Sunday, December 25, 2016

Việt Nam ‘đơn độc’ trước Trung Quốc?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhìn Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2015.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhìn Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2015.
Theo-VOA26.12.2016
Một tổ chức nghiên cứu an ninh và địa chính trị trên thế giới mới công bố một bản phân tích có tựa đề nói rằng Việt Nam “đơn độc” trước Trung Quốc.
Stratfor nhận định tiếp rằng “cán cân quyền lực ở Đông Nam Á đang âm thầm dịch chuyển về hướng có lợi cho Trung Quốc, và có lẽ không một quốc gia nào cảm nhận điều đó rõ hơn Việt Nam”.
Cơ quan nghiên cứu này cũng cho rằng Việt Nam đã “mềm mỏng hơn trong những lời chỉ trích Trung Quốc và tiến hành các bước đi hàn gắn với Bắc Kinh”.
“Thay vì đối đầu trực diện với Trung Quốc, Hà Nội đã bắt đầu theo đuổi các tuyên bố chủ quyền lãnh hải một cách tế nhị hơn và liên minh với các đối tác mạnh hơn, để ngỏ các khả năng cũng như sẵn sàng phòng thủ”, Stratfor viết trong phân tích công bố hôm 22/12.
Tổ chức này cũng cho rằng không giống như các quốc gia khác, “Việt Nam không thể hoàn toàn phủ nhận hay chấp nhận sức mạnh gia tăng” của Trung Quốc trên biên giới phía bắc.
Stratfor dẫn việc Philippines và Malaysia “hồ hởi gia nhập các cơ chế xử lý tranh chấp cũng như các khối thương mại do Trung Quốc dẫn đầu”, hay việc “Nhật Bản và Singapore mạnh mẽ ủng hộ vai trò của Washington ở khu vực”.
Tổng thống Philippines và Thủ tướng Malaysia mới đây cũng đã công du Trung Quốc, tỏ ý cho thấy muốn xích lại gần hơn với chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới.
Cơ quan nghiên cứu viết tiếp rằng Việt Nam “thường phải khôn khéo cân bằng quan hệ” giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng “trong bối cảnh khu vực phải thích nghi với một thực tế chính trị mới, Hà Nội ngày càng khó thực thi chiến lược đó”.
Quan chức Việt Nam bấy lâu nay vẫn nhấn mạnh tới chính sách "ba không", đó là "không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia".
Ông Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 7/4/2015.
Ông Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 7/4/2015.
Lời qua tiếng lại
Stratfor nhận định thêm rằng, trong tương lai, Việt Nam “sẽ thận trọng hơn khi theo đuổi các dự án cải tạo biển đảo cũng như [củng cố] các mối quan hệ đối tác phòng thủ”.
Nhận định của tổ chức này được công bố một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam “phản đối Trung Quốc mở đường bay dân sự thường kỳ đến sân bay ở Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa”.
Trước đó, Hà Nội cũng đã lên tiếng sau khi Bắc Kinh tuyên bố rằng việc nước này triển khai các thiết bị phòng thủ tới quần đảo Trường Sa là việc làm “hợp pháp và chính đáng”.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc kêu gọi Việt Nam ngừng các hoạt động xây dựng trên một bãi cạn tranh chấp ở biển Đông, sau khi xuất hiện tin Hà Nội đã bắt đầu nạo vét Đá Lát.
Hai tháng trước đó, Reuters hôm 10/8 dẫn lời các nguồn tin nói rằng Hà Nội đã, theo lời hãng này, “bí mật” đưa các giàn rocket di động mới ra “năm căn cứ ở Trường Sa trong những tháng gần đây”.
Trả lời VOA Việt Ngữ về động thái này của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi “tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông tránh các hành động gây căng thẳng, tiến hành các bước đi thiết thực nhằm xây dựng lòng tin và gia tăng nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp hòa bình, ngoại giao để [giải quyết] các tranh chấp”.

‘Tôi xin tiết lộ với quý vị…’

