Thursday, July 6, 2017

Những kẻ chuyên nghề phá hoại đất nước

Tháng Chín (Danlambao) - "Nếu để bán đảo Sơn Trà nguyên vẹn và chỉ để ngắm thôi thì uổng quá". Đó là phát biểu của tên Phó chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng. Đây là phát biểu của một cán bộ đảng viên nhưng cũng phản ảnh "sâu sắc" chủ trương và đường lối của đảng: muốn phá đi cái nguyên vẹn, hùng vĩ của Sơn Trà để âm mưu "quy hoạch" nhằm kinh doanh rút tiền bỏ túi.

Trong phiên họp của các quan chức Đà Nẵng vào ngày 05/07/2017, đa số các quan đều một lòng tán thành mổ xẻ bán đảo Sơn Trà để quy hoạch thành khu du lịch chứ không giữ nguyên.

Hiện tại đang có 25 dự án đang xếp hàng để xẻ thịt một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất Việt Nam với diện tích 4.439 ha, có một hệ sinh thái đa dạng và hiếm quý. Tuy nhiên, cho đến bây giờ và ít nhất trong nhiều năm nữa, các quan chức từ trung ương đến địa phương không có một nghiên cứu nghiêm chỉnh nào để đánh giá sự đa dạng sinh học cũng như có phương án bảo tồn thiên nhiên ở trên cạn lẫn dưới nước ở bán đảo Sơn Trà.


Phía Tây bắc bán đảo Sơn Trà đã bị Công ty CP biển Tiên Sa “xẻ thịt”

Chỉ với một dự án xẻ thịt mới khởi công bởi Cty biển Tiên Sa (và đốn cây, cày nát khi chưa có giấy phép xẻ thịt) mà Sơn Trà đã như thế này:

Nếu tổng cộng 25 dự án "vào cuộc" thì bán đảo Sơn Trà sẽ có một tên mới là bán đảo Sơn Trọc.

Quy hoạch "xẻ thịt Sơn Trà" này đã bị dư luận lên án khiến cho các quan chức đã phải tổ chức nhiều phiên họp khẩn để tìm cách xoa dịu và tìm đường "xẻ thịt" êm thắm hơn. Bởi vì... chỉ để ngắm thôi thì uổng quá!

07.07.2017

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi phụ nữ Sài Gòn đẻ thêm “vì đất nước”

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi phụ nữ Sài Gòn đẻ thêm “vì đất nước”
Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi phụ nữ ở thành phố Sài Gòn nên sinh con nhiều hơn, để bảo đảm nền kinh tế Việt Nam có đủ nhân công cho vài thập niên tới.
Báo Dân Trí cho hay, ông Nhân đã nói như vậy sau khi được mời lên phát biểu vào cuối một phiên họp hội đồng thành phố hôm 4 tháng 7.
Được mời lên vào phút chót, sau khi mọi người tham dự đã bàn thảo xong xuôi các vấn đề, ông Nhân nói ông “đồng tình với các báo cáo” được đưa ra tại buổi họp, và ông chỉ muốn nói thêm về chính sách dân số.
Người đứng đầu hệ thống đảng ở thành phố lớn nhất Việt Nam nói rằng năm 1960, ở miền Bắc, mỗi phụ nữ có trung bình 6 con. Sau năm 1975 đến 1980, sinh suất giảm dần còn mỗi phụ nữ có 3 con.
Từ năm 2005 đến nay, trên cả nước, trung bình mỗi phụ nữ có 2 con. Ông Nhân xem đây là cơ cấu dân số vàng, khi cha mẹ về hưu thì “có hai người đóng tiền thuế hỗ trợ cho hai người trước đó”.
Ông Nhân cũng viện dẫn các trường hợp Nhật Bản, Nam Hàn và Singapore bị khủng hoảng lao động trầm trọng vì sinh suất dưới 2 con mỗi phụ nữ. Như Nam Hàn và Singapore có sinh suất 1.3 con mỗi phụ nữ, và Nhật Bản 1.26 con.
Báo Dân Trí dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân nói rằng: “Sinh đẻ là vì mình, vì đất nước, vì thành phố chứ không là chuyện riêng”.
Huy Lam / SBTN

