Friday, April 7, 2017

Dân chờ 7 năm chưa được bồi thường

RFA-2017-04-07  
Đường ĐT 768 đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng người dân nơi đây vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Đường ĐT 768 đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng người dân nơi đây vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.  Courtesy of viettoday.vn
Hàng ngàn người dân của hơn 1500 hộ tại huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai vẫn chưa được nhận tiền bồi thường thu hồi đất để làm đường ĐT 768 suốt 7 năm qua.
Mạng báo Pháp luật cho biết tin như vừa nêu vào ngày 7/4, trích dẫn lời một số người dân cho biết họ đã kêu cứu, khiếu nại, tố cáo khắp nơi nhưng các cơ quan chức năng chỉ hứa hẹn rồi không thấy thực hiện.
Hội đồng nhân dân huyện Vĩnh Cửu yêu cầu UBND huyện này phải bồi thường cho người dân, nhưng nhiều người dân cho biết đến nay vẫn chỉ là bồi thường trên giấy tờ.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Vĩnh Cửu  cho biết tổng kinh phí bồi thường cho người dân huyện Vĩnh Cửu khoảng 66 tỷ đồng. Tuy nhiên  trong quá trình bồi thường gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, việc thay đổi giá đất vật kiến trúc hàng năm đã kéo dài thời gian bồi thường cho dân.
Ông này cũng cho biết thêm rằng hiện tại cơ quan chức năng đã lập phương án bồi thường cho hơn ngàn hộ dân này để trình lên cấp tỉnh phê duyệt. Theo ông Phương, nhanh nhất thì cũng phải trong quý II năm 2017 mới làm xong.
Tin cho biết từ cuối năm 2009, Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Đồng Nai và Công ty Cổ Phần Sonadezi Châu Đức ký hợp đồng triển khai dự án đường DT 768 theo hình thức BOT ( Xây dựng- Vận hành- Chuyển giao)
Đoạn qua huyện Vĩnh gần 77 ngàn mét vuông của hơn 1500 hộ dân bị thu hồi. Vào thời điểm đó chính quyền vận động người dân cứ bàn giao mặt bằng trước, việc bồi thường sẽ tiến hành sau. Chủ đầu tư đưa con đường vào sử dụng và thu phí gần 4 năm qua.

Cá nuôi bè ở Vũng Tàu chết hàng loạt

RFA -2017-04-07  
Cá chết hàng loạt ở Việt Nam hôm 3/10/2016.
Cá chết hàng loạt ở Việt Nam hôm 3/10/2016.  AFP photo
Hiện tượng cá chết hàng loạt lại xảy ra đối với các lồng cá bè nuôi trên sông Chà Và, xã Sơn Long, thành phố Vũng Tàu.
Tin loan đi ngày 7 tháng tư cho hay trong 5 ngày qua cá nuôi trong lồng bè tại hộ của ông Nguyễn Văn Lợi đã chết trắng với số lượng 30.000 con. Đặc biết đây là những loại cá giống vừa được thả trong một vài tháng. Ông Lợi còn cho biết không chỉ cá mà tôm nuôi cũng chết với số lượng lớn. Những bè nuôi cá lồng sát với bè ông Lợi cũng xảy ra chuyện cá chết bất ngờ hàng loạt.
Người dân địa phương báo cáo  nguyên nhân cá chết là do nước thải từ cống số 6 chảy ra sông Chà Và và gây ô nhiễm nguồn nước. Hôm 6 tháng tư, Chi  Cục Thủy Sản tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, đến kiểm tra và thống kê, cho biết khoảng 45.000 con cá giống đã chết.
Trước đó báo chí trong nước từng đưa tin về việc nguồn nước tại hồ  chứa nước thải ở khu vực cống số 6  chuyển màu và bốc mùi hôi thối. Người dân tin rằng dòng nước bị ô nhiễm này chảy thoát ra nước sông Chà Và khiến hàng trăm hộ dân nuôi cá ở đây bị tác động.
Lãnh đạo địa phương đang cam kết làm rõ và xử lý việc này.
Trong khi đó thì hiện tượng ca chết trắng trên sông Bồ ở Thừa Thiên, Huế được cơ quan chức năng giải thích là do nuôi lồng quá dày.
Đó là kết luận ban đầu của Chi Cục Thú Y tỉnh Thừa Thiên, Huế, nói rằng cá chết hàng loạt là do được thả quá nhiều trong lúc dòng chảy không có, thiếu lượng oxy trong nước  và lượng thức ăn lại dư thừa.
Vẫn theo nhận định của Chi Cục Thú Y Thừa Thiên Huế thì phân tích mẫu nước cho thấy cá chết không phải vì dịch bệnh mà do môi trường nuôi thả không bảo đảm đúng phương cách.
Người dân nuôi cá lồng trên sông Bồ được khuyến cáo không nên thả thêm cá giống vào lúc này, nới rộng khoảng cách giữa các lồng cá và bơm thêm không khí vào các lồng nuôi.
Tình trạng cá chết tại Sông Bồ trong những ngày qua được người nuôi cho biết khiến họ phải lâm cảnh nợ nần.

Chuyện - Thật Bất Ngờ chế


Viết lời và trình bày: Sơn Túi Đỏ - Hà Tĩnh

Chuyện cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế...) và những vấn đề môi trường đáng báo động trong suốt thời gian qua thực sự đang gây nhức nhối trong dư luận và cần sự chung tay của cả cộng đồng để giải quyết vấn đề thực sự nguy bách này.

