Monday, May 22, 2017

Gật, gật nữa, gật mãi…

Thiền Lâm-23-05-2017

(VNTB) - Dù mới chỉ bước vào ngày khai mạc 22/5, nhưng kỳ họp kéo dài hơn 1 tháng của Quốc hội Việt Nam đã rước phải tâm trạng chán ngán mệt mỏi và chỉ trích của nhiều dư luận.


Ngay trước kỳ họp trên, một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần, hai dự luật tối thiết thân đến quyền dân là Luật Biểu tình và Luật về Hội đã bị Ủy ban Thường vụ quốc hội “đá” khỏi chương trình xây dựng pháp luật năm 2017 và thậm chí cả năm 2018.

Một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần, giới quan chức quốc hội lại nại ra lý do hai dự luật trên “chưa đầy đủ” và bất chợt lên giọng “Quốc hội chỉ thông qua khi dự thảo luật đầy đủ” - như thể Quốc hội luôn là một cơ quan làm việc nghiêm túc và thực sự của dân, do dân, vì dân.

Thế nhưng ai cũng biết nguồn cơn sâu xa dẫn đến sự đình đốn lẫn đổ đốn lâu năm của hai dự luật trên. Luật Biểu tình do Bộ Công an được giao soạn thảo. Bộ Công an lại là tác nhân chính yếu thể hiện vai trò trong các chiến dịch đàn áp biểu tình, dù chỉ là biểu tình dân sinh của những người dân đã đến bước đường cùng. Từ năm 2014 đến nay, Bộ Công an đã nhiều lần xin hoãn luật Biểu tình với đủ thứ lý do có vẻ rất trung thành với đảng nhưng rất đáng bị nghi ngờ về lòng trung hiếu với dân.

Trong khi đó, Luật về Hội cũng mang một số phận hẩm hiu, bởi giới quan chức chỉ nhìn thấy “cánh tay nối dài của đảng” mà chẳng cần biết đến rất nhiều hội đoàn tự phát mà người dân lập ra để phản biện xã hội và phản kháng vô số bất công gây ra bởi chính quyền.

Sự thể tréo ngoe hơn cả là trong khi quay lưng với Luật Biểu tình và Luật về Hội, Quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân lại sẵn sàng, theo đề nghị của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đưa vào chương trình xây dựng luật ngay trong năm 2017 một dự thảo luật đặc biệt về “thuế bảo vệ môi trường”, trong đó nổi bật là mưu toan tăng thuế xăng dầu lên đến 8.000 đồng/lít để giáng vào đầu dân.

Tuy nhiên, kỳ họp lần này của Quốc hội Việt Nam cũng đến nỗi quá nhàm chán. Lần đầu tiên, cơ quan dân cử tối cao này được Chính phủ đề nghị thông qua một bản nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Tình hình đang chờ chực đổ vỡ. Suốt 6 năm qua kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát lệnh xử ý nợ xấu, loại nợ này chỉ có tiến không lùi. Sau hơn 3 năm được thành lập, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã gần như chưa xử lý được một khoản nợ xấu đáng kể nào. Còn “thành tích” mà đời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tuyên rao là đã kéo nợ xấu về dưới 3% thì mới đây đã được người thay thế Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng - cho biết tỷ lệ nợ xấu thực chất lên đến hơn 10%...

Vậy Quốc hội sẽ làm gì để “xử lý nợ xấu”? Liệu một bản nghị quyết của cơ quan này - tiếp theo căn bệnh nghị quyết khó cứu chữa của đảng - có làm biến mất khối nợ xấu khổng lồ?

Sự thật khôi hài nhưng đáng tủi hổ là ngay cả với bản nghị quyết xử lý nợ xấu, Quốc hội cũng không tự sáng tác được mà phải để các cơ quan của Chính phủ dự thảo. Thế thì Quốc hội - cơ quan ăn thuế của dân, có chức năng soạn thảo các văn bản pháp luật - ngồi đó để là gì?

Gật, gật nữa, gật mãi?

Mưa là ngập: Các thành phố lớn đồng loạt thất thủ.

Chim Báo bão-23-05-2017 
(VNTB) Những ngày tuần qua, nhiều thành phố lớn trên cả nước ngập trong những cơn mưa đầu mùa hè. Trong số này phải kể đến Sài Gòn, Hà Nội và Buôn Mê Thuột, cùng nhiều thành phố khác.


Năm nay, sự ngập lụt còn nghiêm trọng hơn các năm trước, khi mưa không chỉ đến một mình, nổi lên theo nước mưa hôi thối và rác rưởi. Nhờ có những cơn mưa này mà người ta biết được rằng một khối lượng rất lớn rác thải hữu cơ, rác thải sinh hoạt bị chôn một cách qua loa, không hề được thu gom xử lý. Ở thủ đô Hà Nội, việc cơi nới đường sá và dẹp bỏ nhà cấp bốn thay vào đó là nhà cao tầng cũng không ngăn cản được ngập lụt. Nước mưa rơi xuống trung tâm thành phố không có chỗ chảy đi, mà có chảy ra được thì khoảng cách đến các con sông ngày càng thu hẹp lại bị làm cho khúc khuỷu. Nhiều con kênh nhỏ ở Hà Nội bị “hãm hại” đến mức nước đen ngầu đặc quánh không chảy được vào mùa khô, thì đến mùa mưa những chất bẩn đó được nước thổi lên, gây ra một mùi hôi tanh rất kinh khủng với những ai thính mũi. 

