Tuesday, April 28, 2015

Người Hà Nội trước 30 tháng 4 năm 1975

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-04-28
Các anh bộ đội được tuyên truyền phải mở cửa vĩ tuyến 17 để mang ánh sáng tự do và văn minh đến cho đồng bào miền Nam đang bị nghèo đói

Các anh bộ đội được tuyên truyền phải mở cửa vĩ tuyến 17 giải phóng miền nam để mang ánh sáng tự do và văn minh đến cho đồng bào miền Nam đang bị nghèo đói  Files photos
Nếu như với người Sài Gòn, biến cố 30 tháng 4 năm 1975 là một sự chia lìa, một nỗi mất mát và là vết thương khó phai… thì với người Hà Nội, ở một thành phố từng được tuyên truyền bằng mọi giá phải vào giải phóng miền Nam, mở cửa vĩ tuyến 17 để mang ánh sáng tự do và văn minh đến cho đồng bào miền Nam, biến cố 30 tháng 4 là một sự ngỡ ngàng, bàng hoàng và nuối tiếc về một điều gì đó rất mơ hồ. Những người từng tham chiến trong công cuộc “giải phóng miền Nam” chia sẻ kinh nghiệm của họ sẽ cho thấy điều đó.
Tiếc nuối và ngỡ ngàng
Một người lính buồn bã nói: “Đầu tiên mình phải xác định kỹ, kiểu như hai anh em con bố mẹ đã chia nhà, có sổ đỏ riêng, vậy thì người ta chơi với ai, lấy ai là việc của người ta, thì đừng can thiệp vào, đó là chuyện của người ta, cớ gì mà anh bảo người ta chơi với người này người nọ. Như Bắc với Nam đã chia nhau qua vĩ tuyến sau hiệp định Geneve, đã là hai quốc gia, theo quốc tế vậy thì cớ gì anh. Như cuốn truyện viết ra thì được làm phim. Mãi sau này vẫn bị cắt nhiều chữ như truyện gọi người lính phía Nam là quân lực Việt Nam Cộng Hòa, sau này, họ cắt sạch và làm phim, phim trình chiếu hai buổi thì bị cấm...”
Theo nhà văn không muốn nêu tên này, câu chuyện chiến tranh những tưởng đã khép lại sau mốc 30 tháng 4 nhưng trên thực tế, nó chỉ bắt đầu hé lộ và càng về sau, nó càng lộ diện kể từ 30 tháng 4 năm 1975. Và ông cảm thấy xót thương, tiếc nuối cho hàng núi máu xương của thế hệ ông và nhiều thế hệ khác, ông cảm thấy tiếc nuối cho hàng triệu dự án còn đang dở dang và hàng trăm ngàn công trình bị chiến tranh thiêu rụi một cách vô lý.
Và đáng sợ nhất là chiến tranh súng đạn đã kết thúc cách đây 40 năm nhưng chiến tranh tâm hồn vẫn còn dai dẵng mãi cho tới hôm nay và chưa biết bao giờ sẽ ngừng lặng. Vết thương chiến tranh tâm hồn ngày càng toang hoác, tấy mủ và người ta không ngừng nghỉ dày xéo lên nó như một nỗi kiêu hãnh đầy tính bản năng giết tróc.
Ngay ở tuổi thơ và tuổi trẻ của ông, ông hãnh diện mình là một người lính, ông được học trong môi trường chiến tranh và được dạy cho những bài học về lòng hận thù, những bài thơ của Tố Hữu hay những ca khúc của Lưu Hữu Phước, Phạm Tuyên, Trần Hoàn một thời làm sôi sục dòng máu tuổi trẻ của ông, thúc giục đôi chân ông lên đường để thực hiện giấc mơ cứu nước.
Khi vào đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, ông thật sự bị sốc vì miền Nam quá hiện đại, mọi thứ nghèo khổ mà ông từng học, từng nghe nói đều không thấy, chỉ thấy sự giàu có, hoa lệ và hiện đại. Liền lúc đó, không ít người mau chóng chuyển hóa sự hụt hẫng của một anh hùng giải phóng
Một người lính
Dường như thế hệ của ông, chừng mười ba tuổi đã được đào tạo tất cả mọi kĩ năng của một người lính trưởng thành mặc dù có người đứng còn thấp hơn mũi súng. Nhưng khi cần thiết, họ sẵn sàng mang súng ra chiến trường và cứ như vậy mà bóp cò, thẳng tiến. Bởi lý tưởng tuổi trẻ bao giờ cũng cao đẹp, trong sáng, thấy bất bình là không chịu nổi. Trong khi đó, từ giáo dục đến tuyên truyền miền Bắc lúc bấy giờ đều nói rằng Việt Nam Cộng Hòa xấu xa, người dân miền Nam nghèo đói, mất tự do và cần những người như ông đến cứu giúp.
Và tuổi trẻ của ông cùng nhiều thế hệ thanh niên miền Bắc đã gửi trọn vào chiến trường miền Nam, đánh miền Nam như một niềm tự hào lớn để thực hiện lý tưởng của tuổi trẻ. Nhưng khi vào đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, ông thật sự bị sốc vì miền Nam quá hiện đại, mọi thứ nghèo khổ mà ông từng học, từng nghe nói đều không thấy, chỉ thấy sự giàu có, hoa lệ và hiện đại. Liền lúc đó, không ít người mau chóng chuyển hóa sự hụt hẫng của một anh hùng giải phóng sang reo vui cướp chiến lợi phẩm của kẻ thắng cuộc.
 Cái loa tuyên truyền trên khắp nẻo đường là cái cơ bản của các quốc gia cộng sản.
Và cũng chính vì trải qua quá lâu trong khói lửa chiến tranh, mệt mỏi, thù hận và lý tưởng cháy bỏng, khi chiến thắng, hiện thực đời sống miền Nam phơi bày, nhiều người đã thất vọng, chuyển sang đập phá, hung hãn. Tất cả những biểu hiện này như một sự trả thù chiến tranh phi lý. Và với ông, với tư cách một người cầm bút, ông đã nhiều lần xót xa, tiếc nuối cho hàng tấn sách quí đã bị thiêu rụi trong công cuộc cải cách miền Nam.
Vẫn chưa hết sự phân biệt đối đãi
Một người đàn ông khác, không muốn nêu tên, là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau hiệp định Geneve và trở về miền Nam trong tháng 3 năm 1975, chia sẻ: “Hàng năm, nhà nước chọn và chiếu những phim nói về giải phóng miền Nam và cho chiếu những con người gọi là nhân chứng lịch sử nói về ngày đó. Cho đến bây giờ tôi thấy chẳng tin nữa và cá nhân tôi chưa bao giờ thấy có chuyện giải phóng 30 tháng 4, chẳng có chuyện ấy dâu, nó chỉ là cuộc xâm chiếm. Sự phân biệt đối xử vẫn còn nặng nề…”.
Theo vị này, sai lầm lớn nhất của một dân tộc chính là sự phân biệt đối đãi, xét nhân cách theo lý lịch gia đình và phân bổ công việc theo thành tích chiến tranh. Nhưng ngay cả việc phân bổ công việc theo thành tích chiến tranh cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt, một ông bán tiết canh lòng lợn không có chữ nghĩa cũng có thể lên làm chủ tịch xã, thậm chí chủ tịch huyện, một anh học chưa hết phổ thông trung học nắm quyền chủ tịch tỉnh, một anh chưa bao giờ biết trường đại học dài ngắn vuông tròn ra sao lại có thể lên làm nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo đất nước.
Hàng năm, nhà nước chọn và chiếu những phim nói về GPMN và cho chiếu những con người gọi là nhân chứng lịch sử nói về ngày đó. Cho đến bây giờ tôi thấy chẳng tin nữa và cá nhân tôi chưa bao giờ thấy có chuyện giải phóng 30 tháng 4, chẳng có chuyện ấy dâu, nó chỉ là cuộc xâm chiếm. Sự phân biệt đối xử vẫn còn nặng nề
Một cán bộ miền Nam tập kết
Tất cả chủ trương xét việc, xét người dựa trên thành tích chiến tranh đã làm cho đất nước vốn nghèo đói sau chiến tranh trở nên rệu rã và toang hoác. Những gì cần giữ lại, người ta không đủ văn hóa để hiểu biết giá trị của nó nên đã cho đập phá, những gì không có giá trị thì lại được phong thánh, lại xem như chân lý. Chính sự sai lầm mang tính khủng hoảng chất xám này đã nhanh chóng đẩy đất nước xuống vực nghèo đói, lạc hậu.
Và sự phân biệt đối đãi theo lý lịch này vẫn còn một vệt nối dài cho đến hôm nay. Hàng triệu thanh niên tài năng đã phải vượt biển, hàng triệu thanh niên tài năng khác không thoát thân được đã cam chịu thân phận cần lao để tồn tại bởi lý lịch của họ không đỏ. Cái chính sách “vừa hồng vừa chuyên” đã giết chết tương lai Việt Nam. Và cũng như bao người lính Cộng sản khác từng ôm lý tưởng giải phóng đất nước, từng chịu cực khổ nơi miền Bắc xa xôi và chịu cảnh vợ trước vợ sau theo chủ trương của đảng, nhà nước, ông cảm thấy gia đình là một hệ lụy của chiến tranh.
Nghĩa là bất kì người lính Cộng sản miền Nam nào tập kết ra Bắc đều được đảng sắp xếp cho cưới một cô vợ người Bắc để tiếp tục sinh ra những người lính Cộng sản khác và xem miền Bắc là quê hương thứ hai. Và ông cũng không thoát khỏi chủ trương này, mặc dù đã có vợ và ba người con ở miền Nam, ông vẫn phải lấy vợ và đẻ tiếp hai người con nữa trên đất Bắc.
Và ngay trên đất Bắc, lý lịch con nhà phong kiến của ông cũng làm khó ông trăm bề, nhiều lúc ông chỉ muốn chết cho xong chuyện.
Khi hai miền nối liền, trở ngại đầu tiên của ông chính là sự chênh lệch thân phận và kiến thức giữa con đời trước và con đời sau. Những người con đời trước tại miền Nam có người là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhưng các con sau lại là những người lính Cộng sản trung thành. Quan niệm và tư tưởng của hai bên khác nhau, quyền lợi và rủi ro cũng đối lập nhau. Ông trở thành tấm khiêng chịu đòn.
Ông lấy làm tiếc nuối cho một thời tuổi trẻ, thay vì học hành mở rộng tầm mắt, ông đã dán mắt vào chiến tranh. Và dư âm của nó lại ùa về, che kín tâm hồn ông mỗi khi được mời dự lễ ăn mừng chiến thắng. Với ông, đó là nỗi buồn và là vết thương. Nếu như ai đó reo hò thì ông chỉ thấy âm ỉ một nỗi đau về một thời tuổi trẻ đã tự trầm, trôi hun hút!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Giới trẻ nghĩ gì về hoạt động kỷ niệm ngày 30/4