Lời bài hát: "Chuyện" - Thật Bất Ngờ Chế

Sơn Túi Đỏ - Hà Tĩnh

Trên báo những thông tin chen nhau đi một hàng
Người thợ lặn tử vong 
Xong đến chuyện chủ tịch làm ngơ
Dân bất ngờ nhận được thông tin 
Cứ tắm biển và ăn cá Vũng Áng.
Nguyên cớ do âm thanh nơi đây quá ồn ào. 
Một là chọn gang thép
Cá chết là chuyện thường tình thôi 
Hết cách rồi kìa ngư dân ơi 
Đất nước này còn gì trong tay chúng. 
Thế nên, bây giờ, điều quan tâm nhất là: 
Dân ăn thịt cũng bị bệnh
Ăn rau rồi cũng bị bệnh
Ăn chi rồi cũng nhập viện 
Chỉ muốn hét toáng lên!!!
Ngư dân cùng với đồng bào 
Thông tin miệng đói cồn cào
Ba hoa lời ra lời vào 
Một ngày mới nhốn nhao, nhốn nhao, nhốn nhao ao ao ao ao...
Từ ngày nhà cầm quyền sa bút
Câu chuyện ngày ngày càng thăng hoa 
Trên bản tin có lẽ anh hơi ngây ngô khi chia đất đai, tôi không có lỗi 
Và giờ thì nhất trí, ví tiền đầy mà tội dân oan
Về một thế giới, như mơ, như thơ, như Formosa ôi thật bất ngờ. 
Trên sóng xác cá tôm đang trôi dạt vô bờ
Chị cần gì ở đây...? (Tôi muốn dọn banh xác) 
Thì ngồi vào đây... (Tôi muốn dọn banh xác) 
Thì điền vào đây... 
Không có gì thì đừng loay hoay nhé!
Tôi muốn những đám đông xôn xao đang hô hào
Họ cầm gì trên tay, tôi muốn họ mạnh dạn đuổi ngay 
Đất nước mình giờ nhìn thật hay 
Đem hết tài nguyên cho quân ác chén. 
Thế nên, bây giờ, điều quan tâm nhất là: 
Ngư dân thuyền nấp vào bờ 
Chủ tịch ngồi đó hững hờ 
Người khóc người nhăn răng chờ 
Và nhà báo cứ vơ
Ngư dân cùng với đồng bào,
Thông tin miệng đói cồn cào 
Ba hoa lời ra lời vào
Một ngày mới nhốn nhao, nhốn nhao, nhốn nhao ao ao ao ao... 
Từng ngày vội vội vàng đi qua, 
Câu chuyện ngày ngày càng bê tha 
Trên bản tin có lẽ anh hơi ngây ngô khi chia đất đai, tôi không có lỗi
Và giờ thì nhất trí, ví tiền đầy mà tội dân oan đói 
Về một thế giới, như mơ, như thơ, như Formosa ôi thật bất ngờ.
Ôi từng ngày ao ước từng ngày ummmm??? 
Ôi từng ngày ao ước từng ngày!!! 
Ngày đó không còn xa, không còn xa…
-----------------------
Xin đừng thờ ơ!!!
HÃY SHARE LINK NÀY THẬT MẠNH
Chúng ta cùng nhau lên tiếng
Kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường
Bảo vệ sức khỏe và tương lai của chính chúng ta!!!

I và Y

Nguyễn Đắc Dõng (Danlambao) - Bài viết này nhằm góp phần cùng bạn đọc, các nhà ngữ học, Việt học trong việc xây dựng và duy trì những tinh hoa của chữ Quốc ngữ, và văn hóa dân tộc.

Đúng ra, đây là công việc sưu tầm, nghiên cứu của những nhà ngôn ngữ học, Việt học, các học giả, nghiên cứu về ngữ học, nguồn gốc, lịch sử, tiến trình hình thành của tiếng mẹ đẻ chúng ta. Nhưng dù sao, thấy thiên hạ người ta bàn cãi, giữa những người ủng hộ lối viết cũ, và những người ủng hộ lối viết mới, tôi muốn đem sự hiểu biết ít ỏi, giới hạn của mình để đóng góp vào công cuộc xây dựng, cải thiện, hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ.

Trước năm 1975, lúc đó tôi ở trong quân ngũ. Một buổi chiều, ngồi nghe tin tức trên đài BBC Luân-đôn, một bản tin đại khái: “Miền Bắc Việt Nam đang nghiên cứu để tìm một lối chữ viết mới, một ngôn ngữ mới, để thay thế ngôn ngữ và lối viết chữ hiện tại, tạo sự khác biệt với ngôn ngữ và chữ viết cũ mà miền Nam đang sử dụng. Có lẽ họ (Bắc Việt) muốn duy trì sự chia cắt hai miền lâu dài.

Cách nay 3, 4 năm, trên một trang báo tiếng Việt, xuất bản tại Mỹ, tôi có đọc một bản tin ngắn: “Chính quyền Việt Nam đã giải tán ban Ngữ học hay Việt học gì đó và họ đã chấp nhận thất bại trong việc nghiên cứu để tìm một lối viết chữ mới, thay thế lối chữ viết hiện tại.”

Trong suốt 50 năm ấy, những nhà Ngôn ngữ học XHCN Việt Nam cũng đã tạo ra một số thay đổi, nhất là trong ngôn ngữ trao đổi hàng ngày trong xã hội, và lối viết mới của 2 mẫu âm I và Y.

“Khẩn trương lên”. Anh bộ đội quát đám tù chúng tôi đang trên đường đi lao động.

“Đi nhanh lên”, không thể nói là “Khẩn trương lên” được.

Khẩn (urgent): là khẩn cấp, cấp bách. Khẩn trương (tense) là căng thẳng. Chữ khẩn trương được dùng trong những tình huống cấp bách, tình trạng căng thẳng (tense situation), mà nếu không có một giải pháp nào tốt đẹp để giải quyết, thì sẽ đưa đến đổ vỡ: “Nền kinh-tế đang trong tình trạng khẩn trương”, “Tình hình chính trị đang trong giai đoạn khẩn trương.”

“Ấn tượng”(Impression)”.

“Anh có ấn tượng như thế nào sau khi xem cuốn film?”

“Nó đã để lại cho tôi một ấn tượng tốt”.

Ấn tượng là một danh từ. Người Việt trong nước hiện nay sử dụng như một động từ.

Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc: “Chân thành với du khách, thì điều đó ấn tương mãi với du khách... Đây là con số ấn tượng so với bức tranh ảm đạm của du lịch.”

Nhà báo: “Ru-nam café với thiết kế lồng chim cực kỳ ấn tượng.”

Ấn tượng được hiểu như là cảm giác, cảm tưởng. Những hình ảnh, sự việc xảy ra đã ảnh hưởng ngay lập tức vào tâm trí, tinh thần của người chứng kiến.

“Nội dung”. Dung là chứa. Chứa đựng bên trong. (Đừng lầm lẫn với dung tích, thể tích). Nội dung chỉ hàm chứa ý nghĩa, ngụ ý của những văn kiện (documents), sách vở, phim ảnh... và không được sử dụng vào những lãnh vực khác: Nội dung cuốn film, nội dung bài diễn văn...

“Vận động viên Sanir Ait Said đã bị chấn thương một cách nghiêm trọng ở nội dung thể dục dụng cụ.” (Bản tin thể thao Olympic ngày 10 tháng 8, 2016). Viết một câu ngắn như vậy, mà có 3 lỗi: dùng từ không đúng, không sát nghĩa, sai văn phạm: một cách, nghiêm trọng, và nội dung.

Hiển thị, anh quản lý đời em v.v... Người Việt dưới chế độ cộng sản thích nói văn hoa, và được gọi là tiếng Việt Nam mới, ngay ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vậy. Nhưng nói sai văn phạm, sai từ, dùng từ không đúng, không sát nghĩa...

Người Cộng sản, họ có tham vọng rất lớn. Bạt núi, ngăn sông. Họ muốn với tay lên, để bóp nát mặt trăng. Họ muốn ngữa mặt lên, để thổi tắt mặt trời. Họ phá hủy, đạp đổ, san bằng những cái cũ. Đó là phong kiến, đền chùa, miếu võ, di tích lịch sử, cấu trúc xã hội đã có từ nhiều nghìn năm, kể cả văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc. Tình cảm gắn bó lâu đời giữa người với người của dân tộc, cũng đã bị Cộng sản xé nát ra để dễ cai trị, bằng những thủ đoạn đấu tố, gây ngờ vực giữa mọi người kể cả tình phu phụ, tình mẫu tử. Để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới là xã hội Cộng sản, xây dựng văn hóa vô sản, văn hóa xã hội chủ nghĩa, kể cả kiến trúc, ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật, dịch thuật và cả cấu trúc xã hội... họ luôn đặt tư tưởng, định hướng chính trị làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của họ. Thay đổi cả tư duy, tư tưởng, tâm linh của mỗi người cho phù hợp với xã hội mới. Ngôn ngữ, chữ viết cũng không tránh khỏi những định kiến đó.

