Monday, May 28, 2018

Trần Đại Quang đi Nhật ‘xin viện trợ và ủng hộ về Biển Đông’

Ông Trần Đại Quang xuất hiện tại phiên khai mạc “Hội Nghị Trung Ương 7” của đảng CSVN hôm 7 Tháng Năm, 2018, với sắc diện kém hẳn so với trước. (Hình: Báo điện tử Chính Phủ CSVN)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dự trù Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang sẽ có chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 29 Tháng Năm đến 2 Tháng Sáu.
Chuyến thăm Nhật của ông Quang gây nhiều bàn tán trên mạng xã hội vì các báo “lề phải” không hề đả động chuyện ông này “đi chữa bệnh” nhiều lần tại Nhật trong thời gian qua.
Tờ InfoNet của Bộ Thông Tin-Truyền Thông hôm 27 Tháng Năm thuật lại ông Quang nói với truyền thông Nhật Bản trước chuyến thăm: “Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của Việt Nam. Năm 2017, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài số một tại Việt Nam với số vốn đầu tư kỷ lục hơn $9.1 tỷ, gấp bốn lần so với năm 2016.”
“Chúng tôi mong muốn Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác ưu tiên của chương trình ‘Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng0 ($200 tỷ) và ‘Sáng kiến kết nối Mê Kông-Nhật Bản’ ($6.8 tỷ). Tăng cường hơn nữa hợp tác trong những lĩnh vực hai nước có nhu cầu và tiềm năng lớn, như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, giáo dục, tích cực hỗ trợ và đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương hai nước, qua đó thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò tích cực, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực,” tờ báo dẫn lời ông Quang.
Cùng thời điểm, tờ Nikkei Asian Review của Nhật cho hay trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên báo này tại Hà Nội, ông Quang “kêu gọi Nhật Bản đóng vai trò tích cực hơn ở Biển Đông” và “giúp giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.”
Tờ báo nhận xét rằng trong lần trả lời báo chí này, ông Quang “sử dụng ngôn từ mạnh hơn bình thường, dường như nhằm gửi cảnh báo tới Trung Quốc.”
“Các nhà lãnh đạo Việt Nam thường có khuynh hướng dùng từ ngữ mềm mỏng mỗi khi đề cập đến Biển Đông để tránh chọc giận Trung Quốc. Việc ông Quang không còn theo cách đó phản ánh mối quan ngại cao ở Việt Nam sau một loạt hành động của Trung Quốc, bao gồm các cuộc tập trận của các máy bay ném bom tại quần đảo Hoàng Sa và đưa các hỏa tiễn hành trình ra quần đảo Trường Sa,” theo Nikkei Asian Review.
Tờ báo cho biết thêm rằng Nhật Bản “đã tăng cường sự hiện diện khi cử các chiến hạm thường xuyên ghé thăm cảng Đà Nẵng và vịnh Cam Ranh.”
Chuyến thăm Nhật của ông Quang diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường phô trương sức mạnh quân sự và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang tại Biển Đông.
Gần đây nhất là vụ các phi công lái chiến đấu cơ của Trung Quốc thực tập đáp xuống hàng không mẫu hạm đầu tiên vào ban đêm, theo tờ China Daily hôm 26 Tháng Năm.
Trước đó, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh gia tăng xây cất trên Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa, với khoảng 400 tòa nhà kiên cố được xây cất tại đây từ 2014 tới nay. Đá Subi nay được giới quan sát đánh giá là đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông có năng lực quân sự hùng mạnh nhất. (T.K.)

Sau ‘áo lưỡi bò’ sẽ là gì? Phạm Chí Dũng/Người Việt

Du khách Trung Quốc cố tình mặc áo in hình “lưỡi bò” nhập cảnh vào Việt Nam tại phi trường Cam Ranh hôm 13 Tháng Năm, 2018. (Hình: Facebook)
Từ sau thời “ngàn năm Bắc thuộc,” xã hội và lãnh thổ Việt Nam chưa bao giờ cận kề với nguy cơ bị Hán hóa như giờ đây.
Phép thử mới nhất mà Bắc Kinh tung ra, xem ra đã thành công bước đầu: “áo lưỡi bò.”
Cơ thể chính trị bại xụi
Ngày 13 Tháng Năm, 2018, 14 du khách Trung Quốc – được chuẩn bị như một hành vi tập thể, có tổ chức – đã đồng loạt cởi áo ngoài để lộ hẳn áo thun nổi bật hình “đường lưỡi bò” ngay tại sân bay Cam Ranh – một vị trí nằm trọn trong tầm ngắm của giàn tên lửa của Trung Quốc đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trong khi đó, nhiều tàu cá Việt Nam vẫn bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.
