CANADA- Trong báo cáo mới nhất từ TI - Transparency International, một tổ chức chống tham nhũng quốc tế có văn phòng ở Đức, Canada là nơi dễ dàng cho đồng tiền bất chính qua việc mua bán đầu tư bất động sản.
Hình minh họa. (Hình: AP Photo/Steve Helber)
Báo cáo này vừa cho biết, Canada cẩu thả trong việc kiểm soát tiền của làm giàu bất chính từ tham nhũng của các nhà đầu tư nước ngoài tìm mua tài sản đắt tiền như hàng xa xỉ, kim cương và biệt thự.
Trong khi tổ chức Minh Bạch Quốc Tế không chỉ ra bất kỳ thành phố nào ở Canada, phát ngôn viên người Canada của tổ chức giám sát tham nhũng có trụ sở tại Berlin này khẳng định các quy tắc lỏng lẻo ở Canada và một số nước khác đang mở cửa cho hàng tỷ mỹ kim tiền “nóng” đổ vào các thành phố lớn như Vancouver.
Bản báo cáo mang tên “Chỉ để làm trò ?” (Just For Show?), một tiêu đề có ý nghĩa xấu hổ cho các nhà lãnh đạo khối G20 như cựu Thủ Tướng Canada Stephen Harper, người từng hứa hẹn sẽ có những biện pháp cứng rắn tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Nếu các đề nghị của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế được thực hiện, người Canada có thể đã có bằng chứng rõ ràng để tố cáo “những kẻ rửa tiền và các công ty ăn cắp” nước ngoài khác đã và đang lùng mua bất động sản ở Vancouver và Toronto, giám đốc TI Canada Peter Dent cho biết: “Hiện nay, chúng ta không có một cơ chế để thực sự kiểm tra được tính xác thực của tố cáo ấy.”
Trong cuộc bầu cử vừa qua, chính phủ đảng Tự Do có nói đến tình trạng giá nhà quá cao ở Vancouver và Toronto nhưng chỉ hứa hẹn một cam kết mơ hồ là sẽ xem xét “tất cả các công cụ của chính sách.”
Trong báo cáo của tổ chức IT hôm thứ Năm, chỉ Anh Quốc có được một đánh giá xuất sắc cho việc có một “cơ sở vững vàng” để chống lại dòng tiền bất hợp pháp.
Canada bị xếp hạng dưới cùng trong số những nước “yếu,” cùng với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil và Australia.
Bản báo cáo liệt kê các “nguyên tắc” được thông qua bởi cựu Thủ Tướng Harper và các nhà lãnh đạo G20 khác trong năm 2014 nhằm đảm bảo người giàu không thể giấu tiền của mình bằng cách đầu tư thông qua các công ty trá hình. Những nguyên tắc này được dựa trên kiến nghị năm 2012 của một lực lượng đặc nhiệm G20.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết “Canada không hoàn toàn tuân thủ bất kỳ nguyên tắc G20 nào.” Kết quả là, Canada đã gây ra “vô cùng khó khăn để ngăn chặn các chính khách tham nhũng trong việc mua những biệt thự sang trọng bằng tiền đánh cắp từ ngân sách.”
Và đáng ngạc nhiên là những “vụ bê bối lớn được đưa ra ánh sáng trong những năm gần đây đều có liên quan đến sự dễ dàng lưu chuyển lượng tiền bất hợp pháp, không có nguồn gốc rõ ràng vào thị trường bất động sản đắt tiền tại các thành phố như New York và London.”
Đã có nhiều lời cáo buộc từ những người như David Mulroney, đại sứ Canada tại Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2012, rằng chính đổng tiền “nóng” từ nước ngoài đang đẩy giá nhà đất ở Vancouver lên cao.
Một báo cáo của Andy Yan, nhà nghiên cứu địa ốc tại Vancouver, căn cứ vào doanh số bán nhà của 172 khách trong các khu phố cao cấp như West Point Grey ở Vancouver gần đây cho thấy 32% người mua nhà trong khu đắt tiền này là các nhà nội trợ (nghĩa là những người ở nhà không làm gì cả) và 4% là học sinh. Giá trung bình của những ngôi nhà này là gần $ 3 triệu, trong số ấy, hai phần ba đã được mua bởi những người có tên Trung Quốc.
Richard Kurland, luật sư di trú tại Vancouver, một nhà phê bình nghiêm khắc về những tiêu chuẩn lỏng lẻo của chính phủ liên bang về quyền sở hữu của nước ngoài, ca ngợi lời kêu gọi của tổ chức IT buộc người mua tài sản địa ốc phải xác định danh tính với chính quyền.
Ông hy vọng chính phủ Trudeau mới sẽ có hành động từ bản báo cáo của tổ chức IT. (L.Q.T.)
WESTMINSTER - “Nối nhịp cầu cựu chiến binh Mỹ” là chủ đề cuộc sinh hoạt vào sáng 14 tháng 11 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ trong thành phố Westminster, California, do Cộng Đồng Việt Nam nam California tổ chức cùng Hội Cựu Chiến Binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam.
Các cựu chiến sĩ VNCH trao tặng những dải cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đến các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam trong cuộc họp mặt “Bridging the Gap.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Khoảng hơn 100 cựu chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam tham gia vào sinh hoạt này. Phần lớn các cựu chiến binh Mỹ-Việt đều mặc sắc phục của Quân Binh Chủng mình trước đây. Điều hợp chương trình là ông Nguyễn Kim Bình và một số thành viên trong Cộng Đồng Việt Nam Nam California cùng ông Greg Cillaspie, chủ tịch hội VVA (Vietnam Veteran of America).
Mở đầu là phần mặc niệm những chiến sĩ Hoa Kỳ và Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến. Một cựu chiến binh Hoa Kỳ trong sắc phục đặc biệt của đội kèn đồng truyền thống Hoa Kỳ nhịp bước quân hành tới trước Tượng Đài và thổi lên tiếng kèn truy niệm da diết để mọi người cùng tưởng nhớ đến những chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ tự do cho VNCH.
Thị Trưởng Trí Tạ, người đầu tiên phát biểu, đã ca tụng sự chiến đấu của những người lính trong quân lực Hoa Kỳ và QLVNCH.
Ông nói: “Họ đã cùng sát cánh bên nhau trải qua một cuộc chiến để bảo vệ tự do cho Việt Nam trước sự xâm lăng của đế quốc Cộng Sản qua tay Cộng Sản Việt Nam. Hôm nay họ gặp nhau đây sau 40 năm cuộc chiến chấm dứt để nối nhịp cầu với nhau. Thành phố Westminster xin được xác nhận sự hy sinh cao cả của những người cựu chiến binh Hoa Kỳ và VNCH đã hết lòng chiến đấu cho tự do. Và cũng xin nhân danh thế hệ trẻ để bày tỏ lòng tri ơn của chúng tôi với quí vị.”
