Wednesday, April 18, 2018

Thiện chí của chó sói

Pham Doan Trang FB
Bà con hãy nghe những gì Phó giám đốc Công an Hà Nội Bạch Thành Định nói với báo chí:
Ưu tiên số một của Hà Nội là đưa toàn bộ người còn BỊ GIỮ TRÁI PHÁP LUẬT ra ngoài an toàn. “Chúng tôi sẽ giải quyết mọi việc theo pháp luật, trên tinh thần XỬ LÝ NGHIÊM những người cố tình kích động, có hành vi giam giữ, bắt người trái pháp luật”, “sẽ khoan hồng với những người nhận thức được hành vi, có ý thức khắc phục hậu quả“.
Bà con có nhận ra mùi sát khí trong những lời ấy?
Trong truyện ngụ ngôn Aesop, “Sói và cò”, có con sói bị hóc xương, không tự khạc mảnh xương ra được. Nó nhờ con cò với cái mỏ dài thò đầu vào sâu trong họng nó để moi xương ra, và hứa sẽ trọng thưởng.
Sói nằm ngửa, há mồm, để cò thò đầu vào, gắp mảnh xương bị kẹt bên trong ra. Rồi cò xin được thưởng như đã hứa.
Sói nghiến răng nói với cò: “Tao đã không nhai nát đầu mày khi cái đầu mày nằm giữa hai hàm răng của tao. Mày cho phần thưởng đó vẫn còn ít hay sao?”.
* * *
Xin bà con cảnh giác với tâm địa của những con chó sói đội lốt người.
Chúng chưa hề hủy quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” với dân xã Đồng Tâm.
Chúng chưa hề hứa hẹn sẽ không khởi tố tiếp.
Chúng tiếp tục gọi hành vi tự vệ của bà con là “giam giữ người trái phép”, “giam giữ trái pháp luật”. Trong cách nói của chúng, có thể cảm nhận được cái nghiến răng đợi trả thù của con sói.
Chúng chưa hề xử lý những kẻ nhân danh “thi hành công vụ” để bắt giữ người trái pháp luật, đánh người gây thương tích, không tha cả người già. Quân của chúng làm sai, vi phạm pháp luật, chúng không xử lý, nhưng đã kịp ngậm máu phun bà con Đồng Tâm trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng.
Chúng chưa hề có một lời nào đính chính và xin lỗi bà con trên phương tiện truyền thông đại chúng – trên chính những cơ quan đã đưa tin một chiều, sai sự thật về bà con.
Chúng chưa tấn công bà con, bắt và khởi tố cả làng, không phải vì chúng ý thức được mình đang sai trái. Mà đó đơn giản là “sự nhân đạo” của con chó sói khi nó không cắn nát đầu con cò trong mõm nó.
Hại được ai đó nhưng chưa hại, giết được ai đó nhưng chưa giết, thì không phải là nhân đạo, đàng hoàng, ôn hòa hay có thiện chí gì cả. Công an không phá, không bắt người trong khi lẽ ra là có thể phá, có thể bắt. Đấy là cái “nhân đạo” và “khoan hồng” của công an đó.

