Thursday, December 13, 2018

Mặt trận gián điệp kỹ thuật Mỹ-Trung Cộng

“…Trên mặt trận này, Trung Cộng đang chạy đuổi theo Mỹ và các nước đồng minh. Số tiền Trung Quốc hiện đang chi ra để nhập cảng chip cao hơn số nhập cảng dầu lửa…”
huawei01
Năm 2018, Huawei vượt qua Apple khi sản xuất nhiều điện thoại di động “tinh khôn” hàng thứ nhì,
chỉ thua Samsung của Nam Hàn. (Hình: Greg Baker/AFP/Getty Images)
Câu chuyện bà giám đốc tài chánh, phó chủ tịch công ty Huawei, bị Canada bắt giam trong khi ghé ngang phi trường Vancouver, nghe như chuyện gián điệp. Mà đó là một chuyện gián điệp thật!
Các cơ quan tình báo Tây phương từ lâu vẫn theo dõi các hoạt động thu lượm tin tức, ăn cắp kỹ thuật cũng như gài “chíp điện tử nghe trộm” vào các dụng cụ thông tin của hãng Huawei. Họ cũng đã thử dùng đòn “gậy ông đập lưng ông” như trong vụ “Concordski” hồi xưa. Nghĩa là cố ý chuyển cho các “điệp viên” của Huawei những thông tin sai lạc, chờ coi họ đem về sử dụng rồi mang họa thế nào. Có lẽ kế hoạch này đã chưa có hiệu lực cụ thể, trong khi Huawei vẫn tiến lên rất mạnh; cho nên các nước từ Mỹ đến Australia, Canada, Nhật Bản đã phải bước qua chiến thuật tấn công trực diện: Không mua, không dùng hàng của Huawei. Và truy tố những hành động phạm pháp.
Vụ “Concordski” diễn ra hồi thập niên 1960-70. Lúc đó các nước Tây Âu đang thiết kế loại máy bay “siêu phản lực” Concorde. Liên Xô cho gián điệp đi tìm hiểu để đem về, bắt chước. Mấy tay KGB lân la mua chuộc một kỹ sư hàng không Anh Quốc đang tham dự vào công trình nghiên cứu Concorde. Người này tố giác với chính phủ Anh. Cơ quan MI6 bảo anh ta cứ “bán tin mật” cho KGB, nhưng đưa cho họ những dữ liệu không chính xác. Liên Xô cũng chế tạo một máy bay siêu phản lực, nhưng khi biểu diễn trong cuộc hội chợ hàng không năm 1973 ở Paris thì máy bay Nga rớt. Sau khi chiếc thứ hai đem thí nghiệm cũng rớt thì Nga bỏ luôn không làm nữa.
Bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou, 孟晚舟) bị bắt khi đia ngang phi trường Vancouver; chỉ để đổi máy bay trên đường từ Hồng Kông qua Mexico. Bà Chu không đổi máy bay ở Los Angeles hay San Francisco, có lẽ cũng vì chính quyền Trung Cộng biết Bộ Tư Pháp Mỹ đang sẵn sàng thi hành lệnh bắt giam bà, sau một năm theo dõi. Cảnh sát Canada được Mỹ thông báo đường đi nước bước của bà Chu, đã ra tay đúng vào ngày ông Donald Trump gặp ông Tập Cận Bình ở Buenos Aires, Argentina.
Bộ Tư Pháp Mỹ cho Canada biết “Trong 11 năm qua bà Meng Wanzhou đã được Trung Quốc và Hồng Kông cấp hộ chiếu bảy lần.” FBI cung cấp cả số mã của từng tấm giấy thông hành đó, để chứng tỏ người đàn bà 46 tuổi này có thể bỏ trốn dễ dàng. Quan tòa Canada lấy lý do này, không cho bà giám đốc tài chánh của Huawei được tại ngoại hậu tra. Chưa chắc Mỹ và Canada đã lo bà Chu chạy trốn, vì nếu bà ta trốn thì các nước Âu Mỹ càng có lý do để đánh Huawei những đòn nặng nề hơn.
Cảnh sát Canada xác nhận bà Mạnh Vãn Chu mang theo theo bốn hộ chiếu của Bắc Kinh và ba giấy thông hành do Hương Cảng cấp cho dân thường trú. Một người bình thường cũng có thể dùng hộ chiếu mới mà vẫn giữ các hộ chiếu cũ, vì trong đó có những chiếu khán, visa được nước khác cấp mà chưa hết hạn. Những giấy tờ trên cho thấy bà Chu đi ngoại quốc rất nhiều. Bà cũng từng làm di dân thường trú tại Canada, cho tới năm 2009, và hiện nay vẫn làm chủ hai biệt thự sang trọng ở Vancouver.
Trung Cộng giữ kín tin tức vụ bắt giam bà Chu trong bốn ngày; có lẽ vì họ hy vọng có thể điều đình với Ottawa và Washington để khỏi mất mặt. Tới lúc chính phủ Canada chính thức loan tin thì sứ quán Trung Cộng ở Ottawa mới lên tiếng phản đối Canada “vi phạm nhân quyền” của một công dân Trung Quốc! Nghe Trung Cộng hô hoán “bảo vệ nhân quyền” thì cũng tức cười như nghe Mã Giám Sinh đòi bảo vệ phẩm giá phụ nữ!
Đúng ngày bà Chu bị bắt thì Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình gặp nhau, tuyên bố tạm ngưng cuộc chiến tranh mậu dịch.
Ông Trump có thể không biết gì về vụ bắt bớ này, xảy ra trước khi ông bắt tay Tập Cận Bình. Vì một tổng thống Mỹ có thể không biết gì về những chuyện nhỏ như vậy, do cấp thừa hành trong Bộ Tài Chánh và Tư Pháp phụ trách. Năm ngoái, công ty ZTE cũng bị buộc cùng một tội như Huawei: vi phạm luật cấm vận Iran của nước Mỹ khi bán hàng hóa cho Iran trong đó có những bộ phận mua của Mỹ. Khi ZTE sắp phải đóng cửa vì bị Mỹ trừng phạt, Tập Cận Bình mới can thiệp xin Donald Trump tha, chỉ phải đóng hơn tỷ đô la tiền phạt.
Bộ Tư Pháp Mỹ không phải làm việc gì cũng xin phép Tòa Bạch Ốc. Một tay gián điệp của quân đội Trung Cộng, Từ Diên Quân (Xu Yanjun, 徐延军) đã bị chính phủ Bỉ bắt giam tại Brusselles rồi dẫn độ qua Mỹ, đang bị thẩm vấn ở Cleveland, Ohio. Một cựu viên chức Hương Cảng, Hà Chí Bình (Patrick Ho Chi-ping, 何志平) đã bị bắt tại phi trường JFK, New York, hiện còn đang bị giam ở Manhattan, vì những tội gian lận và hối lộ các chính quyền Phi Châu cho một công ty Trung Quốc làm ăn.
Nhưng vụ bắt giam bà Mạnh Vãn Chu chắc hẳn Tập Cận Bình phải được thông báo ngay trong ngày hôm đó. Vì Huawei đóng một vai trò quan trọng, đưa Trung Quốc lên hàng một cường quốc kỹ thuật, theo chương trình Made In China 2025 mà ông Tập đưa ra.
Huawei (Hoa Vi, 华为) thoát thai từ một bộ phận khoa học, kỹ thuật trong quân đội Trung Cộng. Nhậm Chính Phi, nguyên phó vụ trưởng vụ quân cụ, đã thành lập công ty này ở Thẩm Quyến năm 1987. Họ bắt đầu mua các dụng cụ viễn thông của Âu Mỹ về, tháo gỡ ra để nghiên cứu rồi bắt chước chế tạo, với giá rẻ hơn nhiều. Chính công ty Huawei, Hoa Vi, nghĩa là do người Hoa làm, thiết lập hệ thống viễn thông đầu tiên cho cả quân đội Trung Cộng. Từ đó, Huawei đã trở thành một đòn bẩy nâng cao trình độ kinh tế Trung Quốc, từ những thứ công việc rẻ tiền làm bằng tay chân tiến tới những thứ máy móc tự động chạy bằng chip điện tử. Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei, 任正非) là cha đẻ của bà Mạnh Vãn Chu, bà đã chọn theo họ Mạnh của mẹ sau khi họ li dị.