Hải Ninh, phóng viên RFA
2015-04-28
Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra bạo hơn vào dịp cận 30 tháng 4.
Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra bạo hơn vào dịp cận 30 tháng 4.  Nhóm TT từ VN/RFA
Sáng 26/4, hàng nghìn người tham gia lễ diễu binh tổng duyệt chào mừng ngày 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Biến cố của cuộc chiến tranh xảy ra 40 năm trước đã đưa Đảng Cộng sản lên nắm quyền tại Việt Nam và một bộ phận người Việt phải đi di tản. Giới trẻ nghĩ gì về những hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày 30/4 này.
Dự kiến, có khoảng 10.000 người sẽ tham dự lễ mít tinh kỷ niệm ngày 30/4 tại Sài Gòn trong tuần này. Trong buổi lễ tổng duyệt sáng chủ nhật ngày 26/4, người ta thấy từng đoàn quân diễu hành qua khu vực trung tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Một nhóm diễu hành còn tái hiện hình ảnh Bà Trưng cưỡi voi, trong đó, voi được làm bằng một giá sắt có bốn bánh xe. Một số người trên mạng xã hội Facebook đùa rằng việc thay voi thật bằng voi “dởm” là một sáng kiến rất tuyệt vời trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.
Những hoạt động rầm rộ chuẩn bị cho ngày 40 năm kỷ niệm chấm dứt chiến tranh đã gây xáo trộn đời sống của người dân thành phố do nhà tổ chức cấm xe lưu thông trong khu vực trung tâm. Blogger Mẹ Nấm cho biết:
"Mọi người đều cảm thấy mệt mỏi vì việc chặn đường để kỷ niệm lễ 30/4 làm ảnh hưởng và xáo trộn. Một anh bạn nhà văn của mình rất hiền, rất vui vẻ mà còn phải chửi thề khi đứng trong đám đông và chứng kiến một gia đình có con đi cấp cứu ở bệnh viện nhi đồng mà không thể băng qua dòng cấm xe để tới bệnh viện nhi đồng.
Cái việc chặn xe đặc biệt ở khu vực quận nhất ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Cho nên hầu như mọi người, cả những người chưa bao giờ thấy bày tỏ thái độ về chính trị, cũng thấy rất phiền toái. Một số lại nói rất thẳng thắn rằng sao bọn họ không tự tổ chức lễ kỷ niệm với nhau lại làm ảnh hưởng tới đời sống người dân như thế."
Một gia đình có con đi cấp cứu ở bệnh viện nhi đồng mà không thể băng qua dòng cấm xe để tới bệnh viện nhi đồng. Cái việc chặn xe đặc biệt ở khu vực quận nhất ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Cho nên hầu như mọi người, cả những người chưa bao giờ thấy bày tỏ thái độ về chính trị, cũng thấy rất phiền toái

Blogger Mẹ Nấm

“Tôi không kỷ niệm ngày 30/4”

Một bạn trẻ tên là Phan Long ở Tây Nguyên nói với chúng tôi qua Facebook, rằng những hoạt động trên là “lố bịch”.
Long cho rằng đó là ngày khởi đầu của việc niềm nam rơi vào tăm tối, vì sau đó theo bạn Long, mới thực khủng khiếp. Bạn lấy ví dụ chẳng hạn như việc chính quyền mới đánh tư sản mại bản, hay việc hàng trăm người Việt Nam buộc phải di tản, trở thành thuyền nhân, có người thì làm mồi cho cá mập.

Blogger Mẹ Nấm cũng gọi đây là một hoạt động kỷ niệm rầm rộn ở Sài Gòn là một “trò lố”.
"Những người biết suy nghĩ và tiếp nhận đủ thông tin, không ai coi đây là dịp ăn mừng hay coi đây là dịp chiến thắng hết. Vì dân tộc Việt Nam đã quá đủ đau khổ rồi và dân tộc này đang tụt hậu so với các nước ASEAN chứ không nói gì đến thế giới."
Trên mạng xã hội Facebook, một số các bạn trẻ đã thay đổi hình đại diện thành một hình ảnh có dòng chữ: Tôi không kỷ niệm ngày 30/4. Đi kèm theo đó là hình vẽ một chiếc xe tăng.
Blogger Mẹ Nấm cho biết ý tưởng này xuất phát từ một nhóm nhỏ trên Facebook và dần lan ra cộng đồng mạng:
Đường Cách Mạng Tháng Tám kẹt xe cả cây số vào hôm 26.4.2015 (TTVN/RFA)
Đường Cách Mạng Tháng Tám kẹt xe cả cây số vào hôm 26.4.2015 (TTVN/RFA)
"Bọn mình đọc và chứng kiến khá nhiều bài viết và lời kêu gọi về lễ kỷ niệm 30/4. Thực sự ở ngoài nó làm rất rầm rộ, treo cờ và giăng đèn ở khắp nơi, cũng như các chương trình nghỉ khá dài và cộng thêm các chương trình ca nhạc và lễ hội khá lớn trong dịp 30/4.
Một nhóm anh em nói rằng đã đến lúc mình có thái độ rằng tôi không muốn tổ chức lễ này, tôi không muốn ăn mừng lễ này. Mặc dù mình không là người nắm cái quyền chủ động kỷ niệm lễ chỉ có thể thể hiện bằng cách là tôi không kỷ niệm 30/4 theo cái cách mà những người lãnh đạo đang làm."
Bạn Phạm Nam Hưng, ở Sài Gòn, cho biết bạn cũng thay đổi hình đại diện theo nhóm bạn của mình. Hưng nói:
"Ngày trước em nằm trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hồi còn là sinh viên. Sau đó, em tìm hiểu lịch sử thì ngày này không đáng để kỷ niệm. Ngày 30/4 là ngày chúng ta đã mất một chế độ tự do, ngày đó đồng bào ta đổ máu và nhiều người phải đi tị nạn."
Năm nào, Việt Nam cũng kỷ niệm ngày 30/4, được gọi là ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Năm nay có lẽ được cho là năm kỷ niệm hoành tráng nhất và Sài Gòn là nơi ăn mừng rầm rộ nhất. Ở các thành phố khác, dù lễ kỷ niệm vẫn diễn ra nhưng không lớn như Sài Gòn.
Ngày trước em nằm trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hồi còn là sinh viên. Sau đó, em tìm hiểu lịch sử thì ngày này không đáng để kỷ niệm. Ngày 30/4 là ngày chúng ta đã mất một chế độ tự do, ngày đó đồng bào ta đổ máu và nhiều người phải đi tị nạn
Phạm Nam Hưng
Trong dịp 30/4 này, chính phủ cho phép các cơ quan nhà nước nghỉ lễ dài 6 ngày. Đối với một bộ phận giới trẻ không quan tâm nhiều tới chính trị, đây chỉ là dịp lễ ăn chơi.
Thanh, 24 tuổi, làm việc cho một công ty về hình ảnh, cho biết thường thì dịp 30/4 là dịp cả công ty của bạn cùng nhau đi nghỉ. Năm nay, bạn cùng công ty đi biển ở thành phố Nam Định.
Thanh cũng chỉ nghe nói đến những hoạt động kỷ niệm ở Sài Gòn và cho rằng đây là một dịp quan trọng vì nó giúp thống nhất hai miền nam bắc.
Bạn Hải Long, ở Phú Yên, không tham gia phong trào thay đổi ảnh đại diện trên Facebook, tuy nhiên, cũng có chung quan điểm về việc không nên có kỷ niệm ngày 30/4.
Ở thành phố Phú Yên, bạn Hải Long cho biết, chính quyền đã kỷ niệm ngày theo bạn nói là ngày giải phóng vào hôm 1/4.
Bạn Long cho rằng hoạt động này quá tốn kém tiền thuế của người dân và không cần thiết. Hơn nữa, nó lại đi ngược lại với quan điểm của chính phủ về hoà hợp, hoà giải dân tộc. Long cho biết:
"Trên phương diện ngoại giao, người ta luôn nói rằng họ muốn hoà giải và kêu gọi kiều bào về nước về làm ăn, rồi với những người thuyền nhân xưa, chính quyền kêu gọi người ta quay về, quên đi chuyện cũ. Tuy nhiên, họ luôn luôn nói về chiến thắng thì không thể nào thực tâm muốn hoà giải được."

Theo kế hoạch, lễ mít tinh kỷ niệm ngày 30/4 sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng.

