Sunday, March 31, 2019

Nhiều cá nhân, tổ chức chống nhà thầu Trung Quốc làm cao tốc Bắc-Nam

Linh mục và giáo dân giáo xứ Song Ngọc ở Nghệ An bày tỏ thái độ về nhà thầu Trung Quốc muốn làm cao tốc Bắc Nam. (Hình: Facebook Xuân Ly)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng trăm cá nhân và tổ chức người Việt trong và ngoài nước thúc giục nhà cầm quyền CSVN không để nhà thầu Trung Quốc tham gia làm đường cao tốc Bắc-Nam.
Trên mạng xã hội hôm Chủ Nhật, 31 Tháng Ba, 2019, loan truyền qua nhiều trang Facebook một bản tuyên bố của bảy tổ chức xã hội dân sự và 443 cá nhân thúc giục nhà cầm quyền “Loại bỏ dứt khoát nhà thầu Trung Quốc, không vay vốn và nhận đầu tư từ Trung Quốc.” Trong số các người tham gia ký tên trên bản tuyên bố, ngoài những nhân sĩ, trí thức nổi tiếng trong ngoài nước, còn có nhiều người từng là đảng viên CSVN.
“Mọi công trình hợp tác với các nhà thầu Trung Quốc từ trước đến nay đều đội vốn rất lớn, thi công dây dưa. Thủ đoạn của họ là bỏ thầu rẻ, thi công trì trệ, kết hợp với quan tham Việt Nam đẩy giá lên. Trên thực tế, hầu hết các công trình có yếu tố Trung Quốc đều yếu chất lượng, kém an toàn khi thi công, khi vận hành và gây ô nhiễm trầm trọng môi trường. Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông cho bài học xương máu.” Bản tuyên bố nói trên viết. “Các nhà thầu Trung Quốc luôn đem các công nghệ lạc hậu, nhân lực Trung Quốc, kể cả lao động phổ thông vào Việt Nam, đến đâu ở lì đó, gây phức tạp an ninh xã hội.”
Họ cho hay “Hiện nay các nước từ Châu Phi, đến Ấn Độ Dương, Đông Á… đều tẩy chay các dự án đầu tư của Trung Quốc. Tiếp tục thuê nhà thầu Trung Quốc là tiếp tay cho tham nhũng.”
Những người tham gia ký tên kêu gọi nhà nước “Tổ chức ngay việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước, tham vấn các nhà thầu Mỹ, Pháp, Nhật Bản… tìm phương án tối ưu cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam.”
Bản tuyên bố của hàng trăm người Việt trong ngoài nước đưa ra vào ngày có cuộc biểu tình của giáo dân giáo xứ Song Ngọc thuộc Giáo Phận Vinh. Họ trương các băng rôn với các khẩu hiệu như “Kiên quyết không để nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc Nam,” “Không ai được thờ ơ với vận mệnh đất nước,” “Tổ quốc không phải của riêng bộ trưởng,” “Nếu chính phủ tự ý để nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc Nam, chúng tôi sẽ xuống đường phản đối,” “Tẩy chay các dự án đầu tư từ Trung Quốc”…
Theo tin tức những ngày gần đây, dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông được nhà cầm quyền thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, chia nhỏ ra làm 11 dự án thành phần, trong đó có ba đoạn đầu tư bằng ngân sách nhà nước, tám đoạn còn lại sẽ được kêu gọi đầu tư vốn tư nhân theo hình thức PPP (công tư hợp tác thực hiện).
Đối với tám dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Giao Thông Vận Tải phát hành hồ sơ mời thầu 21 gói thầu/8 dự án, sẽ lựa chọn nhà thầu trong quý I, 2019.
Toàn tuyến cao tốc có tổng chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư khoảng 118,716 tỷ đồng (hơn $5.1 tỷ), đi qua địa phận 13 tỉnh từ Bắc tới Nam gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Hồi đầu Tháng Ba, báo chí trong nước cho hay đại diện Tập Đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) đến Bộ Giao Thông Vận Tải đề nghị bao thầu “trọn gói” dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Qua các báo Đất Việt, Tiền Phong, Dân Trí… nhiều chuyên viên trong nước đã lên tiếng khuyến cáo về những tai hại “xương máu” khi để đám quan tham cấu kết với nhà thầu Trung Quốc, đã từng xảy ra qua rất nhiều dự án.
Cái dự án đang dây dưa từ “đội vốn” từ hơn $400 triệu lên gần $1 tỷ đến phẩm chất tồi tệ là dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội. Hàng chục dự án lớn khác như Đạm Ninh Bình, Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Đạm Hà Bắc, một số dự án ethanol cũng được cho là sử dụng công nghệ của Trung Quốc như nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy ethanol Đại Việt (Đắk Nông), nhà máy ethanol Đắk Tô (Kon Tum)… tiền đổ ra rồi nhưng nay đang “đắp chiếu.” (TN)