CSVN hành hạ nữ tù nhân lương tâm bằng cách không cho dùng băng vệ sinh

CSVN hành hạ nữ tù nhân lương tâm bằng cách không cho dùng băng vệ sinh
Một trong những cách tra tấn và hành hạ các nữ tù nhân- nhất là nữ tù nhân lương tâm- của cộng sản Việt Nam là không cho họ dùng băng vệ sinh mỗi lần hành kinh.
Sự kiện này đã xảy ra rất lâu, nhưng vì mặc cảm của phụ nữ nên khi họ được ra tù, những tấn tuồng hành hạ đã không được đưa ra ánh sáng.
Ít nhất có hai tù nhân lương tâm mà cộng đồng người Việt hải ngoại quan tâm đã trải qua thảm trạng này.
Một tù nhân lương tâm bị cán bộ lột quần áo trước mặt các tù nhân khác, bắt cuối xuống, và cán bộ lấy tay thọc vào âm đạo của tù nhân. Hiện tù nhân lương tâm này đang định cư tại Hoa Kỳ.
Một tù nhân lương tâm khác bị yêu cầu lột hết quần áo trước mặt các tù nhân khác trong trại trong thời kỳ hành kinh, và máu cứ thể chảy xuống chân trước sự mắng nhiếc của cán bộ.
Mới đây, sau khi blogger Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù giam, Facebook của chị Trịnh Kim Tiến, một người bạn thân của blogger mẹ Nấm đã thuật lại câu chuyện, mà luật sư Đôn nghe được từ chính Mẹ Nấm.
Trong suốt thời gian mẹ Nấm ở trại giam Cam Lâm, cộng sản Việt Nam đã không để cho chị xử dụng băng vệ sinh vào những ngày chị bị hành kinh.  Chúng còn nhốt Mẹ Nấm chung với tù hình sự về ma túy, để chính những người tù này đánh đập và hành hạ chị.
Cũng theo chị Kim Tiến, Mẹ Nấm đã từng tuyệt thực 15 ngày, để đấu tranh và một cách gián tiếp nhắc cho người ngoài biết việc làm này bằng cách không nhận đồ mẹ của chị gởi vào.
Đã đến lúc các hành đành động tra tấn các nữ tù nhân lương tâm hèn hạ này của CSVN cần phải được đưa ra ánh sánh. Rõ ràng đây là hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Tường Thắng / SBTN

Luật sư Việt Nam lại bị đe dọa với nghị định ‘cấm nói bậy trên mạng’

Luật sư Việt Nam lại bị đe dọa với nghị định ‘cấm nói bậy trên mạng’
Sau khi quốc hội do đảng CSVN chi phối hoàn toàn đã ban hành bộ luật hình sự sửa đổi, với điều khoản buộc luật sư phải tố cáo thân chủ, nay các luật sư ở Việt Nam lại bị đe dọa trước một nghị định với nội dung “cấm luật sư nói bậy trên mạng”.
Bộ Tư Pháp CSVN được cho là đang sửa đổi nghị định 123 có từ năm 2013. Những điều khoản mới cho thấy ý đồ của nhà cầm quyền CSVN muốn thanh trừng và trấn áp một số luật sư trẻ, những người trong mấy năm gần đây thường công khai viết bài trên mạng phân tích những yếu kém trong hệ thống pháp luật ở Việt Nam.
Theo báo Pháp Luật Online, nghị định này đặt ra một tiêu chuẩn cho luật sư “có phẩm chất đạo đức tốt”. Một luật sư có thể bị tước bằng hành nghề vì những “hành vi liên quan đến tư tưởng, nhận thức chính trị”.
Một tiêu chuẩn khác rõ ràng được đưa vào để đáp ứng với thời đại truyền thông xã hội, đó là “phải phát ngôn chuẩn mực” trên phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Theo đó, luật sư “không được tập trung, lôi kéo, kích động người khác nhằm gây rối trật tự công cộng…”.
Vẫn theo báo Pháp Luật Online, chủ tịch Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh mới đây gửi thư tới đoàn luật sư tại các tỉnh, đặc biệt cảnh cáo về việc gần đây có những luật sư tìm đến những nơi có khiếu kiện, gặp gỡ dân chúng rồi về viết bài đăng trên mạng xã hội.
Huy Lam / SBTN