Huawei cũng là mũi tấn công của Trung Cộng trên hoàn cầu. Họ đang hoạt động trên hơn 170 quốc gia và lãnh thổ, điều khiển 45 trong số 50 hệ thống viễn thông lớn nhất thế giới. Năm 2012, Huawei qua mặt Ericsson, trở thành công ty sản xuất dụng cụ viễn thông lớn nhất hoàn cầu. Trong năm qua Huawei đã ký hợp đồng nâng cấp hệ thống điện thoại viễn thông của 22 nước lên thế hệ thứ 5 (5G), 14 nước ở Châu Âu, năm nước ở Trung Đông, và ba nước Châu Á.
Năm 2018, Huawei vượt qua Apple khi sản xuất nhiều điện thoại di động “tinh khôn” hàng thứ nhì, chỉ thua Samsung của Nam Hàn. Trong năm 2017, Huawei chiếm 13% thị trường dụng cụ viễn thông của nước Nhật, trong khi hai công ty bản xứ NEC và Fujitsu, mỗi nhà cũng chỉ chiếm được 18%. Huawei cũng tràn ngập thị trường Nhật với các máy điện thoại di động và tablet, cạnh tranh với Apple và Samsung.
Ngày 10 Tháng Mười Hai vừa qua, chính phủ Nhật đã chính thức cấm không cho hai công ty Trung Cộng Huawei và ZTE dự thầu cung cấp những bộ phận để thiết lập hệ thống thông tin “Thế hệ thứ 5” (G-5) trong nước Nhật. Các nước Mỹ, Australia và New Zealand đã ban hành những lệnh cấm tương tự với hai công ty này. Đầu Tháng Mười Hai vừa qua, công ty Huawei phải ký kết chấp nhận những điều kiện do cơ quan phản gián Anh Quốc MI6 bắt phải theo, sau khi MI6 tỏ ý nghi ngờ về mặt an ninh.
Nhưng đằng sau sức mạnh kinh tế của Huawei, vẫn còn một lỗ hổng lớn. Công ty Trung Cộng này vẫn phải mua các bộ phận, đặc biệt là các chíp điện tử, từ các nước tiên tiến. Trong số 92 nhà cung cấp bộ phận cho Huawei, có 33 công ty Mỹ, trong đó có những nhà sản xuất chip tên tuổi như Intel, Qualcomm, Broadcom, Marvell và Micron.
Đầu năm nay, công ty ZTE của Trung Cộng đã chính phủ Mỹ bị trừng phạt, cũng vì đã bán dụng cụ viễn thông cho Iran, trong đó có những chip do các công ty Mỹ bán cho; vi phạm lệnh cấm vận Iran của Mỹ. Khi chính phủ Mỹ ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán bộ phận cho ZTE, công ty khổng lồ sản xuất điện thoại di động của nước Tàu bị đe dọa sẽ phải đóng cửa vì không có đồ ráp vô máy. Huawei cũng đang bị tố giác phạm cùng một tội đó.
ZTE đã được Tổng Thống Trump “tha tội,” chỉ bị phạt tiền. Nhưng trong tháng qua, hãng tin Reuters cho biết ZTE lại vi phạm lệnh cấm vận Venezuela khi bán cho chính quyền độc tài xứ này một hệ thống tàng trữ dữ liệu (database) để dò xét dân chúng, mà ZTE đã dùng các bộ phận mua của Dell Technologies.
Việc theo dõi các hoạt động thương mại của Huawei đã diễn ra trong nhiều năm trời, không có gì mới. Năm 2012, Hạ Viện Mỹ đã điều tra Huawei, và tố cáo công ty này bán đồ của Mỹ cho Iran. Năm 2013, một công ty con của Huawei là Skycom Tech đã bán những dụng cụ mua của  Hewlett Packard cho Iran. Công ty của Iran đứng ra mua lại nằm trong tay lực lượng “Vệ binh Cách mạng” của Iran, một thế lực tham dự vào việc chế tạo bom nguyên tử của Iran.
Bà Mạnh Vãn Chu đã nhiều lần chối bỏ, không công nhận công ty Skycom có họ hàng gì với Huawei; và điều đó khiến cho bà bị Bộ Tư Pháp Mỹ coi là đồng lõa trong việc vi phạm lệnh cấm vận Iran của Mỹ. Nhưng việc bán đồ cho “Vệ binh Cách mạng” của Iran, Huawei đã vi phạm cả lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Và như vậy, chính phủ Canada có thêm một lý do để bắt giữ Mạnh Vãn Chu!
Các nước Tây phương không “ngủ quên” trong khi gián điệp Trung Cộng hoạt động, như người ngoài tưởng lầm. Năm 2015, chính quyền Barack Obama đã cấm công ty Intel không được bán những loại “chip” mới nhất cho các công ty Trung Quốc. Năm 2016, Obama đã ngăn không cho một công ty sản xuất chip của Đức được bán cho Trung Cộng. Trước khi rời Tòa Bạch Ốc, ông Obama đã ra lệnh làm hồ sơ khởi tố ZTE trong năm 2018.
Bởi vì mặt trận kinh tế hiện tại và tương lai không nằm ở những khu công nghiệp cổ truyền mà tập trung vào những con chíp bằng silicon. Mặt trận quân sự cũng vậy. Những chiếc xe hơi bây giờ không dùng chip không chạy được. Các ngân hàng chuyển hàng tỉ đồng qua các nước cũng nhờ chip. Quân đội được điều động qua những con chip. Công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc còn thua xa các nước thân Mỹ, như Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản.
Trên mặt trận này, Trung Cộng đang chạy đuổi theo Mỹ và các nước đồng minh. Số tiền Trung Quốc hiện đang chi ra để nhập cảng chip cao hơn số nhập cảng dầu lửa. Nhưng trong số 15 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, không có một công ty nào của Trung Cộng! Và bây giờ Trung Cộng muốn đuổi theo, bằng phương pháp bắt chước như 30 năm trước, cũng rất khó. Vì các vấn đề kỹ thuật không giản dị, dễ bắt chước, như khi làm những cái máy điện thoại di động.
Kỹ thuật mới lại được tập trung trong những công ty mạnh nhất. Năm 2001, có 29 công ty lớn trên thế giới có khả năng nghiên cứu và chế tạo các thứ chip mới nhất. Hiện nay chỉ còn năm công ty. Nắm trong tay các kỹ thuật tân tiến nhất, Mỹ và các đồng minh của Mỹ vẫn làm chủ trên mặt trận này. Việc tấn công vào những ZTE và Huawei chỉ nhằm ngăn chặn các hành động đánh cắp kỹ thuật, một hậu quả là giảm tốc độ của Trung Cộng trong cuộc chạy đua kinh tế và kỹ thuật trong thế kỷ 21.
Sau khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt, chính quyền Trung Cộng đã đe dọa sẽ phản ứng mạnh mẽ. Nhưng hôm nay, cuộc đàm phán với Mỹ để ngưng chiến tranh mậu dịch lại bắt đầu. Trung Cộng hứa sẽ giảm thuế nhập cảng xe hơi Mỹ từ 40% xuống 15%. Họ cũng hứa sẽ mua thêm đậu nành. Đổi lại, Canada cho bà Mạnh Vãn Chu tại ngoại hậu tra, chờ đưa qua Mỹ.
Nhưng mặt trận kinh tế quốc tế mai sau sẽ không nằm trong nông sản và các công nghiệp cổ xưa. Trên mặt trận khí cụ điện tử, Trung Cộng sẽ còn phải chạy rất xa mới hy vọng đuổi tới sát sau chân Mỹ. 
Ngô Nhân Dụng