Một người đàn ông tại máy rút tiền tự động của ngân hàng Agribank. (Ảnh minh họa)
Một người đàn ông tại máy rút tiền tự động của ngân hàng Agribank. (Ảnh minh họa)
Phạm Chí Dũng Theo VOA-22.12.2016 
Tôi xin tiết lộ với quý vị là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam cũng đang có kế hoạch xử lý mua lại một Ngân hàng Thương mại yếu kém (bị mua lại với giá 0 đồng) của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các Ngân hàng thương mại yếu kém” - hầu như là lần đầu tiên từ khi nhậm chức thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc phát ra một thông tin có vẻ bất ngờ và hãnh diện trước rất nhiều đối tác quốc tế tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2016 vào tháng 12/2016.
Nếu từ năm 2013, Ngân hàng nhà nước và Chính phủ Việt Nam bắt đầu hô hào về một chiến dịch bán nợ xấu ngân hàng cho nước ngoài nhưng không hề đề cập đến việc bán ngân hàng trong nước cho quốc tế, thì nay lần đầu tiên được một thủ tướng xác nhận chính thức.
Những thông tin ngoài lề cho biết Thủ tướng Việt Nam muốn bán không chỉ 1 ngân hàng mà cả 3 ngân hàng trong nước - những địa chỉ đã bị Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng vào các năm 2015 và 2016.
Vì sao Chính phủ lại quyết định “nhả” ngân hàng trong nước cho nước ngoài vào thời điểm này?
Những quan hệ đen tối
Trong thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được coi như tiến bước vào chu kỳ phá sản từ năm 2014. Ngân hàng Xây Dựng có số lỗ lũy kế trước khi bị mua lại với giá 0 đồng là hơn 18.000 tỷ đồng. Vào tháng Bảy năm 2014, ba quan chức cao cấp của ngân hàng này đã bị khởi tố và bị bắt giam. Ở Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP), số lỗ lũy kế cũng lên đến hơn 12.000 tỷ đồng. Chưa kể Ngân hàng Đại Dương của “tư sản đỏ” Hà Văn Thắm đã bị bắt…
Đến năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng - một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng.
Chính vào thời gian đó, bất chấp lối tuyên truyền một chiều về chiến dịch mua lại ngân hàng thương mại với giá 0 đồng của Ngân hàng nhà nước và được giới tuyên giáo trung ương nhiệt tình hỗ trợ, một tờ báo trong nước vẫn nhận định: “Rất khó nhận diện ngân hàng 0 đồng bởi nhiều ngân hàng không công bố số liệu và cũng chưa hẳn công bố chính xác.” Xét về mặt quy mô, hiện nay vẫn còn khoảng 11 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ nhỏ hơn 5.000 tỷ đồng. Bề ngoài có thể “hào nhoáng,” nhưng ẩn sâu trong đó là câu chuyện sở hữu chéo dẫn đến vốn ảo, cho vay “sân sau” với nền tảng nợ xấu lớn. Với bài học của ngân hàng mang vỏ bọc đẹp đẽ Ocean Bank, sẽ không ngạc nhiên khi một ngày đẹp trời nào đó có thêm một ngân hàng được đặt trong tình huống mua lại với giá 0 đồng tương tự”.
Năm 2015, việc Ngân hàng nhà nước quyết định mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng đã khiến nảy sinh mối nghi ngờ rất lớn về những quan hệ đen tối nào đó giữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình với các ngân hàng được không cho phá sản, để sau này nhiều người lại muốn “hồi tố” về động cơ thật sự của ông Nguyễn Văn Bình, đặc biệt việc ông Bình luôn vận động và đã suýt dùng tiền ngân sách để “xử lý” các ngân hàng đã rơi vào tầm phá sản.
Không chỉ 3 ngân hàng được mua lại 0 đồng, một số ngân hàng thương mại nhỏ và cả ngân hàng nằm trong top đầu đã lọt vào “danh sách đen”. Chẳng hạn như Ngân hàng HD Bank là loại nhỏ, hay Ngân hàng Agribank thuộc loại lớn.
Trong khi đó, sau gần 3 năm hình thành nhưng hầu như không giải quyết được vấn đề gì về nợ xấu, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đành thúc thủ. Hàng loạt biện pháp xử lý nợ xấu lại được nêu ra, nhưng tất cả đều chỉ mang tính lý thuyết. Cho đến giờ, toàn bộ nợ xấu mà VAMC mua lại đều chỉ bằng… giấy.
Thực tế khốn quẫn là tỷ lệ nợ xấu thực ở một số ngân hàng nhỏ, cũng là những ngân hàng mà vào thời gian từ năm 2007 đến năm 2011 đã cho vay bạt mạng với lãi suất cắt cổ cùng hàng loạt vụ án ngân hàng, đang cực kỳ xấu, có nơi tỷ lệ nợ xấu chiếm đến hơn phân nửa tổng nợ cho vay.
Những cái xác vật vờ
Ngay sau Đại hội XII của đảng cầm quyền với di họa bắt nguồn từ nhiệm kỳ chính phủ trước, đã xuất hiện khá nhiều thông tin về tình trạng nợ xấu tăng đột biến tại nhiều ngân hàng thương mại. Nói cách khác, nếu như trước đây Ngân hàng nhà nước tìm cách “phù phép” để đẩy các khoản nợ đặc biệt xấu và không thể thu hồi được lên những nhóm nợ cao hơn (có thể thu hồi), thì nay do chẳng có gì thu hồi được nên nợ xấu vẫn còn y nguyên và vẫn hàng ngày lãi mẹ đẻ lãi con, toàn bộ “công tác xử lý nợ xấu” của VAMC từ trước đến nay hầu như vô nghĩa.
Trong khi đó, ngân sách lại khốn quẫn và chẳng còn khoản kết dư nào để trút ra mua nợ xấu. Nếu có, chỉ có thể là một khoản nhỏ để dành để cứu những ngân hàng lớn có cổ phần chi phối của nhà nước, còn các ngân hàng nhỏ sẽ phải tự xoay sở. Đó là lý do mà việc “tái cơ cấu ngân hàng” sẽ có thể trở nên mạnh mẽ bất ngờ trong thời gian tới. Nếu trước đây đã từng có kế hoạch kéo giảm số lượng ngân hàng thương mại từ trên 30 tổ chức xuống còn khoảng 15 tổ chức, thì tới đây có nhiều khả năng chính phủ sẽ phải làm điều này mà không còn lối thoát nào khác.
Chính phủ không “nhả” cũng không được. Trong thực tế, một số ngân hàng chỉ còn là những cái xác vật vờ …
Không thể khác, lý do chính mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bắt buộc phải nói đến việc “thí điểm phá sản ngân hàng” vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016 là tình trạng nợ xấu trong các ngân hàng thương mại đã hầu như vô phương cứu chữa. Nếu vào cuối năm 2014, con số nợ xấu thực đã lần đầu tiên được Thống đốc Bình thừa nhận là vào khoảng 500 ngàn tỷ đồng, thì đến nay con số này hẳn phải lên đến ít nhất 600 ngàn tỷ đồng, với tốc độ “tăng trưởng” đều đặn 60-80 ngàn tỷ đồng mỗi năm.
2016 đã vụt qua rất nhanh. Hơn hai chục tỷ USD nợ xấu lại móc xích với vài trăm tỷ USD nợ công. Tất cả vẫn bế tắc!
Bài học cho Thủ tướng Phúc
Dường như khi tuyên bố về việc nước ngoài sẽ mua ngân hàng trong nước, thủ tướng “cờ lờ mờ vờ” của Việt Nam có vẻ tự hào như trút được một gánh nặng đã đè lên vai ông quá lâu, đặc biệt trong một nhiệm kỳ chính phủ bị quá nhiều dư luận xem là “kẻ ăn ốc người đổ vỏ”.
Nhưng dường như Thủ tướng Phúc đã chẳng nhìn ra được một thực tế phũ phàng mà Ngân hàng nhà nước đã khoe khoang từ năm 2014 về “các tổ chức nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ xấu của Việt Nam”: cho tới nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn vô vọng, không có bất kỳ hồi âm chính thức nào.
Nếu cả VAMC mà còn không thuyết phục nổi những doanh nghiệp cá mập trong nước “ôm” lại nợ xấu, sẽ chẳng một tập đoàn nước ngoài nào dại dột rước lấy “của nợ Việt Nam”.
