Saturday, July 30, 2016

Bị bắt gỡ biển "không bán hàng cho người Trung Quốc", nhiều nhà hàng, khách sạn ở Đà Nẵng tự ra "luật ngầm" để đối phó

Theo vitalk.vn-29-07-2016 12:02
Bị bắt gỡ biển
Cái gì cũng có giới hạn của nó. Muốn người dân không kỳ thị khách Trung Quốc thì bản thân chính quyền địa phương cần có biện pháp để bảo vệ chính những người kinh doanh trên địa phương mình. Có thế thì người dân mới có thể yên tâm kinh doanh buôn bán được!

Mới đây, một cửa hàng đã thẳng thừng treo biển, ''Không tiếp du khách Trung Quốc'' hoặc ''Nói không với Trung Quốc'' bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung. Tuy nhiên, vì một số lý do nhạy cảm và việc treo biển từ chối khách Trung Quốc gây phản cảm, ảnh hưởng đến phát triển du lịch của Đà Nẵng nên những cửa hàng này đã được chính quyền sở tại yêu cầu gỡ những tấm biển đó xuống.

Theo tìm hiểu, một số chủ cửa hàng tại Đà Nẵng cho rằng, chiếc biển báo đó chỉ mang tính chất hình thức, để du khách Trung Quốc họ hiểu ra rằng chính những hành động của họ đã khiến người dân Việt Nam làm như vậy. Bản thân cửa hàng một khi đã xác định không tiếp du khách Trung Quốc thì sẽ không thiếu cách để ''từ chối khéo''.

Anh Tấn Vũ, chủ cửa hàng thời trang MK Men Fashion trên đường Phan Châu Trinh (TP. Đà Nẵng) cho biết: ''Người Trung Quốc cũng có người nọ người kia, mình cũng không nên kỳ thị họ quá, có một số khách cũng rất lịch sự nên không thể đánh đồng người Trung Quốc ai cũng như ai. Với những khách mà có hành vi thô lỗ thì mình cũng nói thẳng ra là cửa hàng không bán cho những người như vậy.

Còn đối với những trường hợp mà cửa hàng không muốn tiếp nhưng họ vẫn cố tình làm phiền mình thì mình sẽ nói rằng những món đồ họ mua đã có người đặt rồi nên không bán cho họ nữa. Ngoài ra mình có thể từ chối khéo bằng cách nói rằng, cửa hàng đã đóng cửa hoặc cửa hàng có việc bận nên không thể bán trong lúc này được. Bây giờ nếu mình để bảng không bán hàng cho người Trung Quốc thì chính quyền sẽ không cho, bởi vô hình chung sẽ làm hỏng mất hình ảnh của Việt Nam, không thu hút được khách du lịch cho Thành phố.''

Anh Vũ chia sẻ thêm, ở Đà Nẵng cũng có nhiều cửa hàng trên đường Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Lê Duẩn... treo biển ''Say no with guests China'' (nói không với khách Trung Quốc).

Cũng gặp phải vấn đề trong việc tiếp đón khách Trung Quốc, anh Thế Sơn, Chủ một khách sạn trên đường Trần Phú (TP. Đà Nẵng) cho hay, sau vài lần cho khách Trung Quốc thuê phòng, khách sạn đã kiên quyết ''từ chối khéo'' đối với với những trường hợp này.

''Vào thời điểm cách đây khoảng 4 năm, trước khi người Trung Quốc đến Đà Nẵng nhiều như bây giờ chúng tôi có tiếp đón 3 đoàn khách Trung Quốc. Tuy nhiên ý thức của họ rất kém, họ thức khuya chơi bài rồi hát hò đủ kiểu khiến cho những du khách khác khó chịu và phản ánh lại quản lý.

Không những thế, mỗi lần họ trả phòng là một lần tôi tiếc đứt ruột. Họ biến phòng khách sạn thành một cái bãi rác, đồ đạc thì vứt lung tung khắp phòng, chăn ga gối đệm thì bị họ bôi bẩn, rơi vãi thức ăn lên, dính bết lại trông rất sợ.

Sau lần đó, khi khách Trung Quốc đến đặt phòng chúng tôi đều nói rằng tất cả các phòng đã được cho thuê, không còn phòng trống. Mặc dù làm như vậy thì khách sạn sẽ mất đi một khoản doanh thu không nhỏ, nhưng suy cho cùng thì kiếm thêm được chút tiền mà rước cả cục tức vào người cũng không phải là phương án hay.'' anh Sơn nói.

Tranh biếm Đông Hồ

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-07-30  
bom-hoi-vao-ga-622.jpg
Tranh biếm bơm hơi vào gà.  Photo by Nguyễn Ngọc Tú 
 Tranh sinh hoạt
Mới tuần trước trên mục này chúng ta đã cùng nhau theo dõi câu chuyện tranh giả của một chuyên gia về mỹ thuật Việt Nam là ông Jean Francois Hubert với 17 bức tranh dưới những cái tên lừng lẫy của trường Mỹ thuật Đông Dương, bị người xem, cũng như các nhà nghiên cứu hội họa vạch ra sự giả mạo rất non tay để từ đó ngành hội họa non trẻ của đất nước không tránh khỏi đau lòng khi tự biết lĩnh vực giám nghiệm tranh của chúng ta quá thô sơ, lạc hậu.
Thế nhưng trong cái “giả” đau lòng ấy, một loạt tranh khác, được định danh là “nhái” lại không hề làm cho người xem bực mình vì đã nhái kỹ thuật của loại tranh nổi tiếng của đất nước, bởi, trong cái nhái đầy thi vị của mình tác giả những bức tranh này ý thức rõ ràng rằng nó sẽ là thông tin cho mai sau đúng với chức năng nó đã và đang mang trên lưng từ hàng trăm năm nay: tranh sinh hoạt.
Dòng tranh tạm “chuyện làng” ấy không khó để đoán ra, đó là những bức tranh Đông Hồ trên giấy dó. Nét cọ nghịch ngợm của những họa sĩ dân gian hằn lên từng thớ giấy toát ra tiếng cười dân giã, kể lại những câu chuyện xảy ra nơi làng quê mà trong đó nhiều thế hệ sau, khi nhìn tranh vào những dịp cuối năm sẽ được dịp cười nghiêng ngã trước những đường cọ bình dị đầy bản sắc dân tộc lộ lên từng mảng màu một cách tinh tế. Khi được hỏi vì sao lại chọn cách mà Đông Hồ đã làm, Nguyễn Ngọc Tú, tác giả của cách thể hiện mới này chia sẻ:
Thế hệ của chúng ta bây giờ xem tranh Đông Hồ để hình dung lại sinh hoạt ngày xưa của ông cha mình, thì ngày nay việc dùng thực phẩm bẩn để gây hại cho người khác cũng sẽ trở thành đề tài để thể hiện sau này.
-Nguyễn Ngọc Tú
“Vì sao lựa chọn chất liệu Đông Hồ? Đó là vì bản chất tranh Đông Hồ là thể loại tranh dân gian, nó lưu giữ lại những cảnh sinh hoạt đời thường của người dân. Thế hệ của chúng ta bây giờ xem tranh Đông Hồ để hình dung lại sinh hoạt ngày xưa của ông cha mình, thì ngày nay việc dùng thực phẩm bẩn để gây hại cho người khác cũng sẽ trở thành đề tài để thể hiện sau này. Khi con cháu mình nhìn vào những bức tranh được lưu giữ ở quá khứ nó mang giá trị dành cho thế hệ sau hơn là ở thế hệ này bởi vì chúng ta thấy nó quá bình thường rồi nhưng sau này con cháu chúng ta nhìn vào nó sẽ hình dung ra được một quá khứ không còn đẹp đẽ như những bức tranh Đông Hồ mà chúng ta thấy hiện nay nữa. Nó là một quá khứ rất đáng sợ, đó là lý do tại sao cháu chọn phong cách tranh Đông Hồ.”
Tranh Đông Hồ nổi tiếng vì những câu chuyện mà nó chuyên chở, từ hái dừa, đánh ghen hay đám cưới chuột, cho tới cách nhìn của tranh đối với những con vật quen thuộc trong gia đình như gà hay lợn cũng thân tình và gần gũi với người bình dân hơn bất cứ dòng tranh dân gian nào khác. Nét đặc sắc của Đông Hồ nằm trong ba yếu tố: chất liệu giấy dó được phết điệp khiến tranh sống động như các loại tranh hiện đại. Màu sắc được lấy từ cây cỏ thiên nhiên nhưng không bị giới hạn bởi tính cách đơn sắc khi in mộc bản. Tuy nhiên, chính nội dung của tranh mới làm nó nổi tiếng và người xem yêu quý. Tranh Đông Hồ kể lại những câu chuyện thường nhật về con người sống cùng thời đại của nó mà đôi khi trong thế giới ngày nay đã hoàn toàn biến mất.
Đông Hồ tuy được công nhận là di sản phi vật thể nhưng ngày càng ít người mua hơn, bởi điều dễ nhận thấy nhất là những câu chuyện trong tranh vốn là sức hút nay không còn ăn khách nữa.
Nguyễn Ngọc Tú, một người trẻ không chuyên về vẽ, đã vô tình tiếp nối dòng tranh này bằng những câu chuyện biếm của mình theo cung cách Đông Hồ. Tranh biếm của anh xoay quanh các đề tài mà ngày nay trở thành bình thường đến nỗi không còn ai để ý đó là vấn đề thức ăn thường nhật của người Việt không còn an toàn nữa. Nguyễn Ngọc Tú tuy chỉ là một người vẽ tài tử nhưng cách tiếp cận vấn đề của anh thật đáng chú ý.
lon-khat-400.jpg
Tranh biếm lợn khát của Nguyễn Ngọc Tú.
Nguyễn Ngọc Tú sớm nhận ra những ưu tư của anh trước đời thường nếu ghi chép lại bằng kỹ thuật của tranh Đông Hồ sẽ thu hút được sự chú ý của người hôm nay và quan trọng hơn, nó sẽ lưu truyền trong những năm tháng sau này như Đông Hồ từng làm. Từ trăn trở này Nguyễn Ngọc Tú cho biết:
“Ban đầu do nỗi lo lắng khi mình đi ăn ngoài. Bây giờ việc người ta dùng thực phẩm bẩn đã tràn lan rồi thành ra mỗi lần đi ăn ngoài là một lần lo sợ. Nỗi lo sợ đó khi về nhà cháu muốn vẽ một cái gì đó thể hiện nỗi lo không những cho riêng mình mà cho người thân và con cháu mình sau này để cảnh giác. Ban đầu vẽ lên thì để thể hiện sự lo lắng của bản thân cũng như lo lắng cho những người chung quanh mình về vấn nạn người ta dùng thực phẩm bẩn. Nó đặt nặng nhiều vào sự hy vọng. Hy vọng những người buôn bán họ sẽ lấy cái tâm để làm kinh doanh, chứ nếu lấy sức khỏe người khác mang lợi cho mình thì rất là đáng sợ cho thế hệ này và những thế hệ sau nữa. Nó mang hy vọng rất lớn chứ không phải là thông điệp nhắn gửi bởi vì báo chí đã phản ảnh rất nhiều rồi cho nên bộ tranh này chỉ mong nó là niềm hy vọng, lớn hơn sự phản ảnh.”