Bài học “Láng giềng”

“…Giống hệt vị trí của Ba Lan trước Thế chiến thứ Hai, Việt Nam hiện còn đang giữ vị trí chiến lược nhưng vì CSVN bám theo chân Tàu Cộng nên không chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia được…”
csvn_quyhang_trungcong
Các nhà lãnh đạo quốc gia phân tích tương lai của một quốc gia dựa trên các điều kiện kinh tế chính trị quân sự đang diễn ra. Tuy nhiên, như lịch sử đã chứng minh, khi quyết định, phần lớn các lãnh đạo đều nhìn về quá khứ. Lý do, quá khứ đã được chứng nghiệm giúp cho họ yên tâm và xem đó như là nguồn bảo đảm cho quyết định của mình.
Lịch sử nhân loại để lại những bài học trong quá khứ không thể bỏ qua. Ba Lan là bài học xương máu nhất. Các diễn biến chính trị, quân sự đang diễn ra tại Á Châu cho thấy Tập Cận Bình “yêu” láng giềng Việt Nam cũng giống như Hitler từng “yêu” láng giềng Ba Lan.
Trong diễn văn đọc trước Quốc Hội Đức ngày 21 tháng Năm, 1935, Hitler ca ngợi tình láng giềng giữa Đức và Ba Lan: “Chúng tôi công nhận, với sự hiểu biết và tình hữu nghị thắm thiết của những người Quốc Xã dành cho Ba Lan, quê hương của một dân tộc ý thức quốc gia. Quốc Xã Đức, và đặc biệt chính phủ Đức hiện nay, không có mong muốn nào hơn là sống trong điều kiện hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước láng giềng.”
Nội dung tương tự, Tập Cận Bình ca ngợi tình láng giềng giữa Trung Cộng và Việt Nam khi phát biểu trước cái gọi là “Quốc Hội Việt Nam” ngày 6 tháng 11, 2015: “Cổ nhân có câu" ngàn vàng chỉ để mua tình láng giềng”…Nhân dân hai nước Trung Quốc Việt Nam từ lâu đã là láng giềng, từ xưa tới nay đã có quan hệ qua lại mật thiết, gần đây còn có giao tình cùng chống giặc ngoại xâm, ngày nay có cùng chung sự nghiệp chấn hưng phồn vinh.”
Ngay cả trong lúc nói những câu ân cần dành cho láng giềng Ba Lan, Hitler đã có ý định xóa bỏ quốc gia này trong bản đồ thế giới.
Lúc 4:45 phút sáng thứ Sáu ngày 1 tháng 9, 1939, Hitler tung một đạo quân lên đến 1.5 triệu người thuộc nhiều binh chủng và áp dụng chiến thuật tấn công chớp nhoáng để tấn công Ba Lan từ cả hai hướng Bắc và Nam. Chỉ riêng lục quân đã lên đến 54 sư đoàn. Quân đội Ba Lan cũng lên đến một triệu nhưng chống cự chưa được bốn tuần lễ. Thủ đô Warsaw đầu hàng ngày 27 tháng 9, 1939. Hơn năm triệu, trong tổng số ba mươi mốt triệu dân Ba Lan bị giết trong Thế Chiến Thứ Hai.
Tại sao Hitler đánh Ba Lan trước?
Các sử gia đưa ra nhiều lý do nhưng nếu chọn một lý do, phần lớn đồng ý lý do hàng đầu là không gian sinh tồn của một Hitler đang ôm mộng đế quốc. Ba Lan, ngoài ra còn giữ vị trí chiến lược như một vùng độn (buffer state) ở phía Đông, và để tấn công Liên Sô, Đức phải tấn công Ba Lan trước.
Theo sử gia Tadeusz Piotrowski, tại Obersalzberg ngày 22 tháng 8, tức chỉ một tuần lễ trước khi tấn công Ba Lan, Hitler chỉ thị cho các tư lịnh mặt trận: “Mục đích của chiến tranh là tiêu diệt khả năng vật chất của kẻ thù. Đó là lý do tôi đã chuẩn bị, hiện nay mới chỉ từ phía Đông, các đơn vị SS với các mệnh lệnh giết không thương xót hay khoan dung tất cả đàn ông, đàn bà, và trẻ em con cháu dòng dõi Ba Lan hay nói tiếng Ba Lan. Với cách duy nhất này chúng ta mới có thể có được một không gian sinh tồn mà chúng ta cần.”
Ba Lan là quốc gia duy nhất Hitler không cần lập một chế độ bù nhìn, thay vào đó bị cai trị trực tiếp và vô cùng hà khắc dưới bàn tay của Hans Frank, một luật sư riêng của Hitler được cử sang cai trị Ba Lan. Tội phạm chiến tranh này bị treo cổ tại Nuremberg ngày 16 tháng 10, 1946. Hitler còn chủ trương đồng hóa dân tộc Ba Lan trong đó có cả việc thay đổi họ tên, ngôn ngữ, lễ nghi nhà thờ và gần như mọi phương tiện thông tin.
Tại sao Ba Lan đầu hàng chỉ trong vòng bốn tuần lễ?
Các sử gia đưa ra nhiều lý do, nhưng nếu phải chọn một, có lẽ nên chọn lý do Ba Lan không chuẩn bị chiến tranh về mọi mặt ở một mức độ như Đức Quốc Xã.
Vũ khí quá lạc hậu, trông cậy các đồng minh ở xa, quân đội trên danh nghĩa có cả triệu quân nhưng động viên chỉ mỗi một ngày trước khi các chiến xa Đức vượt biên giới dù Hilter đã nuốt sống Tiệp từ tháng Giêng, 1939.
Không cần phải phân tích dài dòng, chỉ thay Việt Nam vào Ba Lan trong bài viết sẽ thấy hiểm họa Trung Cộng đang đè nặng trên đầu dân tộc Việt.
Những kẻ độc tài thời đại nào cũng giống nhau vì đều là những con người có lòng tham quyền lực không đáy. Dưới mắt họ không có con người mà chỉ có đất đai và của cải.
Nếu Hilter chỉ muốn dừng lại ở Áo và Tiệp, có lẽ bản đồ thế giới ngày nay đã khác. Tương tự, Trung Cộng sau 40 năm bán sức lao động của bảy trăm triệu người Trung Hoa để tạo một lượng thặng dư tài sản khổng lồ để khắp nơi trên thế giới nhưng không dừng lại. Tập Cận Bình nuôi mộng bá chủ thế giới và sẽ xua đàn kiến đỏ Tàu Cộng tàn phá Việt Nam trong một ngày nào đó.
Những gì xảy ra ở Ba Lan sẽ xảy ra ở Việt Nam với một mức độ thảm khốc hơn nhiều trong tương lai.
Vậy câu hỏi đặt ra là phải làm gì?
Về mặt lý luận, người viết đã phân tích trong bài “Để thắng được Trung Cộng”, xin tóm tắt dưới đây:
1. Việt Nam phải có dân chủ.Việt Nam phải có dân chủ mới bảo vệ được đất nước. Điều đó đúng nhưng cần phải nói thêm, dân chủ không chỉ giúp bảo vệ đất nước mà còn để thắng được Trung Cộng. Ngoài ra, dân chủ phải đến sớm, đừng đợi đến khi chiến tranh Á Châu bùng nổ, máu đổ, thây phơi mới đến.
2. Vượt qua mọi bất đồng để tạo thế đoàn kết dân tộc.Một dân tộc chia rẽ không thắng được ai. Đây là thời điểm để xác định lại lòng yêu nước. Yêu nước ngày nay không phải là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay bùa mê CS mà gắn liền với với quyền lợi sống còn của đất nước và hướng đi dân chủ nhân bản của thời đại. Chỉ có một Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới thật sự tập trung được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và là nền tảng cho một quốc gia dân chủ thịnh vượng lâu dài.
3. Chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia.Giống hệt vị trí của Ba Lan trước Thế chiến thứ Hai, Việt Nam hiện còn đang giữ vị trí chiến lược nhưng vì CSVN bám theo chân Tàu Cộng nên không chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia được. Mọi chính sách đối ngoại của CSVN đều phải được Bắc Kinh chấp thuận và không được tự tiện đi ra ngoài chính sách đối ngoại toàn cầu của Trung Cộng.
4. Ba Lan có liên minh quân sự với Anh và Pháp nhưng gần như không có sự hợp tác chiến lược cụ thể nào.Ngay cả sau khi tuyên chiến với Đức, các lãnh đạo Anh và Pháp vẫn còn tin vào một giải pháp chính trị hơn là một đương đầu trực tiếp bằng quân sự. Do dự là cha đẻ của mọi thất bại. Liên minh giữa Ba Lan với Anh, Pháp là những liên minh không đáng tin cậy và quốc gia nào có những liên minh không đáng tin cậy sẽ dễ bị tấn công hơn là các quốc gia có sự liên minh tin cậy
Bốn điểm nêu trên, chọn lựa dân chủ là quan trọng nhất.
TT Harry Truman đã không mạnh dạn gởi Hàng không mẫu hạm USS Franklin D. Roosevelt và hạm đội tháp tùng hùng hậu vào Địa Trung Hải để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trong xung đột Eo Biển Thổ năm 1946 và nhất là không ủng hộ Thổ vào NATO nếu Thổ không cam kết một nền dân chủ.
Yêu nước ngày nay đồng nghĩa với yêu dân chủ và mọi người Việt dù ở đâu hãy nỗ lực cho mục đích tối cần thiết và quan trọng này.
Trần Trung Đạo