Việt Nam đang cạn kiệt cát, sỏi

Khai thác cát tại mỏ cát thôn An Phú, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi. (Hình: Báo Thanh Niên)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tình hình khai thác cát trái phép nóng đến mức ở một số địa phương người dân phải lập chốt ngăn chặn. Chính phủ ra lệnh phải siết lại quản trị, không để suy kiệt nguồn tài nguyên này.
Theo báo Người Lao Động, ngày 6 Tháng Bảy, hai phó thủ tướng là ông Trương Hòa Bình và ông Trịnh Đình Dũng chủ trì một hội nghị bàn về các hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi.
Ông Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công An, cho biết đến Tháng Năm có 824 mỏ cát, sỏi được các tỉnh, thành cấp phép. Sai phạm tại các mỏ cát thường gặp là khai thác vượt khối lượng và số lượng phương tiện cho phép; không xuất hóa đơn, chứng từ không đúng quy định… Một số địa phương thiếu quản lý chặt chẽ dẫn đến một số chủ mỏ vi phạm pháp luật dẫn tới khiếu kiện trong nhân dân, như ở Phú Thọ, Bắc Giang, Đồng Nai…
Đáng chú ý, đối với các dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa tận thu sản phẩm, nổi lên tình trạng vi phạm khai thác ngoài phạm vi dự án, lợi dụng khai thác cát trái phép… Nạn “cát tặc” hoạt động nhiều ở một số tuyến các sông Lô, Đà, Hồng, Thái Bình, Lai Vu, Mã, Lam, Hiếu, Trà Khúc, Hương, Đồng Nai, Sài Gòn, Tiền, Hậu… Tình hình nóng đến mức ở một số địa phương, người dân lập chốt ngăn chặn, chống cát tặc.
Một vấn đề đáng lo ngại, theo ông Bùi Phạm Khánh, thứ trưởng Bộ Xây Dựng, là việc lãng phí tài nguyên cát cho san lấp công trình xây dựng. Ông Khánh và cả ông Vương đề nghị có giải pháp hạn chế việc dùng cát cho san lấp nền móng công trình, vừa lãng phí và gây cạn kiệt tài nguyên.
“Khu đô thị quốc tế Đa Phước ở Đà Nẵng phải sử dụng 7 triệu mét khối cát để san lấp. Với số lượng lớn như vậy, cả khu vực miền Trung lấy đâu ra cát nên họ mới đi mua lung tung. Phải lưu tâm để giải quyết chuyện này,” ông Vương lo lắng.
Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ lo ngại trước nạn khai thác cát, sỏi tràn lan. Ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại quy hoạch, giấy phép về thăm dò, khai thác cát, sỏi.
“Nếu quy hoạch, giấy phép nào còn phù hợp thì tiếp tục thực hiện, không còn phù hợp thì phải thay đổi quy hoạch hoặc rút giấy phép khai thác. Bên cạnh đó phải gắn quy hoạch khai thác cát sỏi với bảo đảm chống sạt lở bờ sông, biển; gắn với nhu cầu của thị trường, nhu cầu đầu tư xây dựng,” ông Dũng khẳng định. (Q.D.)

Dân Sài Gòn vẫn phải tiêu thụ 50% thực phẩm bẩn

Người dân không biết đâu là thực phẩm an toàn. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y Tế Sài Gòn, nếu tính quy mô toàn thành phố Sài Gòn thì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm trên 50%. Do đó, vẫn còn khoảng hơn một nửa thực phẩm đang tiêu thụ trên địa bàn thành phố là chưa an toàn.
Tại phiên họp chiều 5 Tháng Bảy của kỳ họp thứ 5 Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn khóa IX, các đại biểu đánh giá vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập từ khâu sản xuất đến vận chuyển, chế biến và tiêu dùng.
Theo phúc trình của Sở Y Tế, hiện nay ở Sài Gòn có 240 chợ truyền thống, siêu thị và hơn 19,000 cửa hàng ăn uống đường phố. Kết quả kiểm tra các chợ, cơ sở kinh doanh ăn uống, tỉ lệ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, mặc dù chính quyền có nhiều chương trình “nâng cao quản lý an toàn thực phẩm,” nhưng các giải pháp chưa đủ để người dân sử dụng được thực phẩm an toàn.
Cụ thể, trong quá trình xuất thực phẩm nguyên liệu hiện tại vẫn còn dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong khi khâu chế biến thì việc sử dụng chất phụ gia, hương liệu vẫn tồn tại. Chưa hết, đến khâu vận chuyển lưu thông, việc sử dụng các chất bảo quản, chất cấm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Báo điện tử Một Thế Giới dẫn lời Giám Đốc Sở Y Tế Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm hiện vẫn còn khó khăn, việc xử phạt vẫn còn khiêm tốn và vẫn chưa kiểm soát được nhiều cửa hàng ăn uống, thức ăn đường phố nhỏ lẻ…
Ông cho hay, trong hai năm 2015 và 2016, đoàn thanh tra liên ngành ba sở gồm Y Tế, Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, Công Thương đã tiến hành kiểm tra 98,000 cơ sở thực phẩm, phát hiện 15,000 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 11,000 cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí nói rằng kết quả khảo sát này khiến ông cùng người dân cực kỳ hoang mang. Bởi lẽ, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, khâu nào người dân cũng không thấy yên tâm 100%. Đặc biệt, trong khi chờ kiểm nghiệm thì thực phẩm đã được tiêu thụ hết cũng là vấn đề khiến các đại biểu lo ngại. (Tr.N)