Tranh Đông Hồ nhái

Để vẽ loạt tranh biếm này Nguyễn Ngọc Tú sáng tạo background thô nhám nghệ thuật của tranh Đông Hồ bằng cách áp dụng phần mềm Photoshop, sau đó vẽ trực tiếp trên Wacom tạo hình dạng của nhân vật cuối cùng là phần màu dựa vào nguyên mẫu Đông Hồ để tạo nên tổng thể từng họa phẩm.
Tuy rất giống tranh Đông Hồ khi mới lướt nhìn nhưng rất khác nếu ngừng lại ở bức tranh lâu hơn. Nguyễn Ngọc Tú cho biết cách mà anh sáng tác:
“Cháu không phải là họa sĩ cũng như không biết cách làm tranh Đông Hồ như thế nào nhưng khi nhìn những bức tranh Đông Hồ cháu dùng máy tính Digital Printing và cố gắng thể hiện chất liệu của nó càng giống càng tốt. Cũng may nó thể hiện được phần nào nên mọi người nhìn vào thì thấy ngay phong cách tranh Đông Hồ bởi vậy người ta hay gọi tranh Đông Hồ nhái chứ không phải tranh Đông Hồ được vẽ theo cách truyền thống. Cháu vẽ trên Wacom và dùng phần mềm Photoshop.”
Cháu không phải là họa sĩ cũng như không biết cách làm tranh Đông Hồ như thế nào nhưng khi nhìn những bức tranh Đông Hồ cháu dùng máy tính Digital Printing và cố gắng thể hiện chất liệu của nó càng giống càng tốt.
-Nguyễn Ngọc Tú
Tú dùng bố cục của Đông Hồ để miêu tả câu chuyện trong chủ đề duy nhất là thực phẩm bẩn. Bức tranh người đàn bà ngồi bơm hơi vào con gà cho to lên để bán, hay cả gia đình “hô biến” những quầy chuối còn non thành vàng ruộm đã thật sự làm cho người xem rúng động. Những con người hiền lành khi xưa trong thế giới của tranh Đông Hồ hôm nay thay đổi diện mạo một cách khó hiểu. Cũng chiếc áo tứ thân, cũng khuôn mặt bầu bĩnh của đứa trẻ Việt Nam, cũng thân cây quen thuộc trong Đông Hồ nay đã trở thành một nơi chốn khác, tàn bạo và lạnh lùng bởi lòng tham của con người.
Nếu bức đánh ghen của Đông Hồ làm cho người xem nhớ mãi trong cái ghen tuông của bà vợ vẫn còn chút gì hơi hướm chân quê thì nay chính vợ chồng hai anh chị nhà quê ấy lại cùng nhau mở cửa hàng bán thịt lợn nhưng lại ghi bảng là “thịt bò 100% thề!” Chữ “thề” phía sau như một dấu chấm than diễn tả thật sâu ý nghĩa mà bức biếm họa kéo người xem vào ngôn ngữ kẻ chợ hôm nay. “Thề” không còn là chữ người ta dùng một cách cẩn trọng nữa mà nó như một thứ “tán thán từ” được nói lên nhằm minh họa cho một thời kỳ gian dối đến từng câu chữ.
Con dao bầu sắc nhọn thay cho chiếc kéo đánh ghen hôm xưa vẽ ra hình ảnh một xã hội lừa đảo đến cùng cực. Người xem rùng mình khi nghĩ tới viễn cảnh mình và gia đình đang nằm dưới con dao tròn trĩnh ấy vì hóa chất biến heo thành bò của những thương buôn vô lương tâm.
Nếu con lợn trong tranh Đông Hồ tượng trưng cho sung túc thì trong loạt tranh biếm của Nguyễn Ngọc Tú chú lợn trở thành “lợn oan” vì đói khát phải ra đường tìm nước uống ở những phông tên công cộng. Tú rất tinh tế qua cách dùng màu sắc để biểu cảm trong từng chủ đề. Cũng là màu của Đông Hồ, cũng là hơi thở của Đông Hồ trên từng chiếc lá nhưng trong tranh biếm của Nguyễn Ngọc Tú người xem thấy không gian của thời đại mình đang sống hiện ra bằng ngôn ngữ Tú dùng trong tranh: lạnh lùng, vô cảm và đầy ắp mưu toan.
Trong bức biếm về giá cả, bên cạnh gian hàng thịt heo trưng bảng giá 100 ngàn một ký, thì gian hàng kế bên bán chà bông cũng từ thịt heo nhưng chỉ còn 80 ngàn một ký. Sự gian dối lộ liễu ấy cho thấy người bán xem thường người mua đến mức nào.
nhuom-chuoi-400.jpg
Tranh biếm nhuộm chuối của Nguyễn Ngọc Tú.
Bức cuối của loạt tranh biếm Đông Hồ miêu tả một bệnh viện mang tên Ung bứu đang được xây dựng với lá cờ phướng ghi rõ dòng chữ “tưng bừng khởi công” làm cho người xem vừa tức cười vừa chua xót. Đâu đó trong không khí của năm 2016, hình ảnh từng đoàn người bấu víu nhau vào bệnh viện để chữa trị những chứng nội thương ung bứu do hóa chất trong thực phẩm gây ra làm cho “dòng tranh” biếm của Tú thấm đẫm thời gian tính hơn lúc nào hết.
Tranh biếm của Nguyễn Ngọc Tú không có tính cổ vũ cho sự bôi bẩn con người hay chế độ, nó chỉ đơn giản là kể chuyện. Những câu chuyện bằng tranh tuy gây cười nhưng lại tác dụng như những biên bản thời sự, minh họa lại những sinh hoạt gian lận trong công nghệ thực phẩm từ công ty lớn cho tới bà nhà quê mới học được kỹ thuật bơm hóa chất vào trái cây để nó chín mau hơn, bất kể sức khỏe người ăn nó.
Những bức tranh biếm Đông Hồ của thời đại Hồ Chí Minh không đơn độc trong không gian mạng, nó chậm rãi đi vào ý thức của người xem và nếu để ý, người ta sẽ thấy phần chìm phía sau nó là những tiếng thở dài của cả một thế hệ lơ láo trước những nguy hiểm chết người nhưng không có cách nào chống lại.
Khi được hỏi có suy tính tới việc phản ảnh những vấn nạn xã hội khác ngoài thực phẩm bẩn trong tranh biếm của mình hay không, Tú cho biết:
“Những vấn nạn ở xã hội bây giờ nó quá nhiều, nếu diễn tả hết thì thật sự cũng khó mà nói hết được cho nên trước mắt cháu tập trung vào đề tài này thôi còn sau này nếu có thời gian thì sẽ phát triển mở rộng thêm đề tài.”
Công việc của Tú tuy không nặng nề nhưng dù sao nó cũng là tài sản trí tuệ. Anh không thể hiểu nỗi vì sao nhiều tờ báo mạng thoải mái share những bức tranh này của anh mà lại quên ghi tên tác giả. Đây có lẽ là mối bận tâm nhất của anh.
“Chỉ có trên Facebook và có một tờ báo mạng xin phép đăng trên trang của họ. Riêng những người khác hay những trang khác thì họ share về hay lưu lại rồi họ tự post lên. Việc mà được tôn trọng, được credit tên của mình nó thể hiện phần tôn trọng đối với tác giả mà quyền tác giả tại Việt Nam thì dường như nó bị xem nhẹ quá. Cháu khá buồn khi thấy một số một vài trang lớn tự đăng lại mà không một lời xin phép nào thì cũng hơi buồn.”
Con đường còn rất dài trước mặt để khẳng định cách làm của Nguyễn Ngọc Tú có đi trước thời đại hay không. Thế nhưng nếu không chấp nhận cho mình sự thử thách như Tú đang làm, xã hội sẽ buồn và đơn điệu biết bao khi tiếng cười lành mạnh không còn vang lên trong bữa cơm gia đình.
Tú đã mang tiếng cười đến cho ai xem tranh của anh, mặc dù trong tiếng cười ấy là biết bao sinh mệnh đã bị trả giá về lòng tham của con người.
Tranh biếm Đông Hồ của Nguyễn Ngọc Tú dù có được nhắc tới sau này như sự mong đợi của tác giả hay không nhưng cách làm của anh đã cho thấy sự sáng tạo của một người trẻ đang góp phần tích cực kéo dài đời sống tinh thần của Đông Hồ trong ký ức người Việt.