Cựu phó chủ tịch Thanh Hóa bị lột chức sắp ‘lên hương’ tại nơi từng sai phạm


Ông Ngô Văn Tuấn sắp quay về nơi bản thân từng sai phạm để công tác. (Hình: Thanh Niên)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội hôm 31 Tháng Ba dấy lên đàm tiếu về tin ông Ngô Văn Tuấn, quan chức được biết đến trong vụ ồn ào “nâng đỡ hot girl không trong sáng” ở Thanh Hóa nay sắp được trọng dụng trở lại tại nơi bản thân từng sai phạm để công tác.
Hồi cuối năm 2017, Ban Bí Thư đảng CSVN công bố kết luận ông Tuấn, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa, cựu bí thư Đảng Ủy, cựu giám đốc Sở Xây Dựng Thanh Hóa, “đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của đảng, nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ” trong giai đoạn từ Tháng Mười, 2010, đến Tháng Mười Một, 2015.
Cụ thể là “cố ý làm trái các quy định của Hội Đồng Thi Tuyển Công Chức tỉnh Thanh Hóa năm 2011 khi ban hành quyết định thành lập Hội Đồng Tuyển Chọn Cán Bộ, Công Chức của Sở Xây Dựng không đúng thẩm quyền nhằm ưu ái, nâng đỡ không trong sáng trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên lao động hợp đồng vào làm công chức chuyên môn.”
Bà Quỳnh Anh sau đó được cấp tốc bổ nhiệm làm phó trưởng phòng, trưởng phòng, cũng được quy hoạch chức danh phó giám đốc sở và kết nạp đảng, tham gia Đảng Ủy Sở Xây Dựng.
Sau vụ bê bối này, ông Tuấn đã bị cách hết các chức vụ trong đảng (nhiệm kỳ 2015-2020), mất chức phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa, và được điều động làm “tổ trưởng tổ giúp việc” thuộc Ban Chỉ Đạo Quy Hoạch Phát Triển Đô Thị và Nhà Ở tỉnh Thanh Hóa.
Đây được cho là vị trí “hữu danh vô thực” và tưởng như hoạn lộ của ông Tuấn đã khép lại nhưng nay ông lại được chuyển công tác về Sở Xây Dựng và “rộ lên thông tin ông sẽ nhận chức danh chánh văn phòng Sở,” theo báo Tuổi Trẻ hôm 30 Tháng Ba, 2019.
Báo này cho hay: “Sáng 31 Tháng Ba, ông Ngô Hoàng Kỳ – chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Thanh Hóa – cho biết việc ông Tuấn xin chuyển công tác về lại Sở Xây Dựng là nguyện vọng cá nhân. Xét thấy đúng quy định của nhà nước, Văn Phòng UBND tỉnh đã đồng ý cho ông Tuấn chuyển công tác.”
Trước đó, chiều 30 Tháng Ba, nói với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thủy, giám đốc Sở Nội Vụ Thanh Hóa, cho biết: “Sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương, giám đốc Sở Xây Dựng Thanh Hóa lại ‘băn khoăn’ về việc ông Tuấn đang là một chuyên viên, liệu bổ nhiệm lên cấp trưởng, phó phòng của sở thì có đúng quy định. Vấn đề này, chúng tôi đã trả lời rằng hiện không có văn bản nào cấm quy định bổ nhiệm từ chuyên viên lên trưởng, phó phòng, nên vẫn có thể làm bình thường. Hơn nữa, ông Tuấn cũng đã hết thời gian chịu kỷ luật, và có kinh nghiệm vì trước đó đã làm giám đốc Sở Xây Dựng.”

Sở Xây Dựng tỉnh Thanh Hóa. (Hình: Thanh Niên)

Lâu nay, tỉnh Thanh Hóa được mạng xã hội gọi nửa đùa nửa thật là “vương quốc Thanh Hóa” vì những chính sách và cách hành xử của giới chức địa phương mang tính “phép vua thua lệ làng.”
Việc ông Tuấn bất ngờ được trọng dụng trở lại khiến nhiều blogger đặt câu hỏi: Phải chăng tại Thanh Hóa đang khan hiếm “người tài” hay tại Ủy Ban Nhân Dân và Tỉnh Ủy Thanh Hóa quá “bao dung” với quan chức mắc sai phạm?
Thời điểm vụ bê bối nêu trên xảy ra, năm 2017, “Đại Biểu Quốc Hội” Lưu Bình Nhưỡng được các báo nhà nước dẫn lời phát biểu tại nghị trường: “Vụ cô Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, gây lùm sùm như vậy nhưng bây giờ nghe đâu đi New Zealand. Đây là điều mà dư luận rất bức xúc.”
Cũng trong vụ việc này, mạng xã hội và một số báo nhà nước từng nhắc đến sự dính líu của Bí Thư Tỉnh Ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và kêu gọi “xử lý nghiêm khắc” với ông này. Luật Sư Trần Vũ Hải viết trên trang cá nhân hồi Tháng Mười Hai, 2017: “Dân mạng đang nghi ngờ ông bí thư (Trịnh Văn Chiến) là bố của con người đẹp được Phó Chủ Tịch Tuấn ‘nâng đỡ không trong sáng,’ báo chí được dịp bủa vây ông bí thư. Ông Chiến chắc không có đường lui, chờ ngày bị vặt lông, trừ khi lại thuyết phục được người đẹp cung cấp mẫu ADN của hai con để giám định, xác nhận ông không phải là bố đứa con của cô ấy.”
Tuy vậy, đến nay ông Chiến vẫn tại vị và còn được ghi nhận đạt 87/90 “phiếu tín nhiệm cao” hồi Tháng Mười Hai, 2018, theo báo Người Lao Động. (T.K.)

Nữ sinh lớp 9 bị bạn lột quần áo, đánh đập tại trường do… ‘quá hiền’