Hơn 30 tổ chức kêu gọi điều tra cái chết của Nguyễn Hữu Tấn

Theo VOA-07/07/2017
Chị Huỳnh Thị Muội bên cạnh quan tài của chồng, anh Nguyễn Hữu Tấn. Ảnh chụp từ Youtube 108TV Channel.
Chị Huỳnh Thị Muội bên cạnh quan tài của chồng, anh Nguyễn Hữu Tấn. Ảnh chụp từ Youtube 108TV Channel.
Ân xá Quốc tế và hơn 30 tổ chức khác vừa gửi thư ngỏ cho Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm, kêu gọi Việt Nam tiến hành một cuộc điều tra “độc lập, không tư vị và hiệu quả” về cái chết gây nhiều nghi vấn của ông Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, tại trại tạm giam công an Vĩnh Long hồi đầu tháng 5.
Trong thư, các tổ chức kêu gọi Việt Nam chấm dứt đe dọa và sách nhiễu đối với gia đình ông Tấn.
Ông Nguyễn Hữu Tấn bị công an bắt vào ngày 2/5 với cáo buộc “phát tán tài liệu chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam”, vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Ngày hôm sau, công an báo cho gia đình biết ông Tấn đã dùng dao cắt cổ tự sát.
Gia đình nói họ không tin ông Tấn tự tử, mặc dù chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã chiếu cho gia đình xem hai đoạn video, trong đó có một người đàn ông cầm dao tự cắt cổ và chính quyền nói đó là Nguyễn Hữu Tấn.
Tuy nhiên, thư ngỏ của các tổ chức quốc tế dẫn lời ông Nguyễn Hữu Quang, cha của Nguyễn Hữu Tấn, cho biết trong video đầu tiên, người đàn ông cầm dao bằng tay trái tự cắt cổ mình, trong khi Nguyễn Hữu Tấn là người thuận tay phải. Còn người đàn ông tự cắt cổ trong đoạn video thứ hai mà công an chiếu cho gia đình xem lại có động tác khác với người đàn ông trước. Vì vậy, ông nghi ngờ cả hai video đều được ngụy tạo.
Ông Nguyễn Hữu Quang bày tỏ hoài nghi rằng con trai ông có thể đã bị tra tấn và giết chết. Vì sau khi trông thấy những vết thương trên thi thể con, ông Quang cho là khó có khả năng nạn nhân tự gây ra những vết thương này.
Theo thư ngỏ, gia đình ông Tấn đã yêu cầu đưa thi thể ông về nhà để tiến hành khám nghiệm tử thi độc lập, nhưng công an đã giữ thi thể trong nhiều giờ trước khi trả. Khi trả lại, họ đã lau sạch vết máu trên xác ông Tấn và may lại vết đứt trên cổ họng nạn nhân. Ngoài ra, công an cũng phá hủy và tịch thu điện thoại của thân nhân ông Tấn sau khi họ chụp ảnh tử thi.
Dân biểu Chris Smith (trái) và bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của ông Nguyễn Hữu Tấn, tại buổi điều trần ở Hạ viện Hoa Kỳ, ngày 25/5/2017.
Dân biểu Chris Smith (trái) và bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của ông Nguyễn Hữu Tấn, tại buổi điều trần ở Hạ viện Hoa Kỳ, ngày 25/5/2017.
Tại buổi điều trần ở Hạ viện Hoa Kỳ, thân nhân ông Nguyễn Hữu Tấn cho biết gia đình đã phải sống trong sự sợ hãi và hoảng loạn sau cái chết của ông.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ông Tấn, nói công an liên tục gây áp lực và đe dọa gia đình. Theo lời bà Phượng, chính quyền còn dọa sẽ bắt giam anh và em trai ông Tấn.
Trả lời VOA tối 6/7, bà Phượng cho biết ngôi nhà của gia đình ông Tấn đang bị theo dõi bằng nhiều camera gắn ở các nhà hàng xóm xung quanh và rất khó liên lạc bằng điện thoại.
“Họ cài đặt tùm lum, cô lập nhà em. Camera giờ họ đặt đầy nhà, ngang cửa, qua cửa tùm lum, cả chục máy".
Cùng ký tên trong thư ngỏ có Ủy ban Cứu người Vượt biển, Ủy ban Luật gia Quốc tế, Nhân quyền Không biên giới Quốc tế, Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á châu và nhiều tổ chức tôn giáo, xã hội dân sự khác.
Giám đốc điều hành của tổ chức Công giáo Đoàn kết Toàn cầu (CSW), Mervyn Thomas, trong bài viết đăng trên trang web của tổ chức, nhận định: “Đây là một trường hợp gây sốc và bi thảm” và “Việc quấy rối các thành viên trong gia đình là phi lý, bất hợp pháp và vô nhân đạo”.
Theo thống kê chính thức của Bộ Công an công bố vào tháng 3/2015, chỉ trong khoảng thời gian 3 năm, từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014, đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ hay trại tạm giam trên toàn quốc Việt Nam. Bộ Công an lý giải nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này là do “bệnh lý” và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam “tự sát”.