Tù nhân lương tâm ở trại Ba Sao: Tù trong tù

“…Việc hành hạ những tù nhân nói chung và TNLT nói riêng mà ở đây là trại giam Ba Sao là những việc làm độc ác, cần phải có nhiều hơn sự lên tiếng của lương tâm tất cả mọi người…”
Đấy là nhận xét của TNLT Phạm Văn Trội nói về anh và những người TNLT trong trại giam Ba Sao (Hà Nam) khi gia đình đến thăm nuôi.
Hiện nay, ở trại này đang giam giữ những TNLT mà nhiều người biết đến như Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa, Lê Thanh Tùng, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Phan Kim Khánh...
Hôm 9/12 vừa qua, Hội Bầu Bí Tương Thân đồng hành cùng hai gia đình Phạm Văn Trội và Hồ Đức Hòa đến thăm các anh. Với gia đình Hòa, chúng tôi hẹn nhau tại cổng trại, còn với gia đình Trội, chúng tôi đưa đón vợ và con anh đi thăm chồng, thăm cha. Tất nhiên chúng tôi phải ngồi ngoài cổng trại trong thời gian gia đình các anh vào thăm. Cô Nguyễn Huyền Trang vợ Phạm Văn Trội kể, khi em nói anh và các anh chị đang ngồi ngoài cổng, anh vui lắm, biết anh chị em ở ngoài không bao giờ quên những TNLT đang phải chịu đựng nhiều gian khổ trong trại giam.
Trong câu chuyện với Trang trên đường về, có thể hình dung ra việc Trội và những anh em TNLT trong trại này đang gặp phải sự đối xử khắc nghiệt. Trang nói, mỗi lần gặp, gia đình được nói chuyện khoảng 1 giờ. Câu chuyện thì nhiều lắm, em có ghi lại cho khỏi quên thì sau đó trại giam bắt hủy nên kể lại không đầy đủ đâu.
Theo lời Trang kể thì những TNLT ở trại này đều bị cô lập, không được tiếp xúc với những tù thường phạm khác vì họ sợ tinh thần của TNLT ảnh hưởng đến toàn trại. Các anh không được giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Giờ giấc lao động cưỡng bức cũng rất căng, đúng 8 giờ 1 ngày. Hàng ngày đi làm sớm nên các anh phải dậy từ rất sớm để còn tập thể dục, vệ sinh cá nhân. Công việc là làm đồ mây tre đan. Việc này tuy không vất vả nhưng rất độc hại vì nguyên liệu được ngâm tẩm chất hóa học. Nguyên liệu lại chất đầy trước buồng giam nên không chỉ lúc làm mà suốt ngày các anh hít phải hơi độc. Phòng giam ẩm thấp, bẩn thỉu và thiếu ánh sáng trầm trọng, vì nơi các anh đang ở bây giờ chính là khu biệt giam trước đây.
hoi_baubi_tuongthan
Hội Bầu bí tương thân và Quĩ 50K đồng hành với gia đình TNLT Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa.
Về sinh hoạt rất vất vả. Mùa đông trại không cho nhận chăn, quần áo rét người nhà gửi vào. Mỗi người chỉ được dùng 1 áo ấm. Đồ ăn cũng không được nhận của gia đình gửi vào mà phải mua của trại rất đắt, gấp nhiều so với giá thị trường. Đã phải mua đắt nhưng lại không ngon, chất lượng thế nào thì chịu thế.  
Anh em rất bức xúc về qui định vô lý của trại nên đã viết đơn gửi ban giám thị yêu cầu giải quyết nhưng 2 tháng tình hình vẫn thế và trại vẫn không có ý kiến gì về lá đơn ấy cả.
Trang nhận xét: “Trại này rất có kinh nghiệm quản lý TNLT anh ạ. Nó hành hạ về tinh thần là chủ yếu. Họ kiểm soát ý nghĩ con người rất gắt gao, từng ly từng tí”. Tôi hỏi sao họ kiểm soát được và kiểm soát như thế nào? Cô kể tiếp:
Khi nói chuyện với anh Trội, anh luôn bị ngắt lời khi kể về tình hình sinh hoạt trong tù như thế nào. Anh Trội tỏ thái độ phản đối rất gay gắt. Anh bảo: “Tôi sẵn sàng hủy cuộc gặp hôm nay, tôi không cần gặp gia đình nữa nếu không cho tôi nói”. Lúc ấy tay cán bộ đi kèm có nhiệm vụ canh chừng mới hạ giọng và cuộc nói chuyện mới tiếp tục.
Trang kể tiếp: “Khi nói chuyện, em có ghi chép lại những gì anh ấy nói vì em sợ không nhớ hết. Sau cuộc gặp, họ bắt em phải lên văn phòng gặp phó giám thị về việc em sử dụng giấy bút ghi chép trong khi thăm gặp, buộc em phải đưa cho họ xem nội dung ghi những gì và họ hủy trước khi em rời trại.
Em phản đối và nói không có quy định nào cấm ghi chép khi gia đình thăm gặp tù nhân, các anh làm như thế là bất chấp mọi qui định.
Thực ra giấy ấy chỉ ghi lại những gì anh Trội nói rất bình thường thôi nhưng họ làm rất gay gắt. Em ghi được nhiều nhưng chỉ nhớ được mấy ý thôi. Em nghĩ là họ sợ tất cả thông tin này bị mang ra ngoài”.
Thì ra, lý do chúng tôi chờ mẹ con Trang rất lâu, từ 9 giờ 20’ tới gần 12 giờ mới thấy mẹ con cô ra là vì thế. Như vậy, việc thông tin giữa tù nhân và gia đình phải chịu 2 lần kiểm soát, một là can thiệp ngay nếu tù nhân nói ngoài ý muốn của họ, hai là không cho người nhà ghi chép lại để những chuyện trong trại giam không lọt ra ngoài.
“Em nghĩ những người TNLT như anh Trội không chỉ là trong cảnh tù đầy đâu mà tù trong tù luôn ấy anh ạ. Cho nên về mặt tinh thần của các anh ấy rất mệt mỏi. Anh Trội muốn nhấn mạnh là các anh bị họ cô lập, không cho tiếp xúc với tù thường phạm” - Trang nói.
bia_626_linhhon_basao
Tấm bia thờ 626 tù cải tạo miền Nam chết ở Ba Sao, Hà Nam. Ảnh: RFA
Trại giam Ba Sao nằm ở một vùng núi đá thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam nên thời tiết rất khắc nghiệt, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng hơn những vùng bình thường khác, gọi là lam sơn chướng khí. Nơi đây đã từng giam hàng nghìn tù chính trị và quân cán binh Việt Nam cộng hòa. Những câu chuyện bi thương về số phận những người tù, Phạm Thanh Nghiên đã viết trong “Ba Sao chi mộ” và Thanh Trúc với bài “ Những vong linh tù cải tạo trại Ba Sao” đăng ở RFA.
Tuy không nên chỉ căn cứ vào “truyền thống” ấy để suy xét về những TNLT đang bị giam ở trại giam này, nhưng những gì mà Phạm Văn Trội thông tin cho thấy có nhiều điều rất đáng lo ngại cho các anh. Tôi đã tìm hiểu cuộc sống của TNLT ở nhiều trại giam thông qua câu chuyện với gia đình họ, hoặc chính TNLT khi ra tù kể. Mỗi trại giam có những khắc nghiệt khác nhau. Ở trại giam này, có những khắc nghiệt và vô lý riêng của nó. Lối hành xử không theo những qui định chung mà lại làm theo những gì họ muốn.
Mỗi bản án, trước đoạn tuyên án đều có câu cần phải cách ly phạm nhân ra khỏi xã hội. Nếu chỉ hiểu theo như thế thì trong tù, quyền con người vẫn được đảm bảo. Thế nhưng, trên thực tế, ngoài việc bị cầm tù, họ còn bị tước nhiều quyền khác và bị hành xử cực kỳ vô lý mà không biết kêu ai, trừ kêu với chính những kẻ đã hành hạ họ. Với trại giam Ba Sao, cơ sở nào mà họ ngăn cách TNLT với tù thường phạm? Họ có quyền gì mà không cho tù nhân nhận đồ ăn từ gia đình để buộc phải mua hàng căn tin của trại, dùng căn tin làm công cụ bóc lột tù nhân, tùy ý định giá và chất lượng sản phẩm? Lương tâm họ để đâu mà không cho tù nhân nhận quần áo chống rét từ gia đình? Nếu trại giam Ba Sao làm việc đàng hoàng, tại sao phải cấm tù nhân kể thật về mọi việc diễn ra trong trại?. Phải chăng, chuyện đày ải tù nhân là một bí mật quốc gia?
Mới rõ hơn rằng, các anh chị em TNLT không chỉ bị tách ra khỏi xã hội mà còn bị trừng phạt, đày ải. Trong những ngày mưa phùn gió bấc với cái lạnh thấu xương như mấy hôm nay, nghĩ về các anh trong trại giam Ba Sao không đủ đồ chống rét mà rùng mình, thương các anh vô kể và cũng căm giận vô cùng những kẻ đang đày đọa các anh. Việc hành hạ những tù nhân nói chung và TNLT nói riêng mà ở đây là trại giam Ba Sao là những việc làm độc ác, cần phải có nhiều hơn sự lên tiếng của lương tâm tất cả mọi người.
Nguyễn Tường Thụy

Bỗng dưng ca hát cái mình có đâu

…ông Minh quên rằng, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thì cũng là lúc nhân dân bị nhà nước khóa miệng và Quyền con người sẽ chẳng bao giờ được nhắc đến ở Việt Nam…”
vcanhsat_congan
Dàn loa tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam bỗng dưng lên đồng hát bài Việt Nam không có về “Quyền con người”, vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (10-12-1948 / 10-12-2018)
Tiêu biểu của loạt bài “tự biên, tự diễn” là bài viết được phổ biến rộng rãi ngày 10/12 (2018) của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ông Minh khoe: ”Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất QCN, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình.”
Nói mà không nghĩ
Ông Minh viết vậy mà không phải vậy. Người dân Việt Nam, sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn (1945-1975) lại bị nhốt vào cái cũi độc tài và độc tôn toàn trị của đảng Cộng sản mang danh “thống nhất” từ năm 1976 nên chưa bao giờ được quyền tự quyết vận mệnh chính trị của mình.

Bằng chứng tất cả mọi chuyện, từ A đến Z của đất nước và của con người Việt Nam đều do Đảng dành làm hết. Nhân dân, tuy là chủ nhân của Tổ quốc mà bị kìm kẹp để phục vụ đám đầy tớ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, dù Đảng không do dân bầu hay được dân giao quyền cai trị mà vẫn ngang nhiên tự nhận mình là: “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” (Khoản 1, Điều 4 Hiến pháp 2013)
Hành động tiếm đoạt phản dân chủ này của đảng CSVN đã đưa đến hậu quả là tuy có hòa bình và độc lập, nhưng Việt Nam chưa giây phút nào thoát khỏi lo sợ bị Trung Cộng đánh úp bất kỳ lúc nào cả trên đất liền lẫn ở Biển Đông. Để được yên thân, nhóm lãnh đạo CSVN, từ thời Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh khóa đảng VI (1986 -1991) đã cam tâm ngậm đắng nuốt cay để phục tùng mọi yêu cầu chính trị, kinh tế và quốc phòng của Trung Cộng và làm theo phương châm gọi là 16 vàng,4 tốt do Bắc Kinh trao cho Việt Nam thi hành là:“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”
Tiếc thay, những chữ đầu môi chót lưỡi cạm bẫy của Trung Cộng đã không được hàng ngũ lãnh đạo phương Bắc áp dụng để chấm dứt tham vọng bành trướng và bá quyền của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, từ tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa năm 1974. Sau đó, lại xua quân đánh chiếm 7 bãi và đá khác của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên.

