngắn khoảng 30 giây quay cảnh một người mặc trang phục cảnh sát, sau này được xác định là Trung tá Huỳnh Minh Lễ - phó công an phường Phú Thạnh, dùng chân phải đạp vào một người đàn ông đang nằm ngửa trong phòng làm việc.
Theo báo Tuổi Trẻ và Pháp Luật, người đàn ông bị đạp vào ngực là Lê Hữu Quốc, một nhân chứng trong một vụ ẩu đả tại địa phương.
Tuổi Trẻ trích lời đại tá Nguyễn Văn Dũng, trưởng Công an Tuy Hòa nói: "Theo báo cáo ban đầu, anh Quốc có uống bia rượu, nói lớn tiếng nên khi ông Lễ nhắc nhở thì nằm vạ. Ông Lễ đã có hành vi không đúng khi lấy chân ‘tác động’ vào người anh Quốc. Chúng tôi đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Lễ để làm tường trình, xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định."
Nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ bài viết của Tuổi Trẻ cũng như của VTC và chỉ trích cách dùng từ trong tiêu đề của bài viết khi cho rằng đó là một cách để làm giảm nhẹ bản chất hung bạo của công an.
Một Facebooker có tên Thuan To Van viết “đạp thì nói là đạp sao lại gọi là tác động.’ Nhiều người dùng mạng xã hội khác cũng đưa ra những ý kiến tương tự.
Nguyễn Lê Bằng, cũng là một người dùng Facebook, cho rằng “báo lề đảng vắt óc moi tim mãi mới ra cụm (từ) lấy chân tác động để đánh tráo khái niệm.”
Một số nhà báo tự do cho rằng Tuổi Trẻ đã tự kiểm duyệt khi đưa tin về vụ việc này. Tuổi Trẻ Online bị đình bản 3 tháng hồi năm ngoái và bị phạt 220 triệu đồng sau khi “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết ‘Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình’” đăng ngày 19/6.
Việt Nam phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế về cách đối xử tàn bạo của công an trong những năm gần đây.
Tháng 11 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên phải điều trần trước Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc ở Thụy Sỹ. Theo đánh giá của các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế, tình trạng công an sử dụng bạo lực đối với người dân hiện đang trở nên tràn lan tại Việt Nam.

Quê hương của ai?

Mạnh Kim/Theo VOA-31/01/2019 
Hình minh họa.
Hình minh họa.
Trong chương trình “Xuân Quê hương 2019” ngày 26-1-2019, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại ngân nga “bài chèo” mùi mẫn rất cũ: “Bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của tổ quốc”. Không có gì mỉa mai bằng ý nghĩa của hai từ “máu thịt” này, khi có rất nhiều “máu thịt” năm nào cũng nhìn về quê hương từ xa với tâm trạng rũ buồn...
Có bao nhiêu người Việt năm nay, như nhiều năm trước, không được về cúi đầu thắp nén nhang cho ông bà trên chính mảnh đất quê hương mình? Chưa ai thực hiện thống kê này nhưng chắc chắn con số những “Việt kiều máu thịt” nằm trong “danh sách đen” của Bộ Công an không ít. Nhiều “máu thịt” đã bị khước từ nhập cảnh ngay từ sân bay và gần như vĩnh viễn không thể trở về chừng nào chế độ này còn tồn tại. Đó là chưa kể những người bị “trục xuất” bằng cách này hay cách khác: những nhân vật đấu tranh dân chủ bị gán ghép tội “phản động”. Họ không thể trở về và không biết chừng nào mới “được phép” trở về. Quê hương, với nhiều người, trở thành nỗi khắc khoải đến đau lòng. Quê hương, nhiều khi nhớ quá, đặc biệt những ngày giáp Tết, trở thành nỗi nhớ cồn cào ruột gan, nỗi nhớ chảy nước mắt, nỗi nhớ ngậm ngùi đau xé, đến mức không chịu nổi buộc phải thốt lên để cho vơi lòng. “Năm đầu tiên sau 28 năm ở Mỹ nhớ nhà quá nên cũng chưng diện tìm một chút tết. Tranh voi Thái Lan, mai Nhật Bản, dưa hấu, mứt Cali, phong lì xì và cúc vàng của Mỹ cộng với nỗi buồn rất Việt Nam, vậy là Tết nhé” – tâm sự của nhà báo Mặc Lâm. “Nhớ nhà”, chỉ hai từ thôi, nặng như thiên cân vạn lạng.
Quê hương giờ như thuộc “sở hữu” của chế độ cai trị. Nó trở thành “cái nhà” của những kẻ muốn đuổi ai thì đuổi, cho vào thì mới được vào. Quê hương không còn là mái ngói, sân đình, bụi tre, buồng chuối. Quê hương bây giờ là sự ngạo mạn chiếm hữu của một nhúm người cai trị. Quê hương, mỉa mai đến tột cùng, là hình ảnh mà người ở xa muốn về mà về không được; và người “ở gần” thì muốn thoát nhưng đi không xong. Quê hương là hình ảnh mà những kẻ tha hương luôn ôm chặt như một thứ “căn cước tính”, trong khi người đang sống trên đó thì mang tâm trạng của những người “tạm dung” và “lưu vong”. Nước Việt của thế kỷ 21, sau vô vàn biến động lịch sử, sau bao nhiêu năm chiến tranh huynh đệ tương tàn đầu rơi máu chảy, và sau hơn 40 năm “thống nhất”, đã trở thành một nước Việt nặng trịch nỗi buồn chất nặng lên hai chữ “quê hương”. Có dân tộc nào trên thế giới đang chịu cảnh này, như Việt Nam?
Quê hương tôi, quê hương bạn, quê hương chúng ta… Quê hương luôn có một. Dân tộc nào cũng có một quê hương và dân tộc nào cũng hãnh diện với quê hương mình. Nhưng quê hương này đang thuộc về ai? Có chế độ cai trị nào trên thế giới đang tước đoạt cả quê hương của những người cùng một dân tộc? Làm thế nào có thể xây dựng nên một dân tộc vĩ đại khi chế độ cai trị “chiếm hữu” quê hương như một phần thưởng “chiến thắng” và tự cho mình có quyền định đoạt “ai phải đi” và “ai được về”?
Bất luận thế nào, có một điều chắc chắn rằng, người Việt, trong nước hay lang bạt tha hương bất kỳ đâu trên thế giới, cũng có duy nhất một hướng nhìn khi ngắm quê hương: quê hương chúng ta còn đó. Nó luôn ở đó. Nó tồn tại. Vĩnh hằng. Chẳng gì có thể xóa được định tính quê hương trong lòng người Việt. Chế độ cai trị là nhất thời. Quê hương là vĩnh cửu. “Bên mái hiên ta ngồi chuyện trò/ Khoai nước thơm hương tình ruộng đồng/ Con thơ ngoan hiền ê a đánh vần/ VN là Việt Nam kiêu hùng” - lời ca khúc Anh vẫn mơ một ngày về của ca sĩ Nguyệt Ánh nhắc rằng hai chữ “VN” nó gần gũi và thiêng liêng thế nào. Nó gắn liền với “hồn thiêng sông núi” và tâm thức Việt, chứ không phải với chế độ cai trị. Nó cho thấy chế độ cai trị có làm gì đi nữa khiến người Việt phải ly tán xa rời quê hương thì hai chữ “VN” ngạo nghễ kiêu hùng vẫn khắc sâu trong tâm khảm, đủ để nuôi dưỡng niềm tin cho một ngày mai tươi sáng hơn…

‘Nghiêm’ nên tham nhũng 13 tỉ mới… cảnh cáo!