Nghị viên Westminster, Diane Carey, cũng bày tỏ lòng ngưỡng vọng đến các cựu chiến binh Mỹ Việt đã cùng sát cánh bên nhau trong cuộc chiến bảo vệ tự do trước đây.
Nữ tài tử Kiều Chinh cùng tài tử chính của phim Ride the Thunder, anh Joseph, cũng bày tỏ những cảm nghĩ của mình về ngày “Nối Nhịp Cầu Cựu Chiến Binh Mỹ.” Joseph cho biết vì ngưỡng phục sự chiến đấu anh dũng quả cảm của người lính Hoa Kỳ và Việt Nam trong cuộc chiến nên anh đã làm cuốn phim này.
Chủ tịch hội VVA (Vietnam Veteran of America) hân hoan nhận bảng ghi ơn của thành phố từ tay Thị Trưởng Trí Tạ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Cựu Đại Tá Lê Khắc Lý, cố vấn của Cộng Đồng Việt Nam Nam California, trong phần phát biểu, nhắc lại sự thất bại trong cuộc chiến Việt Nam để Cộng Sản chiếm được miền Nam tự do là do phản chiến Mỹ. Họ đã tiếp tay cho kẻ địch, làm lạc hướng chính nghĩa cuộc chiến tranh. Họ đốt cờ Mỹ trên đường phố. Họ bán cờ Cộng Sản Giải Phóng Miền Nam ngay trước Tòa Bạch Ốc để Quốc Hội buộc phải chấm dứt cuộc chiến tranh và người lính Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam khi về nước đã phải chịu sự khinh khi, bêu riếu bất công. Còn người lính VNCH sau những năm tháng dài khổ nhục trong các trại tù Cộng Sản, khi được tái định cư ở Hoa Kỳ cũng không tránh khỏi những dư luận đàm tiếu trong giới truyền thông phản chiến.
Bốn mươi năm sau những xấu xa ấy, những cựu chiến binh cùng chung một lý tưởng ngày nào hôm nay gặp lại nhau đây, nhắc lại chuyện xưa để cùng tìm đến nhau chia sẻ những vinh nhục trong đời lính chiến đấu.
Một cựu chiến binh Hoa Kỳ thường có mặt trong nhiều sinh hoạt cộng đồng người Việt trước đây được ban tổ chức mời lên phát biểu. Ông kể về thời gian tham chiến ở Việt Nam, nhắc đến những giao tình giữa những người lính Hoa Kỳ và VNCH trên chiến trường. Những giao tình ấy, với ông, nó còn mãi đến hôm nay và ông mong đây không phải chỉ một lần mà sẽ được diễn ra hàng năm sau khi chúng ta đã “Bridging the Gap” hôm nay.
Sau phần phát biểu cảm tưởng của quan khách và các cựu chiến binh Mỹ-Việt, hơn hai chục cựu chiến sĩ VNCH thuộc các binh chủng, đơn vị khác nhau cùng mang những giải khăn cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đến trao tặng các cựu chiến binh Hoa Kỳ, những người đã từng chiến đấu bên lá cờ này để bảo vệ một miền Nam Việt Nam được tự do như một sự tri ân sâu sắc.
Chủ tịch Cộng Đồng, kỹ sư Trương Ngãi Vinh, cho biết: “Sau khi được xem cuốn phim Ride the Thunder, anh em trẻ trong Ban Chấp Hành cộng đồng thấy cần phải có một buổi tri ân sự chiến đấu bảo vệ tự do của những người lính Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam nên đã liên lạc với tổ chức Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ cùng tổ chức một buổi họp mặt để tuổi trẻ trong cộng đồng người Việt ở đây được bày tỏ sự tri ân với họ; và ông Chủ Tịch Greg Cillaspie đã rất hân hoan đứng chung trong buổi tổ chức này.” 11-16-2015 3:32:07 PM
QUẢNG NGÃI (NV)- Hàng trăm học sinh xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, hàng ngày phải đu dây kéo bè, ghe vượt sông sâu nước xiết đến trường trong điều kiện hiểm nguy rình rập.
Để cho kịp giờ, học sinh luôn phải chen chúc lên chiếc ghe nhôm đu dây vượt dòng nước xiết đến trường và về nhà. (Hình: Zingnews)
Theo tin Tri Thức Trẻ, để cho kịp giờ, hàng trăm học sinh trường cấp 2 Sơn Bao cùng với người dân tại hai thôn Nước Rinh và thôn Tang, xã Sơn Bao hàng ngày phải chen chúc lên chiếc ghe nhôm đu dây vượt dòng nước xiết ở khu vực đầu nguồn của dòng sông Rin với nhiều vực sâu, quanh năm nước chảy cuồn cuộn đến trường và về nhà.
Do dòng sông ở khu vực đầu nguồn, quanh năm nước chảy cuồn cuộn nên người dân đã tìm cách đóng cọc gỗ, tre hai bên bờ sông rồi nối dây cáp điện để kéo bè, ghe đi lại, đưa con em đến trường.
Trung bình, có tới hơn 30 học sinh chen chúc trên một chiếc ghe nhỏ đu dây vượt dòng nước dữ. Chỉ một sơ suất nhỏ, không phải ai cũng có thể bám kịp vào chiếc dây căng ngang bờ sông. Em Đinh Thị Phúc, học sinh lớp 8 cho biết, “Ngày mưa, lúc nào chúng em cũng sợ nước cuốn làm lật ghe nhưng vẫn phải đi thôi vì không còn cách nào khác để qua sông.”
Ngoài chiếc ghe nhôm, còn có chiếc bè nổi dập dềnh trên mặt sông. Người dân nơi đây chọn những thân tre dài khoảng 14 mét ghép lại, buộc với nhau bằng dây dừa tạo chiếc bè rộng khoảng 5 mét. Do chiếc bè tre quá tải nên ngập dưới nước, học sinh phải xắn quần lên cao cho khỏi ướt.
Do chiếc bè tre quá tải nên ngập dưới nước, học sinh phải xắn quần lên cao cho khỏi ướt. (Hình: Zingnews)
Ông Trần Văn Hải, hiệu trưởng Trường cấp 2 Sơn Bao cho hay, “Tùy vào thời tiết, mỗi khi trời mưa lớn kéo dài khiến nước lũ dâng cao trên sông là trường cho học sinh nghỉ học, sau đó phân công giáo viên dạy phụ đạo bù kiến thức cho các em,” ông Hải nói.
Theo ông Hải, dù chính quyền xã Sơn Bao, nhà trường cùng người dân địa phương nhiều năm qua liên tục kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ xây cầu qua quãng sông Nước Rinh nhưng đến nay vẫn chưa có gì.