Trong bài viết hôm nay, tôi chỉ chú trọng đến cách sử dụng 2 con chữ “I” và “Y” trong lối viết cũ và mới.

1- Những quy luật sử dụng 2 nguyên âm “I” và “Y” trong lối viết cũ và mới.

1a. Giáo sư Nguyễn Đình Hòa. Trước hết tôi xin giới thiệu Giáo-sư Nguyễn Đình Hòa. Vị Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975. Thầy cũng là thành viên trong ban Việt học, là một trong những người đã dày công nghiên cứu, đem công sức để chỉnh sửa, làm sáng sủa và khoa học tính hơn cho kho tàng chữ Quốc ngữ của chúng ta.

Theo giáo sư Hòa, người phụ trách giảng khoa về kế hoạch hóa ngôn ngữ (Language Planning), thì đã có những cuộc triệu tập những nhà ngôn ngữ học, kể cả những nhà Ngữ học miền Bắc, nhằm thảo luận để làm thống nhất ngôn ngữ, cải tiến chữ Quốc ngữ, tiêu chuẩn hóa chính tả, và thống nhất danh từ khoa học, kỹ thuật.

Sau năm 1975, các nhà chuyên môn vẫn tiếp tục thảo luận. Dùng con chữ trong các âm vị, chữ viết hoa, gạch nối. Khi nào viết liền các âm tiết bên trong một từ, cốt làm sao cho chữ Quốc ngữ nhất quán hơn. Dùng chữ nào trong âm vị nào. Phiên âm các thuật ngữ Quốc tế thế nào.

Các nhà Ngữ học đã đi đến kết luận rằng: có những đề nghị cải cách rất có tính khoa học, cốt làm cho chữ Quốc ngữ nhất quán hơn, có một số chuẩn mực phải theo, trước sau như một. Song có điều chưa thi hành được ngay, vì thiên hạ quen dùng cách này, hay cách khác. Chẳng hạn, thiên hạ quen viết: LÝ tưởng, ông LÝ trưởng, LÝ trí, KỲ dị... Lý do là người ta đã lẫn lộn con chữ “I” là nguyên âm (âm mẫu) âm chính. Còn chữ “Y” là bán nguyên âm, bán mẫu âm, được các nhà Ngữ học ghi bằng ký hiệu [i:].

Giáo sư Hòa đã viết: Có điều kỳ lạ là không ai viết: KỲ DỴ, LÝ TRÝ cả. Viết cho đúng thì phải viết: Ông LÍ trưởng, LÍ tưởng, LÍ trí, KÌ dị, nước MĨ, KỈ niệm...

Tôi thành thật xin lỗi giáo sư Hòa. Người ta không viết KỲ DỴ, LÝ TRÝ... Không phải là do người ta KÌ LẠ, mà vì chữ Quốc ngữ không có vần DY, ĐY, GY, THY, TRY... Đó là vì người ta tôn trọng những mẫu mực, khuôn phép, giá trị của lối viết cũ, mà đã trải qua hàng trăm năm, các học giả, giáo sư, văn, thi sỹ đã dày công xây dựng, phát triển, nhất quán và tiêu chuẩn hóa chữ Quốc ngữ.

Theo Giáo sư Nguyễn đình Hòa và các thành viên trong ban Việt học của ông, đã chọn một số quy luật sử dụng 2 con chữ I và Y như sau:

Thuật viết bây giờ là:

a. Khi một âm tiết có nguyên âm “I” đứng ở cuối, thì phải nhất loạt viết bằng con chữ “I”. Như: Ăn MÌ, Hải KÍ, ông LÍ trưởng, Hoa KÌ, thế KỈ.

b. Biệt lệ là những âm tiết như: UY, UI,... thì vẫn giữ như cũ. Và biệt lệ phức tạp hơn như UYÊN, DUYÊN,... thì giữ như cũ.

c. Nếu âm chính có âm “I” đứng một mình, hoặc đầu âm tiết, thì vẫn viết như cũ: Y khoa, Y học...

Phần (a), Giáo sư Hòa đã kết luận một cách vội vã và tổng quát, nên có những trường hợp không nằm trong quy luật đó. Như: ÁY NÁY, ẤY VẬY, HÂY HÂY, ĐẦY DẨY, NGÀY NAY, GIẤY tờ...

Phần (b), theo sau nguyên âm U, là I hay Y, thì không thể thay đổi, vì nếu thay đổi, thì các từ sẽ đổi ÂM và đổi NGHĨA.

Trong vần UYÊN, UYNH... Không thể thay “Y” bằng con chữ “I” vì không có vần UIEN, UINH trong chữ Quốc ngữ. Đó là những điều hiển nhiên, mà giáo sư Hòa không cần phải nhắc nhở.

Có một số người đã hỏi giáo sư Hòa: Trong các cuốn tự điển thầy viết và xuất bản trước năm 1975 ở Sài Gòn, thì thầy viết theo lối cũ. Giáo sư Hòa trả lời rằng: Bây giờ viết theo lối mới.

1b. Quy tắc sử dụng “I” và “Y” trong sách giáo khoa tại Việt Nam.

a. Những nguyên âm trong các âm tiết mở, nguyên âm đứng một mình, thuần Việt, thì viết “I” như: KỈ thuật, MĨ thuật, HI vọng, Ì èo, Í à, Ì ạch.

b. Trong các âm tiết nửa mở, nếu tổ hợp nguyên âm “WI” thì viết “I” như cũ: CÚI đầu, TÚI quần, TỦI hổ.

c. Những nguyên âm đứng một mình là từ Hán-Việt, thì dùng “Y” như Ý kiến, lưu Ý, Y sĩ. Hoặc nguyên âm đôi, tổ hợp nguyên âm đứng đầu âm tiết thì dùng “Y” như YÊU, YỂU, YÊNG, HUỲNH HUỴCH.

d. Nếu tổ hợp nguyên âm “WI” thì viết “Y” như: QUY tắc, thâm THÚY, QUỲ LỤY.

Chúng ta hãy phân tích các quy tắc đã được viết trong các phần: a, b, c, d ở trên trong sách Giáo khoa:

Phần a: các từ KĨ thuật, MĨ thuật, HI vọng đều là từ Hán Việt.