Tại Sài Gòn, nơi phóng viên ghi nhận là đoạn đường quốc lộ 1A đi qua Đại học Nông lâm. Sau khi cơn mưa chiều tạnh đã 30 phút, nước ngập đến đầu gối. Nhiều xe máy không thể lưu thông được nên phải dắt bộ, lại có xe mất thăng bằng nên ngã nhào cái ùm vào dòng nước. Lưu ý rằng địa thế xung quanh đại học Nông lâm là rất cao so với mặt bằng Sài Gòn tính cả nội thành và ngoại ô. Năm nay, tình hình ngập úng sau mưa cứ như chế nhạo khả năng tính toán của những người cộng sản, mặc dù mưa năm nay chưa là gì so với năm ngoái. 

Dòng nước trôi trong các thành phố ở Việt Nam, tiêu biểu ở Hà Nội và Sài Gòn, đều có màu đen. Nếu ta so sánh với thủ đô Paris, nơi mưa to bất thường và nước sông cũng ngập lớn hơn so với những năm trước, nhưng dòng nước ở Paris có màu nâu như màu cà phê, là màu của đất và phù sa. Đất ở Paris phải tương đối sạch ở mức độ nào đó nên nước ngập mới có màu bình thường như vậy. Khi nước ngập ở Sài Gòn, Hà Nội đen ngầu, hẳn là sự ô nhiễm trầm trọng lắm rồi, “thổ địa” nếu còn thì có lẽ cũng bị đầu độc gần chết.


Tại thành phố cao nguyên Buôn Mê Thuột, nơi mà thời Việt Nam Cộng Hòa trở về trước chưa từng ghi nhận ngập lụt thì vài năm trở lại đây lại là nơi dòng nước chảy xiết nhất. Do địa thế cao, đầu nguồn, sự ngập lụt ở đó lại thêm nguy hiểm. Với tốc độ dòng chảy mạnh, biết bao nhiêu tài sản của dân bị cuốn trôi đi, chưa tính thiệt hại về nhân mạng. Và rất nhiều thành phố khác nữa cũng đang trong tình trạng tương tự. Ngập lụt diễn ra khắp cả nước, tại mọi địa phương, hễ trời mưa. Chưa có năm nào mà kiến trúc cùng giao thông Việt Nam thể hiện tình cảnh khốn nạn như năm nay. Nền quy hoạch thất thủ một cách toàn diện, đồng loạt, thê thảm chưa từng có trong lịch sử. 

Hiện các cơ quan nhà nước vẫn chưa đưa ra được các bản thống kê đầy đủ cho thiệt hại do ngập úng mùa mưa gây ra.

Làm sao vô hiệu hóa máy gây điếc Lrad?

Vũ Thạch-22-05-2017
(VNTB) Trong những ngày gần đây, chúng ta đã thấy tận mắt công an dùng hệ thống LRAD ("Sound Cannon") để đàn áp bà con biểu tình phản đối Formosa.

Đây là loại dụng cụ mà công an biển VN đã không dám dùng cho đúng mục đích của nó: chống lại tàu TQ, nhưng đem vào bờ chống lại người VN.


Mỗi hệ thống LRAD trị giá khoảng 4500 triệu VND (tức 200 ngàn USD), có khả năng tạo âm thanh đủ lớn (tới 162dB) để làm đau và làm điếc vĩnh viễn các nạn nhân trong tầm 100m. Hình 2.

Nhưng ...

Để vô hiệu hóa một hệ thống mắc tiền như thế, người ta chỉ cần dùng đến loại mút nhét tai với giá vài trăm đồng VNĐ. Mút nhét tai không những rẻ mà còn rất dễ mua vì dùng được cho nhiều mặt đời sống, từ những ngành nghề lao động nhiều tiếng ồn đến những bà vợ có chồng ngáy to. 

Xin lưu ý có nhiều loại đồ nhét tai để chận tiếng động như trong hình 4, nhưng loại "mút" co giãn như trong hình 5 là hữu hiệu nhất. Nếu có sợi giây nối giữa 2 miếng mút lại càng tốt để khỏi rơi rớt, và nên có vài cặp phòng hờ trong túi để giúp cả người chung quanh nữa khi cần. Rất nhiều người biểu tình trên thế giới đã sử dụng và chứng minh sự hiệu nghiệm tuyệt vời của giải pháp cực rẻ này đối với LRAD.
Mút chắn âm
Có người đặt câu hỏi nếu thế người biểu tình làm sao nghe được nhau tại hiện trường. Thật ra, thì dù không có LRAD, việc nghe nhau tại hiện trường ồn ào đã khó rồi và vẫn đòi hỏi phải la to và ghé sát vào tai nhau mới nghe được. Ngoài ra, mọi người đều theo dấu hiệu, cờ quạt của đoàn là chính. Do đó, những lúc cần thiết người biểu tình có thể gỡ mút nhét tai để nói và nghe nhau vài giây rồi đeo trở lại.

