Sunday, November 9, 2014

Đường phố TP.HCM ngập liên tiếp do triều cường

(TNO) Những ngày qua, triều cường dâng cao làm một số tuyết đường tại TP.HCM trong tình trạng ngập kéo dài.

Đường phố ở TP.HCM ngập liên tiếp do triều cường dâng cao
Nước bao vây trước khuôn viên Trường THPT Nguyễn Thị Định (quận 8)
Theo ghi nhận của Thanh Niên Online vào tối 9.11, tại khu vực quận 8, trên suốt tuyến đường Trương Đình Hội (phường 16, quận 8), nước từ một con kênh đã nhanh chóng nhấn chìm hầu hết mặt đường. Trong khoảng thời gian ngắn, mực nước tại đây lên đến 50 cm.
Đường phố ở TP.HCM ngập liên tiếp do triều cường dâng cao
Đường Trương Đình Hội không lúc nào thoát khỏi cảnh ngập mỗi khi triều cường dâng cao
Bên cạnh đó là đường 41, tình trạng ngập cũng kéo dài. Trước đó không lâu, người dân đã chuẩn bị bao cát, vật dụng để ngăn dòng nước tràn vào nhà. Nhiều người dân ở đây khổ sở lội bộ trong làn nước đen và hôi thối.
Đường phố ở TP.HCM ngập liên tiếp do triều cường dâng cao
Xe chết máy khi chạy vào vùng nước sâu
Tương tự, tại đường An Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân), bến Phú Định ngập rải rác.
Đường phố ở TP.HCM ngập liên tiếp do triều cường dâng cao
Một người dân “bó chân”
Lúc 19 giờ cùng ngày, đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cũng ngập lai láng tại các phường như: Phú Thuận, Tân Phú...
Đường phố ở TP.HCM ngập liên tiếp do triều cường dâng cao
Trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7)
Tại đường Phú Thuận, Gò Ô Môi (quận 7) tình trạng ngập nặng nhất, một số con hẻm nằm trên đường này bị ảnh hưởng, có nơi nước ngập phân nửa bánh xe.
Đường phố ở TP.HCM ngập liên tiếp do triều cường dâng cao
Người dân khổ sở lội nước về nhà
Ông Minh Sang, một người dân sống tại khu phố 2, phường Phú Thuận, cho biết: “Tình trạng nước ngập như thế này đã kéo dài 2 năm nay, tính sơ trong tháng này đã ngập cũng gần nửa tháng rồi”.
Đường phố ở TP.HCM ngập liên tiếp do triều cường dâng cao
Nước dâng cao tại đường Phú Thuận (quận 7)
09/11/2014 21:20
Tin, ảnh: Phạm Hữu

Thịt bò bơm nước tràn về TP.HCM

 TRẦN NGỌC - Thứ Hai, ngày 10/11/2014 - 02:35
(PL)- “Nếu các tỉnh không ngăn chặn thực trạng bò bơm nước thì TP.HCM sẽ tiếp tục hứng nguồn thịt không đảm bảo an toàn” - ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, báo động.
Nhiều bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ sau khi đọc bài “Kinh hãi bơm nước tăng trọng cho bò” (Pháp Luật TP.HCM ngày 8-11 thông tin), đồng thời lo lắng vì sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng trước nguy cơ thịt bò bơm nước bẩn.
Phóng viên Pháp Luật TP.HCM tiếp tục theo chân các cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM lấy mẫu thịt bò bán ở một số chợ ở quận 10, Tân Bình… để xét nghiệm.
Người dân TP chịu thiệt thòi
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết qua làm việc với tiểu thương, Chi cục ghi nhận thịt bò bơm nước kinh doanh tại các chợ này có nguồn gốc từ Long An, Tiền Giang…
“Nếu không ngăn chặn kịp thời hiện tượng bơm nước cho bò ở các tỉnh lân cận thì người tiêu dùng TP.HCM sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, phải có bằng chứng hẳn hòi thì các tỉnh mới “tâm phục khẩu phục”. Vì vậy, Chi cục Thú y TP.HCM phải phối hợp với cộng tác viên để ghi hình hoạt động bơm nước cho bò và yêu cầu địa phương liên quan phải giám sát chặt các lò giết mổ” - ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, đối với những tiểu thương từng bị phát hiện kinh doanh thịt bò bơm nước trên địa bàn TP.HCM thì cơ quan thú y yêu cầu viết cam kết ngưng ngay hành vi nói trên. Bên cạnh đó, cơ quan thú y sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời giữ lại lô hàng. Nếu kết quả cho thấy thịt bị nhiễm vi sinh thì sẽ bị phạt và tiêu hủy toàn bộ lô hàng.
“Do người tiêu dùng khó phân biệt thịt bò bơm nước và không bơm nước nên giải pháp căn cơ là phải kiểm soát thật chặt hoạt động bơm nước bò trước khi giết mổ ở các tỉnh” - ông Thảo nhấn mạnh.
Bò bị bơm nước tại lò giết mổ gia súc Tuấn Cúc (Tiền Giang). Ảnh: Thú y TP.HCM