Khi còn tại vị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có một chuyến xuất ngoại đến Úc để “khuyến mãi” nước ngoài mua nợ xấu. Nhưng có vẻ gương mặt ông Dũng đã xạm hẳn khi Thủ tướng Tony Abbott không những không quan tâm đến lời chào mua nợ xấu mà còn tuyên bố thẳng tay cắt giảm viện trợ đối với Việt Nam.
Đến giờ phút này, nợ xấu ngân hàng Việt Nam vẫn không khác gì một thể dịch hỗn tương của căn bệnh ung thư nửa mùa.
Tuyên bố “Tôi xin tiết lộ với quý vị…” của Thủ tướng Phúc lại được đưa ra trong bối cảnh Bộ Công an vừa bắt ông Trần Phương Bình của Ngân hàng Đông Á, tạm kết thúc một năm “đại hạn” cho “ngành kinh tế mũi nhọn” chỉ chăm bẳm mua thật thấp bán thật cao. Thời thế đã khác hẳn 5 năm trước khi lúc giới ngân hàng chỉ ngồi mát ăn bát vàng và đua nhau tung tác những cú đầu cơ lộn ruột xã hội.
Ngay cả lối thoát sang ADB cũng dễ kẹt đầu. Từ nhiều tháng qua, tổ chức tài chính bậc nhất châu Á này luôn “càm ràm” về nợ xấu và ngân hàng mà Thủ tướng Phúc muốn bán vẫn còn quá cao giá…
Một luật sư ở Sài Gòn cho biết rằng chưa bao giờ ông nhận được nhiều đơn đặt hàng về tư vấn phá sản ngân hàng như bây giờ…
Tất cả đã quá muộn. Có lẽ chẳng bao lâu nữa, giới chủ ngân hàng sẽ phải khóc thét lên vì khối u nợ xấu phát nhiễm toàn thân khiến gây hại trầm kha cho “sự tồn vong của chế độ”.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Để chống tham nhũng đội lốt quà Tết

Theo VOA-23.12.2016 
Cao Huy Huân
Trả lời trên một trang báo mạng ở Việt Nam mới đây, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng việc tặng quà Tết trái quy định không phải là hành vi ăn trộm, ăn cắp nên khó “bắt quả tang”. Việc người dân phản ánh qua đường dây nóng phải có quá trình xem xét để tránh việc lợi dụng, ảnh hưởng đến danh dự của người liên quan.
Câu trả lời của ông Đạt, xét trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, cho thấy tính chất nghiêm trọng của nạn tham nhũng, hối lộ, chạy chọt... mà ngay chính các cơ quan thanh tra, chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam cũng phải đau đầu. Nhưng nếu chúng ta nhìn quanh các quốc gia ít có nạn tham nhũng, chúng ta có thể thấy việc quản lý quà tặng cho quan chức không phải là chuyện khó khăn. Tại sao vậy?
Thứ nhất, tôi cho rằng đó là nhân tố đạo đức hay tính tự giác chấp hành pháp luật. Nếu so sánh mức độ tự giác của người Việt và người Mỹ, người châu Âu ngay tại đất Việt Nam hay ở nước ngoài, chúng ta có thể thấy rõ người Việt chúng ta kém tự giác hơn người nước ngoài. Điều này có thể nhận ra trong việc sử dụng các hệ thống nhà vệ sinh công cộng, việc bỏ rác vào thùng rác, việc giữ gìn tài sản chung, việc trả tiền trong siêu thị, hay như việc dám làm dám chịu (mà một biểu hiện tiêu biểu là hành động từ chức khi phạm sai lầm). Tình hình này có thể bắt nguồn từ yếu tố văn hóa, từ môi trường xã hội, từ nền giáo dục chưa tôi rèn được ý thức tự giác, từ cơ chế tuyển dụng công nhân, viên chức chưa minh bạch, còn nạn chạy chọt và nạn thế hệ này phải “kéo” thế hệ sau. Tính tự giác kém của các thành phần bất hảo kèm theo các quan chức bất hảo, khiến cho luật cấm quà cáp không ngăn chặn nổi hàng tá những chiêu trò mà họ bày ra, khiến các nhà làm luật lẫn các cơ quan thi hành pháp luật phải bó tay.
Thứ hai, quan trọng không kém, chính là sự quyết liệt của bộ phận chống tham nhũng. Gần đây Việt Nam phát hiện ra nhiều trường hợp tham nhũng lớn, khiến nhiều người dân phấn khởi. Tuy nhiên nhìn lại sẽ thấy, những kẻ tham nhũng có thời gian “ủ bệnh” rất lâu dài. Các quan tham có thời gian thăng tiến từ việc này đến việc nọ; từ một nhân viên hành chính bình thường leo lên tận các vị trí cao cấp mà khi bị bại lộ, ai nấy cũng ngỡ ngàng. Như vậy tôi đặt ra hai câu hỏi: một là có hay không sự quyết liệt chống tham nhũng? Xin nhớ cho chỉ số tham nhũng và minh bạch ở Việt Nam vẫn bị thế giới xếp vào hạng kém trong nhiều năm trời, bất chấp quá trình hội nhập kinh tế buộc Việt Nam phải cải cách không ít lần. Hai là, phải chăng những gói quà “lót tay” hiện nay không chỉ qua mắt được bàn dân thiên hạ, mà còn qua mắt được luôn cả những người và cơ quan chống tham nhũng? Quản lý quà Tết không phải là cứ chăm chắm vào gói quà đó, hay buộc người ta khui gói quà ra trước mắt mình để “bắt quả tang”, mà là quản lý nguồn thu nhập cá nhân của quan chức: một đồng xu trong tài sản, dưới bất kỳ hình thức nào của quan chức và gia đình họ cũng phải được kê khai một cách rõ ràng, minh bạch và được kiểm chứng, giám sát.
Ở các nước ít có nạn tham nhũng, quan chức có trách nhiệm giải trình tài sản bất kể khi nào người dân hay các cơ quan giám sát có nghi ngờ. Họ phải giải thích được nguồn gốc tài sản của họ, trong khi tài sản của thân nhân các quan chức cũng được kê khai và đối chứng khi cần thiết. Các món quà họ được tặng, những bữa cơm họ được mời, những chuyến du lịch họ tham dự, những buổi hội thảo họ đến tham gia, hay ngay như thù lao họ được trả khi viết một quyển sách... tất cả đều phải được kê khai chi tiết, được công khai ngay khi cần thiết.
Việc ông Phạm Trọng Đạt đặt vấn đề “bắt quả tang” khi tặng quà cho nhau có dấu hiệu tham nhũng cho thấy ông Đạt (hay mở rộng ra là hệ thống quản lý minh bạch, chống tham nhũng) của Việt Nam dường như thiếu tính phổ quát, chưa có tầm ảnh hưởng sâu rộng – điều tối thiểu mà một hệ thống luật pháp cần có. Tôi cũng cho rằng việc đặt vấn đề “bắt quả tang” quà tặng của ông Đạt là quá hạn hẹp, nên đặt vấn đề rộng hơn đó là đối chất, chất vấn về tài sản quan chức theo định kỳ hoặc hàng năm. Còn với các gói quà Tết vượt mức quy định nhưng được thể hiện dưới dạng du lịch, vé khuyến mãi, học bổng cho con em quan chức, hay thậm chí một bữa cơm, một túi lì xì nhỏ gọn... thì phải dựa vào sự giám sát của nhân dân (qua đường dây nóng), hoặc phải quay về câu hỏi đầu tiên đó là tính tự giác của quan chức. Điều này chỉ có thể được giải quyết bằng quy trình tuyển dụng minh bạch, công bằng, dựa trên khả năng đích thực của các cơ quan công quyền.
Kèm theo đó, với các gói quà Tết bất hợp pháp dù chỉ là nhỏ, thì cũng phải được xử lý thật nghiêm khắc. Ở nước ngoài, ăn một bữa cơm mời có giá trị vượt quá quy định vài ba trăm ngàn đồng cũng đã bị kỷ luật, thậm chí giáng chức nếu được chứng minh quan hệ giữa quan chức và người mời cơm là quan hệ thiếu minh bạch, có khả năng hợp tác trục lợi. Các phong bì lớn nhỏ, cứ hễ bị khám phá thông qua hệ thống quản lý thu nhập quan chức rất hiện đại, hiệu quả, thì những người vi phạm có rất nhiều khả năng bị vào tù.
Đừng xem nhẹ tính tự giác mà lơ là trong việc tuyển người có đạo đức, hay đơn thuần giơ cao đánh khẽ (theo kiểu: “Vụ ông Vũ Huy Hoàng, Quốc hội phê phán thế đã đủ đau chưa?”), thì nạn quà cáp trong ba ngày Tết vẫn sẽ là cái ung nhọt vô phương cứu chữa.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Tương lai nào cho môi trường Việt Nam?