Phần b và d: hai quy tắc nêu trong phần b và d tự mâu thuẫn nhau. Nếu thay đổi, hoán chuyển nhau, giữa I và Y trong các từ đã nêu làm ví dụ ở trên thì âm và nghĩa của các từ đó sẽ thay đổi. Như CÚI đầu và CÚY (vô nghĩa), TÚI quần và TÚY (thuần), TỦI hổ và TỦY (sống), QUỲ LỤY và QUÌ LỤI (vô nghĩa). Như vậy, đương nhiên phải viết theo lối viết cũ.

Nếu xét rằng, theo tự điển Hán-Việt của Đào duy Anh (1931), thì “ Y” được dùng trong các từ Hán Việt, và “I” dùng trong các từ thuần Việt. Xem xét những trường hợp sau: Theo lối viết cũ, đi ngay sau các phụ âm như: B, D, Đ, G, N, R, S, V, X, GH, NGH, TH, TR, là nguyên âm “I”, mà không dùng nguyên âm “Y”như: BI ai, DĨ vảng, SĨ diện, TRI thức,... đó là những từ Hán-Việt.

Nguyên âm “Y” được sử dụng ngay sau 5 phụ âm: H, K, L, M, T. (có một số ít từ dùng “I” như: TI HÍ, MÌ, KÍ cóp, LI TI...). Như: HY vọng, LÝ luận, KỲ tích, MỸ thuật, TỶ lệ.

1c. Quy định của Bộ Giáo dục XHCNVN năm 1984 về cách sử dụng “I” và “Y”.

a. Nếu không có sự thay đổi về âm và nghĩa, trừ trường hợp “Y” đứng sau “QU”, hầu hết các từ có âm “I” ở cuối đều được viết thống nhất bằng “I”. Như: HI sinh, KĨ niệm, LÍ luận, thẩm MĨ.

b. Nếu “I” và “Y” đứng một mình, đứng đầu từ, hoặc giữa từ, thì viết theo lối cũ. Như: Ý nghĩa, Y tế, YÊU thương, NGUYỄN KHUYẾN.

Xét phần (a) ở trên, quy luật đó không thể áp dụng trong các từ như: ẤY, HÂY HÂY, ĐẦY DẪY, GIẤY tờ v.v... Vì chữ Quốc ngữ không có vần ÂI.

Có 2 vấn đề tôi muốn nêu ra thêm trong phần này:

Thứ nhất, trong tài liệu (Wikipedia.org.), các nhà Ngữ học XHCNVN đã viết: Những từ có chữ “Y” đứng trước hoặc đứng một mình như YÊU, Y học, người ta phải dùng con chữ Y, mà không thể dùng con chữ I, vì sợ rằng những người học ngôn ngữ Latin họ sẽ lầm I với J.

Không thể có sự nhầm lẫn đó vì ngôn ngữ Latin không sử dụng mẫu tự “J”. Tại sao người ta đọc chữ Việt, mà lầm là chữ Latin? Đó là cách nói, cách kết luận thiếu thực tế.

Thứ đến, các nhà ngữ học XHCNVN đã viết rằng: Trong thời kỳ Trung đại (nhưng họ đã không cho biết vào khoảng năm nào) ngôn ngữ Việt Nam có sử dụng ký hiệu BETA, sau đó đổi thành B. Xét về nguồn gốc lịch sử, từ 500 năm trước Công nguyên, người Roman sau khi áp dụng bản ký hiệu Mordern Greek Alphabet để viết bản mẫu tự Latin Alphabet, thì ký hiệu BETA đã được viết thành mẫu tự B. Như vậy hơn 2000 năm sau, không có lý do gì ký hiệu BETA vẫn còn tồn tại trong ngôn ngữ Việt Nam.

Nhưng cho đến nay, nhân loại vẫn còn dùng các ký hiệu đó trong một số lãnh vực như Kỹ thuật, Toán, Lý, Vũ trụ: Góc Alpha, Tia Gamma, Chòm sao Alpha Centauri.

1d. Kết luận:

Chữ Quốc ngữ bắt đầu nôm na vào khoảng năm 1630. Như những bào thai mới tượng hình, chưa đủ hình hài để được gọi là chữ viết đúng theo âm tiếng Việt. Với sự cố gắng và cộng tác liên tục giữa những nhà truyền giáo Phương Tây và các Tu sỹ, chủng sinh, nữ tu, cũng như các học giả, sử gia, giáo sư, văn sỹ, thi sỹ Việt Nam. Trong suốt chiều dài hơn 300 năm, chữ Quốc ngữ đã được tiêu chuẩn hóa, nề nếp, có hệ thống, và có tính khoa học hẳn hoi. Suốt chiều dài lịch sử đó, đã có những nghiên cứu, sắp xếp, hệ thống hóa thành những quy luật như:

a. Nguyên âm “I” (không có Y), luôn đứng ngay sau các phụ âm như: B (BI ai), D (DI sản), Đ (ĐI đứng), G (GÌ), N (NỈ non), O (OI bức), Ô (ÔI), Ơ (ƠI), R (RỈ tai), S (SĨ phu), Ư (ƯI), V (VÌ), X (XỈ vả).

b. Nguyên âm “Y” luôn đứng ngay sau 5 phụ âm như: H (HY vọng), K (KÝ ức), L (LÝ do), M (MỸ lệ), T (TỶ lệ). (Có một số ít từ nguyên âm I đứng ngay sau các phụ âm trên. Như: tí hon, li ti, ngựa hí.)

Nay, các nhà Ngữ học, và bộ Giáo dục XHCNVN thay vì dùng “Y” thì dùng “I” đứng ngay sau 5 phụ âm trên. Như: HI vọng, KÍ ức, LÍ lẻ, MĨ phẩm, TỈ lệ.

Chỉ có vậy. Người ta đã đưa ra những lập luận, quy luật này nọ, lối viết cũ, mới, nhằm đánh lừa, tráo trở thiên hạ. Để xem họ là trí thức. “Trí thức ấu trĩ.”

Ngoài ra, lối viết mới, không thể áp dụng vào bất cứ trường hợp nào khác. Như:

- Những từ có 2 mẫu âm đều là nguyên âm, trong đó có một nguyên âm có âm I.

- Những từ có 2 mẫu âm, nguyên âm có âm I đứng trước 1 phụ âm.

- Những từ có 3 mẫu âm trở lên.

2. Nguồn gốc của 2 mẫu âm “I” và “Y”.

Để phê phán lối viết cũ khi sử dụng 2 nguyên âm “I” và “Y”, các nhà ngữ học XHCNVN và Bộ Giáo dục, đã nêu lên một số nguyên nhân được cho là sai lầm như sau:

- Do không biết nguồn gốc của 2 con chữ “I” và “Y” trong chữ Quốc ngữ.

- Do thói quen cố hửu. Theo thẩm mỹ quan cá nhân. Bắt chước cách viết của người khác.

Hơi dài dòng, nhưng tôi muốn làm sáng tỏ vấn đề, và cũng nhằm giúp bạn đọc tìm được một ít lý thú, nếu có ai trong số các bạn có sự quan tâm đến vấn đề này.

Để tìm nguồn gốc 2 mẫu tự I và Y, tức là chúng ta đi tìm nguồn gốc các bản mẫu tự Alphabets. (Bạn đọc muốn tìm chi tiết, rõ ràng hơn, thì tìm ở: Britannica.com).