Thịt bò bị bơm nước thường mềm, nhũn, không thể treo lên được. Ảnh: T.NGỌC
Chất lượng thịt bị ảnh hưởng ra sao?
Liên quan đến chất lượng thịt bò bơm nước, ông Thảo phân tích: Bò bị cưỡng ép bơm nước thật nhiều, thật no sẽ rơi vào trạng thái stress. Khi đó máu dồn xuống hệ tiêu hóa để giúp sự co bóp của bao tử. Đồng thời bao tử cũng tiết dịch để tiêu hóa thức uống. Trong giai đoạn này, chất lượng thịt sẽ không tốt. Bên cạnh đó, hệ thống các mạch máu nhỏ của đường ruột sẽ giãn nở vì vậy vi khuẩn trong đường ruột thâm nhập vào hệ thống mạch máu và nhiễm vào cơ thể bò, tạo thành những vùng thịt “mệt”. Vùng thịt “mệt” sẽ sậm màu và cứng.
Chưa hết, hệ thống mạch máu trên vùng mỡ mô liên kết nổi rõ khiến mỡ có màu bất thường, đỏ au (trong khi bình thường mỡ màu vàng hoặc trắng). Do vậy chất lượng thịt đã có sự biến đổi, không tốt, không để lâu được và mau ôi thiu.
Một DN trong ngành giết mổ, chế biến thịt heo cho biết các lò giết mổ dùng nước không sạch, nước ruộng để bơm vì có độ pH thấp, sẽ thẩm thấu nhanh. Còn nước sạch thẩm thấu chậm hơn.  Đây là hành vi vô đạo đức, thậm chí phạm tội vì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Sở dĩ còn tình trạng này là do việc chế tài, xử phạt chưa đủ tính răn đe.
Lợi nhuận “khủng”!
Cũng theo Chi cục Thú y TP.HCM, bò bị bơm nước thì nước sẽ thẩm thấu vào các cơ thịt, đặc biệt những cơ thịt vận động nhiều nên sẽ gia tăng trọng lượng. Giá bò hơi hiện nay trên dưới 65.000 đồng/kg. Một con bò bơm nước tăng thêm trung bình 20 kg thì số tiền thu lợi bất chính hơn 1 triệu đồng/con. Trừ tiền công người bơm nước (20.000-30.000 đồng/con), tiền công giết mổ (50.000-60.000 đồng/con) thì lợi nhuận quá “khủng”.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết hiện lượng bò nuôi trong nước khoảng 6 triệu con, chỉ đủ cung cấp cho các vùng địa phương, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của những khu vực trung tâm đô thị. “Do lượng bò trong nước không đủ cung cấp nên nhiều thương lái đã bơm nước vào bò để tăng trọng, thu lợi nhuận phi pháp, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng người tiêu dùng” - ông Mười nói.
Ông Mười đề nghị: “Với hành vi bơm nước cho bò, Nhà nước cần mạnh tay hơn nữa. Không chỉ phạt hành chính mà còn xác định hành vi bơm nước cho bò là xâm phạm sức khỏe người tiêu dùng”.
Ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng
Bơm nước vào thịt bò hay thịt nào khác là việc làm lừa dối và ảnh hưởng đến sức khỏe  người tiêu dùng. Qua thông tin cho thấy bò bị bơm nước nhiều lần trước khi giết mổ. Mà đâu phải họ dùng nước sạch. Nước bẩn gây nhiễm khuẩn trong thịt. Trước thực trạng báo động này, Hội đã có kiến nghị đến các cơ quan chức năng, quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế tình trạng này. Đồng thời đề nghị các chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm có thông báo chính thức, có hướng dẫn để người tiêu dùng nhận biết đâu là thịt bị bơm nước, thịt bơm nước ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào… Từ đó người tiêu dùng biết và tẩy chay thì mới góp phần đẩy lùi nạn bơm nước vào thịt.
Luật gia PHAN THỊ VIỆT THU, Phó Chủ tịch
Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM
Trước thực trạng gia súc (heo, bò…) bị bơm nước tràn lan, Bộ NN&PTNT vừa ban hành Công văn 8706 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo công an, quản lý thị trường, thú y điều tra, triệt phá việc bơm nước vào gia súc. Công khai danh sách, địa chỉ cơ sở giết mổ, buôn bán gia súc bị bơm nước.
Mặc dù trong nghề nhưng vài lần mua thịt từ chợ đầu mối về khi xẻ ra mới biết là thịt bị bơm nước. Chẳng hạn ở phần thịt ba rọi thấy lớp thứ hai bị phồng lên, khi lấy khăn vuốt thì nước phụt ra. Sau đó nhìn miếng thịt không còn đẹp nữa. Thịt bị bơm nước thì không treo được. Đối với các loại như nạc, đùi… để một hồi thấy nước chảy xung quanh. Có thể nhận biết bò bị bơm nước bằng cách ấn vào thịt thấy mềm và nhũn, còn thịt bình thường thì dẻo, đàn hồi hơn. 
Cô NGUYỄN THỊ NHÂN, tiểu thương quầy thịt chợ Gò Vấp
TÚ UYÊN ghi
TRẦN NGỌC

Lâm Đồng: 2 cán bộ tử nạn cùng “lâm tặc”



(Kiến Thức) - Hai cán bộ đang áp tải đối tượng phá rừng vượt hồ thủy điện Đồng Nai 4 bất ngờ xuồng bị chìm, khiến cả 3 người mất tích.

Ông Vương Khả Kim, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết, đến 8h30 ngày 9/11, thi thể anh Phạm Ngọc Kiên (23 tuổi) và Đỗ Văn Mam (24 tuổi), cả hai đều là cán bộ Công ty Lâm nghiệp Một thành viên Lộc Bắc, cùng một “lâm tặc” vẫn chưa được tìm thấy sau hơn một ngày mất tích.