Khởi tố nhiều lãnh đạo Đà Nẵng, hình tượng Nguyễn Bá Thanh sẽ bị bóc tách

Từ trái sang: Trần Văn Minh, Vũ "nhôm", và Văn Hữu Chiến. Ảnh: Tuổi Trẻ
Vietnam – Cali Today News – Hai cựu chủ tịch thành phố Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã bị khởi tố và bắt giam. Cùng bị khởi tố còn có một loạt quan chức khác của thành phố này. Đáng chú ý, cũng liên quan đến Vũ “nhôm”, trung tướng, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục 5 Bộ Công an cũng bị khởi tố vì hành vi “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
Cái lò của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được đem vào Đà Nẵng, vào chiều tối ngày 17/4, truyền thông trong nước loan tin một loạt quan chức ở thành phố Đà Nẵng đã bị khởi tố, bắt giam vì đã bán hàng loạt đất công sản, nhà đất cho đại gia Vũ “nhôm”, tức Phan Văn Anh Vũ, thượng tá công an của Tổng cục 5, Bộ Công an (tức Tổng cục Tình báo).
Trong khi ông Trần Văn Minh (sinh năm 1955, chủ tịch thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2006-2011), cựu Ủy viên Trung ương đảng bị bắt tạm giam, thì ông Văn Hữu Chiến chỉ bị cấm rời khỏi nơi cư trú.
Cũng liên quan đến vụ án còn có một loạt quan chức của Đà Nẵng, như: khởi tố ông Nguyễn Điểu, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên-môi trường; Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trần Văn Toán, cựu phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố Đà Nẵng; Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng bị cấm rời khỏi nơi cư trú.
Cả ba ông Điểu, Toán, Dương cùng bị khởi tố về hành vi “vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai”.
Việc ông Trần Văn Minh bị khởi tố và bắt giam đã được râm ran trong dư luận từ khoảng 2 tháng trước đây, khi mà Vũ “nhôm” bị Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng (Tổng cục tình báo) bắt giữ từ Singapore về Việt Nam. Ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến là hai người phải chịu trách nhiệm vì đã ký giấy bán một loạt đất công sản, nhà đất cho Vũ “nhôm” với giá rẻ mạt.
Tin đồn ông Trần Văn Minh bị bắt giam càng có cơ sở hơn khi vào ngày 9/2/2018, con trai ông lên tiếng phản bác tin ông Minh bị bắt. Việt Nam là một đất nước bất thường, tin đồn thường đi trước, tin chính thức mới đi sau. Ông Minh cũng đã dự đoán trước được tương lai số phận của mình. Tuy thế, trên Facebook cá nhân ông vẫn thoải mái cho đăng một loạt status nhằm thanh minh cho mình và chính quyền thành phố Đà Nẵng vô tội trong việc bán đất công sản cho Vũ “nhôm”, mà tất thảy đều xuất phát từ mối hiềm khích giữa Vũ “nhôm” với đương kim Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ.
Ông Trần Văn Minh không chỉ là chủ tịch thành phố Đà Nẵng, mà sau nhiệm kỳ ở thành phố này ông được Trung ương đảng CSVN thuyên chuyển ra Hà Nội để giữ chức phó Ban Tổ chức Trung ương và trở thành Ủy viên Trung ương đảng.
Trái ngược với những hoạt động trên mạng xã hội khá sôi nổi của ông Trần Văn Minh, ông Văn Hữu Chiến lại khá trầm lặng. Người dân không ngờ cũng cũng dính líu đến một loạt sai phạm về đất đai liên quan đến Vũ “nhôm” cho đến khi ông có lệnh khởi tố và cấm rời khỏi nơi cư trú.
Ông Văn Hữu Chiến (64 tuổi) làm chủ tịch thành phố nhiệm kỳ 2011-2016 nhưng chỉ đến tháng 1/2015 đã về hưu theo chế độ. Việc ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Nguyễn Điểu, Trần Văn Toán, Lê Cảnh Dương bị khởi tố khiến cho quan chức, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cảm thấy bất an. Vì bất cứ ai trong số họ cũng sẽ trở thành củi bị đem vào nung trong lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hoang mang, lo lắng, bất an và cảm thấy tương lai bất định là điều chắc chắn khó mà tránh khỏi trong nội bộ chính quyền thành phố Đà Nẵng. Duy chỉ có đương kim Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ, dù bị kỷ luật cảnh cáo với một loạt sai phạm nhưng vẫn thoải mái trước cán bộ thành phố rao giảng đạo đức, chỉ vì ông đang đứng về “bên thắng cuộc”, tức là đứng về phía “người đốt lò” Nguyễn Phú Trọng.
Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, ông Đào Tấn Bằng, cựu Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng dưới thời cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh cũng sẽ bị biến thành củi để đốt trong một tương lai không xa.
Cùng với việc bắt tạm giam Trần Văn Minh đã cho thấy rằng, Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang muốn khai quật tất cả những sai phạm được hình thành từ thời ông Nguyễn Bá Thanh, một lãnh đạo được người dân Đà Nẵng rất mến chuộng. Người dân vốn không có nguồn tin nên chẳng thể biết được rằng, tập đoàn Mafia Tư bản Đỏ phối hợp giữa doanh nhân với lãnh đạo chính quyền địa phương được thiết lập từ thời Nguyễn Bá Thanh, để từ đó nhóm Mafia này thâu tóm tất cả quyền lực, quyền lợi ở thành phố này. Những quyết định của Nguyễn Bá Thanh trở thành Nghị quyết, những chỉ đạo của Nguyễn Bá Thanh trở thành pháp luật. Nguyễn Bá Thanh cho thấy ông ta không phải một quan chức bình thường, mà là một ông vua ở thành phố Đà Nẵng. Bởi thế, trong dân gian mới lan truyền câu “trời của Thanh, đất của Thanh”.
Với việc bắt giam Trần Văn Minh, hình tượng Nguyễn Bá Thanh sẽ bị bóc tách, bản chất một hôn quân sẽ dần dần được hiển thị ra cho toàn dân trông thấy.
Nguoi Quan Sat