Từ đó đến  đầu năm 2018, Trung Cộng đã dùng áp lực chính trị và kinh tế ép chế Việt Nam phải từ bỏ một số dự án khai thác dầu khí với nước ngoài, trong đó có hãng dầuTây Ban Nha, Repsol. Bắc Kinh tự nhận khu khai thác  nằm trong vùng tranh chấp Lưỡi Bò của tổ tiên họ để lại, chiếm 2/3 diện tích hay khoảng 3.447.000 cây số vuông, Biển Đông.

Ngoài việc hoàn tất quân sự hóa 7 vị trí chiến lược qua bồi đắp, tân tạo thành đảo quốc phòng, Hải quân Trung Cộng còn không ngừng khống chế, xua đuổi và đàn áp, đôi khi xẩy ra án mạng và cướp tài sản của ngư phủ Việt Nam đánh bắt tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa.

Vậy mà, quân đội Cộng sản Việt Nam dù đang có mặt ở  21 vị trí ở Trường Sa đã không dám có hành động nào để bảo vệ chủ quyền và mạng sống  ngư dân.

Sự khiếp nhược của Cộng sản Việt Nam trước Trung Cộng ở Biển Đông, là một bằng chứng nhân dân Việt Nam chưa được sống trong hòa bình như ông Phạm Bình Minh rêu rao.
Tự do trong lồng
Song song với sự tiếm nhận có quyền lãnh đạo đất nước, đảng Cộng sản còn cướp mất các quyền tự do của dân, dù đã được quy định rõ ràng trong Điều 25 Hiến pháp, gồm các quyền: “tự do ngôn luận,tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Nhưng muốn được hưởng các quyền này, Điều 25  lại buộc rằng: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Cho đến nay, người dân, trên nguyên tắc, mới có hai Luật báo chí và Luật tiếp cận thông tin. Nhưng tư nhân lại không được quyền ra báo. Khoảng 849 tờ báo, tạp chí in đang hoạt động đều của các tổ chức đảng.
Đảng cũng làm chủ luôn 195 báo điện tử, đa phần của báo in.
Tài liệu của Chính phủ cũng cho biết: ”Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, bao gồm 02 Đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số; 64 Đài phát thanh, truyền hình địa phương (riêng TP.Hồ Chí Minh có hai đài: Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh).”

Những con số trên đây, tuy không biết nói, đã phản ảnh đầy đủ tính độc tài và chủ trương độc quyền báo chí và truyền thông của đảng CSVN.
Bởi vì Điều 14 của Luật Báo chí (LBC) đã quy định rõ “Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí” gồm :

1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.
Tài liệu chính thức cũng cho biết có khoảng 18.000 người “gọi là nhà báo” đã được cấp thẻ hành nghề, nhưng họ lại không được phép tự do viết điều mình muốn.

Bởi vì Điều 25/LBC đã buộc nhà báo phải: ”Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm…”
Như thế khác nào là làm nhiệm vụ tuyên truyền cho đảng.
Về quyền hội họp, lập hội và biểu tình ghi trong Điều 25 Hiến pháp thì chưa bao giờ  đảng CSVN muốn cho dân được hưởng các quyền này. Nhiều năm qua chính phủ đã cố tình trì hoãn trình Luật cho quốc hội cứu xét để  rảnh tay  xua Công an đi phá các cuộc họp hay đàn áp các cuộc biểu tình tự phát đòi công bằng, chống áp bức và chống Trung Quốc của công dân.

Như vậy khi tình hình nhân quyền bị chà đạp công khai và trắng trợn như thế mà ông Phạm Bình Minh vẫn có thể ngây ngô viết rằng: ”Vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về QCNViệc thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”, và sau đó chỉ trong vòng 4 năm, thông qua hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến QCN, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế QCN, quyền công dân.”
Quyền dân hay của đảng?
Nói năng văng mạnh như thế mà ông Minh không sợ bị co lưỡi hay sao?
Trước hết, nhà nước CSVN hiện nay chưa bao giờ là “của dân”, “do dân” hay “vì dân” mà là “của đảng”, “do đảng” và “vì đảng” mà thôi. Từ lập pháp, hành pháp và tư pháp không có độc lập đều do đảng duy nhất cầm quyền cơ cấu nhân sự để  thi hành chính sách, chủ trương của đảng thì làm gì có thượng tôn luật pháp.

Quyền bầu chọn trực tiếp của dân cũng đã bị đảng tước bỏ khi nhà nước chỉ muốn  có một Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân đại diện qua lối “đảng cử dân bầu” thì những “dân cử” này, hầu hết là đảng viên, có không nên bị gọi là bù nhìn?

Do đó, khi có các vụ người dân bị bắt vào đồn Công an bị bức tử xẩy ra thường xuyên ở Việt Nam, hay những vụ người dân kéo nhau đi khiếu kiện lâu ngày mà vẫn không được giải quyết là bằng chứng pháp luật không nằm trong tay dân mà thuộc về những kẻ có chức, có quyền.

Như vậy khi ông Phạm Bình Minh khoe Hiến pháp 2013 đã có riêng  Chương II quy định về Quyền Con Người là bằng chứng Việt Nam “bảo đảm trên thực tế QCN, quyền công dân”  là ông đã quay lưng với thực tế không phải như vậy.

Là Bộ trưởng Ngoại giao, hẳn ông Minh phải rành rọt hai nghĩa “trắng” và “đen” của các văn kiện Quốc tế. Vậy liệu ông có thể giải nghĩa cho minh bạch thế nào là  “ lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” ghi  trong khoản 2, Điều 14 Hiến pháp, theo đó:” Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Sự mù mờ của Điều này chỉ giúp cho nhà nước được quyền suy diễn tùy tiện để hạn chế quyền của công dân.
Càng dễ lạm dụng và tiếp tay thao túng hơn cho nhà nước khi trong khoản 4, Điều 15 Hiến pháp chỉ viết chung chung rằng:”Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”
Nhưng “lợi ích quốc gia, dân tộc” là lợi ích gì, ai đặt ra? Và những thứ gọi là “lợi ích” này có quan hệ đến quyền lợi của đảng không?
Ngoài ra, những hành động phạm luật của lực lượng Công an đối với người dân khi bị bắt đã từng bị  các gia đình nạn nhân và các tù nhân chính trị và lương tâm tố cáo nhưng chưa bao giờ được làm sáng tỏ.

Hình ảnh người dân bị Công an và Công an giả dạng Côn tấn công, đánh đập dã man trong các cuộc biểu tình chống thảm họa môi trường của Formosa Hà Tình, chống dự án Đặc khu và chống Luật An ninh mạng xuất hiện đầy rẫy trên Internet là bằng chứng nhà nước Việt Nam đã vi phạmnghiệm trọng Điều 20 Hiến Pháp.
Điều này viết:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định.”
Nhà nước CSVN còn bị tố cáo vi phạm cả Điều 21 quy định: “ (Khoản2) Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”
Tất cả những quyền Hiến định này đã được minh thị và được Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh lấy làm hãnh diện để ca tụng như một thành công khởi sắc của việc thực thi Quyền con người của đảng CSVN.

Nhưng ông Minh quên rằng, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thì cũng là lúc nhân dân bị nhà nước khóa miệng và Quyền con người sẽ chẳng bao giờ được nhắc đến ở Việt Nam.
(12/018)
Phạm Trần