Theo ông Kim, vào sáng ngày 8/11, lực lượng kiểm lâm huyện Bảo Lâm đã phối hợp với Công ty Lâm nghiệp Một thành viên Lộc Bắc (Bảo Lâm) tiến hành truy quét “lâm tặc” ở tiểu khu 372 và 375. Tại đây, lực lượng chức năng đã bắt được một “lâm tặc” cùng nhiều phương tiện phục vụ việc chặt phá rừng lấy gỗ.

Chiều cùng ngày, anh Phạm Ngọc Kiên và Đỗ Văn Mam áp tải đối tượng phá rừng vừa bị bắt bằng xuồng vượt hồ thủy điện Đồng Nai 4 ra vùng tập kết thì bất ngờ xuồng bị chìm. Cả 3 người trên chiếc xuồng này đều bị mất tích.

Nhận được tin báo, UBND huyện Bảo Lâm đã huy động lực lượng tới vùng gặp nạn để tìm kiếm. Tuy nhiên, do nước hồ quá sâu nên đến 8h30 ngày 9/11, thi thể các nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.
10:20 09/11/2014
Khắc Lịch

Quốc hội Việt Nam đang đi một bước lùi?

BBC-3 giờ trước
Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội VN
Quốc hội Viêt Nam từng lấy tín nhiệm công khai trong các phiên họp trước.
Quốc hội Việt Nam đang đi một bước lùi khi cơ quan lập pháp cao nhất này quyết định sẽ sử dụng hình thức 'lấy phiếu tín nhiệm kín' trong kỳ họp thứ tám, quốc hội khóa 13 đang diễn ra, theo một nhà nghiên cứu về chính sách pháp luật ở trong nước.
Trao đổi với BBC tuần này, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách Pháp luật & Phát triển từ Hà Nội cho rằng Quốc hội phải 'công khai, minh bạch' từ khâu lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cho tới khâu xử lý kết quả thu được.
Nhà nghiên cứu nói: "Theo tôi đây là bước lùi. Thứ nhất, Quốc hội là cơ quan dân cử, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội là cơ quan quyền lực của nhân dân và việc lấy phiếu tín nhiệm để quyết định việc miễn nhiệm hay không miễn nhiệm những chức danh do Quốc hội bổ nhiệm, tức cơ quan hành pháp là chủ yếu.
"Việc đó rõ ràng là quyền lực của nhân dân thì phải thực hiện một cách công khai, một cách rõ ràng, nó có tiêu chí. Ngay tiêu chí ba cấp ấy trong dư luận nhiều người cũng rất băn khoăn, 'tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp', ngay chuyện đó cũng thấy rồi."
Về khâu xử lý kết quả sau khi đo tín nhiệm, ông Giao cho rằng Quốc hội không thể có những hoạt động kiểu 'bí mật' như vậy.
Ông nói: "Thứ hai là kết quả sau khi lấy phiếu tín nhiệm sẽ được sử dụng như thế nào? Đến bây giờ... dường như không việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
"Thế bây giờ lại thêm một bước nữa là lấy tín nhiệm chỉ để bí mật, Quốc hội mà hoạt động bí mật thì nó sai hoàn toàn với nguyên lý là cơ quan dân cử. Cái đó không ở đâu giống cả, ở nhiều nước Quốc hội còn mở cửa cho dân vào và còn dự các kỳ họp của Quốc hội."

'Quốc hội phải mở'

Theo nhà nghiên cứu luật pháp này, cần phân biệt một điểm khác biệt giữa hoạt động của Chính phủ và Quốc hội.
Ông Giao nói: "Chính phủ điều hành đất nước có thể có những vấn đề cần phải bí mật, thế nhưng mà Quốc hội là cơ quan dân cử phải mở.
"Trong chuyện lấy phiếu tín nhiệm, phải để cho dân biết và cũng biết được lập trường của các Nghị sỹ, các Đại biểu đối với người A, người B như thế nào.
Theo nhà nghiên cứu này, Quốc hội có vai trò đại diện cho người dân mà lại giữ kín kết quả đo tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm như vậy là 'không ổn'.
Ông nói tiếp: "Vì anh thay mặt dân mà anh lại giữ kín kết quả đó, thì tôi nghĩ không ổn. Nó sẽ không có tác dụng làm cho tính giải trình của cơ quan Hành pháp cao hơn, tính chịu trách nhiệm của những người được lấy tín nhiệm cao hơn.
"Và dường như nó lại rơi vào câu chuyện rằng việc được bổ nhiệm, được tín nhiệm hay là bị bãi nhiệm lại rơi vào việc tùy theo ý chí của một nhóm người có quyền lực - thì không ổn."
Quốc hội Việt Nam trong phiên họp đang diễn ra, theo thông báo, sẽ tiến hành 'lấy phiếu tín nhiệm kín' với một số vị trí quan chức do Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp bầu ra hoặc phê chuẩn.