Em Nguyễn Thị H.Y. hiện đang được điều trị ở bệnh viện. Má em H.Y. vẫn còn sưng và bầm tím sau một tuần bị các bạn đánh. (Hình: Thanh Niên)
HƯNG YÊN, Việt Nam (NV) – Ông hiệu trưởng trường Trung Học Cơ Sở Phù Ủng cho biết sự việc nữ sinh lớp 9 tên H.Y. bị năm bạn nữ cùng lớp lột quần áo, đánh đập ngay tại lớp học rồi quay video tung lên mạng xã hội có thể là do em này “quá hiền.”
Ngày 30 Tháng Ba, 2019, nói với báo Người Lao Động, ông Trương Văn Ty, trưởng Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên), cho biết cơ quan này đã buộc trường Trung Học Cơ Sở Phù Ủng phải vào cuộc điều tra, làm rõ việc nữ học sinh lớp 9 bị lột đồ, đánh hội đồng dã man ngay tại lớp học.
Theo ông Ty, nhà trường phúc trình là phụ huynh và năm em học sinh đánh đập nữ sinh Nguyễn Thị H.Y., đã đến gia đình xin lỗi bạn.
“Hiện năm học sinh này đã bị đình chỉ học tập để nhà trường, cơ quan chức năng điều tra, làm rõ thêm. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm lớp em Y. bị điều chuyển, không chủ nhiệm lớp này nữa vì ‘không nắm bắt và ngăn ngừa được.’ Còn hiệu trưởng là ông Nhữ Mạnh Phong bị đình chỉ công việc điều hành trường 15 ngày, bắt đầu từ ngày 1 Tháng Tư tới,” ông Ty cho biết.
Cũng theo ông Ty, về thông tin năm học sinh đánh đập em H.Y., “có quan hệ với các phần tử xấu trong xã hội, hành động theo kiểu băng nhóm,” thì hiện “chưa nắm được thông tin” này, mới biết nguyên nhân dẫn đến sự việc là do xích mích nhỏ của học sinh.
Cùng ngày, ông Nhữ Mạnh Phong, hiệu trưởng, cho biết vụ việc xảy ra vào ngày Thứ Sáu, 22 Tháng Ba. “Hôm đó, sau khi giáo viên và các bạn học sinh đã về hết, năm em học sinh có mặt trong clip đã thực hiện hành vi và quay clip,” ông kể.
Theo ông Phong, sau khi làm việc với các bên, nhà trường yêu cầu nhóm nữ đánh bạn xóa clip để “bảo vệ danh dự cho em H.Y..” Tuy nhiên, clip này đã bị phát tán và sau đó ông Nguyễn Văn Doanh, chú em H.Y., đã có đơn trình báo với chính quyền đề nghị làm rõ và xử lý nghiêm. Hiện em Y. vẫn đang nằm viện điều trị và chưa đi học trở lại.
“Chúng tôi tiếp xúc với gia đình thì bà nội em bảo nhiều lần em bị đánh tím mắt nhưng về cũng không nói với ai, cũng không báo với thầy cô giáo. Nếu em báo thì có thể ngăn chặn sớm trước khi sự việc nghiêm trọng như thế này. Nguyên nhân em Y. bị bắt nạt có thể là do em Y. ‘quá hiền,’” ông Phong nói.
Ông Nhữ Mạnh Phong, hiệu trưởng trường Trung Học Cơ Sở Phù Ủng, bị đình chỉ công tác 15 ngày. (Hình: Người Lao Động)
Trong khi đó, em Y. cho biết ở lớp mình không có mâu thuẫn gì với các bạn nhưng có một nhóm bạn hay bắt nạt em. Trước đây các bạn đã bắt nạt, đánh đập em nhiều lần và cô giáo chủ nhiệm cũng có cảnh cáo rồi.
“Lúc bị đánh em sợ quá nên không báo cho bố mẹ và thầy cô. Cô giáo cũng biết, đã cảnh báo các bạn một lần ở kỳ 1 rồi. Trưa hôm đấy (22 Tháng Ba), các bạn có gây sự với em do em không đưa mũ ca-lô, không viết hộ bản cam kết bị cô giáo phạt giúp các bạn ấy. Em sợ quá nên em không dám nói, các bạn cùng lớp cũng sợ bị các bạn ấy đánh nên không dám nói gì. Các bạn ấy cũng có đánh bạn khác ở lớp cũng trong thời gian ngắn trước. Em không biết nhà trường có cảnh cáo hay không, khi đánh bạn kia ở lớp thì có bạn cũng quay clip lại,” em H.Y. nói.
Cũng theo em H.Y., sau khi biết sự việc thì nhà trường có tổ chức cho các bạn ấy xin lỗi em. Em Y. bày tỏ, tha thứ cho các bạn thì em có thể tha thứ, nhưng để quay lại học với các bạn ấy thì em chưa đi học lại được vì sợ.
“Em tha thứ, nhưng khi nhìn thấy các bạn em lại nhớ hết những chuyện đã xảy ra…,” H.Y. nói.
Bác Sĩ Nguyễn Văn Tình, giám đốc Bệnh Viện Tâm Thần Kinh Hưng Yên, cho biết em H.Y. nhập viện với chuẩn đoán ban đầu là “phản ứng stress cấp, có sang chấn về mặt tâm lý tinh thần” và hiện vẫn phải điều trị.
Trường Trung Học Cơ Sở Phù Ủng, nơi xảy ra sự việc. (Hình: Thanh Niên)
Tin cho biết, em Nguyễn Thị H.Y., có hoàn cảnh gia đình vô cùng éo le khi ông nội và cha đều mắc bệnh tâm thần, mẹ phải thường xuyên bận rộn công việc để chăm lo gia đình. Còn em là người trầm mặc và kỹ năng giao tiếp không tốt.
Ông Nguyễn Văn Doanh, chú em, cho hay hiện gia đình đã gửi đơn tới công an để đề nghị vào cuộc điều tra, làm rõ, trả lại sự công bằng cho cháu.
Theo báo Thanh Niên, chiều 30 Tháng Ba, ông Trương Thế Quy, phó Phòng Công Tác Học Sinh- Sinh Viên trường Đại Học Sư Phạm Huế, cho biết có một vị mạnh thường quân giấu tên đã và đang giúp đỡ cho rất nhiều học sinh, sinh viên muốn ông làm người đại diện kết nối với gia đình em Nguyễn Thị H.Y., để bàn cách giúp đỡ nữ sinh này vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo, nhất là những tổn thương về tinh thần sau trận bạo hành kinh hoàng vừa xảy ra, về toàn bộ phí sinh hoạt, chi phí ăn ở học tập ho đến hết lớp 12.
Cũng theo ông Quy, sở dĩ mạnh thường quân lựa chọn thành phố Huế làm nơi nuôi dưỡng, cưu mang H.Y. vì Huế là nơi có đội ngũ tình nguyện viên chuyên giúp đỡ những hoàn cảnh học sinh- sinh viên đặc biệt cũng như có những trung tâm bảo trợ nuôi dưỡng trẻ hoàn cảnh đặc biệt khá tốt. (Tr.N)