Chào ánh sáng, chào những ánh mắt mở ngủ mê

Tuankhanh07/30/2016 - 13:51 
(Ảnh: một góc của cuộc chiến tranh 1979 chống Trung Cộng xâm lược)

Sự kiện tin tặc Trung Cộng tấn công vào hệ thống IT của phi cảng Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ngày 29/7, như có một luồng ánh sáng chớp lóe lên trong suy nghĩ của hàng triệu người dân Việt. Hy vọng thay, đó là khoảnh khắc sẽ thức tỉnh được nhiều con người về hiện trạng đất nước.
Có lẽ, bất kỳ ai vẫn lớn tiếng kêu to rằng đừng quan tâm chính trị, hãy chỉ lo làm ăn – làm giàu, và hãy cứ phỏ mặc cho Nhà nước giải quyết mọi chuyện, lúc này sẽ phải dành chút ít thời gian nghĩ về thân phận của mình và gia đình mình. Trên các chuyến bay của ngày 29/7, một nhà triệu phú hay một người nghèo khó đều có thể bỏ xác ngay trên đất nước mình trong niềm tin cố thơ ngây phi chính trị ấy. Có hơn 400.000 hành khách đã bị ảnh hưởng như vậy từ hành động cảnh cáo của nhóm tin tặc 1937cn, do Bắc Kinh tài trợ và nuôi dưỡng, mà bên cạnh đó, có những lời tố cáo cho biết các thành viên của nhóm này đã xâm nhập từ lâu vào hệ thống IT của Việt Nam. Dĩ nhiên, còn chưa tính tới việc có ai đó là kẻ phản bội và bán đứng các thông tin quan trọng cho giặc phương Bắc.
Nhưng vì sao, giữa vô vàn thống khổ lâu nay của quê hương - từ nạn bauxite đang giết dần mòn Tây Nguyên, từ biển và đảo đang mất dần, ngư dân bỏ mạng trên biển và tuyệt vọng trên bờ, cho đến những dự án nguy nga giả tạo xây lên để tạo ra ngân khoản rút rỉa mồ hôi nước mắt nhân dân, những cuộc cưỡng chiếm đất đai của nông dân như bọn thổ phỉ chiếm đóng - chuyện mất an ninh mạng của các phi cảng Việt Nam lại gây chấn động như vậy?
Người dân Việt Nam bị ru ngủ trong một thông điệp mơ hồ là hãy chỉ nên lo cho bản thân mình, lâu nay đã trở thành những vùng quần cư ích kỷ và hẹp hòi, nên rồi chỉ biết nẹp mình trong chén cơm và manh áo. Họ quên cả đồng bào, quên cả tổ quốc, quên cả số phận tương lai của mình. Sự xót thương không còn nhưng lại liều lĩnh tội nghiệp như những hành khách theo lệnh ra khơi mà không bao giờ được chu cấp một chiếc phao cứu sinh. Những ngày cá chết, ngư dân tuyệt mạng thì nhiều người Việt nghe chừng đâu đó rất xa xôi. Bùn đỏ tràn miền Thượng thì nghe như bản tin quốc tế thoáng qua với họ. Chỉ đến khi sinh mạng của từng người bắt đầu bị đe dọa thì mới xuất hiện sự hoảng sợ và ý thức. Nhất là đối với từng con người đang chăm chút cho số tiền để dành, cho sự bình yên phi chính trị… chợt bừng tỉnh rằng mọi thứ là vô nghĩa trước một tình cảnh quá hoang tàn.
Có ý kiến hùng tráng cho rằng dân tộc Việt Nam đang bật lên đoàn kết sự kiện hoảng hốt này. Đó là một loại ngụy biện đáng thương. Sẽ không có chứng cứ nào về loại đoàn kết từ sự rúm ró sợ hãi và mơ hồ về tương lai của mình như vậy. Những con cừu chỉ còn đứng tụm vào với nhau trong niềm đau đớn bất lực trước những con sói bất kỳ giờ phút nào cũng có thể xông vào trang trại, trong khi các chủ trại chỉ biết chè chén mỗi ngày và ngủ mê với cái nhìn tin yêu, rằng bọn chó sói có thể trở thành chó chăn cừu.
Những con cừu ấy, vốn sống theo tiếng gậy chăn dắt, mang niềm tin rằng chúng cứ ăn no, dâng hiến đời mình cho chủ trại là trọn phận. Sống ngu ngơ và chết lặng im.
Từ vụ tấn công ngày 29/7/2016, hãy nghĩ đến những ngày về sau. Đáp trả lại một câu, mà một nhân viên hải quan Việt Nam nào đó ghi trên hộ chiếu có đường lưỡi bò, Bắc Kinh đã gửi đến một thông điệp đầy tính đe dọa không đơn giản, rằng họ đang ở khắp mọi nơi.
Mà không phải chỉ riêng hôm nay, các vụ tấn công nằm sâu trong các tin tức bị ỉm đi, bị che giấu như chuyện tầm phào, từ truyền thanh ở Đà Nẵng, Huế bị chiếm sóng, tia laser tấn công vào các phòng lái máy bay ở phi trường, kể cả những lần bị mất sóng kiểm soát không lưu khiến đường bay hỗn loạn, các sự cố mất điện bất thường ở sân bay…  nhân dân bị đối xử như trẻ dại, không nên bàn đến, không cần biết đến – mặc dù những người có trách nhiệm thì ngày càng giới thiệu rõ sự bất lực của mình.
Nhưng chính nhân dân cũng bất lực. Họ nhận ra cái chết của mình mỗi ngày, nhận ra nỗi khốn khổ của quê hương này mỗi ngày bên cạnh các tuyên bố thề trung thành với tình hữu nghị bất chấp. Vận mệnh dân tộc đang bị nhấn chìm trong biển hữu nghị ấy – bao gồm lời gào thét của các quan chức cấp cao khi một mực đòi chấp nhận cho Trung Cộng nắm giữ các dự án quan yếu của đất nước, thậm chí nhượng bộ các yêu sách của Trung Quốc liên quan đến an ninh quốc gia. “Các người đã làm được gì cho đất nước chưa?” – dĩ nhiên là chưa, vì với mọi sắp đặt tàn độc đó, người Việt chỉ còn rơi nước mắt nhìn tổ quốc mình trong tay những kẻ thỏa hiệp và bọn phản bội.
Giờ thi không ai còn hồ nghi nữa, rằng Trung Cộng đã có một bước đi thâm hiểm từ rất lâu, và chỉ đợi thời cơ để chứng minh khả năng đè bẹp Việt Nam. Đừng trút mọi oán giận lên kẻ thù – vì  đó là một kẻ thù đã được nhận biết rõ từ lâu – hãy oán giận những suy nghĩ kết thân với kẻ thù, tay bắt mặt mừng, thề thốt và rước kẻ thù vào nhà.  Nếu không có những kẻ đó, hàng trăm cây số biên giới Việt Nam không mất cùng Thác Bản Giốc, biển Việt Nam không nguy hiểm chập chờn từng ngày, Tây nguyên không suy kiệt và Formosa Hà Tĩnh không thể hủy diệt môi trường và con người Việt Nam.
Và vì sao, những người anh chị em Việt Nam xuống đường kêu gọi chống lại âm mưu xâm lược của Bắc Kinh luôn bị đánh đập, giam cầm?
Trong một bài thơ của Bùi Chí Vinh, ông có viết rằng:
Mãi quốc cầu vinh tất quả báo nhãn tiền
Chào một ngày soi rõ mặt anh em!
Trong bất lực, người ta chỉ còn biết nghĩ đến quả báo, như một cách tự an ủi mình, và mong manh hy vọng kẻ ác có thể tỉnh giác để trở lại làm người. Nhưng với hiện thực hôm nay, mọi thứ sẽ như một luồng ánh sáng soi rọi đến từng trái tim con người Việt. Thức tỉnh từng con mắt đang mở mà như vẫn ngủ mê. Hãy biết qúy trọng từng cơ hội đi qua sợ hãi – chào một ngày mới, không phải để đoàn kết mộng mị - mà dựa vào đó để soi rõ mặt các loại anh em, bao gồm loại anh em đang phản bội lại máu thịt và tương lai dân tộc.

Đảng, các ông mở cửa hậu cho Trung Quốc?