Binh sĩ thu gom cá chết trên Hồ Tây ở Hà Nội, 3/10/2016.
Binh sĩ thu gom cá chết trên Hồ Tây ở Hà Nội, 3/10/2016.
VOA Tiếng Việt-23.12.2016
Năm 2016 đã chứng kiến một loạt cuộc khủng hoảng môi trường ở Việt Nam mà tiêu biểu nhất là vụ cá chết hàng loạt trên các vùng biển miền Trung. Tình trạng này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về mức độ ô nhiễm cao đến mức báo động ở Việt Nam. Bộ trưởng Trần Hồng Hà phải cảnh báo rằng môi trường Việt Nam “đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa.” Nhưng liệu vấn nạn này sẽ được giải quyết như thế nào khi lợi ích kinh tế được đặt trên vấn đề bảo vệ môi trường?
Luật môi trường của Việt Nam ra đời cách đây hơn 1 thập kỷ và theo đánh giá của 1 chuyên gia về môi trường, bộ luật này được chỉnh sửa và qua 2 lần cải tiến đã làm cho hệ thống pháp luật của Việt Nam về môi trường trở nên “khá đầy đủ về mặt quy định và chi tiết.” Nhưng tại sao tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam lại vẫn xảy ra và những vụ việc nghiêm trọng nhất lại xảy ra trong những năm gần đây? Giáo sư của khoa Môi Trường và Đô Thị của trường đại học Kinh Tế Quốc Dân Đinh Đức Trường giải thích về điều này với VOA Việt Ngữ: "Cái khó của Việt Nam lại nằm trong quá trình giám sát thực thi và quá trình xử lý vi phạm tức là bao gồm việc giám sát người ta có thực thi đúng hay không và cái thứ 2 là khi phát hiện ra rồi thì cái cơ chế và chế tài sử phạt sẽ như thế nào thì hiện nay ở Việt Nam, tôi nghĩ, là vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là việc giám sát."
Và theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, luật của Việt Nam được ban hành rất nhiều trong những năm gần đây nhưng việc thực thi luật thì lại không có hiệu quả. "Việt Nam đã có gấp 5 lần luật so với cách đây 20 năm. Quá nhiều luật và bây giờ thực sự một thủ tướng hay một chủ tịch nước hay là những bộ trưởng, họ không thể nhớ nổi là luật như thế nào. Trong bối cảnh có tới hơn phân nửa số văn bản văn phạm pháp quy từ chính phủ truyền xuống là các địa phương không thi hành. Và hơn 1 nửa số văn bản từ cấp ủy ban nhân dân tỉnh thành truyền xuống các quận huyện cũng không được thi hành."
Đó là nguyên nhân, theo nhà báo Dũng, vì sao luật môi trường được đưa ra mà vẫn “đều đều xảy ra các vụ Vedan, Sonadezi và gần đây nhất là Formosa.”
Thiên đường cho ô nhiễm
Trong 3 năm từ 2008-2011 Sonadezi Long Thành đã xả chất thải chưa qua xử lý vào hệ thống sông ngòi Đồng Nai gây thiệt hại cho người dân địa phương. Trước đó, vào năm 2009, nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan Vietnam của Đài Loan cũng đã gây ra ô nhiễm nguồn nước khi xả chất thải độc chưa qua xử lý ra sông Thị Vải chảy qua thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai. Vụ ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do một công ty khác của Đài Loan, Formosa, gây ra trong năm nay được coi là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng môi trường ở Việt Nam. Theo sau đó là những vụ cá chết hàng loạt trên các sông hồ ở những thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh. Trong năm qua, tình trạng ô nhiễm không khí nhất là ở Hà Nội cũng đã lên đến mức báo động. Ô nhiễm không khí ở Việt Nam, theo nhiều khảo sát quốc tế gồm cả Mỹ và Thụy Điển, luôn đứng ở trong nhóm tồi tệ nhất thế giới.
Ô nhiễm môi trường hàng năm ở Việt Nam đang gây ra thiệt hại tương đương với 5% GDP theo đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới. Tuy nhiên, theo cảnh báo của tiến sỹ Đinh Đức Trường, nếu ô nhiễm môi trường theo đà tăng tiến như hiện nay mà không có biện pháp hữu hiệu nào được thực hiện thì Việt Nam có thể sẽ vượt qua Trung Quốc về mức độ ô nhiễm.
Vậy hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường được coi là đầy đủ của Việt Nam đang có những lỗ hổng để cho sự vi phạm môi trường diễn ra không?
Theo một nghiên cứu mới nhất của tiến sỹ Đinh Đức Trường có tên “Việt Nam – thiên đường ô nhiễm cho doanh nghiệp nước ngoài” 80% các khu công nghiệp ở Việt Nam đang vi phạm luật môi trường và trong số những khu công nghiệp vi phạm này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm đến 60%. Theo tiến sỹ Trường, "hiện tại đang bị một vấn đề là các khu công nghiệp (trong đó) một số khu công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ví dụ như Formosa rồi Vedan cách đây mấy năm, cũng là những vụ điểm thôi, nhưng cái đấy nó cũng thể hiện rằng mình vẫn còn những khe hở, lỗ hổng nhất định trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như là xử lý các bài toán môi trường, các vấn đề ô nhiễm môi trường này. Vẫn còn những khe hở của pháp luật."
Thiên đường cho công nghệ lạc hậu
Ngoài những khe hở về pháp luật, các chính sách đầu tư và phát triển, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang hấp dẫn những công nghệ lạc hậu vào đây.
Giáo sư của trường đại học Kinh Tế Quốc Dân nói nhiều doanh nghiệp FDI đang mang công nghệ lạc hậu và bị cấm ở các nước phát triển vào Việt Nam nhằm kéo dài tuổi thọ của máy móc và hưởng lợi từ chi phí môi trường thấp.
Với việc quá chú trọng vào sự phát triển kinh tế, chính phủ Việt Nam đã đưa ra những tiêu chuẩn thấp về môi trường và theo vị giáo sư này, “thỏi nam châm” thu thút FDI vào Việt Nam là ngành dệt may, thép, giấy đều là những ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao với hàng loạt dự án vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc và Đài Loan.
Ngoài phát triển công nghiệp, vấn đề đô thị hóa nhanh chóng cũng là nguyên nhân cho vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, theo giám đốc trung tâm Nghiên Cứu Môi Trường và Cộng Đồng Nguyễn Ngọc Lý. "Trong sự phát triển nhanh về công nghiệp và về đô thị hóa hiện nay, nó đã đẩy đi quá nhanh và việc bảo vệ môi trường đang rất bị hạn chế, không theo kịp với sự phát triển đó. Và nó cũng như là các nước, nó sẽ phải đi theo 1 lộ trình khá là vất vả."
Mức độ ô nhiễm môi trường đáng báo động ở Việt Nam cũng đang làm cho những doanh nghiệp nước ngoài lo ngại và có nhà đầu tư đã rút vốn ra khỏi Việt Nam chỉ vì lý do này. Chủ tịch điều hành của Dragon Capital Dominic Scriven gần đây tiết lộ tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam rằng nhà đầu tư lớn nhất của quỹ này quyết định “rút ra khỏi thị trường Việt Nam vì lý do thiếu vắng những chính sách và hành động thuyết phục trong việc bảo vệ môi trường.”
Với tất cả những lý do này, theo tiến sỹ Đinh Đức Trường, trong tương lai tiêu chuẩn của Việt Nam sẽ phải thay đổi theo hướng thắt chặt hơn và gia tăng hơn để thỏa mãn nhu cầu trong nước và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng vị tiến sỹ này nói quá trình đó sẽ không đơn giản:
"Sẽ phải có sự tham gia của nhà nước – tham gia của nhà nước ở đây (bao gồm) cả việc cung cấp vốn, hỗ trợ các cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp để họ đổi mới các công nghệ thân thiện. Mặt khác thì nhà nước cũng phải cập nhật những thông tin về các tiêu chuẩn môi trường trên thế giới, đặc biệt là của các tổ chức thương mại thế giới và các khách hàng trên thế giới. Tôi nghĩ rằng bảo vệ môi trường là cái không thể đẩy lùi được nữa, bắt buộc phải làm thôi."
Thực hiện theo 1 lộ trình với sự tham gia từ cả phía doanh nghiệp và chính phủ để việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam, theo đề xuất của tiến sỹ Trường, sẽ hữu hiệu nhưng rất là khó. Theo con số mà tiến sỹ Trường cho VOA Việt Ngữ biết, Việt Nam sẽ thực hiện tăng trưởng xanh từ 2016-2030 và cần phải đầu tư 30 tỷ đô la cho đổi mới công nghệ mà trong đó nhà nước chỉ có thể chi 30% và phần còn lại là do các khu vực tư nhân và sự hợp tác công tư. "Như vậy là các cụm doanh nghiệp phải huy động một nguồn vốn chắc phải đến khoảng 18-20 tỷ đô la cho việc bảo vệ môi trường và đó là một điều cực kỳ khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện tại."
Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong một buổi họp quốc hội tại Hà Nội đầu tháng 11 vừa qua, đã cho rằng “để giải quyết căn cơ vấn đề môi trường thì chính là tái cơ cấu nền kinh tế. Thay đổi từ 1 nền kinh tế thâm dụng vào nguồn vốn tài nguyên tự nhiên, xâm dụng vào chi phí môi trường” sang 1 nền kinh tế xanh và sạch.
"Sau một loạt sự cố về môi trường thì chúng ta cũng nhận thấy rằng là môi trường của chúng ta đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Trước đây môi trường thường là đi sau so với hoạt động phát triển – phát triển trước làm sạch sau. Thì hiện nay vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó. Trước đây chúng ta bảo vệ môi trường trong phát triển. Nhưng bây giờ môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và quy hoạch."
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội nghị thượng đỉnh Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 11 vừa qua cũng đã khẳng định Việt Nam sẽ không phát triển kinh tế bằng cái giá của môi trường. Còn bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nói trong một buổi đối thoại gần đây với các luật sư và ngư dân Hà Tĩnh rằng giải quyết vụ môi trường biển miền Trung là “sinh mệnh chính trị” của ông. Và chúng ta sẽ phải chờ xem các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ đi từ lời nói đến hành động như thế nào.