Nói với Tri Thức Trẻ, ông Đinh Văn Phèng, chủ tịch xã Sơn Bao cho biết, địa phương có 300 hộ dân với hơn 1,500 nhân khẩu ở 4 thôn: Nước Rinh, Mang Nà, Nước Bao và Nước Tang nằm cách biệt bên kia dòng sông Tang, sông Rin. Vì điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp, nên hàng năm chỉ hỗ trợ vài triệu đồng cho người làm nghề đu dây kéo bè, ghe đưa học sinh và dân qua sông.
“Do mức hỗ trợ quá thấp, nhiều lần người lái xin nghỉ hoặc lơ là công việc của mình. Kể từ đó, sau mỗi buổi học, nhiều lúc học sinh phải tự đu dây kéo bè, ghe tự vượt sông về nhà,” ông Phèng nói.(Tr.N)
VIỆT NAM (NV)- Chỉ trong ngày 15 tháng 11, truyền thông Việt Nam đã loan tin cùng lúc 3 vụ án giết người man rợ xuất phát từ tình và tiền, khiến dư luận bất an.
Công an khám nghiệm hiện trường nơi mẹ con bà Lý bị giết chết. (Hình: Thanh Niên)
Theo tin Tiền Phong, trưa 15 tháng 11, Nguyễn Huy Tuấn (25 tuổi), quê Thanh Hóa, vào phòng trọ của người yêu là chị Chị Lê Thị Thu Hồng (21 tuổi), quê Bình Phước ở phường Thạnh Xuân, quận 12, thành phố Sài Gòn, đuổi chị Hân, nữ sinh ở chung với chị Hồng ra khỏi phòng, khóa cửa giữ người yêu ở lại “nói chuyện.”
Chị Hân hoảng loạn chạy đến tiệm tạp hóa gần đó kêu cứu. Bà chủ tiệm qua thấy cửa phòng khóa, chỉ nghe tiếng cãi vã của đôi nam nữ nên đi về. Khoảng 15 phút sau, chị Hân tiếp tục cầu cứu, bà và mọi người đi qua thì nghe tiếng rên của chị Hồng.
“Mọi người phá cửa vào trong thấy Tuấn đang giãy giụa, chị Hồng nằm thoi thóp nhưng đưa ra tới cửa thì chết. Khoảng 5 phút sau, Tuấn cũng không qua khỏi,” một công an phường Thạnh Xuân cho biết.
Theo người nhà chị Hồng, Tuấn lái xe thuê, Hồng làm nhân viên ngân hàng và quen nhau khoảng 4 năm. Thời gian gần đây, hai người thường xuyên xảy ra cãi vã có lẽ do chị Hồng đòi chia tay. Trước khi đoạt mạng bạn gái rồi tự sát anh Tuấn đã nhắn tin đe dọa.
Cùng ngày, báo Thanh Niên loan tin, cơ quan chức năng bàn giao thi thể hai mẹ con bà Đoàn Thị Lý (40 tuổi) và Nguyễn Thị Thái Hà (19 tuổi) quê Nam Định cho gia đình an táng sau khi được phát hiện chết bất thường trong phòng trọ ở phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Người nhà cho biết, bà Lý là góa phụ. Khoảng 2 năm trước đây, bà Lý thuê phòng trọ và cùng con gái đi làm công nhân trong một công ty. Trong quá trình sinh sống ở khu phòng trọ, bà Lý có quan hệ với ông Phạm Thế Anh (41 tuổi), quê Thanh Hóa, không nghề nghiệp, từng có 2 đời vợ và 3 con là nghi phạm sát hại hai mẹ con bà Lý.
Người nhà của nạn nhân cho biết, hai mẹ con bà Lý dự định ngày 16 tháng 11 về Hà Tĩnh làm đám hỏi cho chị Hà, thế nhưng chưa kịp thực hiện thì đã bị giết.
Cũng theo người nhà nạn nhân, trước đó họ đã nhiều lần nhận được điện thoại, tin nhắn của mẹ con bà Lý kể về việc ông Thế Anh đánh đập, thậm chí có lần đe dọa nếu bà Lý chấm dứt mối quan hệ thì sẽ bị giết.
Sáng 16 tháng 11, công an Bình Dương xác nhận, người nhà đã tìm thấy thi thể ông Thế Anh tại một rừng tràm ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước trong tư thế treo cổ. Trước đó, người thân nhận được tin nhắn từ điện thoại của Thế Anh rằng sẽ tự tử vì đã giết người.
Cũng trong ngày 15 tháng 11, công an tỉnh Cà Mau cho biết, đã bắt Trương Hoài Trọng (20 tuổi) ngụ xã Hòa Thành, thành phố Cà Mau về tội “cướp của giết người.” Nạn nhân là chị D.H.Đ (20 tuổi), ở huyện Cái Nước, Cà Mau.
Theo tin Người Lao Động, biết chị Đ. làm nhân viên phục vụ tại một quán nhậu ở phường 9, thành phố Cà Mau chấp nhận “đi khách” mỗi khi có yêu cầu, tối 9 tháng 11, Trọng hẹn chị Đ. đến nhà nghỉ Tuấn Tài để mua dâm. Thấy chị Đ. có đeo nhiều nữ trang nên sau khi quan hệ tình dục xong, Trọng nảy sinh ý định giết người cướp tài sản.
Chiều 10 tháng 11, Trọng đã bóp cổ chị Đ. đến chết rồi lấy toàn bộ tài sản của nạn nhân đem đi bán được khoảng 15 triệu đồng. Sau khi giết người, Trọng để xác chị Đ nằm trên giường rồi ra ngoài và nói với chủ nhà trọ không cần phải vào phòng làm vệ sinh khi chưa có yêu cầu. Vụ việc chỉ được phát hiện khi thi thể chị Đ. phân hủy bốc mùi hôi thối. (Tr.N)
ĐỒNG NAI (NV)- Trung Tá Công An CSVN Lê Hoàng Ngân “vừa được bổ nhiệm làm phó giám đốc Công An tỉnh Đồng Nai,” theo tin nhiều báo tại Việt Nam hôm Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015.
Ông Trung Tá Lê Hoàng Ngân, con ông chủ tịch UBND thành phố Sài Gòn, được cài vào ghế phó giám đốc Công An tỉnh Đồng Nai. (Hình: Thanh Niên)
Ông trung tá này thuộc hàng ngũ “thái tử đảng,” tức con trai chủ tịch UBND thành phố Sài Gòn Lê Hoàng Quân, được cài cắm vào những vị trí tốt sẽ đẻ ra rất nhiều tiền. Dù Sở Công An tỉnh Đồng Nai đã có tới 3 ông phó giám đốc rồi nhưng vẫn phải đẻ thêm cái ghế phó thứ tư cho con trai ông Quân. Cũng đáng nói thêm, ông Ngân là người trẻ tuổi nhất.