07/30/2016 - 11:56 

Cuộc chiến giữa nhân dân và Đảng về vấn đề Trung Quốc đã rẽ sang bước ngoặc mới. Một là Đảng tồn tại vì được Trung Quốc tiếp tay khủng bố quần chúng để dần dần biến Việt Nam thành vùng đất nô lệ, hai là Đảng phải thay đổi cách ứng phó với Trung Quốc trong hàng trăm vấn đề, mà vấn đề hiện hữu nhất là an ninh lãnh thổ.
Bước ngoặc này không do người có lòng với đất nước tạo ra để áp lực Đảng mà đến từ Trung Quốc, đất nước ngày càng chứng tỏ lòng tự đại vượt mọi giới hạn, trong đó chủ nghĩa dân tộc điên cuồng đang làm cho Bắc Kinh dần dần trở thành kẻ thù của toàn thế giới, ngoại trừ với những chính phủ độc tài toàn trị.
Sự việc hacker Trung Quốc công khai nhìn nhận đã tấn công hàng loạt phi trường Việt Nam trong ngày 29 tháng 7 cho thấy việc bảo vệ lãnh thổ của quân đội, an ninh mạng cũng như các cơ quan tình báo, chống xâm nhập của Việt Nam quá thô thiển, lạc hậu và thụ động vượt qua sự tưởng tượng của người dân, vốn luôn tin rằng quân đội cũng như các hệ thống vừa nói đủ sức đối phó với Trung Quốc, hay ít ra đủ thông tin để ứng phó sau khi cuộc tấn công diễn ra. Những bài báo ca ngợi tính chiến đấu của quân đội nhân dân hay tâng bốc tính năng an ninh mạng vượt bậc của Việt Nam trở thành khôi hài và từ đó người dân đang chờ sự tuyên bố của nhà nước trước vấn đề hệ trọng này.
Hệ trọng vì nếu hacker tấn công được hệ thống hàng không dân dụng, cụ thể là các phi trường quốc tế của Việt Nam, có nghĩa là hacker Trung Quốc có thể tấn công vào những cơ chế khác, dân sự lẫn quân sự khi chiến tranh xảy ra.
Hacker Trung Quốc từng thâm nhập Bộ quốc phòng Mỹ ăn cắp dữ liệu, ai dám đảm bảo Bộ Quốc phòng Việt Nam ưu việt hơn Mỹ để vô hiệu hóa hoạt động gián điệp của chúng?
Về dân sự ai đảm bảo rằng các phi trường Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất hay Cần Thơ sẽ không bị tê liệt một lần nữa. Nhưng lần tê liệt sắp tới sẽ nghiêm trọng hơn, dài ngày hơn vì hacker đã biết cách tránh né mọi kỹ thuật phòng chống của an ninh mạng Việt Nam?
Ở các lĩnh vực khác, nơi nào được điều hành bằng hệ thống máy tính thì nơi đó sẽ tê liệt khi bọn hacker tấn công.
Và điều chắc chắn nhất sẽ xảy ra: Khi Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh, hệ thống phát thanh, truyền hình toàn quốc sẽ bị cướp mất, như đã được chúng làm thí điểm trong vài ngày vừa qua tại Nha Trang và Đà Nẵng, để thay vào đó là các bài tuyên truyền chống Việt Nam phát liên tục 24 giờ, cùng lúc mạng Internet Việt Nam hoàn toàn sụp đổ, người ta không thể liên lạc qua phone, e-mail hay thậm chí qua Facebook, bởi các phần mềm gián điệp của Trung Quốc được cài sẵn từ các ISP (Internet Service Provider) của Việt Nam lúc ấy sẽ thức dậy và hoạt động.
Bọn hacker cũng thức dậy ngay từ chiếc computer của người dân bình thường nếu nó được sản xuất từ Trung Quốc. Không ai ngạc nhiên vì điều này, có ngạc nhiên chăng là chính phủ Việt Nam biết rõ hơn người dân rằng, công ty phần mềm Hoa Vi (Huawei) là nơi gián điệp của Trung Quốc đang mượn để núp bóng hoạt động. Nó đã bị vạch mặt tại nhiều nước trên thế giới và người ta đưa ra phương cách đối phó mạnh mẽ, kể cả cấm hoạt động trong nước của họ, còn Việt Nam, vẫn như cũ vẫn cứ rẻ là được phần còn lại hãy để cho cơ quan trách nhiệm lo.
Cơ quan được gọi là trách nhiệm ấy biết rõ tất cả các máy computer được Trung Quốc sản xuất đều có cửa hậu backdoor, nơi thích hợp nhất cho hacker thâm nhập. Biết nhưng vẫn lờ đi vì nếu đánh động lên sẽ bị Trung Quốc tát tai bằng những câu chữ hết sức hữu nghị.
Những câu chữ ấy bây giờ Đảng Cộng sản Việt Nam phải nhận thức rõ rằng chúng chỉ có giá trị được dùng để xâm lược, và khi cần người bạn đồng chí này của Đảng sẽ trở mặt như Thủ tướng Hun Sen.
Trung Quốc chỉ dẫn cho Hun Sen cách cho Việt Nam một bài học lần thứ hai, có lẽ là sự cần thiết để chế độ chính trị hiện nay thức tỉnh, thức tỉnh trước khi nhân dân dạy cho Đảng bài học thứ ba: Bạo lực cách mạng.
Đảng không nên nghi ngờ sức mạnh quần chúng. Đảng càng không nên tiếp tục tìm cách giữ ghế bằng việc gieo rắc nỗi sợ hãi trong nhân dân, và một điều nữa, Đảng càng không nên quên lịch sử có thể lập lại bất cứ lúc nào.
Đảng không nên quên bài học sáng hôm nay, 30 tháng 7 một ngày sau khi hacker Trung Quốc chiếm lĩnh 2 phi trường lớn nhất Việt Nam, người dân Nghệ An đã áp dụng đúng những gì mà Đảng dạy cho dân nhiều chục năm về trước, đó là bài học bạo lực cách mạng.
Những hình ảnh ghi lại trên một video clip cho thấy người dân tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã phản ứng lại việc công an đàn áp họ trong dự án xây dựng nhà máy xi măng Nghi Tiến. Khi lực lượng cơ động tấn công vào người dân, đã bị dân chúng ném đá không nương tay vào những “chiến sĩ” trang bị tận răng nón sắt, khiên, dùi cui. . .và rốt cuộc đã có những chiến sĩ gần trở thành “liệt sĩ” nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nhiều nơi khác đã từng phản ứng “tích cực” như vậy và báo chí tường trình rất chi tiết. Những tập hợp tích cực về sự phản kháng sẽ ngày một lớn hơn, mà quan trọng và tiềm ẩn lớn nhất là nỗi lo sợ nước mất vào tay Trung Quốc.
Những cuộc biểu tình chống hacker Trung Quốc nếu nổ ra Đảng không nên tiếp tục ra tay đàn áp để đi tới đổ máu khi sự bức xúc của người dân lên tới đỉnh điểm. Đảng không thể ru ngủ người dân khi kẻ thù đã vào tới cửa ngõ nhà mình. Điều mà Đảng có thể làm trong những ngày sắp tới là khai tử lý thuyết mềm mỏng để bắt tay vào xây dựng sách lược đối phó mà trong đó Đảng hãy can đảm khai trừ những thành phần hèn nhát, cơ hội, dựa vào Trung Quốc để tiếp tục hút xương tủy nhân dân.
Đảng phải tự kiểm điểm chính mình một cách thành thật và chấp nhận các giải pháp khắc khe để thay máu. Đây là cuộc cách mạng nội thân ý nghĩa nhất nếu Đảng còn tin vào sự mầu nhiệm cách mạng mà hơn 70 năm qua Đảng đã dựa vào.
Nếu không, dân sẽ thay Đảng làm cuộc cách mạng cho chính họ.
Nếu không, chính Đảng đã thừa nhận rằng mình tự mở cửa hậu cho Trung Quốc vào Việt Nam và Đảng sẽ trở thành một tập thể bán nước lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Formosa: Cùng nhau lợi dụng lỗ hổng pháp luật

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-07-30  
000_CL8R5-622.jpg
 Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung chiều 30/6/2016 ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cũng cho chiếu một đoạn video với lời phát biểu nhận lỗi của ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch hội đồng quản trị công ty gan thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. AFP
Báo cáo Quốc hội về thảm họa môi trường 4 tỉnh ven biển miền Trung, Chính phủ thừa nhận có sự lợi dụng lỗ hổng pháp luật về đầu tư cũng như xây dựng và môi trường trong dự án Formosa. Bên cạnh đó Chính phủ cũng giảm số lượng người bị ảnh hưởng trực tiếp vì thảm họa Formosa.

Làm gì để phục hồi niềm tin của công chúng?

Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bản báo cáo của Chính phủ về thảm họa môi trường ven biển miền Trung do Formosa gây ra đã tới tay các đại biểu Quốc hội hôm 26/7 vừa qua. Theo đó, Chính phủ nhìn nhận sự cố môi trường đã làm giảm lòng tin của người dân với Nhà nước. Trong bản báo cáo dài 23 trang do Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà ký tên và được phổ biến trên mạng, Chính phủ nhìn nhận:“Người dân nghi vấn về sự đúng đắn, đầy đủ của quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy ở Hà Tĩnh, giảm lòng tin vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường.”
Chuyện bắt buộc đầu tiên phải là pháp luật và tôi đề cao chuyện đó, nếu không dùng pháp luật thì không một biện pháp nào có thể lấy lại niềm tin được.
-LS Lê Văn Luân
Trả lời chúng tôi vào tối 28/7, đáp câu hỏi qua thảm họa Formosa Nhà nước Việt Nam có thể làm gì để phục hồi niềm tin của công chúng, Luật sư nhân quyền Lê Văn Luân từ Hà Nội phát biểu:
“Chuyện để mà lấy lại niềm tin thì chỉ có pháp luật bởi vì một xã hội được duy trì vào thượng tôn pháp luật, mà đây chính là mục tiêu của bất kỳ nhà nước nào kể cả nhà nước Việt Nam cũng phải thượng tôn pháp luật, thì đương nhiên phải sử dụng pháp luật để điều tiết xã hội, điều chỉnh xã hội và không nương nhẹ với bất kỳ ai đặc biệt là quan chức. Bởi vì quan chức mới là người có cơ hội, có quyền lực, có khả năng để tham nhũng, để lạm dụng những kẽ hở, hoặc là chính Đảng Cộng Sản làm những việc gọi là gây hậu quả nghiêm trọng, chứ người dân thì không có. Cho nên chuyện bắt buộc đầu tiên phải là pháp luật và tôi đề cao chuyện đó, nếu không dùng pháp luật thì không một biện pháp nào có thể lấy lại niềm tin được.”
Trong bản báo cáo gởi các đại biểu Quốc hội, Chính phủ cho biết thảm họa môi trường 4 tỉnh ven biển khiến 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với khoảng 41.000 lao động trực tiếp và hơn 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra. Sản lượng khai thác ven bờ và vùng lộng tức khu vực sát bờ bị thiệt hại khoảng 1.600 tấn mỗi tháng.
Như vậy bản báo cáo chính thức này đã giảm bớt khoảng gần 60 ngàn người cần được trợ cấp lương thực và tài chính cũng như chuyển nghề. Thời gian qua báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin số lao động trực tiếp bị ảnh hưởng là hơn 100.000 người và hơn 176.000 người phụ thuộc.
Trong báo cáo, Chính phủ nhìn nhận về tình trạng bất an xã hội, nhân dân lo lắng về việc mất sinh kế, thất nghiệp, nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được cá và sản phẩm từ hải sản.
image006-620.jpg
Giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh hôm 7/7/2016.
Chúng tôi xin nhắc lại đã xảy ra cuộc biểu tình bị đàn áp vào ngày 7/7/2016 vừa qua của hàng ngàn giáo dân Cồn Sẻ Quảng bình, một địa phương hoàn toàn sống nhờ nghề cá. Lúc đó, Linh mục Phê Rô Hoàng Anh Ngợi, Chánh xứ Cồn Sẻ đã nói với Đài RFA:
Chuyện cá chết, từ tháng tư đến giờ không đi biển được. Thêm nữa một số bè cá trên sông trong 4 ngày này bị chết. Những con nào không chết bây giờ đem đi các chợ bán không ai mua. Về nhà vợ chồng phải ôm nhau khóc vì lỗ 100 triệu, 70-80 triệu. Ở một miền quê mà lỗ 100 triệu, 70-80 triệu- một khoản tiền rất lớn. Có khi họ làm cả đời cũng không được khoản tiền như thế. Mà ở đây cả hằng trăm bè cá. Bức xúc quá khứ, bức xúc hiện tại chồng nhau. Công bố nói Formosa đền 500 triệu đô. Họ nghĩ đền 500 triệu đô thì làm sao đánh đổi được cuộc sống của họ, chưa nói đến 4 tỉnh miền Trung. Lấy gì cho tương lai đây.”