Trong thời gian trước mặt, công an sẽ dùng LRAD ngày một nhiều để đối phó với những bức xúc của người dân trước nạn tăng thuế, nạn tàn phá môi sinh khắp nơi. Do đó, không chỉ bà con 4 tỉnh miền Trung, không chỉ bà con tham gia biểu tình, mà mọi gia đình, đặc biệt những gia đình có con nhỏ, đều nên thủ sẵn mút nhét tai trong nhà.

Việt Nam đã bị Trung Quốc dắt mũi thế nào trong dự án Cát Linh - Hà Đông?

Chu Tuấn Anh-21-05-2017

(Blog Chính trị Vỉa Hè)

Ngày hôm nay 20/5, dự án đường sắt trên không Hà Đông Cát Linh chính thức được mở cho người dân Hà Nội tham quan. Sau hơn sáu năm khởi công, lần đầu người dân Việt Nam được tận mắt được chứng kiến chiếc tàu metro. Tuy nhiên, đây có phải là một "thành quả" gì đó mà báo chí vẫn đang rêu rao không? Không phải. Dự án đường sắt trên không Hà Đông-Cát Linh là một cú lừa lớn của Trung Quốc với Việt Nam, mà trách nhiệm thuộc về chính phủ Việt Nam. 

Đường Gì mà Uốn Éo Như Giun Thế Này?
Dự án đường sắt Hà Đông-Cát Linh để lại nhiều hậu quả nặng nề, đầu tiên có thể thấy rõ nhất ngân sách quốc gia và nhân dân phải cõng một khoản tiền oan. Dự án được phê chuẩn và đi vào thi công vào cuối năm 2011 với những ưu đãi đầy "hứa hẹn". Đầu tiên, tổng đầu tư 552,66 triệu với chiều dài 13.1 km. Con số này bề ngoài nhìn có vẻ hợp lý và thậm chí khá mềm so với các dự án đường sắt khác trên thế giới. Tại Pháp, chính phủ bỏ ra 39 tỷ để xây dựng hệ thống đường sắt mới dài gần 200 km. Nếu tính ra đơn vị trên 1 km và trừ các khoản chi phí lặt vặt thì mức giá trên của nhà thầu Trung Quốc có vẻ rất phải chăng. Thêm vào đó, chính phủ Trung Cộng hứa hẹn cho chính phủ Việt Nam mượn 169 triệu vốn vay ưu đãi thông qua hình thức ODA. Như vậy bên Việt nam có được gói thầu rẻ và chỉ phải bỏ ra khoảng 80% vốn trước mắt. Tuy nhiên, khi kí thỏa thuận xong xuôi thì chính phủ Việt Nam rơi vào cái bẫy kinh tế của Trung Cộng.

Hợp Đồng Không Rõ Ràng:

Qui tắc tối thiểu trong kinh tế là hợp đồng kinh tế phải rõ ràng. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam đã cố tình phớt lờ nguyên tắc đó. Bên tổng thầu Trung Công đã cố tình chia nhỏ hợp đồng, để khi quá trình thi công bắt đầu mà các hợp đồng quan trọng nhất vẫn chưa được kí hết. Hậu quả là khi mọi chuyện đâu vào đấy rồi bên thầu Trung Cộng trở mặt dừng thi công để đòi thêm phía Việt Nam 315,18 triệu (Con số này bằng già nửa số vốn ban đầu).  Sau khi "thỏa thuận lại" so với thầu Trung Cộng số vốn bỏ tăng gần gấp đôi và hoàn toàn do bên Việt Nam chịu.

Những Phụ Thuộc Nối Tiếp Vào Trung Quốc:

Trung quốc cố tình làm kích thước của thanh ray đường sắt to hơn bình thường để phù hợp với các loại tàu Trung Quốc sản xuất. Như vậy, vậy việt Nam rõ ràng sẽ phải chấp nhận mua loại tàu sản xuất từ phía Trung Quốc. Còn giá cả bao nhiêu thì Trung Quốc hoàn toàn có lợi thế trong việc quyết định


Nguy cơ đổ vỡ kinh tế từ những khoản vay "ngoài dự tính":

Các dự án kinh tế như vậy đã làm Việt Nam trở thành con nợ lớn của Trung Quốc. Nguyên tắc khi đi vay nợ là quốc gia đó phải có đủ điều kiện chi trả. Vay một số tiền quá lớn ngoài sức chịu đựng của những khoản thu của ngân sách nhà nước thì dĩ nhiên chính phủ buộc phải tăng thuế. Rõ ràng trong dự án đường sắt Cát Linh số vay thêm từ trung Cộng là "ngoài dự tính" và gấp 3 lần số vay ban đầu. Chỉ riêng dự án đường sắt Hà Đông-Cát Linh, Việt Nam nợ Trung Quốc gần nửa tỷ Mỹ Kim. Vậy nhà nước đã có kế hoạch gì chi trả cho số tiền nợ "ngoài dự tính" đó chưa hay tất cả sẽ quy về đồng tiền thuế của của dân? Cộng thêm số lãi hàng năm, ngân sách quốc gia và nhân dân sẽ phải cõng một khoản thuế lớn để trả giá cho sự ngu ngốc của nhà nước. Trong lịch sử kinh tế thế giới đã có rất nhiều quốc gia vỡ nợ vì chi-vay không có kế hoạch. Nếu tiếp diễn tình trạng này thì nguy cơ khủng hoảng tài chính của Việt Nam là rất cao, hoặc Việt Nam chấp nhận vỡ nợ, hoặc chấp nhận phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc.