Lai Châu: Mưa lũ gây chết người, cô lập nhiều xã

Nhiều tuyến đường giao thông tại Lai Châu bị hư hỏng nặng nề do mưa lũ. (Hình: Báo Lao Động)
LAI CHÂU (NV) – Mưa lớn kéo dài đã khiến nước lũ cuốn trôi người và làm lật những cây cầu tạm, khiến hàng trăm hộ dân ở một số huyện bị cô lập.
Theo Sở Nông nghiệp tỉnh Lai Châu, mưa liên tục gần một tuần qua, khiến nhiều nhà cửa bị ngập, giao thông tê liệt. Nước lũ đã cuốn trôi 2 người, trong đó có một cháu nhỏ 2 tuổi. Một người vẫn còn đang mất tích.
Báo Lao Động ngày 6 Tháng Bảy loan tin, tại bản Nậm Xe, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, 88 hộ dân bị cô lập hơn một tuần nay do mưa, lũ dâng cao. Toàn bộ nhu yếu phẩm sinh hoạt đều phải nhờ người dân ở bản Mỏ phía bên kia suối cho vào bao tải rồi dùng dây kéo qua.
Mặc dù trước đây bản có cầu treo tạm bắc qua suối, song do cầu xuống cấp không sử dụng được nên đã được dỡ đi để thi công cầu mới. Tuy nhiên, việc xây dựng chậm đã khiến các hộ dân lâm vào cảnh bị cô lập trong mưa lũ, dẫn đến chuyện đau lòng.
Ông Lý Văn Chúc, ở bản Co Muông, xã Nậm Xe, cho biết, cuối tuần trước, người nhà của ông bị cảm. Do nước lũ lên rất cao, chảy xiết, không còn cách nào khác, gia đình phải đi bộ đường vòng mất 3 tiếng để đưa người đi cấp cứu, tuy nhiên khi sang đến nơi thì đã chết.
Còn tại xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, nước lũ đã cuốn trôi cầu tạm bắc qua suối khiến cho hơn 100 hộ dân và hai trường học bị cô lập. Tuy hiện giờ lũ rút bớt, ngưởi dân  dùng bè di chuyển, song việc đi lại rất nguy hiểm.
Tương tự, nước lũ dâng cao làm lật cầu treo tạm vào bản Nà Phát, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, khiến trên 170 hộ dân với hơn 1,000 nhân khẩu bị cô lập tạm thời.
Tin Thông tấn xã Việt Nam cho biết, trong đợt mưa lũ kéo dài hơn một tuần qua, không chỉ người dân ở các địa phương trên mà còn nhiều nôi khác trong tỉnh Lai Châu cũng bị cô lập tạm thời vì chưa có cầu hoặc cầu đang thi công dở dang, có cầu tạm nhưng bị nước lũ cuốn trôi. (Tr.N)

Bị cô lập, người dân Sủng Hoảng liều mình qua dòng lũ

Con đường duy nhất qua thôn Sủng Hoảng bị nước lũ cuốn trôi, người dân liều mình băng qua dòng nước lũ chảy xiết và sâu đến ngực. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
LÀO CAI, Việt Nam (NV) – Con đường tạm qua suối dẫn vào khu tái định cư thôn Sủng Hoảng 2 (xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai) bị lũ cuốn trôi khiến 35 gia đình bị cô lập, người dân phải liều mình băng qua dòng nước lũ chảy xiết.
Mưa liên tục trong những ngày qua, lũ trên các sông suối tại tỉnh Lào Cai lên nhanh gây sạt lở nhiều tuyến đường. Cụ thể, tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, lũ cuốn trôi hoàn toàn con đường tạm duy nhất đi qua suối dẫn vào khu tái định cư thôn Sủng Hoảng 2.
Theo báo Tuổi Trẻ, cho đến chiều 3 Tháng Bảy, 35 gia đình với gần 180 người thuộc thôn Sủng Hoảng 2, xã Phìn Ngan, gần như tách biệt với bên ngoài. Tuy nhiên, bất chấp nguy hiểm, nước sâu đến ngực, người dân vẫn phải băng qua suối để mang hàng hóa, thức ăn, vật dụng… để mưu sinh.
Để có gạo ăn, người dân không còn cách nào khác phải vác từng bao lúa qua dòng nước lũ rồi đi xay thành gạo, rồi lại vác mang về. Mỗi lần đi qua suối, nhiều người phải băng qua dòng nước sâu đến ngực rất khó khăn và nguy hiểm.
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Tẩn Láo Tả, chủ tịch xã Phìn Ngan, cho biết nước lũ vẫn dâng cao nên xã chưa thể làm cầu tre tạm qua suối cho người dân đi lại.(Tr.N)