'Đi ngược xu thế'

Cũng về chủ đề này, hôm thứ Năm, 6/11/2014, từ Sài Gòn, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội của Việt Nam, nêu quan điểm tại một cuộc tọa đàm trực tuyến của BBC.
Ông nói: "Bây giờ bỏ phiếu kín, tôi cho rằng đó là hoạt động không bình thường, vì các vị do Quốc hội bầu và phê chuẩn thì toàn dân đều biết.
"Bây giờ sự tín nhiệm của Quốc hội cũng là sự tín nhiệm của cử tri, thì được bao nhiêu báo cho cử tri biết, tại sao lại kín?
Luật sư Thuận cũng cho rằng đây là một việc đi ngược lại xu thế công khai minh bạch.
Ông nói: "Việc đã làm đại biểu, đã là người công khai chịu trách nhiệm trước cử tri, mà không biết là mình tín nhiệm thế nào, mà bỏ phiếu kín, thì đó là công việc tôi cho là không bình thường, đi lại xu thế chung là xu thế hoạt động ngày càng công khai minh bạch."
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, hôm thứ Năm cũng nêu quan điểm tại cuộc tọa đàm của BBC về vấn đề này.
Ông nói: "Tôi thấy rằng Việt Nam mình luôn đi ngược với thế giới, làm khác với thế giới, và đó là một trong những nguyên nhân làm cho nước Việt Nam lạc hậu, làm cho dân Việt Nam khổ.
"Thế thì chuyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một chuyện làm ngược đời."

'Để tránh phiền phức'

Theo Giáo sư Thuyết, trên thế giới, không có nước nào làm việc này như Quốc hội Việt Nam và ông giải thích:
"Chia thành hai bước lấy phiếu, song lại bỏ phiếu, lấy phiếu thì 3 mức, chứ không phải 2 mức mà cả ba mức đều là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp."
Mặt khác, theo ông, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên được áp dụng dựa trên sự đề nghị của các Đại biểu Quốc hội để tránh gây phiền phức và mất thời gian cho các quan chức nào đang làm việc tốt mà không có vấn đề gì phải yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Vị cựu Phó Chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội VN nói:
"Ở các nước, người ta chỉ theo kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, thì người ta lấy ý kiến Quốc hội về bỏ phiếu tín nhiệm với một người nào đó cụ thể mà người đó theo Đại biểu là làm việc không tốt.
"Theo tôi tốt nhất là như vậy: đầu kỳ họp mình phát cho các đại biểu một tờ giấy thăm dò, đại biểu nào đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm nào đối với ai thì ghi vào đấy. Và cuối cùng, Ban Tổ chức thống kê xem từ 20% đại biểu trở lên đề nghị bỏ phiếu đối với ông X, ông Y chẳng hạn, thì lúc ấy chúng ta bỏ phiếu.
"Còn những người khác thì để cho người ta làm việc. Mình lúc nào cũng đem ra làm phiền người ta làm gì, tôi cho rằng cách làm của mình chẳng giống ai cả," cựu Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm.

Đức thả bong bóng thắp sáng kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ


Bong bóng thắp sáng được thả bay lên trời trước Cổng Brandenburg trong buổi lễ chính kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ, ngày 9 tháng 11, 2014.
Bong bóng thắp sáng được thả bay lên trời trước Cổng Brandenburg trong buổi lễ chính kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ, ngày 9 tháng 11, 2014.
VOA-09.11.2014 15:06

Hàng ngàn quả bóng bay màu trắng được thắp sáng đã được thả lên trời đêm ở Berlin khi thủ đô của Đức hôm Chủ nhật khép lại hoạt động kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ.

Trong một ngày được đánh dấu bởi sự trang trọng và niềm hân hoan, hàng chục ngàn người đã đổ đến "buổi tiệc công dân" tại Cổng Brandenburg, một trong những kiến trúc nổi tiếng nhất của đất nước.

Những quả bong bóng chứa đầy khí heli gắn trên đỉnh những cây cột cao 3,6 mét, bằng với chiều cao của bức tường Berlin và kéo dài 15 km. Những quả bong bóng này lần lượt được thả để tượng trưng cho sự biến mất của bức tường.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì một ngày nhiều những sự kiện, bao gồm buổi lễ cắm hoa hồng vào một trong số ít những phần còn lại của bức tường để tưởng niệm những người đã chết vì cố gắng đào thoát sang phương Tây.

Trong một bài phát biểu tại khu tưởng niệm chính cho bức tường, bà Merkel nói rằng "sự sụp đổ của bức tường cho chúng ta thấy rằng giấc mơ có thể trở thành hiện thực." Bà gọi bức tường là "biểu tượng cho sự ngược đãi của nhà nước đúc bằng bê tông" khiến "hàng triệu người bị đẩy đến giới hạn của những gì chấp nhận được."

Nhưng bà nói rằng sự sụp đổ của Bức tường Berlin vẫn mang ý nghĩa to lớn đối với những nước bị chiến tranh tàn phá của thời đại ngày nay, như Ukraine, Syria và Iraq.

"Nó cho thấy rằng chúng ta có sức mạnh để định đoạt số phận của mình và làm mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn," bà nói. "Đó là thông điệp của sự sụp đổ Bức tường. Thông điệp đó không chỉ hướng tới chúng ta ở Đức mà còn hướng tới những người khác ở châu Âu và trên thế giới, đặc biệt là cho những người ở Ukraine, Syria, Iraq và những khu vực khác, nơi mà quyền con người đang bị đe dọa hoặc bị xâm phạm."

Bức tường Berlin từng chia cắt thủ đô nước Đức và là biểu tượng của Chiến tranh Lạnh mà trong đó Mỹ và các đồng minh đối đầu với Liên Xô sau Thế chiến thứ hai.

Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev hôm thứ Bảy nói rằng thế giới đang ở bên bờ vực "một cuộc chiến tranh lạnh mới," và rằng một số người nói cuộc chiến này đã bắt đầu.

Tại một sự kiện kỷ niệm Bức tường Berlin, ông Gorbachev nói "cảnh đổ máu ở châu Âu và Trung Đông trong bối cảnh đối thoại thất bại giữa các cường quốc là mối lo ngại rất lớn."

Phương Tây và Nga đang vướng vào căng thẳng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine từ nhiều tháng qua.

Được xây dựng vào năm 1961, Bức tường Berlin chia cắt thành phố này trong gần ba thập kỷ. Nó phân chia Đông Đức do Liên Xô kiểm soát với Tây Đức mà Mỹ, Anh và Pháp chiếm đóng vào cuối Thế chiến thứ hai.

Bức tường dài 161 km được dựng lên để ngăn không cho người dân ở phía Đông đào thoát sang phía Tây. Nó chia cắt đường phố và những khu dân cư, phân ly gia đình và bạn bè.

Gần 140 người được cho là đã chết vì cố gắng để vượt qua bức tường từ Đông Berlin theo chế độ cộng sản, nhưng những nhóm đại diện cho những nạn nhân nói rằng số người chết là gần 700.

Ngày 9 tháng 11 năm 1989, chính phủ Đông Đức chấm dứt hạn chế việc di chuyển sang Tây Berlin sau nhiều tuần lễ biểu tình bắt đầu ở thành phố Leipzig ở miền đông và lan tới Đông Berlin. Đám đông hân hoan ngay lập tức đổ đến bức tường, leo lên và vượt qua cổng. Họ đập và đục những mảnh của bức tường và cùng ăn mừng với người dân Tây Berlin ở phía bên kia. Không có ai bị bắn. Việc mở cửa biên giới là một thời khắc hệ trọng trong sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

Đông Đức và Tây Đức thống nhất vào 3 tháng 10 năm 1990.

Merkel : Bức tường Berlin sụp đổ, hy vọng của các dân tộc bị áp bức

RFI-Thanh Hà
Ngày 09-11-2014 17:12
media
Kỷ niệm 25 ngày sụp đổ bức tường Berlin, 8000 quả bóng trắng được đặt dọc theo vết ngăn cũ Đông-Tây.REUTERS/Fabrizio Bensch

Ngày 09/11/2014 nước Đức tưng bừng kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ, biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh lạnh, dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản và mở đường cho nước Đức thống nhất.

Phát biểu trước đài tưởng niệm các nạn nhân của bức tường Berlin sáng ngày 09/11/2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sự kiện lịch sử xảy ra cách nay đúng 25 năm là "thông điệp hy vọng đối với những quốc gia như Ukraina, Irak hay Syria (…) đó là những nơi mà các quyền tự do bị đe dọa và chà đạp (…) Bức tường Berlin đã sụp đổ. Điều đó chứng minh là những giấc mơ có thể trở thành hiện thực (…) Những bức tường khác trên thế giới cũng có thể bị xóa bỏ, những bức tường của các chế độ độc tài, của bạo động của hận thù" rồi cũng sẽ không còn nữa.

Thủ tướng Đức Angela Merkel vào hôm nay cùng với lãnh tụ cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev và cựu lãnh đạo công đoàn Ba lan, Lech Walesa, tham dự buổi lễ kỷ niệm trọng đại tại cổng Brandenburg. Trong 28 năm, cổng Brandenburg từng là biểu tượng của một thành phố bị chia cắt giữa hai khối Đông và Tây.

Thủ tướng Đức đã khai mạc một cuộc triển lãm thường trực và đặt vòng hoa tưởng nhớ các nạn nhân chết dưới chân bức tường Berlin. Khoảng 130 người đã bỏ mình trên hành trình đi tìm tự do trong thời gian từ ngày 13/08/1961 cho tới ngày 09/11/1989.

Phát biểu tại bảo tàng thành phố, Neue Nationalgalerie, tối hôm 08/11/2014, Thủ tuớng Đức, Angela Merkel một người đã lớn lên ở Đông Đức, nhấn mạnh : "Không ai có thể đè nén vĩnh viễn thiết tha tự do của nhân loại". Cũng trong đêm 08/11/2014, rất đông người dân ở Berlin và du khách đã lũ lượt rủ nhau trở lại nơi « Bức tường ô nhục » từng được dựng lên vào năm 196. Trải dài trên 155 cây số, bức tường Berlin là biểu tượng của sự chia cắt giữa biết bao nhiêu gia đình.

Ngày 09/11/1989 dưới áp lực của đường phố đòi tự do, chính quyền Đông Đức đã bất ngờ cho phép công dân đi ra nước ngoài. Chỉ vài giờ sau, cửa khẩu biên giới tại đường Bornholm - Berlin được mở đầu tiên. Các công dân Đông Đức được dân cư ở vùng Tây Berlin đón chào nồng nhiệt. Bức tường chia cắt thành phố Berlin trong 28 năm liên tiếp không còn nữa.

Trước khi đến dự lễ kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ, cựu lãnh đạo Liên Xô, Michail Gorbachev cảnh báo quốc tế đang cận kề một cuộc Chiến tranh lạnh mới, khi mà các « cường quốc không còn biết đối thoại với nhau ». Ông Gorbachev được xem là người đã tạo môi trường thuận lợi dẫn tới biến cố ngày mồng 09/11/1989. Quan trọng hơn cả là ông đã quyết định không can thiệp quân sự vào tình hình Đông Đức, không ngăn cản nguyện vọng tự do và dân chủ của người dân nước này.