Trước đây, ông Lê Hoàng Quân từng giữ chức vụ chủ tỉnh UBND tỉnh Đồng Nai.
Cài cắm con cháu, thân quyến vào các chỗ tốt trong guồng máy đảng và nhà nước được thấy khá phổ biến trên cả nước của những người có thế lực hay có ảnh hưởng. Nếu không, họ phải dựa đến sức mạnh của đồng tiền mà ở Việt Nam gọi là “chạy chức.”
Tháng trước, con trai lớn của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa được bầu làm bí thư tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang, trong khi người con trai thứ nhì được bầu làm tỉnh ủy viên tỉnh Bình Định. Dịp này, còn có một số người khác là con của các cán bộ cao cấp đảng CSVN cũng được bầu vào một số vị trí quan trọng.
Theo truyền thông Việt Nam, tại Hội Nghị Ban Chấp Hành Đảng Bộ tỉnh Kiên Giang khóa 10 lần thứ nhất diễn ra ngày 16 tháng 10, ông Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi, được bầu làm làm bí thư tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.” Như vậy, con trai ông Nguyễn Tấn Dũng hiện là người trẻ tuổi nhất làm bí thư tỉnh ủy một tỉnh ở Việt Nam.
Cũng vào ngày này, một người con trai khác của ông Dũng là ông Nguyễn Minh Triết, 27 tuổi, “là người trẻ tuổi nhất được bầu vào Ban Chấp Hành Đảng Bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2015-2020 trong số 55 người trúng cử cho nhiệm kỳ mới.”
Trong khi đó, đại hội đảng Bộ CSVN thành phố Đà Nẵng “vừa bầu ông Nguyễn Xuân Anh, phó bí thư thường trực thành ủy, giữ chức bí thư thành ủy, thay ông Trần Thọ.” Như vậy, ông Nguyễn Xuân Anh, cũng 39 tuổi, hiện là bí thư thành ủy trẻ nhất nước và là con trai lớn của ông Nguyễn Văn Chi, cựu ủy viên Bộ Chính Trị.
Cũng tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Cảnh, 32 tuổi, con trai Nguyễn Bá Thanh, cựu bí thư thành ủy, đã chết vì ung thư hồi tháng 2, được bầu vào Ban Chấp Hành Đảng Bộ thành phố Đà Nẵng, trong số 52 người trúng cử nhiệm kỳ 2015-2020.
Ở cương vị bí thư thành ủy và tỉnh ủy, hai ông Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Thanh Nghị gần như chắc chắn sẽ được vào Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, qua đại hội toàn quốc sắp diễn ra vào đầu năm tới.
Ông Nguyễn Thanh Nghị hiện là ủy viên dự khuyết Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN.
ĐÀ NẴNG (NV) - Mặc cho lao động Trung Quốc có phép hay làm “chui” tràn ngập khắp nơi, nhà cầm quyền Đà Nẵng lại vừa đồng ý cho thêm 300 người vào làm việc tại đây, khiến không ít người dân quan ngại.
Lao động Trung Quốc làm việc trái phép tại một công trình xây dựng ở Đà Nẵng. Hình: Báo Lao Động)
“Đà Nẵng vừa đồng ý cho thêm 300 lao động Trung Quốc vào làm việc tại đây,” ông Nguyễn Văn An, phó giám đốc Sở Lao Động Xã Hội thành phố Đà Nẵng xác nhận với báo Lao Động chiều 16 tháng 11.
Theo ông An, ủy ban thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý cho nhà thầu là công ty Sichuan Hua Shi được phép sử dụng lao động là người nước ngoài trên cơ sở điều chuyền nội bộ từ công ty mẹ có trụ sở ở Tứ Xuyên, Trung Quốc sang làm việc tại Đà Nẵng. Cụ thể, 300 lao động kỹ thuật Trung Quốc sẽ làm việc tại công trình khách sạn 5 sao JW Marriott tại quận Ngũ Hành Sơn trong 2 năm bắt đầu từ tháng 10, 2015.
Lý giải việc này, ông Nguyễn Anh Ánh, trưởng phòng việc làm-an toàn lao động Sở Lao Động Đà Nẵng cho rằng: “Giai đoạn 2 của công trình này là một tòa nhà khách sạn phức hợp lớn, để kịp tiến độ hoàn thành phục vụ APEC 2017 nên họ phải xin thêm số lao động nói trên.”
Theo Sở Lao Động, tính đến cuối tháng 9, 2015, ở Đà Nẵng có 55 đơn vị sử dụng người Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong thì số lượng lao động Trung Quốc tập trung nhiều nhất tại công ty Silver Shores và công ty Sichuan Hua Shi. Ngoài ra, trong khu vực khách sạn, resort của Silver Shores thì khách du lịch hầu hết cũng là người Trung Quốc. “Vào dịp hè người Trung Quốc đi nhan nhản ngoài đường phố Đà Nẵng,” ông An nói.
Nói với báo Lao Động, một lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn cho hay, từ đầu năm đến nay tình hình an ninh trật tự ở quận này đang có những diễn biến phức tạp. Hiện đã có gần 109,900 lượt người đến quận lưu trú, tạm trú và trong đó có gần 59,200 người Trung Quốc. Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 60 người Trung Quốc làm việc “chui” tại quận này
Ông Ánh thừa nhận, rất khó kiểm tra người Trung Quốc làm việc tại các dự án, khu resort do phía Trung Quốc làm chủ đầu tư. Bởi muốn vào kiểm tra thì phải có công văn thông báo trước. Nếu không thông báo mà tự đi kiểm tra là không được vì họ không tiếp.
“Bây giờ dân Ngũ Hành Sơn ra đường thấy người Trung Quốc quá nhiều nhưng lại lẫn lộn người đi làm với người du lịch,” ông Ánh nói. (Tr.N)
11-16-2015 2:39:40 PM
Con người ta, kể cả các bậc tu hành theo phép khắc kỷ hay khắc khổ, ai cũng có thể là “sinh vật kinh tế,” nói văn hoa là homo economicus, vì biết tính toán trước sau để làm cái việc có lợi nhất. Trời mưa thì chẳng ai thay mái nhà - trừ phi bị dột thì chỉ tạm lợp chỗ dột mà thôi. Và thời giờ ấy ta làm việc khác có lợi hơn.
Tính toán trước sau là so sánh lợi hại - hay lời lỗ - trong từng trường hợp. Nhưng tính toán trước sau không nhất thiết có nghĩa là hiểu được tương quan nhân quả.