Đường Văn Cao & viện Khổng Tử

“…Vị Khổng Tử mà các vua chúa và quần thần ‘phong thánh’ đã đánh mất hoàn toàn mọi mối liên quan với vị Khổng Tử đích thực, và đáng được xem như một món hàng giả vô cùng nguy hiểm.”...
Những kẻ đặt Khổng Tử lên bàn thờ, thánh hóa ông chính là những kẻ cầm quyền, hoặc những kẻ muốn nắm quyền. Việc này hoàn toàn không phải là việc của dân chúng bình thường - Lỗ Tấn
duong_vancao
Tháng trước, nhân dịp kỷ niệm 95 năm sinh nhật của nhạc sỹ Văn Cao (15/11/1923 – 15/11/2018) nhà văn Đặng Văn Sinh đã chịu khó viết lại vài đoạn (“ghi chép vụn”) của bạn đồng nghiệp Hoàng Minh Tường, trên trang FB của ông:
 Có chuyện này về cụ Văn Cao, chỉ mình hai bố con tôi chứng kiến – Long Bụi kể – Ấy là cái năm Hội Nhà văn hay Nhạc sỹ Hunggari có giấy mời đích danh Văn Cao sang chơi hay hội thảo gì đó. Tổ chức không muốn cho Văn Cao đi, vì ông thuộc diện văn nghệ sỹ bất hảo, nhưng chưa tìm ra cớ gì ngăn cản. Tối ấy, tôi lai bố Lê Chính cùng bác Văn Cao đi đâu đó. Đến ngã tư Trần Nhân Tông – Mai Hắc Đế, bỗng thấy hai thằng du côn tự nhiên xô vào xe bác Văn, rồi chửi ông và đánh ông túi bụi. Khi ấy tôi đã là một thầy dạy võ, có lò võ riêng. Điên tiết, tôi xông đến, giằng hai thằng côn đồ ra, định dạy cho chúng một bài học. Thấy tôi ra đòn, biết gặp cao thủ, chúng bí quá, liền dí tấm thẻ đỏ vào mặt tôi: “Mày không biết chúng bố là ai, hả? Xéo đi cho các bố làm việc.”
Long Bụi cùng bố vợ, hoạ sỹ Lê Chính, đau đớn đưa nhạc sỹ Văn Cao về nhà phục thuốc. Thế là chuyến đi Hunggari ấy của Văn Cao không thành.
Đọc lại trang ghi chép trên, buồn đến mấy ngày.
Vốn bản tính nông nổi nên tôi không “buồn đến mấy ngày” mà chỉ hơi lăn tăn vài phút, thế thôi, rồi lại khúc khích cười ngay khi chợt nhớ đến một mẩu đối thoại (thú vị) trong trí tưởng của một người cầm bút khác:
“Tôi thỉnh thoảng dạo phố vẫn hay dừng lại nhìn lên một tên phố mà chuyện trò lặng lẽ với con người ngồi ở trên cái bảng sắt tây dó. Để nghe anh ta giãi bày. Và cũng để anh ta đừng tưởng bở.
Thí dụ Văn Cao, ngày hai lượt ra trung tâm thành phố và về Cầu Giấy, tôi từng có lần hỏi anh: Cậu khỏe không? … Bây giờ ở trên cao này có thấy sao không?” Thì Văn Cao bảo tôi: “Tao làm nhạc, làm thơ, vẽ, ai hay nay làm diễn viên lên sân khấu đóng vai kịch ca ngợi đảng trọng hiền tài. Mày với tao sống trong cái chăn toàn rận này, mày lạ đ. gì nữa.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Tuy không phải nằm chung “trong cái chăn toàn rận” với nhị vị văn nhân (thượng dẫn) ngày nào cả nhưng tôi cũng chả “lạ đ. gì” với cái trò ma bùn của đám dân Ba Đình, Hà Nội. Họ cũng chỉ học lóm món “võ mèo” này từ “nước bạn láng giềng hữu hảo” thôi nhưng cách chơi của Tầu nổi trội hơn nhiều. Tên Khổng Tử không chỉ được tô vẽ ở Bắc Kinh mà còn có đến vài trăm Viện Khổng Tử  (VKT) khắp nơi “trên toàn thế giới” – theo Theo Wikipedia, tiếng Việt:
Học viện Khổng Tử (giản thể: 孔子学院; phồn thể: 孔子學院; bính âm: kǒngzǐ xuéyuàn; Hán Việt: Khổng Tử học viện; tiếng Anh: Confucius Institute) là hệ thống học viện công phi lợi nhuận, liên kết với bộ giáo dục Trung Quốc, thành lập với mục tiêu quảng bá tiếng Hoa và văn hoá Trung Hoa, giảng dạy tiếng Hoa cho mọi đối tượng trên toàn thế giới đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giao lưu văn hóa và truyền bá tư tưởng cũng như văn hoá Nho giáo ra thế giới.”
ngay_vien_khongtu
Nhân loại tuy ngu thật nhưng không ngu mãi nên mấy cái viện thổ tả này đã, và đang, bị bãi bỏ ở khắp mọi nơi. Nhà báo David Volodzko tường thuật:
“Tháng Chín năm 2014, Đại Học Chicago đóng cửa VKT. Qua tháng sau Penn State cũng dẹp luôn, vì ‘thiếu sự minh bạch và tự do đại học.’ Hồi tháng Giêng đầu năm, Đại Học Chicago cũng vậy. In September 2014, the University of Chicago shut down its Confucius Institute. Penn State closed their Confucius Institute the following month, citing a lack of “transparency and academic freedom.” Then in January of this year, Stockholm University closed theirs as well. (“China’s Confucius Institutes and the Soft War” The Diplomat July 08, 2015).
Từ đó đến nay thêm vô số VKT bị than phiền, kể cả những cáo buộc hoạt động gián điệp như loại ngựa thành Troy (China’s Trojan Horse) hay là “Cơ Quan Tình Báo Của Trung Cộng” và buộc phải đóng cửa:
Ngay ở nước Tầu, Khổng Khâu cũng bị đồng bào của ông nhìn với ánh mắt nghi ngại hay ái ngại:
– Lý Linh: “Tôi chẳng hứng thú gì khi người ta cắm ngọn cờ Khổng Tử trên toàn thế giới. Khổng Tử không thể cứu Trung Quốc, cũng chẳng thể cứu thế giới.”
– Lưu Hiểu Ba: “Vị Khổng Tử mà các vua chúa và quần thần ‘phong thánh’ đã đánh mất hoàn toàn mọi mối liên quan với vị Khổng Tử đích thực, và đáng được xem như một món hàng giả vô cùng nguy hiểm.”
Sau khi “món hàng giả” này bị phát hiện, và cái mặt nạ quân tử đã rơi thì Trung Cộng chả còn phải “giữ gìn” hay “e ngại” điều tiếng chi nữa ráo. Họ biến ngay thành bọn tiểu nhân, với cách hành xử “thô bạo, côn đồ” và “vô liêm sỉ” – theo tường trình của Thuỵ Mi, trên trang RFI, vào ngày 22 tháng 11 vừa qua:
“Lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm thành lập, hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc hôm Chủ nhật 17/11/2018 đã không ra được thông cáo chung, chỉ vì sự phản đối của một thành viên duy nhất – đó là Trung Quốc. Hội nghị thất bại, nhưng các quan chức Trung Quốc lại vỗ tay vang dội, trước sự ghét bỏ của những nhà ngoại giao các nước khác. Đó là ghi nhận của nhà báo Josh Rogin, được tờ Washington Post gởi đến Papua New Guinea để tường thuật về APEC.
Nhưng đó chỉ là sự cố cuối cùng trong suốt một tuần lễ qua. Đoàn đại biểu chính thức của Trung Quốc đã trình diễn một loạt những màn mà nhà báo Rogin đánh giá là hung hăng, dọa nạt, hoang tưởng và kỳ quặc, nhằm cố gắng khống chế, gây áp lực lên nước chủ nhà cũng như tất cả các thành viên khác, để rốt cuộc họ phải chiều theo yêu cầu của Bắc Kinh…
Tác giả Josh Rogin … việc Bắc Kinh hành xử theo cung cách làm các nước khác xa lánh – một điều đi ngược lại với quyền lợi của chính Trung Quốc – cho thấy những hành động chính thức của Trung Quốc được kiểm soát từ trên đỉnh xuống, và thường cản trở những quyết định đúng đắn. Ngay cả khi phái đoàn Trung Quốc thấy rằng chiến thuật của mình phản tác dụng, họ cũng không có quyền thay đổi.
Theo tác giả, đó cũng là hình ảnh của chính quyền Trung Quốc ngày nay: ngạo mạn, thiếu tự tin, thiếu kiềm chế, không còn muốn chứng tỏ sẽ tôn trọng các quy định của cộng đồng quốc tế từ nhiều thập niên qua.”
Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu. Đối với Việt Cộng thì Trung Cộng vẫn là nước bạn láng giềng hữu hảo – một tấm gương để noi theo – trong tiến trình cùng đưa cả dân tộc đến chỗ diệt vong, lụn bại.
Tưởng Năng Tiến