Hà Đông Cát Linh- Một Dự Án Lộn Xộn Thiếu Quy Hoạch:

Nhìn từ trên không có thể thấy rõ dự án Hà Đông Cát Linh đi theo một hướng uốn éo lởm chởm, không hơn một công trình rẻ tiền là bao. Theo phản ánh nhiều người tham quan, công trình có nhiều khe kích thước lớn, hành khách có thể dễ dàng gặp tai nạn. Các khu vực được bố trí không hợp lý dẫn tới việc di chuyển vô cùng mệt mỏi. Một vấn đề lớn đặt ra nữa là không hề có khu vực để xe đạp, xe máy dành cho hành khách trong thiết kế. Bây giờ muốn xây thêm chỗ gửi xe "chưa được dự tính trước" thì ban quản lý sẽ sử dụng phần đất nào đây? Nhất là một thành phố đất chật người đông như Hà Nội Quy hoạch như vậy chắc chắn dự án Hà Đông-Cát Linh sẽ góp phần làm cho mức độ hỗn độn của đô thị trở nên nghiêm trọng thêm.  

Phần khe nối giữa tàu và nhà ga khoảng cách khá rộng, chân trẻ em dễ dàng lọt qua, có thể gây nguy hiểm nếu không có người lớn giám sát (Ảnh Vietnamnet)
Cuối cùng, nói là dự án của Trung Quốc xây người dân Việt Nam có muốn đi không? Hơn nữa, một công trình giao thông chỉ được sử dụng khi nó đi vào hoàn thiện. Ví dụ để đến công sở, người dân phải lái xe máy đến ga tàu, rồi lại phải mất tiền gửi xe máy, và thêm một khoảng thời gian đi bộ để đến chỗ làm việc. Vậy, so với phương tiện truyền thống của họ cái nào lợi hơn? Muốn dự án tàu trên không được người dân sử dụng thì quy mô của tuyến đường phải lớn để đủ để có thể bao quát toàn thành phố. Quy mô của dự án rõ ràng chẳng khác nào để trưng bày cả. Nếu phát triển thêm dự án liệu Việt Nam có tiếp tục chịu sự dắt mũi của trung quốc không? Và tiền đâu ra tiếp để phát triển thêm tuyến đường? 

Dự báo trong tương lai đường sắt trên không tại Việt Nam dùng để.... triển lãm nhiều hơn là sử dụng. Vốn bỏ ra thành một đống sắt rỉ, còn nhân dân chắc chắn sẽ còn tiếp tục phải cõng những khoản tiền đội ngân sách và chịu sự dắt mũi của phía Trung Cộng do sai lầm ngu ngốc của đảng.

Phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN "mất trắng" 5.000 tỷ đồng?

Dân Trí-22-05-2017

Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi..., Bộ Công Thương đề xuất xuất ưu tiên lựa chọn phương án phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật.


Nếu phá sản, hơn 1.200 lao động nhà máy đóng tàu Dung Quất đang có nguy cơ mất việc làm.
Nếu phá sản, hơn 1.200 lao động nhà máy đóng tàu Dung Quất đang có nguy cơ mất việc làm.
Bộ Công Thương: Ưu tiên lựa chọn phương án phá sản
Trong báo cáo gửi tới các Đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, đối với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), có 3 phương án được xem xét để xử lý đối với doanh nghiệp này, bao gồm: Chuyển đổi sở hữu Công ty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ; Phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật và phương án tiếp tục tái cơ cấu Công ty DQS.
"Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi..., đề xuất xuất ưu tiên lựa chọn phương án phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật", Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhắc tới khả năng xem xét đến phương án chuyển đổi sở hữu Công ty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ nếu tìm được nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện thực hiện phương án.
Như Dân trí đã đưa tin trước đó, mặc dù Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có nhiều nỗ lực nhằm cứu Nhà máy đóng tàu Dung Quất nhưng hiện công ty này vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính và chưa thoát khỏi nguy cơ phá sản dai dẳng từ nhiều năm nay.
Trong một báo cáo của Bộ Công Thương trình lên Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm ngoái hé lộ thêm những thông tin cụ thể về tình hình tài chính của nhà máy này.
Đáng lưu ý, tại văn bản này, về phương án cho phá sản nhà máy, Bộ Công Thương từng cho rằng, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.
Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS. Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.
“Như vậy, phương án phá sản có nhiều khó khăn nhất định và gây ra thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên, nếu các phương án khác không khả thi thì đây là phương án cuối cùng có thể xem xét, trình Thủ tướng quyết định”, Bộ Công Thương từng cho hay.
Mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ
Công ty công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) là đơn vị chủ quản của Nhà máy đóng tàu Dung Quất được Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam - Vinashin nay là SBIC thành lập vào năm 2006. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu Vinashin, từ ngày 1/7/2010, Vinashin bàn giao DQS sang PVN.
Theo báo cáo tài chính của DQS tại thời điểm bàn giao từ Vinashin về PVN ngày 30/6/2010, vốn điều lệ của công ty hơn 3.758 tỷ đồng nhưng lỗ luỹ kế lên tới 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả 7.440 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỷ đồng (70% vay bằng ngoại tệ). DQS được đánh giá là mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.
Sau khi được bàn giao từ Vinashin về PVN đến nay, PVN đã chuyển cho DQS 5.095 tỷ đồng, bao gồm 1.900 tỷ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỷ đồng để thanh toán nợ.
Theo báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2016, vốn điều lệ của DQS là 1.900 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.108 tỷ đồng. Tổng các khoản nợ phải trả vẫn còn hơn 6.893 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 1.227 tỷ đồng.
Công ty còn khoản lỗ luỹ kế hơn 3.674 tỷ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ tháng 1/7/2010 đến ngày 30/6/2016 là 2.438,9 tỷ đồng. DQS đã có lãi trở lại vào năm 2014, 2015 nhưng do tình hình khó khăn nên quay trở lại lỗ vào năm 2016 khoảng 103,7 tỷ đồng.
Một trong số những tồn tại của DQS là tài sản cố định đa số được đầu tư từ giai đoạn trước thuộc Vinashin chưa được quyết toán nhưng đã đưa vào sử dụng và trích khấu hao. Hiệu suất sử dụng tài sản thấp, chỉ đạt 20-30%. Nhiều trang thiết bị không phù hợp, lạc hậu hoặc không đạt chất lượng để tham gia vào quá trình sản xuất dẫn đến chi phí khấu hao hàng năm của công ty rất lớn.
Liên quan tới các khoản nợ, 3 khoản vay lớn tại các tổ chức tín dụng là Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thuỷ (VFC) 490 tỷ đồng; Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) 528 tỷ đồng và Nhà thầu YMC-Transtech 548 tỷ đồng. DQS cũng còn nợ phí bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay YMC-Transtech 64,2 tỷ đồng và khoản đầu tư vào công ty cổ phần đóng tàu mới Nhơn Trạch 119,6 tỷ đồng.
Phương Dung