Trân Văn/Theo VOA/28/01/2019 
Ông Lê Tấn Hùng, em ruột ông Lê Thanh Hải (hàng sau, trái), bị cảnh cáo vì chi tiêu khống hơn 13 tỷ đồng.
Ông Lê Tấn Hùng, em ruột ông Lê Thanh Hải (hàng sau, trái), bị cảnh cáo vì chi tiêu khống hơn 13 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP.HCM, vừa nhắc nhở hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở thành phố này phải… “nghiêm”.
Tại buổi tổng kết hoạt động của lực lượng Thanh tra TP.HCM năm ngoái và triển khai nhiệm vụ năm nay, Ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh Thanh tra TP.HCM, than rằng, lực lượng này phát giác sai phạm là mười thì khi tổ chức kiểm điểm chỉ còn bốn hay năm!
Muốn biết thực trạng làm ông Tuyền phải than thở công khai nghiêm trọng đến mức nào thì cần phải nhớ, Thanh tra là lực lượng đang đảm nhận vai trò phòng – chống tham nhũng!
Theo tường thuật của báo giới Việt Nam thì ông Phong rất đồng cảm với ông Tuyền nói riêng và lực lượng Thanh tra nói chung. Ông Phong cho rằng, chuyện Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm nhưng khi xem xét, kỷ luật chỉ phê bình, khiển trách là không nghiêm (1).
Bởi ông Phong phê phán, xử lý các sai phạm do Thanh tra phát giác mà chỉ phê bình, khiển trách là không nghiêm, thành ra nên thử xét xem ông Phong và hệ thống chính trị (mà ông là Phó Bí thư), hệ thống công quyền (mà ông là Chủ tịch) có khả năng “nghiêm” hay không?
***
Năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước phát giác Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) – một doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM, vi phạm hàng loạt qui định về quản lý đất đai, công sản khi đem 24 khu đất có tổng diện tích 1.900 héc ta ra làm vốn để thành lập các doanh nghiệp mới.
Tuy nắm trong tay 45 khu nhà và đất, tổng diện tích lên tới 6.300 héc ta và chỉ đem nhà, đất làm vốn, góp với các doanh nghiệp khác hoặc cho thuê nhưng lợi nhận của SAGRI liên tục giảm so với mức biểu kiến mà SAGRI hứa hẹn. Năm 2017, lợi nhuận của SAGRI chỉ đạt 30% mức biểu kiến (2).
Cũng năm ngoái, Thanh tra TP.HCM kết luận, năm 2016, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI và bà Nguyễn Thị Thúy, Kế toán trưởng của SAGRI, phối hợp với hai công ty du lịch, làm giả 10 hợp đồng đưa cán bộ, nhân viên đi “tham quan – học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài để chi khống hơn 13 tỉ đồng (3).
Giống như Kiểm toán Nhà nước, sau khi thanh tra SAGRI, Thanh tra TP.HCM nhận định, tại SAGRI đã xảy ra hàng loạt sai phạm trong sử dụng công sản, công thổ, điều hành SAGRI. Hiệu quả của hoạt động đầu tư thấp, thua lỗ triền miên, nhiều liên doanh phải ngưng hoạt động, vốn nhà nước giao cho SAGRI bị tổn thất.
Cả Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra TP.HCM cùng đề nghị các viên chức hữu trách ở TP.HCM xem xét, xử lý lãnh đạo SAGRI.
Giữa lúc nhiều người tin rằng, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI, bào đệ của ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì chỉ riêng chuyện tổ chức chi khống – chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng đã đủ để ông Hùng có thể bị phạt tử hình hay chung thân do “tham ô tài sản”...
Tuy nhiên tháng 3 năm 2018, dù cho biết là dựa trên kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM như vừa lược thuật, song ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP.HCM, chỉ quyết định “khiển trách” ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy.
Quyết định “khiển trách” vừa kể tất nhiên là bị công chúng chỉ trích kịch liệt nhưng không ăn thua. Mãi tới tháng 10 năm ngoái, bảy tháng sau khi “khiển trách”, UBND TP.HCM mới quyết định nâng hình thức kỷ luật ông Hùng và bà Thúy từ “khiển trách” lên… “cảnh cáo” (3).
Lúc đó, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM có biện bạch rằng, xét thấy “khiển trách” chưa đúng với mức độ sai phạm của ông Hùng, bà Thúy nên UBND TP.HCM đã chỉ đạo thành lập một hội đồng kỷ luật mới để xem lại hình thức kỷ luật. Tuy nhiên nếu để ý một chút, ắt sẽ thấy, việc xem lại hình thức kỷ luật chỉ được tiến hành lúc bào huynh của ông Hùng đã bớt “thiêng” vì liên tục bị cáo buộc là chính phạm gây ra thảm nạn Thủ Thiêm.
Trung tuần tháng này – ba tháng sau khi UBND TP.HCM “cảnh cáo” ông Hùng và bà Thúy, Thành ủy TP.HCM nhất trí “cảnh cáo” đồng chí Lê Tấn Hùng, Bí thư Đảng ủy SAGRI và đồng chí Nguyễn Thị Thúy, Đảng ủy viên SAGRI. Nói cách khác, xử lý sai phạm của ông Hùng, bà Thúy đã xong.
***
Đem đối chiếu việc Chủ tịch TP.HCM xử lý ông Lê Tấn Hùng với tuyên bố, chỉ đạo mới đây của chính ông khi tham dự tổng kết hoạt động của Thanh tra TP.HCM, có thể thấy ngay là ông Phong… “giỏi”.
Ông không hề đắn đo, cũng chẳng cảm thấy thẹn, chẳng bận tâm chút nào về chuyện thiên hạ nghĩ gì khi ông cao giọng phê bình tình trạng không… nghiêm: Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm nhưng lúc xem xét, kỷ luật chỉ phê bình, khiển trách!
Không may là các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, Bí thư hoặc Phó Bí thư, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch chính quyền các tỉnh, thành phố như ông Phong đều… “giỏi” như thế!
Chú thích

