Wednesday, October 7, 2015

Cho gà ăn hóa chất dễ gây ung thư để tạo màu da vàng

Trong buổi họp báo thường kỳ vào chiều ngày 6 tháng 10, ông Phạm Tiến Dũng- Trưởng Phòng Thanh Tra Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn- cho biết, qua kiểm tra, thanh tra bộ có tìm thấy một chất cấm mới được người chăn nuôi sử dụng để tạo màu vàng cho thịt gà.


Bộ Nông nghiệp cho biết chất này có tên gọi là chất Vàng-Ô. Con người có thể bị ung thư nếu ăn các loại thịt gà có dư nó. Vàng-Ô là hóa chất được nhập cảng để nhuộm vải hoặc quét tường. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm vì nó có hại cho sức khỏe của con người. Trong chăn nuôi, người nuôi sử dụng chất Vàng-Ô này trộn vào thức ăn để làm chân, da gà có màu vàng bắt mắt.

Ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi- cho biết thói quen ăn uống của người Việt thích ăn những loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt. Chính điều đó đã một phần thúc đẩy cho người chăn nuôi sử dụng các chất cấm này để tạo màu sắc cho thịt. Theo ông Dương, người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi thói quen, nên lựa chọn những món ăn tốt cho sức khỏe.

Cục Chăn Nuôi cũng đã kết hợp với các nhà khoa học làm ra chất thử chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi heo. Đây là phương pháp mới, giúp mọi người phác giác ra việc sử dụng chất cấm ngay tại chuồng heo một cách nhanh chóng.

 10/07/2015 - 07:34
Thanh Lan / SBTN

Thủ phạm về nhập siêu Trung cộng 35 tỷ USD là ai?


‘Nhập siêu Trung Quốc năm 2015 có thể lên tới 35 tỉ USD’ là một dự báo của Bộ Công Thương tại cuộc họp gần đây giữa cơ quan “siêu nhập khẩu’’ này với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Kế Hoạch - Đầu Tư.

Thủ phạm nhập siêu Trung cộng: Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng
Một nguyên do muôn thuở mà Bộ KHĐT nêu ra là hàng hóa VN sẽ gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ nhập từ Trung Cộng, nhất là hàng tiêu dùng.

Vài năm trước, nạn nhập siêu của VN từ Trung cộng đã lên đến 24 - 25 tỷ USD hàng năm và bị coi là ‘dã man’’. Sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981 vào giữa năm 2014, giới chuyên gia kinh tế VN bắt đầu bàn luận đến khía cạnh ‘kinh tế VN sẽ sống được bao lâu nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc’. Trả lời câu hỏi này là lời tường thuật rất thật của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may: nếu không được nhập nguyên vật liệu từ Trung Cộng, nhà máy của họ chỉ tồn tại được vài ba tháng!

Thói quen phụ thuộc nhập khẩu từ Trung cộng đã trở nên quá khó bỏ. Nó không chỉ cột chặt giới doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn xiềng xích giới quan chức “ăn dầy” của VN - những người có thẩm quyền ký hạn ngạch nhập hàng từ Trung cộng. Tình hình càng trở nên nên khốn quẫn khi tại một số cuộc hội thảo về đầu tư, người ta cho biết giới doanh nghiệp Trung cộng có thói quen chi dưới gầm bàn ‘thoáng nhất’!
Thế nhưng, cho dù có nhập siêu đến 35 tỷ USD trong năm 2015, vẫn còn đến 20 tỷ USD hàng nhập lậu từ Trung cộng cho tới nay vẫn không được bất kỳ cơ quan VN nào lý giải. 

Trong thực tế, khoảng chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa VN và Trung cộng chủ yếu rơi vào các nhóm hàng có chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Năm 2014, với hàng xuất khẩu, nhóm hàng điện tử, điện thoại, linh kiện, VN thống kê thấp hơn TC 5.5 tỷ USD. Ở nhóm nhập khẩu, VN ghi thiếu 20 tỷ USD so với số liệu thống kê của Trung Cộng. Trong đó, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị xe cộ... thiếu 12.5 tỷ USD so với Trung CỘng thống kê. Hàng tiêu dùng như rau quả cũng chênh lệch tới 1.6 tỷ USD.

Nếu tính cả con số 20 tỷ USD nhập lậu mà ‘không ai biết’ được tuồn vào theo con đường nào và bị biến hóa ra sao, tổng giá trị nhập siêu của VN từ Trung cộng năm 2015 phải lên đến gần 55-60 tỷ USD. Con số này gấp gần 300 lần so với mức nhập siêu của VN từ Trung cộng vào năm 2002!

Ai đã gây ra hậu quả cả về kinh tế lẫn chính trị này?

Chính Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm về cán cân xuất nhập khẩu và hàng buôn bán tiểu ngạch. Ủy viên trung ương đảng Vũ Huy Hoàng - bộ trưởng Bộ Công Thương, và bao trùm những lĩnh vực mà các doanh nghiệp và tổng thầu Trung cộng đang chiếm lĩnh gần như tuyệt đối thị trường VN - phải chăng đang cố tìm cách bao che cho các tập đoàn lợi ích thân Trung, trong việc bắt nền kinh tế VN phụ thuộc nặng nề vào rất nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung cộng?
  
10/07/2015 - 17:15
Lê Dung / SBTN

Công an Bà Rịa - Vũng Tàu đàn áp tăng ni phá dỡ Tịnh Thất Đạt Quang

Vào sáng ngày 08 tháng 10 năm 2015, phóng viên SBTN nhận được thông tin chùa Tịnh Thất Đạt Quang, xã Vò Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị nhà cầm quyền CSVN đàn áp, cưỡng chế tháo dỡ nhà chùa.
 
Nhà cầm quyền CSVN đã huy động một lực lượng khoảng 200 – 250 người gồm: cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, công an mặc thường phục và cảnh phục, dân quân tự vệ, 2 xe chữa cháy, 3 máy xúc và hàng chục xe quân dụng đến để đàn áp các tăng ni Phật tử, và cưỡng chế phá dỡ chùa.

Thầy Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu người thừa kế tịnh thất Đạt Quang cho biết: “Vào ngày 06/10/2015 vừa rồi, nhà cầm quyền CSVN đã huy động một lực lượng hùng hậu đến để đàn áp, cưỡng chế, sách nhiễu nhà chùa. Họ đưa xe chữa cháy, máy xúc đến để tháo dỡ chùa...”