Quân nhân Mỹ gốc Việt chia sẻ nhân ngày 30/4

Hòa Ái, phóng viên RFA
2015-04-28
Hoa-Ai-620.jpg
Cựu Trung tá Ross Nguyễn Cao Nguyên và phóng viên Hòa Ái chụp tại RFA tháng 4/2015-RFA photo
Trong số gần 3000 quân nhân Mỹ gốc Việt hiện nay thì có khoảng 300-400 người trong số họ thuộc thế hệ 1.5, là những người được sinh ra ở VN trong thời gian chiến tranh nhưng lại sinh trưởng ở Hoa Kỳ. Nhân 40 năm ngày chiến tranh VN kết thúc, Hòa Ái có cuộc trao đổi với cựu Trung tá Bộ binh Ross Nguyễn Cao Nguyên để nghe chia sẻ về cuộc đời của ông luôn gắn liền với 2 chữ “chiến tranh”.
Hòa Ái: Hòa Ái xin phép được chào cựu Trung tá Ross Nguyễn Cao Nguyên.
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Cám ơn cô Hòa Ái. Nhân dịp này Cao Nguyên xin kính chào quý khán thính giả đài ACTD.
Hòa Ái: Xin phép được hỏi cựu Trung tá vào thời điểm hiện nay tưởng niệm biến cố 30/4, hồi ức của ông về những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh VN thì là ông nhớ lại là những hình ảnh gì?
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Thời gian thấm thoát đi quá mau. Cô Hòa Ái cũng biết, thấm thoát thế mà đã 40 năm rồi. Gia đình của Nguyên được may mắn đi vào ngày 27/4/1975 trên chiếc C141, tàu bay cuối cùng của Mỹ. Ngày hôm đó, một điều mà Nguyên nhớ mãi đến nay là khi gia đình đã được xong giấy tờ của Quân lực Hoa Kỳ, ngồi trong xe buýt chạy ra cuối phi đạo Tân Sơn Nhất đợi tàu bay C141 tới.
Nguyên còn nhớ ngày Chủ Nhật, 27/4 này, lúc đó Nguyên được 16 tuổi. Nguyên thấy một số binh sĩ nhảy dù của Quân lực VNCH, có thể kêu là một đại đội Nhảy dù trấn đóng để bảo vệ Tân Sơn Nhất. Họ đứng nhìn từ phía sau hàng rào (fence) nhưng không ai la hét hay chửi bới gì hết. Tất cả những người đứng đó với một cặp mắt mà đối với Nguyên là một cặp mắt vừa buồn, vừa giận và có một vẻ gì đó hơi khinh bỉ.
Đó là niềm nhớ mãi mãi ở trong lòng của Nguyên. Đối với Nguyên, Nhảy dù là một binh chủng rất là dữ dội của Quân lực VNCH, hãy còn trật tự, hãy còn giữ đầy đủ cái tư cách của một người lính đứng nhìn những người đã bỏ nước mà đi.
Đối với Nguyên đó là điều rất là buồn trong lòng của mình tại mình biết mình bỏ người ta đi nhưng đó là một cái chuyện không thể nào đoán được.
Hòa Ái: Thưa ông, theo những chia sẻ của ông thì những hình ảnh trong ký ức đọng lại trong lòng ông có ít nhiều tác động đến quyết định trong việc chọn lựa cuộc đời binh nghiệp cho mình hay không?
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Cô Hòa Ái phải biết, càng lớn tuổi chừng nào thì Cao Nguyên càng tin vào số mệnh chừng đó. Khi tôi khoảng chừng 12 tuổi thì đã nhất định đi theo bước chân của ba.
Ba của tôi là ông Nguyễn Đình Bản, Đại tá khóa 5 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Năm 1974, Nguyên nói với bố là “khi con thi xong tú tài thì con sẽ xin vào trường Võ Bị”. Năm 1975 mất nước mà khi mất nước rồi mình qua bên Mỹ thì ai cũng biết mình phải lo cuộc sống ở Hoa Kỳ nên chuyện vào trong quân đội bị chìm vào dĩ vãng. Nhưng đến năm 1983, khi Nguyên ra trường đại học rồi thì cảm thấy những điều mình đã trải qua từ năm 75 đến năm 83 có vẻ không đúng cái mộng mà mình muốn làm.
11025647_10203103439741974_9177133296691183971_n-400.jpg
Cựu Trung tá Ross Nguyễn Cao Nguyên và con trai.
Một hôm (trong công việc làm) được gửi đến Fort Sill, một căn cứ pháo binh của Hoa Kỳ ở Oklahoma thì Nguyên thấy mấy anh Thiếu úy đi qua đi lại rồi Nguyên tự hỏi là “không biết đời lính như thế nào”. Nguyên mới về kí giấy xin đi vào trong quân đội thì được Bộ binh nhận. Thấm thoát 28 năm sau, bây giờ con trai cũng ở trong quân đội Mỹ nên gia đình của Nguyên được 3 đời trong quân đội, rất là hãnh diện.
Hòa Ái: Ký ức tuổi thơ ở VN của ông gắn liền với chiến tranh dưới lăng kính của một cậu thanh niên vừa mới lớn; và trong cuộc đời binh nghiệp, ông từng có mặt ở nhiều chiến trường trên thế giới, nhân sinh quan của ông về chiến tranh có khác biệt so với hồi xưa không?
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Rất là khác biệt. Cô nói rất đúng! Sau 1 năm đóng ở Iraq, phục vụ cho quân lực Hoa Kỳ thì Nguyên đã thấy được rằng chiến tranh đối với Nguyên là một phương tiện cuối cùng. Khi mình không còn phương tiện nào khác nữa mà khi đi đến chiến tranh rồi thì cô biết chiến tranh rất là tàn khốc, người chết, người bị thương, nhà tan cửa nát, gia đình ly tán...
Cho nên đối với Nguyên nếu có cuộc cách mạng nào (revolution) hay việc gì đó thì trước nhất là phải hòa bình (peaceful). Muốn thay đổi thì tự thay đổi chứ không cần đụng đến chiến tranh. Khi đưa đến chiến tranh rồi thì khó lắm, cũng như trường hợp bên nước Syria bây giờ, hơn 4 triệu người dân Syria bị tan nát cho nên những người mặc quân phục rất sợ chiến tranh.
Không phải sợ là vì không đủ sức làm mà sợ là vì khi đưa đến chiến tranh rồi thì phải có đánh nhau và giết nhau. Vì đánh nhau, giết nhau và ghét nhau phải đến 3-4 đời người mới trở lại được hòa ái và thương yêu nhau nên Nguyên sợ chiến tranh lắm.
Hòa Ái: Có vẻ như mâu thuẫn khi ông chia sẻ chọn cuộc đời binh nghiệp nhưng lại sợ chiến tranh. Hiện nay, Hòa Ái cũng ghi nhận được một số những người trẻ ở VN thì họ vẫn không có thiện cảm với quân nhân Mỹ. Theo như lịch sử họ học ngày xưa “Mỹ là kẻ thù của VN”. Bây giờ vẫn còn một số người vẫn cho rằng lính Mỹ là lính đánh thuê. Nếu như có cơ hội nói chuyện với họ thì ông sẽ nói gì?
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Nguyên sẽ nói rằng lính Mỹ thật ra không phải là những người lính đánh thuê. Các bạn phải hiểu rằng nước Mỹ bây giờ vẫn là một cường quốc, vẫn là một nước giàu nhất trên thế giới mà khi mình đã giàu như vậy thì mình phải bằng mọi cách chia sẻ sự văn minh, sự tiến bộ, sự tự do dân chủ cho tất cả các nước mà mình có thể tiếp xúc được.
Không phải là mình đàn áp hoặc bắt người ta phải theo mình nhưng mà vì tự do và dân chủ, nước Mỹ đã trở thành một cường quốc như thế này. Một con người không thể nào bị đàn áp bởi tất cả chế độ nào hết. Chuyện Mỹ đi đánh là tại vì Mỹ đã thấy những người dân ở những nước bị đàn áp thật là khổ và thật là vô nhân đạo thì họ sẽ bằng mọi cách cố gắng để giúp những người dân đó. Như Nguyên đã nói, khi đã đụng đến chiến tranh thì Mỹ đánh là phải đánh cho cùng. Vì thế hiện giờ có nhiều chuyện rất là lủng củng trong chính quyền của Mỹ, nhưng tấm lòng của người Mỹ lúc nào cũng là tốt.
Hòa Ái: Câu hỏi cuối cùng là hiện nay có lẽ ông cũng biết VN có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Tình hình càng ngày càng leo thang. Mặc dù VN luôn chủ trương giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, trước những hành động hung hăng của Trung Quốc bây giờ, nhiều chuyên gia phân tích rằng biện pháp quân sự cũng không loại trừ. Ông nghĩ sao nếu trong trường hợp xấu nhất có xảy ra chiến tranh ở Biển Đông, liệu những cựu quân nhân Mỹ gốc Việt như ông sẽ có những đóng góp nào để bảo toàn lãnh thổ cho đất mẹ?
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Chuyện đó thì những người quân nhân Mỹ gốc Việt chúng tôi đã giơ tay tuyên thệ là phục vụ cho quân lực Hoa Kỳ. Cô cũng biết Hoa Kỳ hiện giờ đã bằng mọi cách trở về VN, không những về sinh hoạt kinh tế mà đến cả quân sự nữa. Không dám nói là vì sự đàn áp của Trung cộng nhưng mà ảnh hưởng của Trung cộng hiện giờ rất là mạnh trong vùng ĐNA, nhất là vùng của VN.
Sớm muộn gì nếu Trung cộng muốn bành trướng áp lực của họ bằng mọi cách chính trị hoặc là quân sự xuống ĐNA thì dĩ nhiên Hoa Kỳ không thể nào để chuyện đó xảy ra vì vùng đó rất là quan trọng về đường hải lộ. Nếu có chiến tranh xảy ra với Trung cộng thì chúng tôi, những quân nhân Mỹ gốc Việt, cũng phải tình nguyện hoặc bổ nhiệm đi vào những đơn vị đó và phải đánh. Nhưng theo cái kinh nghiệm của Nguyên với sự học hỏi của Nguyên là chiến tranh ở vùng ĐNA sẽ không đi tới tại vì ảnh hưởng về kinh tế, về xã hội của Trung cộng và nước Mỹ đã dính liền với nhau rất là nhiều, đưa đến chiến tranh thì rất là khó. Thể nào cũng đưa ra giải pháp yên ổn (tiếng Mỹ gọi là “peaceful solution”) nhưng với một điều kiện là quân đội Hoa Kỳ phải có mặt ở đó. Bây giờ Nguyên cũng thấy chính phủ VN và chính phủ Hoa Kỳ đã từ từ bắt tay lại, hợp tác với nhau rất là nhiều.
Hòa Ái: Xin được cảm ơn ông dành thời gian chia sẻ với quý khán thính giả của đài.

Một quả chôm, hai quả lừa

Theo Người Việt-04-28- 2015 7:02:24 PM
Ngô Nhân Dụng

Một câu chuyện khiến dư luận đang ồn ào đặt câu hỏi, từ Việt Nam qua Pháp và truyền trên mạng khắp thế giới. Câu hỏi là: Tại sao, nhân ngày 30 Tháng Tư sắp đến, các trang mạng mang tên các tay đầu sỏ đảng Cộng Sản lại đi “chôm” một bài cũ trên mạng của đài Á Châu Tự Do, RFA?

Ngày 6 Tháng Mười Một năm 2014, ký giả Tường An viết bài “Nước Ðức, 25 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ” trên mạng của đài RFA; trước ngày dân Ðức kỷ niệm bức tưởng ô nhục sập. Sáu tháng trôi qua, đầu tuần này, một bài “Kỷ niệm ngày thống nhất 30-4 - Bức tường Berlin sụp đổ: Bài học hòa hợp dân tộc của người Ðức” xuất hiện trên mạng mang tên Nguyễn Tấn Dũng. Tựa thay đổi nhưng nội dung giống hệt như bài cũ của Tường An. Bạn bè khắp thế giới hỏi Tường An, cô cho biết cả đời không bao giờ gửi bài cho cái blog Nguyễn Tấn Dũng! Kết luận: Chúng nó chôm!

Xin lỗi, “chôm” là một động từ xuất hiện ở Sài Gòn sau ngày 30, có nghĩa là ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, vân vân. Sau biến dạng thành từ kép: Chôm chỉa. Không biết gốc gác ngữ nguyên từ đâu. Chỉ có thể đoán do chữ “trộm” đẻ ra. Lúc đầu là tiếng lóng, sau biến thành ngôn ngữ hàng ngày. Thay vì nói: “Ðứa nào trộm/cướp/giựt/đớp/béng/ tháu... của chị vậy?” thì hỏi: “Ðứa nào chôm của chị vậy” Các đồng chí nghe trộm 24 trên 24 cũng không biết đang bị chửi.

Trong tuần này, vụ chôm chỉa đã “phát triển có hệ thống!” Bài của Tường An không những đăng trên một blog Nguyễn Tấn Dũng mà còn xuất hiện trên hàng chục cái blog mang tên các đầu sỏ Việt Cộng khác! Có thể liệt kê thành phần nhân sự như được bố trí đăng bài của Tường An: truongtansang.net; nguyensinhhung.net; trandaiquang.net; phungquangthanh.net; phambinhminh.net; tohuyrua.net; nguyenthikimtien.net; lehonganh.net; nguyenchivinh.org; vân vân. Blog nào cũng đăng cùng một bài “/buc-tuong-berlin-sup-do-bai-hoc-hoa-hop-dan-toc-cua-nguoi-duc.html.” Bài này đăng bên cạnh những bài khác với giọng điệu ca tụng đảng Cộng Sản, cho nên không phải người ngoài đã bầy đặt ra để làm trò cười.

Khi các đồng chí chôm, họ chôm tận tình, kiên quyết, nhiệt thành cách mạng. Họ là những “thợ chôm” có tay nghề, nghiệp vụ cao! Trước hết là họ đổi tên tác giả Tường An. Ký tên mới là Minh Anh. Minh? Chắc để nhắc nhở vị tổ sư truyền nghề chôm chỉa là Minh - mà đồng bào miền Bắc còn gọi là Minh Râu, hoặc ghép chữ họ H đổi thành Hinh. Thứ hai là họ bỏ hết tên của những người cung cấp hình ảnh. Trong bản gốc của đài RFA có ghi Hình ảnh (Photo) của AFP hoặc của duhocduc.edu. Trong bản chôm, những hàng “credit” đó biến mất. Họ không để trống, chắc sợ phí của, nên để trên hình tên của blog, hoặc truongtansang.net hoặc nguyensinhhung.net, vân vân. Làm như chính tay chân các đồng chí đi chụp hình.