Lấy ‘mỡ’ quốc gia ‘rán’ dân lành

Trân Văn/Theo VOA-29/01/2019 
Tòa án Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án Trần Việt Tân (Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Công an) và Bùi Văn Thành (Trung tướng, cựu Thứ trưởng Công an).
Tòa án Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án Trần Việt Tân (Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Công an) và Bùi Văn Thành (Trung tướng, cựu Thứ trưởng Công an).
Cuối tuần trước, bà Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương, bị tống giam cùng với ba viên chức, một đang là Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM (Trần Nam Trang) và hai đã nghỉ hưu (Nguyễn Thành Rum, cựu Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM. Vy Nhật Tảo, cựu Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM). Nếu tính cả ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch TP.HCM) đã bị tống giam trước đó thì trong vụ án mà bà Diệp bị cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có ít nhất bốn viên chức đã tiếp tay cho bà Diệp biến công thự dành cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM thành tài sản của Công ty Dương Bạch Dương (1), tạo điều kiện cho Công ty Dương Bạch Dương lấy công thự vừa kể vay thêm tiền và giờ, thiếu Agribank khoảng 4.000 tỉ đồng, chưa kể hàng trăm tỉ tiền thuế chưa thanh toán.
Đầu tuần này, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án Trần Việt Tân (Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Công an), Bùi Văn Thành (Trung tướng, cựu Thứ trưởng Công an) bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và Phan Hữu Tuấn (Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tình báo Bộ Công an), Nguyễn Hữu Bách (Đại tá, Cục phó một cục của Tổng cục Tình báo Bộ Công an) bị cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cả bốn đã tham gia vào việc tuyển dụng Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm) làm “sĩ quan tình báo”. Lấy danh nghĩa “công vụ”, đề nghị hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bán rẻ hoặc cho Vũ “Nhôm” thuê với giá rẻ hàng loạt công thự, công thổ ở Đà Nẵng, Sài Gòn, gây thiệt hại ít nhất là 1.537 tỉ đồng (2).
***
Bà Diệp và Vũ “Nhôm” có một điểm chung: Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và chỉ trong một thời gian ngắn trở thành giàu có đến mức “nứt đố, đổ vách”. Sự giàu có ấy của cả hai đều dựa trên việc được thuê, được mua các công thự, công thổ với giá rẻ như bèo và song hành với biệt đãi của hệ thống công quyền, cả hai còn được hệ thống ngân hàng dành cho đủ thứ ưu đãi nên hết sức dễ dàng trong việc kiếm bạc tỉ. Cực giàu nên cả hai rất ngông, tìm đủ cách để khẳng định “đẳng cấp” của mình. Mạng xã hội và hệ thống truyền thông chính thức đã nói nhiều về sự ngông cuồng của Vũ “Nhôm” nhưng bà Diệp đâu kém: Đặt làm riêng một chiếc Rolls - Royce Phantom, tổng chi phí lên tới 2,3 triệu Mỹ kim, rồi bỏ tiền xây cho Công an Bình Định hai sân tennis để chiếc xe đó có thể mang tấm biển “độc nhất, vô nhị”: 77L-7777 (3).
Cũng giống như Vũ “Nhôm”, ngoài việc chơi ngông, bà Diệp luôn luôn tỏ ra hào phóng với người khác. Nếu Vũ “Nhôm” được tán tụng hết lời vì rộng rãi với thân hữu, láng giềng, kể cả bạn bè thưở còn hàn vi, những người “thất cơ, lỡ vận” thì bà Diệp nổi tiếng vì chỉ trong một thời gian ngắn góp tới ba tỉ đồng cho các chương trình từ thiện của báo Công an nhân dân. Bỏ ra 13 tỉ mua bức tranh “Văn Miếu - Văn hóa Việt” trong cuộc đấu giá do Quỹ Vì người nghèo tổ chức (4). Báo Công an nhân dân – một trong những cơ quan truyền thông từng không tiếc lời ca tụng bà Diệp - còn quảng bá rộng rãi ý tưởng mà tờ báo này cho là rất độc đáo của bà Diệp: Dành 200 tỉ để lập quỹ - làm giải thưởng thường niên tặng cho những “Bao Công đích thực” của hệ thống tư pháp Việt Nam, giá trị mỗi phần thưởng hàng năm có thể sẽ lên tới cả triệu Mỹ kim (5)!..
***
Mãi đến bây giờ, khi vô số công sản (cả động sản lẫn bất động sản) đã đổi chủ, chuyển thẳng từ sở hữu toàn dân vào tài khoản một số cá nhân, các viên chức hữu trách ở Việt Nam mới thừa nhận, đa số cá nhân mà trước nay, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam vẫn xuýt xoa, trầm trồ về sự giàu có không bút nào tả xiết mà “vua đã biết mặt, chúa đã biết tên” chính là nhờ những bất hợp lý trong chính sách khai thác – sử dụng công sản, công thổ. Tháng 10 năm ngoái, khi công khố đã thường xuyên rơi vào tình trạng cạn kiệt, thu ít – chi nhiều, phải liên tục vay để vừa trả nợ, vừa cầm cự, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đề cập đến “công khai”, đến “đấu giá” công sản, công thổ, ngăn chặn thất thoát tài nguyên, nguồn lực quốc gia (6).
Trung tuần tháng này, các chuyên gia nhiều ngành tiếp tục thở than về chính sách đất đai đang tiếp tục làm nội lực quốc gia thất tán, bất công và bất ổn xã hội gia tăng, chỉ có một số rất nhỏ trở thành “giàu siêu tốc” (7). Với hệ thống chính trị như trước nay, tiếp tục thực hiện “qui hoạch nhân sự”, tước bỏ quyền lựa chọn đại diện cho mình của các công dân, giành – giữ đặc quyền sắp đặt một số cá nhân lãnh đạo cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, với hệ thống công quyền vẫn xem sự tách bạch giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm hạn chế lạm quyền là luận điệu, âm mưu của “thế lực thù địch, phản động”, gây nguy hại cho sự lãnh đạo toàn diện của đảng CSVN,… thì làm sao ngăn chặn để không có thêm những Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách, Nguyễn Thành Tài, Trần Nam Trang, Nguyễn Thành Rum,… mới?
***
Có một điểm đáng ngạc nhiên là trước khối tài sản càng ngày càng kếch xù, phình ra trong một thời gian rất ngắn của một số cá nhân, đa số người Việt chỉ bày tỏ sự thán phục, ngưỡng mộ mức độ sang, giàu của những cá nhân phá hết kỷ lục này tới kỷ lục khác. Không ít người còn thấy tự hào vì chỗ mình cư trú trở thành nơi được ví von là… đáng sống, chứ không nhận ra rằng, những công trình kia, dự án nọ hủy hoại biển, rừng, đầu độc môi trường,… không nhận thấy rằng chính mình đang phải trực tiếp trả giá qua ngập lụt, kẹt xe, không gian sống càng lúc càng ngột ngạt, hậu quả thiên tai càng ngày càng tàn khốc. Chẳng có bao nhiêu người thấy rằng, sở dĩ một số cá nhân có thể gây ngỡ ngàng vì tổng giá trị tài sản của họ tăng nhanh và lớn khác thường vì chúng kết tinh từ nước mắt, mồ hôi, sức lực, thậm chí tạm ứng trước tương lai của cả một dân tộc!
Trung tuần tháng này, qua tờ Tuổi Trẻ, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup, “xuất đầu lộ diện” với hàng loạt tuyên bố, chẳng hạn, văn hóa riêng của Vingroup là “yêu nước, kỷ luật, văn minh”, đồng thời bày tỏ tham vọng sẽ buộc thế giới phải biết về một “Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp” (7). Cũng trung tuần tháng này, The Guardian – một tờ báo ở Anh, đăng: “Redefine the skyline: how Ho Chi Minh City is erasing its heritage” (8) mà Zing – một tờ báo điện tử tại Việt Nam biên dịch lại rồi giới thiệu với tựa: “Báo Anh tiếc nuối những di sản và bản sắc 'đang mất dần' của TP.HCM” (9). Trong phóng sự vừa kể, The Guardian mô tả Vingroup như một gã khổng lồ vô tâm song thừa quyền lực nên có thể dễ dàng hủy diệt cả di sản lẫn bản sắc của nơi từng được xem như hòn ngọc Viễn Đông.
Đó là một kiểu… “yêu nước”, một kiểu… “văn minh”?
Rất nhiều người biết sự hủy diệt mà Vingroup đã cũng như đang thực hiện không chỉ tẩy sạch hồn, cốt của Sài Gòn mà còn triệt tiêu nguồn lực tiềm ẩn trong tương quan giữa bảo tồn với phát triển. Tại sao những dự án, công trình của Vingroup có thể mọc lên tại những vị trị tốt nhất trên khắp Việt Nam, bất kể cách thức thủ đắc hết sức bất thường, chưa kể rất nhiều dự án, công trình gây nguy hại ở đủ mọi khía cạnh, ví dụ như đe dọa sinh hoạt đô thị (dự án cao ốc của Vingroup ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội – 10), ví dụ như biến đổi dòng chảy, có thể dẫn tới sạt lở cả một khu vực (dự án Central Park tại Vinhomes Tân Cảng, Sài Gòn – 11),… nhưng không ai có thể can gián? Thậm chí hệ thống truyền thông chính thức còn biên tập lại phát biểu của Thủ tướng Việt Nam khi phát biểu đó không có lợi cho Vingroup!
Đó là một kiểu… “trí tuệ, đẳng cấp” mà thế giới có thể mục kích?
***
Ngoài đất, còn có đủ loại tài nguyên, nguồn lực khác của quốc gia đã bị biến thành “mỡ”, vỗ béo vô số viên chức từ trung ương đến địa phương, giúp một số cá nhân ghi tên vào danh sách những người giàu nhất ở cả Việt Nam lẫn trên thế giới. “Mỡ” đó đã “rán” hàng trăm triệu người dúm dó vì bị thu hồi đất, vì chính sách an sinh èo uột, vì thuế càng ngày càng nặng, phí càng ngày càng đa dạng, vì môi trường sống bị ô nhiễm, vì kinh tế bất ổn, vì xã hội bất an, tương lai bất định… Còn kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các loại tài nguyên, nguồn lực quốc gia còn là “mỡ” và dân chúng may mắn không bị “rán” trực tiếp thì cũng bị “rán” gián tiếp. So với thiên hạ, sự khác biệt, nếu có, nằm ở chỗ, tâm trạng nhiều người bị “rán” vẫn tràn ngập sự cảm kích, ngưỡng mộ. Thảm hơn cả là vẫn… tự hào!
Chú thích