Ma túy đang đổ vào ‘thị trường lớn’ Sài Gòn

Toàn bộ 300 kg ma túy vừa bị tịch thu tại Sài Gòn. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Phó giám đốc Công An ở Sài Gòn thừa nhận, số người nghiện tại thành phố này không chỉ dừng lại ở con số hơn 20,000 người “có hồ sơ quản lý” mà thực tế cao gấp 4-5 lần. Đồng thời, “thành phố ông Hồ” trở thành “thị trường lớn” về ma túy.
Theo báo Tuổi Trẻ, tại buổi lễ khen thưởng thành tích phá chuyên án ma túy 218LP và bắt giữ 895 bánh heroin do Công An ở Sài Gòn tổ chức chiều 29 Tháng Ba, 2019, ông Phạm Văn Các, cục trưởng Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Ma Túy (C04), Bộ Công An, cho biết đến nay C04 đã phối hợp với các cơ quan hữu trách địa phương bắt giữ bảy người cầm đầu (gồm hai người Trung Quốc, hai người Đài Loan, ba người Việt Nam), thu giữ 1.16 tấn ma túy tổng hợp (ma túy đá).
Đây là đường dây vận chuyển ma túy lớn mà các băng nhóm xem Việt Nam là “điểm trung chuyển” để đưa ra ngoại quốc bằng đường biển.
Ngày 30 Tháng Ba, 2019, nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Anh Minh, phó giám đốc Công An ở Sài Gòn, cho hay các loại ma túy truyền thống (heroin) đang dần bị thay thế bằng ma túy đá nhờ “có sức hút lớn với giới trẻ” do người sử dụng nghiện loại ma túy này ít thể hiện ra bên ngoài, rất khó bị phát hiện so với người nghiện các loại ma túy truyền thống, ngay cả người thân của họ còn khó phát hiện.
Số lượng 900 bánh ma túy vừa thu giữ trên xe vận tải của người Đài Loan tại Sài Gòn. (Hình: Tuổi Trẻ)
Tại Sài Gòn, việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ ma túy rất sôi động trong các quán bar, các tụ điểm ăn chơi của giới trẻ, các tụ điểm game bắn cá… mà chỉ cần kiểm tra là giới hữu trách phát hiện số người dương tính với ma túy lên đến hàng chục và số người bị phát hiện dương tính với ma túy cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng.”
Khi có cầu ắt sẽ có cung và các băng nhóm buôn ma túy tìm mọi cách đưa hàng vào Sài Gòn từ bên kia biên giới (Lào, Trung Quốc…), việc bắt giữ những vụ buôn ma túy cực lớn vừa qua cho thấy điều đó.
Chưa kể với việc bùng nổ công nghệ thông tin, việc mày mò sản xuất ma túy đá không còn là chuyện khó và thực tế Sài Gòn đã bắt giữ những vụ sản xuất ma túy mà số tang vật thu giữ tính đến hàng chục ngàn viên.
“Cái ‘ác’ của những loại ma túy mới này là ít biểu hiện ra bên ngoài cho đến khi nó tàn phá hệ thần kinh, làm cho người nghiện rơi vào trạng thái ‘ngáo,’ gây ra những thảm án. Cái ‘ác’ nữa của các loại ma túy mới là người sử dụng tưởng nhầm nó không gây nghiện, thích thì sử dụng, không thích thì dễ dàng từ bỏ. Thực tế không phải vậy, khi đã thử thì không còn đường ngưng ở lần tiếp theo…” báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Minh.

“Không có phác đồ điều trị hữu hiệu, lại có sức hút lớn với giới trẻ…, nó như cái vòng luẩn quẩn nên không còn cách nào khác là loại bỏ các nguồn cung ma túy bằng việc dựa vào tai mắt người dân và sự hợp tác quốc tế của cơ quan hữu trách,” ông Minh nhận định. (Tr.N)

Phá nát núi ở Khánh Hòa để xây biệt thự mà chính quyền ‘không rõ’