Thoạt tiên, khoảng hơn 6500 năm trước, loài người thời đó ghi lại lời nói hoặc ý nghĩ của họ bằng các hình vẽ, được gọi là Picture writing. Trong nhóm những dân tộc này gồm: Babylonians, Egyptians, Chinese. Về sau, khoảng 3500 năm trước, những giống dân sống ở miền đông biển Mediterramean Sea, trong sự giao tiếp hàng ngày trong xã hội, họ bắt đầu nhận thấy trong ngôn ngữ trao đổi hàng ngày có những âm điệu, và ghi lại những âm đó bằng những ký hiệu, được gọi là Syllatic writing. Trong số các nhóm đó, có người Phoenicians đã ghi được 2 âm là Aleph và Beth.

Người Greek ứng dụng 2 âm Aleph và Beth và viết lại thành Alpha và Beta.

Đến thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, với sự tiến hóa của loài người và xã hội, người Greek hình thành được 1 bản ký hiệu đầu tiên gọi là bản ký hiệu Ancient Greek Alphabet. Từ Alpha, Beta, Gamma... cho đến Tau (T), gồm 22 ký hiệu.

Với thời gian và sự thay đổi trong ngôn ngữ, cùng sự phát triển xã hội, người Greek cận đại (Modern Greek), đã chỉnh sửa và phát triển các ký hiệu để hình thành một bản ký hiệu đầy đủ hơn, từ Alpha (A), Beta (B), Gamma (C), Delta (D), cho đến Omega, gồm 27 ký hiệu. Trong quá trình phát triển, có 3 ký hiệu Digama, San, và Koppa, biến khỏi bản ký hiệu, và cuối cùng còn lại 24 ký hiệu.

Khoảng hơn 500 năm trước Công nguyên, người Roman đã ứng dụng bản Modern Greek Alphabet và viết thành bản mẫu tự Latin Alphabet. Từ đó, các nhà truyền giáo Roman, trong công tác truyền đạo, họ mang bản mẫu tự Latin Alphabet truyền khắp các nước phương Tây. Hơn 2000 năm sau, cũng các nhà truyền giáo Roman mang bản mẫu tự Latin Alphabet đến cho Việt Nam chúng ta. Cho nên, bản mẫu tự Vietnamese Alphabet là bản mẩu tự sinh sau đẻ muộn đến hơn 2000 năm.

Một vài điểm bạn đọc cần nên biết về bản mẫu tự Latin Alphbet. Có 2 bản mẫu tự Latin Alphabet:

Một bản, được gọi là: “Basic Latin Alphabet” là bản mẫu, bản gốc Quốc tế. Gồm 26 chữ cái. Các ngôn ngữ muốn sử dụng bản mẫu tự Latin thì dựa vào bản này. Gồm:

A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z.

Một bản, được gọi là “Classical Latin Alphbet”, được dùng riêng cho ngôn ngữ Latin. Gồm 23 chữ cái. Trong bản Classical Latin Alpabet có 3 cặp chữ đồng âm: C và G, I và J, V và U. Do đó họ bỏ đi 3 con chữ G, J, và U. Hai con chữ Y và W không cần thiết trong ngôn ngữ Latin, nên cũng bị loại bỏ. Bản mẫu tự Classical Latin Alphabet còn lại 21 chữ.

Đến thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, họ loại bỏ con chữ Z vì ít được dùng, và dùng con chữ G để thay thế.

Đến thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên, vì nhu cầu cần phải viết các chữ vay mượn từ Greek language, nên họ dùng thêm 2 con chữ Y và Z. Cuối cùng bản Mẫu tự Classical Latin Alphabet có 23 chữ cái (không dùng J, U và W.)

Những ngôn ngữ sử dụng mẫu tự Latin đều dựa vào bản Basic Latin Alphabet. Loại bỏ một số mẫu tự không thích hợp với ngôn ngữ của họ, và thêm vào một số mẫu tự khác bằng cách ghi những dấu nhấn (Apex), hay dấu thanh (Diacritics) trên các mẫu tự đó. Ví dụ trong bản mẫu tự Vietnamese Alphabet, không dùng các con chữ F, J, W, Z vì thấy không thích hợp trong ngôn ngữ tiếng Việt. Nhưng lại thêm vào các mẫu tự như: Đ, Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư. Các mẫu âm này được vay mượn từ các ngôn ngữ khác như:

Đ: Từ Anglo Saxon, Deluarlian, Icelandic, Norm...

Ă, Â, Ê: Từ Celtic British.

Ô, Ơ: Từ Pan European.

Ư: Thuần túy Vietnamese.

Đây là cách đọc 2 mẫu âm I và Y trong vài ngôn ngữ:

I Y I Y

Phoenician: Yodh Waw Portuguese: [i] Upsilon

Ancient Greek: Iota Upsilon French : [i] igrec

Modern Greek: Jota Ipsilon Vietnamese: [i] igrec

Latin: [i] igraeca XHCNVN: [i] [i: ]

Trong các ngôn ngữ, I và Y được viết và đọc khác nhau. Riêng tại Việt Nam, dưới nền giáo dục XHCN thì I và Y được đọc cùng một âm là “i”. Có lẽ đó, là nguyên nhân của những sai lầm khi sử dụng lẫn lộn 2 con chữ I và Y. Không biết người ta có lồng định kiến chính trị vào cách đọc Y (igrec) hay không. Vì Pháp là thực dân.

3. Cách phát âm.

“Mầy na nớn quá, nàm náo noạn cả nên” (Mầy la lớn quá làm náo loạn cả lên).

“Con cá gô, nó nằm trong gổ, nó nhảy gột, gột, gột.” (Con cá rô nó nằm trong rổ nó nhảy rột rột rột). 
Đó là những thổ âm.

3a. Cách đọc các mẫu tự:

Nguồn gốc bản mẫu tự Vietnamese Alphabet là từ bản Basic Latin Alphabet. Mặc dù các nhà truyền giáo người Portuguese đã đến, và đã dùng các mẫu tự Latin để phiên âm ra tiếng Việt đầu tiên (khoảng 1630), nhưng Việt Nam lại chịu ảnh hưởng của người Pháp nhiều và sâu đậm hơn, nên người Việt đọc các con chữ trong bản mẫu tự theo tiếng Pháp. Nay Bộ Giáo dục XHCNVN đã thay đổi cách đọc các con chữ theo tiếng Việt, bằng cách thêm “Ờ” sau các phụ âm. Như:

B = bờ, C = cờ, D = dờ, Đ = đờ v.v...

D và GI đọc là DỜ, G và GH dọc là GỜ, NG và NGH đọc là NGỜ, NH đọc là NHỜ. Và đã đi đến kết luận:

I đọc là I ngắn, Y đọc là I dài, do đó I và Y có đồng âm là “i”

C đọc là cờ, K đọc là cờ, do đó C và K có đồng âm là “CỜ”.