Tiếng Anh ông Nhạ thua tiếng Anh ông Nhân

Nguyễn Hùng/Theo VOA-29/01/2019 
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Hôm vừa rồi Facebook đẩy cho tôi xem một video của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ phát biểu bằng tiếng Anh tại London. Video ông Nhạ nói tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới hôm 21/1 do BBC Tiếng Việt đăng tải đã được hơn 2.000 lượt chia sẻ và hơn 1.000 bình luận.
Các bình luận đi theo những chiều hướng khác nhau. Người bảo ông “đọc dễ nghe”, người nói tiếng Anh của ông không bằng “một thằng đi lao động nước ngoài”.
Người bảo họ mang bài trình bày của ông cho con nghe mà cháu không hiểu gì mấy mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất của cháu.
Ông Nhạ không phát biểu suông mà có kèm theo các biểu đồ được chiếu lên màn hình lớn và có lẽ người ta sẽ đoán ra được những gì ông muốn nói dựa vào các thông tin có trên biểu đồ phóng lớn.
Công bằng mà nói ông Nhạ chọn phát biểu bằng tiếng Anh là đã tiết kiệm được cho người nghe và xem một nửa thời gian vì không còn cần tới phiên dịch. Nếu phải chấm điểm tiếng Anh của ông Nhạ để nhận vào học ở bậc đại học chắc tôi sẽ đánh trượt. Ông phát ông sai hay lệch chuẩn tương đối nhiều, nói có những lúc khá khó nghe dù có lẽ đã chuẩn bị trước và cũng đã có những thông tin trên biểu đồ giúp ông định hướng.
Nhưng nếu chỉ để giao tiếp và nói để người ta hiểu những ý chính thì tôi sẽ châm chước cho qua. Chỉ có điều tôi đã có dịp nghe một trong những người tiền nhiệm của ông Nhạ phát biểu bằng tiếng Anh và khẳng định rằng đã có sự thụt lùi về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ phổ biến thế giới này của bộ trưởng giáo dục sau 12 năm.
Người tiền nhiệm mà tôi muốn nói tới chính là ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện đang là bí thư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hồi năm 2007 ông Nhân tháp tùng chủ tịch nước khi đó Nguyễn Minh Triết sang Hoa Kỳ. Tôi đã có mặt khi ông Triết tới thăm The New School ở New York và sau đó ông Nhân có bài thuyết trình về giáo dục Việt Nam và tiềm năng hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ông Nhân nói tiếng Anh rất khá, chắc chắn sẽ được điểm gấp đôi ông Nhạ xét về mặt phát âm chuẩn và độ lưu loát. Về mặt tự tin về khả năng tiếng Anh của mình chắc hai ông không khác nhau mấy. Điều duy nhất tôi thấy không ấn tượng với ông Nhân khi đó là PowerPoint của ông có một số lỗi chính tả tiếng Anh. Chắc chắn tôi sẽ trừ điểm ông Nhân từ 1-2 điểm vì cẩu thả. Tôi thường nói với các sinh viên của tôi rằng người ta hay nói “không có cái gì gọi là viết hay, chỉ có cái gọi là viết đi viết lại mới hay”. Bất cứ ai viết văn hay viết PowerPoint để trình bày đều phải đọc đi đọc lại và viết đi viết lại cho tới khi không còn lỗi nữa.
Sau khi xem video ông Nhạ nói tiếng Anh tôi tò mò tìm hiểu xem các bộ trưởng giáo dục trong khối ASEAN nói tiếng Anh ra sao. Người đầu tiên tôi muốn xem trình độ nói tiếng Anh là bộ trưởng giáo dục Malaysia. Tiến sỹ Maszlee Malik, người mới lên đứng đầu ngành giáo dục Malaysia từ giữa năm 2018, nói tiếng Anh rất trôi chảy dù ông cũng chịu nhiều chỉ trích về các mặt khác. Tôi cũng được nghe cựu Bộ trưởng Giáo dục Indonesia Anies Baswedan trả lời phỏng vấn Al Jazeera hồi năm 2015 với khả năng nói tiếng Anh khá tốt. Còn tiếng Anh của Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung thì quả là miễn chê.
Nghe phát âm tiếng Anh của ông Nhạ tôi cũng tự hỏi không hiểu ai là giáo viên của ông. Một là giáo viên của ông “chuối” quá hoặc khả năng học ngoại ngữ của ông không còn tốt. Hồi tôi mới sang London vào năm 2000, tiếng Anh được học ở Việt Nam mang sang dùng cũng có vấn đề. Sau này tôi mới hiểu kiểu dạy tiếng Anh bằng A, B, C của Việt Nam thời cuối những năm 1990 có thể giúp người ta đọc và viết ở mức độ nào đó nhưng nói thì không ăn thua. Lý do là khả năng phát âm cho chuẩn của các thầy cô là khá hạn chế.
Trong tiếng Anh có một số phụ âm viết giống tiếng Việt nhưng phát âm lại khác. Một ví dụ là phụ âm th vốn cũng có hai cách phát âm khác nhau như trong “thank you” (cảm ơn) hoặc “this man” (ông này). Tiếng Việt cũng không có âm i kéo dài và người Việt có khuynh hướng đọc chữ “ship” (con tàu) và “sheep” (con cừu) giống y nhau trong khi đúng ra âm i trong chữ “sheep” dài gấp đôi âm i trong chữ “ship”. Hãy tưởng tượng cũng phát âm như thế với chữ “sheet” có nghĩa là tờ giấy và chữ “shit” có nghĩa là “cứt”. Đúng là cách phát âm tiếng Anh của bộ trưởng giáo dục hơi khó nghe nhưng người Anh cũng nói “practice makes perfect” mà tiếng Việt người ta dịch là “có công mài sắt có ngày nên kim”. Miễn là ông Nhạ ý thức được rằng một là ông phải đổi thầy hay cô giáo, hai là ông phải đổi cách học để đỡ mệt cho người nghe.