Trở lại với câu hỏi nêu đầu bài này: Tại sao các đồng chí Cộng Sản lại tung ra một chiến dịch chôm bài rộng lớn như vậy, với tựa đề: Kỷ niệm ngày thống nhất 30-4? Tại sao không đăng bài này vào dịp lễ lạt nào khác?

Lý do là họ muốn nhân ngày 30 Tháng Tư này hô lại một khẩu hiệu bịp bợm đã đánh lừa dân Việt trong hơn 40 năm. Tường An đặt tựa đề “Nước Ðức, 25 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ” thì họ lại đổi ra thành: “Bức tường Berlin sụp đổ: Bài học hòa hợp dân tộc của người Ðức.” Nhấn mạnh “hòa hợp dân tộc!” Bởi vì bốn chữ này còn xuất hiện trên nhiều tựa bài khác. Như Nam Phi hòa hợp dân tộc, Trung Quốc hòa hợp dân tộc, vân vân! Có thể đoán ngày mai, 30 Tháng Tư, các tay đầu sỏ đảng Cộng Sản lại hô khẩu hiệu “hòa hợp dân tộc” một ngàn lần nữa! Hòa hợp là “một quả lừa vĩ đại,” nói theo kiểu người Hà Nội. Năm 1945 Hồ Chí Minh dùng quả lừa này để tóm tất cả các đảng phái quốc gia, không cộng sản. Năm 1975 thì gói trọn cả bọn “thành phần thứ ba.”

Ðồng bào miền Nam không bao giờ quên được quả lừa “đem theo lương thực đủ ăn trong 30 ngày.” Nghe, ai cũng tưởng sẽ đi tù một tháng là xong! Người miền Nam đã biết “Nói zậy mà không phải zậy” thế mà vẫn bị quả lừa của thằng đểu. Dân miền Bắc còn bị lừa nặng hơn. Sau khi bị đảng chôm hết từ ruộng đất, nhà cửa, đến cả quyền tự do dạy dỗ con cái, bà con ta bị đảng lừa bắt đi “giải phóng miền Nam.” Ðảng nói trên cái loa đầu đường: Miền Nam đang bị Mỹ bóc lột, nhân dân đói khổ. Sau ngày 30 Tháng Tư 1975 nhiều người Hà Nội đem một túi gạo với mấy cái bát, đôi đũa vào Sài Gòn giúp họ hàng. Ðến nơi mới biết rằng họ hàng ở miền Nam sống sung túc gấp trăm, gấp ngàn lần gia đình mình. Suốt mấy chục năm đảng hô hào “chống Mỹ cứu nước.” Bây giờ đảng lại mò mẫm tìm đương ôm chân Mỹ mong được cứu khỏi cảnh bị Trung Cộng lừa. Việt Cộng học thuật lường gạt “giải phóng” của Trung Cộng để lừa dân Việt Nam. Nhưng thằng bịp nào cũng có một thằng bịp cao tay hơn. Học trò lại bị thầy lấy “tình đồng chí anh em” đánh lừa suốt nửa thế kỷ để nuốt đất, nuốt rừng, nuốt biển đảo!

Tội nghiệp cho dân Việt Nam, hứng hai quả lừa vĩ đại trên đầu!

Ngay trong việc chôm bài ký của Tường An cũng chứa nhiều quả lừa, vẫn sử dụng trên các blog mang tên những tay đầu sỏ đảng. Nhiều người có thể ngạc nhiên thấy các tay thợ chôm đang cả những đoạn Tường An thuật những câu nói bất lợi cho cộng sản. Thí dụ, Tường An hỏi chuyện một người Việt ở Ðức về vụ tường Berlin sụp đổ: “...từ Berlin, ông Nguyễn Duy Tân, một cựu đảng viên Cộng Sản phát biểu: 'Cảm nghĩ của tôi thực sự là bình an. Mọi người đều có sự công bằng trước pháp luật và trước cơ quan công quyền nhà nước. Ai cũng được quyền tự do tham gia và việc của nhà nước. Ðó là giá trị mà tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc được sống trong một nền tự do.”

Nói như vậy là ca ngợi chế độ dân chủ tự do người dân Ðông Ðức chỉ được hưởng sau năm 1989. Như vậy có khiến nhiều độc giả ở Việt Nam cũng muốn được tự do hay không?

Có hai lý do khiến bọn họ giữa nguyên những đoạn như vậy. Thứ nhất, họ biết nhiều người Việt Nam đọc câu trên mà không nghĩ gì cả. Ðầu họ trơ ra, vì vẫn tưởng rằng họ đang tự do rồi! Họ đang “hạnh phúc được sống trong một nền tự do” dưới độc quyền cai trị của đảng từ lâu, không cần tự do thêm nữa! Hơn nửa thế kỷ đảng nói dối 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, nếu không có ai tìm như vậy thì mới lạ.

Lý do thứ hai, là các blog mang tên những tay đầu sỏ của đảng đều đánh hỏa mù, lâu lâu vẫn đăng những bài, những câu ngược với đường lối, chính sách của đảng. Cố tình múa cả trăm món võ, lập lờ đánh lận con đen, để không ai biết bọn họ đang mưu tính với nhau những gì. Người ngoài mà căn cứ vào những bài trên blog của họ để bàn ra tán vào rằng anh này thân Mỹ, anh kia thân Tàu, anh nọ cải cách, anh khác bảo thủ, vân vân, đều bị đánh lừa hết!

Nhưng người ta vẫn tự hỏi: Tại sao mấy chục cái blog của họ lại chôm cùng một bài, đang cùng một dịp như vậy? Có phải đó là chủ nghĩa “chôm nhất trí,” “chôm quán triệt” hay không? Không lẽ Bộ Chính Trị lại họp, biểu quyết “Chúng ta chôm” cho cấp dưới thi hành?

Câu hỏi này khó quá. Không ai đi guốc được trong bụng máy anh Cộng Sản; chỉ có bọn mình hớ hênh nghĩ cái gì trong đầu các cậu ấy cũng biết hết!

Chỉ có thể đoán rằng có một bộ phận duy nhất phụ trách nội dung tất cả các blog mang tên các tay đầu sỏ. Nếu không thì không thể tình cờ “chôm đồng khởi” như vậy. Có thể đoán rằng người phụ trách các blog này “bái phục” bài của ký giả Tường An, mê nó quá nên quyết định chia đều cho các quan trên cùng hưởng, sợ bị phê bình kiểm thảo.

Hoặc có thể chỉ vì vận hạn của đảng Cộng Sản nó đến lúc tan hàng rồi. Cho nên không ai còn hứng thú làm những công việc chán nản như việc làm mấy cái blog dối trá nữa. Anh nào cũng làm việc lấy lệ, ăn cơm chúa múa tối ngày mà thôi. Tình cảnh chán chường này có thật. Dân miền Nam Việt Nam bị chôm tận tình sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 còn đang nuôi hận. Bây giờ đồng bào miền Bắc cũng bắt đầu ngúng nguẩy không chịu cho đảng chôm nữa. Nghề chôm cũng có lúc lên lúc xuống. Nhà báo Huy Ðức mới nói với phóng viên AFP, nhân ngày 30 Tháng Tư: “Cái Bên Thắng Cuộc đang có vẻ chuyển thành Bên Thua Cuộc!”

Cái gọi là 'giải phóng' khoét sâu thêm sự tổn thương

SÀI GÒN (NV) - Những ngày đầu của năm 2015, người Sài Gòn, sau hơn ba mươi năm mới thấy lại cái gọi là màu cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (GPMNVN) trên một số phố trung tâm Sài Gòn. Cái cờ từng một thời ám ảnh người dân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), nay được lộ diện dưới dạng cờ đèn, loại đèn màu chớp nhái rẻ tiền sản xuất từ Trung Quốc. 


Góc đường Lê Lợi-Pasteur bị đóng khiến nhiều người không biết đi đường nào. (Hình: Bùi Nhật/Người Việt)

Người Sài Gòn lúc đó ngờ ngợ tự hỏi. Phải chăng để chuẩn bị cái gọi là lễ 40 năm ngày “giải phóng” miền Nam, những người Cộng Sản muốn cho sống lại cái xác Mặt Trận Giải Phóng để thực hiện mưu đồ chính trị cấp tiến nào đó trước nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc.

Người am tường lịch sử chế độ thì cười mỉa mai cho rằng: Chớ có ngây thơ, đến cỡ tướng Việt Cộng như Trần Văn Trà, Trần Độ hay ông cán bộ cấp cao Nguyễn Hộ còn bị Cộng Sản Bắc Việt thanh trừng thẳng tay nữa là.

Không khác với mọi năm, những này cuối tháng tư thời tiết Sài Gòn đang là đình điểm của nóng bức. Giữa lúc nắng cháy da, khó thở thì chế độ lại phủ một rừng cờ đỏ, khẩu hiệu đỏ lên thành phố.

Khi nói về “nét mới” trong việc phủ cờ đỏ này thì nhiều gia đình lại rủa thầm khi bị bắt đóng tiền để làm cái thứ cột cờ đồng phục treo ngay trước cửa nhà mình và kéo dài trên các phố.

Một người bán thức ăn cho cá ở quận Tân Bình nói. “Họ vét tiền thuế làm đại lễ còn chưa đủ sao mà còn bắt dân đóng tiền cắm cái que sắt làm cột cờ, đến mấy con cá kiểng trong hồ nhà tôi cũng chói mắt.”

Nhưng tin tức từ việc lương dân Long An, Bình Thuận nổi dậy tràn ngập trên các trang mạng đã làm người Sài Gòn phần nào vơi bức bối.

Hỏi chuyện một ông bán cháo lòng trên vỉa hè, ông khoảng 60 tuổi, nói. “Tôi có coi trên ‘dô tút,’ ban đầu thấy cảnh dân rượt công an trang bị súng đạn đầy mình ai cũng sướng hả hê, nhưng rồi nghĩ mà thương vì mình biết tụi nó sẽ bắt nguội không sót một ai.”

“Hồi trước tôi có đi lính VNCH, ở sư đoàn 7, khi Việt cộng vô mình lủi thủi về nhà, buồn cũng không dám nói ra chỉ nghĩ về hai tiếng hòa bình để an ủi, bây giờ thấy tụi nó tàn ác với dân nghèo quá mà thêm hận.”

“Chết đứng" vì đóng đường

Sáng ngày Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015, cả khu trung tâm Sài Gòn đều bị phong tỏa để phục vụ cho cái gọi là tổng duyệt cho “ đại lễ kỷ niệm 40 năm mừng giải phóng.”


Toàn khu vực quanh Dinh Độc Lập bị đóng đường khiến hàng ngàn người dânkhổ sở trong dịp nhà cầm quyền kỷ niệm 40 năm “giải phóng.” (Hình: Bùi Nhật/Người Việt)


Ai cũng biết suốt từ tháng cuối năm 2014, các tuyến đường như Nguyễn Huệ, Lê Lợi... đã đốn hạ cây xanh, đào hầm xe điện ngầm, xây mới tượng đài ông Hồ... đã khiến các phố mặt tiền đẹp nhất, kinh doanh sầm uất nhất của Sài Gòn tê liệt, nay lại thêm thảm trạng bao vây, cấm đường suốt những tuyến phố chính như Lê Thánh Tôn, Paster, Đồng Khởi, Nguyễn Du, Xô Viết Nghệ Tĩnh...