Trong khi nhà cầm quyền đọc lệnh cưỡng chế, họ cấm quay phim, chụp ảnh, lục soát khắp nơi. Họ leo lên nóc nhà chùa đập ngói, để xịt hơi cay xuống chánh điện làm cho các tăng ni, Phật tử không chịu được nên phải bỏ chạy ra ngoài. Nhiều tăng ni Phật tử đến để ngăn cản nhà cầm quyền phá dỡ chùa nên đã bị đánh trọng thương phải cấp cứu ở bệnh viện.

Thầy Thích Vĩnh Phước cho biết thêm: “Em Nguyễn Thành Công là đệ tử của Chùa, khi đến chùa để theo dõi sự việc thì bị lực lượng cưỡng chế bắt lại và đưa về trụ sở UBND xã Bàu Lâm. Tại đây, công an đã đánh em ngất xỉu, phải đưa đi trạm xá để cấp cứu. Sau đó, gia đình đã đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện trong tình trạng hôn mê, nôn mửa vì bị chấn thương sọ não. Đến ngày hôm nay, người đệ tử này vẫn đang còn phải theo dõi bệnh tình ở bệnh viện ...”

Tịnh Thất Đạt Quang đã bị tàn phá rất nhiều. Đồ đạc của chùa bị tháo dỡ, đem đi tất cả mọi thứ.
Thầy Thích Thiện Minh nhận định rằng: “Việc nhà cầm quyền CSVN đàn áp chùa với mục đích là trấn áp lòng người, làm cho các tăng ni phật tử sợ không dám đến chùa. Họ muốn chia cách và đàn áp giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, vì Giáo Hội luôn đấu tranh cho công lý – dân chủ - nhân quyền được thực thi trên quê hương đất nước Việt Nam.”

Hiện tại, nhà cầm quyền CSVN đang theo dõi, kiểm soát gắt gao khu vực chùa, cũng như lập chốt an ninh cách chùa 1km, không cho người lạ lui tới.
 10/07/2015 - 20:02
Ân Thiên / SBTN

Đại tá Thomas Nguyễn- Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Hỏa Tiễn Và Không Gian Lục Quân

 Theo STBN-10/06/2015 - 15:45
Tháng 8 năm 2015, Đại tá Thomas Nguyễn được chính thức bổ nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng, Bộ tư lệnh phòng thủ hỏa tiễn và không gian Lục quân/Bộ tư lệnh các lực lượng Lục quân chiến lược (U.S. Army Space and Missile Defense Command/Army Forces Strategic Command).
Ông là Đại tá Lữ đoàn trưởng duy nhất trong tám Đại tá Lữ đoàn trưởng pháo binh phòng không lục quân được chọn về làm Tham mưu trưởng cho Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Hỏa Tiễn Và Không Gian Lục Quân. Ông là cấp chỉ huy ở vị trí thứ ba, sau Trung tướng David L. Mann, Tư lệnh và Chuẩn tướng Gregory S. Bowen, Tư Lệnh phó hành quân.

Trong vai trò Tham mưu trưởng, Đại tá Thomas Nguyễn thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Hỏa Tiễn Và Không Gian Lục Quân là tiến hành các hoạt động phòng thủ hỏa tiễn bảo vệ không gian; cung cấp kế hoạch, liên kết, kiểm soát và phối hợp với các lực lượng lục quân, tăng cường khả năng trong các nhiệm vụ phòng thủ yểm trợ cho Bộ tư lệnh chiến lược Hoa Kỳ. Ông có quyền hạn đề nghị hiện đại hóa lực lượng lục quân trong nhiệm vụ bảo vệ không gian và phòng thủ hỏa tiễn trên toàn cầu, nghiên cứu  lãnh vực liên quan đến yểm trợ và phát triển lực lượng phòng thủ hỏa tiễn và không gian Lục quân.

Chủ trương của Bộ tư lệnh phòng thủ hỏa tiễn và không gian Lục quân là cung cấp huấn luyện để các lực lượng phòng thủ hỏa tiễn và không gian, sẵn sàng tác chiến và tăng cường năng lực chiến đấu để bảo vệ quốc gia. Bộ phải xây dựng các lực lượng phòng thủ hỏa tiễn và không gian tinh nhuệ cho tương lai, đồng thời nghiên cứu, thí nghiệm và nối kết không gian, phòng thủ hỏa tiễn, an ninh hệ thống mạng, nâng cao kỹ thuật quân sự.

Đại tá Thomas Nguyễn rất nổi bật trong binh chủng pháo binh phòng không lục quân (Air Defense Artillery Branch) qua thời gian ông làm Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2, Trung đoàn 44, Lữ đoàn 108 pháo binh phòng không, Sư đoàn 101 Nhảy dù vào năm 2009; và Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 35 Pháo binh Phòng không Lục quân.

Đại tá Thomas làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 35 pháo binh phòng không vào tháng 7 năm 2013. Lữ đoàn 35 trú đóng tại phi trường Osan Nam Hàn. Nhiệm vụ của Lữ đoàn là phòng thủ và quan sát tất cả các hoạt động của hỏa tiễn trên bán đảo Triều Tiên, và là đơn vị hỏa tiễn phòng không yểm trợ cho Đệ thất không lực (7th Air Force) và Bộ tư lệnh lục quân thứ tám (Eight Army) và các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Nam Hàn. Nỗ lực của Lữ đoàn là bảo đảm huấn luyện tác chiến, bảo trì vũ khí, và sẵn sàng chiến đấu là ưu tiên hàng đầu của đơn vị. Trong suốt nhiệm kỳ chỉ huy Lữ đoàn 35, Đại tá Thomas Nguyễn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một Lữ đoàn trưởng, chỉ huy các đơn vị trực thuộc gồm Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1 và Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 52 pháo binh phòng không với các Pháo đội cơ hữu trang bị hỏa tiễn phòng không Patriot, tạo thành một lực lượng tinh nhuệ phòng thủ chống phi đạn bảo vệ bầu trời Nam Hàn. 

Đại tá Thomas Nguyễn tường trình cho Thiếu tướng Jim Richardson về chiến thuật phòng thủ hỏa tiễn vào tháng 6 năm 2015 (US Army photo).

Đại tá Thomas Nguyễn sinh tại Sài Gòn. Gia đình ông tỵ nạn tại Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1975. Ông tốt nghiệp Đại học Towson năm 1991, thụ huấn khóa sĩ quan trừ bị qua chương trình quân sự tại trường Đại học Loyola College of Baltimore, tiểu bang Maryland. Trong thời gian phục vụ quân đội, ông tiếp tục hoàn tất các học vị Cao học Khoa học nghiên cứu chiến lược tại Trường Cao đẳng Lục quân Hoa Kỳ (US Army War College); và Cao học Quản trị tại Đại học Central Michigan.