Công an xã Sơn La làm khó Đức Cha Nguyễn Hữu Long khi dâng lễ Giáng Sinh

Công an xã Sơn La làm khó Đức Cha Nguyễn Hữu Long khi dâng lễ Giáng Sinh
Trên trang Facebook của nhà hoạt động Lê Văn Sơn, cho biết Đức cha An Phong Nguyễn Hữu Long- Giám mục phụ tá, Giáo phận Hưng Hóa- đã bị một tay an ninh  đòi trục xuất ra khỏi nơi thờ tự tôn giáo, khi ông đến dâng lễ mừng Chúa Giáng sinh cho các anh chị em người H’mông.
Sự việc diễn ra lúc 16h 30 chiều ngày 23.12.2016 tại bản Suối Chèo, xã Suối Bau, huyện Phù Yên, Tỉnh Sơn La.
Trong một video clip do người dân quay lại và được đăng tải trên Facebook, người xem thấy rõ thái độ hạch sách của công an tên là Đinh Công Hiếu đối với Đức cha Nguyễn Hữu Long, và các chức sắc tôn giáo cũng như giáo dân tại nơi đây.
Đức cha Nguyễn Hữu Long đã đến nơi thờ tự của anh chị em người H’mông để làm lễ. Phía an ninh chận lại kiểm tra giấy phép, và đòi hỏi phải xin phép tất cả các cấp chính quyền địa phương. Trong khi  Đức cha Long giải thích đã có giấy xin phép huyện Phù Yên và tỉnh Sơn La, thì công an bắt buộc phải xin cả cấp xã, tức là cấp thấp hơn.
Đức Cha nhiều lần giải thích: “…Chuyện hàng dọc của các anh, phải báo cho nhau chứ, chúng tôi đã xin tỉnh và huyện…”, tuy nhiên phía công an vẫn tiếp tục làm khó. Họ còn hỏi Đức Cha đến với giáo dân của mình “với  mục đích và động cơ gì?” và bắt buộc ông phải đăng ký chương trình. Một lúc lâu sau thì một viên an ninh Sơn La mới nói rằng: “Lần này thì thông cảm, cháu cho phép, còn lần sau thì trục xuất…”. 
“Đây là thói quen ‘xin – cho’ không lạ gì của CSVN đối với tôn giáo.” – một bạn bình luận trên Facebook.
Cũng vào chiều ngày 23.12.2016, lúc an ninh Sơn La ngăn chặn Đức Cha Long đến với đồng bào người H’mông, thì chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang đích thân đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ông Quang gặp gỡ, chúc mừng Giáng sinh các Linh mục phụ trách và bà con giáo dân.
Ông Quang nhắc đến vai trò của người Công giáo Việt Nam trong việc phát triển xã hội, khẳng định “…chính sách nhất quán của nước ta là luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân…”
Đoàn Hưng / SBTN

Biển Miền Trung cần 10 năm để phục hồi

Biển Miền Trung cần 10 năm để phục hồi
Ảnh: VNEpress
Biển miền Trung Việt Nam cần ít nhất một thập niên để phục hồi hoàn toàn sau thảm họa ô nhiễm môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam. Đó là nhận định của giới hữu trách chính quyền CSVN.
Công ty Formosa Hà Tĩnh, một đơn vị của tập đoàn Formosa Đài Loan đã vận hành nhà máy thép trị giá 11 tỷ Mỹ kim xả thải làm ô uế hơn 200km bờ biển hồi tháng Tư, giết chết hơn 100 tấn cá, và hủy diệt môi trường, công ăn việc làm của ngư dân và nền kinh tế của bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường Cộng Sản Việt Nam nói rằng công ty đã khắc phục 50 trên 53 vi phạm, và đang loại bỏ nguyên nhân lớn nhất của thảm họa, đó là hệ thống làm nguội than cốc “ướt” độc hại mà Formosa đã sử dụng, trong một hành vi cố tình vi phạm thỏa thuận với chính quyền Việt Nam. Bộ Tài Nguyên cho biết đã yêu cầu Formosa Hà Tĩnh bắt đầu lắp đặt hệ thống làm nguội than cốc “khô” vào cuối tháng này và phải hoàn tất muộn nhất là trước cuối tháng 6 năm 2019. Hiện chưa rõ đây có phải là một điều kiện tiên quyết do nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đặt ra với Formosa hay không.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia luyện kim không đồng ý với quan điểm này. Theo họ, việc chuyển hệ thống làm nguội than cốc ước thành khô chỉ ảnh hưởng chủ yếu đến ô nhiễm không khí, chứ không phải là môi trường nước biển mà Formosa đã hủy hoại.
Báo South China Morning Post hôm Thứ Bảy dẫn lời phó tổng giám đốc Formosa Hà Tĩnh là ông Chang Fu-ning nói trước đó rằng, nhà máy thép đã lên kế hoạch để bắt đầu sản xuất thương mại với đầy đủ công suất vào tam cá nguyệt đầu tiên của năm 2017, nếu được chính phủ Việt Nam chấp thuận.
Huy Lam / SBTN