Hàng loạt ngân hàng ngoại quốc đang rút khỏi Việt Nam

Chi nhánh HSBC tại Sài Gòn. HSBC đã quyết định rút khỏi Việt Nam bằng cách chuyển nhượng vốn cho Techcombank. (Hình: Báo Công Thương)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhiều ngân hàng ngoại quốc đang rút ra khỏi các liên doanh ngân hàng bằng cách chuyển nhượng cổ phần cho những đối tác là ngân hàng phía Việt Nam.
Báo điện tử BizLive vừa công bố thống kê liên quan đến cuộc rút lui tuy lặng lẽ nhưng rất đáng chú ý này.
Theo đó, cuộc rút lui khởi đầu hồi Tháng Ba với Standard Chartered – một tập đoàn ngân hàng đa quốc gia. Vào thời điểm đó, Standard Chartered đột nhiên rút hai đại diện của họ khỏi Hội Đồng Quản Trị của Ngân Hàng Á Châu (ACB).
Tuy Standard Chartered không giải thích tại sao nhưng các chuyên gia tin rằng, động tác vừa kể là sự chuẩn bị cho chuyện rút vốn khỏi ACB – theo luật pháp Việt Nam, đại diện ngân hàng ngoại quốc trong các liên doanh ngân hàng ở Việt Nam phải rời khỏi Hội Đồng Quản Trị của liên doanh trước khi rút vốn 18 tháng. Gần đây, Standard Chartered đã chính thức xác nhận đang thảo luận với ACB về kế hoạch rút vốn ra khỏi ACB.
Đến tháng, ANZ – một ngân hàng của Úc và New Zealand, loan báo toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam (tám chi nhánh và phòng giao dịch) cho chi nhánh Việt Nam của Shinhan – một ngân hàng Nam Hàn. Các chuyên gia dự đoán, vụ chuyển nhượng này sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Tới giữa Tháng Sáu, trên trang web chính thức, ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) gửi thông báo xin ý kiến cổ đông để mua lại khoảng 20% cổ phần mà HSBC – một trong những tổ chức tài chính, ngân hàng lớn nhất thế giới đang nắm giữ. Nói cách khác, HSBC đã quyết định rời Việt Nam sau 12 năm hoạt động tại đó.
Mới đây, tới lượt Commonwealth Bank of Australia (CBA) thông báo sẽ hoàn tất việc chuyển giao mọi thứ có liên quan tới mình tại Việt Nam cho ngân hàng Quốc Tế (VIB) trong quý ba này. CBA mở chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam hồi năm 2008 và đến 2010 thì góp khoảng 20% vào VIB. CBA là cổ đông lớn nhất của VIB.
Nói với phóng viên báo điện tử BizLive, ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế, nhận định đó là những dấu hiệu đáng ngại. Chuyện hàng loạt tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc lần lượt rút khỏi Việt Nam cho thấy thị trường tài chính Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và không mang lại lợi nhuận như thiên hạ mong đợi.
Ông nói rằng điều đó khác hoàn toàn với thời điểm cách nay 20 năm. Lúc ấy, các tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc thi nhau mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam.
Cũng theo lời ông, chuyện các tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc rút khỏi Việt Nam đã manh nha trong năm năm vừa qua thông qua việc nhượng lại cổ phần cho một số tổ chức tài chính, ngân hàng Châu Á như Nhật, Nam Hàn, Singapore và các ngân hàng thương mại của Việt Nam.
Ông phỏng đoán, hiện tượng các tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc thi nhau rút khỏi Việt Nam chắc chắn có liên quan đến cung cách quản trị ngân hàng tại Việt Nam có quá nhiều khác biệt với chuẩn mực chung, tỉ lệ nợ xấu (nợ có khả năng mất cả vốn lẫn lãi) quá lớn.
Trước đây, chính phủ liên tục trấn an cả Quốc Hội lẫn dân chúng rằng họ đã kiểm soát được nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng cho vay đã giảm đáng kể.
Các báo cáo chính thức về nợ xấu, tổng hợp từ báo cáo của những tổ chức tín dụng tại Việt Nam, xác định, đến hết năm 2015, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã giải quyết được 493,000 tỷ đồng nợ xấu. Tới hết năm 2016, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2.46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.
Đến Tháng Tư vừa qua, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam mới thú thật là tỉ lệ nợ xấu có thể gấp ba lần báo cáo chính thức. Nếu xét cả nợ xấu mà công ty Quản Lý Tài Sản Các Tổ Chức Tín Dụng Việt Nam (VAMC) đang xử lý và những khoản nợ tiềm ẩn rủi ro trở thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu xấp xỉ 8.86% tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.
Tháng trước, lúc đề nghị Quốc Hội thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi), chính phủ mới tiết lộ tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17.21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600,000 tỷ đồng!
Ai cũng biết, nợ xấu càng cao thì khả năng gặp rủi ro, thậm chí sụp đổ của hệ thống ngân hàng càng lớn. (G.Đ.)