Thả câu

Đỗ Văn Ngà|

ăm 1990, ông Trịnh Vĩnh Bình – một Việt kiều Hà Lan cũng tin lời mời dụ CS về nước đầu tư 3 triệu đô. Kết quả, sau 9 năm đổ tiền của và công sức, ông Bình bị chính quyền CS tịch thu hết tài sản và tống vào tù. Bị oan nhưng không thể kêu oan, vì chính quyền là kẻ cướp tài sản của ông chả lẽ nó trả lại công lý cho ông? Bất lực, nên năm 2000, Trịnh Vĩnh Bình tìm cách trốn tù vượt biên trở về Hà Lan.
Năm 2003, ông ông Bình kiện chính phủ nước CHXHCNVN tại Tòa án Trọng tài Quốc tế ở Stockholm đòi số tiền bồi thường là 150 triệu đô. Chính quyền CSVN thấy đường thắng kiện không có, nên năm 2006 chính quyền CSVN mời Trịnh Vĩnh Bình sang Singapore thương lượng. Tại đây đại diện chính quyền Việt Nam hứa sẽ bồi thường đầy đủ để ông Bình rút đơn kiện, và đồng thời cũng mời trở về Việt Nam đầu tư tiếp và chính quyền CSVN cũng cam kết sẽ hoàn trả lại tài sản đã cướp cho ông.
Nghe lời, ông Bình quay lại Việt Nam đầu tư lần 2. Đến năm 2013, chính quyền CSVN không những không hoàn trả tài sản mà còn cướp thêm. Thế là lại một lần nữa, năm 2014, ông Bình lại kiện Chính quyền CSVN lên tòa án Trọng tài Quốc tế tại Paris đòi bồi thường 1,25 tỷ đô la. Ngày 27/08/2017 tòa xử ông Bình thắng kiện nhưng chính quyền đã thoả thuận với ông Bình là giữ bí mật số tiền bồi thường. Như thế đôi bên cùng có lợi, ông Bình có được tiền bồi thường và chính quyền cũng giữ được thể diện. 
Phải nói, trong các Việt Kiều nhận trái đắng mà đòi được công lý thì ông Trịnh Vĩnh Bình là một trường hợp hiếm hoi, có thể nói là trường hợp có 1 không 2. Đấy xem như là một tai nạn của chính quyền CS. Con mồi Trịnh Vĩnh Bình vì biết cách chơi lại chính quyền gian tà nên tài sản đã không bị mất. Còn các trường hợp tương tự khác thì sao? Hầu hết là ôm hận.
Một trong các trường hợp ôm hận, có thể nói đến là trường hợp ông Trần Văn Trường. Ông này vốn sinh sống ở thành phố Westminter bang Cali – Mỹ, ông cũng yêu Bác kính Đảng. Năm 1999 ông từng treo cờ đỏ sao vàng và ảnh Hồ Chí Minh trong tiệm ăn của mình và tạo nên sự phản ứng dữ dội của cộng đồng người Việt hải ngoại ở Mỹ. Năm 2005 ông bán tài sản ở Mỹ về Việt Nam đầu tư. Sau 7 năm làm ăn thì ông bị trắng tay tương tự như ông Trịnh Vĩnh Bình. Năm 2012 ông trở về Mỹ và lên tiếng xin lỗi cộng đồng người Việt hải ngoại.
Như ta biết, luật pháp của CS là một loại luật Viết ra theo chỉ thị của Đảng, nó là thứ luật chỉ để phục vụ Đảng mà thôi. Chưa hết, tòa án và công an thì lại luôn sẵn sàng chà đạp lên luật pháp để tước đoạt những gì mà họ thèm muốn. Người dân trong nước đang phải chịu đọa đày như thế, nên kinh tế trong nước cứ èo uột mãi không thể lớn mạnh được. Hiện nay chính quyền CS đang rất đói ngoại tệ. Tất cả các ngả để người dân chuyển tiền ra nước ngoài như ngả ngân hàng, ngả Money Gram hay Western Union đều bị chặn. Trong khi đó, Việt kiều chuyển ngoại tệ về Việt Nam thì rất dễ. Đồng thời, một số lượng Khổng lồ ngoại tệ của quan chức lại có thể chuyển ra nước ngoài rất suông sẻ. Điều đó cho thấy chính quyền CS đang gạn hốt ngoại tệ để quan chức làm giàu và tẩu tán.
Nhử Việt Kiều về đầu tư rồi vặt sạch lông tống về nước là một thủ đoạn mà chính quyền này đang nhắm đến. Hằng năm, khi tết đến, các quan chức CS ra sức o bế, nói lời có cánh để nhử Việt Kiều về nước đầu tư. Khi về nước đầu tư là xem như cắn câu. Chẳng có cá nhân nào có thể kiện chính quyền CS này được cho dù có cơ sở pháp lí vững vàng. Vì sao? Vì đơn giản, kẻ cướp cũng nó, và làm luật cũng nó, và xử cũng là nó. Nếu Việt Kiều Mỹ không là món ngon để chính quyền này đớp thì không bao giờ nó buông ra câu nịnh kiểu “khúc ruột ngàn dặm” mà phải chửi là “bọn bám đít Mỹ, bọn phản quốc”. Hãy nhìn thái độ của chính quyền này với người Việt sống cơ cực ở Campuchia thì biết, họ không được chính quyền Việt Nam thừa nhận là đồng bào ruột thịt.
Chính vì thèm đô đến thế, nên Nguyễn Xuân Phúc mới dụ Việt Kiều rằng “về Việt Nam đầu tư 1 tỷ USD thì 5 năm sau sẽ có 5 tỷ USD”. Đây là lời dụ, nhưng vì ông này vụng ăn vụng nói nên mới thốt ra câu ngớ ngẩn đến như vậy. Nguyễn Xuân Phúc, anh hề đang đi thả câu cho đảng nhưng khổ nỗi anh ta không biết móc vào lưỡi câu miếng mồi ngon. CS đang thèm đô Việt Kiều, sẽ tìm mọi cách, bà con Việt Kiều hãy cẩn thận!

Những chóp bu nào “mất ăn” với kết quả hoãn EVFTA?