Lê Trương Hải Hiếu bị kỷ luật: Thêm tín hiệu sụp đổ ‘gia tộc Lê Thanh Hải’

Người dân đã phát hiện chính Lê Trương Hải Hiếu (người trong vòng đỏ) đã cùng với công an phá đám cuộc biểu tình chống Trung Quốc của Câu lạc bộ Nhà báo tự do. Hai người mặc áo trắng bên phải là Tạ Phong Tần và Điếu cày Nguyễn Văn Hải.
Ảnh: Dân Làm Báo
Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today news – Chỉ 5 ngày sau vụ ông Lê Tấn Hùng – Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) và là em ruột của cựu ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải – bị công bố “chi khống 13,3 tỉ đồng” theo kết luận thanh tra, đến lượt con trai cựu bí thư Lê Thanh Hải là ông Lê Trương Hải Hiếu – Thành ủy viên, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 – bị Ủy ban Kiểm tra thành ủy TP.HCM công khai thi hành kỷ luật.
Vụ công bố kỷ luật trên diễn ra tại hội nghị Thành ủy ngày 17/4/2018. Theo đó, ông Lê Trương Hải Hiếu “đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức”. Ban Thường vụ Quận ủy Quận 12 đã quyết định kỷ luật ông Lê Trương Hải Hiếu bằng hình thức khiển trách.
Vào thời người cha còn đương chức Bí thư thành ủy TP.HCM, ông Lê Trương Hải Hiếu đã từng được liệt vào danh sách “tuổi trẻ tài cao” theo ngôn ngữ nửa thật nửa hư của giới quan chức và báo chí, hoặc “hót hay nhảy giỏi” theo cách châm biếm của dân gian đương đại.
Thành tích tốt nhất về “nhảy giỏi” là ngay cả sau khi ông Lê Thanh Hải đã “rớt đài” tại đại hội 12 của đảng cầm quyền và phải “về vườn”, vào tháng 5/2016 ông Hải vẫn tìm cách “binh” cho con trai Lê Trương Hải Hiếu có được một suất trong Ban chấp hành đảng bộ thành phố (tức thành ủy viên), bất chấp việc trước đó ông Hiếu chỉ nhận được tỷ lệ phiếu khá thấp cho cái ghế chính trị kèm lợi ích này.
Chính người kế nhiệm Lê Thanh Hải là Đinh La Thăng đã hoàn tất câu chuyện “binh” ấy. Từ đầu năm 2016, Đinh La Thăng đã bất ngờ “nhảy” vào Bộ Chính trị và được điều động về làm bí thư thành ủy TP.HCM.
Như vậy, “độ trễ” của Lê Trương Hải Hiếu so với Đinh La Thăng là đúng 1 năm, nếu tính từ thời đểm tháng 4/2017 khi ông Thăng phải nhận “án” kỷ luật ra khỏi Bộ Chính trị, và là 4 tháng nếu tính từ tháng 12/2017 khi ông Thăng chính thức tra tay vào còng.
Những nước cờ tuần tự và có vẻ khá chắc chắn của Tổng bí thư Trọng đang áp sát cựu bí thư Lê Thanh Hải, tương tự những nước đi của ông Trọng đối với “gia tộc Nguyễn Tấn Dũng”.
Chiến thuật trên đang khá tương hợp với đồn đoán trước tết nguyên đán 2018 về “từ sau tết đến Hội nghị trung ương 7, Lê Thanh Hải sẽ bị “đánh””.
Tính đến nay đã có 2 trong số 3 người con của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị “lên thớt” là Nguyễn Thanh Phượng và Nguyễn Thanh Nghị. Còn “thòng lọng” siết cựu bí thư Lê Thanh Hải có lẽ cũng chẳng khác mấy, ứng với hai người thân của ông Hải là Lê Trương Hải Hiếu và Lê Tấn Hùng.