Con trai cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xin rút khỏi hội đồng quản trị Sabeco

Con trai cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xin rút khỏi hội đồng quản trị Sabeco
Hai ngày sau khi cựu bộ trưởng Bộ Công Thương cộng sản Việt Nam Vũ Huy Hoàng bị quốc hội ra nghị quyết “phê phán trước toàn dân” do những vụ bổ nhiệm bê bối của ông thời tại chức, con trai ông là Vũ Quang Hải đệ đơn xin rút lui khỏi hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phẩn Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Truyền thông trong nước hôm Chủ Nhật 25/12 đưa tin, Sabeco đã báo cáo việc ông Hải từ nhiệm lên Bộ Công Thương để xin chỉ thị. Theo báo mạng VnExpress, ông Vũ Quang Hải có giải thích về việc chọn thời điểm này để rút khỏi hội đồng quản trị.
Ông Hải nói đây là thời điểm tốt để rút lui vì, theo lời ông Hải, kết quả kinh doanh năm 2016 của Sabeco là “hoành tráng”, và công việc thuộc trách nhiệm quản trị của ông “đã hoàn thành xong, để chứng minh năng lực của mình”.
Từ năm 25 tuổi, ông Vũ Quang Hải đã được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí Việt Nam PVFI. Sau đó ông được điều động về làm phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu của Cục Xúc tiến thương mại, rồi chuyển sang làm kiểm soát viên của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vinataba, và cuối cùng được điều chuyển về Sabeco làm phó tổng giám đốc.
Tháng 6 năm nay, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam VAFI đệ đơn tố cáo các vụ bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải là thiếu minh bạch, mang tính vụ lợi và bị nghiêm cấm theo luật phòng chống tham nhũng.
Huy Lam / SBTN

‘Ðuổi nhà báo ngay:’ Báo chí nhà nước một năm cay đắng

Phạm Chí Dũng
Theo Người Việt -24-12-2016
“Trả thù bọn nhà báo”
Năm 2016 khép lại đầy cay đắng với báo giới nhà nước, dù có nguồn cơn “bất đồng chính kiến” hay không.
Ðầu Tháng Mười Hai, vụ kỷ luật nhà báo Phùng Hiệu của báo Nhà Báo và Công Luận, không những thế còn đình chỉ công tác một tháng đối với tổng biên tập Nguyễn Ngọc Niên của tờ báo này, cho thấy ông Trương Minh Tuấn đang làm đúng những gì mà ông đã rất sắt son trong loạt bài của ông trên báo Nhân Dân vào Tháng Mười Một về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa.”
Khách quan mà xét, đoạn bình phẩm của nhà báo Phùng Hiệu về ông Fidel Castro và thực trạng kinh tế xã hội Cuba là quá “hiền” so với hàng loạt bình luận của giới truyền thông “lề trái” về nhà nước Việt Nam vi luật khi tổ chức quốc tang cho cựu lãnh tụ Cuba, hoặc nói thẳng ông Castro là độc tài và tàn bạo… Thế nhưng, cứ như một kiếp nạn đã được trời định, báo chí nhà nước đã đến lúc phải “lên thớt.”
Chỉ ít lâu sau khi một phóng viên báo Tuổi Trẻ bị công an huyện Ðông Anh, Hà Nội, đấm mặt đá mông, lời trần thuật vô cùng thật lòng của một quan chức có tên là Nguyễn Minh Mẫn, quyền vụ trưởng Vụ 3, Thanh Tra Chính Phủ, “Tôi đuổi, tôi sẵn sàng phối kết hợp đuổi, đuổi đấy. Ðuổi nhà báo ngay, chúng tôi chả ngại gì. Ðấy! Bởi vì trong quá trình (thanh tra) báo chí nó nhiễu thì rất là nhục…” chính là một chứng quả cho thấy hiện trạng báo giới nhà nước đang tựa như “Tớ là con sâu…” như câu hạ mình sát đất của một nhân vật trong tiểu thuyết AQ chính truyện của nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc).
Sau ngành công an, cơ quan thanh tra được xem là có nhiều quyền sinh sát ở Việt Nam.
Ngay sau lời đe dọa đẩy đuổi trên mà đã được một clip không rõ tác giả lan truyền trên mạng xã hội và tạo nên một cơn phản ứng rộng khắp đối với ông Mẫn, nhà báo Phùng Hiệu bị đuổi thật.
Nổi bật như một vệ sĩ riêng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, “tay kiếm” Trương Minh Tuấn vẫn mải mê cùng lạnh lùng “chém” những nhà báo nhà nước vượt ra ngoài khuôn khổ định sẵn của đảng.
Ít ra, ông Trọng cũng biết sắp xếp vị trí tổ chức cho một vài người có lợi cho mình.
Từ Tháng Bảy, khi được Bộ Chính Trị đặc cách cho kiêm nhiệm chức vụ phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, quyền lực của Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn đã trở nên “nhất thể hóa” và vượt hơn nhiều so với đa số trong dàn bộ trưởng còn lại của chính phủ. Cũng từ thời điểm đó, báo chí nhà nước như lên cơn co giật trong một cuộc “chỉnh đảng” kinh động chưa từng có từ nhiều năm qua.
Những tín hiệu của chiến dịch “chỉnh đảng” trên hẳn phải được những quan chức thanh tra như ông Nguyễn Minh Mẫn nắm được và lập tức bắt nhịp. Nhiều quan chức hẳn còn đắc chí vì đã đến thời “trả thù bọn nhà báo.”
Thời của thể chế “tam quyền nhất thể” đang muốn hồi tố những tay nhà báo dám xọc xịa vào vô số vết nhơ ngập ngụa dấu hiệu tham nhũng của các cơ quan này.
“Việt Nam luôn có tự do báo chí” (?)
Nếu kết nối lời lẽ và thái độ xúc phạm báo chí của ông Nguyễn Minh Mẫn với sự việc hàng loạt báo quốc doanh bị công an đánh đập trong thời gian gần đây ở Ðắc Lắc, Hà Nội,… hẳn nhiều người nhận ra thân phận của “quyền lực thứ tư” mang đậm dấu ấn con sâu cái kiến như thế nào, trong bối cảnh mà các cơ quan quản lý chủ chốt như Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Hội Nhà Báo Việt Nam và tất nhiên một cơ quan mang tính định hướng là Ban Tuyên Giáo Trung Ương hầu như câm lặng trước các vụ nhà báo nhà nước bị công an hành hung.
Sự nín lặng trên còn có thể được hiểu như một động tác che đỡ gián tiếp để lực lượng kiêu binh “còn đảng còn mình” thoải mái đe dọa và tấn công “quyền lực thứ tư.”
Nhưng vẫn chưa phải hết. Các cơ quan nghiệp vụ của ngành công an, đặc biệt là khối an ninh tư tưởng văn hóa thừa biết rằng những cơ quan quản lý báo chí còn a dua với ngành công an để “siết” báo chí bằng đủ loại chỉ đạo bất thành văn.
Hàng tuần và hàng tháng, Ban Tuyên Giáo Trung Ương cùng Bộ Thông Tin và Truyền Thông vẫn duy trì các cuộc họp “giao ban báo chí” để “nhắc nhở, lưu ý” các báo, mà về thực chất là yêu cầu các tờ báo không được đăng những vấn đề này hoặc vấn đề kia. Sau đó là các cuộc họp giao ban quản lý báo chí ở một số tỉnh thành quan trọng như Hà Nội, Sài Gòn… với vai trò của áp đặt của Ban Tuyên Giáo tỉnh/Thành Ủy và Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Ðã từ rất lâu, những cuộc họp trên đã bất chấp cái gọi là “tự do báo chí” hiển hiện trong Hiến Pháp năm 1992 và 2013.
Cách đây mấy năm trở về trước, những cuộc họp giao ban trên được kết thúc bằng một bản thông báo khá dài của Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Nhưng sau cú “scandal” rò rỉ trên mạng xã hội phát ngôn của ông Nguyễn Thế Kỷ, phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, cho rằng vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam vào năm 2011 chỉ là “vô ý,” hình thức thông báo bằng văn bản đã được Ban Tuyên Giáo Trung Ương giảm thiểu. Thay vào đó là hình thức nhắn tin chỉ đạo cho các tổng biên tập báo.
Nhưng rồi cũng có một số tin chỉ đạo qua nhắn tin điện thoại bị lộ trên mạng xã hội, chẳng hạn gần đây nhất là vụ Ban Tuyên Giáo Trung Ương nhắn tin không cho các báo đưa tin về dự án Thép Cà Ná của tập đoàn Tôn Hoa Sen, gần đây cơ quan định hướng này đã chuyển sang hình thức thủ công nhất: Cho chuyên viên gọi điện thoại trực tiếp cho từng tổng biên tập để “truyền đạt chỉ đạo của lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Trung Ương.”
Việc mô tả những hình thức chỉ đạo trên đã cho thấy não trạng áp đặt báo chí là không hề thay đổi trong giới lãnh đạo Việt Nam. Thái độ cùng lời lẽ xúc phạm báo chí của quan chức thanh tra Nguyễn Minh Mẫn là hoàn toàn logic với não trạng ấy.
Tự khâu miệng và bỏ nghề
Sau cựu trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Ðinh Thế Huynh có vẻ nhu hòa và một đương kim trưởng ban Võ Văn Thưởng chưa bao giờ nói nặng báo chí, ông Trương Minh Tuấn đang trở nên nổi bật về vai trò sắt đá hơn hẳn các đời lãnh đạo tuyên giáo trung ương trước đây. Cũng có thể không quá để cho rằng nếu không có ông Tuấn, nghị quyết “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, dù có hò hét đến đâu, cũng khó mà làm cho báo giới bất trị phải lo sợ.
Khác nhiều những năm trước, tình thế đang tự chuyển hóa khác hẳn. Không khí trong báo giới nhà nước được một số nhà báo mô tả là nơm nớp lo âu, không biết khi nào đến lượt mình bị “trảm.” Một nhà báo than thở: “Tai quái là trước đây còn có thông báo tuần của Ban Tuyên Giáo Trung Ương ghi rõ không cho đăng chuyện này chuyện nọ, còn lúc này họ khôn hơn, không ra thông báo bằng văn bản nữa mà chỉ hãn hữu mới nhắn tin, còn lại gọi điện trực tiếp cho các tổng biên tập. Có những việc báo chí không biết có được đăng hay không và nếu đăng thì phải đăng như thế nào, nhưng đến khi đăng thì đám tuyên giáo lập tức kiếm chuyện.”
Tương lai của báo chí nhà nước cũng bởi thế đang trở nên mù mịt, ít ra trong ngắn hạn. Cũng có người tự an ủi: “Thôi cứ để cho Trương Minh Tuấn làm mạnh một thời gian, rồi khi ông ấy vào được Bộ Chính Trị thì chắc sẽ mềm hơn.” Nhưng nói vậy cũng như không, chẳng nhà báo nào có thể đoan chắc là sau khi trở thành trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, một người ngùn ngụt tham vọng chính trị như ông Tuấn có chịu nới tay kiếm hay không.
Khi ông cùng một lúc đã kỷ luật đến 50 tờ báo nhà nước liên quan đến vụ “truyền thông bẩn” đăng tin về nước mắm truyền thống có chứa chất arsen và làm người sản xuất Việt Nam khốn đốn, ông được dư luận đồng tình và cổ vũ. Nhưng không dừng ở đó, ông Tuấn còn muốn làm hơn thế: Vụ “chém” nhà báo Phùng Hiệu là một cách để ra oai và ra tay trấn dẹp những tư tưởng chính trị trái với ý đảng.
Giờ thì đừng có mà mơ màng đến “bất đồng quan điểm.” Thậm chí ngay cả thể hiện một chút chính kiến với một chút khí chất phản biện, không phải trên mặt báo nhà nước mà chỉ trên facebook, các nhà báo nhà nước cũng bị dập thẳng tay.
Ngày cuối năm gặp nhau, vài nhà báo quốc doanh có chút tên tuổi phản biện chép miệng: Ngán đến tận cổ rồi! Nguyên năm 2015 đã chẳng há miệng được. 2016 mới ngáp ngáp đã bị chẹn họng. Còn nhìn tới năm 2017, tất cả cứ như úp sọt. Cứ cái đà này thì có lẽ đến phải tự khâu miệng rồi bỏ nghề.