“Chết đứng.” Đó là cụ từ mà giới kinh doanh lớn, các công ty cả ngoại lẫn nội cũng như những người bám vỉa hè mua bán kiếm sống qua ngày đã thốt lên.

Không ai biết Vương Cung Thánh Đường có phải hủy bỏ các khóa lễ ngày Chủ Nhật hay không, nhưng người ta biết chắc là sẽ không có mấy người dân chịu đưa con vượt các chốt đầy các binh chủng cảnh sát, các lực lượng quân sự và bán quân sự để đến vui chơi ở công viên Tao Đàn, Sở Thú...

Trò chuyện qua điện thoại với chủ quán cà phê ở đường Điện Biên Phủ, anh này nói. “Họ không cấm đường chỗ tôi, nhà nước cho cán bộ công nhân viên nghỉ năm ngày nhưng tôi tình nguyện nghỉ thêm đủ chục ngày, chớ kiểu ăn mừng rậm rật súng đạn này thì ai cũng muốn pha cà phê ở nhà để uống, ra đường ra quán vừa ớn lại vừa chán.”

Dù tiền thuế thu không thiếu ngày nào nhưng chính quyền độc tài của thành phố này không một lời xin lỗi về chuyện gây phiền toái và làm ảnh hưởng đến sự kiếm sống lương thiện của họ. Nhưng lớn hơn, chính sự khinh dân và đẩy lên tới đỉnh hoành tráng cái gọi là “đại lễ mừng 40 năm giải phóng...” đã trùm lại bầu không khí sợ hãi, chán ghét chế độ sau biến cố 1975 lên từng người Sài Gòn và cả miền Nam.

Sự lố bịch kéo dài

Thế thì người miền Bắc nhập cư sau 1975 và những thế hệ sinh sau năm 1975 nghĩ gì. Một nhà thơ có tiếng ở Hà Nội, một cựu binh VC, đang có mặt ở Sài Gòn để làm chương trình truyền hình đã nói riêng với bạn bè rằng, “Tôi là người lính sống sót ở cổ thành Quảng Trị, nói thật, với mọi người lính của hai phía ngày này là ngày sống sót, chớ năm nào cũng ca ngợi là ngày ‘chiến thắng, giải phóng’ ngay từ đầu đã lố bịch, mà sao cứ kéo dài mãi sự lố bịch đó nhỉ?”

Khác với những năm đầu sau biến cố 1975, việc chế độ độc tài sau 40 năm cứ ngang nhiên, bất chấp sự tổn thương vì chiến tranh của cả dân tộc để làm đại lễ “chiến thắng” mừng “ngày giải phóng Sài Gòn, miền Nam” đã phần nào cho thấy bản chất kiêu binh và dối trá.

Một nhà nhiếp ảnh, thuộc thế hệ 8x đã nói. “Hồi đi học phổ thông, cứ phải hát, ‘Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng’ ban đầu thì có chút cảm xúc sau thì tụi cháu hát như cái máy, mấy năm gần đây nhờ có Facebook nên biết nhiều sự thật, cái đáng biết nhất là cha ông của cháu không phải là lính ngụy như họ tuyên truyền và biết mình đâu có liên hệ gì đến ngày ‘chiến thắng’ này, đám con cháu các cán bộ tham nhũng giàu có ăn mừng là đúng còn tụi cháu được mấy ngày nghỉ là biến khỏi Sài Gòn.”

Các cuộc biểu tình của lương dân chống đốn hạ cây xanh ở Hà Nội, chống nhà máy điện gây ô nhiễm ở Bình Thuận... ngay trong những ngày tháng tư đen, được nhiều người Sài Gòn đón nhận như một tin lành và chính tin tức đó đã mở ra ý thức về những cuộc đấu tranh để quyền con người được tồn tại và vạch ra một giới tuyến xác định: Một đằng là những người Cộng Sản đang không ngừng tô son trét phấn cho việc chiến thắng chính dân tộc mình, cũng như đang ra sức đàn áp để có thêm ”vinh quang” khi tấn công các tầng lớp người dân đòi quyền sống ; một phía là các lương dân khắp đất nước đang thắp lửa đấu tranh để tìm con đường sống trước chế độ độc tài.

Thật hy vọng khi nghe người Hà Nội nói. “Đừng đùa, Chúng tôi bảo vệ cây xanh là làm cách mạng đấy.” Trong khi người Bình Thuận nói, “Chúng tôi sẽ liều chết với cái nhà máy nhiệt điện khốn nạn này.” Nội dung đấu tranh từ các cộng đồng các dân oan bị áp bức cưỡng đoạt đất đai, nhà cửa đã chuyển sang giới trung lưu đấu tranh vì môi sinh môi trường sống đang bị chế độ tham nhũng hủy hoại là một bước tiến dài khiến người bi quan nhất cũng cảm thấy vui mừng.

Một trí thức cao tuổi, lớp người Bắc di cư 1954 nói. “Đến những năm gần đây, ngày càng rõ cái mốc ngày 30 tháng 4, 1975 chính là ngày mất nước vào tay Trung Quốc.”

Bốn mươi năm của một chế độ độc tài, thời gian đủ dài để trôi tróc dần son phấn dối trá và phơi trần bản chất tham nhũng, bán nước. Dù cái gọi là đại lễ mừng chiến thắng này có rùm beng bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không dấu được sự trơ trẽn, thế tự cô lập và bị cô lập của đảng đã hết sạch những chiêu trò chính trị và đang phơi ra trước mắt dân tộc bộ mặt tập đoàn bạo quyền và tham nhũng.

04-27-2015 8:23:08 PM
Bùi Nhật/Người Việt

Nông dân Việt điêu đứng vì nông sản ế

HÀ NỘI (NV) .- “Ngành nông nghiệp chỉ tập trung cho sản xuất, trong khi khối công thương chỉ lo thị trường, doanh nghiệp chỉ tính lợi nhuận... là những lý do khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn”.


Thiếu kết hợp trong cung cấp, xử lý thông tin thị trường giữa các cơ quan quản lý là một trong những lý do khiến tiêu thụ nông sản gặp khó. (Hình: VNExpress)

Giới nông dân Việt Nam điêu đứng hàng năm khi mùa thu hoạch đến vì “được mùa, rớt giá” thậm chí còn không có người mua, chuyện diễn đi diễn lại mãi nhưng nay mới thấy các ông cầm đầu ngành sản xuất nông nghiệp và các ông lo chuyện thương mại mậu dịch ở Bộ Công Thương ngồi họp lại với nhau nhìn nhận sự việc. Và cũng mới thấy nói.

Trong buổi tọa đàm “Tiêu thụ nông sản - Liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/4/2015, người ta thấy trong nhiều nguyên nhân được nêu để lý giải tình trạng nông sản được mùa mất giá, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- ông Nguyễn Hữu Dũng, được báo điện tử VNExpress thuật lời cho rằng “có sự lỏng lẻo giữa phối hợp điều hành của các cơ quan quản lý. Trong đó, công tác thông tin chưa đầy đủ”.

Còn ông Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận không có sự phối hợp trong cuộc tọa đàm rằng "Sự rạch ròi, lẫn thiếu sự tổng thể dẫn đến đứt đoạn thông tin giữa bộ ngành quản lý của Nhà nước với địa phương, đứt đoạn giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân".

Cuộc tọa đàm được tổ chứcmột tháng sau khi tin tức hơn ngàn xe vận tải chở dưa hấu kẹt ở cửa khẩu Tân Thanh suốt nhiều ngày dẫn đến hư hỏng, hoặc đổ bỏ, hoặc bán với giá thật rẻ bên dưới giá vốn hồi cuối Tháng Ba vừa qua. Nông dân trồng dưa hấu ở một vài tỉnh miền trung vừa bỏ mặc dưa thối trên ruộng, vừa cho trâu ăn thay cỏ.

Ngày 18/4/2015, một viên chức Bộ Công Thương tiết lộ trên VNExpress rằng dưa hấu được trồng tại nhiều địa phương của Việt Nam nhưng lại bị chi phối bởi khoảng 10 thương lái Trung Quốc khi muốn xuất cảng qua nước họ.

Vì tin tức gây xúc động dư luận, không những dân chúng các địa phương trồng nhiều dưa hấu đứng ra bán giúp, mua giúp nông dân, ngay cả viên chức bộ Công Thương cũng đứng ra bán dùm nông dân, nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Vấn đề chính là chính sách và sự thi hành chính sách kinh tế.

Hôm Chủ Nhật 26/4/2015 VNExpress cho hay “Sau gần 2 năm nuôi tôm công nghiệp, hàng trăm hộ dân ở Cà Mau rơi vào cảnh nợ nần, phải bỏ đầm.” Nguồn tin dẫn lời ông Nguyễn Văn Kiên, nông dân nuôi tôm ở huyện Cái Nước (Cà Mau) than thở: "Nuôi keo nào thất bại keo nấy, gia đình tôi chấp nhận bỏ đầm. Ở địa phương, nhiều hộ cũng lâm cảnh nợ nần vì giá tôm quá thấp, có muốn gỡ nợ cũng không dám đầu tư tiếp".

Ba ngày trước buổi tọa đàm nói trên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ CSVN dẫn thống kê của Sở Công Thương Lào Cai nói trong cuộc họp báo rằng “tại các kho chứa gần biên giới hiện tồn đọng hơn 20,000 tấn gạo, chưa kể số gạo còn nằm trên hàng trăm xe tải loại lớn ở các bãi tập kết hoặc đỗ tạm trên đường. Ước tính số gạo tồn đọng, ùn tắc tại Lào Cai gần 30,000 tấn.”

Bản tin ngày 19/4/2015 của VNExpress “50,000 tấn hành tím Sóc Trăng ế ẩm, mất giá” ở thủ phủ hành tím Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng, bởi vậy “nông dân lao đao muốn bỏ nghề, bỏ xứ”.

Trước đó chỉ vài hôm tức ngày 11/4/2015, VNExpress báo động “hành tây Đà Lạt ế hàng ngàn tấn, giá thấp kỷ lục”.

Nông dân trồng lúa khu vực Đồng Bằng Cửu Long năm nào cũng điêu đứng với điệp khúc “được mùa rớt giá” dù chính ông thủ tướng Nguyễn tấn Dũng mấy năm trước đã ra chỉ thị cho các ông nông nghiệp và công thương phải làm sao cho nông dân lãi 30% thì mới đủ sống mà làm mùa cho các ông xuất khẩu lấy đô lo nuôi chế độ.

Cũng không thấy có một chỉ thị, lệnh lạt nào, đối phó với đám thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường nông sản Việt Nam thấy nêu ra rất nhiều trên báo trong nước, ngoài những lời khuyến cáo suông đối với nông dân. (TN)

04-27-2015 6:11:45 PM

Sông ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn cát

VIỆT NAM (NV) - Cát vẫn được múc lên từ đáy các con sông ở đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng đủ loại công trình dẫu từ 2010 đến nay, những con sông này không còn nhận được cát từ thượng nguồn.