Đại tá Thomas Nguyễn được thăng cấp Thiếu tá năm 2001, Trung tá 2006, Đại tá 2012. Hơn 26 năm phục vụ quân đội ông được ân thưởng nhiều loại Huy chương cao quý như: the Legion of Merit; the Bronze Star Medal; the Defense Meritorious Service Medal; the Meritorious Service Medal (three oak leaf clusters); the Joint Service Commendation Medal; the Army Commendation Medal (one oak leaf cluster); the Army Achievement Medal(three oak leaf clusters); the National Defense Service Medal with Bronze Star; the Afghanistan Campaign Medal with Campaign Star; the Global War On Terrorism Service Medal; the Korean Defense Service Medal; the NATO ISAF Medal (second award); the Spanish Cross Medal; the U.S. Army Senior Parachutist Badge; the British Army Parachutist Badge, the German Armed ForcesProficiency Badge (gold)…

Từ nay cho đến hết nhiệm kỳ, trên phương vị Tham mưu trưởng Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Hỏa Tiễn Và Không Gian Lục Quân - Bộ Tư Lệnh Các Lực Lượng Lục Quân Chiến Lược, Đại tá Thomas Nguyễn có rất nhiều cơ hội và hy vọng được chọn thăng cấp Chuẩn tướng. Vì ông là một Đại tá xuất sắc, có tài lãnh đạo chỉ huy trong binh chủng Pháo binh phòng không Lục quân. Tính theo thời gian thâm niên cấp bậc, ông hội đủ các điều kiện để có thể được chọn thăng cấp Chuẩn tướng vào năm 2016-2017. Nếu được thăng cấp, thì ông sẽ là vị Tướng Lục quân gốc Việt thứ hai sau Chuẩn tướng Lương Xuân Việt. (Trần Anh)
Huy hiệu Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Hoả Tiễn Và Không Gian Lục Quân

Thanh niên mặc quân phục VNCH biểu tình ở Hà Nội sắp ra tòa


HÀ NỘI (NV) .- 'Mới đây đi gặp luật sư thì được cho biết Công an đã kết thúc điều tra nhưng không biết bao giờ cháu bị đưa ra tòa mà gia đình thì sợ con bị tù đầy.'
Nguyễn Viết Dũng (bên phải) mặc quân phục VNCH đi biểu tình vì cây xanh Hà Nội ngày 12/4/2015. (Hình: FB Nguyễn Lân Thắng)
Trong cuộc phỏng vấn với báo Người Việt hôm Thứ Tư 7/2015, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, mẹ của thanh niên Nguyễn Viết Dũng, người mặc bộ quân phục VNCH đi biểu tình ở Hà Nội, cho hay như vậy khi được hỏi về tình trạng của con bà từ ngày bị bắt giam đến nay.
“Cháu bị bắt từ ngày 12/4/2015 đến nay đã gần 6 tháng rồi. Lúc đầu ở nhà giam quận Hoàn Kiếm sau bị đưa sang giam ở nhà giam Cầu Diễn. Đã 6 lần thăm nhưng gia đình chưa bao giờ được gặp mà chỉ có gửi đồ ăn và và quần áo”. Bà Diệu Hồng nói.
Bà cho hay gia đình bà vì không được gặp con nên cũng chỉ nghe nói là “sức khỏe bình thường” nhưng thật tình thì “không biết rõ”.
Ngày 12/4/2015, Nguyễn Viết Dũng tham gia biểu tình cùng hàng trăm người khác tại thành phố Hà Nội chống kế hoạch của nhà cầm quyền thành phố đốn bỏ hết tất cả các cây cổ thụ trên nhiều đường phố chính. Dân chúng phẫn nộ chống lại bằng các cuộc biểu tình tập thể suốt nhiều ngày, buộc nhà cầm quyền địa phương phải dừng lại sau khi đã đốn hàng trăm cây trên một số đường.
Nguyễn Viết Dũng không những đã tham gia biểu tình mà còn mặc bộ quân phục của quân đội VNCH. Một ít người biểu tình ngày hôm đó bị bắt nhưng được thả sau vài giờ, riêng Nguyễn Viết Dũng thì bị bắt giam từ đó đến nay và bị vu cho tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân đã nhận lời bào chữa cho Nguyễn Viết Dũng. Theo luật sư Lê Văn Luân viết trên trang mạng Facebook, Nguyễn Viết Dũng bị truy tố theo khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự với bản án có thể từ 2 đến 7 năm tù.
“Hồi đầu năm tôi thấy nó mặc đồ lính trong ngày sinh nhật của nó. Tôi hỏi thì nó nói đồ của người ta tặng cho con, con mặc không có việc gì đâu mẹ.” Bà Diệu Hồng kể với báo Người Việt.
“Chiều nay 06/10/2015, tôi và Luật sư Lê Văn Luân (Luân Lê) được điều tra viên thông báo vào trại tạm giam dự cung Nguyễn Viết Dũng. Tuy nhiên, chiều nay đã tống đạt kết luận điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng và Nguyễn Viết Dũng đã viết giấy đề nghị Luật sư Võ An Đôn tham gia bào chữa cho Dũng. Vì vậy, phiên toà sơ thẩm có thể có 3 luật sư bào chữa cho Nguyễn Viết Dũng. Nhưng, đến giai đoạn phúc thẩm (nếu có) tôi và Luật sư Lê Văn Luân có thể không tham gia để tạo điều kiện cho gia đình Dũng có chi phí để lo cho Luật sư Võ An Đôn đi ra Hà Nội bào chữa.” Luật sư Trần Thu Nam viết trên trang Facebook.
Nguyễn Viết Dũng, biệt danh trên mạng xã hội là Dũng Phi Hổ, 29 tuổi, bị thẩm vấn về trang mạng của anh trên Facebook với những chi tiết mà một facebooker nói là liên quan đến “Đảng Cộng Hòa”.
Khi còn là một học sinh của trường Trung học Phổ thông Bắc Yên Thành, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Viết Dũng từng dự cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” các năm 2003 - 2004 và đạt giải nhất cuộc thi tháng. Sau đó lên đại học trở thành sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tuy nhiên, Dũng bị đuổi học vào cuối năm 2006 do “lợi dụng biểu tình chống Trung Quốc để tuyên truyền, đả kích, bôi xấu chế độ”. (TN)
  10-07-2015 6:32:22 PM

Phá thai phải chứng minh bị hiếp dâm?