Nói cho đơn giản, kinh tế học là môn học về tương quan nhân quả trong lãnh vực kinh tế. Xin lỗi chư tăng, tương quan nhân quả của giới kinh tế phàm tục là hiểu ra nguyên nhân của sự việc dẫn tới một số hậu quả nào đó. Phân tích hành động kinh tế, cân nhắc lợi hại, là tìm hiểu về các động lực khích lệ đang có lúc ấy - chẳng hạn, vào giờ “happy hours” thì bia rượu bán rẻ hơn chút đỉnh - chứ không tìm hiểu về mục tiêu hay động lực của sinh vật kinh tế, hay dân nhậu, vào lúc chán đời.
Cái tương quan ấy không chỉ là hậu quả một chiều. Nhà hàng này mà hạ giá để chiêu khách thì nhà hàng kia cũng có phản ứng để cạnh tranh thắng lợi nên khách có thêm cơ hội chọn lựa mà lượng khách thay đổi lại làm các cửa hàng phải tính khác, sao cho có lợi nhất. Đấy là một chuỗi phản ứng liên tục. Sợ chúng ta không hiểu, giới kinh tế dùng chữ khó hiểu hơn, rằng “tương quan nhân quả có tính chất tương hằng và thường xuyên!”
Rời nhà hàng mà nhìn rộng ra ngoài, ai cũng có thể thấy rằng con người ta... không có tự do!
Chúng ta bị nhiều quyết định hay hành động của người khác chi phối - mà lắm khi mình không biết và cũng chẳng dự tính. Chỉ vì dự tính thế này thì sự thể trên thị trường lại biến thái khác làm mình thay đổi. Trên một thị trường có cả vạn và triệu người cùng tương tác như vậy thì sinh vật kinh tế là chúng ta bị bàn tay vô hình của thị trường sai khiến mà không biết.
Nhưng nhiều người tưởng rằng biết lại giải thích sự thể một cách sai lạc hơn, nên... kinh tế cũng là chính trị: Xin đừng nghe lời giải thích sai! Bài này nêu vài thí dụ loại “nhập môn,” cho vui.
Một thí dụ đơn giản là giá tăng có thể là một sự thay đổi về cung cầu, tức là tương quan nhân quả, nhưng thường bị giải thích sai là hậu quả của lòng tham. Rau cỏ mùa Đông thường hiếm hơn nên đắt hơn, chứ không là kết quả của ông bà bán phở nổi máu tham, cho có ba lá rau húng quế!
Một thí dụ khác, rắc rối hơn một chút, là các tiệm bách hóa trong một khu bình dân nghèo khổ thường bán giá đắt hơn một khu sang trọng giàu có. Lý do không phải là cửa hàng đó muốn bóc lột cư dân nghèo mà là một tương quan nhân quả: Giao hàng trong một khu lao động nghèo thường tốn kém hơn do chi phí cao hơn về bảo hiểm hay an toàn cho người vận chuyển vì khu vực này cũng kém an ninh, dễ có cướp giật hay trộm cắp. Ông bà chủ một tiệm bách hóa Đại Hàn trong khu Harlem có thể mắc tội bóc lột hay kỳ thị người da đen ở địa phương, nhưng họ hiểu tương quan nhân quả hơn những kẻ làm luật định giá tối đa để nâng đỡ dân da đen.
Cái luật lệ rất phải đạo về luân lý chính trị ấy dẫn tới hậu quả bất lường là làm hàng hóa càng khan hiếm hơn vì hàng quán bị lỗ nên nhà chủ dẹp tiệm, đi kiếm tiền trong khu nhà giầu.
Để khỏi mang tiếng kỳ thị phái nữ, xin nhìn vào một tương quan nhân quả khác. Cùng một trình độ kiến năng, biết và làm được, lương của phụ nữ thường thấp hơn lương của nam nhân viên. Nguyên nhân là phụ nữ còn có chức năng sinh đẻ và nuôi con nên có thể phải nghỉ việc ít lâu trong thời gian lao động nên mất kinh nghiệm và thâm niên. Trong lãnh vực điện toán thì hiện tượng này là sinh tử vì những thay đổi rất nhanh của kỹ thuật.
Sự thật chi tiết tại Hoa Kỳ là từ hơn bốn chục năm qua cho đến nay, lương một phụ nữ độc thân - không có nhu cầu đẻ con - lại hơi cao hơn một đồng nghiệp nam giới có cùng trình độ kinh nghiệm và tay nghề. Họ tận tụy và kỷ luật hơn nên có năng suất cao hơn. Nhưng trên tổng thể thì trung bình đồng lương của nữ nhân viên thường thấp hơn khoảng 75%. Các phong trào tranh đấu cho nữ quyền liền diễn giải sai tương quan nhân quả và can thiệp vào thị trường bằng luật lệ phải đạo về chính trị. Họ không thấy một tương quan nhân quả chình ình: Nếu đồng lương phụ nữ mà thấp hơn nam giới 75% thì doanh nghiệp có thể tuyển bốn nữ nhân viên thay vì thuê ba ông đực rựa có cùng khả năng. Máu tham kỳ diệu cứu giúp các bà đỡ thất nghiệp!
“Lòng tham” của doanh nghiệp gây ra hậu quả bất lường khá phổ biến trong thế giới kinh tế mà lại bị che lấp bởi tinh thần “phải đạo” rất phi kinh tế, thậm chí phản kinh tế!
Bài viết nhức đầu này xin kết thúc với một tin vui. Tháng tới đây, Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ có thể nâng lãi suất thay vì giữ mãi ở gần số không từ sáu năm nay, có khi còn là lãi suất âm như tại Âu Châu hay Nhật Bản. Đấy là một tin vui cũng vì tương quan nhân quả trong kinh tế.
Theo lý luận của kinh tế gia John Maynard Keynes, thần tượng của cánh tả, khi kinh tế suy trầm thì người ta nên hạ lãi suất để tiền rẻ và nhiều hơn sẽ kích thích tiêu thụ và sản xuất. Nhưng, lãi suất quá rẻ lại là một loại thuế đánh trên dân nghèo có chút tiền tiết kiệm cò con. Khi lãi suất nằm ngang sàn hay còn chìm xuống thảm thì nhà giàu ca hát mà dân nghèo than van.
Kinh tế nhập môn dạy rằng lãi suất là tiền đi vay và sẽ trả. Nó vừa là phí tổn vừa là biện pháp an toàn. Đồng tiền sẽ nhận lại ngày mai, năm sau, tháng tới, không được an toàn bằng đồng tiền đang nắm trong tay vì có thể mất giá. Điều ấy chỉ có nghĩa là tương lai bao giờ cũng bất trắc hơn hiện tại,mà tương lai càng xa càng lắm rủi ro. Vì vậy, phân lời dài hạn mới cao hơn phân lời ngắn hạn. Nhưng khi duy trì lãi suất quá thấp thì điều ấy có nghĩa là tương lai lại an toàn hơn hiện tại! Quái.