Đường lên đỉnh núi Chín Khúc được đào xới tan nát - nhìn từ thành phố Nha Trang. (Hình: Người Lao Động)
KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Hàng loạt dự án mang danh “trồng rừng” nhưng nhiều hécta đất đá cùng cây cối trên núi Chín Khúc, giáp Nha Trang với huyện Diên Khánh, Cam Lâm bị đào xới núi xây khu biệt thự, trong khi chính quyền địa phương nói… không biết.
Theo báo Người Lao Động, núi Chín Khúc nằm phía Tây thành phố Nha Trang, trước đây cây cối xanh tươi, nay bị chặt hạ, để lại đồi trọc. Nhiều hécta đất đá bị đào bới, san lấp để làm dự án. Từ chân núi lên đến đỉnh dài gần 6 cây số được làm đường rộng 5-6 mét, ngoằn ngoèo. Nhiều máy múc, khoan bê tông được huy động, cập rập phá núi. Từ đỉnh nhìn xuống, nhiều mảng đất đá đã bị xé toạc, khoét sâu vào chân núi.
Ông Nguyễn Văn Thái, một người dân sống ở đây, cho biết từ khi các dự án làm trên núi Chín Khúc, người dân hết sức khổ sở.
“Hơn 20 năm sống ở đây, tôi chưa bao giờ thấy lũ quét như năm rồi, rất kinh khủng. Nước từ trên núi đổ xuống như thác khiến cả khu dân cư Phong Châu ngập nặng. Đường Phong Châu nối dài gần như bị xóa sổ… Các dự án làm cho được việc họ chứ không biết gì đến hậu quả gây ra. Người ta cạo núi trắng xóa như vậy thì làm sao mà chịu được,” ông nói.
“Cần nói thêm là trong đợt mưa lũ cuối năm 2018, Nha Trang xảy ra hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng làm 21 người tử vong, trong đó chủ yếu là do sạt lở núi,” ông Thái tố với báo Người Lao Động.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hy, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Vĩnh Thái, cho biết đợt mưa vừa qua chính quyền xã phải túc trực để di dời dân vì sạt lở nghiêm trọng. Thậm chí, phải thuê xe múc để phá đường thoát nước chống ngập.
Ông Hy nhìn nhận các dự án đã làm thay đổi dòng chảy. Tuy nhiên, khi đề cập đến dự án bạt núi, làm đường lên đỉnh Chín Khúc thì ông Hy nói “không nắm rõ.”
Nhiều hécta trên núi Chín Khúc ở Khánh Hòa bị ủi phá làm dự án. (Hình: Người Lao Động)
Theo báo VNExpress, ngày 30 Tháng Ba, 2019, trong phúc trình Ủy Ban Nhân Dân thành phố Nha Trang gửi Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa, thì Tháng Mười Hai, 2018, núi Chín Khúc có bảy dự án được đề nghị thực hiện. Tuy nhiên, Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Khánh Hòa cho biết “đến nay đơn vị chỉ nhận được hồ sơ của dự án Khu Biệt Thự Sông Núi Vĩnh Trung.”
Dự án Khu Biệt thự sông núi Vĩnh Trung, do Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Sản Xuất và Xây Dựng Khánh Hòa (Công Ty Xây Dựng Khánh Hòa) làm chủ đầu tư, được ủy ban tỉnh cấp phép hồi năm 2011, với tổng diện tích gần 30 hécta.
Đến Tháng Bảy, 2018, tỉnh Khánh Hòa tiếp phê duyệt điều chỉnh dự án, phần dịện tích giảm còn gần 20 hécta. Lúc này, chủ đầu tư cho rằng “đang gặp khó khăn, không thể trồng rừng như phê duyệt ban đầu, chỉ giữ lại diện tích để làm biệt thự, đất ở xã hội, khu thương mại cùng bãi đỗ xe.”
Ngoài dự án trên, Tháng Sáu, 2012, Công Ty Xây Dựng Khánh Hòa cũng được tỉnh cấp phép cho thực hiện dự án xây khu biệt thự và du lịch sinh thái với tổng diện tích gần 200 hécta, chủ yếu đất rừng sản xuất. Công ty sau đó huy động máy múc, xe ủi để phá núi mở rộng diện tích thực hiện dự án.
Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh Khánh Hòa cho hay, khi thành lập đoàn kiểm tra tại núi Chín Khúc năm 2014, Công Ty Xây Dựng Khánh Hòa mở đường lâm nghiệp, đường ranh cản lửa bảo vệ khu A theo sườn núi và san lấp ở 3 khu vực rộng khoảng 7,000 mét vuông, trong khi chưa đủ hồ sơ pháp lý.
Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh sau đó yêu cầu doanh nghiệp ngừng thi công, đào bới, giữ nguyên hiện trạng để hoàn tất các thủ tục trình cơ quan thẩm định, cấp phép trước khi thi công trở lại. Tuy nhiên, dự án vẫn tiếp tục thực hiện từ đó đến nay.
Doanh nghiệp phá đá, đốn hạ cây làm đường. (Hình: VNExpress)
Theo Sở Xây Dựng tỉnh Khánh Hòa, các dự án dự án đang triển khai với diện tích khoảng 700 hécta. Hiện chỉ có dự án Biệt Thự Sông Núi Vĩnh Trung “có đánh giá tác động môi trường” và đã được phê duyệt.
Tỉnh Khánh Hòa có chủ trương cho các dự án làm nhưng nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường, chưa phê duyệt quy hoạch 1/500 đã tự phá núi để triển khai. Điều này đã gây ngập lũ, sạt lở nghiêm trọng.
Cuối năm 2018, sau hàng loạt trận sạt lở núi làm chết 21 người, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Nha Trang mới đi kiểm ra, rà soát và mới biết có khoảng 67 dự án trên đồi, núi. Các dự án tập trung nhiều ở núi Cô Tiên, Hòn Ngang, Giáng Hương, Hòn Rớ, Chín Khúc…
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Tấn Tuân, phó bí thư Tỉnh Ủy Khánh Hòa, nói rằng “đang cho kiểm tra về các dự án, sau đó sẽ thông báo kết quả.” (Tr.N)

Bị công an bắn vào ngực, thanh niên ‘thà chết’ đòi công bằng

Vết thương trên ngực chảy máu rất nhiều nhưng anh Nguyễn Hoàng Tâm nhất quyết không đến bệnh viện cấp cứu. (Hình: Thanh Niên)
BẾN TRE, Việt Nam (NV) – Bị công an bắn vào ngực nhưng anh Nguyễn Hoàng Tâm cho biết nếu công an không trả lại công bằng cho mình, thì “thà chết không đi bệnh viện.”
Khoảng 9 giờ sáng 30 Tháng Ba, 2019, sau khi bị công an bắn trúng người mình hai phát, anh Nguyễn Hoàng Tâm (29 tuổi, ngụ ấp Quới Thạnh Đông, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) vẫn ngồi trên ghế nhựa trước cửa nhà, máu từ vết thương bị bắn trên vùng ngực chảy trên người nạn nhân và đọng thành vũng dưới ghế.

