Friday, June 16, 2017

Việt Nam: Không thể cải cách nếu chạy theo thành tích

Khai thác dầu ở thềm lục địa Việt Nam. Năm nay, Việt Nam dự trù hút thêm một triệu tấn dầu thô để có thể đạt “chỉ tiêu tăng trưởng”. (Hình: VnExpress)
VIỆT NAM (NV) – Đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia và khuyến cáo này vừa được lập lại trong báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam mà Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) công bố.
Sau khi trở thành Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc liên tục cam kết sẽ tiến hành cải cách toàn diện để Việt Nam có một “chính quyền kiến tạo”. Tuy nhiên đầu tháng này, cũng chính ông Phúc thề sẽ “kỷ luật” các viên chức hữu trách nếu kinh tế Việt Nam không đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội Việt Nam đã đề ra là 6.7% GDP so với năm ngoái.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, trước vô số khó khăn như hiện nay, mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam chỉ khoảng 6,3% GDP. Ho tin rằng, giống như năm trước, năm nay, mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam khó mà đạt “chỉ tiêu”.
Để mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đạt “chỉ tiêu”, chính phủ Việt Nam dự trù sẽ tăng sản lượng dầu thô, hỗ trợ hệ thống nhà máy của tập đoàn Samsung để dựa vào đó nâng kim ngạch xuất cảng của quốc gia… Thậm chí, nhiều người tin rằng, việc cho phép Formosa vận hành nhà máy thép tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng nhằm cải thiện GDP.
Đó cũng là lý do khiến các chuyên gia lên tiếng. Theo họ, nếu tiếp tục chạy theo thành tích như nội các cũ do ông Nguyễn Tấn Dũng điều hành, cam kết cải cách sẽ chỉ là tuyên bố suông.
Báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam mà VERP công bố cũng lưu ý, nếu tìm mọi cách để đạt “chỉ tiêu tăng trưởng” thì phải trì hoãn cải cách.
Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ, trong buổi công bố báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP, nhấn mạnh, trở ngại lớn nhất cho kinh tế Việt Nam là ngân sách thâm hụt triền miên, nợ nần tăng nhanh và nhiều, không thể giảm được chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền), trong khi đó hệ thống công quyền thiếu chuyên nghiệp, thường xuyên can thiệp vô nguyên tắc vào thị trường,… Những yếu tố đó khiến doanh giới ngần ngại đầu tư dài hạn vì không dự trù được rủi ro, ảnh hương bất lợi cho tăng trưởng.
Nếu tìm cách đạt cho bằng được “chỉ tiêu tăng trưởng”, chính phủ Việt Nam sẽ phải trì hoãn cải cách để khai thác tối đa các nguồn lực nhằm tiếp cận “chỉ tiêu tăng trưởng”. Chẳng hạn chuyện cổ phần hóa, rút vốn khỏi khối doanh nghiệp nhà nước sẽ phải chậm lại vì khối này là một công cụ để nâng số liệu tăng trưởng trong năm nay. Muốn đạt “chỉ tiêu tăng trưởng” sẽ phải can thiệp vào thị trường, điều này không chỉ trái với mục tiêu xây dựng “chính quyền kiến tạo” mà còn đẩy tỉ lệ lạm phát tăng từ 2,35% lên 3,5%.
Ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ trưởng Thương mại, khuyến cáo, chính phủ Việt Nam cần phải kiên định với việc thay đổi mô hình quản trị từ chỉ huy sang kiến tạo, chú ý khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Chú tâm vào việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư hơn là đạt “chỉ tiêu tăng trưởng”. Tương tự, ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tin rằng, cắt giảm chi phí, xóa bỏ độc quyền, tận dụng nguồn lực của các thành phần kinh tế mới là mục tiêu cần phải theo đuổi. (G.Đ)