Viết và đọc như vậy, là không chú trọng, quan tâm, và không gìn giữ cách phát âm. Lập luận một cách ấu trĩ.

Do vậy, nên trong một tài liệu được viết bằng Anh ngữ (Britannica.com), các nhà Ngữ học XHCNVN đã viết: “The correspondence between the orthography and pronunciation is somewhat complicated. The same letter may represent several different sounds and different letters may represent the same sound… Letter I and Y are mostly equivalent.”

Đây là ý và lời mà các nhà Ngữ học Việt Nam đã vay mượn từ một tài liệu do các nhà Ngữ học Phương Tây viết, để so sánh các ngôn ngữ sử dụng mẫu tự Latin với các cách viết như Picture writing, Hebrew letter, và Arabic characters.

Ý và lời đó đúng khi áp dụng trong các ngôn ngữ đa âm. Ví dụ như trong Anh ngữ:

Fat, Fate, Far, Graduated. Nguyên âm “a” thay đổi âm trong các từ trên. Hay là:

Me, in, Many. 3 nguyên âm e, i, y, đều được đọc là “i”. (Nhưng chúng không đồng âm.)

Nhưng nếu đem ý và lời đó, áp dụng trong ngôn ngữ đơn âm như tiếng Việt, thì không đúng. Nếu đọc đúng nguyên âm theo tiếng Pháp (lối đọc cũ xưa nay), I đọc là “i”, Y đọc là “igrec”, C đọc là “Cê”, K đọc là “Ka”, thì trong tiếng Việt, các mẫu tự vẫn không đổi âm dù đứng trong các từ khác âm và khác nghĩa. Và cũng không có nhiều mẫu tự đồng âm. Ngoại trừ 2 nguyên âm I và Y, trong một số từ khác nhau, I và Y đều đọc cùng âm “i”.

Tôi đồng tình với ông Phó giáo sư Tiến sĩ Mai xuân Huy, Phó viện trưởng viện Ngữ học XHCNVN, khi ông viết: “Cần phân biệt 2 hệ thống: tên chữ cái và tên âm vị của tiếng Việt. Tên chữ cái được đọc theo quy định đọc bản chữ cái của các ngôn ngữ. Tên chữ cái của tiếng Việt đọc là: a, bê, cê, dê, đê. v.v... Khi gọi tên chữ B là Bờ, C là Cờ: là đọc sai. Đây chỉ là lối nói dân dã, không phải đúng về mặt khoa học. (trích nguyên văn).

I ngắn, Y dài, B bò, P phở, L lờ cao, N nờ thấp, S sờ nặng, X xờ nhẹ, bờ, cờ, hờ, gờ v.v... là cách nói trong dân gian, không phải đó là những yếu tố căn bản thuộc ngữ học để đem ra nghiên cứu.

Vì đâu có những cách nói dân gian đó? Theo ý kiến của tôi, thì có 2 nguyên nhân:

Một là, trong các chương trình bình dân giáo dục, hay còn gọi là xóa nạn mù chữ, học viên trong các chương trình này là những người già, lớn tuổi, mù chữ. Sự tiếp nhận, đọc và ghi nhớ luôn trở ngại. Chắc chắn họ không thể đọc được igrec, pê v.v... Do đó, người hướng dẫn giúp họ dễ đọc, dễ nhớ, bằng cách đọc I ngắn, y dài, b bò, p phở.

Thứ đến, là do đất nước đã trải qua các cuộc chiến tranh lâu dài. Mà trong chiến tranh, việc bảo mật là vấn đề quan trọng. Do đó, các văn thư, công điện, lệnh lạc, được chuyển đi bằng vô tuyến, hay hữu tuyến, đều được mã hóa. Muốn người nhận, phải nhận đúng nguyên văn, không có sự nhầm lẫn chữ này chữ khác, người ta đặt cho mỗi chữ cái một cái tên, như: A: anh dũng, B: bắc bình, C: cải cách, I ngắn, Y dài, B: bê bò, P: phở v.v... Riêng “Ờ” như cờ, dờ, đờ v.v... nhằm giúp trẻ em dễ đánh vần chữ Quốc ngữ.

Cách nói dân gian tiện lợi, khi chúng ta phải đánh vần những địa chỉ, tên đường trên điện thoại. Người Mỹ cũng dùng phương cách đó để Spelling, như: A: apple, B: book, C: cat, D: duck. v.v...

3b. Cách đánh vần chữ Quốc ngữ.

Bộ Giáo dục và các nhà Ngữ học XHCNVN đã viết: “Có nhiều người đọc các chữ cái trong bản Mẫu tự Vietnamese Alphabet theo tiếng Pháp. Nhưng khi đánh vần thì phải dùng “Ờ”.

Thưa rằng, ở lớp tuổi chúng tôi, suốt tuổi học trò, chúng tôi không nghe những chữ I ngắn, Y dài, B bò, P phở, L lờ cao, N nờ thấp, và không nghe, cũng như không dùng “Ờ” để đánh vần chữ Quốc ngữ. Chúng tôi đánh vần Chữ Quốc ngữ như thế này:

NGUYỄN: enne - gê- u- NGU, u- igrec (y)- ê- enne- UYÊN, là nguyên, ngã NGUYỄN.

NGHỊCH: enne- gê- hach(h) - i- NGHI, i- cê- hach- ICH, là nghich- nặng NGHỊCH.

HUỲNH: Hach- u- HU, u- igrec- enne- hach- UYNH, là huynh- huyền HUỲNH

MỸ: eme- igrec- MY, ngã MỸ.

MÌ: eme- i- MI, huyền MÌ.

Và đây là cách đánh vần mới:

NGUYỄN: u- i- ê- nờ- UYÊN, ngờ- uyên- NGUYÊN, ngã NGUYỄN.

NGHỊCH: i- chờ- ICH, ngờ- ich- NGHICH, nặng NGHỊCH.

HUỲNH: u- i- nhờ- UYNH, hờ- uynh- HUYNH, huyền HUỲNH.

MỸ: i- mờ- i- MI- ngã MỸ.

MÌ: i-mờ- i- MI, huyền MÌ.

Giả sử, đánh vần theo lối mới, nhưng vẫn đọc các mẫu âm theo tiếng Pháp, và không dùng “ờ”. (Đây là ý kiến của người viết). Ví dụ:

NGUYỄN: u-igrec-ê-enne- UYÊN, enne- gê- uyên-NGUYÊN, ngã- NGUYỄN.

NGHỊCH: i-cê-hach(h)-ICH, enne-gê-hach- ich- NGHICH, nặng NGHỊCH.

HUỲNH: u-igrec-enne-hach-UYNH, hach-uynh HUYNH, huyền HUỲNH.

Quen tai, thì nghe thuận. Lạ tai thì nghe nghịch. Đó là tâm lý chung. Tôi không dám so sánh, phê phán lối đánh vần nào hợp lý, dễ hơn, khoa học hơn. Ở đây, tôi chỉ xin nêu lên một điểm quan trọng: Theo cách đánh vần mới, khi viết, thì người ta viết Y, nhưng khi đọc, thì đọc i. Có nghĩa là I và Y đọc cùng một âm là “i”. Từ sự nhầm lẫn đó, đã đưa đến những nhầm lẫn khi sử dụng 2 con chữ “Y” và “I” trong lối viết mới.