Không chỉ đặt tên lửa, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa.
Đến lúc này, tình thế đã trở nên bi kịch hơn hẳn: không những các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa đã chẳng thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, mà cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu Tháng Ba, 2018 (theo lời “cầu viện” chính thức của Bộ Quốc Phòng Việt Nam) cũng chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc.
Sau bi kịch quân sự là bi kịch xã hội. Phép thử chiến thuật “áo lưỡi bò” mang tính thách thức của giới chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh đã khiến cho toàn bộ bộ máy đảng cầm quyền, chính quyền và chính sách “Ba không” của Việt Nam hầu như tê liệt.
Trong suốt hai tuần lễ từ ngày 13 Tháng Năm đến nay, đã không có bất kỳ một phản ứng ra hồn ra vía nào từ phía các cơ quan chức năng được xem là “có trách nhiệm” của Việt Nam. Trong khi phó giám đốc công an tỉnh Khánh Hòa nói như vớt vát “Chúng tôi phải điều tra, khi đấy mới có đủ cơ sở kết luận để có hướng xử lý,” thì cơ chế “phản ứng nhanh” đã được thể hiện thành văn bản giữa Tổng Cục Du Lịch, Bộ Ngoại Giao và Bộ Công An đã trở thành một cơ thể bại xụi.
Sau những cuộc họp liên ngành và chắc chắn vụ áo “lưỡi bò” đã được báo cáo cho thường trực Ban Bí Thư và Bộ Chính Trị, vẫn không có bất kỳ cơ quan nào dám chịu trách nhiệm để thực thi một động tác cảnh cáo nào, càng không xử lý du khách Trung Quốc, thậm chí còn không dám công khai nêu ra bất kỳ một đề xuất nào để xử lý vụ việc tưởng nhỏ nhưng đã lộ rõ nguy cơ mất nước này.
Cụm từ “cả hệ thống chính trị vào cuộc” mà giới quan chức từ cao cấp lan xuống cấp dưới của Việt Nam ưa khoa trương đã biến sạch khỏi đầu môi chót lưỡi. Thay vào đó là hình ảnh “trùm mền” và đùn đẩy trách nhiệm chính trị giữa các cơ quan.
Sau vụ khiêu khích công khai của các du khách Trung Quốc, điều rất dễ hình dung là các cơ quan như chính quyền Khánh Hòa, Bộ Công An, Bộ Ngoại Giao, Tổng Cục Du Lịch đã quyết liệt… họp. Nhưng cũng hệt như rất nhiều cuộc họp thậm chí được tổ chức ở cấp Bộ Chính Trị khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao thẳng vào vùng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông như chốn không người vào thời gian từ Tháng Năm đến Tháng Bảy năm 2014, đã chẳng có nổi một giải pháp, càng không có lấy một hành động ra hồn nào được thực hiện.
“Giải pháp” duy nhất để xử lý vụ khủng hoảng trên té ra lại là “Không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đại cục” – thuộc về Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Du Lịch Nguyễn Văn Tuấn – một quan chức mà ngay sau phát ngôn này đã bị mạng xã hội phản ứng dữ dội và thái độ của Nguyễn Văn Tuấn bị lên án là không khác gì sự chuẩn bị cho hành vi bán nước.
Chỉ giỏi ‘hèn với giặc, ác với dân’
Rốt cuộc, bạc nhược và hèn yếu vẫn là đặc trưng lớn nhất của một chế độ luôn tuyên rao “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ,” thêm một lần nữa minh chứng cho cái hiện thực khốn quẫn về chính quyền Việt Nam chỉ giỏi “hèn với giặc, ác với dân.”
Cho tới nay, tất cả những biểu thị và những cuộc xuống đường của người dân yêu nước phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vẫn bị chính quyền và công an Việt Nam cấm đoán quyết liệt. Trong lúc rất nhiều cảnh sát mất dạng khi xảy ra những vụ cướp bóc mà phải để giới hiệp sĩ đường phố ra tay và chết thế mạng, người ta lại quá dễ chứng kiến đàn đàn công an sắc phục và thường phục nhảy xổ vào những người biểu tình phản đối Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt vào bất kỳ khi nào có một cuộc xuống đường hay chỉ là một cuộc biểu thị nhỏ.