Ðó là cảnh báo về một hậu quả khác của việc xuất hiện hàng loạt công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, Lào và việc khai thác các loại tài nguyên của sông Mekong một cách bừa bãi.


Khai thác cát trên sông Tiền, đoạn chảy ngang thành phố Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp. Chưa có ai thèm bận tâm về nguy cơ thiếu cát. (Hình: Người Lao Ðộng)

Tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn vừa dẫn ý kiến của giới chuyên môn cảnh báo, lượng cát mà Việt Nam đang khai thác ồ ạt ở đáy các con sông thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long là cát lắng đọng từ hàng chục, hàng trăm năm trước và nguồn tài nguyên đó sẽ sớm hết.

Ðồng bằng sông Cửu Long thành hình nhờ sự bồi đắp của phù sa. Xếp theo kích thước từ lớn đến nhỏ thì phù sa là một tập hợp bao gồm: đá, sỏi, sạn, cát thô, cát mịn, thịt, sét, vật liệu hữu cơ chưa phân hủy và các chất hòa tan trong nước.

Mỗi dòng sông đều có đoạn tạo ra phù sa, rồi tới đoạn bồi lắng tạm thời và cuối cùng là đoạn bồi lắng lâu dài. Thông thường, đoạn tạo ra phù sa nằm ở thượng nguồn, đoạn bồi lắng tạm thời nằm ở khoảng giữa sông và đoạn bồi lắng lâu dài là đoạn chảy qua các đồng bằng.

Ðối với sông Mekong, đoạn tạo ra phù sa nằm trên lãnh thổ Trung Quốc và Miến Ðiện, đoạn bồi lắng tạm thời nằm trên lãnh thổ Lào, Thái Lan, Campuchia và đoạn bồi lắng lâu dài có 20% thuộc lãnh thổ Campuchia, 80% nằm trên lãnh thổ Việt Nam.

Phù sa hình thành từ nhiều yếu tố như: địa chất, độ cao, độ dốc, địa hình và kiểu sử dụng đất. Phù sa di chuyển nhờ lượng mưa, cấu tạo dòng sông, lưu lượng, vận tốc và thời gian nước chảy. Muốn phù sa bồi lắng lâu dài thì địa hình phải bằng phẳng, vận tốc nước chậm, thời gian nước lắng đọng kéo dài và có nhiều thực vật sinh sống.

Một chuyên gia tên là Dương Văn Ni làm việc tại Ðại Học Cần Thơ, cho biết, do thay đổi về điều kiện tự nhiên, từ lâu các thành phần như đá, sỏi, sạn trong phù sa đã không còn được nước sông Mekong đưa về đến đồng bằng sông Cửu Long.

Các thành phần khác như: thịt, sét, vật liệu hữu cơ chưa phân hủy và các chất hòa tan trong nước tuy vẫn còn về vào mùa mưa, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm nhưng không lắng tụ được bao nhiêu trên đồng, trong ruộng vì Việt Nam xây dựng hệ thống đê bao khép kín nhằm tăng vụ. Những thành phần này cũng không thể bồi lắng cho khu vực bờ biển vì rừng ngập mặn ven biển còn quá ít. Thành ra chúng bị tống hết ra biển!

Riêng cát thô và cát mịn thì hàng năm, vào mùa mưa, nước mưa và nước sông Mekong mang cát từ các sườn núi trên lãnh thổ Trung Quốc và Myanmar vào lãnh thổ Thái Lan và Lào. Vì cấu tạo địa chất, ở đáy của những đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ Lào, Thái Lan, Cambodia có hàng ngàn cái hố, nhiều hố sâu từ vài chục mét đến cả trăm mét và chúng trở thành những “sọt” chứa cát khổng lồ với lượng cát từ vài trăm đến hàng chục ngàn mét khối.

Ðến mùa khô, khi lưu lượng và vận tốc nước chảy giảm dần, lượng cát lắng đọng tạm thời nầy tiếp tục di chuyển vào lãnh thổ Cambodia và Việt Nam. Theo cơ chế tự nhiên như thế, để đến được đồng bằng sông Cửu Long, cát mất từ vài năm đến vài chục năm!

Kể từ khi Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, khoảng 50% lượng cát tạo ra hàng năm không còn di chuyển được vào lãnh thổ Lào và Thái Lan. Số cát còn lại bị những quốc gia đó khai thác để phát triển hạ tầng và kinh tế-xã hội.

Ông Ni cho biết, các số liệu cho thấy, từ năm 2009 đến nay, lượng chất rắn có trong phù sa gồm: đá, sỏi, sạn, cát thô, cát mịn di chuyển vào lãnh thổ Lào và Thái Lan đã giảm từ 100 triệu tấn xuống còn khoảng 50 triệu tấn. Hàm lượng thịt, sét, vật liệu hữu cơ chưa phân hủy và các chất hòa tan trong nước cũng giảm từ khoảng 70 triệu tấn xuống còn 10 triệu tấn.

Trong khi đó lượng sỏi, sạn, cát thô, cát mịn do Lào, Thái Lan, Cambodia khai thác hàng năm tăng vọt. Riêng Cambodia, trong năm 2013 đã khai thác khoảng 30 triệu tấn cát. Thành ra cát thô không còn đường về đến Việt Nam.

Ông Ni cảnh báo, nếu Lào xây dựng đập thủy điện Don Sahong ở phía Nam và Cambodia vẫn tiếp tục tốc độ khai thác cát như hiện nay thì ngay cả cát mịn cũng không còn đường về đến đồng bằng sông Cửu Long!

Theo ông Ni, cát ở đồng bằng sông Cửu Long tạo ra nền của đáy sông, cù lao và các tầng lưu trữ nước ngọt trong đất. Cát định hình cho diện mạo của đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên chưa ai để ý đến nguy cơ đồng bằng sông Cửu Long thiếu cát dù đó là một thảm họa! (G.Ð)

014-28-2015 3:40:32 PM

Trường Y-Dược gạ học viên mua bằng, mua điểm

 ÐẮK LẮK (NV) - Bị vòi tiền, học viên trường Trung Cấp Y-Dược Hà Nam, phân hiệu Ðắk Lắk đã ghi âm lại được cuộc ra giá bán bằng, bán điểm của cán bộ Phòng Ðào Tạo để tố cáo với báo chí.

Theo Tuổi Trẻ, nội dung file ghi âm là cuộc trao đổi “Muốn bằng cấp loại khá ít nhất phải 5 triệu đồng trở lên. Còn chạy để nâng lên điểm 5, thì gặp trực tiếp thầy trưởng phân hiệu để lo luôn, nhưng phải 3 triệu mới làm việc được...”


Trường Trung Cấp Y-Dược Hà Nam, phân hiệu 2 tại Ðắk Lắk. (Hình: Tuổi Trẻ)

Khi học viên xin giảm còn 1 triệu đồng vì không đủ tiền, thì nhận được câu, “Một ít đó không đủ thầy hút thuốc nữa. Cho nên cũng khó, nha...”

Ðó là một trong những nội dung mua bán điểm mà ông Phan Gia Ðức, cán bộ Phòng Ðào Tạo, trường Trung Cấp Y-Dược Hà Nam, phân hiệu 2 tại Ðắk Lắk ra giá với học viên của trường này.

Sáng 25 tháng 4, phóng viên Tuổi Trẻ trao đổi với ông Trịnh Văn Toàn, trưởng phân hiệu 2 và ông Phan Gia Ðức về bằng chứng ra giá mua bằng cấp, mua điểm với học viên. Sau khi nghe đoạn ghi âm, ông Ðức thừa nhận đó chính là cuộc trao đổi giữa mình với một học viên của trường.

Biện minh cho việc làm của mình, ông Ðức giải thích: “Tôi làm công việc quản lý điểm. Không phải chỉ riêng học viên này mà nhiều bạn khác nữa, tôi đều gọi để các bạn biết thông tin của mình. Tôi chỉ tham mưu mà thôi”(?).

Trả lời cho câu nói “Muốn bằng loại khá phải 5 triệu trở lên,” ông Ðức nói: “Mục đích của tôi gọi là để hai bạn ấy lên làm đơn phúc khảo. Cái này (5 triệu) tôi chỉ thăm dò vậy thôi chứ tôi cũng chẳng biết gì cả. Thực tế mà nói thì tôi cũng sai vì chưa biết rõ về quy trình phúc khảo nhưng nói đại nhu vậy” (?).

Không rõ có liên quan hay không, song ông Toàn cho hay, ông hoàn toàn không biết gì về sự việc cho đến khi báo chí phản ảnh. “Qua việc này, tôi cảm ơn học viên đã rất thẳng thắn, giúp nhà trường phát hiện những sai trái của cán bộ để biết xử lý, bởi nhà trường không có chủ trương 'bán’ điểm cho học viên,” ông Toàn nói.

Giải thích câu ông Ðức bảo học viên “gặp thầy Toàn để lo,” ông Toàn nói: “Cán bộ mạo danh tôi, đưa danh lãnh đạo ra để làm việc với học sinh là không được phép. Tôi sẽ kỷ luật ngay cậu này, cho nghỉ việc hoặc điều chuyển qua bộ phận khác.”

Riêng anh H, người ghi âm và tố cáo tỏ ra lo lắng: “Tôi chỉ muốn mình có bằng cấp loại khá để sau này dễ xin việc, nhưng làm bài thi tốt nghiệp chỉ 3 điểm. Ðể có bằng loại khá tôi phải đưa 5 triệu cho ông Ðức, song tôi không có đủ tiền. Sau khi tố cáo xong, nhiều đêm tôi mất ngủ vì lo lắng không biết mình có bị trù dập, trường có bao che nhau không cấp bằng cho tôi hay không...? Nhưng nếu tôi không phản ảnh, lại cũng không có tiền thì phải làm sao khi cán bộ cứ gọi hối thúc...,” anh H nói.

Trước đó, nhiều trường nghề ở Việt Nam cũng đã bị tố cáo việc “đổi tình lấy điểm,” còn việc bán điểm lấy tiền thì diễn ra khắp nơi, song chưa có vụ nào bị phanh phui như lần này do phần lớn học viên tự thỏa thuận để “đôi bên cùng có lợi.” (Tr.N)
04-28- 2015 6:12:37 PM

Nông dân không thèm nhưng chính quyền vẫn 'hỗ trợ'

VIỆT NAM (NV) - Từ 1 tháng 7, mỗi hecta lúa sẽ được chính quyền Việt Nam “hỗ trợ” một triệu đồng. Tuy khoản hỗ trợ này tăng gấp đôi so với trước nhưng chắc chắn nông dân không thèm.

Trong ba năm từ 2011 đến 2013, chính quyền Việt Nam đã chi 11,082 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân bảo vệ đất trồng lúa. Tuy nhiên tại đồng bằng sông Cửu Long, gần như không ai thèm nhận khoản này.


Chính quyền Việt Nam ban hành nhiều chính sách mà họ bảo là nhằm hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn, song nông dân không cảm kích mà chỉ cảm thấy bị làm phiền. (Hình: Lao Ðộng)

Hồi tháng 8 năm ngoái báo chí Việt Nam đã từng thực hiện một số phóng sự để giải thích vì sao nông dân không thèm khoản tiền mà chính quyền Việt Nam hỗ trợ cho người trồng lúa.