TQ, VN trước những biến cố 25 năm trước

Bùi Văn Phú Gửi cho BBC Việt ngữ từ California 8 giờ trước
Bức tường Berlin sụp đổ trong cơn biến động lớn ở Đông Âu
Năm 1989 là một dấu mốc thời gian khó quên trong lòng người dân nhiều nơi trên thế giới.
Hai mươi lăm năm trước có hai biến cố quan trọng trong lịch sử thế giới xảy ra cách nhau vài tháng: Bắc Kinh đàn áp sinh viên ở Thiên An Môn để bảo vệ chế độ cộng sản Trung Quốc và Bức tường Berlin sụp đổ, kéo theo sự tan rã của các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên bang Xô viết.

Phong trào dân chủ

Tháng Tư năm đó, cựu lãnh đạo Trung Quốc là Hồ Diệu Bang qua đời. Ông được biết đến như một người có chủ trương cải cách và đã bị phe giáo điều thanh trừng. Sinh viên tổ chức lễ tưởng niệm ông, dẫn tới biểu tình đòi dân chủ kéo dài nhiều tuần ở Thiên An Môn và các tỉnh thành trên toàn nước Trung Quốc.
Ngày 4/6 chính quyền ra lệnh cho xe tăng và binh lính vào đàn áp sinh viên. Hàng trăm, có thể hàng nghìn bạn trẻ đã chết. Cho đến nay vẫn không có con số chính xác bao nhiêu người bị thảm sát và Bắc Kinh không bao giờ nhìn nhận sự kiện.
Trong thời gian sinh viên tại Trung Quốc biểu tình, trước đó không lâu ở Đông Âu cũng đang nổi lên phong trào đòi hỏi dân chủ, chống lại các chế độ cộng sản độc tài.
Liên Xô đã yếu kém về kinh tế nên không còn mạnh để can thiệp vào Ba Lan và các nước Đông Âu như những năm 1956, 1968.
 Những mẩu bức tường Berlin vẫn còn được trưng bày ở Mỹ
Phong trào dân chủ hoá bắt đầu từ Ba Lan với các cuộc biểu tình, đình công của công nhân do người thợ điện Lech Walesa lãnh đạo vào đầu thập niên 1980. Đến cuối thập niên, chính quyền Warszaw đã phải nhượng bộ qua các cuộc bầu cử và dân đã đưa Walesa lên làm tổng thống. Năm 1991 Ba Lan xác lập một thể chế tự do dân chủ qua kỳ bầu Quốc hội đa đảng.
Làn sóng đòi dân chủ lan ra khắp vùng. Tháng 5/1989 Áo và Hungari quyết định phá bỏ những trạm gác biên giới để người dân Hung được tự do du lịch qua Tây Âu.
Việc mở cửa biên giới kéo theo hàng vạn người vượt biên bằng tàu hỏa từ những quốc gia cộng sản như Séc, đông nhất là dân Đông Đức, chạy qua Hungari rồi ào ạt đến các sứ quán Tây Đức xin tị nạn, từ mùa hè cho đến khi Bức Tường Berlin bị chính thức kéo đổ đêm 9/11/1989.

Biểu tượng chia cắt

Tường Berlin được xây dựng năm 1961, dài 145 cây số, là biểu tượng của sự ngăn chia giữa tự do và cộng sản.
Ngày nay trong bảo tàng của nhiều Tổng thống Mỹ có trưng bày những mảng Tường Berlin. Lãnh đạo Mỹ từ Richard Nixon, Gerald Ford đến Ronald Reagan, George W. Bush (Cha) coi sự sụp đổ của Bức tường Berlin là thành công của Hoa Kỳ trong cuộc Chiến Tranh Lạnh.
Thủ tướng Đức Merkel là người trưởng thành dưới sự cai trị của chính quyền cộng sản
Câu nói của Tổng thống Reagan với lãnh đạo Liên bang Xô Viết: “Ông Gorbachev. Hãy phá bức tường này đi.” là một lời thách đố còn in đậm trong lịch sử.
Trước sự bộc phát của làn sóng dân chủ ở Đông Âu, với Ba Lan là con đô-mi-nô đầu tiên mà Liên Xô đã không can thiệp, Trung Quốc lo sợ làn sóng đòi dân chủ của sinh viên cũng sẽ làm sụp chế độ nên Bắc Kinh đã ra lện cho binh lính đem xe tăng vào dẹp biểu tình trong đêm 4/6/1989.
Tại Việt Nam chính sách đổi mới kinh tế được áp dụng từ cuối năm 1986. Cởi trói văn nghệ cũng vừa được phép thực hiện theo sau đó.
Với sự yểm trợ ngầm cũng như công khai của Hoa Kỳ cho tiến trình dân chủ hóa ở Ba Lan và các nước Đông Âu, Hà Nội nghi ngờ khi mở ra những quan hệ với Hoa Kỳ, người Mỹ vào Việt Nam cùng có ý định tạo ra những làn sóng dân chủ tại đây.
Lãnh đạo cao cấp đã có người cất tiếng đòi hỏi cải cách dân chủ như Trần Xuân Bách, Phan Đình Diệu, Trần Độ và đã bị mất quyền.
Tướng Võ Nguyên Giáp tranh chức lãnh đạo và bi loại. Thân tín của ông là Đại tá Bùi Tín phải sang Pháp lưu vong.
Hà Nội đã quay sang tìm chỗ dựa ở Bắc Kinh sau khi hệ thống chủ nghĩa xã hội sụp đổ
Ủy viên Bộ Chính trị kiêm bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch ngả theo phương Tây nên bị loại ra khỏi ban lãnh đạo.
Ngày 11/5/1990 bác sĩ Nguyễn Đan Quế tuyên bố thành lập Cao trào Nhân bản và đưa ra lời kêu gọi Bộ Chính trị tôn trọng các quyền căn bản của công dân, thỉnh cầu các quốc gia yêu chuộng tự do dân chủ và người Việt hải ngoại “ủng hộ cuộc đấu tranh ôn hòa và bất bạo động của chúng tôi để thiết lập tại Việt Nam một thể chế xã hội nhân bản và tiến bộ.” Ông bị bắt giam ngay sau đó và bị kết án nhiều năm tù.