Không tự chuyển hóa là phản bội dân tộc

Ngô Nhân Dụng 
Theo Người Việt -24-12-2016
Cái đảng Cộng Sản chắc phải “đốn” lắm rồi. Hết hội nghị này tới hội nghị khác hô hào chỉnh đốn đảng, rồi lại hô to hơn, phải tăng cường chỉnh đốn đảng. Ông Nguyễn Phú Trọng lại mới họp một hội nghị cán bộ toàn quốc dạy dỗ cán bộ về tăng cường chỉnh đốn đảng!
Đốn là đứa nào mà phải chỉnh đi chỉnh lại hoài như vậy? Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, giải thích chữ chỉnh đốn: “sự gì, cái gì đã tán loạn lâu rồi mà lại sửa sang lại cho được như cũ gọi là chỉnh đốn.” Nguyễn Phú Trọng đang lo chỉnh đốn đảng bởi vì cái đảng của ông ta “đã tán loạn lâu rồi!” Và ông muốn sửa sang nó “cho được như cũ.”
Cảnh toán loạn trong đảng Cộng Sản Việt Nam đã diễn ra từ mấy chục năm nay rồi nhưng đến đời Nguyễn Phú Trọng đã bùng nổ mạnh. Nguyễn An Dân đã mô tả cảnh tán loạn qua mấy chữ: Đảng bắn nhau; đảng bắn dân; dân bắn lại đảng!
Một vụ dân bắn lại đảng xẩy ra năm 2013, một “dân oan” là Đặng Ngọc Viết mặc quần áo nghiêm chỉnh, tay sách chiếc cặp đen thong dong vào trụ sở hành chánh thị xã Thái Bình bắn chết bốn cán bộ Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất Thành Phố: Vũ Ngọc Dũng, phó giám đốc trung tâm; và Bùi Đức Xuân, Vũ Công Cương và Nguyễn Thanh Dương. Giết người xong Đặng Ngọc Viết ra về, đến chiều tới cổng chùa Dục Dương bên cạnh nhà tự sát. Các nạn nhân là những người đang thi hành “dự án mở đường” qua khu vực đất nhà anh Viết, và gia đình anh không được bồi thường xứng đáng.
Vụ đảng bắn nhau diễn ra tại Yên Bái năm nay. Đỗ Cường Minh, trưởng Chi Cục Kiểm Lâm Yên Bái, vào trụ sở thành phố bắn chết hai quan đầu tỉnh, Bí Thư Tỉnh ?y Phạm Duy Cường và Chủ Tịch Tỉnh Kiêm Trưởng Ban Tổ Chức Ngô Ngọc Tuấn. Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bay lên ngay coi xác rồi hứa điều tra. Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình gửi công văn chỉ đạo cơ quan công an khởi tố, điều tra, xác định nguyên nhân vụ. Bốn tháng hơn rồi, không còn nghe nói gì nữa.
Cảnh toán loạn gần đây nhất là vào Tháng Chín, 2016 với những cuộc tháo chạy của những Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng, tất cả đều liên can tới các công ty dầu khí, những cái ổ chứa đầy tiền; Thanh còn từng giữ chức phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Cả ba người này đều đang bị nghi ngờ tham nhũng, bị điều tra hoặc bị truy tố, nhưng đều bình yên cao chạy xa bay! Tán loạn bên trong và bên ngoài đảng! Nguyễn Phú Trọng đang cầm đầu đảng, mà đảng thì được hiến pháp xác định toàn quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội” không làm được gì cả, chỉ còn sử dụng món “võ mồm!”
Nguyễn Phú Trọng đến nói chuyện với các cử tri của mình tại Đông Anh, Hà Nội, quê hương của cả ông Trọng và Trịnh Xuân Thanh. Ông dõng dạc tuyên bố: “Đã ra lệnh truy nã quốc tế với Trịnh Xuân Thanh và đang phối hợp với các nước bắt bằng được.” Nhà báo tự do Người Buôn Gió kể chuyện trên rồi nhận xét: “Trọng bày tỏ sự cay cú, hằn học với Trịnh Xuân Thanh một cách trẻ con.” Trong lúc đó Trịnh Xuân Thanh vẫn liên lạc với bạn ở Việt Nam, còn kể chuyện mình đang ở nước Đức như thế nào để đưa lên mạng, chẳng thấy lệnh truy nã quốc tế nào hết! Người Buôn Gió kết luận rằng Trọng chỉ “phát biểu mị dân cho mình đỡ nhục vì không làm gì được Trịnh Xuân Thanh cả!”
Nhà báo Huy Dức cho rằng bản danh sách những người trong ngành Dầu Khí “có khả năng chạy trốn” lên tới 192 nhân vật!” Quả thật là tán loạn! Trọng “loay hoay với những kẻ đã cao chạy xa bay” không bắt được, bèn quay ra ra lệnh cách chức mấy quan chức đã nghỉ hưu rồi, không còn chức nào để cách nữa!
Một đảng viên là Giáo Sư Trần Đình Sử, được tiếng là thận trọng, cũng phải buông lời phê phán: “chế độ ta đạt đến sự thối nát nhất trong các chế độ đã có và hiện có… Thật khủng khiếp!”
Bất lực trước những cảnh tán loạn đó, Nguyễn Phú Trọng quay ra “Chỉnh đốn đảng!” Trọng đã từng hô hào chống tham nhũng để chỉnh đốn đảng. Ông Nguyễn Đăng Quang, cựu đại tá công an hiện nghỉ hưu ở Hà Nội nhận xét: “lãnh đạo đảng càng hô hào chống tham nhũng, càng ra nhiều nghị quyết, chỉ thị chống tham nhũng, thì tham nhũng này lại càng khỏe ra càng mạnh lên!” Và ông kết luận: “đánh tham nhũng chống tham nhũng chẳng qua chỉ là đánh trận giả, bắn chỉ thiên là chính thôi!” Cần giải thích cho các bạn trẻ hiểu nghĩa, bắn chỉ thiên tức là đưa nòng súng ngược lên trời, đạn bắn bay lên trời chứ không trúng ai cả!
Chỉ có thể chống tham nhũng bằng cách bắn chỉ thiên bởi vì chính các quan cộng sản cũng công nhận rằng “đánh tham nhũng tức là ta lại đánh ta!” Hình ảnh bắn chỉ thiên giải thích được tại sao những người bị nghi tham nhũng như quý ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng đều thoải mái biến đi không để lại dấu vết!
Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn được đàn em tôn xưng là giáo sư. Sau khi bắn chỉ thiên chống tham nhũng, giáo sư Trọng đã quay ra bắn tiếp vào “Tình trang suy thoái” của đảng, nhắm thẳng vào hai mục tiêu: “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa.” Ông cảnh báo các cán bộ, đảng viên rằng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn chưa được ngăn chặn. đẩy lùi.” Đáng lo hơn là chúng “còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.” Việc chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một “cuộc chiến đầy cam go,” nhưng, ông nói, “không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và chế độ.”
Điều ông Trọng nhấn mạnh là hai hiện tượng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” nguy hiểm cho “vận mệnh của Đảng và chế độ” chứ ông không nói gì tới vận mệnh nước Việt Nam cả. Vận mệnh nước Việt Nam hiện nay là cá chết, biển chết, dân đói, trẻ em thất học, quân giặc xâm lăng đã chiếm biển, chiếm đảo, xây phi trường và căn cứ quân sự đe dọa hai ngàn cây số bờ biển. Nhưng tất cả những tai họa đó không đáng lo bằng sự kiện các đảng viên “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa;” cho nên ông Nguyễn Phú Trọng chẳng cần quan tâm!
Ông Trọng không quan tâm là phải, bởi vì chính những người đảng viên cộng sản tỉnh ngộ khi nhìn ra những sai lầm hại dân hại nước, chính họ đã tự chuyển hóa để đòi thay đổi. Những người đang “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” bây giờ chỉ noi theo các đàn anh đi trước, từ Hoàng Minh Chính, Trần Độ tới Tống Văn Công, đặt vận mệnh dân tộc lên trên vận mệnh đảng và chế độ! Họ không chấp nhận tiếp tục nhắm mắt, cúi đầu theo đảng cho nên họ mới lên tiếng đòi cho người dân Việt được sống tự do dân chủ, đòi phải cứng rắn đương đầu với kẻ thù xâm lăng cướp nước.
Những người tỉnh ngộ sớm nhìn thấy tai họa của đất nước, không phải chỉ là những tai họa vật chất như đất đai, rừng, biển và tài nguyên thiên nhiên. Tại họa lớn nhất là một dân tộc sống không có phương hướng. Họ phải tự chuyển hóa để nhìn rõ vấn đề đó. Kỹ thuật truyền thông hiện đại đã giúp nhiều người trao đổi với nhau dù không gặp mặt. Các thông tin và ý kiến truyền từ người này qua người khác, tạo ra những cộng đồng chính trị ảo trong đó các công dân tự ý thức mình có quyền đòi thay đổi. Mọi người trong cộng đồng này biết rằng kỹ thuật thông tin mới sẽ khiến cho các chính quyền, ở bất cứ nước nào, khó nói dối trá, khó ăn cắp của công, và khó giết người, như những cảnh ai bị gọi tới đồn công an một, hai ngày là chết!
Bất cứ người Việt Nam, một đảng viên cộng sản tỉnh táo nào, cũng phải thấy nếu không thay đổi thì quê hương sẽ tiếp tục chìm đắm trong cảnh nghèo thua kém các nước chung quanh, và chủ quyền đất nước mất dần vào tay ngoại bang. Các đảng viên không tự chuyển hóa phải thấy chính mình đang phản bội dân tộc! Một “chế độ thối nát nhất trong các chế độ đã có và hiện có” ở nước Việt Nam và trên mặt trái đất, nếu nó còn tiếp tục cầm quyền thì sẽ đưa đất nước về đâu?
Nhờ phương tiện thông tin mới, những người đã mất niềm tin vào dân tộc, mất niềm tin vào khả năng xây dựng lại quê hương bây giờ đang nuôi lại niềm tin, họ sẵn sàng đứng lên tự mình làm công việc thay đổi. Niềm tin đó có thể lan truyền trong giới thanh niên, giới trí thức, kể cả các đảng viên cộng sản. Nhờ thế, chính các đảng viên cũng sẽ muốn thay đổi. Làm sao họ có thể tiếp tục cúi đầu theo giáo sư Trọng “tiến lên chủ nghĩa xã hội” trong khi chính giáo sư từng nói rằng “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa!”
Đó là mối đe dọa trên vận mạng của đảng Cộng Sản mà ông Nguyễn Phú Trọng muốn chỉnh đốn. Nhưng ông không thể nào bịt mắt, bịt tai tất cả các đảng viên để mình ông độc thoại mãi mãi!

Người vô gia cư ở Sài Gòn

Thông tín viên Việt Nam 
Theo RFA-2016-12-24 
Một người vô gia cư ở Việt Nam chụp hôm 8/2/2016.
Một người vô gia cư ở Việt Nam chụp hôm 8/2/2016.  AFP photo
Có những người không may hằng đêm phải lấy vỉa hè làm chỗ ngả lưng, khi mà nhiều người khác được yên giấc cùng người thân trong mái nhà ấm cúng của họ.
Cảnh nhộn nhịp của Sài Gòn về khuya không còn đông vui như lúc đêm vừa xuống; đâu đó vẫn còn những hàng quán chưa đóng cửa vì thực khách chưa ra về. Trong khung cảnh đó còn đó những người vô gia cư bên vỉa hè.
Một số đang nhặt rác, một vài người thì vắt chân ngủ trên ‘cần câu cơm’ của mình.
Cũng có nhiều người đang nằm ngay trên vỉa hề và không biết họ đang ngủ hay trằn trọc… nhưng chúng tôi không dám làm phiền.
Dạo qua các con phố để tìm gặp những người vô gia cư và nghe đôi lời  tâm sự ngắn ngủi của họ để cảm thông được chút nào phận đời không may của họ.
Một cụ bà, ngồi một mình trong con hẻm nhỏ. Bà là người Quảng Châu, nói giọng lớ lớ hơi khó nghe.  Bà ngồi đây chỉ với mục đích duy nhất là mong đợi người làm từ thiện cho miếng ăn, cho chút quà. Mắt của bà đã hỏng, đi xin ăn cũng khó, nên chỉ còn biết ngồi đây.
“Để người ta giúp đỡ…để người ta thấy người ta giúp đỡ. Mình có thấy đường đâu mà xin người ta."
Ông Hùng, một người không nhà mà chúng tôi tình cờ ngang qua, thấy ông đang ngủ bên vỉa hè một con phố nhỏ.
Chân phải của ông đã bị mất trong một vụ tai nạn từ thời thanh niên. Bây giờ, muốn xin một công việc thật khó khăn. Ông chỉ còn cách đi bán vé số dạo hàng ngày.
“Đi khắp hết cả quận huyện thành phố này đi hơn nửa tháng trời xin việc, không ai nhận mình hết. Không lẽ mình đi xin ăn…ban ngày bán vé số, buổi tối kiếm những phần quà của người từ thiện cho, mình dùng thôi.”
Không nhà, không cửa vậy những người vô gia cư khi cần phải giải quyết các nhu cầu vệ sinh cá nhân thì đến đâu? Một người cho biết phải kiếm đến những chỗ công cộng hoặc những nơi nào miễn phí.
Chú chỉ mong bề trên cho chú một giấc ngủ đi luôn, chứ sống như vậy mình cũng khổ quá trời rồi.
- người vô gia cư
“3 tháng 2 có cái trạm xăng á, có cái vệ sinh công cộng á, khỏi tiền. Vô đó tắm rửa…giặt xong kiếm chỗ nào vắng không có ai mình phơi ở đó vậy thôi đơn giản”
Những người lấy vỉa hè làm nơi ngả lưng khi đêm về có được hoàn toàn tự do muốn nằm đâu thì nằm hay không? Trong thực tế cơ quan chức năng có qui định về an ninh- trật tự nên lâu lâu lực lượng thi hành công vụ cũng tiến hành chiến dịch truy quét người vô gia cư.
“Ngủ bên đó mát lắm, mà chú sợ công an nó đuổi nên chú qua đây chú ngủ, qua đây chú ngủ đuổi thì chạy qua chạy lại…nhiều đêm ngồi trắng đêm mưa dầm mưa dũ đâu có chỗ ngủ, tạt ướt hết…”
Bên cạnh đó là tình trạng bị mất trộm số đồ dùng thiết yếu ít ỏi của bản thân.
“Có những đoàn từ thiện cho đồ mình mà mình ngủ quên nó lấy hết à. Đêm đó có một phái đoàn, một cô một cậu trẻ lại cho chú 180 ngàn với một cái mền bự. Cô cậu đó vừa đi chút xíu nó lại nó lấy hết. Chú tiếc cái mền mới giựt, chú tiếc cái mền quá…trời, nó quýnh chú không thể tưởng tượng nổi. Mà biết bao người xe chạy tới chạy lui không ai can. Quýnh 4 ngày sau chú không đi bán nổi luôn.”
Ông bày tỏ một ước mơ:
“Chú chỉ mong bề trên cho chú một giấc ngủ đi luôn, chứ sống như vậy mình cũng khổ quá trời rồi.”
Đối với số vô gia cư thường xuyên thì những dịp lễ tôn giáo như Giáng Sinh của người theo Thiên Chúa Giáo, có một số đoàn thiện nguyện cho họ chút quà cáp nên cùng mong ngóng:
“Lúc nào cũng mong chờ mấy ngày đó sẽ Giáng Sinh, anh em bà con đạo Chúa á, đi phát quà này nọ.  Nhưng mà không phải ngày đó, ngày thường cũng có…! Điều ước của chú mong sao đi làm được chứng minh. Vậy thôi, do cái cuộc sống tương lai do mình tạo nên…”
Chăm lo cho người dân là khẩu hiệu được chính phủ luôn tuyên truyền. Ngoại trừ một số đối tượng lợi dụng thời gian về đêm để ra tay thực hiện những hành vi mờ ám, kiếm tiền phi pháp… những người dân chân chính vì hoàn cảnh gia đình trở nên cơ nhỡ luôn mong nhận được hỗ trợ từ các chương trình phúc lợi xã hội của chính phủ và các tổ chức nhân đạo khác để có được cuộc sống ổn định không phải lang thang vất vả trên các nẻo đường phố thị.