Nếu cho là I và Y đồng âm là “i”. Hãy xét những khúc mắc sau:

- Khi thay đổi I và Y trong một số từ, thì từ đó sẽ đổi âm và đổi nghĩa. Như: ÁI ân và ÁY náy. NGÀY và NGÀI v.v...

- Không thể thay đổi I và Y trong một số từ như: ẤY VẬY, GIẤY tờ, NGÂY thơ. v.v... Hoặc ngược lai, một số từ như: OI bức, con ĐƯỜI ƯƠI, TRỜI ƠI v.v...

Xét ra, như vậy có tạo được sự chuẩn mực, nhất quán, và khoa học tính như Giáo sư Nguyễn Đình Hòa đã khoe khoang hay không?

3c. Cách phát âm

Tiếng nói của loài người, của các dân tộc, có trước chữ viết. Do vậy, chữ viết dựa vào âm diệu, cách phát âm mà hình thành. Hay chúng ta cũng có thể nói rằng: chữ viết là những hình ảnh sao chụp lại của tiếng nói. Như: huyễn hoặc, oái oăm, ngoèn ngoèo.

Do đó, cách phát âm là rất quan trọng trong sự hình thành chữ viết. Riêng người Việt Nam chúng ta, do vì thổ âm, nên có nhiều trường hợp người vùng này nói, người vùng khác không hiểu. Nhất là với những từ có âm tương đồng nhau. Như: Nhưn và nhưng. Quay và quai. Dì và gì. Da và Gia. Hỹ nộ và hỉ mũi. Ly biệt và li ti v.v...

Trong một tài liệu, các nhà ngữ học XHCNVN đã viết: “Trong phát âm chữ Quốc ngữ, thì việc lên xuống, kéo dài âm từ để biểu hiện từ tượng thanh, tượng hình, lớn nhỏ, luôn là việc cần thiết. ”

Để tìm một tiêu chuẩn mẫu mực cho cách phát âm tiếng mẹ đẻ, có lẽ không đâu tốt hơn là Hà Nội và vùng phụ cận. Hà Nội là cố đô nghìn năm văn vật, là kinh đô của văn hóa Việt, là nơi chôn nhau cắt rốn của chữ Nôm, là cái nôi của chữ Quốc ngữ ngày nay. Cách phát âm và giọng nói của người Hà Nội rất chuẩn. Do đó, họ ít khi có lỗi khi viết chính tả. Đó là điều có thể dùng để biện minh cho tính chuẩn mực trong cách phát âm của họ. Nhưng phải là người Hà Nội chính gốc, hay người Hà Nội từ năm 1954 trở về trước. Sau cuộc di cư vĩ đại năm 1954 của hơn một triệu người từ Bắc vào Nam, mà đa số là người Hà Nội, và vùng phụ cận, những người theo đảng cộng sản từ những vùng bưng biền, rừng núi, được sự ưu đãi của đảng di chuyển về Hà Nội để lấp vào những chỗ trống ấy. Từ đó, ngoại trừ số người cũ còn bám lại, tiếng nói của đa số người Hà Nội không còn chuẩn mực nữa, và sự thanh lịch của Hà Nội cũng mất đi từ đó.

Tôi có được cái may mắn, khi học hai năm cuối bậc tiểu học, là lớp Nhì và lớp Nhất (tức là lớp Bốn và lớp Năm bây giờ). Cô giáo Hường dạy lớp Nhì, thầy Phái dạy lớp Nhất, cả hai thầy cô đều là người Bắc mới vào Nam. Thầy, cô rất tận tâm chỉ vẽ cho đám học trò Quảng cứng môi, cứng lưỡi chúng tôi, cách phát âm đúng, để viết chính tả đúng. Gần 60 năm qua, tôi vẫn còn thấy mường tượng miệng lưỡi, và nghe văng vẳng đâu đây tiếng thầy cô. Nghe thầy, cô giảng dạy, rất dễ phân biệt D và GI, C và T, dấu hỏi và dấu ngã, I và Y v.v...

Một vài phát âm tiêu biểu:

DA: Da, và GIA: Gi-a. HOAN: Ho-an (ngắn) và HOANG: Ho-oang (dài).

NGUYỄN: Ngu-uyễn. MỸ; Mi-ĩ (nghe như 2 âm” i” đi liền nhau. LÝ: Li-í.

MÌ: Mì. Có sự khác biệt trong cách phát âm giữa 2 con chữ Y và I. Y được đọc dài thành 2 âm i. Với cách đọc hiện nay, Y và I đều được đọc cùng một âm I, thì không phân biệt được.

4. Kết luận:

Trong mục đích chung của chúng ta, các nhà ngữ học XHCNVN và của mọi người, thì chúng ta đã và đang cố gắng tạo những quy tắc, những chuẩn mực để viết đúng chữ Quốc ngữ, để cho chữ Quốc ngữ được nhất quán, trong khi chúng ta vẫn tiếp tục phát huy và làm phong phú hóa tiếng mẹ đẻ. Là con cháu hậu duệ, chúng ta có bổn phận cố gắng giữ gìn những tinh hoa của tiếng nói và chữ viết, nhằm duy trì văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. “Chữ viết còn, văn hóa còn.”

Tư tưởng loài người, nói chung, luôn có khuynh hướng hướng thượng, tiến triển và làm thay đổi bộ mặt xã hội, thay đổi cả vũ trụ quan, nhân sinh quan, làm biến thái cả những ý niệm về tâm linh.

Đồng hành với những tiến triển về tư tưởng, khoa học, kỹ thuật cũng cất cánh bay lên. Loài người cần phải có những ngôn từ mới để diễn đạt, phù hợp với những phát minh mới lạ đó. Chữ Quốc ngữ của chúng ta không được phép đứng tại chỗ, mà phải tiến theo trào lưu chung của nhân loại: phải canh tân, thăng tiến. Nhất là những từ ngữ khoa học, kỹ thuật. Đó là những thiết yếu trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng mọi sự thăng tiến, thay đổi, canh tân phải mang tính khoa học, thực tế, chính xác, phù hợp và cố gìn giữ những tinh hoa, tinh túy văn hóa dân tộc.

Có những thay đổi là cần thiết. Cần thiết để tiến triển, đến văn minh. Nhưng thay đổi với sự thiếu sáng suốt, với tính chủ quan, và định kiến, sẽ đưa đến sự băng hoại, suy đồi chung cho xã hội. Nhất là về ngôn ngữ và chữ viết. “Như có cần thiết hay không?, có tính khoa học, tính nhất quán, tính chuẩn mực hay không trong cách sử dụng 2 nguyên âm I và Y trong lối viết mới?. C đọc là CỜ, K đọc là CỜ, NG và NGH được đọc là NGỜ, D và GI đọc là DỜ v.v...? Viết và đọc như vậy, chỉ tạo thêm rắc rối cho người học, và cho người ngoại quốc muốn nghiên cứu tiếng Việt.