Sau heo, đến lượt trứng gà 'kêu cứu'

Pháp luật TP.HCM-21.5.17  
(PLO)- Giá trứng giảm mạnh, người nuôi gà đẻ trứng đang lỗ tiền triệu mỗi ngày. 


Chung cảnh ngộ với người nuôi heo, tới lượt người nuôi gà đẻ trứng ở Đồng Nai cũng thua lỗ, gặp nhiều khó khăn vì giá trứng gà liên tục giảm xuống. Đáng nói giá trứng giảm nhưng thương lái thua mua ít hơn những tháng trước với lý do nguồn cung nhiều, nhu cầu không tăng.
Anh Sáng, chủ trại gà tại Đồng Nai, cho biết giá trứng hiện nay chỉ còn 900 đồng/quả, tính ra người nuôi gà đẻ trứng đang thua lỗ khoảng 500-600 đồng/quả. Mỗi ngày trang trại thu được và bán ra khoảng 10.000 trứng, lỗ 5 triệu đồng/ngày.
Những ngày gần đây các thương lái lại thu mua ít hơn khiến các trại gà đẻ trứng thêm khó khăn, lượng trứng gà tồn sẽ tăng lên. Theo anh Sáng, nguyên nhân khiến giá trứng gà giảm có thể do các trại lớn của các đại gia chăn nuôi nước ngoài bán lượng lớn trứng ra thị trường.  
Sau heo, đến lượt trứng gà 'kêu cứu' - ảnh 1Các trang trại nuôi gà đẻ trứng cũng đang lao đao vì giá thấp, người nuôi thua lỗ. Ảnh: QH
Đại diện một công ty chăn nuôi cho biết giá thành trứng gà của các công ty lớn thấp khoảng 1.300 đồng/quả nên với giá bán hiện nay, các trại lớn chỉ lỗ khoảng 300 đồng/quả. Còn các trang trại giá thành trứng vào khoảng 1.500- 1.600 đồng/quả thì với giá trứng hiện tại, người chăn nuôi còn lỗ nặng hơn nữa.

Trong khi đó gà lấy trứng ở các trang trại vẫn tiếp tục đẻ, lượng trứng tồn kho gia tăng ngày một nhiều. Mặc dù các trang trại lớn đều gửi trứng vào các kho lạnh nhằm kéo dài thời gian bảo quản lên vài tháng, chờ nhu cầu tăng trở lại. Nhưng với lượng trứng tồn kho quá lớn, cộng với lượng trứng mới đã tạo áp lực lớn khiến giá trứng giảm sâu xuống dưới giá thành.
QUANG HUY

Đại gia tung ngàn tỉ mua nhà, đất rồi… để đó

Theo Pháp Luật TP-22-05-2017

Hiện nay một số đại gia đang sở hữu nhiều bất động sản dùng chiêu “làm giá” thị trường một cách bài bản với mục đích làm cho tổng trị giá đất mà họ có trong tay tăng giá một cách chóng mặt.

Trong khi nhiều người tỏ ra lo lắng đối với việc tăng giá đất nền vùng ven, lại có quan điểm cho rằng những chủ đất ở khu vực trung tâm thổi giá cũng đáng lo ngại không kém. Mặt khác không chỉ cò thổi giá đất mà các đại gia bất động sản cũng tung chiêu đẩy giá đất một cách bài bản.

Vô cùng nguy hiểm

Ông Nguyễn Cao Trí, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Bến Thành, nhận định giá bất động sản luôn tăng theo quy luật hình sin, trong mỗi chu kỳ có tăng có giảm nhưng nhìn chung là tăng giá.