Minh Anh-07/10/2015 02:03
- Dự thảo luật Dân số đề xuất với những trường hợp phá thai trên 12 tuần phải chứng minh được một trong các điều kiện như nguy hiểm tính mạng, hiếp dâm, loạn luân, chưa thành niên hoặc trẻ sinh ra có dị tật...
Siết chặt để giảm chọn giới tính trước sinh
Điều 19 dự thảo luật Dân số quy định về điều kiện phá thai. Trong đó phương án 1 quy định được phá thai dưới 12 tuần tuổi, trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người phá thai.
Với tuổi thai trên 12 tuần, chỉ được phá khi mang thai gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ, thai nhi; Do thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài; Do loạn luân; Do bị hiếp dâm; Người chưa thành niên, người chưa kết hôn; Có bằng chứng nguy cơ đứa trẻ sinh ra có dị tật hoặc nguy cơ phát triển không bình thường.
phá thai, hiếp dâm, luật Dân số
Dự thảo luật Dân số kiến nghị siết chặt các điều kiện nạo phá thai. Ảnh minh họa: T.Hà
Phương án 2, giữ nguyên như hiện nay, được phá thai, trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi; phá thai gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người được phá thai.
Xung quanh 2 đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DSKHHGĐ cho biết hiện đang có nhiều luồng ý kiến.
Ông Tân phân tích, nếu cho phép phá thai theo nguyện vọng có thể dẫn đến việc lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi nếu buông lỏng quản lý. Với phương án 1 sẽ giúp khắc phục tình trạng trên nhưng lại làm gia tăng tình trạng phá thai không an toàn.
Ông Trần Đình Bách, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục DSKHHGĐ cũng lo lắng: "Các đối tượng có thai trên 12 tuần bị cấm phá thai có thể tìm đến các cơ sở chui. Hậu quả có thể gây viêm nhiễm, vô sinh thậm chí gây thủng tử cung, băng huyết nguy hiểm đến tính mạng".
Nhiều bác sĩ sản khoa cũng lên tiếng, ủng hộ việc siết chặt quy định phá thai nhằm hạn chế những nguy cơ về sức khỏe với thai phụ.
“Phá thai khi tuần tuổi thai lớn sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra như tình trạng nhiễm trùng, thủng tử cung vì thai lớn, các bộ phận thai đã hình thành như chân tay, mắt mũi, bác sỹ phải can thiệp nhiều bằng các biện pháp kỹ thuật”, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng Khoa sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà khuyến cáo.
Tuy nhiên ông Tân thừa nhận, nếu siết theo phương án 1 cũng sẽ hạn chế một phần quyền sinh sản của cá nhân, nhất là trường hợp mang thai ngoài ý muốn và có thể tạo sự bất bình đẳng giữa nhóm người có thai dưới 12 tuần tuổi với nhóm người có thai trên 12 tuần tuổi.
Chứng minh hiếp dâm, loạn luân không dễ
Dù đồng tình cần siết chặt điều kiện nạo phá thai, tuy nhiên GS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số, Gia đình và trẻ em cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, cần phải nghiên cứu kỹ, tránh làm khó người dân vì những trường hợp buộc phải phá thai là người phụ nữ đã tới bước đường cùng, không còn lựa chọn.
"Nếu lấy 12 tuần tuổi làm mốc để ban hành luật thì luật rất dễ tụt hậu vì khoa học phát triển, việc xác định giới tính thai nhi sẽ dưới 12 tuần. Nghiên cứu thực tế cũng cho thấy, việc lựa chọn giới tính trước sinh đã được tiến hành ngay từ khi chưa thành thai nhi", GS Cử chỉ ra điểm bất hợp lý.
Về điều kiện phá thai do thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài, GS Cử chỉ rõ số liệu khảo sát năm 2013 cho thấy có tới 50% số ca phá thai sử dụng các biện pháp tránh thai ngắn hạn chứ không phải dài hạn.
Ông cũng bày tỏ băn khoăn về những quy định điều kiện phá thai trên 12 tuần tuổi, đặc biệt phải chứng minh do loạn luân hay hiếp dâm.
"Đây là thủ tục nhạy cảm và chứng minh không hề dễ dàng, sẽ mất nhiều thời gian, khi thủ tục xong có thể thai đã quá lớn", GS Cử nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, với quy định không được phá thai trên 12 tuần tuổi vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi, GS Cử đặt câu hỏi vậy ai sẽ là người chứng minh việc này? Nếu bản thân người phá thai tự khai, có đảm bảo độ tin cậy?
"Rất khó cho cơ quan quản lý khi xác định họ phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính hay không. Do vậy trước khi đưa ra một thay đổi về chính sách, cơ quan quản lý cần nghiên cứu hết sức kỹ càng, tránh gây khó cho người dân và bản thân cơ quan thực hiện", ông Cử nói.
Ông đánh giá, những năm qua, dù luật pháp chưa siết thêm các điều kiện nhưng do nhận thức tăng lên, tỉ lệ phá thai tại Việt Nam trong 20 năm qua đã giảm khoảng 77%.
Năm 1992, số ca phá thai tại Việt Nam là 1,33 triệu, nằm trong top 4 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới, năm 2010 giảm xuống còn 60.000 và đến 2014 chỉ còn 30.000 ca.
Dù vậy theo đánh giá, con số này vẫn còn rất cao.

​Những người không liên quan đứng cạnh CSGT làm gì?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG-07/10/2015 05:30

TTO - Vụ việc nhân viên tiếp thị sữa xử lý biên bản giúp CSGT tại Đồng Nai và đánh chị Hoàng Anh làm hàng ngàn người dân đặt câu hỏi: Tại sao họ liên quan?