Trong khi đó, quan hệ Việt – Trung đang “cải thiện” thấy rõ. Nếu trước đây, tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc chỉ dừng ở mức độ áp sát, ngăn cản, hoặc tấn công đánh đập ngư dân Việt, húc lật thuyền Việt… chứ không trực tiếp bắn thẳng vào ngư dân Việt, thì gần đây hành vi “đám người lạ” nhảy thẳng sang tàu cá Việt Nam để bắn chết ngư dân là chưa từng thấy. Vụ ngư dân Trương Đình Bảy bị “tàu lạ” dùng súng AK bắn chết vào Tháng Mười Một, 2015 là một minh chứng quá đau đớn.
Vào năm 2017, Quảng Ngãi là địa phương phải chịu áp lực gây hấn nặng nề nhất. Rất nhiều tàu cá và ngư dân Việt đã bị một số lực lượng của Trung Quốc tấn công, trong đó ba tàu cá bị tông va, đập phá dẫn đến chìm.
Các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt và bắn giết ngư dân Việt đột ngột tăng mạnh kể từ Tháng Bảy năm 2017 – thời điểm Việt Nam đưa giàn khoan Repsol – liên doanh với Tây Ban Nha – ra khu vực Bãi Tư Chính để khoan thăm dò dầu khí, cho đến nay.
Thái độ bị xem là quá phụ thuộc và quá ươn hèn của chính thể Việt Nam đã “di truyền” từ quá khứ đến tận hiện tại, khi cả chính phủ lẫn các bộ ngành liên quan của Việt Nam tuyệt đối “cấm khẩu” trước hàng loạt tàu cá Việt bị “tàu lạ” đâm chìm, còn ngư dân Việt tiếp tục bị người Trung Quốc bắn giết.
Trong mối quan hệ với Hải Quân Hoa Kỳ, có một sự thật trần trụi và đau đớn là giới chóp bu Việt Nam đã chỉ quan tâm đến việc bảo vệ những mỏ dầu và khí đốt phục vụ cho lợi ích cùng sự tồn tại của đảng cầm quyền, trong khi chẳng hề quan tâm đến nhiều cái chết của ngư dân Việt bị bắn giết bởi tàu Trung Quốc.
Hiện rõ mất nước!
Hình ảnh “đường lưỡi bò” lại xuất hiện ở Việt Nam gần như trùng với một sự kiện được xem là “nhục quốc thể”: vào Tháng Tư năm 2018, công ty khai thác dầu khí Repsol của Tây Ban Nha – liên doanh với Vietsopetro của Việt Nam – đã lần thứ hai trong vòng 9 tháng phải cắm mặt rút khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính phía Đông Nam Việt Nam. Nguồn cơn của vụ rút lui này, dù không hề được giới tuyên giáo và báo đảng Việt Nam thông tin, nhưng ai cũng biết đó là do sức ép và đe dọa của Trung Quốc.
Với bản đồ mới nhất được Bắc Kinh tự vẽ, “đường lưỡi bò” liếm qua đến 67 lô dầu khí, tức gần như toàn bộ các vùng biển có trữ lượng dầu khí mà Việt Nam đã hợp tác với Tây Ban Nha để khai thác, và đang định hợp tác với những công ty dầu khí của Mỹ và Nga để khai thác.
Nhưng “nhục quốc thể” không chỉ bởi vụ chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” trước Trung Quốc khi muối mặt yêu cầu Repsol rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ vào Tháng Bảy năm 2017 và Tháng Tư năm 2018, mà còn là nỗi nhục không còn đất để chui trong phát ngôn “bán nước” của Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Du Lịch Nguyễn Văn Tuấn: “Không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đại cục.”
Cuộc chiến không cần tiếng súng của Trung Quốc đã bắt đầu từ lâu và đang khởi động một giai đoạn mới. Từ nhiều năm qua, xã hội và toàn bộ thể chế đảng kèm chính phủ ở Việt Nam đã buộc phải quen với tình trạng thương lái Trung Quốc tung hoành ở khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long khi họ tìm cách vơ vét đến cả lá điều khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi, lá khoai mì, lá khoai lang và cả… đỉa.
Cũng hàng chục năm qua, lớp nông dân Việt Nam nhẹ dạ luôn lao từ nỗi bấn loạn này sang cơn điêu đứng khác khi phải chặt bỏ những cây nông nghiệp chính và lâm vào cảnh bị ngân hàng xiết nợ.