Bị công an bắn vào ngực, thanh niên ‘thà chết’ đòi công bằng

Vết thương trên ngực chảy máu rất nhiều nhưng anh Nguyễn Hoàng Tâm nhất quyết không đến bệnh viện cấp cứu. (Hình: Thanh Niên)
BẾN TRE, Việt Nam (NV) – Bị công an bắn vào ngực nhưng anh Nguyễn Hoàng Tâm cho biết nếu công an không trả lại công bằng cho mình, thì “thà chết không đi bệnh viện.”
Khoảng 9 giờ sáng 30 Tháng Ba, 2019, sau khi bị công an bắn trúng người mình hai phát, anh Nguyễn Hoàng Tâm (29 tuổi, ngụ ấp Quới Thạnh Đông, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) vẫn ngồi trên ghế nhựa trước cửa nhà, máu từ vết thương bị bắn trên vùng ngực chảy trên người nạn nhân và đọng thành vũng dưới ghế.
Anh Tâm gượng nói với báo Thanh Niên: “Nếu công an không làm rõ vụ này, tôi thà chết không đi bệnh viện. Hơn nữa nhà tôi cũng đâu còn đồng nào mà đóng viện phí, mấy trăm ngàn tiền lương công nhân của vợ tôi đã đóng tiền học cho con hôm qua rồi.”
Theo lời kể của anh Tâm, vào khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, anh và một người bạn đi chung xe gắn máy khi đến gần công viên Mũi Tàu (thuộc thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) thì xe bị hư nên dừng lại tự sửa. Lúc này, có một thanh niên chạy xe gắn máy hiệu Exciter trờ tới, theo sau là ba người khác.
“Họ hô chúng tôi ăn cướp. Ngay lập tức nhóm bốn người này xông vào tấn công, bắt bạn của tôi, tôi phản kháng thì bị thanh niên chạy xe Exciter bắn vào mông một phát. Hoảng loạn, tôi chạy qua bên kia đường thì bị người đó tiếp tục lên cò, đuổi theo bắn vào ngực tôi một phát nữa khiến máu chảy khắp người. Họ bắt bạn tôi và không đoái hoài gì đến tôi nữa. Tôi đứng choáng váng một lát thì vợ lên chở về,” anh Tâm kể.
Chị Đỗ Thị Ngọc Thi, vợ anh Tâm, cho biết một người họ hàng sống gần hiện trường gọi điện thoại báo chồng chị bị bắn.
“Tôi lên vẫn còn thấy bốn người… Khi đó, có một số công an mặc sắc phục đến hiện trường. Tôi chở chồng về nhưng họ không nói gì. Do không có tiền nên tôi chở anh Tâm về Trạm Y Tế Xã Quới Sơn điều trị tạm. Tuy nhiên, trạm y tế không nhận bệnh vì vết thương quá nặng,” chị Thi nói.
Sáng cùng ngày, báo Thanh Niên đến trụ sở Công An huyện Châu Thành nhưng nơi này cho rằng “người có chức năng cung cấp thông tin, trao đổi với báo chí đã đi vắng.”
Tiếp tục liên lạc với Công An tỉnh Bến Tre, báo Thanh Niên được biết “vụ việc vẫn chưa được Công An huyện Châu Thành báo cáo lên.”
Sau khi bị bắn, nạn nhân ngồi ngay cửa nhà cho đến khi ngất đi mới được người nhà đưa đi cấp cứu. (Hình: Thanh Niên)
Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của báo Thanh Niên, Công An huyện Châu Thành cho rằng anh Tâm là “đối tượng bị tình nghi liên quan đến vụ trộm cắp tài sản vào lúc khoảng 2 giờ 30 khuya cùng ngày ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành.”
“Tâm và đồng bọn bị lực lượng chức năng truy đuổi và chặn bắt tại khu vực gần cầu Ba Lai. Đồng bọn của Tâm bị bắt giữ, còn Tâm chạy vào một quán hủ tiếu gần công viên Mũi Tàu lấy dao chống trả lực lượng đang làm nhiệm vụ,” theo bài báo.
“Lúc này, một công an viên xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tham gia chốt chặn theo tin báo yêu cầu phối hợp, đã dùng súng bắn đạn cao su (loại công cụ hỗ trợ) bắn ba phát. Trong đó, một phát bắn chỉ thiên và hai phát bắn trúng người nạn nhân,” vẫn theo bài báo.
Theo báo Thanh Niên, anh Nguyễn Hoàng Tâm cho biết “vào hai năm trước đã chấp hành xong bán án hơn 2 năm tù về tội trộm cắp tài sản.”
Một diễn biến khác, đến khoảng 1 giờ trưa cùng ngày, chị Ngọc Thi cho biết, anh Tâm bị ngất xỉu nên chị đưa chồng đến Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực huyện Châu Thành cấp cứu. Sau đó, anh Tâm được bệnh viện này chuyển đến Bệnh Viện Quân Y 120 ở tỉnh Tiền Giang để điều trị do vết thương quá nặng.
Khoảng 3 giờ 30 chiều cùng ngày, viên đạn trên ngực của anh Tâm đã được gắp ra khỏi người, nhưng vì không có tiền nên gia đình quyết định đưa anh Tâm về nhà dưỡng bệnh. (Tr.N)

Đường còn nguyên vẹn, Hà Nội sắp xới lên để ‘lát đá tự nhiên’