Lúc đó, ông Nguyễn Văn Tám, trưởng ấp Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, kể với phóng viên tờ Lao Ðộng rằng, ấp Bình Lợi có hơn 300 gia đình được nhận tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa và ba năm nay, ông phải đi năn nỉ từng gia đình, xin họ nhận tiền nhưng không ai thèm nhận.

Lý do nông dân không thèm nhận tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa vì nó quá ít. Khoản hỗ trợ vừa kể được tính trên diện tích đất. Nếu trồng lúa nước, mỗi năm sẽ được nhận 500,000 đồng/hecta. Trồng các loại lúa khác thì mỗi năm được hỗ trợ 100,000 đồng/hecta. Khoản hỗ trợ hàng năm dù chẳng đáng bao nhiêu lại còn bị xé nhỏ thành hai kỳ.

Trên thực tế, với những gia đình không có nhiều ruộng, khoản hỗ trợ này chỉ ở mức vài ngàn đồng. Tại ấp Bình Lợi, có gia đình được hỗ trợ... 1,078 đồng! Giá gạo loại tệ nhất ở Việt Nam hiện từ 11,000 đồng đến 12,000 đồng/ký. Tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa mua chưa được 100 gram gạo!

Ðáng lưu ý là dù giá trị khoản hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa còn tệ hơn cho ăn xin nhưng chính quyền Việt Nam đòi nông dân nhận khoản này phải nộp năm, bảy loại giấy tờ: bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản sao hộ khẩu, bản sao chứng minh nhân dân,...

Cũng vì vậy, vài năm qua, các viên chức cấp ấp, cấp xã như ông Nguyễn Văn Tám liên tục đi tới, đi lui, xin những gia đình có đất hoàn tất thủ tục để nhận tiền, giúp địa phương... hoàn thành chỉ tiêu phát tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa!

Ông Nguyễn Văn Lai, một nông dân ngụ ở thị trấn Cần Ðước, huyện Cần Ðước, tỉnh Long An, từng nói với phóng viên tờ Lao Ðộng rằng, chính quyền “đẻ” ra đủ thứ chính sách và bảo rằng chúng giúp nông dân làm giàu, song ông Lai chỉ thấy phiền phức. Trong xóm nơi ông Lai cư trú, gia đình ông thuộc dạng có nhiều đất nên được hỗ trợ 50,000 đồng. Tuy nhiên bất kể trưởng ấp năn nỉ nhiều lần, ông Lai vẫn dứt khoát không nhận tiền hỗ trợ vì không đủ để đi một lượt xe ôm.

11.082 tỉ không phải là ít song cách dùng khoản tiền này theo lối vừa kể trong ba năm từ 2011 đến 2013 chẳng khác gì xé vụn khoản tiền đó để vứt đi.

Một số viên chức ngành nông nghiệp nhận định, nông dân miền Nam vốn được xem là có nhiều đất (tính trung bình, mỗi gia đình có từ 0.2 đến 0.3 hecta) mà tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa còn như vậy thì khoản tiền này đối với nông dân miền Trung, miền Bắc chắc chắn sẽ tệ hơn rất nhiều.

Cũng năm ngoái, ông Trần Văn Hùng, phó giám đốc Sở Tài Chính tỉnh Tiền Giang, từng tiết lộ, chẳng riêng Tiền Giang, mà có rất nhiều tỉnh “kêu ca” về chính sách hỗ trợ nông dân bảo vệ đất trồng lúa. Ông Hùng cho rằng, thay vì chẻ nhỏ thì nên gom lại, đầu tư vào những khoản thiết thực hơn.

Ông Lê Minh Ðức, giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Long An, xác nhận, ông đã nhiều lần kiến nghị thay đổi chính sách hỗ trợ nông dân cho phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, dùng 120 tỉ đồng hỗ trợ nông dân Long An năm nay để đầu tư cho các công trình thủy lợi hoặc phát triển giao thông nông thôn.

Tuy nhiên, “trung ương” vẫn không thèm nghe. Chính phủ Việt Nam lại vừa ban hành một nghị định mới và chắc chắn những người như ông Nguyễn Văn Tám vẫn phải tiếp tục tới lui năn nỉ từng gia đình trong ấp nhận tiền hỗ trợ nông dân bảo vệ đất trồng lúa để chính quyền địa phương “hoàn thành chỉ tiêu phát tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa”! (G.Ð)

04-28- 2015 3:38:43 PM

Tổng thư ký ASEAN chỉ trích dự án 'lấn biển xây đảo' của TQ ở Biển Đông

Tổng Thư Ký ASEAN Lê Lương Minh.
Tổng Thư Ký ASEAN Lê Lương Minh.
Theo VOA-27.04.2015

Thủ Tướng Malaysia khẳng định ASEAN sẽ duy trì hướng tiếp cận ôn hoà để giải quyết vấn đề Biển Đông trong khi Tổng Thư Ký ASEAN khẳng định các dự án lấn biển xây đảo của Trung Quốc đi ngược lại một thoả thuận giữa Trung Quốc và ASEAN.

Lãnh đạo nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay, Thủ Tướng Malaysia Najib Razak, tuyên bố rằng các nước hội viên ASEAN sẽ duy trì phương hướng tiếp cận ‘không đối đầu’ trong nỗ lực gấp rút hình thành một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển COC ở Biển Đông.

Hãng tin Bloomberg hôm nay thuật lời của Thủ Tướng Najib Razak nói chuyện với các nhà báo tại Kuala Lumpur hôm nay, nói rằng phương hướng tiếp cận có tính hoà dịu đó đã tỏ ra ‘rất hiệu quả’ trong việc bảo đảm không có căng thẳng với Trung Quốc.

Tin Bloomberg nói ông Razak đưa ra bình luận vừa kể trong cương vị là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, mặc dù Tổng Thống Philippines cùng lúc nói với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng các hoạt động cải tạo đất xây đảo quy mô lớn của Trung Quốc đặt ra một mối nguy cho tình hình an ninh và sự ổn định của khu vực, đồng thời cản trở quyền tự do thương mại của các tàu bè quốc tế sử dụng thuỷ lộ này.

Ông Najib nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mời gọi sự tham gia của Trung Quốc theo đường lối có tính cách xây dựng, và Trung Quốc hiểu vị thế của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng có thể thuyết phục Trung Quốc rằng duy trì thái độ không đối đầu với ASEAN cũng phục vụ lợi ích của Trung Quốc, và bất cứ cố gắng nào nhằm gây bất ổn cho khu vực này, cũng sẽ không có lợi cho Trung Quốc.”

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiến hành các hoạt động lấp biển lấy đất tại những đảo nhỏ mà Bắc Kinh chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiến hành các hoạt động lấp biển lấy đất tại những đảo nhỏ mà Bắc Kinh chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Về các công trình lắp đất xây đảo trong các vùng biển tranh chấp, Thủ Tướng Malaysia nói “tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế phải là nền tảng quy định mọi quy luật và hành động trong Biển Đông” , nhưng ông Najib không nêu lên chi tiết các sự cố đã làm leo thang những căng thẳng với Trung Quốc.

Nhưng tương phản với thái độ hoà dịu của Thủ Tướng nước chủ nhà, hôm qua, Tổng Thư Ký ASEAN nói khối ASEAN bác bỏ việc Trung Quốc sử dụng cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ do họ vẽ ra để tuyên bố chủ quyền các vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh công tác cải tạo đất xây đảo trong các vùng biển này.

Tờ Wall St. Journal trích lời ông Lê Lương Minh, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, nói rằng các nước ASEAN 'không thể chấp nhận cái đường 9 đoạn bởi vì nó không phù hợp với luật quốc tế'.

Tổng Thư Ký ASEAN nói rằng đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra trên các bản đồ của nước này, và những công trình xây đảo của Trung Quốc đi ngược lại một thoả thuận đã đạt được cách đây 13 năm giữa Trung Quốc với ASEAN.

Ông Minh nói ASEAN sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán để thiết lập một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển về cách giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông.

Hôm Chủ nhật, Philippines cũng lên tiếng kêu gọi các nước hội viên ASEAN khác hãy có những bước tức thời để ngăn chận các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cảnh báo rằng không làm điều đó thì Trung Quốc sẽ chiếm quyền kiểm soát toàn thể khu vực trên thực tế.

Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario nói với các vị tương nhiệm trong khối ASEAN rằng khu vực ASEAN phải 'đứng lên thách thức Trung Quốc về các hành vi cải tạo đất của nước này'. Ông del Rosario nói việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo đặt ra những mối đe doạ có thực, và ‘không thể bị làm ngơ vì rõ ràng các động thái đó là nhằm củng cố quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc trên khu vực này.

Hãng tin Reuters sáng hôm nay nói rằng nước chủ nhà Malaysia sẽ nhượng bộ trước áp lực của các nước láng giềng, và sẽ đề cập tới vấn đề lấn đất xây đảo trong Biển Đông, nói rằng hành động đó có thể phương hại tới hoà bình, an ninh và tình hình ổn định trong khu vực, trong dự thảo Tuyên bố chung sẽ được công bố sau hội nghị hôm nay.

Hôm 17/3, Phó Đô Đốc Robert Thomas chỉ huy Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ nói rằng các nước Á Châu nên thành lập một lực lượng hỗn hợp để tuần tra Biển Đông.

Cuộc tranh chấp Biển Đông hồi gần đây đã trở thành một điểm nóng trên thế giới, làm dấy lên quan ngại giữa lúc 10 nước ASEAN đang tìm cách thành lập một Cộng đồng kinh tế ASEAN trước cuối năm nay.

Thủ Tướng nước chủ nhà Hội nghị ASEAN nói khối này phải xử lý các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong Biển Đông mà không làm leo thang căng thảng. Ông nói 'một khối ASEAN bị xâu xé vì những tranh chấp nội bộ không thể nào trở thành một cộng đồng thực thụ'.

Ông Najib nói dự kiến tổng GDP của toàn khối ASEAN sẽ tăng lên tới 4 nghìn tỉ đôla trong 5 năm, so với 2,5 nghìn tỉ hiện nay. Các giới chức ASEAN đang làm việc để tạo điều kiện cho sự luân lưu tự do của hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, vốn tư bản và lao động, trong khuôn khổ một kế hoạch hình thành một khối tương tự như Liên Hiệp Âu Châu, nhưng không sử dụng một đơn vị tiền tệ chung.

Nguồn: Bloomberg/WSJ

'Cần đối xử công bằng để thực sự hòa giải'


Sóng biển vỗ qua máu và xương thịt của những thuyền nhân VN, từ đó biển ấy không bao giờ như cũ. Biển ấy pha máu xương người Việt trên con đường chạy trốn khỏi sự bạo tàn của chính quyền cộng sản Việt Nam. Chính quyền này nhân danh đấu tranh giai cấp và hệ tư tưởng để triệt hạ người dân của chính nước Việt.
"Tháng tư đen", "Ngày quốc hận", "Ngày Sài Gòn thất thủ", và mới nhất: "Ngày Hành trình tới Tự do" là tên gọi đối chọi nước lửa với cái tên "Ngày giải phóng miền Nam" của nhà cầm quyền Việt Nam luôn tự hào vỗ ngực.
Sau bốn mươi năm, lòng người vẫn ly tán. Việt Nam vẫn ngửa tay hân hoan đón dòng tiền kiều hối bất kể nó chảy về từ nguồn nào, nhưng vẫn kỳ thị và sẵn sàng trừng trị những kiều bào và công dân bất đồng chính kiến, gán cho họ hai tội "diễn biến hòa bình" và "phản động".
Cùng tiến theo mức độ tham nhũng, mức độ vi phạm tự do và nhân quyền, với nạn công an giết dân ngay tại trụ sở công quyền ngày càng tăng, là những cuộc đại lễ kỷ niệm 30/4 thêm khoa trương tốn kém.
Năm 2015, khi toàn quốc đang đứng bên bờ vực vỡ nợ và Trung quốc đã xâm chiếm nhiều đảo của Việt Nam, nhà cầm quyền Việt Nam lại tỏ ra càng cực kỳ hứng khởi, cho cả nước nghỉ tới tám ngày, còn nghỉ dài hơn cả nhiều dịp Tết Nguyên đán.