Có cần Formosa đến 70 năm không?

Được biết, ngày 29/7/2016 trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016, nhiều đại biểu đã tập trung vào vấn đề giải quyết thảm họa môi trường ven biển, điều mà đại biểu Trần Công Thuật, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình gọi là quả bom Formosa.
Thời báo kinh tế Saigon Online dẫn lời đại biểu Trần Công Thuật nói nguyên văn: “Khi nào bà con yên tâm ăn cá và hải sản, khi nào môi trường biển an toàn? Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép, nhưng có cần Formosa đến 70 năm không?”
Việc đánh đổi tăng trưởng với môi trường, thì thực sự các chuyên gia trong nước cũng đã nhắc đến từ lâu, cảnh báo với họ từ lâu. Rất đáng tiếc, bởi vì không phải một chế độ dân chủ nên người ta phớt lờ những ý kiến đó của người dân…
-TS Nguyễn Quang A
Ông Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Công Thuật còn công khai một thảm trạng của tỉnh nhà, đó là trong 4 tháng qua kinh tế của Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên. Quả bom Formosa, theo lời ông Trần Công Thuật, đã kéo lùi sự phát triển của Quảng Bình, kể cả về kinh tế, xã hội, an ninh , trật tự mất ổn định và làm giảm lòng tin của nhân dân.
Theo tường thuật của SaigonTimes Online, Người đại diện của Quảng Bình đã kêu gọi Chính phủ làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời nhanh chóng giải quyết những khó khăn của người dân về việc làm, về thu nhập, ổn định đời sống lâu dài một cách căn cơ để nhân dân yên tâm.
Tại phiên họp Quốc hội chiều 29/7/2016, ông Trần Hồng Hà Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cho biết thêm thông tin về số tiền 500 triệu USD mà Formosa chấp thuận bồi thường. Theo đó, tính đến ngày 28/7, Formosa đã chuyển một nửa số tiền này tức 250 triệu USD vào một tài khoản tạm giữ. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết tiền sẽ được chuyển cho các tỉnh, nhưng các địa phương chịu trách nhiệm về việc phân phối. Phần 250 triệu USD còn lại Formosa hứa chuyển vào ngày 28/8 sắp tới.
Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện đã trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế bằng mọi giá, bất chấp những cảnh báo về hiểm họa môi trường mà giới trí thức, học giả đã kiến nghị. Dự án Formosa Vũng Áng, cũng từng được cảnh báo trong mấy năm liền không những về ô nhiễm môi trường biển, mà quan trọng hơn nữa là vấn đề an ninh quốc phòng. Tuy vậy những phản biện về dự án Vũng Áng cũng như bauxite Tây Nguyên, đã không được Đảng và Nhà nước lắng nghe.
Điều này đã được TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân quyền ở Hà Nội nhận xét:
“Việc đánh đổi tăng trưởng với môi trường, thì thực sự các chuyên gia trong nước cũng đã nhắc đến từ lâu, cảnh báo với họ từ lâu, ít nhất từ đợt lấy kiến nghị phản đối bauxite Tây Nguyên và liên tục sau đó đã có rất nhiều tiếng nói. Rất đáng tiếc, bởi vì không phải một chế độ dân chủ nên người ta phớt lờ những ý kiến đó của người dân…”
Phải đợi tới khi một thảm họa thực sự xảy ra cho 4 tỉnh ven biền Bắc Trung Bộ, Đảng và Nhà nước mới như được thức tỉnh. Trong báo cáo gởi đại biểu Quốc hội ngày 26/7/2016, Chính phủ Việt Nam nói rằng, qua sự cố Formosa, Chính phủ nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về những thách thức và vấn đề môi trường đặt ra trong chính sách phát triển hiện nay.

Công an đánh đập ngư dân phản đối xây dựng cảng ở Nghệ An

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA 2016-07-30 
xi-mang-nghe-an-622.jpg
 Khoảng 700 ngư dân tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sáng ngày 30/7 đã đụng độ với các lực lượng chức năng tại địa phương, khi họ chuẩn bị đến công trường xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng Vissai của tập đoàn xi măng Vissai để ngăn chặn việc san lấp làm dự án. Citizen photo

100 nhân viên công an chìm, nổi

Khoảng 700 ngư dân tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sáng nay đã đụng độ với các lực lượng chức năng tại địa phương, khi họ chuẩn bị đến công trường xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng Vissai của tập đoàn xi măng Vissai để ngăn chặn việc san lấp làm dự án.
Theo người dân trong sáng nay có khoảng 100 nhân viên công an chìm, nổi, xe cứu thương, xe chữa cháy… đã lập hàng rào phong tỏa đường đi ra khỏi làng của ngư dân nơi đây. Việc cảnh sát đánh đập một ngư dân, khi người này xin phép lực lượng chức năng đi rời khỏi nhà để đi bốc thuốc chữa bệnh khiến vụ xô xát nổ ra.
Khoảng 6 giờ sáng, tôi đi lấy thuốc để chữa bệnh ở ngay đầu làng, dân nhà tôi chỉ có một đường ra khỏi làng, ngay khi đến đầu làng đã bị rất nhiều cảnh sát cơ động, công an chặn đường không cho đi.
-Ông Nguyễn Viết Nồng
Ông Nguyễn Viết Nồng (64 tuổi), một ngư dân cho biết việc ông bị lực lượng công an đánh đập sáng nay ngày 30, tháng 7:
“Khoảng 6 giờ sáng, tôi đi lấy thuốc để chữa bệnh ở ngay đầu làng, dân nhà tôi chỉ có một đường ra khỏi làng, ngay khi đến đầu làng đã bị rất nhiều cảnh sát cơ động, công an chặn đường không cho đi.
Tôi mới nói, các chú ơi, cho bác đi chút công việc vì người tôi có bệnh, sau đó bước đi thì bị một cảnh sát đạp vào ngực nên tôi đã ngã xuống đường, cảnh sát cơ động cứ lấy chân giẫm lên người tôi. Tôi mới kêu lên, bà con ơi, dân làng ơi cứu tôi, lúc đó có khoảng 4 – 5 người cảnh sát kéo tôi đi khoảng 100 m. Lúc đó có mấy người công an trong xã bảo, ông này bệnh này đấy, rồi họ buông tôi ra để tôi thở. Tôi nằm nghỉ được khoảng 5 phút thì bị công an tỉnh, cơ động, công an áo vàng lại xô tôi lên xe và đóng cửa lại. Xe chạy được khoảng 1 km thì bị dân đổ ra đường chặn xe yêu cầu thả người, nếu không ông Nồng sẽ chết, đến lúc này có một anh công an mới mở cửa xe thả tôi ra. Bác sĩ trạm xá của xã đến khám và nói rằng tôi bị chấn thương trên lồng ngực vì bị đạp mạnh.”
Nan-nhan-Nguyen-Viet-Nong-400.jpg
Ông Nguyễn Viết Nồng (64 tuổi), một ngư dân, bị lực lượng công an đánh đập sáng ngày 30 tháng 7. Citizen photo.
Một ngư dân có mặt tại cuộc đụng độ sáng nay cho biết, có hơn 400 hộ ngư dân tại đây đang phản đối giá cả đền bù chưa hợp lý từ dự án xây dựng nhà máy xi măng và cảng Vissa tại xã Nghi Thiết, cho nên người dân mới xuống đường. Ông xác nhận về việc đụng độ sáng nay:
“Sáng nay một số bà con đã bị công đánh bầm tím, hiện đang được khâu tại bệnh viện huyện Nghi Lộc. Người nặng nhất hiện nay đang nằm tại nhà của công ty Xi măng Vissai tại xã Nghi Thiết, gia đình đang yêu cầu mời ông chủ tịch xã Nghi Thiết đến đây để lập biên bản đưa ông ấy đi bệnh viện để điều trị, nhưng ông chủ tịch không đến.”