Chết vì ‘treo cổ bằng dây thun quần’ sau khi ‘làm việc’ với công an phường

Bà Từ Thị Nhường (thứ hai, phải) vợ ông Tâm đau khổ, hoang mang về cái chết của chồng tại trụ sở công an phương. (Hình: Báo Thanh Niên)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một ông được công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, mời lên làm việc, ngày hôm sau người vợ nhận được thông báo chồng mình đã “treo cổ bằng dây thun quần.”
Kể lại với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Từ Thị Nhường (ngụ tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức), vợ nạn nhân Ngô Chí Tâm (40 tuổi) cho biết, khoảng 8 giờ tối 13 Tháng Sáu, một công an phường Tam Bình đến tận nhà kêu ông Tâm lên trụ sở công an có việc.
Đến sáng 14 Tháng Sáu, công an phường và tổ trưởng khu phố đến nhà mời bà lên phường. “Khi lên phường, họ thông báo là chồng tôi đã thắt cổ chết tại phường Tam Bình. Họ hỏi chồng tôi có buồn phiền chuyện gì không, tôi nói là chồng tôi đang phụ giặt quần áo với tôi thì mấy anh mời đi… Tôi thấy rất vô lý, chồng tôi sống với tôi 20 năm nay không có chuyện gì, tại sao phải thắt cổ chết ở phường,” bà bực tức kể.
Theo báo điện tử Infonet, bà Nhường cho biết, cách đây 4-5 năm, chồng bà đã đi cai nghiện xong rồi trở về với gia đình. Sau đó, ông tu chí làm lụng lo cho vợ con. Ông bán đồ điện, bà giặt đồ thuê, gia đình có ba người con.
“Công an từng mời anh lên 2-3 lần, thường thì hỏi anh làm gì, còn sử dụng hay không. Tuy nhiên, sau lần mời lên công an phường lần này, gia đình được phía công an phường thông báo anh Tâm thắt cổ chết bằng dây thun quần tại công an phường,” bà kể.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Văn Lâu, cha của nạn nhân, cho hay ông được mời đến nhận mặt con trước khi pháp y mổ và: “Lúc đó, tôi thấy mắt con tôi tụ máu, có chảy máu miệng và mặt sưng.”
Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn, trưởng công an quận Thủ Đức, chỉ cho biết, “Đã nhận được thông tin về vụ việc. Hiện công an Sài Gòn đang điều tra nên công an quận Thủ Đức chưa thể cung cấp thông tin gì thêm.” (Tr.N)

Thiếu tá công an chiếm đất, lấp kênh xây nhà không phép

Một phần công trình xây dựng kiên cố của ông Hà nằm trọn trên kênh Sóc Mồ Côi. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
SÓC TRĂNG, Việt Nam (NV) – Gia đình ông thiếu tá công an ở thị trấn Trần Đề ngang nhiên lấp kênh, chiếm đất rồi xây nhà không phép, gây ngập nước cho các gia đình xung quanh.
Ông Hồ Thanh Hóa, ngụ ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, cho biết ông sinh sống ở đây trên 30 năm, chưa bao giờ chịu cảnh nhà cửa bị ngập nước mỗi khi có mưa như hiện nay.
Theo ông, dãy nhà ông nằm đâu lưng với một dãy nhà khác, có đường thoát nước chảy ra kênh Sóc Mồ Côi rồi dẫn ra kênh Kinh Ba. Tuy nhiên, cách đây khoảng hai tháng, vợ chồng ông Trần Quang Hà, thiếu tá, đội phó Đội Cảnh Sát Giao Thông, công an huyện Trần Đề, đổ cát san lấp kênh Sóc Mồ Côi để xây dựng kiên cố, bít đường thoát nước. Do vậy, mỗi khi có mưa lớn, nhà của ông và một số nhà khác bị ngập.
“Lúc ông Hà mới đổ xe cát đầu tiên, tôi có nói đây là đất nhà nước, không ai được lấn chiếm. Còn nếu có làm, phải đặt cống để thoát nước, nhưng ông Hà bỏ ngoài tai,” ông Hóa tức giận nói.
Cùng tâm trạng, ông Huỳnh Văn Châu thở dài: “Chưa bao giờ người dân chúng tôi chịu cảnh khổ như bây giờ. Ngày nào mưa nhiều, nước không thoát được, tràn vào nhà, phải kê đồ đạc và tát nước suốt đêm. Chúng tôi kêu cứu chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.”
Nói với báo Tuổi Trẻ ngày 15 Tháng Sáu, ông Đặng Minh Thường, phó chủ tịch thị trấn Trần Đề, cho biết kênh Sóc Mồ Côi một hướng chảy ra kênh Kinh Ba và một hướng chạy dài đến Ngăn Rô, xã Đại Ân 2. Ngoài ông Hà đổ cát xây tường rào với diện tích trên 300 mét vuông, lấp bí kênh rạch, khiến dòng chảy bị ngăn lại, đoạn kênh này còn bị nhiều gia đình chiếm lấn, xây nhà phụ nhưng có đổ sàn.
Khi được hỏi về nguồn gốc đất, ông Thường cho biết gia đình ông Hà mua lại của người khác, giao dịch qua giấy viết tay. “Đây là kênh rạch thuộc nhà nước quản lý nên không có chuyện địa phương cấp quyền sở hữu cho bất cứ ai,” ông khẳng định.
Liên quan đến giấy phép xây dựng của ông Hà, ông Thường cho biết, do phần đất lấn chiếm là kênh rạch nên việc xây dựng của ông Hà không được cấp phép và khẳng định: “Ngay trong hôm nay, chúng tôi ra quyết định đình chỉ thi công công trình,” ông Thường cho hay.
Trong khi đó, ông Hà cho biết ông ở chung với mẹ của mình, việc mua đất và xây dựng do mẹ ông quyết định. “Tôi chỉ xây tường bao quanh, đổ cát dự định để trồng trọt, có xây bếp, làm chuồng nuôi bồ câu chứ không phải xây dựng để kinh doanh nhà trọ,” ông nói.
Khi được hỏi, việc lấn đất công, xây dựng không phép là đúng hay sai, ông Hà thừa nhận như vậy là sai. Tuy nhiên theo ông Hà, thấy những gia đình khác lấn kênh, ông cũng làm theo, nhưng không ngờ bị phản ứng. (Tr.N)