Giáo hội Tin lành Lutheran không được tổ chức Giáng Sinh

Thanh Trúc, RFA 2016-12-25  
Mục sư Nguyễn Công Chính tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai hôm 26/3/2012
 Mục sư Nguyễn Công Chính tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai hôm 26/3/2012 Courtesy of baomoi.com
Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam Hoa Kỳ, được biết đến qua Mục sư Nguyễn Công Chính với bản án 11 năm tù giam, sẽ không được phép tổ chức lễ Giáng Sinh năm nay.
Hôm 22/12, một thầy truyền  đạo người dân tộc trong giáo hội này bị đánh vì phản đối lệnh triệu tập cũng như lệnh cấm tổ chức lễ Giáng Sinh.

Công an trao khảo, cấm tổ chức Giáng Sinh

Người báo tin này là vợ Mục sư Nguyễn Công Chính, cũng từng bị công an sách nhiễu đánh đập trước  đây:
“Tôi là Trần Thị Hồng, vợ của Mục sư Tin Lành Nguyễn Công Chính. Từ ngày 15/12 cho đến ngày hôm nay những anh em đồng đạo trong Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam Hoa Kỳ chúng tôi, đặc biệt một số anh em ở tình Đak Lak, thì ngày nào cũng bị công an tỉnh Dak Lak bắt lên khảo tra và cấm anh em chúng tôi không được thờ phượng, không được tổ chức lễ Giáng Sinh trong mùa lễ này.
Anh em không đồng ý thì công an tỉnh Dak Lak dùng vũ lực đánh đập anh em, đó là tin tôi mới được báo lại. Khi họ đưa giấy mời thì chúng tôi vẫn có giấy mời và ngày giờ đàng hoàng, nhưng khi lên trên đó làm việc thì họ cấm anh em bằng miệng thôi, họ không có văn bản rõ ràng.”
Thanh Trúc: Xin bà cho biết rõ hơn về trường hợp một thầy truyền đạo ở Dak Lak bị công an đánh hôm 22/12 vừa qua?
Bà Trần Thị Hồng: Công an tỉnh Dak Lak bắt thầy truyền đạo Y Khen và đánh đập thầy rất dã man. Thầy Y Khen B’đáp là người dân tộc Ê-đê. Y Khen B’Đáp và Y Ven là hai thầy ở Dak Lak, nhưng người bị đánh ở đây là thầy Y Khen.
1506075-622.jpg
Bà Trần Thị Hồng vợ của mục sư Nguyễn Công Chính, ảnh minh họa chụp trước đây. File photo
Chúng tôi có hình ảnh 2 thầy và có giấy triệu tập của công an địa phương ở tỉnh Dak Lak. Khi mà họ đưa giấy mời thì anh em không đồng ý, họ dùng lực lượng công an xuống để áp tải anh em đi.
Đây là những thầy đã từng bị bắt và kêu án, đã từng nhiều năm ở trong tù rồi, nay họ được về và đang tiếp tục bị đàn áp. Chúng tôi có đủ bằng chứng để chứng minh sự đàn áp về mặt tôn giáo ở tại Daklak.
Thanh Trúc: Theo bà thì trong tình hình như vậy, Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam Hoa Kỳ có dám tổ chức thánh  lễ, có hội họp để cầu nguyện không?
Bà Trần Thị Hồng: Chúng tôi đã từng ra đến chính phủ để mà đăng ký về tư cách pháp nhân rồi nhưng chính phủ nói đợi thời gian xem xét, cuối cùng thì bị công an địa phương đàn áp.
Cho nên khi đến  mùa lễ Giáng Sinh thì chúng tôi chỉ thờ phượng một cách âm thầm, chứ còn đến đăng ký thì họ không bao giờ cho phép đâu.

Sức khỏe Mục sư Nguyễn Công Chính trong tù

Thanh Trúc: Nhân đây xin được hỏi thêm là hôm 11/12 vừa qua bà cho biết tin mục sư Nguyễn Công Chính bị dời từ trại giam An Phước ở Bình Dương về Xuân Lộc ở Đồng Nai. Ngày 13/12 bà đi thăm nuôi và được gặp mặt ông, bà thấy sức khỏe của mục sư Chính như thế nào?
Bà Trần Thị Hồng: Tình trạng sức khỏe của ông rất kém bởi vì hiện ông đang bị cách ly tức  biệt giam, kèm theo đó bịnh huyết áp của ông cũng nặng rồi bịnh viêm xoan mũi cấp tính nữa.
Ông không được điều trị, thuốc men tôi đem vô thỉ họ cũng trả về họ không cho ông dùng. Kinh Thánh, Thánh ca tôi đem vô họ cũng trả về.
Thanh Trúc: Thưa bà Trần Thị Hồng, hiện tại bản thân bà còn bị trở ngại gì không?
Bà Trần Thị Hồng: Từ ngày 13 tôi đi thăm nuôi trở về là tôi bị công an tỉnh Gia Lai bố rắp, canh giữ mẹ con tôi ngày đêm. Họ không có đánh đập tôi như vào tháng  Tư năm 2016 , tuy vậy họ canh giữ tôi ngày đêm.
Khi tôi đưa con đi học thì họ cũng áp tải đi, khi tôi về họ cũng áp tải về, coi tôi giống như một phạm nhân vậy đó. Nhà tôi họ canh giữ ngày đêm, tối đến thì họ canh gác phía ngoài phía trong.
Họ biến ngôi nhà của mẹ con tôi không khác gì nhà tù cả, không cho tôi ra khỏi địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo qui định của trại giam Long Khánh, Đồng Nai một tháng họ cho thăm nuôi một lần. Nếu đi thăm nuôi thì tôi phải xuống Sài Gòn, từ Sài Gòn xuống Đồng Nai, từ Đồng Nai đi tiếp tới Long Khánh rồi từ Long Khánh lại đi vô tiếp tới trại giam.
Một đoạn đường rất xa xôi, rất khó khăn, đó là một trong những điều tôi thấy lo lắng.
***
Trên đây là một số thông tin mới nhất về trường hợp của Mục sư Nguyễn Công Chính và Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam Hoa Kỳ mà ông là một trong những người truyền đạo.
Mục sư Nguyễn Công Chính bị bắt ngày 28/04/2011, với cáo buộc “âm mưu chống phá nhà nước Việt Nam”, vi phạm Điều 87 Bộ Luật Hình. Phán quyết 11 năm tù giam mà tòa sơ thẩm tuyên buộc đối với mục sư Nguyễn Công Chính được tòa phúc thẩm sau đó giữ y án.
Không chỉ mục sư Nguyễn Công Chính bị đối xử hà khắc trong tù, vợ ông là bà Trần Thị Hồng cùng 4 con nhỏ thường xuyên bị công an chận đường đe dọa, thậm chí mạnh tay hành hung bà.