Chính quyền không trả lời

Phái viên Xuân Nguyên của Đài RFA liên lạc công an xã Nghi Thiết, đơn vị trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng trong sáng nay để tìm hiểu vụ việc này và bị từ chối trả lời:
Xuân Nguyên: Alo, xin chào anh, cho tôi hỏi đây là công an xã Nghi Thiết phải không?
Nhân viên công quyền: “Ờ, anh muốn làm gì.”
Xuân Nguyên: Thưa anh, sáng nay có vụ xảy ra vụ việc đụng độ giữa người dân và lực lượng chức năng ở đây, xin anh cho biết về vụ việc?
Đầu tiên là người ta về họp dân, người ta bảo cái trạm điện xi măng vào tháng 11 năm 2015, thì dân không đồng tình cho về, dân sợ độc hại.
-Một ngư dân
Nhân viên công quyền: “Tôi không có thẩm quyền trả lời.”
Một ngư dân khác ở đây kể về diễn tiến của việc tranh chấp bến bãi do giá cả đền bù không thỏa đáng giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương với hơn 400 hộ dân:
“Đầu tiên là người ta về họp dân, người ta bảo cái trạm điện xi măng vào tháng 11 năm 2015, thì dân không đồng tình cho về, dân sợ độc hại.
Sau cuộc họp thứ 2, họ đưa về khai trương cảng biển Vissai, không có sự đồng tình của dân ở đây, dân giải quyết chế độ đền bù, họ trả cho dân chưa thỏa đáng.
Cuộc họp thứ 3 họ đưa ra ý kiến là sẽ hộ trợ mỗi một thuyền loại 1 là 48 triệu, thuyền loại 2 thì 24 triệu, thuyền loại 3 thì 6 triệu. Nhưng dân không đồng tình, dân bảo tầm này chưa đủ ăn 1 tháng cho dân, hết tiền rồi thì dân đi đâu, làm gì, chuyển đổi công việc cho dân như thế nào, rồi cho dân đi chỗ khác ở, họ cũng không nghe.
Cuộc họp thứ tư họ quyết định đổ đất để làm. Đổ đất là mất bến bãi đậu thuyền nên dân không cho đổ đất nhưng tỉnh Nghệ An vẫn quyết định cho công an cơ động về ngăn đường không cho dân ra.”
Nhưng người tham gia trong buổi đụng độ sáng nay với lực lượng chức năng đều cho biết nguyên nhân của sự vụ là do giá cả đền bù chưa thỏa đáng và rất bức xúc trước hành xử của chính quyền địa phương khi đưa công an, cảnh sát đến ngăn chặn, đánh đập người dân. Dân chúng địa phương khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng cho họ.

Tự do mậu dịch ai cũng lợi

Theo Người Việt-29-07-2016
Ngô Nhân Dụng
Trong đại hội đảng Dân Chủ vừa qua, các diễn giả đều lên tiếng chống ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa. Nhưng hầu như không một ai, kể cả bà Hillary Clinton, đả kích những lời ông Trump nói chống tự do mậu dịch.
Những người đã công khai tỏ ý bất đồng với ông Trump thường thuộc đảng Cộng Hòa. Bởi vì trong mấy chục năm gần đây đảng Cộng Hòa vẫn bác bỏ chính sách bảo vệ hàng nội hóa, chống nhập cảng. Số người chủ trương “bảo vệ mậu dịch” trong đảng Cộng Hòa ít hơn trong đảng Dân Chủ. Nhưng ông Trump đã đánh bại các đối thủ trong đảng nhờ được thiểu số này ủng hộ.
Trong mùa tuyển cử sơ bộ, ứng cử viên Donald Trump đã hô hào phải bàn lại thỏa ước tự do mậu dịch NAFTA, đã thùng với Mexico và Canada 20 năm nay; hứa sẽ tăng thuế nhập cảng hàng Trung Quốc lên 45% và sẽ xé bỏ luôn thỏa hiệp TPP, Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương. Ông cũng đe dọa các hiệp ước tự do mậu dịch sắp thùng với các nước khác, đặc biệt là KORUS, với Nam Hàn.
Những người hiểu biết về kinh tế học đều thấy chính sách đó là sai lầm. Ngưng mua bán tự do với Mexico thì không phải chỉ nước Mỹ ngưng nhập cảng 296 tỷ đô la từ Mễ mà người Mễ cũng ngưng không mua 236 tỷ đô la từ Mỹ. Tăng thuế hàng Trung Quốc nhập cảng thì Bắc Kinh sẽ trả đũa, gây ra một cuộc chiến tranh mậu dịch, họ sẽ kiện ra WTO, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, và họ sẽ thắng. Trong khi đó dân Mỹ sẽ phải mua hàng tiêu thụ đắt hơn, thay thế hàng hóa từ Trung Quốc hay Mexico. Giới lao động sẽ bị thiệt thòi nhất vì họ chi tiêu vào những món quần áo, thực phẩm, đồ gia dụng nhập cảng với một tỷ lệ bằng 20% hay 30% lợi tức, người giầu chi có 5% hay 1%. Chính nhờ hàng nhập cảng rẻ nên mãi lực của mỗi gia đình người lao động ở Mỹ tăng thêm được 29%, với cùng số lương của họ. Mất cơ hội đó, mỗi tháng họ sẽ phải chi thêm hàng trăm hay hàng ngàn Mỹ kim. Ngoài ra, nhiều công nhân Mỹ sẽ mất việc, vì gần một nửa số bán của 500 công ty Mỹ lớn nhất là nhờ xuất cảng. Gây chiến tranh mậu dịch thì kinh tế Mỹ và cả thế giới sẽ suy thoái.
Hậu quả quan trọng khác là Mỹ sẽ mất địa vị một cường quốc lãnh đạo về kinh tế. Từ sau Ðại Chiến Thứ Hai, Mỹ đi hàng đầu để cổ động tự do mậu dịch, với chủ trương thương mại càng tự do thì kinh tế càng phát triển nhanh. Năm 1948 Mỹ xây dựng lên hiệp ước GATT với 23 nước tham gia, đa số là những nước Tây phương. Sau đó tổ chức WTO ra đời, năm 1994 có 128 nước tham dự, và năm 2016 có 164 nước. Ngoài ra, Mỹ còn thùng các thỏa ước tự do mậu dịch với 20 quốc gia khác. Nếu từ bỏ quy tắc tự do thương mại, Mỹ sẽ mất vai trò lãnh đạo đã giữ suốt 70 năm nay. Quy tắc này nền tảng của kinh tế thị trường.
Một quy tắc quan trọng của kinh tế tư bản là “khi tự nguyện trao đổi thì cả hai bên đều có lợi.” Trong mậu dịch quốc tế, quy tắc này đã được nêu ra dưới hình thức “Thuyết Lợi Thế Tương Ðối,” do David Ricardo (772-1823), kinh tế gia người Anh đưa ra, gọi là “Comparative Advantage.” Ricardo biết rằng khi tự do mua, bán với nhau thì ai cũng có lợi. Nhưng ông nhấn mạnh là ngay trong trường hợp một nước có thể chế tạo nhanh và đỡ tốn kém hơn nước khác trong tất cả các món hàng trao đổi, thì có trao đổi vẫn hơn.
Mới nghe, ý kiến này hơi khó hiểu, khó chấp nhận. Nếu nước tôi có thể làm ra mọi thứ nhanh hơn và rẻ hơn thì tại sao phải mua bán, trao đổi với nước khác làm gì? Ricardo giải thích bằng Thuyết Lợi Thế Tương Ðối.
Xin dùng một thí dụ sau đây để hiểu lợi thế tương đối nghĩa là gì.
Thí dụ bây giờ nước Mỹ và nước Mexico đều có thể chế tạo xe hơi và làm nước chấm salsa. Người Mỹ phải dùng 500 giờ để làm ra một chiếc xe hơi và mất một giờ thì pha được một thùng nước chấm salsa. Người Mexico kỹ thuật kém, phải mất 10,000 giờ mới làm được một xe hơi và hai giờ mới sản xuất được một thùng salsa. Nhiều nhà chính trị sẽ nghĩ rằng người Mỹ chẳng cần mua gì của người Mễ cả, vì họ làm xe hơi giỏi mà pha nước chấm salsa cũng tài hơn.
Ông Ricardo lý luận rằng ngay trong trường hợp này, người Mỹ vẫn nên chỉ làm xe hơi thôi, còn người Mexico chỉ lo làm salsa; sau đó họ trao đổi với nhau thì cả hai bên đều được lợi. Lý do là khi chế tạo xe hơi thì Mỹ có “lợi thế tương đối” lớn hơn Mexico, so với việc làm salsa.
“Lợi thế tương đối” ý nghĩa thế này: Người Mỹ làm salsa chỉ giỏi gấp đôi người Mexico (so sánh một giờ với hai giờ); nhưng làm xe hơi thì giỏi gấp 20 lần (so sánh 500 giờ với 10,000 giờ). Ðối với người Mỹ, một cái xe hơi trị giá bằng 500 thùng salsa, vì tốn thời giờ gấp 500 lần. Còn đối với người Mexico một xe hơi giá trị cao bằng 5,000 thùng salsa, đó là “giá xe” của người Mễ.
Ðể hiểu thuyết “Lợi Thế Tương Ðối,” hãy giả thiết trên thế giới này chỉ có hai nước Mỹ với Mexico và người ta chỉ tiêu thụ hai món hàng là xe hơi và nước chấm salsa. Lại giả thiết mỗi năm người Mexico làm việc 15,000 giờ còn người Mỹ chỉ làm việc 4,000 giờ – họ còn bận coi baseball và uống bia. Bây giờ chúng ta so sánh hai trường hợp, có hoặc không có mậu dịch tự do giữa hai nước.
Trường hợp 1: Không có mậu dịch quốc tế. Thí dụ, người Mỹ trong 4,000 giờ làm việc họ dùng 3,000 giờ chế xe hơi, làm ra 6 xe hơi. Số giờ còn lại sản xuất được 1,000 thùng salsa. Trong khi đó người Mexico dùng 10,000 giờ chế ra một cái xe hơi còn lại 5,000 giờ làm được 2,500 thùng nước chấm salsa. Tổng cộng, cả hai nước có 7 cái xe hơi và 3,500 thùng salsa. Họ không trao đổi gì cả.
Trường hợp 2: Có mậu dịch quốc tế. Ông Ricardo khuyên hai nước nên phân công. Từ nay, Mỹ chỉ chế tạo xe hơi thôi, dùng hết 4 ngàn giờ làm việc chế ra 8 cái xe. Còn người Mexico chỉ làm salsa, sản xuất 7,500 thùng trong 15 ngàn giờ. Khi đó tổng cộng hai nước sẽ có 8 chiếc xe hơi và 7,500 thùng salsa. Kinh tế chung của hai nước cao hơn, so với con số tổng cộng 7 xe hơi và 3,500 thùng salsa theo lối cũ!
Bây giờ hai nước sẽ đem ra trao đổi với nhau. Trao đổi theo giá nào? Ðối với người Mỹ, tính theo số giờ làm việc thì họ sẵn sàng đổi một xe hơi lấy 500 thùng salsa; vì cả hai món hàng đều dùng mất 500 giờ. Nếu Mỹ bán cho Mexico một xe hơi mà được trả lại hơn 500 thùng salsa là họ có lời rồi.
Trong khi đó, người Mexico thấy hễ mua một xe hơi mà trả dưới “giá” 5000 thùng salsa thì tốt quá! Thế nào họ cũng chịu trả giá cao hơn con số 500 thùng salsa để đổi lấy xe hơi Mỹ. Cuối cùng, giữa hai con số 500 và 5,000 hai bên ngã giá ra sao còn tùy nhu cầu của họ, mặc cho họ trả giá với nhau. Dù giá cả là bao nhiêu, điều chắc chắn là cả hai bên cùng lợi. Một bên sẽ thấy mình mua được xe hơi rẻ, bên kia thì tha hồ ăn salsa đại hạ giá!
Thí dụ, hai bên mặc cả, sau cùng đồng ý một chiếc xe hơi đổi lấy 2,000 thùng salsa. Người Mỹ bán một xe hơi cho người Mexico, họ vẫn còn 7 cái để dùng như trước kia khi không có trao đổi; trong khi đó họ được ăn gấp đôi số salsa (2,000 so với 1,000 thùng). Còn người Mexico thì vẫn có một cái xe hơi xài mà không phải chế tạo, nhưng được ăn 5,000 thùng salsa, gấp đôi con số 2,500 thùng khi không có mậu dịch!
Ðó là ý nghĩa Thuyết Lợi Thế Tương Ðối của David Ricardo. Kinh tế tư bản phát triển suốt hai thế kỷ qua là nhờ đã áp dụng lý thuyết giản dị này. Có trao đổi là có lợi. Nhưng chính sách tự do mậu dịch luôn luôn có người chống đối. Vì những lợi ích của thương mại tự do được chia ra cả xã hội hưởng, còn những thiệt hại của mua bán tự do thì thường tập trung vào một số những người mất việc vì hàng nhập cảng, vào một số xí nghiệp không thể cạnh tranh. Khi những người đó kêu rêu, than vãn, thì các nhà chính trị sẽ tìm cách nói theo ý họ, không giữ chủ trương căn bản của kinh tế thị trường nữa.
Trong kỳ tuyển cử sơ bộ, ông Ted Cruz bên Cộng Hòa cũng nói phải xóa bỏ hiệp ước TPP như ông Trump; bên Dân Chủ thì ông Bernie Sanders cũng chống TPP đến cùng khiến cho bà Hillary Clinton phải ngả theo. Bà Clinton đang muốn lôi kéo những người ủng hộ ông Bernie Sanders cho nên trong đại hội đảng bà không dám nói một lời nào đả kích ông Trump về chủ trương chống tự do mậu dịch!
Nhưng những người Mỹ trung bình thì họ nghĩ sao? Các cuộc nghiên cứu dư luận của Gallup trong 24 năm qua đã hỏi dân Mỹ: Bạn nghĩ mậu dịch quốc tế là một cơ hội tốt (nhờ xuất cảng) hay là một mối đe dọa (cạnh tranh với hàng nhập cảng)? Tháng Hai vừa qua, 58% người Mỹ nghĩ đó là cơ hội tốt. Chỉ có 34% thấy đó là một mối đe dọa.
Nhưng trong cuộc vận động tranh cử sắp tới, người ta sẽ không được nghe bà Clinton và ông Trump cãi nhau về vấn đề tự do mậu dịch! Cả hai sẽ tìm cách bêu xấu đối thủ nhiều hơn là tranh luận về các chính sách quốc gia!