Công ty Trung Quốc đến Huế giăng băng rôn ‘đến với Đại Nam Hải’

Tấm băng rôn đón nhóm du khách Trung Quốc bị thu giữ ở cảng Chân Mây. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)
THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Cảng Chân Mây vừa thu giữ một băng rôn đón một đoàn khách Trung Quốc đến du lịch tại Việt Nam có dòng chữ “đến với Đại Nam Hải” bị cho là “đụng chạm đến chủ quyền Việt Nam.”
Theo báo Tuổi Trẻ, trên một trang mạng xã hội cho biết một nhóm du khách người Trung Quốc đã đến cảng Chân Mây để đón một gia đình người Trung Quốc cập cảng sáng 4 Tháng Bảy. Nhóm du khách này đã căng băng rôn có nội dung: “Công ty Yandi Việt Nam chào mừng gia đình Yandi đến với Đại Nam Hải.”
“Dòng chữ Hán của bên dưới tấm băng rôn là: ‘Việt Nam tử công ty hoan nghênh Viêm Đế gia nhân ngao du Đại Nam Hải.’ Dịch nghĩa là: ‘Công ty con Việt Nam chào mừng người nhà Viêm Đế dạo chơi Đại Nam Hải,’” theo tin báo này.
“Cũng trang mạng này cho biết, khi nhân viên hải quan cửa khẩu hỏi sao lại đến với Đại Nam Hải, thì một du khách giải thích là vì: ‘Huế, Đà Nẵng trực thuộc Đại Nam Hải của Trung Quốc,’” trích báo Tuổi Trẻ.
Sáng 5 Tháng Bảy, ông Nguyễn Văn Hùng, đồn trưởng Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Chân Mây (Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế), xác nhận với báo Tuổi Trẻ “có xảy ra sự việc như trên, nhưng không đúng như thông tin trên mạng.”
Ông Hùng cho biết những người này là nhân viên của công ty Yandi Việt Nam ở Sài Gòn, đang đi du lịch qua Huế thì dừng lại chào đón người của công ty Yandi ở Trung Quốc đang đi trên tàu du lịch cập cảng Chân Mây.
“Đại Nam Hải là tên của một công ty ở Bình Dương. Công ty này và công ty Yandi Việt Nam có cùng một công ty mẹ ở Trung Quốc. Gia đình Yandi đang đi trên tàu là người của công ty mẹ,” theo báo Tuổi Trẻ.
Ông Hùng cũng khẳng định không có người khách nào phát ngôn “Huế, Đà Nẵng trực thuộc Đại Nam Hải của Trung Quốc” như trên mạng lan truyền. Vì sự việc không có gì bất thường, nên các cơ quan chức năng đã không làm gián đoạn chuyến đi chơi của du khách, đồng thời giữ lại tấm băng rôn dễ gây hiểu nhầm.
Trong khi đó, nói với báo Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Toàn, tổng giám đốc công ty cảng Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), cho biết khoảng 7 giờ sáng 4 Tháng Bảy, tàu du lịch Voyager of The Seas mang quốc tịch Bahamas chở theo 3,577 khách và 1,152 thủy thủ cập cảng Chân Mây do Saigontourist tổ chức.
Khi tàu cập cảng, có một nhóm người đến đón khách bất ngờ giăng băng rôn song ngữ Trung-Việt nội dung “Công ty Yandi Việt Nam chào mừng gia đình Yandi đến với Đại Nam Hải.” Nhân viên của cảng đã yêu cầu những người đón đoàn hạ băng rôn xuống và tạm giữ, sau đó công ty báo với cơ quan chức trách để phối hợp giải quyết. Tối cùng ngày, tàu du lịch trên đã rời cảng Chân Mây.
Lý do tàu mang quốc tịch Bahamas nhưng lại có người đón với băng rôn song ngữ Trung-Việt là vì “ngoài hàng ngàn khách du lịch, trên tàu này còn chở theo gia đình của vị tổng giám đốc công ty Yandi (có trụ sở chính tại Thượng Hải, Trung Quốc và có chi nhánh tại Việt Nam) đến thăm viếng Việt Nam,” theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Theo tin báo Tuổi Trẻ, công ty Yandi Việt Nam có trụ sở ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1, Sài Gòn. Còn công ty Đại Nam Hải ở đường Thủ Khoa Huân, khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Cả hai công ty này đều của nhà đầu tư Trung Quốc. (Tr.N)