Một đoạn vỉa hè phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội, còn rất đẹp, đang được dùng làm bãi trông giữ xe hơi, sẽ bị xới lên trong thời gian tới. (Hình: Tiền Phong)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 30 Tháng Ba, nhiều blogger bày tỏ bất bình trước tin chính quyền Hà Nội thông báo sắp sửa xới vỉa hè của cả trăm con đường lên để “lát đá tự nhiên.”
Đáng lưu ý là lần lát đá vỉa hè này diễn ra chỉ sau chưa đầy hai năm nhiều con đường ở thủ đô Việt Nam được ghi nhận “lát đá tự nhiên bền vững 70 năm.”
Việc lát đá cả trăm con đường ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ… được cho là để đồng bộ với quyết định về “thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố” vừa được Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội ban hành.
Báo Tiền Phong cho biết: “Vật liệu đá tự nhiên sử dụng để lát phải đảm bảo các thông số phù hợp với quy định tại tiêu chuẩn đá ốp lát tự nhiên TCVN 4732:2007, không sử dụng nhóm đá vôi, khảo sát và xác định nguồn gốc đá rõ ràng. Trên các đường, phố khi vỉa hè có chiều rộng không đều, chiều rộng hẹp cần lựa chọn kích thước viên đá cho phù hợp.”
Tuy vậy, tờ báo không tiết lộ thời điểm cũng như kinh phí cho việc xới vỉa hè cả trăm con đường lên để lát đá.
Hồi năm 2017, chính quyền Hà Nội đã loan báo về việc vỉa hè của nhiều con đường “được lát đá tự nhiên bền vững 70 năm” nhưng đến Tháng Bảy, 2018, báo Tiền Phong ghi nhận một số vỉa hè mới lát đá xong “bị cày xới để sửa chữa điện, cáp viễn thông… khiến những viên đá tự nhiên bị hư hỏng.”
Hồi Tháng Mười Một, 2018, báo Đất Việt dẫn lời ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội: “Việc lát vỉa hè được giao cho các quận cho nên mỗi quận một ý và xảy ra những bất cập. Hơn nữa, năng lực kiến trúc và thiết kế tại các dự án này không đồng bộ, dẫn đến chuyện đá lát vỉa hè ở Hà Nội hư hỏng chỉ sau một năm.”
Báo này cũng cho biết thêm rằng hồi Tháng Hai, 2018, Thanh Tra Sở Xây Dựng Hà Nội “đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình lát đá vỉa hè” nhưng đến nay, vẫn chưa có cơ quan nào “đứng ra nhận trách nhiệm” của những vỉa hè trị giá cả trăm triệu đồng mau chóng xuống cấp chỉ sau khoảng một năm.
Vỉa hè lát bằng gạch giả đá trên phố Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội, mới lát đã vỡ nát. (Hình: Tiền Phong)
Kiến Trúc Sư Sơn Đặng bình luận trên trang cá nhân: “Tôi nhớ là, cuối năm ngoái thôi, tôi đi dạo bộ quanh khu Ba Đình thấy vỉa hè vẫn còn ổn lắm… Dĩ nhiên là tôi sẽ thắc mắc về tổng kinh phí cho gói chỉnh trang đô thị này. Liệu tôi có thể tìm kiếm nó ở đâu, khi không thấy báo đưa tin? Vì là một công dân, tôi có quyền biết tiền thuế của dân sẽ được xài như thế nào chứ nhỉ? Tôi cũng sẽ hỏi thêm những câu: Đơn vị nào thi công, quy trình đấu thầu ra sao, đơn vị nào cung cấp đá, đá gì, giá thành bao nhiêu? Một chính quyền đô thị sạch sẽ tự tin công khai những dữ liệu này lên mạng chứ nhỉ, vì đấy là thông lệ quốc tế nhằm minh bạch hóa?”
“Vì có tí kiến thức chuyên môn về vật liệu, tôi khẳng định luôn là thời này không ai điên đến nổi lót vỉa hè bằng đá tự nhiên, vì có rất nhiều loại vật liệu mới ra đời có những đặc tính mà đá tự nhiên không có. Do biến đổi khí hậu, những cơn mưa càng ngày càng lớn, và hệ thống cống cũ kĩ của Hà Nội không tải nổi, thì lại càng cần những vỉa hè tiêu thoát được nước mưa chảy tràn trên bề mặt. Hà Nội cần một đơn vị tư vấn đô thị có tâm hơn chút. Và trước khi ‘bóc và lột,’ thì cũng cần đứng ra giải trình sao cho người dân nghe lọt lỗ tai,” theo Facebook Son Dang. (T.K.)

Chính quyền phạt chủ nhà nếu để khách đến ăn cỗ lấy phần mang về

Tục ăn cỗ lấy phần có ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Nam Định. (Hình: Tin Tức Nam Định)
NAM ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Chủ tịch xã Giao Long, huyện Giao Thủy, cho rằng việc xử phạt 3 triệu đồng ($129) nếu gia đình để khách đến ăn cỗ lấy thêm phần mang về là nhằm “thực hiện cuộc vận động làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần.”
Theo báo Thanh Niên, những ngày qua, trên một số trang mạng xã hội ở Việt Nam liên tục đưa tin về việc tại một số xã của huyện huyện Giao Thủy như Giao Long, Giao Lạc… đang “vận động xây dựng nếp sống văn minh trong xây dựng nông thôn mới.” Trong đó, có việc nếu các gia đình tổ chức cưới hỏi, cúng giỗ thì chỉ làm cỗ đủ ăn, người đến tham dự không được lấy thêm phần mang về theo như phong tục đã có từ xưa đến nay.
Những nguồn tin kể trên cho rằng, chính quyền địa phương yêu cầu: “Khi các gia đình ra xã ghi danh để tổ chức ma chay, hiếu, hỷ sẽ phải đặt cọc 3 triệu đồng ($129). Nếu chủ nhà để khách lấy phần sẽ bị phạt, bằng cách không trả lại số tiền này.”
Thông tin trên đã khiến dư luận tỏ ra bất bình, kèm những bình luận khiếm nhã. Bạn Vũ Hà bày tỏ trên Facebook cá nhân: “Tôi không đồng ý việc ép người dân phải đóng tiền phạt. Theo tôi, chính quyền chỉ được phép vận động, tuyên truyền để thay đổi ý thức người dân.”
Còn bạn Khánh Trần bất bình nói: “Đây là một nét văn hóa của làng tôi từ xưa đến nay được đưa vào hương ước, tại sao lại có thể bắt chúng tôi đặt cọc tiền? Cỗ làm ra nhiều, không để bà con lấy phần mà đổ đi thì lãng phí quá.”
Liên quan đến sự việc trên, trả lời báo Thanh Niên ngày 29 Tháng Ba, 2019, ông Đặng Văn Đại, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Giao Lạc, xác nhận ở xã có việc người dân ra xã đóng 2-3 triệu đồng trước khi tổ chức đám xá để tránh người dân đến ăn cổ và lấy phần mang về.
Chính quyền huyện Giao Thủy vận động người dân đi ăn cỗ không lấy phần mang về. (Hình: Thanh Niên)
“Có việc đóng tiền, nhưng đây là hương ước của làng. Xã không quy định, bắt buộc ai cả,” ông Đại biện minh.
Trong khi đó, ông Trần Hoài Nam, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Giao Long, cũng xác nhận với báo Trí Thức Trẻ, tại địa phương “đang thực hiện cuộc vận động văn minh trong cưới xin và sẽ xử phạt nếu gia đình nào để khách đến ăn cỗ lấy phần.”
Cụ thể, nếu gia đình nào vi phạm để xảy ra tình trạng khách ăn cỗ lấy phần mang về sẽ bị ủy ban xã xử phạt, trừ vào số tiền đã đặt cọc: Nếu một người lấy phần có thể phạt 500,000 đồng ($22), hai người có thể phạt 1 triệu đồng ($44)… và tùy vào mức độ vi phạm xã sẽ xử lý.
Mặc dù các chủ tịch xã đã thừa nhận, nhưng ông Bùi Văn Khôi, trưởng Phòng Văn Hóa huyện Giao Thủy, cho rằng “không có chuyện chính quyền địa phương ép người dân đóng số tiền 3 triệu đồng.”
“Lấy phần tuy là một nét văn hóa nhưng không còn phù hợp với thời điểm hiện tại nên chúng tôi đã chủ yếu vận động bà con. Một số địa phương người dân đã đưa sự việc lấy phần vào hương ước của làng xã. Nếu có việc đóng tiền cọc thì chỉ là tạm ứng vào quỹ của thôn, xóm chứ không hề có sự việc chính quyền ép buộc người dân,” ông Khôi biện minh.
Tin cho biết, không riêng huyện Giao Thủy, việc đóng cọc 3 triệu đồng để người dân ăn cỗ không lấy phần cũng đã được huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) áp dụng.
Ông Lê Văn Sơn, trưởng Phòng Văn Hóa huyện Hải Hậu, xác nhận cách đây vài năm, một số xã của huyện đã triển khai việc này.
Tuy nhiên, chính quyền huyện Hải Hậu đã “chấn chỉnh, yêu cầu chính quyền các xã không ép việc đóng tiền như thể ‘đặt cọc’ mà chỉ vận động người dân thực hiện,” ông Sơn giải thích. (Tr.N)