Các đại gia vay tiền quá rẻ từ khối tiết kiệm đã dồn qua thị trường chứng khoán và làm giàu lớn, trong khi giới tiết kiệm cò con, chủ nợ của các quỹ hưu bổng hay bảo hiểm nhân thọ thì méo mặt. Điều ấy cũng giải thích luôn vì sao kinh tế đã ra khỏi nạn suy trầm từ Tháng Bảy năm 2009 mà vẫn chưa thực sự phục hồi.
Những người cứ thích chuyện phải đạo không hiểu Keynes cho thấu mà cứ than rằng kinh tế Mỹ bất công, người giàu càng giàu hơn còn lợi tức dân nghèo chẳng thấy tăng. Họ không thấy ra thủ phạm là chánh sách tiền tệ bất thường của Ngân Hàng Trung Ương khi đánh thuế người có tiền tiết kiệm với lãi suất chết tiệt.
Hình như ngày xưa Tổng Thống Abraham Lincoln có dạy: “Ta không thể giúp người nghèo bằng cách tiêu diệt nhà giàu!” Ngày nay, con cháu của ông đang làm ngược lại, là làm người giàu cứ giàu thêm và người nghèo tiếp tục kiết xác. Họ tự xưng là áp dụng chính sách xã hội chủ nghĩa!
Chẳng lẽ ta phải tu chính Hiến Pháp với một điều khoản mới: “Ở một cấp nào đó trở lên thì ai muốn làm đại diện dân cử sẽ phải học một vài năm kinh tế nhập môn!” Thà vi phạm quyền tự do tư tưởng còn hơn duy trì tình trạng chính khách tự do nói láo vì ỷ rằng mình không biết...
Vắng tanh không bóng người, những chuyến tàu ma là một trong những điều kỳ quặc nhất của ngành vận tải Anh quốc. Tại sao những chuyến tàu đó vẫn tồn tại? Amanda Ruggeri lên thử một chuyến để tìm hiểu.
Chuyến xe lửa đi qua vùng nông thôn West Yorkshire, chạy từ thành phố Leeds đến thị trấn nhỏ Snaith, chỉ khởi hành một lần mỗi ngày vào đúng 17h16 phút, từ thứ Hai đến thứ Bảy.
Chiều ngược lại khởi hành hai lần, vào lúc 07h16 và 19h01.
Không bóng một hành khách
Nhìn vào lịch trình thưa thớt như thế này, có lẽ bạn nghĩ rằng các toa tàu sẽ đông nghẹt. Nhưng vào giờ cao điểm một thứ Sáu gần đây, khi mà nhà ga Leeds, nhà ga tấp nập thứ hai ở Anh chỉ sau London tràn ngập người thì không có ai ngoại trừ tôi và bạn đồng hành ngồi trên chuyến tàu để đi thêm một vài bến nữa. Rồi các toa tàu nhanh chóng trống trơn hoàn toàn một cách kỳ quặc.
Leeds-Snaith là tuyến đường mà những người hay đi tàu gọi là chuyến tàu ma. Nhà ga Snaith được xem là nhà ga ma.
Trang bán vé qua mạng Thetrainline.com cảnh báo hành khách rằng ở nhà ga này không có máy bán vé. Cũng không có phòng vé, chỗ đón taxi và cả quầy dịch vụ gọi taxi.
Đó là một trong nhiều tuyến tàu trên khắp nước Anh chạy với các toa tàu không có hành khách – lúc thì chạy một đôi chuyến mỗi ngày, thậm chí có lúc chỉ chạy một lần một tuần. Đôi khi đến cả nhân viên bán vé cũng không biết là có tuyến đường này.
Vậy thì tại sao tuyến tàu này vẫn hoạt động?
Không có định nghĩa duy nhất thế nào là một chuyến tàu ma mặc dù có sự nhất trí chung là khi một chuyến tàu trở nên quá thưa thớt khách đi thì nó thật sự trở thành vô dụng. Cách gọi ‘tàu ma’ nghe có vẻ phù hợp.
Nó mô tả một chuyến tàu âm thầm vút qua các làng mạc và thị trấn mà gần như không để lại dấu vết gì.
Có lẽ quan trọng nhất, danh từ ‘tàu ma’ ngụ ý điều gì đó mà chỉ có một số ít người đặc biệt mới biết rằng nó tồn tại.
Người phụ trách báo chí ở Viện Bảo tàng Đường sắt Quốc gia York đã cảm thấy bối rối trước yêu cầu của tôi được phỏng vấn về chuyến tàu ma. Ông ấy nghĩ rằng tôi muốn nói về những vật ‘bị ma ám’ ở bảo tàng.
Có bao nhiêu ‘tàu ma’?
Không ai biết chính xác có bao nhiêu chuyến tàu ma đang chạy ngoài kia.
Trên trang mạng The Ghost Station Hunters do những người quan tâm đến đường sắt như Tim Hall-Smith và Liz Moralee lập ra đã liệt kê 37 chuyến tàu như vậy và đó mới chỉ là những chuyến tàu mà cặp đôi gan dạ này đã tới, đi thử và viết bài về chúng.
Hall-Smith nói rằng ông đếm được 50 chuyến tàu ma khi nhìn vào lịch trình tàu chạy.
Số liệu chính thức thì khó mà theo dõi. Công ty Northern Rail, hãng điều hành tuyến đường sắt từ Leeds đến Snaith, cho biết họ có sáu chuyến tàu như vậy trong tổng số 2.500 chuyến tàu mà hãng này chạy mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi Bộ Giao thông yêu cầu có con số chung thì kết quả là không có tuyến nào cả.
“Bộ Giao thông không nắm trong tay danh sách xác định những tuyến đường thưa thớt này bởi vì chúng tôi không dùng cách gọi ‘tàu ma’ – không có định nghĩa chính thức thế nào là tàu ma cả,” Andrew Scott, một trong những nhân viên báo chí của Bộ Giao thông nói.
Sự bí ẩn bao quanh những chuyến tàu ma là một phần khiến nó có sức hút khó cưỡng đối với một cộng đồng hẹp những người ‘săn tàu ma’ đầy đam mê. Nó thôi thúc Hall-Smith và Moralee chia sẻ thông tin lên mạng thông qua các trang tương tự như trang web của họ.
Hall-Smith đã theo đuổi việc tìm hiểu các chuyến tàu ma kể từ năm 1993 và đã tới đến 41 nhà ga ma. Với Moralee, con số đó là 32. Ở mỗi nhà ga, họ đều chụp ảnh và đưa lên trang web của mình, kèm theo mô tả chi tiết về cách thức đi tới đó, nơi đó có gì và không có gì.
‘Nơi điên khùng’
Để đánh dấu sinh nhật lần thứ 50 của Hall-Smith, hai người đã đến nhà ga Berney Arms ở Norfolk.