Nhưng số phận của ông Lê Tấn Hùng có thể sẽ không “mềm” như Lê Trương Hải Hiếu.
Vào tháng Ba năm 2018, ông Lê Tấn Hùng chỉ bị đảng “khiển trách” – một mức độ mà có thể cho phép ông Hùng vẫn tiếp tục tại vị hoặc “hạ cánh an toàn”. Song đến giữa tháng Tư năm 2018, độ rủi ro đối với người em trai của cựu bí thư Lê Thanh Hải đã tăng đột biến.
Vụ việc “Lê Tấn Hùng chi khống 13,3 tỉ đồng” đang có triển vọng sang thẳng cơ quan điều tra của Công an TPHCM. Khi đó, số phận của ông Lê Tấn Hùng có thể coi như “xong” và chỉ còn chờ ngày bị truy tố và ra tòa lãnh án.
Cần nói thêm, Lê Tấn Hùng chính là quan chức đã ra lệnh cho lực lượng áo xanh (thanh niên xung phong) thẳng tay đàn áp hàng trăm người dân biểu tình vì môi trường và phản đối thảm họa xả thải của Formosa vào tháng Năm năm 2016. Nhiều người biểu tình đã bị thanh niên xung phong và công an trá hình đánh đập đến đổ máu.
Tín hiệu sụp đổ ‘gia tộc Lê Thanh Hải’
Vào lúc này, không hiếm người hiểu là cựu bí thư Lê Thanh Hải đã chính thức bị “sờ gáy”.
Ông Lê Thanh Hải từng được một số dư luận đồn đoán là “một trong những quan chức cộng sản giàu nhất Việt Nam”. Đặc biệt là mối quan hệ “đặc biệt” giữa ông Hải và bà Trương Mỹ Lan của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Từ đầu tháng 8/2016 đã bắt đầu tăng cường những dấu hiệu tấn công của một bộ phận trogn giới truền thông nhà nước vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương. Một trong số những bài viết trên báo nhà nước mang tựa đề “Đại gia Trương Mỹ Lan và ‘đế chế’ Vạn Thịnh Phát đang toan tính gì?”, cho rằng “Thâu tóm hàng loạt siêu dự án rồi để “trùm mền”, động cơ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên thị trường địa ốc TP.HCM đang là một ẩn số vô cùng bí hiểm”.
Sau đó, bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết mang tính móc xích về mối quan hệ “đặc biệt” giữa bà Trương Mỹ Lan với ông Lê Thanh Hải – Bí thư thành ủy TP.HCM từ năm 2015 trở về trước. Nhiều dư luận cho rằng nhờ có sự “bảo kê” của Bí thư Hải mà Vạn Thịnh Phát đã giành được nhiều khu đất vàng để kinh doanh bất động sản, mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn này…
Giờ đây, ngay cả người được xem là “đệ tử ruột” của Lê Thanh Hải là Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM – cũng không thể cứu được Lê Trương Hải Hiếu.
Bản thân ông Tất Thành Cang có thể còn phải đối mặt với một nguy cơ khác. Trong những ngày gần đây, nhiều dư luận cho rằng ông Cang có thể phải chịu kỷ luật bởi một số sai phạm tại khu đô thị Thủ Thiêm vào thời ông Cang còn là Bí thư quận 2.
Có lẽ “gia tộc Lê Thanh Hải” đang lộ ra những dấu hiệu đầu tiên về sự sụp đổ cho một ngày không còn xa nữa.