Hàng loạt giếng nước bị nhiễm bẩn, 2 năm chưa tìm ra nguyên nhân

Giếng nước tại 2 xã Lâm Xa, Lương Ngoại bị ô nhiễm không rõ nguyên nhân. (Hình: Thanh Niên)
Giếng nước tại 2 xã Lâm Xa, Lương Ngoại bị ô nhiễm không rõ nguyên nhân. (Hình: Thanh Niên)
THANH HÓA (NV) – Hàng loạt giếng nước sinh hoạt ở các xã Lâm Xa, Lương Ngoại huyện Bá Thước, bỗng nhiên bốc mùi tanh hôi, khiến người dân khốn khổ, nhưng chính quyền vẫn “bó tay.”
Theo mô tả của phóng viên báo Thanh Niên, ngày 29 tháng 7, chỉ riêng xã Lâm Xa hiện có 92/94 giếng bị nhiễm bẩn, nổi váng vàng, nước đục và có mùi hôi tanh khó chịu không thể sử dụng được.
Bà Nguyễn Thị Ngà, trưởng khu phố 2, xã Lâm Xa, cho biết, trước đây, nguồn nước giếng khơi ở xã rất trong, để cả tuần vẫn không lắng cặn, không nổi váng. Thế nhưng bây giờ, chỉ cần đổ nước ra chậu nửa giờ, váng đã nổi vàng trên mặt chậu, đáy chậu đầy cặn bẩn.
Còn ông Nguyễn Thế Nghị, chủ tịch xã Lâm Xa xác nhận, nguồn nước giếng của người dân bắt đầu bị nhiễm bẩn từ khoảng tháng 8 tháng 2014, sau khi nhà máy thủy điện Bá Thước 2, thuộc công ty thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa trên sông Mã, đoạn qua xã Điền Lư tích nước. Hiện 92/94 giếng ở khu phố 2, xã Lâm Xa bị nhiễm bẩn, không thể sử dụng được. Cả khu phố giờ chỉ trông chờ vào 2 giếng nước chưa bị nhiễm bẩn, cách bờ sông Mã khoảng 600 mét.
Theo ông Nghị, tháng 8 năm 2014, công ty thuỷ điện Hoàng Anh Thanh Hoá thuê một đơn vị kiểm định độc lập, lấy mẫu kiểm định ngẫu nhiên 5 giếng nước tại xã. Kết quả cho thấy, nước trong 4/5 giếng được kiểm định không đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn chưa có bất kỳ cơ quan chức năng nào kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vì sao nguồn nước giếng bị ô nhiễm, khiến bà con rất lo lắng.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Ấn, trưởng phòng Tài Nguyên Môi Trường huyện Bá Thước cho biết, ngay sau khi công trình thủy điện Bá Thước 2 ngăn đập và đi vào hoạt động từ năm 2013, phạm vi vùng lòng hồ thuộc địa phận 8 xã trong đó có xã Lâm Xa và Lương Ngoại thì có đến 132 giếng của người dân 2 xã này bị nhiễm bẩn.
“Ủy ban huyện Bá Thước đã cáo trình ủy ban tỉnh và Sở Tài Nguyên Môi Trường đề nghị cử các đơn vị chuyên môn về kiểm tra, xác định nguyên nhân, để địa phương có phương án xử lý, hỗ trợ người dân sớm có nguồn nước sạch, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận,” ông Ấn bất bình nói.

Tin cho biết, trong quá trình đánh giá tác động môi trường khi tích nước trên sông Mã, thực hiện dự án thủy điện Bá Thước 2, các cơ quan chức năng không tính đến các công trình giếng nước của người dân. (Tr.N)
30-07-2016

Đà Nẵng: Chợ xây 9 tỷ đồng rồi… bỏ hoang

Chợ Khuê Mỹ đang bị bỏ hoang. (Hình: Tuổi Trẻ)
Chợ Khuê Mỹ đang bị bỏ hoang. (Hình: Tuổi Trẻ)
ĐÀ NẴNG (NV) -Tiểu thương ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, bất bình vì chợ Khuê Mỹ đã xây xong hơn một năm qua nhưng không thể hoạt động vì thiếu hạ tầng, gây lãng phí lớn.
Trong khi đó, hàng chục hộ tiểu thương ở phường phải lập các chợ “cóc” hai bên đường để bán gây ra cảnh nhếch nhác, lộn xộn.
Chợ Khuê Mỹ nằm giữa trụ sở ủy ban phường Khuê Mỹ và đường Trần Hoành, được ủy ban thành phố Đà Nẵng xây dựng vào năm 2012, với tổng mức đầu tư công trình hơn 9 tỷ đồng, trong đó 50% vốn ngân sách và 50% vốn huy động các hộ kinh doanh trong chợ, để thay thế chợ tạm trong khu vực. Chợ được xây xong vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn “trùm mền” bỏ hoang.
Nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ, ngày 29 tháng 7, ông Huỳnh Cự, phó chủ tịch ủy ban quận Ngũ Hành Sơn, cho biết, chợ Khuê Mỹ chưa đưa vào hoạt động được là do dự án đường Trần Hoành “treo” nên hạ tầng chưa thể khớp nối được. Cụ thể, hệ thống nước thải từ chợ ra đường Lê Văn Hiến chưa thể thi công, đấu nối.