Thanh Hóa lấy Trạm Cảnh Báo Bão và Sóng Thần làm nhà nghỉ

Trạm Cảnh Báo Bão và Sóng Thần kiêm nhà nghỉ Ngọc Dũng. (Hình: Báo điện tử Zing)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Trạm Cảnh Báo Bão và Sóng Thần thuộc Chi Cục Đê Điều và Phòng Chống Lụt Bão tỉnh Thanh Hóa mới được đầu tư sửa chữa hơn 12 tỷ đồng được cho “mượn” để kinh doanh khách sạn.
Cứ vào dịp Hè, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đổ về thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, thăm viếng, nghỉ dưỡng. Lượng khách du lịch đông, trong khi số phòng nghỉ có hạn nên giá thuê phòng bị đẩy lên cao và luôn trong tình trạng thiếu phòng.
Theo báo điện tử Dân Trí, thấy số phòng của Trạm Cảnh Báo Bão và Sóng Thần (địa chỉ tại đường Thanh Niên, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn) để không, khoảng hai năm trở lại đây, nơi này đã cho một đối tác “mượn” để phục vụ khách du lịch.
Từ đó, tòa nhà được xây dựng năm tầng với hơn 20 phòng làm việc, thay vì để phục vụ công việc, thì hai năm nay, tầng một được bố trí cho lễ tân và nhà ăn, tầng năm là hội trường, và hơn 2/3 số phòng được lắp máy điều hòa, kê giường, trang thiết bị… biến thành “nhà nghỉ Ngọc Dũng” để cho khách du lịch đến thuê ở.
Chiều 4 Tháng Bảy, phóng viên báo điện tử Zing trong vai khách thuê phòng nghỉ và được nhân viên lễ tân giới thiệu giá phòng ở đây “mềm” hơn các khách sạn, nhà nghỉ khác.
“Nếu không có biển tên ngoài cổng thì nhiều người không thể biết đây là công trình nhà nước xây để làm Trạm Cảnh Báo Bão và Sóng Thần, mà cứ nghĩ nó là nhà nghỉ,” một người dân bất bình nói.
Nói với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nhân, phó Chi Cục Đê Điều và Phòng Chống Lụt Bão tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận trạm đang cho một cá nhân “mượn” để kinh doanh nhà nghỉ.
“Theo ông, năm 2012, trạm này được tu sửa lại nhưng không có cơ sở vật chất, trang thiết bị nên bỏ không. Nhận thấy việc bỏ không là lãng phí, Công Đoàn của chi cục đã đề xuất cho công ty xây dựng-thương mại Tiến Anh ‘mượn’ để làm nhà nghỉ, đồng thời cũng tạo điều kiện cho đoàn viên của chi cục có chỗ nghỉ dưỡng khi có nhu cầu,” báo này viết.
Ông cho biết thêm: “Chi cục đang có kế hoạch sửa chữa các thiết bị đo đạc các yếu tố khí tượng, thủy văn đã bị hư hỏng và lắp đặt mới trang thiết bị cảnh báo bão và sóng thần, đồng thời sẽ yêu cầu công ty Tiến Anh bàn giao nguyên trạng trước ngày 10 Tháng Bảy.” (Tr.N)

Hàng ngàn hồ, đập ở Việt Nam có thể vỡ trước mùa mưa bão

Đập chính Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên, bị thấm nặng, tạo thành vệt nước dài theo độ dốc, phải sửa chữa. (Hình: Báo Xây Dựng)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam hiện còn khoảng 1,150 trong số 6,650 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp, đang trong tình trạng có thể vỡ bất cứ lúc nào trước mùa mưa bão.
Báo Lao Động dẫn thống kê của Tổng Cục Thủy Lợi thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn cho biết hiện Việt Nam có 6,648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ khối. Trong số hồ chứa có dung tích trên 10 triệu khối có 181 hồ bị hư hỏng, 35 hồ thiếu khả năng xả; 715 hồ dung tích từ 1-3 triệu khối đang hư hỏng nặng…
Cụ thể, Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Phú Thọ cho hay tỉnh hiện có 420 hồ chứa thủy lợi đang quản lý khai thác có dung tích từ 3-10 triệu khối. Phần lớn được xây dựng cách đây 30 đến 40 năm, đến nay đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Tỉnh Nghệ An cũng là tỉnh có số lượng hồ chứa lớn nhất Việt Nam, với 625 hồ, cá biệt có hồ đã được xây dựng cách đây trên 50 năm.
Phần lớn các hồ đập đều được “nhân dân và địa phương xây dựng” nên việc khảo sát, thiết kế còn hạn chế, thi công chủ yếu bằng vật liệu tại chỗ và đào đắp thủ công.
Các chuyên gia thủy lợi cũng cho rằng, hầu hết các đập đã được xây dựng ở Việt Nam là đập đất. Phân tích 100 hồ đã có dự án sửa chữa cải tạo hoặc nâng cấp thì 71 hồ có hiện tượng hư hỏng ở đập. Như vậy đập là loại công trình đầu mối có hư hỏng chiếm tỉ lệ cao nhất.
Theo Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, sau 10 năm duy tu đến nay, các hồ có dung tích lớn 3-10 triệu khối đã được sửa chữa ở mức “bảo đảm an toàn.” Song, ước tính còn khoảng 1,150 hồ chứa nhỏ dung tích 1-3 triệu khối bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp.
Báo này cho biết: “Ngoài ra, Việt Nam còn khoảng hơn 2,500 hồ chứa nhỏ có dung tích dưới 200,000 khối nước, nằm phân tán do thôn, xã quản lý không có tài liệu để đánh giá tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trong số này, chính phủ phê duyệt sửa chữa được 663 hồ; còn khoảng 1,150 hồ đang bị hư hỏng nặng cần được sửa chữa, nâng cấp trong giai đoạn 2016-2020, nhưng không được xếp vào danh sách ưu tiên sửa chữa do quy mô dung tích nhỏ.” (Tr.N)