“Anh Sáu kêu gỡ bài xuống!”

 Tất Thành Cang và Đinh La Thăng
Thảo Vy (VNTB)-Hiện nay, có nhà báo nào ở Sài Gòn ‘dám’ viết trên trang facebook cá nhân về những lùm xùm đất đai liên quan đến Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, đều nhận được điện thoại từ ông Nguyễn Đức Thọ, đương nhiệm Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, rằng: “Anh Sáu kêu gỡ bài xuống!”.
‘Anh Sáu” là cách gọi thân mật đối với Phó Bí thư Thường trực Tất Thành Cang.
Quận 2: lãnh địa của nhóm quyền lực dòng họ Lê – Trương?
Nhà báo Nguyễn Tường Minh, cựu phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng, hiện là chủ biên báo Người Tiêu Dùng, cho rằng đã đến lúc cần nhìn thẳng vào chuyện người dân mất đất ở Thủ Thiêm; trong đó có Hòa thượng Thích Không Tánh, chủ trì Chùa Liên Trì đã bị cướp đất thô bạo, tất cả đều liên quan đến ông Tất Thành Cang khi ông là Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 2 từ năm 2009 đến năm 2012.
Nhà báo Nguyễn Tường Minh kể: “Đây là bức ảnh chụp vào ngày 2/5/2015, giữa buổi họp được chủ trì giữa Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình (ông 6 Bình) và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang (ông 6 Cang), bàn về vấn đề Thủ Thiêm. Ông 6 Cang từng thời gian nhiều năm trấn giữ chức vụ Bí thư Quận ủy Quận 2, cũng là một trong những quan chức liên quan trực tiếp đến quá trình xử lý khiếu nại tố cáo đền bù đất đai dai dẳng tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM. Có một điều phải nhìn nhận, đã quá nhiều năm, giới chức Sài Gòn dường như kín kẽ khi nhắc về vấn đề giải quyết khiếu nại, khiếu kiện kéo dài của người dân Thủ Thiêm. Mọi người dường như cố tránh né về thực tế rất nhiều người dân nghèo đã phải đánh đổi phần đất chôn nhau cắt rốn gia đình mình để phục vụ cho sự phồn vinh và thay đổi giàu sang của Quận 2 ngày nay”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang (người đang ngồi).
Năm 1997, khi thành lập Quận 2, bà Trương Thị Hiền, vợ của ông Lê Thanh Hải được ‘bố trí’ ghế phó chủ tịch quận. Bà Hiền là em ruột bà Trương Mỹ Hoa, khi ấy là Phó Chủ tịch Nước. Chủ tịch quận 2 lúc mới thành lập là ông Chín Lực, nguyên phó Bí thư thường trực Quận 5 được điều sang.
Do biết trước thời gian sẽ chia tách quận, nên từ trước năm 1997, nhiều quan chức đã cho người thân đứng tên sang nhượng lại đất nông nghiệp ở khu vực Thủ Thiêm; trong đó có gia đình ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Hữu Tín (ông Tín xuất thân từ Đảng bộ Quận 5, chức vụ cuối cùng trước khi rời chính trường là phó Chủ tịch UBND TP.HCM).
Ông Trần Minh Đức, cựu Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, kể: Công ty cổ phần Thế Kỷ 21 (cổ đông là các phóng viên, nhân viên báo Tuổi Trẻ) được UBND TP.HCM chấp thuận địa điểm đầu tư khu dân cư mới tại phường Bình Trưng Tây (quận 2, Sài Gòn) từ năm 1997. Việc thỏa thuận đền bù các hộ dân diễn ra nhanh chóng vì thuận mua, vừa bán. Thế nhưng dự án kéo dài đến năm 2005 vẫn bị vướng vì có 3 hộ (Nguyễn Hữu Tấn, em ruột phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín) không đồng ý, dù đã được tăng tiền đền bù gấp 4 lần so “dân đen”.
“Sở dĩ ba hộ có thái độ “muốn gì được nấy” vì dựa vào một số mối quan hệ quen biết. Trong quá trình thương lượng đã có nhiều cuộc điện thoại, thư tay của một số giám đốc sở, cựu lãnh đạo UBND TP, Văn phòng Chính phủ…”. Ông Trần Minh Đức nói.
Thế nhưng, lịch sử chưa bao giờ lãng quên!
“Khi mà dòng thời gian từng bị che mờ bằng quyền lực, khi mà hàng loạt khu đất sang trọng mọc lên, mang lại lợi nhuận chục ngàn tỷ cho nhiều đại chủ đất ngày nay, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp ánh mắt đau khổ của các ông, bà cụ suốt hơn chục năm cầm đơn kêu cứu khắp nơi, với hy vọng tìm lại công bằng trong chính sách đền bù đất đai và hiểu về giá trị của sự hy sinh cho lợi ích quốc gia. Nút thắt lịch sử nằm ở đâu?”. Nhà báo Nguyễn Tường Minh đặt câu hỏi, và cho rằng một trong những nguyên do khiến tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị phải đóng cửa, chính là việc Tổng biên tập Đặng Tâm Chánh của tờ báo này đã dũng cảm muốn tìm kiếm câu trả lời, cách đây nhiều năm. Thế nhưng, hầu như sống giữa thành phố này mà đặt câu hỏi “khó” về Thủ Thiêm, dưới vương triều cũ, ắt hẳn sẽ có cơn bão tố kéo tới vùi dập tất cả sự thật, và nhiều thứ tiếp tục rơi vào lãng quên.
“Hôm nay có thể đã khác. Nếu thực sự Chính phủ xác lập cam kết dùng sự liêm chính, kiến tạo để vận hành bộ máy lo cho dân, tôi nghĩ đã đến lúc bức màn tối che phủ quanh Thủ Thiêm cần phải kéo xuống, trả lại cho mọi người biết sự minh bạch trong suốt quá trình thu hồi đất vừa qua. Tôi nghĩ ai cũng đều muốn và sẵn sàng hy sinh tài sản của mình vì lợi ích chung của quốc gia. Chỉ là người ta không muốn mình hiến dâng tài sản cho quá trình vận hành sai trái của một số quan chức điều hành địa phương, phục vụ cho lợi ích nhóm. Rất nhiều người không dám nói ra, nhưng hầu như mọi người đều hiểu “nút thắt lịch sử” là do những con người nào từng gây ra. Và người ta cũng tin rằng, lịch sử sắp thay đổi tại Sài Gòn này.
Bởi hơn ai hết, muốn hiểu về những điều bí ẩn phía sau quyết sách tại Thủ Thiêm nhiều năm qua, người mà các cơ quan nội chính Trung ương cần truy vấn đầu tiên chính là ông 6 Cang. Đúng hay sai? Khởi tố vụ án liên quan đến Thủ Thiêm hay không khởi tố? Đó đều là quyết sách cần cân nhắc rất thận trọng của những nhà lãnh đạo có lương tri, vì dân”. Nhà báo Nguyễn Tường Minh chia sẻ.
Xem ra thì bữa tiệc nào cũng đến lúc phải tàn!