Khủng bố là một chiến lược của Việt Cộng

“…Đó là nguyên tắc dọa nạt một số đông người nhưng thụ động bằng cách dùng một nhóm nhỏ người khủng bố họ. Tức là khống chế số đông thụ động bằng cách gieo rắc sự sợ hãi…”
“Người lính gác trước Khách sạn Thanh Thế mệt mỏi hút một điếu thuốc lá. Anh ấy là một chàng trai trẻ có lẽ chừng 25 tuổi. Anh có một khuôn mặt hẹp, đầy vẻ sợ hãi. Ba đứa bé người Hoa đang ở trần chơi đùa trong cát bụi của đường phố trước những hàng rào kẽm gai. Một người phụ nữ trong chiếc áo dài màu đen dừng lại để xem chúng. Trời sắp mưa. Mặt trời chiếu những tia nắng của cái ngày nóng ẩm xuống quang cảnh đó. Thiên nhiên thở chậm rãi hơn vào giờ này.
Một nam thiếu niên có lẽ chừng 17 tuổi đứng cách đó vài trăm mét tại một góc đường với một con đường phụ. Có một chiếc xe đạp dựa vào tường nhà, rỉ sét, có lẽ đã từng được sơn màu kim loại. Một cái gói nhỏ lủng lẳng ở yên xe. Thiếu niên này đang đứng chờ. Em ấy chờ đợi điều gì? Em trông có vẻ căng thẳng và bồn chồn và sờ soạng tay lái chiếc xe đạp.
bomno_saigon
Ngày 9 tháng 1 năm 1952:
Đây là cảnh quảng trường trước nhà hát Sài Gòn sau khi bị Việt Minh khủng bố bằng một trái bom gài trong thùng một chiếc xe tải.
Nơi đây vốn dĩ luôn đông người qua lại, hậu quả của việc khủng bố này là một người đàn ông bị thổi bay đôi chân (trên hình).
Người tài xế xe tải chết tại chỗ, chiếc Jeep mui vải bị cháy lan sau khi hứng chịu vụ nổ từ chiếc xe tải và kéo theo hàng loạt xe khác cháy theo khiến hơn 10 người thiệt mạng.
2 phút sau đó, một vụ nổ khác xảy ra ngay Tòa Thị Chính, đánh dấu sự trở lại và gia tăng bạo động của Việt Minh.
Bất thình lình, cái nóng dường như không còn có thể chịu đựng được nữa. Người lính gác nhìn sang mấy đứa bé đang ngồi trên đường. Anh ấy bồn chồn châm một điếu thuốc lá mới. Ca gác của anh ấy chắc hẳn là sắp kết thúc.
Một người đàn ông trung niên bước đến với chàng thiếu niên đó, nói nhanh điều gì đó với em ấy. Một người họ hàng mà em ấy đang chờ? Họ chia tay nhau. Người thiếu niên đó dắt chiếc xe đạp và chậm chạp bước đến chỗ người lính gác. Em toát mồ hôi. Người ta nhìn thấy những giọt mồ hôi trên trán em. Em ấy leo lên chiếc xe đạp và dừng lại ở một cái cây cách người lính gác hai mét. Em ấy bước xuống chiếc xe đạp. Người lính gác không chú ý tới em. Chỉ là một thiếu niên người Việt nhỏ bé.
Mười hai giờ, một tiếng còi vang lên. Những người sĩ quan và quân nhân đầu tiên bước ra khỏi khách sạn. Họ sẽ được một chiếc xe buýt đón vào lúc 12 giờ 15. Họ bước ra khỏi ngôi nhà có hơi sớm một chút. Người lính gác chào. Một viên đại úy không quan tâm đến em người Việt nhỏ bé đang đi bộ chậm rãi đó khi ông ta gặp em trong lúc đang bước đi theo chiều ngược lại.
Vài người Mỹ bước tới xem mấy đứa trẻ con đang chơi đùa ở bên kia đường. Bất thình lình, người lính gác hiểu được. Anh ấy hét to: “Attention!” Thái độ của em thiếu niên có một cái gì đó khiến cho anh ta chú ý.
Em thiếu niên đó đã đi xa cho tới mức thật ra không ai nghĩ rằng chiếc xe đạp bị bỏ lại đó là của em ấy. Người lính gác chắc phải nhìn thấy em ấy như thế nào đó, vì ngay trong khoảnh khắc đó anh ấy đã nổ súng. Anh bắn không trúng em thiếu niên đó. Anh ấy đã hiểu được sự việc quá chậm.
Anh ấy không còn có thể bóp cò thêm lần thứ nhì nữa, vì anh ấy đã nằm trong vũng máu của mình ở phía sau những cái bao cát. Anh không còn thở nữa. Một mảnh từ chiếc xe đạp đã xé nát cổ anh. Người lính gác đã phản ứng muộn mất một vài giây.
Với tiếng súng cuối cùng từ loạt đạn tiểu liên đã có một tiếng nổ thật lớn. Mấy đứa trẻ con gào thét, chúng cũng lăn lộn trong vũng máu của chúng. Những người khác im lặng – câm nín mãi mãi.
Một người lính Mỹ nằm trắng nhợt một cách kỳ lạ trên đá lát vỉa hè. Chỉ còn một cái mụn trên gương mặt anh là còn một ít màu sắc. Không ai sẽ còn cảm thấy khó chịu vì điều đó nữa. –
Tiếng còi báo động vang lên ngay sau đó. Nhiều người cầm súng lao ra đường. Nhưng đã quá muộn. Những gói bông băng được xé ra, vết thương được băng bó tạm, xe cứu thương đến, quân cảnh đến. Một cảnh hoạt động náo nhiệt, bài ca cầu hồn của khủng bố. Hai người lính, một người phụ nữ và hai đứa trẻ con không còn sống nữa. Họ đã chết dưới ánh nắng duy nhất của cái ngày ẩm ướt này.
Lại thêm năm mạng sống nữa đã tìm thấy một cái kết cuộc vô nghĩa vào buổi trưa này. Những trái tim trẻ trung, khỏe mạnh đã ngưng đập. Con người có thể chịu trách nhiệm cho sự khủng bố này hay không?”
Phải trích dẫn thật dài như vậy từ hồi ký của một người bác sĩ Đức đã làm việc trên con tàu bệnh viện Helgoland tại Việt Nam[i] để bạn đọc có thể cảm nhận được phần nào không khí đáng sợ lúc bấy giờ. Khủng bố có thể có mặt ở mọi nơi, mọi lúc. Nó có thể lấy đi mạng sống của đàn bà, con nít vô tội bất cứ lúc nào, bất cứ ở nơi đâu.
khungbo_saigon
Quảng trường Tòa Đô Chánh sau vụ VC ném lựu đạn làm 7 người chết,
47 người bị thương trong dịp mừng lễ Quốc Khánh 26-10-1962.
Một bác sĩ người Đức khác, ông Heimfried–Christoph Nonnemann, bác sĩ trưởng đầu tiên của con tàu bệnh viện Helgoland, cũng viết: “Việt Cộng treo cổ những người già nhất trong làng lên, những người mà lần bầu cử họ đã được các nhà quan sát quốc tế tuyên bố là hoàn toàn không thể chê trách gì được. Việt Cộng dùng súng liên thanh bắn vào đám đông đàn bà và con nít, cho nổ mìn trong chính những đám đông người đó, bắn súng cối vào nơi họp chợ, nơi nhiều nhất là có một người lính về phép giúp vợ mình đi chợ. Khủng bố trực tiếp.”[ii]
Nhân dịp được vào thăm một trại tù binh ở Quảng Ngãi, một nhân viên của ông Nonnemann đã hỏi những người tù binh Việt Cộng tại sao họ lại tiến hành những hành động khủng bố đó chống lại phụ nữ và trẻ em, chống lại chính những người cùng quê hương với họ. Câu hỏi đó không được trả lời.
Nhưng thật ra câu trả lời hết sức đơn giản: Đó là nguyên tắc dọa nạt một số đông người nhưng thụ động bằng cách dùng một nhóm nhỏ người khủng bố họ. Tức là khống chế số đông thụ động bằng cách gieo rắc sự sợ hãi. Điển hình là vụ đánh bom gài trong thùng xe ngày 9 tháng 1 năm 1952 trước quảng trường nhà hát Sài Gòn. Đây là một nơi đông người đi lại. Vụ nổ bom này đã khiến cho 10 người thiệt mạng[iii]. Hay vụ đánh bom nhà hàng Mỹ Cảnh đêm 28 tháng 6 năm 1965, giết chết ít nhất 31 người và làm cho 42 người bị thương.
Trong một cuộc chiến tranh du kích, sự sống còn của phe yếu phụ thuộc vào sự chịu đựng và hy sinh của người dân. Ranh giới của sự chịu đựng này là ở đâu, điều đó không thể nhìn thấy trước được. Vì vậy mà Việt Cộng cần phải dùng đến những biện pháp đàn áp và khủng bố để khống chế dân chúng không cho người dân nổi dậy chống họ, ép buộc cung cấp lương thực và bảo đảm cho mình một chỗ dựa nhất định mà nếu mất nó thì coi như sẽ thua cuộc chiến. Và khi mọi sự đe dọa, cảnh cáo vẫn không mang lại kết quả, Việt Cộng cũng không ngần ngừ khi phải giết người: trong thời gian từ 1957 cho tới 1972 có khoảng chừng 37.000 người bị giết chết và 58.000 người bị bắt cóc dẫn đi mất – đó là còn chưa tính tới một con số lớn những nạn nhân còn chưa biết tới[iv]. Ở Huế năm 1968, có chừng 3000 người có tên trên danh sách đã bị thảm sát và độ chừng 3000 người nữa bị bắt đi mất[v].
Các trại tỵ nạn và các ngôi làng thân với chính phủ bị Việt Cộng thường xuyên pháo kích để trừng phạt hoặc để chứng tỏ rằng người Mỹ và quân đội VNCH không có khả năng che chở cho họ. Được biết tới nhiều nhất là vụ bắn hỏa tiển vào ngay trung tâm Sài Gòn ngày 1 tháng 11 năm 1966, trong lúc hàng ngàn người dân thường và quân đội Đồng Minh đang chuẩn bị đón mừng Quốc Khánh.