Phạm Chí Dũng – VOA|

EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu) đã chính thức bị Liên minh châu Âu (EU) hoãn vô thời hạn vào tháng Giêng năm 2019 do chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam đã tuyệt đối không làm gì, nếu không muốn nói là làm ngược lại, để cải thiện tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng tại dải đất hình chữ S quằn quại này.
Những chóp bu nào của Việt Nam ‘mất ăn’ với kết quả hoãn EVFTA?
Quan chức đầu tiên phải kể đến là Nguyễn Phú Trọng.
Lưu truyền sử xanh?
2015 cũng là khoảng thời gian mà cuộc chạy đua quyết liệt và không kém tiểu xảo lẫn thủ đoạn giữa hai họ Nguyễn – Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng – diễn ra đầy kịch tính. Ai mang về được TPP sẽ ghi điểm trước Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương và đương nhiên sẽ nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao hơn.Là người ‘mê hiệp định’, vào năm 2015 thậm chí Trọng đã chấp nhận luôn cả định chế công đoàn độc lập để đánh đổi Hiệp định kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi ông ta được Tổng thống Mỹ Barak Obama mời đến Washington, cho dù công đoàn độc lập luôn bị chính quyền Việt Nam quy chụp như ‘một thủ đoạn của diễn biến hòa bình’ và đánh đồng với Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan lật đổ chế độ cộng sản vào những năm 80 của thế kỷ XX.
Nhưng do TPP bị Mỹ rút ra vào đầu năm 2016 và khiến kinh tế Việt Nam, dù có tham gia vào CPTPP (hiệp định thay thế cho TPP), cũng chỉ có tiếng không có miếng, Nguyễn Phú Trọng lại theo đuổi một mục tiêu mới: EVFTA.
Luôn khoe thành tích Việt Nam đã ký kết và triển khai các FTA (hiệp định thương mại song phương) với nhiều nước, Nguyễn Phú Trọng hẳn mong mỏi EVFTA sẽ giúp cho chế độ của ông ta cứu vãn tình trạng cạn kiệt ngoại tệ, bội chi ngân sách và suy sụp chân đứng kinh tế để có thể kéo dài tuổi thọ được năm nào hay năm đó. Với Trọng, duy trì được sự sống của đảng và cũng là cái ghế của ông ta, dù chỉ là lây lất, là nhiệm vụ tối thượng.
Sau khi ngồi ngay vào ghế của ‘cố chủ tịch nước Trần Đại Quang’ và chính thức trở thành ‘Tổng chủ’ với quyền uy gần như tuyệt đối, chẳng có gì bảo đảm là Nguyễn Phú Trọng sẽ không nối gót Tập Cận Bình ở Trung Quốc – sửa hiến pháp, ‘tư tưởng Tập Cận Bình’, bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch nước và về thực chất là ‘hoàng đế suốt đời’. Chỉ còn gần hai năm nữa là đại hội 13 của đảng CSVN sẽ tiếp biến, một khoảng thời gian không nhiều để Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị tư thế ‘cán bộ cấp chiến lược’ và có thể được ghi tên ‘lưu truyền sử xanh’, nếu ông ta thực sự quyết tâm thu xếp câu chuyện công – tư ấy. EVFTA nếu thành công sẽ một đòn bẩy Ácsimét để đưa tên Trọng vào lịch sử, như cách mà chí ít thì giới văn nhân cận thần của ông ta cũng nghĩ thế.
Nhưng còn một quan chức không kém thèm khát các hiệp định thương mại với nước ngoài, dù lòng mong mỏi này có vẻ hào nhoáng hơn Nguyễn Phú Trọng. Đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nghiêng nghiêng ngoẹo ngoẹo
Với Phúc, Tổng sản lượng quốc gia GDP là tiêu chí quan trọng nhất, không chỉ phản ánh ‘nội lực’ của nền kinh tế mà ông ta điều hành, mà còn chứng minh cho thành tích của chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của ông ta. Trong rất nhiều cuộc thăm viếng các địa phương ở Việt Nam, Phúc cứ luôn nghiêng nghiêng ngoẹo ngoẹo tô điểm cho GDP. Thậm chí ông ta còn bộc lộ ý đồ chỉ đạo Tổng cục Thống kê tìm cách, hoặc thay đổi cách thống kê làm sao để gộp cả phần ‘kinh tế ngầm’ nhằm làm tăng GDP và làm đẹp những con số trong các báo cáo của chính phủ.
Các FTA và đặc biệt là EVFTA có một phần ‘cống hiến’ lớn cho GDP. Chỉ cần ký được EVFTA, kinh tế Việt Nam sẽ có hy vọng ít nhất duy trì được số xuất siêu khoảng 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường châu Âu, chưa kể triển vọng gia tăng giá trị xuất khẩu mà Thủ tướng Phúc đặc biệt cần để bổ sung vào báo cáo ngoại thương toàn số đẹp của ông ta.
Vào năm ngoái, Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân thực hiện một chuyến công du đến 3 nước châu Âu để ‘quốc tế vận’ cho EVFTA. Tại đó, ông ta hùng hồn nói về ‘Việt Nam là một nước dân chủ’, bất chấp thực tồn đàn áp nhân quyền khốc liệt của chế độ ông ta đối với người dân và giới bất đồng chính kiến – nguồn cơn sâu xa và trực tiếp nhất mà đã khiến Liên minh châu Âu (EU) vào tháng Giêng năm 2019 phải quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA.
Giờ đây, Nguyễn Xuân Phúc có lẽ đang hối tiếc những tuyên bố của ông ta trước quốc tế về ‘Việt Nam dân chủ’ và chỉ trích một cách hằn học của ông ta đối với ‘thế lực thù địch trong nước’. Những lời nói hớ đó không chỉ bị quốc tế coi thường bản lĩnh chính trị và cả nhân cách một thủ tướng Việt Nam, mà còn khiến Phúc không còn nhiều cơ hội chường mặt ra thế giới để ‘lập thành tích chào mừng đại hội đảng lần thứ 13’.
Đại hội 13 sắp mang lại một cơ hội đầy thách thức cho Nguyễn Xuân Phúc. Một đại hội mà cứ với cái đà Nguyễn Phú Trọng hoặc đang có những dấu hiệu mệt mỏi của tuổi già, hoặc không còn đủ sức ngồi cả hai ghế mà do đó sẽ phải ‘nhường’ bớt một ghế (có thể là ghế tổng bí thư) cho người khác, cái tên Nguyễn Xuân Phúc sẽ trở nên khó cạnh tranh trong cuộc chạy đua ngày càng tăng tốc và bứt tốc để thay thế cho một Nguyễn Phú Trọng già cỗi về tuổi tác và có thể cả về tâm hồn.
Thiệt thòi hơn Phúc, những chóp bu được xem là ứng cử viên khác cho chức tổng bí thư – Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính – đều chỉ thuần túy làm phần hành bên đảng mà không có cơ hội nắm được khối hiệp định thương mại và cường điệu thành tích loại này. Còn Còn Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điệu đàng lại bị xem là yếu ‘bản lĩnh chính trị’ nhất, chỉ biết ‘gật’ với bất kỳ hiệp định thương mại nào mà phía chính phủ chuyển qua quốc hội, và trong thực tế chỉ biết chờ ngóng ‘buồn ngủ gặp chiếu manh’.
Trong bối cảnh thật tế nhị và sôi sục trên, không thể xem là ngẫu nhiên với một cuộc thăm viếng của Thủ tướng Phúc đến Tổng cục 2 vào đầu năm 2019, được tiếp bằng thảm đỏ và hàng tiêu binh danh dự. Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Phúc hiện ra một cách chính thức tại cơ quan tình báo quân đội còn lại và duy nhất ở Việt Nam (sau khi Tổng cục Tình báo của Bộ Công an bị giải tán vào đầu năm 2018 chủ yếu bởi ‘thành tích Vũ Nhôm’). Sự hiện diện đầy ẩn ý và không thiếu hàm ý chính trị ấy ít nhất cũng phát đi thông điệp rằng ông Phúc không chỉ là lãnh đạo thuần túy điều hành kinh tế – xã hội mà còn có thể lấn sân qua những hoạt động mang tính đặc thù và thuộc loại ‘hàng hiếm’ hơn.
Chỉ có điều nếu không giành giật được EVFTA, trong khi Trọng khó bề tìm ra tiền để nuôi đảng thì Phúc cũng chẳng giành đoạt được thành tích đáng kể nào để chứng minh rằng ông ta hoàn toàn xứng đáng với chức vụ tân tổng bí thư tại đại hội 13, nếu quả còn xảy ra đại hội này./.

Tổng bí thư, thủ tướng… đều ăn ngủ không yên trước diễn biến ở Venezuela?

Venezuela sẽ là một 'mùa xuân Ả rập' thứ hai?

Minh Châu – (VNTB) – Về cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang ở Venezuela mới đây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định.