Tăng cường áp chế

Cùng lúc những người Mỹ như Don Luce, John McAuliff là những nhân vật cánh tả đã tích cực yểm trợ Hà Nội từ thời chiến tranh, giờ đây họ đến Việt Nam công tác trong các chương trình phi chính phủ và bị làm khó dễ, bị ngăn cản đi lại. Mấy giáo viên Mennonite bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Nhiều người Việt bị quản chế: Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng.
Với chính sách đổi mới, mở cửa giao thương với phương Tây, Michael Morrow, từ Mỹ và Rodzniak Thierry từ Pháp đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và bị trục xuất. Những người Việt có tiếp xúc với họ như Đoàn Thanh Liêm, Đỗ Ngọc Long, Đỗ Trung Hiếu đều bị bắt giam.
Trước đó, luật sư Đoàn Thanh Liêm đã đưa ra những lời kêu gọi thực hiện dân chủ trong bản “Thỏa thuận 5 điểm”. Ông bị kết án nhiều năm tù với tội “tuyên truyền chống Chủ nghĩa xã hội” theo điều 88 của luật hình sự.
Những nhà lãnh đạo Việt Nam lúc đó rất sợ mất chế độ
Tại Hoa Kỳ, nhân cuộc họp cấp cao giữa Chủ tịch Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ George Bush, cộng đồng người Việt đã đăng một thư ngỏ trên nhật báo Washington Post ngày 1/6/1990 kêu gọi lãnh đạo hai cường quốc dùng quyền lực và mọi biện pháp để hỗ trợ cho những đòi hỏi dân chủ hóa tại Việt Nam.
Năm 1990 cũng là năm của Hội nghị Thành Đô giữa lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Hiện nay nhiều người dân Việt đang muốn được biết nội dung những thỏa thuận gì đã được ký kết giữa hai bên.
Những bí mật liên quan đến lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên người dân không được biết. Nhưng có một điều không nói ra nhưng ai cũng rõ, đó là hai đảng cộng sản đã đồng ý hợp tác với nhau để xây lên một Bức tường Berlin mới ở châu Á, với nền móng là Trung Quốc, để bảo vệ thành trì cuối cùng của chủ nghĩa xã hội.
Bài viết phản ánh quan điểm và cách hành văn của tác giả là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.