Trở lại với đám “quan con – con quan”

04/18/2018 - 05:19 — truongduynhat
“Những đứa trẻ ranh. Mới hôm rồi chỉ biết vọc tiền chơi gái, thoắt cái khoác áo vét cà vạt chễm chệ trên đỉnh cao quyền lực cai trị, hoạch định chính sách kinh tài quốc gia.
Đất nước này, tổ quốc này, non sông này đâu phải cái chiếu giỗ để phân chia mâm bát cho vài gia đình dòng tộc.
Có bao đứa nhận thức được rằng mỗi lúc ra đường, chúng phải gằm mặt hổ nhục khi nghe thiên hạ dè bỉu khinh khi chửi chê bố mẹ chúng bằng những cái tên X mai mỉa?
Đường quan dựa lưng bố, không chỉ hình thành nên một thế hệ quan chức X tai hại, mà còn vô tình tiếp sức cho các thế hệ X con cháu sau này tiếp tục coi sân quan như sân nhà, coi việc nước như việc của… bố chúng nó. Ấy là cái hỏng của việc nước, hỏng về dài lâu”.
Bức ảnh ghép này, cùng loạt bài về nạn “thái tử đảng”, tôi viết từ cuối năm 2015.
Cuộc “đốt lò” lịch sử, đã không chỉ đốt thiêu cha ông chúng, mà chính bản thân chúng, lũ quan con – con quan ấy, có đứa đã phải rời chính trường trong tủi nhục ê chề.
Hôm qua, thêm một đứa bị bêu danh. Có lẽ không chỉ nó, khả năng sẽ dẫn đường đến… bố nó. Nhiều đứa khác, củi lửa cũng đã nóng đít rồi.
Vâng, đất nước này, tổ quốc này, non sông này không phải cái chiếu giỗ để phân chia mâm bát cho vài gia đình dòng tộc.
Để xem, sẽ đến lượt đứa nào. Còn được đứa nào tồn tại, sau cuộc “đốt lò” lịch sử này?

Nền Giáo Dục Của Một Quốc Gia Độc Lập

04/18/2018 - 00:49 — tuongnangtien
Không có gì quý hơn độc lập tự do”
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Nguyễn Chí Thiện
Vào buổi khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, 3 tháng 9 năm 1945, Chủ Tịch Nước Hồ Chí Minhlong trọng tuyên bố: “Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập.” Ngay “giờ phút” đó, chắc chắn, toàn dân không ai có thể hình dung ra được là cái “nền giáo dục của một nước độc lập” nó mắc (tới) cỡ nào?
Phải đợi đến gần hai phần ba thế kỷ sau, giá cả mới được ghi rõ – theo Mỹ Kim bản vị – trên báo Sài Gòn Tiếp Thị:
“Tháng Bảy mới là thời điểm chính thức các trường đầu cấp nhận hồ sơ tuyển sinh, nhưng hiện nay tại Hà Nội, cuộc chạy đua vào lớp 1 đã lên đến đỉnh điểm. Dù không giấy mực hay tuyên bố chính thức ‘giá’ vào trường điểm là bao nhiêu, nhưng các bậc phụ huynh đều hiểu muốn cho con vào trường mình mong muốn đều phải mở hầu bao. Một suất vào trường điểm lên đến cả vài nghìn USD.”
“Vài” là bi nhiêu? 
Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế có con số chính xác hơn: VN đứng hạng nhì trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương về giá hối lộ cho một năm học vào trường công lập. Phải trả ba ngàn đồng để mua một chỗ ngồi học trong những trường công lập uy tín là một khoảng tiền rất lớn trong một đất nước mà lợi tức trung bình hằng năm chỉ nhỉnh hơn hai ngàn hai trăm đô chút xíu. (“A Transparency International report has found Vietnam to have the second highest bribery rates for public schools in the Asia Pacific region. It costs up to $3,000 to buy a place at the most sought after public schools, a huge expense in a country where annual average incomes barely top $2,200).”