Như vậy, phải chăng Việt Nam đang đứng cửa giữa, ai lên nắm quyền chính trị ở Venezuela cũng được, miễn là mang lại hòa bình, ổn định cho đất nước?
Người viết đã thực hiện một hội luận nhỏ ở nhóm bạn là các thầy, cô giáo đang dạy học ở Sài Gòn, và một thầy giáo là Việt kiều đang chuẩn bị ăn tết ở quê nhà. Chủ đề hội luận: Liệu Việt Nam có thể là một phiên bản Venezuela phương đông?
* Thầy giáo Phạm Việt Bình, dạy môn văn, Việt kiều: Venezuela đã nhiều lần xảy ra đảo chánh. Điều này tương tự như ở miền Nam Việt Nam dưới cả hai thời đệ nhất và đệ nhị cộng hòa. Miền Bắc Việt Nam thì không thấy xảy ra cuộc đảo chánh nào. Trong suốt gần 44 năm qua, Việt Nam cũng không có đảo chánh, ngoài trừ vụ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.
Thầy giáo Nguyễn Minh Hùng, dạy môn Anh văn: Ở Venezuela có hai đảng phái theo xu hướng khác nhau là cánh tả và cánh hữu. Tôi nghĩ ở Việt Nam phải đến ít nhứt là tháng 7-1976 mới bắt đầu chế độ chính trị độc đảng.Điều này về cơ bản cho thấy nếu như quân đội tiếp tục đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của đảng cộng sản với yêu cầu tiên quyết là trung thành tuyệt đối đảng cộng sản, thì nếu có đảo chánh, đó cũng chỉ là tranh quyền đoạt lợi của phe nhóm nào đó của những người trong cùng một đảng. Tốt hay xấu hơn so hiện tại là điều tôi chưa nghĩ ra, mặc dù rất có thể là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.
Hồi học đại học thập niên 80 thế kỷ trước, tôi từng được dạy là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là tên gọi của chính thể do Đại hội Quốc dân miền Nam, nòng cốt là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam thành lập ở miền Nam Việt Nam để tạo uy thế chính trị trên bình diện quốc tế, chống lại quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Sau ngày 30-4-1975, tôi được biết qua sách vở là chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam có ra ‘Tuyên bố kế thừa Việt Nam Cộng hòa’. Việc Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng như quy chế hội viên tại các tổ chức quốc tế diễn ra thuận lợi, không gặp một trở ngại nào về pháp lý, vì các quốc gia và tổ chức quốc tế đều quan niệm rằng theo luật pháp quốc tế đây chỉ là sự thay đổi chính quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không làm phát sinh chủ thể mới. Theo họ đây là thừa kế chính phủ chứ không phải thừa kế quốc gia.

Tuy nhiên cái bất ngờ là sau đó chính quyền miền Bắc Việt Nam đã xóa sổ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Một người bạn đang làm báo có nói với tôi rằng tổ chức xã hội dân sự có tên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng hiện nay, có những hội viên từng là người của chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn đang nhen nhúm đa đảng phái như Venezuela, còn có khả năng đảo chánh hay không thì phụ thuộc vào sự hậu thuẫn đến đâu của quân đội.
* Cô giáo Nguyễn Thu Dung, dạy môn địa lý: Đọc báo tôi thấy mấy ngày gần đây không rõ lý do gì mà bà chủ tịch Quốc hội lại kêu gọi đồng bào và nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước. Báo chí cũng đăng là cả Tổng Bí thư đến Thủ tướng đã đến gặp các tướng lãnh quân đội với những phát biểu kiểu quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhà nước.
Dĩ nhiên là những mẫu câu huấn dụ này quá quen thuộc với bà con mình. Nhưng cứ lặp đi, lặp lại cũng ít nhiều khiến người dân ngờ vực chắc là đang sắp có chuyện gì đây…
Còn về Venezuela, tôi nghĩ xét về địa chính trị thì khác hẳn Việt Nam. Venezuela tiếp giáp với Guyana về phía đông, với Brasil về phía nam, Colombia về phía tây và biển Caribbean về phía bắc. Guyana theo khuôn khổ cộng hoà đại diện dân chủ bán tổng thống, theo đó Tổng thống Guyana là nguyên thủ quốc gia, và một hệ thống chính trị đa đảng.
Một trong những nguyên tắc chính trị của nền cộng hòa ở Brasil là hệ thống đa đảng. Hiện nay có tổng cộng 15 đảng chính trị lớn nhỏ có ghế trong Quốc hội Brasil. Bốn đảng lớn nhất hiện nay là Đảng Công nhân (PT), Đảng Dân chủ Xã hội Brasil (PSDB), Đảng Vận động Dân chủ Brasil (PMDB) và Đảng Dân chủ (tiền thân là Đảng Mặt trận Tự do – PFL).
Colombia thì duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, coi Mỹ là bạn hàng chính và nguồn cung cấp viện trợ quan trọng. Chính phủ Colombia ký thoả thuận cho phép Mỹ sử dụng 7 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Colombia.
Còn ở Việt Nam thì láng giềng đều theo thể chế chính trị độc đảng của những người cộng sản. Tuy nhiên ngay cả Liên bang Xô Viết, cái nôi của thực hành chủ nghĩa cộng sản còn tan rã, thì thật sự tôi chẳng dám chắc điều gì.
* Thầy giáo Phạm Việt Bình: Tôi nghĩ các ông bà từ tổng bí thư, thủ tướng đến chủ tịch Quốc hội ở Việt Nam đều đang ăn ngủ không yên hổm rày trước diễn biến ở Venezuela. Tiếng là một vụ “đảo chánh” nhưng thực tế thì tôi thấy đây là một vụ tranh chấp quyền lực giữa hai cơ quan ‘dân cử’ là hành pháp và lập pháp.
Nguyên nhân tranh chấp đến từ hệ quả tồi tệ gây ra cho xã hội ở những quyết định sai lầm về kinh tế và chính trị của tổng thống Maduro. Ở Việt Nam, nợ công cùng nhiều bất ổn ngấm ngầm và cả công khai khác đang là chiếc lò xo bị nén… Tôi nghĩ người dân Việt Nam cần một sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế chính trị, chấm dứt sự độc tài nhân danh kiểu ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý’.
Tôi biết mấy thầy cô giáo ở đây tuy tin vào ông bạn nhà báo vốn là bạn học cũ đang thực hiện buổi ghi nhận bỏ túi này, song vẫn ngại đề cập trực tiếp vấn đề vì chén cơm manh áo. Quả tình tôi cũng đang thắc mắc vì sao hồi đó người miền Nam cùng cả quân đội nữa lại hết cuộc biểu tình này đến cuộc biểu tình khác, rồi nhiều lần đảo chánh vì cho rằng ông Diệm là độc tài, là gia đình trị. Còn giờ thì quân đội làm lơ…
Phải chăng hồi đó có sự giật dây của các vị trong lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam như lời thầy Hùng nói lúc nãy?
Tôi có quan sát chính trường Việt Nam. Tôi nghĩ rằng bài học về sự tan rã nhanh chóng của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đang được nhiều chính khách trong bộ máy cầm quyền hiện tại chiêm nghiệm, và ít nhiều họ sẽ tránh được vết đổ đó trong tương lai.
Còn họ là ai thì tôi mới chỉ mang máng nghĩ rằng họ là các chính khách nằm trong nội bộ của đảng cộng sản. Điều này tương tự như kịch bản từng diễn ra với chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Kiểu tuyên bố nước đôi vừa rồi của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng về Venezuela là một chỉ dấu.