Hay một tấm hình tự chụp (selfie), ngôn ngữ mới của Việt Nam gọi là: tấm hình TỰ SƯỚNG. Người dân muốn thay đổi một vài chi tiết trong giấy tờ hộ tịch, thì phải điền một tờ đơn được gọi là: ĐƠN XIN BIẾN ĐỘNG v.v...

Ngôn ngữ trao đổi hàng ngày, thể hiện được tâm lý xã hội và nếp sống văn minh của dân tộc. Văn minh ở đây, không được đo lường bằng có bao nhiêu cái computer, bao nhiêu cái cellphone mà người dân có, mà được đo lường bằng sự lịch sự trong giao tiếp, bằng sự lễ độ trong cách xử thế. Ngôn ngữ sử dụng hàng ngày, cũng là thước đo trình độ hiểu biết của dân tộc.

Để kết thúc bài viết, mời anh em bạn đọc, đọc lời kết trong một bài viết của Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, để nhận thấy được chiều hướng tư tưởng, định kiến của thầy và của những thành viên cộng tác trong các ban Ngữ học Việt Nam: “Ngày xưa, các cụ nhà ta dùng những chữ Nho của người Hán. Rồi lại mượn thứ chữ vuông đó của người phương Bắc để đặt ra chữ Nôm. Rồi lại được người phương Tây mách cho cách dùng chữ cái của Latin để ghi âm Việt. Cả ba thứ văn tự đó đều là mượn của người ngoài, chẳng khác gì chiếc khăn đội đầu. Về sau được thay thế bằng các kiểu nón mũ, giúp ta tránh mưa, che nắng mà thôi. Điểm then chốt là: hệ thống ta vay mượn của họ có nhiều điểm bất nhất, và bất tiện, ta có cần mượn luôn cả những cái bất nhất đó vào văn tự của ta hay không?”

Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, không phải là người sống trong hoàn cảnh của Phan Khôi, Trần Dần, Nguyễn Hữu Loan v.v..., không vì một chút ơn mưa móc nào đó (tôi nghĩ như vậy), mà thầy đã tự bẻ cong ngòi viết của thầy, và quên đi cái giá trị khoa bảng, và danh dự mà thầy đã có trước năm 1975.

08.04.2017

_______________________________

Tài liệu tham khảo:

- Britannica. com
- Wikipedia. org
- Britannica Junior Encyclopaedia.
- The Book of Knowledge.
- Lượm lặt trên Internet.

Láo toàn tập và lừa đảo toàn bộ

Người Quan Sát (Danlambao) - Vào ngày 6/4/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phát ngôn viên của Chính phủ là Mai Tiến Dũng tuyên bố:"Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 4 tỉnh miền Trung đã thực hiện nghiêm túc vấn đề kê khai, thanh toán tiền hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng bị thiệt hại, bị ảnh hưởng do sự cố môi trường Formosa." (1)

Chương trình Thời sự của VTV1 vào tối 4/4/2017 đưa tin: "Biển miền Trung đã cơ bản sạch, mọi hoạt động trở lại bình thường; ngư dân được bồi thường công bằng, kịp thời..."

Nếu vậy thì tại sao Phan Duy Vĩnh Phó Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh lại viết bản cam kết sau đây:

Giấy Cam Kết:

Họ tên tôi: Phan Duy Vĩnh 
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh

Cam kết với bà con thôn Đông Yên đúng 8g ngày 4/4/2017 lãnh đạo UBND thị xã sẽ trực tiếp đối thoại trả lời cụ thể với bà con những vấn đề còn thắc mắc. Những đối tượng đã được niêm yết công khai sẽ được chi trả trước 15/4/2017.

Nếu không thực hiện các nội dung tôi xin chịu trách nhiệm trước cam kết với bà con thôn Đông Yên.

Phan Duy Vĩnh - PCT UBND

Nguyễn Văn Cương - Chủ tịch UBND

Khi cam kết "Những đối tượng đã được niêm yết công khai sẽ được chi trả trước15/4/2017" tức là cho đến giờ phút Mai Tiến Dũng tuyên bố: "...4 tỉnh miền Trungđã thực hiện nghiêm túc vấn đề kê khai, thanh toán tiền hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng bị thiệt hại, bị ảnh hưởng do sự cố môi trường Formosa.", VTV đưa tin "ngư dân được bồi thường công bằng, kịp thời..." nhiều người dân vẫn chưa được đền bù"nghiêm túc", "công bằng" và "kịp thời" như lời tuyên bố của quan chức nhà nước và tuyên giáo đảng.


Đặt trường hợp ngược lại, nếu người dân Hà Tĩnh không tranh đấu để được bồi thường chính đáng, liệu các quan chức đầu tỉnh có ký giấy cam kết hay không? Và khi cả phó lẫn chủ tịch ký giấy cam kết thì có nghĩa là người dân đã tranh đấu cho một mục tiêu chính đáng, hợp lý. Thế nhưng, VTV1 lại đăng tin "người dân bị “kích động, gây rối..." và "phải xử lý nghiêm những kẻ kích động, gây rối".


Trở lại vấn đề Formosa tiếp tục hoạt động. Mai Tiến Dũng cho biết: "Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là khi nào Formosa bảo đảm các điều kiện để hoạt động, không để xảy ra sự cố như tháng 4/2016 sẽ tiếp tục cho hoạt động và nếu hoạt động không bảo đảm thì yêu cầu đóng cửa." 

Tuy nhiên, Mai Tiến Dũng cũng như toàn bộ các quan chức Bộ Tài-Môi lẫn tuyên giáo đảng đã cố tình lờ đi nguồn cơn gây ra thảm họa môi trường xảy ra vào tháng 4/2016. Đó là Formosa đã sử dụng lò luyện cốc và quy trình luyện cốc theo phương thức "dập cốc ướt" thay vì "dập cốc khô" như trong quy định ký kết dự án ban đầu.

Dựa vào thông tin của các quan chức thì "theo kế hoạch, cuối tháng 3/2017 là thời điểm Formosa sẽ hoàn thành cơ bản các hạng mục khắc phục sự cố. Vì vậy trong đợt kiểm tra này, Bộ TNMT cùng các chuyên gia đầu ngành về môi trường của Việt Nam sẽ kiểm tra tổng thể các công trình bảo vệ môi trường, đồng thời đánh giá kỹ lưỡng lại từng hạng mục khắc phục của Formosa."

Cuối tháng 3 đã qua, Formosa vẫn tiếp tục sử dụng lò luyện cốc và phương thức dập cốc ướt. Rõ ràng là toàn bộ hệ thống đã thông đồng với Tàu cộng qua vỏ bọc Formosa để Formosa tiếp tục đe dọa môi trường Việt Nam. Mọi phản đối sẽ bị côn an và tuyên giáo đảng quy vào tội "kích động và gây rối".

07.04.2017


______________________________________