Không có thông tin nào về giá để được dậy ở trường điểm Hà Nội cả nhưng chắc chắn là cũng không rẻ lắm vì ngay ở những vùng xa/vùng sâu mà số tiền (“chạy cho một suất”) cũng đã cao ngất trời rồi – theo báo Lao Động, số ra ngày 14 tháng 3 năm 2018: “Để được ký hợp đồng ngắn hạn và lời hứa vào biên chế, có giáo viên phải chi từ 200-300 triệu đồng nhưng cuối cùng vẫn không có việc làm ổn định.”

Nguyên do đưa đến hoạn nạn (“tiền mất tật mang”) được báo Tiền Phong, số ra cùng ngày, cho biết thêm chi tiết:

“Chuyện hàng trăm giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) sắp mất việc có nguồn cơn từ việc 3 đời lãnh đạo huyện này đã ‘ký bừa’ hợp đồng với hơn 600 giáo viên, nhân viên giáo dục.”
May mắn là Bộ Giáo Dục Đào Tạo đã lên tiếng “can thiệp” kịp thời, và “đề nghị” một phương cách giải quyết (hết sức vô tư) như sau:
“Công đoàn giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Lắk, Sở GD&ĐT có giải pháp can thiệp ... đề nghị các cơ quan liên quan sớm có phương án sắp xếp, bố trí việc làm cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các giáo viên làm việc tại địa phương.”
Với “hướng tiếp nhận tối đa” thế này thì nhiều lớp học sẽ có hai hay ba giáo viên phụ trách. Người đứng đầu, người đứng cuối, và nếu vẫn dôi dư thì nhét thêm một ngồi giữa (lớp) nữa là xong. Học sinh sẽ được dậy dỗ kỹ càng hơn, và – chung cuộc – chả ai bị mất việc cả. Nhờ vậy, giới quan chức địa phuơng sẽ hết phải thấp thỏm, và phải nhờ đến trung ương can thiệp – như tin loan của báo Dân Trí hôm 28 tháng 3 năm 2018: “Đắk Lắk đề nghị báo chí tạm dừng đưa tin 500 giáo viên mất việc ... nhằm tránh làm nóng vấn đề.”
Vấn đề, thực ra, không chỉ giới hạn vào chuyện bạc tiền. Giáo giới còn phải trả giá bằng nhiều hình thức khác nữa cơ.
Hôm 16 tháng 11 năm 2016, tờ Vietnamnet ái ngại cho hay: “Chuyện giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh được điều đi tiếp khách đã làm nóng phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT sáng nay.” May thay, câu chuyện đã nguội ngay, ngay sau khi ông Phùng Quang Nhạ giải thích (xuê xoa) rằng có nhiều vị khách tưởng giáo viên là tiếp viên nên chỉ “vui vẻ chút thôi” – chứ cũng không có gì là nghiêm trọng lắm!
Đến đầu tháng ba năm 2018 thì có “sự cố” khác, nóng hơn chút xíu, khi báo chí đồng loạt loan tin: Cô giáo phải qùi gối trước phụ huynh. Đến cuối tháng này lại có thêm chuyện nóng mới: Phụ huynh đánh cô giáo mang thai nhập viện!
Bạo lực học đường, nói cho nó công tâm, không chỉ đến từ một phía. Cha mẹ học sinh, đôi khi, chỉ vì “nóng lòng báo thù” cho con cái nên  hơi quá tay chút xíu thôi. Giáo chức, không ít vị, cũng rất đáng bị trách phạt bằng những hình thức nặng nề hay thô bạo:
Ảnh:  giaoduc.net
Điều an ủi là loại cô thầy bất nhân tuy nhiều nhưng ... không nhiều lắm. Bên cạnh thành phần bất hảo, vẫn có những nhà mô phạm tận tâm và khả kính.
Ngày 23 tháng 3 năm 2018 – ông Trần Tuấn Khanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang – cho biết: “Đến thời điểm này toàn tỉnh có trên 3.000 em học sinh không trở lại lớp từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 ... Đa số là học sinh lớp 8, 9. Các em này một phần do hoàn cảnh khó khăn, ăn tết xong các em theo gia đình lên những thành phố lớn để làm ăn. Mặc dù các em chưa đến tuổi lao động nhưng cũng đi theo cha mẹ.”