Vệ sĩ Triều Tiên hé lộ sự thật về nhà họ Kim

TTO - Ông Lee Young-guk, cựu vệ sĩ của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il, hé lộ những bí mật xung quanh các lãnh đạo Triều Tiên và cuộc huấn luyện gian khổ để trở thành vệ sĩ của lãnh đạo.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN, ông Lee Young-guk, người tự nhận là cựu vệ sĩ của nhà lãnh đạo Kim Jong-Il và đã trốn khỏi CHDCND Triều Tiên sang Hàn Quốc, mô tả lại quá trình khắc nghiệt các vệ sĩ luyện tập để đảm nhận sứ mạnh bảo vệ lãnh tụ đất nước.
Ông Lee Young-uk là vệ sĩ của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Kong-il trong 10 năm cho đến khi lãnh đạo Kim Jong-Un nắm quyền lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.  
Vệ sĩ của Kim Jong-il khổ luyện như thế nào
Ông Lee kể ban đầu các vệ sĩ phải liên tục tập bắn bia, rèn luyện thể lực, chiến thuật, tập cử tạ, bơi lội và chèo thuyền. Nhưng đó chỉ mới là giai đoạn chuẩn bị “nhẹ nhàng” nhất. 
Các đoạn video tuyên truyền của CHDCND Triều Tiên cho thấy các vệ sĩ được tuyển chọn đều là những võ sĩ có khả năng chịu đựng những màn tra tấn thể lực vô cùng khủng khiếp.
Các video quay cảnh các vệ sĩ khi gồng người có thể chịu đựng những cú đánh bằng gậy sắt vào bụng và lưng. Họ có thể dùng “thiết đầu công” đập vỡ gạch hay nằm dưới đất, để người khác đặt miếng đá granite lên bụng rồi đập vỡ mà không hề hấn gì.
Các vệ sĩ  trải qua các cuộc huấn luyện khắc nghiệt - Ảnh: cắt từ video CNN
Họ có thân thủ nhanh nhẹn đến mức dễ dàng tránh né những lưỡi dao phi vào người từ cự ly gần. Tất cả đều thuần thục môn võ Taekwondo. Không chỉ vậy, họ được đào tạo để trở thành những xạ thủ cực kỳ lợi lại.
Phần quan trọng nhất trong quá trình huấn luyện là rèn dũa ý chí thép để quyết trung thành với lãnh tụ CHDCND Triều Tiên. “Một khẩu súng ngắn không thể giúp đem lại chiến thắng trong chiến tranh. Võ Taekwondo chỉ có tác dụng nâng cao tinh thần chiến đấu. Nhưng đây là cách để các vệ sĩ phát triển lòng trung thành tuyệt đối” - ông Lee cho biết.
“Các vệ sĩ được dạy rằng khi rèn luyện khắc nghiệt như thế này, họ sẽ đủ sức mạnh chống Mỹ. Họ cũng được dạy rằng ông Kim Jong-Il là nhà lãnh tụ tối cao, toàn năng và họ được sinh ra là để bảo vệ lãnh tụ” - ông Lee kể.
Ông Lee kể trong thời gian 10 năm bên cạnh Kim Jong-il là khoảng thời gian kinh hoàng đối với ông. Lee miêu tả Kim Jong-il có thể thưởng vàng khi ông này vui vẻ, nhưng cũng có thể trao án tử cho ai đó khi không vui. 
Theo ông Lee, khi quyền lực trao lại cho thế hệ thứ ba, nó đã trở nên khắc nghiệt hơn. "Ông Kim Jong-un đã tạo ra lòng trung thành, song nó là bắt nguồn từ sự sợ hãi”.
Theo CNN, sau khi bị bắt vì cố bỏ trốn khỏi Triều Tiên năm 1994, Lee Young-guk bị đưa tới một trại chính trị Yodok. Ông trốn thoát và trở thành một trong 25.000 người đào tẩu khỏi Triều Tiên. Ông bắt đầu cuộc sống mới ở Hàn Quốc, nuôi vịt, viết sách về cuộc sống ở Triều Tiên.l​ - Ảnh: CNN​
Trong thời gian qua, báo chí Hàn Quốc và quốc tế cũng xôn xao với việc một vệ sĩ thường xuyên xuất hiện trong các ảnh chụp ông Kim Jong-Un khi ông tiếp khách nước ngoài hoặc đi công tác. Vệ sĩ này luôn cận kề bên cạnh ông Kim Jong-Un.
Vệ sĩ của ông Kim Jong-il hiện giờ cũng đang bảo vệ Kim Jong-Un - Ảnh: nknews
 
Điều đáng nói là trước đây, khi cố lãnh tụ Kim Jong-Il còn sống và đi thăm Trung Quốc, người vệ sĩ này cũng là nhân vật bảo vệ cho ông. Các bức ảnh cho thấy người này luôn mặc bộ vest và với chiếc cà vạt sọc quen thuộc khi bảo vệ ông Kim Jong-Il và sau đó là ông Kim Jong-Un.
Đội Taekwondo của ông Kim Jong-Un
Nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên còn có đội nữ vệ sĩ. Theo báo chí Trung Quốc, ngày 1-1-2013, vợ chồng ông Kim Jong-un xuất hiện trong một buổi biểu diễn văn nghệ năm mới được truyền hình trên cả nước. Phía sau họ là hai người nữ vệ sĩ trẻ trong bộ vest đen, tóc được kẹp gọn gàng ở phía sau.
Hai nữ vệ sĩ bảo vệ nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Un Ảnh: Live Leak
Đó là một trong những lần hiếm hoi các nữ vệ sĩ của ông Kim Jong-Un lộ diện trước ống kính truyền thông. Báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo dẫn nguồn tin từ Bình Nhưỡng mô tả các nữ vệ sĩ của ông Kim Jong-Un luôn rất lạnh lùng, cặp mắt chăm chú quan sát mọi động tĩnh xung quanh. Trong những tình huống đặc biệt họ sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ ông Kim.
Việc lãnh đạo CHDCND Triều Tiên được các nữ vệ sĩ bảo vệ không phải là chuyện mới mẻ. Theo Trung Tâm Dịch vụ tình báo chiến lược Triều Tiên (NKSIS) của Hàn Quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến 8-2009, ông Kim Jong-Un mở đợt chọn lựa 90 trong số 200 cô gái từ 23 tuổi trở xuống trên khắp đất nước để trở thành thành viên đội cận vệ của ông.
Tất cả đều được phong hàm sĩ quan quân đội và mặc quân phục. Họ sống trong dinh thự của ông Kim Jong-Un. Trong số 90 cô gái này có 10 được chọn vào đội võ thuật Taekwondo thuộc Bộ Công an Triều Tiên, chuyên nhiệm vụ hộ tống ông Kim. Các nữ cận vệ này luôn theo sát ông Kim như hình với bóng.
Báo Trung Qốc Nam Phương cuối tuần dẫn nguồn tin từ Bình Nhưỡng cho biết nhà chức trách CHDCND Triều Tiên xét lý lịch các vệ sĩ của ông Kim Jong-Un vô cùng nghiêm ngặt, lên tới 17 đời. Các nữ vệ sĩ không có cuộc sống cá nhân.
Việc đi lại, sinh hoạt, nghỉ lễ đều vô cùng hạn chế. Đổi lại họ nhận được chế độ đối xử đặc biệt. Khi thi hành nhiệm vụ, họ là những người được trang bị tốt nhất trong quân đội. Người thân của các vệ sĩ cũng được ưu tiên thăng quan tiến chức.
 09/11/2014 15:12