“Đó hẳn là một trong những nơi điên khùng nhất mà cả hai chúng tôi từng đi đến,” ông nói. “Không từ ngữ nào có thể miêu tả nơi đó hẻo lánh đến mức nào.”
Con đường gần nhất cũng cách đó ba dặm đường, công trình xây dựng duy nhất gần đó là một quán rượu và một cối xay gió cũ kỹ.
Đó là một đam mê đòi hỏi sự tận tâm. Do các tuyến tàu này chỉ chạy theo lịch trình cực kỳ không thuận lợi, đôi khi không có chuyến khứ hồi, đôi khi khởi hành trước lúc bình minh, khiến cho ta phải đi bộ rất nhiều. Nếu có một ai đó cũng đi trên tàu thì nhiều khả năng đó cũng là một người đi săn tàu ma.
Các chuyến tàu ở nước Anh thường trong tình trạng đông đúc quá tải, cho nên có thật lạ lùng khi mà có những toa tàu trống trơn vẫn chạy và có những nhà ga vắng vẻ vẫn phải có người được cắt cử tới bảo vệ.
Trong khoảng thời gian từ 1995-96 đến 2011-12, tổng số dặm đường đi lại của hành khách dùng dịch vụ hỏa xa tăng vọt lên đến 91% trong khi toàn hệ thống các đoàn tàu trên nước Anh chỉ tăng có 12%.
“Các chuyến tàu ma vẫn chạy để làm cơ sở pháp lý giúp tuyến đường đó không bị đóng hẳn,” Bruce Williamson, phát ngôn nhân của tổ chức RailFuture, nói.
Hay như Colin Divall, giáo sư về đường sắt tại Đại học York, thì: “Đó là những tuyến đường vô dụng, phục vụ khách ở mức rất hạn chế. Lý do để các chuyến tàu vẫn được duy trì là nhằm đối phó với việc nhỡ có ai muốn tìm cách đóng hẳn hoạt động ở các tuyến đường này.”
Đóng hẳn được không?
Đó là lý do chính tại sao những chuyến tàu ma vẫn tồn tại. Một danh từ chính thức hơn để gọi những chuyến tàu này ‘tàu Quốc hội’ – danh từ xuất hiện vào những năm trước, do để dừng hoạt động của những chuyến tàu này thì Quốc hội cần phải ra một đạo luật.
Nhiều hãng điều hành dịch vụ đường sắt vẫn duy trì những chuyến tàu không có khách nhằm tránh tốn kém và tránh các hậu quả chính trị.
Đóng cửa một tuyến tàu thường không phải là chuyện đơn giản. Trước hết phải có bản đánh giá phân tích tác động của việc này đối với hành khách, môi trường và kinh tế.
Đề xuất sau đó sẽ được trình lên Bộ Giao thông và đến khi đó chi tiết của kế hoạch đóng tuyến tàu phải được công khai trên báo chí trong khoảng sáu tháng trước khi ngừng hoạt động.
Tiếp đến là khoảng thời gian tham vấn kéo dài 12 tuần; trong thời gian này ai cũng có quyền phản đối. Đôi khi phải tổ chức các phiên điều trần công khai, nhất là khi việc đóng cửa liên quan đến một tuyến đường nào đó gây tranh cãi.
Cuối cùng, đề xuất được trình lên Ủy ban Đường sắt và Đường bộ – nơi quyết định có đóng cửa tuyến đường đó hay không.
Chính vì vậy mà thông thường thì việc duy trì tuyến đường sắt với tần suất chạy tàu ở mức tối thiểu sẽ ít tốn kém hơn về mặt thời gian, tiền bạc (dẫu là tiền thuế dân), và phiền toái về thủ tục giấy tờ so với việc đóng hẳn.
Các nước khác cũng có những chuyến tàu thưa thớt tương tự, nhưng các chuyên gia cho rằng việc chính trị hóa trong hệ thống đường sắt Anh quốc và việc đẻ ra quá nhiều bước để tiến đến đóng cửa một chuyến tàu ở nước này khiến cho khi người ta nói về ‘tàu ma’ thì thường là họ nhắc tới các chuyến tàu ở nước Anh.
‘Bí ẩn ít người biết’
Còn có lý do lạc quan hơn về việc duy trì các chuyến tàu ma: nó thể hiện niềm hy vọng về việc tuyến đường sắt này có thể sẽ được sử dụng thường xuyên hơn trong tương lai.
Một khi bị đóng lại hoàn toàn thì cơ sở hạ tầng sẽ xuống cấp. Ngay cả khi đường ray tàu vẫn được giữ lại thì nó sẽ bị cây cỏ mọc um tùm.
Đó là chưa kể các lái tàu sau đó phải được đào tạo lại khi chạy trên đường ray này, hay là rất nhiều thủ tục giấy tờ phải đi qua trước khi mở lại chuyến tàu đó.
Nói cách khác, bắt đầu lại từ đầu thì tốn kém hơn nhiều so với việc cứ duy trì cái mà chúng ta đã có sẵn.
Trên chuyến tàu đến Snaith, Hall-Smith và Moralee kể cho tôi nghe về những rắc rối mà Moralee đã gặp phải để mua được chiếc vé.
Chuyến tàu tới Snaith có tên trên bảng khởi hành nhưng nhân viên ở quầy bán vé chưa từng nghe tới nó. “Có lẽ bà đã nhầm lẫn,” người bán vé ấy nói, “Không có chuyến tàu nào đi đến Snaith cả.”
“Đó là điều khiến chúng tôi thích những chuyến tàu ma,” Hall-Smith nói: biết về một bí ẩn mà trong thế giới hoả xa vốn được tổ chức chặt chẽ không nên có.
Một bí mật mà thậm chí ngay cả những người làm việc trong ngành đường sắt cũng không biết tới.
Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Tiếp theo sau việc Nhật Bản có thể sử dụng cảng Cam Ranh vào năm 2016 cho các hoạt động tiếp tế quân sự, Reuters (*) cho hay Tokyo vừa loan báo sẽ đảm trách việc tiếp tế khí cụ cho Phi Luật Tân, trong đó có cả chiến đấu cơ để giúp Phi tăng khả năng tuần tra tại vùng biển đang bị Trung Cộng xây lấn.
Nhật Bản đang cố canh tân khả năng Hải quân của cả hai nước Việt Nam và Phi Luật Tân để hai nước này tự tin hơn trong khả năng phòng vệ tuần tra hàng hải trước sự hung hăng của Trung Cộng. Trước đây, Nhật cũng đã tặng nhiều tàu tuần tra cao tốc cũ cho Việt Nam cho mục đích tập huấn.
Tin cũng cho biết thêm chi tiết Nhật đang đóng thêm 10 tàu chiến cho Phi.