Nhưng khi thương lái Trung Quốc “xù” hợp đồng cũng là lúc nông dân lẫn ngư dân Việt Nam rơi vào cảnh điêu đứng vì nợ vay ngân hàng và sản phẩm không tiêu thụ được.
Đó là cuộc chiến và những thủ đoạn chiến tranh kinh tế của Trung Quốc.
Còn với chiến thuật áo “lưỡi bò,” hẳn là Bắc Kinh đã tính toán lấn từng bước và tự tạo hình ảnh “đường lưỡi bò” ngay trên lãnh thổ Việt Nam, ngay trước mũi các cơ quan bị xem là “cực kỳ vô trách nhiệm” của Việt Nam, và lâu dần sẽ khiến hình ảnh này trở nên bình thường hóa trong nhận thức và tâm lý của người dân, và khi đó sẽ là thành công của chủ trương “Hán hóa Việt Nam.”
Được “nội gián” bởi không ít quan chức của chế độ CSVN, có thể chẳng bao lâu nữa Bắc Kinh sẽ hoàn tất kế hoạch Hán hóa Việt Nam. Trạng thái vô cảm, cấm khẩu và có thể cả tê dại vì sợ hãi của các cơ quan “có trách nhiệm” ở Việt Nam sẽ là một nhân tố tích cực để xúc tác cho một phong trào du khách Trung Quốc, và cả một số người Hoa sinh sống ở Việt Nam, phô diễn “áo lưỡi bò,” cùng những hình ảnh và hành động biểu thị chủ quyền Trung Quốc trong vùng chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, trong không bao lâu nữa.
Việt Nam, một đất nước vô luật.
Để đến lúc đó, thêm một lần nữa, trong rất nhiều lần của lịch sử “bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước,” nước Việt khốn khổ này bị đẩy vào nhà tù Bắc thuộc. (Phạm Chí Dũng)

‘Đại biểu Quốc Hội’ CSVN đề nghị đánh thuế người bán trà đá, người chết nợ thuế

Trà đá vỉa hè Hà Nội. (Hình: Bất Động Sản Việt Nam)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Riêng về vấn đề một số người nợ thuế đã chết, thì tôi có kiến nghị là đề nghị rà soát để xác định rõ là người chết thì người thừa kế vẫn phải nộp, vì theo quy định của Luật Thừa Kế thì không phải chết có nghĩa là đã hết nghĩa vụ, chết không có nghĩa là hoàn toàn xóa khoản nợ, mà đây là tiền ngân sách của nhà nước, là một vấn đề mang tính kỷ luật rất cao.”
“Đại biểu Quốc Hội” Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại nghị trường được báo Dân Trí hôm 26 Tháng Năm trích lời nói.
Theo Luật Quản Lý Thuế, một trong những trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt được quy định là: “Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.”
Truyền thông Việt Nam cho hay, đến cuối năm 2017, số nợ thuế không có khả năng thu hồi là 31,500 tỷ đồng (hơn $1.38 tỷ) và đó là các khoản nợ thuế “của người chết hoặc mất tích, doanh nghiệp giải thể, không còn tài sản để thu hồi nhưng chưa được xóa và phải tính phạt chậm nộp 0.03%/ngày.”
Trong phiên họp một ngày trước, “đại biểu Quốc Hội” Nguyễn Văn Cảnh lại tiếp tục nhắc lại “chủ trương đấu giá biển số xe đẹp từ các kỳ họp trước.”
Báo Tuổi Trẻ tường thuật: “Ông Cảnh cho rằng quy định hiện hành chỉ mới đấu giá được một tỷ lệ rất nhỏ biển số xe trong kho biển số hiện có. Nếu quy định chặt chẽ, mở rộng số lượng biển số xe được đấu giá, số tiền thu được có thể lên gấp mười lần hiện nay, mỗi năm có thể thu cho ngân sách 5,000 tỷ đồng (hơn $219.6 triệu). Ông Cảnh đánh giá đó là một biểu hiện của sự lãng phí khi chính sách không phát huy hết được nguồn lực, thu triệt để cho ngân sách.”
Một quán trà đá vỉa hè. (Hình: Sao Star)
Trong khi đó, Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng được báo Tiền Phong dẫn lời chống chế rằng đề nghị đánh thuế nhà là “nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch tài sản, phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng, còn mục tiêu tăng ngân sách chỉ là thứ yếu.”