   Thượng úy Võ Chí Công và “nhân viên tiếp thị sữa” trong clip
Thượng úy Võ Chí Công và “nhân viên tiếp thị sữa” trong clip
Những người không liên quan liệu có được đứng ở khu vực CSGT đang thi hành nhiệm vụ và họ đứng gần đó để làm gì?
Nghiệp vụ công an để người ngoài ngành làm giúp?
Rất nhiều ý kiến gửi về TTO chia sẻ cùng một thắc mắc tại sao nghiệp vụ của công an lại để một người ngoài ngành làm giúp? Số khác nghi ngờ không biết nhân viên tiếp thị này được sự cho phép của ai mà lại ngang nhiên ghi biên bản xử phạt - một việc thuộc thẩm quyền của CSGT - như vậy?
Trước đó, TTO từng thông tin vụ việc ông Nguyễn Văn Chín (44 tuổi ở Q.Gò Vấp) bị đánh chết không lâu sau khi bị CSGT đo nồng độ cồn (ngày 25-6-2014).
Kết luận của cơ quan điều tra cho thấy tổ trưởng tổ CSGT hôm đó đóng vai trò chủ mưu. Người này đã nhờ Nguyễn Minh Chung - đối tượng có tiền án về tội cướp giật tài sản, vừa ra tù không lâu - “nhờ giúp đỡ”. Sau đó, Nguyễn Minh Chung đã tổ chức và huy động các bị can còn lại đánh ông Chín.
Một vụ việc khác xảy ra tháng 4-2013, một người đàn ông cũng bị hai thanh niên đánh chết sau khi xảy ra cự cãi với CSGT.
Người dân bình thường không có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính
Trao đổi với TTO, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho biết theo quy định về thành lập chốt điều tiết giao thông và xử lý giao thông, chỉ có ngoài cảnh sát giao thông, lực lượng thanh niên xung phong và các lực lượng phối hợp khác như cảnh sát cơ động 113 được quyền tham gia.
“Việc xử lý giao thông, điều tiết giao thông thuộc thẩm quyền của lực lượng cảnh sát giao thông, không thể nhờ người khác phụ giúp, ngồi công khai ở nơi thực hành thẩm quyền” - luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo khoản 1, khoản 2 điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 điều 73 nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì những người thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ gồm: chủ tịch UBND các cấp, công an nhân dân, thanh tra giao thông vận tải; công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm có quyền lập biên bản đối với các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ và công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương.
“Như vậy, người dân lao động bình thường không có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế, việc cảnh sát giao thông nhờ người dân lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính là trái pháp luật” - luật sư Nguyễn Văn Hậu đánh giá.
Cùng quan điểm này, luật sư Huỳnh Phước Hiệp nhận định khi thực hiện việc tuần tra nhằm đảm bảo an toàn giao thông, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không có quy định nào cho phép người khác tham gia.
Hơn nữa, luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho rằng việc cho người ngoài ngành, không có thẩm quyền vào nghe bộ đàm, ghi biên bản là không đảm bảo tính bảo mật khi làm việc của lực lượng CSGT. 
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà các cơ quan chức năng sẽ đưa ra những hình thức xử lý thích hợp đối với những CSGT vi phạm vấn đề này.
Biên bản có giá trị pháp lý không?
Có bạn đọc còn cho rằng nếu biên bản có chữ viết của nhân viên tiếp thị sữa thì không có giá trị vì “người này không phải nhân viên của tổ công tác, không có quyền ghi biên bản xử lý và nghe bộ đàm của công an” - bạn đọc viết.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng biên bản được viết bởi một người không có thẩm quyền theo những quy định của pháp luật thì không có giá trị.
“Người xử lý phải là người lập biên bản bởi họ biết rõ hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông là gì. Những người khác không có thẩm quyền thì sao viết biên bản được?” - luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định.

   Chị Hoàng Anh rơi nước mắt khi kể lại sự việc - Ảnh: H.M.
Chị Hoàng Anh rơi nước mắt khi kể lại sự việc - Ảnh: H.M.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho rằng biên bản phải tuân thủ theo nội dung được pháp luật quy định, có chữ ký của người có liên quan mới có hiệu lực pháp luật.
“Để người khác tham gia vào không đúng quy trình là sai. Nếu bất cứ lĩnh vực nào cũng cho người khác tham gia sẽ rối và việc thực hiện chức năng của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng” - luật sư Hiệp nói. 
Người ngoài đứng gần CSGT làm gì?
Bạn đọc Trung Kiên hỏi: Tại sao CSGT khi thi hành nhiệm vụ lại dẫn theo người ngoài ngành để làm gì? Mục đích gì?
“Người ngoài vào làm việc cho CSGT là sao? Ai phân công, ai cho phép, làm có đúng quy định của ngành không, lại còn đánh người.... ” - bạn đọc tên Hùng nêu thắc mắc.
Anh Hoàng Chuẩn thắc mắc nhân viên tiếp thị sữa đã làm thư ký cho CSGT được bao nhiêu lần rồi?
“Nếu không có video clip quay lại hình ảnh người đàn ông mặc áo hồng đứng ghi biên bản cho CSGT, sau đó công an mới vào cuộc điều tra và kết luận thì nhân viên tiếp thị sữa còn được nghe bộ đàm, ghi biên bản xử lý bao nhiêu lần nữa?” - anh Chung Thành (Đồng Nai) đặt câu hỏi.
Bạn đọc khác đề nghị có cơ quan điều tra độc lập .
Không chỉ là vấn đề nghiệp vụ, từ hai vụ việc xảy ra vào tháng 4-2013 và tháng 6-2014, nhiều bạn đọc cũng đặt câu hỏi tại sao có sự tình cờ đến khó tin khi vừa cự cãi với CSGT thì ngay sau đó bị những người không liên quan đứng gần đó đánh đến chết.
Bạn đọc Trần Phong cho rằng có điều rất lạ là trên nhiều tuyến quốc lộ nơi nào có tổ CSGT làm nhiệm vụ kiểm tra xe thì “y như rằng các tài xế thấy ở hai đầu đường có hai đầu gấu chờ sẵn canh chừng người vi phạm cự cãi với CSGT, gây hấn với những ai muốn quay phim chụp hình! Không hiểu tại sao có hiện tượng này?” - anh Phong viết.
Độc giả Ba Tôm thấy “nực cười” vì không quen biết với cảnh sát giao thông sao lại đi đánh người cự cãi với CSGT?