Ông Trí dẫn chứng thời điểm năm 2007-2008 bất động sản liên tiếp thiết lập đỉnh. Sau đó thị trường bất động sản bước vào giai đoạn suy thoái, trầm lắng và gần đây lại xác lập đỉnh mới.

Bên cạnh việc tăng theo chu kỳ, thị trường bất động sản còn tăng theo khu vực. Việc tăng giá giữa các quận trung tâm và các quận vùng ven, quận mới cũng diễn ra theo những cách khác nhau.

Cụ thể, đất ở những khu trung tâm qua rất nhiều thời kỳ sốt đất, khi tăng đến mức nào đó sẽ chững lại nhưng không bao giờ giảm. Chờ qua thời kỳ khủng hoảng, giá đất ở các quận trung tâm lại tăng tiếp.

Trong khi đó, giá đất ở khu vực ngoại thành, vùng ven có biến động giá cực lớn và hầu hết các rủi ro mà hiện chúng ta thấy đều nằm ở bất động sản vùng ven, chứ khu trung tâm thì không có khu vực nào sụt giảm giá một cách ghê gớm.

"Đối với đợt sốt giá ảo trong thời gian gần đây, ngoài những yếu tố tăng giá do hạ tầng, sức mua tăng… thì chắc chắn trong việc tăng giá này có hiện tượng “té nước theo mưa”, ăn theo để thổi giá và đây là điều vô cùng nguy hiểm" - ông Trí cảnh báo.

Đại gia tung chiêu làm giá khó đỡ

Thực tế, hiện nay một số chủ đầu tư đang sở hữu nhiều bất động sản dùng chiêu “làm giá” thị trường một cách bài bản với mục đích làm cho tổng trị giá đất mà họ có trong tay tăng giá một cách chóng mặt.

Theo đó, đầu tiên những ông chủ đất mua một khu đất với giá nào đó. Sau đó mua tiếp một vài lô đất bên cạnh với giá cao gấp 5-10 lần để nâng giá khu đất đã mua trước đó.

Ví dụ, họ mua khu đất khoảng 200 ha ở quận 7, TP.HCM với giá 5 triệu đồng/m2, sau đó họ liền mua khu bên cạnh với giá 50 triệu đồng/m2.

Điều này dẫn đến tâm lý khách hàng, nhà môi giới thấy giá tăng thì dễ dàng “xuống tiền” gom những đất ở điểm lân cận.

Đến lúc này, khi định giá lại khu đất 200 ha đối với các tổ chức, đối tác thì họ không còn chấp thuận ở mức giá cũ nữa mà ngay lập tức “hét” mức giá mới cao gấp nhiều lần so với giá họ vừa mua trước đó.

“Với những đại gia sở hữu nhiều đất đai khi dùng chiêu nâng giá đất này sẽ giúp họ ngay lập tức cân đối tài sản, cân đối tài chính đối với ngân hàng hoặc đối tác…” - theo ông Trí nói.

Thực tế đã chứng minh là giá đất trên trục đường Đồng Khởi thời điểm cuối năm ngoái mới chỉ quanh ngưỡng 1 tỉ đồng/m2 thì đầu tháng 3 đã có những giao dịch mua bán được thực hiện với giá lên tới 1,3-1,5 tỉ đồng/m2.

Theo lẽ tự nhiên, khi giá đất trên đường Đồng Khởi tăng, ngay lập tức giá nhà đất tại các trục đường như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Pasteur, Huỳnh Thúc Kháng... cũng tăng theo.

“Những khu đất vàng ở khu vực trung tâm TP hiện này đang bị làm giá theo kiểu đó hết. Đây là điều cần phải chú ý. Vì trong bài toán lớn của đại gia đất thì có một số nhỏ lẻ ăn theo nhưng nên nhớ rằng đây là “cái bẫy” mà đại gia đất đang muốn giăng ra để cân đối tổng tài sản của họ” - ông Trí phân tích.

Nguy hiểm hơn, những đại gia đất này chỉ mua đất chứ không bán, thậm chí cũng không khai thác các khu đất đã mua.

Giá đất trên trục đường Đồng Khởi thời điểm cuối năm ngoái mới chỉ quanh ngưỡng 1 tỉ đồng/m2 thì đầu tháng 3 đã có những nơi rao bán 1,3-1,5 tỉ đồng/m2. (Ảnh minh họa)

Ông Trí nói tiếp: “Đây chính là quả bom nổ chậm, vấn đề đặt ra là nó sẽ phát nổ vào lúc nào mà thôi. Bởi không thể có một tài sản có giá trị quá lớn mà các nhà đầu tư chỉ mua, không bán cũng không khai thác.

Có những khu đất được chủ đầu tư mua với giá lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng, cứ để yên vài năm nay mà không hề có động tĩnh gì. Nếu những đại gia này không có “chiêu” để cân đối tổng thể tài sản hiện có thì không thể nào giải quyết được bài toán này.


Do đó, các cơ quan chức năng cần tìm ra cách để quản lý nhằm tránh rủi ro cho nền kinh tế cũng như tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính” - ông Trí nhấn mạnh.

Ai đứng sau cơn sốt đất ở TP.HCM?