khungbo_saigon01
vụ bắn hỏa tiển vào ngay trung tâm Sài Gòn ngày 1 tháng 11 năm 1966, trong lúc hàng ngàn người dân thường và quân đội Đồng Minh đang chuẩn bị đón mừng Quốc Khánh.
Khủng bố cũng là một phương pháp nhằm để giành dân, giành đất, giành một ngôi làng. Việt Cộng giết chết nhân viên của chính phủ Sài Gòn, giết chết trưởng làng và thầy giáo – là những người có tiếng nói và thường được người dân làng tin theo – nhằm tiêu diệt quyền lực của chính phủ và rồi thay thế những người đó bằng người của mình. Tính cho tới năm 1968, Việt Cộng đã giết chết 13.000 người già nhất  làng và nhân viên nhà nước trong 15.000 ngôi làng, họ hành quyết thầy giáo nhiều tới mức trong khoảng thời gian từ 1959 tới 1961 chính phủ đã phải đóng cửa tổng cộng là 636 trường học[vi]. Trong một thống kê khác, từ 1958 cho tới mười tháng đầu của năm 1966, Việt Cộng đã ám sát 11.200 người dân thường và bắt cóc mang đi 39.750 người khác[vii]. Họ cũng không ngần ngừ khi tiến hành một cuộc thảm sát để răn đe. Ví dụ như cuộc thảm sát người Thượng ở Đắc Sơn (Bình Phước) ngày 5-12-1967[viii]. Đắk Sơn là một làng với chừng 2000 người Thượng do chánh phủ kiểm soát ở tỉnh Phước Long. Khi có chừng 800 người Thượng từ những ngôi làng bị Việt Cộng chiếm chạy trốn về Đắk Sơn, du kích đã quyết định lấy Đắk Sơn để làm gương đe dọa nhằm ngăn chận những đợt chạy trốn khác ra khỏi các vùng đất do Việt Cộng kiểm soát. Ngày 5 tháng 12 năm 1967, dưới sự che chở của đêm tối, một nhóm quân du kích Việt Cộng và quân đội Bắc Việt đã thâm nhập vào làng Đắk Sơn đốt phá và bắn giết nhiều người. Kể cả khi chạy trốn vào trong hang động, họ cũng đã bị đốt cháy hay chết ngạt bằng súng phun lửa. Người ta tìm thấy hơn 200 xác chết sau đó, phần lớn là thân thể của phụ nữ và trẻ em. Nhiều người mất tích, được cho rằng đã bị bắt cóc mang đi mất.
Tất cả những vụ khủng bố này không phải là bộc phát, những mục tiêu của nó không phải là ngẫu nhiên mà đều được chọn lựa và chuẩn bị trước một cách kỹ lưỡng. Ví dụ như trong vụ khủng bố nhà hàng Mỹ Cảnh khiến cho 42 người chết và hơn 80 người bị thương, “Phi Long đã phải điều nghiên kỹ địa hình và thói quen đi lại, chơi bời, ăn uống của địch”[ix].
Và nó cũng không phải mới bắt đầu trong cuộc chiến này, trong những năm này mà khủng bố đã có từ trong cuộc chiến tranh chống người Pháp:
“Trong khi đó, ở thị trấn và thành phố, người Pháp cố gắng chống lại các cuộc tấn công khủng bố – bom ném vào các quán cà phê đông đúc, súng bắn các quan chức. Những sự cố như vậy là một phần của sự bình thường mới: Tại một buổi tiếp tân của thị trưởng tại Hải Phòng, khách khứa đã bị giật mình bởi một vụ nổ súng ở gần đó, nhưng cocktail và trò chuyện lại tiếp diễn khi biết rằng một người của Việt Minh đã bị bắn chết sau khi ném lựu đạn một đồn cảnh sát. Trong một cuộc tấn công thành công bất thường và tàn nhẫn, du kích tấn công vào một bữa tiệc tối được tổ chức tại một nhà người Pháp ở Vũng Tàu, gần cửa sông Sài Gòn. Với lựu đạn và súng Sten cũ của Anh, họ đã giết chết tám sĩ quan, hai phụ nữ, sáu đứa con và bốn người hầu Việt.”[x]
Ngay từ ngày ấy đã có những vụ xử tử các trưởng làng không tuân theo “cách mạng”:
“Việt Minh xử tử các trưởng làng không tuân theo ý muốn của họ, thường bằng cách chôn cất sống trước mặt những người nông dân, sau khi bị họ tra tấn theo kiểu thời trung cổ. Khi Việt Minh giết chết một người lính Việt bị bắt phục vụ cho Pháp, một du kích đã mượn một cái kìm từ một ngôi nhà gần đó, và hắn đã lấy đi phần vàng của người đàn ông đó. Một nhân chứng trẻ em viết: ‘Em đã thấy nhiều xác chết bị chặt đầu, bị chặt ra làm nhiều khúc, bị mổ ruột, thậm chí bị lột da đầu, nhưng chẳng có gì ghê tởm hơn là nhìn thấy tên du kích đang cầm hai cái răng vàng, mặt hắn rạng rỡ.'”[xi]
Khủng bố bao giờ cũng cần những hiệu ứng gây khủng khiếp để đạt tới những ý định của nó. Những cuộc tập kích nhỏ bé không đủ sức lay chuyển tâm lý và tinh thần chiến đấu của địch quân. Lính Mỹ cần phải nhận rõ được thông điệp rằng họ không thể nghĩ đến khả năng bị bắt làm tù binh, mà họ phải đối diện với một kẻ thù không bắt sống ai làm tù binh cả. Cả điều này cũng đã được Việt Minh tiến hành trong những năm 50.  Peter Scholl-Latour trong quyển “Cái chết trên ruộng lúa” đã thuật lại việc nhìn thấy các xác chết không toàn thây của ba công binh Pháp bị Việt Minh thả trôi sông ở Hải Phòng năm 1946[xii]. Những người Mỹ bị tách rời khỏi đơn vị trong lúc bị phục kích đều bị tra tấn và chặt chân tay. Để dọa nạt, khủng bố tinh thần những người lính khác, thân thể họ được mang ra trưng bày ra ở một nơi dễ nhìn thấy – bị lột da, mổ bụng, bị chặt tay, chặt chân, bộ phận sinh dục bị cắt mất. Báo cáo về những vụ việc này trong thập niên 1960 nhiều cho tới mức không thể gọi đó là những hành động riêng lẻ[xiii]. Người cộng sản không bắt tù binh Mỹ, ngoại trừ phi công. Thậm chí khi quay trở lại vào đêm hôm sau để lấy xác đồng đội, họ bắn chết tất cả những thương binh Mỹ còn nằm lại đó. Những việc này đã được tường thuật trong nhiều hồi ký, ví dụ như trong “We were soldiers once… and young” của Harold G. Moore và Joseph L. Galloway.
Tất cả những điều đó cho thấy khủng bố là một chiến lược của người cộng sản. Khủng bố để đe dọa tinh thần, gây sợ hãi nhằm thống trị số đông, để giành dân, giành đất, giành ảnh hưởng, cố gắng làm mất tinh thần chiến đấu đối phương càng nhiều càng tốt. Chiến tranh nào cũng xảy ra tội phạm chiến tranh, không chỉ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Nhưng đó là những hành động riêng lẻ của một vài người, một vài đơn vị trong những tình huống ngoại lệ. Chiến tranh du kích thì ngược lại, lấy sự khủng bố làm một chiến lược để bù đắp lại cho thế yếu của mình. Cuộc chiến tranh Việt Nam ở đây không phải là ngoại lệ.
Phan Ba
Tham Khảo:
[i]Wagner, Klaus: Vietnam in jenen Tagen …, R. G. Fischer Verlag, Frankfurt, 1992, trang 158 – 160.
[ii]Nonnemann, Heimfried–Christoph: Chúng tôi không hỏi họ từ đâu đến, Phan Ba dịch, CreateSpace Independent Publishing Platform, 2014, https://phanba.wordpress.com/chung-toi-khong-hoi/
[iii]Báo LIFE, số tháng 1 năm 1952
[iv]Greiner, Bernd: Krieg ohne Fronten – Die USA in Vietnam, Verlag des Hamburger Instituts für Sozialforschung, Hamburg, 2013, trang 47.
[v]Greiner, Bernd: Krieg ohne Fronten – Die USA in Vietnam, Verlag des Hamburger Instituts für Sozialforschung, Hamburg, 2013, trang 48.
[vii]Trích dẫn theo James S. Robbins, This time we win – Revisiting the Tet offensive, 2012, trang 146.
[ix]Huỳnh Phi Long và trận đánh nhà hàng Mỹ Cảnhhttps://phanba.wordpress.com/2017/06/25/huynh-phi-long-va-tran-danh-nha-hang-my-canh/
[x]Max Hastings: Vietnam – An epic tragedy, 1945-1975, HarperCollins Publishers, New York, 2018, trang 22
[xi]Max Hastings: Vietnam – An epic tragedy, 1945-1975, HarperCollins Publishers, New York, 2018, trang 23
[xii]Peter Scholl-Latour: Der Tod im Reisfeld, Deutsche Verlags-Anstalt, Stuttgart, 1979, trang 43. Bản dịch của Phan Ba: https://phanba.wordpress.com/cai-chet-tren-ruong-lua/
[xiii]Greiner, Bernd: Krieg ohne Fronten – Die USA in Vietnam, Verlag des Hamburger Instituts für Sozialforschung, Hamburg, 2013, trang 51.