Nhật ký đẫm nước mắt của mẹ bé 15 tháng tuổi bị bạo hành

Hoàng Nam-06:27 ngày 07 tháng 10 năm 2015
TP - Không chỉ véo tai, lấy thìa đánh vào tay, vào má bé trai Cù Hoàng Phi L. mới 15 tháng tuổi, 3 bảo mẫu ở cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca thuộc phường Nam Lý, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) còn đưa cháu vào góc khuất trói tay, trói chân, nhét giẻ vào miệng để hành hạ.
Người mẹ trẻ chia sẻ hình ảnh và tâm trạng trên Facebook (Thương tổn trên thân thể bé - các điểm khoanh tròn) Người mẹ trẻ chia sẻ hình ảnh và tâm trạng trên Facebook (Thương tổn trên thân thể bé - các điểm khoanh tròn)
Sự thật phơi lộ
“30/9/2015: Là ngày đầu tiên con trai mẹ đi học ở trường mầm non Sơn Ca, đường Hữu Nghị, Đồng Hới, Quảng Bình. Học về con khóc rất nhiều, không cho mẹ lau mặt, không chịu tắm trong khi trước đây con rất thích tắm. Một vết nhỏ thâm tím nơi bả vai. Mẹ rất lo lắng sợ người ta đánh con hay như Bảo Anh bị nhúng nước nên con sợ. Nhưng ba an ủi, bảo họ không dám làm vậy đâu vì có camera theo dõi mà. Mẹ ru con ngủ, con khóc rất nhiều, dậy khóc cả đêm. Điều gì đang xảy ra với con mẹ đây...?
1/10/2015 - 2/10/2015: Học về con vẫn khóc, đêm con lại bật dậy và hét rất to. Mẹ lại thắc mắc với ba con: “Tại sao lại như thế này, bình thường con chúng ta rất ngoan cơ mà?”. Ba con lại trấn an: “Chắc con chưa quen với trường mới”.
3/10/2015: Chân con có 5 vết bầm. Mẹ lo lắng tại sao lại như thế... chuyện gì đây?
Cho đến hôm nay (3/10/2015) công việc mẹ rảnh hơn mọi hôm. 10h26p mẹ mở camera theo dõi con. Cô Linh đang cho con ăn. Cô véo tai con mấy lần vì con không chịu ăn. Con khóc. Mẹ xót xa lắm. 10h57 cô Hà kéo con vào góc lấy thìa Inox (thìa vẫn đút cho các bé ăn) lôi con vào góc (có lẽ cô nghĩ góc này camera ko tới được) đánh liên tục vào 2 tay con, đánh liên tục vào 2 má con. Mẹ chua xót. Mẹ khóc gọi điện thoại ba con về ngay để lên làm việc với hiệu trưởng. Có lẽ mẹ đã hiểu ra lý do vì sao con hay hốt hoảng khi ngủ. 
12h30 mẹ lên tới lớp con, quá nóng giận mẹ đẩy cửa vào không gõ cửa. “Trời ơi!” Mẹ hét lên: “Chúng mày làm gì thế này”. Con bị đè xuống sàn nhà, hai tay hai chân trói chặt về phía sau, cô Anh đang nhét khăn vào miệng còn cô Linh và 1 cô nữa đang giữ con. Nét mặt vật vã của con lúc đó làm mẹ đau tới tận tim gan. Mẹ lao vào ôm lấy con. 3 cô kia kéo mẹ ra để tháo dây buộc tay và chân con. Mẹ hét lên: “Tránh xa con tôi ra”. Ba đi sau mẹ chạy lại giữ lấy con. Mẹ ôm con xuống sân. Mẹ đau đớn. Người con nhiều vết thâm, con khóc, con ôm chặt lấy mẹ, mẹ đau đớn tới quặn thắt...
...Mẹ hi vọng pháp luật sẽ trừng trị thích đáng những con người không khác gì quỷ dữ. Họ là phụ nữ, người đã là mẹ, người sẽ là mẹ. Nhưng họ không hiểu được nỗi đau này của mẹ, nỗi đau mà tới giờ nghĩ lại mẹ vẫn thấy thật kinh hoàng, mẹ sẽ không thể nào quên. Còn con liệu có cách nào để xóa đi được những tổn thương mà họ đã gây ra...” - chia sẻ đẫm nước mắt của chị Đinh H., mẹ của bé L. trên facebook vào tối 5/10.
Sáng 6/10, rất đông phóng viên báo chí đã tìm đến nhà của cháu L., tuy nhiên chị H. từ chối tiếp xúc. Anh Cù Hoàng T. bố của cháu L. cho biết, không chỉ con trai mà ngay cả vợ của anh đã rất sốc sau khi chứng kiến sự việc nên không muốn tiếp xúc với ai. Riêng cháu L. đang sốt rất cao và hoảng loạn sau khi được gia đình đưa từ cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca về. Gia đình đã báo cáo đến cơ quan chức năng về vụ việc trên.
Anh T. (SN 1989) cho biết, cháu L. là con trai đầu lòng của vợ chồng anh. Trước khi đi học, cháu được một người bà con trông giữ. Cháu vốn ngoan ngoãn, hay ăn và vui vẻ. Ngày 30/9, vợ chồng anh quyết định cho con nhập học ở cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca với số tiền đóng góp ban đầu là hơn 1,3 triệu đồng, mỗi tháng đóng thêm 1,5 triệu tiền ăn và tiền giữ trẻ. So với mức học phí tại các trường mầm non ở TP. Đồng Hới, đây được xem là cơ sở mầm non có mức học phí nằm trong “top” đầu, với hi vọng con mình được chăm sóc chu đáo.
Anh T. chia sẻ: “Vì làm quen với môi trường học tập mới nên cháu ngủ trưa rất ít. Quan sát camera, chúng tôi thấy cháu chỉ ngủ khoảng 30 phút rồi dậy, sau đó, các cô bế cháu đi đâu (ra ngoài phạm vi camera) vợ chồng tôi cũng không biết. Lúc đó, chúng tôi chỉ nghĩ, chắc cô bế cháu ra ngoài để dỗ dành. Trong thâm tâm chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sự việc lại xảy ra nghiêm trọng như vậy”.
Cơ sở nuôi dạy trẻ “chui”
Sáng 6/10, PV Tiền Phong có mặt tại cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca, nơi đây vẫn đón trẻ bình thường, 2 trong số 3 bảo mẫu hành hạ cháu L. vẫn có mặt tại lớp. Cơ sở này trực thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Hằng, do bà Trần Thị Thúy Hằng phụ trách.
Nhật ký đẫm nước mắt của mẹ bé 15 tháng tuổi bị bạo hành - ảnh 1
Bên ngoài cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca sẽ được đóng kín sau khi đón các cháu
Được biết, cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca nguyên là một nhà kho hai tầng bỏ hoang, được công ty này thuê lại, có cải tạo đôi chút. Tuy nhiên, diện tích phòng cho các cháu không thiết kế đúng quy cách của trường mầm non. 