Theo Pháp Luật TP-21-05-2017
Các chuyên gia trao đổi tại cuộc tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo các chuyên gia, những người đứng sau cơn sốt đất chính là đội ngũ cò đất và giới đầu nậu.
 ​
Ai đang đứng sau thổi giá đất cao ngất ngưởng? Ai đang tiếp tay cho việc thổi giá? Ai phải chịu tổn thất nhiều nhất? Liệu thị trường bất động sản (BĐS) có tiếp tục xảy ra bong bóng như 10 năm về trước và giải pháp nào để kìm hãm? Những vấn đề này đã được các chuyên gia BĐS, doanh nghiệp và Sở Xây dựng TP nêu ra tại buổi tọa đàm “Giải mã cơn sốt đất tại TP.HCM” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 19-5.

Thổi giá làm méo mó thị trường

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định là đang có hiện tượng sốt đất tại TP.HCM trong thời gian qua tại các quận, huyện vùng ven và ngoại thành như quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh… Theo ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Danh Khôi Á châu, giá đất tại khu Đông Tăng Long, quận 9 từ đầu năm 2016 chỉ ở vào khoảng 10-12 triệu đồng/m2, đến cuối năm đã tăng lên mức 15-17 triệu đồng/m2. Tương tự, hiện khu vực quận 9 giao dịch chủ yếu 20-24 triệu đồng/m2. “Việc tăng giá đất nền ở những khu vực này là do thông tin bùng nổ về quy hoạch hạ tầng, thông tin từ huyện lên quận cũng khiến việc tăng giá lan rộng. Việc tăng giá như vậy đang gây hoang mang cho người mua, thậm chí có người cảm thấy hoảng sợ và không dám tham gia thị trường” - ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Cao Trí, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Bến Thành, nhận định việc tăng giá đất như hiện nay có hiện tượng “té nước theo mưa”, ăn theo để thổi giá. Cụ thể, hiện nay nhiều chủ đầu tư dùng chiêu “làm giá” đất, đầu tiên họ mua một khu đất với giá rất thấp, sau đó mua tiếp một khu đất bên cạnh với giá gấp 5-10 lần để nâng giá khu đất đã mua trước đó. Ví dụ, họ mua khu đất khoảng 100 ha, giá 5 triệu đồng/m2, sau đó họ liền mua khu bên cạnh với giá 50 triệu đồng/m2. Điều này khiến những người khác, kể cả các tổ chức thẩm định giá đất cũng không còn định giá khu đất trước đó của họ là 5 triệu đồng/m2 nữa.

“Nguy hiểm hơn, họ chỉ mua đất chứ không bán, thậm chí cũng không khai thác các khu đất đã mua. Đây chính là quả bom nổ chậm vì không có tài sản nào có giá trị quá lớn mà anh chỉ mua mà không bán, cũng không khai thác gì” - ông Trí nói.

“Vạch mặt” kẻ làm nhiễu loạn thị trường

Tại buổi tọa đàm, sau khi phân tích và nhận định, các chuyên gia đều đưa ra kết luận những người đứng sau cơn sốt đất, làm lũng đoạn thị trường BĐS chính là đội ngũ cò đất và giới đầu nậu.

Điều này được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP (Horea), minh chứng thông qua việc hàng trăm người dân mua đất tại hai dự án ở Nhơn Trạch và một dự án ở Trảng Bom, Đồng Nai vừa qua đã đến văn phòng hiệp hội để tố cáo công ty môi giới. Theo ông Châu, khách hàng chạy theo cơn sốt đất đã sập bẫy cò đất. Cò đất dùng thủ đoạn đổi tên, đổi chủ dự án, tự ý sửa quy hoạch 1/500 của dự án bằng cách đưa thêm nhiều tiện ích, nhiều dịch vụ để làm người mua nhầm lẫn. Ngoài ra, họ còn tự ý nâng giá bán cao hơn nhiều lần so với giá của chủ đầu tư đưa ra. Ông Châu chỉ thẳng thủ phạm làm loạn thị trường: “Đó chính là đối tượng cò đất, khác với những nhà môi giới đã được cấp chứng chỉ hành nghề, đội ngũ này không có chứng chỉ gì. Chỉ cần đi ra khu vực vùng ven thì gặp nhan nhản cò đất”.

Ông Phạm Lâm cũng cho rằng chính đội ngũ cò đất này thiết lập nên nhiều mặt bằng giá mới cao hơn giá cũ và người mua phải tuân thủ theo giá mới. Ông Lâm phân tích trong bối cảnh thị trường hiện nay, ai cũng có thể làm môi giới, ai cũng có thể giới thiệu về BĐS và lực lượng này không có ràng buộc nào về mặt trách nhiệm. Ông Lâm kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải rà soát lực lượng này và có cách trị một cách hiệu quả hơn nữa.

Thủ phạm thứ hai, theo ông Lê Hoàng Châu chính là các đầu nậu núp bóng sau lưng các chủ đất để phân lô, bán nền. Ông Châu đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp để quản lý đội ngũ này hoặc cũng để ngăn ngừa đầu nậu làm loạn thị trường như hiện nay.