Đây là tình trạng phổ biến trên toàn quốc chứ không riêng chi ở An Giang. Đôi nơi, giáo viên đã hết sức tận tụy trong việc tìm lại học trò – theo như lời tự thuật của thầy giáo Vũ Văn Tùng:
“Những ngày tháng Ba khi hoa Pơ Lang đang nở đỏ rực trời Tây Nguyên, những giáo làng vùng sâu chúng tôi lại tất bật với hành trình lên nương tìm kiếm học trò. Khoác vội chiếc ba lô và cưỡi lên ‘con ngựa sắt’ già, tôi lại bắt đầu một cuộc hành trình hơn 40km đi tìm kiếm học trò. Sau gần 2 giờ đồng hồ rong ruổi đường rừng, tôi tìm thấy em trong một túp lều giữ rẫy của người dân vào đúng giờ nghỉ trưa.
Vừa nhìn thấy tôi, em ngượng ngùng đứng nép vào vai bạn. Tôi tiến lại gần em và nói: về với thầy với lớp đi em. Bỗng có tiếng lanh lảnh của một người phụ nữ trạc tuổi 40 ‘sao anh lại cướp công của tôi?’ và kèm sau đó là những ngôn từ chua chát khác.
Loay hoay tìm hết lời lẽ vận động, giải thích, mãi đến xế chiều thầy trò tôi mới được người phụ nữ ấy tha cho về với 60.000 đồng là nửa ngày công của em.
Đưa em về nhưng trong lòng tôi vẫn canh cánh một nỗi lo vì không biết sẽ giữ được em bao lâu khi mà gánh nặng mưu sinh đang đè nặng trên đôi vai cô học trò bé nhỏ.”
Thầy Tùng khiến tôi thốt nhớ đến tâm sự của một một nhà văn tiền bối:
“Sau khi đỗ tiểu học, tôi thi vào Trung -học. Những bạn của tôi ở từ các tỉnh tới, nói nhiều giọng khác nhau: Quảng - nam, Quảng -ngãi, Thừa -thiên, Bình – thuận, Ban- mê- thuột... Sau mỗi kỳ nghỉ Tết mỗi kỳ nghỉ Hè, lũ bạn đi học mang theo quà địa phương của mình. Bạn Quảng-nam mang theo khoai lang khô và bánh tổ, bạn Quảng-ngãi mang theo đường phổi, bạn Phan-thiết mang theo nước mắm nhĩ, còn rim mức, kẹo mè, bánh in, bánh cốm thì gần như không ai không có...
Ngoài những bạn học người kinh, ký túc xá còn nhận những học sinh người Rhadé, những Y Bliêng, Y Phơm, Y Bih, R’om Rock, Nay Phin... Họ đồng phục kaki vàng và trao đổi trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Pháp... Những buổi chiều trong sân trường, Y Phơm hay biểu diễn môn bắn ná cho chúng tôi xem và mách rằng: ‘Thằng Y Bliêng đó, nó giầu lắm. Nhà nó có năm con voi và nhiều con trâu... Ở ký túc xá ăn, học, ngủ đều đúng giờ giấc nhưng khi thích chúng tôi vẫn lén nhẩy rào hay chun rào ra phố xem xi-nê...” (Võ Hồng. Người Về Đầu Non. NXB Văn: Sài Gòn, 1968).
Nhà văn/nhà giáo Võ Hồng sinh năm 1921, và bắt đầu dậy học từ năm 1943. Tuổi ấu thơ và tuổi học trò của ông đều gói trọn trong thời gian nước nhà còn bị đô hộ và lệ thuộc. Phải đợi đến ngày 3 tháng 9 năm 1945, ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chủ Tịch Hồ Chí Minh mới long trọng cho biết: “Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập.”  
 “Không có gì quý hơn độc lập tự do”
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
 (Nguyễn Chí Thiện)
Đến giờ thì không riêng đồng bào miền Bắc mà dân chúng mọi miền, kể luôn miền ngược, cũng đều biết việc nó làm, tội nó phạm ra sao!