Cùng thời điểm, mạng xã hội chỉ trích gay gắt phát ngôn của “đại biểu Quốc Hội” Nguyễn Mạnh Tiến, người cũng đang giữ chức phó chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội CSVN: “Người bán trà đá tại Việt Nam là có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới, 5,000% đến 7,000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách, họ chỉ đóng tiền tượng trưng nào đó cho địa phương.”
Nhiều Facebooker cho rằng với đà này, các “đại biểu Quốc Hội” nên tiếp tục đề nghị đánh thuế với cả những người đang mưu sinh bằng cách lượm ve chai, chạy xe ôm…
Nhà báo Đào Tuấn của báo Lao Động bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Sao tôi thấy dân biểu đề nghị giống cách ngân hàng đếm vàng, đô la trong dân, thấy giống Bộ Tài Chính đếm vịt thế cơ chứ. Nhiều thứ ở ta giờ cảm giác giống y như thuế cửa sổ ở Anh, đánh trên không khí và ánh sáng. Bn cái gì làm ra tiền chẳng bàn, toàn như bói cá với góc nhìn cách đặt vấn đề toàn là ‘cá thu!’” (T.K.)

Lấp suối xây nhà tràn lan, Phú Quốc ngập nặng

Nhiều tuyến đường trung tâm huyện đảo Phú Quốc bị ngập khi mưa. (Hình: Thanh Niên)
KIÊN GIANG, Việt Nam (NV) – Người dân huyện Phú Quốc đang đối diện với tình trạng ngập nặng tại nhiều nơi trên đảo. Trong khi đó, tình trạng lấn suối, lấn kênh rạch vẫn tiếp tục diễn ra với sự thờ ơ, bất lực của chính quyền.
Theo báo Thanh Niên, tại những con suối ở xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, người dân lấn mỗi bên khoảng 10 mét, khiến con suối có nhiều đoạn bị “thắt cổ chai,” mỗi khi trời mưa, nước không thoát kịp và gây ngập khắp nơi.
Giải thích việc này, ông Trần Văn Việt, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Cửa Dương, cho biết ở xã hiện có 16 nhà dân lấn suối, nhưng tình trạng này là do khi đo đạc để cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), cơ quan chức năng đã bấm nhầm tọa độ, cấp luôn cả phần suối cho người dân.”
Cùng chịu chung tình trạng trên là những nhà dân sống dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, khu phố 7, thị trấn Dương Đông. Khi mưa lớn, đường ngập sâu, xe cộ qua lại gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Tấn Trọng (ở khu phố 6, thị trấn Dương Đông) cho biết con rạch Ông Trì ngăn cách khu phố 6 và khu phố 10 trước đây rộng hơn 15 mét, nhưng giờ chỉ còn khoảng 3 mét. Dọc hai bên rạch, người dân lấn đất ra để bán. Hậu quả của việc lấn rạch Ông Trì là những lúc mưa lớn kéo dài, như hôm 30 Tháng Tư, đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám đã “biến” thành sông.
Còn bà Trần Thị Lan, chủ một cửa hàng ở thị trấn Dương Đông, cho biết lúc trước tại đây có một con suối dẫn nước từ trên núi xuống biển, nhưng nay con suối đã bị lấp để xây nhà nên nước không thoát được.
Mới đây, trong buổi làm việc với Ủy Ban Nhân Dân xã Cửa Dương, ông Đinh Khoa Toàn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Phú Quốc, cho biết đây là vấn đề “nóng” bởi chỉ qua vài cơn mưa trái mùa đã làm nhiều địa điểm của xã Cửa Dương ngập, không biết mùa mưa sẽ ngập khủng khiếp thế nào.
“Trước mắt đối với trường hợp lỡ cấp suối cho dân thì yêu cầu thu hồi ‘sổ đỏ,’ sau đó đo đạc rồi cấp lại giấy mới,” ông Toàn nói.
Trong khi đó, bà Trần Mỹ Hiệp, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thị trấn Dương Đông, cho biết ủy ban đã xác định được bảy nhà dân lấn rạch Ông Trì. “Lãnh đạo thị trấn Dương Đông đang chờ bản trích đo của Văn Phòng Quản Lý Đất Đai huyện Phú Quốc, để xử lý vi phạm hành chính trước, nếu các hộ này không khắc phục sẽ tiến hành cưỡng chế,” bà Hiệp nói.
Riêng tuyến đường Trần Hưng Đạo, ông Huỳnh Quang Hưng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Phú Quốc, cho biết “do Sở Giao Thông Vận Tải Kiên Giang quản lý, huyện vẫn đang tìm giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt trên tuyến đường này.” (Tr.N)