Sân chơi lợp tôn rất nóng, ánh sáng yếu ớt, hành lang tầng 2 nhỏ hẹp, các phòng bị ngăn cách thành những ô nhỏ, chật chội, có trang bị quạt nhưng vẫn nóng nực, bí bức. Nhà bếp được bố trí sát một phòng giữ trẻ. Hơi nóng và mùi thức ăn tỏa ra từ bếp rất khó chịu. Đặc biệt, cơ sở giữ trẻ này không thiết kế lối thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn hoặc sự cố khác. Cả khu nhà chỉ độc đạo một lối cầu thang lên xuống.   
Sáng cùng ngày, ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình dẫn đầu đoàn kiểm tra, phối hợp cùng lực lượng công an đã đến cơ sở nuôi dạy trẻ này kiểm tra và xác minh vụ việc. Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, đây là một điểm nuôi dạy trẻ tư nhân chưa được cấp giấy phép hoạt động. 
Cơ sở có 4 lớp với gần 100 cháu đang được gửi tại đây. Trước đó, chủ cơ sở trên có nộp tờ trình gửi về phòng GD&ĐT Đồng Hới để xin cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, khi thẩm định thấy không đủ điều kiện thành lập trường nên đến nay chưa được cấp phép. Tuy nhiên, cơ sở trên vẫn tự ý hoạt động một cách công khai cho đến khi xảy ra sự việc.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Thúy Hằng, phụ trách cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca đã công nhận toàn bộ sự việc và thừa nhận sai phạm. Theo bà Hằng, 3 cô nuôi là Nguyễn Tú Anh (trú thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch); Lê Thị Hoài Linh (trú phường Bắc Lý, TP Đồng Hới); và Lê Thị Thu Hà (trú Đức Ninh, TP. Đồng Hới) bước đầu khai nhận toàn bộ sự việc, có hành vi “bạo hành” bằng cách trói tay, nhét giẻ vào mồm trẻ. Trong 3 cô nuôi trên thì trường hợp Nguyễn Tú Anh là đang thử việc, 2 trường hợp còn lại đã được bà Hằng ký hợp đồng.
Đề nghị xử nghiêm theo pháp luật
Nhật ký đẫm nước mắt của mẹ bé 15 tháng tuổi bị bạo hành - ảnh 2
Cháu L. bị các bảo mẫu bạo hành trói tay, chân
Tại buổi làm việc, ông Đoàn Đức Liêm yêu cầu chính quyền địa phương cho dừng ngay việc nuôi dạy trẻ tại cơ sở này, đồng thời đề nghị công an điều tra thật kỹ để xử lí theo pháp luật đối với 3 đối tượng đã bạo hành cháu L. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Đức Liêm khẳng định: Để xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên, trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lí. Một cơ sở nuôi dạy trẻ “chui” quy mô lớn, ngang nhiên hoạt động nhưng chính quyền địa phương không có động thái nào.   
Ông Liêm cũng chia sẻ: “Rất nhiều người, thậm chí có một số tờ báo gọi cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca là trường mầm non, rồi các cô giáo bạo hành là không đúng, gây hiểu nhầm đối với ngành giáo dục, vì đây là một cơ sở hoạt động trái phép. Rồi nhiều người nói rằng tôi ra lệnh đình chỉ cơ sở này là sai. Ai cấp phép thành lập mà đình chỉ, tôi yêu cầu là phải dừng ngay, đóng cửa ngay chứ không có chuyện đình chỉ”.
Cuối giờ chiều ngày  6/10, bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết: Sự việc xảy ra tại cơ sở mầm non Sơn Ca thuộc địa bàn phường Nam Lý (thành phố Đồng Hới) là hết sức nghiêm trọng.
Chủ cơ sở và các giáo viên vi phạm sẽ được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Đồng thời, Sở sẽ có văn bản đề nghị thành phố Đồng Hới và Phòng GD&ĐT TP có phương án thu xếp phù hợp với điều kiện của các trường mầm non trên địa bàn và nhu cầu của phụ huynh.
Cùng ngày, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho cháu Cù Hoàng Phi L. cùng gia đình tại phường Hải Thành, TP Đồng Hới.
Ông Nguyễn Văn Tuế, Chủ tịch UBND phường Nam Lý cho biết: Do tình trạng trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi trên địa bàn phường quá nhiều (1.400 cháu), trong lúc các cơ sở công lập không đáp ứng đủ nhu cầu, những năm qua, các nhóm trẻ tư nhân làm thủ tục xin phường cấp phép hoạt động khá nhiều, hiện phường đã cấp giấy phép cho 7 nhóm trẻ. Riêng nhóm trẻ Sơn Ca chưa được cấp phép. 

Án mạng kinh hoàng, bất thường trong quán cháo

Long Hà-16:34 ngày 07 tháng 10 năm 2015
TPO - Hai mẹ con bị chém chấn thương sọ não, bất tỉnh bên xác một người đàn ông. Sự việc được người dân phát hiện khi vào quán cháo của bà Hạnh.
Bà Hạnh đang được cấp cứu tại bệnh viện.Bà Hạnh đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Ngày 7/10/2015, nguồn tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết, vào khoảng 23 giờ ngày 6/10, bệnh viện này tiếp nhận hai ca đa chấn thương sọ não và đa chấn thương phần mềm.
Danh tính 2 nạn nhân được xác định, là bà Phạm Thị Diệu Hạnh (38 tuổi) và con gái con Mạc Thị Tâm Như (14 tuổi), ngụ tại thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’Leo.
Sau khi được phẫu thuật, hai nạn nhân đã tỉnh táo. Các bác sĩ cho biết bà Hạnh bị 5 vết chém trên đỉnh đầu dẫn đến đa chấn thương sọ não, dập não, vỡ lún sọ thái dương trái. Còn cháu Như bị vết chém trên đỉnh đầu dài 6 cm, lún sọ, đa chấn thương phần mềm.
Tại nơi xảy ra vụ việc, vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 6/10, một người dân như thường lệ vào quán cháo của bà Hạnh lấy thức ăn thừa về cho heo, thì phát hiện thi thể ông Lê Sĩ Luận (50 tuổi – trú tại huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên) nằm bên cạnh hai mẹ con bà Hạnh đang bất tỉnh trên vũng máu. 
Quá trình khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác minh, ông Luận bị đâm 3 nhát trước ngực dẫn đến tử vong. Hiện trường phát hiện một con dao Thái Lan dính đầy máu.
Trung tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng tham mưu tổng hợp, Công an tỉnh Đăk Lắk cho biết, công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an huyện Ea H’leo khẩn trương điều tra nguyên nhân của vụ án.