Đây là cách để Nhật có cơ hội nhảy vào cuộc chiến đối đầu trực tiếp với Trung Cộng một cách chính đáng nếu Hải quân Phi khai hỏa đuổi Trung Cộng ra khỏi lãnh hải của mình. Hiến pháp mới của Nhật cho phép Hải quân Nhật tham chiến ra ngoài khỏi lãnh thổ nếu đồng minh chính thức của Nhật trong vùng bị tấn công, mà nay chính là Phi Luật Tân và Hoa Kỳ.
Khác với Việt Nam vẫn còn lệ thuộc vào sự khống chế của Trung Cộng và hết sức lẻ loi không có đồng minh chính thức, Phi luật Tân sẵn sàng khai hỏa thoải mái khi cần thiết vì ngoài sự giúp đỡ của Nhật về khí cụ, Phi còn có lực lượng Không - Hải của Hoa Kỳ đóng tại Subic Bay hổ trợ.
Thỏa thuận quân sự này giữa Nhật và Phi xảy ra coi như là ngay sau khi Phi Luật Tân thưa kiện và thắng thế trước Trung Cộng tại tòa án quốc tế ở Hague về chủ quyền hải đảo. Điều này khiến lẽ phải sẽ dễ dàng nghiên về Phi nếu Phi khai hỏa đuổi tàu Trung Cộng ra khỏi lãnh hải.
Trước mắt, thỏa hiệp quân sự này của Phi với Nhật Bản sẽ khiến Phi có đủ điều kiện qua mặt Việt Nam một cách dễ dàng nhanh chóng trong tiến trình hiện đại hóa quân đôi, nhất là về Hải quân vì Cộng sản Hà Nội vẫn còn đang nằm trong vòng bị cấm vận trao đổi vũ khí sát thương từ Washington, không thể canh tân mua vũ khí mới được.
Thể chế chính trị Cộng Sản độc tài đảng trị chính là nguyên nhân khiến Việt Nam mất khả năng hiện đại hóa quân đội để tự vệ cũng như mất khả năng vươn lên thành cường quốc trong vùng từ kình tế đến quân sự dù có rất nhiều tiềm năng.
Hiện giờ, giới chiến lược gia đang nhìn về Việt Nam với hy vọng "phép màu Miến Điện" sẽ xảy ra nhưng làm sao phép màu này có thể xảy ra được khi toàn thể hàng ngũ tướng lãnh phục tùng mênh lệnh của Cộng đảng và quy lụy Bắc Kinh để đổi lấy giàu sang phú quí hơn là phục tùng mệnh lệnh của nhân dân theo đúng tinh thần: "Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm" mà người lính Việt Nam Cộng Hòa đã cưu mang trước đây!
Tới giờ phút này mà chẳng lẽ nào các nhà chiến lược ở Washington vẫn chưa nhìn thấy chỉ có tình thần Việt Nam Cộng Hòa mới có thể cứu dân tộc Việt Nam thoát ra khỏi độc tài đảng trị và vòng cương tỏa khống chế của Trung Cộng hay sao?
Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - "Thà sống chung với Việt Nam Cộng Hòa thì có đất có nhà - Còn sống chung với chế độ Cộng Sản này thì bị cướp đất cướp nhà!" - Nguyễn Trung Can. Câu nói này đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như câu nói của Trần Bình Trọng.
Đứng trước thảm họa Mông Nguyên đe dọa dân tộc - Trần Bình Trọng chọn cái chết.
Đứng trước thảm họa Cộng Sản đang đè đầu cởi cố dân tộc - gia đình anh Can chọn tù đày để bảo vệ Công Lý cho cả gia đình anh nói riêng và cho cả dân tộc Việt Nam Cộng Hòa nói chung.
Đã từ lâu, chính sách cưỡng chế đất đai, cướp bóc nhà cửa của Cộng sản luôn luôn sai lầm và đem đến thảm họa kinh khiếp cho dân tộc Việt Nam.
Mấy năm trời thực thi chính sách "Cải Cách Ruộng Đất" đã dẫn đến cái chết oan ức của gần hai trăm ngàn nạn nhân- một tội ác diệt chủng lịch sử dân tộc Việt sẽ không bao giờ tha thứ!
Sau năm 1975, tiếp tục bản chất cướp bóc với kiến thức ngu xuẩn, Cộng Sản tiến hành “Đánh Tư Sản”, “Cải tạo Công Thương Nghiệp”, “Cải tạo Nông Nghiệp”, phá nát toàn bộ sinh lực kinh tế trù phú và tự do của Việt Nam Cộng Hòa để lại để rồi đẩy cả nước lâm vào nạn đói lương thực năm 1979 đến nỗi cả Võ Văn Kiệt cũng phải đi ngược quy định của đảng đi mua lúa tự do về phân phối cho hệ thống nhân viên công chức đảng để bọn này có cái mà ăn.
Nay, cũng chỉ vì câu nói chính xác và bất hủ của anh Can, Cộng đảng đưa cả con trai của anh là Nguyễn Mai Trung Tuấn, mới 15 tuổi ra toàn xét xử vào cuối tháng Mười Một này.
Em có tội gì? Tội thừa nhận câu nói của ba em là đúng, là bất hủ trước lịch sử của dân tộc?
Và những kẻ quyết định "xét xử" em, thằng nào thật sự chưa hề phạm tội trước Công Lý?
Chẳng lẽ bọn Cộng đảng quyền chức tại địa phương tỉnh Long An chưa từng ăn hối lộ? Chẳng lẽ bọn này chưa từng bỏ tiền chạy chức chạy chổ? Hay chưa từng đục khoét công quỹ?
Cả một bày Cộng cán tham nhũng nhơ nhuốc sâu rận từ trên xuống dưới, lấy tư cách gì xét xử công lý trước mặt một đứa trẻ vô tội can đảm của dân tộc Việt Nam Cộng Hòa?!
Ở nước Mỹ, bức tượng Bà Nữ Thần Tự Do vươn một cánh tay cao lên tượng trưng khát vọng bất diệt của con người cho Tự Do và Công Lý. Tượng của Bà được làm bằng đồng, bệ cột bằng bê tông và đá hoa cương. Nhờ vậy hình ảnh của Tự Do trở nên cao vời vời, lộng lẫy.
Ở quê hương Việt Nam Cộng Hòa của tôi, tượng Tự Do được xây bằng những mãnh đời sống bằng xương bằng thịt nhỏ bé mãnh mai nhưng can trường trong tù đày hoạn nạn. Bệ tượng Tự Do được làm bằng những khổ đau oan ức và mất mát triền miên. Nhờ vậy, Tự Do ở quê hương tôi là sự hy sinh chịu đựng huyền thoại của những tấm lòng quả cảm hết thế hệ này sang đến thế hệ khác.
Nguyễn Mai Trung Tuấn, phải chăng lịch sử đang nhờ em làm tượng Tự Do cho dân tộc Việt khổ đau này?