Friday, March 29, 2019

Dân còn khổ vì tro bụi đen ‘vô thừa nhận’ của Nhiệt Điện Vĩnh Tân

Nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 4 ở xã Vĩnh Tân. (Hình: Thanh Niên)
BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Bản tin hôm 28 Tháng Ba của báo Thanh Niên khiến người đọc cười ra nước mắt khi xác nhận có tình trạng tro bụi đen xuất hiện dày đặc trong nhiều ngày ở khu nhà dân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Lâu nay, người dân Bình Thuận đưa cáo buộc trên mạng xã hội rằng các nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân chính là thủ phạm gây ra nạn tro bụi mù mịt.
Tuy vậy, theo báo Thanh Niên, tại cuộc họp của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận về tiến độ các dự án và ngăn chặn tình trạng khói bụi mùa khô, ông Nguyễn Trung Trực, phó chủ tịch huyện Tuy Phong, nói “chưa biết tro bụi đen là của ông nào.”
Tờ báo còn dẫn lời hai giới chức của nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 4 và Sở Tài Nguyên-Môi Trường Bình Thuận: “Khi có tin báo về tro bụi, nhà máy có đến kiểm tra thì do bụi từ các công trình đang xây dựng xung quanh. Riêng ngày 23 Tháng Ba, tại xóm 7, xã Vĩnh Tân xuất hiện tro bụi màu đen. Sau kiểm tra phát hiện là titan rơi vãi từ một xe vận tải vận chuyển titan từ Lương Sơn-Bắc Bình đến cảng Vĩnh Tân. Tro than phát tán từ kho than của các nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân là có thật. Nhưng không ‘ông’ nào thừa nhận [là của họ], muốn chắc chắn phải lấy mẫu đi phân tích.”
Bãi xả của Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 2. (Hình: Thanh Niên)
Báo Thanh Niên cũng đăng chỉ thị “suông” của ông Lương Văn Hải, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận: “Các nhà máy cần lưu ý, đây là mùa khô, gió ở Tuy Phong mùa này rất mạnh. Các nhà máy phải đặc biệt quan tâm việc bảo vệ môi trường, tuyệt đối không được để tro bụi phát tán sang khu dân cư.”
Hoàn toàn không có biện pháp chế tài nào được nhắc đến nếu các nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân được kết luận là nơi gây ra tình trạng tro bụi đen.
Trong vụ này, điều đáng quan tâm là theo các báo nhà nước, sau rất nhiều cuộc họp và tuyên bố đảm bảo môi trường, đến nay vẫn chưa có “lối ra” cho lượng tro xỉ được thải ra đồng loạt từ các nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 2.
Nguyên nhân được hiểu là do nhà chức trách “chưa ban hành các quy chuẩn về tro xỉ làm vật liệu xây dựng.”
Hồi đầu Tháng Ba, mạng xã hội xôn xao tin chính quyền huyện Tuy Phong chỉ đạo các trường học trong khu vực không được phép nhận 1,200 khẩu trang Nano do một nhóm các nhà thiện nguyện gây quỹ để trẻ em bảo vệ sức khỏe khỏi bụi than.
Thời điểm đó, theo trang Facebook của nhà báo tự do Mai Quốc Ấn, những người dân địa phương “rất muốn nhận khẩu trang cho con em họ,” tuy nhiên đại diện huyện Tuy Phong “lấy lý do là nơi này không còn ô nhiễm nữa, nhận khẩu trang thì sợ bị thế lực thù địch lợi dụng.”
Trong một diễn biến khác, công luận bàn tán về mức phạt “nhẹ hều” – 50 triệu đồng ($2,138) mà nhà chức trách dành cho nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1 “do tự ý xây dựng khu nghỉ dưỡng, dịch vụ dành cho chuyên gia trên khu đất sát biển với diện tích khoảng 3 hécta, nằm gần nhà máy.”
Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1 là nhà máy khiến các báo nhà nước ở Việt Nam tốn nhiều giấy mực vì các vụ bê bối coi thường pháp luật Việt Nam. Hôm 9 Tháng Ba, báo Tuổi Trẻ cho hay nhà máy này “xả nước ra biển khi chưa được cấp phép, đó là chưa kể hàng loạt sai phạm về vấn đề môi trường trước và trong quá trình vận hành nhà máy.” (T.K.)