Trường học sập mái che, 9 học sinh nhập viện

THANH LIÊM - C.QUỐC-07/10/2015 17:57
TTO - Vào khoảng 14g30 ngày 7-10, một cơn mưa lớn kèm theo gió giông làm sập hoàn toàn mái che sân Trường tiểu học Giá Rai A, (phường 1, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) làm 9 em học sinh của trường bị thương. 
Hiện trường vụ sập mái che. Ảnh:  Thành Công
Hiện trường vụ sập mái che. Ảnh:  Thành Công
Thời điểm này đúng vào giờ ra chơi, nhiều học sinh tập trung ở khu vực sân trường. Nhà trường và ngành chức năng của thị xã Giá Rai đã nhanh chóng đưa các trường hợp bị thương vào Bệnh viện đa khoa thị xã Giá Rai điều trị.
Trong 9 học sinh bị thương có 7 em bị xây xát ngoài da (hiện sức khỏe ổn định, về nhà), 1 em bị chấn thương vùng đầu mặt, 1 em bị gãy xương chân phải nằm viện điều trị và theo dõi.
Lãnh đạo thị xã Giá Rai cùng với các ngành chức năng của thị xã đến thăm hỏi, động viên tinh thần và hỗ trợ tiền cho các em học sinh bị tai nạn tại bệnh viện đa khoa thị xã Giá Rai.
Tại hiện trường, ông Đỗ Minh Thắng, phó chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, chỉ đạo ngành chức năng khắc phục sự cố, kiểm tra độ an toàn của các mái che tại các trường học.
Được biết mái che của trường do ban đại diện hội cha mẹ học sinh trường vận động đóng góp xây cất.
Mái che bị sập nhìn từ trên cao. Ảnh:  Thành Công
Mái che bị sập nhìn từ trên cao. Ảnh:  Thành Công

Bảo kê tấn công ngư dân buộc phải nộp "tô"

THÂN HOÀNG-07/10/2015 17:04
TTO - Nhóm bảo kê tại Hải Phòng chuyên cắm cọc trên vùng biển thuộc quận Đồ Sơn, bắt ngư dân nộp "tô" để được cào ngao. Ngư dân đến cào ngao không tuân theo "luật rừng" sẽ bị đánh dã man.
Các đối tượng Nguyễn Quốc Bình, Phạm Văn Trung, Lê Nguyên Khương (từ trái sang) bị bắt giữ tại cơ quan công an - Ảnh: Công an Hải Phòng
Các đối tượng Nguyễn Quốc Bình, Phạm Văn Trung, Lê Nguyên Khương (từ trái sang) bị bắt giữ tại cơ quan công an - Ảnh: Công an Hải Phòng
Ngày 7-10, công an TP Hải Phòng cho biết cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) vừa bắt giữ bốn đối tượng thuộc hai nhóm để điều tra về hành vi bảo kê, chiếm giữ bãi ngao và cố ý gây thương tích, đánh trọng thương ngư dân làm nghề cào ngao trên sông Văn Úc, khu vực giáp ranh giữa quận Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Bốn đối tượng bị bắt giữ gồm: Lê Nguyên Khương (42 tuổi), Nguyễn Quốc Bình (41 tuổi) cùng trú tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng, Phạm Văn Trung (32 tuổi), Phạm Duy Anh (23 tuổi) cùng trú tại huyện Kiến Thuỵ.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Khương, Bình, Trung và Duy Anh thuộc hai nhóm chuyên cắm cọc trên vùng biển thuộc quận Đồ Sơn, Dương Kinh và huyện Kiến Thụy để bảo kê và bắt các ngư dân  phải nộp “tô” mới được đánh bắt, cào ngao trên vùng biển này.
Theo phản ảnh của các ngư dân, họ phải nộp lại từ 30-40% sản lượng ngao cho các nhóm bảo kê, nếu không nộp sẽ bị các đối tượng đánh đập, không cho cào ngao tại đây.
Từ thông tin cung cấp của các ngư dân, bước đầu cơ quan điều tra xác định ngày 9-7, nhóm ngư dân gồm các anh Bùi Văn Tín, Nguyễn Văn Hùng (trú tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy), Phạm Văn Sông, Nguyễn Văn Quệ, Nguyễn Văn Dương, Phạm Văn Hùng (cùng ở thôn Cổ Tiêu, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy) ra khu vực bãi triều Gồ, vùng cửa sông Văn Úc cắm cọc để phục vụ việc khai thác ngao tự nhiên tại vùng bãi bồi.
Khương đã đến ngăn cản, không cho nhóm ngư dân này cào ngao và yêu cầu phải nộp “tô” vì bãi ngao này do Khương quản lý.
Khi nhóm ngư dân này không chịu dời đi, Khương huy động Bình và Trung mang theo tuýp sắt để gây gổ. Bình điều khiển canô lao thẳng vào nhóm ngư dân, rất may các ngư dân nhảy ra ngoài được nên không bị thương.
Khương, Bình và Trung tiếp tục cầm tuýp sắt, kiếm lao lên thuyền của anh Tín và chém anh bị thương.
Nhóm của Khương tiếp tục bắt hai ngư dân lên đất liền phải quỳ lạy và Khương dùng gậy vụt vào người họ. Sau khi các ngư dân phải nhổ cọc, đưa thuyền đi chỗ khác thì Khương mới thả hai ngư dân.
Anh Tín được đưa vào bệnh viện cấp cứu với thương tích làm tổn hại 7% sức khỏe.
Cũng theo tài liệu của PC45 Công an TP Hải Phòng, ngày 7-8, ngư dân Vũ Duy Kha (54 tuổi, trú tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy) đi cùng một số ngư dân khác ra bãi Đầu Gỗ ở khu vực cửa sông Văn Úc đế cắm cọc cào ngao.
Thấy vậy, Phạm Duy Anh cùng một số đối tượng khác đi canô đến chửi bới, đuổi nhóm của anh Kha với lý do khu vực này do Duy Anh bảo kê. Duy Anh dùng dao đâm vào mạn sườn phải ông Kha. Các đối tượng khác cũng dùng gậy gộc đánh đuổi nhóm ngư dân.
Sau khi gây án, nhóm của Duy Anh đã bỏ trốn. Ông Kha được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lòi ruột ra ngoài, thương tích làm tổn hại 50% sức khỏe.
Hiện cơ quan công an đang truy bắt nhóm côn đồ bỏ trốn và tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.