Có cả trách nhiệm của người mua

Theo các chuyên gia, việc xảy ra sốt đất cũng phải kể đến sự tham gia một cách mù quáng của người mua đất. Tâm lý chạy theo đám đông của một bộ phận không nhỏ người dân hám lời đã nhắm mắt mua đất mà không tìm hiểu kỹ thông tin, góp phần làm thị trường thiếu minh bạch. Dễ thấy nhất là việc chạy theo tin đồn về quy hoạch hạ tầng hoặc chủ trương lên quận của một số huyện như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè; hoặc đổ xô nhau mua theo tin đồn về những dự án lớn dù mới chỉ là tin vịt.

Ông Châu nêu một số dự án nhà đầu tư mới chỉ đề xuất, chẳng hạn như dự án đại lộ ven sông Sài Gòn mới chỉ là ý tưởng của Tập đoàn Tuần Châu nhưng giá đất ở Củ Chi đã sốt hầm hập. “Lãnh đạo TP cũng đã từng làm việc với Tập đoàn Tuần Châu và đề nghị nhà đầu tư này trong bốn tháng phải trình bày báo cáo tiền khả thi nhưng đến nay cũng chưa thấy gì” - ông Châu cho hay.

Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Hồ Phương Vinh, Phó Trưởng phòng Công chứng số 1, cho hay trong cơn bong bóng thị trường BĐS 10 năm trước, ông đã từng chứng kiến rất nhiều khách hàng tán gia bại sản, thậm chí rơi vào vòng lao lý khi thị trường đóng băng. Theo thống kê của ông Vinh, hiện nay tại Phòng công chứng số 1 trong mấy tháng qua hồ sơ giao dịch mua bán nhà, đất tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong tháng 3 tăng gần 18%, tháng 4 lên 37%...

Ông Vinh thông tin không chỉ nhà, đất có giấy tờ hợp pháp mà những trường hợp mua bán theo hình thức đồng sử dụng cũng rất phổ biến. Khi đến phòng công chứng để công chứng mua bán, chính ông Vinh cũng đã tư vấn cho khách hàng về những rủi ro khi mua đất dạng này nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp và quyết định mua. “Nhiều trường hợp không đủ điều kiện để giao dịch theo quy định pháp luật nhưng các đầu nậu vẫn mua, sau đó bán lại bằng cách lập vi bằng làm chứng ở thừa phát lại” - ông Vinh nói.

Các chuyên gia đề nghị trước sự bất thường của giá nhà, đất, chính quyền TP cần phải chủ động cung cấp thông tin cho người dân. Thông tin phải đầy đủ, công khai, minh bạch về các dự án cũng như thông tin quy hoạch để người dân và cả nhà đầu tư biết.


Địa phương siết thì cò không còn đất sống

Trước lo ngại về bong bóng thị trường BĐS trở lại, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển khẳng định giá đất nền tăng mạnh trong thời gian qua sau khi thị trường BĐS đã phục hồi là chuyện dễ hiểu. Theo ông Hiển, tính từ năm 2010 đến nay, có những khu vực BĐS tăng tự nhiên là do giá đất nền đã bị nén rất nhiều năm. Có những khu vực vị trí tốt, hạ tầng ngày càng hoàn thiện hay những khu vực hình thành dân cư… thì giá tăng 200%-300% cũng là điều bình thường. Bởi trước đó giá đất được định giá ở mức thấp và trong một thời gian dài giá đất ở những khu vực đó không tăng. Còn những khu vực khác tăng trưởng 60%-70%, mức lợi nhuận này cũng chỉ nhỉnh hơn lãi suất ngân hàng.

Đúng là có một số vị trí đất nền cò đất đã dùng thủ thuật để đẩy giá lên nhưng việc đó không đủ sức để khiến thị trường xảy ra nguy cơ bong bóng BĐS. Bởi những nhà đầu tư tham gia vào cuộc đầu tư này nhằm mục đích đầu tư lâu dài và họ đầu tư bằng chính tiền túi của họ. “Không có ngân hàng nào tham gia vào trong sự biến động của giá BĐS này cả. Đối tượng tham gia vào thị trường lúc này chỉ có đầu nậu và những người mua nhà dưới chuẩn, tức là những người không đủ tiền để mua căn hộ thì chấp nhận bỏ một vài trăm triệu để mua mảnh đất nhỏ, giấy tờ viết tay” - ông Hiển nói.

Như vậy, nếu chính quyền địa phương siết việc xây nhà không giấy tờ chặt chẽ hơn nữa thì cò đất cũng không có cơ hội bán “đắt như tôm tươi”. Việc tăng giá đất nền vùng ven cũng không phải là tin xấu khiến công ty BĐS không bán được hàng và cũng không tạo ra nợ xấu cho ngân hàng, bởi có một nguyên tắc là ngân hàng không bao giờ định giá theo thanh khoản của thị trường.

Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn chưa lên quận

Thời gian qua chính quyền TP.HCM và Bộ Xây dựng cũng đã vào cuộc và có những động thái cụ thể. UBND TP đã có nhiều cuộc họp để nghe cơ quan chức năng báo cáo tình hình, đồng thời khẳng định ba huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn hiện chưa thành lập quận. Ngoài ra tại Củ Chi, Cần Giờ đúng là đang có những dự án lớn nhưng hiện nay chưa có bất kỳ nhà đầu tư nào chính thức triển khai thực hiện dự án.

Bà VŨ THỊ KHUYÊN,  Trưởng Văn phòng Chính sách nhà ở và thị trường BĐS TP

Theo Pháp Luật TP