Ngoài ra, hệ thống phòng cháy chữa cháy trước đây khi xây dựng chợ chưa được thiết kế, lắp đặt nên phía cơ quan cứu hỏa yêu cầu bổ sung mới được đưa chợ vào hoạt động để bảo đảm bảo. (Tr.N)
30-07-2016

Kinh tế Việt Nam chuyển từ ảm đạm sang u ám

HÀ NỘI (NV) – Đó là cảm nhận chung về báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội trong sáu tháng đầu của năm nay của chính phủ Việt Nam và báo cáo thẩm tra của Quốc Hội Việt Nam.
Trao đổi với báo giới trước khi Quốc Hội Việt Nam có cuộc thảo luận về cả hai báo cáo vừa kể, ông Nguyễn Đức Hải, chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội Việt Nam, công khai bày tỏ rằng ông không hài lòng cả về hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước lẫn việc báo cáo của chính phủ Việt Nam phớt lờ chuyện này.
Nơi đã từng là xưởng của một doanh nghiệp đã phá sản. Doanh giới càng ngày càng lụn bại, kinh tế Việt Nam càng ngày càng suy sup. (Hình: Báo Đầu Tư)
Theo ông Hải, đóng góp cho công quỹ của khối doanh nghiệp nhà nước tiếp tục sụt giảm trong khi khối này đang nắm giữ, sử dụng phần lớn nguồn lực quốc gia (tài sản, vốn liếng) là một điều phi lý, không thể chấp nhận được.
Kết quả thẩm tra của quốc hội cho thấy, trong nửa đầu năm nay, đóng góp cho công quỹ của khối doanh nghiệp nhà nước chỉ có 94.5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đóng góp cho công quỹ của khối doanh nghiệp hoạt động bằng vốn đầu tư của ngoại quốc (FDI) và khối doanh nghiệp tư nhân cùng tăng.
Trong sáu tháng tháng vừa qua, đóng góp cho công quỹ của khối doanh nghiệp FDI tăng tăng 12.8% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp cho công quỹ của khối doanh nghiệp tư nhân tăng 22.9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý là đóng góp cho công quỹ của các doanh nghiệp nhà nước từng ngốn hàng chục ngàn tỷ đồng vốn đầu tư lấy từ công quỹ và từ các khoản vay của chính phủ Việt Nam giảm từ hàng chục ngàn tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn đóng góp cho công quỹ của nhà máy lọc dầu Dung Quất giảm 60% (khoảng 9,300 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, đóng góp cho công quỹ của Tổng Công Ty Khí Giảm 75% (khoảng 1,400 tỷ đồng),…
Ông Hải nhấn mạnh, ngoài những khó khăn khách quan (thời tiết bất thường, thị trường trong nước biến động do tác động của thị trường thế giới), còn có những nguyên nhân mang tính chủ quan mà lẽ ra chính phủ Việt Nam phải phân tích nhưng lại không hề đưa vào báo cáo của mình.
Ông Hải nói thêm rằng, Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội Việt Nam sẽ chính thức yêu cầu chính phủ Việt Nam phải kiểm tra và báo cáo việc nhiều doanh nghiệp đem vốn ra ngoại quốc đầu tư và nhiều dự án đầu tư loại này không có hiệu quả, thậm chí rất khó thu hồi vốn đầu tư.
Bên cạnh những băn khoăn, bất bình về hiệu quả hoạt động của khối danh nghiệp nhà nước, kinh tế Việt Nam còn có khá nhiều những yếu tố đáng ngại khác.
Chẳng hạn báo cáo của chính phủ Việt Nam tiếp tục xác nhận, nguồn thu cho ngân sách vẫn tiếp tục theo xu hướng năm sau thất thu trầm trọng hơn năm trước. Trong sáu tháng vừa qua, các nguồn thu cho ngân sách chỉ đạt được 42% mức dự trù. Ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Kế Hoạch-Đầu Tư, thú nhận, thực trạng đó sẽ khiến việc cân đối ngân sách trở nên khó khăn hơn.
Báo cáo của chính phủ Việt Nam thú nhận thêm là có nhiều yếu tố không đạt mục tiêu đã được dự trù: Tăng trưởng GDP, xuất cảng, nhập cảng thiết bị… và những yếu tố này sẽ tác động mạnh mẽ đến đầu tư – phát triển và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Chưa kể lạm phát có thể trở thành phi mã và ổn định kinh tế vĩ mô trở thành nan giải.
Thời tiết diễn biến bất thường, ô nhiễm môi trường cũng đã được xác định là những yếu tố khiến kinh tế sup sụp và khả năng hồi phục trở nên xa với hơn. (G.Đ)
30-07-2016

Ngành giáo dục Việt Nam bị chỉ trích vì quá ‘ái mộ’ công an

HÀ NỘI (NV) – Các điều tra viên của công an tỉnh Nghệ An đã đến đại học Vinh để “điều tra” vụ một học sinh lớp 12 có bài thi môn vật lý 10 điểm nhưng bài thi môn toán 0 điểm.
Điều đáng nói là trước đó, sau khi chuyện trái khoáy (bài thi môn vật lý đạt điểm tuyệt đối còn bài thi môn toán bị điểm liệt – điểm khiến kết quả tất cả các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông khác bị hủy, không được công nhận) trở thành sự kiện, học sinh lớp 12 có điểm thi như thế đã tự thú nhận, học lực của cậu không đủ để dự thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông, sở dĩ bài thi môn vật lý của cậu đạt điểm 10 là vì cậu… nhìn bài của bạn.
Đại học Vinh – nơi công an tỉnh Nghệ An đang “điều tra” vụ chính đương sự đã thú nhận tại sao lại 10 điểm bài thi môn vật lý, 0 điểm bài thi môn toán. (Hình: Pháp Luật TPHCM)
Nguyên nhân tuy đã rõ nhưng Sở Giáo Dục-Đào Tạo tỉnh Nghệ An vẫn “cương quyết” phải làm cho… rõ hơn: Đề nghị công an tỉnh Nghệ An… điều tra toàn diện.
Đây là lần thứ hai trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học toàn quốc năm nay, ngành giáo dục Việt Nam đề nghị công an điều tra học sinh.
Hồi đầu tháng 7, ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết thúc, Sở Giáo Dục – Đào Tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu công an tỉnh này… điều tra về một video clip do một nhóm học sinh trung học ở Huế thực hiện rồi đưa lên Internet, chế giễu kỳ thi này dưới dạng phỏng vấn với những nhận định kiểu như: Đề thi năm nay là tương đối khó hiểu, nếu đọc một lần thì chắc chắn không hiểu được đề bài, nhưng nếu đọc nhiều lần thì cũng đ.. hiểu được luôn.” “Đề thi năm nay vừa sức với… giáo viên, có những thí sinh ra về sớm vì cho rằng đề thi năm nay quá dễ, sỉ nhục lòng ham học của thí sinh.” “Em vào phòng thi cho có lệ thôi, vì điểm thi đã có ông già em ‘cơ cấu’ hết rồi…”
Tuy ông Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở Giáo Dục-Đào Tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, phân bua rằng, sở dĩ ông chỉ đạo thuộc cấp, “báo” công an, yêu cầu điều tra là vì “nội dung trong video clip liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công an là một thành phần trong Ban Chỉ Đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia” nhưng công chúng vẫn chỉ trích kịch liệt “yêu cầu công an điều tra” bởi đó chỉ là chuyện trẻ con ham vui và thích bắt chước. Năm ngoái, người lớn đã từng thực hiện một video clip với nội dung và lời lẽ tương tự.
Đã có rất nhiều người bất bình khi ngành giáo dục Việt Nam thi nhau nhờ ngành công an điều tra học sinh về những “vụ” như vừa kể. Trong bài viết “Khi giáo dục ‘nhờ’ công an vào cuộc,” tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn nhận định, những vụ như vừa kể vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành giáo dục (ngoài truyền thụ kiến thức còn phải giúp học sinh rèn luyện nhân cách) và nêu thắc mắc: Tại sao ngành giáo dục không dựa vào các quy chế có sẵn để xử lý những tình huống này mà phải nhờ công an điều tra?
Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, chính ngành giáo dục đã từ chối việc thiết lập không gian riêng biệt theo đúng mục tiêu sư phạm. Công an lẽ ra phải đứng bên ngoài hàng rào thì lại được ngành giáo dục mời nhập cuộc để giải quyết mọi tình huống. Kể cả những vụ mất cắp vài ba ngàn đồng. Bởi ngành giáo dục lẩn tránh trách nhiệm rèn nhân cách, xây dựng nhận thức về đạo đức và đẩy học sinh của mình cho công an giải quyết nên đã gây ra nhiều chấn động, chấn thương tâm lý không đáng có.
Cũng theo tờ báo này thì ngành giáo dục Việt Nam đang phớt lờ việc dạy cho học sinh sự tự trọng, kiến thức tự bảo vệ bản thân, phẩm giá và ý thức trách nhiệm. Giao tất cả những chuyện liên quan đến rèn luyện nhân cách, đạo đức cho công an là một trong những điều bất thường của ngành giáo dục Việt Nam. Ngành công an được kêu gọi là nên từ chối tiếp nhận những đề nghị, yêu cầu nhằm lẩn tránh trách nhiệm này của ngành giáo dục. (G.Đ)
30-07-2016