Cái ác được che đậy bằng hành động nhân đạo

Đỗ Văn Ngà|

Chuyện kể rằng, một anh thợ săn nọ bắt được đại bàng nhốt trong lồng chờ ngày giết thịt. Đại bàng sợ quá, một hôm nó thấy có vị thầy tu đến chơi nhà. Thời cơ ngàn năm có một, lựa lúc có mặt vị thầy tu, đại bàng van xin người thợ săn tha mạng vì ở nhà nó còn phải nuôi con nhỏ. Trong thế kẹt, người thợ săn hứa thả đại bàng. Nhưng để đại bàng không thể bay được nữa, thợ săn lén tiêm đại bàng một liều thuốc độc, đại bàng mới sải cách vỗ mấy nhịp thì rơi ngay trong vườn nhà gã thợ săn. Đợi người thầy tu về, tên thợ săn ra vườn bắt đại bàng mần thịt.
Như vậy, trước mặt người thầy tu, tay thợ săn kia được tiếng thơm là nhân từ, nhưng thực sự hắn ta đang thực hiện hành động rất gian ác. Nói thẳng ra, cái ác được thực hiện công khai sẽ dễ dàng bị ngăn chặn hơn là cái ác được che đậy bằng một hành động nhân đạo trá hình.
Việc phóng sanh cũng vậy, đây là một hành động từ bi trá hình. Vì sao? Vì để phục vụ cho hành động giả từ bi này, đằng sau nó là cả một hệ thống trong xã hội chuyên bẫy bắt động vật hoang dã để phục vụ cho hành động “cứu mạng động vật” ấy. Cho nên đã là con người có hiểu biết, chúng ta phải soi thật kỹ, phải soi cho rõ những thứ đằng sau hành động “nhân đạo ấy”. Nếu là người có trách nhiệm, chúng ta phải biết cùng nhau đấu tranh để loại bỏ việc bắt bán động vật nhằm mục đích phóng sanh này. Và cũng lên án luôn những kẻ bỏ tiền ra mua động vật để phóng sanh lấy lòng thánh thần.
Hãy nhìn những hành động của CS thì rõ. Chính quyền CSVN bắt hàng trăm tù nhân lương tâm cho vào tù. Khi thế giới lên án về hành động vi phạm nhân quyền của chính quyền này, đồng thời họ gây áp lực với CS bằng cách không ký những hiệp ước thương mại nếu không cải thiện nhân quyền. Thế là CS thả ra vài người để chứng minh thiện chí, nhưng sau lưng, chúng bắt nhốt những người khác để dành nhằm ngã giá với thế giới tự do ở những dịp khác. Trường hợp này cũng tựa như hủ tục “phóng sanh” mà con người ta nhầm tưởng là nhân đạo vậy. Nếu không có hủ tục phóng sanh thì cũng không có nghề bẫy bắt và buôn bán động vật hoang dã để phục vụ hủ tục đó. Bắt trăm người là tội ác nhưng thả vài người để lấy tiếng thơm.
Tựa ông thợ săn ác ôn, CS cũng làm như vậy với tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Trí và Đinh Đăng Định. CS bắt họ khi còn là con người khỏe mạnh. Rồi nhốt họ và hại đời họ, khi họ ngã bệnh sắp chết thì CS thả họ ra tù để lấy “tiếng thơm” rằng: “Đảng và Nhà nước đã ban ân huệ cho họ”. Có thể nói, thủ đoạn như thế là tột cùng của tội ác chứ chẳng phải là nhân đạo gì cả. Sống với CS, mọi thứ dễ dàng đảo lộn như thế. Trong đó, cái đáng sợ nhất là CS đang tiêm vào xã hội này những hành động gian ác mà con người nhầm tưởng rằng đó là nhân đạo./.

Mẹ Ơi, Xuân Này Con Không Nhà





Nhìn thấy cảnh tượng đàn áp đàn áp của lực lượng cưỡng chế và hình ảnh những người dân thấp cổ bé miệng cùng các thương phế binh VNCH phải hứng chịu, nhạc sĩ Trúc Hồ đã sáng tác nhạc phẩm Mẹ Ơi, Xuân Này Con Không Nhà vào ngày 9 tháng 01, 2019. Qua nhạc phẩm này, nhạc sĩ Trúc Hồ đã ghi lại cảm xúc của mình bằng dòng nhạc và gởi gắm nó về quốc nội qua tiếng hát của nam ca sĩ Mai Thanh Sơn, Nguyên Khang, Thế Sơn và Việt Khang. Xin mời quý khán giả theo dõi MẸ ƠI ! XUÂN NÀY CON KHÔNG NHÀ Nhạc & Lời : Trúc Hồ Hoà âm : Trúc Hồ Ca sĩ: Thế Sơn, Mai Thanh Sơn, Nguyên Khang & Việt Khang Audio master : Tiến Phùng Đàn bầu : Jason R. Nguyễn Cameraman & Editor: Thanh Nguyễn, Ethian Lê & Vũ Trần Producer : Trúc Hồ

Hai cựu thứ trưởng công an phạm tội, chỉ lãnh án ‘đại khái’

Hai cựu Thứ Trưởng Công An CSVN Bùi Văn Thành (phải) và Trần Việt Tân tại tòa. (Hình: Zing)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Không ngoài dự báo, hai cựu Thứ Trưởng Công An CSVN Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân được “giơ cao đánh khẽ” với hai bản án 2 năm rưỡi tù và 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sự tương phản càng tăng cao khi một bị cáo trong vụ này là ông Phan Văn Anh Vũ, tự “Vũ Nhôm” bị tuyên phạt thêm bản án 15 năm tù. Trước đó, ông Vũ từng bị phạt 8 năm tù trong vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”, 17 năm tù về tội “lạm dụng chức vụ quyền hạn” trong vụ án Ngân Hàng Đông Á.
Sở dĩ ông Vũ bị phạt mức án nặng nhất là vì bị Viện Kiểm Sát kết luận “giữ vai trò chính, là người khởi xướng, chủ mưu và thực hiện hành vi phạm tội tích cực nhất”.
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 30 Tháng Giêng, Hội Đồng Xét Xử xác định hai cựu thứ trưởng “đều thừa nhận có sai phạm khi để ông ‘Vũ Nhôm’ chuyển nhượng các dự án đất, gây thiệt hại cho nhà nước gần 1,160 tỉ đồng” (hơn $50 triệu).
“Hai bị cáo Thành và Tân có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nhiều cống hiến, thành khẩn khai báo nên có đủ cơ sở áp dụng dưới mức khởi điểm của khung hình phạt,” tờ báo viết.
Việc tòa “giơ cao đánh khẽ” hai cựu thứ trưởng Công An làm dấy lên suy đoán rằng bản án này đã được sắp đặt trước và mang tính “chiếu cố” cho giới chức công an.
Hơn nữa, trước giờ tòa công bố phát quyết, các báo nhà nước Việt Nam đã rào đón trước việc hai vị tướng sẽ chỉ nhận bản án “đại khái”.
Báo Thanh Niên viết: “Bào chữa cho cựu thứ trưởng Công An, các luật sư đều bày tỏ ‘đau xót’ khi các vị này phải hầu tòa. Họ cho rằng, riêng việc đứng trước tòa đã là một bản án hết sức nghiêm khắc với bị cáo.”
Hồi Tháng Bảy, 2018, thời điểm phiên tòa xử ông “Vũ ‘Nhôm” diễn ra, nhà báo Nguyễn Hoài Nam của báo Pháp Luật TP.HCM bình luận: “Đúng ra phải khởi tố Thứ Trưởng Công An Bùi Văn Thành trước khi xử ông Vũ. Bởi lẽ chính ông Thành đã buông lỏng quản lý để cho ông Vũ lộng hành. Thậm chí, ông Thành còn đề xuất cấp hộ chiếu ngoại giao cho ông Vũ. Không những thế, ông Thành ký một số văn bản gửi địa phương, kiểu như ép bán nhà cho công ty của ông Vũ. Địa phương thấy công văn nói ‘Công ty bình phong’ thì run như cầy đã phải ký cái một. Việc kỷ luật hay hạ cấp và cách các chức vụ trong đảng đối với Thứ Trưởng Bùi Văn Thành là quá nhẹ. Thượng Tướng Trần Việt Tân cũng phải đền tội, những loại tướng như thế này chỉ hại dân hại nước, cần phải xử nghiêm để làm gương cho các tướng lĩnh khác.”
Trên mạng xã hội cũng có ý kiến nửa đùa nửa thật cho rằng, trước việc các thứ trưởng Công An phải ra tòa và nhận án tù, Bộ Công An CSVN cần tiến tới việc bớt tổng cục để bớt các trung tướng nhằm tiết kiệm ngân sách và bớt tướng bị kỷ luật. (T.K.)