Thuyền nhân Việt Nam tới Hong Kong

Tiếc thay, sự tự hào vô bờ bến đó của nhà cầm quyền Việt Nam trong năm nay lại nhận đúng một thùng nước đá: Canada - một quốc gia có uy tín, xưa nay không thù không oán với Việt Nam, thậm chí đã và đang viện trợ cho Việt Nam trong nhiều năm nay, vừa thông qua đạo luật S-219 trong đó có xác nhận ngày 30/4 – ngày những người Việt Nam phải bỏ nước ra đi để trốn chạy khỏi chế độ cộng sản - là ngày "Hành trình tới Tự do"!
Đây là là một sự kiện đặc biệt, thêm sức nặng khẳng định nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong bao nhiêu năm đã xâm phạm quyền tự do và nhân quyền của người dân.
Ngày 24/4, nhà cầm quyền Việt Nam triệu đại sứ Canada tại Việt Nam đến để quở trách và phản đối đạo luật S- 219 nói trên. Lời phản đối này đương nhiên không trọng lượng.

Không "tắm máu" – chỉ là "biển máu"


Bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tử nạn trên đường vượt biển

Khoảng 250 ngàn thuyền nhân Việt đã bỏ mạng trên đường vượt biên sau năm 1975


Đạo luật nói trên của Canada như một lễ cầu siêu cho những linh hồn Việt đã bị đày đọa. Cho cả người chết và người sống.
Và hành động này không chỉ cho hơn 60.000 người tị nạn Việt Nam đã được Canada cứu mạng và cho 300.000 kiều dân Việt Nam tại Canada hiện nay, cho tất cả những người tị nạn Việt Nam trên thế giới, mà còn là lời tuyên bố dũng mãnh, một lập trường minh bạch không khoan nhượng với thể chế độc tài toàn trị cộng sản trên toàn thế giới.
Là người Việt Nam có lương tâm, lẽ nào không biết đến nước mắt và máu của đồng bào mình trên một nửa trái tim Việt đã đổ, đã chảy thành sông, đã pha đỏ ngầu nước biển trên con đường đi tị nạn của họ sau ngày 30/4/1975 để tìm tới tự do.
Làm sao có thể không xót xa, không tưởng nhớ, không thắp một nén nhang, một lời nói công tâm cho khoảng 250 ngàn đồng bào mình đã chết oan khốc trên biển? Có ai đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấu hiều dù chỉ một phần ngàn những khốn khổ của họ?




Chúng ta đã làm gì khi hai triệu đồng bào mình, chỉ vì khác chính kiến, là cánh bèo trôi dạt của những thể chế chính trị, mà không còn đường sống, phải tất tưởi đứt ngàn khúc ruột, bỏ lại đằng sau tất cả những gì đời người chắt chiu và hang ổ ẩn náu cuối cùng phó thác mình cho sóng dữ.
Gần một phần ba trong số thuyền nhân tị nạn cộng sản đã chết trên biển, chết quằn quại xác thân, chết vì bị hãm hiếp, trong cướp bóc, trong đói khát, trong ốm đau mòn mỏi, tuyệt vọng vì phải chứng kiến cảnh người thân lần lượt vùi thây bụng cá, cùng cực cô đơn.
Nhà cầm quyền Việt Nam trong thâm tâm luôn mặc định theo lối Trung cổ man rợ rằng phe chiến thắng phải tắm máu của phe bại trận, thế thì mới giải thích được việc họ luôn kể công rằng họ đã không tắm máu kẻ thù sau 30/4 và họ không phải ăn năn chuộc tội sau những sai lầm.
Có thực sự không có tắm máu không? Máu của khoảng 250 ngàn người bỏ mạng trên biển, dù bị nước biển pha loãng nhưng cũng đủ nhuộm màu.
Sóng biển vỗ qua xương thịt của những thuyền nhân Việt Nam, từ đó biển ấy không bao giờ như cũ. Nước ấy pha máu xương người Việt trên con đường chạy trốn khỏi sự bạo tàn của chính quyền cộng sản Việt Nam. Chính quyền này nhân danh đấu tranh giai cấp và hệ tư tưởng để triệt hạ người dân của chính nước Việt.
Có đủ để phủ nhận không tắm máu sau 30/4/1975? Nếu tính những dòng máu của đồng bào Việt Nam đang rỉ rả chảy, kể cả những người bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt đi tù và bị chết trong tù bởi chế độ nhà tù tàn bạo và thiếu thốn?
Lẽ nào đa phần người miền Bắc đến giờ này vẫn còn không ý thức được chân lý tối thiểu là đất nước Việt Nam không phải của riêng của người miền Bắc – những người thuộc chính thể cộng sản Việt Nam, bên mà do không tiếc mạng người dân nên đã giành phần thắng trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn?

Thuyền nhân Việt Nam
Lý do nào để tước đoạt quyền tồn tại của một nửa trái tim Việt Nam chỉ vì bất đồng chính kiến? Quá vô lương và bạo ngược.




Thể chế chính trị có thể thay đổi, nhưng núi sông máu thịt cha ông không thể dời đổi. Người con nào của đất mẹ Việt Nam cũng phải được quyền bình đẳng trên đất đó, phải được nhận phần thiêng liêng của mình trong lòng Tổ quốc.
Sao không thể là ngày quốc hận với một nửa trái tim Việt Nam đã bị bóp nát, vẫn bầm máu chảy và đêm đêm vẫn giật thột tỉnh giấc khóc than trong ác mộng mà đời họ đã phải trải qua, đã quằn quại đớn đau thân xác, đã để lại vết thương tinh thần không bao giờ bình phục được vì ngày 30 tháng 4?!
Sao không là ngày quốc hận nếu như sau bao gắng gỏi và chết chóc, phần thưởng mà người Việt Nam nhận được đến nay vẫn là một thể chế chính trị độc tài tham nhũng đứng trong số hàng đầu thế giới, với mức bình quân thu nhập trên đầu người đứng vào hàng đội sổ và một xã hội ngày càng vô đạo?!
Nếu người miền Bắc cũng phải bỏ nước ra đi chết như người Nam, liệu có vui được không? Có gọi đó là ngày quốc hận không?




Lẽ nào sau 40 năm chiến tranh kết thúc, mà Việt Nam vẫn chỉ đo đếm máu và nước mắt của những người miền Bắc chịu chết theo sự sai bảo của họ, đưa ngực làm bia đỡ đạn bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị.
Đó là nguyên nhân tại sao, dù bao nhiêu rao giảng, bao mời gọi, họ vẫn không thể thuyết phục được người Việt Nam tiến đến hòa hợp và hòa giải dân tộc.
Họ càng không thể biện hộ vì thực tế đã có những nước thành thực hòa giải hận thù và rất thành công như nước Mỹ, nước Đức sau nội chiến. Dù hai bên vốn là cựu thù nhưng thể chế chính sách và hành động công bằng đã hóa giải hận thù, kéo hai miền gần lại, cộng hưởng sức mạnh gấp bội phần.

Hòa giải?

Thực ra người Việt Nam có đặc tính khóc mau mà cười lâu. Họ vốn rất dễ tha thứ. Họ muốn tha thứ lắm, cho nhẹ lòng, cho vết thương thành sẹo, nhưng cố quá mà chưa thể.
Họ đi, và vẫn chưa về, chưa thôi khóc, chưa thôi phẫn nộ vì không thể sống được ở một chính thể đã được Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu , gồm 46 nước, bỏ phiếu và thông qua trong Nghị quyết 1481 ngày 25/1/2006 với nội dung lên án chế độ độc tài cộng sản:
"Những chế độ độc tài toàn trị cộng sản …đều là những quốc gia vi phạm nhân quyền… đều có chung những cuộc giết người tập thể, ám sát, thủ tiêu cá nhân không cần xét xử,… vì lý do chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, vi phạm quyền tự do tư tưởng, xúc phạm lương tâm con người, cấm tự do báo chí, tự do chính trị, độc tôn, độc quyền độc đảng…",
"... nhân danh chủ trương đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản mà các tội ác được biện minh… Hầu hết nạn nhân của chế độ cộng sản chính là công dân của nước đó."
"... các chế độ độc tài toàn trị còn lại trên thế giới vẫn tiếp tục gây tội ác. Không thể dùng quan điểm quyền lợi quốc gia để biện hộ, lấp liếm sự lên án của cộng đồng nhân loại với tội ác của chế độ toàn trị này. Quốc hội chung châu Âu cực lực lên án tất cả mọi vi phạm quyền con người trong các chế độ cộng sản, coi nó như là tội ác chống lại nhân loại."

Pano triển lãm ngoài trời kỷ niệm 40 năm ngày 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đây là một phần của hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Người Việt Nam sẽ tự động hòa hợp ngay sau khi Việt Nam giải thể chính quyền độc tài cộng sản và thay vào đó bằng một chính thể dân chủ đa nguyên, tôn trọng tự do và nhân quyền.
Chính thể đó sẽ phải nhìn lại quá khứ, hành động nhanh nhất có thể trả lại công bằng cho mọi người. Không một chính thể nào còn có danh dự và tự trọng mà lại từ chối hành xử như vậy.
Với người Việt Nam, nhất là những đồng bào đã phải bỏ nước ra đi ngày ấy và sau này, sẽ gạt nước mắt, đứng bên nhau trong lòng mẹ Việt, để được yêu thương, để tha thứ, để cùng thắp nén nhang cầu hồn cho những người đã khuất vì cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ngu dại.
Không thể khép lại quá khứ, không thể hòa giải nếu nhà cầm quyền không ứng xử công bằng, có trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai của người dân. Nếu chỉ nói miệng mà không làm thì càng nói chỉ càng khiến ta công phẫn.
Đền lại công bằng cho những người Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa phải chịu bao mất mát đớn đau tức tưởi sau ngày 30 tháng 4, thực ra là một việc làm quá dễ dàng đối với chính quyền Việt Nam.
Nhưng họ chẳng làm. 40 năm rồi.
Vì họ đã quen thói cướp lấy những gì mình muốn.
Không trả nghĩa là vẫn nợ. Nợ lâu trả thì cả vốn và lãi càng lớn.
Kết quả sẽ là "vỡ nợ".
Sau một cuộc vỡ nợ cấp quốc gia, xây dựng một chính thể dân chủ đa nguyên phi cộng sản, người Việt Nam sẽ nguôi ngoai "quốc hận".

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.